Tin Biển Đông – 06/11/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 06/11/2020

Tokyo và Hà Nội quan ngại Bắc Kinh dự kiến cho Hải cảnh ‘‘dùng vũ khí’’ chống tàu nước ngoài – Trọng Thành

Một ngày sau khi Quốc Hội Trung Quốc thông báo chuẩn bị ra luật, cho phép lực lượng Hải cảnh sử dụng vũ khí chống lại tàu nước ngoài, ở những vùng biển tranh chấp. Hôm qua, 05/11/2020, chính quyền Việt Nam và Nhật Bản đã có phản ứng quan ngại.

Theo Nikkei Asia Review, tại Tokyo, chánh văn phòng chính phủ Nhật Bản tuyên bố chính quyền Nhật « sẽ tiếp tục theo sát các diễn biến liên quan đến lực lượng tuần duyên Trung Quốc, và các cơ quan chính phủ liên quan sẽ tiếp tục thu thập thông tin về vấn đề này ».

Theo báo chí Nhật, luật mới của Bắc Kinh sẽ để ngỏ cho các lực lượng tuần duyên quyền sử dụng vũ khí nhiều hơn so với lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Luật Nhật Bản giới hạn chặt chẽ việc sử dụng vũ khí của tuần duyên, gây nguy hiểm cho tính mạng của người trên tàu nước ngoài. Việc dùng vũ khí chỉ được phép trong một số điều kiện đặc biệt, ví dụ như đương sự đang chuẩn bị một hành động tội ác nguy hiểm.

Luật mới của Trung Quốc về cho phép lực lượng Hải cảnh sử dụng vũ khí chống lại tàu nước ngoài, ở những vùng biển tranh chấp, gây lo ngại không chỉ Nhật Bản, do các tranh chấp tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Khả năng Hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực tại các khu vực mà Trung Quốc coi là thuộc chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng gây lo ngại với Việt Nam. Trả lời câu hỏi của báo giới về dự thảo luật của Trung Quốc, hôm qua, 05/11, trong cuộc họp báo thường kỳ, phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Dương Hoài Nam khẳng định : « Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 ».

Báo chí Việt Nam đặc biệt chú ý đến việc Quốc Hội Trung Quốc đưa ra dự luật này đúng một ngày sau khi bộ Ngoại Giao Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo trực tuyến ASEAN – Trung Quốc về « Thúc đẩy hợp tác đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân ». Đây mà một hội thảo do Việt Nam đề xuất trong khuôn khổ thực thi Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Theo báo chí Việt Nam, dự thảo luật liên quan đến Hải cảnh Trung Quốc đang trong giai đoạn thăm dò, lấy ý kiến của công chúng cho tới ngày 03/12/2020.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201106-trung-quoc-cho-hai-canh-dung-vu-khi-chong-tau-nuoc-ngoai

Trung Quốc xây dựng công trình mới

trên các đảo nhỏ ở Hoàng Sa

Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng nhiều công trình trên các đảo Duy Mộng, đảo Cây và Cồn Cát Tây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đài RFA đưa tin vào ngày 5/11, dựa theo những hình ảnh vệ tinh được Planet Labs Inc. công bố.

RFA xem xét về một số khu đất nhỏ trong sáu tháng qua cho thấy dấu hiệu của nhà ở mới, nguồn cung cấp điện, canh tác và có khả năng là một sân bay trực thăng.

Theo đó, thông qua việc xây dựng tại 3 địa điểm vừa nêu ở Hoàng Sa, Trung Quốc đang cố gắng giải quyết các vấn đề phải đối mặt ở Biển Đồng gồm việc tiếp cận, tính bền vững và xói mòn đất.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy đảo Duy Mộng xuất hiện một một khu vực lát đá rộng khoảng 70.000 feet vuông đã được xây dựng kể từ tháng Năm, giống bãi đáp trực thăng. Việc xây dựng này có thể nhằm giải quyết vấn đề tiếp cận vì các tàu hiện đang phải đi qua một rãnh giống như kênh đào để đến đảo.

Còn tại đảo Cây, ảnh vệ tinh cho thấy đã có những cải tiến rõ ràng được thực hiện từ ngày 21 tháng 4 đến ngày 7 tháng 10 để hỗ trợ nhiều hơn cho việc sinh sống và trồng trọt.

Dù không lớn hơn đảo Duy Mộng nhưng đảo Cây có một bến cảng lớn hơn, sân bay trực thăng, các tấm pin mặt trời, tuabin gió và một trang trại đang hoạt động hoàn chỉnh.

Tại Cồn Cát Tây, theo ảnh vệ tinh, nhiều cây cối đã được trồng ở đây từ ngày 14 tháng 5 đến ngày 6 tháng 10 và cách sắp xếp các cây giống như lưới cho thấy chúng không phải tự nhiên mà có.

Một trong những điều kiện để thực thể địa lý được coi là đảo có lãnh hải và các quyền kinh tế theo luật pháp quốc tế là khả năng tự tạo ra nguồn cung cấp lương thực bền vững. Điều đó cũng có thể giúp giải thích tại sao Trung Quốc muốn trồng nhiều thực vật hơn trên các hòn đảo nhỏ như vậy.

Việc xây dựng trên đảo Duy Mộng, đảo Cây, và Cồn Cát Tây được nhận định nhộn nhịp như trong việc cải tạo và xây dựng đất đai của Trung Quốc từ năm 2014 đến năm 2017. Trong thời điểm này Bắc Kinh thiết lập các căn cứ trên các địa điểm tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/small-china-islets-in-scs-show-signs-of-new-construction-11062020073343.html