Ngày Dài Nhất Trong Đời Bác Sĩ
7 giờ 30 AM
Tôi lái chiếc Dauphine đến bệnh viện Bình Dân từ nhà ở đường Pasteur gần Hiền Vương. Mấy hôm nay bệnh nhân đã về nhiều nên mỗi giường chỉ có một người và có nhiều giường trống. Bệnh viện có tất cả là 400 giường, song những năm về sau, số bệnh nhân gấp 3 gấp 4. Giường vừa cho một người nằm, còn 2, 3 người khác chỉ có tên ở đầu giường. Họ lẩn quẩn ở gần, chờ khi đến giờ phát cơm hoặc giờ bác sĩ đi thăm bệnh và kê thuốc thì hiện ra.
Tôi đến phòng 10 Khu Chỉnh Trực, gặp anh bác sĩ trẻ đang đi một vòng các giường, anh không phải là nhân viên chính thức của khu mà là bác sĩ động viên vào quân đội, nhưng tiểu đoàn anh ở miền Trung đã bị tan rã vào cuối tháng tư 75, nên anh đến làm ở khu Chỉnh Trực như một người tình nguyện. Ở khu này còn mấy anh bác sĩ nữa cũng ở trong cùng một tình trạng. Khi tôi đến phòng 10 thì các anh cùng với tôi đi thăm bệnh nhân.
9 giờ 25 AM
Tôi đang đứng ở ven giường bệnh nhân, nghe một anh bác sĩ trình bày về tình trạng của bệnh nhân ấy, thì ông Lâu, y tá trưởng của bệnh viện, vào gặp tôi và báo tin tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh buông súng cho các đơn vị chiến đấu của Việt Nam Cộng Hòa. Chỉ một chút sau, nghe có tiếng súng nổ, lúc liên hồi, lúc từng phát, lúc xa, lúc gần. Bác sĩ Hùng ở khu Ung Thư cùng bác sĩ Tần ở khu Giải Phẫu Tổng Quát cùng một số bác sĩ khác, và ông Lâu đến phòng 10 yêu cầu tôi thay bác sĩ giám đốc hiện không có mặt ở Saigon. Giáo sư Phạm Biểu Tâm thì chỉ có một mình bên bệnh viện Saint Paul, cũng như Giáo sư Trần Ngọc Ninh ở khu Phẫu Nhi bệnh viện Nhi Đồng. Đằng khác, nạn nhân bị đạn lạc kéo vào đến bệnh viện, mà sân sau thì đầy súng ống vứt qua tường rào, của các binh sĩ bỏ chạy. Lại có tin nạn nhân vào bệnh viện cho biết ở một vài nơi có lính mang súng vô kỷ luật …
Từ năm 1952 là năm tôi ra trường cho đến năm 1975, là 23 năm. Tôi không hề được huấn luyện để điều khiển một bệnh viện, tôi cũng không có một chút gì về kinh nghiện quản trị. Cách đây không lâu, bác sĩ Huỳnh Văn Hưởn, Tổng Trưởng Bộ Y Tế, đến nhà tôi yêu cầu tôi thay thế giáo sư Đào Đức Hoành đệ đơn từ chức Giám đốc bệnh viện Bình Dân, nhưng tôi từ chối. Sau giáo sư Phạm Biểu Tâm biết chuyện bảo tôi đáng lẽ nên nhận, và tôi cũng viện lẽ không có khả năng, nếu tôi làm hành chánh thì sẽ hỏng việc.
Nhưng hôm nay giáo sư Ngô Gia Hy và giáo sư Nguyễn Khắc Minh thì làm không xuể trên phòng mổ, nên tôi đành nhận.
9 giờ 45 AM
Khi mớ súng M16 và súng lục Smith & Wesson đã cất kỹ vào một phòng nhỏ khoá trái cửa, anh bác sĩ Bùi Văn Đức vẫn còn lo, lỡ có người bẻ khóa vào lấy súng rồi súng trong tay họ ăn cướp thì tay không đối phó làm sao? Thế là lại mở khoá, vào phòng lấy súng, bao nhiêu mỏ cò súng lớn súng nhỏ, anh Đức đập cho cong lại. Bao nhiêu súng lục, ông Lâu và tôi mang ra mấy cái miệng cống ở Phan Thanh Giản vứt xuống. Còn súng M16 to quá không vứt được thì tạm cứ để trong phòng cũ, khóa trái cửa.
Nạn nhân ùn ùn kéo đến bệnh viện. Lại có những người đến hỏi thân nhân họ có được chở đến bệnh viện không và hiện nằm ở đâu? Anh Đức bây giờ phụ trách phòng lựa bệnh, ai nhẹ thì trao cho một số sinh viên Y khoa giải quyết ở phòng tiểu phẫu, ai nặng thì cho chở lên lầu mổ. Tôi cử anh Đức phụ trách thêm việc giao dịch với những người đến hỏi tin tức của bà con.
