Tin Việt Nam – 27/10/2020
Học sinh lớp 1 phải đóng tiền ủng hộ miền Trung
Tin Vietnam.- Ngày 27 tháng 10 năm 2020, trang Fanpage có tên “Bộ trưởng Y tế hãy từ chức” đã loan tải hình ảnh các bé học sinh cấp tiểu học đang phải xếp hàng để nộp tiền ủng hộ người dân miền Trung bị nạn lũ lụt.
Trên hình ảnh cho thấy, chỉ riêng các bé học sinh lớp 1B, trường tiểu học Cầu Diễn, ở phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liên, Hà Nội đã góp được 2,421,000 đồng. Sau khi thông tin này được chia sẽ thì đã gây ra các luồng ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hình thức kiếm tiền đê tiện của hệ thống cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Vì các bé học sinh chưa biết kiếm tiền nhưng vẫn bị ngành giáo dục Cộng sản khai thác theo áp lực của Mặt trận tổ quốc Cộng sản.
Ngoài ra, hàng năm, nhà cầm quyền vẫn “buộc” dân ra để thu tiền phòng chống thiên tai một cách đều đặn, và cứ mỗi mùa bão lũ đến thì nhà cầm quyền địa phương lại tiếp tục đến từng nhà thu tiền ủng hộ người dân vùng bão lụt, hoặc những người làm việc ở cơ quan thì bắt buộc phải bị trừ tiền lương để ủng hộ. Cho nên, các ý kiến này phản đối việc làm trên của các trường học.
Nhiều người cũng cho biết, đây là hành động diễn ra bắt buộc ở rất nhiều trường học trên toàn quốc chứ không chỉ riêng trường tiểu học Cầu Diễn, và nó cũng diễn ra liên tục nhiều năm nay chứ không phải là mới. Họ cho rằng, đây là cách lợi dụng trẻ em để tận thu tiền từ dân của hệ thống cầm quyền Cộng sản với danh nghĩa là làm việc thiện, vì số tiền đến được tay dân cần giúp đỡ là rất ít nhưng vô túi quan tham thì nhiều.
Trái ngược với cách chỉ trích trên, thì có những ý kiến lại đồng tình việc thu tiền này vì cho rằng, đây là cách dạy trẻ biết chia sẽ với người dân khó khăn hơn mình, nên cha mẹ đã đồng ý cho tiền để con ủng hộ hoặc các bé chỉ cần nhịn ăn sáng một hai bữa để có tiền đóng.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hoc-sinh-lop-1-phai-dong-tien-ung-ho-mien-trung/
Bão số 9 liên tục tăng cấp,
chuyên gia nói cần ‘sơ tán triệt để’
Bão số 9 có thể đạt cường độ mạnh nhất là cấp 14, giật đến cấp 17 trong đêm 27/10 khi di chuyển vào vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy – chuyên gia nghiên cứu Biển đổi khí hậu và Phòng tránh thiên tai cảnh báo bão số 9 tăng cấp bão lớn chưa từng có ở Việt Nam.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ảnh hưởng của bão số 9 đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 9 ở đảo Song Tử Tây sáng nay 27/10. Lúc 7h, tâm bão cách đảo 230 km về phía bắc đông bắc với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ở cấp 13-14, giật cấp 17.
Chiều nay, ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên, gồm huyện đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 13, giật thêm hai cấp; sóng cao 6-8 m.
Theo Trung tâm Cảnh báo Thiên tai Quốc gia, khu vực trọng yếu đặc biệt nguy hiểm bao gồm các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Chuyên gia cảnh báo về bão số 9, nói ‘nhà cấp 4 dễ bị quật đổ’
Mưa lũ miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?
Trong đất liền, từ sáng sớm đến chiều tối mai, từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Riêng đất liền ven biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Trên Facebook cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy – chuyên gia về Biển đổi khí hậu và Phòng tránh thiên tai viết: “Hãy sơ tán triệt để. Sơ tán đến các nhà bê tông kiên cố”.
“Các bạn không ở Miền Trung nhưng có người quen, thân ở Miền Trung hãy gọi điện và chắc chắn rằng người thân của mình tìm đến trú ở các nơi an toàn trước 9 giờ tối hôm nay. Hãy chuẩn bị nước, gaz, dầu thắp, nguồn sạc điện từ ắc quy, đèn pin, nến,… vì sau bão này sẽ rất lâu mới khôi phục lại được hạ tầng”, ông Huy cảnh báo.
Ông Huy khuyến cáo thêm: “Các tàu hàng cỡ lớn nên tránh xa đường đi của bão. Không neo đậu cách bờ 1 hải lý vì nơi đó sẽ có sóng cao nhất (7-8m). Không tránh trú trong các nhà cấp 4, nhà ngói và nhà tole. Không đi ra đường trong ngày 28/10 ở địa bàn các tỉnh trên”.
Vnexpress dẫn lời ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi cho biết, bão còn ở rất xa nhưng tại đảo Lý Sơn đã có gió cấp 6. “Bão cực mạnh nên khẩn thiết mong mọi người tranh thủ còn thời gian ngắn ngủi còn lại tìm nơi trú ẩn an toàn”, ông Sỹ nói. Khả năng cao Quảng Ngãi sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão từ đêm nay đến hết ngày mai.
Các đài Nhật Bản và Hải Quân Mỹ cũng chung nhận định bão tăng cấp. Theo Đài Nhật Bản, 16h hôm nay, sức gió gần tâm bão 162 km/h, giật 216 km/h. Đến 4h sáng 28/10, sức gió của bão Molave còn 144 km/h giật 198 km/h, cách bờ hơn 140 km.
Theo đó, cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9 ở cấp 4. Các tỉnh thành gồm Nha Trang, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kontum sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 9.
Ông Trần Quang Hoài – tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai – cho biết theo kịch bản các địa phương cùng Ban chỉ đạo xây dựng, nếu bão đổ bộ với cường độ mạnh cấp 12, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa phải sơ tán 1,279 triệu dân.
Ở khu vực chịu ảnh hưởng có 65.000 tàu thuyền hoạt động, hiện mới thông báo được 45.000 tàu, còn 20.000 tàu cần phải khẩn trương kêu gọi các tàu về bờ.
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5, Bộ đội biên phòng… triển khai huy động lực lượng, phương tiện ứng phó gồm 368.000 người và 3.500 phương tiện để duy trì nghiêm công tác trực 24/24 giờ nhằmứng phó sự cố trước và sau bão.
Dự báo gió bão mạnh kéo dài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đặt tính mạng người dân là trên hết:
“Kinh nghiệm nhiều năm là đưa người dân vào bờ là an toàn nhưng vì con tôm hùm, lồng cá mà chủ giữ dân ở để xảy ra sự cố mất an toàn, trách nhiệm đó thuộc về hình sự, phải xử lý nghiêm, đặc biệt Khánh Hòa, Phú Yên nuôi lồng bè rất lớn”.
Đồng thời, ông Phúc cũng nhấn mạnh về công tác cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ người dân 5 tỉnh miền Trung: “Với công tác cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phải có cơ quan thường trực hỗ trợ các địa phương tập trung giúp dân trước, sau bão lũ, kể cả dùng máy bay trực thăng… để cứu dân khi bị mắc kẹt, bị đe dọa tính mạng”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54701219
Người dân ở tâm bão Lý Sơn lo lắng,
chuẩn bị chằng chống nhà cửa trước bão
Khoảng hơn 5 giờ chiều ngày 27-10-2020, người dân ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nơi mà cơn bão số 9 có tên quốc tế là Molave chuẩn bị đổ bộ cho biết, gió đã nổi lên và sóng biển đánh mạnh vào bờ khiến người dân lo lắng.
Anh Cao Ngọc Cảnh, một người dân ở thôn Tây, xã An Hải cho biết tình hình:
“Hiện tại thì bão chưa vào, nhưng sức gió ngoài biển đang lớn lắm anh ơi, có thấy cây cũng bắt đầu… như gió thổi mạnh nên cây cũng rung nhiều lắm rồi.
Hiện tại sáng mai bão mới đổ bộ mà ở Lý Sơn sức gió khoảng cấp 7, cấp 8, sóng biển cũng lớn.
Sóng biển đánh đá vào, ở ngoài bờ biển nơi bến tàu, sóng cao khoảng 4-5 mét đẩy đá lên bờ.”
