Đọc báo Pháp – 05/10/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 05/10/2020

Donald Trump nhiễm Covid-19, chính trường Mỹ cũng phát sốt –  Anh Vũ

Dịch Covid-19 vẫn là chủ đề bao trùm hầu hết các báo Pháp ra ngày đầu tuần với hai chủ đề thời sự nổi bật : Pháp đang phải đối mặt với sự trở lại của làn sóng virus corona ; ông Donald Trump nằm viện vì nhiễm Covid 19 khiến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng phát sốt và trở nên khó lường hơn bao giờ hết.

Trước tiên xin được đến với thời sự đang thu hút sự quan tâm chú ý không chỉ của nước Mỹ mà cả thế giới. Đó là tình trạng sức khỏe của tổng thống Donald Trump sau khi bị dương tính với Covid-19 và phải nhập viện để theo dõi điều trị từ hôm thứ Sáu tuần trước. Hầu hết các báo Pháp đều có ít nhất một bài đề cập đến sức khỏe của ông Trump cùng mối liên quan hiển nhiên với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, vốn dĩ chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra.

Le Figaro có bài xã luận mang tiêu đề “Virus và tổng thống”. Bài xã luận ghi nhận : “Sau khi bị nhiễm Covid-19 và phải nhập viện từ hôm thứ Sáu, tổng thống Mỹ đã biết cách biến Twitter thành chiếc máy theo dõi dấu hiệu sức khỏe của ông. Cả thế giới theo dõi tần số các Twett của ông như theo dõi nhịp tim để tìm kiếm các dấu hiệu về tình trạng sức khỏe của tổng thống”.

Le Figaro nhận định, những lo lắng về sức khỏe của ông Trump đang đặt ra nhiều câu hỏi: “Liệu ông sẽ còn đủ khả năng, sức lực để đi đến cùng cuộc đua marathon và lãnh đạo đất nước nếu tái đắc cử? Bên cạnh những điều không lường trước là sự lúng túng về chính trị đối với một vị tổng thống vốn dĩ không ngừng coi nhẹ mối nguy hiểm của loại virus đã khiến hơn 200 nghìn người dân Mỹ thiệt mạng”.

Tuy nhiên, bài xã luận của Le Figaro cũng cảnh báo những phán đoán vội vàng : “Từ khi bước lên sân khấu chính trị, ông Trump, vốn dĩ được ví như vật thể lạ trong chính trường, đã khiến mọi nhà cái đánh cược bị lụn bại. Nếu ông vượt qua được mối nguy hiểm chết người này, ông sẽ trở thành ứng cử viên chiến thắng virus corona. Ông sẽ không ngần ngại nói rằng cùng với ông, nước Mỹ sẽ chiến thắng virus và một lần nữa ông sẽ chứng minh được khả năng bất ngờ thoát khỏi các tình huống tồi tệ nhất”.

Trong khi đó, nhật báo kinh tế Les Echos nêu lên các tác động của việc tổng thống Trump nhiễm Covid-19 đối với tình hình chính trị và hoạt động tài chính của nước Mỹ.

Trong bài viết “Trump dương tính với Covid-19: Chiến dịch tranh cử tổng thống bị đảo lộn”, tờ báo nêu lên ba vấn đề: Việc ông Donald Trump phải nhập viện tối thứ Sáu vì nhiễm Covid-19 đã mở ra một giai đoạn bất định. Trước tiên là về sức khỏe thực sự của tổng thống Mỹ, nhất là vì các thông tin về tình trạng sức khỏe của ông Trump được đưa ra trái ngược nhau.

Thứ hai là hàng loạt các nhân vật chính trị trong đảng Cộng Hòa bị nhiễm bệnh là hệ quả của việc chính quyền Trump lơ là các biện pháp phòng dịch và thứ ba là tình trạng sức khỏe của tổng thống Mỹ, sự minh bạch thông tin và việc lây lan virus ở Nhà Trắng có tác động đến chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ, vốn dĩ chỉ còn một tháng nữa là sẽ diễn ra.

Thị trường chứng khoán Mỹ chuẩn bị tình huống xấu nhất

Tờ báo cũng đặt ra một loạt câu hỏi xung quanh ca nhiễm Covid nhắn vào nhân vật số 1 thế giới cùng với các kịch bản có thể xảy ra cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây.

