Đọc báo Pháp – 06/11/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 06/11/2020

Mỹ: “Chủ nghĩa Trump” sẽ tồn tại – Tú Anh

Còn Donald Trump hay không thì « chủ nghĩa Trump » vẫn tồn tại ở nước Mỹ. Đó là xác quyết của báo chí Pháp ngày 06/11/2020 bên cạnh hai hồ sơ khẩn cấp khác đang gây lúng túng tại châu Âu là khủng bố và Covid-19.

Trận bầu cử và trận khiếu nại

Biden cận kề chiến thắng, Trump nổi cáu. Ứng cử viên đảng Dân Chủ trong thế thượng phong trên đường vào Nhà Trắng, tổng thống mãn nhiệm bày trận pháp lý. Joe Biden chỉ cần thắng ở một trong những bang cuối cùng như Nevada hay Georgia hay Pennsyvania là hội đủ đa số đại cử tri. Phe Donald Trump, với một đạo binh luật sư, chuẩn bị hàng loạt đơn khiếu nại và phản công trên mặt trận tư pháp. Trên mạng xã hội, tổng thống và người ủng hộ phát tán vô tận lời cáo buộc “cuộc đầu phiếu bị đánh cắp”. Trận bầu cử và trận khiếu nại. Đó là những tựa chính của Le Monde về thời sự Hoa Kỳ. Tình hình ngày càng căng thẳng, nước Mỹ đứng trước thử thách, tựa của Les Echos.

Donald Trump ghi dấu ấn lâu dài

Nhận định chung của báo Pháp là Joe Biden đang trên đà chiến thắng, nhưng dù Donald Trump có thua, thì « chủ nghĩa Trump » (Trumpisme) vẫn tồn tại lâu dài. Với tựa : « Trumpisme chứng tỏ khả năng bền bỉ », Le Monde dẫn chứng với bản đồ bầu cử đỏ rực ở trung tâm nước Mỹ, những bang bầu cho Donald Trump.

Phần xanh dương của Joe Biden chỉ tập trung ở các bang miền viễn tây và đông bắc. Chiến dịch tranh cử của Trump khẳng định khả năng của chủ nhân Nhà Trắng, các trào lưu ý thức hệ khác nhau trong phe bảo thủ. Chiến lược gia của « chủ nghĩa Trump » là Stephan Banon đã giải thích : Sử dụng chiến lược can thiệp duy ý chí vào kinh tế để thu hút lực lượng công nhân hội nhập vào các hệ khác trong đảng Cộng Hòa. Kết quả bầu cử 2020 cho thấy tính chính xác của dự án chính trị của Stephan Banon và trực giác bén nhạy của Donald Trump.

Tuy « phong trào ủng hộ Trump » không đủ sức tạo chiến thắng cho lãnh tụ nhưng Trump đã thu thêm 5 triệu phiếu so với 2016 và nhất là cảm tình của các sắc dân thiểu số gốc Nam Mỹ và Phi châu. (Joe Biden thêm 6 triệu so với Hillary Clinton).

Qua hai trang báo, La Croix dự phóng « Trumpisme » sẽ kéo dài, pha trộn thông điệp chống hệ thống chính trị với chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo bảo thủ. Nhưng với sự tham gia đông đảo lịch sử của cử tri trong cuộc đầu phiếu là một bằng chứng « nền dân chủ Mỹ » vững chắc.

Trong bài xã luận « Trumpisme, di sản lâu dài tại Hoa Kỳ », Le Monde không lạc quan như đồng nghiệp. Cho dù Joe Biden có thể là tổng thống của Mỹ nhưng Donald Trump không hoàn toàn thất bại. Tổng thống mãn nhiệm thu hút được 68 triệu phiếu, hơn lần trước 5 triệu. Đó là một thực tế. Donald Trump đắc cử năm 2016 không phải là một « tai nạn » của lịch sử Mỹ, cũng không phải là « một màn giúp vui » ở Nhà Trắng. Dù ai là người ngồi vào văn phòng bầu dục vào tháng 01/2021, « chủ nghĩa Trump » sẽ tác động lâu dài trong sinh hoạt chính trị Mỹ.

Joe Biden thắng thì cũng phải phối hợp với trào lưu biến đổi này. Trong lúc tranh cử, ông đã phải thay đổi đường hướng chú tâm hơn vào nguyện vọng của thành phần công nhân và mối ưu tư kinh tế của họ. Joe Biden cũng phải dựa vào Thượng Viện trong tay đảng Cộng Hòa và tương quan lực lượng tại Hạ Viện, nơi mà phe Dân Chủ vẫn còn đa số nhưng mất một số ghế.

Le Monde không tin là Donald Trump, dù ở tuổi 74, sẽ về hưu. Sức nặng, vai trò cá nhân của nhân vật khác thường này rất lớn. Sức thu hút và ảnh hưởng đối với tầng lớp cử tri nòng cốt là một trong những yếu tố quan trọng củng cố uy tín Donald Trump trong giới bình dân. Thăm dò ý kiến trước phòng phiếu cho thấy đa số cử tri da trắng ủng hộ Trump ưu tư cho đời sống kinh tế hơn là Covid-19 và rất ghét phong trào cánh tả chống bạo lực cảnh sát.

Từ 1999, khi bắt đầu tính chuyện dấn thân vào sân khấu chính trị, tỷ phú Donald Trump đã thấy không một ứng cử viên nào quan tâm đến « quần chúng lao động » ở miền trung nước Mỹ. Dựa vào thành phần nòng cốt này để đắc cử vào năm 2016, Donald Trump chưa bao giờ phản bội cử tri của mình trong bốn năm qua mà còn nới rộng điểm tựa cơ bản này, chinh phục một phần không nhỏ người Mỹ gốc châu Mỹ Latinh (hơn một phần ba).

