Những sai lầm của người Việt về chính trị và đấu tranh chính trị

Cac Bai Khac

No sub-categories

Những sai lầm của người Việt về chính trị và đấu tranh chính trị
Việt Hoàng – Theo Thông Luận

1. Đấu tranh cho dân chủ là “lật đổ đảng cộng sản”!

Do ảnh hưởng của văn hóa Khổng Giáo suốt 2000 năm qua nên cứ nói đến “đấu tranh”, kể cả “đấu tranh chính trị” thì ai cũng nghĩ rằng đây là một cuộc đấu tranh dùng bạo lực để lật đổ chính quyền hiện tại và thay thế bằng một chính quyền khác. Đúng là lịch sử của dân tộc Việt Nam đã diễn ra như vậy thật, trừ một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình đó là sự nhường ngôi của Thái hậu Dương Vân Nga cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành). Trần Thủ Độ cũng làm một cuộc đảo chính cung đình trong êm thấm khi ép công chúa Lý Chiêu Hoàng (vua Chiêu Hoàng Đế) nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông).

Tuy nhiên sau đó Trần Thủ Độ đã lập mưu giết toàn bộ tôn thất nhà Lý, chỉ có duy nhất hoàng tử Lý Long Tường là trốn thoát sang được Cao Ly (Hàn Quốc), những người họ Lý sau đó đều phải đổi thành họ Nguyễn để tránh sự bắt bớ và truy sát của nhà Trần, vì thế đây cũng là một cuộc lật đổ bằng bạo lực. Hồ Quí Ly cũng làm một cuộc đảo chính cung đình ôn hòa nhưng do văn hóa Khổng Giáo lúc đó đã ăn sâu vào xã hội Việt Nam nên người dân và giới sĩ phu cương quyết không thờ hai vua, thà mất nước cho quân Minh còn hơn thờ vua mới. Hồ Quí Ly thất bại cũng vì văn hóa Khổng Giáo. Mới đây nhất là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc “chống Mỹ cứu nước” do đảng cộng sản lãnh đạo thì cũng diễn ra bằng bạo lực, chiến tranh và chết chóc.

Di chứng của các cuộc chiến đó vẫn còn đến tận hôm nay. Chính quyền thì luôn cho rằng những người đấu tranh cho dân chủ là “phản động” và là “thế lực thù địch” này nọ, trong khi một số người dân Việt Nam (thậm chí là đa số) cho rằng chỉ có bạo lực mới lật đổ được cộng sản… Đấu tranh trong hòa bình, bất bạo động với tinh thần Dân chủ đa nguyên, Bao dung và trong sáng là một khái niệm mới mẻ đối với người dân lẫn chính quyền. Chúng ta đang bàn về “thoát Trung”, tức là thoát khỏi văn hóa Khổng Giáo bằng cách thay đổi hoàn toàn tư duy và nhận thức của chúng ta.

Đấu tranh bạo động và lật đổ là sản phẩm của quá khứ vì vậy chúng ta hãy chia tay với nó và thay bằng phương pháp đấu tranh kiểu mới. Giải pháp “Dân Chủ Đa Nguyên” là một phương pháp đấu tranh mới. Giải pháp này không nhằm lật đổ hay tiêu diệt bất cứ một ai. Nó mang lại một cơ hội mới, một sự lựa chọn mới cho người dân Việt Nam. Dân chủ đa nguyên, có nghĩa là tôn trọng mọi sự khác biệt trong sự bao dung và cởi mở. Trên cơ sở tư tưởng đó thì giải pháp này đưa ra là để cạnh tranh lành mạnh với “giải pháp cộng sản”. Hãy để người dân cái quyền lựa chọn cho mình một giải pháp thích hợp. Các đảng chính trị cần hoạt động và cạnh tranh nhau một cách công khai và minh bạch.

“Giải pháp dân chủ đa nguyên” chủ trương thay đổi đường lối phát triển chung của đất nước, hướng tới sự hội nhập với thế giới để Việt Nam có thể phát triển lành mạnh và bền vững. Giải pháp này là vĩ mô, nó không nhằm loại bỏ bất cứ ai ra khỏi công việc họ đang làm. Mọi người sẽ tiếp tục làm công việc của mình với một tinh thần và trách nhiệm cao hơn để nhận được một mức thù lao xứng đáng hơn. Chúng ta hay nghe nói về “lỗi cơ chế” vì vậy dân chủ là thay đổi cơ chế để đặt mỗi người vào đúng vị trí và năng lực của mình. Như vậy, quan điểm cho rằng đấu tranh dân chủ nhằm lật đổ đảng cộng sản là một suy nghĩ sai lầm và phiến diện, nông cạn và hời hợt. Không lẽ đấu tranh dân chủ lại giống kiểu bạo loạn lật đổ như thời phong kiến trước đây hay kiểu cộng sản mới đây hay sao? Nếu ai còn suy nghĩ như vậy thì hãy nhận thức lại vì sự thực không phải như vậy.

2. Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải là đấu tranh giữa các cá nhân.

“Giải pháp dân chủ đa nguyên” là một phương pháp đấu tranh ôn hòa và văn minh nhằm thay đổi hoàn toàn xã hội về hướng dân chủ, nó không nhằm tiêu diệt bất cứ ai hay loại bỏ bất cứ một người nào ra ngoài rìa xã hội, đó là một giải pháp và một dự án tương lai chung mà đa số đều có thể chấp nhận được vì mọi người đều có chổ đứng của mình trong đó. Chính vì vậy nó cần một sự đồng thuận chung trên những vấn đề cốt lõi về thể chế và định hướng chính trị. Muốn tạo được sự đồng thuận chung cho cả dân tộc thì giải pháp chính trị đó phải là một giải pháp chung, xuất phát từ các tổ chức chính trị dân chủ. Nó không thể nào là những giải pháp cá nhân đơn lẻ. Nếu chúng ta đồng ý như vậy thì trước tiên chúng ta phải hiểu để đồng thuận với nhau rằng: Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị. Trong tương lai “sân chơi” của các tổ chức chính trị sẽ là nghị trường (quốc hội) chứ không phải trên đường phố với gậy gộc và gạch đá.

Một tấm gương của tiền nhân rất đáng để học hỏi đó là từ người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa của Việt Nam và thế giới: Nguyễn Trãi. Ông từng làm quan dưới triều Hồ Quí Ly, sau khi Việt Nam mất nước vào tay nhà Minh, dù là một người tài năng kiệt xuất nhưng ông biết sức mình không làm gì được quân thù. Ông đã lặn lội từ kinh đô Thăng Long vào tận núi rừng Lam Sơn để kết hợp với Lê Lợi, đưa cuộc kháng chiến chống giặc Minh đến thắng lợi hoàn toàn. Ông là khai quốc công thần của nhà Lê nhưng rồi ông vẫn bị hại chết bởi chính văn hóa Khổng Giáo. Vì bảo vệ ngai vàng cho họ Lê nên những người tài giỏi như ông đều bị tiêu diệt. “Vắt chanh bỏ vỏ” là một lối hành xử và nhân sinh quan bệnh hoạn của văn hóa Khổng Giáo. Một cá nhân dù xuất chúng và tài giỏi đến đâu đi nữa nhưng mà đơn thương độc mã thì cũng chẳng làm được gì. Lục Vân Tiên là người hành động giang hồ nghĩa hiệp và là anh hùng cá nhân, ông chỉ cứu được duy nhất người đẹp Kiều Nguyệt Nga chứ ông không thể nào lay chuyển, dù chỉ là một sợi lông chân của chế độ phong kiến dưới thời đại của ông. Vậy chúng ta hãy đoạn tuyệt với hình mẫu Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” bằng tinh thần kết hợp giữa những người cùng chí hướng như Nguyễn Trãi. (Nên nhớ Nguyễn Trãi đã sống cách đấy gần 600 năm).

3. Nhiệm vụ của giới trí thức Việt Nam là hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng

Có một ngộ nhận rất lớn trong giới đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam (trong đó có nhiều người rất nổi tiếng và quan hệ thân thiết với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) cho rằng: Phải có quần chúng. Quần chúng là tất cả. Chỉ cần đi sâu vào quần chúng, động viên họ đứng dậy là cuộc cách mạng dân chủ có thể thành công. Lộ trình để một tổ chức dân chủ đi đến thành công, theo Tập Hợp, phải trải qua 5 giai đoạn:

