Tin Việt Nam – 21/11/2020
Công an đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Chung về tội ‘chiếm đoạt tài liệu mật’
Bộ Công an Việt Nam vừa thông báo hoàn tất điều tra một vụ án liên quan ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội.
Khởi tố Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, TP.HCM náo động
VN: Bắt tạm giam, khởi tố em trai cựu Bí thư Lê Thanh Hải
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra bản kết luận điều tra vụ “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” tại Hà Nội, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát để truy tố 4 bị can, trong đó có ông Nguyễn Đức Chung.
Bốn bị can bị nêu tên trong vụ án này gồm:
Nguyễn Đức Chung, sinh ngày 3/8/1967; cư trú tại số 88, phố Trung Liệt, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Phạm Quang Dũng, sinh ngày 16/7/1983; cư trú tại Phòng 3312, CT1, chung cư Ecogreen, đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội; nguyên cán bộ công an.
Nguyễn Hoàng Trung, sinh ngày 28/7/1983; cư trú tại phòng 1602, tòa nhà T2, chung cư Grand City, số 3 Lương Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội; chuyên viên Phòng thư ký biên tập.
Nguyễn Anh Ngọc, sinh ngày 20/5/1974; cư trú tại ngõ 104 Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội; nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập.
Đây chỉ mới một trong ba vụ án mà Bộ Công an đang điều tra về ông Nguyễn Đức Chung.
Ngoài ra, còn vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Vụ án thứ hai ông Nguyễn Đức Chung có liên quan là “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP Hà Nội.
Đầu tiên, ngày 11/8, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để xác minh, điều tra.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 1223/QĐ-TTg tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Sang ngày 28/8/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55028268
CSVN bác tin đồn mật vụ Hà Nội bắt cóc cựu thứ trưởng ở Paris
Tin từ Hà Nội: Phát ngôn viên của bộ ngoại giao cộng sản Việt Nam đã bác bỏ tin đồn mật vụ cộng sản Việt Nam đã bắt cóc cựu thứ trưởng công thương Hồ Thị Kim Thoa ở Paris và chuẩn bị đưa về nước.
Trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 19/11, Lê Thị Thu Hằng nói rằng bộ ngoại giao không có thông tin về vụ bắt giữ bà Thoa, người đang bị bộ công an cộng sản truy nã và cáo buộc chịu trách nhiệm trong nhiều phi vụ bán tài sản của nhà nước cho tư nhân với giá rẻ.
Trước đó hai ngày, chánh văn phòng bộ công an cộng sản, thiếu tướng Tô Ân Xô cũng bác bỏ tin đồn về bà Thoa. Tin bà Thoa bị mật vụ cộng sản Việt Nam bắt giữ ở Pháp vào đầu tháng 11 được tung lên mạng xã hội bởi blogger Người Buôn gió Bùi Thanh Hiếu.
Ông Hiếu, người đang tỵ nạn ở Đức, nói rằng cộng sản Việt Nam đã bắt cóc bà Thoa và hiện đang giam giữ bà trong toà đại sứ của cộng sản Việt Nam ở Paris. Ông cũng nói rằng hiện Hà Nội đang đàm phán với nhà cầm quyền Pháp để dẫn độ bà Thoa về Việt Nam để chịu trách nhiệm hình sự cho sự thất thoát tài sản nhà nước trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Hai quốc gia đã ký hiệp định dẫn độ và tội phạm hình sự có thể bị trục xuất về cố quốc nếu phía bên kia yêu cầu.
Năm 2017, mật vụ cộng sản Việt Nam đã bắt cóc cựu viên chức cao cấp Trịnh Xuân Thanh và giam giữ ở Toà đại sứ cộng sản Việt Nam ở thủ đô Berlin. Sau đó, mật vụ bí mật đưa ông Thanh theo đường bộ sang Slovakia rồi từ đó dùng máy bay mượn của chính phủ Slovakia để đưa ông này về Việt Nam..
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/csvn-bac-tin-don-mat-vu-ha-noi-bat-coc-cuu-thu-truong-o-paris/
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:
“Đầu tư từ Trung Quốc tăng là điều đáng lo ngại”
Cao Nguyên
Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam công bố trong 10 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng dịch COVID, số vốn đầu tư nước vào Việt Nam chỉ đạt 23,4 tỷ USD, giảm 5,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số vốn đầu tư từ Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan và Hong Kong) được đánh giá vẫn duy trì ở mức ổn định với khoảng 4,86 tỷ USD trong 10 tháng.
Tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong vào Việt Nam từ trước đến nay đã đạt trên 76 tỷ USD, vượt qua Hàn Quốc (70,4 tỷ USD) và Nhật Bản (gần 60 tỷ USD)…
Trao đổi với RFA về vấn đề này, chuyên gia Kinh tế, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh rằng thay vì mừng, bà cảm thấy lo lắng khi dòng đầu tư từ Trung Quốc “tăng tốc” vào Việt Nam. Trước hết bà cho biết:
Phạm Chi Lan: “Thực sự thì lâu nay mọi người vẫn mong muốn là có dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Năm nay có dịch COVID làm ảnh hưởng nhiều đến dòng đầu tư toàn cầu. Cũng ở trong khó khăn chung với các nước khác thì Việt Nam rất mong có được đầu tư nước ngoài. Bởi vì xưa nay, đối với Việt Nam, đầu tư nước ngoài và xuất khẩu luôn luôn là hai động lực quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai nữa là trong bối cảnh nhiều nước đang thay đổi, sắp xếp lại chuỗi giá trị của mình, và đang chuyển hướng kinh doanh, làm sao để bớt lệ thuộc vào Trung Quốc và có thể chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc đi các nơi khác.
Việt Nam cũng rất mong là mình có nhận được một phần cơ hội đó, khi mà các nước họ chuyển hướng. Đặc biệt là với những đối tác chiến lược của Việt Nam, ví dụ như các thành viên của EVFTA, Khối Liên minh châu Âu, hay là các đối tác quan trọng khác…
Bây giờ, dòng đầu tư từ Trung Quốc, cộng với Đài Loan và Hong Kong tăng lên mạnh như vậy thì làm cho tôi lo, bởi vì lâu nay đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam thường đi kèm với hàng loạt các vấn đề cho kinh tế Việt Nam.”
Cao Nguyên: Vì sao dòng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng lên lại là mối lo ngại?