Vấn đề là nếu Donald Trump chinh phục được 50% cử tri Mỹ bằng chiến thuật tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa, bằng gây căng thẳng thường trực, bằng thái độ khinh thường các định chế và nói dối không hổ thẹn thì điều đáng lo là mô hình này vang động ra ngoài biên giới nước Mỹ .

Chưa nói lời vĩnh biệt

Hai bài tham luận trên Le Figaro gần như có cùng nhận định : « Nếu cuộc cách mạng Trump chỉ mới bắt đầu ? » và « Donald Trump đã làm phe hữu Hoa Kỳ thay đổi tận gốc ». Sử gia Ran Halevi dự phóng « Tổng thống sắp mãn nhiệm chưa nói lời sau cùng ».

Trước mắt, tác giả cho rằng đảng Cộng Hòa đã « chết não », hoàn toàn lệ thuộc vào Donald Trump. Hôm nay, đảng bảo thủ củng cố được thế lực tại hai viện lập pháp cho dù không có một cương lĩnh hành động vận động cử tri thì đó là nhờ ai ?

Với hai bài báo khác, Le Figaro đưa đến độc giả một số phản ứng từ Nga và Trung Quốc. Matxcơva chế nhạo màn bầu cử tại Mỹ. Điện Kremlin tuyên bố chờ « thông báo chính thức » nhưng để cho các nhân vật thân cận phản ánh quan điểm của thượng tầng : nếu bầu cử tổng thống trên thế giới đều diễn ra như thế thì liệu Washington có tố cáo hay không ?

Còn Bắc Kinh, theo Le Figaro, rất thích thú với tình thế hỗn loạn tại Hoa Kỳ. Châu Âu thì lên cơn sốt theo tình trạng rối ren căng thẳng của đồng minh.

Macron : Chúng ta sẽ thắng yêu quái trăm đầu

Le Figaro chọn một hồ sơ nóng liên quan an ninh ở châu Âu đưa lên trang nhất : Chống khủng bố, Macron muốn tăng cường lực lượng kiểm soát biên giới.

Chia sẻ với nhật báo thiên hữu, tổng thống Pháp cho biết muốn tăng gấp đôi lực lượng tuần tra biên giới, động viên hơn 1.500 hiến binh trù bị và 6 đơn vị lưu động, cũng như cải cách không gian tự do đi lại gọi tắt Schengen chống nhập cư trái phép. Nhấn mạnh quyết tâm chống Hồi giáo chính trị mà ông gọi là một loại yêu tinh « nhiều đầu », tổng thống Macron dự báo một cuộc chiến lâu dài trong nhiều năm, sẽ gặp nhiều thất bại, nhưng cuối cùng sẽ thành công. Bộ trưởng Nội Vụ Pháp đã lên đường qua các thủ đô có liên hệ gồm Roma, Alger và Tunis để tăng cường hợp tác.

Nhưng Pháp cũng đang đối phó với một tai họa khác là Covid-19. Với 58.000 ca lây nhiễm mới trong ngày thứ Tư, bộ trưởng Y Tế Pháp báo động « đợt tấn công thứ hai sẽ vô cùng tàn bạo ». Nếu tại Đức, bệnh viện công sắp bị bão hòa thì tại Pháp, chính phủ trấn an là sẽ « chịu đựng được ».

Một thông tin khích lệ được Le Figaro loan báo là giới bác sĩ tư nhân tuyên bố sẵn sàng trợ lực cho đồng nghiệp ở nhà thương .

Các trường trung học được phép phân chia học sinh ra hai nhóm thay phiên nhau : học từ xa và học tại lớp. Chương trình Tú tài năm nay cũng được thay đổi : một số bộ môn được tính điểm qua kiểm tra liên tục hoặc đình chỉ tùy theo diễn biến đại dịch. Les Echos nói rõ hơn : học sinh cấp ba không còn bị bắt buộc phải đến trường 100%. Tùy theo tình trạng địa phương, ban giáo sư có toàn quyền tổ chức giảng dạy.

Trật tự Trung Quốc : Thực hay hư ?

Trong khi Tây phương lúng túng vì Covid, vì khủng bố, vì Trump thì Trung Quốc dường như gặt hái được nhiều thành quả. Đối với Les Echos, đó chỉ là thế mạnh nhất thời của chế độ Tập Cận Bình.

Theo nhật báo kinh tế, nhìn qua thì « trật tự Trung Quốc » đã hình thành. Tại một quốc gia phát xuất đại dịch mà chỉ có 42 người bị lây nhiễm trong tháng 10, theo báo cáo cuối tháng 10, số người chết là 4.700 trên tổng số 1,4 tỷ dân. Con số này không đáng tin cậy nhưng cho dù nhân thêm 10 lần cũng là quá thấp. Trung Quốc cũng không bị đợt hai Covid đe dọa. Tăng trưởng kinh tế cũng lên 4,9% trong quý ba…

Công luận có thể ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc không bị khủng bố Hồi giáo đe dọa. Hồi giáo khủng bố ở châu Âu để gọi là « nhân danh đạo Hồi » nhưng lại im lặng trước tình trạng người Hồi Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị đàn áp.

Trung Quốc cũng không bị « hồ sơ » bản sắc dân tộc chi phối cho nên thẳng tay đàn áp cuộc phản kháng tại Hồng Kông.

Những thành công này thật ra không phải vì chế độ Trung Quốc có tính siêu việt mà vì lãnh đạo có tầm nhìn xa, thi hành chính sách một cách thông minh. Trong khi đó, các chế độ dân chủ Tây phương vừa tái xây dựng hệ thống y tế, vừa tìm cách vực dậy kinh tế toàn diện và lâu dài, tạo điều kiện cho các cộng đồng khác nhau cùng chung sống hài hòa. Các chế độ này đang bị suy yếu một cách nguy hiểm từ 20 năm nay. Châu Âu có thể rơi vào tình trạng suy đồi trong suốt thế kỷ 21, thế kỷ Trung Quốc. Nhưng theo tác giả, kịch bản ngược lại sẽ hợp lý hơn. Đó là Trung Quốc sẽ gặp những khó khăn mà châu Âu đang gặp phải từ văn hóa, an ninh cho đến tự do.