Theo anh Cảnh, chính quyền huyện Lý Sơn đã thông báo về cơn bão qua loa phát thanh cũng như cho xe gắn loa đi dọc các con đường để thông báo cho người dân chằng chống nhà cửa, cũng như người dân ở các nhà cấp 4 nên di dời đến các nơi kiên cố hơn đề phòng bão vào.
Chị Trinh, nhà sát ngay mặt biển ở huyện đảo Lý Sơn cũng tỏ ra lo lắng về cơn bão này. Chị cho biết:
“Thông báo có coi trên mạng xã hội nên người dân cũng đề phòng. Cũng có thông báo trên đài phát thanh là bão gió, bà con đề phòng.
Nhà em cũng là nhà cấp 4, tương đối an toàn, hy vọng là không sao, giờ gió mới đổ bộ vô mạnh.
Dạ có (lo lắng) chứ, bởi vì thực tế bão đến thì cũng rất là lo lắng, nghe nói tâm bão đi trúng Lý Sơn nên bà con cũng lo lắng và đề phòng bão, bà con cũng lo chặn nhà, chặn cửa nhưng không biết gió đến thì như thế nào.”
Mặc dù không nằm trên đường đi của bão, nhưng người dân ở Gio Linh, Quảng Trị cũng nói với phóng viên là họ cảm thấy lo lắng vì lũ lụt vẫn còn gây thiệt hại ở đây chưa khắc phục được mà giờ đây bão lại đến.
Tạm dừng tìm kiếm công nhân mất tích
tại Rào Trăng 3 do bão số 9
Công tác tìm kiếm hơn chục công nhân còn mất tích trong vụ lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 lại bị gián đoạn do bão số 9 được dự báo đổ bộ vào miền Trung Việt Nam.
Tin báo Nhà nước dẫn nguồn từ Ủy Ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế như vừa nêu trong ngày 27 tháng 10. Theo đó, trước 15 giờ ngày 27 tháng 10 lực lượng cứu hộ ngừng công tác tìm kiếm người mất tích và rút khỏi Thủy điện Rào Trăng 3 để bảo đảm an toàn.
Vào rạng sáng ngày 12 tháng 10 vừa qua, thông tin vụ sạt lở tại Nhà máy Thủy Điện Rào Trăng 3 ở huyện Phong Điền được người dân báo cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Đến chiều ngày 12 tháng 10, một đoàn gồm 21 người thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh TT-H và Bộ Tư Lệnh Quân Khu 4 lên đường đi xác minh thông tin. Và khuya ngày 12 tháng 10, đoàn ngủ lại tại Trạm Quản lý Bảo vệ rừng 67. Tai nạn sạt lở xảy ra vào lúc 0 giờ ngày 13 tháng 10 khiến 13 người trong đoàn mất tích. Ngoài ra còn có 17 công nhân làm việc tại Thủy điện Rào Trăng 3 bị mất tích do lở đất.
Đến ngày 15 tháng 10, toàn bộ thi thể của 13 người trong đoàn cứu hộ được tìm thấy; đến nay còn hơn 10 công nhân vẫn chưa tìm được xác.
Do mưa lũ tại khu vực miền Trung, công tác tìm kiếm những người mất tích ở Thuỷ điện Rào Trăng trước đó cũng đã bị gián đoạn một lần.
Thủy Tiên, Công Vinh mang vali tiền
cứu trợ người dân miền Trung
Sáng nay, ca sĩ Thủy Tiên thông tin trên trang Facebook rằng cô và chồng là Công Vinh đã ra đến Miền Trung, tiếp tục cứu trợ cho người dân nơi đây. Chưa đầy một giờ đồng hồ, bài viết này đã đạt được hơn 600 nghìn lượt tương tác.
Theo đó, hai vợ chồng Thủy Tiên đang có mặt ở Hà Tĩnh, rút cả một vali tiền mặt để trao cho người dân. Video phát sóng trực tiếp có thời lượng 30 phút quay lại cảnh Thủy Tiên trò chuyện với người dân để hiểu những khó khăn sau lũ.
Đa phần những người có mặt đều là người già, ở những nơi ngập sâu phải đi sơ tán, tài sản không còn, trâu bò, của cải mất hết chỉ còn lại con người.
Lũ miền Trung: Ca sĩ Thủy Tiên quyên góp 100 tỷ, còn Việt Nam nên sửa luật?
Thủ tướng Phúc yêu cầu ‘không gây khó nhà hảo tâm’
“Tụi Tiên sẽ đi đến từng thôn để trao tại chỗ. Tổng dân số tại Huyện Cẩm Xuyên có 33 ngàn dân bị ngập kêu cứu trong trong đêm. Người dân ở đây bị ngập sâu hoàn toàn trắng tay sau lũ vì đồ đạc và vật nuôi trôi hết. Đây là những hộ cực kỳ khó khăn nên mình sẽ trao tiền mặt để họ tái thiết lại cuộc sống”.
“Mỗi một người con sẽ hỗ trợ 10 triệu tiền mặt để mua thêm vật dụng, mua thêm gà, mua thêm giống để trồng trọt cho mùa vụ sau. Riêng bà con nào nhà cửa hư hại, bà con cứ báo lại với chính quyền địa phương, rồi con sẽ đến tận chỗ để hỗ trợ từng căn một. Ngoài ra, tụi con cũng có kế hoạch xây nhà chống lũ”, Thủy Tiên nói trong video.
Dưới video, một người tên Thoa Nguyễn bình luận: “Coi mà nước mắt không ngừng chảy thương vợ chồng Thuỷ Tiên có tấm lòng bồ tát. Thương các ông cụ bà cụ già ở miền trung phải hứng chịu thiên tai như vậy”.
Nhiều người ủng hộ và cảm kích việc làm của nữ ca sĩ khi không quản những hiểm nguy về bão số 9 để tiếp tục làm thiện nguyện, hỗ trợ tinh thần, vật chất cho bà con chịu ảnh hưởng của thiên tai.
Bão số 9 liên tục tăng cấp, chuyên gia nói cần ‘sơ tán triệt để’
Chuyên gia cảnh báo về bão số 9, nói ‘nhà cấp 4 dễ bị quật đổ’
Với con số quyên góp kỷ lục 150 tỷ đồng của Thủy Tiên, nhiều người cho rằng lý do đằng sau đó là bởi nữ ca sĩ là người đã có mặt ở miền Trung khi lũ quét.
Đồng thời, đoàn thiện nguyện của cô không chỉ đến một tỉnh mà cả bốn tỉnh: từ Huế đến Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Ngoài ra, việc Thủy Tiên liên tục cập nhật con số cũng giúp tinh thần mọi người được nâng cao, thấy được tấm lòng của người dân cả nước dành cho đồng bào miền Trung.
Một người giải thích:
“Số tiền Thủy Tiên nhận được, ngoài giá trị vật chất thì nó còn là gửi gắm tinh thần. Trong một góc nhìn hết sức bình dân của mình, Thủy Tiên là người trực tiếp đưa bàn tay đến tận nơi và giúp đỡ rất lẹ làng. Nó trực quan và nó ấm áp lắm. Cả chuyện Thủy Tiên nhất quyết đi đòi lại tiền bị kẻ xấu ăn chặn, nó cũng đúng cái tâm lý “mình quyên góp cho người ta mà không biết có đến được tay người cần không hay bị ăn chặn mất”.
Trước đó, trên trang Facebook chính thức của mình ngày 24/10, Thủy Tiên cập nhật:
“Mọi người ơi 150 tỷ nghe nhiều nhưng tổng có 5 tỉnh mà 1 huyện vài chục nghìn hộ thì tiền hỗ trợ như muối bỏ bể thôi ạ. Tiền này có 1 mình Tiên quyết định và trao tận tay nên không họp hành, không cãi vã, và sẽ đến tay dân nhanh chóng, bà con yên tâm”.
Trên Facebook, ông Nguyễn Tiến Trường bình luận:
“Coi Thuỷ Tiên đi cứu trợ, phong thái hào sảng chị hai rất thú vị. Vô nhà coi coi xong nói: “Tụi em sẽ xây cho chị cái nhà mới”. Dứt lời tay vừa đếm vừa ngắt đưa 5 triệu: “Chị cầm lấy đi chợ trong những ngày tới nha”. Ghé nhà cô học trò nghèo, nói: Con cứ đi học, đóng tiền sao nhắn tài khoản trường cho cô, mỗi năm cô chuyển khoản cho trường. Xong liếc cái mái nhà thủng, hỏi: “Giờ lợp lại mái nhà này 10 triệu đủ không”? Miệng nói tay đếm, ngắt đưa 10 triệu”.
