Tin Việt Nam – 11/10/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 11/10/2020

Ngành giáo dục CSVN muốn

định hướng nghề nghiệp cho học sinh tiểu học

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 9 tháng 10 năm 2020, bộ Giáo dục và đào tạo Cộng sản Việt Nam vừa công bố dự thảo sẽ đưa công việc định hướng nghề nghiệp, cố vấn việc làm vào cấp tiểu học để giáo dục học sinh.

Bộ Giáo dục Cộng sản giải cho biết, chương trình định hướng nghề nghiệp, cố vấn việc làm cho các bé học sinh tiểu học là giúp các cháu nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân của mình, đồng thời biết về các nghề truyền thống đang tồn tại ở địa phương, cũng như một số việc làm cơ bản trong xã hội. Ngoài ra, bộ Giáo dục Cộng sản còn đưa ra ý tưởng là phải hướng dẫn các cháu bé phải tham gia những công việc hàng ngày tại gia đình và ở nhà trường.

Đồng thời buộc các cháu phải rèn luyện, bồi dưỡng các kiến thức cho mình về khả năng tự lập, các khả năng sống ở xã hội, phải tìm hiểu về gia đình, và cộng đồng. Bộ Giáo dục Cộng sản cho rằng, qua việc này, các cháu bé học sinh tiểu học sẽ biết được năng khiếu của mình là gì để phát triển năng khiếu của mình. Để thực hiện được điều này, bộ Giáo dục Cộng sản sẽ yêu cầu học sinh phải tìm hiểu nghề nghiệp, các công việc đang có ở Việt Nam và cả trên thế giới bằng cách đọc các tài liệu giáo dục hướng nghiệp.

Đồng thời, các cháu học sinh phải tham gia tìm hiểu các nhóm nghề nghiệp, làm việc tại cồng đồng ít nhất 1 lần trong 1 năm. Sau đó, các cháu phải tham gia thực hiện các bài thi của ngành giáo dục Cộng sản để đánh giá năng lực. Trước ý tưởng này của bộ Giáo dục Cộng sản, nhiều phụ huynh Việt Nam hiện tại vẫn chưa có phản ứng gì.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/nganh-giao-duc-csvn-muon-dinh-huong-nghe-nghiep-cho-hoc-sinh-tieu-hoc/

 

Bộ GD&ĐT yêu cầu Hội đồng thẩm định

rà soát sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1

Bình luậnKhôi Nguyên

Chiều tối 11/10, Bộ GD&ĐT vừa có công văn yêu cầu Hội đồng thẩm định rà soát, báo cáo các nội dung dư luận phản ánh về sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1.

Công văn nêu rõ: “Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có phản ánh về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1. Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu. Báo cáo của Hội đồng thẩm định gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 17/10”.

Trước đó, để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đã tổ chức thẩm định SGK lớp 1. Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, triển khai các hoạt động dạy học theo quy định.

Tuy nhiên sau một thời gian ngắn triển khai chương trình SGK mới ở một số địa phương, trên các phương tiện truyền thông đại chúng xuất hiện thông tin phản ánh về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1.

Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu. Báo cáo của Hội đồng thẩm định gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 17/10.

Ngoài những phản ánh cho rằng SGK lớp 1 có phân chia bài học quá dày kiến thức, khiến các nhà trường dạy bám sát sách giáo khoa bị quá tải, trẻ khó tiếp thu, dư luận những ngày qua cũng đưa ra nhiều nội dung ở sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều do GS Nguyễn Minh Thuyết là tổng chủ biên có những ngữ liệu phản cảm, không có tính giáo dục.