Phạm Chi Lan: Ở Việt Nam, trên thực tế nói thật là khả năng kiểm soát các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư Trung Quốc là kém. Bởi vì thường là dựa vào những cái mà nhà đầu tư Trung Quốc họ hứa hẹn hơn là những cái mà chính bản thân mình có thể thẩm định được, đánh giá được chất lượng của nhà đầu tư đó như thế nào, quá trình họ thực hiện làm sao, mình sẽ giám sát như thế nào.
Thứ nhất là các dự án có thể gây ô nhiễm rất cao. Formosa là một ví dụ. Formosa mang danh nghĩa đầu tư Đài Loan nhưng thực tế là một công ty của Trung Quốc mang đầu tư thiết bị vào thực hiện đầu tư ở Việt Nam. Nó đã gây nên vụ tai họa, thảm họa, bi kịch ảnh hưởng rất lớn, đến bây giờ vẫn còn tác động xấu tới các tỉnh ở miền Trung.
Những dự án như nhiệt điện chẳng hạn. Nhiệt điện Vĩnh Tân gây ra biết bao nhiêu vấn đề về môi trường, về xử lý những chất xỉ than ấy như thế nào, hay là đem đổ xuống biển. Tất cả những vấn đề đó đã gây ra biết bao nhiêu vấn đề cho Việt Nam.
Rồi Ià điển hình của những con đường mà Trung Quốc tham gia xây dựng như là đường sắt Cát Linh Hà Đông, 13 cây số kéo dài đến gần 10 năm nay mà cũng không xong, tăng vốn lên gấp mấy lần, tạo thành một gánh nặng nợ lớn cho Việt Nam. Đồng thời, đó là một sự bôi xấu Việt Nam.
Hay là việc họ tham gia vào làm con đường cao tốc từ Đà Nẵng đến Quảng Nam, chỉ mới một tháng sau là hỏng. Khi hư hỏng thì người dân ở đấy tố cáo là bao nhiêu cái làm giả mạo chứ không phải thật, chất lượng rất kém.
Chuyện con đường Cát Linh Hà Đông là đã quá rõ là họ được quyền chỉ định thầu. Chỉ định cho một công ty không có năng lực để làm, kéo dài bao nhiêu lâu nay. Đến lúc ông Đinh La Thăng lên làm Bộ trưởng giao thông, ông đã kêu rằng phải bỏ nhà thầu đó đi, tước quyền không cho thầu nữa. Nhưng cuối cùng có làm được đâu. Bởi vì quyền chọn nhà thầu là quyền của phía cung cấp Trung Quốc, chứ không phải là của phía Việt Nam.
Một loạt những cái khác cũng vậy. Những vấn nạn ví dụ như mang danh là trồng rừng nhưng thực ra là phá rừng nguyên thủy đi để trồng lại những cây công nghiệp mới lên. Làm sao mà cây mới trồng có thể thay thế được cho rừng nguyên sinh. Những cái như thế rất là tệ. Trên danh nghĩa có vẻ là tốt đẹp, nhưng thực chất lại là phá rừng. Ở Việt Nam tình trạng lụt lội thời gian vừa qua cũng may mọi người tỉnh ngộ ra được phần nào là phá rừng như vậy rất tệ hại so với cái gọi là trồng rừng mới.
Tất cả những chuyện đó đã là quá nhiều bài học cho Việt Nam về chất lượng đầu tư của Trung Quốc. Cho nên, thực sự thấy đầu tư Trung Quốc tăng vọt lên trong năm nay thì tôi không mừng một chút nào mà tôi chỉ thấy lo mà thôi.”
Cao Nguyên: Là chuyên gia kinh tế, bà có đề xuất giải pháp nào để Việt Nam có thể tăng khả năng giám sát những nhà đầu tư nước ngoài?
Phạm Chi Lan: “Việt Nam trong thời gian vừa rồi cũng đã điều chỉnh Luật đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, đưa ra một nghị quyết về đầu tư nước ngoài đã có những chỉ đạo rất đúng đắn.
Trong đó nhấn mạnh đầu tư trước hết là phải quan tâm đến các vấn đề an ninh quốc phòng, không để cho bất cứ nhà đầu tư nào, kể cả Trung Quốc đến những địa điểm nhạy cảm về quốc phòng an ninh của Việt Nam. Bởi vì cái nước mà mình đang cần phải lo hàng đầu về an ninh quốc phòng chính là Trung Quốc. Cho đến bây giờ không có một nước nào khác nhòm ngó biên giới hay là lãnh hải, chủ quyền biển đảo với Việt Nam như Trung Quốc cả, mà Trung Quốc làm việc đó một cách công khai.
Thứ hai là cũng trong nghị quyết ấy của Bộ chính trị cũng nhấn rất mạnh đến việc môi trường phải đảm bảo đối với các dự án đầu tư nước ngoài, không chấp nhận những dự án đầu tư bẩn gây ô nhiễm môi trường. Đó là việc rút kinh nghiệm từ những vụ như Formosa mới có quyết định như thế.
Rồi yêu cầu về những việc như không được đút lót, đầu tư theo kiểu ẩn danh. Các nước khác họ vào đàng hoàng bằng tên của họ chứ họ không mang danh nhờ một người Việt Nam nào đó đứng tên để cho họ làm.
Những chủ trương như thế tôi cho là đúng đắn.”
Nhưng mà vấn đề ở Việt Nam bây giờ là năng lực về giám sát từ đầu cũng như năng lực để kiểm soát còn hạn chế. Ở Việt Nam 63 tỉnh thành thì nói thẳng là không phải ở đâu cũng đủ trình độ, đủ năng lực về mặt cán bộ, về mặt con người để nhận thức và hiểu được các vấn đề đó.”
Cao Nguyên: Người dân có thể làm gì để được tham gia giám sát các dự án đầu tư nước ngoài?
Phạm Chi Lan: Trước hết phải là trách nhiệm từ phía chính quyền. Bởi vì chính quyền là nơi cho phép thì họ phải có trách nhiệm trước người dân. Họ nhận lương từ tiền thuế của người dân để bảo vệ cho đất nước, bảo vệ cho quyền lợi kinh tế thì họ phải chịu trách nhiệm đầu tiên, chứ không thể đổ trách nhiệm đó cho người dân được.
