Tin Việt Nam – 30/10/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 30/10/2020

Quảng Bình: Tranh cãi việc thôn thu lại tiền sau khi Thủy Tiên phát

Theo thông tin ban đầu, tại thôn Ngoạ Cương, xã Cảnh Hóa, Quảng Trạch, Quảng Bình có 69 hộ nhận tổng cộng 414 triệu đồng. Sau đó, ban cán sự thôn này đã thu lại toàn bộ gây bức xúc dư luận.

Sáng 29/10, Facebook tên Nguyen Thi Hang Nguyen đăng bài viết: “Nhà mình ngập lụt được Thuỷ Tiên về ủng hộ tiền nhưng đã bị thôn thu lại. Thật sự mình không đồng ý. Chuyện này mình sẽ đi hỏi tận nơi”. Tuy nhiên tài khoản này sau đó không còn truy cập được.

Thông tin này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận. Nhiều người bình luận, chia sẻ và thể hiện thái độ bất bình, không đồng tình với cách làm của chính quyền địa phương và cho rằng đây là hành vi “lá lành giành lá rách”, làm nên tiền lệ xấu và gây mất lòng dân.

Thực hư chuyện cán bộ thu lại tiền của dân

Về tính xác thực của thông tin trên, báo Quảng Bình Online được xem là Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có bài viết xác nhận có việc thu tiền của người dân.

Cụ thể, bài viết có tựa đề Cần hiểu rõ bản chất hoạt động thu tiền cứu trợ ở thôn Ngoạ Cương đăng tối 29/10 do tác giả Kỳ Sơn viết có ghi:

“Ngày 28-10-2020, ca sĩ Thuỷ Tiên đã về xã Cảnh Hoá (Quảng Trạch) trao quà ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do đợt lũ lụt xảy ra vào tháng 10-2020 cho 703 hộ, mỗi hộ 6 triệu đồng; riêng thôn Ngoạ Cương có 69 hộ được hỗ trợ. Sau khi các hộ dân được trao số nói trên, Ban cán sự thôn Ngoạ Cương đã thu lại toàn bộ”.

Tuy nhiên, bài viết lý giải việc thu tiền là “để đảm bảo sự công bằng, hài hoà và giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm”. Cụ thể, chủ trương của ban cán sự và người dân thôn Ngọa Cương là khi có các hoạt động cứu trợ bão lụt, đối với hàng hoá thì người dân được hưởng, còn tiền mặt thì thôn sẽ thu lại. Theo đó, số tiền ủng hộ của ca sĩ Thủy Tiên cũng áp dụng như trước đây.

Lũ miền Trung: Ca sĩ Thủy Tiên quyên góp 100 tỷ, còn Việt Nam nên sửa luật?

Thủ tướng Phúc yêu cầu ‘không gây khó nhà hảo tâm’

“Cuối đợt, Ban cán sự thôn sẽ họp bàn với người dân bình xét, cân đối và phân chia lại cho từng hộ, trong đó ưu tiên cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng”, người này viết.

Về việc người dân lên mạng bức xúc, tác giả Kỳ Sơn nói: “do chưa nắm bắt, tìm hiểu kỹ thông tin, chủ tài khoản Facebook Nguyen Thi Hang Nguyen đã vội vàng đăng tải thông tin nên gây hiểu nhầm, phản ứng trong dư luận và cộng đồng mạng. Sau khi được ban cán sự thôn giải thích cặn kẽ vào lúc 14h30 cùng ngày, chủ tài khoản Facebook “Nguyen Thi Hang Nguyen” đã gỡ bỏ thông tin đăng tải và đăng thông tin đính chính”.

Tuy nhiên, sự việc vẫn gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Cụ thể, trên Facebook cá nhân, nhà báo Dương Minh Phong (Cu Làng Cát) ở Quảng Trạch, Quảng Bình, người liên tục tường thuật về tình hình bão lũ chất vấn:

“Cần hiểu rõ rằng việc trao tiền hỗ trợ cho toàn thôn Ngọa Cương của Thủy Tiên là sự sẻ chia rõ ràng tới từng hộ dân trong thôn…Ban cán sự thôn thống nhất bàn bạc bằng tình đồng ý của dân hay là tự trong cái ban cán bọ Ngọa Cương chủ đích?…”

Ông Minh Phong cho rằng cách giải thích về việc “công bằng” là lỏng lẻo vì việc chia lại tiền của ban sự thôn có thể gây phức tạp lòng dân, chưa kể tới trường hợp “thân hữu” của ban cán sự sẽ dẫn đến việc chia tiền thiếu công bằng. Đồng thời, nhà báo cũng cho rằng đây là chủ trương “không thuận lòng dân cả người cho và người nhận”.

Ông lý giải: “vì thôn đã lập danh sách từ trước để đoàn Thủy Tiên có căn cứ phát tiền, giờ thôn thu lại nghĩa là danh sách ấy là danh sách làm láo nhằm nhận tiền, vậy thì càng tai hại. Thôn Ngọa Cương cần nhanh chóng trả lại tiền cho dân để giữ tình làng nghĩa xóm”.

Nhiều người cũng ý kiến việc cán bộ thu lại tiền của người dân, đặc biệt là người đã quyên góp tiền cho Thủy Tiên. Facebook Nguyễn Ngọc Minh viết: “Chính quyền đã không coi trọng sức mạnh quyên góp của người dân, công lao của Thủy Tiên và xem thường dư luận. Chúng tôi quyên góp cho Thủy Tiên vì cô ấy đến tận nơi, trao tận tay và giờ cán bộ lại lấy cớ chủ trương lạc hậu mà thu lại. Chính vì thế từ đầu, chúng tôi không chọn quyên tiền cho Mặt trận Tổ quốc”.

Có người còn đặt vấn đề về pháp luật, cho rằng Thủy Tiên tặng tiền cho dân thì đó là tài sản hợp pháp của người dân. Vì vậy, việc cán bộ chỉ vịn vào chủ trương để thu lại tiền của dân là hành vi xâm phạm tài sản.

Năm 2016, người dân của thôn Trung Thôn, xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình cũng bị thôn thu lại 400 nghìn đồng sau khi được nhận 500 nghìn đồng của đoàn cứu trợ từ TP HCM với lý do chia lại cho những hộ dân khác cũng bị thiệt hại trong thôn.

Tuy nhiên, sau khi vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận, chính quyền thị xã Ba Đồn đã chỉ đạo trả lại cho các hộ số tiền trên.

Ý kiến trái chiều chuyện làm từ thiện của Thủy Tiên

Dù nhiều người phản đối gay gắt cách làm, chủ trương của cán bộ xã thôn Ngọa Cương nhưng vấn đề trao tiền mặt có giá trị từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng của Thủy Tiên cũng gây phản ứng trái chiều, cho rằng việc này sẽ dễ dẫn đến chuyện “dân vòi tiền”.

Một người làm thiện nguyện lâu năm nói với BBC: “Việc Thủy Tiên quyên góp được hơn 150 tỷ thể hiện được sức mạnh xã hội dân sự, tình người trong nguy khốn. Tôi cũng rất quý tấm lòng của cô ca sĩ khi có mặt trong lúc mưa lũ ở nhiều tỉnh thành và bây giờ quay lại miền Trung ngay bão số 9. Tuy nhiên, làm từ thiện kiểu rải tiền như Thủy Tiên cơ bản là giải tỏa tâm lý lúc đó chứ hiệu quả lâu dài thì không có. Dù Thủy Tiên có nói sẽ hướng đến việc xây lại nhà bị sập do lũ và xây nhà chống lũ cho người dân nhưng cô cũng khẳng định 150 tỷ, số hộ cần giúp tới hàng nghìn thì cũng như ‘muối bỏ bể’ nên càng cần cân nhắc kỹ”.

Trước đó, việc nữ ca sĩ trao trực tiếp số tiền 200 triệu cho một ông cụ để trả nợ ngân hàng vì mất trắng sau lũ cũng gây tranh cãi trong dư luận.

Cụ thể, một số người cho rằng Thủy Tiên làm như vậy là không công bằng với những hộ dân khác và cho rằng Thủy Tiên quá tin người. Có tài khoản cho rằng: “Thủy Tiên nên có bước xác minh hoặc cho người đưa ông cụ đến ngân hàng để trả nợ. Hơn nữa, việc trao trực tiếp 200 triệu tiền mặt cho ông cụ nhà cửa đã không còn thì càng nguy hiểm cho ông”.

Một số người khác ý kiến rằng cô đã sử dụng tiền sai mục đích: “Tiền người dân quyên góp cho Thủy Tiên là để giúp người dân khỏi cái đói, cái rét và có chút vốn thiết lập lại cuộc sống sau lũ chứ không phải cho người khác trả nợ”.

Tuy nhiên, phần đông người vẫn ủng hộ nữ ca sĩ và cho rằng cô hành động đúng đắn.

Đáp lại dư luận, hôm 29/10, nữ ca sĩ đã đăng bài viết xác nhận ông cụ đã đến ngân hàng trả nợ số tiền 200 triệu và nói: “Mình nghĩ là khi con người ta đã vào đường cùng thì một là cứu, hai là không… Một

quyết định có thể thay đổi cuộc đời con người ta. Mà ông phải như nào thì cả làng cả xóm ai cũng nói vào cho ông, lúc ông cầm 200 triệu cả làng xóm ai cũng mừng cho ông cả”.

