Đọc báo Pháp – 04/12/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 04/12/2020

Hồng Kông: Một thế hệ tù tội – Thụy My

Le Monde hôm nay 04/12/2020 viết về «Hồng Kông, thế hệ tù tội»: Nhiều người đấu tranh dân chủ đã bị kết án tù giam vì phản đối chế độ. Tuy cuộc đời bị đảo lộn nhưng họ không hề hối tiếc.

Hồng Kông không còn biểu tình, nhưng vẫn bắt bớ 

Nếu trước đây chỉ những người trẻ trong nhóm xung kích mới có nguy cơ vào tù, thì nay cảnh sát bắt và khởi tố cả những người đi biểu tình dù có bạo động hay không. Nhiều thanh niên chuẩn bị viễn cảnh phải khăn gói vào trại giam. Bắc Kinh đã siết chặt kiểm soát Hồng Kông, viện cớ chống dịch ra lệnh cấm những cuộc « tụ họp nơi công cộng » trên hai người, và đến ngày 30/06/2019 đã áp đặt luật an ninh mới hà khắc. Phong trào phản kháng hầu như đã tắt, nhưng các vụ bắt bớ vẫn tiếp diễn. Đối lập tố cáo chế độ chuyên chế muốn « thanh trừng ».

Đọc thêm: Hồng Kông và những ngày tự do cuối cùng

Ba khuôn mặt trẻ tiêu biểu là Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) 24 tuổi, Chu Đình (Agnes Chow) 23 tuổi, Lâm Lãng Ngạn (Ivan Lam) 26 tuổi đã lãnh án 13 tháng rưỡi, 10 tháng và 7 tháng tù giam. Đối với Hoàng Chi Phong, nhà đấu tranh được thế giới biết đến nhiều nhất, đây là lần thứ tư anh phải vào tù. Trong một bài đăng trên Facebook một ngày trước phiên xử, anh nhắc lại những ngày tù tội : thức ăn tồi tệ, những song sắt nặng nề, sống chung đụng, hiếm khi được nhìn thấy bầu trời…

Bị tạm giam từ hôm 23/11, Hoàng Chi Phong bị biệt giam ba ngày. Anh viết : « Dù đã từng bị tù ba lần, việc bị tống vào xà-lim biệt giam vượt quá những gì tôi vẫn nghĩ. Cần phải có rất nhiều thời gian và năng lượng để giữ bình tĩnh và lấy lại tinh thần. Đèn trong phòng giam được mở 24/24, tôi phải kéo khẩu trang lên che mắt để cố ngủ ». Chủ tọa phiên tòa Wong Sze Lai nổi tiếng khắc nghiệt trong số các thẩm phán Hồng Kông, nói rằng những bản án nặng có tác dụng răn đe. Tuy nhiên với những người trẻ bị kết án mà Le Monde đã gặp gỡ thì chưa hẳn thế.

Không người tù nào hối hận vì đã chiến đấu cho tự do của Hồng Kông

Khoảng 11.000 công dân Hồng Kông từ 11 đến 84 tuổi đã bị bắt do có liên quan đến làn sóng biểu tình năm 2019, trong đó 80% dưới 30 tuổi, hầu hết là nam. Gần 1/4 người trẻ bị câu lưu là vị thành niên. Họ bị cáo buộc tụ tập bất hợp pháp, nổi loạn, gây rối trật tự, hành hung, sở hữu những vật có thể gây thương tích…Các tòa án bị quá tải đến mức một số phiên xử bị dời lại đến tận năm 2022. Hôm qua, nhà tỉ phú đối lập Lê Trí Anh (Jimmy Lai), chủ báo Apple Daily, bị từ chối cho tại ngoại hầu tra, và như vậy bị giam cho đến phiên xử tháng Tư tới.

