Đổ vỡ các ngân hàng ở Trung Quốc có thể thành ‘cơn sóng thần’ tàn phá tài chính thế giới
Với các cuộc giải cứu đột xuất và cứu trợ của các tổ chức tín dụng địa phương, ngân hàng trung ương Trung Quốc dường như đang cố gắng che dấu một cuộc khủng hoảng tài chính lớn hơn tại xứ sở này (Bloomberg).
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Dịch Cương tham dự cuộc họp báo tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ở Bắc Kinh vào ngày 12 tháng 3 năm 2016 Ảnh: WANG ZHAO / AFP qua Getty Images)
Bloomberg trong một bài phân tích gần đây đã cảnh báo rằng cách tiếp cận chính sách chắp vá đối với một loạt các thất bại của ngân hàng địa phương cho thấy Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) dường như đang bất lực, và hoàn toàn không có kế sách đủ tốt để ngăn chặn sự đổ vỡ hàng loạt trong hệ thống của họ.
Điều này có thể tạo ra “cơn sóng thần” tàn phá không chỉ hệ thống tài chính của nước này mà sẽ nguy hại khôn lường đối với hệ thống tài chính thế giới vốn ngày một mất cân đối, sau hơn một thập kỷ phóng túng chính sách tiền tệ, thổi phồng giá tài sản và nợ xấu tăng mạnh do đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Sóng ngầm đang tàn phá các ngân hàng địa phương – nhóm chiếm 1/4 tổng tài sản tài chính của Trung Quốc
Bắc Kinh đã không ngừng bơm vốn vào các ngân hàng địa phương vốn không thu hồi được nợ trên khắp đại lục từ vài năm gần đây. Để hợp thức hóa việc bơm vốn nhà nước vào các ngân hàng này, chính quyền Bắc Kinh đã bơm tiền qua nhiều doanh nghiệp nhà nước – để thông qua đây đổ tiền vào các ngân hàng thương mại (NHTM) địa phương với tư cách là cổ đông.
Việc này có thể ngăn chặn tình trạng đổ vỡ domino (đổ vỡ hàng loạt) trong hệ thống ngân hàng địa phương Trung Quốc.
Bloomberg đưa ra nhiều ví dụ về việc PBoC gắng bơm tiền cứu trợ cho nhiều NHTM nhỏ khắp đại lục. Tháng trước, các nhà quản lý đã phê duyệt việc tái cấp vốn cho Ngân hàng Ôn Châu có trụ sở tại Chiết Giang bằng cách sử dụng trái phiếu tài trợ cơ sở hạ tầng đặc biệt.
Trái phiếu đặc biệt là trái phiếu do địa phương phát hành, thực chất là nợ của chính quyền địa phương nhưng lại không hạch toán vào nợ công địa phương cũng như của trung ương, một hình thức lách luật và chuẩn mực an toàn quốc tế về nợ của Bắc Kinh.
Không chỉ vậy, Chiết Giang cũng đang tiến hành kế hoạch để sáp nhập hai ngân hàng “ốm yếu” của thành phố để thành lập Sichuan Bank Co., ngân hàng này sẽ trở thành NHTM thành phố lớn nhất Trung Quốc với 30 tỷ nhân dân tệ (3,75 tỷ USD). Một người đi bộ đi ngang qua Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, còn được gọi là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ở trung tâm Bắc Kinh, ngày 09 tháng 8 năm 2007 (Ảnh: TEH ENG KOON / AFP qua Getty Images)
Đáng nói là, đây không phải là dấu hiệu mới xuất hiện trong hệ thống ngân hàng Bắc Kinh, mà hoạt động giải cứu, sáp nhập, che giấu thông tin đổ vỡ đã diễn ra vài năm gần đây, đặc biệt tăng mạnh trong 1 năm trở lại đây.
Kể từ tháng 5 năm 2019, đã diễn ra vụ tịch thu ngân hàng đầu tiên của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, đã có một làn sóng sáp nhập khác đối với các tổ chức tín dụng nhỏ cấp địa phương với các doanh nghiệp nhà nước, bản chất là dùng sự điều phối giữa các quan chức địa phương đằng sau hậu trường để tránh hoảng loạn đám đông.
Tất cả các tổ chức tín dụng nhỏ đều được cơ cấu và tổ chức lại. Nhưng vô cùng rủi ro ở chỗ, các nhà quản lý đang cho phép các tổ chức tín dụng nhỏ, những tổ chức không niêm yết, bất kể tình hình tài chính như thế nào, cũng được tăng vốn cổ phần thông qua phát hành chứng khoán riêng lẻ. Điều này cực kỳ rủi ro với người gửi tiền và nhà đầu tư vào các tổ chức này, khi tiêu chuẩn an toàn tối thiểu hoàn toàn bị phá hỏng.