Trước đó, nhà báo Hoàng Hường viết trên Facebook cá nhân về việc làm từ thiện của Thủy Tiên:

“Trong bối cảnh đầy hoang mang, thật giả lẫn lộn này, thì có thể coi Thủy Tiên (nói hơi to tát) như “tài sản quốc gia” vì cô đang giữ giá trị niềm tin. Nếu giá trị ấy sụp đổ, thì nạn nhân bão lụt không chỉ mất đi một “cô Tiên”, mà cộng đồng lại một lần tổn thương và “tài nguyên thiện nguyện” sẽ không được bảo vệ và khai thác hiệu quả. Thiệt hại cuối cùng sẽ là những người cần được hỗ trợ như các nạn nhân thiên tai và những người yếu thế”.

Vì lẽ đó, bà Hoàng Hường gợi ý Thủy Tiên nên lập một đội ngũ, bao gồm luật sư, người làm truyền thông, kế toán… hỗ trợ mình và kết nối với những chuyên gia và lan tỏa mạng lưới cộng đồng thành cánh tay nối dài để việc giúp đỡ người dân được công bằng, minh bạch: “như qua nhiều năm, vẫn có hiện tượng những gia đình gần trục giao thông, hoặc bỗng nổi lên trên truyền thông với câu chuyện xúc động nào đó, lập tức hút hầu hết nguồn tài trợ, trong khi những nơi khác không có”.

Bà Hường cũng đề xuất Thủy Tiên có thể áp dụng công nghệ, lập thành bản đồ có số liệu, hộ dân, các vùng ngập nặng để việc từ thiện triệt để hơn: “Các đoàn thiện nguyện sẽ đánh dấu những làng, thậm chí những hộ đã cứu trợ; các đoàn sau sẽ tìm địa điểm khác, tránh chồng chéo. Công việc sẽ được phân bổ hợp lý, và minh bạch hơn. Phần mềm này sẽ được lưu lại để dùng cho các đợt sau nữa”.

Hai chuyên gia gợi ý mô hình nhà chống lũ cho Thủy Tiên

Khó, dễ trong chuyện cứu trợ miền Trung VN

Trả lời BBC News Tiếng Việt trước đó, PGS. TS Phạm Hùng Cường, giảng viên Bộ môn Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội và kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc Việt Nam cũng đưa ra mô hình nhà chống lũ đơn giản, giá rẻ và hy vọng hợp tác với Thủy Tiên để xây cho bà con miền Trung.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54743719

Vụ Thuỷ Tiên trao tiền từ thiện: Huyện xác nhận

thôn đã thu lại 400 triệu đồng của dân

Mạnh Đức

Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết, có sự việc cán bộ thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hoá thu lại tiền hỗ trợ của người dân do Thuỷ Tiên trao tặng.

Trao đổi với báo Dân Việt trưa 30/10, ông Phan Văn Thanh – Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết, đây là việc làm của cán bộ thôn không thông qua huyện.

Sau khi nắm bắt được thông tin sự việc UBND huyện đã cho xác minh, yêu cầu cán bộ thôn Ngọa Cương trả lại số tiền cho người dân. Người dân nào được trao từ thiện phải để nguyên như vậy, chính quyền không được thu lại.

“Sáng nay, hơn 400 triệu đồng của 69 hộ dân tại thôn Ngọa Cương đã được trao trả lại cho bà con”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cho biết thêm, hiện UBND huyện đang yêu cầu xã báo cáo sự việc. Việc Thuỷ Tiên về trao quà từ thiện có thông qua chính quyền xã để nắm những danh sách, gia đình nào bị ảnh hưởng do lũ lụt.

Trước đó, theo tờ Pháp luật & Bạn đọc, tài khoản Facebook “Nguyen Thi Hang Nguyen” đăng dòng trạng thái “Nhà mình ngập lụt được Thuỷ Tiên về ủng hộ tiền nhưng đã bị thôn thu lại. Thật sự mình không đồng ý. Chuyện này mình sẽ đi hỏi tận nơi”.

Thông tin sau khi đăng tải đã thu hút rất nhiều người bình luận, chia sẻ và thể hiện thái độ bất bình, không đồng tình với cách làm của chính quyền địa phương.

Trong buổi phát live trên Facebook khi đang phát tiền cho 1.232 hộ dân ở Xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Thuỷ Tiên cũng cho biết, cô đã nhận được thông tin, có một xã đã thu lại tiền của người dân. Nữ ca sĩ nói sẽ xác minh sự việc và xử lý: “mọi người yên tâm nha, tiền gửi ở đây là phải lấy về từng đồng luôn…” – Thuỷ Tiên nói.

https://www.dkn.tv/thoi-su/vu-thuy-tien-trao-tien-tu-thien-huyen-xac-nhan-thon-da-thu-lai-400-trieu-dong-cua-dan.html

Quảng Bình: Huyện yêu cầu cán bộ trả lại

hơn 400 triệu đồng tiền cứu trợ của Thủy Tiên cho dân

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vào ngày 30 tháng 10 cho hay, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cán bộ thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa trả lại tiền cho người dân sau khi sự việc bị đưa ầm ĩ trên mạng xã hội.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam trong cùng ngày dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Anh như vừa nêu. Ông cũng cho biết thêm nguyên nhân vì sao cán bộ thu tiền của dân, huyện sẽ cho làm rõ ngay và xử lý sau.

Trước đó vào ngày 28-10, ca sĩ Thuỷ Tiên và chồng là cựu ngôi sao bóng đá Lê Công Vinh đã về xã Cảnh Hoá đại diện các nhà hảo tâm trao tiền mặt cho đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ.

Xã Cảnh Hóa có 703 hộ nhận hỗ trợ, mỗi hộ được 6 triệu đồng; riêng thôn Ngoạ Cương có 69 hộ được nhận hỗ trợ tổng cộng là 414 triệu đồng.

Sau khi người dân thôn Ngọa Cương nhận số tiền nói trên thì Ban cán sự thôn đã đến thu lại toàn bộ số tiền trên, nói là để chia đều cho 170 hộ của thôn.

Ông Đậu Xuân Thủy – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quảng Trạch nói với VTC News rằng, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh việc cán bộ thôn Ngọa Cương thu lại tiền cứu trợ của dân, huyện yêu cầu xã Cảnh Hóa về làm việc với thôn để trả lại số tiền đã thu của người dân.

“Toàn bộ thôn Ngọa Cương có 170 hộ nhưng chỉ có 69 hộ bị ảnh hưởng mưa lũ. Ý của thôn là thu lại số tiền cứu trợ của 69 hộ để chia đều cho 170 hộ.

Hiện Ban cán sự thôn Ngọa Cương cùng với lãnh đạo xã Cảnh Hóa gọi người dân lên để trả lại số tiền đã thu”, ông Thủy nói.

Trong video phát trực tiếp vào chiều 29-10-2020, ca sĩ Thủy Tiên cho biết đã nhận được thông tin về việc có nơi thu tiền lại của người dân và sẽ xác minh làm rõ để lấy lại tiền cho người dân.

Thủy Tiên cũng căn dặn nhiều lần với người dân là bà con phải giữ tiền và “không được đưa số tiền này cho ai” nếu không cô sẽ thu lại.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/relief-money-confiscated-by-village-authority-returned-to-beneficiary-10302020074218.html

‘Chông gai’ trên những nẻo đường làm từ thiện

Nguyễn Lại

Trong những tuần vừa qua, bão, lũ lụt và sạt lở đất đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và cả nhân mạng đối với các tỉnh miền Trung Việt Nam. Có thể nói trong hàng chục năm trở lại đây, các tỉnh từ Hà Tĩnh cho tới Thừa Thiên Huế chưa khi nào phải chịu thiệt hại nặng nề như mùa mưa bão năm nay.

Các đoàn từ thiện của các tổ chức và cá nhân ùn ùn lên đường, hướng về miền Trung với mục tiêu cùng sẻ chia những khó khăn và mất mát với người dân nơi đây. Nhưng những nhiêu khê và bất cập khi đi làm từ thiện theo con đường ‘chính thống’ thông qua các cơ quan nhà nước hay chính quyền địa phương lâu nay đã trở thành một đề tài gây tranh luận. Những người từng trải qua kinh nghiệm này cho biết khó khăn nảy sinh ngay từ khâu đầu với thủ tục xin giấy giới thiệu làm việc với các địa phương để tới cứu trợ.

Anh Nguyễn Huy Trung, một cư dân sinh sống tại thành phố Hải Phòng, có bố mẹ vợ là cán bộ và cựu chiến binh nghỉ hưu. Với uy tín lâu năm tại địa phương và trong các cơ quan công tác, cách đây vài năm trong chuyến từ thiện đầu tiên của mình, hai ông bà đã quyên góp được hơn 400 triệu để đi giúp đỡ bà con khu vực miền Trung bị bão lụt. Anh cho biết trước hết bố mẹ anh phải xin giấy giới thiệu của UBND phường sở tại, nơi cư trú, thì khi xuống tới địa phương người ta mới tiếp và làm việc. Riêng công việc này thôi, anh Trung cho biết, phải mất đến vài ngày và nhiều lượt đi lại. Sau những va chạm lời qua tiếng lại vì bức xúc, hai ông bà mới có được giấy giới thiệu cần thiết.

“Liên lạc, gọi điện mãi không được, ông bà phải lên tận phường mấy lần người ta mới cho. Mà khi cho rồi, người ta còn nói kiểu như không vừa lòng rằng cái này phải để cho phường và nhà nước làm chứ sao hai bác lại tự làm thế? Đấy là ông bà có uy tín thế người ta mới phải giải quyết cho đấy. Chứ người khác thì chắc khó mà xin được,” anh Trung chia sẻ thêm.

