ĐS Kritenbrink: Việt Nam là ‘trung tâm’ trong tầm nhìn của Mỹ ở khu vực // Đài TQ: Mỹ từng gây đau thương cho VN, nay có mưu đồ ở Biển Đông
Quí bạn đọc thân mến,
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho rằng Việt Nam đóng vai trò “trung tâm” trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Còn Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội cáo buộc Mỹ muốn biến Việt Nam thành “con cờ phục vụ cho chiến lược của Mỹ”, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc hôm 1/11 công khai cho rằng Mỹ từng gây đau thương cho VN, nay đang có mưu đồ ở Biển Đông, đe dọa Việt Nam rằng Mỹ đang hướng VN về một cuộc ‘Chiến tranh lạnh mới”. Nhưng liệu lần chìa tay này khác với kỳ bắt tay trước ? Lịch sử hãy còn chưa ráo mực, nạn nhân lẫn tác nhân vẫn còn sống đã phần nào cho thấy rằng nước Mỹ “sẵn sàng chìa tay ra” khi “cần bạn bè đồng minh để đảm bảo lợi ích và duy trì vai trò số 1 của mình trên thế giới” ? nhưng lại “sẵn sàng thoả thuận trên lưng bạn bè, đồng minh, khiến những nước nhỏ phải trả giá đắt” khi “không cần nữa”...?
Liệu VN có thể trở thành một vũ đài mới của các đại cường hay biến thành vùng sôi đậu mới tại Ðông nam Á vì vị trí đặc thù của mình hay đã đến lúc nhân dân VN phải biết thức tỉnh và cùng nhau thực hiện cuộc đại phản tỉnh với tinh thần nhân bản, cởi mở , bầu ơi thương lấy bí cùng, để cùng nhau xiết tay đứng lên cho cuộc vận động lịch sử, để từ nay không còn phải dè chừng giặc bắc phương, tránh thảm họa là nơi sâu xé của các liệt cường, không còn phải cam phận cắng răn làm thân phận nhược tiểu với một xã hội luôn bất ổn, kinh tế suy đồi, nhân tâm ly tán, người với người đầy vô cảm … một Tổ quốc Việt Nam luôn bị giằng co sâu xé, một Mẹ Việt Nam với đôi mắt lo buồn và hoằn sâu vì năm tháng .
Liệu một Dân tộc thông minh, dũng cảm và chịu khó xứng đáng có được một cuộc sống đàng hoàng, đáng được hưởng các quyền tự do căn bản của con người, được đối xử theo đúng đạo công bằng, được hưởng kết quả công việc mình làm, được bảo vệ chống lại mọi áp bức bất công , được nâng đở để phát triển khả năng của mình và xứng đáng được sống một cuộc đời an ninh thoải mái ?. BBT
ĐS Kritenbrink: Việt Nam là ‘trung tâm’ trong tầm nhìn của Mỹ ở khu vực
02/11/2020 – VOA Tiếng Việt
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết rằng Việt Nam đóng vai trò “trung tâm” trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và tái khẳng định rằng Mỹ sẽ không vì lợi ích quốc gia mà ‘bỏ rơi’ Việt Nam.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn dài gần 2 tiếng đồng hồ với báo Công an Nhân dân hôm 31/10, người đứng đầu phái đoàn ngoại giao của Hoa Kỳ đưa ra khẳng định trên, chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ tới thăm Việt Nam để tái khẳng định sự lớn mạnh của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Đại sứ Kritenbrink nói với phóng viên của Công an Nhân dân rằng Việt Nam hiện là “một trong những đối tác quan trọng nhất” của Mỹ trên thế giới và rằng Việt Nam “có vai trò trung tâm trong tầm nhìn” của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á khi được hỏi “Việt Nam thực sự nằm ở đâu trong chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ?”.
Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tới dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng và công bố tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chiến lược này được cho là nhằm tăng ảnh hưởng của Mỹ và kiềm chế sự bành trướng quyền lực của Trung Quốc trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ một vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó có Biển Đông. Với chiến lược này, Việt Nam dường như trở thành một đối tác quan trọng hơn đối với Mỹ khi Tổng thống Trump đã hai lần tới thăm Việt Nam và bộ trưởng quốc phòng Mỹ có ba chuyến công du tới Hà Nội trong 3 năm trở lại đây.
