Tin Việt Nam – 28/11/2020
Viên chức cơ quan thuế tiết lộ, do ngân sách khó khăn nên các công ty phải nộp thuế khi chưa biết kế quả kinh doanh
Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 27 tháng 11 năm 2020 loan tin, liên quan đến việc nhà cầm quyền Cộng sản ra quy định bắt các công ty phải nộp trước 75% thuế thu nhập của cả năm vào tam cá nguyệt 3 khi chưa biết kết quả kinh doanh, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cơ quan Thuế Cộng sản cho biết nguyên nhân là do đặc thù ngân sách của nhà cầm quyền đang rất khó khăn, nên tốc độ thu ngân sách có ý nghĩa rất quan trọng với nhà cầm quyền.
Ông Minh lại giải thích thêm, trên thực tế các công ty dù có lợi nhuận nhưng cũng chưa nộp vào ngân sách cho nhà cầm quyền theo đúng thời hạn, vì vậy cơ quan thuế Cộng sản đã đề nghị quy định trên để ép các công ty nộp thuế kịp thời để phục vụ cho ngân sách điều hành của nhà cầm quyền. Theo báo Thanh niên, quy định này của nhà cầm q
uyền đã bị các công ty, chuyên gia phản đối rất nhiều vì nó không khuyến khích công ty làm ăn, bị giam vốn. Trước đó, trên báo Vietnamnet, đại diện một công ty bất mãn nói rằng, trên thế giới này không có quốc gia nào đánh thuế thu nhập trong tương lai như Việt Nam. Vì thuế thu nhập công ty phải được thu trên khoản thu nhập chịu thuế, còn ở đây công ty chưa biết có thu nhập hay không thì lấy đâu ra thuế để đánh.
Quy định thu thuế của nhà cầm quyền viết là thu nhập tạm tính, nhưng lại bắt công ty phải tạm tính khoản thu nhập tương lai phải chính xác để nộp trước 75% thuế của cả năm nhưng nếu tính sai thì phải bị phạt khoản chênh lệch nộp chậm. Ngoài ra, nhà cầm quyền chỉ có quy định phạt công ty nộp thiếu số tiền thuế thu nhập trong tương lai, nhưng lại không có quy định nếu công ty nộp thừa thì nhà cầm quyền sẽ trả lại tiền đã nộp thừa cho công ty, hoặc công ty phải chờ 6 tháng sau khi trách nhiệm phát sinh thuế mới được làm các thủ tục rất phức tạp để lấy lại tiền thừa.
30 hộ dân bất ngờ bị chủ dự án bít lối đi
Hiểu Minh
Trong mấy ngày qua, khoảng 30 hộ dân thôn Thành Phát kêu cứu khi dự án khu biệt thự Nha Trang Sea Park do Công ty Cổ phần phát triển nhà và đô thị HUD Nha Trang làm chủ đầu tư nằm trên triền dốc núi Hòn Ông, thuộc khu dân cư Hòn Rớ, xã Phước Đồng (TP. Nha Trang – Khánh Hòa) bít lối đi, theo SGGP.
Theo phản ánh, hơn 10 năm trước, để thực hiện dự án này, một số hộ dân có đất tại khu vực này đã bị thu hồi để thực hiện dự án. Sau khi bị thu hồi, một số hộ dân chuyển lên cao cạnh phần mộ tổ tiên (khu
vực phía sau dự án) để xây dựng nhà. Bên cạnh đó, một số hộ dân khu Hòn Rớ và một số địa phương khác cũng đến xây dựng nhà phía sau dự án.
Đến nay có khoảng 30 hộ dân sống bên trên dự án biệt thự Nha Trang Sea Park. Do đây là khu vực triền núi, cạnh bên là con suối nên người dân phía trên dự án đi chung đường của dự án để ra phố, đi học, đi làm… Tuy nhiên, nhiều ngày qua, chủ đầu tư dự án Nha Trang Sea Park bất ngờ múc đất, phá con đường từ nhà dân đi qua dự án.
Cùng với đó, chủ dự án biệt thự Nha Trang Sea Park khóa cổng chính dự án, không cho người dân lên xuống. Ông Phạm Tấn An (60 tuổi) một người dân sống bên trên dự án cho biết, gia đình ông giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án nên dời lên bên trên dự án sinh sống.
“Nhiều năm nay, người dân đi con đường qua dự án. Giờ chủ đầu tư phá đường, chặn cửa không cho chúng tôi đi nữa gây nhiều khó khăn trong cuộc sống. Giờ để lên nhà phải đi bộ mấy trăm mét đường núi. Như tôi bị cụt một chân đi lại rất khó khăn”, ông An bức xúc.
Phản hồi về sự việc trên với báo Dân Trí, chiều 26/11, ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà và đô thị HUD Nha Trang, chủ đầu tư dự án Khu biệt thự Nha Trang Sea Park, cho rằng: Trước đây hàng chục hộ dân sinh sống phía lưng dự án đi đường mòn, ven suối. Sau khi dự án xây dựng hệ thống đường nội bộ thì người dân chuyển sang đi đường của dự án.
Chủ đầu tư dự án cho rằng do người dân đi lại nhiều, không quản lý được nên tạm thời đóng cổng ra vào dự án. “Việc người dân đi đường của dự án sẽ mất an ninh trật tự, chúng tôi không quản lý được. Do đó chúng tôi yêu cầu đóng cổng dự án, kiểm soát ra vào, chỉ người trong dự án mới được đi thôi”, ông Nguyễn Quyết Thắng phân trần.