1. Xây dựng cơ sở tư tưởng và dự án chính trị;

2. Xây dựng lực lượng và đội ngũ cán bộ nòng cốt;

3. Xây dựng và kiểm điểm phương tiện;

4. Xây dựng cơ sở quần chúng;

5. Vận động quần chúng tiến công giành thắng lợi.

Giai đoạn năm, có nghĩa là kêu gọi người dân xuống đường biểu tình, gây áp lực lên đảng cộng sản buộc họ chấp nhận dân chủ, ấn định ngày bầu cử quốc hội một cách tự do và dân chủ dưới sự giám sát của quốc tế. Theo Tập Hợp thì đây là giai đoạn cuối cùng, sau khi đã hoàn thành và chuẩn bị xong bốn giai đoạn đầu. Trong đó hai giai đoạn đầu tiên là cực kỳ quan trọng và mất nhiều thời gian: Xây dựng một cơ sở tư tưởng và một dự án chính trị để làm kim chỉ nam dẫn đường cho mọi người, thứ hai là xây dựng lực lượng và một đội ngũ cán bộ cán bộ nòng cốt, là những người có khả năng thu hút quần chúng và có khả năng lãnh đạo quần chúng. Vận động kêu gọi người dân xuống đường là hành động thu hoạch mùa màng sau khi công việc gieo trồng, vun xới và chăm bón đã chuẩn bị tốt trước đó. Chỉ cần kêu gọi một lần và chỉ kêu gọi khi sự tình đã chín muồi, chiến thắng đã nắm chắc trong lòng bàn tay. Không nên kêu gọi người dân xuống đường khi chưa nắm chắc được là có thành công hay không. Đó là sự manh động.

Bất cứ cuộc cách mạng nào, dù ôn hòa như đấu tranh dân chủ thì cũng cần có một đội ngũ tinh hoa và ưu tú đi trước để dẫn đường cho quần chúng. Quần chúng tuy rất quan trọng nhưng quyết định sự thành bại là do một nhóm nhỏ trí thức tinh hoa đi tiên phong.

Cuộc đấu tranh cho dân chủ là cuộc đấu tranh ôn hòa và bất bạo động nên không cần bạo lực mà cần những cái đầu tỉnh táo và những tấm lòng. Trí thức Việt Nam phải đi đầu phong trong cuộc đấu tranh này. Phải hướng dẫn cách đấu tranh đúng đắn cho người dân và sau đó trí thức phải lãnh đạo người dân. Đây là một cuộc đấu tranh “từ trên xuống” chứ không nên là một cuộc đấu tranh “từ dưới lên”. Từ trên xuống có nghĩa là đi từ tầng lớp trí thức xuống đến người dân. Tất nhiên nếu trí thức Việt Nam từ chối trách nhiệm của mình thì sẽ đến lúc người dân nghèo khổ bị áp bức đứng lên làm cách mạng theo hướng “từ dưới lên” (như đảng cộng sản đã làm năm 1945) và đây sẽ là một tai họa thật sự cho đất nước.

4. Đừng trông chờ vào những phép màu

Có người suy nghĩ đơn giản và hời hợt rằng Mỹ hay một thế lực nào đó có thể đem lại dân chủ cho Việt Nam. Đây là một ảo tưởng rất là viển vông. Đúng là Mỹ cần Việt Nam để ngăn chặn sự bàng trướng của Trung Quốc xuống Đông Nam Á. Vì suy nghĩ này nên Mỹ đã can thiệp quân sự vào Miền Nam Việt Nam và cuối cùng Mỹ đành bỏ rơi Miền Nam như Mỹ đang bỏ rơi Iraq hiện nay vì sự bất tài của lãnh đạo Miền Nam lúc đó. Mỹ cũng đã từng hết mình ủng hộ Cách mạng Cam ở Ukraina để giúp đưa Yushenko, một người thân Mỹ lên làm tổng thống nhưng rồi Mỹ cũng phải buông tay khi Yushenko ngày càng bất lực lực và kém cỏi. Cuối cùng người Mỹ đành chấp nhận sự đăng quang của tổng thống thân Nga, Yanukovich và Mỹ chỉ quay lại Ukraina khi ông này bị lật đổ. Như vậy quyền năng của Mỹ không phải là vô tận. Họ chỉ có thể ủng hộ cho một đối tác có khả năng thực sự. Nếu không có một tổ chức dân chủ đối lập có tầm vóc thì Mỹ vẫn sẽ hợp tác (cầm chừng) với chính quyền cộng sản để bảo vệ và duy trì những ảnh hưởng của mình trên lãnh thổ Việt Nam và khu vực.

Cũng có người cho rằng, chính quyền cộng sản thối nát thế này thì rồi đến lúc nó sẽ sụp đổ và Việt Nam ắt có dân chủ. Đây cũng là một ngộ nhận lớn. Dù thối nát và kém cỏi đến đâu đi chăng nữa thì đảng cộng sản vẫn đứng đó (dù liêu xiêu) nếu trước mặt nó không có một đối thủ nào. Ngay cả khi nó sụp đổ dưới sức nặng của nó thì cũng cần có một tổ chức chính trị dân chủ dọn dẹp đống đổ nát mà nó để lại.

Như vậy thì dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, dù thuận lợi hay không thì Việt Nam cũng cần đến một tổ chức chính trị dân chủ thật sự để tiếp nối vai trò dẫn dắt và lãnh đạo đất nước.

Vậy, tham gia và ủng hộ cho một tổ chức dân chủ đối lập nên là ưu tiên và là nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi người Việt Nam yêu nước trong lúc này.

Việt Hoàng