Đọc thêm: Tỉ phú Hồng Kông duy nhất dám đương đầu với Trung Quốc

Luật sư Ngụy Tuấn (Joshua Jun Ngai), biện hộ cho khoảng 20 nhà đấu tranh trẻ tuổi, nói : « Tôi có một thân chủ 16 tuổi. Cậu ấy biết có nguy cơ bị án nặng vì đã ném bom xăng tự tạo, bị gia đình chỉ trích và bạn gái bỏ rơi. Tất cả làm cậu suy sụp, nhưng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu ân hận nào nơi cậu bé và tất cả những thân chủ khác. Họ hành động vì tình yêu Hồng Kông, và hãnh diện về những gì đã làm ».

Dân biểu đối lập đã từ chức Trương Siêu Hùng (Fernando Cheung) xác nhận sự kiên cường này. Ông kể : « Tôi vừa thăm một phụ nữ tuổi chưa đến 30, có ba con, bị kết án 3 năm 8 tháng tù vì tấn công một cảnh sát. Tôi cũng gặp các giáo viên, công nhân và một nghệ sĩ ; tất cả đều có những vấn đề riêng và hoàn cảnh chung làm họ thấy chán nản, nhưng không ai hối tiếc cả. Họ chịu cảnh khổ tù tội và tức giận trước chế độ, nhưng đều tin rằng đã hành động đúng để bảo vệ tự do của Hồng Kông ». Bản thân ông từng bị triệu tập vì tội chống đối, chỉ vì…hát trong Nghị Viện.

Tù nhân lên tinh thần nhờ sự ủng hộ của những người không quen

Một luật sư khác cho biết những bị cáo trẻ nhất đã tỏ vẻ bình tĩnh một cách kỳ lạ, kể cả những người sắp bị tống giam. Khi gặp họ tại nơi tạm giam, bà không thể tin được đó là những thiếu niên vì tỏ ra rất chín chắn.

Đọc thêm: Hồng Kông hiện đại chiến đấu bằng vũ khí thời Trung Cổ

Những phong trào liên đới được xã hội dân sự tổ chức để ủng hộ các thanh niên đấu tranh. Người thì đến tòa án, vỗ tay động viên khi các bị cáo vào và ra khỏi phiên tòa, người khác cung cấp thông tin về bản án trên mạng Telegram. Có những nhóm đến thăm nom gia đình họ, hoặc đi thăm các tù nhân. Luật sư Ngụy Tuấn khẳng định sự ủng hộ tinh thần từ bên ngoài, những chuyến viếng thăm của những người không quen biết đã giúp nâng cao tinh thần của những người tù trẻ tuổi.

Cựu dân biểu đối lập Chu Khải Địch (Eddie Chu) ghi nhận, thời gian ở tù đã làm đảo lộn cuộc sống những người đấu tranh và thân nhân. Họ cần được hỗ trợ không chỉ về tài chính, xã hội, mà cả về tâm lý ; một số cảm thấy tức giận khi nghe nhiều người tìm cách rời Hồng Kông, thay vì tiếp tục chiến đấu. Một số trang mạng đối lập như StandNews thường xuyên đăng tải những lá thư của các tù nhân lương tâm. Một nhà báo của trang này cho biết : « Đó là một cách để họ không bị rơi vào quên lãng. Chúng tôi biết rằng điều đó rất quan trọng với người tù ».

Đài truyền hình sa thải ngay tại chỗ những nhà báo giỏi nhất

Không chỉ người biểu tình, mà các nhà báo cũng là nạn nhân. Trong bài « Trận bão chính trị tại một kênh truyền hình thời sự », thông tín viên Le Monde cho biết đài i-Cable News hôm thứ Ba 01/12 đã thông báo sa thải ngay lập tức khoảng 40 phóng viên.

Ban giám đốc đài ngày càng thân cận với Trung Quốc đã đuổi việc toàn bộ tổ điều tra, vốn được coi là một trong những ê-kíp giỏi nhất Hồng Kông. Cách thức mà họ chọn người để sa thải và buộc các nhà báo này phải rời đài ngay tức khắc, đã dẫn đến một làn sóng phản đối. Khoảng 20 nhà báo khác đã từ chức để tỏ tình liên đới, trong đó có những khuôn mặt quan trọng như các trưởng ban, và toàn bộ ban phụ trách về Trung Quốc.