Nguồn tin trên cho hay, sau nhiều ngày người dân lên tiếng phản đối vì bị “bịt” lối đi, chủ đầu tư đã mở cửa cho người dân đi lại qua cổng dự án nhưng yêu cầu người dân bỏ lại xe đạp, xe máy… tại cổng ra vào dự án. Khi đi qua đường dự án, người dân phải đi bộ.
https://www.dkn.tv/thoi-su/30-ho-dan-bat-ngo-bi-chu-du-an-bit-loi-di.html
Vụ Thủ Thiêm ở TPHCM: Liệu Bí thư Nên có làm nên chuyện?
Báo chí và truyền thông Việt Nam cuối tuần đăng tin về việc đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và UBND thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ và đối thoại với người dân khiếu nại xung quanh vụ tranh cãi đất đai đã diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn thành phố đông dân nhất Việt Nam.
Hôm thứ Sáu, 27/11/2020, từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, trước hết đưa ra bình luận khái quát của ông về diễn biến mới này và điều gì có thể thấy và nên lưu ý khi nhìn vào diễn biến đó.
Thanh tra chỉ là một bên hay quyết định hết?
“Tôi có nghe thông tin về việc Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn và Phó chủ tịch UBND Thành phố, ông Võ Văn Hoan đối thoại với hai chục người đại diện cho người dân Thủ Thiêm hôm nay.
Thử thách nào chờ đợi ông Nguyễn Văn Nên ở TPHCM?
700 dân Thủ Thiêm ‘mòn mỏi’ chờ Thủ tướng
Công bố ‘nhiều sai phạm’ trong quy hoạch KĐT Thủ Thiêm
LS Trần Quốc Thuận: Vài điều muốn nói trước Đại hội đảng
VN: Bắt tạm giam, khởi tố em trai cựu Bí thư Lê Thanh Hải
“Nhận xét đầu tiên của tôi là việc đối thoại này như thế là giữa những bên nào, giữa hai bên, hay là giữa ba bên trong diễn biến này – Thanh tra Chính phủ, UBND thành phố tức chính quyền địa phương và người dân, thì đó là một câu chuyện quan trọng phải nhận thức, làm rõ, vì khi đưa ra công khai như thế thì phải làm sáng tỏ vị trí của các bên, bởi nó có thể liên quan và dẫn tới một cái kết như thế nào.
“Bởi vì theo luật Thanh tra, thanh tra là cơ quan của Chính phủ, và sau khi tiến hành thanh tra thì kết luận của thanh tra có giá trị pháp lý để xem xét như một nguồn, nhưng phải lưu ý ở đây có phải là một thanh tra độc lập, như tiến hành bởi một cơ quan, tổ chức độc lập khác không.
“Mặt khác, nếu đã đưa Thanh tra Chính phủ vào và “đối thoại” như thế, thì trong cuộc đối thoại này, phải có vai trò lớn hơn là chính bản thân Chính phủ, cơ quan cấp trên của Thanh tra Chính phủ.
“Và tôi nhấn mạnh lưu ý rằng nếu Chính phủ giải quyết hay làm không xong thì đôi khi dẫn đến Tòa án, và tôi cho rằng vụ này cũng có thể trở thành một vụ án điển hình.
“Trước đó đã có vụ Đồng Tâm ở miền Bắc cũng đã lớn chuyện, cũng đưa Thanh tra Chính phủ vào và sau đó diễn biến tiếp, kết cục ra sao, mọi người đã biết rồi.
“Còn vụ Thủ Thiêm này về thời gian, quy mô có thể còn kéo dài và lớn hơn vụ Đồng Tâm, đối với nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ai cũng biết vụ này cả, và cả nước cũng biết, nhưng giải quyết như thế là đã để kéo dài.
“Cần xem xét kéo dài là do đâu, ở đâu và theo tôi như vậy phải có một phán quyết, thẩm định, kể cả thẩm định những bằng chứng, tư liệu của quan chức hay cựu quan chức có chức có quyền đưa ra, chứng cứ của ông Võ Viết Thanh, nguyên phó rồi lãnh đạo UBND Thành phố, là người quan trọng, có chức, có quyền, nhưng cũng có phải giám định thực, giả hay không, thì cứ khách quan mà làm và phải giám định mọi thứ cần thiết, liên quan.
“Theo tôi, qua cách làm gặp gỡ, đối thoại như hôm nay, thì không ai có thẩm quyền buộc tội, phán quyết cuối cùng trong vụ này và khi thẩm định, thì cần lưu ý xem cơ quan thẩm định có khách quan và đủ năng lực hay không, nếu không thị sẽ rơi vào tranh cãi tiếp và sẽ dẫn tới cái kết vô hồi, tức là tranh cãi liên miên không hồi kết.”
“Tôi nghĩ đến này phải đưa ra thành một vụ kiện tại Tòa án và nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở đây, kể cả pháp luât hình sự, thì phải truy tố và xử lý những người vi phạm, buộc tội những ai hữu trách gây ra vi phạm và vụ việc theo đúng pháp luật.”
Nguyên nhân chính của việc kéo dài?
