Đọc báo Pháp – 11/11/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 11/11/2020

Tổng thống Trump có thể hành động gì trong hai tháng tới? – Thụy My

Bầu cử tổng thống Mỹ và vaccin chống virus corona là hai chủ đề chính của các báo ra hôm nay 11/11/2020. Trên trang Ý kiến của Le Monde, ông Robert Malley, cựu cố vấn của Barack Obama và nay là tổng giám đốc ICG cho biết « Còn hơn hai tháng nữa, chính quyền Trump luôn có toàn quyền ».

Những quyết định gây tranh cãi của các tổng thống mãn nhiệm

Năm 2021, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kéo dài với những bất thường, khủng hoảng, tranh chấp, rốt cuộc sẽ chấm dứt, nhưng chính quyền Trump vẫn còn đó.  Đây là một trong những đặc thù của hệ thống Mỹ : trong giai đoạn chuyển tiếp hơn hai tháng, chính quyền mãn nhiệm vẫn có đầy đủ mọi quyền lực như trước bầu cử. Đã có những tổng thống một khi không còn bị những ràng buộc chính trị, đã có những quyết định gây tranh cãi vào khoảng thời gian này.

Chẳng hạn tổng thống Gerald Ford ân xá cho người tiền nhiệm Richard Nixon đã từ chức. Tổng thống Ronald Reagan khởi đầu đối thoại với Tổ chức Giải phóng Palestine, chủ đề cho đến lúc đó vẫn là cấm kỵ. Tổng thống George H.W.Bush can thiệp quân sự vào Somalie, hay Barack Obama để cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết tuyên bố các lãnh thổ Israel chiếm đóng là bất hợp pháp.

Trong nhiều tuần lễ tới, Donald Trump vẫn là tổng thống và tổng tư lệnh quân đội, có thể đưa ra những quyết định quan trọng về ngoại giao, cho tập trận hoặc tiến hành các chiến dịch bí mật. Trong nhiệm kỳ, ông Trump đã không ngần ngại sử dụng quyền lực vì mục đích tài chính, chính trị hay chỉ đơn giản là xóa bỏ các di sản của người tiền nhiệm (như rút khỏi hiệp định nguyên tử Iran và hiệp định khí hậu Paris).

Có thể đánh giá khác nhau về các sáng kiến ngoại giao mới đây của ông Trump – hoặc hoan nghênh thỏa thuận giữa Israel với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrein, hoặc chỉ trích đã không quan tâm đến Palestine – nhưng rõ ràng có tính toán chính trị.

Trump sẽ cho tập trận Biển Đông, trừng phạt Trung Quốc, rút quân khỏi Afghanistan ?

Thất bại kỳ này, Donald Trump có thể không còn hứng thú nữa, và không có thì giờ cho các vấn đề quốc tế. Các cố vấn của ông Trump có thể sẽ khuyên ông tiếp tục đường hướng hiện nay để in đậm dấu ấn lên trật tự thế giới và gây khó khăn cho người kế nhiệm.

Trong số những sáng kiến có thể hình dung được : rút nhanh quân Mỹ đóng tại Đức, triệt thoái toàn bộ ở Afghanistan, đóng cửa đại sứ quán Mỹ ở Irak. Bên cạnh đó là trừng phạt Trung Quốc như áp đặt các sắc thuế mới, tiếp tục cho tập trận tại Biển Đông, cấm các đảng viên cộng sản Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ. Trump có thể tuyên bố lực lượng Houthi ở Yemen là tổ chức khủng bố, hoặc nhìn nhận chủ quyền thực tế của Israel tại các khu định cư ở Cisjordanie.

Kịch bản giả định nguy hiểm nhất liên quan đến Iran. Chính quyền Trump đã rút ra khỏi hiệp định nguyên tử và áp đặt một loạt trừng phạt, với ý định không che giấu là để các chính quyền sau không quay lại với thỏa thuận này. Lo ngại những nỗ lực của mình bị xóa sạch, ê-kíp của ông Trump có thể tìm cách thuyết phục ông cho phép tiến hành một chiến dịch – bí mật hoặc không – đánh vào một cơ sở nguyên tử của Iran, hoặc các đồng minh của Teheran, với lý do đây là thành lũy cuối cùng chống lại bước tiến của chế độ Iran. Một số quốc gia trong khu vực, lo ngại trước viễn cảnh chính quyền Biden và muốn tranh thủ những ngày còn lại của một chính quyền bị ám ảnh bởi hồ sơ Iran, có thể sẵn sàng ủng hộ.

Tác giả kết luận, kể từ ngày 21 tháng Giêng, Hoa Kỳ sẽ phải vất vả sửa chữa những gì đã bị tháo dỡ : tái xác định lại chủ trương đa phương trong đó Mỹ không thống trị, giúp các nước đang phát triển vượt qua thử thách kinh tế do đại dịch, vấn đề khí hậu, giảm áp lực kinh tế cho nhiều nước đã bị trừng phạt đơn phương, đưa nhân quyền làm trọng tâm của đối ngoại.

Ân xá, tấn công tin học…

Tương tự, nhật báo kinh tế Les Echos nói về « Những gì ông Trump vẫn có quyền làm ». Cho đến phút chót, tổng thống mãn nhiệm vẫn có thể ban hành những sắc lệnh.

Cho đến nay, tổng thống Donald Trump đã ban hành 192 sắc lệnh, nhiều hơn nhiệm kỳ đầu của Barack Obama và George W. Bush. Động thái này có thể tạo ảnh hưởng cho tương lai, nhưng tổng thống kế nhiệm vẫn có thể hủy bỏ.

Vào cuối nhiệm kỳ, Bill Clinton đã quyết định giảm mức arsenic cho phép trong nước uống. Người kế nhiệm là George W.Bush định hủy, nhưng rốt cuộc phải bỏ ý định vì không muốn mang tiếng là một tổng thống muốn cho arsenic vào nước uống. Đa số các sắc lệnh phải có những quy định cụ thể để sửa đổi, cần có thời gian và đôi khi rơi vào quên lãng. Trong số 78 sắc lệnh về môi trường của Donald Trump, chỉ 30 có hiệu lực.

Tổng thống Trump cũng có thể ân xá cho một số tù nhân hoặc thậm chí cộng sự. Vài tuần lễ trước khi Donald Trump nhậm chức, ông Obama đã sử dụng quyền này để giảm hoặc hủy án đến 153 lần, đạt kỷ lục về số lượng ân xá của một tổng thống đương nhiệm. Và trước khi ông Trump nắm quyền ba ngày, Obama đã gây ngạc nhiên khi thay đổi án tù cho Chelsea Manning, người tiết lộ WikiLeaks.