Trong đợt lũ lụt ở miền Trung lần này, bố mẹ anh Trung tiếp tục quyên góp được hơn 200 triệu và 1 tấn gạo. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này hai ông bà liên lạc với nhà chùa và có một sư thầy đi tiền trạm, tìm tới những vùng khó khăn thực sự tại Quảng Bình và liên lạc trước. Toàn bộ số gạo và tiền này sẽ chuyển trực tiếp tới tay người dân tại khu vực khó khăn đó, thay vì làm việc qua UBND địa phương, nhờ chỉ dẫn.

Tuy nhiên, hiện anh Trung cũng như cả gia đình đang rất lo lắng cho chuyến từ thiện tới đây.

“Mình thấy người ta chụp ảnh và thông tin rằng nếu không qua địa phương thì cũng khó mà phát đồ từ thiện cho người dân đấy. Có đoàn đi trước, xe chở đồ ăn đã tới nơi, gọi người dân ra xếp hàng nhận cả rồi thì đại diện UBND xã ra làm việc nói là cái này không được phát vì chưa thông qua địa phương. Thế là các sư thầy lại phải khiêng lên xe hết, không dám phát nữa,” anh Trung lo lắng bày tỏ.

Anh Nguyễn Nghĩa, một phóng viên lâu năm tại Hà Nội, chia sẻ trong những lần anh cùng các bạn đi làm từ thiện tại các bệnh viện ở thủ đô, nơi tập trung rất đông bà con ngoại tỉnh, thì gần như tất cả đều phải có tiền ‘bôi trơn’ để công việc được thuận tiện.

“Nếu mình không có tiền cho bảo vệ thì người ta còn không cho vào ý, rồi cũng phải có tiền cho các phòng ban thì người ta mới cho làm, chứ không người ta sẽ lấy lý do này lý do nọ từ chối, mệt lắm,” ký giả này cho biết.

“Người ta nhận tiền rồi cho mình làm việc của mình là còn may mắn và tiện lợi đấy. Nhiều nơi người ta không nhận, rồi nói cái này phải làm việc với ban giám đốc. Đến lúc liên lạc với ban giám đốc thì họ nói cái này bọn mình không quyết được phải hỏi ý kiến anh Phó giám đốc XYX. Nhưng khi gọi điện cho anh Phó giám đốc đó thì anh ý đi đâu hoặc bận việc này, việc kia không tiếp thì chả làm được, mất công đi về thôi,” anh Trung tiếp lời.

Tất nhiên, ai cũng biết làm việc qua con đường ‘chính thống’ là UBND và Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương là cần thiết bởi đây là những đơn vị nắm rõ tình hình địa phương nhất. Nhưng con đường này, theo những người đã đi qua, hoàn toàn không đơn giản. Đó là chưa kể đến việc mất niềm tin trong công tác phân phát hàng hoá cứu trợ. Cho nên để yên tâm, ngày càng có nhiều đoàn từ thiện tìm cách trực tiếp tiếp cận các nạn nhân cần cứu giúp để trao gửi tận tay, dù cách làm này có thể bị ‘gây khó dễ’ hoặc có khi cũng rơi vào tình cảnh hàng cứu trợ không phù hợp với nhu cầu mà người dân địa phương đang cần kíp.

https://www.voatiengviet.com/a/chong-gai-tren-nhung-neo-duong-lam-tu-thien/5640841.html

Nghệ An: Thủy điện xả lũ dồn dập trong đêm,

hàng loạt nhà dân ngập tới nóc

Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho hay, trong chiều và tối 29-10 có 4 nhà máy thuỷ điện ở tỉnh đồng loạt xả lũ vì ảnh hưởng của bão số 9 gây mưa lớn.

Hàng loạt nhà dân ở xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương bị ngập gần tới nóc. Trại giam Thanh Chương, nơi một số tù nhân chính trị đang bị giam giữ như ông Trần Huỳnh Duy Thức, Trương Minh Đức… cũng bị ngập sâu trong nước.

Nhiều tuyến đường ở 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã bị ngập sâu, sạt lở ta luy gây ách tắc giao thông.

Thông tin trên được truyền thông Nhà nước Việt Nam loan dựa theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) 3 tỉnh trên gửi vào ngày 30/10.

Các Sở GTVT cho rằng do hoàn lưu của bão số 9 gây ra mưa lớn kéo dài nên nước ngập sâu đến 6 mét, khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng.

Cụ thể, ở Nghệ An có 32 vị trí trên Quốc lộ và đường liên tỉnh bị ngập sâu, tắc đường.

Đường liên tỉnh tại Hà Tỉnh và quốc lộ 1, quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh nhanh Tây tại Quảng Bình bị ngập, nền đường bị xói lở hiện đang gây tắc đường.

Ở quốc lộ 9B tỉnh Quảng Bình nhiều điểm còn bị sụt trượt ta luy dương do sạt lở núi, giao thông hạn chế qua lại trên các tuyến đường này.

Cũng trong ngày 30/10, Ban chỉ đạo trung ương (BCĐ) về phòng chống thiên tai đã thông báo việc tăng cường ứng phó với lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hydroplant-dam-discharge-water-leading-to-inundation-lowe-regions-10302020090027.html

70 người chết và mất tích do bão số 9,

thiệt hại về kinh tế hàng ngàn tỷ đồng do thiên tai

Đã có ít nhất 70 người chết và mất tích ở các tỉnh miền Trung Việt Nam khi cơn bão số 9, tên quốc tế là Molave, đổ vào miền Trung hôm 28/10, theo thống kê được cập nhật đến tối ngày 29/10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

Cụ thể, số người chết là 23 người, và số người mất tích là 47 người. Các tỉnh có thiệt hại về người nhiều nhất là Quảng Nam với 21 người chết và 24 người mất tích, Bình Định với 23 người mất tích. Các tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk mỗi tỉnh có 1 người chết.

Theo thống kê này, bão số 9 đã làm hơn 97.000 căn nhà bị sập, điểm trường bị tốc mái, hư hỏng, hơn 5.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 62 tàu cá bị chìm.

Tại phiên họp Chính phủ hôm 30/10 ở Hà Nội, một báo cáo về ảnh hưởng của bão lũ tại miền Trung tính đến ngày 26/10 cho thấy tổng giá trị thiệt hại về tài sản gây ra do thiên tai trong tháng là 2.700 tỷ đồng.

Các tỉnh miền Trung Việt Nam từ đầu tháng 10 đến nay đã liên tục phải chịu 3 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới gây lũ lớn và sạt lở đất. 2 cơn bão trước cơn bão số 9 đã khiến 153 người chết và mất tích, 222 người bị thương và hơn 100.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hại.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/70-dead-and-missing-as-tropical-storm-hit-the-central-region-10302020074943.html

Trại tạm giam không cho vợ blogger Nguyễn Tường Thụy

 gặp mặt dù đã kết thúc điều tra

Hôm 30-10-2020, vợ của nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, một blogger của Đài Á Châu Tự Do, đến trại tạm giam của cơ quan An ninh điều tra ở số 4 Phan Đăng Lưu, TPHCM để thăm gặp chồng mình sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, tuy nhiên cán bộ trại tạm giam không cho gặp, nại lý do là “dịch COVID-19”.

Bà Nguyễn Thị Lân cho biết qua điện thoại với phóng viên vào chiều 30-10 như sau:

Không ạ! Họ trả lời là ‘do dịch’ cho nên không ai được gặp hết, mà cái này là do từ Bộ công an thông báo về. Tôi bảo: ‘Vậy thì bao giờ hết dịch?’ Thì họ nói là ‘Tôi không biết được’.

Lý do là do dịch bệnh nên họ không cho gặp chứ không phải là không được gặp. Kết thúc điều tra thì vẫn được gặp nhưng mà họ không cho gặp.”

Theo vợ của Phó Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập, những thân nhân của các phạm nhân khác trong thời gian bà yêu cầu gặp người nhà cũng không được vào thăm gặp tương tự.

Qua dò hỏi, bà Lân biết được ông Thụy sức khỏe không tốt do đang gặp vấn đề về đường ruột và đau ngón tay cái bên trái mà bà đoán là do ông bị công an bẻ tay để lấy dấu vân tay mở khóa điện thoại khi bị bắt.

Hồi tháng 3 năm nay, Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10) ra thông báo yêu cầu các cơ sở giam giữ tạm dừng cho phép các gia đình phạm nhân đến thăm gặp, gửi đồ tiếp tế trong tháng 3-2019 để phòng ngừa dịch COVID-19.

Từ đó đến nay không có bất kỳ thông báo nào tương tự của Bộ Công an Việt Nam trên truyền thông được ghi nhận.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người nhận bào chữa cho ông Nguyễn Tường Thụy cũng cho hay, khi nhận được thông báo kết thúc điều tra thì từ ngày 21-10 ông đã gửi giấy đề nghị cấp chứng nhận bào chữa cho Viện kiểm sát, tuy nhiên đến nay chưa hề nhận được thông báo nào. Luật sư Miếng nói:

“Sau 24 tiếng đồng hồ mà họ không cấp giấy cho chúng tôi nếu chúng tôi khiếu nại thì đơn khiếu nại vẫn ở trong đó.