Chính quyền Việt Nam cũng nên tạo điều kiện cho người dân biết thông tin và tham gia giám sát ngay từ đầu. Phải tin tưởng lời phản ánh của người dân và tạo điều kiện cho người dân được lên tiếng.
Cao Nguyên: Xin cảm ơn bà đã dành thời gian trả lời phỏng vấn.
Lãnh đạo Công ty Trung Quốc đến Việt Nam chỉ đạo chạy thử hệ thống Cát Linh-Hà Đông
Lãnh đạo cấp cao của Cục Đường sắt Trung Quốc vừa đến Việt Nam, vào ngày 20/11, để trực tiếp chỉ đạo việc vận hành thử nghiệm hệ thống đường sắt Cát Linh-Hà Đông trong tháng 12.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, dẫn lời của lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt, thuộc Bộ Giao thông-Vận tải cho biết thông tin vừa nêu trong cùng ngày.
Phó Tổng Giám đốc Cục 6 đường sắt Trung Quốc, được cho biết ngay sau khi đến Hà Nội, phải vào khu cách ly tại khu vực dự án theo quy định y tế. Và, vị này sẽ chỉ đạo dự án một cách phù hợp trong thời gian bị cách ly.
Đại diện của Ban Quản lý dự án Đường sắt cho báo giới quốc nội biết thêm rằng các nhân sự và chuyên gia quan trọng của Trung Quốc gần như có mặt đầy đủ ở Việt Nam. Đồng thời, chuyên gia tư vấn của Pháp cũng đã đến Hà Nội vào ngày 18/11 và đang ở trong khu cách ly. Chuyên gia tư vấn của Pháp sẽ trực tiếp tham gia khâu kiểm định an toàn để vận hành dự án.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, diễn ra hồi cuối tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định yếu tố an toàn của dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông phải được đặt lên hàng đầu. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam yêu cầu các chuyên gia, nhà tư vấn, các cuộc kiểm tra kỹ thuật cần làm đầy đủ để kết luận dự án hoàn toàn bảo đảm an toàn. Đồng thời, cảnh báo nếu để xảy ra sự cố thì tai họa rất lớn.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông dài khoảng 13km, gồm 12 nhà ga kèm theo hạ tầng kỹ thuật vận hành, cảnh quan cây xanh. Dự án này bắt đầu từ năm 2008 do tổng thầu Trung Quốc thực hiện với vốn ban đầu dự kiến hơn 552 triệu USD (vay Trung Quốc hơn 400 triệu USD). Đến hiện nay, số liệu cho thấy dự án này đã đội vốn hơn 868 triệu USD với vốn vay Trung Quốc là gần 670 triệu USD.
Báo giới cho biết phía Việt Nam đã hoàn thành việc mua sắm 13 đoàn tàu cho dự án. Và toàn bộ nhân sự của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ tham gia vận hành thử nghiệm với khoảng 800 người, trong đó có 200 người của tổng thầu Trung Quốc.
Làn sóng doanh nghiệp đến Việt Nam: Hà Nội có đủ khả năng tiếp nhận?
Tờ Nikkei Asia vào ngày 11/11 đăng tải bài viết với tựa đề tạm dịch “Làn sóng doanh nghiệp đến Việt Nam: Hà Nội có đủ khả năng tiếp nhận?”
Theo tác giả Lien Hoang viết cho Nikkei, Việt Nam đang tận hưởng làn sóng các nhà sản xuất nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc. Đây là một xu hướng đã bắt đầu sau năm 2007 khi các nhà máy may mặc và giày cấp thấp bắt đầu rời khỏi Trung Quốc vì chi phí gia tăng.
Đối với tất cả các nhà sản xuất toàn cầu, việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc ngày càng trở nên bấp bênh sau cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch COVID-19 và chi phí cao hơn. Vì vậy, việc tái định cư của họ sang đất nước láng giềng bên dưới Bắc Kinh đã giúp thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Theo The New York Times đăng tải ngày 13/10, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm gần 20% trong ba thập kỷ. Ngay cả khi thương mại toàn cầu sụt giảm trong những năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 16%/năm, cho đến nay là tốc độ nhanh nhất trên thế giới.
Trao đổi với RFA tối 20/11, chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đang ở Hà Nội cho rằng Việt Nam có nhiều thuận lợi, có thể nói là đang tìm cách tỏa sáng trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ông nhận định:
“Có một câu là xây tổ đón đại bàng nhưng tôi không thấy những làn sóng đó. Những công ty Tây phương hoặc Mỹ dịch chuyển cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam thì tôi chưa thấy có làn sóng đó. Thành ra việc Việt Nam xây tổ đón đại bàng là cần thiết nhưng liệu đại bàng có đến hay không lại là vấn đề. Nhất là qua cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ cho thấy ông Biden có khả năng rất lớn sẽ trở thành Tổng thống
thứ 46 của Hoa Kỳ. Nếu ông Joe Biden lên nắm quyền ở Mỹ, chính sách Mỹ đối với Trung Quốc sẽ mang tính cách hòa giải, từ đó sẽ không đẩy những công ty Mỹ ra khỏi Trung Quốc và đi tìm những tổ (khác) ở vùng Châu Á.”
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng nêu lên tình hình thực tế những thuận lợi và khó khăn nếu có sự dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam:
“Tôi chưa thấy đại bàng vỗ cánh, cũng chưa thấy xây tổ bên này có những tổ đáp ứng về pháp lý, chính sách đầu tư, hạ tầng cơ sở, lực lượng lao động. Ngoại trừ việc địa lý thuận lợi, văn hóa doanh nghiệp tương đồng, Việt Nam cũng đang nổi lên trên thế giới như một địa điểm đáng đầu tư vì Việt Nam đang kiểm soát được dịch bệnh tốt, năm nay GDP của Việt Nam có thể ở mức +3% trong khi các nước chung quanh là âm.”
Trước đó, vào tháng 9/2020, Oxford Economics, công ty hàng đầu trong lĩnh vực phân tích định lượng và dự báo toàn cầu, đưa ra báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” dự đoán GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,3% trong năm 2020 và Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất tại Đông Nam Á tăng trưởng trong năm nay.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lại có góc nhìn khác:
“Hiện nay có một làn sóng các doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Ấn Độ, Việt Nam, Myanmar. Tôi nghĩ rằng Việt Nam nếu cải thiện được môi trường kinh doanh sẽ đón nhận được một lực lượng đầu tư nước ngoài đáng kể trong làn sóng này.”
