Tin Việt Nam – 07/11/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 07/11/2020

Những phát ngôn xúc phạm trí tuệ người Việt của các bộ trưởng Cộng sản tại họp Quốc hội

Tin Vietnam.- Tại kỳ họp thứ 10, quốc hội  khoá 14 vào ngày 5 tháng 11 năm 2020 của Cộng sản Việt Nam, nhiều viên chức Cộng sản ở cấp Bộ trưởng đã có những phát biểu vừa gây bất mãn dư luận, vừa xúc phạm trí tuệ của người Việt khi đưa ra những câu trả lời, những giải thích không ai có thể tưởng tượng ra được.

Thí dụ như chuyện giải thích về vấn đề bão lũ vừa diễn ra ở miền Trung, Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Cộng sản nói rằng, lượng mưa lên đến 2,000 đến 4,000 mm thì đây là trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa nữa. Và các thảm hoạ thiên tai vừa qua không phải là do lỗi của các thuỷ điện nhỏ xây dựng chi chít trên các con sống, vì ở Na Uy có rất nhiều thuỷ điện nhỏ. Ông Hà cũng giải thích việc phá rừng với tên gọi chuyển đổi mục đích rừng là để cho người dân có không gian phát triển dân cư, đô thị vì dân số sắp vượt mức 100 triệu dân.

Cũng tương tự như Trần Hồng Hà là phát biểu của Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Mặc dù năm nào nhà cầm quyền Cộng sản cũng báo cáo các dự án đồng ý phá rừng để xây dựng các dự án kinh tế khác, nhưng ông Cường vẫn báo cáo diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam luôn tăng trong vòng 30 năm qua. Ông Cường giải thích, các diện tích trồng cây kinh tế như cao su, cà phê, hồ tiêu, điều đều được tính vào diện tích cây rừng, nên tạo độ che phủ rừng.

Ngoài ra, vào chiều 4 tháng 11, ông Cường còn nói, diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam bị mất là do đế quốc Mỹ rải 77 triệu lít thuốc hoá học xuống miền Trung làm huỷ hoại 2 triệu ha rừng. Được biết, ngoài những phát ngôn mang tính xem thường nhân dân, và xúc phạm trí tuệ người Việt của 2 viên chức Cộng sản trên, thì các viên chức Cộng sản khác từ Tổng bí thư cho đến Thủ tướng Cộng sản khác cũng có những câu nói tương tự.

An Nhiên 

https://www.sbtn.tv/nhung-phat-ngon-xuc-pham-tri-tue-nguoi-viet-cua-cac-bo-truong-cong-san-tai-hop-quoc-hoi/

Chánh án toà tối cao Cộng sản tuyên bố

không có trường hợp người bị kết án oan

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet loan tin, tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội Cộng sản khoá 14 vào sáng 6 tháng 11 năm 2020, Nguyễn Hoà Bình, Chánh án Toà tối cao Cộng sản đã tuyên bố: trong các phiên toà xét xử vụ án hình sự, ngành toà án Cộng sản đã bảo đảm xử đúng người, đúng tội đúng pháp luật nên ông Bình chưa phát hiện ra ở Việt Nam có trường hợp kết án oan người không có tội. Ngoài ra, ông Bình còn khẳng định việc ngành toà án Cộng sản không có độc lập xét xử khi nói rằng, chính ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương Cộng sản đã ra lệnh các toà án Cộng sản.

Cũng phát biểu tương tự như ông Bình với tư cách là người đứng đầu Viện kiểm sát tối cao Cộng sản, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng nói rằng, việc giám sát của Viện kiểm sát Cộng sản đã góp phần bảo đảm khởi tố vụ án, bắt, tạm giữ, tạm giam và điều tra đúng pháp luật.

Phát ngôn của cả ông Bình, và ôngTrí đã khiến dư luận Việt Nam bất mãn, vì trong những năm trở lại đây, việc những tù nhân và thân nhân của họ đi kêu oan ngày càng nhiều. Thí dụ như vụ án tử tù Hồ Duy Hải, và một số tử tù khác đã liên tục kêu oan, luật sư bào chữa cho họ liên tục đưa ra những bằng chứng ngoại phạm cũng như các vi phạm nghiêm trọng của ngành tố tụng Cộng sản. Nhưng tất cả đều bị ngành tố tụng Cộng sản làm ngơ, có tai như điếc, có mắt như mù trước lời kêu cứu thống khổ của người dân, nhằm bao che cho tội ác.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/chanh-an-toa-toi-cao-cong-san-tuyen-bo-khong-co-truong-hop-nguoi-bi-ket-an-oan/

Cựu hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng

 được điều chuyển công tác theo nguyện vọng

Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, ông Lê Vinh Danh, bị cách chức vừa được trường quyết định điều chuyển công tác đến Khoa Tài chính-Ngân hàng, theo đúng nguyện vọng của ông.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 6/11, dẫn nguồn tin từ Phòng Tổ chức hành chính của Đại học Tôn Đức Thắng cho biết trường ra quyết định vừa nêu đối với ông Lê Vinh Thanh bắt đầu từ ngày 5/11 và công việc cụ thể sẽ do trưởng khoa phân công.