Phải đợi đến khi nào khoảng 1 tháng thì họ ra cáo trạng xong sẽ cấp giấy (bào chữa) cho chúng tôi, bây giờ có khiếu nại đi nữa thì đơn thư của chúng tôi vẫn sẽ nằm ở trong tình trạng giống như là các tập nhật ký vậy.

Đó là một tiền lệ xấu, nhưng không thể làm sao khắc phục được do nếu làm căng quá thì khi ra cáo trạng họ sẽ không cung cấp cho chúng tôi, nên không thể làm gì trong giai đoạn này.”

Ông Nguyễn Tường Thụy là một trong 3 lãnh đạo của Hội Nhà báo độc lập – một tổ chức báo chí tự do không được nhà nước công nhận.

Ông Thụy bị bắt giữ vào ngày 23-5-2020 tại nhà riêng ở Hà Nội, sau đó bị dẫn giải vào thành phố Hồ Chí Minh vì bị cáo buộc liên quan đến vụ án “Tuyên truyền chống nhà nước” do Chủ tịch Hội – Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đứng đầu.

Một người nữa cũng bị bắt trong vụ án là anh Lê Hữu Minh Tuấn bị bắt giam 1 tháng sau khi ông Nguyễn Tường Thụy bị bắt.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/blogger-nguyen-tuong-thuy-not-allowed-to-meet-his-family-10302020072518.html

Người dân sống gần bãi rác Nam Sơn

đề nghị tăng mức đền bù

Người dân thuộc các xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, và Bắc Sơn thuộc huyện Sóc Sơn đề nghị chính quyền tăng mức đền bù, hỗ trợ người dân quanh khu vực bãi rác Nam Sơn do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường từ bãi rác này.

Đề nghị này được người dân đưa ra trong cuộc họp giữa đại diện chính quyền thành phố Hà Nội và người dân hôm 30/10 và được truyền thông Nhà nước tường thuật lại.

Những người dân ở đây cho biết ô nhiễm môi trường từ bãi rác đã khiến nhiều người bị bệnh, thậm chí ung thư, trong khi việc phun thuốc ruồi muỗi do chính quyền thực hiện không có hiệu quả, chỉ phun qua loa, thậm chí thuốc còn bị bán ra ngoài thay vì phục vụ người dân.

Người dân đề nghị chính quyền tăng diện tích đất tái định cự cho các hộ, áp dụng khung giá đất mới (cao hơn) so với mức hiện tại, điều chỉnh các loại giá đất và có chính sách hỗ trợ ngoài.

Trước đó, vào tối ngày 23/10, nhiều người dân thuộc hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ đã dựng lều  trực canh, ngăn xe vận chuyển rác vào khu xử lý rác Nam Sơn. Đến tối 26/10, sau những nỗ lực từ các bên, lều canh đã được tháo dỡ cho các xe rác vào khu xử lý rác Nam Sơn. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 15 tính từ năm 1999 đến nay, người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn khiến nội thành Hà Nội ngập rác.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/people-near-nam-son-dump-site-demand-more-compensation-10302020081318.html

Đoàn công tác Bộ giáo dục& đào tạo sẽ làm việc

với trường Đại học Tôn Đức Thắng trong ngày 2/11

Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Hoàng Minh Sơn sẽ cùng đoàn công tác của Bộ làm việc với Đại học Tôn Đức Thắng về việc kiện toàn các vị trí lành đạo của trường trong ngày 2/11.

Tin được truyền thông Nhà nước Việt Nam loan vào ngày 30/10.

Theo đó, thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, làm trưởng đoàn, ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Vụ pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Giáo dục Đại học, Thanh tra Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp.

Nhiệm vụ của đoàn công tác nhằm giúp bộ trưởng rà soát, xem xét và hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Luật Giáo dục Đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học về thành lập Hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý của ĐH Tôn Đức Thắng.

Trước đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ GD&ĐT thành lập đoàn công tác đến làm việc với tập thể lành đạo và cán bộ chủ chốt của trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Vào chiều ngày 31 tháng 7 vừa qua hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng là ông Lê Vinh Danh bị đình chỉ chức vụ với lý do có một số sai phạm trong công tác.

Ngày 1 tháng 10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng để điều tra về hành vi vu khống. Ông Quý là người đã có bài viết đăng trên báo nhà nước tố cáo Bí thư Đăk Lăk Bùi Văn Cường “đạo văn” luận án tiến sĩ. Bài báo này sau đó đã bị gỡ xuống và báo đăng bị phạt.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-education-to-work-with-ton-duc-thang-university-for-resetting-management-system-10302020090613.html

Thực chất chuyến thăm VN

của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo?

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam trong hai ngày 29 và 30/10/2020, theo truyền thông Việt Nam tuần này.

Liệu đây có phải là một chuyến thăm ‘đột xuất’ hay là đã nằm trong một kế hoạch từ trước và ý nghĩa, mục đích đích thực đằng sau chuyến thăm này của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ là gì, hôm thứ Năm, một số nhà quan sát, bình luận từ Mỹ và Việt Nam chia sẻ góc nhìn của mình với BBC News Tiếng Việt.

“Năm nay là 35 năm tái lập bang giao với Việt Nam và đây là vấn đề quan trọng cho nên Mỹ muốn kỷ niệm ngày này,” từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia, nhà nghiên cứu chính trị và bang giao quốc tế nói với một hội luận bàn tròn hôm thứ Năm của BBC.

“Vì vấn đề đại dịch Covid-19 nên họ chưa làm được cho đến hôm nay (29/10) và ngày mai (30/10) khi ông Mike Pompeo đến…”

Việt Nam và Mỹ ký 7 thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ đôla

Nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ dễ hay khó, mấu chốt chỗ nào?

VN không thể là ‘đồng minh quân sự’ của Mỹ?

Bàn tròn thứ Năm: Ý nghĩa chuyến thăm của Pompeo đến Hà Nội

Ngoài ra, theo học giả này còn có một lý do quan trọng khác đối với phía Mỹ được ông nêu ra thêm, đó là:

“… Đó là thúc đẩy Việt Nam ký hàng loạt các giao kèo về thương mại để có thể dùng cái này để nói với cử tri Mỹ rằng Mỹ đã buộc Việt Nam phải nhượng bộ là vì Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ năm vừa rồi là 44 tỷ đô-la.

“Cho nên Mỹ muốn xuất siêu đó giảm đi và muốn cho các hãng của Mỹ được đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam nữa…”

Tạo ra niềm hy vọng?

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – Vusta) nói với cuộc hội luận của BBC:

“Từ góc nhìn của tôi cũng như của một số đồng nghiệp của tôi từ Hà Nội, đây là một chuyến đi diễn ra trong bối cảnh một tuần trước khi có cuộc bầu cử này.

“Và thứ hai, việc đến Việt Nam không nằm trong kế hoạch, theo như các thông tin từ truyền thông mà cho biết, thì hôm nay ông Ngoại trưởng Mỹ mới vào, thì mãi đến ngày hôm qua (28/10), Bộ Ngoại giao Việt Nam mới có một thông cáo báo chí.

“Thế thì việc ông ấy đến Việt Nam và đặc biệt chuyến đi này diễn ra trong một chuyến đi đến những nước rất có ý nghĩa cho câu chuyện địa chính trị ở Việt Nam và trong bối cảnh để giải quyết những vấn đề ở khu vực, cụ thể là việc đến Ấn Độ, sau đó là Sri Lanka, rồi Indonesia và Việt Nam.

“Nếu chúng ta nhìn dưới góc độ này, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả những điểm đó đều ít nhiều liên quan câu chuyện Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực, nó đều có liên quan cả.

“Vậy thì về không gian, chắc chắn nó không chỉ đơn thuần theo tôi chỉ là việc đi chào xã giao… mà chắc chắn nó sẽ có những câu chuyện duy trì khối đồng lợi ích ở khu vực Biển Đông và mối quan tâm liên quan chuyện Trung Quốc đang có những hành xử ở Biển Đông hiện nay và đặc biệt ở Đài Loan, cũng như tập trận ở Biển Đông gần đây và tập trận ở cả Vịnh Bắc Bộ.

“Và chuyến đi này ở Việt Nam lại càng có ý nghĩa hơn là nó diễn ra sau chuyến đi của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới của ông là tới Việt Nam và hai nước cũng đã ký kết một thỏa thuận hợp tác về quân sự và về chuyển nhượng các trang, thiết bị và công nghệ về quốc phòng.”

Theo ông Hoàng Ngọc Giao, nếu nhìn từ góc độ trên, mặc dù nội dung cụ thể về trao đổi mà ông gọi là “đàm phán” giữa chính phủ Việt Nam với chính phủ Mỹ chưa được biết đối với người dân, chuyến thăm cuối tháng Mười tới Hà Nội của ông Pompeo tạo ra “niềm hy vọng” ở một số điểm.

“Điểm thứ nhất, ở Việt Nam, chính phủ Việt Nam dường như mạnh dạn hơn, tiến bước theo hướng cộng tác và hợp tác với Hoa Kỳ để bảo vệ chủ quyền an ninh, quốc gia.

“Điểm thứ hai, về vấn đề kinh tế, thì đúng như Giáo sư Ngô Vĩnh Long có nói, đó là sẽ có một lợi ích cho chính quyền của ông Donald Trump và ông Pompeo là mang về trước kỳ bầu cử một sản phẩm, một kết quả, đó là đã giảm thiểu được cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, hơn 40 tỷ đô-la thì bây giờ ký được một số hợp tác trị giá vài tỷ đô-la, thì đây cũng là thiện chí của phía Việt Nam.”