Trên lý thuyết, Hiến pháp Mỹ cho phép Donald Trump tự ân xá cho mình, nhưng xưa nay chưa có tổng thống nào kể cả Nixon làm điều này. Theo Les Echos, ông Trump có thể dùng cách từ chức một ngày trước hạn định, Mike Pence sẽ trở thành tổng thống và trong 24 giờ có quyền ân xá cho ông trước khi bị mất quyền đặc miễn. Như vậy Donald Trump khỏi phải hiện diện trong buổi lễ tuyên thệ của Joe Biden.

Cuối cùng, Donald Trump vẫn là tổng tư lệnh quân đội cho đến phút chót. Tuy không thể tiến hành chiến tranh vì phải được Quốc hội cho phép, nhưng ông Trump trên lý thuyết vẫn có thể cho tiến hành những chiến dịch đặc biệt hoặc tấn công tin học.

Chiến thắng của dân túy, hay thất bại của nỗ lực giảm bất bình đẳng xã hội ?

Giáo sư kinh tế Julia Cagé trên Le Monde kêu gọi về phía Pháp cần phải rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng Mỹ cho kỳ bầu cử tổng thống Pháp lần tới.

Một lần nữa mọi người đều nhầm lẫn. Bốn năm sau chiến thắng của ông Donald Trump, những tháng gần đây tại Pháp chỉ đọc được những lời khẳng định dân Mỹ sẽ không lặp lại sai lầm lần thứ hai. Đã đành rốt cuộc Joe Biden vượt hẳn, nhưng mọi sự vẫn chưa ngã ngũ ở Florida, Pennsylvania, Michigan. Và nếu Biden chiến thắng, thì làn sóng xanh đã không diễn ra.

Theo tác giả, thay vì mỉa mai rằng cử tri bầu cho ông Trump có học vấn thấp, nên đối mặt với trung tâm của vấn đề : vì sao giới da trắng bình dân bỏ rơi đảng Dân Chủ ? Đành rằng 75% người có bằng tiến sĩ bầu cho Hillary Clinton, nhưng số tiến sĩ chỉ là một thiểu số trong dân chúng.

Dân Chủ trở thành đảng của người giàu và có bằng cấp

Từ những năm 1990 và 2000, Dân Chủ đã trở thành đảng của những người có bằng cấp, trong khi cho đến những năm 1980 vẫn tập hợp được tầng lớp bình dân. Và năm 2016, lần đầu tiên Dân Chủ vượt Cộng Hòa trong số 10% cử tri thu nhập cao nhất.

Kỳ bầu cử 2020, Joe Biden thu được 486 triệu đô la tại các thành phố mà cư dân có thu nhập trên 100.000 đô la/năm, còn Donald Trump chỉ quyên được 167 triệu đô la. Biden không có chính sách rõ ràng, nên khó lôi kéo được cử tri bình dân sau nhiều năm họ bị bỏ rơi.

Vì sao phải mở to mắt nhìn về Hoa Kỳ ? Vì nhiều người nghèo tại Pháp vẫn đang bỏ phiếu cho cực hữu và số này sẽ còn tăng lên. Và với đại dịch, bất bình đẳng càng gia tăng : giai cấp trung lưu bị tổn thương, giới trẻ bi quan về tương lai. Giáo sư Cagé viết : « Tôi đọc thấy từ khắp nơi rằng dân túy lại thắng ở Mỹ, nhưng hãy nhận lấy trách nhiệm tập thể ». Không phải là dân túy, mà những gì chúng ta đang chứng kiến là thất bại của lời hứa một nền dân chủ có khả năng giảm được những bất công xã hội và kinh tế. Hãy rút ra bài học Mỹ, nếu không chính là Pháp mai đây sẽ là trung tâm chú ý đáng buồn của thời sự quốc tế.

Vaccin Covid với người Pháp

Trên lãnh vực y tế, Le Figaro chạy tựa « Vaccin chống Covid : Một hy vọng nhưng vẫn còn những câu hỏi » : Tác dụng phụ, việc sản xuất, tồn trữ ở âm 70°C…

Trong bài xã luận mang tựa đề « Cuộc chiến của lòng tin », tờ báo nhận định sau khi vui mừng trước thông tin vaccin của Pfizer-BioNTech hiệu quả đến 90%, câu hỏi đầu tiên người ta nghĩ đến là chừng nào sẽ có được vũ khí quý giá này. Trước cuối năm nay, vào mùa xuân tới, hay ít nhất là mùa hè sang năm ? Tất nhiên là càng sớm càng tốt. Tuy nhiên không thể đốt cháy giai đoạn vì thử nghiệm lâm sàng trên 40.000 người tình nguyện chưa kết thúc, và còn những vấn đề khác chưa có câu trả lời như thời gian miễn nhiễm, việc bảo vệ những người dễ tổn thương nhất…Có bao nhiêu là yếu tố phải biết được để có chiến dịch tiêm chủng hiệu quả.

Điều kiện thứ hai là lòng tin về việc không có tác dụng phụ, vì miễn dịch cộng đồng chỉ có thể thành công khi đa số dân chúng chịu tiêm chủng. Đây là điều kiện khó thể đạt được tại Pháp. Một cuộc điều tra ở 15 nước cho thấy dân Pháp đứng đầu về tâm lý nghi ngại, chỉ có 46% người Pháp cho biết muốn được tiêm ngừa Covid. Cũng như chiến dịch tiêm chủng H1N1 thất bại trước đây, chính phủ Pháp đối mặt với thách thức lớn là thuyết phục cho được người dân về sự quan trọng của tiêm chủng, mà không phải bắt buộc họ.

Cam Bốt : Hồ bị lấp và bê-tông hóa cho dự án địa ốc

Nhìn sang châu Á, Le Figaro có bài phóng sự nói về nạn đô thị hóa tại thủ đô Phnom Penh của Cam Bốt. Từ 10 năm qua, hai hồ lớn còn lại ngày càng thu hẹp, dành chỗ cho những công trình xây dựng, bất chấp sinh kế người dân và ảnh hưởng đến môi trường.

Hơn 1.000 gia đình sống bằng nghề đánh cá hoặc trồng cây thủy sinh ở hồ lo lắng trong tương lai không biết lấy gì để mưu sinh. Hồ Choeung Ek đang bị bồi lấp đến trên 90% để nhường chỗ cho dự án ING City. Theo phiên bản mới nhất, chiếc hồ rộng 1.200 hecta sẽ trở thành một con kênh chưa đầy 100 hecta. Những căn hộ mới xây được dành cho khách hàng nước ngoài, người dân trung lưu Cam Bốt cũng không thể với tới. Khoảng 1,2 triệu dân có nguy cơ bị lụt lội trong tương lai.