Trong lúc Hoa Kỳ rối ren, tình hình thế giới ra sao ?

Phong trào phản kháng ở Belarus hụt hơi, tựa của Le Monde. Cuộc biểu tình Chủ Nhật 01/11 chỉ huy động từ 20 ngàn đến 30 ngàn thay vì 100 ngàn như môt số lần trước. Chính quyền Lukachenko đàn áp thẳng tay đóng cửa công ty tham gia đình công, bắt giam bác sĩ tham gia tuần hành, sa thải những nhân viên, sinh viên ủng hộ đình công. Trong số này có 183 sinh viên và khoảng 15 giáo sư đại học.

La Croix chú ý số phận của Tony Chung, sinh viên Hồng Kông 19 tuổi, thành viên phong trào sinh viên chủ trương độc lập, có nguy cơ lãnh án tù từ 10 năm đến chung thân theo luật an ninh Trung Quốc. Tony Chung bị bắt khi sắp vào lãnh sự Hoa Kỳ hôm 27/10/2020. Con đường dấn thân của thanh niên Hồng Kông này bắt đầu từ những năm 2010 bên cạnh các bạn như Hoàng Chí Phong, Chu Đình. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Hồng Kông Free Press năm 2017, anh cho biết ý nguyện dấn thân tranh đấu không phát xuất từ phong trào Dù Vàng hay chống giáo dục nhồi sọ mà từ một cuộc biểu tình nhỏ trước trại lính Trung Quốc năm 2013, chống sự hiện diện của binh sĩ Hoa lục tại Hồng Kông.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201106-m%E1%BB%B9-ch%E1%BB%A7-ngh%C4%A9a-trump-s%E1%BA%BD-t%E1%BB%93n-t%E1%BA%A1i

Tin tổng hợp

(Yonhap) – Seoul kêu gọi Bắc Triều Tiên không thổi bùng căng thẳng, để trắc nghiệm phản ứng của tân chính quyền Mỹ.

Bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc Lee In-young, hôm nay, 06/11/2020, kêu gọi Bình Nhưỡng không có động thái làm trầm trọng thêm tình hình, và khẳng định, một nỗ lực như vậy sẽ không giúp gì cho việc lập lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Seoul hứa sẽ duy trì chính sách nhất quán với Bắc Triều Tiên, bất kể kết quả bầu cử Mỹ.

(AFP) – Bầu cử Quốc Hội Miến Điện: 2 triệu người bị tước quyền bỏ phiếu.

Đảng của Aung San Suu Kyi có thể thắng, nhưng uy tín giảm. Ngày Chủ Nhật 08/11/2020, hơn 35 triệu cử tri Miến Điện được kêu gọi bỏ phiếu. Việc người Rohingya và dân cư nhiều sắc tộc mất quyền công dân khiến chính quyền bị lên án. Aung San Suu Kyi hiện tại điều hành chính phủ dân sự, nhưng giới tướng lĩnh vẫn nắm quyền kiểm soát quân đội, an ninh, biên phòng và chiếm 25% nghị sĩ Quốc Hội, ngăn cản mọi khả năng cải tổ Hiến pháp.

(AFP) – Cảnh sát Đức khám xét nhà nghi can vụ khủng bố tại Vienna, Áo.

Trên Twitter cảnh sát Đức cho biết các vụ khám xét diễn ra tại ba thành phố ở miền tây bắc nước Đức. Đây là những địa điểm liên quan đến hai người được cho là có liên hệ với hung thủ loạt khủng bố tại Vienna hôm Thứ Hai đầu tuần làm 4 người chết và nhiều người bị thương.

(Reuters) – Thêm hơn 20.000 bệnh nhân Covid-19 tại Nga trong một ngày.

Bộ Y Tế Nga ngày 06/11/2020 cho biết có thêm 20.582 ca lây nhiễm mới. Khoảng 6.000 trong số này được phát hiện tại Matxcơva. Trong 24 giờ qua đã có thêm 378 bệnh nhân thiệt mạng vì virus corona.

(AFP) – Hoa Vi kiện Thụy Điển loại tập đoàn Trung Quốc khỏi danh sách các nhà cung cấp mạng 5G.

Đơn kiện của phía Trung Quốc được công bố hôm 06/11/2020. Thụy Điển là quê hương của Ericsson, đối thủ cạnh tranh số 1 của Hoa Vi. Hiện tại có ba nhà cung cấp mạng internet thế hệ 5 đó là Ericsson của Thụy Điển, Nokia của Phần Lan và Hoa Vi của Trung Quốc.

(AFP) – Thủ tướng New Zealand nhậm chức nhiệm kỳ 2.

Ngày 06/11/2020, bà Jacinda Ardern đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ 2 sau khi tái đắc cử cách đây 3 tuần. Trong lễ nhậm chức long trọng tại thủ đô Wellington, lãnh đạo Công Đảng, 40 tuổi đã tuyên thệ bằng tiếng Anh và thổ ngữ maori. Là người có sức hấp dẫn mạnh mẽ, cộng thêm với thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, bà Ardern đã giúp cho Công Đảng dành được chiến thắng vang dội trong kỳ bầu của Quốc Hội vừa qua, giành được 65 trên tổng số 120 ghế tại nghị viện.

(AFP) – Báo New York Times vượt ngưỡng 7 triệu độc giả trên mạng.

