Tin khắp nơi – 08/11/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 08/11/2020

Joe Biden được dự báo là người chiến thắng bầu cử tổng thống Mỹ

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, một người gắn bó với giới chính trị Washington gần nửa thế kỉ, được dự báo là người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 và sẽ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2021.

Ông Biden, người theo Đảng Dân chủ từng phục vụ 36 năm tại Thượng viện Hoa Kỳ và tám năm giữ vị trí cấp phó cho Tổng thống Barack Obama, được các cơ quan tin tức dự báo là đã đánh bại Tổng thống Đảng Cộng hòa đương nhiệm Donald Trump sau một chiến dịch tranh cử gay go và nhiều ngày kiểm phiếu hậu bầu cử. Kết quả ở mỗi bang sẽ được chứng nhận trong thời hạn tối đa là 30 ngày và có thể bị thách thức tại tòa án, nhưng có phần chắc là sẽ không có gì thay đổi.

Chiến thắng của ông Biden theo sau bốn ngày hồi hộp mà trong khoảng thời gian đó các quan chức ở sáu bang kiểm đếm hàng triệu lá phiếu gửi qua đường bưu điện từ các cử tri muốn tránh xa các điểm bỏ phiếu vì sợ nhiễm virus corona. Số phiếu cập nhật từ Pennsylvania vào sáng ngày thứ Bảy cho thấy rõ ràng ông Biden sẽ giành chiến thắng ở bang này, đưa ông vượt qua ngưỡng 270 phiếu cần thiết để giành chiến thắng Cử tri đoàn gồm 538 phiếu.

Ngay sau khi được dự báo chiến thắng chung cuộc, ông Biden đưa ra một tuyên bố kêu gọi đoàn kết quốc gia.

“Khi chiến dịch vận động tranh cử kết thúc, đã đến lúc bỏ lại đằng sau sự tức giận và những lời lẽ gay gắt và đến với nhau như một quốc gia,” ông nói. “Đã đến lúc nước Mỹ đoàn kết. Và hàn gắn.”

Trên khắp cả nước, những người ủng hộ ông Biden vỡ òa niềm vui trước tin này, bấm còi xe ở thành phố Wilmington, bang Delaware, quê nhà của ông Biden và đổ ra đường ở Quảng trường Times của Thành phố New York và chủ yếu là khu Harlem của người da đen. Một đám đông người nổi tiếng đã nhảy múa và ca hát trên đường phố trước Nhà Trắng ở Washington.

Nhưng ban vận động tranh cử của ông Trump ngay lập tức đưa ra một tuyên bố thách thức dự báo ông Biden đắc cử và khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh thông qua các tòa án để đảo ngược kết quả.

“Joe Biden chưa được chứng nhận là người chiến thắng ở bất cứ bang nào, huống hồ là bất cứ bang nào đang tranh chấp quyết liệt mà sẽ tiến tới việc kiểm phiếu bắt buộc, hoặc các bang nơi mà ban vận động của chúng tôi có những thách thức pháp lý hợp lệ và chính đáng mà có thể xác định người chiến thắng cuối cùng,” thông cáo nói.

Chiến thắng của ông Biden khiến ông Trump trở thành tổng thống Mỹ thứ ba trong bốn thập niên qua thất bại trong nỗ lực tái đắc cử sau một nhiệm kì bốn năm duy nhất.

Ông Biden sẽ là người lớn tuổi nhất từng nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1. Ông sẽ tròn 78 tuổi vào ngày 20 tháng 11 này.

Người liên danh tranh cử với ông, Thượng nghị sĩ Kamala Harris sẽ trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên trở thành phó tổng thống trong lịch sử Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/joe-biden-duoc-du-bao-la-nguoi-chien-thang-bau-cu-tong-thong-my/5652446.html

Các hãng thông tấn Hoa Kỳ dự đoán

ông Biden đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ

Tin từ Wilmington, Delaware/Washington, D.C. – Vào sáng ngày thứ bảy 7 tháng 11 2020, đài BBC và hãng thông tấn AP dự đoán rằng ông Biden đã giành được chiến trường quan trọng ở tiểu bang Pennsylvania, đưa ông vượt qua ngưỡng 270 phiếu đại cử tri đoàn cần thiết để giành lấy Tòa Bạch Ôc.

Chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump cho biết tổng thống Trump không có kế hoạch chịu thât cử. Với kết quả này tổng ghống Trump trở thành tổng thống một nhiệm kỳ đầu tiên kể từ những năm 1990.  Dự đoán của BBC về chiến thắng của ông Biden dựa trên kết quả không chính thức từ các tiểu bang đã kiểm phiếu xong và kết quả dự kiến từ các bang như Wisconsin nơi cuộc kiểm phiếu đang tiếp tục.

Cuộc bầu cử đã chứng kiến số cử tri đi bầu cao nhất kể từ năm 1900. Cho đến nay, ông Biden đã giành được hơn 73 triệu phiếu bầu phổ thông, nhiều nhất từ trước đến nay đối với một ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ. Ông Trump đã có được gần 70 triệu, con số cao thứ hai trong lịch sử.

Tại tiểu bang Pensylvania, ông Biden đang dẫn trước 28,833 phiếu. Tại Nevada, ông Biden đang dẫn trước 22,657 phiếu. Tại Arizona, ông Biden dẫn trước 29,861 phiếu.   Tổng thống đương nhiệm đã không xuất hiện vào thứ sau khi số phiếu dẫn đầu của ông Biden tại 4 tiểu bang quan trọng Pennsylvania, Georgia, Arizona và Nevada lớn dần.

Dẫn trước Tổng thống Trump với 4.1 triệu phiếu bầu phổ thông trên toàn quốc trong tổng số 147 triệu phiếu, ông Biden cho biết người dân Hoa Kỳ đã giao cho ông nhiệm vụ giải quyết đại dịch coronavirus, nền kinh tế đang gặp khó khăn, biến đổi khí hậu và nạn kỳ thị chủng tộc có hệ thống. (BBT)

https://www.sbtn.tv/cac-hang-thong-tan-hoa-ky-du-doan-ong-biden-dac-cu-tong-thong-hoa-ky/

Bầu cử Mỹ 2020 Tổng thống tân cử

kêu gọi « đoàn kết » toàn dân

Thanh Hà

Vài giờ sau khi truyền thông Hoa Kỳ chính thức thông báo danh tính vị tổng thống Mỹ thứ 46, Joe Biden – tổng thống tân cử, khẳng định đảng Dân Chủ đã giành được một thắng lợi « rõ ràng » và « thuyết phục ». Tuy nhiên, theo ông, đã đến lúc phải đưa nước Mỹ thoát khỏi « những chia rẽ ».

Đêm qua, 07/11/2020, trong bài diễn văn đầu tiên tại Wilmington, Delaware trên quê nhà, ông Joe Biden kêu gọi toàn dân « đoàn kếtchấm dứt xem những đối thủ là kẻ thù ». Với ông, « không có những bang mang màu xanh hay màu đỏ », tức là ủng hộ đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa, mà tất cả đều là « những bang thuộc về nước Mỹ ». Tổng thống tân cử Biden kêu gọi 70 triệu cử tri ủng hộ tổng thống Trump hãy vượt qua thất vọng và bất đồng để cùng xây dựng một đất vững mạnh.

Một trong những ưu tiên của tổng thống Hoa Kỳ thứ 46 sắp tới đây là « xây dựng một nền kinh tế Mỹ vững mạnh », và ngay từ ngày Thứ Hai 09/11/2020 ông Biden sẽ triệu tập một ủy ban bao gồm các chuyên gia để chuẩn bị cho kế hoạch hành động chống Covid-19 vào lúc virus corona đã cướp đi sinh mạng của hơn 230.000 và làm hàng triệu người dân Mỹ bị mất việc.

Donald Trump chối bỏ thất bại

Bốn ngày sau cuộc bỏ phiếu, danh tính tổng thống Hoa Kỳ thứ 46 mới được công bố. Khoảng 10 giờ 30 sáng hôm 07/11/2020 giờ Washington, vào lúc truyền thông Mỹ thông báo thắng lợi của ông Biden, tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump đã rời khỏi Nhà Trắng đến một sân golf cách không xa thủ đô Hoa Kỳ.

Ông tố cáo đối thủ đã « vội vàng » nhận lấy chiến thắng trong lúc mà « cuộc bầu cử lần này còn lâu mới kết thúc ». Các luật sư của Donald Trump thông báo tiếp tục tiến hành các thủ tục pháp lý. Trong cuộc họp báo chiều qua tại Philadelphia, luật sư Rudy Giuliani không đi sâu vào chi tiết nhưng khẳng định bên đảng Dân Chủ đã có những động thái cho thấy có « gian lận » bầu cử.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201108-bau-cu-my-2020-joe-biden-donald-trump-doan-ket

Bầu cử Hoa Kỳ 2020:

Joe Biden chiến thắng, chuyện gì sẽ xảy ra?

Cựu phó tổng thống Joe Biden đã được dự đoán sẽ giành được 270 phiếu đại cử tri đoàn, đủ để đánh bại đương kim tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Bây giờ, chuyện gì sẽ xảy ra?

Ông Biden chưa thể dọn đồ đạc của mình đến số 1600 Đại lộ Pennsylvania (địa chỉ Nhà Trắng) ngay lập tức – có một số thứ cần phải diễn ra trước việc này.

Thông thường, đây là một quá trình suôn sẻ, nhưng lần này có thêm những phức tạp vì có thể xảy ra những thách thức pháp lý đối với bầu cử.

Khi nào Joe Biden trở thành tổng thống?

Đầu tiên, tất cả các phiếu bầu ở mỗi tiểu bang cần phải được chứng nhận. Đây thường là hình thức và sẽ diễn ra trong vài tuần tới.

Hiến pháp Hoa Kỳ qui định rằng nhiệm kỳ tổng thống mới bắt đầu vào trưa ngày 20 tháng 1.

Theo đó, sẽ có buổi lễ nhậm chức được diễn ra tại thủ đô Washington DC. Tổng thống mới và phó tổng thống sẽ tuyên thệ nhậm chức do chánh án Tối cao Pháp viện cử hành.

Vì vậy theo mong đợi, Joe Biden và Kamala Harris sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.

Có những ngoại lệ cho thời gian biểu này. Nếu tổng thống qua đời hoặc từ chức, phó tổng thống sẽ tuyên thệ nhậm chức càng sớm càng tốt.

Chuyển giao quyền lực là gì?

Đây là khoảng giai đoạn từ khi có kết quả bầu cử đến khi một nhiệm kỳ tổng thống mới bắt đầu vào ngày 20 tháng 1.

Tổng thống đắc cử sẽ lập một nhóm chuyển giao để chuẩn bị nắm quyền ngay sau lễ nhậm chức – và nhóm của ông Biden đã lập một website phục vụ cho việc chuyển giao chính quyền.

Nhóm này sẽ chọn ra người tham gia nội các, bàn thảo các chính sách ưu tiên và chuẩn bị cho việc nắm quyền quản lý.

Các thành viên của nhóm sẽ làm việc với các cơ quan liên bang để nghe báo cáo về các vấn đề cấp bách, ngân sách và các việc mà các công chức phải làm.

Họ sẽ tập hợp những thông tin tình báo cho nhân sự sắp nhận việc và vẫn sẵn sàng hỗ trợ ngay cả sau lễ nhậm chức. Một vài người trong số này có thể sẽ tiếp tục phục vụ trong nhiệm kỳ tổng thống mới.

Vào năm 2016, Tổng thống Barack Obama gặp người kế nhiệm Donald Trump và những bức ảnh của cả hai trong Phòng Bầu dục đã nói lên chút nồng nhiệt nhỏ nhoi giữa cả hai người – và những gì đọng lại – giữa họ.

Joe Biden đã dành nhiều tháng để tập hợp nhóm chuyển giao của mình, huy động tiền mặt để tài trợ cho việc này và tuần trước ông ấy đã ra mắt một trang web về nó.

Những từ nào chúng ta sẽ nghe hoài?

Tổng thống đắc cử: Khi một ứng cử viên thắng cuộc bầu cử nhưng vẫn chưa tuyên thệ nhậm chức tổng thống mới vào ngày 20 tháng 1, thì sẽ được gọi là tổng thống đắc cử.

Nội các: Joe Biden sẽ sớm bắt đầu công bố những người mà ông ấy chọn cho nội các của mình, đó là đội ngũ hàng đầu cấp cao nhất của chính phủ. Nội các bao gồm người đứng đầu của tất cả các bộ và cơ quan chủ chốt.

Điều trần xác nhận: Nhiều vị trí đứng đầu của chính phủ do tổng thống đưa vào cần có sự chấp thuận của Thượng viện. Những người được ông Biden chọn sẽ được các ủy ban của Thượng viện phỏng vấn trong một phiên điều trần, sau đó là có một cuộc bỏ phiếu để chấp thuận hoặc bác bỏ.

Celtic: Là tổng thống đắc cử, ông Biden được Cơ quan Mật vụ tăng cường bảo vệ và mật danh của ông là Celtic. Những tên này do ứng viên chọn. Ông Trump là Mogul và Kamala Harris được cho là đã chọn Pioneer.

Liệu có thách thức pháp lý hay không?

Điều này gần như chắc chắn. Ông Trump đã nói rằng ông sẽ phản đối tất cả “các tiểu bang được Biden tuyên bố thắng gần đây”, và cáo buộc việc gian lận nhưng không đưa ra bằng chứng.

Và nhiều tin tức đưa rằng ban bầu cử của Trump đang săn lùng những luật sư hàng đầu để dẫn đầu việc kiện tụng.

Những nỗ lực nhằm loại bỏ một số phiếu bầu qua bưu điện của họ sẽ bắt đầu tại các tòa án tiểu bang nhưng có thể kết thúc tại Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng các vụ kiện khó có thể thành công trong việc thay đổi kết quả bầu cử.

Việc kiểm đếm lại phiếu ở một số bang cũng có thể xảy ra, theo yêu cầu của ban vận động tranh cử của Trump, nhưng người ta không kỳ vọng điều này có thể thay đổi kết quả.

Nếu ông Trump không công nhận kết quả?

Phân tích bởi phóng viên Bắc Mỹ Anthony Zurcher

Donald Trump trước đây đã nói rằng ông sẽ phản đối kết quả bầu cử. Nếu những nỗ lực này của ông Trump không thành công, áp lực khiến ông phải công thừa nhận thất bại sẽ gia tăng. Nhưng liệu ông Trump có phải làm thế không?

Cuộc điện thoại thừa nhận thất bại từ một ứng viên thua cuộc đối với người chiến thắng là một truyền thống được coi trọng của nền chính trị Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bắt buộc.

Đảng Cộng hòa có thể “áp lực” Tổng thống Trump chấp nhận kết quả?

Joe Biden: Quan điểm của ông về các vấn đề lớn

Ví dụ, vào năm 2018, ứng cử viên thống đốc thuộc đảng Dân chủ Stacey Abrams tuyên bố cử tri gian lận và bị đe dọa, đồng thời nói sẽ không bao giờ nhượng bộ Brian Kemp, đối thủ Đảng Cộng hòa của bà.

Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ xảy ra đối với một cuộc đua tổng thống thời hiện đại. Nhưng cũng như ở Georgia, miễn là kết quả bầu cử được xử lý hợp pháp và được chứng nhận, bộ máy chính phủ vẫn vận hành, bất kể ông Trump có làm gì.

Ngay cả khi ông Trump không cần phải thừa nhận thất bại và thậm chí không cần trưng ra bộ mặt tốt đẹp và tham dự lễ nhậm chức của ông Biden, ông ấy vẫn có một số ràng buộc nghĩa vụ về pháp lý. Ông Trump phải ủy quyền cho chính quyền của mình chuẩn bị việc hậu cần cho nhóm tiếp quản của Biden. Đó là điều mà theo các quan chức của Trump nói rằng tổng thống đã thực hiện

Donald Trump lên nắm quyền tổng thống với tư cách là một ứng cử viên độc đáo, trái với thường lệ, một ứng cử viên không sợ phá vỡ các chuẩn mực và truyền thống lâu đời. Nếu Trump muốn, ông cũng có thể rời khỏi văn phòng theo cách đó.

Kamala Harris làm gì trong quá trình chuyển giao?

Kamala Harris, người phụ nữ đầu tiên làm phó tổng thống, sẽ bổ nhiệm nhân viên của mình và tìm hiểu thêm về công việc từ chính quyền tiền nhiệm.

Phó tổng thống làm việc tại Nhà Trắng ở Cánh Tây, nhưng bà không sống ở đó. Theo truyền thống, gia đình phó tổng thống sẽ sống trong khuôn viên của Đài quan sát Hải quân Hoa Kỳ ở phía tây bắc thành phố, cách Nhà Trắng khoảng 10 phút lái xe.

Doug Emhoff, chồng bà Kamala Harris là một luật sư hoạt động trong lĩnh vực giải trí.

Doug Emhoff có hai người con từ cuộc hôn nhân đầu tiên – Cole và Ella – người mà Harris nói một cách trìu mến họ gọi bà là “Momala”.

Chuyển đến Nhà Trắng như thế nào?

Thời nay tốt hơn vào năm 1800 khi cặp vợ chồng tổng thống đầu tiên John và Abigail Adams chuyển đến – tòa nhà vẫn chưa xây dựng xong.

Những ngày này, khi chào đón một tổng thống mới và gia đình ông, cách trang trí hoặc đồ nội thất sẽ cần thay đổi do bị hao mòn, vì vậy Quốc hội dành một khoản tiền cho việc này.

Nội trong dinh thự, có có 132 phòng và 35 phòng tắm có thể sử dụng.

Đệ nhất phu nhân Melania Trump, từng làm việc trong lĩnh vực thời trang, đã dẫn đầu một số hoạt động cải tạo nhà cửa và phụ trách sự kiện xa hoa là trang trí cho lễ Giáng sinh.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54860680

Năm câu hỏi cho Joe Biden về nền kinh tế

Natalie Sherman

Joe Biden sẽ trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ sau khi đánh bại Tổng thống Donald Trump đương nhiệm trong một cuộc bầu cử gây chia rẽ gay gắt diễn ra khi đất nước vẫn đang quay cuồng với đại dịch virus corona.

Tuy nhiên, các kế hoạch của ông trong 4 năm tới có thể sẽ đối mặt với thách thức của một chính phủ bị chia rẽ, khi đảng Cộng hòa tuyên bố chiến thắng quan trọng tại Quốc hội.

Quan hệ Mỹ với thế giới sẽ ra sao khi Biden đắc cử?

Joe Biden: Quan điểm của ông về các vấn đề lớn

Dầu thô rớt giá mạnh do Covid và bầu cử Mỹ

Đó là một tình huống mà nhiều nhà phân tích cho rằng khiến những kế hoạch tham vọng nhất trong chương trình nghị sự của ông Bide “tử vong” ngay khi ông nhậm chức.

Dưới đây là năm câu hỏi mà ông phải đối mặt với nền kinh tế Hoa Kỳ.

  1. Ông sẽ cứu nền kinh tế Hoa Kỳ như thế nào?

Trong nhiều tháng, các kinh tế gia đã thỉnh cầu Washington cấp vốn nhiều hơn cho việc cứu trợ Covid-19. Nhưng các cuộc đàm phán đã đi vào bế tắc khi đảng Cộng hòa bác bỏ quy mô của kế hoạch chi tiêu do đảng Dân chủ đưa ra, bất chấp một số áp lực từ ông Trump buộc đảng của ông phải thỏa hiệp.

Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ có được một thỏa thuận nhưng nếu thỏa thuận đó không đạt được thì hy vọng của đảng Dân chủ bắt đầu chững lại. Và rồi việc phục hồi đối phó dịch bệnh sẽ bị ảnh hưởng và ông Biden, người được biết đến là người tương đối ôn hòa, sẽ tìm kiếm thêm bao nhiêu từ ngân sách?

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đã ủng hộ các kế hoạch xóa nợ cho các khoản vay của sinh viên, tăng tiền an sinh xã hội cho những người hưu trí và bơm tiền cho các doanh nghiệp nhỏ. Ông cũng đưa ra các đề xuất tham vọng hơn, như đầu tư 2 tỷ đô la vào các lĩnh vực như năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng và giao thông công cộng.

Nhưng đảng Cộng hòa có khả năng sẽ kiên định hơn nữa trong việc chống lại các đề xuất chi tiêu từ Nhà Trắng của đảng Dân chủ, và điều này có nghĩa sẽ hứa hẹn một cuộc chiến cam go.

Joe Biden: Quan điểm của ông về các vấn đề lớn

2. Ông sẽ giải quyết sự bất bình đẳng như thế nào?

Khi sự bất bình đẳng về thu nhập ở Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 50 năm, những người theo chủ nghĩa tự do đã ép tăng thuế đối với người giàu, một đề xuất mà các cuộc thăm dò cho thấy đã được công chúng ủng hộ rộng rãi.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đã kêu gọi đảo ngược một số phần của việc cắt giảm thuế năm 2017 do Donald Trump ký, hứa hẹn sẽ nâng mức thuế đối với các công ty từ 21% lên 28%, cùng những thay đổi khác.