Cách đây hơn chục năm, hồ Boeung Kak ở trung tâm đã bị nhượng cho một đại gia địa ốc thân Hun Sen. Hồ lớn còn lại Boeung Tamok ở phía bắc thủ đô nay cũng bị xâm chiếm tương tự, nhiều quan chức là sở hữu chủ của những lô đất mới.

Nếu trước đây người dân còn biểu tình chống việc lấp hồ Boeung Kak, thì nay không ai còn có thể can đảm đứng lên. Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết, vào đầu tháng Chín, ba nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi thông báo trên Facebook sẽ tuần hành ôn hòa để phản đối, nhưng chỉ vài giờ sau khi đăng, cả ba đã bị bắt tạm giam với cáo buộc « xúi giục nổi dậy », có nguy cơ lãnh án đến hai năm tù.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201111-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-donald-trump-c%C3%B3-th%E1%BB%83-h%C3%A0nh-%C4%91%E1%BB%99ng-g%C3%AC-trong-hai-th%C3%A1ng-t%E1%BB%9Bi

Tin tổng hợp

(Nikkei Asia) – Nhờ có chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam có triển vọng đạt tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2020. 

Báo tài chính Nhật Bản ngày 11/11/2020 nêu lên khả năng này do đầu tư của các tập đoàn công nghiệp nước ngoài vào Việt Nam trong năm nay tăng mạnh. Đứng đầu trong số này có các dự án của nhiều tập đoàn Hàn Quốc. Chỉ số đầu tư công nghiệp vào Việt Nam hồi tháng 2/2020, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã tăng 21 % tính theo tỷ lệ cả năm.

(Reuters) – Nga thông báo vac-xin chống Covid-19 hiệu quả 92 %. 

Nếu như tập đoàn Mỹ Pfizer cho biết hiệu quả thuốc tiêm chống virus corona là 90 % thì Sputnik V của Nga công hiệu đến 92 %. Ít ra đây là điều được Matxcơva thông báo vào hôm 11/11/2020 căn cứ trên kết quả thử nghiệm trên 16.000 người tình nguyện.

(Yonhap) – Seoul dự báo Bình Nhưỡng nắm giữ 60 đầu đạn hạt nhân có nguy cơ đe dọa an ninh khu vực. 

Trong báo cáo ngày 11/11/2020 của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Gia, thuộc Đại Học Quốc Phòng Mỹ, Bắc Triều Tiên hiện đang có từ 15 đến 60 đầu đạn hạt nhân và khoảng 650 tên lửa đạn đạo có khả năng bắn tới lãnh thổ của Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

(AFP) – Cam Bốt phá một cơ sở quân sự thứ hai do Mỹ tài trợ, Washington thất vọng. 

Trả lời AFP ngày 10/11/2020, một phát ngôn viên của đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh cho biết phía Cam Bốt « không có bất kỳ thông báo hay giải thích nào ». Cùng ngày, bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt Tea Banh xác nhận thông tin phá hủy cơ sở quân sự thứ hai tại Ream do Mỹ tài trợ. Công việc này nằm trong dự án mở rộng căn cứ hải quân Ream, được cho là hợp tác với Trung Quốc nhưng Phnom Penh luôn bác bỏ. Vào tháng 9, Cam Bốt đã phá cơ sở quân sự đầu tiên được Mỹ tài trợ với lý do « cơ sở được di dời sang một địa điểm khác » do « không thể giữ tòa nhà đó vì quá cũ ».

(The Sydney Morning Herald) – Úc-Nhật chuẩn bị ký thỏa thuận quốc phòng, nhắm đến Trung Quốc. 

Thỏa thuận có thể được ký nhân chuyến công du Tokyo của thủ tướng Úc Scott Morrison, dự kiến vào khoảng giữa tháng 11/2020, nhằm « tái khẳng định nỗ lực chống lại việc Trung Quốc ngày càng mở rộng hoạt động trên các vùng biển trong khu vực ». Thỏa thuận này có thể sẽ cho phép hai bên triển khai quân trên lãnh thổ của nhau, cũng như nhiều thỏa thuận về đơn giản hóa các thủ tục để đưa vũ khí và khí tài vào quốc gia khác nhằm tham gia các cuộc thao dượt chung.

(Atlasinfo) – Pháp yêu cầu Miến Điện bảo đảm quyền lợi chính trị cho người Rohingya. 

Trong thông cáo ngày 10/11/2020, bộ Ngoại Giao Pháp đánh giá cuộc bầu cử lập pháp tại Miến Điện « là bước quan trọng mới trong việc xây dựng nền dân chủ ở nước này ». Tuy nhiên, Pháp cũng yêu cầu Miến Điện « bảo đảm các quyền chính trị và kinh tế cho tất cả mọi người, kể cả người Rohingya », theo Hồi Giáo và bị truy bức từ nhiều năm nay.

(AFP) – Tổng giám mục Luigi Ventura bị kết án 10 tháng tù treo vì sách nhiểu tình dục đối với 5 người đàn ông trong thời gian tại Pháp (2009-2019). 

Bản án được đưa ra sau phiên xét xử tại Paris ngày 10/11/2020. Cựu sứ thần Tòa Thánh tại Pháp, hiện 75 tuổi, vắng mặt trong phiên xử, ở lại Roma vì lý do dịch Covid-19. Ngày 17/12/2019, giáo hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của tổng giám mục Luigi Ventura với tư cách là sứ thần Tòa Thánh tại Pháp.

(AFP) – Peru : Chủ tịch Quốc Hội trở thành tổng thống lâm thời. 

Ngày 10/11/2020, ông Manuel Merino đã thay thế tổng thống Martin Vizcarra, bị phế truất trước đó một ngày vì bị cáo buộc nhận hối lộ năm 2014. Tại lễ nhậm chức, tổng thống lâm thời Manuel Merino đã kêu gọi « đoàn kết » dân tộc và hứa sẽ rời chức vụ vào ngày 28/07/2021, đúng hạn nhiệm kỳ của tổng thống tiền nhiệm.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201111-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 11/11:

Pompeo: ‘Sẽ chuyển giao sang chính quyền…

Trump đệ nhị’

Quý Khải

Mục lục bài viết

•           Pompeo: ‘Sẽ có sự chuyển giao êm đẹp sang chính quyền… Trump đệ nhị’

•           Ông Trump: Đảng Dân chủ đã chặn thông tin có vắc xin Covid trước ngày bầu cử

•           Bầu cử Mỹ: Phát hiện 25.000 phiếu bầu nghi gian lận ở bang Pennsylvania

•           Mỹ chế tài các thực thể có kết nối với chế độ Iran

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Tư (11/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Pompeo: ‘Sẽ có sự chuyển giao êm đẹp sang chính quyền… Trump đệ nhị’

Ngoại trưởng cười nhẹ khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Ngoại giao sẽ tham gia như thế nào với nhóm chuyển giao quyền lực của Joe Biden, theo Huff Post.

