Khác biệt cách nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương, Quad thiếu chiến lược chung đối với Trung Quốc
Những năm gần đây giới truyền thông và quan sát nhắc nhiều đến một diễn đàn an ninh không chính thức : « Đối thoại an ninh bốn bên – Quad – Bộ Tứ ». Đối thoại quy tụ 4 nền dân chủ lớn và có tiềm lực quân sự : Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Đi cùng với diễn đàn này là một khái niệm chiến lược nổi tiếng : Ấn Độ – Thái Bình Dương, với một đích ngắm duy nhất là Trung Quốc.
Bộ Tứ được thành lập như thế nào và để làm gì ? Đâu là những chiến lược hành động của nhóm ? Quy mô ảnh hưởng của Bộ Tứ đến đâu ? Bầu cử tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến chương trình hành động của nhóm hay không ? Những câu hỏi của RFI Tiếng Việt sẽ được chuyên gia David Camroux, cộng tác viên Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế (CERI), trường đại học Khoa học Chính trị (Sciences Po) tại Paris, giáo sư thỉnh giảng trường đại học Quốc gia Hà Nội lần lượt giải đáp.
***
RFI Tiếng Việt : Thưa giáo sư, ngày 06/10/2020 vừa qua, ngoại trưởng bốn nước, Bộ Tứ – Quad – hay còn gọi là Diễn đàn An ninh bốn bên nhóm họp tại Tokyo nhằm tìm kiếm một chiến lược để đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Trước hết, giáo sư có thể nhắc lại Bộ Tứ được hình thành như thế nào ?
GS. David Camroux : Có hai mốc thời gian đáng chú ý. Mốc thứ nhất là vào năm 2007, thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Shinzo Abe đã đề nghị một đối thoại không chính thức giữa các nước được xem là những nền dân chủ lớn của khu vực tức là Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Tuy nhiên, diễn đàn này không tồn tại được bao lâu, bởi vì vào tháng 2/2008, trước những phản ứng chống đối từ Trung Quốc, nước Úc dưới thời thủ tướng Kevin Rudd đã rút ra khỏi diễn đàn này.
Bản thân ông Kevin Rudd, vốn dĩ cũng là một người chuộng văn hóa Trung Hoa, nói thạo tiếng Hoa, muốn thắt chặt quan hệ nhiều hơn với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Úc. Ông ấy cho rằng không thật sự cần thiết làm mất lòng Trung Quốc chỉ vì một diễn đàn đơn giản như vậy.
Còn tại Nhật Bản, người kế nhiệm ông Shinzo Abe là thủ tướng Yasuo Fukuda, cũng không mấy gì hào hứng lắm với diễn đàn này, và tỏ ra hòa dịu với Trung Quốc hơn. Bởi vì, ẩn sau Quad còn chập chờn chiếc bóng của Trung Quốc. Vì thế có thể nói, diễn đàn này được thành lập do có liên hệ đến Trung Quốc. Trong vòng 10 năm, từ năm 2008 cho đến tháng 9/2017, không có một cuộc họp nào của Bộ Tứ được tổ chức. Thế nên, diễn đàn này đã không có một tầm quan trọng to lớn nào cả.
Rồi có những thay đổi trong chính trường Úc với một chính phủ bảo thủ do ông Scott Morrison lãnh đạo, việc ông Shinzo Abe trở lại cầm quyền ở Nhật Bản, và điều quan trọng nhất là ông Donald Trump đắc cử tổng thống năm 2016 ở Mỹ, chúng ta bước vào một diện mạo mới. Ấn Độ với thủ tướng Narendra Modi muốn tái lập một sự tin tưởng nhiều hơn với Mỹ và Nhật Bản. Bên cạnh đó, bốn nước đối tác của Bộ Tứ có những thay đổi lập trường, thái độ, thế nên, Quad cũng bị biến đổi theo một ý tưởng gọi là Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Quả thật, khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương đến từ những nước trong Bộ Tứ, xuất hiện lần đầu trong một tài liệu năm 2013. Tại Úc và Nhật Bản, người ta không nói đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương nữa, thay vào đó là Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong một chừng mực nào đó, ông Shinzo Abe đã phát huy thành công ý tưởng này cùng với tổng thống Donald Trump, một người không có nhiều hiểu biết về địa chính trị nhưng tuyệt nhiên có một khái niệm khác với “Xoay trục sang châu Á” của người tiền nhiệm Barack Obama.