Một việc nữa phải giải quyết là trên lầu mổ thiếu nhân viên. Bác sĩ không thiếu, chỉ thiếu y tá. Tôi bèn cử tất cả các cô thư ký của trường Y khoa làm ở Bình Dân lên lầu mổ.
10 giờ 10 AM
Tôi được cú điện thoại từ bệnh viện Saint Paul gọi đến, vợ tôi báo tin là cả nhà đã đến trú ở Saint Paul để tránh đạn lạc. Nhà tôi ở Pasteur chỉ có một tầng, và mái ngói, còn ở Saint Paul ba tầng xi măng cốt sắt, thế là yên trí về vợ con.
Tôi mới nghĩ ra là nhân viên ở bệnh viện cũng có vợ chồng, con cái, và giờ này ai cũng lo không biết ở nhà ra sao? Trong máy phóng thanh, tôi yêu cầu các ông bà y tá, y công ai muốn đem người nhà vào bệnh viện thì ở đây sẵn sàng đón tiếp.
10 giờ 20 AM
Ba anh thanh niên đeo băng đỏ đến Bình Dân xin bông băng và thuốc đỏ, để về săn sóc cho nạn nhân ở khu phố. Tôi không cho. Vì không biết bông băng ở Bình Dân có đủ cho ngày hôm nay và những ngày sắp tới, nên tôi bảo các anh chở bệnh nhân đến Bình Dân hoặc bệnh viện nào gần nhất.
10 giờ 25 AM
Tôi yêu cầu bác sĩ phụ trách các phòng, coi bệnh nhân bị bệnh kinh niên ai có thể về được thì cho về.
Tôi đi cùng với ông Lâu xuống nơi mà trong 20 năm làm ở Bình Dân tôi chưa hề bước chân tới: đó là nhà bếp. Xuống đấy, thấy các bà các cô nhà bếp đang nấu cơm trong mấy cái chảo lớn. Đây mới là nơi khói lửa, nhưng không một ai vắng mặt hôm nay. Tôi được biết gạo còn nhiều, thức ăn còn ăn được nhiều ngày.
10 giờ 45 AM
Máy phóng thanh kêu tôi lên phòng mổ. Một người bị gẫy xương đùi, gẫy kín do chạy ngang đường bị xe đụng. Có hai cách giải quyết: Một là cho nằm kéo tạ, hai là giải phẫu, đóng một cái đinh trong ống tuỷ xương. Kéo tạ thì nằm chiếm chỗ 6 tuần. Chỉ còn cách đóng đinh, nhưng không cần ngay.
Thương tích theo thứ tự ưu tiên giải quyết chia làm 7 hạng:
-Ưu tiên 1 dành cho thương tích bộ máy hô hấp, nạn nhân không thở được có thể chết trong vài phút.
-Ưu tiên 2 là thương tích tim mạch: nạn nhân mất máu có thể chết trong vòng vài giờ.
-Ưu tiên 3 là thương tích sọ não.
– Ưu tiên 4 là thương tích bộ máy tiêu hoá. Chỉ trong 2 ngày bị đạn hay mảnh kim khí vào óc, hoặc lủng ruột, nạn nhân không được săn sóc có thể lâm vào ting trạng khó cứu sống. -Ưu tiên 5 là thương tích bộ phận tiết niệu.
– Ưu tiên 6 là bộ phận sinh dục.
-Ưu tiên 7 mới đến gẫy xương, trật khớp.
Tôi chỉ định làm nẹp tạm cho người gẫy xương đùi.
11 giờ 05 AM
Ở phòng 9
Một bà bệnh nhân bị xích chân vào giường. Bà ta trước ở Chí Hòa gửi đến, và hằng ngày có cảnh sát trông coi. Nhưng hôm nay, cảnh sát không tới. Phòng 9 hỏi tôi:
-giải quyết làm sao
-Tháo xích cho bà ấy, bệnh viện không phải là nhà tù.
Cô y tá phòng 9 cho biết, bà ấy vốn là giáo sư đã đánh chết học trò.
Nghĩ đi, nghĩ lại, tôi bảo:
-Thôi hãy bảo bà ấy đưa căn cước cho mình giữ.
Rồi anh bác sĩ Đức lấy giũa tháo xích cho bà ấy.
11 giờ 25 AM
Tôi lên lầu mổ. Bệnh nhân nằm la liệt ở phòng chờ, trên giường, trên cáng, dưới đất.
Một bác sĩ ngồi chồm hổm đang biên chép hồ sơ bệnh lý, bên cạnh nạn nhân.
Một bác sĩ khác đang rạch da háng bệnh nhân tìm tĩnh mạch để bơm serum vì mạch máu dưới da các nơi khác đã bị xẹp, vì thiếu máu.
