Mỹ và Pháp kêu gọi Nga gây sức ép lên phe ly khai Ukraina
Tổng thống Mỹ Barack Obama và đồng nhiệm Pháp François Hollande vào hôm qua, 07/07/2014 đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin gây áp lực lên phe ly khai thân Nga tại miền Đông Ukraina để buộc thành phần này đối thoại với chính quyền Kiev. Sau khi bị mất Slaviansk và một số thành phố khác vào tay quân đội Ukraina trong hai ngày 05 và 06/07, phe nổi dậy đã rút về cố thủ ở Donetsk.
Lời kêu gọi được hai Tổng thống Pháp và Mỹ đưa ra nhân một cuộc điện đàm vào tối hôm qua. Trong bản thông cáo, phủ Tổng thống Pháp cho biết là hai ông Hollande và Obama đã nói chuyên qua điện thoại suốt 45 phút, và đã “kêu gọi” Tổng thống Nga Putin là một mặt “gây sức ép lên phe nổi dậy để họ chấp nhận đối thoại với chính quyền Ukraina”, và mặt khác tăng cường kiểm tra vùng ranh giới với Ukraina.
Hai lãnh đạo Pháp Mỹ còn kêu gọi ‘một cuộc họp càng nhanh càng tốt với phe ly khai để đạt đến ngưng bắn…vì giải pháp cho khủng hoảng Ukraina chỉ có thể là một giải pháp hòa bình’.
Một thông cáo của Nhà Trắng cho biết thêm là hai ông Obama và Hollande cũng đồng ý với nhau là nếu không đạt được thỏa thuận ngưng bắn, thì chính quyền Ukraina – vốn đã mở chiến dịch tấn công phe ly khai – phải “có trách nhiệm duy trì trật tự và bảo vệ người dân”.
Nhưng khó khăn trong việc đối thoại không phải chỉ đến từ phía phe nổi dậy thân Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Valeriy Gueletei, khẳng định rằng sẽ không có đàm phán thương lượng gì, nếu quân nổi dậy không bỏ vũ khí. Và cũng sẽ không có ngưng bắn đơn phương như trước đây.
Những lời khẳng định trên được đưa ra trên trang web bộ Quốc phòng Ukraina vào hôm nay, 08/07/2014.
Phe ly khai cố thủ ở Donetsk
Theo AFP, sau khi bỏ Slaviansk mà hầu như không kháng cự, lãnh đạo phe ly khai hiện đang tỏ quyết tâm chiến đấu để bảo vệ Donetsk, sau sự kiện mà họi gọi là “rút lui chiến lược” khỏi Slaviansk. Một người còn cho là công cuộc bảo vệ Donetsk, thủ phủ vùng Donbass giàu than đá, sẽ đánh dấu một “bước ngoặt” trong cuộc chiến với Kiev.
Tuy nhiên cũng có người tỏ ra cẩn thận, như Andrei Pourguine, “Phó thủ tướng” của nước cộng hòa tự phong Donetsk. Trả lời AFP, ông công nhận rằng lực lượng nổi dậy “có thể sẽ không đủ sức” kháng lại quân đội Kiev.
Theo AFP, khả năng quân sự của phe nổi dậy – khoảng một vài ngàn chiến binh ở Donetsk và Lougansk – rất khó lường. Theo nhân chứng tại chỗ, hàng đoàn quân xa chở lính đã vào Donetsk vào cuối tuần qua, có cả chiến xa, và xe trang bị súng phòng không. Nhiều chốt canh được tăng cường trên các trục lộ lớn. Tuy nhiên bảo vệ một thành phố lớn như Donetsk, có cả một triệu dân, không phải dễ.
Về phía quân đội Ukraina, chiếm lại Donetsk với nào là xe tăng, nào là thiết giáp mà không gây nguy hiểm cho dân chúng như Tổng thống Ukraina từng cam kết, cũng không dễ gì hơn. Cuộc chiến trong thành phố sẽ gây đổ máu không ít.
AFP cho là chiến lược hiện nay của Tổng thống Ukraina là phong tỏa Donetsk và Lougansk, buộc quân nổi dậy buông súng.