Các nhóm bên ngoài ước tính kế hoạch của ông có thể huy động hơn 3 ngàn tỷ USD trong thập niên tới – số tiền có thể được hoan nghênh khi đại dịch làm tăng nợ quốc gia của Mỹ.

Nhưng trong khi các đề xuất của ông Biden không sâu rộng như một số kế hoạch khác được các thành viên trong đảng của ông ủng hộ, thì bất kỳ nỗ lực tăng lãi suất nào cũng sẽ vấp phải sự đòn chiến đấu gay gắt từ đảng Cộng hòa và các nhóm doanh nghiệp, những người cho rằng thuế cao hơn sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế.

Với nền kinh tế đang trong tình trạng bấp bênh, liệu ông Biden có còn bận tâm thúc đẩy vấn đề này không?

Hoa Kỳ ‘hụt hơi’ về đổi mới công nghệ?

Hunter Biden làm gì ở Ukraine và Trung Quốc?

3. Ông có thể thuyết phục Hoa Kỳ hành động cho biến đổi khí hậu không?

Các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu đã rất thất vọng khi ông Biden tiết lộ kế hoạch chống biến đổi khí hậu đầu tiên của mình.

Nhưng vào mùa xuân này, ông đã trở lại với một đề xuất sâu rộng, được hoạch định với sự giúp đỡ từ một số người từng chỉ trích ông, và đề xuất nàyđược mô tả là tham vọng nhất từng được đưa ra bởi một ứng viên tổng thống Mỹ.

Đề xuất này bao gồm đầu tư 400 tỷ đô la vào nghiên cứu năng lượng tái tạo, thắt chặt các quy định về ô nhiễm ô tô, ngăn chặn các tác nhân gây ô nhiễm trong công ty, xây dựng 500.000 trạm sạc xe chạy điện và loại bỏ ô nhiễm carbon từ các nhà máy điện vào năm 2035.

Đảng Cộng hòa cảnh báo kế hoạch này sẽ “chôn vùi” nền kinh tế Mỹ. Nhưng việc ban hành ngay cả một phiên bản có giới hạn, hoặc tập trung vào quy định mà ông có thể ban hành với tư cách là tổng thống, sẽ đánh dấu một bước ngoặt rõ rệt so với những năm dưới thời ông Trump, khi Nhà Trắng mở rộng đất công cho việc khoan dầu, cắt giảm các quy định và tảy chay các nỗ lực toàn cầu, như Hiệp ước Khí hậu Paris.

Vậy ông Biden sẽ ưu tiên những đề xuất nào?

Dầu thô rớt giá mạnh do Covid và bầu cử Mỹ

4. Liệu ông có ngưng các cuộc chiến thương mại của Donald Trump?

Lập trường thương mại hiếu chiến của Donald Trump – tấn công các đồng minh, chỉ trích các tổ chức quốc tế và áp dụng thuế biên giới mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước trên thế giới – có lẽ là chính sách kinh tế đặc biệt nhất của ông.

Có một chút nghi ngờ rằng ông Biden sẽ tìm cách thiết lập lại, tái khẳng định vai trò của Mỹ với tư cách là một đồng minh và nhà lãnh đạo trên trường thế giới, nhưng về bản chất thì sẽ khác biệt ở mức thế nào?

Đối với Trung Quốc, ông đã cam kết hành động “mạnh tay” và ít người mong đợi ông sẽ sớm loại bỏ thuế quan mà ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại của mình. Như đồng nghiệp của tôi Karishma Vaswani đã viết trước cuộc bầu cử, Trung Quốc không mong đợi sự ủng hộ, bất kể người chiến thắng là ai.

Cựu phó tổng thống cũng tán thành ý tưởng về thuế quan trong một số trường hợp, đề ra kế hoạch thu phí đối với các quốc gia không đáp ứng các nghĩa vụ về khí hậu và môi trường. Và giống như Trump, ông hứa sẽ hồi sinh ngành sản xuất của Mỹ, với các yêu cầu “Mua hàng Mỹ” mạnh hơn đối với hạng mục chi tiêu của chính phủ, và điều đó có thể khiến Mỹ xung đột với các quy tắc thương mại quốc tế.

Các tổ chức quốc tế và các đồng minh lâu năm bị Trump xa lánh, như Canada và châu Âu, có thể mong đợi ít các cuộc tấn công hơn. Nhưng một số căng thẳng có thể sẽ kéo dài.

Và cụ thể là trong trường hợp của Vương quốc Anh, việc đồng ý một thỏa thuận thương mại có thể trở nên khó khăn hơn chứ không phải ít đi vì ông Biden đã nói rõ một thỏa thuận như vậy không phải là ưu tiên cao và có thể phụ thuộc vào ý nghĩa của Brexit đối với biên giới Ireland.

Châu Á, Việt Nam trông đợi gì từ Joe Biden?

5. Ông sẽ xé nhỏ các Đại gia Công nghệ?

Các hoạt động của những đại công ty công nghệ của Mỹ đang bị giám sát chặt chẽ trên khắp thế giới – và tại thị trường nội địa, nơi các chính trị gia cánh tả và cánh hữu đã kêu gọi các quy tắc cứng rắn hơn trong các lĩnh vực như cạnh tranh và quyền riêng tư của người tiêu dùng.

Ông Biden đã ủng hộ việc chia nhỏ các công ty như một “biện pháp cuối cùng” và chỉ trích Facebook và những công ty khác đã không làm đủ để giám sát thông tin sai lệch và nội dung độc hại khác trên nền tảng của họ. Ông cho biết ông ủng hộ việc hủy luật của Hoa Kỳ để bảo vệ các công ty công nghệ khỏi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung được đăng trên nền tảng của họ.

Nhưng ông và Phó Tổng thống Kamala Harris, người nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở Thung lũng Silicon, đã im lặng một cách bất thường về chủ đề này. Ví dụ: họ không nói về lập trường của mình trên trang web của chiến dịch.

Một số thay đổi đang được thảo luận yêu cầu Quốc hội phải có hành động. Nhưng Nhà Trắng tự mình nắm giữ quyền lực đáng kể để tiến hành các cuộc điều tra cạnh tranh, thực thi quyền riêng tư và các quy định khác và có thể quyết định xem có nên chống lại các hành động quốc tế, như các nỗ lực ở Anh và các nơi khác nhằm thu thêm thuế từ các công ty công nghệ hay không.

Vì vậy, với quyền hạn của mình trong các lĩnh vực khác bị hạn chế bởi sự hiện diện của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội nhưng vẫn còn áp lực phải đưa ra cơ sở tự do của Đảng Dân chủ, liệu ông Biden sẽ khuynh đảo được luật lệ mảng công nghệ hay vấn đề này sẽ bị sao nhãng?

https://www.bbc.com/vietnamese/business-54863126

Quan điểm của Joe Biden ra sao về các vấn đề lớn?

Khi ông chính thức tuyên bố tham gia tranh cử tổng thống 2020, Joe Biden tuyên bố ông sẽ tranh cử trên hai chủ đề chính – những người lao động đã “xây dựng nên đất nước này,” và các giá trị có thể hàn gắn các chia rẽ.

Khi nước Mỹ đối mặt với các thách thức từ virus corona cho tới bất bình đẳng về chủng tộc, thông điệp của ông nhấn mạnh việc tạo ra cơ hội kinh tế mới cho người lao động, khôi phục các chính sách bảo vệ môi trường và quyền lợi y tế, cũng như khôi phục các liên minh quốc tế.

Dưới đây là chi tiết về quan điểm của vị tổng thống mới đắc cử trong tám vấn đề chính.

Bầu cử Mỹ: Kiểm chứng bài phát biểu của TT Donald Trump

Đảng Cộng hòa không nhiệt tình ủng hộ các đơn kiện bầu cử của TT Trump?

Hunter Biden làm gì ở Ukraine và Trung Quốc?

VIRUS CORONA – Một chương trình truy vết toàn quốc

Cách chống dịch virus corona của ông Biden, thách thức nhãn tiền nhất mà nước Mỹ đang gặp, là cho tất cả người dân Mỹ được xét nghiệm miễn phí và thuê 100.000 người để xây dựng một chương trình truy vết quốc gia.

Ông nói ông muốn mở ít nhất 10 trung tâm xét nghiệm ở mỗi bang, và kêu gọi các cơ quan liên bang triển khai nguồn lực để đưa ra các chỉ dẫn toàn quốc cụ thể hơn, thông qua các chuyên gia liên bang. Ông nói tất cả các thống đốc bang nên đưa ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang.

Những cử tri nghi ngờ về quyền lực của chính quyền liên bang sẽ coi đây là sự can thiệp quá sâu, nhưng chủ trương này đi theo quan điểm chung của ông Biden và Đảng Dân chủ về vai trò của chính phủ.

VIỆC LÀM VÀ TIỀN LƯƠNG – Tăng mức lương tối thiểu và đầu tư vào năng lượng xanh

Để giải quyết tác động trước mắt của khủng hoảng dịch Covid-19, ông Biden cam kết sẽ chi “bất kỳ những gì cần thiết” để gia hạn cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và tăng các khoản tiền trả trực tiếp cho các gia đình.

Một trong những đề xuất là tăng thêm 200 triệu USD tiền An sinh Xã hội mỗi tháng, hủy bỏ các chính sách cắt giảm thuế dưới thời Trump và xóa khoản 10.000 cho mỗi sinh viên vay từ ngân sách liên bang.

Các chính sách kinh tế rộng hơn của ông Biden, được biết đến như kế hoạch “Build Back Better” (Xây dựng Lại Tốt hơn), nhằm làm vừa lòng hai nhóm cử tri truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ – người trẻ và công nhân cổ xanh.

Ông ủng hộ tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD một giờ – một biện pháp rất được người trẻ thích và đã trở thành gần như một con số biểu tượng cho đảng Dân chủ năm 2020, và là dấu hiệu cho thấy đảng này nghiêng hơn về cánh tả. Ông cũng muốn đầu tư 2 ngàn tỷ USD vào năng lượng xanh, và cho rằng đẩy mạnh ngành năng lượng sạch sẽ giúp tạo việc làm cho những người giai cấp lao động.

Hiện ông cũng có một kế hoạch trị giá 400 tỷ USD dùng ngân sách liên bang để mua hàng hóa Mỹ, cùng với cam kết rộng hơn để đẩy mạnh luật “Mua đồ Mỹ” đối với các dự án giao thông mới. Ông Biden trước đây từng bị chỉ trích vì đã ủng hộ Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), mà theo các ý kiến chỉ trích là sẽ đưa việc làm ra nước ngoài.

Kế hoạch 2020 của ông kêu gọi chính phủ liên bang đầu tư 300 tỷ USD vào hàng hóa, dịch vụ, nghiên cứu và công nghệ làm tại Mỹ.

CHỦNG TỘC – Cải cách pháp lý hình sự, trợ giúp cho các cộng đồng thiểu số

Trong bối cảnh các cuộc biểu tình về chủng tộc đã diễn ra ở Mỹ trong năm nay, ông nói ông tin rằng phân biệt chủng tộc tồn tại ở nước Mỹ và cần được giải quyết bằng các chương trình kinh tế xã hội rộng rãi để hỗ trợ các cộng đồng thiểu số.

Một trụ cột trong chương trình “xây dựng lại” của ông là tạo ra hỗ trợ doanh nghiệp cho các cộng đồng thiểu số qua một quỹ đầu tư trị giá 30 tỷ USD.

Về ngành chấp pháp, ông đã rời xa quan điểm “cứng rắn với tội phạm” những năm 1990 vốn bị chỉ trích nhiều. Ông Biden giờ đây đề xuất các chính sách để giảm tù giam, giải quyết các chênh lệch về thu nhập, giới tính và chủng tộc trong hệ thống pháp lý, và tái hòa nhập các tù nhân được thả.

Ông sẽ lập ra một chương trình hỗ trợ 20 tỷ USD để khuyến khích các bang đầu tư vào các nỗ lực giảm tù giam, hủy các án tối thiểu bắt buộc và phi tội phạm hóa cần sa và hủy các án về cần sa trước đây, và chấm dứt án tử hình.

Tuy nhiên, ông bác bỏ lời kêu gọi ngừng cấp ngân sách cho cảnh sát, nói rằng các nguồn lực cần phải được dành cho việc duy trì các tiêu chuẩn. Ông cho rằng một phần tiền chi cho cảnh sát phải được chuyển sang các dịch vụ xã hội như sức khỏe tâm thần, và kêu gọi đầu tư 300 triệu USD cho một chương trình cảnh sát cộng đồng.

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU – Tái gia nhập thỏa thuận về khí hậu toàn cầu

Ông Biden gọi biến đổi khí hậu là một mối đe dọa sống còn, và nói ông sẽ kêu gọi cả thế giới cùng hành động nhanh chóng để giảm khí thải nhà kính bằng cách tái gia nhập Thỏa thuân Khí hậu Paris. Thỏa thuận này, mà ông Trump đã rút khỏi, muốn Mỹ cam kết giảm khí thải nhà kính tới 28% vào năm 2025, so với mức năm 2005.

Mặc dù ông không ủng hộ Green New Deal (Thảo thuận Xanh Mới) – một gói về khí hậu và việc làm do những người cánh tả trong đảng của ông đề xuất – ông đề xuất đầu tư liên bang 1.7 ngàn tỷ USD cho nghiên cứu công nghệ xanh, trong đó có một phần trùng với khoản đầu tư cho kế hoạch kinh tế của ông, được chi trong 10 năm tới. Ông Biden cũng muốn Mỹ đạt mức khí thải zero vào năm 2050 – một cam kết hơn 60 quốc gia đã đưa ra năm ngoái. Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới, hiện vẫn chưa tham gia cam kết này. Các khoản đầu tư này, cùng với kế hoạch kinh tế của ông, nhằm tạo ra việc làm trong ngành sản xuất các sản phẩm “năng lượng xanh”.

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI – Khôi phục uy tín của nước Mỹ…và có thể đương đầu với Trung Quốc

Ông Biden viết rằng với tư cách là tổng thống, ông sẽ tập trung vào các vấn đề quốc gia trước. Tuy thế, không có chỉ dấu gì rằng các giá trị của ông Biden về chính sách đối ngoại đã xoay chuyển từ chủ nghĩa đa phương và tham gia trên trường quốc tế, đối nghịch hẳn với chính sách cô lập không ngần ngại của ông Trump. Ông Biden cũng hứa hẹn sẽ xây dựng lại các mối quan hệ với đồng minh của Mỹ, nhất là với khối NATO, tổ chức mà Trump nhiều lần đe dọa sẽ giảm tiền đóng góp.

Vị cựu phó tổng thống nói Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm về những tập quán thương mại và môi trường không công bằng, nhưng thay vì đơn phương đánh thuế hàng Trung Quốc, ông đề xuất có một liên minh quốc tế với các nền dân chủ khác mà Trung Quốc “không thể dám lờ đi”, mặc dù ông vẫn mơ hồ về chuyện điều đó thực sự có nghĩa gì.

Y TẾ – Mở rộng Obamacare

Ông Biden nói ông sẽ mở rộng chương trình bảo hiểm y tế công, được phê chuẩn khi ông là phó của Tổng thống Barack Obama, và thực hiện một kế hoạch nhằm cung cấp bảo hiểm cho 97% người dân Mỹ.

Nhưng ông không theo đuổi đề xuất bảo hiểm y tế cho toàn dân mà những thành viên thiên tả hơn trong đảng của ông mong muốn, ông Biden hứa hẹn sẽ cho tất cả người Mỹ có sự lựa chọn được đăng ký một gói bảo hiểm y tế công tương tự như Medicare (chương trình bảo hiểm y tế cho người già), và giảm tuổi đủ tiêu chuẩn hưởng Medicare từ 65 xuống 60. Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm, một nhóm không đảng phái, ước tính rằng chương trình y tế ông Biden đề xuất sẽ tốn khoảng 2,25 ngàn tỷ USD trong vòng 10 năm.

NHẬP CƯ – đảo ngược các chính sách của ông Trump

Trong 100 ngày đầu làm tổng thống, ông Biden hứa hẹn sẽ đảo ngược các chính sách của ông Trump làm chia rẽ cha mẹ với con cái họ ở biên giới Mỹ – Mexico, xóa bỏ giới hạn số đơn xin nhập cư và chấm dứt việc cấm đi lại từ bảy nước Hồi giáo. Ông cũng hứa hẹn sẽ bảo vệ những người “Dreamers” – những người được đưa vào Mỹ bất hợp pháp khi còn là trẻ em và được phép ở lại Mỹ theo chính sách thời Obama – cũng như đảm bảo họ được phép nhận trợ giúp liên bang cho sinh viên.

Giáo dục – Trường mầm non cho tất cả trẻ em, mở rộng đại học không mất tiền

Trong một động thái nghiêng về tả khuynh, ông ủng hộ một số chính sách giáo dục quan trọng được đảng Dân chủ chú trọng – xóa khoản vay sinh viên, mở rộng các trường đại học miễn phí và cho tất cả trẻ em được đi trường mầm non miễn phí. Những chính sách này sẽ được cấp vốn từ các khoản tiền thu từ thuế mà thời ông Trump cắt giảm.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54857117

Bầu cử Mỹ 2020 :

Vài nét về tổng thống tân cử Joe Biden

Thanh Hà

Sau hai lần thất bại, Joe Biden, 77 tuổi, sẽ chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Với sáu nhiệm kỳ thượng nghị sĩ trong vòng 36 năm và 8 năm ở chức vụ phó tổng thống Mỹ, Joe Biden được xem như là một trong những chính trị gia giàu kinh nghiệm nhất. Nhưng con đường đến Nhà Trắng của tổng thống Mỹ tương lai này cũng đầy trắc trở.

Joseph Robinette Biden Jr. sinh năm 1942 tại Scranton, bang Pennsylvania. Năm 1972, ông đắc cử thượng nghị sĩ bang Delaware lần đầu tiên. Đó cũng là lúc vợ và cô con gái 13 tháng tuổi thiệt mạng trong một tai nạn giao thông. Hai cậu con trai của ông thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

Năm năm sau đó ông tái hôn với Jill Tracy Jacobs. Trong thời gian làm thượng nghị sĩ bang Delaware, phía nam bang Pennsylvania, Joe Biden chọn về ở hẳn Wilmington, một thành phố có đa số dân cư là tầng lớp công nhân. Cũng chính tại nơi này, hôm 07/11/2020, Joe Biden đọc bài diễn văn đầu tiên trong cương vị nguyên thủ Mỹ tương lai.

Ba mươi sáu năm ở Thượng Viện, ông Biden là người đã khởi xướng nhiều bộ luật quan trọng như luật chống bạo hành trong gia đình, luật chống tệ nạn buôn ma túy…  Cũng ở cương vị thượng nghị sĩ, Joe Biden từng đứng đầu ủy ban đối ngoại của Thượng Viện từ năm 2001-2006.

Trước cuộc bầu cử lần này, Joe Biden đã hai lần ra tranh cử tổng thống vào năm 1988 và 2008. Lần đầuông  đã phải sớm bỏ cuộc ngay từ các vòng bầu cử sơ bộ. Năm 2008, ông đã phải lùi bước trước một đối thủ lợi hại là Barack Obama. Nhưng rồi chính Biden là người được Obama chọn đứng liên danh và trở thành phó tổng thống Mỹ từ 2008 đến 2016.

Lần này Joe Biden được đảng Dân Chủ chỉ định ra tranh cử tổng thống, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, ông không có sức thu hút lớn như Obama trước kia.

Dù vậy ngay cả các đối thủ chính trị của Biden cũng phải nhìn nhận rằng tổng thống Mỹ tương lai, vì từng trải nhiều đau thương trong cuộc sống, nên ông có tấm lòng và biết nghĩ đến những người khác. Đó sẽ là một lá chủ bài giúp Biden thành công trong nhiệm kỳ tổng thống 4 năm sắp tới.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201108-bau-cu-tong-thong-my-2020-joe-biden

Kamala Harris trở thành người phụ nữ

và da màu đầu tiên trong lịch sử

được bầu vào vị trí Phó Tổng Thống Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ California Kamala Harris sẽ trở thành phó tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ, phá vỡ một rào cản khác về chủng tộc và giới tính trong nền chính trị Hoa Kỳ, khi kết thúc cuộc chạy đua tổng thống gay gắt trong lúc cử tri bị chia rẽ gay gắt.

Bà Harris, 56 tuổi là con gái của những người di dân từ Ấn Độ và Jamaica, bà sẽ là người phụ nữ đầu tiên, người da đen đầu tiên, người Mỹ gốc Ấn đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên giữ chức vụ này. Bà cũng sẽ là sinh viên tốt nghiệp đầu tiên của một trường đại học da đen trong lịch sử và là thành viên đầu tiên của hội nữ sinh Da đen thành công.

Bà Harris đã bước vào một vị trí lịch sử vào thứ Bảy sau cuộc tranh cử chiến sát nút vào Tòa Bạch Ốc. Chiến thắng của liên danh Biden-Harris khép lại một mùa bầu cử bị bế tắc bởi đại dịch coronavirus và sự mâu thuẫn khốc liệt của quốc gia về chủng tộc, công lý và bạo lực của cảnh sát. Đây cũng là một khoảnh khắc vui mừng đối với nhiều phụ nữ trên khắp Hoa Kỳ, nhưng đáng chú ý nhất là đối với các nhà hoạt động nữ Da đen, những người đã thúc đẩy ông Joe Biden chọn một phụ nữ Da đen vào vị trí phó tổng thống.

