Đọc báo Pháp – 19/11/2020
Mất Thượng Karabakh: Armenia tin lầm huyền thoại nước Nga Thiên chúa giáo – Tú Anh
Cuộc « thánh chiến » của Donald Trump chống kết quả bầu cử. Covid-19, Pháp chuẩn bị « khai lối ra », Thụy Điển « mở lối vào ». Địa chính trị với câu hỏi then chốt vì sao Armenia một thời oanh liệt sao bị thua đau và mất Thượng Karabakh về tay liên minh hai nước Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan. Trung Quốc chấn động vì một loạt xí nghiệp nhà nước bên bờ phá sản, là những chủ đề trên báo Pháp hôm nay 19/11/2020.
Chuẩn bị kinh tế sống chung với dịch
Trang nhất báo Pháp hôm nay gồm các tin vui, buồn lẫn lộn tùy theo sở thích hay mong chờ của độc giả.
Les Echos tập trung vào kinh tế với ba tựa lớn : Trận chiến Made in France (chính phủ tài trợ các dự án đầu tư đầu tiên hậu Covid, lãnh vực bào chế dược phẩm bắt đầu dời cơ sở ở nước ngoài về Pháp), Boeing 737 Max thoát cơn ác mộng và một loạt công ty nhà nước Trung Quốc thiếu khả năng thanh toán.
Các tựa của Le Monde : về khí hậu, « lượng khí thải CO2 giảm bất ngờ trong năm 2019 », về chính trị Mỹ, « Tuy Biden chiến thắng nhưng hai phe tả hữu trong nội bộ đảng Dân Chủ xâu xé đổ lỗi cho nhau về kết quả đáng thất vọng trong bầu cử Hạ Viện » và Covid-19, chính phủ Pháp chuẩn bị kế hoạch song hành, vừa thuyết phục một phần dân chúng còn lưỡng lự tham gia chiến dịch tiêm ngừa, vừa sửa soạn phương án sống chung với dịch « có thế chấp nhận được » trong một nền dân chủ.
Le Figaro cho biết tổng thống Pháp sẽ thông báo những quyết định mới vào tuần sau. Tuy chủ trương sớm chấm dứt phong tỏa, nhưng Macron không đốt giai đoạn. Số người bị lây nhiễm giảm liên tục từ đầu tuần, nhưng với nhịp độ chậm hơn đợt một. Phải mất ít nhất một tháng mới đạt được các mục tiêu do tổng thống đề ra : 5000 ca mới mỗi ngày.
Trong khi đó tại Thụy Điển, tình hình ngày một nghiêm trọng. Thủ tướng Stefan Lofven kêu gọi như ra lệnh : Mỗi công dân phải nhận trách nhiệm ngăn dịch… ngưng đi tập thể thao, ngưng đi ăn nhà hàng, ngưng tổ chức tiệc tùng trong gia đình. « Mô hình Thụy Điển », không khẩu trang, không phong tỏa đang tiến đến gần tình trạng không thể đảo ngược.
Vì sao Armenia bị thua đậm ?
Về địa chính trị, Le Monde tập trung vào các cuộc khủng hoảng ngoại biên của Liên bang Nga : Đối với hàng ngàn dân Azerbaijan, giờ thực hiện giấc mơ hồi hương và phục hận đã điểm. Trang ý kiến : Olivier Roy, giáo sư chính trị học, chuyên gia về Hồi giáo chính trị phân tích vì sao Armenia bị thua đậm. Erevan cũng như nhiều nhà địa chính trị châu Âu đã tin lầm vào nước Nga, ngỡ rằng Matxcơva là pháo đài cuối cùng chống Hồi giáo chính trị.
Armenia bị thua nhanh chóng tại Thượng Karabakh vì yếu hơn đối phương. Điều đó là hiển nhiên. Sau khi Liên xô tan rã, Armenia độc lập. Nhưng với một truyền thống lịch sử lâu dài trong khuôn khổ liên kết với quân đội Nga hoàng và Liên bang Xô viết, Armenia có một quân đội hùng mạnh hơn Azerbaijan. Erevan chiếm lại được Thượng Karabakh và một vùng lãnh thổ rộng lớn của láng giềng trong cuộc chiến 1994.
Thế thượng phong này chấm dứt từ năm 2003 khi Ilham Aliev lên cầm quyền tại Baku, ký một loạt hiệp định quân sự với Matxcơva và Ankara. Với dân số đông gấp ba, với ngân sánh quốc phòng cao hơn gấp bảy, với tài nguyên dầu khí dồi dào tha hồ mua vũ khí tối tân của Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, được Nga và Thổ trợ giúp huấn luyện.
