Tin Việt Nam – 20/10/2020
Miền Trung: Hơn 130 người chết và mất tích
do mưa lũ và lở đất, hơn 90.000 dân phải sơ tán
Mưa lũ và sạt lở đất trong những ngày qua ở các tỉnh miền Trung Việt Nam đã khiến ít nhất 132 người chết và mất tích, theo con số thống kê tính đến sáng ngày 20/10/2020 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Tỉnh có số người chết nhiều nhất là Quảng Trị với 49 người, tiếp theo là các tỉnh Thừa Thiên Huế với 27 người, Quảng Nam – 11 người, Quảng bình 6 người, Đà Nẵng 3 người, Hà Tĩnh và Kon Tum mỗi tỉnh có 2 người. Những tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng – mỗi tỉnh có 1 người chết. Hiện số người mất tích ở miền Trung là 27 người.
Cũng theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến chiều ngày 19/10, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị đã sơ tán hơn 52.000 hộ dân với hơn 90.000 người.
Mưa lũ và sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng về nông nghiệp với gần 7.000 ha hoa màu bị ngập, hư hại, hơn 5.800 con gia súc, hơn 685.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều ngày 19/10 về tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định hỗ trợ 5 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh – mỗi tỉnh 100 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo cứu trợ.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết tình hình mưa lũ ở miền Trung sẽ tiếp tục kéo dài từ nay đến cuối tháng và sang cả tháng 11, thậm chí đang mở rộng ra phía Bắc.
Công binh tham gia phá đá mở đường
để cứu 15 người còn mất tích ở Rào Trăng 3
Công binh sẽ tiến hành phá đá mở đường cho lực lượng cứu hộ tìm kiếm 15 người còn mất tích. Hoạt động này được quyết định sau hơn 1 tuần xảy ra vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 20 tháng 10, theo thống nhất giữa Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ và Phó Tư lệnh, Tham mưu Trưởng Quân Khu 4 – Thiếu tướng Hà Thọ Bình về phương án vừa nêu. Theo đó, cả hai đều yêu cầu tập trung lực lượng cơ giới để thông tuyến đường đang bị đá sạt lở gây ách tắc.
Tin cho biết tuyến đường núi dẫn vào hai thủy điện Rào Trăng 4 và Rào Trăng 3 có tảng đá ước lượng nặng 20 tấn do sạt lở núi lăn xuống mặt đường . Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Thừa Thiên- Huế và lực lượng công binh cần phối hợp để phá đá thông đường cho xe cơ giới và máy đào đi qua.
Vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra vào ngày 12 tháng 10 vừa qua đến nay đã hơn một tuần lễ nhưng vẫn còn 15 nạn nhân mất tích chưa được tìm thấy. Tổng số nạn nhân trong vụ này là 29 người gồm 16 công nhân nhà máy thủy điện và 13 người thuộc đội cứu hộ. Đội cứu hộ bị chôn vùi do lở đất có Phó Tư lệnh Quân khu 4 – Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình.
Trong một diễn biến liên quan, tại tỉnh Hà Tĩnh Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh Vũ Trung Tiến cho biết tỉnh lộ 554 nối xã này với các xã lân cận bị nước xoáy phá sập khiến xã bị cô lập hoàn toàn.
Vào trưa ngày 20 tháng 10, Phó thủ tướng chính phủ Hà Nội, ông Trịnh Đình Dũng, cùng đoàn công tác đến tại tỉnh Hà Tĩnh và đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm công điện của chính phủ về tập trung ứng phó mưa lũ.
Sáu bệnh viện và ba viện chức năng được phân công
hỗ trợ các tỉnh miền Trung chống thiên tai
Bộ Y tế Việt Nam hôm 19/10 vừa phân công 6 bệnh viện công và 3 viện chức năng hỗ trợ các tỉnh miền Trung chống thiên tai và cứu nạn.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói cùng ngày.
Cụ thể, các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế vừa được phân công sẽ tham gia hỗ trợ y tế trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các tỉnh miền Trung đang chịu ảnh hưởng của mưa, lũ năm 2020.
Các bệnh viện được phân công gồm: Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh, Bệnh viện Hữu nghị Đồng Hới hỗ trợ tỉnh Quảng Bình, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội hỗ trợ tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế, Bệnh viện C hỗ trợ thành phố Đà Nẵng, Bệnh viện Quảng Nam hỗ trợ tỉnh Quảng Nam, và các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường và Viện Pasteur Nha Trang cũng cùng tham gia hỗ trợ.
