Tin Việt Nam – 23/11/2020
Bộ Công an đã hoàn tất điều tra vụ ông Nguyễn Đức Chung “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an Việt Nam hôm 20/11 đã chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát để truy tố cựu Chủ tịch Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, và 3 người khác về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin trên vào ngày 21/11.
Theo tin, hôm 20/11 Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, cùng 3 bị can khác; đồng thời trong ngày Bộ công an cũng đã chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao để truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” qui định tại Điều 337 Bộ luật hình sự.
Theo đó, ngoài ông Nguyễn Đức Chung, 3 bị can bị đề nghị truy tố với cùng tội danh trên gồm ông Phạm Quang Dũng – nguyên cán bộ Công an; Nguyễn Hoàng Trung, chuyên viên phòng thư ký biên tập và Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Phó trưởng phòng thư ký biên tập.
Hôm 18/9, gia đình ông Nguyễn Đức Chung đã làm thủ tục xin cho ông được áp dụng biện pháp cho tại ngoại để điều trị ung thư trong khi đang bị tạm giam để điều tra trong vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mất nhà nước”.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công An đã từng cho truyền thông biết hôm tháng 8/2020 rằng ông Chung có liên quan đến 3 vụ án gồm: “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan; thứ hai là vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại thành phố Hà Nội và thứ ba là vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” như vừa nêu.
Ông Nguyễn Đức Chung, sinh năm 1967, được bầu làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội từ cuối năm 2015 sau nhiều năm công tác trong ngành công an và từng giữ chức Giám đốc Công an Hà Nội.
Cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội đối diện án tù 15 năm
Tin từ Hà Nội: Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin cựu uỷ viên trung ương đảng cộng sản, cựu chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm có thể đối diện với mức án lên đến 15 năm tù nếu bị kết tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo Điều 337 của Bộ luật Hình sự.
Báo Người Lao Động cho biết ngày 21/11, bộ công an cộng sản đã đề nghị viện kiểm sát tối cao cộng sản truy tố 4 bị can cựu thiếu tướng công an Nguyễn Đức Chung, cựu công an Phạm Quang Dũng, tài xế riêng của ông Chung tên là Nguyễn Hoàng Trung, và Nguyễn Anh Ngọc- thư ký của ông Chung.
Theo kết quả điều tra, ông Dũng sử dụng chìa khoá đánh cắp để trộm tài liệu của Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) về cuộc điều tra Công ty Nhật Cường vốn được coi là sân sau của ông Chung, người từng là giám đốc sở công an thành phố Hà Nội trước khi được bổ nhiệm làm chủ tịch Hà Nội. Ông Dũng sao chụp bất hợp pháp 13 tài liệu và chuyển cho thư ký cùng tài xế của ông Chung. 6 trong số tài liệu này được xếp vào danh mục bí mật nhà nước cấp độ “mật.”
Trước khi bị bắt, ông Chung được cho là ứng cử viên sáng giá cho chức uỷ viên bộ chính trị của đảng khoá tới, và vị trí bộ trưởng công an. Vụ bắt giữ ông này có thể chỉ là vụ tranh giành quyền lực giữa các đảng viên cao cấp của đảng cầm quyền trước đại hội toàn quốc của đảng dự kiến được tổ chức vào tháng 1 năm tới.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/cuu-chu-tich-thanh-pho-ha-noi-doi-dien-an-tu-15-nam/
Cựu chiến binh Trần Đức Thạch sẽ bị xử với cáo buộc “lật đổ” vào ngày 30-11
Nhà thơ Trần Đức Thạch, cựu chiến binh quân đội nhân dân Việt Nam, sẽ bị Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An đem ra xét xử vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 11 năm 2020 với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Thạch hôm 5-11 có gặp gỡ thân chủ của mình trong trại tạm giam Nghi Kim, Nghệ An, nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Sắp tới họ vẫn xét xử thôi, cũng vẫn như các vụ án khác. Mức án vẫn chưa rõ và sẽ phụ thuộc vào quan điểm của ông Thạch như thế nào thôi.
Ông ấy thừa nhận các hành vi của mình làm nhưng cho rằng đó chỉ là đóng góp phản biện thôi chứ không nhằm chống nhà nước.”
Theo khoản 1, điều 109 Bộ luật Hình sự, với tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, ông Trần Đức Thạch có khả năng đối diện với mức án đến 20 năm tù giam, chung thân hoặc tử hình nếu bị Tòa án Nghệ An phán xét là có tội.
Ông Thạch sinh năm 1952, là một nhà hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam trong nhiều năm.
Ông từng bị TAND TP Hà Nội kết án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cùng với hai ông Vũ Văn Hùng và Phạm Văn Trội hồi năm 2009.
Ông Thạch là tác giả của bài “Hố chôn người ám ảnh” kể lại sự việc lính Bắc Việt khi thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh đã thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, bây giờ gọi là Xuân Lập, thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai ngay trước ngày 30-4-1975.
Với những đóng góp của mình, giải thưởng mang tên tù chính trị Nguyễn Chí Thiện 2020 đã được trao cho ông vào ngày 28/9/2020.
Ông Thạch đồng thời cũng là một thành viên của Hội Anh em dân chủ, một tổ chức tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam một cách ôn hòa không được nhà nước công nhận và đã có hàng chục thành viên bị bắt giữ và thụ án trong những năm qua.
Cách chức cán bộ tổ chức sinh nhật với vợ nhiễm COVID-19 tại khu cách ly
Thành ủy Đông Hà, tỉnh Quảng Trị hôm 23/11 có quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức đảng viên đối với ông Hoàng Viết Cương, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Phường 5, Thành phố Đông Hà.
Lý do được nói vì ông này đã tổ chức sinh nhật cùng người vợ bị nhiễm COVID-19 ngay trong khu cách ly ở Quảng Trị.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết ngoài việc bị xử lý về mặt đảng, phòng Nội vụ Thành phố Đông Hà sẽ tham mưu với lãnh đạo thành phố để có hình thức xử lý ông Hoàng Viết Cương về mặt chính quyền.