Khi được hỏi vì sao vụ việc Thủ Thiêm bị kéo dài và tại sao không thể được xử lý, giải quyết sớm hơn, Luật sư Trần Quốc Thuận nói:
“Tôi nghĩ là có nhiều chuyện uẩn khúc đằng sau đó, và trong số đó có chuyện giá đất đã tăng rất nhiều, có nơi tăng đến mấy chục lần, như có người nói với tôi có chỗ 1 mét vuông lên giá tới trên 200 triệu đồng Việt Nam, trước đây nhiều chỗ đất đai còn là sình lầy, bây giờ đều thành đất đô thị có thể quy hoạch đắt giá và có thể những ai đó đang nắm những chỗ đó họ rất biết giá trị của nó.
“Thành ra khi họ đưa ra chứng cứ từ nguồn của ông Võ Viết Thanh, thì cũng phải xem xét cụ thể chứng cứ đó có đúng không và kết luận theo tôi phải cụ thể, không thể trung trung trên trời được.
“Tôi nghĩ chuyện này nếu mà điều tra rốt ráo, có thể biết đâu sẽ thấy cả vấn đề hình sự và đó là chuyện lớn, và nhân dân, cán bộ thành phố Hồ Chí Minh đều đang chờ đợi, nhưng trở lại với vấn đề, tôi nghĩ nguyên nhân rất lớn là vấn đề giá đất và giá trị toàn khu đất đã lên rất cao, người ta khó từ bỏ.
“Trước đây, ông Nguyễn Thiện Nhân, khi mới về lại thành phố và thay ông Đinh La Thăng bị chuyển và sau bị bãi chức chiếc ghế Bí thư Thành ủy, ông Nhân năm đó có hứa là đến tháng 11/2018 sẽ giải quyết xong, nhưng rõ ràng là đến bây giờ vẫn chưa xong.
“Tôi cho rằng ở đây có những uẩn khúc đằng sau và nó đến từ những thế lực ngầm có quyền lực, sức mạnh và tiền bạc, theo tôi nếu điều tra cẩn thận, phát hiện vấn đề, có thể và cần truy tố, làm nghiêm, còn nếu không, không khéo sẽ để dẫn tới kết cục như vụ Đồng Tâm rất phức tạp, mà đã giải quyết được căn gốc, thấu đáo, thuyết phục đâu.”
“Ông Nên liệu có làm nên?”
Khi được hỏi liệu Tân bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Nên có thể giải quyết được vụ việc Thủ Thiêm hay không và vị lãnh đạo đảng bộ địa phương này có thể và nên làm gì, Luật sư Trần Quốc Thuận đáp:
“Tôi đã từng nói với BBC từ trước và tôi nhắc lại vụ Thủ Thiêm chính là một phép thử thẩm định năng lực của ông Bảy Nên.
“Theo tôi, với tư cách là Bí thư thành ủy, lãnh đạo toàn đảng bộ thành phố, ông có cách gì, có quyền lực gì, thì ông nên phải dùng tất cả để đem ra giải quyết cho dứt điểm, nếu không Thủ Thiêm có thể trở thành một đốm lửa lớn làm bùng lên ngọn lửa.
“Có người hỏi tôi về vai trò, trách nhiệm thời của ông Bí thư Lê Thanh Hải và những người trong ban lãnh đạo đảng, chính quyền thành phố thời ông ấy, tôi xin nói vấn đề này nay với ông Bảy Nên là một thử thách lớn và có thể là lớn nhất tới nay của ông ấy.
“Mặt khác, Trung ương cũng có quyết tâm làm đến nơi, đến chốn không? Ông Nên từng làm việc và tham mưu cấp cao ở trung ương, hiểu rõ ngõ ngách quyền lực và cách thức thực thi quyền lực của các ban ngành trên trung ương, liệu ông có dám làm và liệu Trung ương có hỗ trợ ông Nên làm việc đó hay không?”
Nhân dịp này, Luật sư Trần Quốc Thuận cũng bình luận về chiến dịch chống tham nhũng mà đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam đang tiến hành, trong đó có việc thực hiện ở một số thành phố lớn, đại phương trọng yếu tại Việt Nam.
“Tôi nhắc lại vụ Thủ Thiêm này lâu nay bị cản trở rất nhiều bởi các thế lực ngầm, họ có quyền lực, phe cánh, có tiền bạc, nếu không dám xử lý, rõ ràng đã trưng ra những vùng cấm, khoảng trống mà cán bộ, nhân dân, mọi người sẽ thấy và nhìn vào đó và nghi ngờ thực tâm, quyết tâm giải quyết của đảng.
“Đang có ý kiến trong cán bộ, nhân dân, người ta so sánh và đặt câu hỏi tại sao ở Hà Nội, Đà Nẵng, trung ương xử lý mạnh tay thế, tại Hà Nội người ta đang xử lý với ông Nguyễn Đức Chung như thế nào, mà ở thành phố Hồ Chí Minh, những ai lãnh đạo liên quan vụ Thủ Thiêm mà có trách nhiệm để xảy ra sai trái vẫn chưa bị xử lý, và người ta hỏi như thế có bên trọng, bên khinh không, có thuyết phục, công bằng không?
“Tôi thấy là nếu không dám xử lý những chỗ bị cho là vùng cấm, lỗ hổng với cán bộ kim, cựu như trọng vụ Thủ Thiêm này, thì sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín của trung ương, của bên trên cả thành ủy TP Hồ Chí Minh. Người ta còn hỏi tại sao trung ương không bật đèn xanh để xử lý, thì tôi nghĩ nên đặt câu hỏi này cho ông Bảy Nên và cho cả những người trên ông ấy nữa.”
Ông Nhân từng nói “khó cỡ nào”?
