Người dùng truy cập trang thông tin chính phủ Việt Nam trên Facebook.
Facebook và Youtube hợp tác với chính phủ Hà Nội bóp nghẹt tự do qua việc rút quảng cáo, chặn trang bị cho là ‘phản động’? Mạng báo Công an thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 8/10 dẫn lời Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Facebook đã chịu chặn quảng cáo chính trị từ các fanpage, tài khoản của các “tổ chức phản động, khủng bố”.
Phát biểu vừa nêu được đưa ra trong báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông vừa được gửi tới Quốc hội.
Vẫn theo lời người đứng đầu Bộ Thông tin – Truyền thông, Facebook đã gỡ 286 tài khoản bị cho là giả mạo trong năm 2020. Trong số này có 50 tài khoản bị nói giả mạo các vị lãnh đạo đảng, Nhà nước Việt Nam.
Số còn lại, theo ông Hùng, là tài khoản tuyên truyền thông tin “giả mạo, xấu, độc kích động chống phá Nhà nước”.
Để hỏi thêm về vụ việc này, RFA vào tối 9/10 có liên hệ với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi nhưng nhận được từ chối:
“Anh không biết, nói chung bây giờ anh đang bận. Mấy vụ đó giờ anh không can hệ.”
Từ Nha Trang, Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo nhận xét về phát biểu của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (4T) trong ngày 8/10 như sau:
“Tuyên bố của ông Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Việt Nam làm cho cộng đồng mạng, những người dùng Facebook và YouTube cảm thấy lo ngại. Đến một ngày nào đó thì chuyện bịt mồm, không được nói đã đành, nhưng có những thống kê chuyển đến cơ quan an ninh Việt Nam về những hoạt động của những Facebooker nào đó là rất tai hại.”
Đến một ngày nào đó thì chuyện bịt mồm, không được nói đã đành, nhưng có những thống kê chuyển đến cơ quan an ninh Việt Nam về những hoạt động của những Facebooker nào đó là rất tai hại. – Võ Văn Tạo
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già tại Sài Gòn, thông tin Facebook hợp tác rút quảng cáo, chặn trang ‘phản động’ mà ông Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra còn thể hiện nhiều ý nghĩa khác. Ông lập luận:
“Việc này cho thấy nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục rất mạnh tay với quyền tự do ngôn luận. Thứ hai là họ vẫn giữ khái niệm độc đoán mang tính áp đặt như những chữ phản động, xuyên tạc, bóp méo… Trong các khái niệm độc đoán này tôi có chú ý một khái niệm mà họ đưa ra là chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi cho rằng nền tảng tư tưởng này xây trên bạo quyền và tham nhũng thì phá hay không, chống hay không thì vẫn là nền bạo quyền và tham nhũng. Thứ ba là tôi thấy triết lý kinh doanh của Facebook rõ ràng tới bây giờ chỉ vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua giá trị đạo đức là những giá trị nhân quyền. Tiếc nhất là họ đang ở Hoa Kỳ, một xử sở tự do trong khi đó họ lại tiếp tay cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chống lại đồng bào của mình.”
Bên cạnh gỡ bỏ tài khoản người dùng, báo Nhà nước Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Việt Nam cho biết thêm riêng năm 2020, Facebook gỡ bỏ trên 2.000 bài viết có phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ lãnh đạo đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức, tăng 500% so với cả năm 2019, tỷ lệ gỡ chặn đạt 95%.
Không chỉ riêng Facebook, đối với Google, tỷ lệ chặn gỡ nội dung vi phạm đạt 90%, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, YouTube đã gỡ bỏ gần 11.000 video.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá tỷ lệ thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, tuyên truyền chống phá đảng Cộng sản và Nhà nước lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Ứng dụng YouTube trên điện thoại di động. AFP photo
Trước những thống kê nêu trên, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già bày tỏ:
“Với tư cách một người sử dụng Facebook không phải cho giải trí hay phục vụ cá nhân mà với mục đích lên tiếng cho những bất công ngang trái cho người dân, cũng như phê phán những khuyết, nhược điểm, những tệ nạn trong xã hội hiện nay, tôi cảm thấy rất chua xót cho quyền tự do ngôn luận riêng cá nhân mình cũng như cho người Việt Nam nói chung.”