Ngoài việc vi phạm cách ly COVID-19 nêu trên, ông Cương còn bị nói bị kỷ luật vì lý do “cá nhân”.
Tin cho hay vào tối ngày 15/8, một người quen đã mua bánh sinh nhật gửi vào Khu cách ly COVID-19 ở Trung tâm Y tế Thành phố Đông Hà.
Vị phó chủ tịch phường được xem có cơ hội nhiễm F1 lúc đó đang ở khu cách ly đã gọi vợ là bệnh nhân 904 cũng đang ở khu cách ly sang phòng của mình để chụp ảnh và đăng hình ảnh lên mạng xã hội.
Các bác sĩ phụ trách phát hiện sự việc, gặp ông Cương và yêu cầu thực hiện giãn cách đúng quy định. Ông Cương thừa nhận sự việc nhưng nói đã ngồi xa và chủ động đeo khẩu trang khi gặp người vợ.
Tin nói một ngày sau khi tổ chức sinh nhật, cán bộ y tế còn phát hiện ông Cương mang đồ ăn qua cho vợ.
Tỉnh Quảng Trị từng ghi nhận 7 trường hợp nhiễm COVID-19, hơn 1000 trường hợp F1 và 2000 trường hợp F2 trong đợt bùng phát dịch lần 2 vào cuối tháng 7 vừa qua.
Ba người bị bắt do phá rừng hương cổ thụ
Ba người bị cáo buộc liên quan đến vụ cưa hạ rừng hương cổ thụ tại xã Krong vào sáng 23 tháng 11 bị lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai bắt giữ. Báo Nhà nước đưa tin cùng ngày.
Tin cho biết cả ba đối tượng đều là người dân sinh sống trên địa bàn huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Trong khu vực xã Krong, huyện Kbang hiện còn khoảng 300 cây gỗ hương nằm rải rác trên 27 khoảnh của 7 tiểu khu trong khu vực có diện tích hơn 8.000 ha. Các cây gỗ hương quý giá hàng trăm năm tuổi này đang được bảo tồn. Tuy nhiên, đây lại là khu vực thu hút lâm tặc vì giá trị của cây gỗ hương này.
Giáng hương là loại gỗ quý được nhiều người săn lùng để xây dựng nhà cửa, gia công đồ nội thất. Bởi vậy, những năm gần đây, số lượng cây giáng hương trong tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh hồi tháng 5 năm nay thì khu rừng gỗ hương ở huyện Kbang có hơn 400 cây giáng hương. Tất cả đều mọc tự nhiên, trong đó rất nhiều cây có đường kính gốc hơn 1 m với tuổi thọ vài trăm năm.
Báo Gia Lai dẫn lời ông Trương Thanh Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang hồi tháng 5 rằng trong những năm qua, lâm tặc đã tìm đủ mọi cách để khai thác trộm những cây giáng hương cổ thụ vô cùng quý hiếm này. Chúng dùng mọi thủ đoạn để hăm dọa, thậm chí đâm chém cán bộ bảo vệ rừng. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách vừa thiếu vừa yếu. Đồng lương lại thấp, áp lực lớn, nên không thu hút người lao động có chuyên môn vào. Thậm chí có nhiều người mới vào làm việc nhưng không chịu nổi áp lực như bị đe dọa thì bỏ việc.
Việt Nam thêm 5 ca mắc COVID-19 trong đó 1 người là tiếp viên hàng không
Bình luậnNhã Nam
Chiều 23/11, Bộ Y tế ghi nhận thêm 5 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 1 ca là tiếp viên hàng không, nâng tổng số bệnh nhân từ đầu vụ dịch lên 1.312 bệnh nhân.
Cụ thể theo Bộ Y tế, 5 ca mắc mới (BN1308-1312) đều là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại Hà Nội (2) và TP. HCM (3).
Ca bệnh 1308 (BN1308) tại Hà Nội là nam, 51 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Ấn Độ.
Ngày 20/11, bệnh nhân từ Ấn Độ nhập cảnh Sân bay Nội Bài trên chuyến bay 6E98679, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Hà Nội.
Ngày 21/11, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona Vũ Hán.
Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Ca bệnh 1309 (BN1309) tại TP HCM là nam, 50 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại thị trấn Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Ca bệnh 1310 (BN1310) tại TP HCM là nam, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại phường 14, quận 3, TP. HCM.
Ngày 08/11, 2 bệnh nhân trên từ Rumani nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN82, được cách ly ngay tại TP. HCM.
Ngày 22/11, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm lần 3 dương tính với virus corona Vũ Hán.
Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
Ca bệnh 1311 (BN1311) tại TP HCM là nam, 29 tuổi, là tiếp viên hàng không, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại phường 12, quận Gò Vấp, TP. HCM.
Ngày 08/11, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN311, được cách ly ngay tại TP. HCM.
Ngày 22/11, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm lần 2 dương tính với virus corona Vũ Hán.
Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
Ca bệnh 1312 (BN1312) tại Hà Nội là nữ, 29 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Philippines.
Ngày 18/11, bệnh nhân trên từ Hàn Quốc nhập cảnh Sân bay Nội Bài trên chuyến bay OZ733, được cách ly ngay tại Hà Nội.
Ngày 21/11, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona Vũ Hán.
Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Tính đến 18h ngày 23/11, Việt Nam có tổng cộng 1.312 ca mắc COVID-19, trong đó, 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Việt Nam đã trải qua 81 ngày không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Hiện có gần 15.800 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly).
Hiện có 28 người trong số các bệnh nhân đang điều trị đã chuyển âm tính ít nhất một lần với virus corona Vũ Hán.
Giải thưởng Nhân Quyền 2020 dành cho các nhà hoạt động đang bị cầm tù
Thanh Trúc
Lễ trao giải nhân quyền lần thứ 19 của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, được phát trực tiếp từ California qua Facebook và YouTube sáng 21/11/2020 vừa qua.