Theo đó lãnh đạo các cơ sở y tế được phân công hỗ trợ sẽ phải liên hệ với các địa phương ở miền Trung, để cử đoàn hỗ trợ duy trì lực lượng cơ động; dự trữ thuốc, phương tiện cấp cứu y tế, để sẵn sàng ứng phó thiên tai…
Phiên xử vụ án liên quan BIDV sẽ diễn ra
10 ngày kể từ 26/10
Phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong đại án xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, Công ty chăn nuôi Bình Hà và Công ty thương mại và du lịch Trung Dũng, sẽ diễn ra vào ngày 26/10 tại Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 20/10 và cho biết dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 10 ngày, Ngân hàng BIDV tham dự phiên tòa với tư cách người bị hại.
Tổng cộng sẽ có 29 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo và bị hại tại phiên tòa. Ngoài ra, có đến 80 cá nhân, tổ chức có quyền lợi liên quan và 34 nhân chứng bị bị triệu tập đến tòa.
Trong phiên tòa sơ thẩm sắp diễn ra, có 8 bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, và 4 bị cáo còn lại trong tổng số 12 bị cáo, bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”.
Vào tháng 7 năm 2020, tòa đã yêu cầu làm rõ việc mua bán nợ tại Công ty Trung Dũng, giữa BIDV và VAMC; và việc BIDV khởi kiện Công ty Trung Dũng để đòi nợ.
Theo cáo trạng, từ năm 2008 đến năm 2016, ông Trần Bắc Hà, khi đó là Chủ tịch BIDV, là đại diện 40% vốn Nhà nước tại ngân hàng, đã có hàng loạt sai phạm, khi xúc tiến đầu tư tại Hà Tĩnh cho các doanh nghiệp “sân sau” của mình.
Ông Hà đã chỉ đạo BIDV cho các Công ty Bình Hà và Trung Dũng vay tiền dù không đủ điều kiện cấp tín dụng. Hai doanh nghiệp này đã chiếm đoạt tiền để sử dụng cá nhân, đồng thời tiếp tục gian dối vốn tự có – đối ứng, để được BIDV tiếp tục giải ngân. Đến nay, cả công ty Bình Hà và Trung Dũng đều bị thua lỗ, phải dừng hoạt động. Sau đó BIDV đã bán khoản nợ của công ty này cho VAMC với giá trị hơn 779 tỷ đồng.
Vào ngày 18/7/2019, ông Trần Bắc Hà, Cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, đã chết trong thời gian bị tạm giam điều tra về tội vi phạm qui định về hoạt động ngân hàng.
Ông Trần Bắc Hà từng được nhận định là người giữ ‘tay hòm, chìa khóa’ cho cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Bình Thuận không chấp nhận thêm
nhà máy điện than: tỉnh đang muốn cải thiện môi trường
Ông Dương Văn An, tân Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, trong trả lời phỏng vấn báo mạng Zing vào ngày 19/10, nói rằng tỉnh này sẽ thực hiện chủ trương không chấp thuận thêm bất kỳ nhà máy nhiệt điện than nào nữa để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.
Thay vào đó, theo lời ông Dương Văn An, tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung thu hút các dự án ít ô nhiễm môi trường như điện khí hóa lỏng LNG, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
Được biết, nội dung này đã được tỉnh Bình Thuận đưa vào trong văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ủng hộ quyết định mới này của tỉnh Bình Thuận, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ:
“Bình Thuận tuyên bố không sử dụng nhiệt điện than nữa thì tôi cho rằng đây là một quyết định đúng đắn, trước hết là có lợi cho tỉnh. Thứ hai cũng là một đóng góp cho một xu hướng cho phát triển điện hiện nay ở Việt Nam. Điện thì rất cần nhưng phái có một tầm nhìn xa để phát triển điện mới đảm bảo có điện nhưng không gây tác hại cho những yếu tố khác, trong đó có môi trường và từ đó ảnh hưởng đến đời sống và tính mạng con người.”
Trao đổi với RFA tối 19/10, Giáo sư – Viện sĩ – Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam cho biết:
“Cái này không chỉ Bình Thuận mà trước đây một số tỉnh người ta cũng từ chối việc này, nhất là khu Bình Thuận, Ninh Thuận thì tiềm năng năng lượng tái tạo lớn. Có thể thay vì sử dụng những nhiệt điện than thì họ sẽ có những giải pháp thay thế, phát triển những nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời.”