Một số phóng tác dựa theo truyện ngụ ngôn không thích hợp với trẻ lớp 1.

https://www.ntdvn.com/viet-nam/bo-gddt-yeu-cau-hoi-dong-tham-dinh-ra-soat-sach-giao-khoa-tieng-viet-lop-1-84133.html

 

CSVN tăng cường bóp nghẹt tự do báo chí,

 tăng hình phạt trong báo chí và xuất bản

Tin từ Hà Nội: Truyền thông trong nước đưa tin nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nâng mức phạt trong lĩnh vực báo chí-xuất bản lên đến 200 triệu đồng và đình chỉ 12 tháng trong nỗ lực nhằm siết chặt sự kiểm soát của chế độ đối với một nền báo chí vốn được quốc tế xem là không có tự do.

Đây là mức phạt mới theo Nghị định 119/2020 được ban hành ngày 7/10 và có hiệu lực từ ngày 01/12 tới. Nhà cầm quyền cộng sản sẽ áp dụng mức phạt 150 đến 200 triệu đồng đối với hành vi Cung cấp thông tin chống chế độ hoặc phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định mới còn nêu các điều khoản được xem là khá mơ hồ như “Đăng, phát thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân” sẽ bị phạt từ 150 triệu đến 200 triệu đồng, hay “Cung cấp thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng.

Cũng theo quy định mới, các phóng viên nước ngoài, phụ tá báo chí của phóng viên nước ngoài hoạt động báo chí tại Việt Nam mà không có thẻ phóng viên nước ngoài hợp lệ do Bộ Ngoại giao Việt Nam

cấp, sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. Việt Nam vẫn bị tổ chức Ký giả Không Biên giới (RSF) xếp vào số các quốc gia là “kẻ thù của tự do báo chí” hay “không có tự do báo chí,” đứng gần chót bảng về tự do báo chí trong nhiều năm gần đây.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/csvn-tang-cuong-bop-nghet-tu-do-bao-chi-tang-hinh-phat-trong-bao-chi-va-xuat-ban/

 

CSVN tạm dừng cấp phép xây dựng nhà máy điện gió

Tin từ Hà Nội: Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin bộ công thương vừa ban hành quyết định tạm dừng thẩm định cấp phép xây dựng nhà máy điện gió ở Việt Nam và đang soạn thảo kế hoạch mới cho Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Việt Nam hiện có 11 nhà máy điện gió đang vận hành, với tổng công suất là 429 Megawat. Dự kiến đến năm 2025, tổng công suất điện gió ước đạt 11.8 Gigawat.

Theo Điện lực Việt Nam (EVN), trong hai năm vừa qua, một loạt các nhà đầu tư gửi hồ sơ đến bộ công thương xin cấp phép xây dựng nhà máy điện gió với tổng công suất 50 Gigawat.  Hiện tại cộng sản Việt Nam đã cấp phép xây dựng một số dự án nhà máy sản xuất điện với tổng công suất 80 Gigawat trong vòng một thập niên tới. Trong đó, các nhà máy điện gió và điện mặt trời đóng góp công suất lên đến 30 Gigawat.

Một số báo đưa tin Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ 186 triệu Mỹ kim cho Việt Nam để xây dựng và vận hành điện mặt trời tại Phú Yên. Đây là một trong những dự án nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam, có công suất 257 Megawat và hướng đến giảm sự phụ thuộc vào than đá với dầu diesel. Dự án này được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng ở các tỉnh miền Trung, đồng thời giảm khoảng 123 ngàn tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/csvn-tam-dung-cap-phep-xay-dung-nha-may-dien-gio/

 

Đối tác phát triển bàn cách hỗ trợ Việt Nam

 phục hồi hậu COVID-19

Cộng đồng các đối tác phát triển mới đây đã cùng với chính phủ Việt Nam thảo luận cách thức nước này “tận dụng những cơ hội do COVID-19 mang lại để hỗ trợ phục hồi bền vững và duy trì tăng trưởng trong dài hạn”, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Theo tổ chức tài chính này, “Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020” diễn ra “trong bối cảnh đầy thách thức đòi hỏi Việt Nam phải có những điều chỉnh trong việc xây dựng kế hoạch phát triển trung hạn và chiến lược dài hạn”.