Tham dự buổi công bố Giải Nhân Quyền có Tiến sị Nguyễn Bá Tùng, Giáo sư Nguyễn Chính Kết, Linh mục Đặng Hữu Nam, Luật sư Nguyễn Văn Đài, và đại diện các đơn vị nhận giải.
Ngoài ra còn có sự hiện diện của Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu, Chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Đỗ Như Điện, giám đốc đài Đáp Lời Sông Núi phát về Việt Nam.
Năm nay, 3 đơn vị được trao giải là từ nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, tù nhân lương tâm Nguyễn Năng Tĩnh, Hội Nhà Báo Độc Lập với 3 thành viên đang bị cầm tù là các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn.
Mở đầu buổi họp, trưởng ban điều hành Mạng Lưới Nhân Quyền, Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, nhắc lại mục đích chính của Giải Nhân Quyền Việt Nam:
“Là để tuyên dương thành tích tranh đấu bất bạo động cho lý tưởng Nhân Quyền Việt Nam, là cơ hội để người Việt khắp nơi bày tỏ tình liên đới với những cá nhân và đoàn thể đã và đang dấn thân bảo vệ quyền làm người cho người dân Việt Nam”.
Đầu tiên là thầy giáo, facebooker Nguyễn Năng Tĩnh, giảng viên âm nhạc, bị công an Nghệ An bắt giữ cuối tháng 5/2019 vì đã dạy cho học sinh bài hát của cựu tù chính trị Võ Minh Trí, tức nhạc sĩ Việt Khang, chưa kể đưa lên trang FB cá nhân tin tức và hình ảnh về khủng hoảng môi trường Formosa ở Hà Tĩnh năm 2016.
Lên tiếng cho thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh tại lễ trao giải, Linh mục Đặng Hữu Nam phát biểu:
“Chỉ cần nghe lại những lời trước Tòa xử mình thì sẽ nhận diện được con người tù nhân lương tâm Nguyễn Năng Tĩnh. Ông nói “Tôi khát khao một đất nước tự do dân chủ. Tôi lo lắng cho vận mệnh đất nước và dân tộc, lo lắng cho mội trường sống bị đầu độc. Tôi không thể vô cảm và quan tâm trước nguy cơ mất chủ quyền quốc gia”. Thầy còn nhắn nhủ rằng “Dù mức án cao đến đâu, 10 năm, 20 năm hoặc có thể tử hình thì tôi cũng không thay đổi chính kiến của mình”.
Ngày 15/11/2019. Tòa án tỉnh Nghệ An tuyên 11 năm tù giam, 5 năm quản chế đối với thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh theo Điều 117, Điều 44, và Điều 112 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Đến ngày 4/10 năm nay, 20 nhà giáo và giáo viên âm nhạc của Israel gửi một kiến nghị thư lên Bộ trưởng Quốc phòng và Phó thủ tướng Bnei Gantz, yêu cầu Israel gây sức ép để Hà Nội trả tự do cho thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh.
Người thứ hai nhận giải Nhân Quyền Việt Nam 2020 là facebooker, phóng viên RFA Nguyễn Văn Hóa. Được mời góp tiếng từ Đức, cựu tù nhân quyền, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng thảm họa Formosa đã dẫn đến việc Nguyễn Văn Hóa bị bắt giữ và bị ngược đãi:
“Anh Nguyễn Văn Hóa đã ra tận hiện trường, hỗ trợ nạn nhân thu thập bằng chứng nhằm tố giác và khởi kiện công ty Formosa. Không những thế, anh đã dùng các phương tiện thông tin hiện đại để đưa tin tức về Formosa đến với công chúng”.
“Anh là người đầu tiên sử dụng Flycam để thu lại hình ảnh của hơn chục ngàn người biểu tình trước cổng công ty Formosa. Anh Nguyễn Văn Hóa đã cộng tác thường trực với đài Á Châu Tự Do và đã cung cấp Video về các cuộc biểu tình của dân miền Trung phản đối công ty Formosa”.
Ngày 11/1/2017, anh Nguyễn Văn Hóa bị bắt tại Kỳ Anh vào khi đang đưa tin vụ xét xử một số người tại Giáo xứ Đông Yên, bị giam giữ bí mật trong 9 ngày.
Đến ngày 27/11/2017, Tòa án Nhân dân kết án Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù, 3 năm quản chế về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN, Điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Anh bị giam tại nhà tù An Điềm, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
“Tại trại giam An Điềm, Nguyễn Văn Hóa nhiều lần bị cai tù đánh đập và biệt giam, vì thế anh đã nhiều lần tuyệt thực để phản đối”.
Hôm 24/ 9/2020 vừa qua, Dân biểu liên bang Hoa Kỳ, ông Alan Lowenthal, ra thông báo chính thức nhận bảo trợ cho nhà hoạt động trẻ tuổi, tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, qua chương trình Defending Freedoms Project của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos trong Quốc Hội Hoa Kỳ.
Được long trọng vinh danh tại buổi trao giải 2020 ngày 21/11 là Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam mà Chủ tịch Phạm Chí Dũng đã bị bắt đi từ ngày 21/11/2019.
Kế tiếp, Phó chủ tịch Hội, ông Nguyễn Tường Thụy, bị bắt ngày 23/5/2020. Một tháng sau đó, đến lượt biên tập viên thứ ba của Thời Báo Việt Nam, tiếng nói của Hội Nhà Báo Độc Lập, cũng bị bắt và đang bị giam trong tù.
Hội Nhà Báo Độc Lập là tổ chức đấu tranh ôn hòa. Giáo Sư Nguyễn Chính Kết, từng được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao giải khi ông mới từ Việt Nam sang Mỹ, nhận định:
“Việt Nam Thời Báo là phương tiện để các hội viên thể hiện quan điểm và nói lên thực trạng xã hội với những mặt trái của nó. Hội đã đối diện với sự đàn áp nặng nề.
“Ngoài 3 ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn thì đã có ít nhất 10 thành viên khác của Hội bị triệu tập và hỏi cung. Trang mạnh và trang Facebook của Hội bị khóa tại Việt Nam, và thường xuyên bị hackers tấn công, nhiều bài trên facebook bị gỡ bỏ”.