Chính ông Shinzo Abe là người đưa ra khái niệm này, nhưng ông Donald Trump đã lấy lại sử dụng theo mục đích của mình. Và ý tưởng này đã được ngoại trưởng Mike Pompeo xúc tiến nhiều hơn nữa trong cuộc họp gần đây nhất tại Tokyo hôm 06/10 vừa qua. Có thể nói Bộ Tứ đã có một chút thay đổi và đã dùng lại khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Nhưng cho đến giờ dường như Bộ Tứ vẫn chưa cho thấy có một chiến lược chung rõ ràng ? Vì sao ?
GS. David Camroux : Bởi vì mỗi nước thành viên có một cách nhìn riêng về vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đối với Nhật Bản, khu vực này dừng lại ở Bombay, Ấn Độ. Còn với New Dehli, Ấn Độ – Thái Bình Dương đi đến tận vùng duyên hải phía đông châu Phi. Đó cũng chính là quan điểm của Úc.
Hơn nữa, Pháp tuy không phải là thành viên của Bộ Tứ nhưng cũng có một khái niệm riêng về Ấn Độ – Thái Bình Dương như trong phát biểu của tổng thống Macron. Bởi vì đối với Paris, khái niệm này mang lại cho Pháp một tính chính đáng nào đó cho những vùng lãnh thổ hải ngoại tại Nam Thái Bình Dương hay như đảo Reunion ở Ấn Độ Dương.
Đúng là ở đây có những khác biệt về cách nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đối với Hoa Kỳ, đó có thể là vùng Thái Bình Dương cộng thêm Ấn Độ. Nhưng có một điểm rất rõ ràng là bộ chỉ huy Thái Bình Dương nằm ở Honolulu đã trở thành bộ chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhưng phạm vi hoạt động thì không thay đổi, vẫn gần giống như trước đây.
Vấn đề ở đây không chỉ là việc đổi một tên nhãn mà ở sau đó, còn có một yếu tố khác nữa : Đó chính là sự tiến triển và cách hành xử của Trung Quốc. Rõ ràng là chúng ta đang bước vào một giai đoạn đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Thái độ của Bắc Kinh ở vùng biển Nam Trung Hoa, mà Việt Nam gọi là Biển Đông, cùng với đại dịch Covid-19 đã làm cho Trung Quốc không còn là một nước láng giềng khoan dung nhân từ và là một hàng xóm không còn đáng tin cậy nữa.
Theo một thăm dò do viện Pew của Mỹ thực hiện thì do đại dịch Covid-19 hình ảnh của Bắc Kinh đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Do vậy, Trung Quốc ngày càng bị xem như là một nước đối thủ, một quốc gia thù nghịch. Điều này đã cung cấp thêm một lý do để Bộ Tứ thay đổi quan niệm của mình sang Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Nhưng Trung Quốc cũng là một đối tác thương mại quan trọng đối với các nước thành viên trong Bộ Tứ. Liệu đây có thể là một trong số các yếu tố gây ra những bất đồng trong nội bộ nhóm hay không ?