Trên khía cạnh kinh tế, Les Echos ghi nhận việc tổng thống Donald Trump nhập viện đã không chỉ gây thiệt hại cho thị trường chứng khoán Mỹ ngay trong ngày cuối tuần trước mà giờ đây thị trường tài chính Mỹ còn đang lo sợ phải đối mặt với một kịch bản tồi tệ nhất của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới : kết quả bầu cử không những khó lường mà còn rất có thể gây tranh cãi.

Theo Les Echos, tổng thống Donald Trump đã tỏ thái độ hoài nghi về khả năng gian lận trong bầu cử, nhất là bầu cử qua thư do tình hình dịch bệnh và có thể ông sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử nếu bị thua cuộc. Thêm vào đó, một lượng phiếu bầu khá lớn được thực hiện qua đường bưu điện và kết quả kiểm phiếu sẽ rất khó khăn và phức tạp, có khi phải đợi nhiều tuần lễ mới có. Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ đang chuẩn bị đối mặt với những kịch bản đen tối nhất.

Xu hướng đơn phương của Mỹ khiến thế giới mất phương hướng

Cũng liên quan đến nước Mỹ dưới thời Donald Trump, nhật báo Les Echos có bài phân tích mang tựa đề: “Vì sao nước Mỹ thoái lui vai trò thế giới có nguy cơ không thể đảo ngược được”.

Bài viết đặt vấn đề: Còn đâu vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trước đại dịch Covid-19 và với thế giới ? Nước Mỹ không còn là siêu cường sau chiến tranh lạnh, không còn hấp dẫn được nhiều đồng minh châu Âu, châu Á đã có trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng châu Âu hay Trung Quốc cũng không thể thực thi vai trò lãnh đạo thế giới. Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 là một dấu hiệu nữa về một thế giới đang mất phương hướng. Đó là hệ quả của xu hướng mà chính quyền của tổng thống Trump đã tạo ra : đơn phương hành động, bất cần ngoại giao.

Theo bài báo, xu hướng này có nguy cơ không thể đảo ngược cho dù chính trường Mỹ sắp tới có thay đổi hay không. Bài báo kết luận: “Nước Mỹ vẫn là cường quốc quân sự số 1 thế giới, nhưng “quyền lực mềm”, sự tỏa sáng của văn hóa, lối sống và sức sáng tạo của nước Mỹ đã bị xói mòn. Người kế tục Trump vào tháng Giêng 2021 hay vào năm 2025, cũng khó mà có thể đánh bóng lại hình ảnh lãnh đạo thế giới của Mỹ. Nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn khi mà cường quốc Trung Quốc vẫn tiếp tục trỗi dậy dù có Trump hay không.”

Pháp : Làn sóng dịch virus corona thứ hai đang nổi lên ở mức báo động

“Covid-19: Paris chuyển thành vùng báo động tối đa” là hàng tựa có thể thấy trên các mặt báo ra hôm nay. Le Figaro cho hay : Đại dịch tiếp tục lây lan mạnh ở Pháp, liên tục những ngày qua, số ca nhiễm tăng vọt, hàng loạt các chỉ số lây nhiễm, khả năng ứng phó của các bệnh viện đều vượt ngưỡng báo động ở nhiều địa phương và thành phố lớn của nước Pháp.

Tối hôm qua, chính phủ quyết định đặt Paris và vùng phụ cận trong tình trạng báo động tối đa. Như vậy từ thứ Ba (06/10), các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt sẽ được triển khai tại Paris và 3 tỉnh nằm sát cạnh. Trước mắt trong vòng 15 ngày, theo đó, các quán bar buộc phải đóng cửa, quán ăn có thể được mở cửa nhưng phải thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch nghiêm ngặt mới. Các trường đại học buộc phải giảm sĩ số sinh viên có mặt trên lớp xuống một nửa, các bệnh viện triển khai kế hoạch tăng cường nhân viên y tế và giường bệnh …

Mùa hè vừa qua, chính phủ Pháp đã hy vọng lật sang trang mới hậu Covid-19 để khẩn trương khắc phục hậu quả, triển khai các cải cách nhưng khi vừa bước vào mùa thu virus corona đã trở lại làm đảo lộn mọi kế hoạch của chính phủ Macron. Các báo đều ghi nhận thấy những ngày qua, chính phủ cố nghe ngóng thăm dò tình hình để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch theo kiểu “ăn đong từng ngày” .