Nói rõ hơn về những thay đổi cần thực hiện để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết:
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh cần phải cải cách thể chế. Theo tôi trong thời đại ngày nay thì Việt Nam có thể tận dụng kinh tế số, thực hiện rộng rãi chính phủ điện tử cấp 4, áp dụng thương mại điện tử và thực hiện công khai minh bạch. Tôi nghĩ kinh tế số cho phép công khai minh bạch tất cả các dự thảo cho đến các quyết định. Điều thứ hai Việt Nam cần làm là nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, đặc biệt logistic – dịch vụ bốc xếp và kho bãi ở cảng giảm chi phí. Quan trọng nhất, Việt Nam hiện nay có một nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và khéo tay nhưng chưa được đào tạo tốt và kỷ luật công nghiệp chưa cao. Việt Nam cần đào tạo cả về kiến thức, kỹ năng cũng như tác phong để có thể thu hút đầu tư nước ngoài và phát huy chất lượng cao hơn của nguồn nhân lực này.”
Tác giả Lien Hoang trong bài viết trên Nikkei cũng cho biết vấn đề về lực lượng lao động Việt Nam đang căng thẳng trước áp lực có nhiều nhà đầu tư đến đất nước hình chữ S.
Navigos Group, công ty sở hữu trang web việc làm lớn nhất Việt Nam, cho biết 71% công ty công nghệ cho biết khan hiếm nhân tài công nghệ thông tin là thách thức lớn nhất của họ. Con số đó vượt xa chi phí lương, các vấn đề pháp lý và các thách thức khác được trích dẫn trong cuộc khảo sát được Navigos công bố vào tháng Tư. Tương tự, các nhà tuyển dụng cho biết họ gặp khó khăn khi thực hiện các vai trò quản lý cấp trung trong nhiều ngành khác nhau.
Ông Thịnh Nguyễn, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn phần mềm Zien Solutions, cho biết: “Nguồn lao động có tay nghề cao ở Việt Nam không đủ để đáp ứng nhu cầu.”
Bên cạnh đó, bài viết trên Nikkei chỉ ra một thách thức khác là sự khan hiếm các nhà cung cấp trong nước, khiến Việt Nam phải vận chuyển nguyên liệu từ Trung Quốc, nguồn nhập khẩu lớn nhất của đất nước.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đánh giá về tình hình vừa nêu như sau;
“Từ trước đến nay thì chúng ta chỉ có gia công một số công đoạn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, còn lại chúng ta phải nhập nguyên vật liệu rất nhiều từ Trung Quốc. Thế thì chúng ta hãy cố gắng đầu tư nhiều hơn nữa vào việc tạo ra nguyên vật liệu cũng như đầu tư nhiều hơn nữa vào việc thiết kế và nghiên cứu, triển khai các kết quả nghiên cứu đó. Các doanh nghiệp trong nước phải tự nâng cao mình lên, áp dụng công nghệ hiện địa, chuyển nhanh sang kinh tế số và phải gia nhập chuỗi giá trị của các công ty nước ngoài. Đấy là nhiệm vụ hoàn toàn không dễ dàng nhưng Việt Nam cần đặt ra để có thể tận dụng những cơ hội hiện nay.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, dù tình trạng các nhà cung cấp trong nước tại Việt Nam còn yếu và thiếu, nhưng:
“Cái đó cũng không cản trở Việt Nam trong vấn đề đón nhận đầu tư vì Việt Nam có thể tiếp tục tăng cường hỗ trợ. Những con đại bàng vào Việt Nam thì doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam sẽ có những giải pháp để tăng cường productivity – năng lực sản xuất của lãnh vực các ngành hỗ trợ. Đặc biệt nữa
đó là cơ hội cho Việt Nam nếu thật sự các con đại bàng đến đây và cần trang thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào cũng là cơ hội Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.”
Vào ngày 16/10 vừa qua, tin từ tờ Nikkei cho biết nhà khai thác kho hàng lớn nhất châu Á GLP của Singapore đang ra mắt liên doanh trị giá 1,5 tỷ USD, kéo dài trong ba năm tại Việt Nam.
Theo người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành GLP, Ming Mei, Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á với sự năng động về dân số, nền kinh tế đang phát triển và tầng lớp trung lưu hỗ trợ tiêu dùng trong nước.
Trong bài viết trên The New York Times vào ngày 13/10, tác giả Ruchir Sharma, một nhà đầu tư và nhà văn, có bài viết nói về nền kinh tế của đất nước hình chữ S với tiêu đề tạm dịch “Việt Nam có phải là ‘Kỳ tích châu Á’ tiếp theo?”. Ông cho rằng việc kiềm chế đại dịch cho phép Việt Nam nhanh chóng mở cửa trở lại các doanh nghiệp và hiện được dự đoán là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay.
Xuất khẩu xăng dầu của Hàn Quốc vào Việt Nam giảm sút do Luật Thuế nhập khẩu sửa đổi
Các nhà cung ứng xăng dầu của Hàn Quốc dự kiến sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt kể từ năm 2021 tại thị trường Việt Nam. Lý do vì Hà Nội sửa đổi quy định về thuế nhập khẩu nhiên liệu động cơ nhằm xóa bỏ lợi thế cạnh tranh mà các nhà xuất khẩu xăng dầu Đông-Bắc Á đang được hưởng lợi từ năm 2018 đến nay.
S&P Global Platts, vào ngày 20/11, ghi nhận theo luật thuế nhập khẩu nhiên liệu sửa đổi của Việt Nam thì sẽ áp dụng mức thuế như nhau đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc và các nước khối ASEAN sẽ giảm xuống 8% tính từ năm 2021.
Theo đánh giá của S&P Global Platts, các nhà nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam, như Petrolimex thường tìm kiếm đối tác từ Hàn Quốc hoặc từ các nhà máy sản xuất xăng dầu trong nội đia.Và với mức thuế mới áp dụng giảm xuống 8% từ năm tới thì các nhà cung ứng xăng dầu thuộc khối ASEAN sẽ gia tăng xuất khẩu vào Việt Nam, và có thể giao hàng tại Campuchia, là nơi mà Petrolimex có đặt trụ sở.
S&P Global Platts cho rằng các nhà xuất khẩu xăng dầu của Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều sóng gió hơn vào năm 2021.