World Bank nhận định rằng COVID-19 “làm trầm trọng hóa thêm các xu hướng tăng trưởng chậm của thương mại, GDP và năng suất kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu 2007 – 2009 và làm xáo trộn mạng lưới sản xuất toàn cầu trên quy mô chưa từng có”.

Ngân hàng Thế giới dẫn lời Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie, nói tại diễn đàn tổ chức hồi cuối tháng Chín: “Cam kết tăng trưởng đồng đều và bền vững sẽ giúp Việt Nam vượt qua những thách thức kinh tế do COVID-19 tạo ra, và giúp nền kinh tế phát triển mạnh trong một thế giới hậu COVID. Australia tự hào được hỗ trợ Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam, với sự hợp tác của Ngân hàng Thế giới”.

Theo các chuyên gia, bên cạnh các thách thức, đại dịch COVID-19 cũng có thể mang lại những cơ hội có lợi cho các nước đang phát triển. World Bank cho biết rằng các đại biểu tham gia diễn đàn, gồm các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh tế và các nhà điều hành khu vực tư nhân, xác định rằng “hai xu hướng lớn quan trọng nhất đối với Việt Nam là sự chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu và hệ thống đầu tư và sự trỗi dậy của nền kinh tế không tiếp xúc”.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, được trích lời nhận định rằng “hai xu hướng không hoàn toàn mới nhưng đang tăng tốc nhờ COVID-19”.

“Nếu Việt Nam thực hiện cải cách trong hai lĩnh vực này quyết liệt, hiệu quả như cách quốc gia này xử lý cuộc khủng hoảng y tế COVID-19, thì Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng hai xu hướng trên để quay lại con đường tăng trưởng nhanh và đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045”, bà Turk được World Bank dẫn lời nói.

XEM THÊM:

USAID giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua COVID-19

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc rút ngắn chuỗi giá trị toàn cầu và đa dạng hóa các điểm cung cấp “mang đến cơ hội đặc biệt cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực”.

Đồng thời, theo World Bank, COVID-19 có thể thay đổi vĩnh viễn hành vi của con người theo hướng sử dụng nhiều hơn công nghệ kỹ thuật số cũng như tạo ra các thay đổi lâu dài về cách thức hoạt động của doanh nghiệp trong cách tổ chức theo hướng tăng tính hiệu quả. COVID-19 đóng vai trò như một chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số vốn đã diễn ra trước khi COVID-19 tại Việt Nam”.

Tháng trước, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới đưa ra dự báo rằng kinh tế Việt Nam “dự kiến tăng trưởng 1,8% trong năm 2020” và “gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021”.

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, được dẫn lời nói trong báo cáo có tên gọi “Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á 2020” rằng “tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến”.

“Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19”, ông Jeffries nói thêm hôm 15/9. “Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.

Theo đánh giá của ADB, kinh tế Việt Nam “sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, và việc thực thi hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu”

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BB%91i-t%C3%A1c-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-b%C3%A0n-c%C3%A1ch-h%E1%BB%97-tr%E1%BB%A3-vi%E1%BB%87t-nam-ph%E1%BB%A5c-h%E1%BB%93i-h%E1%BA%ADu-covid-19/5617096.html

 

Ông Nguyễn Văn Nên được giới thiệu

 làm Bí thư Thành ủy TP HCM

Ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng – vừa được giới thiệu để bầu giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM.

Ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng – vừa được giới thiệu để bầu giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM.

Sáng 11/10, Thành ủy TP HCM đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều lãnh đạo trung ương và địa phương đã tham dự.

Theo quyết định, Bộ Chính trị cho ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng – thôi giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Ông Nên được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2020-2025 và giới thiệu để Ban Chấp hành bầu giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM.

Tại Đại hội Đảng bộ TP HCM diễn ra từ ngày 15-18/10, ông Nên dự kiến sẽ được bầu giữ chức vụ mới.

