Bắc Kinh công kích Tokyo nhân chuyến viếng thăm của Thủ tướng Đức
Lãnh đạo Trung Quốc nhắc đến sự cố Lưu Cầu Kiều khi tiếp Thủ tướng Đức để lên án Nhật Bản không biết sám hối tội ác chiến tranh. Chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh đã tăng cường độ từ khi Tokyo sữa đổi cách diễn dịch Hiến pháp, cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài.
Hôm nay 07/07, khi tiếp đón Thủ tướng Đức Angela Merkel và phái đoàn doanh nhân Đức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhắc lại ngày 07/07 cũng là ngày mà cách nay 77 năm xảy ra sự cố Lưu Cầu Kiều. Trận đánh nhỏ tại chiếc cầu đá dài 266 mét mang tên nhà phiêu lưu Marco Polo (người Ý),cách Bắc Kinh 15 km vào ngày này năm 1937 là tiếng súng khai hỏa cuộc chiến tranh Trung Nhật kéo dài 8 năm.
Trong bài diễn văn, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng toàn dân Trung Quốc đã sử dụng toàn lực chống lại cuộc chiến tranh khát máu của quân phiệt Nhật Bản cho đến ngày chiến thắng».
Thủ tướng Đức không tán đồng lời tuyên bố của người tương nhiệm Trung Quốc, không có lời tuyên bố xa gần nào ám chỉ Thế chiến thứ hai.
Theo Reuters, nguồn tin ngoại giao của Đức cho biết Berlin không muốn để giới lãnh đạo Trung Quốc lôi kéo vào cuộc xung khắc giữa Bắc Kinh và Tokyo. Chính quyền Đức cũng không tác đồng sự kiện Trung Quốc thường xuyên nhắc lại quá khứ đau thương của nước Đức thời Thế chiến thứ hai để qua đó lên án Nhật Bản ngày nay.
Tuần trước, trong chuyến thăm viếng lịch sử tại Seoul, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tìm cách khai thác quá khứ chiến tranh Nhật-Hàn để lôi kéo Hàn Quốc chống Nhật.
Trong ngày hôm nay, trong thông điệp truyền hình, ông Tập Cận Bình cũng nhắc lại sự cố Lưu Cầu Kiều để lên án chính quyền Nhật mà ông gọi là «những kẻ phủ nhận sự thật lịch sử xâm lược, tiếp tục gây câm phẩn cho nhân dân Trung Quốc và các dân tộc yêu chuộng hòa bình».
Tokyo, qua phát ngôn viên chính phủ, thẩm định là Trung Quốc đã sai lầm khi «tìm cách biến lịch sử thành vấn đề quốc tế».
Chính phủ Nhật đã nhiều lần xin lỗi về những tội ác của quân đội Thiên hoàng đặc biệt là với lời xin lỗi của Thủ tướng Tomiichi Murayama năm 1995. Trung Quốc cũng nhận được hàng chục tỷ đô la viện trợ của Nhật khi hai bên nối lại bang giao năm 1972.