Hôm 10/11 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tống đạt cáo trạng truy tố 3 cây viết của Thời Báo Việt Nam theo Khoản 2, Điều 117 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam. Tội danh mà họ bị cáo buộc là ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Đáng chú y nhất là mới đây, ngày 16/11, Vương Quốc Anh và Canada lên tiếng với phía Việt Nam về việc bắt giữ các thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập, chỉ trích Hà Nội ra sức hạn chế tự do ngôn luận bên trong Việt Nam.
Nói với Á Châu Tự Do về giải thưởng nhân quyền mà Hội Nhà Báo Độc Lập được trao năm nay, quyền Chủ tịch hiện tại là ông JB Nguyễn Hữu Vinh, đang ở bên ngoài Việt Nam, bày tỏ:
“Đây là một vinh dự không riêng cho Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam mà còn là vinh dự chung cho những tiếng nói ở trong nước đã bị bắt, bị khủng bố bằng nhiều cách khác nhau. Khi được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam vinh danh thì với tôi là nguồn động viên rất lớn cho người cầm bút chỉ muốn nói lên sự thật của đất nước”.
Hai tiếng nói từ Việt Nam, một là chị Huệ, chị gái tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, hai là chị Tình – vợ nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh:
“Rất vui vì em Hóa được Mạng Lưới Nhân Quyền trao giải. Đây là động lực và vinh dự cho em Hóa, cũng là nguồn động viên lớn cho gia đình vì được quí vị quan tâm. Xin chân thành cảm ơn quí vị”.
“Xúc động và cảm thấy may mắn. Không biết nói thế nào để diễn tả hết niềm vui của em là vợ thầy Tĩnh, chỉ biết cảm ơn và cảm ơn”.
Được biết với đợt trao giải lần thứ 19 này, tính từ 2002 là khi Giải chính thức được thành lập, khoảng 50 nhà hoạt động, nhà tranh đấu, nhà báo, tù nhân lương tâm trong nước đã được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam tuyên dương từ trước đến giờ.
‘Bi hài kịch trong xã hội Việt Nam thời hậu cộng sản’
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm
Thuở nhân loại còn lý tưởng siêu hình
“Từ thuở Tiên đi, sầu cũng nhỏ
Nhân gian thôi nhớ chuyện trên trời.”
Đó là hai câu thơ của Huy Cận trong Lời mở đầu của Bùi Văn Nam Sơn cho bản dịch “Hiện Tượng Học Tinh Thần” của G. W. F. Hegel (Văn Học-2006). Khi trích dẫn hai câu thơ này, chàng học giả họ Bùi muốn nói đến một không khí triết học đã trở nên trống vắng và không còn mang cao vọng lớn lao sau tác phẩm lừng danh này của Hegel.
“Tiên” ở đây không phải là nàng tiên, hay là tiên sinh, mà là một nhà tiên tri cho thời đại và nhân loại. Khi nhà tiên tri đã ra đi, con người trần gian không còn màng đến việc tày trời. Họ chỉ còn biết chuyện trên Trái Đất, cho một cuộc sống thuần kinh tế vật chất.
Nhìn lại lịch sử thế giới trong cả một trăm năm qua, từ “duy tâm luận” của Hegel, nhân loại lại hăm hở chạy theo “duy vật chủ nghĩa” của Marx để rồi hệ quả là con người càng lún sâu vào cõi vật thể. Không còn ai nhìn lên cao để “nhớ chuyện trên trời”. Ngay cả nỗi sầu muôn năm, nay cũng còn rất nhỏ.
Khi con người đã bỏ lại đằng sau mình hai thời quán giáo điều của tôn giáo và ý thức hệ từ chủ thuyết chính trị thì hắn không còn gì siêu hình để tin vào, không còn lý tưởng vượt trần gian để sống và chết cho. Lịch sử nay đã không còn cứu cánh tính; cuộc đời cá nhân không còn cưu mang nội dung bản thể – hắn cũng mất luôn niềm xác tín vào ý nghĩa hiện hữu. Đây là thời điểm mà hắn bỏ rơi tôn giáo và chính trị để ra đi. Bi kịch là hắn không biết đi về đâu.
Khi thoát khỏi thần linh và ý hệ, ở giai đoạn đầu, con người cảm thấy bị chấn thương và bơ vơ. Nhưng nay thì nỗi cô đơn cũng đã không còn – khi ý thức lịch sử cũng đã biến mất. Tất cả nhân loại này, từ đông sang tây, từ giàu đến nghèo, nay đã trở nên những chiếc máy thuần kinh tế. Tiền bạc, vật chất là cứu cánh duy nhất, mối bận tâm tối hậu cho cuộc đời.
Còn đâu lý tưởng tinh thần?
Hãy nhìn vào đội ngũ đồng chí cách mạng Cộng Sản Việt Nam ngày nay. Những con người cách mạng oai hùng và huy hoàng thế kỷ trước nay chỉ còn loay hoay với những ván bài tiền của. Họ đã bỏ quên trời đất ngoài kia để chỉ còn say sưa trong bóng tối với chính mình. Đó là những đứa con của Karl Marx bị lịch sử bỏ rơi, thậm chí đang tha hóa. Cả bao thế hệ đi theo lãnh tụ Hồ Chí Minh cho lý tưởng độc lập, công lý và nhân phẩm dân tộc và tổ quốc, nay không ít họ sẵn sàng bỏ nước ra đi vì không còn chấp nhận tình trạng tha hóa cùng cực của xã hội và tổ chức cộng sản Việt Nam hiện tại.
Căn nguyên từ đâu? Gần hai thế kỷ trước, khi Marx đọc cuốn “Hiện Tượng Tinh Thần” này của Hegel, chàng ta muốn chuyển ngược biện chứng Tinh thần thành ra quy luật kinh tế. Gốc rễ của con người, thước đo cho nhân loại, không phải đến từ trời cao hay thần linh, mà là con người chính hắn. Marx muốn mang nhân gian này ra khỏi “vương quốc thiết yếu,” vốn chỉ biết bận tâm về nhu cầu vật chất, đến với “cõi tự do” nơi mà cá nhân và tập thể được dung thông trong hòa hợp giữa nhu cầu và khả năng.