Hôm 05/11/2020, tờ báo này cho biết trong vỏn vẹn một năm đã chinh phục được thêm 2 triệu độc giả. Đây cũng là lần đầu tiên, số bạn đọc qua mạng internet cao hơn so với số độc giả có thói quen đọc báo giấy.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201106-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 6/11:

Chiến dịch TT Trump kiện bang Nevada gian lận phiếu bầu

Quý Khải

Chiến dịch tranh cử của TT Trump kiện bang Nevada gian lận phiếu bầu

Tòa án ra phán quyết có lợi cho chiến dịch TT Trump ở Philadelphia

Các nhóm cánh tả biểu tình bạo lực trên khắp nước Mỹ

Đức tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á, coi Trung Quốc là một ‘thách thức hệ thống’

Tuần duyên Trung Quốc được phép nổ súng vào tàu nước ngoài theo luật mới

Cảnh sát Hồng Kông khởi động ‘đường dây truy quét tội phạm an ninh quốc gia’

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Sáu (6/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Chiến dịch tranh cử của TT Trump kiện bang Nevada gian lận phiếu bầu

Chiến dịch tranh cử của TT Trump đang đệ đơn kiện liên bang ở Las Vegas sáng thứ năm giờ Mỹ (rạng sáng thứ sáu hôm nay theo giờ VN) yêu cầu ngừng kiểm đếm các “phiếu bầu bất hợp pháp” ở bang Nevada, theo Fox News.

Chiến dịch TT Trump cáo buộc có “hàng chục nghìn” người đã bỏ phiếu ở bang Nevada nhưng không còn là cư dân của bang, đồng thời tuyên bố họ có bằng chứng cho thấy những người đã chết cũng được phát hiện có tên trong phiếu bầu, một vấn đề cũng được ghi nhận tại bang New York và Florida.

Không chỉ vậy, các quan chức bầu cử bang Nevada cũng không đưa ra câu trả lời cho việc tại sao họ không tiến hành “kiểm tra” các lá phiếu qua thư, mà chiến dịch TT Trump cáo buộc đã được gửi đến các căn hộ nơi các cá nhân không còn lưu trú nhưng vẫn được điền đầy đủ và gửi trở lại điểm bầu cử.

Nguồn tin cũng cho biết “hoàn toàn chưa có cơ chế kiểm soát trùng khớp chữ ký” đồng thời về cơ bản không có quan sát viên nào ở đó để theo dõi toàn bộ quá trình kiểm đếm phiếu bầu – cụ thể là ở Hạt Clark.

Nevada, với sáu phiếu đại cử tri, là một bang chiến trường quan trọng trong cuộc đua năm 2020. Ứng viên Biden, với 264 phiếu đại cử tri tính đến hiện tại, chỉ cần thắng được bang này là sẽ đạt 270 phiếu đại cử tri và giành phần thắng.

Tòa án ra phán quyết có lợi cho chiến dịch TT Trump ở Philadelphia

Một tòa án phúc thẩm ở bang Pennsylvania đã trao chiến thắng cho chiến dịch TT Trump hôm thứ Năm bằng cách cho phép họ cử quan sát viên đứng sát 1,8 m với người kiểm phiếu tại Trung tâm Hội nghị ở thành phố Philadelphia, theo Fox News.

Một nhân chứng chiến dịch Trump ra làm chứng đã tuyên bố rằng khu vực xử lý phiếu bầu được giữ khoảng cách khá xa với những quan sát viên, chiếc bàn gần nhất cách anh ta đến khoảng 4,5 m và chiếc bàn xa nhất cách đến khoảng 32m so với nơi anh này được phép đứng quan sát.

Nhân chứng cho biết do khoảng cách khá xa nên anh này không thể nhìn thấy những lá phiếu được đựng trong phong bì kín, và liệu những lá phiếu này có vấn đề gì hay không. Nhân chứng cũng tuyên bố các nhân viên ở đây mang phiếu bầu đến một cái bàn nằm phía sau tất cả các cái bàn làm việc của họ, nên “chúng tôi không thể thấy họ đang làm gì [với những lá phiếu] đó”.

Nhân chứng cũng khai rằng do có tiếng vọng khá lớn trong Trung tâm Hội nghị nên rất khó nghe thấy chuyện gì đang xảy ra.

Các nhóm cánh tả biểu tình bạo lực trên khắp nước Mỹ

Lực lượng Vệ binh Quốc gia Oregon đã được cử đến thành phố Portland, bang Oregon sau khi nhóm người biểu tình cánh tả tràn xuống đường phố trung tâm phá hoại tài sản vào đêm thứ Tư giờ Mỹ (trưa thứ Năm giờ VN), kích khởi làn sóng bạo lực lan rộng. Cảnh sát đã phải can thiệp và tiến hành một số vụ bắt giữ. Các thành phố khác trên khắp nước Mỹ như New York và Minneapolis cũng ghi nhận các cuộc bạo động tương tự, theo the BL.

Sự bùng nổ của các cuộc biểu tình phá hoại xảy ra một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống gay cấn chưa có hồi kết, trong đó Đảng Dân chủ đang bị cáo buộc gian lận ở một số quận quan trọng hòng tìm cách thay đổi kết quả.

Một số nhóm cánh tả đã tập dượt trong nhiều tháng trước khi xuống đường biểu tình và tổ chức bạo loạn trong trường hợp Tổng thống Trump tái đắc cử.

Một số nhóm cánh tả, chủ yếu dẫn đầu bởi Black Lives Matter (BLM) và Shutdown DC đã tổ chức các buổi tập huấn biểu tình trong nhiều tháng trước khi triển khai vào Ngày bầu cử và trong khoảng thời gian theo sau.

Trong các cuộc biểu tình tối thứ Tư, một nhóm người biểu tình được ghi hình đang đốt cờ Mỹ.

Tại thành phố New York, các cuộc biểu tình bạo lực cũng bùng nổ. Hàng trăm cảnh sát đã được huy động để đối đầu với các nhóm biểu tình có vũ trang. Sở Cảnh sát New York thông báo đã có khoảng 50 vụ bắt giữ liên quan đến biểu tình. Cảnh sát đã tịch thu một số vũ khí, bao gồm dao, súng gây choáng và chất nổ.