Bão lũ ở VN: Công khai sao kê 100 tỷ, Thủy Tiên nói ‘rất áp lực’
Hành động ‘quyên góp 100 tỷ’ của Thủy Tiên làm đại biểu Quốc hội Việt Nam quan tâm
Về kế hoạch hỗ trợ người dân, Thủy Tiên cho hay cô sẽ dành ra một số tiền để xây dựng lại nhà sập bị lũ cuốn, xây nhà cộng đồng tránh lũ có sẵn thuyền cứu hộ cho cả thôn để khi gọi chính quyền không kịp thì người dân tự dùng thuyền cứu nhau. Đồng thời, giọng ca Chợt là nỗi đau cũng hỗ trợ tiền mặt cho các hộ dân vay ngân hàng nuôi trồng nhưng bị lũ cuốn trôi mất sạch và một phần chi phí để làm cầu đường.
Hôm 23/10, ca sĩ Thủy Tiên cũng đã công bố bản sao kê ngân hàng đợt 1. Theo đó, số tiền cô chi ra cho việc mua hàng cứu trợ từ ngày 13/10 – ngày bắt đầu nhận quyên góp cho đến ngày 21/10 là 2 tỷ 669 triệu 705 nghìn đồng.
Lũ lụt miền Trung 2020 được xem là một đợt lũ lụt lịch sử mới, được đặt mức báo động IV thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn của Việt Nam. Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tính đến ngày 25/10, ảnh hưởng của mưa lũ từ 6/10 -25/10 đã làm 130 người chết, 18 người mất tích.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54701220
Tàu hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc “lảng vảng”
trong vùng biển Việt Nam nhiều tháng qua
Derek Long
Tàu hải cảnh và dân quân biển của Trung Quốc đã liên tục xuất hiện trong vùng biển của Việt Nam tại Bãi Tư Chính và Union Banks ở Biển Đông nhiều tháng qua, theo dữ liệu từ phần mềm theo dõi tàu biển từ vệ tinh mà Đài Á Châu Tự Do có được.
Bãi Tư Chính
Tại Bãi Tư Chính thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, hải cảnh Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện liên tục suốt từ tháng 7 đến nay với tổng số ngày các tàu được ghi nhận có mặt ở khu vực này là 113 ngày, trừ một vài ngày gián đoạn.
Bãi Tư Chính là một thực thể nửa chìm nửa nổi nằm hoàn toàn trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Đây cũng là nơi Việt Nam có các tiền đồn và lô dầu khí được ký hợp đồng với các công ty nước ngoài để tìm kiếm và khai thác.
Trung Quốc khẳng định Bãi Tư Chính hoàn toàn nằm trong vùng đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển dù Toà Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ tính hợp lệ của đường này trong một phán quyết vào năm 2016.
Theo các dữ liệu theo dõi tàu biển mà RFA có được, tàu hải cảnh Trung Quốc CCG 5402 đã có mặt ở Bãi Tư Chính vào ngày 4/7, đi cách giàn khoan dầu khí của Việt Nam khoảng 30 hải lý và ở đây cho đến ngày 18/8. Một ngày trước đó, một tàu hải cảnh khác có ký hiệu CCG 5240 đã đến khu vực này để thay thế tàu CCG 5402 và ở lại đây từ đó đến nay, trừ khi tàu phải di chuyển tạm thời đến Đá Chữ Thập để tiếp liệu.
Chính phủ Việt Nam hiện chưa lên tiếng công khai về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở Bãi Tư Chính.
Hồi giữa năm ngoái, Trung Quốc cũng điều các tàu hải cảnh đến Bãi Tư Chính trong nhiều tháng, quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí ở lô 06.1 trong liên doanh giữa Việt Nam, Nga và Ấn Độ.
Sự hiện diện của tàu 5204 lần này đã khiến Việt Nam phải điều tàu cảnh sát biển và kiểm ngư đến theo dõi.
Tàu kiểm ngư 273 đã được điều tra Bãi Tư Chính hôm 13/10 theo dữ liệu từ phần mềm theo dõi tàu biển. Tàu này đã đi rất gần tàu 5204, chỉ cách khoảng 1 hải lý. Điều này cho thấy hai tàu đã đi gần như cạnh nhau trong các ngày 13 và 14 tháng 10. Điều này cũng khiến tàu kiểm ngư của Việt Nam chỉ đi cách quần đảo Natuna của Indonesia khoảng 200 hải lý.
Phía Indonesia vào ngày 7/10 đã điều tàu KN Tanjung Datu đến cách Bãi Tư Chính khoảng 35 hải lý. Nhưng tàu này không đi theo tàu hải cảnh mà hộ tống một tàu sửa chữa cáp biển đang hoạt động ở ngoài khơi Natuna từ ngày 13/10.
Bãi Union Banks
Bãi Union Banks là một bãi đá thuộc Trường Sa nơi cả Trung Quốc và Việt Nam đều có những tiền đồn chỉ cách nhau chưa tới 2 hải lý.
Các tàu dân quân biển của Trung Quốc đã xuất hiện liên tục tại khu vực bãi này từ tháng Ba, với khoảng từ 4 đến 12 tàu lảng vảng trong suốt 6 tháng qua.
Bên cạnh đó, còn có hàng chục tàu cá khác xuất hiện trong khu vực Union Banks. Có khoảng hơn 100 tàu cá và các tàu không xác định khác được phát hiện ở Union Banks trong ngày 26/9. Đây là số lượng tàu khá thường xuyên ở đây theo dữ liệu vệ tinh mà RFA có được từ tháng Tư tới nay.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu dân quân biển của Trung Quốc đi cùng với hạm đội tàu cá lớn thường không phát tín hiệu định vị vệ tinh (AIS). Phần lớn các tàu này thường là tàu dân sự, một số tàu được phát hiện đã đi từ vùng nước của Việt Nam, Philippines và Trung Quốc.
Việt Nam đã duy trì sự hiện diện thường xuyên tại các tiền đồn của mình ở Union Banks.
Tàu cảnh sát biển CSB – 901 được thấy đi tuần ở Đảo Sinh Tồn Đông từ ngày 16/9. Trước đó các tàu của Việt Nam cũng xuất hiện định kỳ ở Sinh Tồn Đông trong 6 tháng qua. Dữ liệu theo dõi tàu biển cho thấy tàu CSB – 9001 đã ở lại Sinh Tồn Đông đến ngày 17/10, và vào ngày 21/10 tàu Hon Dau 11884 đậu ở cảng của Đảo Sinh Tồn, một tiền đồn của Việt Nam ở Union Banks. Hon Dau thường xuyên đi lại giữa các tiền đồn của Việt Nam ở Biển Đông nhưng hiện RFA vẫn chưa xác định được tàu này thuộc lực lượng nào.
Việt Nam phạt 1 tàu cá ở Cà Mau
vi phạm vùng biển nước ngoài
Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau hôm 27/10 vừa quyết định phạt trên 1,7 tỷ đồng vì vi phạm hành chính đối với tàu cá CM 92226 TS với lý do vi phạm vùng biển nước ngoài.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết quyết định xử phạt này theo kết quả điều tra của cơ quan nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau.
Tàu bị xử phạt là tàu cá CM 92226 TS do ông Trần Hồng Cẩm, ở khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau làm chủ.
Theo biên bản xử phạt, do thua lỗ ông Cẩm đã ngừng hoạt động tàu cá từ cuối năm 2019. Đến tháng 5/2020, ông Cẩm gặp ông Thạch Dũng ở cùng huyện để bàn chuyện hợp tác. Ông Cẩm cung cấp tàu và chi phí, ông Dũng thuê thuyền viên và đánh bắt, lợi nhuận sẽ chia đôi.