Marx muốn giải phóng con người ra khỏi “vọng tưởng duy tâm” của Hegel, vốn là “thượng tầng cấu trúc” của thực tế vật chất, để đem nhân loại trở về với thực tại trần đời, để làm người thế gian thuần kinh tế. Nhân loại hãy thôi hoang phí năng lực vào ước vọng siêu hình để mà đem hết sức mình lo chuyện áo cơm bằng phương trình lịch sử.
Và như ai cũng đã biết rồi. Cơn mơ nào cũng phải được tỉnh thức. Chủ nghĩa Marx đã tàn lụi như là một lý tưởng lịch sử và chính trị. Nhưng Marx đã tiên tri đúng về thân phận con người thế gian này, nhất là đối với cán bộ viên chức còn đứng trong Đảng Cộng sản VN. Tất cả đảng viên nay chỉ là những con vật kinh tế (nghĩa triết học: ‘man as an economic animal’) – và tham vọng quyền lực cũng duy chỉ cho cứu cánh vật chất.
Không còn ai tin vào ngôn từ, khẩu hiệu của Đảng nữa. Năng lực hướng thượng cho đời sống Tinh thần đã biến mất – dù rằng nạn mê tín thần linh cho nhu cầu vật chất và quyền lực thì tràn ngập. Trời cao không còn. Lý tưởng đã chết. Cái điều nghịch ngẫu nằm ở chỗ rằng dù cho cán bộ Cộng sản Việt Nam hôm nay, trên bình diện lý thuyết chính trị, họ không còn tin Marx, nhưng trên bình diện kinh tế, họ đều là những đứa con ngoan của Marx (xem thêm các luận thuyết về ‘kinh tế học Marxist và phần động vật trong con người).
Hai nhà tiên tri mâu thuẫn
Hãy đọc lại Hegel. Lịch sử là sự “khai mở Tinh thần vào thời gian”, cũng như “Vũ trụ là sự khai mở Tinh thần vào không gian.” Thế giới, theo Hegel, là một hiện tượng Tinh thần, mà trong đó, cá nhân tính chỉ là một hình thái tha hóa đang vươn mình tìm về lại chân lý vốn đang chờ đón ở cuối hành trình lịch sử. Cứu cánh tính của lịch sử và nhân loại là Tự do. “Lịch sử thế giới là một tiến trình trong ý thức Tự do,” Hegel tuyên bố.
Trên cơ bản cá nhân, Tự do là sự giác ngộ về “bản lai diện mục”. Trên cơ bản nhân loại, Tự do là sự dung thông của ý chí cá thể với thực tế lịch sử. Đây là một con đường đầy gian truân, “một xa lộ đầy bi kịch,” mà Tinh thần tạo hóa, như là một nhà đạo diễn đầy thủ đoạn – the cunning of Reason – nhưng với thiện ý, đầy đoạ nhân gian như là những trừng phạt của cha mẹ dành cho con cháu trong nhà nhằm cho chúng mở mắt ra để trưởng thành và lớn lao lên mà biết đến đường về.
Đối với Hegel thì bản chất tha hóa từ năng thức Tinh thần tuyệt đối nơi ý thức con người là nguyên nhân cho địa ngục trần gian. Trong khi đó, Marx thì cho rằng sự tha hóa của con người là hệ quả từ bản chất cấu trúc kinh tế vật chất có sẵn của xã hội. Marx muốn xem thế gian và lịch sử là đối tượng để chinh phục và đổi mới. “Chính ta sẽ dẫm trên đống gạch vụn lịch sử để đứng lên như là một thượng đế mới,” Marx viết. Con người và lịch sử như là một tiền đề và phản đề, soi gương lẫn nhau để mà chuyển hóa và biến thái lẫn nhau.
Một nửa nhân loại của thế giới, trong suốt hầu hết thế kỷ 20, đã nghe lời Marx như thế, để mang ý chí thay đổi lịch sử nhằm chuyển hóa con người. Hạnh phúc con người chỉ có từ cơ bản kinh tế khi cấu trúc xã hội sẽ phải được tái kiến tạo nhằm giải quyết nhu cầu thiết yếu vật chất. Những con chiên Marxists không còn phải chỉ lo về chính mình. Mà trái lại. Hắn muốn hy sinh đời sống riêng tư bằng ý chí tự phủ định cho cứu cánh lịch sử.
Từ đó, lịch sử là chủ thể của ý chí mà cá nhân phải phục tòng. Con người từ giã tính tha hóa cá nhân bằng cách hòa mình vào ý chí tập thể trong cứu cánh tính tự do. Muốn được giải phóng, hắn phải trước hết tự trói chặt chính mình vào cơ năng tổ chức. Chỉ còn có con người lịch sử chứ không còn cá thể riêng tư. Và thảm họa phát xuất từ đó.
Khi “Đảng ta” nuốt lấy cái ta cá thể Việt
Và người Cộng Sản Việt cũng đã hiến mình vào trong mắt xích tập thể cho lý tưởng lịch sử duy ý chí đó. “Đảng ta” nay đã thay thế cho cái ta cá nhân Việt. Vì thế, bản chất mâu thuẫn chính trị hiện nay ở Việt Nam nằm ở nơi khi mà ý chí vươn lên của cái ta cá nhân Việt muốn thoát khỏi xiềng xích tập thế của “Đảng ta”.
Nay nhìn đâu con người Việt Nam cũng chỉ còn thấy những sự xuống cấp, tan rã của thần linh, của tiên tri, của giáo điều, chủ nghĩa, của tổ chức, của Đảng ta. Mọi thứ đều rất rẻ, dễ mua, dễ bỏ.
Theo tôi, dân tộc Việt nay chỉ còn đi theo tinh thần thời đại duy vật chất, hết mơ nói chuyện trên trời.