“Quan niệm của chúng tôi là: An ninh và sự thịnh vượng của mình chỉ được đảm bảo khi có được những người bạn cũng vững mạnh và thịnh vượng trên khắp thế giới,” Đại sứ Mỹ nói. “Ở khu vực Thái Bình Dương, khi chúng tôi có một đối tác là Việt Nam độc lập, thịnh vượng thì chúng tôi cũng sẽ duy trì được sự thịnh vượng của mình.”
Đại sứ Kritenbrink hồi tháng 8 nói rằng quan hệ đối tác giữa Washington và Hà Nội sẽ giúp Việt Nam vượt lên các nước khác trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang quyết liệt đẩy mạnh việc đưa chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc, trong đó có việc di chuyển các nhà máy sản xuất của các công ty Mỹ ra khỏi nước này sang Việt Nam.XEM THÊM:Đại sứ Mỹ thăm Bạch Đằng Giang, tìm hiểu cách Việt Nam chống xâm lược từ phương Bắc
Khi được hỏi về nhận định của các nhà bình luận chính trị rằng nước Mỹ “sẵn sàng chìa tay ra” khi “cần bạn bè đồng minh để đảm bảo lợi ích và duy trì vai trò số 1 của mình trên thế giới” nhưng lại “sẵn sàng thoả thuận trên lưng bạn bè, đồng minh, khiến những nước nhỏ phải trả giá đắt” khi “không cần nữa”, Đại sứ Kritenbrink cho biết rằng “cũng dễ hiểu khi các nhà lãnh đạo Mỹ phải ưu tiên lợi ích quốc gia Mỹ.”
“Tổng thống Donald Trump từng có khẩu hiệu ‘Nước Mỹ trên hết’ nhưng ‘Nước Mỹ trên hết’ không có nghĩa là nước Mỹ đứng một mình,” Đại sứ Kritenbrink nói. “Tôi nghĩ là đất nước và người dân chúng tôi cũng đã hội được rất nhiều bài học lịch sử của chính mình, trong đó có bài học là không thể đứng một mình.”
Vào năm 1972, nhiều người Việt Nam tin rằng chính phủ Mỹ đã “bỏ rơi” đồng minh của mình lúc đó là Việt Nam Cộng hoà sau khi rút quân về nước và “bắt tay” với Trung Quốc nhằm chống lại Liên Xô.
“Điều cốt lõi trong chính sách ngoại giao của chúng tôi… đó là chúng tôi có lợi ích trong việc có được những đồng minh, đối tác và bạn bè tự chủ, thịnh vượng,” Đại sứ Kritenbrink giải thích và cho biết rằng Mỹ có sự hỗ trợ về các đối tác hiện có của Mỹ trên khắp thế giới. “Tôi muốn nói rằng: Các bạn hoàn toàn có thể tin tưởng nước Mỹ.”
Mỹ gần đây đã ủng hộ và cam kết với Hà Nội nhiều hơn trong nhiều vấn đề từ an ninh, kinh tế cho tới hợp tác chống đại dịch.
Trong năm nay, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng cùng nhiều thượng nghị sỹ Mỹ đã mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ Hà Nội khi lên án Bắc Kinh về các hành vi “bắt nạt” Việt Nam và các nước trong khu vực, đặc biệt sau khi Bắc Kinh đưa tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi.
Trong chuyến thăm tới Hà Nội hôm 29-30/10, Ngoại trưởng Pompeo công bố khoản hỗ trợ thêm 2 triệu USD giúp Việt Nam khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung, trong khi bày tỏ mong muốn với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Hoa Kỳ tiếp tục cùng với Việt Nam xây dựng mối quan hệ và làm cho khu vực Đông Nam Á, châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở nên an toàn, hoà bình và thịnh vượng.”
VOA
Đài TQ: Mỹ từng gây đau thương cho VN, nay có mưu đồ ở Biển Đông
02/11/2020 – VOA Việt Ngữ
Một đài phát thanh của nhà nước Trung Quốc hôm 1/11 đăng bài viết nhắc nhở Hà Nội rằng Mỹ từng gây đau thương cho Việt Nam trong cuộc chiến cách đây nửa thế kỷ, và nay Mỹ có mưu đồ xúi giục các nước ASEAN chống Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp nhận xét với VOA rằng Trung Quốc đang dùng các thủ thuật nhỏ nhặt và nực cười để chia rẽ Việt Nam với các nước có chung quan điểm, lợi ích.