Năm 2019, Hàn Quốc đã xuất khẩu 16,38 triệu thùng xăng sang Việt Nam, nhưng các lô hàng ước tính sẽ giảm 38% xuống khoảng 10,02 triệu thùng trong năm 2020 và giảm tiếp xuống khoảng 7,65 triệu thùng vào năm 2021, theo nguồn tiếp thị nhiên liệu tại SK Innovation, S-Oil Corp., GS Caltex và Hyundai Oilbank do Platts khảo sát.
Nhà cầm quyền CSVN phủ nhận thông tin quan hệ với Cambodia bị ảnh hưởng bởi Trung Cộng
Tin Vietnam.- Báo Thanh niên loan tin, trước các bình luận trên báo chí phương Tây cho rằng mối quan hệ giữa nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam với Cambodia bị ảnh hưởng vì chính quyền Cambodia đang xích lại gần Trung Cộng, thì vào chiều 19 tháng 11 năm 2020, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam đã lên tiếng phủ nhận.
Bà Hằng nói rằng, quan hệ giữa nhà cầm quyền Việt Nam và chính phủ Cambodia vẫn phát triển tốt đẹp trong thời gian qua. Nhà cầm quyền Cộng sản vẫn coi trọng và dành ưu tiên cao cho mối quan hệ láng giềng lâu dài với Cambodia.
Bà Hằng đưa ra thí dụ, sau khi dịch coronavirus 19 xảy ra, lãnh đạo cấp cao của hai bên đã thường xuyên điện đàm, trao đổi với nhau về các biện pháp phòng chống dịch, cũng như duy trì giao thương biên mậu học biên giới hai nước.
Trước đó, vào ngày 12 tháng 10 năm 2020, tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Cộng đã loan tin, phía Cambodia và Trung cộng đã ký hiệp định tự do thương mại song phương, tái khẳng định mối quan hệ gắn bó về kinh tế lẫn quân sự giữa hai quốc gia này.
Tờ Phnom Penh Post cũng đã loan tin, lực lượng quân đội Cambodia mới nhận 75 xe quân sự do Trung Cộng tài trợ. Còn vào đầu tháng 6 năm 2020, tướng Hun Manet, phó tư lệnh Quân đội Hoàng gia Cambodia, là con trai ông Hunsen đã tham gia lễ tiếp nhận 290 xe vận tải quân sự của Trung Cộng.
An Nhiên
Vì sao không thể xóa việc chạy chức,
chạy phiếu vào nhân sự Đại hội 13?
Diễm Thi, RFA
“Giảm hẳn tình trạng chạy chức”
Hôm 19 tháng 11 năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết Đại hội Đảng bộ các cấp tại Hà Nội. Nhận định về việc chuẩn bị nhân sự Đại hội 13, ông Trọng phát biểu rằng: “Nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp uỷ các cấp và chuẩn bị cho nhân sự trung ương. Những hiện tượng vận động, tranh thủ phiếu bầu cơ bản được khắc phục; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm hẳn.”
Ông Trọng nói thêm là có nơi chuẩn bị nhân sự chưa thật kỹ, còn bố trí người nhà, người thân chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, uy tín tham gia cấp ủy. Tuy vậy, ông vẫn khẳng định đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã thành công tốt đẹp, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, để lại những dấu ấn nổi bật và những tình cảm tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Với cái nhìn của một nhà quan sát thời cuộc, blogger Nguyễn Ngọc Già nêu nhận định về phát biểu của ông Trọng về tình trạng chạy chức, chạy quyền giảm hẳn:
“Thứ nhất, ông Trọng nên đưa ra con số rõ ràng chứ không nên nói chung chung như vậy. Phải có số tuyệt đối là bao nhiêu con người và số tương đối là chiếm bao nhiêu phần trăm. Ổng phải làm một phép so sánh với các kỳ đại hội đảng trước đây thì mới phát ngôn như vậy được.
Thứ hai, tất cả các đại hội đảng hàng chục năm qua họ đều nói là thành công. Như vậy có phải họ đã nói dối hay không khi đại hội nào họ cũng bảo là chọn ra những người xứng đáng, đủ tiêu chuẩn. Nhưng thực tế chứng minh ngược lại. Tham nhũng rồi bỏ trốn ra nước ngoài trở thành chuyện nghiêm trọng.
Vậy qua các kỳ đại hội vừa ra, nhân sự của họ đã bị ở tù, bị kỷ luật, bị khai trừ khỏi đảng là những người có chạy chức, chạy phiếu hay không, phải điểm ra cho rõ ràng. Nếu kỳ này gọi là giảm hẳn, thì cũng phải đưa ra những kẻ nào đã chạy chức chạy quyền ra cho dân biết.”
Vậy qua các kỳ đại hội vừa ra, nhân sự của họ đã bị ở tù, bị kỷ luật, bị khai trừ khỏi đảng là những người có chạy chức, chạy phiếu hay không, phải điểm ra cho rõ ràng – Blogger Nguyễn Ngọc Già
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị, thì cho rằng cách nói của ông Trọng là tự khen, là ‘nói chỉ để mà nói’ thôi chứ làm sao mà biết là giảm hay tăng, bởi chính các ông ấy còn không biết ai chạy ai!
Đây không phải lần đầu ông Nguyễn Phú Trọng nói đến việc chạy chức, chạy quyền hay chạy phiếu cho nhân sự Đại hội 13. Hôm 26 tháng 4 năm nay, ông Trọng có một bài viết được đăng trên truyền thông trong nước có tựa ‘Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng’.
Trong phần nói về tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội có đoạn: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội…, trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự.”
Vì sao chỉ giảm mà không dứt?
Tệ nạn chạy chức, chạy quyền, thậm chí chạy phiếu trước mỗi kỳ đại hội đảng không là chuyện lạ trong xã hội Việt nam từ nhiều năm qua. Các cấp lãnh đạo trong Đảng, trong Chính phủ cũng từng nhiều lần đề cập thậm chí ra những quy định rõ ràng. Chẳng hạn như Quy định 205-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 23 tháng 9 năm 2019.