Đức tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á, coi Trung Quốc là một ‘thách thức hệ thống’

Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã gọi Trung Quốc là một “thách thức có hệ thống” trong lời kêu gọi hợp tác quân sự nhiều hơn với các nước “cùng chí hướng”, bao gồm Australia, viện dẫn việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 để cảnh báo nguy cơ xung đột lãnh thổ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo SCMP.

Trong những lời phát biểu thẳng thắn được đưa ra trong bối cảnh bất định về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer hôm thứ Năm (5/11) cho biết Berlin sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với Úc và các quốc gia khác trong khu vực để duy trì hòa bình, ổn định và “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Nhận xét của quan chức quốc phòng hàng đầu nước Đức được đưa ra sau khi Berlin tuần này thông báo họ sẽ gửi một tàu khu trục nhỏ đến tuần tra Ấn Độ Dương từ năm sau, và triển khai các sĩ quan Quân đội Đức cùng với hải quân Úc như một phần trong quá trình gia tăng sự hiện diện chưa từng có tiền lệ ở châu Á.

Trong một cảnh báo mang tính ám thị trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông và các nơi khác, bà Kramp-Karrenbauer cho biết quan điểm của Đức được định hình bởi việc Nga tiếp tục chiếm đóng Crimea, khiến quốc tế lên án và áp lệnh trừng phạt.

Trong khi mô tả Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng và cốt yếu để giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bà Kramp-Karrenbauer nói rằng siêu cường đang trỗi dậy này cũng là một “thách thức hệ thống” cần được thảo luận cởi mở.

Tuần duyên Trung Quốc được phép nổ súng vào tàu nước ngoài theo luật mới

Lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc sẽ được phép sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của họ theo dự thảo luật được công bố trong tuần này, theo Nikkei Asia.

Động thái của Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra đụng độ xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này mà họ gọi là Điếu Ngư, và các tàu Trung Quốc, bao gồm cả tàu tuần duyên, gần như hàng ngày đều tuần tra trong khu vực.

Luật mới sẽ giúp lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc tự do hơn trong việc sử dụng vũ khí so với đối thủ Nhật Bản, vốn phải đối mặt với những hạn chế chặt chẽ.

Lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc sở hữu 130 tàu vào cuối năm 2019, gần gấp đôi số tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Đây là những con tàu có trọng tải hơn 10.000 tấn được trang bị pháo 76 mm – tạo nên hạm đội tàu tuần duyên lớn nhất thế giới.

Dự kiến, dự thảo này sẽ được thông qua sớm nhất vào tháng 12.

Cảnh sát Hồng Kông khởi động ‘đường dây truy quét tội phạm an ninh quốc gia’

Cảnh sát Hồng Kông hôm thứ Năm đã mở một đường dây nóng chuyên dụng để báo cáo các hành vi vi phạm luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh đã áp đặt lên thành phố vào đầu năm, làm dấy lên sự báo động về những người chỉ trích đạo luật gây tranh cãi, theo Nikkei Asia.

Đường dây nóng, được thiết kế để giúp trấn áp các tội phạm tiềm ẩn gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, sẽ gửi ảnh, âm thanh và video thông qua tin nhắn và ứng dụng nhắn tin WeChat. Cảnh sát cho biết

họ sẽ chỉ nhận các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia và sẽ không tiết lộ chi tiết cá nhân của người cung cấp thông tin.

Nhiều hãng tin Hồng Kông đã lên án đường dây nóng, nói rằng việc khuyến khích người dân thành phố báo cáo lẫn nhau nhau gợi nhớ đến cuộc Cách mạng Văn hóa kinh hoàng ở Trung Quốc đại lục, trong đó nhà nhà người người đấu tố lẫn nhau để bảo toàn tính mạng. Nhà lập pháp ủng hộ dân chủ James To Kun-sun cho biết, cơ chế báo cáo này sẽ làm suy yếu các quyền tự do và có ảnh hưởng rất xấu đối với Hồng Kông.

Một nhân viên văn phòng 20 tuổi cho biết: “Sẽ còn khó hơn để giờ đây đề cập đến chính trị ở nơi công cộng”. Có lo ngại rằng đường dây nóng có thể làm sâu sắc thêm rạn nứt giữa phe ủng hộ dân chủ và phe thân Bắc Kinh của thành phố từng có nền tự trị cao độ.

Giới chức trách tài chính cũng đã bắt đầu yêu cầu các ngân hàng báo cáo bất kỳ giao dịch nào có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, có thể là trong nỗ lực xác định các nhà hoạt động dân chủ thông qua các dòng tiền chuyển đến và đi từ các tổ chức nước ngoài.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-6-11-chien-dich-tt-trump-kien-bang-nevada-gian-lan-phieu-bau.html

Điểm tin thế giới tối 6/11:

Bẻ khóa ‘Mật mã 2035’ Trung Quốc;

Biểu tình ủng hộ TT Trump tiếp tục nóng

Triệu Hằng

Mục lục bài viết          

Bẻ khóa ‘Mật mã 2035’ Trung Quốc

Biểu tình ủng hộ TT Trump tiếp tục nóng

Cuộc chiến David và Khổng lồ Goliath

Úc lo ngại khi Trung Quốc không mua 7 loại sản phẩm

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Sáu (6/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Bẻ khóa ‘Mật mã 2035’ Trung Quốc

Nhà văn Mỹ Dan Brown đã bẻ khóa mật mã này đến mật mã khác trong tiểu thuyết hư cấu “Mật mã Da Vinci”, cho đến khi đi đến bí mật lớn nhất: hậu duệ cuối cùng của Chúa Giê-su đang đứng trước mặt ông ấy.

Theo Nikkei Asia, Trung Quốc cũng có một câu chuyện mật mã, đó là “Bộ luật Tập Cận Bình”. Các con số để mổ xẻ là 8341 và 2035. Một đảng viên từng nói rằng, yếu tố quan trọng để giải mã “Bộ luật Tập Cận Bình” là phải biết về Mao Trạch Đông, người sáng lập Trung Quốc hiện đại. Liên kết “mật mã” của 2 nhà lãnh đạo, những bí ẩn khác nhau có thể được giải đáp.

