Đọc báo Pháp 10/10/2020
Tổng thống Erdogan :
Yếu tố bất ổn định từ Trung Á đến Trung Đông
Tú Anh
Khủng hoảng y tế, khủng hoảng địa chính trị là hai chủ đề chính của các tạp chí cuối tuần. Trời sắp lạnh, liệu Covid-19 bùng phát mạnh song song với dịch cúm hàng năm? Giới y tế theo dõi diễn biến của siêu vi ở nam bán cầu trước khi bắc bán cầu vào đông. Chiến tranh vùng Thượng Karabakh, Thổ Nhĩ Kỳ mới là yếu tố đáng ngại.
Covid-19 : biết thì ít mà chưa biết thì rất nhiều ?
Le Courrier International phân tích chi li những tập hồ sơ dầy cộm, đưa đến độc giả những câu trả lời chính xác nhất, những điều còn mơ hồ và những ẩn số chưa có giải đáp sau 10 tháng nhân loại sống chung với siêu vi corona tính từ khi Vũ Hán báo động.
Đây là hồ sơ thứ hai của Courrier International, sau số báo đặc biệt hồi tháng 05/2020, tổng kết kiến thức của y khoa về siêu vi gây đại dịch Covid-19. Nguy cơ phải sống chung với dịch còn dài. Tuy đạt nhiều tiến bộ trong các công trình nghiên cứu siêu vi, biết cách siêu vi lây nhiễm và xét nghiệm truy tìm, nhưng vẫn còn nhiều bí ẩn bao trùm, siêu vi còn giấu nhiều sự thật. Vào lúc bắc bán cầu sắp qua mùa đông, câu hỏi then chốt là liệu SARS-Cov-2 có thích nghi với thời tiết như siêu vi cúm lây lan qua đường khí quản, trở lại mỗi năm khi trời băng giá?
Vấn đề là ngay trong giới khoa học cũng không đồng ý với nhau. “Người cho là siêu vi sẽ lây nhiễm dễ dàng hơn, kẻ thì nói ngược lại”. Tuần báo Le Temps của Thụy Sĩ trích nguyên văn câu trả lời của bà Valéria Cagno, chuyên gia siêu vi trùng học, đại học Genève để minh họa : ” Không thể xác quyết là mùa đông sẽ ảnh hưởng như thế nào trên virus corona chủng mới”. Nhưng có một thực tế là SARS-Cov-2 không theo mùa như siêu vi cúm vì Covid-19 vẫn hoành hành ở Tây Ban Nha, ở miền nam nước Pháp, trong mùa hè. Một báo cáo của Trung Quốc hồi tháng 05/2020 lại cho rằng nhiệt độ lý tưởng cho siêu vi truyền nhiễm là 6,3 °C. Thẩm định này không dựa trên cơ sở vững chắc do không thể biết bệnh nhân bị lây lúc nào, ở đâu để có thể liên kết nhân quả với thời tiết.
Hai thông số khác cũng ảnh hưởng lên tỷ lệ lây lan rất khó liên kết hoạt động của siêu vi với thời tiết lạnh: một là mùa đông, ít mặt trời, cơ thể giảm sinh tố D và do vậy bị giảm khả năng miễn dịch nên dễ bị bệnh truyền nhiễm. Trời mùa đông lạnh nên ai cũng thích sinh hoạt trong nhà do vậy siêu vi dễ dàng ở từ người này truyền qua người kia.
Nếu quan sát vùng nam bán cầu vừa ra khỏi mùa đông, Achentina, Chilê và Úc bị thiệt hại khá nặng về nhân mạng do cúm mùa đông. Nhưng Úc ít ca lây nhiễm hơn hết và cũng giảm nhiều so với năm trước : 21.000 thay vì 247.000. Nhưng ở đây phải đặt thêm câu hỏi : Phải chăng yếu tố vệ sinh dịch tể áp dụng ở mỗi nước đưa đến kết quả khác nhau và không thể quy cho thời tiết ?
Nói tóm lại, trong lúc chưa có vắc-xin hiệu nghiệm, cách tốt nhất để phòng bệnh là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn trong lúc giao tế. Bởi vì điều mà chúng ta có thể xác quyết là những giọt bài tiết li ti từ trong phổi thải ra là « vec-tơ » chuyên chở siêu vi. Đeo khẩu trang là bảo vệ mình và bảo vệ cho người khác.
Chân lý duy nhất sau 10 tháng sống chung với Covid-19: Trong bối cảnh bi quan phải còn sống chung với dịch dài dài, Courrier International thấy có một lý do để hy vọng. Đó là « nhờ » đại dịch mà giới khoa học gia trên thế giới chia sẻ kết quả nghiên cứu. Tuy chưa đầy đủ nhưng rất có thể đây là bước đầu của một nền khoa học mở, chia sẻ dữ liệu, truy cập thông tin miễn phí.