Trong khi đó, Armenia bị đục khoét vì nạn tham ô, bất ổn chính trị, dân số giảm, ngân sách quốc phòng ít ỏi. Quân đội thiếu trang bị và mất tinh thần.
Nhưng không chỉ có thế.
Từ 15 năm nay, Azerbaijan chạy đua võ trang với mục tiêu rõ rệt là chiếm lại những vùng đất cho là của mình. Khác với cha là tổng thống Heydar Aliev, người thua trận vào năm 1994, tổng thống Ilham Aliev xem việc chiếm lại Thượng Karabakh là sứ mệnh cá nhân và không từ bỏ bất cứ một phương tiện nào. Căng thẳng leo thang từ hai năm nay, thế mà phía Armenia không biết sao ? Còn Nga ? Armenia có thể tin cậy vào đồng minh Thiên chúa giáo chống lại mối đe dọa của « Thổ và Hồi giáo » chứ ?
Thế nhưng, nước Nga của Putin cố tình để Armenia thua đậm. Theo giáo sư Olivier Roy, mọi tín hiệu cho thấy Matxcơva biết khi nào Azerbaijan tấn công và có khả năng khuyến cáo. Thế nhưng rất có thể Matxcơva đã đi đêm với Baku, ấn định làn ranh đỏ, không được lấn qua, biên giới còn lại thì cứ chiếm lại hết lãnh thổ, mà theo công pháp quốc tế là của Azerbaijan.
Từ 20 năm nay, nhiều nhà địa chính trị Tây phương, những người thuộc xu hướng cực hữu chống di dân đã tô điểm hình ảnh một nước Nga « Thiên chúa giáo » là đồng minh, là thành trì giúp Tây phương đang bị Hồi giáo đe dọa từ bên ngoài lẫn bên trong, phòng vệ. Trong giới quân sự cũng có tiếng nói cho là Châu Âu thay vì ủng hộ Bosnia, thì nên ủng hộ Serbia, và tiếp tay với Bachar al Assad ở Syria.
Những nhân vật này hoàn toàn không hiểu nhãn quan của Nga, chủ yếu là chính trị thực dụng, là tương quan lực lượng theo quan điểm riêng của Nga không có chút nào là bản sắc Tây phương nói chi đến Thiên chúa giáo.
Trong nhãn quan này, Nga chỉ tìm cách chiếm lại vùng ảnh hưởng. Hồi giáo chỉ là một quân bài được Matxcơva khai thác, ủng hộ hai tỉnh ly khai theo đạo Hồi, để làm suy yếu Gruzia. Khi chiếm lại Tchetchenia thì Putin lấy cớ chống Hồi giáo võ trang. Lãnh đạo độc tài Tchetnia lên tiếng ủng hộ hung thủ, thanh niên Tchetchenia, kẻ giết nhà giáo Pháp Samuel Paty trong khi các đài radio-Matxcơva chế nhạo Pháp để cho Hồi giáo cực đoan xâm nhập các vùng ngoại ô của Pháp.
Giờ đây, chính Azerbaijan Hồi giáo đã đưa Armenia trở vào vòng tay của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không còn là kẻ thù như thời đế chế Ottoman đối với nước Nga. Từ Syria, Lybia cho đến Azerbaijan, lính Thổ, lính Nga hoạt động song song, nếu có đụng nhau gây chết chóc thì xem là « tai nạn ».
Thái độ thâm độc của Nga có thể giúp Tây phương hoặc bắt buộc Tây phương thực tế hơn.
Hậu duệ Hitler ?
Liên quan đến các tổ chức siêu cực hữu, Libération, trong bài phóng sự dài, cho biết tại Pháp họ chỉ có chừng 1500 thành viên là tối đa, nhưng các « con sói lẻ loi này » có khả năng đe dọa an ninh rất lớn không kém khủng bố Hồi giáo. Những nhóm này tìm cách tổ chức, trang bị vũ khí để gọi là chống lại « nguy cơ thống lĩnh của Hồi giáo » tại Pháp. Từ 2017, đã có 5 mưu toan bị phát hiện kịp thời trong đó có âm mưu ám sát tổng thống Macron. Trong số những con sói lẻ loi mà tình báo Pháp nhận diện được có cựu cảnh sát, cựu quân nhân, thợ săn, thành viên câu lạc bộ bắn súng…
Châu Âu can đảm lên
Châu Âu cũng bị chỉ trích là thiếu cương quyết, thiếu nhất quán trong việc bảo vệ các giá trị tự do, nhân quyền mà hệ quả là bị Nga bắt làm con tin. Pavel Latouchka, nguyên bộ trưởng Văn Hóa Belarus dành cho Le Monde bài phỏng vấn nghiêm khắc từ thủ đô Ba Lan, nơi ông tị nạn.