Cũng hôm 29/10, ngay sau cuộc hội luận nói trên, qua trả lời phỏng vấn bằng bút đàm, một nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas – Singapore), Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đưa ra bình luận của mình về ý nghĩa và thực chất của chuyến thăm của ông Pompeo tới Việt Nam cuối tháng Mười.

“Theo tôi, việc chính, là Mỹ thúc đẩy khung FOIP (Ấn Độ dương – Thái BÌnh Dương rộng và mở, cụ thể hóa một số việc với Việt Nam như: hợp tác thực thi pháp luật trên biển, đẩy mạnh các tuyên bố chung liên quan đến luật biển, chủ quyền, an ninh, tự do hàng hải; tiếp theo là hợp tác về tuần duyên, hợp tác quốc phòng, hợp tác an ninh và an ninh phi truyền thống liên quan đến FOIP, an ninh không gian mạng

“Chủ đề thứ 3 là hợp tác chống COVID-19, trong đó, Việt Nam có thể mua vắc-xin và các loại dược phẩm chữa COVID-19 của Mỹ.

“Vấn đề thứ 4 là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, trong đó có hợp tác về năng lượng, Việt Nam tăng nhập sản phẩm của Mỹ; vấn đề thứ 5 là trao đổi cụ thể về các vấn đề nhân quyền và vấn đề thứ 6 là thúc đẩy giao lưu nhân dân.”

Liên hệ với bầu cử?

Khi được hỏi liệu có quan hệ gì không giữa chuyến thăm này của ông Pompeo với kỳ bầu cử Tổng thống của Mỹ mà ngày bỏ phiếu chính thức (3/11) chỉ còn trong vòng một tuần, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đáp:

“Tôi không thấy liên hệ gì rõ rệt. Ông Pompeo đang thực hiện nhiệm vụ của ngoại trưởng, và hiến pháp Mỹ không cho ông ấy làm bất cứ việc gì liên quan trực tiếp đến vận động bầu cử (cho ông Trump).”

Trước câu hỏi liệu kết quả của kỳ bầu cử Tổng thống 2020, bất luận là chiến thắng thuộc về ai trong cặp ứng viên Tổng thống đang tranh cử Trump/Biden, sẽ có ảnh hưởng, hay tác động, chuyển động gì mới, chính yếu có ý nghĩa với an ninh khu vực châu Á, trong đó có Biển Đông và Việt Nam, cũng như chính sách bang giao Mỹ – Việt, nhà phân tích chính trị thuộc Viện Iseas (Singapore) nói:

“Về nguyên tắc, chính sách hiện nay của Mỹ sẽ không có thay đổi bất luận ai thắng cử. Tuy nhiên, nếu ông Biden thắng cử, trong một thời gian thích hợp, thực hành chính sách sẽ mang dáng vẻ của thời Obama.

“Nếu Trump thắng cử, ông ta sẽ tiếp tục chính sách hiện hành, cứng rắn hơn với Trung Quốc, cam kết mạnh mẽ hơn đối với các đồng minh ở châu Á – Thái Bình Dương.

“Riêng đối với Việt Nam, chính sách của Mỹ cũng không thay đổi – quan hệ song phương sẽ được hai nước cùng thúc đẩy tốt hơn.

“Nếu Biden thắng cử, theo tôi Việt Nam cần nghiên cứu thận trọng thực hành đối ngoại của ông ta, đặc biệt quan hệ với Bắc Kinh, để Việt Nam có thể chủ động hơn trong khung cảnh ngoại giao đa phương hẹp,” ông Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm của mình.

Quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một hội luận có phần nội dung liên quan đến chủ đề nói trên.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54738822

Tại Việt Nam, ngoại trưởng Mỹ kêu gọi

 khu vực đoàn kết chống Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kết thúc chuyến công du năm nước châu Á vào hôm nay 30/10/2020 tại Việt Nam, một chặng dừng mà ông đã thêm vào giờ chót. Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, tại Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ đã lên tiếng kêu gọi toàn khu vực đoàn kết để chống lại các hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong vùng.

Ngoại trưởng Pompeo ghé thăm Việt Nam với lý do chính thức được nêu lên là kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt-Mỹ. Tuy nhiên, như ông đã từng làm trong các chặng dừng trước đó ở Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia, mục tiêu chính của ông Pompeo là đoàn kết các nước trong mục tiêu ngăn chặn đà bành trướng của Bắc Kinh.

Phát biểu với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, ông Pompeo khẳng định lập trường của Mỹ trong việc tôn trọng nhân dân và chủ quyền đất nước Việt Nam. Trong các bình luận ngắn gọn mà các phóng viên nghe được, cả hai đều không nhắc đến tên Trung Quốc, nhưng theo AP, việc ông Pompeo sử dụng từ “chủ quyền” đã ám chỉ thái độ phản đối các hành vi xâm lấn của Trung Quốc.

Việt Nam là một nước đang phải đối phó với Trung Quốc trên nhiều mặt, từ việc chủ quyền biển đảo ở Biển Đông bị Bắc Kinh tranh chấp, cho đến việc công cuộc phát triển ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long bị Trung Quốc, nước nắm thượng nguồn sông Mêkông gây hại.

Trong một tuyên bố đưa ra trước khi ông Pompeo đến Việt Nam, bộ Ngoại Giao Mỹ đã công kích Trung Quốc, vì đã từ bỏ các cam kết hợp tác với các nước Mêkông khác, và vì đã tìm cách áp đặt các yêu sách chủ quyền đáng ngờ ở Biển Đông.

Bản tuyên bố ghi rõ: “Các hành động ác ý và gây bất ổn của Trung Quốc ở khu vực sông Mêkông, bao gồm cả việc thao túng lưu lượng con sông đã ảnh hưởng tiêu cực đến hàng triệu người sống dựa vào dòng sông để kiếm sống”.

Tuyên bố nhắc lại: “Hoa Kỳ sát cánh với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở Biển Đông, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế”.

Riêng trong trường hợp Việt Nam, bản tuyên bố nhấn mạnh: “Hoa Kỳ bác bỏ yêu sách (của Trung Quốc) đối với vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) ngoài khơi bờ biển Việt Nam… Chúng tôi sẽ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hoại trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông hoặc các nơi khác”.

Tại Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ đã tái khẳng định mong muốn của Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác với Việt Nam, để phát triển quan hệ song phương và biến toàn bộ vùng Đông Nam Á, châu Á và Ấn Độ – Thái Bình Dương thành một khu vực an toàn, hòa bình và thịnh vượng. 

AP nhắc lại rằng chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt vấn đề chống lại cách hành xử hung hăng của Trung Quốc, nhắm vào các láng giềng nhỏ hơn, thành một trong những ưu tiên đối ngoại của Washington.

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20201030-my-viet-doan-ket-chau-a-trung-quoc

Hoa Kỳ viện trợ Việt Nam thêm 2 triệu đô la

giúp khắc phục hậu quả bão lũ

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 30/10 tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ viện trợ Việt Nam 2 triệu đô la để khắc phục hậu quả của bão lũ tại miền Trung, đưa tổng số tiền chính phủ Mỹ hỗ trợ Việt Nam lên 2,1 triệu đô la.

Ngoại trưởng Mỹ đưa ra tuyên bố này nhân cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội hôm 30/10 trong chuyến thăm đột ngột của ông tới Việt Nam từ ngày 29/10 đến 30/10.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã gửi lời chia buồn tới người dân Việt Nam do những mất mát gây ra bởi bão lũ tại miền Trung trong các tuần qua.

Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng đã tuyên bố một gói hỗ trợ khẩn cấp là 100.000 đô la giúp người dân miền Trung.

Lãnh đạo hai nước nhân dịp này cũng tái khẳng định mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam, nhấn mạnh cam kết chung về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và phồn thịnh.

Miền Trung Việt Nam trong tháng 10 đã phải chịu đựng liên tiếp 3 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới khiến hàng trăm người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính lên đến gần 3 ngàn tỷ đồng, theo báo cáo mới đây của Chính phủ.

Nhiều nước đã gửi lời chia buồn đến người dân Việt Nam và gửi tiền, hàng cứu trợ. EU hôm 28/10 tuyên bố sẽ viện trợ cho Việt Nam 1,3 triệu đô la để khắc phục hậu quả bão lũ. Đài Loan giúp Việt Nam 400.000 đô la. Hàn Quốc tuyên bố viện trợ cho Việt Nam 300.000 đô la. Đại sứ quán Trung Quốc cho biết Hội Chữ Thập Đỏ nước này sẽ quyên góp viện trợ cho Việt Nam 100.000 đô la.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-provide-vn-another-usd-2-mil-after-floods-10302020101302.html

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế kêu gọi

 Nhật dừng tại trợ cho công an Việt Nam

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế- Human Rights Watch (HRW), vào ngày 30 tháng 10 ra thông cáo báo chí kêu gọi Nhật Bản dừng tài trợ cho công an Việt Nam vì Bộ Công an Việt Nam là đối tượng chủ chốt vi phạm nhân quyền.

Theo HRW thì chính phủ Nhật Bản cần hủy bỏ ngay các kế hoạch cung cấp hỗ trợ tài chính cho Bộ Công an Việt Nam. Đây là cơ quan phải chịu trách nhiệm về nhiều vi phạm nhân quyền nghiêm trọng từ lâu nay.