Trong thời đại tràn ngập những thuyết âm mưu, bước đột phá này không làm hại ai cả.
Mỹ : Tư lệnh tối cao trúng siêu vi
Không đầy một tháng là đến bầu cử tổng thống Mỹ, vụ siêu vi lây nhiễm cho Donald Trump đưa siêu cường Hoa Kỳ vào bất trắc . Nhận định của L’Express.
Trong bài « Diễn biến khó tin », tuần báo Pháp cho là không một nhà viết kịch bản phim nào có thể tưởng tượng ra được những biễn biến bất ngờ trên chính trường Mỹ. Tổng thống DT, phu nhân Melania, cố vấn đặt biệt Hope Hicks và khoảng 15 nhân vật quan trọng khác kể cả phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany và một số Thượng nghị sĩ bị lây nhiễm SARS-Cov-2. Sau buổi lễ chúc mừng thẩm phán Amy Coney Barrett được đề cử vào Tối cao Pháp Viên, không ai đeo khẩu trang, phủ tổng thống Mỹ biến thành ổ dịch.
Bản thân Donald Trump lo lắng sợ phải « đi theo » một người bạn thân là Stan Chera, từ trần vì Covid-19 hồi tháng 04.
Diễn biến tiếp theo cũng đáng lo ngại không kém. Nhà Trắng thiếu minh bạch trong cách thông tin về sức khỏe của tổng thống trong khi Donald Trump lên trực thăng vào bệnh viện quân y, uống một loạt thuốc còn trong giai đoạn thử nghiệm. Bốn hôm sau, chủ nhân Nhà Trắng trở về văn phòng bầu dục trong vẻ đắc thắng.
Đối với sử gia Françoise Coste, tác giả quyển sách « Reagan », thái độ thiếu minh bạch của Nhà Trắng về tình trạng sức khỏe của tổng thống là vấn đề nghiêm trọng và làm suy yếu nguyên tắc « liên tục của Nhà nước» theo nghĩa một ngày cũng không được thiếu người lãnh đạo, nhất là quốc gia đó là siêu cường thế giới. Do vậy, mọi cặp mắt đều nhìn về phó tổng thống Mike Pence. Vấn đề là nguyên tắc bảo vệ sức khỏe nhân vật số hai cũng không được tôn trọng cho dù rất giản dị. Ngay trong lúc bình thường, đừng nói chi lúc bị đại dịch, tổng thống và phó tổng thống hiếm khi có mặt cùng lúc trong một văn phòng. Nếu cả hai lâm bệnh cùng lúc, nước Mỹ sẽ lâm vào tình trạng không có lãnh đạo hành pháp.
Theo L’Express, những ngày tới, chiến dịch tranh cử có thể đem lại nhiều bất ngờ khác nữa. Donald Trump, với chiến lược tránh đề cập đến Covid-19 bằng mọi giá để định hướng công luận chú ý các hồ sơ khác, cảm thấy mưu tính của ông bị sụp đổ, theo giáo sư chính trị Ray La Raja, đại học Massachusette. Donald Trump từ nay tự cho mình là người thoát chết. Joe Biden cũng phải thích nghi với tình huống mới.Tình huống điên cuồng vượt mọi dự kiến.
Covid-19 tại Pháp : Tổng thống, thủ tướng và bộ trưởng Y tế có xứng tầm ?
Chính phủ Pháp và các nhà khoa học Pháp có làm tròn nhiệm vụ của mình không. Le Point điều tra về cung cách quản lý chống dịch của ba nhân vật lãnh đạo.
“Địa cầu báo động đỏ. Chúng ta hãy ngưng những sai lầm”, tựa trên trang bìa của L’Express giới thiệu một bài phỏng vấn dài giáo sư Eric Caume, chuyên gia về nhiễm trùng học. Vị giáo sư đại học y khoa Paris chỉ trích không chừa một ai, từ chính phủ, hội đồng khoa kọc, cũng như những người tuyên bố lạc quan là đại dịch đã qua rồi như bác sĩ Didier Raoult ở Marseille. Tất cả chúng ta, ông nói, đã chạy theo sau siêu vi thay vì có biện pháp ngăn chận trước. Mất bò mới lo làm chuồng.