Luật sư Trần Quốc Thuận chia sẻ thêm với BBC về những gì ông từng được nghe từ một cựu lãnh đạo thành ủy TP Hồ Chí Minh về khó khăn trong xử lý vụ Thủ Thiêm, ông nói:
“Tôi nhớ có lần ông Nguyễn Thiện Nhân, khi đó còn là Bí thư thành ủy TPHCM, có trả lời tôi khi tôi hỏi thăm về vụ Thủ Thiêm.
“Ông ấy nhỏ hơn tôi 9 tu và xưng là “em” với tôi, ông nói đại là em gắng lắm, nhưng còn nhiều cái khó lắm.”
Khi được hỏi “cái khó” mà ông Nguyễn Thiện Nhân có thể cảm nhận được và nói ra đó là gì, Luật sư Thuận đáp:
“Thì đó, như tôi đã nói, nó có một thế lực quyền lực ngầm mà nếu động vào thì nguy hiểm thành ra ông Nhân phải nói là chuyện này “khó” và nhiều người người ta nói là ông Nhân đã phải “né’.
“Tôi thấy rằng nếu có gì ngăn cản trong đây, thì thế lực quyền lực đó phải lớn lắm, nó phải lớn cỡ nào thì mới phải làm cho cỡ ông Bí thư thành ủy, Ủy viên Bộ Chính trị phải nhận là khó, tức là nó phải lớn hơn và phải ở cả trên cỡ ủy viên Bộ Chính trị đó.”
Bài học gì từ Thủ Thiêm và lời khuyên cho tân Bí thư?
Khi được hỏi có thể rút ra bài học gì trong xử lý vụ Thủ Thiêm từ thời điểm Đại hội 13 của ĐCSVN chỉ còn vài tháng, cựu Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói:
“Tôi cho rằng quyền lực và thực thi quyền lực phải cụ thể, và đã giao quyền lực cho người ta thì phải giao thực quyền, để người ta có thể giải quyết dứt điểm như trong vụ Thủ Thiêm này.
“Đó là cái người ta mong chờ ở Việt Nam, nếu không thì sẽ hết Bí thư này đến Bí thư khác không thể giải quyết và sự việc đi đến bế tắc kéo dài.
“Mặt khác, được giao quyền mà anh không làm, không làm được thì xin mời anh đi chỗ khác cho người khác người ta làm, có đổi mới như thế thì mới hiệu quả được, và đó là những câu chuyện về những con người, việc làm cụ thể và cơ chế, trong đó có cơ chế quyền lực để giải quyết tham nhũng, vi phạm pháp luật, vô trách nhiệm v.v…
“Nhân đây, tôi cũng có một điều chia sẻ, tạm gọi là một lời tư vấn hay lời khuyên cũng được cho ông Bí thư Bảy Nên, theo tôi có lẽ nên báo cáo cấp có thẩm quyền, cấp trên và nên khởi tố thành một vụ án và phải điều tra.
“Điều tra mọi góc độ, khía cạnh, xem xét sai trái, sai phạm ở đâu, rồi tại sao từ trước đến nay không phát hiện, không xử lý được, rồi phải làm cho rõ thiệt hại thức tế là bao nhiêu.
“Bây giờ gần hết năm 2020 rồi, hy vọng năm tới những việc này được giải quyết đến nơi đến chốn, và như thế quyền lực của những người có quyền lực mà những lời hứa, cam kết, phát biểu đã được nói ra, thì sẽ phải được thực hiện đến nơi, đến chốn,” Luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC từ Sài Gòn trên quan điểm riêng.
Tin từ truyền thông chính thống Việt Nam cho hay chiều 27/11, tại Trung tâm bồi dưỡng Chính trị quận II, thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi đối thoại “về ranh quy hoạch Thủ Thiêm” giữa 20 đại diện người dân và đại diện Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Nhân dân Thành phố.
“Trong buổi đối thoại, Thanh tra Chính phủ thông qua báo cáo kiểm tra về các vấn đề ở Thủ Thiêm mà người dân khiếu nại lâu nay. Ngoài ra, đại diện các bộ, ngành Trung ương, chính quyền TP.HCM… làm rõ thêm các vấn đề mà người dân khiếu nại,” báo VietnamNet thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông tường trình.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55103508
Vì sao báo Nhà nước nói thông tin ‘xấu, độc, chống phá Nhà Nước và Đại Hội Đảng’ tăng cao?
Thanh Trúc
“Trong khi công tác chuẩn bị Đại hội đang được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, công phu với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cũng thấy xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều những thông tin, luận điệu xuyên tạc, chống phá sự kiện chính trị trọng đại này” .
Đó là một trong những câu được trích nguyên văn từ bài trên tờ An Ninh Thủ Đô, với tựa “Thâm hiểm thủ đoạn chống phá công tác nhân sự Đại Hội Đảng”.
Nhận định này không mới nhưng đúng với mục tiêu gọi là chống diễn biến hòa bình mà những tờ báo như Công An Nhân Dân hoặc An Ninh Thủ Đô thường lặp đi lặp lại mỗi khi có sự kiện quan trọng nào của Đảng Cộng sản đang nắm quyền tại Việt Nam. Nhà báo tự do Nguyễn Vũ Bình, cựu phóng viên Tạp Chí Cộng Sản:
“Đấy là công việc thường xuyên, nhưng so với những năm trước, trước khi đại hội diễn ra khoảng độ mấy tháng thì công tác nhân sự đã chốt xong hết rồi. Đặc biệt lần này nhân sự chưa chốt xong, nhân sự Bô Chính Trị cũng chưa chốt được. Đâm ra vì lẽ đó những tiếng nói phản biện người ta phân tích về những đấu đá phe phái trong sự chuẩn bị Đại Hội thứ XIII này, cho nên báo chí quốc doanh là phản ứng lại”.