Những ngày mùa đông cuối năm 2020, ở khắp nơi trên thế giới cũng như ở đất nước Việt Nam, tất cả là một trường nhân gian tất bật lo lắng thuần kinh tế và thân xác. Trong hơi men tàn của cơn say lý tưởng từ thế kỷ trước, có cái gì đó trong tâm tư nhiều người Việt đang thấy rằng đây là một hoạt cảnh nhàm chán loay hoay của một khối nhân loại không còn lý tưởng, không còn chân lý và sự thật, không còn ý chí lịch sử.
Khi Hegel bị lãng quên, Marx rớt vào sọt rác thì lúc mà người Cộng Sản Việt nay đã kiệt sức lý tưởng và ý chí cao thượng.
Các hiện tượng quậy phá, làm dáng của một số trí thức, văn nghệ sĩ, của người giàu có tại Việt Nam hiện nay xét ra là tấn bi hài kịch của nỗ lực muốn thoát ra khỏi xiềng xích ‘tính Đảng’. Các cố gắng du nhập tư tưởng tiến bộ, hiện đại từ bên ngoài vào Việt Nam, công việc chỉnh sửa giáo dục, sách giáo khoa, phát triển mạng XH… luôn có nguy cơ hoặc bị đè bẹp, hoặc bị biến dạng, hội nhập vào dòng tha hóa.
Ngay cả thi ca, âm nhạc và văn chương Việt hiện nay đa phần trở nên trống rỗng nhàm chán khi đã hết chất men tinh thần thời kháng chiến.
Không còn ai xứng đáng là kẻ tiên tri cho thời đại. Những đứa con rơi thuần duy vật của Marx ở Việt Nam nay đã mất hồn lịch sử. Mối sầu kim cổ lớn lao của nhân loại đi đâu mất rồi! Hãy đọc tiếp hai câu thơ Huy Cận:
Đại bàng vỗ cánh muôn năm trước
Đâu biết trời kia rộng mấy khơi.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư, tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm từ Hoa Kỳ từ San Jose, California. Trong số các sách của ông đã có cuốn ‘Thời tính, Hữu thể và Ý chí: Một luận đề siêu hình học” được xuất bản ở Việt Nam năm 2018.
Đà Nẵng sẽ rà soát toàn bộ các công trình xây dựng sai phạm trên bán đảo Sơn Trà
Cơ quan chức năng Thành phố Đà Nẵng ngày 23/11 sẽ rà soát lại và xử lý nghiêm các công trình xây dựng bị cho không đúng quy định tại bán đảo Sơn Trà.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn văn bản của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân TP. Đà Nẵng yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự cùng với các ban ngành rà soát toàn bộ, hoàn chỉnh hồ sơ thẩm định về lĩnh vực quốc phòng theo kết luận 269 của Thanh tra Chính phủ đối với các dự án xây dựng trên bán đảo Sơn Trà.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành các quy định về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà có 7 dự án giao, cho thuê đất vi phạm về an ninh quốc phòng trong tổng số 18 dự án trên bán đảo Sơn Trà mà Uỷ ban Nhân dân TP phê duyệt với tổng diện tích hơn 163 hécta (ha). Bảy dự án này chưa xác định trong phương án giao quản lý và bảo vệ rừng.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý 2 dự án là khu du lịch sinh thái biển, biệt thư cao cấp Ghềnh Bàn – Bãi Đa do công ty Cổ phần xây dựng 79 của cựu thượng tá an ninh Phan Văn Anh Vũ làm chủ đầu tư và dự án khu biệt thự Suối Đá.
Thành phố Đà Nẵng không thẩm định về nhu cầu sử dựng đất đối với các dự án bao gồm khu du lịch, dịch vụ ven biển và dịch vụ sinh thái cao cấp Hồ Xanh, khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái cao cấp Ghềnh Đa – Mũi Nghê, khu du lịch sinh thái biển kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, khu biệt thự Suối Đá hoặc có thẩm định nhưng không đầy đủ thủ tục.
Giảm trên 1.000 trường công lập năm học 2019-2020
Việt Nam giảm trên 1.100 trường công lập các cấp trong năm học 2019-2020.
Báo Nhà nước Việt Nam dẫn thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa tin ngày 23/11.
Cụ thể, trường công ở bậc tiểu học giảm mạnh nhất với 879 trường, tiếp đó là bậc mầm non giảm 218 trường, bậc trung học cơ sở giảm 70 trường. Riêng bậc trung học phổ thông vẫn giữ nguyên số trường công lập như năm học 2018-2019.
Trong khi trường công giảm thì hệ ngoài công lập lại tăng 205 trường, được nói tập trung ở các thành phố lớn. Trong đó, 150 trường mới thành lập ở bậc mầm non, 31 trường bậc trung học phổ thông, 17 trường bậc tiểu học và trung học cơ sở 7 trường.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã triển khai các chính sách ưu đãi đất đai, thuế, tín dụng… để hỗ trợ các cơ ở giáo dục ngoài công lập, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực của xã hội nhằm phát triển giáo dục đào tạo. Từ đó, giúp giảm áp lực sỹ số, nâng cao chất lượng đào tạo.
Nguyên nhân việc giảm số lượng trường công lập được đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay do các địa phương thực hiện sắp xếp mạng lưới, quy mô trường, lớp một cách phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ : Việt Nam nên ngưng trung chuyển hàng xuất khẩu Trung Quốc
Minh Anh
Việt Nam nên ngăn chận việc trung chuyển trái phép hàng xuất khẩu của Trung Quốc và nên mua thêm hàng hóa của Mỹ, như khí thiên nhiên hóa lỏng và các thiết bị quân sự, để tránh bị áp thuế trừng phạt của Mỹ. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã có những đề nghị như trên với các lãnh đạo Việt Nam nhân chuyến thăm Hà Nội trong hai ngày 20 và 21/11/2020.
Trả lời hãng tin Bloomberg, ông Robert O’Brien cho rằng ngăn chận việc trung chuyển hàng của Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam « có thể là cơ sở để đảo ngược » các biện pháp áp thuế.