Chưa kể chuyện quyết định sai : Vào đầu, chính quyền quy cho quán ba, nhà hàng, tụ điểm giải trí là nơi truyền nhiễm siêu vi nhưng không nghĩ đến các giảng đường đại học chật cứng sinh viên hay trong khuôn viên bệnh viện, xí nghiệp để truy tìm ổ dịch ở những nơi này…
Đó là chính phủ. Còn các nhà khoa học cũng có lỗi không kém. Giáo sư Eric Caume nhắc lại một câu nói của Khổng Tử « Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, như thế mới là biết ».Phần đông các vị chuyên gia, khi bị ký giả đặt câu hỏi đã bình luận ra ngoài lãnh vực chuyên môn của mình. Như bác sĩ Didier Raoult, người gây nhiều tranh cãi, là một giáo sư sinh hóa phân tử giỏi nhưng không phải là một chuyên gia về mô hình thử nghiệm thuốc mới. Thế mà ông lại cỗ vũ cho việc dùng thuốc sốt rét trị Covid-19.
Nói chung, những người có thẩm quyền đã sai sót trong trách nhiệm nên gây ra khủng hoảng niềm tin. Trước câu hỏi liệu chúng ta có thể thắng được dịch hay không ? Giáo sư Eric Caume cho rằng trước mắt phải ngăn chận không để siêu vi lan nhanh quá, để cho dân chúng có thời gian miễn nhiễm và tránh cho guồng máy y tế không bị tràn ngập, không để số tử vong bùng lên, và hy vọng một loại vắc-xin hiệu nghiệm được nhanh chóng hoàn chỉnh.
Khó khăn và phức tạp nhưng sẽ thực hiện được
Còn nếu không thì sao ? « Nếu không được là tại vì chúng ta quá kém. Nhân sự kém thì phải đổi vài người để gây lại niềm tin » nhất là nếu phải áp dụng lại biện pháp cách ly, tức là nhìn nhận thất bại. Vấn đề là vẫn theo Giáo sư Eric Caume, thực tế là không ai có « viễn kiến quá 15 ngày ». « Chúng ta không biết gì cả ». Chuyên gia nhiễm trùng học kết luận.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran, người đứng mũi chịu sào ngăn dịch khó mà yên tâm . Le Point, trong loạt bài « liệu họ có xứng tầm hay không » trích nhận định của Thượng nghị sĩ đối lập Bernard Jomier : « Olivier Véran là một bộ trưởng giỏi. Có điều bộ máy hành chánh không theo »
Covid-19 và tác hại kinh tế : Bước nhảy ra phía sau
Trong cơn đại dịch này, các nền kinh tế đang vực dậy trả giá rất đắt. Liệu có giải pháp nào, liều thuốc nào để khắc phục.” Bước nhảy ra phía sau “ là tựa bài xã luận của Le Point.
Suy thóai lịch sử : Hoạt động kinh tế Ấn Độ giảm 12,5% , Brazil giảm 6,5% Mêhicô 10,2%, Achentina 11,2%. Những nước từng được xem là đại chiến thắng trong thời toàn cầu hóa kinh tế.
Thế nhưng, giờ đây, ngoài Hoa Kỳ, các nước đang vươn lên là bị đại dịch tác hại nhiều nhất : 6,4 triệu ca bị lây, 100.000 tử vong tại Ấn Độ. 4,8 triệu bệnh nhân và 145.000 người chểt tại Brazil….
Vấn đề là cái khó bó cái khôn. Theo Le Point, các nước kể trên không đủ tiềm năng kinh tế để phục hồi sinh lực như các quốc gia tiên tiến như Hoa kỳ hay Châu Âu. Để có thể cắt đứt vòng xoáy nghèo khó và bạo lực, không thể dẹp bỏ toàn cầu hóa, trở lại với xu hướng sống chết mặc bay. Trái lại phải tiếp tục con đường thương mại tự do nhưng phải điều chỉnh hợp lý cho cả nước nghèo lẫn nước giàu.
Thượng Karabakh : Tất cả đều chống Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiến tranh vùng Thượng Karabakh, đề tài nóng thứ hai trên các tạp chí. Courrier International giới thiệu quan điểm, có cơ sở, của một nhật báo Nga : tất cả đều chống Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Expert từ Matxcơva, nhìn từ quan điểm của các nhà lãnh đạo quốc tế, Azerbaijan và Armenia không phải là hai tác nhân chính của cuộc chiến tại Thượng Karabakh. Bởi vì Washington, Matxcơva và Liên Hiệp Châu Âu xem xung đột tại vùng nam Kavkaz có yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ.