Đây là Quy định của Bộ Chính trị về việc “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Một trong những điểm nổi bật của Quy định này là đề cao trách nhiệm của người đang được xem xét, thực hiện các quy trình trong công tác cán bộ cũng như đề cao trách nhiệm của
những cá nhân có thẩm quyền quyết định nhân sự. Đây được cho là chìa khóa để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
Theo một số nhà quan sát thì chuyện xóa bỏ hoàn toàn nạn chạy chức, chạy quyền là chuyện không thể có. Còn chuyện giảm hay giảm hẳn như lời ông Trọng nói thì không có căn cứ.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng khẳng định như vậy. Ông giải thích:
“Không bao giờ hết vì đây là chế độ chỉ có một đảng mà lại không công khai minh bạch gì cả. Do đó, cái nền tảng để đưa chuyện tham nhũng chính trị, chuyện chạy chọt, mua quan bán chức về số 0 là chuyện không thể có được. Với cái thể chế như thế nào thì không bao giờ chuyện đó xảy ra. Lý do thứ nhất là không có sự minh bạch; thứ hai là không có một chính sách rõ ràng để bầu cử; thứ ba là người ta làm việc theo cảm tính và theo kiểu tiến cử cá nhân.”
Không bao giờ hết vì đây là chế độ chỉ có một đảng mà lại không công khai minh bạch gì cả. Do đó, cái nền tảng để đưa chuyện tham nhũng chính trị, chuyện chạy chọt, mua quan bán chức về số 0 là chuyện không thể có được. – Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Trong lần trò chuyện với RFA về vấn đề này hôm 6 tháng 5 năm 2020, tức hai tuần trước khi bị bắt, nhà báo Phạm Thành cho rằng, lời kêu gọi mà Chính phủ Hà Nội mỗi lần họp bàn nhân sự đại hội đảng đều nêu ra thể hiện ý muốn duy ý chí và không thể thực hiện được:
“Mồm nói như vậy nhưng cơ chế vận hành của chủ nghĩa xã hội lại không đảm bảo cho việc đó đạt được kết quả. Do thể chế chính trị, cơ cấu vận hành của thể chế chính trị tạo ra vòng xoáy cơ hội cho những phần tử ham muốn quyền lực, chỉ biết lợi ích riêng của mình mà không biết đến lợi ích cộng đồng chui vào bộ máy nhà nước vì mục đích quyền, tiền. Làm gì có cơ hội cho những người liêm chính, sống vì mục đích cộng đồng, dám hy sinh cái tôi của mình để cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên cũng có tác dụng với người không hiểu biết và vẫn tin tưởng vào đảng.”
Những năm gần đây, thông tin về việc những quan chức lạm dụng chức vụ, quyền hạn đưa người thân vào giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan công quyền; chuyện cả nhà làm quan, cả họ làm quan không còn là hiện tượng đơn lẻ đã được truyền thông nhà nước Việt Nam nhiều lần công khai đăng tải.
Một trong những lãnh đạo nổi tiếng trên mạng xã hội với việc ‘cả họ làm quan’ là ông Triệu Tài Vinh ở tỉnh Hà Giang. Gia đình ông có ít nhất 8 người thân ruột thịt và họ hàng làm công chức nhiều ban ngành, địa phương trong tỉnh. Có thể kể những người ruột thịt của ông Vinh là bà Phạm Thị Hà, vợ ông, giữ chức Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Em trai ông Vinh là Triệu Tài Phong giữ chức Bí thư Huyện ủy huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang; Triệu Sơn An giữ chức Phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì; Triệu Tài Tân là Phó phòng Hành chính Viễn thông tỉnh Hà Giang. Em gái ông Vinh là Triệu Thị Giang giữ chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Hà Giang…
Nhằm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Khoản 6, Điều 3 Quy định 205-QĐ/TW nêu rõ: Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Điểm tin trong nước sáng 21/11: Nữ sinh ngành luật đăng quang HHVN 2020; Thủy điện Thượng Nhật đối diện thêm mức phạt 500 triệu đồng
Mạnh Đức
Mục lục bài viết
• Khỉ mốc quý hiếm nặng 8kg đi lạc vào nhà dân ở Bình Định
• Nữ sinh ĐH Kinh tế Quốc dân đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2020
• Đại sứ EU tại Việt Nam: Sẽ không bao giờ tuân theo quy tắc ‘lẽ phải thuộc về kẻ mạnh’ về Biển Đông
• Thủy điện ‘coi sinh mạng người dân không ra gì’ đối diện thêm mức phạt 500 triệu đồng
• Ngành đồ uống giảm 20%- 40% lợi nhuận vì Nghị định 100 và Covid-19
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ 7 (ngày 21/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Khỉ mốc quý hiếm nặng 8kg đi lạc vào nhà dân ở Bình Định
Dân Trí đưa tin, ngày 20/11, ông Lê Đức Sáu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn thả một cá thể khỉ mốc về rừng tự nhiên tại khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (xã An Toàn, huyện An Lão).
Theo đó, cá thể khỉ mốc là giống đực, trọng lượng 8kg. Vào tháng 9/2020, con khỉ mốc này đã đi lạc vào nhà bà Lê Thị Mừng ở xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ, Bình Định) trong tình trạng khỏe mạnh, bà Mừng nhốt lại và bàn giao cho ngành kiểm lâm huyện Phù Mỹ ngay sau đó.
Sau khi tiếp nhận, ngành kiểm lâm đã bàn giao cho Công viên động vật hoang dã FLC Zoo – Safari chăm sóc, tập lại đặc tính hoang dã để tái thả về môi trường tự nhiên.
Nữ sinh ĐH Kinh tế Quốc dân đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2020
20h10 ngày 20/11, chung kết toàn quốc cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 với chủ đề ‘Thập kỷ hương sắc’ diễn ra. Người đẹp Đỗ Thị Hà – cô gái sinh năm 2001, đến từ Thanh Hoá đã chính thức được gọi tên.
Đỗ Thị Hà cao 1m74, nặng 52kg, số đo 80-60-90 cm. Cô hiện đang là sinh viên năm hai ngành Luật Kinh doanh của trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trong đêm Chung kết, Đỗ Thị Hà bốc được câu hỏi trả lời ứng xử: “Nếu trở thành Hoa hậu Việt Nam 2020 bạn có nghĩ mình là hình mẫu cho các cô gái trẻ không?”, Đỗ Thị Hà trả lời: “Nếu trở thành Hoa hậu Việt Nam 2020, tôi nghĩ mình đã mang đủ những phẩm chất cần và đủ của người con gái Việt Nam. Dù có trở thành hình mẫu cho giới trẻ hay không tôi nghĩ mình sẽ phải luôn trở thành người truyền cảm hứng tới giới trẻ và tôi sẽ làm được điều đó”.
