Bầu cử Mỹ 2020: Một kỳ bầu cử đầy rủi ro nhất trong lịch sử nước Mỹ?
Một kỳ bầu cử đầy rủi ro nhất hay tính dân chủ tự do được thể hiện đến tột cùng – BBT
Donald Trump, 74 tuổi hay Joe Biden, 78 tuổi, ai sẽ trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ sau ngày bỏ phiếu lịch sử 03/11/2020 này ? Lịch sử là vì trong cuộc bầu tổng thống 2020 này, người dân Mỹ phải bầu chọn giữa hai ứng viên cao tuổi nhất, và đặc biệt là, cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh xã hội Mỹ bị phân hóa sâu sắc.
Đây cũng là một kỳ bỏ phiếu đầy rủi ro nhất. Bởi vì chưa có một kỳ bầu cử tổng thống nào, mối lo bạo động bùng phát hậu bầu cử lại nặng nề như lúc này. Lần đầu tiên, trong lịch sử bầu cử Hoa Kỳ, người ta nhìn thấy nhiều tiểu thương phải cho ốp ván gỗ che chắn trước cửa hiệu đề phòng bạo lực ngay khi có kết quả kiểm phiếu.
Một dấu hiệu khác cho thấy rõ xã hội Mỹ giờ như một sợi dây đàn bị căng hết mức : Tổ chức phi chính phủ International Crisis Group, trong tuần trước ra một báo cáo nhấn mạnh đến « rủi ro có thể có về việc tổng thống mãn nhiệm không chấp nhận kết quả bầu cử, dẫn đến hệ quả bạo lực vũ trang ».
Để thấy rõ tầm mức quan trọng của lời cảnh báo, Liberation dẫn lời ông Stephen Pomper, một trong số lãnh đạo của tổ chức này lưu ý độc giả rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử 25 năm tồn tại của International Crisis Group, một tổ chức phi chính phủ chuyên dự báo và hỗ trợ các giải pháp về các cuộc xung đột, « ra báo cáo về chuyện nội tình nước Mỹ ».
Bởi vì bầu cử năm nay diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt : Nước Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng xã hội trên nhiều phương diện. Khủng hoảng dịch tễ Covid-19 bùng phát mà Hoa Kỳ đứng đầu bảng xếp hạng về số nạn nhân (230.000 người chết), khiến nền kinh tế lao đao, thất nghiệp gia tăng.
Nhất là xã hội Mỹ bị phân hóa sâu sắc hơn bao giờ hết, mà vụ Georges Floyd, một người da đen bị cảnh sát chẹt cổ đến chết ngạt là một ví dụ điển hình. Người ta nhận thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của những nhóm cực hữu chủ trương người « Da Trắng thượng đẳng », phần đông ủng hộ Trump, đối lập với bên kia là những nhóm cực tả, xu hướng vô chính phủ.
Bầu cử Mỹ 2020 còn mang đậm dấu ấn của một chiến dịch vận động tranh cử ngoại hạng, với những lời lẽ đả kích đối phương ở một mức độ « hung hãn » chưa từng thấy. Thái độ hung hăng đó không chỉ từ hai ứng viên mà cả từ những ủng hộ viên, đến mức ICG phải lên tiếng khuyến nghị rằng « chính quyền phải ngăn chặn mọi hành động hăm dọa cử tri, và tiếp tục kiểm phiếu ngay cả trong trường hợp có mất trật tự ».
Theo giới quan sát, căng thẳng trong bầu cử, những khó khăn tiếp cận phòng bỏ phiếu luôn tồn tại trước đây, nhưng chính cá tính của vị tổng thống sắp mãn nhiệm là một biến số mới trong cuộc bầu cử lần này.
E sợ xảy ra xung đột, thậm chí người ta còn mơ hồ nói đến nội chiến khi ông Donald Trump luôn có những phát biểu nuôi dưỡng hay kích động tâm lý nghi kị tiềm tàng trong lòng các cử tri của ông về khả năng có gian lận bầu cử.
Chủ nhân Nhà Trắng đòi hỏi kết quả cuối cùng phải được công bố ngay trong đêm mồng 03/11 mà không đợi kết quả kiểm những lá phiếu gởi qua bưu điện, do tình hình dịch Covid-19. Căng thẳng đó còn gia tăng một nấc khi tổng thống Trump tuyên bố thẳng thừng không thể thua trong cuộc bầu cử này trừ phi có gian lận.
Chưa có lúc nào tâm trạng lo lắng có gian lận lại cao như lúc này. « Một bầu không khí nghi kỵ, ngờ vực đối với cuộc bỏ phiếu chưa từng thấy », mà ông Christian Vinel, chuyên gia về lịch sử Mỹ, trường Đại học Paris, trên đài RFI đánh giá rằng « đó là một dấu hiệu của một nền dân chủ đang lâm bệnh ».
Quan điểm này được ông Robert Malley, giám đốc tổ chức International Crisis Group, một lần nữa xác nhận khi trả lời phỏng vấn đài RFI tại Washington, cho rằng « nguy cơ tràn bờ là hiện hữu nhất là bởi vì bản thân tổng thống Mỹ đang phiêu lưu thêu dệt căng thẳng hơn là làm dịu chúng ».
RFI – Minh Anh
Bầu cử tổng thống Mỹ: Washington chuẩn bị đối phó với bạo động
BẦU CỬ MỸ 2020Bầu cử Mỹ : Texas triển khai 1.000 vệ binh quốc gia tại 5 thành phố
BẦU CỬ MỸ 2020Cử tri Mỹ bầu tổng thống trong bối cảnh đất nước bị chia rẽ trầm trọng
MỸ-BẦU CỬ TỔNG THỐNG 2020Pennsylvania nắm giữ chìa khóa Nhà Trắng ?