Cho đến nay, Azerbaijan chỉ huy động có một phần nhỏ binh lực, chưa sử dụng hỏa lực áp đảo để xuyên thủng các phòng tuyến của Armenia. Có lẽ, Baku đang áp dụng chiến thuật của Ankara khi can thiệp đánh người Kurdistan ở miền bắc Syria và Irak. Trước hết là làm đối phương tiêu hao lực lượng và vũ khí ít oi với những trận đánh không có kết quả quyết định. Đến lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ mới huy động đại binh với vũ khí mạnh để tiêu diệt đối phương.
Phản ứng của quốc tế không chậm chút nào. Ba đồng chủ tịch nhóm trung gian hòa giải Minsk gồm Nga, Mỹ, Châu Âu trong Tổ Chức An Ninh Và Hợp Tác Châu Âu đã tức tốc ra thông cáo lên án chiến sự. Tuy nhiên, chưa một tổ chức quốc tế nào lên án đích danh một phe gây chiến. Chỉ có tổng thống Pháp là người đầu tiên nói đến thông tin « có lực lượng thánh chiến Syria chiến đấu bên cạnh Azerbaijan ». Nếu tin này được chính thức công nhận thì tình hình sẽ thay đổi. Iran biết đâu sẽ đóng vai trò năng nỗ hơn. Báo Nga giải thích : Khi Azerbaijan sử dụng thiết bị không người lái của Israel trong cuộc chiến thì điều đó chứng tỏ Baku ( Hồi giáo) không thật là bạn của Teheran.
Chận tham vọng vô độ của tổng thống Erdogan
Tuần báo Pháp Le Point cùng nhận định :Tổng thống Erdogan lợi dụng xung khắc Armenia và Azerbaijan để củng cố quyền lực chính trị. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để ngăn chận nhà lãnh đạo ôm giấc mơ tái tạo thời vàng son đế chế Ottoman đi quá xa ?
Theo các nhà bình luận trên Le Point, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Edogan chỉ lợi dụng cuộc chiến Azerbaijan-Armenia để củng cố quyền lực. Bởi vì, chất keo kết gắn nhà nước Thổ là dân tộc chủ nhĩa chứ không phải đạo Hồi. Erdogan bóp méo lịch sử để phục vụ tham vọng chính trị là một chiến thuật được thi hành từ nhiều năm nay. Nhưng liệu có cách nào ngăn chận Erdogan đe dọa an ninh khu vực ?
Triết gia dấn thân Bernard- Henri Lévy đưa ra chiến thuật ba bước :
-Phải đình chỉ Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO. Tuy là thành viên NATO nhưng Ankara chơi nước đôi, liên hệ với hai nhóm khác do Trung Quốc và Nga thành lập. Sử dụng phi cơ F16 của Mỹ nhưng mua tên lửa phòng không của Nga. Bạn của Châu Âu nhưng thảm sát chiến binh Kurdistan, đồng minh của Châu Âu ?
-Bước thứ hai là cô lập Qatar, nhà tài trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và phá hoại an ninh Ai Cập, phá thỏa thuận Israel- Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
-Và thứ ba là phải cảnh báo Erdogan, Châu Âu không phải là mãnh đất để chinh phạt như thời Soliman, Mehmed II và Enver Bacha. Một là anh tôn trọng chúng tôi, hai là anh đi chỗ khác. Không nên để chó sói thọc một chân vào cửa của ngôi nhà Châu Âu, Bernard- Henri Lévy kết luận.
Tin tổng hợp
(ANTARA) – Hải quân Indonesia bắt giữ một tàu cá của Việt Nam trong khu vực phía bắc biển Natuna, gần quần đảo Riau.
Thông cáo chính thức của Hải quân Indonesia hôm 09/10/2020 cho biết tàu cá Việt Nam đang bị bắt giữa mang số hiệu BD 93656 TS, trên tàu với sáu thuyền viên. Chiếc tàu này « thâm nhập và đánh bắt trái phép trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Indonesia ».
(AFP) – Mỹ kết án 14 tháng tù một người Singapore vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Jun Wei Yeo, 39 tuổi ngày 09/10/2020 bị một tòa án tại Washington tuyên án 14 tháng tù. Tháng 7/2020 bị cáo thú nhận cộng tác với tình báo Trung Quốc từ năm 2015. Ban đầu nhiệm vụ là
để theo dõi tin tức tại Mỹ liên quan đến các nước Á Châu. Tuy nhiên sau này ông Yeo được chỉ thị « tập trung » vào việc thu thập các thông tin về nước Mỹ.
(Reuters) – Berne xác nhận một con tin Thụy Sĩ bị bắt giữ tại Mali đã qua đời.