Đọc thêm: Hồng Kông: Vụ tấn công quy mô vào một xã hội dân chủ từ sau thế chiến

Một trưởng ban nói rằng ban giám đốc ngày càng can thiệp sâu vào công việc biên tập, chẳng hạn như yêu cầu dự thường xuyên các cuộc họp báo của chính quyền Bắc Kinh, hoặc cản trở các nhà báo muốn điều tra việc tuần duyên Trung Quốc chận bắt 12 thanh niên đấu tranh dân chủ Hồng Kông định trốn sang Đài Loan và hiện vẫn giam họ tại Hoa lục.

Hôm thứ Tư lại còn nổ ra xì-căng-đan mới : bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) lúc chương trình tạm ngưng đã nói đùa với tân giám đốc của kênh, rằng « hỏi sao mà nhẹ nhàng » quá, « hèn gì trợ lý báo chí nói rằng ông rất hợp tác ». Bà Lâm không biết rằng micro vẫn chưa bị cúp. Sau đó hàng ngàn thuê bao đã cắt hợp đồng với đài i-Cable mà trước đây rất có uy tín.

Hà hiếp các nước lệ thuộc kinh tế, Trung Quốc vẫn lãnh đòn của Trump

Trên lãnh vực kinh tế, cây bút Alain Frachon của Le Monde nhận định « Trung Quốc : Luật thị trường và luật im lặng ». Bất kỳ nước nào làm ăn với Bắc Kinh đều phải chấp nhận bị áp đặt về chính trị.

Nhà báo ghi nhận ba động thái trong tháng 11. Trước hết là ký hiệp định RCEP với ASEAN và Nhật, Hàn, Úc, New Zealand – đồng minh của Mỹ, một sự trả thù tổng thống Donald Trump, làm giảm ảnh hưởng của Washington.

Thứ hai, RCEP tượng trưng cho quan niệm của đảng cộng sản Trung Quốc về tự do mậu dịch : phải ngả theo Bắc Kinh về chính trị, tối thiểu là phải trung lập. Vì dám đòi điều tra quốc tế về nguồn gốc con virus ở Vũ Hán, Úc đã bị « bỏ bom » hàng loạt sắc thuế, cộng thêm một tấm ảnh photoshop trên Twitter để « tố cáo tội ác » của lính Úc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra còn nêu cụ thể các « sai trái » của Úc : phê phán về tình hình Hồng Kông, Tân Cương, báo chí và giới nghiên cứu tỏ ra thù địch, loại Hoa Vi khỏi thị trường 5G. Cáo buộc này đáng để tất cả các nước dân chủ tự do lo ngại.

Thứ ba : Vừa ký RCEP, Tập Cận Bình vừa cổ vũ độc lập kinh tế của Trung Quốc, ít nhất trong các lãnh vực chủ chốt của nền kinh tế tương lai ; có nghĩa là bảo hộ thị trường Hoa lục. Ca ngợi tự do mậu dịch, nhưng lại đóng cửa sân nhà và trừng phạt những nước nào dám phê bình : nói một đằng làm một nẻo vốn là đặc trưng của chế độ Bắc Kinh.

Nhưng ông Donald Trump không dễ gì để yên cho Bắc Kinh tung hoành : Les Echos đề cập đến việc Quốc Hội Hoa Kỳ vừa nhất trí bỏ phiếu thông qua một đạo luật loại các công ty Trung Quốc không minh bạch kiểm toán ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ. Các công ty niêm yết cũng phải thông báo có do đảng cộng sản Trung Quốc kiểm soát hay không.