Thông cáo báo chí của HRW cho biết vào ngày 19 tháng Mười vừa qua, Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố gói tài trợ 300 triệu yên (tương đương 2,84 triệu đô la Mỹ) cho Bộ Công an Việt Nam để mua các trang thiết bị không nêu cụ thể. Mục tiêu cho gói tài trợ này được nói  nhằm mục đích “chống khủng bố” và “giữ gìn trật tự công cộng.” Bộ Ngoại giao Nhật tuyên bố rằng gói tài trợ sẽ “góp phần” làm “tăng cường các biện pháp chống khủng bố và giữ gìn trật tự công cộng” để “ổn định xã hội” Việt Nam.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Châu Á của HRW nêu rõ trong thông cáo báo chí rằng “Cung cấp thiết bị cho Việt Nam dưới vỏ bọc chống khủng bố và bảo vệ trật tự công cộng sẽ chỉ khiến công an Việt Nam dễ dàng đàn áp những người biểu tình ôn hòa một cách khốc liệt hơn.”

HRW nhận định trong vài thập niên gần đây, lực lượng công an Việt Nam, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, đã đánh đập, tra tấn hay ngược đãi không biết bao nhiêu người trong khi bị giam giữ mà gần như được miễn hoàn toàn trách nhiệm. HRW đã ghi nhận việc tra tấn một cách có hệ thống đối với các nghi can hình sự trong báo cáo công bố năm 2014 “Công an bất an: Những vụ tử vong khi bị tạm giam, và vấn nạn công an bạo hành ở Việt Nam.”

Công an Việt Nam cũng tham gia đàn áp các quyền tự do cơ bản như quyền tự do biểu đạt và nhóm họp bằng các biện pháp đe dọa và bắt giữ nhân danh chống khủng bố.

Cũng theo ông Phil Robertson thì những người đóng thuế cho chính phủ Nhật Bản cần yêu cầu chính phủ mình đề cao các nguyên tắc nhân quyền trong các chương trình tài trợ nước ngoài, bắt đầu bằng việc hủy bỏ gói tài trợ vừa nêu cho cơ quan cấp bộ vi phạm nhân quyền nặng nề nhất của Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản cần sử dụng vị thế đáng kể của mình để thúc đẩy Hà Nội cải thiện và cải cách thực sự, chứ không phải làm cho tình hình nhân quyền vốn đã xấu lại càng tồi tệ hơn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hrw-calls-japan-to-end-aid-for-vietnamese-police-10302020073238.html

Tòa án nào xét xử Đảng CSVN

 khi vi phạm Hiến pháp và pháp luật?

Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vào hôm 28/10, phát biểu tại trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, thành phố Hà Nội, và được truyền thông Nhà nước Việt Nam trích dẫn nguyên văn:

“Thẩm phán phải là những chiến sỹ kiên trung trên mặt trận đấu tranh bảo vệ pháp chế, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện trách nhiệm nêu gương. Các toà án phải tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; rèn luyện phẩm chất đạo đức để mỗi cán bộ, thẩm phán luôn nhận thức đầy đủ, rõ ràng trách nhiệm trong thực thi công vụ. Hoạt động trong môi trường xét xử, phán quyết tính đúng sai của các sự kiện pháp lý, cán bộ, thẩm phán thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân. Vì vậy, hơn lúc nào hết, hệ thống toà án càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng; tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán”.

Lời phát biểu này đã được Báo Tuổi Trẻ Online, trong cùng ngày đăng tải và chạy tít với câu nói của bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân “Tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán”.

Đài RFA ghi nhận cộng đồng cư dân mạng ở Việt Nam lan tỏa bài báo với tựa đề của Tuổi Trẻ Online trong sự bày tỏ bức xúc mạnh mẽ.

 Tòa án và thẩm phán tại Việt Nam có thanh liêm hay không thì người dân ai cũng biết rồi. Bao nhiêu vụ án oan, án sai được người dân biết rất rõ, nhất là vụ án Hồ Duy Hải, vụ án của ông Thanh Chấn và đặc biệt là vụ đại án Đồng Tâm

-Tiến sĩ Mạc Văn Trang

PGS-TS. Mạc Văn Trang, trên trang Facebook cá nhân đã nêu câu hỏi vì sao lại “tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán”?

Tiến sĩ Mạc Văn Trang, vào tối hôm 29/10 lý giải với chúng tôi về thắc mắc mà ông đã đưa ra:

“Không có một cái gì là tuyệt đối cả. Bởi vì con vật biết nghi ngờ. Khi một người lạ cho con vật ăn cái gì đó thì nhiều lúc nó không ăn. Con chó, chẳng hạn, còn nghi ngờ, ngửi và nhìn người cho nó đồ ăn. Thế cho nên nghi ngờ là một phản xạ tự nhiên của động vật. Còn đối với con người thì không những có phản xạ mà còn có tư duy. Con người luôn luôn phải biết nghi ngờ, mà nhờ vào đó thì mới có tò mò, khám phá và mới có phản biện, tiến bộ, khoa học, mới tìm tòi chân lý. Cho nên khi nói “tuyệt đối không để dân nghi ngờ” thì lời phát biểu đó rất là không hiểu gì cả. Có thể nói là rất ấu trĩ và ngu. Điểm thứ hai là không nghi ngờ sự thanh liêm của thẩm phán. Về vế đầu ‘tuyệt đối không để dân nghi ngờ’ thì đã là một cái sai. Thêm vế thứ hai là ‘tuyệt đối không để dân nghi ngờ về sự thanh liêm của thẩm phán” thì trở thành hài hước. Bởi vì, tòa án và thẩm phán tại Việt Nam có thanh liêm hay không thì người dân ai cũng biết rồi. Bao nhiêu vụ án oan, án sai được người dân biết rất rõ, nhất là vụ án Hồ Duy Hải, vụ án của ông Thanh Chấn và đặc biệt là vụ đại án Đồng Tâm.”

Từ Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài nêu lên nhận xét của ông khi nghe lời tuyên bố như thế của bà Nguyễn Thị Kim Ngân:

“Trong một câu phát biểu như vậy có hai ý nghĩa. Thứ nhất, bà Ngân nhắc nhở ngành tòa án không để cho các thẩm phán không được có vấn đề gì để cho người dân nghi ngờ. Thứ hai là mang ý nghĩa như một mệnh lệnh, tức là họ phải kiểm soát suy nghĩ của người dân. Điều này ngụ ý rằng nếu như người dân có nghi ngờ về sự thanh liêm của thẩm phán thì cần phải xử lý. Nghĩa là hàm ý đe dọa người dân, chứ không chỉ gửi thông điệp đến các thẩm phán trong ngành tòa án Việt Nam. Hàm ý đó là đe dọa người dân khi có những lời lẽ bình luận trên mạng xã hội, hay có những bài viết nói về thẩm phán này, thẩm phán kia không đảm bảo công bằng, khách quan trong vấn đề xét xử.”

Không ít cư dân mạng cho rằng bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu như vậy cho thấy một sự áp đặt độc đoán lên người dân Việt Nam.

Cựu tù nhân lương tâm-thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung đăng tải ý kiến của anh rằng “Dân nghi ngờ thẩm phán thì cứ vu cho là ‘thế lực thù địch’ rồi bắt nhốt thôi. Thế là không còn ai dám nói tôi nghi ngờ nữa”.

Phát biểu của Chánh án Tòa án Tối cao Việt Nam

Bên cạnh lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lời phát biểu của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình càng gây chú ý trong công luận nhiều hơn.

Ông Nguyễn Hòa Bình khi đề cập đến những bài học thành công của hệ thống tòa án Việt Nam suốt 75 năm qua, đã nói rằng trước hết tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, tuân thủ sự lãnh đạo và toàn diện của Đảng; tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng; thượng tôn pháp luật và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc tư pháp đã được hiến định.

Tiến sĩ Giáo dục Mạc Văn Trang có lời nhận xét với RFA rằng ông Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu rất trung thực về hệ thống tòa án Việt Nam xét xử theo chỉ đạo của Đảng CSVN.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Đài, xác nhận:

“Điều đó chắc chắn nói đến có sự can thiệp từ bên Đảng. Bởi vì theo nguyên tắc của Hiến pháp quy định rằng thẩm phán chỉ tuân theo sự thật khách quan của pháp luật thôi. Tuân thủ luật thì không được chấp nhận mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Thế nhưng khi ông Bình nói đến vấn đề trung thành với Đảng hay tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng thì rõ ràng đã khác rồi. Bởi vì trong một số vấn đề giữa đường lối, chính sách của Đảng CSVN với một số vụ án rất khác nhau, đặc biệt trong vụ án chính trị. Bởi vì người dân đấu tranh dân chủ thì họ chỉ thể hiện khát khao quyền tự do dân chủ của họ thôi, nhưng khi Đảng can thiệp và đưa quan điểm chính trị của họ vào thì rõ ràng sẽ làm cho những thẩm phán không còn khách quan, công bằng trong xử lý những vụ án như vậy nữa.”

Tuân thủ luật thì không được chấp nhận mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Thế nhưng khi ông Bình nói đến vấn đề trung thành với Đảng hay tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng thì rõ ràng đã khác rồi. Bởi vì trong một số vấn đề giữa đường lối, chính sách của Đảng CSVN với một số vụ án rất khác nhau, đặc biệt trong vụ án chính trị. 