Tuy nhiên khi ông Dũng đi khai thác hải sản trên biển, đã không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ngoài ra, giấy phép cũng hết hạn từ ngày 9/10/2019. Vì vậy ông Dũng đã điều khiển tàu cá trốn ra biển từ cửa Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Đi biển được khoảng một tháng, ông Thạch Dũng và tàu cá bị Hải quân Malaysia bắt, giam giữ 14 ngày mới trả về. Khi về đến Việt Nam, ông Thạch Dũng cho tàu trốn vào cửa Gành Hào. Sau khi điều tra, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã ra quyết định xử phạt ông Trần Hồng Cẩm và các thuyền viên.
Cũng tin liên quan, vào hôm 26/10, trang tin ASEAN Today đã đăng bài dẫn lời Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Tây Ban Nha tại Việt Nam Ruben Saornil Minguez cho rằng, Việt Nam đã nâng cao các tiêu chuẩn trong ngành đánh bắt cá, xây dựng chuỗi giá trị và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Cụ thể, sau khi thông qua Luật Thủy sản mới vào năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã thành lập một ban chỉ đạo về ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo (IUU) ở cấp quốc gia. Ngoài ra, số lượng tàu thuyền có lắp đặt GPS hoặc công nghệ theo dõi khác đã tăng từ 56% lên 81% vào cuối tháng 8 năm 2020.
Đây được cho là các bước nhằm cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản của Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 31/8/2020, đã xảy ra 57 vụ với 92 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. So với cùng kỳ năm 2019, tuy số vụ vi phạm có giảm vài vụ, nhưng số tàu bị nước ngoài bắt giữ lại tăng lên 3 tàu.
TTg Phúc thúc giục TT Trump ‘đánh giá khách quan’
về Việt Nam giữa tranh cãi thương mại
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng phủ nhận chính sách tỷ giá tiền tệ của Việt Nam nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại và mong muốn Tổng thống Mỹ Donald Trump “đánh giá khách quan hơn về thực tiễn Việt Nam” trong bối cảnh Bộ Thương mại Hoa Kỳ mới công bố cuộc điều tra về việc Việt Nam thao túng tiền tệ.
Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đầu tháng này cho biết rằng họ đang tiến hành một cuộc điều tra xem liệu Việt Nam có chủ động hạ giá tiền đồng và làm hại đến thương mại Mỹ hay không, theo chỉ thị của Tổng thống Trump.
“Trên thực tế, nếu phá giá đồng Việt Nam sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của người dân, các nhà đầu tư, thiệt hại sẽ rất lớn đối với cả nền kinh tế,” Thủ tướng Phúc nói với Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) Adam Boehler hôm 26/10 tại một cuộc gặp mặt ở Trụ sở Chính phủ ở Hà Nội.
Bộ Tài Chính Mỹ hồi tháng 8 vừa qua tuyên bố rằng Việt Nam chủ tâm định giá tiền đồng thấp hơn đồng đô la Mỹ khoảng 4,7% trong năm 2019. Một quy định mới của chính quyền Tổng thống Trump hồi đầu năm nay cho phép Bộ Thương mại Mỹ xem việc định giá thấp tiền tệ là một yếu tố trong việc quyết định các loại thuế chống trợ giá đối với một đối tác thương mại.
Thủ tướng Phúc, trong cuộc họp với ông Boehler và đoàn công tác cấp cao của Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam nhằm “thảo luận một loạt các cơ hội”, đề nghị tổng giám đốc DFC “có tiếng nói với Tổng thống Hoa Kỳ” để có “đánh giá khách quan hơn về thực tiễn tại Việt Nam.” Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng đề nghị ông Boehler nói với USTR và các cơ quan Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam “thực hiện Kế hoạch hành động hướng tới thương mại cân bằng đã được thống nhất cuối năm 2019” để “hài hoà với các cam kết của Hoa Kỳ về một Việt Nam ‘mạnh, độc lập và thịnh vượng’ và quan hệ Đối tác toàn diện hai nước.”
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tổng giám đốc DFC chuyển lời hỏi thăm của Tổng thống Trump và cho biết cơ quan này sẽ “đầu tư mạnh vào Việt Nam” thông qua hợp tác hai bên trong thời gian tới.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng cao nhất trong lịch sử
Việt Nam nằm trong số các quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn với Mỹ, và điều này khiến Tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái cáo buộc Việt Nam là nước “lạm dụng” thương mại “tồi tệ” hơn cả Trung Quốc.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 8 vừa qua, với mức âm hơn 7,5 tỷ USD trong một tháng. Tổng mức thâm hụt thương mại tính cho tới hết tháng 8 năm nay là hơn 42,3 tỷ USD, cao hơn 8 tỷ so với cùng kỳ năm trước đó. Mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam trong năm 2019, hơn 55,7 tỷ USD, cũng là mức cao kỷ lục trong lịch sử trao đổi hàng hoá giữa hai nước kể từ 1992.
Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia mà Washington coi là cần theo dõi về nguy cơ thao túng tiền tệ do có thặng dư thương mại với Mỹ. Bộ Tài Chính Mỹ hồi đầu năm nay liệt kê Việt Nam vào danh sách 10 nước “có lẽ” sử dụng tỷ giá hối đoái để đạt được lợi thế về xuất khẩu so với Mỹ.
Đại diện Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong cuộc gặp với Thủ tướng Phúc hôm 26/10, Hoa Kỳ “rất quan tâm đến các chính sách tiền tệ, chính sách ngoại hối của các đối tác thương mại, đánh giá cao các bước tiến mà Việt Nam đạt được, mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan chức năng của Việt Nam,” theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam.
Bộ Công thương Việt Nam hồi tháng 6 nói rằng họ sẽ hợp tác với các nhà điều tra của Mỹ về vấn đề này và sẽ “cung cấp tất cả những thông tin cần thiết về việc trợ giá và định giá thấp tiền tệ cho phía Mỹ” để họ có được “cơ sở dữ liệu đầy đủ trước khi đưa ra kết luận.”
Đầu năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định rằng một trong những ưu tiên của Việt Nam năm 2020 là tiếp tục làm việc với các đối tác thương mại lớn để chứng minh Việt Nam “không thao túng tiền tệ”.
Việt Nam được cho là đang nỗ lực làm “hài hoà hoá” cán cân thương mại với Mỹ bằng cách nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng của Mỹ từ năm ngoái và mới đây phê duyệt một dự án điện khí hoá lỏng (LNG) của tập đoàn ExxonMobil của Mỹ ở Hải Phòng trị giá hơn 5 tỷ USD để sử dụng LNG nhập khẩu từ Mỹ. Trước đó, một công ty liên doanh của Mỹ với Việt Nam, LNG Chân Mây, cũng đang có kế hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào một dự án điện ở Việt Nam để tìm cách thu lợi nhuận từ nhu cầu điện tăng cao của quốc gia Đông Nam Á cũng như giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.
Nhiệt điện Quảng Ninh lỗ hơn 60 tỷ đồng
trong Quý 3/2020
Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh vừa công bố báo cáo tài chính Quý 3/2020 bị lỗ hơn 60 tỷ đồng. Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 27/10 cho biết thông tin vừa nêu.
Theo đó, doanh thu thuần của công ty này trong Quý 3/2020 giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái và lãi gộp cũng giảm mạnh đến 89%, tương đương gần 13 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9 năm nay, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh là hơn 9,6 ngàn tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm 2020. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng được ghi nhận giảm 29%, xuống còn hơn 1,5 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty được cho là đáng chú ý vì tăng mạnh lên đến 732 tỷ đồng, so với hồi đầu năm 2020 chỉ ở mức 1,5 tỷ đồng.
Tính đến hết Quý 3/2020, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh báo lỗ hơn 60 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ 5,6 tỷ.
Lãnh đạo công ty giải trình nguyên nhân thua lỗ là do doanh nghiệp thực hiện sửa chữa lớn trong Quý 3/2020 nên sản lượng điện phát thấp, giá thị trường thấp và chu kỳ giảm giá cố định theo phương án giá điện. Đồng thời công ty cũng đang thực hiện điều chỉnh giảm doanh thu bán điện, theo quy định của Bộ Công thương.
Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh được thành lập hồi năm 2002 và lên sàn chứng khoán giao dịch năm 2017. Kế hoạch năm 2020, công ty đạt doanh thu hơn 9,8 ngàn tỷ đồng và lãi sau thuế 369 tỷ đồng. Sau 3 quý của năm 2020, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh chỉ thực hiện được 69% kế hoạch.