Ở một góc phòng, một bác sĩ đã rạch được da ở cổ và cuống họng, đang nhét ống kim khí vào cho bệnh nhân thở. Cô y tá cho cái ống hút vào ống kim khí hút ra đờm và máu. Bệnh nhân bị đạn xuyên qua phổi. Trong khi chờ may lại thì các vết đạn vào và ra ở ngực đã băng kín.
Tôi thay quần áo rồi vào phòng A.
Đang mổ một người bị đạn vào bụng. Đạn xuyên qua dạ dày, và tìm thấy ở ngay trước động mạch chủ là động mạch chính của cơ thể, đường kính lớn hơn ngón tay cái. May cho nạn nhân, viên đạn qua da bụng, qua vách trước và vách sau của dạ dầy, chắc hết đà, nên ngoan ngoãn nằm sau dạ dày. Nếu đà còn mạnh, nó có thể làm lủng động mạch chủ, máu sẽ ra như suối, nạn nhân có thể chết trước khi được đưa tới bệnh viện. Hoặc là viên đạn vẫn còn đà, có thể làm vỡ xương sống, chui vào ống tuỷ. Nếu bệnh nhân sống sót cũng bị liệt hai chân, liệt bọng đái.
Sang phòng B
Nạn nhân cũng bị đạn ở bụng. Viên đạn sau khi làm lủng ruột già chui ra sau và nằm trong thận. Trước khi mổ, bác sĩ thông bàng quang thấy có máu trong nước tiểu, và cho chụp X quang, thấy đạn ở thận. Vì đạn vào ở phía trước nên phải mổ bụng để thám sát. Trường hợp nầy chắc phải mở ruột già ở phía trên hai nơi lủng rồi may vào da, cho phân ra ngoài. Không làm như vậy mà cứ may hai lỗ hủng ở ruột già thì cũng bục ra vì dơ. Giáo sư Ngô Gia Hy đã được mời qua để giải quyết viên đạn nằm trong thận, nhưng còn đang bận mổ.
Ở phòng C
Một nạn nhân té từ trên cao xuống, bị dập lá lách. Bác sĩ đang hút bớt máu trong bụng. Giáo sư Nguyễn Khắc Minh đứng ở đầu bàn mổ đang cho truyền máu. Máu chảy có vòi từ bịch máu xuống ống plastic. Cô y tá gây mê tay bóp quả bóng cao su, bơm dưỡng khí cho bệnh nhân thở. Rất mau bác sĩ giải phẫu tìm được lá lách với chỗ bị dập. Nhẹ cầm lá lách trên tay, bác sĩ khẻ kéo lên và đặt hai cái kẹp vào cuống lá lách. Máu ở nơi dập ngưng rỉ ra. Bác sĩ lấy kéo cắt cuống lá lách ở giữa hai kẹp và vứt cái lá lách lên bàn dụng cụ.
Tôi sang phòng D
Bệnh nhân đã mổ xong. Các cô y tá đang băng vết mổ lại. Xe cáng sẵn bên cạnh bàn mổ, chờ để chuyển bệnh nhân sang. Giáo sư Hy đang ngồi viết tường trình cuộc mổ.
Bên phòng E
Bác sĩ Văn Tần vừa nối xong động mạch đùi của một nạn nhân bị đạn bắn gẫy xương đùi, và một mảnh xương gẫy làm đứt động mạch. Giải phẫu tim mạch đòi hỏi thời gian huấn luyện lâu dài. Bác sĩ Văn Tần là một trong những bác sĩ trong khu Giải Phẫu Tổng Quát của bác sĩ Phạm Biểu Tâm. Giáo sư Tâm đã cho 5 bác sĩ trong khu này đi du học ở Mỹ và sắp đến lượt bác sĩ Tần thì xảy ra biến cố ngày hôm nay.
Sang phòng F
Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, thuộc khu Ung thư đang rửa tay, sửa soạn vào phòng mổ. Bác sĩ cho tôi biết đã cho nhiều bệnh nhân ở khu Ung thư về, để dành giường cho NẠN NHÂN. Khu Ung thư là một dãy nhà ba tầng mới xây, xi măng, cốt sắt kiêng cố, không phải tường gạch, mái ngói như các khu khác. Nghe đâu trước kia, bệnh viện Bình Dân được xây là để làm nhà dưỡng lão. Sau trường Y khoa Hà Nội tản cư vào năm 1954 thì mới đổi làm bệnh viện cho sinh viên Y khoa thực tập.
Tôi trở về phòng thay áo rồi xuống dưới nhà. Các bệnh nhân phải mổ còn nhiều, nhưng trong tay các giáo sư, bác sĩ giỏi nhất của bệnh viện và trường Y khoa, mọi việc chắc sẽ trôi chảy.