Ông Lê Vinh Danh đảm trách chức vụ hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng từ tháng 7/2007 và là giảng viên của trường cho đến khi bị cách chức vào ngày 23/10/2020.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, hồi trung tuần tháng 7/2020, công bố quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với ông Danh, do có một số sai phạm trong công việc. Các sai phạm của ông Danh được liệt kê bao gồm vi phạm trong công tác quản lý hành chính như duyệt chi hàng chục tỷ đồng không đúng quy định và chỉ đạo mua sắm tài sản gây thiệt hại cho trường 29 tỷ đồng; thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, đấu thầu, chỉ định thầu, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng không đảm bảo quy hoạch, thầm quyền, thủ tục theo quy định; chi trả lương, thu nhập cán bộ, giảng viên, nhân viên của ĐH Tôn Đức Thắng chưa đảm bảo công khai, minh bạch.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vào hạ tuần tháng 8, quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Vinh Danh trong 90 ngày để xem xét xử lý khuyết điểm, vi phạm của ông Danh theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM.

Ông Danh, vào hôm 1/9, đã nộp đơn khởi kiện quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông. Tuy nhiên, Tòa án Nhân dânTP.HCM trả lại đơn kiện, với lý do là quyết định đình chỉ công tác đối với ông Danh mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức theo quy định Luật Tố tụng Hành chính 2015.

Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vào ngày 23/10 ra quyết định cách chức hiệu trưởng đối với ông Lê Vinh Danh.

Phó thủ tướng Việt Nam, Vũ Đức Đam, vào ngày 6 tháng 11 trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân ( Đoàn Cà Mau) về việc cách chức hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng đối với Ông Lê Vinh Danh. Theo lời ông Vũ Đức Đam được truyền thông Nhà nước dẫn lại rằng Luật Giáo dục Đại học của Việt Nam có qui định Hội đồng Trường là cơ quan quyết định các chức danh lạnh đạo trường, bao gồm cả hiệu trưởng và hiệu phó; nếu có hội đồng trường mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xử lý hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng mà không căn cứ vào đề nghị của hội đồng trường thì không đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, vào thời điểm kỷ luật Ban giám hiệu trường Đại học Tôn Đức Thắng thì Hội đồng trường cũ hết nhiệm kỳ và chưa có Hội đồng mới.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-principal-of-ton-duc-thang-university-assigned-under-his-wish-11062020123141.html

7 công an bị bắt giam

vì dính líu nhận tiền của tội phạm ma túy

Công an TP.HCM vừa bắt giam 7 công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú để điều tra, do bị cáo buộc đã nhận tiền của tội phạm ma túy.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 6/11, loan tin vừa nêu.

Tin cho biết 7 công an mới vừa bị bắt tạm giam gồm trưởng và phó công an phường Phú Thọ Hòa cùng với 5 công an viên của phường. Cả 7 người bị khởi tố với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra-Công an TP.HCM cho biết vụ việc xảy ra hồi tháng 9/2019, một số công an phường Phú Thọ Hòa trong quá trình bắt giữ nghi can mua bán tàng trữ ma túy đã bị cáo buộc nhận tiền từ người nhà của nghi can để “thay đổi hành vi phạm tội”. Nghi can ma túy này được thả về nhà sau khi các công an phường Phú Thọ Hòa nhận được số tiền “chung-chi”.

Một vụ việc diễn ra tương tự vào tháng 12/2019.

Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với 7 cán bộ công an phường Phú Thọ Hòa sau khi điều tra 2 vụ việc vừa nêu.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/seven-polices-arrested-on-allegation-of-bribery-from-drug-criminals-11062020122551.html

Cảnh báo ‘tin tặc Việt Nam lập trang tin giả

về Đại hội 13, chính trị giật gân để cài virus’

Nhóm tin tặc OceanLotus, nghi là liên quan Việt Nam, đã lập hàng loạt trang web tin tức và trang Facebook để lừa người đọc, từ đó cài virus vào máy tính của họ để theo dõi, theo công ty an ninh mạng đặt tại Washington DC có tên Volexity.

FireEye: ‘Tin tặc VN tấn công chính phủ TQ để lấy thông tin có lợi cho VN’

Tin tặc VN đột nhập mạng công ty nước ngoài và giới bất đồng chính kiến

Reuters: Tin tặc VN tấn công TQ để lấy tin về virus corona?