Nhưng đây cũng là dấu hiệu cho thấy các tổ chức tín dụng cấp địa phương của Trung Quốc đang khát vốn và cực kỳ có vấn đề về thanh khoản, bất chấp được “hà hơi” bằng nguồn cung tiền vô tội vạ từ chính quyền trung ương.
So với những người khổng lồ như Ngân hàng Công thương Trung Quốc, ngân hàng cho vay lớn nhất của đất nước, những ngân hàng này quá nhỏ bé. Tuy nhiên, nhìn chung, họ tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế công nghiệp rộng lớn của Trung Quốc.
Hơn 4.000 ngân hàng khu vực của Trung Quốc, chủ yếu là các tổ chức thương mại ở thành phố và nông thôn, nắm giữ gần 77 nghìn tỷ nhân dân tệ tài sản, tương đương 1/4 tổng toàn ngành tính đến tháng Sáu.
PBOC bất lực trong việc ngăn chặn ‘vỡ đê tín dụng’ địa phương?
Khi ngày càng có nhiều ngân hàng không chống chọi nổi với bảng cân đối kế toán xấu và thị trường tài trợ gặp khó khăn, lo ngại ngày càng tăng rằng PBOC thiếu một chiến lược chặt chẽ để đối phó với chúng. Đối với tất cả các biện pháp mà các nhà hoạch định nhà nước đang thực hiện, không có biện pháp nào giải quyết được gốc rễ điểm yếu của những người cho vay nhỏ: nguồn vốn và bảng cân đối kế toán bấp bênh của họ.
Ví dụ về cách PBOC xử lý vụ sụp đổ lộn xộn của Ngân hàng TNHH Baoshang và một số ngân hàng địa phương yếu kém khác trong mùa hè vừa qua.
Khi các cơ quan quản lý bất ngờ bắt giữ Baoshang Bank vào tháng 5 năm 2019 với lý do “rủi ro tín dụng nghiêm trọng”, thị trường đã hoảng loạn. Ngân hàng trung ương cho biết 4,7 triệu chủ nợ của ngân hàng – chủ yếu là những người gửi tiền tiết kiệm – chỉ nhận được 60% số tiền của họ mà không có sự can thiệp của nhà nước.
Khi nguy cơ gia tăng, tỷ giá thị trường tiền tệ tăng vọt và khối lượng giao dịch sụt giảm. Các nhà giao dịch dao động trong việc chấp nhận các khoản nợ ngân hàng ngắn hạn thậm chí được xếp hạng AAA làm tài sản thế chấp trên thị trường repo liên ngân hàng, nơi các ngân hàng cung cấp các khoản vay ngắn hạn cho nhau. Ngân hàng trung ương buộc phải bơm ròng 250 tỷ nhân dân tệ để đảm bảo đủ thanh khoản.Dịch Cương, Chủ tịch Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, trả lời một câu hỏi trong cuộc họp báo về thúc đẩy phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững của nền kinh tế Trung Quốc nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập CHND Trung Hoa tại Bắc Kinh vào ngày 24 tháng 9 năm 2019. (Ảnh bởi WANG Zhao / AFP / Getty Images)
Để quản lý tài sản của ngân hàng, PBOC, cùng với Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, đã thành lập một nhóm tiếp quản dưới sự giám sát của một trong những công ty cho vay thương mại lớn nhất của đất nước, China Construction Bank Corp. Ngân hàng trung ương đã chịu mất mặt khi công bố tình huống đặc biệt này. Nhưng các nhà đầu tư bắt đầu thấy những dấu hiệu cảnh báo khác trên toàn hệ thống tài chính: các ngân hàng nhỏ gặp vấn đề về thanh khoản, vốn an toàn quá mỏng và các khoản nợ xấu đang gia tăng.
Sau khi chứng kiến sự hỗn loạn thị trường gây ra bởi Baoshang, Bắc Kinh đã giải quyết các ngân hàng yếu kém khác bằng chính sách phân tán, áp dụng một loạt các cách tiếp cận khác nhau, một cách chắp vá đối với các thể chế yếu kém hoặc thất bại khác.