12 giờ 35 PM
Tôi ra phòng Tiểu phẫu
Ở đây cũng nhiều bệnh nhân chờ mổ. Một bà đứng tuổi nhìn vào tên tôi thêu trên ngực áo blouse rồi hỏi:
– Phải bác sĩ là bác sĩ Hoàng trước ở bệnh viện Nhi Đồng không?
Tôi trả lời : phải, thì bà cho biết bà là mẹ đứa trẻ bị lồng ruột mà tôi đã mổ ở bệnh viện Nhi Đồng cách đây 18 năm. Bà nói:
-Cháu đi lính, đơn vị tan rã, ba ngày ba đêm mới về đến Saigon. Hôm nay, lại bị đạn vào tay, cháu nằm trong kia.
Nếu chứng lồng ruột quen thuộc đối với bác sĩ, thì người không trong y giới ít biết đến bệnh này. Phải có con bị chứng đó, mới còn nhớ chẩn bệnh 18 năm sau.
Tôi không còn nhớ bệnh nhân, nhưng chứng lồng ruột thì không thể nào quên được.
Đứa trẻ thường chỉ một, hai tuổi. Nó đi cầu chút một, chút một, nhưng toàn máu tươi. Rất mau, bụng nó phình lên. Người nhà đưa đến bác sĩ. Với triệu chứng sình bụng và đi cầu ra máu chút một nhiều lần, bác sĩ nghĩ ngay đến chứng lồng ruột. Đôi khi sờ bụng thấy khúc ruột lồng, như một thỏi xúc xích. Vào bệnh viện bơm thuốc cản quang vào hậu môn, thấy nơi bị tắc. Nếu bơm thuốc vào mà nơi ruột lồng được gỡ ra thì khỏi mổ. Bằng không mổ ra thấy khúc ruột bị lồng, như cái tay áo lộn dở dang, thì chỉ việc lộn lại tay áo. Có khi khó làm vì ruột lồng đã bị sưng, hoặc là ruột hết lồng nhưng cứ tím sẫm, thì phải cắt bỏ khúc này đi vì nó bắt đầu thối do thiếu máu. Ruột lồng mà không can thiệp kịp thời, bệnh nhân sẽ chết. Qua một cuộc giải phẫu thường không lấy gì làm khó khăn, đứa trẻ sống sót.
Mười Tám năm sau, gặp lại nó, nó đã là thanh niên cầm súng bảo vệ nước nhà. Đó là cái vinh của nghề bác sĩ.
12 giờ 50. PM
Tôi đang đi qua phòng số 8
Cô y tá trong phòng chạy ra hớt hải:
-May quá gặp bác sĩ. Bác sĩ vào xem một người bị khó thở.
Tôi vội theo vào, thấy bệnh nhân nằm ngữa trên giường đang cong người lên khiến cho đầu và hai vai nhấc cao lên khỏi mặt giường, mồm há hốc, hai mắt trợn lên, rõ ràng một người muốn thở mà hít không khí không được. Ở mép người ấy rỉ chút máu, khiến tôi nghĩ ngay đến tắc cổ họng. Cho ngón tay trỏ vào cổ họng người ấy, tôi moi ra một cục máu đông. Tôi nói với cô y tá:
-Cô cho tôi cái máy hút.
-Ở ngay bên cạnh ông thầy.
Thế mà mãi làm tôi không thấy. Tôi hút đờm rãi trong miệng bệnh nhân. Mặt bệnh nhân trở nên hồng hào. Ngực lên xuống theo nhịp thở, tôi nói với cô y tá:
-Cô cho tôi hồ sơ bệnh nhân.
Cô y tá đưa tôi liền hồ sơ đã cầm sẵn trong tay, Cô này lúc nào cũng sẵn sàng.
Tôi đọc hồ sơ mới mổ sáng nay ở bụng. Không có vết thương ngực hay vết thương cổ. Chỉ có thể đoán cục máu ở cuống họng do lúc gây mê, cái ống thông khí quản của cô y tá gây mê đã làm trầy cuống họng, máu cứ ri rỉ và đóng cục cho đến khi làm tắc hẳn cuống họng. Trường hợp này ít khi xảy ra nếu bệnh nhân sau khi mổ còn được nằm trên phòng hồi sức. Nhưng phòng hồi sức hôm nay đông quá, nên bệnh nhân tỉnh rồi phải cho xuống phòng 8. May sao có cô y tá BIẾT KỊP THỜI và đi tìm bác sĩ.
1 giờ 30. PM
Tôi đi qua khu Tiết Niệu
Gặp ông y tá Nghi ngồi gần cửa nói:
-Bác sĩ sơi cơm chưa?
-Chưa ông à.
-Mời bác sĩ vào đây.