Theo nhà đối lập Belarus, Châu Âu vì sợ phản ứng của Nga nên không dám ủng hộ dứt khoát cuộc nổi dậy chống Lukachenko. Theo ông, lẽ ra Châu Âu không nên xem các thỏa thuận quốc tế hay quyền lợi kinh tế là ưu tiên số một mà phải đặt quyền tự do lên hàng đầu. Nhiều người dân Belarus hỏi chúng tôi vì sao Châu Âu im lặng. Chính quyền tiếp tục đàn áp và tra tấn, hàng ngàn người ngồi tù. Giá trị nào chúng ta đang bảo vệ ?
Nhà đối lập Pavel Latouchka cho biết là phong trào huy động ủng hộ của người dân trong và ngoài nước, với mục tiêu đàm phán một thỏa hiệp cho phép Lukachenko ra đi, tổ chức bầu cử và tái thiết quốc gia không để cho đất nước rơi vào hỗn loạn.
Mỹ : đảng Dân Chủ xâu xé
Trở lại chính trị Hoa Kỳ, trong bài « Phe Dân Chủ mất niềm tin », Le Monde cho biết hai phe tả và hữu trong đảng đổ lỗi cho nhau về kết quả thất vọng tại Hạ viện. Theo dân biểu Abigali Spanberger, bang Virginia, thì từ nay phải « chấm dứt sử dụng từ xã hội hay chủ nghĩa xã hội ». Trước mắt, hai bên sẽ cố gắng nương vào chiến thắng của Joe Biden để vượt lên tình trạng chia rẽ nội bộ. Tuy nhiên nếu phe tả thiểu số vẫn cố thủ trong các căn cứ địa của họ thì một mình cánh trung không đủ sức động viên cử tri để có thể hy vọng vào năm 2022 đánh bại được đảng Cộng Hòa, đang lên tinh thần sau khi giành được nhiều thắng lợi bất ngờ trong cuộc bầu cử Hạ viện.
Biden thắng : Pháp có nên vui hay không ?
Nhật báo thiên hữu lưu ý đến quyết tâm của tổng thống mãn nhiệm bằng mọi cách để đảo ngược tình thế. Và đặt câu hỏi liệu Biden có hơn gì Trump ?
Chiến thuật mới của Donald Trump là quy trách nhiệm cho điện toán. Ông cách chức Christopher Krebs, giám đốc cơ quan an ninh nội địa và trong khi các đơn kiện cáo qua tư pháp bị bác liên tục, chủ nhân Nhà Trắng đưa xung đột vào địa bàn chính trị, mà mục tiêu đi tới là đưa vấn đề ra nghị viện nơi mà Cộng Hòa chiếm đa số để chỉ định đại cử tri. Kịch bản này tuy khó thực hiện, nhưng gây lo lắng cho phe Dân Chủ trong bối cảnh có đến 52% cử tri Cộng Hòa cho rằng Trump đã giành chiến thắng một cách chính đáng.
Trang ý kiến, cựu bộ trưởng Giáo Dục Pháp Luc Ferry trả lời câu hỏi : Liệu Biden có khá hơn Trump hay không ?
Câu trả lời là « không chắc ». Tác giả chỉ trích báo chí Pháp gây tâm lý chống Trump. Đồng ý là chúng ta, 85% dân Pháp, có lý do hài lòng khi thấy Trump phải ra đi. Tuy nhiên, tác giả cảnh báo : sự kiện « cánh tả » Mỹ trở lại chính quyền không phải là điều đáng mừng, bởi vì « phe tả » trong đảng Dân Chủ bảo vệ những giá trị đi ngược lại mô hình chế độ Cộng hòa Pháp. Hãy nhìn hai nhật báo New York Times và Washington Post, thân với đảng Dân Chủ là thấy : họ cáo buộc chúng ta kỳ thị chủng tộc, là chế độ Apartheid của Nam Phi ngày trước, các vụ khủng bố thì quá đáng, nhưng là phản ứng dễ hiểu, nếu không muốn nói là chính đáng chống lại chính sách bài Hồi giáo của chính quyền Pháp. New York Times chế nhạo Pháp buộc dân chúng đeo khẩu trang chống dịch trong khi cấm khăn che mặt trùm đầu của đạo Hồi, một quyết định kỳ thị.