Trang mạng của bộ Ngoại Giao Thụy Sĩ hôm 10/10/2020 xác nhận tin do cựu con tin Pháp Sophie Pétronin tiết lộ. Ngay sau khi được trả tự do và từ Mali về đến Pháp, bà Pétronin đã thông báo với chính phủ Pháp về số phận của một nữ công dân Thụy Sĩ đã qua đời cách nay một tháng. Nạn nhân bị nhóm Hồi giáo cực đoan ở Mali bắt giữ và đã bị « sát hại ». Tương tự như bà Sophie Pétronin, nạn nhân người Thụy Sĩ cũng đã bị bắt làm con tin cách nay 4 năm. Chính quyền Berne chưa công bố danh tính nạn nhân.
(AFP) – Ba Lan và Litva triệu hồi 35 nhà ngoại giao tại Belarus.
Thông báo được đưa ra ngày hôm qua 09/10/2020 trong bối quan hệ ngoại giao giữa các nước đang căng thẳng. Trước đó, Minsk đã đề nghị Ba Lan hạn chế số lượng nhân viên ngoại giao ở Belarus. Vacxava coi đó là “một cử chỉ không hữu nghị”. Ba Lan và Litva ủng hộ phong trào phản kháng của người dân Belarus chống chế độ Loukachenko.
(AFP) – Anh Quốc triệu hồi đại sứ tại Belarus, phản đối Minsk trục xuất nhân viên ngoại giao Ba Lan và Litva.
Ngoại trưởng Dominic Raab ngày 09/10/2020 trên Twitter giải thích quyết định của Luân Đôn nhằm thể hiện tình liên đới đối với Ba Lan và Litva. Đồng thời theo ông, việc chính quyền Loukachenko trục xuất nhân viên ngoại giao Ba Lan và Litva là « hoàn toàn không có cơ sở và chỉ nhằm cô lập thêm Belarus » Nhiều nước trong Liên Âu đã triệu hồi đại sứ của mình tại Minsk. Bruxelles không công nhận kết quả bầu cử tổng thống Belarus hồi đầu tháng 8/2020.
(RFI) – Covid-19 : Nguy cơ nhiễm virus khi đi máy bay là rất thấp.
Theo nhiều nghiên cứu khác nhau do Airbus, Boeing, Embraer và Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) thực hiện, nguy cơ lây lan virus trong máy bay còn thấp hơn nguy cơ lây nhiễm ở các văn phòng làm việc. Chỉ có một trường hợp lây nhiễm tiềm tàng trên 27 triệu hành khách là con số vô cùng thấp. Theo các nghiên cứu này, hệ thống thông gió trên máy bay hiệu quả hơn trong bệnh viện.
(France Info) – Achentina là nước đầu tiên trên thế giới cho phép trồng và tiêu thụ lúa mỳ biến đổi gien.
Hôm 08/10/2020, bộ Nông Nghiệp Achentina cho biết loại lúa mì này có tên HB4. Các nghiên cứu đã kéo dài hơn 10 năm. Việc thử nghiệm được thực hiện trên 6.000 ha cánh đồng tại khoảng 30 địa phương tại Achentina, cho thấy lúa mì HB4 có khả năng chống chọi với thời tiết khô hạn, cho năng suất cao hơn 16-20% so với lúa mì loại thường. Achentina là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 6 thế giới. Hàng năm, Achentina xuất khẩu hơn 14 triệu tấn lúa mì sang 40 quốc gia.
(AFP) – Hành động chống biến đổi khí hậu : Chương trình Countdown quy tụ 50 nhân vật nổi tiếng trên toàn thế giới.
Chương trình Countdown sẽ được khởi động trên kênh Youtube của hiệp hội TED vào 15h quốc tế hôm nay 10/10/2020 và kéo dài 5 giờ đồng hồ với khẩu hiệu “Khí hậu không thể chờ đợi”. Giáo hoàng Fanxicô, hoàng tử Anh William và nhiều nhà tranh đấu, nghệ sĩ, ngôi sao và chính trị gia nổi tiếng sẽ tham gia chương trình.
(AFP) – Mỹ sẽ áp thuế chống phá giá đối với hợp kim nhôm nhập khẩu từ 18 quốc gia, trong đó có Đức, Barhein, Brazil, Tây Ban Nha, Ấn Độ và Ý.