Đỗ Thị Hà là con út trong gia đình có ba anh chị em. Bố của Hoa hậu Việt Nam 2020 cho biết, thời điểm cô bắt đầu vào đại học, mỗi tháng, gia đình chu cấp cho 3 triệu đồng. Tuy số tiền không nhiều so với mức sống ở thành phố nhưng cô chưa bao giờ gọi điện về xin thêm ngoài khoản tiền ấy.
Mẹ cô cho biết, con gái sống tiết kiệm từ bé. Cô thường tranh thủ làm thêm mỗi khi rảnh rỗi và tích góp tiền mình làm được để trang trải cuộc sống.
Người đẹp từng chia sẻ, có thời gian, cô rất tự tin về ngoại hình của mình, nhất là những khi bị bạn bè trêu bằng cái từ “cao kều”.
Đại sứ EU tại Việt Nam: Sẽ không bao giờ tuân theo quy tắc ‘lẽ phải thuộc về kẻ mạnh’ về Biển Đông
Đại sứ Liên minh châu u Giorgio Aliberti tại Việt Nam cho biết EU sẽ không bao giờ tuân theo nguyên tắc “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”, đồng thời khẳng định sự cần thiết bảo vệ một trật tự dựa trên nguyên tắc và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Phát biểu của Đại sứ Aliberti, được đưa ra tại hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 ở Hà Nội ngày 17/11. Ông Aliberti cũng cho biết EU đang phát triển một hoạt động mới được gọi là Sự hiện diện Hàng hải Phối hợp (CMP), theo đó các lực lượng hải quân sẽ luân phiên tuần tra một khu vực, có thể bao gồm cả Biển Đông “trong một tương lai không xa.”
Thủy điện ‘coi sinh mạng người dân không ra gì’ đối diện thêm mức phạt 500 triệu đồng
Ngày 20/11, trao đổi với Người lao động, ông Hoàng Việt Cường – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, cơ quan này đang củng cố hồ sơ để trình lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, ra quyết định xử phạt thêm một hành vi vi phạm của Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam, chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông).
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang xem xét xử phạt Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam với hành vi vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP.
Hành vi vi phạm này được Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế lập biên bản hồi đầu tuần và gửi đề xuất lên UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị xử phạt.
“Theo quy định thì doanh nghiệp có quyền giải trình trong 5 ngày nên chúng tôi đang củng cố hồ sơ và dự kiến đầu tuần sau sẽ ban hành quyết định xử phạt. Theo đề xuất của Sở Tài nguyên – Môi trường, với vi phạm này, chủ đầu tư có thể bị phạt mức tối đa 500 triệu đồng” – ông Cường cho hay.
Cùng ngày, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên – Môi trường đề nghị thu hồi giấy phép sử dụng tài nguyên nước; Bộ Công Thương đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đã cấp cho Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam tại thủy điện Thượng Nhật.
Ngành đồ uống giảm 20%- 40% lợi nhuận vì Nghị định 100 và Covid-19
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), từ đầu năm 2020, ngành bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch Covid-19 và Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Vì thế, sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm sút từ 20-40%, chỉ số sản xuất giảm và chỉ số tồn kho tăng lên. Ngoài ra, doanh nghiệp ngành này còn đang phải chịu sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thậm chí phải cạnh tranh với cả các cơ sở kinh doanh lậu, hàng giả, hàng nhái…
“Chúng ta đưa ra chính sách đúng khi quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu bia. Tuy nhiên, nên có quy định các mức độ khác nhau, phù hợp với điều kiện cộng với cơ sở hạ tầng cơ sở đủ thì chính sách mới đi vào cuộc sống. Nhất là khi năm 2020 các doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19”, vị chủ tịch Hiệp hội nói.
Điểm tin trong nước tối 21/11: Đề nghị truy tố cựu chủ tịch Nguyễn Đức Chung; Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hứa thông xe trước 2021
Mục lục bài viết
Đề nghị truy tố cựu chủ tịch Nguyễn Đức Chung
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hứa thông xe trước 2021
Mỗi năm tiêu sai 50.000 tỷ đồng thì không nợ nần mới lạ
Chị ve chai trả 1,4 cây vàng cho người mất
Hà Nội: Xác minh việc Bí thư xã bị người dân tố cáo xin tiền
Lượng xăng dầu Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 600% trong tháng 10
Mục Điểm tin trong nước tối thứ 7 (ngày 21/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Đề nghị truy tố cựu chủ tịch Nguyễn Đức Chung
Truyền thông trong nước ngày 21/11 đưa tin, cơ quan chức năng vừa đề nghị truy tố nguyên chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 3 đồng phạm.
Trước đó, vào tháng 8, ông Nguyễn Đức Chung bị bắt tạm giam để điều tra vì có liên quan đến 3 vụ án gồm: Nhật Cường Mobile, Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Ông Chung sau đó xin tại ngoại để chữa trị ung thư nhưng không được chấp nhận. Theo Bộ Luật Hình sự Việt Nam, với cáo buộc chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, ông Nguyễn Đức Chung có thể đối mặt mức án cao nhất là 15 năm tù.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hứa thông xe trước 2021
Báo Tuổi trẻ ngày 21/11 dẫn thông báo kết luận của Thủ tướng về tình hình thực hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho biết, Bộ GTVT mà đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hứa sẽ tổ chức thông xe an toàn trước năm 2021.
Theo Vietnamnet, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13,5km được phê duyệt năm 2008 với mức đầu tư ban đầu hơn 8.000 tỷ nhưng sau đó đội vốn lên 18.000 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là hơn 13.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 8 lần điều chỉnh, vỡ tiến độ, đến nay dự án vẫn chưa đi vào hoạt động.
Mỗi năm tiêu sai 50.000 tỷ đồng thì không nợ nần mới lạ
‘Mỗi năm tiêu sai 50.000 tỷ đồng thì không nợ nần mới lạ!’ là tiêu đề bài viết của tác giả Lê Thanh Phong đăng trên Báo Lao Động ngày 19/11 đã nêu lên thực trạng đáng buồn đang diễn ra ở Việt Nam.