Libération đặt vấn đề: một trong những nguyên nhân để làn sóng dịch thứ 2 bùng lên trở lại chính là những đánh giá lạc quan của nhiều chuyên gia y học được sự giúp sức của truyền thông, nhằm trấn an dân chúng. Ý kiến của các chuyên gia hàng đầu về vi trùng học, bệnh nhiễm trùng, các giáo sư dịch tễ học được truyền thông tích cực đăng tải. Họ đều cho rằng dịch đã ở giai đoạn cuối, virus đã trở nên suy yếu, kém nguy hiểm và các rào cản phòng chống dịch của chính phủ trong những tuần trước đó đã triệt tiêu tự do, cản trở đời sống xã hội một cách vô ích…

Các luận điểm như vậy đã khiến người dân hạ thấp mối đe dọa có thực của bệnh dịch và lơ là các biện pháp phòng dịch. Trong khi đó, chính phủ xử lý tình hình không rõ ràng, dứt khoát và thiếu phối hợp đồng bộ, đợi nước đến chân mới nhảy, tờ báo khẳng định.

Xung đột Armenia – Azerbaidjan : Sự lựa chọn lưỡng nan của Putin

Một thời sự nóng khác đang diễn ra cũng được các báo quan tâm là cuộc xung đột vũ trang giữa Azerbaidjan và Armenia tại Thượng Karabakh. Nhật báo le Monde có đề cập đến vai trò của Nga trong cuộc xung đột đã diễn ra từ một tuần nay và vẫn không có dấu hiệu nào giảm nhiệt.

Le Monde ghi nhận từ đầu cuộc xung đột, chủ nhân điện Kremlin Vladimir Putin vẫn giữ thái độ cân bằng giữa Erevan và Baku, nhưng với diễn tiến tình hình gần đây, xem ra Matxcơva khó có thể duy trì lập trường như vậy. Nhưng đó sẽ là một sự “lựa chọn lưỡng nan của ông Putin”.

Le Monde nhận thấy cuộc xung đột giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ xung quanh một vùng đất tự trị đang đặt Nga vào tình thế tế nhị. Từ nhiều thập kỷ qua, Nga vẫn luôn đóng vai trò trọng tài trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ kiểu thế này mà vẫn bảo đảm bán vũ khí, gây được ảnh hưởng với các bên. Giờ đây, với việc Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện và đứng về phía Azerbaidjan, tình hình trở nên phức tạp và xấu đi khiến tổng thống Nga Putin có thể buộc phải có lựa chọn không hề dễ dàng.

Nếu ủng hộ Erevan chống lại Bakou, Nga sẽ bị mất sân sau Azerbaidjan, đối đầu với thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Nga và Armenia đã ký với nhau thỏa thuận quốc phòng, dù thỏa thuận này không liên quan gì đến khu vực Karabakh. Le Monde nhận xét, Nga đang cố gắng dàn hòa hai bên tham chiến nhưng có vẻ như không còn có thể áp đặt ý kiến của mình cho cả Erevan cũng như Bakou.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201005-donald-trump-nhi%E1%BB%85m-covid-19-ch%C3%ADnh-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-m%E1%BB%B9-c%C5%A9ng-ph%C3%A1t-s%E1%BB%91t

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Anh Quốc mở phiên xử 4 nghi phạm trong vụ xe tải đưa người việt nhập cư trái phép vào Anh. 

39 xác nạn nhân, tất cả là người Việt, được phát hiện trong xe ngày 23/10/2019, ở ngoại ô phía đông Luân Đôn. Phiên xử đầu tiên mở ra ngày 05/10/2020 tại Luân Đôn. Bốn bị cáo tuổi từ 23 đến 43 trình diện tòa án Luân Đôn. Cả bốn cùng bị ghép vào tội ngộ sát hoặc tội tham gia một đường dây đưa người nhập cư trái phép vào Anh Quốc. Hai nghi can chính là tài xế chiếc xe tải và 1 người Bắc Ailen thì sẽ bị xử trong một phiên tòa khác.