8341 gắn liền với Mao, 8341 là mật danh Mao đặt cho Trung đoàn Vệ binh Trung ương, đơn vị có nhiệm vụ canh gác và bảo vệ các lãnh đạo hàng đầu của đảng. Như được hướng dẫn bởi quy tắc này, Mao qua đời ở tuổi 83 tính theo lịch âm, 41 năm sau khi đảm nhận vai trò lãnh đạo ĐCSTQ, vào năm 1935.

2035 là năm mục tiêu cho triển vọng kinh tế siêu dài hạn của Trung Quốc. Tập đã tuyên bố rằng Trung Quốc “về cơ bản sẽ thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035”, theo thuật ngữ cộng sản nghĩa là vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới. Vào năm 2035, Tập sẽ bước sang tuổi 83, bằng tuổi Mao năm ông ta qua đời.

Biểu tình ủng hộ TT Trump tiếp tục nóng

Theo Reuters, những người ủng hộ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tăng cường biểu tình vào tối thứ Năm chống lại một cuộc bầu cử mà họ tin rằng đã bị “đánh lận con đen”, đụng độ với những người phản đối, khi việc kiểm phiếu tiếp tục ở các bang chiến trường.

Tại Arizona, một trong năm tiểu bang chiến trường, nơi các phiếu bầu vẫn đang được đếm trong cuộc đua sít sao giữa Tổng thống Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, những người ủng hộ Tổng thống Trump đã tập trung đông đảo bên ngoài Phòng Bầu cử Hạt Maricopa ở bang Phoenix.

“Biden có thể đánh cắp một cuộc bầu cử cho tầng lớp tinh tú, nhưng những người đảng Dân chủ sẽ hối tiếc.”. Đây là bình luận của nhà báo Miranda Devine trên tờ New York Post ngày 4/11. Nữ tác giả đã nhắc lại mô tuýp kinh điển “Chàng David chiến đấu với Khổng lồ Goliath”, một điển tích có ảnh hưởng lớn đối nhân loại khi nói về các cuộc xung đột bất tương xứng được ghi chép trong Kinh Thánh.

Miranda cho rằng: Các địa phận ủng hộ Tổng thống (TT) Trump sẽ không dễ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2020 khi chống lại sức mạnh tích lũy của đảng Dân chủ, từ các phương tiện truyền thông “tin giả (fake news)” và các hãng thăm dò đồng minh, Big Tech, tầng lớp các tỷ phú và người nổi tiếng đã thức tỉnh, những người đã đoàn kết lại để tiêu diệt tên hoàng đế màu da cam man rợ.

Mirinda viết: Những kẻ xuẩn ngốc dân dã xấu xí như cách gọi của ông Biden đối với những người ủng hộ TT Trump đã bước ra để chống lại những người theo chủ nghĩa toàn cầu tham nhũng được đại diện bởi lớp vỏ buồn bã của Biden. Nhưng, ngay cả khi có những người đang trông đợi TT Trump thua cuộc thì TT vẫn có mọi quyền thực thi luật bầu cử để ngăn chặn gian lận.

Úc lo ngại khi Trung Quốc không mua 7 loại sản phẩm

Reuters đưa tin, Úc đang theo dõi chặt chẽ dòng chảy thương mại sang Trung Quốc, trước viễn cảnh bị gây khó khăn lớn khi người mua ở đây được yêu cầu không mua 7 loại sản phẩm của Úc. Truyền thông Úc cho biết, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã bị giới chức hải quan Trung Quốc cảnh báo không chính thức, rằng: rượu vang, quặng đồng, lúa mạch, than, đường, gỗ và tôm hùm Úc sẽ bị kiểm tra tăng cường từ ngày 6/11.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-6-11-be-khoa-mat-ma-2035-trung-quoc-bieu-tinh-ung-ho-tt-trump-tiep-tuc-nong.html

 Tạp chí đặc biệt

Macron – Trump : Từ tình cảm cá nhân nồng ấm

đến ganh đua chiến lược

Thùy Dương

Donald Trump đắc cử trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2016. Chỉ 6 tháng sau đó, vào tháng 05/2017, Emmanuel Macron trở thành nguyên thủ Pháp. Hai vị tổng thống, một già, một trẻ, mỗi người một cá tính, phong cách, đã nhanh chóng tạo dựng một “mối quan hệ cá nhân thân thiết”. Nhưng 4 năm qua, thế giới cũng chứng kiến nhiều lần “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa hai nhà lãnh đạo.

Một thuở “trăng mật”

Dù hơn kém nhau đến hơn 30 tuổi, dù có nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, khát vọng, quan điểm chính trị … hai nhà lãnh đạo trong nhiều tháng đầu nhiệm kỳ đã không bỏ lỡ cơ hội thể hiện họ là “những người bạn tốt nhất thế giới”. Điện Elysée, cũng như các cố vấn của tổng thống Mỹ, thường xuyên nhắc đến “mối quan hệ cá nhân”, “quan hệ thân thiết” của hai nguyên thủ. Theo những người thân cận của Macron và Trump, hai ông thường xuyên nói chuyện điện thoại với nhau, thậm chí là hàng tuần, và ông Trump cũng thường trao đổi với Macron về các đề tài quốc tế.

Truyền thông Pháp hài hước nói hai ông không chỉ có “tuần trăng mật” mà là “nhiều tháng trăng mật” cho dù “không có hôn thú”. “Điểm nhấn” đầu tiên chính là chuyến công du Pháp của nguyên thủ Mỹ Donald Trump theo lời mời của tổng thống Emmanuel Macron. Chỉ hai tháng sau khi trở thành nhân vật quyền lực nhất đất nước hình lục lăng, Macron đã “trải thảm đỏ” đón tiếp đồng nhiệm Mỹ, “vị khách mời danh dự” tại lễ duyệt binh hoành tráng nhân Quốc Khánh Pháp 14/07/2017.