Trước đó vào ngày 18/11, trong một hội thảo do Thanh tra chính phủ Việt Nam tổ chức, đại diện cơ quan này cho biết mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng 45 -50 nghìn tỷ đồng cùng với hàng nghìn hecta đất được chi tiêu và sử dụng sai mục đích.
Mở đầu bài viết, tác giả đặt vấn đề: “Con số 50.000 tỷ đồng chi tiêu không đúng quy định phải hiểu như thế nào? Không phải tham ô, tham nhũng, nhưng là lãng phí, phá hoại”.
Tác giả dẫn ví dụ: “Biết bao nhiêu con đường làm xong vừa nghiệm thu đã hỏng, rồi biết bao nhiêu hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài nhưng chủ yếu là du lịch hơn là học tập nghiên cứu. Tất cả đều là
tiền “chùa”. Nhiều nơi mọc lên tượng đài, cổng chào, không thể kể hết về sự lãng phí, thất thoát, thậm chí là có dấu hiệu chia chác, lợi ích nhóm ở các công trình này”.
Hiện tại với 4 triệu tỷ đồng nợ công thì mỗi người Việt Nam sẽ gánh hơn 40 triệu đồng nợ công. Theo tác giả, để trả được số nợ này, phải thắt lưng buộc bụng, thậm chí vét tài nguyên để bán nhưng đáng tiếc là ‘tài nguyên cạn kiệt, con cá, giọt dầu không còn nhiều như xưa’.
Cuối cùng tác giả chỉ ra nguyên nhân cùng hướng giải quyết: “Ai có quyền chi tiêu tiền ngân sách nếu không phải là quan chức được giao quyền đó. Dân không thể chi tiêu tài sản công. Vậy thì phải thay đổi từ cán bộ. Chỉ có cán bộ liêm chính, công chính mới không phá hoại tiền công, tài sản công”.
Chị ve chai trả 1,4 cây vàng cho người mất
Báo VnExpress đưa tin, bà Khải thấy túi nylon đen trong thùng rác trước nhà chị Trương Thị Thuận, 38 tuổi, tại con hẻm ở ấp 4 xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) trong lần đi nhặt ve chai sáng 5 hôm trước. Treo túi lên xe đạp, bà về nhà cách đó 2km, bỏ vào khu vực tập trung phế liệu.
Hôm sau, bà Khải nghe trong xóm bàn tán về người phụ nữ đang đi tìm túi rác có vàng, nên quay về kiểm tra. Xé túi nylon đen, bà bất ngờ khi thấy nhiều hộp nhựa nhỏ màu đỏ – loại đựng nữ trang, bên trong có 2 dây chuyền và 9 nhẫn vàng 24k. “Lúc đó tôi run cầm cập. Cả đời tôi chưa từng cầm số vàng lớn như thế”, bà kể.
Một tiếng sau khi bảo con dâu tìm người mất để trả lại, bà Khải thấy chị Thuận tìm đến nhà.
Chị cho biết, số vàng trị giá khoảng 80 triệu đồng đó là của hồi môn từ lúc vợ chồng cưới nhau. Mấy hôm trước chồng chị dọn tủ đồ, gom luôn cả bịch đựng nữ trang cho vào túi rác bỏ đằng trước nhà.
“Tôi cứ nghĩ là mất rồi. Khi chị Khải đưa lại số vàng, tôi mừng đến khóc”, chị Thuận nói và cho biết đã tặng bà Khải gói bảo hiểm khám bệnh như lời cảm ơn.
Bà Khải làm nghề nhặt và mua ve chai được 15 năm, thu nhập bấp bênh, nhưng đã nhiều lần trả lại giấy tờ xe, tài sản cho người mất.
Hà Nội: Xác minh việc Bí thư xã bị người dân tố cáo xin tiền
Ông Đặng Quang Thu – thôn Bắc, xã Kim Nỗ cho báo Dân Việt biết, ông đang là nạn nhân bị Bí thư Đảng ủy xã Kim Nỗ xin tiền.
Theo tố cáo của ông Thu, vợ chồng ông là hộ gia đình chuyên kinh doanh mua bán vật liệu xây dựng, phục vụ cho các hộ gia đình có nhu cầu trên địa bàn xã từ năm 1999 đến nay.
Thời gian gần đây, ông Thu cho rằng bị ông Lê Khả Bắc – Bí thư Đảng ủy xã Kim Nỗ thường xuyên điện thoại đặt vấn đề xin tiền.
“Năm 2016, ông Bắc có yêu cầu tôi đưa 50 triệu, sau đó năm 2017 ông Bắc lại gọi điện yêu cầu tôi đưa thêm 7 triệu để đi lo lót trên huyện” – đơn tố cáo của công dân Đặng Quang Thu nêu rõ.
Sang năm 2018, 2019, công dân Đặng Quang Thu trình bày năm nào ông Bắc cũng gọi điện bắt ông đưa tiền nhiều lần.
“Đặc biệt là dịp bầu cử HĐND xã theo nhiệm kỳ, lý do xin tiền để phục vụ quà cho cán bộ cấp trên. Đây là việc làm tiêu cực có thật của ông Bắc” – ông Thu tố cáo.
Đáng chú ý, ông Đặng Quang Thu tố cáo, khoảng tháng 5/2020, ông Bắc điện thoại cho ông để yêu cầu đưa tiền, tuy nhiên vì điều kiện khó khăn của gia đình lúc bấy giờ, con ốm nằm viện nên ông Thu không có tiền đưa cho bị Bí thư Đảng ủy xã Kim Nỗ. Sau đó, ông Thu cho rằng đã bị làm khó trong việc kinh doanh.
Trao đổi với PV Dân Việt về sự việc này, ông Đặng Quang Thu cho biết, ông khẳng định những thông tin ông đưa ra và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Lượng xăng dầu Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 600% trong tháng 10
Truyền thông trong nước dẫn thông tin từ Bộ Công thương cho biết trong 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 6,88 triệu tấn xăng dầu, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân sụt giảm được cho là sản xuất ở một số lĩnh vực bị đình trệ do tác động từ đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Tuy nhiên, trong tháng 10, lượng xăng dầu nhập khẩu lại tăng gần 10% so với tháng trước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu xăng dầu vào Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất trong tháng 10 qua với lượng tăng gần 44.000 tấn, tương đương 600%.