Con trai ông Trần Bắc Hà bị cáo buộc rửa tiền
Ông Trần Duy Tùng, con trai nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà, bị xác định có dấu hiệu tội vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới hoặc rửa tiền.
Đó là nội dung được nêu ra tại phiên xét xử sơ thẩm đại án xảy ra tại BIDV gây thiệt hại ngân sách 1.664 tỷ đồng. Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 27/10.
Cơ quan điều tra trước đó đã phát lệnh truy nã quốc tế con trai ông Hà là Trần Duy Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phú, và tách vụ án hình sự để điều tra ông này khi bắt được.
Cáo trạng cho biết con trai ông Hà là Trần Duy Tùng đã nhờ hai ông Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh đứng tên góp vốn vào Tập đoàn An Phú. Tập đoàn này được cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài để lập liên quanh Công ty Souk Houng Hueng Viêng Chăng với vốn gần 300 tỷ đồng.
Tin nói từ năm 2013 đến 2015, ông Tùng và Vinh đã nộp 10,4 triệu USD tiền mặt vào tài khoản của Vinh ở Ngân hàng liên doanh Việt – Lào (LaoVietBank). Sau đó, ông Tùng chuyển 10 triệu từ tài khoản ông Vinh sang một công ty khác là Công ty Outhid Houng Heang.
Hội đồng xét xử cho rằng Tập đoàn An Phú sau đó chuyển 4 triệu USD cho LaoVietBank. Ông Tùng cũng chuyển 10 triệu USD vào LaoVietNank để góp vốn đầu tư.
Việc góp vốn nêu trên của các bị cáo bị tòa xác định là “qua mặt cơ quan chức năng” để đầu tư ra nước ngoài trái phép.
Ngoài ra, ông Trần Duy Tùng bị cáo buộc quản lý, sử dụng cá nhân hơn 2,3 triệu USD (khoảng 53 tỷ đồng) cổ tức tại LaoVietBank.
Cáo trạng tại tòa cũng cho biết từ năm 2011 đến 2016, ông Trần Bắc Hà đã lợi dụng chức vụ chỉ đạo cấp dưới tại BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, Hà Thành cho công ty Bình Hà vay trái luật, gây thất thoát 1.664 tỷ đồng. Công ty Bình Hà bị xác định là “sân sau” của ông Hà.
Ông Trần Bắc Hà truớc đó đã tử vong tại trại tạm giam vào tháng 7/2019.
Ông Trần Bắc Hà được nhận định là một tay chân thân tín của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Lái xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề:
bày thêm giấy phép?
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT), hôm 24 tháng 10 năm 2020 trình Quốc hội dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó đáng chú ý là quy định: “Ngoài giấy phép lái xe, người lái xe ô tô kinh doanh vận tải buộc phải có ‘Chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải’ do Bộ Giao thông- Vận tải cấp.”
“Gây khó cho người dân”
Là chủ một doanh nghiệp vận tải, cũng là một tài xế lái xe chở khách liên tỉnh, ông Võ Minh Đức hôm 26/10 cho RFA biết ý kiến của mình về quy định phải có ‘Chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải’ này:
“Suy nghĩ đầu tiên của tôi về vấn đề này là họ hình như muốn thu tiền, muốn thu phí, họ đẻ ra nhiều thứ phí lắm… Bây giờ người ta có giấy phép lái xe, trường nghề dạy rồi, tự nhiên lại đẻ ra thêm giấy phép hành nghề nữa. Trong khi bọn tôi có giấy phép kinh doanh đàng hoàng, có đóng thuế, có vào hợp tác xã… chứ đâu phải chạy lụi. Về cơ bản người hành nghề lái xe đã học nghề thì kiếm sống bằng nghề lái xe là bình thường. Tôi không hiểu vì sao mấy ổng lại đẻ ra giấy phép con đó. Cũng cái xe tải của bọn tôi, ai nhìn cũng biết là xe tải, nhưng họ lại bắt bọn tôi phải nộp phí để lấy 1 miếng giấy trên đó có ghi chữ ‘xe tải’.(!?)”
Suy nghĩ đầu tiên của tôi về vấn đề này là họ hình như muốn thu tiền, muốn thu phí, họ đẻ ra nhiều thứ phí lắm… Bây giờ người ta có giấy phép lái xe, trường nghề dạy rồi, tự nhiên lại đẻ ra thêm giấy phép hành nghề nữa.
-Võ Minh Đức
Ông Võ Minh Đức cho rằng, việc bắt nộp phí để lấy 1 miếng giấy in chữ ‘xe tải’ thì người dân ai cũng hiểu, chỉ nhằm mục đích thu tiền chứ không phải để phân biệt xe tải với xe khác. Ông nói tiếp:
“Vừa rồi họ cũng đã đẻ ra cái bảng số màu vàng là xe có kinh doanh vận tải hàng hóa hay hành khách. Trong khi trên xe kinh doanh đều có logo hợp tác xã, bây giờ tự nhiên bắt người ta đổi bảng số màu vàng để phân biệt là kinh doanh hay không kinh doanh. Trong giấy tờ hành chính cũng đã có đầy đủ yếu tố kinh doanh, nếu cảnh sát giao thông kiểm tra thì có đầy đủ để biết. Là một người dân thì tôi hiểu là họ muốn đẻ ra để thu phí, để gò người dân vào một khuôn mẫu theo ý của họ. Họ cứ nói cải cách hành chính, nhưng họ cứ đẻ ra những giấy phép con như thế để làm khó người dân.”
Thêm giấy phép con
Theo dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải cũng quy định chương trình khung đào tạo nghiệp vụ vận tải. Trong đó quy định về trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải. Như vậy, sau khi việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được chuyển sang Bộ Công an thì Bộ Giao thông vận tải đã bổ sung thêm quy định về chứng chỉ hành nghề bên cạnh giấy phép lái xe.
Với một trình tự quy định việc đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải, giới tài xế cho rằng chẳng khác nào Bộ GTVT vừa mất quyền cấp bằng lái đã tạo ra một ‘bằng lái’ khác!
Dưới góc nhìn của người hiểu biết về luật, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, hôm 26/10 nói với RFA:
“Đây mới chỉ là một dự thảo của Luật giao thông đường bộ mà ông Bộ trưởng Bộ GTVT vừa trình Quốc hội hôm 24/10 vừa qua. Trong đó quy định người có giấy phép lái xe ô tô, mà muốn hành nghề lái xe kinh doanh vận tải thì phải được đào tạo nghiệp vụ kinh doanh vận tải và phải được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. Quy định chứng chỉ hành nghề này được Bộ GTVT bổ sung thêm khi nhiệm vụ đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ công an.”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết như vậy có hai luật… và việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được tách từ Luật Giao thông đường bộ sang Luật Bảo đảm an toàn giao thông do Bộ công an chủ trì cũng đang trình Quốc hội thông qua. Ông nói tiếp:
“Theo tôi, chúng ta cần cân nhắc quy định này, vì nếu bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh sẽ làm phát sinh thêm một giấy phép, cần phải nghiên cứu chỉnh lý để nó không trùng lắp giữa hai luật này, tránh gây phiền hà cho các tổ chức cá nhân tham gia giao thông, cũng bảo đảm tính khả thi của luật nếu được thông qua.”
Theo Ông Võ Minh Đức, việc yêu cầu chứng chỉ hành nghề lái xe còn nảy sinh thêm vấn đề đối với những người tận dụng xe của mình để tìm thêm thu nhập cho gia đình khi kinh tế khó khăn. Họ không phải người chuyên nghiệp kinh doanh vận tải, họ là công nhân, nhân viên hay viên chức làm công việc khác… rồi thứ bảy chủ nhật rảnh kiếm theo thu nhập bằng cách lái xe công nghệ… thì có phải quy định này đã làm khó cho người dân không?
Một khi công dân có một loại bằng cấp ở lĩnh vực nhất định nào đó (bằng lái xe chẳng hạn), nếu họ muốn thành lập doanh nghiệp để hành nghề thì đã có Luật doanh nghiệp điều chỉnh, sao lại phải đẻ thêm một loại giấy phép con như thế?