-Luật sư Nguyễn Văn Đài

Luật sư Nguyễn Văn Đài nhấn mạnh thêm rằng bản chất củng cố hệ thống chính trị Cộng sản thì không có tam quyền phân lập mà Đảng lãnh đạo Việt Nam coi ngành công an, viện kiểm sát và tòa án chỉ là công cụ để bảo vệ quyền lực và lợi ích của Đảng CSVN, chứ không phải là ngành độc lập.

Trong phiên họp Quốc hội hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng, thuộc tỉnh Quảng Trị, đã nêu lên trường hợp vụ án buôn lậu gỗ ở địa phương Quảng Trị có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong tố tụng mà Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị đã giám sát và báo cáo. Mặc dù nhiều Đại biểu Quốc hội kiến nghị giám đốc thẩm vụ án, thế nhưng đã gần một năm vẫn chưa được xem xét.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng và các Đại biểu Quốc hội trong phiên họp ngày 13/6 cũng trưng dẫn các phán quyết của tòa án cũng như vi phạm trong hoạt động tố tụng trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải và vụ án lùi xe trên đường cao tốc đã gây nghi ngờ, nghi vấn trong nhân dân. Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng phát biểu trước Quốc hội rằng “Có thể nói đây là phần nổi của tảng băng đang bào mòn lòng tin của người dân”.

Luật sư Nguyễn văn Đài khẳng định với RFA rằng:

“Chỉ trừ khi nào Việt Nam có đa Đảng, có tự do dân chủ và có tam quyền phân lập thì khi đó ngành tòa án mới trở lại đúng bản chất của nó bao gồm độc lập và tuân thủ pháp luật. Chế độ nào một Đảng thì vẫn theo đường lối của họ. Chừng nào còn một Đảng thì vẫn theo đường lối cũ và mãi mãi không bao giờ thay đổi cả.”

Một số ý kiến trong dư luận bày tỏ trên mạng xã hội rằng “Tòa án Nhân dân” nên đổi tên thành “Tòa án Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Cựu tù nhân lương tâm, anh Nguyễn Tiến Trung lập luận rằng “Đảng CSVN vi phạm Hiến pháp và luật pháp trong việc tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân thì đâu có tòa án nào dám xét xử Đảng”.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/public-concerns-about-announcements-of-president-of-national-assembly-10292020172520.html

Gia tăng tình trạng các đảng viên cộng sản

sau khi nghỉ hưu, nghỉ việc là nghỉ sinh hoạt đảng

Tin Vietnam.- Đài VOV ngày 29 tháng 10 năm 2020 loan tin, tình trạng các đảng viên Cộng sản ở một số tỉnh miền núi phía Bắc sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu thì bỏ luôn sinh hoạt đảng ngày càng gia tăng đến mức báo động khiến cho cơ quan tổ chức đảng Cộng sản lo lắng. Tình trạng trên đang xảy ra tại 4 tỉnh là Sơn La, Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái.

Nhiều đảng viên sau khi về hưu thì không thèm quan tâm đến các hoạt động sinh hoạt đảng nên im luôn, hoặc có những người “tế nhị” hơn thì viện ra nguyên nhân là sức khoẻ không tốt, hoặc đi làm ăn xa nên không sinh hoạt đảng nữa. Điều này được đài VOV nhận xét là hiện tượng không bình thường.

Còn bí thư Thành uỷ Lào Cai, tỉnh Lào Cai Đỗ Trường Sơn thì cho rằng, đây chính là biểu hiện rõ nhất của bệnh cơ hội. Tức là, ngay từ đầu những người này vào đảng chỉ là vì chức vụ quyền hạn, phục vụ công việc của cá nhân nên khi nghỉ hưu là nghỉ đảng luôn; hoặc có những người khi về hưu thì sức khoẻ yếu, hoặc mệt mỏi nên nghỉ luôn sinh hoạt đảng. Trường hợp này ông Sơn nhận xét là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị. Vì theo Sơn thì đã theo đảng thì phải theo đến lúc chết.

Bà Đoàn Thị Hiên, phó bí thư đảng uỷ phường Quyết Thắng, thành phố Lào Cai cho biết trong thời gian qua, có đến 30% số đảng viên ở một số chi bộ đã nghĩ ra nhiều nguyên nhân để viết đơn nghỉ sinh hoạt đảng. Phong trào các đảng viên bỏ không thèm sinh hoạt đảng này được đài VOV nói là đã ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong khu dân cư, và ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.

Trên thực tế, thì hiện nay trong nội bộ đảng Cộng sản đã có những chia rẽ trầm trọng do lòng tham tiền bạc, và quyền lực nên các đảng viên luôn chà đạp lên nhau để tiến thân. Vì vậy, tình đồng chí giữa các đảng viên chỉ còn là những xảo ngôn dùng để mị dân.

An Nhiên 

https://www.sbtn.tv/gia-tang-tinh-trang-cac-dang-vien-cong-san-sau-khi-nghi-huu-nghi-viec-la-nghi-sinh-hoat-dang/

Một đại uý công an Cộng sản

đốt thẻ ngành, thẻ đảng, đồng phục trước cơ quan

Tin Vietnam.- Sáng 29 tháng 10 năm 2020, đại uý công an Cộng sản Nguyễn Ninh Mười, 49 tuổi đang làm việc tại trại giam Hoàng Tiến, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã đốt toàn bộ tất cả những giấy tờ, bằng cấp của mình như: bằng khen, thẻ đảng, huy chương chiến sỹ vẻ vang, bằng đại học, bằng trung học cảnh sát nhân dân, chứng chỉ, đồng phục ngành. Hành động của ông Mười được thực hiện ngay trước cổng trại giam.

Ông Mười chia sẽ rằng, ông đã làm việc trong ngành công an 27 năm, nhưng vào sáng 29 tháng 10 năm 2020, ông bị cấp trên của mình khai trừ ra khỏi ngành công an, khai trừ ra khỏi đảng, bị tước đoạt tất cả quyền lợi, kể cả số tiền 25 năm đóng bảo hiểm, và bây giờ ông trắng tay sau 27 năm làm việc. Ngoài ông Mười ra còn có 7 công an khác cũng bị chung tình trạng.

Trong đoạn clip được Facebook Huệ Như phát trực tiếp sự việc, ông Mười nói đã làm việc tại trạm giam Hoàng Tiến 12 năm, trong đó có 11 năm bị cấp trên lấy tiền lên hàm của chiến sĩ. Không chỉ ông bị lấy tiền mà còn có khoảng 650 công an khác cùng đơn vị ông cũng bị lấy tiền với số tiền trung bình khoảng gần 300,000 đồng/người. Số tiền này được cấp trên của ông Mười giải thích là để lấy quan hệ với cấp trên cao hơn nhằm thăng cấp bậc cho toàn bộ công an trong trại giam.

Ông Mười còn cho biết, ông vốn tốt nghiệp đại học luật, trong lớp đại học của ông có 80% học viên tham gia học là sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để hợp thức hoá vào ngành công an.

Được biết, lực lượng công an được nhà cầm quyền xem là “thanh gươm, lá chắn” mình, bị nhồi sọ là phải trung thành, phải thấm nhuần tư tưởng “còn đảng, còn mình”. Tuy nhiên, những viên công an không có chức quyền thì chỉ được nhà cầm quyền sử dụng như là con tốt để lợi dụng, duy trì quyền lực và sẵn sàng chà đạp, dùng người theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ nên trường hợp ông Mười đang xảy ra ngày càng phổ biến.

An Nhiên 

https://www.sbtn.tv/mot-dai-uy-cong-an-cong-san-dot-the-nganh-the-dang-dong-phuc-truoc-co-quan/

Điểm tin trong nước sáng 30/10:

Liên lạc được 3/26 ngư dân mất tích trên biển;

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Hà Nội

Mạnh Đức

Mục lục bài viết          

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Hà Nội

Mưa lớn kèm thủy điện xả lũ, Hà Tĩnh phải sơ tán khẩn cấp hàng nghìn dân

Liên lạc được 3 người trong vụ 26 ngư dân mất tích trên biển

Bão số 9 gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung

Mục Điểm tin trong nước sáng thứ sáu (30/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Hà Nội

Thông tin từ báo VnExpress, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã xuống sân bay Nội Bài và đến Hà Nội lúc 20h tối hôm 29/10. Vị Ngoại trưởng sẽ thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 29-30/10 theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Pompeo sẽ gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Chuyến thăm của ông nhằm tái khẳng định sức mạnh của quan hệ Đối tác toàn diện, kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ, thúc đẩy cam kết chung về một khu vực hòa bình, thịnh vượng và thảo luận các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Việt Nam là một trong số các điểm dừng chân của ông Pompeo trong chuyến công du tại các quốc gia châu Á. Trước đó, ông đã dự Đối thoại Chiến lược Mỹ – Ấn Độ ở New Delhi, thăm Sri Lanka, Indonesia.

Mưa lớn kèm thủy điện xả lũ, Hà Tĩnh phải sơ tán khẩn cấp hàng nghìn dân

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết từ nay đến ngày 31/10, do ảnh hưởng hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 9 kết hợp với không khí lạnh tăng cường, nên tỉnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 200 – 400mm/đợt, có nơi trên 500mm/đợt.

Theo VTC News, chiều 29/10, nhà chức trách huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết, hiện nước lũ trên các sông thuộc địa bàn đang lên rất nhanh, nhiều nhà dân bắt đầu bị ngập.

Mưa lớn cùng với nhiều hồ thủy lợi, thủy điện đồng loạt xả lũ, khiến hàng ngàn dân tại các huyện Hà Tĩnh phải sơ tán.