Dù phải trải qua một cuộc bỏ phiếu nữa, nhưng với nguyên tắc tập trung dân chủ và thông lệ của bổ nhiệm nhân sự trong hệ thống Đảng và chính quyền tại Việt Nam, ông Nên hầu như chắc chắn sẽ được bầu. Ông là “ứng cử viên” duy nhất trong cuộc bỏ phiếu này.

Một khi được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Nên được coi là người chắc chắn vào Bộ Chính trị khóa XIII sắp tới.

Bộ Chính trị đã ‘cân nhắc toàn diện’

Việc phân công lãnh đạo chủ chốt tại TP HCM chỉ diễn ra trước Đại hội Đảng bộ TP HCM 5 ngày.

VnExpress dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Có thể các đồng chí suy nghĩ tại sao lại cập rập như vậy, song Bộ Chính trị đã cân nhắc toàn diện. Dù thời gian ngắn, việc này đã được cân nhắc kỹ lưỡng, không vội vàng, hời hợt”.

Về phần Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, ông vẫn điều hành Đại hội Đảng bộ TP HCM nhiệm kỳ 2020-2025 đến khi Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa mới.

GS Nguyễn Thiện Nhân về Sài Gòn làm Bí thư Thành ủy?

Ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bí thư TPHCM

Ông Nhân nói: “Hôm nay là ngày vui với TP HCM”.

“Bộ Chính trị quyết định chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Nên tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ khóa tới để phiên họp đầu tiên Ban Chấp hành xem xét bầu làm Bí thư Thành ủy TP HCM là tin vui trong quá trình chuẩn bị Đại hội”, ông Nhân chia sẻ.

Bí thư Thành ủy TP HCM được coi là một “chiếc ghế nóng”. Trong thời gian gần đây, bộ máy lãnh đạo Đảng và chính quyền tại thành phố này đã trải qua nhiều sóng gió, với việc hàng loạt quan chức lãnh đạo bị truy tố các tội danh liên quan đến sai phạm đất đai, trách nhiệm quản lý.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang đã bị kỷ luật cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Ông Lê Thanh Hải cũng bị cách chức Bí thư Thành ủy mà ông đảm nhiệm trong giai đoạn 2010-2015. Cách chức vụ của người đã về hưu là hình thức kỷ luật được áp dụng khá phổ biến dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Các sai phạm trong giải tỏa, đền bù đất đai ở Thủ Thiêm, việc chuyển giao quyền sử dụng đất sai quy định tại các khu đất vàng ở trung tâm thành phố, tham nhũng trong các dự án công… được xem là vấn đề nổi cộm trong thời gian qua và đặt ra nhiều thách thức cho vị lãnh đạo Đảng tại địa phương này trong thời gian tới.

‘Thử thách lớn’

Nhận quyết định của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ: “Tôi nhận thức đây là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn và là thử thách lớn với mình”.

Ông Nên cũng hứa nỗ lực xây dựng TP HCM phát triển như như Nghị quyết Đại hội 11 của thành phố đề ra.

Ông Nguyễn Văn Nên sinh năm 1957, quê ở Tây Ninh, là cử nhân Luật. Quá trình công tác sau đó của ông gắn liền với quê hương Tây Ninh.

Ông xuất thân từ ngành công an, từng làm chiến sĩ cảnh sát hình sự và lên đến chức Trưởng công an huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh vào năm 1989.

Sau 16 năm công tác trong ngành công an, đến năm 1991, ông bắt đầu đảm trách các chức vụ trong đảng và chính quyền cấp huyện trước khi thăng tiến lên vị trí lãnh đạo tỉnh Tây Ninh.

Đại hội 13: Đâu là thách thức chờ đợi dàn lãnh đạo mới của ĐCSVN?