Những Phụ nữ da đen đã là thành viên lâu năm của đảng dân chủ và đóng vài trò quan quan trọng giúp ông Biden có được sự đề cử của đảng Dân chủ, mặc dù các nhà hoạt động nói rằng những đóng góp của phụ nữ da đen thường bị bỏ qua và coi thường. (BBT)

https://www.sbtn.tv/kamala-harris-tro-thanh-nguoi-phu-nu-va-da-mau-dau-tien-trong-lich-su-duoc-bau-vao-vi-tri-pho-tong-thong-hoa-ky-2/

Bầu cử Mỹ 2020 : Phe ủng hộ đảng Dân Chủ

vui mừng chiến thắng của Biden

Ngay sau thông báo Joe Biden đắc cử tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, ngày 07/11/2020, những người ủng hộ ứng viên đảng Dân Chủ đã đổ ra đường vui mừng chiến thắng.

Tiếng trống gõ, tiếng còi xe và có cả pháo hoa, vang lên tại nhiều thành phố lớn trên khắp nước Mỹ nhằm đánh dấu hồi kết một cuộc bầu cử căng thẳng, hồi hộp đến tận phút chót của cuộc kiểm phiếu.

Lễ mừng chiến thắng đầu tiên hết là ở Wilmington (Delaware) cứ địa của Biden. Tại New York, ngay khi có thông báo kết quả, nhiều ngàn người đã đổ về khu Times Square, quảng trường biểu tượng Quả Táo Lớn để vui mừng chiến thắng.

Thở phào nhẹ nhõm, nỗi vui mừng hòa lẫn cùng hy vọng một tương lai mới là những gì thông tín viên đài RFI, Loubna Anaki, ghi nhận trong bầu không khí lễ hội tại New York :

« Trump đi đi, hãy xéo khỏi đây… Người dân New York cất vang tiếng hát phỏng theo một bài nhạc Rap phổ biến.

Ngay khi thông báo Joe Biden thắng cử, hàng ngàn người đã túa ra đường reo hò vui mừng.

Một người nói : Chúng tôi đã có 4 năm khốn khổ với một người lẽ ra không nên đứng đầu đất nước này. Giờ đây, chúng tôi thật là vui mừng có một tổng thống mới.

Người thứ hai nói thêm : Tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng vui mừng như thế này ở đây cả. Tôi nghĩ là có một cảm giác nhẹ nhõm to lớn và nỗi vui mừng rất lớn !

Cùng với những tiếng còi xe, tiếng gõ xoong nồi, người dân New York gây huyên náo. Họ biết rõ là vị tổng thống sắp mãn nhiệm có một mối quan hệ phức tạp với thành phố quê hương của ông kể từ khi ông lên cầm quyền. Hôm nay, người dân gởi đến ông một thông điệp.

Một người đàn ông hô to : Vĩnh biệt, tạm biệt. Ông đã thua rồi. Đã đến lúc phải thay đổi.

Một phụ nữ nói thêm : Ông ấy không còn được chào đón ở đây nữa. Nếu quý vị còn nhớ, trong cuộc vận động tranh cử, ông ấy có nói là ông có thể đến nhắm bắn một ai đó trên đại lộ số 5. Thì đây, chúng tôi đang trên đại lộ số 5 đây. Câu trả lời của chúng tôi đó !

Hôm nay, nhiệt độ ở New York là 23°C. Ở ngoài phố, lễ hội có nguy cơ kéo dài suốt đêm ! »

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201108-bau-cu-my-2020-dang-dan-chu-joe-biden-new-york

Đảng Cộng hòa có thể

“áp lực” Tổng thống Trump chấp nhận kết quả?

Các thành phần lãnh đạo trong đảng Cộng hòa ở cả lưỡng viện Hoa Kỳ là Thượng viện và Hạ viện có thể sẽ có những tác động để Tổng thống Donald Trump chấp nhận kết quả bầu cử bất lợi khi ông thất cử, theo một chính trị gia và cố vấn chính trị người Mỹ gốc Việt thuộc đảng Cộng hòa từ tiểu bang Georgia.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 06/11/2020, ông Vũ Nguyễn Bảo Kỳ, người từng được đề cử tham gia bỏ phiếu Đại cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016 cho đảng Cộng hòa ở tiểu bang này, nhưng đã từ nhiệm vì không ủng hộ ông Donald Trump khi đó, nói:

“Tôi đã có cơ hội sinh hoạt với đảng Cộng hòa từ hơn 30 năm nay, trong đó có cả thời kỳ trong Đại học, sau đó tôi đã từng có vai trò được bổ nhiệm vào chính quyền của ông George W. Bush và đồng thời đã có sinh hoạt và làm việc với ông cựu Thống đốc ở Georgia, tức là tôi cũng đã có thời gian khá dài tới tận nay sinh hoạt trong đảng Cộng hòa.

Joe Biden: Quan điểm của ông về các vấn đề lớn

Bầu cử Mỹ: Kiểm chứng bài phát biểu của TT Donald Trump

Đảng Cộng hòa không nhiệt tình ủng hộ các đơn kiện bầu cử của TT Trump?

Bầu cử Mỹ: Kết quả có thể được quyết định tại tòa án?

“Hiện tại lúc này đang có hai phe tranh chấp nhau ở trong nội bộ đảng Cộng hòa, như tôi biết và thấy, thứ nhất là một phe thiên về sự nghiệp, chuyên nghiệp, thiên về khoa học, đây là thành phần mà bản thân họ thấy những điều này là tốt nói chung cho Hoa Kỳ và công dân Hoa Kỳ.

“Ngược lại, như đã thấy vừa qua và tới hôm nay, có những thành phần đã bị ám ảnh bởi nhiều điều thiếu tích cực và họ tiếp tục bám vào việc đưa ra những thông tin xạo, đây là những phe mà từ xưa đến nay họ thấy là họ chưa được có tiếng nói, trong đó kể cả những thành phần chống lại tiến bộ và khoa học, trong đó có những thành phần rất cực đoan trong đạo Tin lành, hay Công giáo.

“Khuynh hướng thứ hai này đến gần đây và bây giờ đang muốn lôi kéo đảng Cộng hòa đi ngược lại và đây là một cuộc chiến nội bộ mà tôi nghĩ còn diễn ra lâu dài, chứ không phải hết ngay và cái này có thể tiếp tục với ông Donald Trump sẽ có thể cố dùng những nhân tố, yếu tố này như cái cớ để điều khiển đảng Cộng hòa và có thể nói là gây ra sự phá phách trong nền tảng sinh hoạt chính trị ở Hoa Kỳ và trong nội bộ đảng Cộng hòa.

“Theo những gì tôi biết, khi có những con số thống kê đầy đủ về phiếu bầu sau khi tất cả các tiểu bang đã đếm xong và các con số được xác nhận, công nhận kết quả, thì ban lãnh đạo đảng Cộng hòa từ cấp Hạ Viện sang đến Thượng Viện sẽ có những động thái thúc đẩy để cho ông Donald Trump chịu chấp nhận kết quả.”

Người ủng hộ ông Joe Biden ở New York City ăn mừng hôm 07/11/2020 sau khi nghe thông báo cựu Phó Tổng thống sẽ trở thành tổng thống kế tiếp của nước Mỹ

Giải thích luận điểm này, ông Vũ Nguyễn Bảo Kỳ nói tiếp với BBC:

“Lý do là bởi vì nếu nó kéo dài hơn thì nó sẽ không có lợi cho đảng Cộng hòa nữa và đồng thời thì đảng này cũng biết là nó cũng sẽ không có tốt cho xã hội dân chủ và nền dân chủ của Mỹ luôn.

“Và biến cố của lần bầu cử này, như các kết quả chứng tỏ, sẽ cho thấy chỉ với những kinh nghiệm thất cử, thất bại to lớn như thế mới có thể khiến cho những tập thể, nhóm và cá nhân trong đảng chịu chấp nhận để thay đổi, còn nếu không họ sẽ cho rằng đó là một chuyện bình thường hóa và họ tiếp tục kiểu sinh hoạt như bốn năm nay.”

Theo ông Vũ Bảo Kỳ, tuy vậy đảng Cộng hòa vẫn đang khó đổi mới vì còn gặp phải điều mà ông gọi là “kẹt” do các cuộc bầu cử ở lưỡng viện tại Quốc hội Mỹ năm nay, ông nói tiếp:

“Tôi nghĩ đảng Cộng hòa đang gặp một cái kẹt lớn, đó là trong cuộc tranh cử lưỡng viện và đặc biệt ở bên Thượng Viện, kết quả tranh đấu với đảng Dân chủ hiện nay, một số Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa như là ở bên Maine hay là ở Georgia đã không bị làm cho bật ra, thành ra ngay bây giờ lực lượng của đảng Cộng hòa vẫn giữ nguyên nhiều vị trí như vậy ở bên Thượng viện cũng như là vị thế.

“Nhưng ngược lại, tôi xin nói một cách lạc quan, thường thường trong nền chủ, thì trong trường hợp như bầu cử năm nay, sau khi kết quả rõ ràng, lập pháp và hành pháp trong chính quyền sẽ lại có cơ hội để ngồi lại với nhau tốt hơn và nó sẽ giúp cho không bao giờ đi quá bên này, hay bên nọ, đó là một hình ảnh lạc quan hơn một chút như thế cho cả đảng Cộng hòa lẫn nền chính trị Mỹ tới đây.”

Nếu Tổng thống kiện tụng về kết quả thì sao?

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp ông Donald Trump không chịu công nhận kết quả và có thể có các hành động pháp lý, như khiếu kiện kết quả, và tác động của việc này tới đảng Cộng hòa và nền chính trị Mỹ, nước Mỹ, ra sao, ông Bảo Kỳ trả lời:

“Tôi nghĩ là nếu ông Donald Trump làm như vậy, sau khi mà đã có các kết quả rõ ràng, mà nếu ban lãnh đạo của đảng Cộng hòa không có những sự lên tiếng mạnh mẽ, thì sẽ có những tác hại lâu dài cho đảng Cộng hòa.

“Tôi nói như thế là tại vì suốt bốn năm qua những người dân Mỹ và thế hệ trẻ, kể cả những bộ phận trung niên, người ta đã có những lo ngại về ông Donald Trump, tính cách cá nhân là thứ nhất, nhưng bây giờ nếu ông hành động như thế nó sẽ lại ảnh hưởng tới nền tảng xã hội dân chủ của người dân Mỹ.

“Ngoài ra, trong nền nếp dân chủ của xã hội Mỹ, những thành phần như quân nhân, quân đội v.v… dưới Hiến chương, hiến pháp Hoa Kỳ, họ cũng biết rằng ông Donald Trump phải chấp nhận thua cử và phải bước xuống, và nếu ông không bước xuống, cái đó có thể tạo ra một khủng hoảng, nhưng tôi biết chắc là các thành phần của đảng Cộng hòa bên Thượng viện và cả Hạ viện sẽ thúc đẩy, tạo áp lực với ông Trump.

“Nhưng đây cũng có thể nằm trong ý đồ của ông Trump khi ông cố gắng tiếp tục tạo ra chia rẽ, để mà sau khi ông bước xuống, ông sẽ có thể có một sự làm ăn, một kế hoạch khác.”

Liệu ông Donald Trump có ra tái tranh cử nữa?

Khi được hỏi về khả năng ông Donald Trump có thể tái bước ra tranh cử trong một kỳ bầu cử Tổng thống sau năm 2020 hay không dưới màu cờ sắc áo của đảng Cộng Hòa, ông Bảo Kỳ bình luận:

“Ông Trump là một người không muốn mất đị sự chú ý của công chúng với mình, nhưng cái kẹt của ông là bốn năm nữa, nếu ông lại ra tái tranh cử, thì chưa chắc ông đã giữ lại, duy trì lại được những thành phần của đảng Cộng hòa đã ủng hộ ông hay những người đã theo ông.

“Tại sao tôi nói như thế, là bởi vì thời điểm đã vuột qua rồi và trong bốn năm tới, nếu ông ra tranh cử lại với vai trò đối lập, mà ông tiếp tục cách làm cũ, cách phát ngôn cũ, như phổ biến những thông tin được cho là xạo, như trong bốn năm qua, thì cái đó cũng rất có hại cho xã hội dân chủ Mỹ.

“Có một vấn đề nữa mà tôi nghĩ là ông Trump tuy thế sẽ phải đối đầu, đó chính là ông có thể phải lo cho doanh nghiệp của gia đình của ông ấy, đó là nếu ông ấy mắc nợ bao nhiêu trăm triệu đô-la mà ông nợ, thì ông sẽ phải lo để kiếm ra và trả nợ xong những con số đó.

“Có thể vừa rồi ông ra tranh cử Tổng thống, nguyễn nhân chính để ông tránh những yếu tố liên hệ tới tình hình tài chánh của các công ty của ông,” ông Bảo Kỳ nói với BBC News tiếng Việt từ Georgia, trên quan điểm riêng và từ góc nhìn cá nhân của mình.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54858658

Bầu cử Mỹ 2020 : Phe ủng hộ Trump

vẫn tin vào chiến thắng

Thanh Hà

Bất chấp kết quả thông báo công nhận thắng lợi của ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden, phe ủng hộ Donald Trump vẫn không chấp nhận thất bại của ứng viên đảng Cộng Hòa.

Những người này trông đợi nhiều vào khả năng kiện đảng Dân Chủ gian lận bầu cử. Phóng sự của đặc phái viên RFI Marie Normand từ Phoenix, bang Arizona :

« Eric đội mũ lưỡi trai màu đỏ với hàng chữ Make America Great Again, đứng dưới một lá quốc kỳ Mỹ thật to. Anh không có ý định bỏ cuộc. Như tất cả những người có mặt, Eric tới đây để tố cáo điều được cho là gian lận trong kỳ bầu cử lần này tại một bang có kết quả rất sít sao.

Anh nói : Bầu cử lần này không công bằng, không hợp pháp. Quý vị muốn tôi tin rằng Biden đã thu được hơn 10 triệu lá phiếu so với Barack Obama, ông tổng thống Mỹ da đen đầu tiên, cách nay 12 năm ? Ở đây tất cả mọi người đều nghĩ là Donald Trump đã đắc cử một cách chính đáng. Không ai được phép cướp đi thắng lợi này. Chúng ta không còn là đảng Cộng Hòa như trong quá khứ nữa, không còn ngoan ngoãn quỳ gối và nói, “OK Kumbaya – Hãy đến đây, tất cả chúng ta đều là anh em !”.

Chủ tịch đảng Cộng Hòa bang Arizona phát biểu trên khán đài. Bà hứa sẽ đấu tranh đến cùng để tất cả những lá phiếu đều được kiểm và yêu cầu những người phát hiện những hành vi gian lận hãy lên tiếng.

Cách đó xa hơn một chút, Jonathan mặc áo chống đạn, tay cầm một khẩu súng tự động. Anh nói đến đến đây “trước hết để bảo vệ điều khoản thứ 2 trong bản Hiến pháp. Rõ ràng là Joe Biden chống mang súng và ông đã nêu lên khả năng tước đi cái quyền này của chúng tôi. Nhưng có hàng triệu người sẽ không để yên. Chúng tôi quyết chiến đến cùng để bảo vệ quyền được mang súng đó”.

Những người ủng hộ Trump tại đây không phải là đa số trong hàng ngũ cử tri của đảng Cộng Hòa ở bang Arizona. Trong những ngày qua nhiều người cho biết họ sẽ chấp nhận khả năng Donald Trump thất cử ».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201108-bau-cu-tt-my-2020-donald-trump-that-bai

Dấu ấn tuần qua: Biden, lên đầu rồi để đi đâu?

Lục Du

Bất chấp cuộc chiến pháp lý về gian lận bầu cử mới chỉ bắt đầu, một số hãng truyền thông đã vội vàng đưa tin rằng ông Biden sẽ là tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Tuy nhiên câu chuyện bầu cử tại thời khắc phi thường của nhân loại không thể kết thúc chóng vánh khi chân tướng chưa được cho hiển lộ.

Khi phe Dân chủ viện cớ đại dịch viêm phổi Vũ Hán để đề xuất cách bỏ phiếu qua thư, Tổng thống Trump và các đồng sự đã liên tiếp cảnh báo rằng đảng phái thiên tả sẽ lợi dụng hình thức bỏ phiếu này để gian lận.

Lo lắng này càng lớn hơn khi ông Trump đã có một nhiệm kỳ xuất sắc với nhiều ký tích, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và đối ngoại, lấn át hoàn toàn sự nghiệp chính trị mờ nhạt của ông Biden, bên cạnh một sự thực hiển nhiên: gian dối vốn là bản tính của phe Dân chủ và người từng là cựu phó tổng thống.

Nghi vấn gian lận phiếu bầu của phe Dân chủ đã được đề cập tới từ lâu trước ngày bầu cử chính thức. Tại một số bang cho bầu cử sớm, có nhiều báo cáo chỉ ra bằng chứng rằng nhiều phiếu bầu cho ông Trump đã bị cố ý loại bỏ. Điều này càng cho thấy cơ sở vững chắc của nhận định: hình thức bỏ phiếu qua thư có thể là một tính toán chiến lược của phe Dân chủ trong mối quan hệ với dịch viêm phổi Vũ Hán.

Lấy gian dối làm căn bản?

Khi ngày bầu cử chính thức 3/11 khép lại, kết quả kiểm phiếu đang có xu hướng gọi tên ông Trump là người chiến thắng. Nếu tuân theo luật bầu cử ông Trump đương nhiên có thêm 4 năm nữa làm chủ tòa Bạch Ốc. Nhưng mọi chuyện đã đảo ngược vào sáng hôm sau, ông Biden nhận được luồng phiếu bầu tăng bất thường tại các bang chiến địa. Và đó cũng là lúc có thêm hàng loạt bằng chứng về hành vi đáng ngờ đối với phiếu bầu của phe Dân chủ bị phơi bày.

Người chết vẫn có trong danh sách cử tri, người sống từ thế kỷ 19 vẫn “đội mồ” tham gia bỏ phiếu, một người bỏ hàng trăm phiếu, người ở bang này bầu cho bang khác, những phiếu bầu cho TT Trump bị tiêu hủy, tuồn phiếu giả vào các địa điểm kiểm phiếu, dùng phần mềm “trục trặc” gây ra lỗi kiểm đếm lấy kết quả của ông Trump gán cho ông Biden, “nhỡ tay” thêm số 0 vào sau kết quả để tăng phiếu cho ứng viên Dân chủ, tự ý làm sai lệch quy trình bầu cử, dừng kiểm phiếu khi kết quả bất lợi cho ông Biden, kiểm phiếu nhanh bất thường,…, là những chiêu trò trắng trợn bị người dân và giới truyền thông thiên hữu phát giác trong những ngày qua.

Ông Biden từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã bị phát hiện hành vi đạo văn. Ông Biden cũng thường xuyên bị cáo buộc nói dối hay diễn xuất để lấy lòng cử tri. Trong khi đó, hôm thứ Sáu (6/11), cựu Thống đốc Illinois Rod Blagojevich, một đảng viên Dân chủ, đã cáo buộc đảng mà ông đang là thành viên đã đánh cắp cuộc bầu cử tổng thống 2020 trong một thời gian dài và gian lận là “truyền thống lâu đời” của đảng này.

Những hành vi gian lận phiếu bầu, cũng như các động thái chính trị bị tố là “hèn hạ” của đảng Dân chủ khiến người ta liên tưởng tới cách thức lũng đoạn và áp chế người dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thế lực cổ xúy và bênh vực ra mặt cho ứng viên Biden trước và trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

Việc ĐCSTQ và đảng Dân chủ ở Mỹ bị cho là có mối quan hệ mật thiết không chỉ vì Tổng thống Trump, một người Cộng hòa, đã liên tục trừng phạt thế lực đang cầm quyền ở Trung Quốc trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của mình, mà sâu xa hơn, hai đảng này tìm thấy nhau trong sự đồng điệu ở các quan niệm về thế giới quan và nhân sinh quan.

ĐCSTQ là kẻ hủy hoại nền văn hóa Thần truyền 5000 năm của Trung Hoa để cưỡng bức lên người dân Trung Quốc thứ văn hóa biến dị lấy Vô Thần luận, Tiến hóa luận và học thuyết đấu tranh làm nền tảng. Nó phá hủy toàn bộ các quan niệm đạo đức truyền thống cố kết con người trong một xã hội tràn đầy yêu thương, sẻ chia, cùng hành vi đẹp và nghĩa khí, để thay vào đó thứ chủ nghĩa chạy theo vật chất, dục vọng, tâm ganh ghét, thói tị hiềm, tranh đấu bạo lực, quan niệm cào bằng và những mơ ước hão huyền có căn nguyên từ suy nghĩ lười biếng của con người: không làm nhưng vẫn muốn hưởng thụ.