Cựu bộ trưởng chính phủ Chirac khuyến cáo : không phải một người xấu ra đi, mà người thay thế sẽ là một người tốt.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201119-armenia-tin-lam-nuoc-nga
Tin tổng hợp
(Yonhap) – Liên Hợp Quốc thông qua dự thảo nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên.
Dự thảo nghị quyết được Ủy ban nhân quyền Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 18/11/2020, cáo buộc có sự vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống và đại trà tại Bắc Triều Tiên và do chính quyền Bắc Triều Tiên gây ra, bao gồm cả tội ác chống nhân loại. Nghị quyết khuyến nghị Hội Đồng Bảo An đưa thực trạng này ra Tòa án hình sự quốc tế và trừng phạt những người chịu trách nhiệm cao nhất ở Bắc Triều Tiên. Còn theo báo cáo “Chỉ số sức mạnh quân sự Mỹ 2021” của Heritage Foundation, Bắc Triều Tiên là mối đe dọa cao thứ 2 đối với Mỹ trong tổng số 5 mức, ngang với Nga, Iran và Trung Quốc.
(AFP/Reuters) – Trung Quốc, Nga, Iran, Bắc Triều Tiên là những mối họa an ninh mạng nghiêm trọng nhất đối với Canada.
Trung tâm an ninh viễn thông Canada ngày 18/11/2020 cảnh báo số vụ tấn công mạng đang tăng và ngày càng tinh vi. Các vụ tin tặc có thể nhắm vào cả cá nhân và doanh nghiệp, dưới nhiều hình thức như gián điệp mạng, ăn cắp sở hữu trí tuệ, gây ảnh hưởng trên mạng nhằm đạt các mục tiêu kinh tế, địa chính trị và ý thức hệ. Trong khi đó, phe đối lập thúc giục thủ tướng Canada, Justin Trudeau, cứng rắn hơn với Trung Quốc, kể cả chính thức cấm sử dụng công nghệ 5G của Hoa Vi.
(Japan Times) – Gần 90% người Nhật không ưa Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát thường niên của các tổ chức Nhật Bản và Trung Quốc công bố cách đây hai ngày cho thấy tỉ lệ người Nhật có ấn tượng xấu về Trung Quốc lên đến 89,7%, tăng 5% so với năm trước. Lý do: nhiều người cho biết tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư, và hành vi bất chấp luật pháp quốc tế của Bắc Kinh trên Biển Đông. Ngược lại, tỉ lệ người Trung Quốc có cái nhìn tiêu cực về Nhật Bản là 52,9%, tăng 0,2%. Cuộc thăm dò được thực hiện trong tháng Chín và tháng Mười với 1.000 người Nhật Bản và 1.571 người Trung Quốc.
(Reuters) – Ông Trump có thể sẽ tham gia Thượng đỉnh APEC.
Theo một quan chức Hoa Kỳ, tổng thống sắp mãn nhiệm có kế hoạch đại diện cho Hoa Kỳ tại Thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức trực tuyến vào ngày 20/11/2020 tại Malaysia. Đây sẽ là lần đầu tiên mà ông Trump dự APEC kể từ năm 2017. Tin trên được đưa ra sau khi chính quyền của ông Trump bị chỉ trích vì chỉ cử cấp thấp tham gia Hội Nghị Thượng đỉnh Đông Á EAS vào cuối tuần trước.
(RFI) – Afghanistan : Lực lượng đặc biệt Úc sát hại tùy tiện 39 người.
Chỉ huy quân sự cao cấp nhất của Úc hôm nay 19/11/2020 nhìn nhận có các bằng chứng khả tín cho thấy lực lượng đặc biệt của nước này đã sát hại 39 thường dân và người Afghanistan không vũ trang. Tướng Angus Campbell ngỏ lời xin lỗi và khuyến cáo nên truy tố về tội ác chiến tranh.
(AFP) – Mỹ : Boeing 737 MAX lại được phép bay.