Ngoại trưởng Mike Pompeo dường như bác bỏ hoàn toàn tuyên bố của một số kênh truyền thông cánh tả và ông Biden về việc ông đã thắng cử tổng thống. Ông Pompeo đã nói rằng: “Sẽ có một sự chuyển giao êm đẹp sang chính quyền Trump đệ nhị”.

Bình luận của ông Pompeo được đưa ra khi một phóng viên hỏi liệu Bộ Ngoại giao có sẵn sàng tham gia với nhóm chuyển tiếp của “Tổng thống đắc cử Joe Biden” hay không và nếu không tham gia vào quá trình đó kịp thời có thể gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia hay không?

Ông Trump: Đảng Dân chủ đã chặn thông tin có vắc xin Covid trước ngày bầu cử

Tổng thống Trump hôm thứ Hai (9/11) tuyên bố rằng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Đảng Dân chủ đã trì hoãn việc công bố tin tức về một loại vắc-xin Covid rất tiềm năng nhằm hạn chế uy tín của ông trước cuộc bầu cử, theo Daily Wire.

Ông Trump đưa ra cáo buộc này vào tối thứ Hai trên Twitter sau khi có tin về loại vắc-xin của công ty dược phẩm Pfizer có khả năng chống viêm phổi Vũ Hán và sẽ được cho phép triển khai vào cuối tháng này.

Pfizer đã công bố kết quả khảo sát ban đầu vào sáng thứ Hai về vắc-xin cúm Vũ Hán của họ, cho thấy hiệu quả của nó lên đến 90%.

“[FDA] và Đảng Dân chủ không muốn tôi có được Vắc xin CHIẾN THẮNG trước cuộc bầu cử, vì vậy thay vào đó, nó chỉ được công bố sau 5 ngày – Như tôi đã nói trước đây!”, ông Trump viết trên Twitter.

Trong một tweet khác Tổng thống Trump viết: “Nếu Joe Biden làm tổng thống, sẽ không có vắc-xin nào trong 4 năm tới và FDA cũng không bao giờ phê duyệt nó nhanh chóng. Bộ máy hành chính quan liêu sẽ hủy hoại hàng triệu sinh mạng”.

Bầu cử Mỹ: Phát hiện 25.000 phiếu bầu nghi gian lận ở bang Pennsylvania

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham của Nam Carolina đã có những tuyên bố mới về gian lận cử tri tại bang chiến địa Pennsylvania, nơi ông Biden vượt lên đối thủ sau khi bị dẫn trong thời gian dài tại cuộc bầu cử tổng thống 2020, theo Western Journal.

Ông Graham nói rằng có những thông tin mới xuất hiện về gian lận bầu cử từ bang Pennsylvania đòi hỏi một cuộc điều tra kỹ lưỡng.

“Tôi có thêm thông tin. Hiện tại, chúng tôi nhận thấy có khả năng 25.000 người cao tuổi ở các viện dưỡng lão khác nhau vào cùng một thời điểm cụ thể đã đồng loạt đưa ra yêu cầu nhận các lá phiếu gửi qua đường bưu điện ”, Thượng nghị sĩ của bang Nam Carolina cho biết.

“Xác suất 25.000 người ở các địa điểm khác nhau cùng nhóm tuổi đồng loạt đưa ra yêu cầu là bao nhiêu? Có ai đó không tốt trong những viện dưỡng lão này”, ông Graham đặt nghi vấn.

Mỹ chế tài các thực thể có kết nối với chế độ Iran

Mỹ hôm thứ Ba đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với sáu công ty và bốn người có dính líu với Iran, cáo buộc mạng lưới này cung cấp hàng hóa nhạy cảm cho một công ty quân sự của Iran. Đây là động thái mới nhất của chính quyền Trump nhằm gia tăng áp lực lên Tehran, theo Reuters.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã cáo buộc các công ty và cá nhân tạo điều kiện mua sắm hàng hóa nhạy cảm, bao gồm các linh kiện điện tử có xuất xứ từ Mỹ, cho Iran Communication Industries, một công ty quân sự Iran nằm trong danh sách đen của Washington và Liên minh châu Âu.

Bộ Tài chính cho biết:

Công ty này sản xuất các hệ thống liên lạc quân sự, thiết bị điện tử hàng không và bệ phóng tên lửa, bên cạnh các món đồ khác.

Quyết định trên sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với vũ khí của những kẻ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và những kẻ ủng hộ chúng, đóng băng mọi tài sản ở Mỹ của những ai có tên trong danh sách đen và cấm người Mỹ giao dịch với chúng.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết: “Chế độ Iran sử dụng mạng lưới các công ty toàn cầu để nâng cao năng lực quân sự gây bất ổn của mình”.

“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hành động chống lại những người góp phần hỗ trợ các nỗ lực quân sự hóa và phổ biến vũ khí của chế độ này”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-11-11-pompeo-se-chuyen-giao-sang-chinh-quyen-trump-de-nhi.html

Điểm tin thế giới tối 11/11:

Chính quyền Trump có 2 động thái lớn;

Joe Biden ‘há miệng mắc quai’

Triệu Hằng

Mục lục bài viết          

Chính quyền TT Trump có 2 động thái lớn

Ông Joe Biden ‘há miệng mắc quai’

Bộ trưởng Estonia từ chức sau khi gọi Joe và Hunter Biden là ‘những kẻ tham nhũng’

Wikipedia ‘cánh tả’ khai tử chính sách ‘trung lập’

Toàn bộ nghị sĩ đối lập Hồng Kông tuyên bố từ chức

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Tư (11/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Chính quyền TT Trump có 2 động thái lớn

Chính quyền TT Trump đã chốt 2 việc, đó là đối thoại Đài Loan và bán vũ khí cho Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nikkei Asia đưa tin.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo với Nghị viện hôm thứ Ba (10/11) rằng Bộ đã phê duyệt hơn 23 tỷ đô la Mỹ bán vũ khí cho Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, động thái này được giới quan sát đánh giá là một phần thưởng cho quốc gia Vùng vịnh vì đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.

Ông Pompeo cũng thông báo rằng ông Keith Krach, thứ trưởng ngoại giao phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, sẽ chuẩn bị một cuộc đối thoại kinh tế song phương với Đài Loan vào ngày 20/11, bổ sung vào danh sách các hành động gần đây của chính quyền thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với hòn đảo – và điều này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc tức giận.