Trên trang Facebook của mình, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc đăng bài viết có nhan đề “Liệu còn nhớ những đau thương mà Mỹ gây ra cho Việt Nam nhằm chống đối Trung Quốc” vào chiều 1/11, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kết thúc chuyến thăm đột xuất đến Việt Nam kéo dài 2 ngày, từ 29 đến 30/10.
Kèm theo bài viết, đài phát thanh đối ngoại chính thức và duy nhất của Bắc Kinh đăng một bức ảnh ông Pompeo tại sân bay ở Hà Nội, cùng với ảnh chụp một nạn nhân thời Chiến tranh Việt Nam, thường được biết đến với tên gọi “Em bé napalm”.Trung Quốc dùng các thủ thuật nhỏ nhặt để chia rẽ Việt Nam với các nước có cùng suy nghĩ phải thượng tôn luật pháp quốc tế thì đấy là chuyện nực cười. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều có đảng cộng sản cầm quyền. Nhưng rõ ràng là lợi ích quốc gia của từng nước cao hơn hai đảng cầm quyền.Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Như VOA đã đưa tin, chặng dừng chân ở Hà Nội mới đây là một phần của chuyến công du châu Á mà trong đó Ngoại trưởng Pompeo liên tục đưa ra thông điệp kêu gọi các nước châu Á hợp tác với Hoa Kỳ trong việc đối mặt với các mối đe dọa an ninh do Trung Quốc gây ra.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ mong muốn của Hoa Kỳ tiếp tục cùng với Việt Nam “xây dựng mối quan hệ và làm cho khu vực Đông Nam Á, châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở nên an toàn, hòa bình và thịnh vượng”.
Đề cập đến các diễn biến liên quan đến chuyến thăm, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc viết: “Trong thời gian Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam, cổng điện tử của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra ngôn luận ác ý công kích Trung Quốc, mưu toan ly gián quan hệ các nước trên khu vực Nam Hải, dẫn thế giới hướng về ‘Chiến tranh lạnh mới’”.
Nam Hải là tên gọi mà Trung Quốc sử dụng để nói về vùng biển vốn được Việt Nam gọi là Biển Đông. Về mặt quốc tế, vùng biển này có tên trong tiếng Anh là South China Sea.
Trong những năm gần đây, như VOA đã đưa tin, Mỹ gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, liên tiếp đưa ra nhiều phát ngôn mạnh mẽ, đi cùng với các hoạt động của hải quân và không quân Mỹ nhằm phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, mà Mỹ gọi là phi pháp.
Cũng qua các tuyên bố và hành động của mình, Mỹ thể hiện sự ủng hộ đối với tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển có nhiều tranh chấp.
Trung Quốc tuyên bố họ có “chủ quyền lịch sử” về hầu hết Biển Đông, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có tuyên bố chủ quyền đối chọi về phần lớn vùng biển và hai quần đảo. Một số nước trong vùng gồm Philippines, Đài Loan, Indonesia, Malaysia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền về một số phần của Biển Đông.
Trong bài viết hôm 1/11, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc cho rằng Mỹ – một nước ở ngoài khu vực – giờ đây “can thiệp vào vấn đề Nam Hải” cũng như “công kích bôi nhọ Trung Quốc” là vì Mỹ “muốn xúi giục” các nước đối đầu với Trung Quốc, chứ không phải Mỹ muốn giúp các nước trong khu vực giải quyết tranh chấp.
Đài đối ngoại của chính quyền Trung Quốc cáo buộc rằng Mỹ – với ý đồ “chống đối Trung Quốc” – hiện nay có “mưu toan” đưa các nước ASEAN, bao gồm Việt Nam, vào quỹ đạo “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ.Mỹ vẫn đang là nước dẫn dắt trật tự thế giới dựa trên các quy tắc luật đã được hình thành từ năm 1947 … Không thể nói Mỹ chia rẽ ASEAN. Trung Quốc chính là nước chia rẽ ASEAN một cách rõ ràng nhất.Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Vẫn Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc cảnh báo rằng việc Washington “lôi cuốn” Việt Nam và các nước ASEAN khác “làm đầy tớ” để Mỹ duy trì bá quyền “chắc chắn sẽ tác động nghiêm trọng tới vị thế trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực”.