Giải thích rõ hơn về quyết định không chấp nhận thêm nhà máy điện than tại Bình Thuận, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng cho hay:
“Hiện nay cái đầu tư Tổng sơ đồ VIII để thực hiện mới ưu tiên cho phát triển miền Trung thì cơ cấu miền Trung là chỗ cho năng lượng mặt trời và năng lượng gió phát triển có điều kiện thuận lợi nhất. Thành ra tập trung trong thời gian tới sẽ cố gắng đưa năng lượng mặt trời lên cao hơn. Tôi thấy cái đó là chủ trương có từ Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ở Việt Nam đã đề xuất như vậy.”
Nói thêm về tình hình điện lực hiện nay tại Bình Thuận, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho biết:
“Ở Ninh Thuận, Bình Thuận cũng có các nhà máy nhiệt điện, nhưng qua những cái vừa rồi thì cũng có ảnh hưởng đến môi trường, người dân trong đó cũng có ý phản đối, không muốn chịu đựng các nhà máy điện than ở đây. Vùng đó có gió và điện năng mạnh nhất trên yêu cầu định hướng đó là chính đáng và phù hợp với kết cấu mở rộng thêm của các nhà máy nhiệt điện chuyển qua dùng năng lượng mặt trời, còn cái than thì hiện nay người ta hạn chế từ năm 2025 trở đi. Bây giờ các nhà máy đang xây dựng thì vẫn tiếp tục, nhưng sau năm 2025 thì giảm đi nhiều, tập trung vào vùng đó. Hiện nay người ta hoan nghênh chủ trương này nhiều.”
Trả lời phỏng vấn của báo mạng Zing, tân Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết hiện nay tỉnh đặc biệt quan tâm đến môi trường ở đây. Trong đó, 3 vấn đề đáng lo trong nhiệt điện than là khí thải, tro, xỉ than thải ra và nước làm mát của các nhà máy. Đặc biệt là tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, tổ hợp nhiệt điện than lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Theo ông Dương Văn An, lượng tro, xỉ thải ra hàng ngày rất lớn và đây là vấn đề được quan tâm nhất.
Với góc nhìn chuyên môn, Giáo sư – Viện sĩ – Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long giải thích tro, xỉ ảnh hưởng thế nào đến môi trường sống:
“Vấn đề tro, xỉ thải ra phải xử lý, nếu không thì ví dụ như trước đây, ở chỗ Vĩnh Tân hay một số nhà máy khác gây ô nhiễm cho khu vực địa phương. Thứ hai nữa là những khí độc hại mà nhà máy phát ra mình không thể khử hết sẽ gây ô nhiễm không khí, làm cho chất lượng không khí kém, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nếu xét một cách rộng hơn thì những khí thải ví dụ như cacbonic, các chất SOx, NOx… gây nên hệ quả về môi trường rất nghiêm trọng. Cacbonic sẽ làm hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu sẽ gây nên hệ quả rất lớn cho cả thế giới.”
Vì vậy, trước những tác động trên, đại diện tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ kiên trì kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sử dụng tro, xỉ. Từ đó, tro, xỉ sẽ trở thành nguồn tài nguyên mới, phục vụ cho nền “kinh tế tuần hoàn”, vừa hiệu quả trong kinh tế vừa đảm bảo môi trường.
Tuy nhiên, thực tế lại không như lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đang hy vọng, như lời Giáo sư Trần Đình Long:
“Bên Bộ Xây dựng xúc tiến chưa mạnh mẽ lắm nên nhiều nhà máy điện gặp vấn đề về kho chứa hay vấn đề xử lý tro thải của các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là những nhà máy đốt than trong nước mình thì hàm lượng tro, xỉ cao hơn nhiều so với than nhiệt.”
Theo thông tin được Zing đăng tải dẫn nội dung từ cuộc phỏng vấn ông Dương Văn An, tân Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, tỉnh này sẽ đề nghị các nhà máy nhiệt điện phải lắp đặt hệ quan trắc môi trường đấu nối trực tiếp với Sở Tài nguyên Môi trường.
Với các số liệu môi trường được truyền đi, Sở Tài nguyên Môi trường sẽ theo dõi và có thể yêu cầu tạm dừng hoạt động để nhà máy khắc phục nếu có vi phạm.