“Tấm thịnh tình” của tân tổng thống Pháp đương nhiên được ông Trump đánh giá cao. Và sau đó, tràn ngập trên truyền thông là hình ảnh hai vị tổng thống tay bắt mặt mừng, cười nói vui vẻ với những điệu bộ, cử chỉ thân mật … Hai vị lãnh đạo chia tay nhau với lời hứa “một mối quan hệ cá nhân thân thiết” có thể giúp họ vượt qua những tranh cãi chính trị. Khi ra về, ông Trump thậm chí còn muốn tổ chức lễ diễu binh mừng Quốc Khánh Mỹ giống như nước Pháp.

Đến tháng 04/2018, ông Macron là nguyên thủ đầu tiên được chính quyền Trump đón tiếp với nghi lễ trọng thể cấp quốc gia. Hai vị tổng thống đã nồng nhiệt ôm hôn chào nhau theo kiểu Pháp. Nếu như tại Paris, tổng thống và đệ nhất phu nhân hai nước đã có bữa ăn tối thân mật ở nhà hàng sang trọng trên tầng 1 của tháp Eiffel, một trong những công trình biểu tượng của nước Pháp và Paris hoa lệ, thì tại Mỹ, ông Trump đã mời đồng nhiệm và đệ nhất phu nhân Pháp lên chuyên cơ đi ngắm toàn cảnh thủ đô nước Mỹ rồi đến dùng bữa thân mật tại Mount Vernon, dinh thự của George Washington, vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, một địa điểm lịch sử và biểu tượng nổi tiếng của Hoa Kỳ.

Trong chuyến công du, tổng thống Pháp có rất nhiều hoạt động, nhưng theo ông Marc Porter, chủ tịch hiệp hội Republicans Overseas France, “điều quan trọng nhất là những lúc hai vị lãnh đạo ngồi riêng hai người với nhau. Và đã có rất nhiều thời điểm như vậy trong chuyến công du lần này. Chính vào những lúc như thế các mối quan hệ cá nhân được thắt chặt”. “Bộ đôi” Macron – Trump đã cho thấy sự “hòa hợp”, “thân thiết” hiếm có giữa các lãnh đạo quốc gia, khác hẳn thái độ xa cách, lạnh nhạt của tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ với thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh Theressa May.

Điều gì tạo nên “cặp đôi” Macron – Trump ?

Có một mối quan hệ “gần gũi”, “nồng ấm” với tổng thống Trump là điều không hề dễ. Nhưng vì sao ông Macron có được “cảm tình”, có “sức hút” như vậy với tổng thống Mỹ ? Con đường đến chiếc ghế tổng thống của hai ông có nét tương đồng nhất định. Cả hai đều đắc cử một cách không mấy ai ngờ tới, đánh bại những nhân vật chính trị truyền thống. Ông Wiliam Drozdiak, cựu lãnh đạo văn phòng châu Âu của báo Mỹ Washington Post, giải thích : “Cả hai đều là những ứng cử viên khó bề trúng cử và không thuộc tầng lớp tinh hoa và các tổ chức chính trị. Chính Macron đã nhấn mạnh đến điểm này trong những cuộc gặp đầu tiên của họ”.

Chuyên gia Stephen Pomper, cựu cố vấn của tổng thống Barack Obama về các hồ sơ đa phương, nhận xét là ban đầu, trong khi lãnh đạo của các nước khác còn ngần ngại, do dự trong việc xích lại gần Donald Trump, tổng thống Pháp Macron đã nhanh chóng tìm được cách làm việc với đồng nhiệm Mỹ : “Ông ấy (Macron) có một số hành động thể hiện một sự tôn trọng và điều đó rõ ràng là rất quan trọng đối với tổng thống Trump”.

Nhân chuyến đi thăm Mỹ, trả lời phỏng vấn của trang Brut, tổng thống Pháp khẳng định : “Ngay từ đầu, tôi đã theo dõi chương trình vận động tranh cử và những bước đi đầu tiên của ông ấy (Trump) trên cương vị tổng thống. Trước tiên, phải nói là người Mỹ đã quyết định bầu ông Trump làm tổng thống và ông ấy có tinh thần quyết tâm rất cao. Ông ấy biết điều mình muốn. Nhiều khi chúng tôi đồng tình với nhau, nhưng nhiều khi thì không. Nhưng ngay từ đầu, tôi đã quyết định là chúng tôi cần hợp tác với nhau và chúng tôi có thể hợp tác với nhau. Chúng tôi đã có những trao đổi rất cụ thể, thẳng thắn và một mối quan hệ rất nồng ấm. Trong cuộc gặp đầu tiên hồi tháng 06/2017, tôi đã hiểu rằng đó không phải là điều có thể mà là lựa chọn tốt nhất”.

Macron đủ khôn ngoan để hiểu tổng thống Trump là một đồng minh sống còn. Khi được hỏi liệu có phải châu Âu không hiểu biết mấy về tổng thống Trump, Macron khôn khéo đáp : “Tôi không biết. Tôi nghĩ rằng tổng thống Trump là nhà lãnh đạo được bầu lên ở Mỹ và chắc chắn đôi khi ông có cách tiếp cận khác biệt. Ông ấy có phong cách thực sự là đặc biệt và cũng gây rất nhiều tranh cãi, kể cả ở ngay nước Mỹ.

Tôi nghĩ rằng ở châu Âu, nhiều người tôn trọng ông Trump, nhưng tất nhiên có một số người thì không hiểu các quyết định của ông ấy. Thế nhưng, với tôi đó không phải là một chủ đề. Vấn đề trọng tâm là biết nên làm thế nào với ông ấy. Chắc chắn là quan hệ giữa các nước hai bên bờ Đại Tây Dương hoàn toàn mang tính sống còn trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta cần cùng nhau xây đắp. Chúng ta cần làm việc với nhau.