Hoa Kỳ hôm qua 18/11/2020 đã cho phép Boeing 737 MAX lại được hoạt động sau hai năm bị cấm bay, vì xảy ra hai tai nạn làm 346 người thiệt mạng. Cục hàng không liên bang Mỹ thông báo kiểu máy bay này sẽ có nhiều sửa đổi cần thiết và các phi công cần phải được tập huấn trước. Các hãng hàng không phải có các hoạt động duy tu đối với các phi cơ 737 MAX không được bay từ 20 tháng qua, còn số đang tồn trữ ở hãng Boeing sẽ được thanh tra của FAA kiểm tra trước khi giao cho khách hàng. Boeing đã bị mất 393 hợp đồng mua loại máy bay này trong 10 tháng qua, hiện đang còn tồn 450 chiếc.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201119-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới 19/11:
Ông Trump trả tiền để kiểm phiếu lại tại Wisconsin;
Cố vấn an ninh Mỹ thăm Việt Nam
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới ngày thứ Năm (19/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Tiếp tục phát hiện lỗi phiếu bầu tại bang Georgia. Chủ tịch Đảng Cộng hòa tại bang này cho hay, một người giám sát tên David Shafer đã phát hiện ra 9.626 phiếu bầu lỗi trong cuộc kiểm phiếu thủ công của Hạt DeKalb. Theo ông Shafer, các sai sót nếu không được phát hiện, thì về cơ bản sẽ giúp Biden đủ số phiếu bầu để “hủy bỏ những lợi ích của Trump”, theo Breitbart.
Ông Trump trả tiền để kiểm phiếu lại tại bang Wisconsin. Huffpost đưa tin, Hôm thứ Tư (18/11), Ủy ban bầu cử Wisconsin cho biết Tổng thống Trump sẽ trả 3 triệu đô la để kiểm lại một phần phiếu bầu ở bang này nhưng chưa rõ ông muốn đếm lại phiếu ở những hạt nào. Chiến dịch của ông Trump thông báo họ sẽ nộp đơn đề nghị kiểm lại phiếu trước 5h chiều thứ Tư.
52% cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa tin TT Trump thắng hợp pháp. Một cuộc thăm dò của Reuters / Ipsos đã công bố kết quả này vào ngày thứ Tư (18/11). Cuộc thăm dò còn cho thấy, 68% cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa cho biết họ lo ngại rằng cuộc bầu cử đã bị “gian lận”, trong khi con số này bên đảng Dân chủ là 16%. Cuộc khảo sát này được thực hiện từ ngày 13 đến ngày 17/11 với 1.346 người Mỹ được hỏi, theo Reuters.
Tổng thống Trump có thể dự APEC 2020. Một quan chức Mỹ đã cho Reuters biết điều này hôm thứ Tư (18/11). Hội nghị thượng đỉnh APEC năm nay do Malaysia chủ trì diễn ra vào ngày 20/11 với các cuộc họp video. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến tham gia và có bài phát biểu trong khuôn khổ hội nghị.
Ông Trump sẽ đón Lễ Tạ ơn đầu tiên ở Tòa Bạch Ốc. Thay vì tới khu nghỉ dưỡng ở Florida như các năm trước Tổng thống Trump và đệ nhất phu nhân sẽ ở lại nơi làm việc để đón ngày lễ đặc biệt của người Mỹ. Lễ Tạ ơn năm nay rơi vào ngày 26/11. Tòa Bạch Ốc chưa công bố quy mô tổ chức Lễ Tạ ơn năm nay, theo Breitbart.
Tỷ phú Bill Gates rất có thể đã thuê người BLM kiểm phiếu. Theo Natural News, tỷ phú Mỹ đã thuê những người thiên tả và thường có hành vi liều lĩnh này để đảm bảo ứng viên Joe Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2020. Theo NBC News, tháng 9, The Campus Vote Project (Dự án Bỏ phiếu Campus) – một nhóm phi đảng phái đã nỗ lực tuyển dụng những người trẻ da đen làm việc tại các phòng bỏ phiếu. Việc tuyển dụng chủ yếu tập trung ở 10 tiểu bang chiến trường.
Bộ phận kiểm duyệt của Facebook sẽ bị kiện. Cây viết Candace Owens đang chuẩn bị các bước cho vụ kiện này nhằm phơi bày các hành vi kiểm duyệt nội dung của Facebook. Bước đầu tiên, Owens đang tìm cách liên hệ với các luật sư nổi tiếng, những người sẽ đại diện cho cô trước tòa. Owens cho biết trong một video đăng trên Twitter: “Đã đến lúc xem xét những người kiểm duyệt“, theo The BL.
Mỹ tiếp tục trừng phạt Iran. Theo đó, các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ được đẩy mạnh vào thứ Tư (18/11), đặc biệt nhắm vào các tổ chức liên quan tới lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Các biện pháp trừng phạt do Bộ Tài chính Hoa Kỳ công bố cũng nhắm vào Bộ trưởng Tình báo Iran, theo Reuters.