Đảng Dân chủ cũng tuyên dương lối sống tự do thái quá, ủng hộ toàn cầu hóa – một ước vọng của ĐCSTQ và “những người bạn”, dung dưỡng những tư tưởng và cảm xúc hèn kém từ dục vọng nhục thể có gốc gác từ tâm lười nhác truy cầu khoái cảm, cổ động cho một “trật tự” thế giới dựa trên cào bằng, đi ngược với truyền thống văn hóa phương Tây được xây dựng trên niềm tin vào lời dạy của đấng Sáng Thế Chủ.

Những người Dân chủ cực tả như ông Biden hay phó tướng của ông, bà Kamala Harris, bị người thiên hữu cho là những kẻ phản Chúa, họ cho rằng những người này ngoài miệng nói một lòng phụng sự Chúa nhưng trong tâm lại hướng về Satan. Bằng chứng là Biden và Harris ủng hộ phá thai – ám toán sự sống, có quan niệm công bằng không phải là việc được Chúa đối xử không thiên lệch dựa trên những việc thiện, ác mà họ làm, và nhất là sẵn sàng gian dối để đạt được mục đích cá nhân.

Tát cạn đầm lầy mới quan trọng

Những người Cộng hòa cho rằng những chính trị gia chuyên nghiệp như vợ chồng Clinton, ông Obama hay ông Biden đã tạo ra một đầm lầy chính trị ở Hoa Kỳ với âm mưu tha hóa nước Mỹ bằng những quan niệm thiên tả của họ.

Những chính trị gia này sở hữu những điểm chung có thể giúp họ dễ bề huyễn hoặc người dân, họ thường sở hữu một “tạo hình” của những quý ông và quý bà, họ cũng thường ăn nói nhã nhặn, lịch thiệp, thuyết nói “đi vào lòng người” dựa trên những ngụy logic có nguồn gốc từ các luận thuyết phản Thần.

Mặc dù vậy bản chất của họ dễ dàng bị những người tỉnh táo nhận ra thông qua hành động. Những bê bối của vợ chồng Clinton, thái độ mềm yếu và có phần “xun xoe” của Obama trước Bắc Kinh, các phi vụ làm ăn mờ ám của cha con Biden với các công ty Trung Quốc và Ukraine, hay những mối liên hệ bị phát giác của họ với tổ chức thiên tả Antifa và BLM trong những cuộc bạo động liên tiếp thời gian qua là những ví dụ minh họa sinh động.

Chính quyền Trung Quốc đã hoàn toàn lộ mặt là một thế lực đàn áp tự do, dân chủ và nhân quyền không chỉ đối với người Hoa, mà còn đối với người dân thế giới thông qua các hành vi can thiệp và xâm nhập gây ảnh hưởng tại nước ngoài. Đặc biệt tại xã hội Mỹ, nhận được cảm tình và sự hỗ trợ của Big Tech (các hãng công nghệ lớn) và các chính trị gia Dân chủ, Bắc Kinh đã nhúng tay vào mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế tới giáo dục để xoay chuyển Hoa Kỳ theo hướng có lợi cho họ.

Ông Trump là một người có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán, tôn thờ Chúa và yêu nước Mỹ. Là một doanh nhân kỳ cựu, ông dễ dàng nhìn ra được những chiêu trò của chính quyền Trung Quốc sử dụng trong các hoạt động thương mại để bòn rút lợi ích từ nước Mỹ thông qua hành động xâm lấn thị trường, ăn cắp và cưỡng buộc chuyển giao tài sản trí tuệ.

Ông Trump cũng nhìn ra được sự đồng màu giữa đảng Dân chủ và ĐCSTQ, mối quan hệ lén lút đặt lợi ích đất nước dưới lợi ích cá nhân của các chính trị gia đảng xanh trong đó có Biden, hay các chiêu thức chính trị tinh vi của Bắc Kinh khiến các chính quyền Mỹ tiền nhiệm phải vận hành theo “quỹ đạo đỏ” của họ.

Các đòn vỗ mặt, mạnh mẽ và khó lường của chính quyền Trump nhắm thẳng vào lợi ích của ĐCSTQ tại quốc nội và thế giới rõ ràng đã khiến thế lực hắc ám này hết sức đau đớn và bẽ bàng. Tuy nhiên, ĐCSTQ, thế lực được cho là hình thành từ xú khí của loài rắn độc, không cam chịu, bằng mạng lưới điệp viên được xây dựng vững chắc tại xã hội Mỹ trong các chính quyền Hoa Kỳ tiền nhiệm, nó đã sử dụng mọi nguồn lực bao gồm truyền thông, Big Tech, các tổ chức và chính trị gia thiên tả, để khuấy đảo chính quyền Trump và nhất định buộc ông phải thất bại trong kỳ bầu cử lần này.

Ông Trump từng nhận mình là người được an bài để đấu với ĐCSTQ. Thực tế cho thấy ông được trời phú cho trí thông minh, sức khỏe, sự dẻo dai, một tính cách có phần ngang tàng, và nhất là tinh thần chiến đấu mạnh mẽ không chịu lùi bước.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ InfoWars vào ngày 5/11, chuyên gia tình báo, Tiến sĩ Steve Pieczenik đã cung cấp thông tin “bom tấn” cho biết chiến dịch của Tổng thống Trump đã sử dụng công nghệ mã hóa QFS blockchain để theo dõi các phiếu bầu. Theo vị chuyên gia tình báo kỳ cựu, đây là một chiến thuật tương kế tựu kế của chiến dịch Trump để nắm được toàn bộ bằng chứng gian lận của phe Dân chủ. Hiện chưa biết thông tin thực hư ra sao, nhưng điều này là có cơ sở khi ngành Bưu chính Mỹ đã công bố bằng sáng chế về hệ thống bỏ phiếu bằng công nghệ blockchain trong tháng Tám, và chuyên gia Louis Dejoy, người được ông Trump mời về, đã định triển khai hệ thống này nhưng bị phe cánh tá ngăn cản quyết liệt.

Bên cạnh đó, chiến dịch của Trump cũng đã có trong tay rất nhiều bằng chứng khác cũng như lời khai về các hành vi gian lận của chiến dịch Biden. Ngoài ra, như một lẽ tất nhiên, ông Trump nhận được sự

ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo những người yêu mến và khoản tài chính hàng triệu đô để nhóm của ông đi tới cùng trong vụ kiện lôi ra ánh sáng các hành vi tồi tệ của phe Dân chủ trong cuộc bầu cử này.

Ông Biden đã và đang nhận được những lời chúc mừng thắng cử. Nhưng ông Trump tuyên bố chỉ có những lá phiếu hợp lệ mới quyết định ai là tổng thống. Ông Rudy Giuliani, luật sư riêng của ông Trump khẳng định rằng kết quả tại tòa chứ không phải truyền thông mới thật sự trao chìa khóa Tòa Bạch Ốc cho ai. Do vậy, việc ông Biden đang hoan hỉ khi “lách” được lên đầu hàng không có nhiều ý nghĩa, vì bước tiếp theo ông chưa có chỗ đặt chân.

Nhiều người tin rằng việc ông Trump tạm thời bị rơi vào thế bất lợi, nhìn ở một góc khác thì sẽ thấy đây là chuyện “Tái ông thất mã”. Chiến dịch của ông Trump đang bị / tự đưa (mình) vào thế “Lên cao rút thang”, nên ông Trump, với tính cách không bao giờ chấp nhận thoái lui, và nhóm của mình sẽ phải chiến đấu tới cùng để đòi công lý.

Và như thế, vụ kiện này sẽ là cơ hội để lôi ra ánh sáng những tận cùng xấu xa của phe Dân chủ, những góc khuất mà gần như đảng thiên tả không bao giờ để lộ có thể bị phơi bày. Một khi đầm lấy nhơ nhớp bị tát cạn, cũng là lúc người dân Mỹ và thế giới có cơ hội nhìn rõ hơn đâu là chính, đâu là tà để từ đó lựa chọn được con đường đi đúng cho tương lai của mình.

https://www.dkn.tv/the-gioi/dau-an-tuan-qua-biden-len-dau-roi-de-di-dau.html

Bang Wisconsin: Thư ký bầu cử có thể

đã ‘tự sửa lỗi’ cho lá phiếu không hợp lệ

Hương Thảo

Trang Breitbart ngày 7/11 dẫn thông tin từ “Dan O’Donnell Show” cho biết, các nhân viên phụ trách công tác bầu cử ở tiểu bang Wisconsin có thể đã làm trái pháp luật khi thay đổi hàng nghìn lá phiếu gửi qua thư do một hướng dẫn bất hợp pháp từ ủy ban bầu cử của bang.

Theo luật Wisconsin, một lá phiếu vắng mặt yêu cầu phải có chữ ký của một nhân chứng, người này phải điền rõ địa chỉ của mình. Nếu lá phiếu không có địa chỉ của nhân chứng, lá phiếu sẽ không được phép sử dụng, không được công nhận và phải được trả lại cho cử tri để nhân chứng bổ sung thông tin cần thiết đó.

Theo một báo cáo từ “Dan O’Donnell Show”, các nguồn tin cho rằng “các thư ký và nhân viên kiểm phiếu” trong tiểu bang đã tự ghi vào phần của nhân chứng.

Báo cáo cho rằng, những thư ký bầu cử đã tự viết vào phần địa chỉ đó là bởi vì họ được Ủy ban Bầu cử Wisconsin (WEC) khuyên làm một cách bất hợp pháp. Nếu các nhân viên bầu cử thực sự đã tự điền địa chỉ của nhân chứng vào các lá phiếu, thì các lá phiếu đó không hợp lệ.

“Quy chế rất rõ, rất rõ ràng!,” Michael Gableman, Thẩm phán đã nghỉ hưu của Tòa án Tối cao Wisconsin, cho biết. “Nếu một lá phiếu vắng mặt không có địa chỉ của một nhân chứng trên đó, lá phiếu đó không hợp lệ.”

Theo O’Donnell, “WEC đã gửi Hướng dẫn quy chế bầu cử cho cử tri với các lá phiếu gửi qua thư của họ, thông báo cho họ rằng “nhân chứng của quý vị phải ký tên và cung cấp địa chỉ đầy đủ của họ (số đường, tên đường, thành phố) trong phần Chứng nhận Nhân chứng và cảnh báo rằng “nếu thiếu bất kỳ thông tin bắt buộc nào ở trên, lá phiếu của quý vị sẽ không được tính.”

Mặc dù vậy, theo O’Donnell, một quy chế bổ sung đã được gửi tới các thư ký vào tháng 10 nhằm hướng dẫn họ tự điền vào phần địa chỉ nhân chứng của lá phiếu, để ngăn lá phiếu bị vô hiệu hóa.

“Xin lưu ý rằng thư ký nên cố gắng giải quyết mọi vấn đề về việc thiếu thông tin địa chỉ nhân chứng trước Ngày bầu cử nếu có thể, và điều này có thể thực hiện thông qua thông tin đáng tin cậy (như kiến thức cá nhân, thông tin đăng ký cử tri, thông qua cuộc gọi điện thoại với cử tri hoặc nhân chứng),” WEC viết. “Nhân chứng không cần phải xuất hiện để bổ sung một địa chỉ còn thiếu.”

Thẩm phán Gableman nói rằng chỉ thị đó đã “đảo lộn quy chế.”

“Coi thường và đối kháng trực tiếp với quy chế, Ủy ban Bầu cử Wisconsin đã đưa ra hướng dẫn, nghĩa là, bao che cho tất cả 72 thư ký quận và đã làm thay đổi quy chế này hoàn toàn.” Gableman giải thích.

“Họ nói, “Này, chúng tôi biết luật quy định rằng một lá phiếu vắng mặt không có địa chỉ của nhân chứng là không hợp lệ, nhưng thư ký quận, bạn có nhiệm vụ tiến hành và tự mình tra cứu địa chỉ của nhân chứng nếu không có địa chỉ trên lá phiếu vắng mặt.”, Gableman cho biết.

WEC dường như nhận thức được tính chất pháp lý đáng ngờ của chỉ thị của họ, vì ủy ban đã yêu cầu các thư ký viết địa chỉ bằng cách sử dụng mực đỏ, điều này sẽ giúp các lá phiếu dễ tìm hơn trong quá trình kiểm phiếu lại.

O’Donnell viết: “Đảng Cộng hòa bang Wisconsin ước tính rằng hàng nghìn địa chỉ nhân chứng có thể đã bị thay đổi, do đó làm mất hiệu lực của các lá phiếu đã xuất hiện. Biện pháp khắc phục theo luật định cho điều này là loại trừ số phiếu bầu tương xứng cho các ứng cử viên mà những lá phiếu đó đã được bỏ cho họ, nghĩa là, tổng số phiếu bầu có thể thay đổi đáng kể.

Chiến dịch của Tổng thống (TT) Trump đang điều tra quy mô mà các thư ký và nhân viên bầu cử đã thay đổi lá phiếu, cũng như một số sự cố khác mà họ gọi là “bất thường”. TT Trump cũng đã công khai kêu gọi kiểm lại phiếu bầu của Wisconsin.

Ngoài việc điều tra các lá phiếu không hợp lệ ở Wisconsin, nhóm pháp lý của TT Trump cũng đang xem xét các bất thường tiềm ẩn và các cáo buộc gian lận ở một số bang khác.

https://www.dkn.tv/the-gioi/bang-wisconsin-thu-ky-bau-cu-co-the-da-tu-sua-loi-cho-la-phieu-khong-hop-le.html

Bang Georgia: Phát hiện vấn đề tại một quận,

buộc tái kiểm đếm phiếu bầu

Thái Học

Quận Fulton ở thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia hôm thứ Bảy đã bắt đầu dò xét lại số phiếu bầu được đếm lần đầu của ngày thứ Sáu, theo News Max.

Kết quả quận đã phát hiện ra “một vấn đề”, theo bài đăng trên Facebook của Ngoại trưởng Georgia – Brad Raffensperger.

Ông Raffensperger cho hay:

“Quận Fulton đã phát hiện ra một vấn đề liên quan đến việc báo cáo kiểm phiếu vào thứ Sáu. Các quan chức đã có mặt tại State Farm Arena để kiểm tra lại phiếu từ thứ Sáu. Bộ trưởng Ngoại giao tiểu bang cũng đã cử một giám sát viên đến hiện trường, đồng thời cử thêm các điều tra viên bổ sung và Thứ trưởng Ngoại giao tiểu bang đến giám sát quá trình nhằm đảm bảo bảo mật kỹ lưỡng các lá phiếu và bảo vệ tất cả các phiếu bầu hợp pháp. Các quan sát viên từ cả hai đảng chính trị cũng có mặt tại đây”.

Không có thông tin nào được công bố vào thời điểm này để xác định vấn đề đó là gì hoặc nó sẽ có ảnh hưởng gì, nhưng việc ra lệnh cho mọi người ở đó để giám sát vào thứ Bảy cho thấy vấn đề có chút nghiêm trọng.

Cả Facebook và Twitter đều không gắn thẻ, kiểm duyệt, chặn hoặc che dấu các bài đăng, trong bối cảnh các mạng xã hội vẫn thường xuyên làm vậy đối với những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump và các cộng sự của ông về  những “vấn đề” với lá phiếu, việc kiểm đếm và giám sát quá trình.

Trong lúc các đảng phái ăn mừng và đang phản đối chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden hôm thứ Bảy, thì một số quận của Georgia cũng đang ních dần đến việc kiểm đếm những lá phiếu cuối cùng trong cuộc bầu cử tiểu bang.

Biden đang dẫn trước Tổng thống Donald Trump một cách sít sao trong cuộc đua giành 16 phiếu đại cử tri tại Georgia sau khi vượt lên dẫn trước vào đầu ngày thứ Sáu khi các phiếu bầu qua thư được kiểm. Vào thứ Bảy, hãng tin AP tuyên bố Biden là người chiến thắng trên toàn quốc, nhưng chưa phải là người chiến thắng ở Georgia.

Tại Điện Capitol, hàng trăm người ủng hộ Trump đã tập hợp để cáo buộc cuộc bầu cử bị đánh cắp. Họ hô vang “Thêm 4 năm nữa!” khi những chiếc xe tải mang cờ đi vòng quanh và nữ nghị sĩ vừa mới đắc cử Marjorie Taylor Greene phát biểu.

“Tôi sẽ không ngừng đấu tranh cho Tổng thống Trump, tôi ủng hộ ông ấy 100%”, bà Greene nói.

Tổng thống Trump gọi bà

Greene là “ngôi sao tương lai của đảng Cộng hòa.”

Greene lặp lại những bình luận vào hôm thứ Bảy rằng, các đảng viên Cộng hòa khác đã không thực hiện đủ trách nhiệm của mình, đứng lên ủng hộ tổng thống Trump, và phản đối sự dẫn đầu của Joe Biden ở Georgia là do gian lận.

Greene nói: “Đây không phải là một tiểu bang màu xanh. Theo như tôi thấy thì đảng dân chủ đang đánh cắp cuộc bầu cử này”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/bang-georgia-phat-hien-van-de-tai-mot-quan-buoc-tai-kiem-dem-phieu-bau.html

Đảng Cộng hòa đang huy động ít nhất

60 triệu USD cho cuộc chiến pháp lý trong bầu cử

Đại Nghĩa

Đảng Cộng hòa đang cố gắng huy động ít nhất 60 triệu đô la để tài trợ cho những thách thức pháp lý do Tổng thống Donald Trump đề ra đối với kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, ba nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho Reuters biết hôm thứ Sáu (6/11).

Chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump đã nộp đơn kiện ở một số tiểu bang trong cuộc bầu cử hôm 3/11, mở rộng vị trí dẫn đầu của mình ở các bang chiến trường.

“Họ muốn huy động 60 triệu đô la,” một nhà tài trợ của Đảng Cộng hòa, người đã nhận được lời mời từ chiến dịch và Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC) cho biết.

Hai nguồn tin khác cho biết chiến dịch muốn có tới 100 triệu đô la cho ủy ban gây quỹ chung mà nó duy trì với RNC, một dấu hiệu cho thấy quy mô của cuộc chiến pháp lý mà chiến dịch dự kiến ​​sẽ có thể kéo dài.

Kể từ khi cuộc bỏ phiếu kết thúc vào thứ Ba, chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump đã gửi email và tin nhắn cáo buộc gian lận và tìm kiếm các khoản quyên góp.

Chiến dịch đã thua các phán quyết của tòa án ở các bang có tranh chấp sít sao bao gồm Georgia và Nevada. Nhưng đã giành được chiến thắng ở Pennsylvania vào thứ Sáu, khi một tòa án ra lệnh cho các quan chức bầu cử dành các lá phiếu được bỏ vào Ngày bầu cử bởi những cử tri vắng mặt hoặc gửi qua thư nhận được đúng thời gian.

Marc Short, Chánh văn phòng của Phó Tổng thống Mike Pence, cho biết: “Cần phải có sự kiên nhẫn khi quá trình này tiếp tục diễn ra. Ông nói: “Có một vấn đề là đảm bảo rằng mọi cuộc bỏ phiếu hợp pháp đều được tính.

Tổng thống Trump đã viết trên Twitter vào cuối ngày thứ Sáu rằng, ông đã có một “vị trí dẫn đầu” ở các bang vào đêm bầu cử, nhưng ngày hôm sau nó đã biến mất một cách “kỳ diệu”.

“Có lẽ sự dẫn đầu này sẽ quay trở lại khi quá trình tố tụng pháp lý của chúng tôi được tiến hành!” ông đã viết.

Cố vấn cấp cao chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump, David Bossie, một nhà hoạt động bảo thủ nổi tiếng, người lãnh đạo nhóm vận động Citizens United, đã được chọn để dẫn đầu các thách thức pháp lý sau bầu cử, theo một nguồn tin quen thuộc với chiến lược tranh cử của tổng thống.

Ông Bossie nằm trong nhóm những người trung thành với tổng thống Trump, những người đã ở Las Vegas trong tuần này để thách thức việc đếm phiếu ở Nevada.

Chiến dịch Biden hôm thứ Tư đã khởi động một “Quỹ chiến đấu Biden” mới để giúp quyên góp tiền cho cuộc chiến pháp lý, theo các email được Reuters kiểm tra.

Một phát ngôn viên của chiến dịch Biden đã không bình luận ngay lập tức về việc liệu họ có đặt mục tiêu gây quỹ hay không.

“Tổng thống đã đe dọa ra tòa để ngăn chặn việc lập bảng phiếu bầu,” Jen O’Malley Dillon, người quản lý chiến dịch của ông Biden, cho biết trong một email, nói thêm rằng cuộc chiến có thể kéo dài trong nhiều tuần.

https://www.dkn.tv/the-gioi/dang-cong-hoa-dang-huy-dong-it-nhat-60-trieu-usd-cho-cuoc-chien-phap-ly-trong-bau-cu.html

Hàng loạt Hạ nghị sĩ yêu cầu

 Tổng Chưởng lý Mỹ điều tra gian lận bầu cử

Hải Lam

Các Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đã cùng gửi thư tới Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ là ông William Barr để yêu cầu mở cuộc điều tra về vấn đề gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Trong một bài đăng trên Twitter ngày 7/11, Hạ nghị sĩ Jim Banks của tiểu bang Indiana cho biết: “Tôi đã cùng 38 đồng nghiệp của mình viết thư cho [Tổng Chưởng lý] Bill Barr, để yêu cầu ông điều tra các cáo buộc về gian lận cử tri, và đảm bảo rằng chỉ có toàn bộ các phiếu bầu hợp pháp mới được tính trong cuộc bầu cử này”.