Báo An Ninh Thủ Đô cho rằng có những thông tin xấu độc, vu khống, bịa đặt về công tác nhân sự của Đại hội Đảng. Đây là công tác vô cùng hệ trọng đang được thực hiện nhưng bị tung tin thất thiệt như nhân sự Đại hội đã được sắp xếp xong và bầu bán chỉ là hình thức, cho đến nói xấu, đặt điều, vu khống về vị lãnh đạo cấp cao, xuyên tạc tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ, đặc biệt là thủ đoạn dựng lên các câu chuyện về “phe cánh”, “triệt hạ” lẫn nhau…
Theo nhà báo tự do Nguyễn Vũ Bình, lời lẽ vừa cũ kỹ vừa hằn học như vậy cho thấy cái không chuyên của một tờ báo giữ nhiệm vụ tuyên truyền cho đảng:
“Chủ quan thì họ chẳng có gì để nói nữa. Những người phản biện, những người nêu ra sự thật về việc lựa chọn nhân sự, đấu đá, phe cánh các thứ… là người ta chỉ đưa thông tin thôi chứ người ta không bình luận là đại hội có thành công hay không, lần này không bầu được cán bộ chủ chốt hay không bầu được Bộ Chính Trị. Người ta đâu có nói vậy mà báo quốc doanh lại phản pháo, lại bảo là thất bại. Báo quốc doanh cứ vẽ ra âm mưu nọ kia cho người ta rồi bảo là người ta thất bại”.
Ông JB Nguyễn Hữu Vinh, hiện là quyền Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, tổ chức có nhiều thành viên vừa bị chính quyền Việt Nam bắt giữ, cho rằng mọi lời cáo buộc, gán ghép trước sau không đổi trên một báo lề phải vốn đã ít người đọc thì càng không thể thuyết phục được ai trong lúc này:
“Ngô nghê, bịa đặt, ngớ ngẩn! Bài báo vừa rồi giống một bản báo cáo thành tích. Tại sao một đảng được gọi là trí tuệ của nhân loại, khoa học của mọi khoa học, rồi là đảng của dân tộc của nhân dân, là đạo đức là văn minh mà lại có hành động thù địch như vậy”.
“Tổng kết thì đây là một bản báo cáo thành tích nhằm củng cố địa vị và vai trò “ đè đầu cưỡi cổ nhân dân” và vai trò cai trị của mình”.
Ngô nghê, bịa đặt, ngớ ngẩn! Bài báo vừa rồi giống một bản báo cáo thành tích. Tại sao một đảng được gọi là trí tuệ của nhân loại, khoa học của mọi khoa học, rồi là đảng của dân tộc của nhân dân, là đạo đức là văn minh mà lại có hành động thù địch như vậy – JB Nguyễn Hữu Vinh
Tính riêng từ đầu năm đến nay, báo An Ninh Thủ Đô cho biết tiếp, công an đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác xử lý trên 2.500 trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin với nhiều mức độ khác nhau. Việc xử lý hình sự đã được thực hiện đối với hơn 100 đối tượng, việc xử lý hành chính gần 800 đối tượng. An ninh Việt Nam cũng đã vô hiệu hóa trên 1.600 đối tượng chống phá, gở bỏ hàng nghìn bài viết, video clip có nội dung xấu độc.
Báo còn cho hay cơ quan chức năng thuộc lĩnh vực thông tin-truyền thông thường xuyên yêu cầu, đề nghị các nền tảng cung cấp thông tin xuyên biên giới như Google, Facebook… phải chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung xấu độc, sai sự thật, xuyên tạc… để ngăn chặn, gỡ bỏ.
Đây là những hành động vi phạm tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, là hai quyền mà Nhà Nước Việt Nam rất sợ nghe từ những nguồn phản biện, nhà báo độc lập JB Nguyễn Hữu Vinh khẳng định:
“Lộ ra chỗ nào thì chỗ đó là tội phạm, đó là thực tế chứ không cần ai nói xấu nói đẹp gì cả. Bài báo nói đến điều, tự vạch tội của họ ra như thế mà không thấy ngượng. Chủ nghĩa Mác Lê người ta nói rằng trong bất cứ sự việc, tổ chức hoặc bất cứ gì đều có những mâu thuẫn để làm động lực cho phát triển.
Triệt tiêu mâu thuẫn trong nội bộ, phủ nhận chuyện có mâu thuẫn là đi ngược lại qui luật mà chủ nghĩa cộng sản đưa ra”.
“Thứ hai, không được biết sự thật mới sinh ra chuyện rò rỉ, còn nếu minh bạch, rõ ràng sau trước thì chẳng việc gì để cho rò rĩ hay đồn đại. Người ta nói sự thật lại bảo người ra chống phá, bảo là tung tin thất thiệt như là nhân sự đại hội đã sắp xếp xong và bầu bán chỉ là hình thức. Đó là chuyện hẳn nhiên của cộng sản cần gì ai phải nói ra. Bài báo đã bóc trần trước mặt nhân dân trước mặt quần chúng một chế độ thiếu công khai, không minh bạch”.