Trả lời Fox News, bộ trưởng Thương Mại Mỹ hôm qua 09/10/2020 cho biết lượng hàng hóa bị áp thuế mới trị giá lên đến 1,96 tỷ đôla, chiếm tỉ trọng tương đối lớn trong ngành công nghiệp nhôm của Mỹ. Các quyết định cuối cùng sẽ do Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đưa ra vào tháng 02/2021. Hai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là Đức, Barhein, hai quốc gia mà theo bộ Thương Mại Mỹ là đã trợ giá nhiều nhất để xuất khẩu các tấm hợp kim nhôm sang Hoa Kỳ. Wilbur Ross cũng cho biết Trung Quốc không nằm trong danh sách này vì việc tăng thuế đối với các sản phẩm nhôm của Trung Quốc đã được áp dụng.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201010-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 10/10:
Trung Quốc tăng quân
tại biên giới tranh chấp trước mùa đông
Quý Khải
Mục lục bài viết
Trung Quốc tăng quân tại biên giới tranh chấp trước mùa đông
Tổng thống Đài Loan cam kết phòng thủ mạnh mẽ khi căng thẳng Trung Quốc gia tăng
Tổng thống Trump tiếp tục vận động tranh cử
Trung Quốc chuẩn bị luật mới để cấm các công ty Mỹ
Thượng nghị sĩ Rubio: Mỹ nên cố gắng trì hoãn IPO của Tập đoàn Ant của Trung Quốc
Sáng nay, thứ Bảy (10/10), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin sau:
Trung Quốc tăng quân tại biên giới tranh chấp trước mùa đông
Một nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết các binh sĩ của họ ở Tây Tạng là đối tượng ưu tiên trong việc tiếp tế mùa đông và thiết bị tuần tra khi căng thẳng dọc biên giới Himalaya với Ấn Độ có nguy cơ kéo dài, theo SCMP.
Mặc dù mùa đông khắc nghiệt có thể tạo cơ hội để hai bên rút quân, nhưng không thể loại trừ khả năng xảy ra các cuộc giao tranh mới sau các cuộc đụng độ chết người giữa quân đội hai nước hồi tháng 6 và nhiều tháng đàm phán không có kết quả gì kể từ đó.
Một nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết, trái ngược với thông lệ cung cấp cho các đơn vị quân đội phía đông và phía bắc những thiết bị mới nhất trước, quân đội tiền tuyến ở phía tây Tây Tạng hiện đang là “ưu tiên hàng đầu” đối với bộ phận hậu cần của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
Tổng thống Đài Loan cam kết phòng thủ mạnh mẽ khi căng thẳng Trung Quốc gia tăng
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ cam kết tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo và làm việc nhiều hơn với các đối tác khu vực về an ninh trong một bài phát biểu chủ chốt vào ngày quốc khánh Đài Loan trong hôm nay, vào thời điểm căng thẳng với nước láng giềng Trung Quốc đang gia tăng đáng kể.
Quốc đảo Đài Loan, bị Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình, đã phải hứng chịu áp lực ngày càng tăng từ Bắc Kinh, vốn đã tăng cường hoạt động không quân gần hòn đảo trong vài tuần trở lại đây, bao gồm việc băng qua đường trung tuyến tại eo biển Đài Loan – vùng ranh giới không chính thức giữa hai nước.
Theo bản phác thảo bài phát biểu ngày quốc khánh của bà Thái hôm nay, được một nguồn tin trong cuộc mô tả với Reuters, bà Thái sẽ nói rằng chỉ có quyết tâm và sức mạnh vững chắc mới có thể đảm bảo an ninh và duy trì hòa bình khu vực.
Ông Tsai, tái đắc cử vào tháng Giêng với lời hứa đứng về phía Trung Quốc, sẽ nhấn mạnh đến việc hiện đại hóa quân đội và tăng tốc khả năng “chiến tranh phi đối xứng”, nghĩa là làm cho bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc trở nên khó khăn và tốn kém, chẳng hạn như mìn và tên lửa di động.
Tổng thống Trump tiếp tục vận động tranh cử
Tổng thống Trump sẽ tiếp tục chiến dịch tranh cử trực tiếp hôm nay sau khi chịu ảnh hưởng của COVID-19, theo Reuters.
Ông Trump sẽ phát biểu trước đám đông những người ủng hộ vào thứ Bảy từ ban công Nhà Trắng về chủ đề “luật pháp và trật tự”, một quan chức chính quyền cho biết hôm thứ Sáu. Một nguồn tin nắm rõ tình hình cho biết đám đông có thể lên đến hàng trăm người và tất cả đều được dự đoán sẽ đeo khẩu trang.
Sau đó, vị tổng thống của Đảng Cộng hòa sẽ tới trung tâm Florida hôm thứ Hai tới (12/10), một bang quan trọng đối với hy vọng giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử ngày 3/11.
Trung Quốc chuẩn bị luật mới để cấm các công ty Mỹ
Trung Quốc chuẩn bị đưa ra luật kiểm soát xuất khẩu mới cấm các nhà cung cấp Trung Quốc giao dịch với các công ty nước ngoài cụ thể vì lý do an ninh quốc gia. Đây có thể là đòn trả đũa đối với các chế tài của Mỹ đối với Huawei và các công ty Trung Quốc khác, theo Nikkei Asia.
Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc sẽ thảo luận về luật, trong đó có mục tiêu đã nêu là bảo vệ lợi ích quốc gia, trong một phiên họp bắt đầu từ thứ Ba tới (13/10). Luật mới có thể được ban hành sớm nhất vào năm 2021.
Theo luật mới của Bắc Kinh, các nhà chức trách có thể cấm xuất khẩu các vật liệu chiến lược và công nghệ tiên tiến cho các công ty cụ thể có tên trong Danh sách Thực thể của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Thượng nghị sĩ Rubio: Mỹ nên cố gắng trì hoãn IPO của Tập đoàn Ant của Trung Quốc
“Thật phẫn nộ khi Phố Wall đang khen thưởng cho các cuộc đàn áp trắng trợn của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quyền tự do và tự chủ của Hồng Kông bằng cách hỗ trợ cho IPO của Ant Group trên các
sàn chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải”, Rubio, một thành viên Đảng Cộng hòa, nói trong một tuyên bố với Reuters.
“Chính quyền nên xem xét nghiêm túc các lựa chọn có sẵn để trì hoãn IPO của Ant Group”, ông nói thêm.
Đợt IPO ở Hồng Kông được tài trợ bởi China International Capital Corp và các tập đoàn tài chính Mỹ như Citigroup, JPMorgan, Morgan Stanley, Credit Suisse và Goldman Sachs.
Một số lo ngại đợt chào bán trị giá lên tới 30 tỷ USD có thể khiến nhiều nhà đầu tư Mỹ đối mặt với khả năng bị gian lận. Những người khác lo ngại nó có thể cung cấp cho chính phủ Trung Quốc quyền truy cập kho dữ liệu ngân hàng nhạy cảm của công dân Mỹ.
Điểm tin thế giới tối 10/10:
Đài Loan nêu điều kiện đối thoại với Trung Quốc;
Triều Tiên âm thầm diễu binh lúc 4 giờ sáng?
Hải Lam
Mục lục bài viết
Đài Loan nêu điều kiện đối thoại với Trung Quốc
Triều Tiên âm thầm diễu binh lúc 4 giờ sáng?
Ông Trump đã dừng dùng thuốc chống Covid
Nhật tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông
Tập đoàn Huawei của Trung Quốc mất hợp đồng ở Bỉ
Lebanon: Cháy nổ bể chứa nhiên liệu tại Beirut, 43 người thương vong
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Bảy (10/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Đài Loan nêu điều kiện đối thoại với Trung Quốc
“Nếu Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết các hành động thù địch và cải thiện quan hệ giữa hai bờ eo biển, trong khi duy trì sự bình đẳng và phẩm giá, chúng tôi sẵn sàng cùng hợp tác để thúc đẩy các cuộc đối thoại ý nghĩa”, Tổng thống Thái Anh Văn hôm nay phát biểu tại lễ kỷ niệm Quốc khánh của Đài Loan.
Reuters cho biết, bà Thái mô tả tình hình ở eo biển Đài Loan “khá căng thẳng”. Tổng thống Đài Loan nói thêm, điều này cùng với các tranh chấp ở Biển Đông, xung đột biên giới Trung – Ấn và việc đàn áp người Hồng Kông, cho thấy nền dân chủ và hòa bình trong khu vực đang đối mặt với những thách thức lớn.
Theo bà Thái, nếu Bắc Kinh có thể chú ý đến tiếng nói của Đài Loan và cùng nhau tạo điều kiện cho hòa giải và đối thoại hòa bình, căng thẳng trong khu vực chắc chắn có thể được giải quyết.
Tổng thống Thái cam kết duy trì sự ổn định ở eo biển Đài Loan, nhưng cho rằng đây là trách nhiệm của cả hai bên. Bà coi việc tăng cường các lực lượng vũ trang của Đài Loan là ưu tiên hàng đầu và cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy điều này, giữ vững nguyên tắc không khơi mào chiến tranh nhưng cũng không lo sợ điều này.
Triều Tiên âm thầm diễu binh lúc 4 giờ sáng?
Yonhap đưa tin, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) hôm nay cho biết Triều Tiên dường như đã tổ chức một cuộc duyệt binh quy mô lớn ở Bình Nhưỡng vào đầu ngày thứ Bảy (10/10) để đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Công nhân cầm quyền của Triều Tiên.