Thông điệp mà tôi muốn truyền tải trong chuyến thăm Mỹ lần này là hai nước chúng ta đã chia sẻ mạnh mẽ với nhau lịch sử, từ Cách Mạng Mỹ đến Cách Mạng Pháp, Đệ Nhất rồi Đệ Nhị Thế Chiến. Chúng ta cần trung thực, trung thành với nhau và đứng về một phía trong lịch sử chung này. Đối với tôi, điều này là rất quan trọng. Khi hai nước chúng ta được ghi vào lịch sử chung này, khi hai nước có chung số mệnh thì sẽ giảm nhẹ được những bất đồng có thể xảy ra”.

Ông Macron muốn trở thành “phát ngôn viên” của châu Âu và đại diện cho các lợi ích của Liên Hiệp. Khách quan mà nói, bối cảnh châu Âu khi đó cũng thuận lợi cho vị tổng thống trẻ tuổi Macron. Nước Anh đang vướng bận với Brexit và có tương lai bất định, uy tín chính trị của thủ tướng Đức Angela Merkel trong nước suy giảm …

Trong hoàn cảnh đó, theo nhà nghiên cứu Alexandra de Hoop Scheffer, ông Macron đã biết tận dụng “khoảng trống” để trở thành “người truyền tải thông điệp” của Trump ở châu Âu, “đồng minh tất yếu” của tổng thống Mỹ. Còn đối với Trump, Macron là lãnh đạo duy nhất của một nước lớn ở Liên Âu mà ông cảm thấy có thể đối thoại và hòa hợp, nhất là về hợp tác quốc phòng và an ninh.

Khi quan hệ nồng ấm trở nên nguội lạnh …

Thế nhưng, tuần trăng mật nào rồi cũng qua ! Cây sồi non, tượng trưng cho quan hệ bền lâu và tình bạn Pháp – Mỹ, món quà của tổng thống Macron tặng cho đồng nghiệm Trump trong chuyến công du hồi năm 2018 và được hai ông cùng đệ nhất phu nhân Brigitte Macron và Melania Trump trồng trong khuôn viên Nhà Trắng, không lâu sau đó đã chết. Nhiều người coi đó là dấu hiệu dự báo tình bạn Macron – Trump sẽ sớm “lụi tàn”. Cú bắt tay của Macron để lại vết hằn ngón tay cái trên bàn tay ông Trump tại hội nghị G7 mở rộng tại Québec, Canada hồi tháng 06/2018 cũng được coi là “điềm báo” cho mối quan hệ đối đầu sau này.

Và chính trong chuyến công du Washington, ông Macron đã hiểu ra rằng tổng thống Mỹ là người “không thể lay chuyển được” và không chắc là có thể thuyết phục Trump về những hồ sơ “gai góc”. Trên thực tế, hai nhà lãnh đạo đã “ăn miếng, trả miếng” nhau nhiều lần trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Nhất là với tính cách của Donald Trump, ông không bỏ lỡ cơ hội nào để giễu cợt vị đồng nhiệm kém ông 30 tuổi đời mà ông vẫn coi là “một người bạn từ rất lâu”, “một người có nhiều điểm chung”  “không gì có thể phá hủy tình bạn” giữa họ. Chẳng hạn, Donald Trump đã viết trên Twitter mỉa mai việc tổng thống Macron có điểm tín nhiệm quá thấp hay để tỉ lệ thất nghiệp quá cao, để xảy ra phong trào Áo Vàng … Trong khi đó, tổng thống Pháp luôn chỉ trích đồng nhiệm Mỹ bảo hộ mậu dịch, chủ trương co cụm đơn phương …

Cho dù “phương pháp Macron”, theo Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc một cơ quan tư vấn Mỹ, chi nhánh Paris, là không chỉ trích trực tiếp, làm sáng tỏ các điểm bất đồng và vạch ra các lằn ranh đỏ, cho dù hai nhà lãnh đạo đồng ý với nhau về mục tiêu chống các mối đe dọa khủng bố, nhưng vẫn còn đó những bất đồng cơ bản và sâu sắc về hồ sơ khí hậu, hạt nhân Iran, thương mại, vai trò của Liên Hiệp Châu Âu, NATO, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới …

Còn đối với Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (Ifri), quan hệ Macron – Trump là “một sự pha trộn đặt biệt giữa tình bạn cá nhân và sự cạnh tranh chiến lược”. Một người đại diện cho chủ nghĩa đơn phương, một người đại diện cho chủ nghĩa đa phương. Trong khi Trump hô khẩu hiệu “Make America great again” (Hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại), rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, thì Macron kêu gọi “Make our planet great again” (Hãy làm cho hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại) …

Tổng thống Macron dù muốn nhưng đã không thành công trong việc dùng lợi thế quan hệ cá nhân thân thiết để thuyết phục ông Trump trên nhiều hồ sơ quốc tế “gai góc”. Mặc dù Emmanuel Macron có thể coi là đã có ảnh hưởng nhất định đối với tổng thống Mỹ về hồ sơ Syria, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nhìn chung sách lược “tâm lý – địa chiến lược” của tổng thống Pháp đã không thành công, nhất là vì phương châm hành động của ông Trump là “America First” (Nước Mỹ là trên hết).

Mục tiêu của Donald Trump là tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai trong kỳ bầu cử 2020 và chính sách đối ngoại của Donald Trump cũng lựa theo mục tiêu đó, chứ không nhượng bộ chỉ vì muốn bạn hữu hài lòng.

(Tổng hợp từ France 24, France Info, Le Monde, La Croix)

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20201106-macron-trump-t%E1%BB%AB-t%C3%ACnh-c%E1%BA%A3m-c%C3%A1-nh%C3%A2n-n%E1%BB%93ng-%E1%BA%A5m-%C4%91%E1%BA%BFn-ganh-%C4%91ua-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c