Cố vấn an ninh cho Tổng thống Trump đang trên đường tới Việt Nam và Philippines. Tòa Bạch Ốc cho biết thông tin chuyến công du của ông Robert O’Brien hôm thứ Tư (18/11). Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc thông báo rằng ông O’Brien sẽ gặp các nhà lãnh đạo hai nước “để tái khẳng định sức mạnh của các mối quan hệ song phương của chúng tối và thảo luận về hợp tác an ninh khu vực”, Reuters đưa tin.
Tạp chí tiêu điểm
Bầu cử Mỹ 2020 : Vừa phủ nhận kết quả bầu cử,
D.Trump vừa nhắm đến 2024 ?
Minh Anh
Hơn hai tuần sau cuộc bỏ phiếu ngày 03/11/2020, Donald Trump – tổng thống thứ 45 sắp mãn nhiệm của Hoa Kỳ vẫn nhất mực không công nhận thua cuộc và khởi động quy trình chuyển giao quyền lực. Chủ nhân Nhà Trắng cáo buộc đối thủ Joe Biden, thuộc đảng Dân Chủ thắng cử nhờ gian lận trong bỏ phiếu và tiến hành cuộc chiến tư pháp tại nhiều bang mà ông nghi ngờ gian lận đã xảy ra.
Theo giải thích của một số nhà quan sát, hành động cố thủ này của nguyên thủ Mỹ được giải thích phần nào bởi tính cách « tự mãn », « kiêu ngạo » của ông. Nguyên thủ Mỹ cho đến giờ cảm thấy khó « nuốt trôi » một thất bại mà ông chưa bao giờ tính đến. Thái độ này của ông Donald Trump đang gây ra nhiều khó khăn cho việc chuyển giao quyền lực với người kế nhiệm.
Chuyên gia về Hoa Kỳ, ông Jean-Eric Branaa, trường đại học Paris II – Pantheon, được tuần báo Pháp L’Express trích dẫn, quan ngại rằng « Donald Trump vẫn sẽ giữ nguyên đà cản trở này cho đến tận cuối nhiệm kỳ, khi khăng khăng cho rằng ông đã thắng và tiếp tục hành động trên cương vị một tổng thống ».
Căng thẳng chính trị còn gia tăng một nấc khi chỉ còn có hơn 60 ngày nữa là phải chính thức rời Nhà Trắng, tổng thống sắp mãn nhiệm không ngần ngại sa thải một số quan chức chính phủ cao cấp như giám đốc điều hành chương trình nghiên cứu về biến đổi khí hậu toàn diện – Michael Kuperberg (06/11), giám đốc an ninh mạng chính phủ – Chris Krebs (17/11/2020), trong đó số này đáng chú ý nhất là quyết định bãi nhiễm bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper cùng với nhiều quan chức cao cấp khác tại Lầu Năm Góc, và thay vào đó là những người trung thành với Donald Trump.
Donald Trump hy vọng và tính toán gì khi vẫn kiên quyết không công nhận kết quả bầu cử và tiến hành các thủ tục pháp lý chống lại phe đối thủ, bất chấp việc cản trở chuyển giao quyền lực có nguy cơ đe dọa an ninh nước Mỹ ? Phải chăng các quyết định chính trị của ông còn có một mục đích khác : Đó là chuẩn bị cơ sở cho cuộc bầu cử 2024 ? Thực hư thế nào, nhà báo Phạm Trần từ Washington phân tích.
RFI Tiếng Việt : Kết quả kiểm phiếu cuối cùng đã khẳng định cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã về đầu với 306 lá phiếu đại cử tri so với 232 dành cho ông Donald Trump. Vì sao tổng thống sắp mãn nhiệm vẫn kiên quyết không công nhận kết quả bầu cử và vẫn khăng khăng cho rằng có gian lận trong kiểm phiếu. Ông Donald Trump hy vọng có được điều gì khi làm như vậy?
Nhà báo Phạm Trần : Điều thứ nhất, đây không phải là lần đầu tiên ông Donald Trump, tổng thống đương nhiệm đã có ý niệm cho rằng cuộc bầu cử này là gian lận. Trong suốt thời gian tranh cử, ông ấy nói rằng « tôi chỉ thất cử nếu cuộc bầu cử này là gian lận ». Thế nên, ông Donald Trump cùng với ban tranh cử của đảng Cộng Hòa đã có tổng cộng khoảng 25-30 vụ kiện trên toàn nước Mỹ.