Đây cũng chính là điểm gây căng thẳng giữa Mỹ và Việt Nam, mặc dù hai nước cựu thù này ngày càng củng cố các mối quan hệ toàn diện để chống lại các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Chính phủ Việt Nam vẫn bày tỏ « quan ngại » về việc Bắc Kinh luôn tìm cách cản trở Hà Nội khai thác các nguồn tài nguyên ngoài khơi như thủy sản và khí đốt.
Vẫn theo phát biểu của ông Robert O’Brien với Bloomberg, trước những mong mỏi của Việt Nam muốn được chia sẻ thông tin quân sự, cũng như muốn có thêm trang thiết bị từ tuần duyên Mỹ để bảo vệ tốt hơn các vùng lãnh hải, Washington có thể hỗ trợ tài chính cho Việt Nam để mua trực thăng của Mỹ, nhằm giảm bớt thâm hụt mậu dịch song phương với Việt Nam, đã lên đến mức kỷ lục 56 tỷ đô la trong năm 2019.
Khi được hỏi về những thông tin này, chính phủ Việt Nam hiện vẫn chưa có đưa ra một lời bình nào. Bloomberg nhắc lại trong tháng 11 này, bộ Thương Mại Hoa Kỳ thông báo áp thuế đối với lốp xe ô tô và xe tải của Việt Nam, khi cáo buộc Việt Nam « định giá thấp đồng nội tệ ».
Điểm tin trong nước sáng 23/11: Bảo hiểm phi nhân thọ đối mặt nguy cơ bồi thường lớn do thiên tai
Mục lục bài viết
Một tội phạm người Trung Quốc bị truy nã trốn sang Việt Nam
Bảo hiểm phi nhân thọ đối mặt nguy cơ bồi thường lớn do thiên tai
Ném hàng chục quả ‘bom xăng’ sang nhà hàng xóm rồi có thủ trong nhà
Hà Nội yêu cầu xử lý trách nhiệm nhà thầu để ùn ứ rác ở Yên Phụ
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Hai (ngày 23/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Một tội phạm người Trung Quốc bị truy nã trốn sang Việt Nam
Một tội phạm người Trung Quốc trốn sang Việt Nam đã bị lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế bắt giữ, bàn giao lại cho phía Trung Quốc.
Báo Thanh Niên ngày 22/11 dẫn lời trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, sự việc xảy ra ngày 18/11 khi kiểm tra hành chính tại lô D1, LK2 khu đô thị mới An Vân Dương (phường An Đông, TP Huế), người bị bắt giữ là ông Yao Feng Cheng vi phạm về hành vi sử dụng chứng nhận tạm trú quá thời hạn. Ông Yao bị phạt hành chính 4 triệu đồng.
Nhà chức trách cho biết ông Yao Feng Cheng là tội phạm đang bị công an Trung Quốc truy nã.
Ngày 20/11, lực lượng chức năng Việt Nam đã đưa ông Yao ra cửa khẩu Lạng Sơn và bàn giao cho phía Trung Quốc.
Bảo hiểm phi nhân thọ đối mặt nguy cơ bồi thường lớn do thiên tai
Trên báo Tuổi Trẻ, theo ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm VN, 3 quý đầu năm 2020, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 40.969 tỷ đồng. Dù tăng 5,7%, nhưng con số này vẫn thấp hơn một nửa so với mức tăng 12% cùng kỳ năm trước.
Doanh thu tăng trưởng chậm, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đối mặt với nguy cơ bồi thường lớn do thiên tai. Chỉ riêng 3 quý vừa qua, khối phi nhân thọ đã chi bồi thường 13.996 tỷ đồng, tỉ lệ bồi thường khoảng 34% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường). Song con số này dự kiến sẽ tăng tiếp.
Ném hàng chục quả ‘bom xăng’ sang nhà hàng xóm rồi có thủ trong nhà
Dân Trí đưa tin, 23h30 tối 21/11, người dân sống gần khu vực hồ Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) bất ngờ nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn vang lên. Vội chạy đến hồ Triều Khúc, mọi người hốt hoảng chứng kiến cảnh tượng một đoạn đường cạnh hồ lửa cháy ngùn ngụt.
Theo lời một nhân chứng có mặt tại hiện trường, ở thời điểm vụ việc xảy ra họ nhìn thấy một người đàn ông đứng trên tầng 3 ngôi nhà gần đó rồi ném hàng chục quả “bom xăng” về phía nhà hàng xóm.
Lửa bùng lên và tạo thành đám cháy lớn. Nhiều tia lửa bắn vào cột điện rồi rơi xuống đường và một số ngôi nhà bên cạnh. Sự việc khiến nhiều người bị bỏng. Sau khi ném bom, người đàn ông khóa trái cửa, cố thủ trong nhà.
Đến 2 giờ 30 phút ngày 22/11, Ngọc đã châm lửa đốt bên trong phòng. Các lực lượng chức năng đã nhanh chóng phối hợp phá cửa, phun nước vào bên trong dập tắt đám cháy khống chế người đàn ông trên.
Sáng 22/11, một lãnh đạo xã Tân Triều cho biết, nguyên nhân ban đầu vụ việc, vị lãnh đạo nhận định có thể do hàng xóm thường xuyên hát karaoke gây ồn ào. Người đàn ông này góp ý nhiều lần không được nên đã có hành động ném “bom xăng”.
Hà Nội yêu cầu xử lý trách nhiệm nhà thầu để ùn ứ rác ở Yên Phụ
Đây là nội dung chỉ đạo của Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Hùng sau khi báo chí phản ánh tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng tại các quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm do tồn đọng rác.
Ông Hùng yêu cầu các bên liên quan kiểm tra thực tế, xác định rõ nguyên nhân, không để lặp lại. Đồng thời, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với đơn vị thầu cung cấp dịch vụ khi để rác thải tồn đọng.
Quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm phối hợp với các sở Tài Chính, Xây Dựng, Tài nguyên và Môi trường xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường; yêu cầu nhà thầu thu gom rác thải tồn đọng, vận chuyển đến khu xử lý tập trung.
Công ty TNHH Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) được giao phối hợp với Công ty CP Công nghệ cao Minh Quân thu gom, vận chuyển rác theo quy định.
Trao đổi với Zing trước đó, ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), cho biết tình trạng rác thải ùn ứ ở tuyến đường Yên Phụ, Âu Cơ xảy ra từ ngày 18/11. Đến tận ngày 21/11, các đơn vị phụ trách mới vận chuyển rác đi xử lý.
Theo ông Sáng, việc rác không có người dọn do hàng chục công nhân của Công ty Công nghệ cao Minh Quân (nhà thầu thu gom) đình công vì bị nợ lương.
Điểm tin trong nước tối 23/11: Thanh Hoá đề xuất nhiều ‘siêu sở’ có 4 cấp phó; Xin nghỉ việc, một bác sĩ phải bồi thường gần 200 triệu đồng
Tâm Tuệ- Hiểu Minh
Mục lục bài viết
Thanh Hoá đề xuất nhiều ‘siêu sở’ có 4 cấp phó
Xin nghỉ việc, một bác sĩ phải bồi thường gần 200 triệu đồng
Cách chức Phó chủ tịch phường làm sinh nhật trong khu cách ly
Đề nghị xử lý nghiêm chủ quán ở Bắc Ninh bóc lột sức lao động trẻ em
Người đàn ông bị tàu hỏa kéo lê 5 mét
Tìm thấy thêm một thi thể ở Rào Trăng 3
Mục Điểm tin trong nước tối thứ Hai (ngày 23/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Thanh Hoá đề xuất nhiều ‘siêu sở’ có 4 cấp phó
Báo Người Lao Động ngày 23/11 dẫn lời lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cho biết tỉnh này có 55 phó giám đốc sở hoặc tương đương và hiện vẫn còn thiếu 5 người so với quy định. Vì vậy tỉnh đã yêu cầu bổ sung đầy đủ và kiến nghị 4 sở sẽ có 4 cấp phó là Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Tài nguyên – Môi trường, Tài chính và Kế hoạch – Đầu tư.
Đây là điều chưa từng xảy ra, bởi theo quy định của tỉnh, mỗi sở không được phép có quá 3 phó giám đốc.
Xin nghỉ việc, một bác sĩ phải bồi thường gần 200 triệu đồng
Truyền thông trong nước đưa tin, một bác sĩ trẻ ở Bình Định đã phải bồi thường cho tỉnh này gần 200 triệu đồng do vi phạm cam kết.
Theo đó, người phải bồi thường là bác sĩ N. (28 tuổi) với số tiền 198 triệu đồng.
Trước đó, từ năm 2011 – 2017, anh N. được tỉnh cử đi học bác sĩ hệ chính quy diện hợp đồng theo địa chỉ sử dụng. Trước khi đi học, anh có cam kết sẽ làm việc tại tỉnh khi trở về. Tuy nhiên, sau khi ra trường, bác sĩ N. đã bất ngờ xin nghỉ việc.
Cách chức Phó chủ tịch phường làm sinh nhật trong khu cách ly
Truyền thông trong nước vừa cho biết giới hữu trách thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã cách chức đảng ủy viên đối với ông Hoàng Viết Cương, Phó Chủ tịch UBND phường 5.
Lý do, ông Cương đã tổ chức sinh nhật trong khu cách ly cùng vợ là bệnh nhân 904 nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán.
Sau khi xử lý về mặt Đảng, ông Cương sẽ bị kỷ luật về mặt chính quyền.
Đề nghị xử lý nghiêm chủ quán ở Bắc Ninh bóc lột sức lao động trẻ em
Chiều nay, 23/11 Trước thông tin bé trai giúp việc có dấu hiệu bị chủ quán bạo hành tại H.Yên Phong (Bắc Ninh), Bộ LĐ-TB-XH đã yêu cầu xử lý nghiêm minh hành vi bạo lực, bóc lột sức lao động trẻ em.
Theo Cục Trẻ em, các ngành công an, LĐ-TB-XH và y tế đang tích cực vào cuộc để thực hiện chức năng theo thẩm quyền. Công an H.Yên Phong đã tạm giữ chủ quán để điều tra. Bước đầu hai vợ chồng chủ quán đều khai nhận hành vi bạo hành với những người giúp việc trong quán.
Cậu bé giúp việc đã được đưa đến Bệnh viện đa khoa H.Yên Phong điều trị vết thương và đã ổn định, có thể giao tiếp với mọi người xung quanh.
Người đàn ông bị tàu hỏa kéo lê 5 mét
Đi xe máy qua lối mở tự phát, người đàn ông 50 tuổi, trú huyện Mỹ Đức (Hà Nội), bị tàu hỏa tông tử vong lúc 7h30 ngày 23/11 khi điều khiển xe máy băng qua tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, đoạn thuộc phường Ngô Quyền (TP. Bắc Giang).
Nơi xảy ra tai nạn nằm sát khu dân cư, đông người và phương tiện giao thông qua lại. Tuy nhiên, vị trí này không có barie, đèn cảnh báo tàu hỏa. “Nạn nhân đi qua lối mở tự phát và không chú ý quan sát nên đã xảy ra vụ tai nạn”, một CSGT tỉnh Bắc Giang nói trên báo VnExpress.
Tìm thấy thêm một thi thể ở Rào Trăng 3
Cũng theo truyền trông trong nước, chiều 22/11, sau 40 ngày xảy ra vụ sạt lở vùi lấp 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3, thi thể thứ sáu được tìm thấy ở lòng sông.
Ông Hoàng Viết Cường, Phó chánh văn phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết danh tính nạn nhân cần thời gian để xác định.
Bộ đội, công an cũng tìm thấy nhiều đồ đạc, dấu vết nhà cửa ở lòng sông. Ngày mai, các lực lượng sẽ tập trung tìm kiếm 11 công nhân ở lòng sông Rào Trăng.