“Các dấu hiệu của một cuộc duyệt binh với sự tham gia của khí tài và con người ở quy mô lớn đã được ghi nhận tại Quảng trường Kim Nhật Thành vào sáng sớm nay”, JSC cho biết, thêm rằng tình báo Hàn Quốc và Mỹ đã “theo dõi chặt chẽ sự kiện”.
Hiện vẫn chưa rõ thời điểm chính xác cuộc duyệt binh được tổ chức, mặc dù các nguồn tin cho biết dường như nó đã bắt đầu trước 4 giờ sáng. Cũng chưa rõ nhà lãnh đạo Kim Jong-un có tham dự sự kiện hay không và những loại vũ khí nào được trưng bày.
Ông Trump đã dừng dùng thuốc chống Covid
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News tối 9/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã ngưng dùng mọi loại thuốc chống viêm phổi Vũ Hán và cảm thấy rất khoẻ.
Tổng thống Trump cũng cho biết ông đã trải qua chụp CT phổi khi đến bệnh viện Walter Reed, nhưng không cảm thấy khó thở.
“Họ muốn giữ tôi lại để theo dõi”, ông Trump nói. “Tôi đã ở đó, tôi đoán là 3 ngày rưỡi. Họ muốn giữ tôi lại. Tôi muốn rời đi sau ngày đầu tiên. Tôi thực sự cảm thấy thể trạng của mình không xấu. Sau ngày đầu tiên, tôi nghĩ mình sẽ có thể trạng tồi tệ hơn nhiều nếu không dùng thuốc [Regeneron] này”.
Ông chủ Toà Bạch Ốc cũng nói rằng ông sẽ hiến huyết tương để giúp đỡ những bệnh nhân khác nếu được yêu cầu.
Nhật tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông
Reuters ngày 10/10 đưa tin, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết Lực lượng Phòng vệ biển của nước này đã tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông hôm 9/10.
Mục đích của cuộc tập trận là “để tăng cường khả năng chiến thuật”, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết trong một tuyên bố nhưng không nêu chi tiết về vị trí của cuộc tập trận.
Ba tàu chiến của Nhật tham gia tập trận trên biển Đông gồm 2 tàu khu trục và một tàu ngầm tấn công.
Cuộc tập trận diễn ra trong khuôn khổ đợt triển khai tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương từ ngày 7/9 đến ngày 17/10, trong đó các tàu chiến Nhật Bản diễn tập chung với hải quân các nước như Ấn Độ, Sri Lanka, Úc.
Việc Nhật Bản tập trận tác chiến chống ngầm tại biển Đông diễn ra không lâu sau khi khu trục hạm USS John S. McCain hôm 9/10 thực hiện cuộc tuần tra duy trì tự do hàng hải xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép.
Tập đoàn Huawei của Trung Quốc mất hợp đồng ở Bỉ
Tập đoàn viễn thông Orange và Proximus của Bỉ đã chọn Nokia để giúp xây dựng mạng 5G ở nước này sau khi loại bỏ tập đoàn Huawei của Trung Quốc, theo Reuters ngày 9/9.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng sức ép lên các nước châu Âu nhằm loại Huawei ra khỏi các thương vụ với cáo buộc làm phương tiệp gián điệp cho Bắc Kinh.
Thủ đô Bruxelles của Bỉ là nơi đặt trụ sở của liên minh NATO, đầu não và quốc hội của Liên minh châu Âu, khiến thành phố này được các cơ quan tình báo Mỹ đặc biệt quan tâm.
Hoa Kỳ hoan nghênh quyết định của Orange-Belgium và Proximus. Ông Keith Krach, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về kinh tế, năng lượng và môi trường nói:
“Đây là ví dụ mới nhất về việc loại bỏ các giao dịch với Huawei và xác nhận thêm xu hướng trên toàn thế giới muốn làm ăn với các nhà cung cấp đáng tin cậy”.
Lebanon: Cháy nổ bể chứa nhiên liệu tại Beirut, 43 người thương vong
The Guardian đưa tin, một bể chứa nhiên liệu ở thủ đô Beirut của Lebanon ngày 9/10 đã bốc cháy và phát nổ làm nhiều người chết và bị thương.
Theo lực lượng cứu hỏa thành phố, hiện trường vụ nổ là nhà kho của một cửa hàng bán xăng có bể chứa nhiên liệu ở quận Tariq al-Jdide. Bể nhiên liệu này đã bốc cháy và gây nổ, tạo ra các cột khói lớn bốc lên không trung. Hội Chữ thập đỏ Lebanon cho biết 4 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương, trong đó có cả trẻ em. Theo các nguồn tin an ninh, chủ cửa hàng đã bị bắt. Được biết cửa hàng này còn cung cấp dịch vụ máy phát điện. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây cháy nổ.