Dường như muốn dùng một dẫn chứng lịch sử để lưu ý đến những hậu quả có thể xảy ra trong tương lai, đài phát thanh của chính quyền Bắc Kinh nhắc nhở rằng “Hơn 50 năm trước, nhằm chống đối Trung Quốc, Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh Việt Nam khiến 58 nghìn binh sĩ Mỹ và 1,1 triệu người Việt Nam mất đi mạng sống”.
Nhưng VOA nhận thấy đài của Trung Quốc không nhắc đến lịch sử có hàng chục cuộc chiến lớn nhỏ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, trong đó, cuộc chiến gần đây nhất nổ ra năm 1979 rồi kéo dài nhiều năm trong thập niên 1980. Việt Nam thường gọi đó là các cuộc chiến “chống Trung Quốc xâm lược”.
Nhận xét về những ý kiến trên đây do Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc đưa ra, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, nói với VOA:
“Trung Quốc dùng các thủ thuật nhỏ nhặt để chia rẽ Việt Nam với các nước có cùng suy nghĩ phải thượng tôn luật pháp quốc tế thì đấy là chuyện nực cười. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều có đảng cộng sản cầm quyền. Nhưng rõ ràng là lợi ích quốc gia của từng nước cao hơn hai đảng cầm quyền. Cả người Việt Nam lẫn người Trung Quốc đều đã nói là không có gì cao hơn lợi ích quốc gia”.
Trong nửa cuối bài viết của mình, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc khẳng định Trung Quốc quý trọng hòa bình và ổn định của Nam Hải (tức Biển Đông) hơn bất kỳ quốc gia nào.
Trong khi đó, đài này cho rằng các hoạt động của hải quân và không quân Mỹ ở vùng biển “đã đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định của khu vực Nam Hải” và Mỹ đã trở thành “kẻ phá hoại và gây sự” ở khu vực này.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đánh giá rằng các ý kiến nêu trên của đài phát thanh đại diện cho Bắc Kinh là những nhận xét “không phù hợp” và “sai trái”.
Theo nhà nghiên cứu thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak, Bắc Kinh từ nhiều năm nay luôn có những đòi hỏi, yêu sách phi pháp về chủ quyền, lãnh thổ, thách thức một loạt các nước láng giềng, từ Việt Nam, Ấn Độ cho đến Bhutan, Nepal, Mông Cổ, v.v…
Liên quan đến khối 10 nước ASEAN nói riêng, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thuộc viện nghiên cứu hàng đầu về chính trị-xã hội, an ninh, kinh tế của Đông Nam Á nhấn mạnh rằng Trung Quốc – với những hành động áp đặt mà ông gọi là “bậy bạ, phi pháp” – chính là nước gây chia rẽ ASEAN rõ ràng nhất.
Ngược lại, vẫn theo lời ông Hợp, Mỹ là nước dẫn dắt và nỗ lực duy trì trật tự của thế giới dựa trên những luật lệ quốc tế có từ sau Chiến tranh Thế giới II.Không ai đe dọa được Việt Nam cả. Đứng về phía nào là quyền của Việt Nam. Cái phía mà Việt Nam luôn đứng cùng là luật pháp quốc tế. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Bài viết của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc hôm 1/11 là một phần trong cuộc chiến thông tin-tuyên truyền của Bắc Kinh nhằm làm cho Mỹ mất uy tín, khiến các nước ASEAN mất đi niềm tin đối với Mỹ, và phần nào nhắm đến đe dọa Việt Nam, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói với VOA.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cho rằng ngoại trừ Campuchia đang chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam và các nước còn lại của ASEAN không bị chia rẽ, và Hà Nội cũng không hề bị đe dọa từ những thông điệp của Bắc Kinh.
“Không ai đe dọa được Việt Nam cả. Đứng về phía nào là quyền của Việt Nam. Cái phía mà Việt Nam luôn đứng cùng là luật pháp quốc tế”, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói với VOA.
Đây không phải là lần đầu tiên một cơ quan của chính quyền Trung Quốc lên tiếng nhắc nhở Việt Nam thận trọng về mối quan hệ với Mỹ.
Hồi tháng 7 năm nay, như VOA đã đưa tin, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đăng lên trang Facebook chính thức của họ một bài viết cảnh báo rằng việc Mỹ xây dựng quan hệ tốt đẹp với Việt Nam là có mục đích “ly gián quan hệ Trung-Việt”, cũng như nhằm biến Việt Nam thành “con cờ phục vụ cho chiến lược Mỹ chèn ép Trung Quốc”.
VOA