Volexity nói nhóm tin tặc OceanLotus đã lập ra hàng loạt trang tin tức mang chủ đề chính trị, chống tham nhũng, trông có vẻ rất thuyết phục nhưng thực chất nhằm lừa và cài đặt phần mềm xấu vào máy người đọc.

Ví dụ có trang lấy địa chỉ là nhansudaihoi13.org, ra vẻ đưa tin về Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, cộng thêm trang của họ trên Facebook.

Các tin tức chủ yếu sao chép tự động từ các trang báo chí truyền thống, có vẻ dùng plugin của WordPress.

Volexity tin rằng có hai cách để các trang giả mạo này nhắm vào độc giả.

Một là cơ chế mà họ gọi là “profiling framework” có sẵn trong các trang web này, dùng để xác minh danh tính và đánh giá thông tin về người thăm trang web.

Hai là nhắm trực diện vào từng cá nhân bằng cách gửi đường dẫn có virus cho độc giả bằng cách lừa đảo (phishing) và gửi trực tiếp tin nhắn qua mạng xã hội như Facebook.

Khi người đọc vào thăm các trang tin giả này, công cụ tấn công dùng JavaScript được mở ra. Thông thường sẽ có hai đoạn mã được sử dụng:

Một mã dùng để lưu trữ thông tin về khách thăm.

Một mã dùng để lừa độc giả download về máy phần mềm giả hoặc tài liệu giả.

Volexity, trong nghiên cứu, lấy ví dụ trang giả mạo có tên baomoivietnam.com. Độc giả có thể bấm vào xem một tin về đại học Tôn Đức Thắng. Sau khi họ vào, công cụ JavaScript sẽ bật lên, mời họ xem một video.

Trang sẽ hiện ra hộp thoại bảo rằng có video đang mở ra.

Nếu khách dùng máy hệ điều hành Windows, sau vài giây, video không chạy và có thông báo hãy cài đặt Flash Player ngay. Một file, ví dụ có tên Adobe_Flash_Install.rar, hiện ra, mời người đọc download về để rồi bị nhiễm virus Cobalt Strike.

Nếu khách dùng điện thoại chạy iOS hay Android, họ sẽ thấy có hình nói video yêu cầu phải đăng nhập thì mới được xem, và dĩ nhiên đây chỉ là cái bẫy.

Volexity cảnh báo nhóm tin tặc OceanLotus đang tiếp tục nhắm vào người dùng bằng cách lập ra nhiều trang web tương tự.

Họ khuyên người dùng phải cẩn thận khi xem các trang web, đặc biệt là các trang được giới thiệu qua email, đoạn chat, tin nhắn, hay SMS.

Và dù thăm trang web nào, họ cảnh báo người dùng phải thận trọng nếu được mời gọi download hay đăng nhập với thông tin cá nhân.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54853968

Nhiều người Việt quan tâm bầu cử ở Mỹ

nhưng thờ ơ chuyện bầu bán ở nhà!

Diễm Thi, RFA

Mấy tuần qua, mạng xã hội tràn ngập bình luận, hình ảnh của hai ứng cử viên Tổng Thống Mỹ. Một người thuộc Đảng Cộng Hòa là đương kim Tổng Thống Donald Trump. Một người thuộc Đảng Dân Chủ là cựu phó Tổng Thống Joe Biden.

Trong khi đó, sinh hoạt đại hội đảng tại các địa phương bầu chọn những người đi dự đại hội đảng toàn quốc vào đầu năm tới nhằm bầu ra các chức vụ lãnh đạo trong nước dường như im ắng trên mạng xã hội.

Theo dự kiến, đại hội 13 sẽ diễn ra vào đầu năm tới để bầu ra các vị lãnh đạo quốc gia trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Tổng Bí thư. Tất cả đều theo thủ tục quy định tại Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng của Ban Chấp hành Trung ương.

Một nhà nghiên cứu về biển Đông, ông Đinh Kim Phúc nhận xét rằng, hầu như những người quan tâm đến chính trị ở Việt Nam đều đặc biệt quan tâm đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 này. Họ quan tâm đến tiến trình bầu cử cũng như quan điểm của hai ứng viên khi đi vận động. Từ đó dẫn đến việc anh em, bạn bè từng cà phê thuốc lá với nhau bất đồng quan điểm lại ‘mạt sát’ nhau, thậm chí không nhìn mặt nhau. Ông giải thích về hiện tượng này:

Vì bầu cử trong nước từ trước đến nay thì người dân không được trực tiếp lựa chọn. Hình thức bầu cử của Việt Nam là Mặt trận tổ quốc và các cơ quan chức năng hiệp thương với sự lãnh đạo của đảng đưa ra một danh sách cho dân bầu. Gọi là đảng cử, dân bầu. – Ông Đinh Kim Phúc

“Vì sao vậy? Vì bầu cử trong nước từ trước đến nay thì người dân không được trực tiếp lựa chọn. Hình thức bầu cử của Việt Nam là Mặt trận tổ quốc và các cơ quan chức năng hiệp thương với sự lãnh đạo của đảng đưa ra một danh sách cho dân bầu. Gọi là đảng cử, dân bầu.

90% đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đều là đảng viên Đảng Cộng Sản. Quá trình mong muốn được cầm lá phiếu bầu trực tiếp, quá trình mong muốn được tự do ứng cử, tự do vận động… ở Việt Nam không có. Chính cái khát khao đó làm người ta đổ sang theo dõi bầu cử Mỹ. Coi như cuộc bỏ phiếu lần thứ hai của người dân sau việc ùn ùn đổ tiền cho ca sĩ Thủy Tiên đi cứu trợ.

Hai hiện tượng này xảy ra trong một tháng đã nói lên cái tâm tư, nguyện vọng của người dân Việt Nam. Họ mong muốn có một cuộc bầu cử theo thể thức của các nước dân chủ trên thế giới. Nhưng điều đó không thể được vì theo Điều 4 Hiến pháp là đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện.”

Theo Giáo trình Hiến pháp Việt Nam, thuật ngữ bầu cử được cho là gắn mật thiết với khái niệm dân chủ, trong đó những cuộc bầu cử tự do và công bằng là phương thức đảm bảo cho việc tôn trọng các quyền tự do, dân chủ đó. Theo đó, trong một nền dân chủ, quyền lực của Nhà nước chỉ được thực thi khi có sự nhất trí của người dân. Cơ chế căn bản để chuyển sự nhất trí đó thành quyền lực Nhà nước là tổ chức bầu cử tự do và công bằng. Bầu cử cũng được hiểu là cách thức nhân dân trao quyền cho Nhà nước và với tư cách là một chế độ tiên tiến, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thể bằng một phương pháp nào khác hơn là bầu cử để thành lập ra các cơ quan của mình.

Thực tế bầu cử ở Việt Nam không như những gì được rao giảng trong Giáo trình Hiến pháp bởi quy chế ‘đảng cử, dân bầu’. Theo nhiều nhà quan sát thì chính điều này đã thu hút nhiều người dân trong nước quan tâm đến cuộc bầu cử tự do ở Mỹ.

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam cho rằng, đây là dịp để người Việt Nam tìm hiểu và học hỏi về cách thức bầu cử ở Mỹ công khai, minh bạch như thế nào. Điều mà ở Việt Nam họ không có được. Bà nói thêm lý do vì sao đa số người dân không quan tâm đến bầu cử trong nước:

“Ở Việt Nam không có những hoạt động như thế. Những cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên đã cho những người quan tâm hiểu biết hơn những vấn đề đang xảy ra ở nước Mỹ cũng như những giải pháp được đưa ra.

Bầu cử trong nước thực sự nó không thể giống bên Mỹ. Những cuộc bầu cử trong nước thì người dân không có dịp bàn luận gì cả. Cái gì cũng trong tổ chức, có những cuộc họp chính thức và mọi người chỉ bàn luận trong những cuộc họp chính thức đó thôi. Tức là các đại biểu họp và bàn luận chứ dân chúng đâu có biết nội dung cuộc họp. Tất nhiên họ cũng đưa lên báo nhưng báo chí thì một chiều, không có tương tác. Vì thế dân không quan tâm.”

Là một nhà báo tự do, ông Ngô Nhật Đăng có dịp đi qua một số nước, tiếp xúc với cộng đồng người Việt cũng như người bản xứ ở đó. Ông nêu một vài yếu tố mà ông nhận thấy có thể lý giải cho hiện tượng nhiều người Việt trong nước quan tâm mạnh mẽ đến bầu cử ở nước Mỹ năm nay:

“Thứ nhất, người ta có sự so sánh về cách tổ chức bầu cử rất dân chủ của Mỹ và bầu cử không có dân chủ ở Việt Nam. Nó phản ánh nguyện vọng của người dân là nhìn để mà mơ ước, không biết đến bao giờ Việt Nam mới có một cuộc bầu cử dân chủ như thế.

Thứ hai, nếu nhìn sâu vào văn hóa, truyền thống thì chúng ta thấy giữa người dân Mỹ và người Việt Nam nó có một cái gì đó gần gũi. Có lẽ từ rất sâu trong lịch sử, Mỹ là đất nước của di dân và người Việt Nam chúng ta cũng mang giòng máu di dân. Ông bà từ ngày xưa di cư từ Bắc vào Nam sau 1954, rồi hàng triệu người bỏ nước ra đi sau 1975 chấp nhận mọi hiểm nguy.”