Cơm và thức ăn đã sẵn. Ông Nghi cho biết đây là mâm cơm dành cho giáo sư Ngô Gia Hy, nhưng giáo sư còn đang mổ trên lầu.
-Mời bác sĩ sơi trước, chúng tôi sẽ dọn mâm khác cho giáo sư Hy.
Nhân viên bệnh viện hôm nay ai cũng vui vẻ đối với tôi, khiến tôi thấy lòng phấn khởi.
2 giờ 05 PM
Tôi thấy buồn ngủ vì hằng ngày về nhà ăn cơm rồi ngủ trưa, phải kiếm chỗ nào ngả lung chứ không thì suốt buổi chiều cứ như người say. Nhưng bệnh viện hôm nay có nơi nào nằm được đây? Đi ngang lối đi giữa phòng 8 và phòng 10 mới nhớ là trong nhà nguyện có ghế dài, có thể ngả lưng. Tôi rẽ vào lối đi, vào nhà nguyện, đang quỳ đọc kinh lạy Cha thì nghe tiếng gọi tôi trong máy phóng thanh.
2 giờ 10.PM
Tôi ra cổng bệnh viện thấy ba bà soeur Saint Paul mặc áo trắng. Ông Lâu cho biết bà Nhất bên bệnh viện Saint Paul đã cử ba bà soeur sang giúp Bình Dân, bà lại cho đem 10 bịch máu sang. Quý hoá quá, ba bà soeur được đưa lên phòng mổ.
2 giờ 17.PM
Ông Lâu cho biết, chẩn y viện Khánh Hội vừa điện thoại sang báo tin có một người khuân tạ gạo của Mỹ để lại trong kho Khánh Hội bị gẫy xương sống đang nằm ở đó. Họ nhờ bệnh viện Bình Dân cho xe ambulance đến chở về.
Người bị gẫy xương sống có thể bị liệt hạ chi do xương đè vào tuỷ trong ống tuỷ.
Lúc chuyên chở mà KHÔNG CẨN THẬN, thì người chưa bị liệt, có thể hoá bị liệt hoàn toàn. Các bác sĩ khu Chỉnh Trực đều bận trên lầu mổ. Thế là tôi ngồi lên xe ambulance với người y công, đem theo một ván cửa để làm ván cứng cho bệnh nhân nằm lên. Xe có còi hụ phóng từ Phan Thanh Giản đến cầu Quay chỉ độ mươi phút. Dọc đường tôi thấy quang cảnh Saigon khi không còn chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và quân đội cộng sản chưa tới. Người ta vẫn đi lại ngoài đường như không có chuyện gì xảy ra. Saigon quá quen đối với những đảo chánh và thay đổi chính phủ. Chỉ có xe cộ là bớt đi.
Chợ Bến Thành vẫn mở cửa,nhưng lèo tèo.
Trên vỉa hè đường Hàm Nghi, trẻ con bầy giầy lính thành một hàng dài.
Đến cầu Quay thấy một quang cảnh khác lạ không một chiếc tàu thuyền nào trên sông Saigon hay ở bến. Ở nhà kho của Mỹ, người ta đang tiếp tục chở gạo ra. Xe ambulance thẳng tiến trên đường Trịnh Minh Thế, quẹo phải sang Hoàng Diệu đến chẩn y viện Khánh Hội, trước chợ Xóm Chiếu. Bác sĩ đưa chúng tôi vào phòng chờ, coi bệnh nhân nằm trên cáng. Tôi nói :
-anh ta dơ hai tay lên, anh làm được.
-Bảo quay cổ cũng làm được. Thế là tạm yên trí về xương sống cổ.
-Bảo co chân phải, anh ta co lên
-đến chân trái thì chỉ nhúc nhích được các ngón, không co được đầu gối.
Tôi nói với bác sĩ và một ông y tá của chẩn y viện, cùng với người y công đi theo giúp tôi khiêng bệnh nhân từ cáng sang cánh cửa đặt bên cạnh cáng. Ba người kia ngồi xổm trên cánh cửa luồn hai tay xuống dưới bệnh nhân, một người ở mông, một người ở lưng, một người dưới hai đùi. Còn tôi thì đứng về phía đầu, hai tay cầm đầu bệnh nhân và kéo nhẹ. Hô một tiếng, chúng tôi cùng nâng anh lên khỏi cáng, chuyển sang cánh cửa.
Tôi lấy băng cột nạn nhân vào cánh cửa và cùng khiêng ra xe.
2 giờ 49 PM
Xe ambulance về tới Bình Dân, tôi hỏi ông Lâu có gì xảy ra trong khoảng nửa giờ tôi đi vắng, thì ông nói trên lầu Ung Thư có người bị ung thư phổi sắp qua đời. Tôi lên đấy thì bệnh nhân đã tắt thở. Bệnh nhân bị ung thư phổi do hút thuốc lá mới 49 tuổi. Người ấy đã được giải phẫu cắt bỏ một lá phổi cách đây hơn một tháng, rồi sau đó ung thư lan sang lá phổi còn lại và gan. Tôi đang ngồi viết giấy khai tử thì người nhà cõng người ấy ra taxi về. Họ nói nếu biết là chết thì taxi không chịu chở.