Trong lá thư đề ngày 6/11, nhóm Dân biểu đã yêu cầu ông Barr rằng, với “các báo cáo hiện tại về những bất thường, đặc biệt là trong quá trình kiểm phiếu, đã đến lúc ông Barr sử dụng các nguồn lực của Bộ [Tư pháp] để đảm bảo rằng quá trình [kiểm phiếu] được tiến hành theo cách hoàn toàn phù hợp với luật

của tiểu bang và liên bang. Và điều quan trọng nữa là quy trình này phải hoàn toàn minh bạch, để người dân Mỹ hoàn toàn tin tưởng vào kết quả cuối cùng”.

Các Hạ nghị sĩ cho biết, cuộc điều tra này chính là trách nhiệm của các nhà lập pháp Mỹ nhằm đảm bảo rằng “quyền bầu cử là bất khả xâm phạm”.

Bức thư nêu rõ: “Điều này không chỉ liên quan đến quyền tiếp cận hòm phiếu, mà còn có nghĩa là đảm bảo rằng giá trị của lá phiếu từ bất kỳ ai cũng không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ phương thức gian lận cử tri nào”. Nhóm Dân biểu còn đề cập rằng, các lệnh tư pháp phải được tuân thủ và các quan sát viên phải được cấp quyền theo dõi quá trình kiểm phiếu.

Bức thư tiếp tục: “Với suy nghĩ đó, chúng tôi yêu cầu phản hồi ngay lập tức cho các câu hỏi sau. Ông đang làm gì để đảm bảo tính toàn vẹn của quy trình bỏ phiếu và kiểm phiếu vào lúc này? Liệu ông có cam kết sẽ sử dụng tất cả các nguồn lực mà ông có để đảm bảo rằng, chỉ những phiếu bầu hợp pháp mới được tính và [chúng] được kiểm đếm một cách hoàn toàn minh bạch hay không?”.

Ngày 7/11, ứng cử viên Dân chủ Joe Biden và chiến dịch tranh cử của ông tuyên bố Biden là người chiến thắng trong cuộc đua vào tòa Bạch Ốc, Tuy nhiên, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, cuộc bầu cử “còn lâu mới kết thúc”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/hang-loat-ha-nghi-si-yeu-cau-tong-chuong-ly-my-dieu-tra-gian-lan-bau-cu.html

9 ngày sau qua đời, người chết

bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ 2020

Triệu Hằng

Chiến dịch Tổng thống Trump tung bằng chứng thép: Trên thực tế, một phụ nữ đã qua đời “bỏ phiếu vắng mặt” ở tiểu bang Pennsylvania trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 theo thông tin trên trang web của chính quyền tiểu bang.

Breitbart cho biết vào ngày 7/11, vấn đề người chết bầu cử được đại diện chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump Corey Lewandowski đưa ra đã thu hút sự chú ý của công chúng vào thứ Bảy trong một cuộc họp báo.

Corey Lewandowski nói rằng chiến dịch TT Trump đã thu thập được nhiều bằng chứng hơn về “hành vi gian lận cử tri”.

“Hãy để tôi cho bạn một ví dụ cụ thể – không phải giai thoại – mà là một ví dụ cụ thể về những gì chúng tôi tin là gian lận cử tri hợp lệ ở tiểu bang Pennsylvania,” Lewandowski nói.

“Tôi thu hút sự chú ý của bạn đến một cáo phó được liệt kê là Denise Ondick ở Hạt Allegheny, sinh ngày 9-10-1946, qua đời ngày 22-10-2020.”, Lewandowski cho biết.

“Và khi bạn truy cập trang web của Ngoại trưởng bang ngày hôm nay, nó cho bạn biết rằng bà ấy (Denise Ondick) đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này, có hiệu lực từ ngày 2/11/2020, tròn 9 ngày sau khi Bà Ondick của Hạt Allegheny qua đời”, Lewandowski tiếp tục.

Lewandowski nói rằng đây là bằng chứng về những gì gọi là gian lận cử tri, trong số nhiều ví dụ khác, và nó “sẽ được đệ trình lên tòa án.”

“Đây không phải là bằng chứng thực nghiệm, đây không phải là giai thoại, đây là bằng chứng thép,” ông nói. “Và đây sẽ là một trong số rất nhiều điều mà chúng tôi sẽ nộp lên tòa án.”

Lewandowski đã truyền tải những ý kiến của mình trong một cuộc họp báo ở tiểu bang Philadelphia vào thứ Bảy, ngay sau khi nhiều phương tiện truyền thông đã kêu gọi Pennsylvania ủng hộ Biden, trao cho cựu phó tổng thống hơn 270 phiếu đại cử tri đoàn cần thiết để ông được dự đoán là tổng thống đắc cử.

Nhưng vào thứ Sáu, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra lệnh cho các hội đồng bầu cử của Pennsylvania tách riêng số lượng các lá phiếu gửi đến sau Ngày bầu cử.

Lệnh được ký bởi Thẩm phán Samuel Alito, đề xuất rằng các thẩm phán có thể loại trừ những lá phiếu đến muốn trong một phán quyết tiếp theo liên quan đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Bảy, luật sư của tổng thống Rudy Giuliani tuyên bố rằng Tổng thống Trump sẽ không nhượng bộ cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 vì tính hợp lệ của “ít nhất 600.000 phiếu bầu” vẫn còn đang bị nghi ngờ ở Pennsylvania.

https://www.dkn.tv/the-gioi/9-ngay-sau-qua-doi-nguoi-chet-bo-phieu-bau-tong-thong-my-2020.html

28 bang đang dùng phần mềm ‘trục trặc’

mang lại cho Biden hàng nghìn phiếu ở Michigan

Phụng Minh

Phần mềm bầu cử “trục trặc” ở cả Georgia và Michigan (trong trường hợp của Michigan là đã mang lại cho Joe Biden hàng nghìn phiếu bầu không chính xác) đang được sử dụng ở 28 bang, theo trang web của công ty phần mềm này, Breitbart cho hay.

Công ty phần mềm Dominion Voting Systems, phần mềm đã gặp “trục trặc” ở Michigan, khiến hàng nghìn lá phiếu dành cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa bị đếm sai cho ứng viên Đảng Dân chủ ở quận Antrim của bang. Antrim cũng là một trong 47 quận ở Michigan sử dụng cùng một phần mềm đã gặp phải “trục trặc” này.

Kết quả bầu cử tổng thống cho Antrim sau đó đã được sửa chữa, chuyển hạt từ Joe Biden sang Tổng thống Donald Trump sau khi “trục trặc” được khắc phục.

Hai quận của Georgia – sử dụng cùng một phần mềm bỏ phiếu điện tử – cũng báo cáo đã gặp phải trục trặc trong cuộc bầu cử năm 2020, khiến máy bỏ phiếu của họ bị hỏng.

Một quan chức bầu cử ở Georgia nói rằng trục trặc kỹ thuật khiến việc bỏ phiếu ở các quận Spalding và Morgan của tiểu bang này bị đình trệ là do một nhà cung cấp tải bản cập nhật lên máy bầu cử của họ vào đêm trước ngày bầu cử.

“Đó là điều mà họ không bao giờ làm. Tôi chưa bao giờ thấy họ cập nhật bất cứ điều gì một ngày trước cuộc bầu cử”, Marcia Ridley, giám sát viên bầu cử tại Hội đồng bầu cử Spalding cho biết.

Một quận thứ ba ở Georgia – quận Gwinnett – sử dụng cùng một phần mềm, cũng gặp sự cố. Tuy nhiên, trục trặc này đã khiến việc kiểm đếm hàng nghìn phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 bị trì hoãn.

Các quan chức bầu cử ước tính rằng khoảng 80.000 phiếu bầu vắng mặt đã bị ảnh hưởng bởi sự cố này.

Phần mềm đã được triển khai tại tất cả các quận của Georgia lần đầu tiên trong năm nay.

Năm ngoái, Dominion Democracy Suite 5.5A đã được Bộ Ngoại giao Pennsylvania chứng nhận .

Dominion Voting Systems tự hào trên trang web của mình có “khách hàng ở 28 tiểu bang”, bao gồm “9 trong số 20 quận hàng đầu” và “4 trong số 10 quận hàng đầu” trên khắp Hoa Kỳ.

“Dominion đã sẵn sàng để tạo ra sự khác biệt trong cuộc bầu cử tiếp theo của bạn”, công ty quảng cáo trên trang web của mình, và có vẻ như nó đã thật sự tạo ra sự khác biệt.

https://www.dkn.tv/the-gioi/28-bang-dang-dung-phan-mem-truc-trac-mang-lai-cho-biden-hang-nghin-phieu-o-michigan.html

Chuyên gia: Trump có hy vọng nhờ điều ít được để ý,

truyền thông không quyết định được người thắng

Phụng Minh

Paul Kengor đã có bài phân tích trên The American Spectator về việc vì sao một khái niệm ít được quan tâm có thể đẩy ông Trump trở lại vị trí dẫn đầu ở Pennsylvania và thậm chỉ là cả cuộc bầu cử.

Đây là tin tức lớn đang nóng hổi ở Pennsylvania, và hầu hết các phương tiện truyền thông quốc gia dường như không biết. Đó là vấn đề về “lá phiếu tạm thời” (provisional ballots: sử dụng tạm khi cử tri chưa hội đủ yếu tố đủ điều kiện để được bỏ phiếu) rất quan trọng, nhưng trước đây phần lớn bị bỏ qua của Pennsylvania, có thể mang tính quyết định trong việc đẩy Donald Trump trở lại vị trí dẫn đầu trong tiểu bang, hoặc ít nhất là kích hoạt một cuộc kiểm phiếu lại trên toàn bang.

Trước khi xem xét những chi tiết đó, tôi muốn trả lời nhiều câu hỏi mà tôi đã nhận được từ độc giả tự hỏi làm thế nào mà Joe Biden lại có thể trở thành người dẫn đầu ở Pennsylvania. Đó là một câu hỏi tuyệt vời, và họ có quyền hoài nghi về những gì đã xảy ra.

Vâng, Joe Biden bằng cách nào đó đã vượt qua Donald Trump ở Pennsylvania, nhưng đừng đổ lỗi cho cử tri ở Pittsburgh, và thậm chí có thể là cử tri ở Philadelphia. Thành thật mà nói, thật khó để chỉ ra ai để đổ lỗi. Nó hơi khó. Trong số những lá phiếu gửi qua thư bắt đầu được tính vào thứ Tư (4/11, sau ngày bầu cử 3/11), và điều đó cho phép Joe Biden trở lại đáng kinh ngạc sau khi bị Donald Trump hạ gục bởi một tỷ lệ chênh lệch lớn (và dường như không thể vượt qua), khoảng nửa triệu phiếu bầu.

Biden có lẽ cần ở ít nhất 80% số phiếu bầu còn lại. Đó là ước tính của riêng tôi, mà tôi đã viết ở đây vào thứ Năm. Người quản lý chiến dịch tranh cử của Trump, Bill Stepien đã ước tính vào chiều thứ Tư rằng Biden sẽ phải đạt được 78% số phiếu còn lại để giành được Pennsylvania. Anh ấy lưu ý rằng trong khi Biden có số phiếu còn lại ở các quận như Philadelphia và Montgomery, thì cũng có nhiều phiếu còn lại ở York, Butler và các quận khác nhau là của Trump. Stepien do đó tự tin khẳng định, “chúng tôi đang tuyên bố một chiến thắng ở Pennsylvania”. Donald Trump cũng vậy, và dễ hiểu là như vậy.

Cá nhân tôi không hiểu làm thế nào Joe Biden có thể nhận được 80% số phiếu còn lại đó, ngay cả khi các lá phiếu gửi qua thư trên thực tế đã có lợi đáng kể cho Biden trên khắp đất nước. Hãy xem xét con số ấn tượng này: Biden thực sự chỉ đạt được 80% ở Hạt Philadelphia. Thật vậy, Trump vẫn có gần 20% số phiếu bầu của Hạt Philadelphia (điều đó thật đáng ngạc nhiên, tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ may mắn nhận được 10%). Ông cũng có gần 40% phiếu bầu của Quận Allegheny (quận của Pittsburgh). Nhiều quận nhận thư khác còn lại là các quận của Đảng Cộng hòa, bao gồm quận của tôi (quận Mercer, nơi Trump có 62% phiếu bầu) và các quận như Beaver (khu vực khổng lồ, 58% cho Trump) và thậm chí là các quận của Đảng Cộng Hòa lớn như York (tương tự là 62% đối với Trump). (Bấm vào đây để biết thông tin về quận.)

Tuy nhiên, khi chúng ta đã theo dõi tổng thể cuộc bỏ phiếu ở Pennsylvania chuyển hướng sang cho Biden trong 72 giờ, có vẻ như Donald Trump đã không nhận được vài trăm nghìn phiếu bầu mới, trong khi tổng số của Biden tăng lên hàng triệu. Tôi nghĩ Joe Biden sẽ may mắn nhận được 60-70% trong số tất cả các lá phiếu gửi qua thư còn lại. Tôi thấy gần như không thể tưởng tượng nổi là ông ấy đạt 80%.

Donald Trump có lý khi nghi ngờ, và ít nhất là yêu cầu kiểm tra kỹ lưỡng, không chỉ vì lịch sử tham nhũng chính trị xấu xí của Philadelphia, và sự nghi ngờ của ông về tính dễ bị lừa đảo qua thư trong lá phiếu, mà còn vì sự không minh bạch của những gì đã xảy ra ở Pennsylvania. Chiến dịch Trump hoàn toàn hợp lý khi đã tin rằng họ chắc thắng ở Pennsylvania. Những gì đã xảy ra bằng cách nào đó, kể từ đêm thứ Ba có vẻ không hợp lý .

Cũng hãy xem xét: Donald Trump có thêm 400.000 phiếu bầu ở Pennsylvania vào năm 2020 so với số phiếu mà ông nhận được vào năm 2016, nhưng ông vẫn có thể bị mất bang. Sự nhiệt tình dành cho Trump ở đây là vượt trội, trái ngược với sự không nhiệt tình với Biden. Nếu Joe Biden thực sự nhận được nhiều phiếu bầu như vậy ở Pennsylvania, thì đó phải là thông qua lòng căm thù chống Trump thuần túy, không kiềm chế và dữ dội.

Nhưng than ôi, điều này vẫn chưa kết thúc, điều này đưa tôi đến vấn đề quan trọng của các “lá phiếu tạm thời”. Tôi được biết tối qua rằng có khoảng 100.000 “lá phiếu tạm thời” vẫn chưa được kiểm đếm ở Pennsylvania. Khối thịnh vượng chung Pennsylvania xác định lá phiếu tạm thời theo cách này:

Đôi khi các quan chức bầu cử quận hạt cần thêm thời gian để xác định tư cách bỏ phiếu của cử tri. Các quan chức bầu cử có thể yêu cầu cử tri đó bỏ phiếu tạm thời. Một lá phiếu tạm thời ghi lại phiếu bầu của bạn trong khi hội đồng bầu cử quận xác định xem nó có thể được tính hay không.

Ví dụ, một lá phiếu tạm thời có thể của một người đã đăng ký bỏ phiếu tại một khu bầu cử nhưng người lại bỏ phiếu ở một khu vực khác và do đó phải điền vào một lá phiếu tạm thời. Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ. (Nhấp vào trang web để biết thêm tiêu chí và chi tiết).

Các quan chức bầu cử Pennsylvania vừa lúc này (sáng thứ Bảy, 7/11) bắt đầu đếm những lá phiếu này. Quy trình hoạt động như sau: Có các nhóm / hội đồng gồm ba cá nhân kiểm tra từng lá phiếu. Mỗi ứng cử viên trên lá phiếu được phép có một đại diện tại “phiên đếm phiếu” này. Hội đồng xem xét từng lá phiếu, đọc to số lá phiếu, và xem xét khu vực bầu cử và lý do mà người đó đã bỏ phiếu tạm thời. Tại thời điểm đó, đại diện của ứng cử viên có thể phản đối việc lá phiếu nên hay không nên được tính. Lá phiếu đó được đặt sang một bên và được đánh giá thêm.

Một nguồn tin liên quan đến những đánh giá này cho tôi biết rằng hầu hết các lá phiếu có khả năng sẽ được chấp nhận.

Đáng chú ý nhất, những lá phiếu này sẽ nghiêng về Donald Trump. Như tôi viết, Trump đang giành chiến thắng trong số phiếu tạm thời từ 1.394 đến 439 phiếu, hoặc chênh lệch hơn ba ăn một. Nếu biên độ đó tiếp tục, Trump có thể vượt qua vị trí dẫn đầu hiện tại của Biden ở Pennsylvania. Và nếu những lá phiếu đó không đủ để đưa Trump trở lại vị trí dẫn đầu, họ có thể kéo ông ấy đến đủ gần để kích hoạt kiểm phiếu tự động cho toàn bang (chỉ chênh lệch 0,5% sẽ kích hoạt kiểm phiếu tự động). (Các phương tiện truyền thông lớn không đưa tin về điều này, ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ như 6ABC và MSNBC).

Nói cách khác, điều này vẫn chưa kết thúc. Và đó là lý do tại sao Donald Trump hoàn toàn đúng khi không nhượng bộ bất cứ điều gì và kiểm tra lại mọi thứ. Tất cả các phiếu bầu ở Pennsylvania vẫn chưa được tính.

Bất cứ ai yêu cầu Donald Trump đột ngột nhượng bộ bang Pennsylvania đều không biết thực tế là vẫn còn đó bộ nhớ cache quan trọng của các “lá phiếu tạm thời”. Những người ủng hộ Trump đã phải chịu đựng quá trình xem các lá phiếu gửi qua thư được đếm (tức là sức mạnh của Biden); bây giờ những người ủng hộ Biden cần phải chờ đợi quá trình các lá phiếu tạm thời được tính (tức là sức mạnh của Trump).

Cuối cùng, đây là một câu hỏi lớn hơn mà tôi không thể trả lời ngoài Khối thịnh vượng chung Pennsylvania. Những bang chiến trường quan trọng nào khác có các lá phiếu tạm thời chưa được tính? Chúng tồn tại ở Arizona, Georgia, Nevada, North Carolina, hay Michigan và Wisconsin? Điều này đang được xem xét? Chiến dịch Trump có biết về nó không?

Các “lá phiếu tạm thời” này theo tiểu bang sẽ ủng hộ Trump vì chúng chủ yếu là các lá phiếu trước Ngày Bầu cử và Trump đã giành được hầu hết các phiếu bầu của các bang này vào Ngày Bầu cử.

Trong một cuộc đua tranh cử tổng thống mỏng như dao cạo này, những lá phiếu tạm thời này có thể thay đổi cuộc chơi không chỉ ở Pennsylvania.

Các phương tiện truyền thông không có thẩm quyền quyết định ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Đó là một quyết định được bảo lưu và được chứng nhận bởi hội đồng bầu cử của mỗi bang dựa trên một cuộc kiểm phiếu cuối cùng. Và điều đó vẫn chưa được xác định.

Paul Kengor là giáo sư khoa học chính trị tại Cao đẳng Thành phố Grove ở Thành phố Grove, Pa., Và là thành viên học tập cao cấp tại Trung tâm Tầm nhìn & Giá trị. Kengor là tác giả của hơn một chục cuốn sách.

https://www.dkn.tv/the-gioi/giao-su-my-trump-co-hy-vong-nho-dieu-it-ai-biet-truyen-thong-khong-co-tham-quyen-quyet-dinh-nguoi-thang.html

Đảng Cộng hòa Mỹ mở rộng các vụ kiện

 trong bối cảnh ‘bất thường rõ ràng’

Hương Thảo

Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa Mỹ (RNC) hôm thứ Sáu (6/11 giờ Mỹ) thông báo, họ đã thành lập các nhóm pháp lý tại 4 bang chiến trường là Arizona, Georgia, Michigan và Pennsylvania, trong bối cảnh cáo buộc là “có những bất thường rõ ràng” trong việc kiểm phiếu cho cuộc tổng tuyển cử, theo Epoch Times.

“Các đảng viên Đảng Dân chủ và bạn bè của họ trên các phương tiện truyền thông đã dành 4 năm để nói ra rả một trò lừa bịp rằng Nga can thiệp vào tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. Nhưng giờ đây, chỉ với 48 giờ sau khi các cuộc bỏ phiếu kết thúc trong một cuộc bầu cử tổng thống thực sự, họ muốn bỏ qua những bất thường rõ ràng, vội vàng kêu gọi các bang là họ đã thắng và kết thúc cuộc bầu cử. Chúng tôi sẽ không ủng hộ điều đó”, chủ tịch đảng Cộng Hòa Ronna McDaniel cho biết trong một tuyên bố.

