Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lại bị dân oan kiện ra tòa
Sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bị 56 nông dân mất đất ở Thượng Hải đưa ra tòa vào hồi tháng Mười năm nay, gần đây ông lại bị các nhà hoạt động nhân quyền ở tỉnh Hồ Bắc kiện. Ngoài ra, trong danh sách bị khởi tố lần này còn có ông Lật Chiến Thư – Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc.
Ông Hà Bân và vợ Từ Thái Hồng – hai nhà hoạt động nhân quyền tỉnh Hồ Bắc (trái) khởi kiện hai quan chức Trung Quốc gồm ông Lý Khắc Cường (phải, trên) và ông Lật Chiến Thư (phải, dưới). (Ảnh từ Twitter)
Trang web “Quan sát Dân sinh” (minshengguancha) – một tổ chức dân quyền Trung Quốc, đăng tin ngày 8/11 thông báo rằng, vài ngày trước, các nhà hoạt động nhân quyền Hồ Bắc gồm ông Hà Bân (He Bin) và vợ ông là bà Từ Thái Hồng (Xu Caihong) đã gửi bản cáo trạng hành chính tới Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và đại diện pháp lý của cơ quan này – ông Lý Khắc Cường, cùng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc và đại diện pháp lý của cơ quan này – ông Lật Chiến Thư. Mục đích là khởi tố hành chính và yêu cầu các cơ quan này cùng người đứng đầu thực thi chức trách theo pháp luật.
Cáo trạng chỉ ra rằng, vợ chồng nguyên đơn bị oan, và sau nhiều năm đi bảo vệ quyền lợi của bản thân, họ lại bị lực lượng công quyền trả thù vì tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hoạt động kinh doanh của hai vợ chồng cũng gặp nhiều khó khăn và bị xâm hại. Trong nhiều năm qua, vấn đề này đã được khởi kiện lên nhiều cơ quan chức năng nhưng vẫn không được giải quyết, thay vào đó là họ bị tấn công và trả đũa nhiều hơn.
Vì danh tính của họ đã bị “đánh dấu”, nên việc đi lại, ăn ở, v.v. đều sẽ bị “báo cảnh sát” và bị đối xử khác biệt; các hoạt động tự do bị hạn chế, quyền riêng tư bị xâm phạm, không được phép bước vào hoặc tiếp cận các danh lam thắng cảnh lớn như Thiên An Môn… và “khu vực nhạy cảm”. Ngoài ra, việc đăng ký thương hiệu kinh doanh hay bổ sung hoạt động kinh doanh của họ cũng bị gây khó dễ; những ngày nhạy cảm không được phép tùy ý đi lại và phải bị giám sát; thông tin cá nhân bị thu thập và lạm dụng mà không được sự đồng ý của họ. Cảnh sát còn nhiều lần sách nhiễu nơi ở của họ ở Bắc Kinh, thậm chí còn cạy cửa và đuổi họ ra khỏi nhà; khi họ làm kinh doanh trước cửa nhà, cửa hàng còn bị camera giám sát, v.v.
Cáo trạng nêu rõ, những người thi hành các vụ xâm phạm nêu trên đều nói rằng: họ đang thực thi chức trách căn cứ theo các “quy định liên quan”. Tuy nhiên, các hành vi tùy tiện vi phạm nhân quyền này rõ ràng là vi hiến. Việc dân oan đi thỉnh nguyện và phải chịu những xâm phạm tương tự như vậy là chuyện bình thường ở Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Nguyên đơn cho rằng: người bị hại đã bị xâm phạm quyền lợi bởi những lý do, quy định vi hiến trong thời gian dài, trên phạm vi lớn và liên quan đến nhiều cơ quan, nhưng bị đơn đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giám sát và sửa sai, vậy nên họ phải chịu trách nhiệm về những tổn thương và mất mát đã gây ra cho nguyên đơn.
Nguyên đơn yêu cầu được bồi thường 90 triệu nhân dân tệ (khoảng 315 tỷ VNĐ) vì những tổn thương và tổn thất mà họ đã phải chịu đựng, và chính quyền còn phải tuyên bố trên các kênh truyền thông để loại bỏ tác động xã hội tiêu cực đối với nguyên đơn.
Tháng trước, trang web “Quan sát Dân sinh” từng tiết lộ rằng ông Lý Khắc Cường đã bị 56 nông dân mất đất ở quận mới Phố Đông, Thượng Hải đưa ra tòa, yêu cầu tòa thụ lý đơn xin xét lại phán quyết có liên quan và bồi thường cho các đương sự.
Có nhà phân tích chỉ ra rằng, dưới thể chế của ĐCSTQ, các quan chức các cấp không cần phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, và quyền lực nhà nước không bị hạn chế và giám sát bởi người dân, vậy nên việc các quan chức bảo kê, thông đồng với nhau và với doanh nhân để áp bức nhân dân là điều tất yếu.
Đông Phương – Theo SOH – 13/11/20