3 giờ 20 PM
Một đứa nhỏ chừng hai tuổi được đưa tới bệnh viện Bình Dân vì đi tiêu chảy từ sáng. Đáng lẽ bệnh viện Nhi Đồng nhận những trường hợp này, nhưng khi bệnh nhân bị nặng thì chúng tôi không chuyển đi.
-Đứa trẻ mặt đã hơi tím.
-Tôi bấu da ở đùi nó ở giữa đầu ngón tay cái và ngón trỏ, đứa trẻ không thấy đau.
-Khi bỏ tay ra thì thay vì da nó căng trở lại, vẫn giữ nếp gấp, đứa trẻ đã mất nước khá nhiều.
Khi trẻ con bị đi cầu chảy, người nhà thường không cho nó uống nước.
Đứa trẻ đã mất nhiều nước vì đi cầu, lại không được uống, nên có thể chết được.
Ở phòng mạch tư, khi gặp trẻ con đi tiêu chảy mà không cần cho vào bệnh viện.
Tôi thường cho dăm bẩy gói lactose nhỏ, nói với bà mẹ cứ nửa giờ pha một gói vào một ly nước đun sôi để nguội cho đứa trẻ uống 5 phút một lần, mỗi lần 3 muỗng canh.
Nếu chỉ dặn các bà cho uống thật nhiều nước lã thì chắc các bà không làm.
Đằng này đưa gói đường bảo là thuốc và dặn dò ra vẻ quan trọng thì các bà nghe.
Anh sinh viên đã rạch da ở cẳng chân và tìm thấy veine, nhưng veine xẹp lép, không lồng kim chích vào được.
-Tôi tìm được veine ở cổ cho truyền serum salé. Một lát sau mạch ở đùi nó lúc đầu chỉ hơi thấy và rất mau, bây giờ mạnh hơn và bớt đập nhanh.
-Tôi nghe phổi thấy thở đều.
Truyền hết một lít nước biển, nghe phổi thấy không có triệu chứng ứ nước, tôi tiếp tục truyền chai khác nhưng chỉ cho chảy chậm.
– Dặn anh sinh viên cứ năm phút nghe phổi
-và khi nào nó đi tiểu được cho tôi biết.
Tôi đã điện thoại và được vợ tôi cho biết đã đưa các con về nhà.
Tôi nói tối nay tôi ở lại bệnh viện.
Tôi đi vòng một lượt các phòng thấy phần nhiều đang ăn cơm. Phần tôi mới ăn lúc quá trưa nên không thấy đói. Vả lại tôi xà vào đâu cũng có cái ăn, chẳng phải lo.
5 giờ 45 PM
Lầu mổ hai tầng, ở giữa nhô lên một cái tháp vuông 4 tầng. Hai tầng trên bỏ trống, cửa sổ không cánh cửa. Đã lâu tôi mới lại lên tháp này. Đứng ở lầu 4 nhìn thấy những nhà cao nhất Saigon nhô lên khỏi rừng cây xanh rì, hai tháp nhà thờ Đức Bà, khách sạn Palace, tháp nhà thờ Huyện Sĩ, bệnh viện Chợ Rẫy…
Mặt trời đỏ ối đang lặn dần. Cả ngày hôm nay, không có lúc nào để suy nghĩ. Tôi và gia đình sẽ ra sao? Tôi 55 tuổi. Ở tuổi này, cuộc đời đã thành nếp, tôi sẽ khó lòng thích hợp với đổi thay, với cộng sản. Nhưng các con tôi, lớn nhất 20, nhỏ nhất 7 tuổi, sẽ thích ứng dễ dàng. Tôi tự nhủ như thế.
Làm sao mà tôi biết được sau này những điều xảy ra trái ngược hẳn những điều tiên đoán. Tôi thích hợp được, nhưng các con thì không?
Mặt trời đã lặn. Phương Tây, nền trời màu đỏ. Phía Đông ngã tím sẫm. Màn đêm sắp xuống.
Nước tôi đã trãi qua biết bao tai biến, nhưng đêm qua rồi, trời sẽ lại sáng.