“Mọi ứng cử viên, ở mọi chức vụ, từ tổng thống đến cấp địa phương, đều có quyền hợp pháp để thách thức những bất thường xảy ra trong quá trình kiểm phiếu”, bà nói thêm.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi cử tri hợp pháp đều được tính phiếu bầu của họ theo quy định của pháp luật, rằng các quan sát viên được cấp quyền tiếp cận theo quy định của pháp luật tiểu bang, và mọi bất thường đã xảy ra — cho dù là do cố ý hay không đủ năng lực — đều được điều tra đầy đủ ở mức tối đa được phép theo luật. Chúng tôi sẽ không từ bỏ quy trình này cho đến khi mọi vấn đề cuối cùng đã được giải quyết”.

Tại Georgia trong một cuộc họp báo vào thứ Sáu, bà McDaniel nói với đám đông về những thách thức pháp lý, rằng, “chúng tôi ở đây để điều tra những bất thường rõ ràng, quý vị sẽ nghe bằng chứng về điều này sau đó, với việc kiểm phiếu và lập bảng”.

Bà nói thêm rằng Đảng Cộng Hòa “sẽ làm việc với chính quyền tiểu bang và địa phương để đảm bảo rằng việc kiểm phiếu hợp pháp được thực hiện theo luật của các tiểu bang và mọi phiếu bầu hợp pháp đều được tính”.

“Thật điên rồ đối với chúng tôi khi các phương tiện truyền thông chủ lưu [chốt chiến thắng cho Biden] ở một cuộc đua như Arizona, khi số liệu thống kê của chúng tôi vẫn còn đủ số phiếu để giành chiến thắng, với chênh lệch hiện tại là 47.000 phiếu bầu”, bà tiếp tục. “Và ở các bang như Pennsylvania, Michigan, và Georgia, trong một số trường hợp, chênh lệch chỉ là vài nghìn phiếu bầu. Các phương tiện truyền thông rất nhanh chóng cố gắng tuyên bố rằng những cuộc đua đó đã kết thúc và Biden đã chiến thắng”.

Bà cáo buộc rằng, nếu Tổng thống Donald Trump dẫn đầu ở các tiểu bang nhất định, “giới truyền thông sẽ ‘la hét’ rằng cuộc đua vẫn chưa kết thúc và họ muốn có thêm thời gian để kiểm”.

“Bởi vì Biden đang dẫn trước một chút, giới truyền thông yêu cầu cuộc đua kết thúc, và không có gì khác để xem ở đây. Người dân Mỹ cần có niềm tin vào cuộc bầu cử của họ, và đó là điều chúng tôi sẽ theo đuổi”, bà nói với đám đông.

Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã khởi động một số vụ kiện tại các bang chiến trường quan trọng, bao gồm Arizona, Nevada, Georgia, Pennsylvania và Michigan. Tổng thống Trump đã đưa ra một tuyên bố riêng liên quan đến việc kiểm phiếu vào thứ Sáu.

Tổng thống nói:

“Chúng tôi tin rằng người dân Mỹ xứng đáng có được sự minh bạch đầy đủ đối với tất cả việc kiểm phiếu và chứng nhận bầu cử, và đây không còn là về bất kỳ cuộc bầu cử đơn lẻ nào nữa. Đây là về tính toàn vẹn của toàn bộ quá trình bầu cử của chúng ta. Ngay từ đầu, chúng tôi đã nói rằng tất cả các lá phiếu hợp pháp phải được đếm, và không nên đếm tất cả các lá phiếu bất hợp pháp, nhưng chúng tôi đã gặp phải sự phản kháng đối với nguyên tắc cơ bản này của Đảng Dân chủ ở mọi chỗ”.

“Chúng tôi sẽ theo đuổi quá trình này thông qua mọi khía cạnh của luật pháp, để đảm bảo rằng người dân Mỹ tin tưởng vào chính phủ của chúng ta. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ chiến đấu vì bạn và quốc gia của chúng ta!”.

Andrew Bates, một đại diện cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden, cho biết trong một tuyên bố vào thứ Sáu: “Như chúng tôi đã nói vào ngày 19/7, người dân Mỹ sẽ quyết định cuộc bầu cử này. Và chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn có khả năng hộ tống những kẻ xâm phạm ra khỏi Tòa Bạch Ốc”.

Cả Trump và Biden đều khẳng định rằng họ có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

https://www.dkn.tv/the-gioi/dang-cong-hoa-my-mo-rong-cac-vu-kien-trong-boi-canh-bat-thuong-ro-rang.html

Luật sư TT Trump thề có hành động pháp lý:

‘Tôi đang tấn công một bộ máy dân chủ suy đồi’

Quý Khải

Chiến dịch tranh cử Tổng thống Donald Trump, với thái độ kiên quyết không nhượng bộ trước ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, đang hứa hẹn các thách thức pháp lý hòng tìm cách lật ngược kết quả cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, theo News Max.

TT Trump cho biết trong một tuyên bố “chiến dịch của chúng tôi sẽ bắt đầu mang vấn đề này tra khởi tố tại tòa án để đảm bảo luật bầu cử được tuân thủ đầy đủ và người chiến thắng hợp pháp được lựa chọn”.

Luật sư riêng của Trump, cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, đã tổ chức một cuộc họp báo hôm thứ Bảy tại thành phố Philadelphia, tuyên bố rằng việc thiếu vắng quy trình quan sát thiết thực việc kiểm đếm phiếu và lịch sử gian lận quy mô lớn trong lịch sử tại thành phố này đã giúp Biden vượt qua TT Trump ở toàn bang Pennsylvania.

“Tôi không tấn công người dân Philadelphia”, ông Giuliani nói với các phóng viên. “Tôi đang tấn công một bộ máy dân chủ mục nát”.

Ông Giuliani lập luận rằng việc thiếu vắng quy trình quan sát thiết thực là vi phạm luật bầu cử.

Ông Giuliani nói:

“Tôi muốn nói rằng không có một tiêu chí nào được giám sát đúng theo quy định của pháp luật. Ngay cả khi có lệnh từ tòa án cho phép các thanh tra viên của Đảng Cộng hòa đến gần hơn 1,8 m, họ vẫn sẽ di chuyển những người kiểm phiếu ra xa hơn 1,8 m”.

“Vấn đề rất đơn giản: Nếu bạn không có gì để giấu đối với những lá phiếu gửi qua thư này, bạn sẽ không ngại cho phép kiểm tra. Đây là kiến ​​thức phổ biến, thông lệ phổ biến trong việc kiểm đếm các lá phiếu vắng mặt”.

Trong những tuần gần đây, TT Trump đã cáo buộc các hành vi gian lận phổ biến trong cuộc bầu cử.

Sau khi hay tin các kênh truyền thông chủ lưu xướng tên Joe Biden đắc cử rạng sáng hôm nay, TT Trump lúc đó đang ở sân gôn Virginia đã đưa ra tuyên bố đầy đủ này:

“Tất cả chúng ta đều biết tại sao Joe Biden lại vội vã tuyên bố là người chiến thắng, và tại sao các đồng minh truyền thông của ông ta lại cố gắng hết sức để giúp ông ta: Họ không muốn sự thật bị phơi bày. Sự thật đơn giản là cuộc bầu cử này còn lâu mới kết thúc”.

“Joe Biden chưa được xác nhận là người chiến thắng ở bất kỳ tiểu bang nào, chứ chưa nói đến bất kỳ tiểu bang nào trong số các tiểu bang có nhiều tranh chấp cao đang tiến tới việc kiểm phiếu lại bắt buộc, hoặc các tiểu bang mà chiến dịch của chúng tôi có những thách thức pháp lý hợp lệ có thể xác định người chiến thắng sau chót.

“Lấy ví dụ, ở tiểu bang Pennsylvania, các quan sát viên pháp lý của chúng tôi đã không được phép tiếp cận thực tế để quan sát quá trình kiểm đếm phiếu bầu. Các lá phiếu hợp pháp quyết định ai là tổng thống, không phải các kênh truyền thông”.

“Bắt đầu từ thứ Hai, chiến dịch của chúng tôi sẽ bắt đầu khởi tố vụ việc tại tòa án để đảm bảo luật bầu cử được tuân thủ đầy đủ và người chiến thắng hợp pháp được lựa chọn. Người dân Mỹ xứng đáng có một cuộc bầu cử trung thực: tức là kiểm đếm tất cả các lá phiếu hợp pháp và không tính bất kỳ lá phiếu bất hợp pháp nào. Đây là cách thức duy nhất để đảm bảo công chúng có sự tin tưởng tuyệt đối vào cuộc bầu cử của chúng ta.

“Vấn đề gây sốc là chiến dịch Biden từ chối đồng ý với nguyên tắc cơ bản này và muốn các lá phiếu được kiểm đếm ngay cả khi chúng là gian lận, được làm giả hoặc được bầu bởi các cử tri không đủ điều kiện hoặc đã qua đời. Chỉ một bên có hành vi sai trái mới cấm các quan sát viên ra khỏi phòng kiểm phiếu. – và sau đó đấu tranh trước tòa để ngăn chặn quyền truy cập của họ.

“Vậy Biden đang che giấu điều gì? Tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi người dân Mỹ có được kết quả kiểm phiếu trung thực mà họ xứng đáng và nền Dân chủ của chúng ta yêu cầu”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/luat-su-tt-trump-the-co-hanh-dong-phap-ly-toi-dang-tan-cong-mot-bo-may-dan-chu-suy-doi.html

Liệu truyền thông Hoa Kỳ có gọi đúng tên

người thắng cử tổng thống?

Phụng Minh

Một số kênh truyền thông Hoa Kỳ đã gọi tên tổng thống thứ 46 của mình, nhưng việc làm đó liệu có mấy ý nghĩa? Cách đây 1 tháng, chính kênh truyền thông không mấy thân thiện với ông Trump, The Guardian cũng đã có bài viết: “Liệu các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ sẽ gọi đúng người chiến thắng trong đêm bầu cử? Đừng trông chờ vào nó”.

Và giờ đây, truyền thông cánh tả đang dùng chính cách tuyên truyền, gọi tên sớm vị tổng thống có thể là chưa chính xác là Joe Biden trong khi còn nhiều cuộc chiến pháp lý đang dang dở. Liệu dư luận có nên trông chờ vào tính chính xác của nó?

“Chúng ta không thể dựa vào các phương tiện truyền thông để gọi cuộc bầu cử một cách công bằng”, The Guardian đã từng mở đầu bài viết của mình như vậy, sau đó dẫn chứng:

Cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 có thể kết thúc mà vẫn còn nhiều tranh cãi. Hãy nhớ những gì đã xảy ra vào tháng 11 năm 2000? Florida gọi tên ông Gore là người chiến thắng sớm lúc 8 giờ tối, sau đó gọi lại cho Bush lúc 2 giờ 30 sáng. Gore nhượng bộ riêng với Bush nhưng sau đó đã rút lại nhượng bộ khi cuộc kiểm phiếu tự động bắt đầu. Nhóm của Bush đã thành công trong cuộc chiến tuyên truyền sau đó. Chuyện như thế này có thể xảy ra một lần nữa. Cuộc bầu cử sắp tới sẽ được đưa ra trên các phương tiện truyền thông về cách thức và thời điểm kiểm phiếu và diễn giải kết quả. Bất chấp sự không chắc chắn về số lượng lớn các lá phiếu được gửi qua thư, các phương tiện truyền thông sẽ một lần nữa cạnh tranh để thực hiện việc xướng tên người chiến thắng và thu hút sự chú ý của người xem trong đêm bầu cử. Chúng ta cần thực hiện các bước đổi mới, bắt đầu từ bây giờ, để đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành một cách công bằng và chính xác… theo The Guardian.

… Cuộc bầu cử sẽ giành chiến thắng không chỉ ở hòm phiếu và trước tòa án mà còn ở tòa án của công luận… Các cuộc bầu cử thường được “gọi” (xướng tên người chiến thắng ở từng bang) rất lâu trước khi các phiếu bầu thực sự được đếm. Tìm cách thu hút sự chú ý, các hãng tin lớn, các mạng truyền hình cộng tác với các công ty bỏ phiếu để trở thành người đầu tiên tuyên bố người chiến thắng trong mỗi cuộc đua. Sau khi người chiến thắng được gọi tên, ứng cử viên được tuyên bố là kẻ thua cuộc sẽ nhanh chóng “bị thủng lưới” – lý tưởng nhất là trước khi nhiều cử tri nghỉ ngơi trong đêm – và người chiến thắng sẽ đưa ra một bài phát biểu chiến thắng được các phương tiện truyền thông tương tự đưa tin nhiệt tình. Cuộc bầu cử đôi khi kết thúc vài phút và hiếm khi hơn giờ sau khi các cuộc bỏ phiếu kết thúc, ngay cả khi số phiếu chính thức vẫn đang được lập bảng.

Một số hãng truyền thông có trách nhiệm và lo ngại về độ chính xác của danh tiếng. Tuy nhiên, trong thị trường cạnh tranh ngày nay, nhiều công ty truyền thông mang tính đảng phái hơn và khó đạt được kết quả nhanh chóng… Chúng ta có thể thực sự dựa vào chúng để kêu gọi bầu cử một cách công bằng không? Họ vẫn là những người quan sát thiếu khách quan? Hay những khuyến khích của họ trở nên ít hơn để bảo vệ nền dân chủ và nhiều hơn nữa để thu hút khán giả?

Chúng tôi cần các ban điều hành lưỡng đảng và có thẩm quyền để làm việc với các mạng lưới khi lợi nhuận bắt đầu xuất hiện. Lý tưởng nhất là các phương tiện truyền thông nên tạo ra một hội đồng chứng nhận bầu cử độc lập, thu hút từ một nhóm chuyên gia đa dạng đại diện cho cả hai đảng lớn và có thể bao gồm cả các cựu tổng thống hoặc những người đã nghỉ hưu khác các chính trị gia. Đây có thể là một phần của ủy ban bầu cử quốc gia, như Dan Coats đề xuất gần đây, nhưng bước quan trọng là tập hợp các phương tiện truyền thông lại với nhau để thống nhất về một tiêu chuẩn có trách nhiệm.

… Mỗi cơ quan truyền thông phải ký một cam kết không tuyên bố bất kỳ ứng cử viên nào là người chiến thắng cho đến khi hội đồng của họ chấp thuận độc lập dự kiến. Các tác giả của bài luận này đều là chủ tịch trước đây của Hiệp hội Khoa học Chính trị Hoa Kỳ. Chúng tôi cam kết hợp tác với các phương tiện truyền thông để thành lập một ủy ban độc lập hoặc ban chuyên môn gồm các chuyên gia không thiên vị.

Nếu kết quả không được công bố vào đêm bầu cử, thì việc đưa tin từng lần về mô hình các cuộc bầu cử trước đây là không cần thiết và trên thực tế, không có thông tin một cách nguy hiểm. Tất cả các phương tiện truyền thông nên áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt rằng không được tuyên bố người chiến thắng tiểu bang nào cho đến khi số phiếu bầu còn lại được kiểm đếm được chứng nhận là nhỏ hơn biên độ giữa hai ứng cử viên của đảng chính… Các cuộc thăm dò truyền thống không nên được sử dụng để “gọi” (tuyên bố ai thắng) một cuộc bầu cử.

Vậy với những lý lẽ trên, có lẽ việc một số kênh truyền thông đã thể hiện rõ xu hướng thiên tả của mình xướng tên ông Joe Biden thắng cử cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 hoàn toàn không có mấy giá trị khi cuộc chiến pháp lý tại nhiều bang còn đang dang dở.

https://www.dkn.tv/the-gioi/lieu-truyen-thong-hoa-ky-co-goi-dung-ten-nguoi-thang-cu-tong-thong.html

Hạ nghị sĩ Mỹ kêu gọi điều tra độ chính xác

tin cậy của phần mềm bỏ phiếu Dominion

Triệu Hằng

Breitbart News đưa tin, Hạ nghị sĩ Paul Gosar đang kêu gọi các quan chức tiểu bang Arizona khẩn trương “điều tra tính chính xác và độ tin cậy của phần mềm bỏ phiếu Dominion”, theo sau các báo cáo về trục trặc kiểm phiếu của hệ thống này.

Trong một tweet, ông Paul Gosar đã đề nghị Thống đốc Arizona Doug Ducey, điều tra Hệ thống Bỏ phiếu Dominion (Dominion Voting Systems), như sau:

“1. Tôi kêu gọi @dougducey triệu tập một phiên họp đặc biệt của cơ quan Lập pháp Azizona theo Điều IV của hiến pháp tiểu bang để điều tra tính chính xác và độ tin cậy của phần mềm bỏ phiếu Dominion và tác động của nó đến cuộc tổng tuyển cử của chúng ta.”

“2. Không có kết quả bầu cử nào sẽ được chứng nhận cho đến khi thực hiện kiểm tra hoàn chỉnh các tính năng của cỗ máy Dominion.”

Lời kêu gọi hành động của ông Gosar theo sau các báo cáo về một trục trặc nghiêm trọng ở một hạt ở Michigan, nơi sử dụng phần mềm tương tự. Sự cố xảy ra ở hạt Antrim đã khiến 6.000 phiếu bầu thuộc về những người đảng Cộng hòa đã được kiểm sang cho những người đảng Dân chủ.

Phát biểu với báo chí hôm thứ Sáu, Chủ tịch đảng Cộng hòa tại Michigan Laura Cox cho biết rằng “phần mềm lập bảng đã gặp trục trặc và gây ra tình trạng tính toán sai số phiếu.”

“Chúng tôi phát hiện ra 47 hạt đã sử dụng phần mềm tương tự như vậy”, bà Laura Cox cho biết, đồng thời kêu gọi các hạt khác tiến hành kiểm tra và rà soát chặt chẽ việc kiểm phiếu.

Trước đó, Breitbart News báo cáo rằng: “giả thiết, một “trục trặc” tương tự như 6.000 phiếu bầu vừa rồi xảy ra ở từng quận trong 47 quận thì như vậy sẽ có 282.000 phiếu bầu cần kiểm tra, cao hơn tỷ lệ chiến thắng hiện tại của ông Biden.”

Ở các bang chiến trường quan trọng khác, bao gồm Georgia, đã sử dụng phần mềm này, Dominion Voting Systems, và đã gặp phải sự cố. Breitbart nêu ví dụ: máy bỏ phiếu ở các hạt Spalding và Morgan đã bị hỏng vào sáng thứ Ba (3/11).

Theo một báo cáo của Politico, một quan chức bầu cử ở Georgia nói rằng trục trặc kỹ thuật khiến việc bỏ phiếu ở hai quận bị tạm dừng là do một nhà cung cấp tải bản cập nhật lên máy bầu cử của họ vào đêm trước ngày bầu cử.

“Đó là điều họ chưa từng làm. Tôi chưa bao giờ thấy họ cập nhật bất cứ điều gì trước cuộc bầu cử”, Marcia Ridley, người giám sát bầu cử tại hội đồng bầu cử hạt Spalding cho biết.

Tiểu bang Georgia được cho là đã triển khai Hệ thống Bỏ phiếu Dominion cũng như KnowInk tạo phiếu thăm dò điện tử để cử tri đăng nhập, trên tất cả các hạt của tiểu bang, và đây là lần đầu tiên như vậy trong cuộc bầu cử năm nay.

Breitbart cho biết: Hệ thống Bỏ phiếu Dominion được cho là có quan hệ với Quỹ Clinton.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ha-nghi-si-my-keu-goi-dieu-tra-do-chinh-xac-tin-cay-cua-phan-mem-bo-phieu-dominion.html

Ngoại trưởng Canada:

Thắng lợi của ông Biden là ‘tin tốt lành’

Ngoại trưởng Canada: Thắng lợi của ông Biden là ‘tin tốt lành’

Ngoại trưởng Canada François-Philippe Champagne được Reuters dẫn lời nói hôm 8/11 rằng chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden là tin tốt lành cho Canada.

Nhà ngoại giao này cũng được trích lời nói thêm rằng ông hy vọng sẽ có sự chuyển giao quyền lực suôn sẻ ở Hoa Kỳ.

“Đây là tin tức tốt lành và chúng tôi sẽ có thể hợp tác tốt đẹp với chính quyền [Mỹ]”, ông Champagne nói về việc ông Biden đắc cử trong cuộc phỏng vấn với kênh CTV.

Reuters cũng dẫn lại lời ngoại trưởng này nói thêm rằng hai nước có thể phối hợp để chống COVID-19 và tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo hãng tin Anh, ông Champagne nói thêm khi được hỏi về việc Tổng thống Trump từ chối thừa nhận thất bại: “Tôi cho rằng người dân Mỹ lần này đã lên tiếng. Dĩ nhiên là chúng tôi hy vọng về một sự chuyển giao suôn sẻ”.

“Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình. Nhưng cũng đồng thời lên kế hoạch cho một tân chính quyền”, ông Champagne nói.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau là một trong các nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới chúc mừng ông Biden trên Twitter.

Ông Biden sắp công bố nhóm đặc trách chống COVID-19

Trong khi các ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng cao ở Mỹ, Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 9/11 sẽ thông báo nhóm đặc trách gồm 12 thành viên để đối phó với đại dịch xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, theo Reuters.