Nếu nói công tác nhân sự cho Đại Hội Đảng là chuyện cực kỳ hệ trọng, không ai được quyền chống phá hay xuyên tạc, thì Đảng, Nhà Nước có dám nhìn nhận sai lầm về nhân sự Đại Hội Đảng lần thứ XII chưa, là câu hỏi của bác sĩ quân y bỏ đảng, Tiến sĩ Đinh Đức Long:
“Các cụ thường nôm na “có tật giật mình”. Nếu thật sự trong sáng, thật sự công tâm, thật sự tốt thì việc gì phải sợ. Người dân người ta xì xào là Đại Hội Đảng xưa nay đều thành công tốt đẹp cả, thế thì bắt tội cái ông Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng vào tội hình sự chứng tỏ Đại Hội Đảng thứ XII chọn nhầm cán bộ. Phạm tội từ trước, phạm tội như thế mà vẫn cho lên, vẫn cho vào vị trí cao rồi bắt đi tù. Biết nó mắc tội từ trước sao không loại ra khỏi đảng đi”.
“Có lửa mới có khói”, ông Đinh Đức Long nhắc lại câu nói dân gian, cho rằng quyền lực trong tay Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng quân đội, công an cũng do đảng nắm, và ông nêu lại trường hợp cựu ủy viên bộ chính trị, cựu bí thư thành phố Hồ Chí Minh, nguyên bộ trưởng Giao thông- Vận tải Đinh La Thăng. Đây là người đang thụ án và sắp phải ra tòa trong một vụ án khác.
Vì sao Hội Thánh Tin Lành Việt Nam không được phép tổ chức Đại hội?
Minh Luật
Theo thông báo của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (HTTLVN) vào hôm 25/11, kỳ họp Đại hội đồng Giáo phẩm lần thứ 10 của tổ chức tôn giáo này dự kiến diễn ra vào ngày 1-3/12/2020, đã không thể tổ chức được vì “chưa có giấy phép từ Ban Tôn giáo Chính phủ”.
Lý do được Hội Thánh nêu ra là do họ “không trình danh sách ứng viên Hội đồng Giáo phẩm trước khi bầu cử” theo quy định tại Điều 34 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.
Trong cùng ngày, trang thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ cũng xác nhận việc chưa chấp thuận cho HTTLVN tổ chức kỳ họp Đại hội đồng Giáo phẩm lần thứ 10.
Công văn số 911/TGCP-LT, ký ngày 25/11/2020 bởi Phó trưởng ban Nguyễn Ánh Chức cho biết, lý do Ban Tôn giáo Chính phủ chưa chấp thuận cho HTTLVN tổ chức Đại hội là do “thủ tục chưa đầy đủ và chưa đúng theo quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo”.
Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Hội Thánh cần thực hiện đúng quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo về việc “đăng ký người được bầu vào Hội đồng Giáo phẩm” với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để được chấp thuận tổ chức Đại hội.
Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, một công cụ gia tăng kiểm soát của chính quyền
Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc Hội thông qua và có hiệu lực vào ngày 1/1/2018, bất chấp ý kiến chỉ trích dữ dội trước đó từ các tổ chức tôn giáo và các chuyên gia luật pháp nhân quyền, vì luật này vẫn còn duy trì “cơ chế xin-cho” trong sinh hoạt tôn giáo và trao quyền cho các cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo.
Tại Điều 34 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định: Tổ chức tôn giáo trước khi bầu cử ra nhân sự lãnh đạo tôn giáo phải gửi danh sách hồ sơ đăng ký ứng viên đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Khoản 5 của điều luật này quy định, cơ quan nhà nước có quyền từ chối ứng viên, tức chính quyền có thẩm quyền loại bỏ bất kỳ ứng viên nào do tổ chức tôn giáo đệ trình lên.
Như vậy, điều luật này đã trao quyền cho các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo có thể can thiệp vào công tác nhân sự của bất kỳ tổ chức tôn giáo nào tại Việt Nam, thông qua quá trình phê duyệt nhân sự trước khi tổ chức tôn giáo đó bầu cử ra lãnh đạo. Quá trình phê duyệt này có thể loại bỏ các ứng viên lãnh đạo mà chính quyền cho là “có vấn đề”, cũng như chính quyền có thể cơ cấu “đảng viên đội lốt nhà tu” tham gia vào thành phần lãnh đạo của tổ chức tôn giáo đó.
Một thực tế đã tồn tại hàng chục năm nay ở Việt Nam, các chức sắc lãnh đạo tôn giáo phải đi “sinh hoạt chi bộ Đảng” không phải là ít, dù ít khi được công khai. Một mặt họ là một lãnh đạo của một tổ chức tôn giáo, nhưng mặt khác họ lại là thành viên của Đảng Cộng sản VN-một đảng cầm quyền có chủ trương vô thần. Như vụ việc gây xôn xao dư luận, Lộ tin Hòa thượng có 50 năm tuổi Đảng, đứng vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Giáo hội nhờ vào vào thành tích “tham gia kháng chiến”. Đây là minh chứng cho thấy chính quyền đã can thiệp sâu rộng vào công tác bầu cử nhân sự của tổ chức tôn giáo này.
Sự phản kháng của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam
Trở lại việc HTTLVN quyết định không tổ chức Đại hội để bảo lưu các quyết định trước đó về việc không chấp nhận thực thi điều 34 của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, cho thấy một sự phản kháng quyết liệt của tổ chức tôn giáo này đối với khả năng Ban Tôn giáo Chính phủ có thể can thiệp vào công tác bầu chọn nhân sự của họ.