2 động thái lớn diễn ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper bị sa thải, báo hiệu rằng Tổng thống Donald Trump và trợ lý thân cận Pompeo muốn đóng dấu ngoại giao trước Ngày Nhậm chức vào ngày 20 tháng 1. Ông Pompeo hôm thứ Ba nói rằng “sẽ có một sự chuyển đổi suôn sẻ sang một chính quyền Trump thứ hai.”

Ông Joe Biden ‘há miệng mắc quai’

Breitbart đưa tin, trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa TT Donald Trump và ông Joe Biden, nhà báo Chris Wallace của đài Fox News, người điều hành phiên tranh luận, đã hỏi ông Biden rằng liệu ông có “cam kết không tuyên bố chiến thắng cho đến khi cuộc bầu cử được chứng nhận độc lập hay không,” vị cựu phó tổng thống trả lời: “có”.

“Ông sẽ thúc giục những người ủng hộ ông hãy chờ đợi trong khi phiếu bầu được kiểm, và ông sẽ cam kết không tuyên bố chiến thắng cho đến khi cuộc bầu cử được chứng nhận độc lập chứ?”,  Wallace đã hỏi Biden tại cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên ở Cleveland, tiểu bang Ohio.

“Có,” ông Biden đã trả lời.

“Và đây là thỏa thuận. Chúng ta sẽ đếm các lá phiếu. Như ông đã chỉ ra, một số lá phiếu ở một số bang thậm chí không thể được kiểm cho đến Ngày bầu cử và nếu có hàng nghìn lá phiếu, sẽ mất thời gian để làm điều đó,” vị cựu phó tổng thống bổ sung.

Tuy nhiên, Biden đã không làm như vậy, vì ông ấy đã tiếp tục cứ như thể là tổng thống đắc cử, dù hứa rằng “chúng tôi sẽ làm việc đúng đắn”.

Ông Biden dường như đã phớt lờ lời hứa, vì ông đã phát biểu chiến thắng vào tối thứ Bảy, 4 ngày sau cuộc bầu cử. Trong khi, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 vẫn chưa ngã ngũ.

Bộ trưởng Estonia từ chức sau khi gọi Joe và Hunter Biden là ‘những kẻ tham nhũng’

Breitbart cho hay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Estonia đã từ chức sau khi gán nhãn cho Joe và Hunter Biden là “những kẻ tham nhũng” và kết quả bầu cử Mỹ “bị làm sai lệch.”

Mart Helme, người đồng sáng lập Đảng Nhân dân bảo thủ Estonia đã rời bỏ chính phủ liên minh NATO và thành viên EU ở vùng Baltic, do những tranh cãi xung quanh những bình luận mà ông đã đưa ra trên đài phát thanh TRE.

Bộ trưởng Estonia cho rằng Biden là người thụ hưởng của một “nhà nước ngầm” vốn thích “những kẻ buôn lậu cặn bã – bởi những kẻ tham nhũng cặn bã dễ bề thao túng. Joe và Hunter Biden là những nhân vật tham nhũng”.

Ông nói, ông tin rằng Donald Trump “cuối cùng sẽ chiến thắng”, bất chấp các kết quả dự kiến hiện tại, nhưng không phải là không có khả năng xảy ra xung đột dân sự.

Ông dự đoán rằng: “Nó sẽ xảy ra như một kết quả của một cuộc đấu tranh to lớn, thậm chí có thể đổ máu, nhưng cuối cùng công lý sẽ chiến thắng”.

Wikipedia ‘cánh tả’ khai tử chính sách ‘trung lập’

Lưu lượng truy cập trang Hunter Biden tăng vọt ngày bầu cử Mỹ.

Số liệu thống kê lượt xem trên Wikipedia chỉ ra rằng, vào ngày diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ, khi đó đang có cuộc cạnh tranh gay gắt ở các bang chiến địa với hàng nghìn phiếu bầu chênh lệch, trang về con trai Hunter của ứng cử viên Dân chủ Joe Biden đã có thêm 66.000 lượt xem, cán mốc 110.000 lượt.

Độc giả của trang sẽ nhìn thấy những cáo buộc về việc Hunter có các giao dịch kinh doanh tham nhũng với nước ngoài được dán nhãn là “thuyết âm mưu bị lật tẩy”. Do vấn đề kiểm duyệt của các biên tập viên Wikipedia, độc giả sẽ hoàn toàn không tìm thấy nội dung nào đề cập đến bài báo ‘bom tấn’ của New York Post khi tờ báo này phanh phui những email cá nhân của Hunter trong chiếc máy tính xách tay bị bỏ quên, vốn được xem là những bằng chứng cho thấy độ tin cậy của các cáo buộc tham nhũng.

Breitbart thống kê, trang Wikipedia dành cho Joe Biden cũng bị kiểm duyệt tương tự đã cho thấy một sự gia tăng đột biến 360.000 lượt xem trong Ngày Bầu cử, trong khi trang thông tin thiên lệch và chứa nội dung tiêu cực về TT Trump thì cho thấy có đến 150.000 lượt xem bổ sung vào ngày hôm đó.

Lưu lượng truy cập như vậy trong một kết quả bầu cử bên lề cho thấy tác động bầu cử tiềm tàng của sự thiên lệch mang tính khuynh tả của Wikipedia, sự thiên lệch buộc người đồng sáng lập trang đầu năm nay phải tuyên bố khai tử chính sách “trung lập” của cuốn bách khoa toàn thư này.

Toàn bộ nghị sĩ đối lập Hồng Kông tuyên bố từ chức

Toàn bộ nghị sĩ đối lập Hồng Kông sẽ đồng loạt từ chức, sau khi cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc thông qua một nghị quyết hôm thứ Tư cho phép chính quyền địa phương bãi nhiễm các chính trị gia mà không cần thông qua phán quyết của tòa án, theo SCMP.

Chủ tịch Đảng Dân chủ Hồng Kông Wu Chi-Wai tiết lộ động thái này sau khi 4 nhà lập pháp từ khối này bị loại bỏ sau quyết định của Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPCSC).

“Hôm nay, chúng tôi tuyên bố từ chức vì các đồng nghiệp của chúng tôi bị truất quyền một cách tàn nhẫn bởi chính quyền trung ương,” Wu nói.

“Có một sự phân tách quyền lực (giữa nhóm hành pháp và tư pháp) theo Luật Cơ bản, nhưng giờ đây, quyết định của chính phủ trung ương ám chỉ sự phân tách quyền lực này sẽ bị tước đoạt. Tất cả quyền lực sẽ được tập trung vào tay Trưởng Đặc khu – một bù nhìn của chính quyền trung ương. Vì vậy, hôm nay đánh dấu sự kết thúc của ‘một quốc gia, hai chế độ’. ”

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-11-11-chinh-quyen-trump-co-2-dong-thai-lon-joe-biden-ha-mieng-mac-quai.html

Tạp chí xã hội

Vì sao phong trào ủng hộ Trump

 củng cố được vị thế trong xã hội Mỹ ?