Cố tổng thống Valéry Giscard d’Estaing chiếm trang nhất 

Tất cả các nhật báo Pháp hôm nay đều dành trang nhất để đăng chân dung cố tổng thống Valéry Giscard d’Estaing (thường được gọi tắt là VGE), vừa qua đời ở tuổi 94. Le Monde nhấn mạnh đây là « Tổng thống hiện đại đầu tiên » của Pháp, Le Figaro chạy tựa « Giscard, quyền lực và cuộc sống », Les Echos nói về « Di sản Giscard », La Croix gởi lời chào « Tạm biệt ». Libération tỏ ra hoài cổ với một chiếc điện thoại đời xưa có hình cố tổng thống trên trang nhất, với tựa đề « Những năm tháng Giscard của chúng ta ». Valéry Giscard d’Estaing cũng là chủ đề của các bài xã luận hôm nay.

Nhật báo thiên tả dành đến 14 trang trong để đề cập đến đủ mọi khía cạnh của vị tổng thống là biểu tượng cho một nước Pháp hiện đại, muốn thoát khỏi những trói buộc truyền thống, nhưng lại bị cuộc khủng hoảng dầu lửa ngăn bước. Tờ báo cánh hữu Le Figaro dành 10 trang cho chính khách tài ba đã chú trọng xây dựng châu Âu và làm cách mạng về quảng bá chính trị. La Croix có 6 trang để nói về « tổng thống chưa bao giờ nói lời vĩnh biệt với chính trị », Les Echos điểm lại các di sản của VGE về những cải tổ kinh tế xã hội qua 4 trang báo khổ lớn, Le Monde cho rằng ông là « một nhà cải cách không được thấu hiểu ».

Nước Pháp của Giscard hào hiệp với thuyền nhân Việt

Trong ký ức về cố tổng thống Pháp, có « Giscard và thuyền nhân ». Đó là những hình ảnh mà người ta đã quên đi : những chiếc thuyền chật ních những con người đói khát với ánh mắt khắc khoải trên Biển Đông dậy sóng.

Hàng trăm ngàn boat-people, và bằng ấy người trong những trại tị nạn quá tải ở Thái Lan, đã chạy trốn bọn đồ tể Khmer Đỏ ở Cam Bốt, cuộc nội chiến ở Lào và quân cộng sản Bắc Việt xâm chiếm miền Nam. Từ sau khi Sài Gòn sụp đổ tháng 4/1975 và Phnom Penh rơi vào tay Pôn Pốt, những hình ảnh dưới chế độ độc tài đỏ nhắc lại thời kỳ chiến tranh lạnh. Tại nước Pháp của Giscard, những thuyền nhân từ Đông Dương cũ đã gây xúc động, tạo ra một làn sóng tương trợ chưa từng thấy. Xã hội dân sự cùng với giới trí thức đòi hỏi chính phủ phải giúp đỡ những người tị nạn này.

Cánh hữu chống cộng đã bắt tay với cánh tả đang ân hận vì sự mù quáng trước Khmer Đỏ khát máu và quân đội « Bác Hồ ». Bác sĩ Bernard Kouchner, trên chiếc tàu Đảo Ánh Sáng đi vớt thuyền nhân trên Biển Đông đã từng nói: cái chết không có hữu hay tả. Điểm nhấn của phong trào nhân đạo này là sự kiện hai tên tuổi lớn và là kẻ thù của nhau suốt 30 năm đã cùng lên tiếng vào tháng 6/1979. Trước một rừng camera và micro, triết gia chủ trương tự do Raymond Aron và triết gia mác-xít Jean-Paul Sartre kêu gọi: « Có những con người sắp chết, cần phải cứu họ ».

Nước Pháp của Giscard vừa mới ngưng nhận lao động nhập cư đã mở cửa, tạo công ăn việc làm, cấp nhà cửa, quốc tịch cho những người tị nạn Việt, Miên, Lào – được coi là những người ngoại quốc kín tiếng và cần cù. Từ năm 1975, Pháp nhận trên 1.000 người/tháng và đến 1989 đã tiếp đón tổng cộng 128.000 người tị nạn Đông Dương. Những thuyền nhân này đều biết ơn ông Valéry Giscard d’Estaing đã cứu họ khỏi những con tàu vượt biên và trại tị nạn.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201204-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-m%E1%BB%99t-th%E1%BA%BF-h%E1%BB%87-t%C3%B9-t%E1%BB%99i