Đại hội Đảng 13 và ‘Cuộc đua Tam Mã’ vào ghế tổng bí thư

Tháng 3/2006, ông giữ vị trí Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh và tháng 9/2010 ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh.

Tháng 3/2013, ông được điều động ra Trung ương, giữ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

Tháng 11/2013, ông được phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Tháng 1/2016, ông Nên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau đó, ông được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng, giữ chức vụ Chánh văn phòng Trung ương Đảng tới nay.

Trước khi ông Nên được giới thiệu vào vị trí Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Trần Lưu Quang cũng đã rời chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh để về làm Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM từ đầu năm 2019.

Như vậy, thành phố lớn nhất nước sắp tới có hai vị lãnh đạo đến từ Tây Ninh.

https://www.bbc.com/vietnamese/54497064

 

Điểm tin trong nước sáng 11/10: Miền Trung

đối diện 3 áp thấp nhiệt đới, nguy cơ lũ chồng lũ;

Mưa lớn làm vỡ đập thủy lợi ở Quảng Nam

Tâm Tuệ

Mục lục bài viết

•           Miền Trung đối diện 3 áp thấp nhiệt đới, nguy cơ lũ chồng lũ

•           Mưa lớn làm vỡ đập thủy lợi ở Quảng Nam

•           Thêm 2 trường hợp nhập cảnh nhiễm virus Vũ Hán

•           Đưa trực thăng đến cứu nạn 8 thuyền viên tàu Vietship 01

Mục Điểm tin trong nước sáng Chủ nhật (11/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Miền Trung đối diện 3 áp thấp nhiệt đới, nguy cơ lũ chồng lũ

Dự báo trong 10 ngày tới, các tỉnh miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng của ba áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn, ngập lụt kéo dài.

Theo VnExpress, thông tin này được ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trong cuộc họp hôm 10/10.

Áp thấp nhiệt đới thứ nhất đang diễn ra, sức gió tối đa 60 km/h, cấp 7; dự báo trong vòng 12 tiếng tới mạnh lên 75 km/h. Ngày 11/10, áp thấp nhiệt đới gây mưa to cho ven biển, đất liền Trung Trung Bộ.

Về áp thấp thứ hai ông Lâm nói: “Theo quan sát vệ tinh, hiện tại khu vực Philippines đã xuất hiện một vùng thấp, dự báo đường đi thì cơn này sẽ lệch lên phía Bắc, tuy nhiên cũng đang có một đợt không khí lạnh nếu mạnh và ảnh hưởng sớm thì sẽ đẩy áp thấp xuống Trung Trung Bộ”.

Từ ngày 17 đến 18/10, nhiều khả năng nam biển Đông tiếp tục hình thành áp thấp nhiệt đới thứ ba và sẽ đi vào đất liền Nam Trung Bộ.

Về tình hình lũ miền Trung, ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết nhiều khả năng sẽ xảy ra hiện tượng “lũ chồng lũ”.

Theo Tổng cục phòng chống thiên tai hiện mưa lũ ở miền Trung đã làm 5 người chết, 8 người mất tích, hơn 33.386 nhà bị thiệt hại, hơn 2.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, hơn 44.000 gia súc và gia cầm bị cuốn trôi, nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại là 772 ha. Ngoài ra còn nhiều tuyến đường bị sạt lở.

Mưa lớn làm vỡ đập thủy lợi ở Quảng Nam

Báo Tiền Phong thông tin, ngày 10/10, lãnh đạo UBND xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, (Quảng Nam) cho biết, mưa lớn đã khiến đập Cát Bầu tại địa phương bị vỡ gây ngập một số diện tích hoa màu và nhà cửa nhà dân.

Sự việc xảy ra vào sáng cùng ngày. Mưa lớn khiến đập Cát Bầu có sức chứa khoảng 800 nghìn m3 nước đã bị vỡ cống xả trên thân đập khoảng hơn 20m. Hàng trăm ngàn mét khối nước chảy xuống vùng dạ du.

Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, hiện mực nước các sông đang lên nhanh. Đến 7h sáng nay, mực nước trên sông Vu Gia đã ở mức báo động II; trong 17 hồ chứa do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý đã có 7 hồ đầy, 3 hồ hơn 60% dung tích hữu ích. Theo dự báo, hôm nay sẽ tiếp tục có mưa lớn, nhất là tại khu vực phía bắc của tỉnh.

Thêm 2 trường hợp nhập cảnh nhiễm virus Vũ Hán

Bộ Y tế chiều ngày 10/10 công bố thêm 2 ca mắc viêm phổi Vũ Hán mới, đều là các trường hợp nhập cảnh, cách ly ngay tại tỉnh Bạc Liêu và TP.HCM.

Việt Nam hiện có 1.107 ca nhiễm trong đó 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 15.777 trường hợp. Số trường hợp hồi phục là 1.024, 35 người đã tử vong.

Toàn thế giới ghi nhận hơn 37 triệu ca nhiễm, trong đó gần 28 triệu trường hợp hồi phục, số trường hợp tử vong là hơn 1 triệu người.

Đưa trực thăng đến cứu nạn 8 thuyền viên tàu Vietship 01

Sau nhiều nỗ lực dùng tàu cứu hộ thất bại, chiều tối 10/10, một máy bay trực thăng của Bộ Quốc phòng đã tới vị trí tàu Vietship 01 ở ngoài khơi Cửa Việt thả thực phẩm, nước uống cùng một đầu dây cáp để nối tàu với bờ.

Theo báo Tuổi Trẻ máy bay trực thăng của Bộ Quốc phòng đến khu vực vào lúc 17h50. Trực thăng bay ra vị trí phía trên tàu Vietship 01 và thả lương thực, thực phẩm, nước uống cùng một đầu dây cáp xuống. Một đầu dây còn lại được thả phía bờ, chiếc máy bay đã rời đi sau khi hoàn tất các sự việc trên, dự kiến sẽ quay lại vào sáng mai.

Hiện trên tàu có 2 nhân viên cứu hộ cùng 8 thuyền viên. Sức khỏe 8 thuyền viên rất yếu vì 3 ngày rồi thiếu ăn và thiếu nước, có người còn bị thương.

Trước đó, tàu Vietship 01 neo ở cảng Cửa Việt, Quảng Trị. Sáng 8/10 tàu bị sóng đánh trôi ra cửa biển cách bờ khoảng 500m, trên tàu có 12 người, 4 người sau đó đã vào bờ an toàn.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-11-10-mien-trung-doi-dien-3-ap-thap-nhiet-doi-nguy-co-lu-chong-lu-mua-lon-lam-vo-dap-thuy-loi-o-quang-nam.html

 

Điểm tin trong nước tối 11/10: Bão số 6 chưa tan,

Biển Đông lại xuất hiện áp thấp mới;

Trực thăng cứu Thành công người trên tàu mắc cạn

Hiểu Minh

Mục lục bài viết

Bão số 6 chưa tan hẳn, Biển Đông lại xuất hiện áp thấp nhiệt đới mới

Ôtô 7 chỗ lao xuống sông, 3 người chết

Trực thăng cứu Thành công người trên tàu mắc cạn ở Quảng Trị

Sóng đánh tan hoang tuyến kè biển 26 tỉ đang xây dang dở ở Quảng Bình

Mục Điểm tin trong nước tối Chủ nhật (11/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Bão số 6 chưa tan hẳn, Biển Đông lại xuất hiện áp thấp nhiệt đới mới

Chiều 11/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin cuối cùng về cơn bão số 6 và cảnh báo xuất hiện áp thấp nhiệt đới mới trên Biển Đông.

Hồi 13 giờ ngày 11/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Dự báo đến 1 giờ ngày 12/10, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, suy yếu và tan dần.