Cụ thể, Thông báo không tổ chức Đại hội lần thứ 10 của HTTLVN nêu rõ, việc tổ chức tôn giáo này không thể thực hiện điều 34 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được căn cứ vào: (1) Quyết nghị của Đại hội đồng Tổng Liên Hội vào tháng 7/2017 có biểu quyết của toàn thể Đại biểu (100%); Và (2) căn cứ vào biên bản số 11/2020/BB-TT, ngày 11/11/2020 của Thường trực Tổng Liên Hội về việc tổ chức Đại hội đồng Giáo phẩm là “không đồng ý trình ứng viên trước”.
Cách làm của HTTLVN trong việc chọn ra nhân sự lãnh đạo là họ sẽ tự xắp xếp và tổ chức bầu cử nhân sự lãnh đạo cho Hội Thánh, khi xong xuôi rồi mới thông báo về kết quả bầu cử cho chính quyền. Chứ dứt khoát không để cho chính quyền nhúng tay phê duyệt vào danh sách các ứng viên của họ trước ngày bầu cử.
Như vậy, từ các văn bản nội bộ của HTTLVN cho thấy, tổ chức tôn giáo này đang thực hiện hành vi bất tuân dân sự, phản kháng lại các quy định pháp luật được đặt ra nhằm kiểm soát tôn giáo. HTTLVN quyết tâm bảo vệ cho quyền tự do tôn giáo, trong đó có việc tự do bầu chọn ra những người lãnh đạo cho tổ chức tôn giáo mình, chứ không để chính quyền can thiệp vào việc bầu cử nội bộ của họ.
Chuyên gia nói gì về vấn đề này?
Vào năm ngoái, Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đưa ra nhận xét kết luận rằng, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo của Việt Nam đã hạn chế tự do tôn giáo và tín ngưỡng một cách vô lý, chẳng hạn như thông qua việc bắt buộc đăng ký và quá trình công nhận. Ủy ban khuyến nghị Nhà nước cần tiến hành các biện pháp để ngăn chặn, và đáp lại nhanh chóng và hiệu quả với tất cả các hành vi can thiệp vô lý với tự do tôn giáo.
Trước đó, Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng, ông Heiner Bielefeldt có bài phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền LHQ về chuyến viếng thăm Việt Nam vào năm 2015, nhận định rằng: “Việc thực hiện quyền con người về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, không thể bị phụ thuộc vào bất kỳ hành vi cụ thể nào để công nhận, cho phép hoặc phê duyệt về mặt hành chính. Cần phải thấy rõ rằng quyền của một cá nhân hay một nhóm người cho tới quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng không bao giờ có thể được ‘tạo ra’ bằng bất kỳ thủ tục hành chính nào. Thay vào đó, phải là điều ngược lại: Việc đăng ký cần phải phục vụ quyền con người, mà bản thân quyền đó phải được tôn trọng trước bất kỳ sự đăng ký nào. Từ nhận thức cơ bản này, việc đăng ký nên là một đề nghị của Nhà nước chứ không phải là một yêu cầu pháp lý bắt buộc”.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Apple chuyển dây chuyền sản xuất iPad và Macbook sang Việt Nam
Tin từ Reuters: Theo Reuters, công ty công nghệ khổng lồ Apple của Hoa Kỳ đã yêu cầu Công ty Foxconn chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple đang chuyển dịch một phần dây chuyền sản xuất máy tính bảng (Ipad) và máy tính xách tay (MacBook) từ Trung Cộng sang Việt Nam để tránh rủi ro ở Hoa Lục.
Việc dịch chuyển này diễn ra theo xu hướng chung khi chính quyền của Tổng Donald Trump khuyến khích các công ty Hoa Kỳ dịch chuyển sản xuất khỏi Hoa Lục. Hai quốc gia Hoa Kỳ và Trung Cộng đang có chiến tranh thương mại. Hoa Thịnh Đốn đã nhắm đánh thuế cao đối với các mặt hàng điện tử được sản xuất ở Trung Cộng, đồng thời hạn chế việc cung cấp các linh kiện sử dụng công nghệ Hoa Kỳ cho các công ty Hoa Lục vì lo ngại an ninh quốc gia.
Công ty Foxconn của Đài Loan hiện đã dịch chuyển hoặc đang dịch chuyển một phần dây chuyền sản xuất của mình từ Hoa Lục sang các quốc gia khác như Việt Nam, Mexico và Ấn Độ. Reuters cho biết Foxconn đang xây dựng một dây chuyền sản xuất Ipad và MacBook ở Bắc Giang và dây chuyền này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2021.
Vào tháng Năm vừa qua, hai đối tác của Apple là Luxshare và Geortek có nhà máy tại Việt Nam đã sản xuất tai nghe cao cấp mang tên AirPods Studio trong nỗ lực của Apple để di chuyển sản xuất dần ra khỏi Trung Cộng. Apple muốn không chỉ có lắp ráp, mà còn nghiên cứu để làm ra thiết bị mẫu, phát triển và sản xuất sản phẩm mới ở Việt Nam.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/apple-chuyen-day-chuyen-san-xuat-ipad-va-macbook-sang-viet-nam/
Ấn Độ, Việt Nam hợp tác huấn luyện phi công
Trọng Thành
Theo báo chí Ấn Độ, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam và Ấn Độ đã có cuộc trao đổi trực tuyến hôm qua, 27/11/2020. Hai bên thống nhất hợp tác huấn luyện phi công, lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. New Delhi cũng có kế hoạch hỗ trợ Hà Nội trong nhiều lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Trong cuộc đối thoại hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định hợp tác về quốc phòng là một trong các trụ cột chính của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa New Delhi và Hà Nội, được thiết lập từ năm 2016. Ngoài huấn luyện phi công và lực lượng gìn giữ hòa bình, hai bên dự kiến gia tăng hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực, như chế tạo tàu chiến, bao gồm cả tàu ngầm.