Cụ thể, Huyện Hương Sơn xác định có 16/25 xã, thị trấn cần phải sơ tán với số lượng 246 gia đình, 799 người.

Tại huyện Hương Khê, có 43 gia đình với 149 người.

Tại huyện Vũ Quang: 4 xã, thị trấn thường bị lũ quét, sạt lở đất như: Thọ Điền, thị trấn Vũ Quang, Hương Minh, Quang Thọ với tổng số 205 người cần di dời.

Ngoài ra, có 6 xã gần sông thường bị ngập lụt như: Ân Phú, Đức Giang, Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương, Đức Liên với tổng số 1.295 gia đình/4.144 người cần sơ tán.

Tại thị xã Kỳ Anh, 583 gia đình/1.844 người tại 3 tổ dân phố Trường Yên, Trường Phú, Cảnh Trường của phường Kỳ Thịnh phải sơ tán khẩn cấp…

Nhiều thủy điện xả lũ, dân lại hối hả chạy lụt trong đêm

Liên lạc được 3 người trong vụ 26 ngư dân mất tích trên biển

VnExpress đưa tin, sau ba ngày mất tích, 3 thuyền viên trên tàu cá chở 14 người chìm trong bão Molave ở vùng biển Khánh Hòa đã được tàu nước ngoài cứu.

“Tàu hàng quốc tịch Hong Kong đã cứu các ngư dân này” – ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết sáng 30/10.

Tối qua, thuyền trưởng tàu M/V Fortune Iris đã gọi điện đến Đài thông tin duyên hải Nha Trang (Khánh Hòa) thông báo sự việc. Họ cho biết sức khỏe của 3 ngư dân tạm ổn, dù nhiều ngày chống chọi trên biển.

Ba người được cứu gồm: Lê Minh Don (20 tuổi), Phan Quốc Quy (35 tuổi), Võ Văn Hoài (35 tuổi). Họ là thuyền viên trên tàu cá do ông Võ Ngọc Đô, ở xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng.

Cũng theo thông tin từ thuyền trưởng, các ngư dân sống sót cho biết, trong số 14 thuyền viên gặp nạn có 2 người chết khi tàu vừa chìm, 5 người mất tích trên biển do kiệt sức và 4 người mất tích chưa rõ thông tin

Bão số 9 gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung

Bão số 9, cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua, đã gây lở đất, đánh chìm tàu thuyền và làm mất điện của ít nhất 2,4 triệu người ở các tỉnh miền Trung. Hãng tin AP cho biết có ít nhất 35 người thiệt mạng và hơn 50 người mất tích.

Tính đến chiều ngày 29/10, bão số 9, có tên quốc tế là Molave, với sức gió mạnh đến cấp 15 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng hiện tượng mưa kéo dài đã gây sạt lở đất ở một số khu vực thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Truyền thông tỉnh Quảng Nam cho biết, tại tỉnh này đã xảy ra tất cả 3 vụ sạt lở đất, trong đó 2 vụ sạt núi khiến 66 người bị vùi lấp, nặng nhất là vụ sạt núi ở xã Trà Leng có đến 11 hộ gia đình với 54 người mất tích và bước đầu đã tìm được 8 thi thể, nâng số thi thể người mất tích được tìm thấy là 16 người.

Đến sáng ngày 29/10,  xảy ra thêm 1 vụ sạt lở núi khác vùi lấp 11 người dân ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tại tỉnh Quảng Nam. Đến chiều đã tìm thấy 3 thi thể tại khu vực này.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam cho biết đến chiều tối ngày 29/10, toàn tỉnh có 4.046 nhà bị thiệt hại, trong đó 3.979 nhà bị tốc mái; sập đổ hoàn toàn là 121 nhà, lũ cuốn trôi 70 nhà tại huyện Phước Sơn, theo tờ Giao Thông.

Trong khi đó có hơn 53.000 nhà dân bị thổi bay nóc tại tâm bão Quảng Ngãi, theo Tuổi Trẻ.

Hôm 27/10, trên đường về tránh bão số 9, hai tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định bị chìm khiến tất 26 thuyền viên bị mất tích, theo trang Lao Động.

Đài VTV dẫn lời Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo ứng phó bão số 9, chiều ngày 28/10 cho biết “phải tập trung cứu hộ, cứu nạn 26 thuyền viên bị mất tích”.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết đến sáng 29/10, có tới 2,4 triệu khách hàng bị mất điện do ảnh hưởng bão số 9, theo báo Sài Gòn Giải Phóng.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương, hiện nay (30/10), một vùng áp thấp nhiệt đới ở phía đông Philippines đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là Goni, dự báo đây sẽ là cơn bão số 10, tiếp tục đổ bộ vào các tỉnh miền trung vào giữa tuần sau.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-30-10-lien-lac-duoc-3-26-ngu-dan-mat-tich-tren-bien-ngoai-truong-my-mike-pompeo-den-ha-noi.html

Điểm tin trong nước tối 30/10-

Quảng Bình: Trả lại 413 triệu đã thu

của Thủy Tiên tặng cho người dân vùng lũ

Tâm Minh – Hiểu Minh

Mục lục bài viết          

Quảng Bình: Trả lại 413 triệu đã thu của Thủy Tiên tặng cho người dân vùng lũ

Chủ tịch huyện hầu tòa vì tham ô tiền xây nghĩa trang liệt sĩ

230 người chết vì bão lũ

Bão Goni gia tăng sức mạnh, rầm rập tiến về Philippines

Mục Điểm tin trong nước tối thứ sáu (30/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Quảng Bình: Trả lại 413 triệu đã thu của Thủy Tiên tặng cho người dân vùng lũ

Theo Báo Doanh nhân Việt Nam, trưa 30/10, chính quyền thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã trả lại 413 triệu đồng cho 69 hộ dân.

Số tiền này trước đó được ca sĩ Thuỷ Tiên đã trao cho người dân vào ngày 28/10, nhưng sau đó bị ban cán sự thôn Ngọa Cương thu lại toàn bộ.

Sau đó 1 ngày, một Facebooker đã đăng dòng trạng thái: “Nhà mình ngập lụt được Thuỷ Tiên về ủng hộ tiền nhưng đã bị thôn thu lại. Thật sự mình không đồng ý. Chuyện này mình sẽ đi hỏi tận nơi”.

Thông tin sau khi đăng tải đã thu hút rất nhiều người bình luận, chia sẻ và thể hiện thái độ bất bình, không đồng tình với cách làm của chính quyền địa phương.

Giải thích về chuyện này, trưởng thôn Ngọa Cương cho biết, đây là chủ trương riêng của thôn nhằm cân đối trong việc phân chia bởi những hộ bị thiệt hại nặng sẽ cần tiền nhiều hơn nhưng hộ thiệt hại ít.

Chủ tịch huyện hầu tòa vì tham ô tiền xây nghĩa trang liệt sĩ

Báo Người Lao Động đưa tin, Tòa án tỉnh Gia Lai sáng 30/10 đã đưa ra xét xử vụ chủ tịch huyện Đức Cơ Nguyễn Hồng Lam và đồng phạm tham ô hơn nửa tỷ đồng. Đây là số tiền dùng để xây nghĩa trang liệt sĩ cho huyện.

Vào năm 2012, khi ông Lam còn làm trưởng phòng Tài chính huyện. Nhân lúc phòng được giao nhiệm vụ mua sắm thiết bị cho nghĩa trang, ông Lam và đồng bọn đã bàn bạc, ra lệnh cho Kho bạc nhà nước huyện Đức Cơ xuất ngân sách 524 triệu đồng. Ông Lam sau đó lợi dụng chức vụ chủ tịch của mình để ký các quyết định sai trái nhằm chiếm đoạt số tiền trên.

Do vắng mặt nhiều người liên quan nên toà án tỉnh Gia Lai sáng nay đã không thể tuyên án.

230 người chết vì bão lũ

Số người chết vì mưa lũ ở Việt Nam đã lên đến hàng trăm và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng khi vẫn còn rất nhiều người mất tích.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến sáng 30/10 đã có tổng cộng 230 người chết trong đợt mưa lũ vừa qua. Trong khi đó số người mất tích ở trên biển và đất liền là hơn 50 người.

Cũng trong sáng nay, trong lúc lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm những nạn nhân còn lại trong vụ sạt lở kinh hoàng ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam thì địa phương này lại xảy ra thêm một vụ sạt lở nữa ở xã Trà Mai khiến 1 người bị thương và 1 mất tích.

Bão Goni gia tăng sức mạnh, rầm rập tiến về Philippines

Bão Goni, được dự đoán có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam, đang tiếp tục mạnh lên khi nó di chuyển về phía đảo chính Luzon của Philippines hôm 30/10.

Theo cơ quan dự báo khí tượng của Philippines, đang cách đảo chính Luzon khoảng 1.000 km và di chuyển về phía Tây với vận tốc 15km/giờ. Cơn bão ​​sẽ mạnh thêm trong những ngày tới khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi trước khi đổ bộ đất liền.

Goni là cơn bão thứ 18 tấn công Philippines trong năm nay và là cơn bão thứ 5 đổ bộ trong tháng 10. Nước này hứng chịu trung bình 20 cơn bão mỗi năm.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-30-10-quang-binh-tra-lai-413-trieu-da-thu-cua-thuy-tien-tang-cho-nguoi-dan-vung-lu.html