Vào tháng 7 năm 2019, PBOC đã tổ chức một cuộc giải cứu Ngân hàng Jinzhou Co bằng tiền từ ba công ty lớn thuộc sở hữu nhà nước, bao gồm cả Ngân hàng Công thương. Trong khi với Ngân hàng Hoàng Phong (Hengfeng) lại giao cho chính quyền thành phố địa phương tự xử lý.
Đáng lẽ phải tận dụng cơ hội này để tạo một khuôn mẫu chính sách, chiến lược đối phó dài hạn thì PBOC lại không thể làm vậy. Những phản ứng tùy tiện của Bắc Kinh cũng đã ngăn cản việc thiết lập một tiền lệ rõ ràng để đối phó với những thất bại trong tương lai.
Các ngân hàng địa phương có điểm chung về các khoản nợ xấu và vấn đề cơ cấu. Không giống như các ngân hàng lớn hơn với cơ sở tiền gửi lớn, các ngân hàng địa phương tìm kiếm nguồn tiền hoạt động và bù đắp thanh khoản chủ yếu trên thị trường liên ngân hàng ngắn hạn. Tức là họ lấy nguồn tiền vay ngắn hạn theo ngày, tuần để tài trợ cho vay dài hạn. Đó là rủi ro kỳ hạn đáng sợ nhất mà mọi ngân hàng, hệ thống tài chính đều buộc phải tránh.
Ví dụ như ngân hàng Jinzhou và Hengfeng. Mỗi bên chỉ có hơn 100 tỷ USD cho vay ra tại thời điểm cuối năm 2019. Nhưng khoảng 27% và 36% số tiền cho vay ra của họ là nguồn tiền được họ vay từ thị trường repo ngắn hạn đầy biến động. Lấy nguồn ngắn hạn tài trợ cho nguồn dài hạn.
Bắc Kinh không đủ tiềm lực để chống đỡ
Thực tế là Bắc Kinh không có đủ tiềm lực để đảm bảo tương lai của hàng trăm tổ chức tài chính cấp tỉnh trở xuống, sở hữu đến 73,4 nghìn tỷ nhân dân tệ trong tổng nợ phải trả. Bây giờ nhấn mạnh, các tổ chức này đã có xu hướng đầu tư ngoài ngành rất lớn. Các tổ chức tín dụng này cũng đã trở thành kho chứa các tài sản xấu.
Tài chính của chính phủ đang suy yếu. Chính quyền thành phố và bốn NHTM lớn của Trung Quốc đang căng thẳng. Khoản tiền tài trợ cho các chính quyền địa phương có thể lên tới 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm nay, dựa trên ước tính của Bộ Tài chính Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng chấp nhận mất 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ lợi nhuận để giúp các doanh nghiệp vượt qua suy thoái kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách đã thừa nhận tình trạng bấp bênh của những tổ chức tín dụng vừa và nhỏ. Nếu nguồn vốn ngân hàng nhỏ cạn kiệt vì không ai muốn cho một ngân hàng khó khăn vay, điều gì sẽ xảy ra với tất cả các công ty cần vay? Phương pháp vừa làm vừa sửa cho thấy sự yếu kém của các cơ quan quản lý đối với hệ thống và cần có một cách tiếp cận chặt chẽ hơn.
Các nhà phân tích tại CGS-CIMB Securities International Pte nhận xét rằng việc các ngân hàng lớn mua lại các ngân hàng nhỏ có nguy cơ gây ra các vấn đề cho các ngân hàng lớn hơn.
Họ cũng lưu ý mối nguy hiểm khi các ngân hàng nhỏ có rủi ro sáp nhập với nhau có thể dẫn đến việc “tạo ra một ngân hàng lớn hơn rủi ro hơn”; trong khi đó, việc để một số người cho vay như vậy thất bại “cũng có thể gây ra sự hoảng loạn nếu không được quản lý đúng cách”.
Khi hơn 4.000 ngân hàng của Trung Quốc phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn, Bắc Kinh không thể tiếp tục dựa vào các tổ chức tín dụng lớn ôm khối nợ của các tổ chức tín dụng nhỏ như họ đã làm trong 5 năm qua.
Việc “vá víu” các bảng cân đối kế toán theo cách này sẽ nhanh chóng khiến hệ thống tài chính của Trung Quốc sụp đổ. Và điều này sẽ tạo ra cơn sóng thần tàn phá tiếp nền tài chính toàn cầu vốn quá rủi ro sau hơn thập kỷ phóng túng tiền tệ, bơm giá tài sản và nợ xấu tràn lan do đại dịch virus Vũ Hán.
Lê Minh – ntdvn.com/ – 5/11/20