New Delhi có kế hoạch 600 triệu đô la để hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Việt Nam hy vọng có thể nhận được nhiều vũ khí tân tiến của Ấn Độ, như hệ thống phòng không Akash, trực thăng Dhruv, cũng như tên lửa BrahMos. Hà Nội đặc biệt quan tâm đến tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos – do Nga – Ấn hợp tác sản xuất – có tầm bắn 300 km, được coi là một vũ khí để tự vệ hiệu quả trước các tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc Phòng hai nước cũng ký thỏa thuận chia sẻ các dữ liệu về hải dương. Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam mời đồng nhiệm Ấn Độ tham gia cuộc họp trực tuyến của bộ trưởng Quốc Phòng 10 nước ASEAN (ADMM), do Việt Nam chủ trì, ngày 10/12 tới.
Điểm tin trong nước sáng 28/11: Miền Trung cần hàng nghìn tỷ đồng để tái thiết sau mưa lũ; Quảng Ngãi xuất hiện ca mắc bệnh Whitmore đầu tiên
Mục lục bài viết
Miền Trung cần hàng nghìn tỷ đồng để tái thiết sau mưa lũ
Quảng Ngãi xuất hiện ca mắc bệnh Whitmore đầu tiên
Nguyên giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm sẽ hầu tòa hôm 10/12
Bé gái 1 tuổi người nước ngoài cùng 7 người khác mắc Covid-19
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Bảy (ngày 28/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Miền Trung cần hàng nghìn tỷ đồng để tái thiết sau mưa lũ
Truyền thông trong nước cho biết, lãnh đạo 6 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi ngày 27/11 đề nghị Trung ương hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống người dân.
Theo thống kê, các cơn bão, lũ từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 11 ở miền Trung gây thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Trước đề nghị của các lãnh đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ hỗ trợ gần 8.000 tỷ đồng cho các tỉnh miền Trung để khắc phục hậu quả mưa lũ, giải quyết các vấn đề dân sinh cấp bách và sửa chữa những cơ sở hạ tầng thiết yếu nhất.
Quảng Ngãi xuất hiện ca mắc bệnh Whitmore đầu tiên
Tối 27/11, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã tiếp nhận điều trị một trường hợp mắc bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Đây là ca mắc bệnh Whitmore đầu tiên ở tỉnh này.
Bệnh nhân (BN) là nam giới, 50 tuổi, ngụ xã Phổ Châu, TX. Đức Phổ, có tiền sử mắc bệnh tiểu đường. Trong 2 tháng trở lại đây, BN có dấu hiệu bị trướng bụng, xuất hiện áp xe mủ ở ổ bụng. BN đến khám tại các cơ sở y tế và được chỉ định mổ lấy khối áp xe 2 lần nhưng vẫn không khỏi.
Lần thứ 3, sau khi có kết quả xét nghiệm, BN mới biết mình bị bệnh Whitmore. Bà N.T.L. (vợ bệnh nhân) cho biết: “Ngày thường, vợ chồng tôi hay đi làm ruộng. Cách đây mấy tháng, chồng tôi phát hiện bụng xuất hiện nhọt có mủ, đi mổ vẫn không hết, giờ mới biết là bệnh Whitmore”.
Bệnh melioidosis hay còn được gọi là bệnh Whitmore, đây là bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm cho người hoặc động vật. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm. Bệnh này chủ yếu xảy ra ở các nước khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á và miền bắc Australia do lây truyền sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh bị ô nhiễm.
Nguyên giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm sẽ hầu tòa hôm 10/12
Cấu kết với một số doanh nghiệp tư nhân gian lận về giá bán thiết bị phòng chống viêm phổi Vũ Hán gây thiệt hại hơn 5 tỉ đồng, ông Nguyễn Nhật Cảm, nguyên giám đốc CDC Hà Nội, cùng 9 bị cáo sẽ hầu toà vào ngày 10/12.
Theo đó, phiên tòa diễn ra trong 3 ngày. Hội đồng xét xử gồm 3 người, do thẩm phán Chử Phương Ngọc làm chủ tọa.
Theo cáo trạng, lợi dụng dịch viêm phổi Vũ Hán, với động cơ vụ lợi, từ đầu tháng 2/2020, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm đã móc nối với các bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh thuộc các công ty tư nhân kinh doanh vật tư y tế để thỏa thuận mua bán các máy, thiết bị y tế thuộc gói thầu số 15 (hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR) cho CDC Hà Nội trước khi thực hiện các quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường.
Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR khi nhập về Việt Nam có giá hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các bị cáo đã thống nhất nâng giá nhập khẩu, sau đó mua bán lòng vòng. Cuối cùng, CDC Hà Nội đã mua thiết bị với giá cao gấp nhiều lần.
Bé gái 1 tuổi người nước ngoài cùng 7 người khác mắc Covid-19
Bộ Y tế chiều 27/11 cho biết trong ngày, cả nước phát hiện thêm 8 bệnh nhân Covid-19 (BN1332 – BN1339), trong đó có một bệnh nhi là con gái của chuyên gia người Nga – là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại Khánh Hòa (4), TP.HCM (3) và Nam Định (1).