Ông Trump cho rằng tại nhiều nơi, các quan sát viên của đảng Cộng Hòa không được toàn quyền theo dõi cuộc đếm phiếu, hay là có những nơi, số phiếu của hai bên rất là sít sao, ví dụ như là ở bang Pennsylvania – nơi ông Donald Trump từng thắng bà Hillary Clinton năm 2016.
Hay như là ở Michigan, Georgia, những vùng miền nam nước Mỹ mà ông Donald Trump đã thắng cử năm 2016. Ông ấy nghĩ rằng không có lý do gì ông đã thắng lớn ở đó mà bốn năm sau ông ấy lại thất bại. Nhưng ông không nghĩ rằng là người dân Mỹ ở những nơi đó đã thay đổi các quan điểm của họ đối với ông cũng như là đối với đảng Dân Chủ.
Do vậy, thật sự là có những vụ kiện và ông Trump có hy vọng những vụ kiện đó sẽ đi đến quyết định cuối cùng là phải chuyển lên Tối Cao Pháp Viện. Như chúng ta đã biết, Tối Cao Pháp Viện có 9 vị thẩm phán, giờ đây phe đảng Cộng Hòa đã chiếm đa số, tức có 6 vị thuộc đảng Cộng Hòa, ba của đảng Dân Chủ.
Trước đây, thì bên phía Cộng Hòa là 5 người, và bên phía Dân Chủ là 4, nhưng mà sau khi một vị thẩm phán của đảng Dân Chủ qua đời, Thượng Viện do đảng Cộng Hòa kiểm soát, chấp thuận một vị thẩm phán của đảng Cộng Hòa và được ông Trump ủng hộ. Do vậy, ông Trump vẫn hy vọng nếu có vụ kiện nào đó mà phải chuyển lên Tối Cao Pháp Viện thì ông sẽ được xử.
Vì sao ông Trump lại có hy vọng này ? Trong lịch sử nước Mỹ đã từng có trường hợp nào như vậy chưa ?
Nhà báo Phạm Trần : Bởi vì kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử năm 2000 giữa tổng thống thuộc phe Cộng Hòa George W. Bush và ứng cử viên của đảng Dân Chủ là cựu phó tổng Al Gore, chỉ có một bang, Florida, lúc đó tranh giành nhau khoảng trên 500 lá phiếu, cuối cùng phải đưa lên Tối Cao Pháp Viện.
Vào lúc đó định chế này đã biểu quyết 5/4, tức 5 vị thẩm phán thuộc phe Cộng Hòa thì ủng hộ ông Bush, cho rằng quyết định của bang Florida là chính xác, là đúng. Do vậy, ông Al Gore lúc đó đã thất cử mặc dù trên toàn nước Mỹ thời kỳ đó, ông Al Gore hơn phiếu ông George W. Bush rất nhiều. Đấy chính là nguyên do tại sao ông tổng thống đương nhiệm của đảng Cộng Hòa, Donald Trump, vẫn hy vọng như thế.
Tuy nhiên, các tòa án ở những bang được gọi là « chiến trường » như Pennsylvania, Georgia, Arizona, hay như Michigan… đã bác bỏ những đơn kiện đó, bởi vì bên phía ông Trump nói chung không trưng ra được một bằng chứng nào có thể chấp nhận được là ở nơi đó có gian lận trong bầu cử, có hiện tượng đánh tráo thùng phiếu, sửa đổi lá phiếu…
Gần đây, phe của tổng thống Donald Trump cáo buộc hai công ty chuyên cung cấp thiết bị và phần mềm phục vụ cho việc kiểm phiếu là Dominion và Smartmatic có những lập trình gian lận gây thiệt hại cho phía ông Donald Trump. Thực hư chuyện này là như thế nào ?
Nhà báo Phạm Trần: Điều này, mặc dù phía ông Donald Trump tố cáo nhưng điểm quan trọng là bộ An Ninh của Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố rất rõ ràng mà người lãnh đạo là do đảng của ông Donald Trump bổ nhiệm, tức là đảng Cộng Hòa kiểm soát bộ An ninh của Hoa Kỳ, đó là chưa bao giờ cuộc bầu cử của nước Mỹ lại có được bảo đảm an ninh như thế, và không có một bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có sự xâm nhập từ bên ngoài hoặc của các công ty nào hoặc của các nhóm đã sử dụng các dữ liệu tin học để sửa đổi lá phiếu, đánh tráo lá phiếu, hay có những thủ thuật tin học để làm thay đổi lá phiếu có lợi cho ông Joe Biden.