6 giờ 00 PM
Xuống dưới nhà
Nghe thấy có tiếng la hét ở phòng tiểu phẫu. Mới bước vào tôi nghe thấy sặc mùi rượu. Mùi rượu buồn nôn ở miệng người say xông lên. Trên bàn mổ, nạn nhân giằng co la lối om xòm, trong khi bốn người cố cột anh vào bàn. Máu từ đầu anh ta chảy ra tùm lum. Chân tay bị cột rồi mà anh ta vẫn còn vặn vẹo. Một người giữ đầu, một người cắt bớt tóc, để lộ vết thương dài từ trán bên phải vòng lên đỉnh đầu sang tai bên trái. Vết thương mở toác. Hai mép chỗ máu rỉ ra, chỗ máu phun có vòi. Một anh sinh viên cầm ống chích có thuốc tê định chích nhưng đầu bệnh nhân cứ lắc lư dẫu có người giữ, nên không chích được.
Tôi hỏi :
-chụp X quang chưa? Một sinh viên nói
-Chưa!
-Hãy đắp gạc vào vết thương và băng lại cho đỡ chảy máu.
Trong lúc đó, tôi nói với cô y tá :
-lên lầu mổ mượn ít pinces en T. (Đây là những cái kẹp máu mà đầu thay vì nhọn, thì ngang như chữ T. Kẹp chiều ngang chữ T vào mép vết thương thì dễ cầm máu lại.)
-Kêu phòng quang tuyến cho máy lưu động sang chụp.
-Phải lấy băng cột chặt đầu bệnh nhân vào bàn mổ mới chụp được.
-Phim rửa ra thì không thấy vỡ sọ.
-Lúc đó đã có pinces en T, thì bệnh nhân chắc la hét dãy dụa đã thấm mệt, nên ngủ li bì, chích thuốc tê dễ dàng. Rồi vừa kẹp, vừa may lại
-thấy môi anh ta nhợt nhạt, tôi cho thử máu. Hồng cầu chỉ còn hơn hai triệu. Bình thường bốn triệu rưỡi, năm triệu hay hơn. Như vậy bệnh nhân đã mất hàng lít máu. Điện thoại cho ngân hàng máu, chỉ còn 9 bịch. Phải để dành cho những người ở trên lầu. Cho truyền nước biển.
Tôi ra ngoài. Bà mẹ mếu máo hỏi: -Cháu có qua khỏi không bác sĩ? – Bà yên tâm, chắc sẽ qua khỏi. -Nó đi nhậu say rồi đâm xe Honda vào cột đèn. Mỗi người có một cách chấp nhận ngày 30 tháng Tư 1975, nhưng cái cách của anh ta thì tạm gọi là stupid.
7 giờ 50 PM
Tôi lên lầu mổ. Không còn ai ở phòng chờ, nhưng còn mấy phòng mổ đang làm việc. Giáo sư Minh kêu tôi vào phòng ăn cơm.
Tôi sang phòng anh Minh ăn cơm cùng với anh. Sau một ngày dài, gặp nhau trong bữa cơm sao vui thế. Cơm xong, tôi thấy nặng bụng, lên giường nằm nghỉ, rồi ngủ lúc nào không hay.
Lúc tôi tỉnh dậy, trông qua cửa sổ tối om. Thấy tôi ngồi lên, anh Minh nói:
– Có chiếc xe tăng T54 ở cửa bệnh viện.
Tôi đứng lên ra cửa sổ. Dưới đường thấy một khối đen lù lù. Khi mắt quen dần với đêm tối, tôi nhận ra nòng súng canon chỉa ra trước xe. Rồi bỗng có tiếng động cơ ầm ầm, tiếng xích sắt nghiến đường nhựa, chiếc xe tăng tiến trên đường Phan Thanh Giản, ngược chiều.
3 giờ 55 AM
Tỉnh dậy, thấy anh Minh còn ngủ, tôi dón dén mặc áo, xỏ giầy ra phòng hồi sức. Ở đây, đèn bật cả đêm. Trông vào phòng mổ, tối om.
4 giờ 05 AM
Xuống nhà dưới, gặp ông Lâu. Tôi hỏi: -Ông có nước trà không? Ông đưa tôi xuống bếp. Giờ này, bếp đã nổi lửa để nấu cơm sáng. Uống nước xong, ở bếp ra, thấy nhà xác có ánh đèn sáng. Chúng tôi qua đấy. Người chết nằm ngổn ngang. Tôi đếm được 34 người.
4 giờ 40 AM
Tôi vào phòng ông Lâu. Uống nước trà, rồi tỉnh táo. Vả lại tôi đã ngủ nhiều. Ông Lâu cũng thế, hai chúng tôi ngồi ôn lại những chuyện đã xảy ra ban ngày, cho đến lúc nhìn qua cửa sổ, thấy tờ mờ sáng.
5 giờ 45 AM Giờ này chắc ở nhà vợ tôi đã dậy, sửa soạn bữa ăn sáng cho các con. Tôi định gọi điện thoại về nhà, nhưng lại thôi. Phần vì điện thoại ở nhà trên, gần cái phòng con cái đang ngủ, mà vợ tôi ở dưới bếp. Chuông sẽ reo cho đến khi bỏ bếp lên nhà trên, trẻ con có thể thức dậy. Vả lại đối với chúng tôi là một thói quen: tôi đi trực ít khi điện thoại về nhà, và vợ tôi hầu như chẳng bao giờ điện thoại vào bệnh viện.