Không chỉ cơ quan chức năng mà ngay cả người dân cũng có thể theo dõi số liệu môi trường qua các bảng thông tin được lắp đặt công khai tại các nhà máy và Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đánh giá cao những đề xuất vừa nêu của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Giáo sư Đặng Hùng Võ bày tỏ:
“Tôi cho rằng đây là một quyết tâm rất tốt, đúng hướng, tức minh bạch mọi số liệu, trong đó số liệu quan trắc môi trường là số liệu người dân rất mong muốn có được để đánh giá mức độ ô nhiễm đến đâu, ảnh hưởng người ta đến đâu. Rồi người ta có thể có tầm nhìn tới mức không làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.”
Trước đó, vào đầu tháng 7/2020, Viện Năng lượng Việt Nam tiết lộ Kế hoạch Phát triển Năng lượng Lần thứ Tám (PDP8) sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021. Theo đó, PDP8 quy định mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên trong nước và cho biết chính phủ Hà Nội có thể hủy bỏ 7 dự án điện than đã lên kế hoạch và hoãn 6 dự án khác cho đến sau năm 2030 hoặc 2035.
Ngoài ra, truyền thông trong nước dẫn lời ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công thương và Thương mại cho biết trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam sẽ không phát triển mạnh về điện than mà chỉ tiến hành phát triển các dự án đã được liệt kê trong PDP7 và PDP7 sửa đổi.
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho biết chính phủ Hà Nội đang mong muốn có hẳn một Bộ luật về Năng lượng tái tạo nhưng hiện nay vẫn chưa thể tiến hành xây dựng bộ luật này. Ngoài ra, Tiến sĩ Lâm cũng cho rằng cần có chính sách ưu tiên để năng lượng tái tạo tốt hơn nhưng đồng thời những quy chuẩn tiến hành cũng phải rõ ràng, đặc biệt lực lượng trung ương và địa phương phải thống nhất.
Bộ Công thương nói loại bỏ
hàng trăm thủy điện nhỏ khỏi quy hoạch
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay từ năm 2012 đến 2019 đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh loại bỏ 8 dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện.
Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 20/10, cho biết đây là công tác rà soát về quy hoạch, đầu tư xây dựng và khai thác các công trình thủy điện theo Nghị quyết 62 của Quốc hội.
Đối với dự án thủy điện nhỏ, Bộ Công thương nói đã vận hành phát điện 342 công trình, đang thi công xây dựng 158 dự án, đang nghiên cứu đầu tư 300 dự án và chưa nghiên cứu đầu tư 69 dự án còn lại.
Từ ngày 1/1/2019 đến tháng 12/2019, Bộ Công thương cho hay chưa xem xét bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện.
Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), khẳng định với báo trong nước rằng cơ quan này quản lý giám sát quy hoạch thủy điện rất chặt. Thậm chí, ông này cho biết một số tỉnh cho rằng Bộ Công thương gây khó khăn, cản trở đầu tư vì quản lý quá chặt.
Người đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói việc rà soát các dự án thủy điện đều được cân nhắc có liên quan đến mức độ chiếm đất rừng như đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên.
Ông Quân cũng cho hay lý do các địa phương không quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ dưới 3MW là vì các xã đều đã có điện lưới nên việc cấp điện bằng dự án nhỏ không hợp lý.
Tin cho hay trong cơ cấu nguồn điện quốc gia Việt Nam, thủy điện chiếm tỷ trọng 40% về công suất lắp đặt và góp 37% điện năng.
Tham nhũng diễn biến phức tạp,
có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện
Tình hình tham nhũng tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện. Các vụ, việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hiện nay.
Đây là nội dung được Chính phủ Hà Nội nhận định trong báo cáo gửi Quốc hội và được báo chí đưa tin ngày 20/10.
Thực trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi “tham nhũng vặt” ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương đã được Chính phủ Hà Nội nêu rõ trong báo cáo.
Theo số liệu trong báo cáo về xử lý tham nhũng trong năm 2020, các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can.
Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo. Có 269 vụ, 645 bị cáo bị xử sơ thẩm phạm các tội tham nhũng, trong đó có 8 bị cáo bị tuyên phạt tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, có 158 vụ, 326 bị cáo bị xét xử phúc thẩm.
Liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, báo cáo cho biết đã thi hành xong 3.605 vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung, thu được hơn 15.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, đối với những vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, có 15 vụ việc đã tổ chức thi hành xong, 43 vụ đang tổ chức thi hành. Tổng số tiền phải thi hành án là hơn 74.500 tỷ đồng, số đã thi hành xong là 19.261 tỷ đồng, còn phải thi hành là gần 55.280 tỷ đồng.
Chính phủ Hà Nội nhận định rằng tham nhũng nhìn chung đã được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc, hậu quả cho xã hội và mức độ tinh vi như quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng – ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công.
47 dự án đầu tư của CSVN ở nước ngoài
lỗ hơn 1 tỷ Mỹ kim
Tin từ Hà Nội: Theo VietnamNet, trong số các dự án đầu tư của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ở ngoại quốc, có 47 dự án bị lỗ với tổng số lỗ lũy kế hơn 1 tỷ Mỹ kim.
Theo báo cáo gửi quốc hội cộng sản, tính đến ngày 31/12/2019 có 27 doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư tại 130 dự án, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản, xây lắp và vận tải hàng không, bệnh viện, chế biến dược phẩm,…
Năm 2019, có 87 trong 130 dự án báo cáo về doanh thu, lợi nhuận với tổng doanh thu tại nước ngoài là 7,021 tỷ Mỹ kim. Trong đó, 53 dự án có lợi nhuận với tổng lợi nhuận 565 triệu, 33 dự án bị lỗ với số lỗ là 156 triệu.
Trong số các dự án đầu tư ở nước ngoài, có 47 dự án bị lỗ lũy kế với số lỗ lũy kế là 1.05 tỷ Mỹ kim. Ngoài ra, còn một số dự án chưa báo cáo doanh thu và lợi nhuận nên chưa có cơ sở để đánh giá về hiệu quả đầu tư của các dự án này.
Các dự án khai thác, thăm dò dầu khí phải dừng, hoặc thực hiện thủ tục kết thúc. Một số dự án trồng và chế biến cây cao su vẫn còn trong giai đoạn đầu tư hoặc mới đưa vào khai thác và đang lỗ, tiềm ẩn rủi ro về chính sách đất đai, thuế, lao động… Một số dự án viễn thông có số lỗ lũy kế lớn hoặc mất quyền kiểm soát và rủi ro tỷ giá.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/47-du-an-dau-tu-cua-csvn-o-nuoc-ngoai-lo-hon-1-ty-my-kim/
Thủ tướng Nhật kết thúc chuyến thăm Việt Nam
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã rời Việt Nam vào sáng 20/10/2020 sau chuyến thăm chính thức kéo dài 3 hôm từ ngày 18/10 đến 20/10.
Ông Suga là lãnh đạo đầu tiên của một nền kinh tế lớn đến thăm Việt Nam, quốc gia Chủ tịch ASEAN 2020, kể từ đầu đại dịch COVID-19. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Thủ tướng Yoshihide Suga và người tương nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ trao đổi 12 văn kiện ký kết giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai bên với tổng trị giá gần 4 tỷ USD.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Suga đã đến chào xã giao Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Yoshihide Suga làm tân Thủ tướng của nước này, sau khi ông Shinzo Abe từ chức hồi tháng 9 vừa qua.
Liên quan đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, theo nguồn tin của Yonhap, Phó chủ tịch tập đoàn Samsung, ông Lee Jaeyong, đến Việt Nam vào ngày 20/10/2020 và có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trao đổi về việc mở rộng sản xuất của doanh nghiệp này tại Việt Nam.
Yonhap dẫn nguồn tin mật cho biết, ông Lee sẽ ở lại Việt Nam ba ngày và có thể công bố kế hoạch đầu tư mới, bao gồm xây dựng nhà máy pin tại Việt Nam. Trong lần đến Việt Nam hồi tháng 10/2018, ông Lee đã tới thăm các tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử gia dụng, thiết bị di động và linh kiện của Samsung tại Việt Nam.
Tập đoàn Samsung bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995. Đến năm 2008, Samsung nhận giấy phép đầu tư 670 triệu USD vào nhà máy điện thoại di động tại Bắc Ninh.
Việt Nam nhập siêu gần 63 tỷ USD hàng hoá
từ các thị trường FTA
Bộ Công thương Việt Nam hôm 20/10 thông báo tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự to (FTA) trong năm 2019 là 123 tỷ đô la, nhập khẩu đạt 186 tỷ đô la, cán cân thương mại Việt Nam vẫn nhập siêu 63 tỷ đô la.