Từng nhiều lần bị Facebook gỡ bài và ‘treo’ tài khoản, Nhà báo Võ Văn Tạo cho hay:
“Facebook không áp dụng những từ ngữ cụ thể là bản tin này bị rút vì không phù hợp nhà nước Việt Nam, họ không làm trắng trợn như thế nhưng có một câu chung là ‘bài viết này, ý kiến này… vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng’ và áp dụng chế tài là treo bút. Facebooker không được post bài, không được comment (nhận xét), không được có ý kiến nhẹ nhất là một ngày 24 tiếng, không thì 3 ngày, thậm chí tôi có lần bị treo cả tháng.”
Nhà báo Võ Văn Tạo giải thích cách thức hoạt động của ứng dụng mạng xã hội lớn nhất hiện nay:
“Thực chất tôi hiểu là Facebook có sơ hở là sử dụng phần mềm kiểm soát nội dung tự động. Đấy là một cái dở của Facebook có đưa ra góp ý nhưng Facebook không cải thiện. Thứ hai là khi có nhiều người gửi báo cáo bài viết nào đó thì lập tức Facebook tự động cắt của người đó. Ở Việt Nam có đội ngũ dư luận viên mà các lãnh đạo công an, quân đội đã công khai nói họ đào tạo một lực lượng lên tới hơn 10.000 người và một số lực lượng khác nữa thực chất là an ninh mạng, dư luận viên ăn lương trong biên chế nhà nước, công an, quân đội, để đàn áp tự do báo chí. Khi có chủ trương cấp trên họ sẵn sàng nhảy sổ vào để gửi báo cáo bậy bạ rằng viết bài không đúng sự thật cho Facebook và Facebook tự động cắt của người dùng.”
Trước việc gỡ bỏ bài viết và tài khoản trên Facebook và YouTube ngày càng nhiều theo yêu cầu của chính phủ Hà Nội, Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết giới hoạt động dân chủ, nhân quyền gặp phải không ít khó khăn. Có người nản lòng từ bỏ, có người tìm cách đối phó, phản ứng khác nhau tùy theo tầng lớp và tùy theo cách của từng người.
Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, việc cải thiện tình hình này trong thực tế là bế tắc và bất lực. Tuy nhiên, ông vẫn thể hiện quyết tâm:
“Là một người viết chuyên nghiệp, thường xuyên thì tôi cũng chỉ biết viết một cách chỉn chu, tử tế và chuyên nghiệp nhất ở mức mình có thể làm để tránh tối đa việc Facebook buộc phải tuân lệnh nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gỡ bỏ, ngăn chặn, thậm chí khóa luôn tài khoản của mình. Trong phạm vi tôi từng bị thì tôi chỉ biết cố gắng ở mức độ tốt nhất vậy thôi.”
Bên cạnh đó, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cũng cho rằng những thỏa hiệp giữa chính phủ Hà Nội và các tập đoàn mạng xã hội lớn hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời và tạm bợ. Ông nhận định:
“Tôi không tin nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thành công như họ mong muốn bởi vì thông tin thuộc ‘bí mật nhà nước’ theo tiêu chuẩn của riêng họ chứ không đúng tiêu chuẩn quốc tế về bí mật nhà nước thì chắc chắn sẽ tiếp tục bị lộ, lọt. Mà chuyện này hầu như người dân Việt Nam ai cũng biết là do chính trong nội bộ nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tuồn ra ngoài cho những blogger nổi tiếng. Mục đích là họ đấu đá trong từng thời đoạn khác nhau, đặc biệt là trước những kỳ đại hội đảng. Rõ ràng thông tin bí mật của họ nhưng họ cũng không thể ngăn chặn được thì tôi cho rằng họ sẽ thất bại và những yêu cầu, mong muốn và thậm chí những thực tế như hiện nay họ làm được trong việc bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của người Việt Nam.”
Theo báo cáo minh bạch của Google từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2019, Bộ Công an cùng với Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã yêu cầu công ty của Mỹ xóa 25 video trên YouTube có bài phát biểu của một tướng quân đội đã nghỉ hưu.
Còn báo cáo minh bạch của Facebook từ tháng 7-12/2020 cho biết Facebook “đã hạn chế quyền truy cập vào các bài viết tại Việt Nam theo báo cáo của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an”.
Các báo cáo này liên quan đến nội dung được cho là vi phạm Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, bao gồm nội dung chống đảng và Chính phủ Việt Nam; nội dung liên quan đến cổ vũ biểu tình trái phép; phỉ báng các quan chức nhà nước, bao gồm các cáo buộc tham nhũng; sự lan truyền của thông tin sai lệch; và khuyến khích đánh bạc và bán vũ khí bất hợp pháp.