6 giờ 00 AM
Ngoài những tiếng xích lô máy chạy rầm rầm. Ông Lâu bảo tôi:
-Chắc hôm nay các ông ấy đến.
Tôi gật đầu. Tôi hiểu các ông ấy là ai. Tôi nói:
-Chắc tôi về nhà tắm một chút.
6 giờ 15 AM
Tôi lái xe dauphine từ bên hông khu Tai-Mũi-Họng ra đến cổng vừa vặn 3 người xuất hiện, tay đeo băng đỏ. Các ông ấy đã đến.
Ba người cùng mặc quần áo màu xanh lá cây đậm, đầu đội mũ vành rộng cùng y màu, chân đi dép râu. Người đứng giữa đeo súng lục. Hai người kia đeo AK47 trên vai. Tôi đậu xe vào một bên, mở cửa thấy ông Lâu đứng trước 3 người áo xanh. Ông Lâu giới thiệu tôi:
-Đây là bác sĩ Giám đốc. Tôi nói với ông Lâu:
-Ta đưa các ông vào.
Phòng Giám đốc ở ngay gần cửa. Ông Lâu lấy chìa khoá mở cửa tôi mới nhớ ra, ông Lâu vừa phong cho tôi chức giám đốc, và cả ngày hôm qua, tôi chưa hề bước chân vào phòng giám đốc, cũng như chưa hề thấy hay ký một công văn nào.
Chúng tôi được biết tên 3 người: Anh Trần Y, anh Ba Liên và một anh nữa mà bây giờ tôi đã quên tên vì anh chỉ ở Bình Dân một thời gian ngắn. Không ai đeo lon, nên không biết cấp bậc là gì. Họ gọi chúng tôi là anh, nên chúng tôi cũng kêu họ là anh.
Các anh tỏ vẽ không muốn vào phòng. Lâu về sau, anh Ba Liên mới nói với tôi là lúc đầu họ cũng sợ chỉ có ba người cô thế, nên phải cẩn thận.
Ông Lâu và tôi đưa các anh đi coi bệnh viện. Chúng tôi đi tới đâu, nhân viên và bệnh nhân lặng yên, nhìn bằng con mắt tò mò. Công việc của ông Lâu và tôi dễ dàng. Đây là khu Ngoài Da, đây là khu Tiết Niệu, đây là khu Chỉnh Trực, đây là khu Răng-Hàm-Mặt, đây là kho thuốc… Anh Trần Y hỏi tôi:
-Các anh có làm được sérum không? Tôi lắc đầu: “Không”
Chẳng lẽ lại nói là Mỹ viện trợ. Nhưng về sau sérum viện trợ đã hết. Phải dùng đến sérum nội hoá, thì BỆNH NHÂN BỊ SHOCK ÀO ÀO. Tiếc thay hôm đó, tôi chưa có kinh nghiệm.
7 giờ 45 AM
Anh Trần Y tỏ ý muốn họp tất cả bác sĩ và nhân viên bệnh viện. Ông Lâu nói trong máy phóng thanh.
Tôi đưa các anh sang giảng đường A.
Anh Trần Y đứng trước bàn, hai anh kia đứng hai bên, vẫn đeo súng trên vai. Mọi người ngồi chật phòng A. Những người đến sau, phải đứng ở cửa. Tôi ngồi với các bác sĩ ở hàng ghế đầu.
Anh Trần Y mở một cuốn sổ tay để trước mặt và nói:
– Mỹ Thiệu đã vi phạm hiệp định Paris.
Anh Trần Y thao thao bất tuyệt gần một tiếng đồng hồ Không một câu nào liên hệ đến bệnh nhân. Khi anh Trần Y nói xong, thì cả ba anh vỗ tay. Trong số người nghe có vỗ tay lác đác.
Bỗng từ cuối phòng vọng lên tiếng một bà:
– Tôi TỐ CÁO là : hôm qua, các bác sĩ mổ con tôi. Đến tối thì con tôi chết.
Tôi đứng lên quay mặt về phía bà:
– Sáng nay lúc 4 giờ, tôi xuống nhà xác, thấy có 34 người nằm đấy. Đó là 34 thất bại của chúng tôi. Tôi chịu trách nhiệm về những thất bại ấy. Và giờ này tôi muốn bào chữa cách nào thì trách nhiệm ấy, tôi hoàn toàn phải gánh.
Đó là ngày dài nhất trong đời bác sĩ của tôi.
Hoàng Hôn
Cố GS Hoàng Tiến Bảo