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân sang các thị trường đối tác FTA kể từ khi có Hiệp định FTA cụ thể: Ấn Độ đạt bình quân 35,7%/năm, Hàn Quốc đạt 29,2%/năm, Chi Lê 28,9%/năm và Trung Quốc 20,9%/năm.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các thị trường đối tác FTA của Việt Nam năm 2019 là 186 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2004, Việt Nam mới có hai đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc với tổng kim ngạch nhập khẩu 12,4 tỷ USD. Như vậy, Bộ Công thương khẳng định Việt Nam vẫn nhập siêu từ các thị trường có FTA.
Mức tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi 37,2% phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam trong những năm qua.
Con số 37,2% chỉ là tỷ lệ sử dụng trung bình của các mẫu C/O ưu đãi. Tỷ lệ cụ thể khác nhau theo từng mẫu C/O với Chi Lê tỷ lệ sử dụng 67,72%, theo thị trường xuất khẩu – Hàn Quốc gần 50% và Nhật Bản gần 39%, theo mặt hàng xuất khẩu – da giày gần 92%, nhựa và các sản phẩm nhựa gần 72%, dệt may gần 67%, thủy sản gần 66%, cà phê và hạt tiêu lần lượt đạt hơn 53% và hơn 90%.
Điểm tin trong nước sáng 20/10- Mưa lũ miền Trung:
102 người chết, hơn 160.000 nhà bị ngập
Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục lục bài viết
Mưa lũ miền Trung: 102 người chết, hơn 160.000 nhà bị ngập
Phái đoàn Mỹ gửi lời chia buồn tới Việt Nam trước mất mát do lũ lụt
Nhật Bản và Việt Nam đạt thoả thuận về chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng
Nhật Bản vận chuyển hàng viện trợ giúp người dân vùng lũ miền Trung
Thêm 6 ca nhập cảnh mắc viêm phổi Vũ Hán
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Ba (20/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Mưa lũ miền Trung: 102 người chết, hơn 160.000 nhà bị ngập
Truyền thông trong nước đưa tin, tối 19/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cập nhật tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra ở các tỉnh miền Trung từ ngày 6/10 đến nay.
Theo thống kê, mưa lớn kéo dài nhiều ngày gây lũ quét, sạt lở đất ở nhiều nơi, khiến 102 người thiệt mạng và 26 người mất tích. Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị là 2 địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất về người.
Trong những ngày qua, lũ lên nhanh ở Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh khiến hơn 166.700 ngôi nhà bị ngập. Ba tỉnh này cũng phải sơ tán khẩn cấp 28.938 hộ / khoảng 90.967 người.
Về giao thông, 13 tuyến quốc lộ với hơn 30.000 m đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở và hư hỏng. Hiện, ngập lụt tiếp diễn tại 3 điểm trên Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Quảng Bình và một vị trí trên đường Hồ Chí Minh. Nhiều tuyến đường nội tỉnh đang bị ngập lụt, chia cắt.
Theo nhận định của cơ quan khí tượng, một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động phía đông Philippines khả năng di chuyển vào Biển Đông và mạnh lên thành bão trong 2 ngày tới.
Phái đoàn Mỹ gửi lời chia buồn tới Việt Nam trước mất mát do lũ lụt
Theo thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước những mất mát to lớn xảy ra tại Đoàn kinh tế quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 ở tỉnh Quảng Trị, cũng như những quân nhân và cán bộ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ tại tỉnh Thừa Thiên – Huế và hàng chục người khác đã thiệt mạng khi lũ lụt và sạt lở đất tiếp tục tàn phá miền Trung Việt Nam.
“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại do trận lũ kinh hoàng này gây ra và bày tỏ sự cảm thông sâu sắc nhất đến những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này”, thông cáo viết, theo báo Zing.
Nhật Bản và Việt Nam đạt thoả thuận về chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng
Theo Baochinhphu, Việt Nam và Nhật Bản hôm 19/10 đã nhất trí tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế, trong đó hai bên cơ bản đạt được thỏa thuận về hiệp định chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng hung hăng trong khu vực.
Theo báo Chính phủ, trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nói với các phóng viên đó là một bước phát triển lớn trong sự hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước.