-Nguyễn Kế Quang
Trao đổi với RFA liên quan vấn đề này hôm 26/10, Ông Nguyễn Kế Quang, một kỹ sư xây dựng ở Quy Nhơn, Bình Định, nhận xét:
“Nếu cứ theo như anh Thể đề xuất thì vào một ngày đẹp trời nào đó, Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ yêu cầu người có bằng tốt nghiệp trường/ngành sư phạm phải có chứng chỉ hành nghề dạy học mới được làm giáo viên; Bộ y tế sẽ yêu cầu người có bằng tốt nghiệp trường y và đã làm bác sĩ, thì phải có chứng chỉ hành nghề y mới được chữa bệnh…!
Theo Ông Nguyễn Kế Quang, trong khi chính phủ ‘liêm chính, hành động, kiến tạo’ chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, dẹp bỏ nhiều loại giấy phép con thì nhiều ngành cứ nghĩ ra cách làm phiền công dân, tổ chức, doanh nghệp. Ông nói tiếp:
“Một khi công dân có một loại bằng cấp ở lĩnh vực nhất định nào đó (bằng lái xe chẳng hạn), nếu họ muốn thành lập doanh nghiệp để hành nghề thì đã có Luật doanh nghiệp điều chỉnh, sao lại phải đẻ thêm một loại giấy phép con như thế?
Xã hội không ngừng phát triển thì trình độ các quan chức nhà nước phải không ngừng nâng lên để quản lý ngày càng tốt hơn. Không nên vì trình độ quản lý của mình không theo kịp sự phát triển của xã hội thì mình ‘kéo’ sự phát triển đó lùi lại cho phù hợp với trình độ của mình!”
Vào tháng 8 năm 2019, Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội cũng đề xuất một dự thảo quy định: ‘Người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, mô tô trên địa bàn thành phố phải mang biển hiệu do cơ quan có thẩm quyền cấp, hay còn gọi là thẻ hoạt động vận chuyển, do cơ quan có thẩm quyền cấp’.
Ngoài ra, tài xế xe ôm còn phải tuân thủ 4 điều kiện bắt buộc như: Giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú tại địa phương nơi đăng ký hành nghề; có bản đăng ký vận chuyển hành khách, hàng hóa, khi tham gia hoạt động. Dư luận khi đó đã bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất này.
Cách nào để ứng phó biện pháp đàn áp tự do Internet tại Việt Nam?
Giang Nguyễn
Khi ông Steven Adair, người sáng lập Công ty An ninh mạng Volexity của Hoa Kỳ đưa ra câu hỏi, quốc gia nào có những hacker giỏi nhất thế giới, ông thường nghe những câu trả lời như Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Israel, Iran và Bắc Hàn.
“Tôi đặt câu hỏi, còn Việt Nam thì sao? Người ta hỏi lại, thật không? Chúng tôi trả lời Vâng, chính xác là vậy”.
Ông Steven Adair thuật lại như vậy tại buổi hội luận qua mạng do tổ chức Cứu người Vượt biển BPSOS tổ chức ngày 26 tháng 10. Ông cùng hai diễn giả khác là ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, và nhà báo độc lập Trịnh Hữu Long, đều cho rằng đảng cầm quyền tại Việt Nam đang “thắng” trong cuộc chiến hạn chế và ngăn chặn quyền tự do ngôn luận trên Internet.
Theo ông Adair, cụ thể đó là những chiến dịch quy mô, đồng loạt và “sáng tạo” do nhóm tin tặc OceanLotus của chính quyền Việt Nam tiến hành. Nhóm này cũng được biết dưới tên APT32. Ngoài những cuộc tấn công bằng cách gửi thông tin từ một đối tượng mà bạn biết, tiếng Anh gọi là spear phishing; chúng còn giả mạo danh tính để cài đặt phần mềm độc hại, như họ đã làm gần đây với một số nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo độc lập ở Đức:
“Họ (nhóm OceanLotus) cũng tạo ra các trang web giả mạo. Đây là cách hay ho hơn và sáng tạo hơn. Các diễn giả khác đã đề cập rằng có rất nhiều blog và trang tin tức mà mọi người đang tìm đến để có những nguồn tin ngoài luồng. Họ nhận ra điều đó và họ bắt đầu hành động để kiểm soát mà không phải hack hoặc cố gắng gỡ nó xuống. Thay vào đó, họ điều hành các trang web đó luôn và theo dõi ai đang truy cập chúng”.
Ông Adair cho biết chiến dịch này đã kéo dài trong nhiều năm. Điển hình như trang Facebook Formosa – Sự thật đã phơi bày, trang Mạch Sống Media của BPSOS, trang Faceboook Tin không lề. Họ tạo trang giả mạo mà ông Adair gọi là “tin thật, trang giả” để thu thập dữ liệu của những ai truy cập, ai bấm “like” trên các bài được đăng, địa chỉ IP của họ, những trang khác mà người này truy cập sau đó, v.v..
Ông Adair nói tiếp, sau đó họ sẽ chú trọng vào những người họ cho là “đáng chú ý” để tấn công chủ đích bằng cách tạo những trang truy cập giả mà độc giả tưởng là của trang chính. Khi truy cập, Google hoặc dịch vụ cung cấp tài khoản sẽ yêu cầu độc giả xác nhận log in của mình. Ông giải thích:
“Nếu bạn đồng ý truy cập, bạn sẽ cấp cho ứng dụng của OceanLotus quyền được phép đọc, gửi, xóa và quản lý email, xem các mối liên hệ của bạn và thậm chí xem lịch sử của những việc khác mà bạn đã làm trên máy. Vì vậy, nếu bạn là nạn nhân của chiến thuật này, bạn đã trao cho họ chìa khóa vào ‘vương quốc’ của bạn chứ không chỉ là mật khẩu”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam trong quá khứ đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc chính phủ Việt Nam đứng sau nhóm hacker OceanLotus. Sau cuộc xâm nhập vào trang mạng Trung Quốc nhằm lấy thông tin về dịch Covid-19 vào tháng 4, cũng như đợt tấn công nhà hoạt động và báo giới ở Đức vào tháng 5, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao trả lời chất vấn của báo giới rằng “những cáo buộc này không có cơ sở” và “Việt Nam nghiêm cấm các cuộc tấn công mạng nhắm vào các tổ chức và cá nhân dưới mọi hình thức”.
Tổng Biên tập Luật Khoa Tạp Chí, ông Trịnh Hữu Long từ Đài Bắc, nói rất khó để giới hoạt động cho tự do và nhân quyền ứng phó với một hệ thống đàn áp tiếng nói tự do tinh vi như của Việt Nam.
“Chúng ta mãi mãi sẽ đi sau chính quyền. Chúng ta không có khả năng trang bị cho mình công nghệ tốt nhất có trên thị trường. Từ quan điểm của một nhà hoạt động, chúng ta hãy chủ động tham gia những khóa đào tạo về an ninh mạng được cung cấp cho những nhà hoạt động, và chúng ta cần học hỏi và áp dụng nó nhiều nhất có thể”.
“Tôi tin rằng tương lai của tự do ngôn luận ở Đông Nam Á sẽ phụ thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc thuyết phục các công ty này lắng nghe chúng ta và coi các vấn đề của chúng ta là chính. Nhưng ngay bây giờ, tôi xin được nói thẳng, nếu nói đến Facebook thì đây là cuộc chiến mà chúng ta đang thua”. -Ông Phil Robertson
Ông Trịnh Hữu Long nói các con số được những tổ chức nhân quyền thu tập cho thấy chính quyền Việt Nam trong vài năm qua đã gia tăng bắt bớ người bất đồng chính kiến, và những lệnh án cũng nặng nề hơn so với trước.
Nhà báo Trịnh Hữu Long còn đưa ra 5 đề nghị để vượt qua những khó khăn hiện nay: Thứ nhất, ông nói, đã đến lúc những nhà hoạt động riêng lẻ phải chung sức cho những sáng kiến tập thể có tổ chức hơn. Thứ nhì, giới đấu tranh cần đầu tư vào việc tạo ra các mảng truyền thông độc lập. Thứ ba, lập ra những nguồn thông tin đáng tin cậy bằng Anh ngữ. Thứ tư, là cần có thêm những khóa huấn luyện người đấu tranh và người làm báo độc lập. Và cuối cùng, ông nói, chúng ta cần giảm sự lệ thuộc vào Facebook và Google để tìm cách đa dạng hóa cách tiếp cận người dân.