Chính bộ An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã đưa ra lời tuyên bố đó, do vậy, phe ông Trump sau khi có những thông cáo chính thức của một bộ An ninh như thế đưa ra, thì bên phía đảng Cộng Hòa không có phản ứng và cũng không có xúc tiến bất cứ biện pháp nào khác.
Theo ý ông, phải chăng là ẩn sau hành động cố thủ này của ông Donald Trump còn có một ý đồ chính trị khác, tức là tìm cách để lại dấu ấn trên chính trường Mỹ nhằm cản đường các ứng viên khác của đảng Cộng Hòa để ông Trump hay có thể người khác do ông chọn ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024 ?
Nhà báo Phạm Trần : Điều rõ rệt nhất là ngay sau khi truyền thông Mỹ và các cơ quan thăm dò dư luận đã đồng ý là ông Joe Biden đã thắng cử, tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã thất cử, phía đảng Cộng Hòa, đặc biệt là những cố vấn thân cận mật thiết với ông Donald Trump đã cho thiết lập ngay một tổ chức để quyên góp, chuẩn bị cho ông Trump sẽ ra tranh cử hoặc là sẽ trở thành lãnh đạo của đảng Cộng Hòa trong bốn năm tới.
Những cơ quan này sẽ tiến hành đi quyên góp, tổ chức các buổi nói chuyện cho ông – lúc đó tạm thời gọi là cựu tổng thống Donald Trump, để đi vận động, đoàn kết đảng Cộng Hòa của ông trở lại. Một là ông ấy chuẩn bị cho cuộc tranh cử trở lại bốn năm sau. Hai là ông Trump muốn đảng Cộng Hòa sẽ trở lại nắm quyền bất cứ với một người nào mà ông Trump muốn hay ủng hộ ra tranh cử.
Cho đến giờ này, trên nguyên tắc, ông Trump vẫn là lãnh tụ tối cao của đảng Cộng Hòa và ông ấy đã có ý niệm chuẩn bị tái tranh cử bốn năm sau. Điều này đã được thấy rất rõ ở Hoa Kỳ, không ai có thể chối cãi bởi vì đảng Cộng Hòa đã đứng ra thực hiện.
Còn có người nào khác hoặc có thể là do ông Donald Trump chọn thì thực sự cho đến giờ này chỉ có một người duy nhất là phó tổng thống Mike Pence, nhưng mà vị phó tổng thống này thì lại có vẻ như không mấy hài lòng về những gì mà ông Trump đã chuẩn bị cho mình, thay vì khi mà một tổng thống mãn nhiệm rồi thì nên để cho người phó tổng thống ra tranh cử, bởi vì một khi đã thất bại thì không nên ra một lần nữa. Thế nhưng đối với ông Trump, bất cứ một việc gì đều có thể xảy ra.
Đáng chú ý là chỉ còn có hơn 60 ngày nữa là phải rời Nhà Trắng, Donald Trump đã cho bãi nhiệm nhiều quan chức cao cấp, đặc biệt là bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper. Ông Trump có ý đồ gì khi ra quyết định như vậy ? Phải chăng ông thực sự muốn « thọc gậy bánh xe » cản trở chính quyền mới vận hành ?
Nhà báo Phạm Trần : Đó là bởi vì ông Esper bất đồng ý kiến với Donald Trump về vấn đề triệt thoái quân đội Mỹ ở các nước trên thế giới, đặc biệt là ở chiến trường Afghanistan. Trước khi bị bãi nhiệm, ông Esper có gởi một thư riêng cho tổng thống Mỹ, phó tổng thống Mỹ cũng như là các tư lệnh quân đội và bộ tổng tham mưu của Hoa Kỳ và nói rằng tình hình ở Afghanistan chưa có hội đủ điều kiện để cho quân đội Hoa Kỳ triệt thoái ở khu vực này.
Đó là vì ông Donald Trump đã có những quyết định đưa thêm quân đội về nước từ Afghanistan, từ Syria, Somalia hay ở những vùng ở châu Âu. Tổng thống Trump cho rằng quân đội Mỹ không cần ở những nơi đó, các nước đó phải tự bảo vệ lấy mình. Đây là chính sách « Nước Mỹ trên hết » mà ông Donald Trump đã đưa ra ngay từ năm đầu tiên.
Đó cũng chính là lý do tại sao ông Donald Trump đã sa thải ông Esper cũng như là một số các viên chức của bộ Quốc Phòng Mỹ thay vào đó là những người trung thành với ông Trump và ủng hộ đường lối triệt thoái quân của nước Mỹ khỏi Afghanistan cũng như là những vùng khác trên thế giới.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà báo Phạm Trần từ Washington.