Nhóm này sẽ được giao nhiệm vụ phát triển kế hoạch chi tiết nhằm khống chế COVID-19 sau khi ông Biden nhậm chức vào tháng Một. Reuters dẫn lời hai nguồn tin cho biết nhóm sẽ có ba đồng chủ tịch.

Phát biểu sau khi giành chiến thắng hôm 7/11 tại Wilmington, ông Biden cam kết “xoay chuyển tình thế đại dịch”.

Theo Reuters, trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đã chỉ trích cách thức Tổng thống Trump đối phó với COVID-19 mà nay đã làm 237 nghìn người thiệt mạng ở Mỹ.

Tin cho hay, Hoa Kỳ đã chứng kiến con số ca nhiễm kỷ lục tuần trước, với tổng các ca bệnh gần 10 triệu.

Người Ấn Độ đốt pháo, chúc mừng Phó Tổng thống đắc cử Harris

Người dân Ấn Độ hôm 8/11 đốt pháo cũng như cầu nguyện để tỏ lòng biết ơn vì bà Kamala Harris đã được bầu làm phó tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ, gọi đó là thời khắc tự hào của người Mỹ gốc Ấn Độ, theo Reuters.

Mẹ của bà Harris là người gốc Ấn Độ và cha gốc Jamaica. Cả hai lập gia đình với nhau sau khi tới Mỹ du học.

Phó Tổng thống đắc cử đã làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu đảm nhiệm vị trí này.

Theo Reuters, tại ngôi làng quê cha đất tổ ở miền nam Ấn Độ, cách thủ đô Washington DC của Mỹ 14 nghìn km, trẻ em cầm các tấm ảnh của bà Harris trong khi người dân tập hợp về một ngôi đền Hindu để cầu nguyện và cám ơn thượng đế về chiến thắng của bà Harris và Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Hãng tin Anh dẫn lời R Kamaraj, một quan chức ở tiểu bang Tamil Nadu nằm ở miền nam Ấn Độ, nói về “thời khắc tự hào” khi “một người phụ nữ có gốc gác từ ngôi làng nhỏ này giờ nắm giữ một trong những vị trí cao nhất ở Hoa Kỳ”.

Trong chiến dịch tranh cử, bà Harris từng đề cập tới di sản Ấn Độ của mình, và trong bài phát biểu sau khi giành chiến thắng hôm 7/11, bà nói về người mẹ quá cố Shyamala Gopalan, coi đó là “người phụ nữ có công lớn nhất cho sự hiện diện của tôi ở đây”.

Reuters dẫn lời bà Sonia Gandhi, lãnh đạo gốc Ý của Đảng Quốc đại đối lập, nói trong một lá thư gửi phó tổng thống đắc cử của Mỹ rằng bà Harris là người con gái của Ấn Độ và mời bà về thăm quê cha đất tổ.

Bà Harris từng về thăm ngôi làng ở Ấn Độ năm 5 tuổi và thường kể lại việc bà đi dạo trên bờ biển với bà ngoại ở thành phố Chennai ở miền nam trong các chuyến về thăm quê hàng năm, theo Reuters.

Tổng thống đắc cử Biden: Tôi tin ‘Nước Mỹ là ngọn hải đăng cho toàn cầu’

Trong phát biểu mừng chiến thắng cuộc bầu cử Hoa Kỳ 2020 từ quê nhà Wilmington, bang Delaware, ông Joe Biden kêu gọi “Chúng ta phải khôi phục lại linh hồn của nước Mỹ.”

Tổng thống đắc cử nói: “Đêm nay, cả thế giới đang dõi theo nước Mỹ, và tôi tin rằng với những điều tốt đẹp nhất của chúng ta, nước Mỹ là ngọn hải đăng cho toàn cầu. Chúng ta sẽ dẫn đầu không chỉ bằng tấm gương sức mạnh của mình mà bằng chính sức mạnh của tấm gương của mình .”

https://www.voatiengviet.com/a/truc-tiep-bau-cu-tong-thong-hoa-ky-2020-trump-biden/5645640.html

Bầu cử Mỹ 2020 : Thế giới sang trang Donald Trump,

chúc mừng Joe Biden

Tú Anh

4 phút

Trong lúc Donald Trump trì hoãn không chấp nhận kết quả kiểm phiếu, hàng loạt lãnh đạo trên bốn ngả địa cầu đua nhau chúc mừng Joe Biden, kêu gọi tổng thống đắc cử « hành động chung đối phó với các thách thức » trên thế giới.

Từ NATO đến Liên Hiệp Châu Âu, từ Pháp, Đức, Anh cho đến Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc ở Thái Bình Dương, từ Canada cho đến Châu Mỹ Latinh và Trung Cận Đông, lãnh đạo quốc gia và các định chế quốc tế đều tỏ ra rất hài lòng và muốn nhanh chóng bắt tay vào việc với nước Mỹ của Joe Biden.

Trong số các phản ứng tiêu biểu, thông điệp chào mừng của tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi tổng thống đắc cử cùng nhau hành động trước muôn vàn thách thức. Thủ tướng Đức Angela Merkel, sau bốn năm căng thẳng với Donald Trump, nhấn mạnh đến yếu tố « không thể thay thế được » trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương để cùng nhau vượt qua những thử thách lớn của thời đại.

Bên cạnh phản ứng của hai đầu tầu và các thành viên khác của Liên Âu, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel khẳng định quyết tâm xây dựng đối tác bền vững với Hoa Kỳ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson chúc mừng « thành công lịch sử » của Joe Biden và Kamala Harris. Luân Đôn sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới trong các vấn đề ưu tiên chung.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không mong ước gì hơn là chào mừng « ủng hộ viên kiên cường » của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và « nóng lòng » hợp tác với tổng thống đắc cử.

Tại Châu Á, cho đến trưa hôm nay, chưa thấy phản ứng của Trung Quốc và Đài Loan. Trong khi đó, thủ tướng Nhật Bản cũng như tổng thống Hàn Quốc và thủ tướng Úc, lãnh đạo ba đồng minh then chốt của Mỹ trong khu vực gửi thông điệp với nội dung tương tự : « Chúc mừng nhị vị Joe Biden và Kamala Harris đắc cử » và mong chờ « củng cố mối quan hệ đồng minh vững bền ».

Tại Trung Đông, thủ tướng Israel Netanyahu, với giọng thân mật « chúc mừng người bạn từ 40 năm ». Còn chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas kêu gọi Joe Biden « củng cố quan hệ » Mỹ-Palestine.

Nguyên trạng

Cộng đồng quốc tế kỳ vọng vào một lãnh đạo mới tại Hoa Kỳ để sang trang bốn năm quan hệ căng thẳng và quyết định tùy tiện của  Donald Trump.

Vấn đề là liệu Joe Biden sẽ có đem lại  những thay đổi lớn trong chính sách quan hệ quốc tế hay không ? Được RFI đặt câu hỏi, giáo sư Bertrand Badie, Đại Học Chính Trị Paris, giải thích :

« Có những cái không thể xét lại được, đó là những biện pháp gây ấn tượng mạnh như dời Đại sứ quán Mỹ ở Tel-Aviv về Jerusalem. Bản thân Joe Biden cũng từng tuyên bố là ông không đặt lại vấn đề này. Nếu làm ngược lại sẽ gây ra một loạt căng thẳng mà tổng thống mới không muốn bị vướng vào.

Còn những lãnh vực khác như chính sách đa phương, rút chân ra khỏi Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Tổ Chức UNESCO, hiệp định hạt nhân với Iran… thì Joe Biden có thể khẳng định sự khác biệt giữa ông với Donald Trump.

Tuy nhiên, nếu có thay đổi thì cũng không thay đổi lớn lắm bởi vì vấn đề định chế. Thêm vào đó, còn có yếu tố cá tính của Joe Biden. Ông là một người có tiếng thận trọng, tổng hợp các  quan điểm dị đồng. Joe Biden sẽ duy trì nguyên trạng các quyết định của Donald Trump nhưng sẽ tỏ ra thân ái hơn, chắc chắn sẽ tỏ ra lịch sự hơn với thủ tướng Angela Merkel cũng như sẽ không nắm áo veste của Emmanuel Macron ».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201108-bau-cu-my-2020-donald-trump-joe-biden-lien-hiep-chau-au

Quan hệ Mỹ với thế giới sẽ ra sao khi Biden đắc cử?

Chiến thắng của ông Joe Biden đặt ra một thách thức mới cho Trung Quốc, phóng viên John Sudworth viết từ Bắc Kinh.

Bạn có thể cho rằng Bắc Kinh sẽ mừng khi không còn thấy Donald Trump. Như người đập Trung Quốc hàng đầu, ông gây chiến tranh thương mại, áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng và lên án Trung Quốc đã gây ra dịch virus corona.

Nhưng một số nhà phân tích cho rằng lãnh đạo Trung Quốc có thể đang âm thầm thất vọng lúc này. Không phải bởi vì họ yêu mến ông Trump, mà vì viễn cảnh ông Trump trong Nhà Trắng thêm bốn năm nữa hứa hẹn một phần thưởng lớn hơn. Chia rẽ trong nước, bị cô lập ở nước ngoài – ông Trump đối với Bắc Kinh dường như là hiện hình của quyền lực Mỹ suy giảm mà Trung Quốc hy vọng và mong đợi lâu nay.

Tất nhiên, Trung Quốc có thể tìm được lợi thế trong việc ông Joe Biden sẵn sàng tìm kiếm hợp tác trong những vấn đề lớn như biến đổi khí hậu. Nhưng ông cũng hứa hẹn sẽ làm việc để sửa chữa mối quan hệ với các đồng minh Mỹ, điều có thể chứng tỏ là hữu hiệu hơn nhiều trong việc kiềm chế tham vọng quyền lực của Trung Quốc so với cách làm một mình một kiểu của Trump.

Ấn Độ

Gốc gác xuất thân của bà Kamala Harris sẽ khiến Ấn Độ tự hào, nhưng ông Narendra Modi có lẽ sẽ tiếp đón ông Biden lạnh nhạt hơn so với người tiền nhiệm, phóng viên Rajini Vaidyanathan tường thuật từ Dheli.

Ấn Độ từ lâu nay là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ – và điều này nhìn chung sẽ không thay đổi dưới thời ông Biden.

Quốc gia đông dân nhất Nam Á này sẽ tiếp tục là một đồng minh then chốt trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

Nói là như vậy, nhưng sự kết nối cá nhân giữa ông Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có lẽ sẽ có những điểm tế nhị cần phải vượt qua.

Ông Trump đã tránh việc chỉ trích các chính sách đối nội gây tranh cãi của ông Modi, điều mà nhiều người nói là sự phân biệt đối xử đối với người Hồi giáo ở Ấn Độ.

Ông Biden cho tới nay nói năng thẳng thừng hơn nhiều. Trang web của ông kêu gọi khôi phục lại quyền của mọi người tại Kashmir, chỉ trích Luật Đăng ký Công dân và Luật Sửa đổi Quốc tịch, hai luật đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối rộng khắp.

Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris – người mang một nửa dòng máu Ấn Độ – cũng đã lớn tiếng nói về một số chính sách mang tính chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ của chính phủ.

Nhưng gốc rễ Ấn Độ của bà sẽ tạo tâm trạng hồ hởi ở hầu hết các nơi trên cả nước.

Việc con gái của một phụ nữ Ấn Độ, người sinh ra và lớn lên tại thành phố Chennai, sắp trở thành người đứng thứ hai tại Nhà Trắng là thời điểm làm dâng cao lòng niềm tự hào quốc gia của người dân Ấn Độ.

Bắc Hàn và Nam Hàn

Bắc Hàn từng gọi ông Joe Biden là “chó điên”, nhưng nay ông Kim Jong-un sẽ có những tính toán thận trọng trước khi tìm cách khiêu khích tân Tổng thống Hoa Kỳ, phóng viên Laura Bicker từ Seoul viết.

Nhiều khả năng Chủ tịch Kim sẽ thích ông Donald Trump cầm quyền thêm 4 năm nữa.

Cuộc họp không tiền khoáng hậu giữa hai nhà lãnh đạo và những diễn tiến sau đó đã tạo nên những hình ảnh cực kỳ ấn tượng trong sử sách. Tuy nhiên, về mặt nội dung, hai bên hầu như không đạt được gì, cũng không có gì được ký kết sau đó.

Chẳng có bên nào đạt được điều họ muốn từ các cuộc đàm phán này: Bắc Hàn vẫn tiếp tục xây dựng kho vũ khí hạt nhân, và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục áp các lệnh trừng phạt khắc nghiệt.

Ngược lại, ông Joe Biden đã đòi Bắc Hàn phải chứng tỏ rằng họ sẵn lòng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình trước khi ông có bất kỳ cuộc họp nào với ông Kim Jong-un.

Nhiều nhà phân tích tin rằng trừ phi nhóm của ông Biden chủ động đưa ra sáng kiến thương thảo với Bình Nhưỡng trong thời gian rất sớm, những ngày cái “lửa giận” sẽ trở lại.

Ông Kim có lẽ sẽ muốn thu hút sự chú ý của Washington với việc quay trở lại thực hiện các vụ thử hạt nhân tầm xa, nhưng ông sẽ không muốn làm gia tăng căng thẳng tới mức quốc gia vốn đã rất đói nghèo này sẽ bị thêm các lệnh trừng phạt nữa.

Nam Hàn đã cảnh báo Bắc Hàn chớ đi theo con đường khiêu khích.

Seoul có lẽ đã lúc này lúc khác gặp khó khăn với ông Trump, nhưng Tổng thống Moon rất muốn kết thúc cuộc chiến đã kéo dài 70 năm trên bán đảo Triều Tiên, và ông đã ca ngợi ông Trump về việc “can đảm” gặp gỡ với ông Kim.

Miền Nam sẽ theo dõi chặt chẽ xem liệu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Biden có sẵn lòng thực hiện điều tương tự hay không.

Anh Quốc

“Mối quan hệ đặc biệt” giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc có thể sẽ phải đối diện với viễn cảnh bị hạ thấp đi chút ít khi ông Joe Biden lên nắm quyền, phóng viên chính trị Jessica Parker từ London viết.

Họ sẽ không được coi là những đồng minh tự nhiên của nhau: Joe Biden, gương mặt Dân chủ, và Boris Johnson, người nhiệt thành theo chính sách Brexit.

Để xem mối quan hệ tương lai của họ sẽ ra sao, thì đáng để cân nhắc chuyện từng xảy ra trong quá khứ.

Đặc biệt là trong năm đó, 2016, khi ông Donald Trump thắng cuộc đua vào Nhà Trắng và nước Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, cả ông Joe Biden và sếp của ông khi đó, Tổng thống Barack Obama, đều không giấu diếm gì về việc họ muốn có một kết quả khác đối với kỳ trưng cầu dân ý của Anh.

Những chính sách gần đây của chính phủ Anh trong vấn đề với Brexit đã không diễn ra như mong muốn của các gương mặt chủ chốt phe Dân chủ và giới vận động hành lang Ireland, trong đó có vị tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ.

Ông nói ông sẽ không cho phép hòa bình tại Bắc Ireland trở thành một “tai hoạ của Brexit” nếu như ông đắc cử – và tuyên bố bất kỳ thỏa thuận thương mại tương lai nào giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc cũng đều sẽ được dựa trên cơ sở tôn trọng Thỏa thuận Thứ Sáu Tốt lành.

Quý vị còn nhớ ông Donald Trump từng gọi ông Boris Johnson là “Trump của nước Anh” chứ?

Có vẻ như ông Biden đồng ý với điều đó. Tin tức từng tường thuật rằng ông miêu tả Thủ tướng Anh là bản “clone về cả thể chất lẫn cảm xúc” của ông Trump.

Do vậy, có lẽ ông Joe Biden lúc đầu sẽ muốn thảo luận với Brussels, Berlin hoặc Paris hơn là với London.

Mối quan hệ đặc biệt này có lẽ sẽ phải đối diện với tình trạng giảm sút.

Tuy nhiên, hai ông vẫn có với nhau một số điểm chung.

Hai quốc gia mà họ dẫn dắt rốt cuộc là có mối quan hệ dài hạn, sâu sắc trong lĩnh vực ngoại giao, chưa kể còn các mối quan hệ thân thiết trong những lĩnh vực khác như an ninh và tình báo.

Nga

Một chính quyền Mỹ dễ đoán hơn có thể là “điều may” cho Nga nếu Biden thắng, phóng viên Steven Rosenberg viết từ Moscow.

Điện Kremlin có khả năng nghe ngóng rất nhạy. Vậy nên khi Joe Biden gần đây gọi Nga là “mối đe dọa lớn nhất” đối với Mỹ, họ nghe câu đó rất rõ ở Moscow.

Điện Kremlin cũng có trí nhớ rất tốt. Năm 2011, Phó tổng thống Joe Biden được cho là từng nói nếu ông là Putin, ông sẽ chẳng tranh cử tổng thống lần nữa. Điều đó sẽ rất tồi tệ cho cả ông [Putin] và nước Nga. Tổng thống Putin vẫn chưa quên vụ đó.

Moscow lo ngại một nhiệm kỳ của ông Biden có nghĩa sẽ có thêm áp lực và trừng phạt từ Washington. Với một người theo đảng Dân chủ trong Nhà Trắng, có thể sẽ đến lúc trả thù cho sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ 2016?

Nhưng với điện Kremlin, cũng có thể có cái may. Các nhà quan sát tình hình Nga dự đoán chính quyền Biden cuối cùng sẽ dễ đoán được hơn đội của Trump. Điều đó có thể khiến việc đạt được thỏa thuận về những vấn đề cấp bách trở nên dễ dàng hơn, như hiệp ước New Start [Khởi đầu Mới] – một hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân Mỹ – Nga sắp hết hạn vào tháng Hai tới.

Đức

Người Đức hi vọng có một sự trở lại suôn sẻ với đồng minh then chốt của mình, một khi ông Donald Trump ra đi, phóng viên Damien McGuinness từ Berlin viết.

Đức sẽ thở phào nhẹ nhõm với kết quả này.

Chỉ có 10% người Đức tin tưởng Tổng thống Trump trong chính sách đối ngoại, theo kết quả điều tra của Pew Research Centre.

Ông không được lòng dân ở Đức so với bất kỳ nước nào khác mà trung tâm này tiến hành khảo sát. Ngay cả Tổng thống Putin của Nga và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc cũng đạt được mức chấp nhận tốt hơn.

Tổng thống Trump bị cáo buộc đã làm xói mòn thương mại tự do và phá hủy các định chế đa quốc gia mà Đức dựa vào về mặt kinh tế.

Việc ông Trump mạt sát Trung Quốc đã khiến các nhà xuất khẩu Đức bị ảnh hưởng, và ông khét tiếng là có mối quan hệ xấu với Thủ tướng Đức Angela Merkel – hai nhà lãnh đạo này quá khác biệt cả mặt đạo đức lẫn tính cách.

Các chính trị gia và cử tri Đức đã sốc về cách ứng xử của ông, cách tiếp cận phá vỡ mọi quy ước chuẩn mức của ông trước thực tế, và những cuộc tấn công thường xuyên của ông vào ngành công nghệ xe hơi Đức.

Bất chấp những điều trên, Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Đức, và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đóng vai trò thiết yếu cho an ninh châu Âu.

Do vậy, nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump quả là một hành trình gai góc cho nước Đức.

Các bộ trưởng Đức đã chỉ trích việc Tổng thống Trump đòi dừng việc kiểm phiếu và những tuyên bố vô căn cứ của ông về việc có gian lận trong bầu cử.

Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer đã gọi tình huống đó là “bùng nổ”.

Ở đây có sự nhận thức rằng những khác biệt chính sách to lớn giữa Washington và Berlin sẽ không biến mất dưới thời ông Biden. Nhưng Berlin đang mong muốn hợp tác với một vị tổng thống biết trân trọng sự hợp tác đa phương.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54864990

Với châu Á và Việt Nam,

ông Joe Biden sẽ có chính sách gì?

BBC News Tiếng Việt ghi nhận một số quan điểm về khả năng chính sách đối ngoại của tân tổng thống Joe Biden với Đông Nam Á, Trung Quốc và có thể liên quan cả đến Việt Nam:

Miya Tanaka, Kyodo News hôm 07/11 bình luận:

Nhiều người tin rằng ông Biden sẽ duy trì sự cứng rắn của chính quyền Trump đối với Trung Quốc do sự ủng hộ rộng rãi đối với cách tiếp cận này của ông Trump trên toàn phổ chính trị Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, sự chú trọng của ông Biden về chủ nghĩa đa phương và các vấn đề như biến đổi khí hậu có thể bị Trung Quốc – một quốc gia thải carbon dioxide lớn nhất thế giới – tận dụng.

Bắc Kinh sẽ có những chiến lược thương lượng mới để thúc đẩy việc dỡ bỏ thuế quan của Hoa Kỳ được áp đặt dưới thời chính quyền Trump, nhằm tìm kiếm sự tiến triển với các cáo buộc sở hữu trí tuệ và các vấn đề đánh cắp công nghệ.