Điều cuối này được ông Phil Robertson của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền tán thành:
“Ở Việt Nam họ vẫn kiểm soát radio, tv và báo in nhưng các nước khác thì không. Đó là lý do tại sao hầu hết mọi người lấy tin tức qua mạng xã hội. Với sự thay đổi trong bối cảnh thông tin hiện nay, chính quyền đã cố gắng kiểm duyệt và kiểm soát Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội. Phương hướng đã thay đổi, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn như cũ. Thách thức lớn nhất của chúng tôi là làm sao kéo Facebook và các công ty mạng xã hội khác về phe chúng ta. Tôi tin rằng tương lai của tự do ngôn luận ở Đông Nam Á sẽ phụ thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc thuyết phục các công ty này lắng nghe chúng ta và coi các vấn đề của chúng ta là chính. Nhưng ngay bây giờ, tôi xin được nói thẳng, nếu nói đến Facebook thì đây là cuộc chiến mà chúng ta đang thua”.
Ông Phil Robertson và ông Steven Adair cho rằng giới hoạt động cho nhân quyền, tự do ngôn luận cần phải tách ra khỏi Facebook và dùng những phương tiện thông tin khác như Twitter, Whatsapp hoặc Signal.
Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam trong báo cáo gửi Quốc hội mới nhất cho thấy từ đầu năm 2018 đến hết tháng 8 năm nay, bộ này đã gỡ bỏ hơn 283 tài khoản Facebook bị cho là giả mạo cá nhân, tổ chức để tung tin gọi là ‘kích động, chống phá Nhà nước Việt Nam’. Bộ Thông tin-Truyền thông cũng gỡ hơn 1800 bài viết, hơn 150 Fan page bị cho đăng tin sai sự thật.
Gần 100 chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam
vận hành thử nghiệm đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Gần 100 chuyên gia, nhân sự của Tổng thầu EPC Trung Quốc sẽ sang Việt Nam để dự kiến vận hành thử nghiệm toàn hệ thống Dự án đường sắt tuyến Cát Linh – Hà Đông vào tháng 12 năm nay.
Báo mạng Dân Trí dẫn thông tin từ Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải, đưa tin ngày 27/10.
Tin cho biết, hiện đã có 61 nhân sự Trung Quốc đang có mặt tại dự án và 36 người khác sẽ sang Việt Nam vào đầu tháng 11. Theo dự kiến, toàn bộ 150 nhân sự Trung Quốc sẽ có mặt đầy đủ trong tháng 11 để làm việc tại Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Trong khi đó, 8-10 người trong liên danh tư vấn đánh giá độc lập về an toàn hệ thống Apave-Certifier-Tricc của Pháp hiện chưa có mặt tại Việt Nam. Nguyên nhân được nói do bị ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 tại Châu Âu.
Tuy vậy tin nói các chuyên gia tư vấn của Pháp sẽ chia thành nhiều nhóm sang Việt Nam trong thời gian dự kiến là vào cuối tháng 10 và cuối tháng 11 tới đây, tùy theo tính chất công việc của mỗi nhóm.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, dự án tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ được vận hành thử nghiệm toàn hệ thống trong tháng 12/2020.
Sau giai đoạn vận hành thử, tư vấn sẽ đánh giá, phát hành chứng nhận hệ thống an toàn chất lượng của dự án và trình Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định, cấp chứng nhận để đưa vào khai thác chính thức.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông tại Hà Nội có chiều dài 13,1km và 12 nhà ga, bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt – Trung.
Điểm tin trong nước sáng 27/10: Đề xuất cấp
6.500 tấn gạo cho 4 tỉnh miền Trung; Bão số 9
giật cấp 17 tiến nhanh vào Đà Nẵng – Phú Yên
Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục lục bài viết
Bão số 9 giật cấp 17 tiến nhanh vào Đà Nẵng – Phú Yên
Đề xuất cấp 6.500 tấn gạo cho 4 tỉnh miền Trung
Dừng chặn xe vào bãi rác lớn nhất Hà Nội
Bão số 9 sắp đổ bộ đất liền, Bình Định cấm tàu thuyền xuất bến
Thêm 1 ca nhiễm virus Vũ Hán
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Ba (27/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Bão số 9 giật cấp 17 tiến nhanh vào Đà Nẵng – Phú Yên
Theo bản tin báo bão khẩn cấp phát lúc 5h sáng nay (27/10) của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 04 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 320km về phía Bắc Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong chưa đầy 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 04 giờ ngày 29/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở 15,4 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Đề xuất cấp 6.500 tấn gạo cho 4 tỉnh miền Trung
Báo VnExpress thông tin, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ cấp bổ sung 6.500 tấn gạo cho tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.
Theo tờ trình ngày 26/10 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số gạo trên để cứu đói nhân dân miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ. Cụ thể, Quảng Bình được đề nghị cấp 2.500 tấn gạo; Quảng Trị 2.000 tấn; Thừa Thiên Huế và Quảng Nam 1.000 tấn.
Bộ LĐ, Thương binh và XH viết: “Do ảnh hưởng của mưa, lũ gây ra thiệt hại quá nặng nề, nhiều địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân”.
Tuần trước, Chính phủ tạm cấp cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để cứu hộ cứu nạn, an sinh xã hội, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ngoài ra, mỗi tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng do lũ cũng nhận được 1.000 tấn gạo, cùng thuốc chữa bệnh và hóa chất khử trùng.
Dừng chặn xe vào bãi rác lớn nhất Hà Nội
Báo VnExpress cho biết, 20h ngày 26/10, người dân rời khỏi chốt chặn, bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) thông xe trở lại sau ba ngày ngưng trệ.
Động thái này diễn ra sau cuộc họp của chính quyền huyện Sóc Sơn với người dân xã Nam Sơn và Hồng Kỳ chiều cùng ngày.
Ông Nguyễn Ngọc Oanh, Phó chủ tịch xã Nam Sơn, cho biết thành phố đã thông báo giải quyết các kiến nghị của người dân hai xã. Người dân đã trở về nhà, các ôtô có thể ra vào cả hai cổng để chở rác vào Nam Sơn.
Trước đó, vào tối 23/10, bãi rác Nam Sơn bị người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ chặn đường vào, do bức xúc về tình trạng ô nhiễm trong những ngày gần đây, nhất là tại khu vực thôn 2 (xã Hồng Kỳ); chậm giải phóng mặt bằng vùng bán kính 500 m; chưa giải quyết một số chính sách đối với người dân chịu ảnh hưởng của khu liên hợp như về bảo hiểm y tế, cung cấp nước sạch…
Những ngày qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã phân luồng rác tại các quận huyện lên bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây), bố trí bãi tạm ở chi nhánh Cầu Diễn và lưu chứa tạm thời trên xe. Tuy nhiên, nhiều nơi trên địa bàn rác bị ùn ứ, chất đống ven đường. Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) ước tính số rác tồn đọng toàn thành phố là khoảng hơn 10.000 tấn.
Bão số 9 sắp đổ bộ đất liền, Bình Định cấm tàu thuyền xuất bến
Theo thông tin từ báo VTC, trước tình hình bão số 9 sắp đổ bộ vào đất liền, ngày 26/10, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã ký lệnh cấm tàu thuyền trong tỉnh này xuất bến.
Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn vận động 78 tàu vận tải trên vùng biển Quy Nhơn chờ làm hàng tại cụm cảng Quy Nhơn đi tránh trú bão tại các khu vực biển an toàn.
Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cần giữ liên lạc liên tục; hướng dẫn tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn gần nhất.
Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cho biết, để tránh thiệt hại có thể xảy ra do trong bão số 9, đơn vị đã vận động 38 tàu di chuyển đến các vùng biển an toàn như Phú Yên, Vân Phong (Khánh Hòa).
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bình Định chỉ đạo các địa phương sẵn sàng mọi phương án di dời dân xong trong chiều 27/10. Các địa phương hướng dẫn người dân tích trữ lương thực đảm bảo dùng được ít nhất trong vòng 3 ngày nếu xảy ra lũ và cho học sinh nghỉ học đến khi có thông báo mới.
Thêm 1 ca nhiễm virus Vũ Hán
Chiều tối ngày 26/10, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 1 ca mắc viêm phổi Vũ Hán, là bệnh nhân mới từ Nga về nước trên chuyến bay đã ghi nhận 14 ca bệnh trước đó.