Trọng Thành

Ngày 03/11/2020 nước Mỹ đã bầu tổng thống mới. Theo kết quả sơ bộ, ứng viên Dân Chủ Joe Biden đắc cử với số phiếu kỷ lục. Tuy nhiên, Donald Trump nhận được số phiếu chưa từng có đối với một ứng viên Cộng Hòa, vượt 7 triệu cử tri ủng hộ so với năm 2016. Nhiều chuyên gia dự đoán ông Trump vẫn tiếp tục giữ vị trí trung tâm trong chính trường Mỹ. Vì sao chính trị gia, với tính cách gây rất nhiều tranh cãi này, lại tiếp tục củng cố và mở rộng ảnh hưởng ? 

Về ảnh hưởng rất lớn của Donald Trump trong đời sống chính trị Mỹ, nếu như nhiều người tập trung chủ yếu vào con người của tổng thống Hoa Kỳ thứ 45, thì đông đảo chuyên gia, nhà quan sát lại tìm cách lý giải sức thu hút của nhân vật này, dựa trên các cơ sở xã hội, lịch sử, văn hóa hay tôn giáo, rộng lớn hơn nhiều. Kết luận mà nhiều người rút ra là Donald Trump không hề « ngẫu nhiên xuất hiện » hay là một « tai biến của lịch sử », mà chính trị gia này là « một mắt xích » trong truyền thống chính trị hơn hai thế kỷ của nước Mỹ.

Nhưng Donald Trump cũng là con người của xã hội đương đại, của tiến trình toàn cầu hóa với những cực đoan, tốt xấu tương phản, đan xen. Một tiến trình toàn cầu cầu hóa đang bước vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng về nhiều mặt, với chủ nghĩa tiêu thụ khiến môi trường bị suy thoái, tàn phá, khí hậu bị hâm nóng, khoảng cách giàu nghèo tăng vọt…, cũng như sự trỗi dậy của Trung Quốc, với đe dọa phổ biến mô hình toàn trị ra khắp thế giới.

Mảnh đất mầu mỡ: Nước Mỹ ngày càng phân cực với « toàn cầu hóa »

Trước hết, nhiều nhà quan sát khẳng định thời điểm xuất hiện của chính trị gia Donald Trump trên chính trường Mỹ tương ứng với sự phân cực ngày càng lớn của xã hội Mỹ (xu hướng cũng tương tự với rất nhiều nơi khác trên thế giới). Chúng ta thử quan sát kết quả bầu cử năm nay, xét về mặt khu vực địa lý. Các chuyên gia Đại học Bách khoa vùng Hauts-de-France, miền bắc nước Pháp, xác lập một tấm bản đồ tỉ lệ cử tri. Kết quả, được Le Monde đăng tải hôm 07/11, cho thấy « hai thế giới » hoàn toàn tương phản. Một bên là các thành phố lớn, tuyệt đại đa số ủng hộ phe Dân Chủ, bên kia là các khu vực nông thôn, hẻo lánh, đa số ủng hộ phe Cộng Hòa. Sự tương phản của năm nay còn đậm nét hơn nhiều so với lần bầu cử 2016, với việc cả hai phe đều huy động được thêm hàng triệu cử tri ủng hộ.

Trả lời RFI qua thư điện tử, dịch giả Trần Ngọc Cư (California), một người quan sát chính trị Mỹ từ nhiều thập niên nay, ghi nhận : « Donald Trump dấn thân vào sự nghiệp chính trị bằng cách cỡi lên làn sóng dân tuý đang tràn qua các nước công nghiệp tiên tiến của phương Tây trong đó có Mỹ, như một phản ứng chống lại xu thế toàn cầu hoá, mà hậu quả là việc đưa công ăn việc làm từ các nước này sang Trung Quốc và các nước đang phát triển, đồng thời mở cửa biên giới quốc gia để tiếp nhận lao động nhập cư. Công nhân Mỹ cũng nhận hậu quả tương tự, khi các hãng xưởng theo nhau đóng cửa và dời các cơ sở sản xuất sang Trung Quốc và Mêhicô, khiến hàng triệu người thất nghiệp. Nhiều nhà máy sản xuất xe hơi, lốp xe, đồ phụ tùng qua bao thế hệ nằm trong các thành phố công nghiệp ở miền Đông Bắc phải ngừng hoạt động, và người ta bắt đầu gọi vành đai từ  New York, chạy về hướng Tây qua Pennsylvania, Ohio, India, Michigan, Illinois, và Wisconsin là ‘‘Vành đai sét rỉ’’ (the Rust Belt). Lực lượng công nhân này trước đây có truyền thống bỏ phiếu cho các ứng viên Dân chủ và vì thế vành đai công nghiệp này còn được gọi là ‘‘Bức tường xanh’’, màu xanh tượng trưng cho phe Dân chủ.

Trong khi các bang miền Tây trên bờ Thái Bình Dương và các bang miền Đông Bắc trên bờ Đại Tây Dương là nơi tập trung của cải trong nước, ngôi nhà của các công nghệ cao, có xu thế theo chủ nghĩa toàn cầu và là những bang thiên về Dân Chủ, đa văn hóa, thì các bang vùng trái độn ở giữa chủ yếu sống về nông nghiệp và chăn nuôi là các bang màu đỏ, ủng hộ bên Cộng Hòa ».

Củng cố khối cử tri truyền thống Cộng Hòa

Sự phân cực ngày càng lớn của xã hội Mỹ có thể khiến cử tri của đảng Cộng Hòa thêm phân hóa, đảng chính trị chủ chốt này của nước Mỹ có thể mất ảnh hưởng. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của chính trị gia Donald Trump, đây lại có thể là mảnh đất tốt cho một tập hợp cử tri rộng lớn hơn. Theo nhà văn Pháp, nhà nghiên cứu lịch sử tâm lý – xã hội Christian Salmon, Trump đã trở thành « nơi tập trung, chất chứa mọi nỗi giận dữ » của xã hội (Christian Salmon là tác giả cuốn « La tyrannie des bouffons / Nền độc tài của những tay hề », xuất bản tháng 10/2020). Với cuộc khủng hoảng tài chính 2008, « thỏa hiệp lịch sử », giữa chủ nghĩa tự do về kinh tế với chủ nghĩa bảo thủ về văn hóa, vốn làm nên bệ đỡ tư tưởng của đảng Cộng Hòa, không còn hiệu lực. Chính Donald Trump cùng các cố vấn đã kiến thiết lại nền tảng này, với sách lược củng cố trước hết lực lượng cử tri hạt nhân truyền thống, bên cạnh việc đồng thời mở rộng ảnh hưởng đến các tầng lớp dân cư học vấn thấp, thu nhập thấp, các nhóm cộng đồng thiểu số.