Ông Ngô Nhật Đăng nói thêm rằng, so với cộng đồng người Việt ở các nước khác trên thế giới thì cộng đồng người Việt ở Mỹ đông nhất. Họ thành công một cách đặc biệt và được tôn trọng. Do đó, người Việt trong nước cũng có mối liên hệ và quan tâm đặc biệt với những gì xảy ra ở Mỹ.

Thứ nhất, người ta có sự so sánh về cách tổ chức bầu cử rất dân chủ của Mỹ và bầu cử không có dân chủ ở Việt Nam. Nó phản ánh nguyện vọng của người dân là nhìn để mà mơ ước, không biết đến bao giờ Việt Nam mới có một cuộc bầu cử dân chủ như thế.- Ông Ngô Nhật Đăng

Nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ, giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nêu nhận xét của ông:

“Tôi nghĩ người Việt Nam trong nước khát khao được bầu cử tự do. Tuy nhiên điều đó không được nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép. Từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa và sau đó là Nhà nước CHXHCN Việt Nam thì chưa có một cuộc bầu cử tự do thật sự nào được tổ chức.

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 không phải là cuộc bầu cử tự do vì theo một số tài liệu tôi được đọc thì số ghế trong Quốc Hội do ông Hồ phân chia. Mặc dù đó là cuộc bầu cử được coi như đa nguyên nhiều chính đảng.”

Sau ngày 02 tháng 9 năm 1945, Việt Nam đã thành một nước độc lập, tự do. Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là cơ quan điều hành nhà nước cao nhất giữ trọng trách lịch sử chỉ đạo toàn dân thực thi các nhiệm vụ cấp bách về nội trị, ngoại giao, về quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội đợi đến ngày bầu Quốc hội để cử ra một Chính phủ chính thức, hợp pháp, hợp hiến.

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tổ chức vào ngày 6 tháng 1 năm 1946, diễn ra tại 71 tỉnh thành trong cả nước theo lối phổ thông đầu phiếu và lựa chọn ra 333 đại biểu cho Quốc hội khóa I.

Theo trang tin Điện tử Ban quản lý lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh, trong trả lời một nhà báo nước ngoài vào ngày 16 tháng 7 năm 1947, ông Hồ Chí Minh nói rằng: Quốc hội Việt Nam là do toàn dân đầu phiếu cử ra. Tất cả đàn ông và đàn bà 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử.

Thực tế sau hơn 70 năm, trong những cuộc bầu cử lâu nay đều là ‘đảng cử, dân bầu’. Cách thức bầu cử này bị nhiều người Việt Nam hiểu biết cho là ‘dân chủ giả hiệu’ vì họ không được trực tiếp bầu chọn người mà họ tin tưởng, có đủ năng lực, phẩm chất để đại diện cho họ.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-are-many-vns-in-the-country-interested-in-voting-in-the-us-dt-11062020133215.html

Nữ đại biểu làm nóng nghị trường quốc hội:

 ‘Nghe Bộ trưởng phát biểu thấy vô lý và sai sai’

Mạnh Đức

Chiều 5/11, đại biểu tỉnh Gia Lai – bà Ksor H’Bơ Khăp đã khiến nghị trường quốc hội ‘nóng lên’ khi chất vấn Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về tính trung thực và trách nhiệm khi báo cáo.

‘Bộ trưởng nói rất vô lý, có gì đó thực sự sai sai’

Trong phần tranh luận với Bộ trưởng Nông nghiệp, bà Ksor H’Bơ Khăp dẫn con số ông Nguyễn Xuân Cường báo cáo về thành tích gây rừng và cho biết nó “vô lý và sai sai”.

Bà Ksor H’Bơ Khăp chất vấn: “Bộ trưởng nói từ lúc 9 triệu lên 14 triệu (ha rừng), nhưng con số đó rất là vô lý và có cái gì đó thực sự là sai sai. Mỗi kỳ họp chúng ta liên tục được nghe những dự án, công trình để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ – đó là rừng tự nhiên, thì làm gì có con số 14 triệu đấy?”.

Nữ đại biểu này cho biết cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng. “Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó được hết. Cây cao su không chỉ trồng ở Tây Nguyên mà còn trồng cả ở Tây Bắc. Tôi nghĩ, Bộ trưởng cần nghiên cứu lại dự án này cần điều chỉnh như thế nào với các cây gỗ rừng tự nhiên”.

Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp báo cáo, rừng của Việt Nam đã tăng lên trong 30 năm qua. Từ chỗ 9 triệu ha năm 1990, đến nay diện tích rừng ở Việt Nam là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu. Ông Cường  cho rằng “đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và cả hệ thống chính trị”.