Do ảnh hưởng của bão số 6, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió cấp 8, giật cấp 9; vùng ven biển các tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi có mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8. Các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, thành phố Đà Nẵng đã có mưa rất to, lượng mưa từ 150 – 350mm. Tình hình mưa lớn ở Trung Trung Bộ còn diễn biến phức tạp.

Chiều 11/10, trên vùng biển Đông Bắc Biển Đông xuất hiện một áp thấp nhiệt đới. Hồi 13 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 770km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 – 50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 12/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 – 60 km/giờ), giật cấp 9.

Ôtô 7 chỗ lao xuống sông, 3 người chết

Theo thông tin ban đầu trên báo Người lao động, vào khoảng 3 giờ sáng 11/10, người dân phát hiện 1 chiếc xe ôtô 7 chỗ lao xuống sông Mã, đoạn qua thị trấn Phong Sơn, nên đã hô hoán người dân và báo cơ quan công an tới cứu.

Do nước sông Mã lớn, sự việc lại xảy ra vào đêm khuya nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Rạng sáng nay, khi phát hiện được vị trí chiếc xe ôtô và đưa lên bờ, cơ quan chức năng xác định trong xe có 3 người nhưng đều đã tử vong.

Công an tỉnh đang làm rõ nguyên nhân tai nạn.

Trực thăng cứu Thành công người trên tàu mắc cạn ở Quảng Trị

Đến gần 9 giờ 30 phút ngày 11/10, công tác cứu hộ đã kết thúc. Những người có mặt trên tàu Vietship 01 gặp nạn được đưa vào bờ thành công.

Cơ quan chức năng xác nhận, trong sáng nay đã cứu hộ được 8 người gặp nạn trên tàu Vietship 01 (trong đó có 7 thuyền viên và 1 ngư dân). Thông tin có 9 thuyền viên và ngư dân trên tàu Vietship 01 lúc đầu, cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh. Trong khi đó, phía đại diện tàu Vietship 01 xác định vẫn thiếu 1 thành viên. Trong một diễn biến khác, trong sáng nay người dân phát hiện 1 thi thể dạt vào vùng biển huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

9 giờ 8 phút ngày 11/10, lực lượng cứu hộ đã đưa tất cả thuyền viên trên tàu Vietship 01 vào bờ.

Sóng đánh tan hoang tuyến kè biển 26 tỉ đang xây dang dở ở Quảng Bình

Tuyến kè biển gần 900m Quang Phú – Hải Thành (Quảng Bình) được đầu tư xây dựng với số vốn 26 tỉ đồng, nhằm mục đích bảo vệ chống sạt lở bờ biển Nhật Lệ. Tuy nhiên công trình mới thi công chưa bao lâu đã bị sóng phá hủy tan hoang.

Theo ghi nhận của báo Người Lao Động, mưa lũ đã khiến 1 đoạn kè dài khoảng 100m đang thi công bị sạt lở, gãy đổ, nhiều đoạn tường bị cát vùi lấp, tan hoang… Tại khu vực kè biển, tấm chắn, vật liệu thực hiện công trình nằm ngổn ngang.

Ông Nguyễn Văn Sỹ – Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất TP. Đồng Hới – cho biết tuyến kè biển này có chiều dài 860m, với số vốn đầu tư xây lắp 26 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và dự kiến sẽ hoàn thành, bàn giao cuối năm 2020.

“Đoạn kè biển đang xây dựng dở dang, không may gặp phải thiên tai do mưa lũ, sóng dâng cao và đánh mạnh làm hư hỏng, sạt lở một số tuyến. Sau mưa lũ đơn vị thi công sẽ khẩn trương khắc phục, làm lại” – ông Sỹ thông tin.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-11-10-bao-so%ef%bb%bf-6-chua-tan-han-bien-dong-lai-xuat-hien-ap-thap-nhiet-doi-moi-truc-thang-cuu-thanh-cong-nguoi-tren-tau-mac-can.html