Trên Le Monde, nhà nghiên cứu Jérôme Fourquet, Viện nghiên cứu Dư luận Pháp (IFOP), ghi nhận dưới cái vỏ bên ngoài là một con người « chống lại hệ thống chính trị hiện hành », trên thực tế ông Donald Trump « đã thành công trong việc bảo lưu nguyên vẹn khối cử tri truyền thống của đảng Cộng Hòa », một trụ cột của chính hệ thống chính trị nước Mỹ. Thế lực chủ yếu trong khối cử tri này là những người da trắng theo nhánh Tin Lành Phúc Âm, chiếm đến 27% tổng số cử tri nước Mỹ, và 76% trong nhóm này bầu cho ông Trump. Có thể nói, cử tri da trắng theo Tin Lành Phúc Âm chiếm một nửa cử tri ủng hộ Trump.

Để giành được sự ủng hộ kiên định của nhóm cử tri này, tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã có nhiều chính sách như chống nạo, phá thai, bổ nhiệm các thẩm phán theo lập trường bảo thủ vào hệ thống tư pháp liên bang, hay dời sứ quán Mỹ đến Jerusalem. Theo dịch giả Trần Ngọc Cư, « những người Tin Lành thấy quá nhiều điểm tương đồng giữa nước Mỹ và Israel đến nỗi có người gọi Hoa Kỳ là “nước Israel mới’’. Hơn một nửa số tiểu bang của Mỹ có thành phố hay thị xã mang tên Jerusalem hay Salem. Từ bờ Đông sang bờ Tây, nước Mỹ lốm đốm các  thành phố lấy tên từ Kinh Thánh Cựu Ước. Những địa danh như Canaans, Zions, Jordans, Jerichos, Pisgahs, Mitzpahs and Gileads. Tổng thống Trump chắc chắn đã đánh động tâm can của đa số cử tri Tin Lành khi ông quyết định dời đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thủ đô Jerusalem, một quyết định táo bạo, mà nhiều vị tiền nhiệm không dám thực hiện ».

« Da trắng thượng đẳng » và « người da trắng bé nhỏ »

Nhà báo Phạm Trần (Washington) đặc biệt nhấn mạnh đến một bộ phận cử tri da trắng người Mỹ kiên quyết giành sự ủng hộ cho ông Donald Trump, bởi họ không chấp nhận 8 năm cầm quyền của tổng thống người da màu Barack Obama, cũng như những ai có liên hệ với di sản của vị tổng thống da màu, như ứng viên Joe Biden, người vừa đắc cử tổng thống, cũng là người phó của Barack Obama. Nhà báo Phạm Trần cũng nhấn mạnh thái độ thiên vị rõ rệt của ông Donald Trump đối với các nhóm cử tri có quan điểm da trắng thượng đẳng : 

« Một điều rõ rệt, phe da trắng gọi là ‘‘thượng đẳng’’ tôn thờ ông Trump làm lãnh tụ tối cao, là bởi vì ông Trump nói những câu nói mà các nhóm cực đoan đó vẫn nói hàng ngày: ta là da trắng, ta là chủ nước Mỹ. Người da mầu được nhập cư vào đây nhờ các tổ tiên của chúng ta, người nước Anh, di dân vào nước Mỹ, đưa nô lệ da đen từ châu Phi qua. Ông Trump mặc dù không đưa ra những lời tuyên bố có vẻ sỗ sàng như thế, nhưng mà ông ấy lại ủng hộ việc làm của những người da trắng cực đoan. Tỉ dụ như, trong các cuộc biểu tình trên đường phố, khi thấy các hành động của người da trắng gây ra các bạo động, ông Trump lại không lên tiếng kêu gọi những người da trắng phải kiểm soát, phải tự kềm chế. Nhiều lời nói của ông ấy như đổ dầu vào lửa, làm cho  phe da trắng lên gân, lên cốt, phấn khởi, lại càng có thêm hành động chống người da mầu ».   

Bên cạnh thái độ « thiên vị » với các nhóm « da trắng thượng đẳng », ông Donald Trump cũng thu hút được ảnh hưởng một phần đáng kể trong đa số dân da trắng là nhờ dựa vào tâm lý của một bộ phận người da trắng, lo sợ bị dân nhập cư tước đoạt quyền lợi. Tâm lý có cội rễ lịch sử sâu xa thường xuyên được kích hoạt trở lại này, đã được nhà sử học Pháp Sylvie Laurent soi tỏ trong cuốn « Pauvre Petit Blanc / Người da trắng nhỏ bé đáng thương » (NXB Maison des sciences de l’homme, 2020).

Nỗi thù ghét di dân: Cộng đồng Công giáo lo ngại bị chia rẽ

Nếu như chiến thuật của ông Donald Trump về cơ bản thành công với cử tri Tin Lành Phúc Âm, thì với cử tri Công giáo lại rất khác. Theo một số thăm dò dư luận, tỉ lệ cử tri người Công giáo da trắng ủng hộ ông Trump và đảng Cộng Hòa có phần sụt giảm qua hai kỳ bầu cử. Theo Pew Research Center, năm 2016, 64% cử tri nhóm này ủng hộ Trump, 31% ủng hộ Hillary Clinton. Đến năm 2020, theo VoteCast, họ ủng hộ Trump 57%, ủng hộ Biden 42%. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các tư tưởng bài ngoại, chống di dân gây lo ngại với nội bộ cộng đồng Công giáo.

Trả lời hãng tin AP, ông David Gibson, phụ trách Trung tâm về Tôn giáo và Văn hóa, Đại học Fordham, New York, bày tỏ : « Nếu đảng Cộng Hòa tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhắm vào những người da trắng đang có nhiều nỗi khổ về tâm lý, đánh vào nỗi sợ di dân, để thu hút phiếu bầu của cử tri Công giáo người da trắng, thì điều này có thể gây ra nhiều vấn đề cho giáo hội Công Giáo vốn đang tìm kiếm sự thống nhất » (Hiện tại, nhìn chung, không phân biệt theo chủng tộc, một nửa người Công giáo Mỹ ủng hộ Trump, một nửa ủng hộ Biden).