Trong phiên chất vấn ngày 3/11, ông Cường cũng gây tranh cãi khi phát ngôn “rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 77 triệu lít thuốc hoá học đã huỷ hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung”.

‘Pin mặt trời để đưa lên mặt trăng hay nướng bò một nắng?‘

Mở đầu phần tranh luận với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, bà Ksor H’Bơ Khăp bày tỏ quan điểm rằng “Bộ trưởng chưa làm hết trách nhiệm của mình”.

Vấn đề nữ đại biểu này nói đến là việc xử lý các tấm pin mặt trời của các dự án điện mặt trời mà Bộ trưởng Tuấn Anh báo cáo trước đó.

“Bộ trưởng không thể đổ thừa cho địa phương, cũng không thể nói rằng có quy định của luật về việc xử lý, rồi chủ đầu tư có trách nhiệm xử lý. Cái chúng tôi cần là người đứng đầu ngành có phương án gì với việc đó”.

“Bây giờ điện năng lượng, pin năng lượng tràn lan. Sau này pin đó dùng để làm gì? Dùng để nướng bò một nắng hay sao, vì vùng lòng chảo của chúng tôi có đặc sản là bò một nắng, heo một nắng. Thế những tấm pin đó sẽ xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay dùng để tiếp tục làm món đặc sản bò một nắng?”, bà Ksor H’Bơ Khăp lên tiếng.

Trước đó, ông Tuấn Anh nói, về các tấm pin năng lượng, Thủ tướng đã quyết định giao cho Bộ KH-CN nghiên cứu, lên phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn. Ông Tuấn Anh nói thêm, quy định hiện nay, tất cả các chủ đầu tư đều phải chịu trách nhiệm về xử lý các tấm pin năng lượng.

https://www.dkn.tv/thoi-su/1539734.html

Điểm tin trong nước sáng 7/11: Việt Nam muốn

mua vắc xin virus Vũ Hán của Trung Quốc và Nga

Mạnh Đức 

Mục lục bài viết

Việt Nam muốn mua vắc xin virus Vũ Hán của Trung Quốc và Nga

Cách ly khoa hồi sức cấp cứu BV đa khoa Quảng Ninh

Bộ trưởng TT-TT: Yêu cầu định danh người sử dụng mạng xã hội

Thêm 3 cơn bão đe dọa miền Trung Việt Nam những ngày tới

6 người Việt tử vong trong vụ tai nạn ôtô ở Campuchia

Mục Điểm tin trong nước sáng thứ bảy (7/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Việt Nam muốn mua vắc xin virus Vũ Hán của Trung Quốc và Nga

Bộ Y tế Việt Nam đang làm việc với nhiều đối tác, trong đó có Trung Quốc và Nga về việc mua vắc xin phòng virus cúm Vũ Hán. Tuy nhiên, việc mua vắc xin này chưa chắc chắn vì nhu cầu cao hơn năng lực sản xuất.

Thông tin trên được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra trong phiên họp Quốc hội vào sáng ngày 6/11, theo truyền thông trong nước.

Ông Đam nhấn mạnh rằng, “mua vắc xin phòng virus cúm Vũ Hán sớm không hề dễ”.

Phó Thủ tướng cho biết thêm, hiện trên thế giới có hơn 150 ứng viên sản xuất vắc xin phòng virus cúm Vũ Hán. Trong đó Việt Nam có 4 cơ sở nghiên cứu và có 2 đơn vị được đánh giá đi tiên phong. Dự kiến cuối năm 2020, vắc xin bắt đầu được thử nghiệm giai đoạn 1 trên người.

Cách ly khoa hồi sức cấp cứu BV đa khoa Quảng Ninh

Pháp luật TP.HCM đưa tin, ngày 6/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết bệnh viện này đã cách ly đội ngũ y bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu tham gia điều trị cho bệnh nhân từ Nga nhập cảnh vào Quảng Ninh xét nghiệm dương tính với virus Vũ Hán.

Bệnh viện này cũng tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân mới vào điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu.

Trước đó, chiều 3/11, Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân từ Nga nhập cảnh vào Quảng Ninh qua sân bay Vân Đồn có dấu hiệu bị viêm phổi. Bệnh nhân được cách ly điều trị tại phòng áp lực âm – khoa Hồi sức cấp cứu.

Tới ngày 5/11, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2. Tối 5/11, bệnh nhân đã được chuyển về bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 để điều trị.

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, bệnh nhân dương tính COVID-19 từ Nga nhập cảnh vào sân bay Vân Đồn sáng 31/10 trên chuyến VN5062 xuất cảnh có 347 hành khách. Bệnh nhân 54 tuổi, trú TP Hà Nội, sống ở Nga, khi nhập cảnh vào Việt Nam đã được cách ly tại 1 khách sạn ở TP Hạ Long.