Ông Suga nói thêm: “Năm nay, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản và đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”
Lãnh đạo Nhật Bản cũng thông báo nước này quyết định cung cấp vật tư hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra ở miền Trung Việt Nam.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng hai bên đã có cuộc hội đàm thành công với nhiều nội dung rất quan trọng, trong đó có việc tiếp tục tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, nông nghiệp, nguồn nhân lực.
Thủ tướng Phúc nói: “Tôi đã khẳng định với ngài Thủ tướng Suga về việc Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực, môi trường, chính sách để chung tay hợp tác cùng với các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư kinh doanh thành công ở Việt Nam. Đặc biệt là một loạt dự án lớn mà hai bên thống nhất thúc đẩy, nhất là những dự án gặp trở ngại trong quá trình triển khai”.
Nhật Bản vận chuyển hàng viện trợ giúp người dân vùng lũ miền Trung
Chiều tối ngày 19/10, đợt vận chuyển số hàng viện trợ đầu tiên từ phía Nhật Bản sẽ được chuyển tới sân bay Đà Nẵng.
Theo thông báo từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA đã quyết định chuyển hàng viện trợ tới nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm 50 máy lọc nước và 250 tấm trải nhựa, nhằm giúp người dân trong vùng bão lũ có thể khắc phục hậu quả do thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) đang làm việc với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế để đưa hàng cứu trợ đến tay người dân vùng thiên tai trong thời gian sớm nhất.
Thêm 6 ca nhập cảnh mắc viêm phổi Vũ Hán
Tối 19/10, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 6 ca mắc viêm phổi Vũ Hán mới đều là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay.
Hiện số ca nhiễm ở Việt Nam đã lên 1.140 trường hợp, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 12.379 trường hợp. Số trường hợp hồi phục là 1.046 ca, 35 người đã tử vong.
Toàn thế giới ghi nhận hơn 40 triệu ca nhiễm, hơn 1,1 triệu ca tử vong, số trường hợp hồi phục là hơn 30,1 triệu người.
Điểm tin trong nước tối 20/10-
Hà Tĩnh: Dân khổ vì mưa lũ,
nhiều lãnh đạo vẫn đi họp đồng hương
Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục lục bài viết
6 người tử vong, 100.000 nhà dân ở Quảng Bình bị ngập lụt do mưa lũ
Hà Tĩnh: Dân khổ vì mưa lũ, nhiều lãnh đạo vẫn đi họp đồng hương
Cử tri bức xúc vì giá SGK tăng cao, có dấu hiệu ‘lợi ích nhóm’
Siêu bão cấp 17 sắp vào miền Trung là tin giả
Bão mạnh cấp 8 sắp vào Biển Đông
Mục Điểm tin trong nước tối thứ Ba (20/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
6 người tử vong, 100.000 nhà dân ở Quảng Bình bị ngập lụt do mưa lũ
Theo báo Người lao động, tỉnh Quảng Bình được xem là rốn lũ miền Trung khi phải chịu cảnh ngập lụt nặng nhất. Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, biết tính đến chiều ngày 20/10, mưa lũ đã làm 100.000 nhà dân đang bị ngập nước lụt; 256 thôn bản bị cô lập, chia cắt; gần 30.000 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Huyện Lệ Thủy là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất khi có khoảng 32.000 nhà bị ngập nước.
Sau 2 ngày mưa xối xả thì hiện thời tiết ở Quảng Bình đã khá hơn, nước lũ đang rút dần tại 1 số địa phương vùng cao, còn một nơi ở vùng trũng và nhà dân ở khu vực hạ lưu sông Gianh, sông Kiến Giang vẫn còn ngập nặng.
Do sạt lở đất, Quốc lộ 12A đoạn qua xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa đã bị nứt gãy hoàn toàn, hiện tuyến đường này đã bị cấm qua lại.
Theo dự báo, trong 24 giờ tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa. Tổng lượng mưa đồng bằng phía bắc phổ biến từ 60-100mm, có nơi lớn hơn.
Tính đến thời điểm này, Quảng Bình có 6 người tử vong do mưa lũ.
Hà Tĩnh: Dân khổ vì mưa lũ, nhiều lãnh đạo vẫn đi họp đồng hương
Truyền thông nhà nước hôm 19/10 lan truyền thông tin cho biết có gần 15 cán bộ huyện Hương Khê và lãnh đạo xã thuộc huyện này đã lên máy bay vào TP.HCM tham dự cuộc họp đồng hương tỉnh Hà Tĩnh diễn ra vào ngày 18/10, theo Dân Trí.