GS. David Camroux : Dĩ nhiên rồi, Trung Quốc là một đối tác thương mại hàng đầu của Úc, một đối tác quan trọng của Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ở đây có một khía cạnh thương mại mà ông Trump đang tìm cách sử dụng trong cuộc chiến với Trung Quốc. Nhưng ông Donald Trump cũng phạm phải một chuỗi các sai lầm. Thay vì để các đồng minh tránh sang một bên, ông ấy lại lôi kéo họ vào trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Những nước này cũng như là ASEAN không có lợi ích gì khi rơi vào thế kẹt trong cuộc đọ sức này với Bắc Kinh.
Quả thật, ở đây một mặt có một vấn đề kinh tế nhưng mặt khác còn có lĩnh vực an ninh nữa. Chúng ta thấy rõ những gì đang diễn ra ở Biển Đông. Hoa Kỳ, Úc và cả Liên Hiệp Châu Âu nữa tuyên bố rất rõ ràng là ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong vụ kiện do Philippines tiến hành nhằm phản đối các hành động cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông của Trung Quốc. Phán quyết này cũng được phía Việt Nam tán đồng vì vụ việc này cũng đi theo cùng một hướng lợi ích của Hà Nội.
Do vậy, trong vấn đề quyền chủ quyền lãnh hải, giờ không còn có những bất đồng giữa một số nước, những nước mà trước đây không muốn bày tỏ lập trường vì không muốn làm phật lòng Bắc Kinh, thì nay họ sẵn sàng lên tiếng.
Người ta cũng nhận thấy là ông Tập Cận Bình cũng xứng đáng nhận lấy những gì ông ấy đáng phải hứng chịu do cách hành xử hung hăng đối với các nước láng giềng. Ông ấy đang tạo điều kiện cho việc thành lập, dù chưa hẳn là một liên minh, nhưng là một mặt trận chung chống Trung Quốc. Chính vì thế mà ông Tập Cận Bình cũng đang tìm cách gây chia rẽ ngay trong lòng nội bộ ASEAN.
Như giáo sư có nói ở trên, khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương là do ông Shinzo Abe đề xuất. Nay ông Shinzo Abe đã từ chức, liệu rằng người kế nhiệm là ông Suga Yoshihide có sẽ tiếp tục đường lối chiếc lược do ông Abe vạch ra hay không ?
GS. David Camroux : Rõ ràng rồi !Theo như tôi biết chuyến công du nước ngoài đầu tiên như thông báo của ông sẽ là Việt Nam, có thể là cả Malaysia và Philippines nhưng tôi biết là ông ấy sẽ đến Việt Nam. Chính sách này đã được Nhật Bản khẳng định.
Nhưng vì chúng ta đang trong bối cảnh đối đầu Mỹ – Trung, cách hành xử của Trung Quốc làm cho các nước Đông Nam Á không muốn phải chọn phe giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, ngay cả Việt Nam cũng không muốn chọn hẳn một bên nào. Nhưng những gì xảy ra cho Việt Nam và Philippines cũng như nhiều nước khác cho thấy có một sự hâm nóng mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Hơn nữa, bất kể ai là tổng thống Mỹ cũng đều biết rằng các mối quan hệ liên minh là rất quan trọng, người ta không thể nào là một đại cường mà không có đồng minh. Chỉ có điều cách hành xử của ông Donald Trump là hoàn toàn phản tác dụng, vì ông ấy đang tìm cách loại trừ các liên minh chỉ vì các vấn đề giao dịch thương mại.
Nhưng tôi tin rằng vẫn có một tính liên tục nào đó, lời lẽ có thể ít chống đối Trung Quốc hơn nhưng tôi tin rằng trên thực địa đang có những thay đổi, chính sách này trong khu vực vẫn sẽ được duy trì.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư David Camroux.
Trong phần hai (phát ngày 22/10), nhà nghiên cứu David Camroux sẽ giải thích tiếp quan điểm của ASEAN về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Bầu cử Mỹ sẽ có tác động ra sao đến chiến lược này và liệu Quad có thể phát triển thành một liên minh quân sự như NATO hay không. Mời quý vị nhớ đón xem.