Bộ trưởng TT-TT: Yêu cầu định danh người sử dụng mạng xã hội

Theo VnExpress, trong phiên chất vấn của Quốc hội chiều 6/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giải đáp nhiều câu hỏi của các đại biểu xung quanh vấn đề quản lý mạng xã hội, vấn nạn tin giả…, ông Hùng cho biết, trong thời gian tới, đặc biệt trong năm 2021, sẽ yêu cầu định danh người sử dụng mạng xã hội.

“Đây là giải pháp căn cơ, để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội là vô danh để rồi vô trách nhiệm”, ông Hùng nói.

Ông Bộ trưởng cho biết, tin sai và tin giả đang là vấn nạn toàn cầu. Tin giả ở Việt Nam chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới, mà chủ yếu nữa, là Facebook và YouTube.

Ông Hùng khẳng định, Việt Nam là một nước có chủ quyền trên không gian mạng, do vậy, các nền tảng nội dung xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Thêm 3 cơn bão đe dọa miền Trung Việt Nam những ngày tới

Miền Trung Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi ít nhất 3 cơn bão nữa đang tiến vào Biển Đông trong những ngày tới.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, bão Atsani vào lúc 13 giờ ngày 6/11 đang ở trên vùng biển phía Nam đảo Đài Loan với sức gió gần tâm bão là cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão sẽ chuyển hướng đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 11 hướng vào Việt Nam.

Trong khi đó, vào khoảng ngày 8/11, một cơn bão/ áp thấp nhiệt đới khác sẽ đi vào Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung bộ trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 11/11.

Từ ngày 12 đến 13/11, trên Biển Đông có thể xuất hiện thêm một cơn bão/áp thấp nhiệt đới nữa có khả năng hướng về miền Trung Việt Nam.

6 người Việt tử vong trong vụ tai nạn ôtô ở Campuchia

11 người quê Nghệ An, Hà Tĩnh nhập cảnh từ Tây Ninh vào Campuchia, trên đường đi về hướng biên giới Thái Lan thì gặp nạn.

Theo báo VnExpress, ôtô 9 chỗ do tài xế người Campuchia cầm lái, chở 11 người Việt chạy trên quốc lộ 6, khuya 5/11 thì lao xuống kênh ngập nước, lật ngửa. Vụ tai nạn khiến 6 người Việt cùng tài xế tử vong tại chỗ, 5 người còn lại bị thương, được đưa đi cấp cứu.

Vị trí xảy ra tai nạn cách biên giới Tây Ninh khoảng 700 km, cách biên giới Thái Lan 120 km. Nguyên nhân bước đầu được xác định do tài xế ngủ gật.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-7-11-viet-nam-muon-mua-vac-xin-virus-vu-han-cua-trung-quoc-va-nga.html

Điểm tin trong nước tối 7/11:

Việt kiều đóng góp gần 12 tỷ đồng cứu trợ miền Trung;

Những phát ngôn ấn tượng tại Quốc hội

Hiểu Minh

Mục lục bài viết          

Việt kiều đóng góp gần 12 tỷ đồng cứu trợ miền Trung

Những phát ngôn ấn tượng nhất trong ngày đầu Quốc hội chất vấn

Quảng Nam: Lũ quét kinh hoàng, 1 ngôi làng ở xã Trà Leng bị ‘xóa sổ’

Khởi tố vụ án đường tránh 250 tỷ đồng bị sụt lún

Mục Điểm tin trong nước tối thứ bảy (7/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Việt kiều đóng góp gần 12 tỷ đồng cứu trợ miền Trung

Uỷ ban Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua cho biết, người Việt ở nước ngoài trong khoảng hai tuần qua đã đóng góp gần 12 tỷ đồng để cứu trợ người dân chịu ảnh hưởng lũ lụt ở miền Trung.

Cụ thể, số tiền đóng góp hơn 11,8 tỷ đồng và hơn 3,8 triệu Won đã được gửi cho MTTQ và Bộ Ngoại giao Việt Nam từ các cá nhân và tập thể người Việt ở Mỹ, Đức, Thụy Sỹ, Australia….

Trong báo cáo gửi Quốc hội gần đây, chính phủ Việt Nam cho biết các đợt thiên tai vừa qua gây thiệt hại kinh tế khoảng 17.000 tỷ đồng, làm 235 người chết và mất tích…

Những phát ngôn ấn tượng nhất trong ngày đầu Quốc hội chất vấn

Trong phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội, đã có những phát ngôn ấn tượng, đi vào những vấn đề nóng của xã hội. Báo Dân Việt ngày 7/11 đã điểm lại 8 phát ngôn ấn tượng nhất:

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Trường Tôn Đức Thắng là một mô hình tốt”

Ông Đam đã đưa ra nhận xét như vậy khi trả lời đại biểu Lê Thanh Vân xung quanh việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng Lê Vinh Danh đúng thẩm quyền hay sai.