Việc Biden cam kết khôi phục vai trò của Hoa Kỳ với tư cách là nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới cũng có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á không nhất thiết phải có hồ sơ tốt về các vấn đề nhân quyền, tại thời điểm mà sự hợp tác với các quốc gia này là quan trọng trong việc chống lại Trung Quốc .

“Nếu chúng ta loại bỏ một quốc gia vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ – Việt Nam hay Myanmar hay bất cứ nước nào – thì nhiều khả năng họ sẽ ngả về Trung Quốc, đến với người Nga. Những vấn đề nhân quyền tồi tệ vẫn cứ tiếp diễn và khả năng ảnh hưởng của chúng ta với họ bị suy giảm đáng kể “, Abraham Denmark của Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson cho biết tại một sự kiện trực tuyến.

Sebastian Strangio, The Diplomat 03/11 bình luận:

Một chính quyền của Biden sẽ đánh dấu sự kết thúc cho việc đưa ra quyết định không kiên quyết, ngoằn ngoèo của thời ông Trump và mở ra ít nhất 4 năm mà các quyết định và hành động của tổng thống gắn kết gần hơn với các cơ quan khác nhau của chính phủ.

Về chính sách châu Á, Biden sẽ chủ trương một phiên bản cập nhật, cứng rắn hơn của chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” thời Tổng thống Obama, đường hướng và việc thực thi ít ra cũng sẽ coi trọng các lợi ích khu vực hơn.

Cố vấn cấp cao của Biden, Anthony Blinken đã hứa hẹn, “Tổng thống Biden sẽ thể hiện và can dự cùng ASEAN trong các vấn đề quan trọng.” Ngoại giao nhiều hơn không nhất thiết hứa hẹn hiệu quả hơn, nhưng nó sẽ đảm bảo rằng chính sách của Hoa Kỳ được xây dựng chặt chẽ hơn và được chuyển tải một cách đáng tin cậy tới các thủ đô Đông Nam Á.

David Hutt của Asia Times 23/10 viết:

Những người xem các chính sách của Trump đối với Đông Nam Á là sai hướng và thiếu sót có thể đưa ra cả một danh sách dài các rủi ro, từ việc ông rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong ngày đầu tiên nắm quyền, đến quyết định của ông vào năm 2019 là không cử một quan chức cấp cao tham dự hội nghị cấp cao ASEAN trong năm đó tại Bangkok.

Mặt khác, Trump đã khôi phục các mối quan hệ bị tổn hại trước đây với đồng minh hiệp ước Thái Lan và thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, ngăn cả hai quốc gia này xích lại gần Trung Quốc hơn.

Liệu chính quyền Joe Biden có thực hiện chính sách khu vực theo cách khác hay không rõ ràng là một vấn đề chỉ là phỏng đoán. Nhưng các nhà phân tích và quan sát tin rằng chiến thắng của Biden sẽ báo hiệu sự thay đổi đang đến gần, một sự thay đổi vừa giống vừa khác so với khi ông làm phó tổng thống dưới thời Barack Obama.

Grant Newsham viết trên Asia Times 06/11:

‘Sự phục hồi (quyền lực) của ông Biden khiến Bắc Kinh vui sướng’

[Tại Mỹ] không thiếu quan chức, công ty và các hãng tại Wall Street rất nóng lòng muốn quay trở lại thời kỳ Mỹ có chính sách mềm nhũn (softly-softly) với Trung Quốc.

“Dù người ta cứ nói “cứng rắn với Trung Quốc nay là chủ đề của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, tôi không hề thấy một mảnh bằng chứng rằng khái niệm đó có nghĩa cho nhóm xung quanh Biden giống như cho nhóm của Trump”.

Ông Newsham cũng nhắc đến các quan chức Mỹ ở cả đảng Cộng hòa và Dân chủ “có làm ăn với Trung Quốc” và duy trì quan điểm rằng con trai của ông Joe Biden là Hunter Biden cũng đã có mối quan hệ làm ăn tại CHND Trung Hoa. Bản thân ông Biden bác bỏ mọi liên quan.

Xem thêm bài của BBC đã đăng Hunter Biden làm gì ở Ukraine và Trung Quốc?

BBC News hôm 07/11 điểm qua các nét lớn trong quan điểm của Joe Biden:

Ông Biden hứa hẹn sẽ xây dựng lại các mối quan hệ với đồng minh của Mỹ, nhất là với khối NATO, tổ chức mà Trump nhiều lần đe dọa sẽ giảm tiền đóng góp.

Ông nói Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm về những tập quán thương mại và môi trường không công bằng, nhưng thay vì đơn phương đánh thuế hàng Trung Quốc, ông đề xuất có một liên minh quốc tế với các nền dân chủ khác mà Trung Quốc “không thể dám lờ đi”, mặc dù ông vẫn mơ hồ về chuyện điều đó thực sự có nghĩa gì.

Joe Biden từng ‘lẩy Kiều’ở Hà Nội

Nghe tin ông Biden thắng cử tổng thống Mỹ, một số người đã chia sẻ lại tin của báo Việt Nam hồi tháng 7/2015:

Tại cuộc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổ chức ở ĐSQ Hoa Kỳ, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dẫn câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để nói về quan hệ Mỹ-Việt Nam: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”, theo bản dịch tiếng Anh.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54860685

Ba thiếu niên bị buộc tội

trong vụ chặt đầu giáo viên Pháp

Tin từ Paris, Pháp – Hôm thứ sáu (6/11), 3 thiếu niên bị truy tố trong sự việc ông Samuel Paty, một giáo viên lịch sử người Pháp bị chặt đầu vào tháng 10/2002, sau khi cho học sinh xem hình biếm họa về nhà tiên tri Muhammad trong một buổi học về tự do ngôn luận.

Một nguồn tin tư pháp cho biết, hai thanh niên 18 tuổi và một cô gái 17 tuổi đã bị buộc tội có âm mưu khủng bố hình sự. Những người này đã bị bắt giữ hôm thứ ba (3/11). Hai thanh niên trên bị tình nghi có liên lạc với Abdullakh Anzorov, 18 tuổi, người đã sát hại ông Paty, và bị giam giữ trước khi xét xử. Cô gái bị đưa vào trại giam thanh thiếu niên vì đã từng tiếp xúc với một trong hai thanh niên trên. Hung thủ Anzorov bị cảnh sát bắn thiệt mạng. Việc ông Paty bị sát hại đã gây ra một làn sóng phẫn nộ khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải ra tay trấn áp chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và bạo lực.

Theo AFP đưa tin, hiện có 10 người bị buộc tội trong vụ án trên, bao gồm một bị cáo 14 tuổi và 15 tuổi vì đã chỉ điểm ông Paty cho kẻ sát nhân. Một nguồn tin cho biết ba nghi can mới nhất đã bị giam giữ tại các khu vực riêng biệt ở miền đông nước Pháp.

Cũng bị buộc tội trong vụ án trên là một thành phần Hồi giáo cực đoan nổi tiếng, người đã giúp ba của một trong những học sinh của ông Paty khuấy động chiến dịch chống lại ông trên mạng xã hội. Người phụ huynh trên cũng đã bị buộc tội. Tuy nhiên, việc bị buộc tội ở Pháp không đồng nghĩa với việc bị xét xử, vì một vụ án vẫn có thể bị hủy bỏ nếu thiếu bằng chứng. (BBT)

https://www.sbtn.tv/ba-thieu-nien-bi-buoc-toi-trong-vu-chat-dau-giao-vien-phap/

Covid-19 : Quốc Hội Pháp

triển hạn tình trạng khẩn cấp y tế

Minh Anh

Vào lúc thiệt hại nhân mạng tại Pháp do virus corona chủng mới gây ra vượt ngưỡng 40.000 người, Quốc Hội Pháp chiều 07/11/2020 thông qua việc triển hạn tình trạng khẩn cấp y tế cho đến hết ngày 16/02/2021.

Tình hình dịch bệnh tại Pháp nghiêm trọng đến mức bộ Y Tế chiều ngày 07/11 đã không thể công bố số liệu ca lây nhiễm mới trong 24 giờ như thường lệ. Cách nay hai hôm số ca nhiễm mới trên toàn quốc đã vượt quá ngưỡng 60.000 người trong một ngày.

Chỉ biết rằng trong vòng 24 giờ qua đã có thêm 306 bệnh nhân Covid-19 tử vong, gần 300 người phải đưa vào khoa chăm sóc đặc biệt. Trong vài ngày, 87 % các giường bệnh tại những khoa này đều dành cho các ca dương tính với virus corona.

Về biện pháp tái phong tỏa được áp dụng trên toàn quốc từ 10 ngày qua, các thống kê thu thập qua hệ định vị cho thấy người Pháp vẫn sinh hoạt gần như bình thường. Số lượt đi lại cao gấp đôi, thậm chí là gấp ba so với đợt phong tỏa trong 8 tuần lễ hồi tháng Ba và Tư vừa qua.

Tại châu Âu, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đều thắt chặt các biện pháp ngăn ngừa dịch lây lan. Cùng lúc các cuộc tuần hành chống lệnh phong tỏa tại châu lục này mỗi lúc một nhiều. Hôm qua, hơn 20.000 dân ở thành phố Leipzig, miền đông nước Đức đã tập hợp tại trung tâm thành phố đòi xóa bỏ các biện pháp cách ly làm xáo trộn sinh hoạt kinh tế và văn hóa. Chính quyền thành phố đã phải huy động đông đảo cảnh sát giải tán đám đông.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201108-covid19-phap-khan-cap-y-te

Cựu đặc phái viên Nhật Bản cho biết

Hoa Kỳ sẽ cần Nhật Bản nhiều hơn

khi căng thẳng với Trung Cộng gia tăng

Tin từ Tokyo, Nhật Bản – Theo lời một cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Yoshihide Suga, Hoa Kỳ sẽ cần Nhật Bản hơn trước, bất kể là ai thắng cử tổng thống Hoa Kỳ. Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm (5/11), cựu nhà ngoại giao Kunihiko Miyake cho biết quan hệ của Hoa Kỳ với Nhật Bản và các chính sách Đông Á có thể trở nên tương đối quan trọng hơn khi Trung Cộng trở nên hùng mạnh hơn.

Ông Miyake cho biết thêm rằng mâu thuẫn giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ sẽ không tan biến dưới thời một tổng thống mới, vì cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều đồng ý rằng Trung Cộng là đối thủ chiến lược chính của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là đồng minh quân sự chính thức duy nhất của Nhật Bản, và Trung Cộng là đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này.

Ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ Joe cam kết sẽ chiêu mộ các đồng minh cùng nỗ lực nhằm kiểm tra sự trỗi dậy của Trung Cộng. Theo tờ BLOOMBERG đưa tin, ông Miyake nói, sự phản đối trong nước sẽ khiến ông Biden khó có thể tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP mà tổng thống Trump đã từ bỏ.

Mặc dù một số người trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông Suga đã thúc giục một đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Cộng, nhưng chính phủ của ông đã tránh bất kỳ hành động nào có thể khiến quan hệ đi chệch hướng. Ông Miyake nói rằng Trung Cộng có thể sẽ cố gắng cải thiện mối quan hệ với Nhật Bản khi mâu thuẫn của họ với Hoa Kỳ kéo dài. (BBT)

https://www.sbtn.tv/cuu-dac-phai-vien-nhat-ban-cho-biet-hoa-ky-se-can-nhat-ban-nhieu-hon-khi-cang-thang-voi-trung-cong-gia-tang/

ĐCSTQ tiêu hủy vật phẩm in hình Kinh Thánh

 và phạt nặng chủ sở hữu

Vũ Dương

Ở Trung Quốc, ngay cả những món quà lưu niệm nhỏ có nội dung tôn giáo cũng đã trở thành mặt hàng bị cấm, những người sản xuất và phân phối những mặt hàng này đều bị chính phủ trừng phạt, theo Bitter Winter.

Ở Trung Quốc, các tín đồ nhiều khi mạo hiểm phân phát những món quà nhỏ như quạt và khăn ăn có nội dung Cơ Đốc giáo để truyền bá Phúc âm. Tuy nhiên, khi ĐCSTQ tiếp tục đàn áp mạnh tay đối với các in ấn phẩm có liên quan đến tôn giáo và các hoạt động truyền giáo, việc sở hữu và phân phối những món đồ này trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Vào tháng 7, hai thành viên của nhà thờ tại gia ở thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông đã bị bắt vì mua và phát tán những chiếc quạt có in nội dung Cơ Đốc giáo. Cảnh sát đã tịch thu hơn 200 nghìn cây quạt và một quyển sổ ghi chép của nhà thờ trong nhà của một hội viên, đồng thời phạt hội viên này 9.300 Nhân dân tệ (tương đương 1.390 đô-la Mỹ) với tội danh “truyền đạo bất hợp pháp”.

Vào tháng 4 năm nay, tín đồ của một nhà thờ tại gia ở thành phố Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc đã gửi một tin nhắn liên quan đến đặt mua “Cây quạt Phúc âm” trên WeChat. Ngày hôm sau, người truyền đạo này đã bị nhân viên của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất và Cục Công an điều tra.

Vào tháng 7/2019, một mục sư nhà thờ tại gia ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang cũng bị chính quyền khám xét và bắt giữ vì mua quạt có in nội dung Cơ Đốc giáo. Nhà chức trách đã tịch thu tất cả vật phẩm liên quan đến tôn giáo được tìm thấy trong nhà ông, bao gồm các quyển sách nhỏ, tấm thẻ và tờ rơi. Phía chính quyền thẩm vấn ông có liên hệ với nước ngoài hay không, buộc ông phải ký cam kết không tổ chức hội họp, không phân phát vật phẩm tôn giáo mới trả tự do cho ông.

“Vì trên chiếc quạt có in dòng chữ ‘Chỉ có Chúa Giê-su mới có thể cứu rỗi chúng ta’, người của chính phủ đã chất vấn vị mục sư tại sao chỉ có Chúa Giê-su mới có thể cứu ông mà ĐCSTQ lại không thể. Họ cũng nói rằng ông đã tin vào” tôn giáo nước ngoài ” và thù địch với chính phủ”, một tín đồ của giáo hội này chia sẻ.

Vào tháng 6/2019, người phụ trách một nhà thờ tại gia ở thành phố Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây đã mua 5.000 chiếc quạt có in các chương trong Kinh thánh. Ngay sau đó, công ty nơi ông đặt mua đã bị niêm phong. Cảnh sát đã tìm thấy ông qua hồ sơ đơn đặt hàng, bên chính quyền đã thẩm vấn ông về đơn đặt hàng và yêu cầu ông thu hồi lại tất cả số quạt đã được phân phát. Sau đó, giáo hội sở tại của ông cũng bị cấm.

Tháng 8/2020, một nhà thờ tại gia theo phái Tin Lành ở thành phố Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang đã đặt hàng hơn 20.000 gói khăn ăn có in các chương Kinh thánh trên bao bì. Ngày hôm sau sau khi các tín đồ vận chuyển số khăn ăn đến điểm hội họp, cục cảnh sát địa phương và quan chức trong Ban Tôn giáo đã  điều tra điểm hội họp này.

Các thành viên của nhà thờ nói với trang Bitter Winter rằng các quan chức và cảnh sát đã khám xét nhà của một hội viên, hội viên này và một tín đồ đã bị đưa đến đồn cảnh sát để thẩm vấn liên quan đến tình huống những chiếc khăn ăn và nguồn quỹ của nhà thờ. Họ vẫn bị cảnh sát giám sát sau khi họ được thả. Vài ngày sau, các quan chức chính phủ đã lấy “in ấn phẩm tôn giáo trái phép” như một cái cớ để thiêu hủy tất cả vật phẩm.

Vào tháng 9/2020, một nữ tín đồ ở tỉnh Hà Nam đã bị phạt vì cho khách hàng mượn một chiếc quạt có in nội dung Cơ Đốc giáo.

Hôm đó, đặc vụ đã đến cửa hàng của nữ tín đồ này với lý do muốn tham dự buổi sinh hoạt giáo hội. Trong thời gian này, nữ tín đồ này đã cho anh ta mượn một chiếc quạt có in nội dung Cơ Đốc giáo, điều này đã trở thành bằng chứng khiến bà bị xử phạt sau này, do đó chính quyền đã phạt tín đồ và người phụ trách của giáo hội tổng cộng 13.000 Nhân dân tệ (khoảng 1.940 đô-la Mỹ) với lý do “Tổ chức các hoạt động tôn giáo tại các địa điểm phi tôn giáo”.

Giáo hội sở tại của tín đồ này mau chóng bị cấm. Để loại bỏ hoạt động hoàn toàn của giáo hội, các quan chức chính quyền còn ép buộc chủ nhà của địa điểm tụ họp không cho giáo hội thuê nữa.

https://www.dkn.tv/the-gioi/chi-can-lien-quan-den-ton-giao-la-co-toi-dcstq-tieu-huy-vat-pham-co-in-kinh-thanh-va-phat-nang-nhung-ai-so-huu.html

Cộng đồng LGBT và nhóm chống chính phủ Thái Lan

 tham gia cuộc diễn hành Pride

Tin từ Bangkok – Hôm thứ Bảy (7/11), hơn 1,000 người thuộc cộng đồng LGBT Thái Lan và những người biểu tình chống chính phủ đã tham gia Cuộc diễn hành Pride để kêu gọi quyền bình đẳng cũng như đòi lật đổ Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và cải cách chế độ quân chủ.

Phong trào biểu tình nổi lên vào tháng 7 đã thu hút nhiều nhóm lợi ích nhằm thúc đẩy dân chủ và nhân quyền lớn hơn ở Thái Lan. Những người thuộc cộng đồng LGBT mặc các trang phục sặc sỡ đã tuần hành ở thủ đô Bangkok cùng với những sinh viên và thanh niên biểu tình.

Các cuộc biểu tình diễn ra với mục đích ban đầu là đòi lật đổ ông Prayuth, một cựu lãnh đạo quân đội mà những biểu tình cho rằng ông đã dàn xếp cuộc bầu cử năm ngoái để nắm quyền lực. Nhưng sau đó các cuộc biểu tình cũng đã phá vỡ những điều cấm kỵ lâu năm do kiềm chế quyền lực của Vua Maha Vajiralongkorn.

Ông Prayuth nói rằng cuộc bầu cử năm ngoái đã diễn ra một cách công bằng và đã từ chối từ chức. Cung điện không đưa ra bình luận chính thức nào về các cuộc biểu tình, nhưng cuối tuần trước, khi được hỏi về những người biểu tình, nhà vua trả lời rằng chính quyền yêu quý tất cả người dân như nhau. Một cuộc biểu tình chống chính phủ khác sẽ diễn ra vào Chủ nhật (8/11). (BBT)

https://www.sbtn.tv/cong-dong-lgbt-va-nhom-chong-chinh-phu-thai-lan-tham-gia-cuoc-dien-hanh-pride/

Bất chấp các cáo buộc diệt chủng, đảng của

bà Aung San Suu Kyi đang trên đà

giành chiến thắng tại cuộc bầu cử

Myanmar sẽ tiến hành bỏ phiếu vào hôm Chủ nhật (8/11) trong cuộc tổng tuyển cử dân chủ thứ hai kể từ khi chấm dứt chế độ quân sự. Một cuộc thăm dò dự kiến sẽ diễn ra liên quan đến sự chia rẽ sắc tộc và lo lắng vấn đề coronavirus.

Người từng đoạt giải Nobel Aung San Suu Kyi và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà đã giành chiến thắng vang dội vào năm 2015 và thành lập chính phủ dân sự đầu tiên sau 50 năm bị cô lập và độc tài quân sự. Tại thành phố lớn nhất Yangon, người dân đã rất lạc quan và hy vọng rằng bà Suu Kyi sẽ dẫn dắt đất nước tiến lên trong quá trình phát triển và chuyển đổi dân chủ. Năm năm sau, bà Suu Kyi vẫn được cộng đồng dân tộc thiểu số Bamar ủng hộ và đảng NLD dự kiến sẽ giành được một chiến thắng nữa.

Nhưng năm 2020 khác hẳn với năm 2015 do một loạt sự việc đã xảy ra như cáo buộc diệt chủng, dịch COVID-19, và xung đột sắc tộc. Trên bình diện quốc tế, bà Suu Kyi không còn là biểu tượng dân chủ từng được yêu mến ở phương Tây, chủ yếu là do bà đã không lên án cuộc đàn áp quân sự chống lại cộng đồng người Hồi giáo Rohingya.

Liên Hiệp Quốc cáo buộc cuộc đàn áp có dấu hiệu của tội ác diệt chủng. Dù vậy Myanmar phủ nhận cáo buộc và tuyên bố từ lâu đã nhắm vào những kẻ khủng bố. Hai lời hứa lớn mà đảng NLD đã tuyên bố vào năm 2015 về cải cách hiến pháp và tiến trình hòa bình đã không được thực hiện. Nhưng bà Suu Kyi vẫn được ủng hộ đông đảo. (BBT)

https://www.sbtn.tv/bat-chap-cac-cao-buoc-diet-chung-dang-cua-ba-aung-san-suu-kyi-dang-tren-da-gianh-chien-thang-tai-cuoc-bau-cu/