Bệnh nhân mới nhất này là nam, 57 tuổi, địa chỉ ở phường 8, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngày 16/10, bệnh nhân từ Liên bang Nga nhập cảnh sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5062, được cách ly tập trung ngay tại trung đoàn 855, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Bình.
Kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 25/10 dương tính với virus cúm Vũ Hán. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên, Hoa Lư, Ninh Bình.
Trước đó, cùng chuyến bay này đã ghi nhận 14 ca bệnh, hiện các bệnh nhân trên chuyến bay đang được cách ly tại Quảng Ninh (5 người), Nam Định (4 người) và Ninh Bình (5 người).
Tính đến ngày 26/10, Bộ Y tế cho biết nước ta có 1.169 bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán, trong đó có 1.061 người đã được điều trị khỏi, 15 người đã có 1-3 kết quả xét nghiệm âm tính, chuẩn bị được ra viện.
Điểm tin trong nước tối 27/10: Thêm 21 ứng viên
‘giáo sư ngành Y không đạt’
vẫn được Hội đồng thông qua
Hiểu Minh
Mục lục bài viết
Thêm 22 ứng viên giáo sư bị tố cáo ‘khai gian’
Hồ Kẻ Gỗ lên 3 kịch bản xả lũ ứng phó bão Molave
3 yếu tố khiến bão Molave trở thành cơn ‘cuồng phong’
Đóng cửa 6 sân bay, dừng chạy tàu hỏa để tránh bão số 9
Mục Điểm tin trong nước tối thứ Ba (27/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Thêm 22 ứng viên giáo sư bị tố cáo ‘khai gian’
21 ứng viên ngành Y và một ứng viên ngành Hóa học – Công nghiệp thực phẩm bị tố cáo “khai gian bài báo khoa học” để xét công nhận giáo sư, phó giáo sư.
Báo VnExpress đưa tin, 27/10, GS Nguyễn Ngọc Châu (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết đã nhận thêm 6 email gửi trực tiếp và qua GS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học) với cùng nội dung tố cáo 21 ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành Y không đạt tiêu chuẩn, nhưng vẫn được Hội đồng giáo sư ngành thông qua và đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận.
Vì số lượng ứng viên lớn, phải mất nhiều ngày thẩm định nên ông Châu đã chuyển tiếp các đơn thư này tới Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, không tự thẩm định rồi gửi đơn thư kèm báo cáo kết quả thẩm định như đối với 16 ứng viên ngành Y, Dược bị tố cáo trước đó.
Ông Châu còn nhận được email tố cáo một ứng viên ngành Hóa – Công nghiệp thực phẩm không đạt điều kiện cứng cho ứng viên phó giáo sư kèm theo bằng chứng ứng viên gian dối sửa nội dung bản đăng ký xét duyệt. Với trường hợp này, ông xem và thấy đúng là không đạt.
Vẫn giữ quan điểm như trong thư kiến nghị gửi Hội đồng Giáo sư Nhà nước hôm 21/10, ông Châu cho rằng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nên kiểm tra lại toàn bộ ứng viên giáo sư, phó giáo sư của hai hội đồng ngành Y và Dược. Việc này có thể ảnh hưởng đến lịch xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm nay, nhưng là “cần thiết nhằm đem lại niềm tin cho cộng đồng khoa học và nhân dân”.
Về phía Hội đồng Giáo sư Nhà nước, ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng, cho hay với những đơn thư nhận được, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đều đã yêu cầu hội đồng ngành giải trình.
Trước đó 22/10, Hội đồng Giáo sư Nhà nước cũng đã nhận được đơn thư và báo cáo kết quả thẩm định của GS Nguyễn Ngọc Châu về 16 ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành Y và Dược bị tố cáo “khai gian” bài báo khoa học. Trong đó, 15 người đã được Hội đồng Giáo sư ngành Y và Dược thông qua, nhưng kết quả thẩm định của GS Châu là “không đạt”.
Như vậy đã có 38 ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị tố cáo “khai gian”, trong đó chỉ một ứng viên ngành Hóa học – Công nghiệp thực phẩm, còn lại là ngành Y và Dược.
Hồ Kẻ Gỗ lên 3 kịch bản xả lũ ứng phó bão Molave
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó giám đốc phụ trách Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, lúc 11h ngày 27/10, mực nước hồ Kẻ Gỗ ở cao trình 29,44 m, tương ứng với dung tích 259 triệu m3 (thiết kế là 345 triệu m3), lưu lượng xả qua hai cửa tràn duy trì ở mức 150 m3/s.
Theo ông Tâm, dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh cho thấy, từ chiều 28 đến 31/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Molave kết hợp không khí lạnh tăng cường, Hà Tĩnh có mưa phổ biến từ 300mm đến 500mm, có nơi từ 600mm đến 700mm. Để ứng phó với các tình huống xấu, đơn vị đã lên 3 kịch bản xả lũ cho hồ Kẻ Gỗ nhằm đảm bảo an toàn công trình và giảm thiểu ngập úng ở hạ du.
Cao trình an toàn của hồ là 32,5m, nếu lượng mưa đạt 500mm, mực nước trong hồ sẽ ở mức 33 m, tương ứng với 360 triệu m3; như vậy, lượng nước phải xả qua hai cửa tràn trong 4 ngày (28 đến 31/10) để đưa về mức an toàn là 15,5 triệu m3, nước qua tràn 45m3 mỗi giây.
Khi lượng mưa đạt 600 mm, mực nước trong hồ đạt 33,72 m, tương ứng 382,8 triệu m3; lượng nước phải xả 37,8 triệu m3, bình quân lưu lượng xả 110m3 mỗi giây.
Trường hợp lượng mưa đạt 700 mm, mực nước hồ đạt 34,50 m, tương ứng với 405 triệu m3; lượng nước phải xả 60 triệu m3, lưu lượng xả 173m3 mỗi giây.
Phó giám đốc phụ trách Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh nói, lưu lượng xả lũ từ 45 m3 mỗi giây đến 173 m3 mỗi giây trong 4 ngày, “chưa phải tình huống khẩn cấp, nằm trong tầm kiểm soát nên chưa tính đến phương án di dời dân”.
“Việc di dời dân tùy vào tình hình thực tế, vì ngoài lượng nước xả ra của hồ Kẻ Gỗ còn phải phụ thuộc vào lượng mưa ở hạ du”, ông Tâm cho hay. Hiện Hà Tĩnh trời hửng nắng.
3 yếu tố khiến bão Molave trở thành cơn ‘cuồng phong’
Theo cập nhật mới nhất từ Trung tâm dự báo khí tượng Việt Nam, hồi 13 giờ chiều nay, 27/10, vị trí tâm bão số 9 cách Phú Yên 450km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần. Đến 13 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 13.
Cũng trong sáng nay, chuyên gia thời tiết Nguyễn Ngọc Huy nhận định trên báo VnExpress rằng, bão Molave đang hội đủ điều kiện để trở thành cơn ‘cuồng phong’, đó là: không gặp chướng ngại vật sau khi vào Biển Đông, nhiệt độ mặt biển đã được hun nóng lên 27-28 độ C sau hơn tuần nắng, không khí lạnh áp cao suy giảm ảnh hưởng và tàn dư hơi ẩm của hoàn lưu bão số 8.
Theo ông Huy, đây là cơn bão “cực kỳ lớn”, vào bờ đúng lúc triều cường thêm một mét nên sẽ tạo ra sóng biển 7-8 m. Với sức mạnh này nó có thể bốc một con thuyền lớn từ dưới biển lên đường hoặc thổi bay các căn nhà cấp 4.
Với cấp gió giật 150 km/h khi ở gần bờ, có thể so sánh với gió của bão Xangsane vào Đà Nẵng năm 2006 và bão Damrey đổ bộ Nha Trang năm 2017
Đóng cửa 6 sân bay, dừng chạy tàu hỏa để tránh bão số 9
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, để đảm bảo an toàn, Cục Hàng không quyết định đóng cửa 6 sân bay: Tuy Hòa, Chu Lai, Phù Cát, Đà Nẵng, Phú Bài, Pleiku từ chiều tối 27/10.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng dừng chạy 7 đoàn tàu Thống Nhất xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn vào tối 27/10 và ngày 28/10.