Thông tin trên khiến dư luận bức xúc trong khi Hà Tĩnh đang báo động khẩn để sơ tán hàng chục ngàn dân vì mưa lũ; hơn nữa, nhiều xã thuộc Hương Khê nằm trong vùng rốn lũ.
Được biết, huyện Hương Khê có phó chủ tịch UBND, phó chủ tịch HĐND, trưởng Ban tuyên giáo cùng đi họp đồng hương. Các xã trung bình cử 2 người đi; nhưng đặc biệt cũng có xã có 3 lãnh đạo cùng tham gia.
Ông chủ tịch huyện Hương Khê – Ngô Xuân Ninh đã xác nhận thông tin trên và giải thích rằng, hội đồng hương Hà Tĩnh có kế hoạch từ đầu tháng và có mời nên một số lãnh đạo, cán bộ huyện, xã tham gia. Mỗi xã không quá 2 người.
Cử tri bức xúc vì giá SGK tăng cao, có dấu hiệu ‘lợi ích nhóm’
“Sách giáo khoa giá cao và tiêu cực trong ngành y tế là hai vấn đề được nhiều cử tri bức xúc nhất trong thời gian qua”. Đây là nhận định của Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trong buổi báo cáo ý kiến cử tri trước Quốc hội vào sáng 20/10.
Theo ông Mẫn, người dân thời gian qua rất bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước và có dấu hiệu “lợi ích nhóm”. Đặc biệt, việc phát hành và đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều) đã gây ra nhiều phản ứng tiêu cực trong nhân dân.
Về y tế, cử tri cũng bức xúc về các hành vi nâng giá thiết bị phòng, chống dịch, lợi dụng chủ trương xã hội hóa để nâng khống giá thiết bị, vật tư y tế nhằm “trục lợi”, theo báo Zing.
Bên cạnh đó, cử tri cũng lo lắng về vấn đề bảo đảm an toàn hồ, đập, đê chắn sóng ở một số địa phương, đặc biệt trong mùa mưa bão.
Siêu bão cấp 17 sắp vào miền Trung là tin giả
Truyền thông trong nước ngày 20/10 đã bác tin miền Trung sắp đón siêu bão cấp 17.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về việc cơ quan khí tượng Nhật Bản dự báo bão số 8 có khả năng mạnh lên cấp 17 (cấp siêu bão) và đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Từ ngày 19/10, thông tin được đăng tải trên các fanpage có hàng chục nghìn người theo dõi, khiến người dân hoang mang.
Trả lời báo Zing sáng 20/10, ông Trần Quang Năng, thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết thông tin này hoàn toàn sai.
Theo ông Năng, cơ quan khí tượng Nhật Bản cùng các mô hình dự báo khác không đưa ra nhận định nào về việc bão số 8 sẽ mạnh thành cấp siêu bão.
Lúc 4h sáng 20/10, đài khí tượng Nhật Bản dự báo áp thấp nhiệt đới đã mạnh thành bão Saudel, mạnh nhất chỉ có thể đạt cấp 11.
Dù vậy chuyên gia Việt Nam cũng cảnh báo, bão số 8 đang hướng vào đất liền Việt Nam và sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung từ ngày 24/10.
Bão mạnh cấp 8 sắp vào Biển Đông
Chiều 20/10, bão Saudel với sức gió 75km/h (cấp 8) cách đảo Luzon, Philippines khoảng 200 km, dự kiến đêm nay vào Biển Đông.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đêm nay và ngày mai bão sẽ theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão thứ 8 trong mùa mưa bão năm nay.
Đến 13h ngày mai, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650 km, sức gió mạnh nhất 90 km/h, cấp 8-9, giật tăng hai cấp.
Hai ngày tới, bão theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 22/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280 km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh nhất 100km/h, cấp 10.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định khi đến quần đảo Hoàng Sa, bão sẽ đi chậm hơn, cường độ và quỹ đạo sẽ thay đổi. Rất có thể bão ảnh hưởng trực tiếp đến miền Trung trong ngày 24/10, gây mưa ở các tỉnh từ phía nam đồng bằng Bắc Bộ tới Bắc và Trung Trung Bộ.