Chiến lược với người da màu: Nâng đỡ hay kỳ thị tùy đối tượng

Điều mà nhiều nhà quan sát ghi nhận là ông Donald Trump đã tập hợp được các khối cử tri thuộc nhiều thành phần. Ngoài nhóm cử tri cốt lõi, ông Trump đã thu hút được nhiều hơn cử tri người da đen và người gốc Mỹ Latinh. Theo nhiều nhà quan sát, bên cạnh lý do kinh tế (công ăn việc làm nhiều hơn và thu nhập được cải thiện, quá trình vốn đã bắt đầu vào giai đoạn cuối thời Obama, sau nhiều năm nước Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính), cá nhân ông Donald Trump có thái độ được đánh giá là rất tinh vi với người da đen, với các cộng đồng di dân. Bên cạnh những thái độ tiêu cực, cũng cần ghi nhận những điểm tích cực trong chính sách của Trump, dịch giả Trần Ngọc Cư ghi nhận:

« Dựa vào các sách vừa xuất bản của cháu gái ông Trump là Mary Trump, cựu luật sư riêng và cũng là cộng sự của Donald Trump, Michael Cohen, và các phát ngôn miệt thị người da đen của ông Trump (“shithole countries / những đất nước thối tha), gọi bà Omarosa Newman, người da mầu, nguyên cố vấn chính trị của chính ông là “that dog / đồ chó”, gọi nữ chính trị gia Dân Chủ Kamala Harris người da màu là “monster / quái vật”, người ta có thể gọi Donald Trump là người có đầu óc kỳ thị chủng tộc. Một ví dụ khác là trong khi nhắm vào cử tri phụ nữ ở ngoại ô, tức phụ nữ trung lưu có học, Trump đe dọa, nếu Biden đắc cử các hộ nghèo sẽ đến làm nhà trong xóm của các bà, đấy là cách nói bóng gió rằng người da màu sẽ dọn đến, làm mất giá nhà của họ (‘‘dog whistle’’).

Tuy nhiên dưới chính quyền Trump, khi nền kinh tế tăng trưởng, người da đen và người da nâu cũng được hưởng lợi đồng đều, không bị phân biệt đối xử. Trong khi người da đen chiếm một tỉ lệ rất cao trong dân số phạm tội, việc Trump ký đạo luật “the First Step Act’’ tạo cơ hội cho phạm nhân da đen làm lại cuộc đời là một hành động đáng được người da đen ghi nhận. Ta cũng nên nhớ trong cuộc bầu cử 2016, rất nhiều người da đen đã không đi bầu cho Hillary Clinton, chỉ vì họ nhớ lại những bản án nặng nề mà chính quyền Bill Clinton đã dành cho người da đen trong chiến dịch bài trừ ma túy. Ta có thể nói đối với người da đen, Trump có thể có thái độ kỳ thị, nhưng không có chính sách kỳ thị ».

Chị Ly Pham là một cử tri bỏ phiếu cho ông Donald Trump, cho dù cách nay 4 năm, chị đã từng ủng hộ bà Hillary Clinton. Trả lời RFI qua thư điện tử, giải thích về lý do vì sao nhiều người lựa chọn bầu cho chính trị gia này, chị cho biết : « Sự ủng hộ lớn lao mà một nửa nước Mỹ dành cho ông Trump, trong nhiều trường hợp chỉ là biểu hiện của thái độ chán ghét sự lừa dối và đạo đức giả trên truyền thông và trong giới chính trị». Về mặt cá nhân, chị hoàn toàn không phải là người sùng bái cá nhân ông Trump. Ngược lại, nếu cá nhân ông Trump có làm sai, vị cử tri này vẫn tin tưởng là thể chế và hệ thống chính trị Mỹ « có nhiều thiết chế để ngăn cản ». Theo chị Ly Pham, vấn đề các tư tưởng cực đoan, như « da trắng thượng đẳng » chẳng hạn là các chủ đề « quá phức tạp » để có thể trình bày trong ít dòng, và điều quan trọng không phải là cá nhân ông Trump nghĩ gì, ông Trump có tư tưởng « da trắng thượng đẳng » hay không, mà « chính sách của ông có giành ưu tiên hay giành đặc quyền cho người da trắng nhiều hơn các chủng tộc khác hay không ».

Khai thác đối kháng giữa các cộng đồng

Chính sách chinh phục cử tri của chính trị gia Donald Trump là một chủ đề rất lớn. Đằng sau hành xử có vẻ đầy cảm tính, bột phát, thiên về xúc cảm, chính trị gia Donald Trump cùng các cộng sự và cố vấn ắt hẳn đã có những bài bản được tính toán rất kỹ lưỡng. Nhìn chung, nhiều nhà quan sát ghi nhận, việc tỉ phú New York Donald Trump, từ chỗ là một nhân vật bên ngoài chính trường, đột ngột trở thành linh hồn của đảng Cộng Hòa, thu hút được sự ủng hộ của gần một nửa cử tri nước Mỹ, trước hết có thể được giải thích bằng việc chính trị gia này đã củng cố được chính khối cử tri truyền thống của đảng Cộng Hòa.

Nhưng điểm khác biệt là ông Donald Trump đã thu hút thêm các nhóm cử tri vốn bị đảng Cộng Hòa coi là cực đoan, như các nhóm chủ trương da trắng thượng đẳng. Ông Donald Trump đã sử dụng triệt để lá bài bản sắc của người da trắng, tìm kiếm các đối tượng để thu hút bất mãn, giận dữ của cử tri thiên về phe Cộng Hòa, như di dân, tín đồ Hồi giáo, chế độ cộng sản, hay truyền thông được coi là « thiên tả »… Đối với các cộng đồng ngoài khối cử tri da trắng truyền thống, lãnh tụ của đảng Cộng Hòa áp dụng sách lược mềm dẻo tùy theo từng nhóm, từng đối tượng.

Cách hành xử khai thác các đối kháng giữa các nhóm xã hội, giữa các cộng đồng, để lôi kéo người ủng hộ nói trên càng thêm hiệu quả khi nhiều người trong xã hội Mỹ cự tuyệt đối thoại với những ai có biểu hiện ủng hộ Donald Trump. Sự phân cực về xã hội biến thành sự đoạn tuyệt về quan hệ cá nhân, thành thù địch về chính trị. Ảnh hưởng của chính trị gia Donald Trump được dự đoán sẽ còn kéo dài, bất chấp việc ông Trump có thất cử tổng thống lần này. Các lý do thu hút cử tri và cội rễ của « Trumpisme » (tạm dịch là « chủ thuyết Trump ») chắc chắn sẽ còn là hiện tượng mà nhiều chuyên gia, nhà quan sát tìm cách giải mã.

RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn chị Ly Pham, nhà báo Phạm Trần và dịch giả Trần Ngọc Cư.  

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20201111-vi-sao-phong-trao-ung-ho-trump-cung-co-tai-my