Đại biểu tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân: “Chức danh Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng chưa có hội đồng trường quyết định thì hiệu trưởng đấy chưa bị bãi miễn, chưa bị cách chức.”

Ông Lê Thanh Vân đã tranh luận lại sau phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về vụ việc trên.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà: “Tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn cả trời!”

Ông Hà đã nói như vậy khi trả lời chất vấn xung quanh vấn đề xây dựng thủy điện và tầm quan trọng của rừng.

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (tỉnh Gia Lai): “Bộ trưởng tiếp tục ủng hộ xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không?”

Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nữ đại biểu này đã thẳng thắn nêu câu hỏi như trên.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: “Tôi xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội.”

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân là người duy nhất nhận trách nhiệm trước Quốc hội trong buổi chất vấn vừa qua. Ông đã thẳng thắn khi nhận trách nhiệm về việc chậm tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo Nghị quyết 56 của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Phát hiện thông tin xấu, độc thì dễ nhưng phát hiện video xấu độc rất khó.”

Ông Hùng trả lời chất vấn về vấn đề video xấu độc, nhảm nhí trên mạng internet. Mặc dù nói phát hiện video xấu độc là việc rất khó nhưng ông khẳng định cương quyết làm và tin rằng đến năm 2021 sẽ có công cụ để phát hiện.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (tỉnh Phú Yên): “Tôi phản biện trên báo chí về bộ sách giáo khoa, không cần đợi trưa, chiều mới gỡ mà 30 phút sau gỡ ngay.”

Bà Hiền đã bức xúc như vậy khi tranh luận với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xung quanh tiêu cực của báo chí, đó là ‘sáng đăng bài, trưa gặp gỡ và chiều gỡ bài’.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre): “Một câu chuyện rất đau buồn là 2 trung tá, 1 thiếu tá, 2 đại úy và 2 thượng úy liên quan đến việc ăn tiền và thả 2 người tàng trữ và sử dụng ma túy lấy 240 triệu và 2 chỉ vàng”.

Ông Nhưỡng dẫn vụ 7 Công an ở TP.HCM bị bắt tạm giam để điều tra để trao đổi lại với Bộ trưởng Công an Tô Lâm, sau khi Bộ trưởng trả lời chất vấn về xử lý, ngăn ngừa tiêu cực trong lực lượng công an.

Quảng Nam: Lũ quét kinh hoàng, 1 ngôi làng ở xã Trà Leng bị ‘xóa sổ’

Truyền thông trong nước ngày 7/11 đưa tin, một trận lũ quét kinh hoàng xảy ra ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã khiến một ngôi làng bị xóa sổ.

Sự việc xảy ra vào chiều 6/11 khi 14 ngôi nhà của người dân ở làng Tắc Pát, thôn 2, xã Trà Leng bị lũ cuốn trôi sau 2 ngày chịu ảnh hưởng của cơn bão số 10. Rất may, thời điểm xảy ra lũ quét, toàn bộ người dân đã được sơ tán đến nơi an toàn nên không có thương vong về người.

Không chỉ nhấn chìm nhà cửa của dân, trận lũ quét còn khiến điểm trường tiểu học khu dân cư Tắc Pát đổ sập.

Ngoài ra, mưa lớn đã làm nước sông Trường dâng cao tràn qua Quốc lộ 40B, đoạn qua xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My khiến giao thông ách tắc.

Khởi tố vụ án đường tránh 250 tỷ đồng bị sụt lún

Báo Zing thông tin, ngày 7/11, Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án vì có dấu hiệu tội phạm liên quan đến sự cố đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chư Sê, bị hư hỏng, đứt gãy như động đất.

Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, sau hơn một năm xảy ra sự việc.

Theo điều tra, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chư Sê có mức đầu tư gần 250 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư.

Tuyến đường được thiết kế quy mô đường cấp 3 đồng bằng với tổng chiều dài 10,8km. Đầu tháng 9/2019, sau cơn mưa lớn, đoạn đường dài 3,8km (được làm với chi phí hơn 71 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần 471 thi công) bị sụt lún khoảng 150m.

Hơn một năm qua đoạn đường hư hỏng vẫn còn dang dở. Hàng rào chắn, biển báo cấm xe ở hai đầu đoạn đường tránh Hồ Chí Minh (huyện Chư Sê) bị người dân tháo dỡ một phần để thuận tiện việc đi lại.

Mặt đường nhựa hiện trơ sỏi đá, cỏ mọc um tùm ở giữa và hai bên đường.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-7-11-viet-kieu-dong-gop-gan-12-ty-dong-cuu-tro-mien-trung.html