(Taiwan News) – Máy bay chống tầu ngầm của Trung Quốc xâm phạm ADIZ của Đài Loan. 

Ngày 04/10/2020, Bộ chỉ huy Không Quân Đài Loan cho biết một máy bay Y-8 của Trung Quốc đã bay vào góc phía tây nam của Vùng Nhận dạng Phòng không Đài Loan (ADIZ) vào ngày 03/10. Không Quân Đài Loan đã phải huy động chiến đấu cơ, phát cảnh báo radio và triển khai hệ thống tên lửa phòng không để theo dõi máy bay chống tầu ngầm của Trung Quốc. Đây là « sự cố » thứ 11 từ ngày 16/09 và trùng với thời điểm một tầu chiến của Canada, từ Biển Đông đi qua eo biển Đài Loan để ngược lên phía bắc.

(AFP) – 8 người thiệt mạng trong một vụ khủng bố tự sát tại Afghanistan. 

Vào lúc tổng thống Ashraf Ghani đến Qatartham dự hòa đàm với quân Taliban, ngày 05/10/2020 một kẻ khủng bố tự sát dùng xe có chứa đầy chất nổ lao vào đoàn xe của thống đốc bang Laghman, phía đông Afghanistan. 4 cận vệ của thống đốc bang và 4 thường dân tử vong. Bộ Nội Vụ Afghanistan đã xác nhận tin trên.

(AP) – Tổ Chức Y Tế : Virus corona có nguy cơ lây nhiễm cho 1/10 nhân loại. 

Sáng 05/10/2020, bác sĩ Michael Ryan cảnh báo dịch bệnh đe dọa 760 triệu người trên hành tinh. Tuy nhiên sẽ có những khác biệt về mức độ lây lan tùy theo vùng ở thành phố hay nông thôn. Tới nay, theo thống kê của đại học Mỹ Johns Hopkins, có hơn 35 triệu người trên thế giới dương tính với virus corona.

(AFP) – Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tự cách ly sau khi tiếp xúc với một ca dương tính Covid-19. 

Trên Twitter, ngày 05/10/2020, lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu cho biết bà không bị nhiễm nhưng tự cách ly cho đến hết sáng 06/10/2020. Tuần trước, bà tham dự một cuộc họp mà một trong số những người tham gia bị nhiễm virus corona. Bà Von der Leyen tự cách ly từ Thứ Ba 29/09/2020 và sẽ có thể trở lại làm việc bình thường sau khi trải qua hai đợt xét nghiệm.

(France Info) – Nouvelle-Calédonie tiếp tục ở lại với nước Pháp. 

53,26% cử tri Nouvelle-Calédonie đã bỏ phiếu « không » độc lập trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 04/10/2020. Dù tỉ lệ này giảm so với năm 2018 (56%), nhưng Nouvelle-Calédonie tiếp tục là một phần lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Chênh lệch giữa bên ủng hộ độc lập và bên phản đối ngày càng rút ngắn còn cho thấy xã hội Nouvelle-Calédonie bị chia rẽ rõ ràng hơn. Tổng thống Emmanuel Macron muốn đối thoại với phe đòi độc lập vì theo ông, « chỉ cùng nhau chúng ta mới xây dựng được vùng Nouvelle-Calédonie của tương lai ».

(AFP) – Công luận Nhật xúc động vì cái chết của nhà tạo mẫu Kenzo. 

Tin nhà tạo mẫu Kenzo Takada qua đời hôm 04/10/2020 tại Paris, thọ 81 tuổi vì Covid-19, làm công luận Nhật ngỡ ngàng. Từ phát ngôn viên của phủ thủ tướng Nhật đến thống đốc Tokyo cùng bày tỏ « thương tiếc » và nói đến một « mất mát lớn ». Kenzo là nhà tạo mẫu đầu tiên của Nhật Bản thành công tại Paris và ông đã gây dựng gần như toàn bộ sự nghiệp trên đất Pháp. Từ nước hoa Kenzo đến những bộ sưu tập kimono mang tên ông đều đã trở nên quen thuộc với giới yêu thời trang của thế giới.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201005-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 5/10:

Ông Pompeo gia tăng sức ép lên Bắc Kinh;

Paris bị đặt trong tình trạng cảnh báo Covid

cao nhất

Lục Du

Chào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của DKN. Sáng nay, thứ Hai (5/10), bản tin của chúng tôi có những tin sau:

Ông Pompeo gia tăng sức ép lên Bắc Kinh

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cắt ngắn chuyến công du châu Á của mình sau khi Tổng thống Trump có kết quả dương tính với nCoV, tuy nhiên ông sẽ vẫn thực hiện kế hoạch gây sức ép lên Bắc Kinh trong chuyến đi này, theo SCMP.

Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận ông Pompeo vẫn sẽ thăm Tokyo vào Chủ nhật (4/10, giờ Mỹ), nơi ông sẽ gặp các đối tác từ Australia, Ấn Độ và Nhật Bản để thảo luận về đối sách với chính quyền Trung Quốc. Ông Pompeo sẽ cắt ngắn chuyến đi bằng cách không tới thăm Hàn Quốc và Mông Cổ như lịch ban đầu.

Shi Yinhong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế của Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nhận định rằng chuyến đi rút ngắn của ông Pompeo tới châu Á sẽ không thay đổi “tiêu chuẩn mới” chống Bắc Kinh mà chính quyền Trump đã lên kế hoạch từ trước.

“Bức tranh lớn vẫn không đổi là Mỹ đang thúc đẩy Bộ tứ như một chiến tuyến mới để chống lại Trung Quốc”, ông Shi nói. “Mỹ sẽ tích cực hình thành và tăng cường các liên minh chống Trung Quốc với các nước khác trong khu vực – ví dụ như Mông Cổ, có thể xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ trong tương lai”.

Paris bị đặt trong tình trạng cảnh báo Covid cao nhất

Paris sẽ được đặt trong tình trạng cảnh báo COVID-19 tối đa, các quán bar sẽ buộc phải đóng cửa trong hai tuần kể từ thứ Ba (6/10) và các nhà hàng sẽ phải áp dụng các quy trình vệ sinh mới để duy trì hoạt động, văn phòng thủ tướng Pháp thông báo, Reuters đưa tin.

Văn phòng của Thủ tướng Jean Castex cho biết không có sự cải thiện nào về diễn biến dịch Covid ở khu vực Paris kể từ tuần trước khi thủ đô nước Pháp hội đủ cả ba tiêu chí của chính phủ đối với địa phương cần ban bố mức cảnh báo cao nhất.

Hình thức làm việc tại nhà nên được ưu tiên “ngay bây giờ và hơn bao giờ hết” ở khu vực Paris và các giảng đường đại học không được lấp đầy quá nửa, văn phòng của Thủ tướng Castex đưa ra yêu cầu trong một tuyên bố.

Theo quy định của chính phủ Pháp, một thành phố được đặt trong tình trạng cảnh báo tối đa khi tỷ lệ nhiễm virus Vũ Hán vượt quá 100 ca trên 100.000 người cao tuổi và 250 trên 100.000 trong cộng đồng nói chung, đồng thời số người nhiễm viêm phổi Vũ Hán chiếm ít nhất 30% số giường bệnh.

Nhật-Hàn muốn nối lại hoạt động giao lưu

Nhật Bản và Hàn Quốc rất có thể sẽ sớm đi tới thống nhất trong tuần này về việc nối lại các hoạt động giao lưu ngắn hoặc dài hạn giữa công dân hai quốc gia, theo Nikkei.

Những du khách của hai nước lưu trú ngắn hạn sẽ có thể bỏ qua đợt kiểm dịch bắt buộc hai tuần khi nhập cảnh nếu họ cung cấp bằng chứng xét nghiệm Covid âm tính cùng với hành trình chuyến đi. Những người đến lưu trú dài hạn, chẳng hạn như công nhân thường trú, có thể nhập cảnh với một xét nghiệm và hai tuần tự cách ly. Thỏa thuận này dự kiến sẽ có hiệu lực ngay trong tháng 10.

Động thái này nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế ở cả hai nước. Chính phủ và liên minh cầm quyền của Nhật Bản cũng hy vọng rằng việc này sẽ giúp hàn gắn mối quan hệ với Seoul vốn đã rạn nứt do các vấn đề bao gồm hạn chế xuất khẩu và bồi thường cho lao động cưỡng bức thời chiến.

Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan tiếp tục diễn ra

Cuộc giao tranh giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan tiếp tục nổ ra vào Chủ nhật (4/10) trên vùng lãnh thổ ly khai Nagorno-Karabakh. Azerbaijan cáo buộc Armenia nhắm mục tiêu vào các thành phố nằm ngoài khu vực xung đột, theo AP.

Hikmet Hajiyev, phụ tá của Tổng thống Azerbaijan, hôm Chủ nhật nói rằng Armenia đã nhắm mục tiêu vào các thành phố lớn Ganja và Mingachevir của Azerbaijan bằng các cuộc tấn công tên lửa.

Các cuộc đụng độ giữa hai nước láng giềng bắt đầu nổ ra vào ngày 27/9 khiến hàng chục người thiệt mạng, đánh dấu sự leo thang lớn nhất trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua ở khu vực Nagorno-Karabakh, vốn nằm trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng thuộc quyền kiểm soát thực tế của người Armenia sinh sống trong khu vực.

Lãnh đạo phe đối lập Belarus sẽ gặp thủ tướng Đức

Lãnh đạo phe đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya sẽ gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin vào thứ Ba (6/10) để thảo luận về bế tắc chính trị đang diễn ra ở Belarus, theo The Guardian.

Tikhanovskaya cho biết bà sẽ đề nghị thủ tướng Đức tham gia làm trung gian thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa người biểu tình và chính phủ Alexander Lukashenko, người được Tổng thống Nga Vladimir Putin hậu thuẫn và đã tuyên bố không thảo luận với phe đối lập.

Bà Tikhanovskaya cho biết: “Chúng tôi sẽ thảo luận về cách gây áp lực lên [chính phủ] Belarus, bởi vì người dân Belarus nghĩ rằng chỉ với áp lực, chúng tôi mới có thể buộc chính quyền đối thoại với người dân”.

Hiện bà Tikhanovskaya đang sống lưu vong tại thủ đô Litva. Tikhanovskaya đã buộc phải chạy khỏi Belarus vì bị chính phủ Lukashenko đe dọa, sau khi bà tham gia tranh cử với người đã nắm giữ chức tổng thống Belarus 26 năm và bị cho là gian lận để giành chiến thắng trước bà trong cuộc bỏ phiếu hồi đầu tháng 8.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-5-10-ong-pompeo-gia-tang-suc-ep-len-bac-kinh-paris-bi-dat-trong-tinh-trang-canh-bao-covid-cao-nhat.html

 

Điểm tin thế giới tối 5/10:

Anh xét xử 4 bị cáo vụ 39 người Việt tử vong

trong container

Triệu Hằng

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Hai (5/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Anh xét xử 4 bị cáo vụ 39 người Việt tử vong trong container

4 bị cáo liên quan vụ 39 người Việt chết trong container xe tải ở đông nam nước Anh năm ngoái đã bị đưa ra tòa án London, Anh xét xử vào hôm nay. Vụ việc thu hút sự quan tâm của công luận Việt Nam và sự chú ý của truyền thông quốc tế.

Tòa đại hình Old Bailey hôm nay bắt đầu xét xử các bị cáo với nhiều tội danh, từ ngộ sát cho đến âm mưu thực hiện hành vi nhập cư trái phép. Trong số này không bao gồm người lái xe tải container Maurice Robinson, 25 tuổi, người Bắc Ireland. Người này đã lái chiếc xe tải lên một chuyến phà từ cảng Zeebrugge của Bỉ vào đầu giờ ngày 23/10/2019. Robinson đã nhận 39 tội ngộ sát và một tội âm thực hiện hành vi nhập cư trái phép tại một phiên tòa hồi tháng Tư. Một nghi phạm khác là Ronan Hughes, 40 tuổi, cũng người Bắc Ireland, đã thừa nhận các tội danh tương tự trong phiên tòa hôm 28/8 và không xuất hiện trong phiên tòa hôm nay. Tại một phiên tòa về dẫn độ ở Dublin hôm 15/5, Hughes được mô tả là “kẻ cầm đầu” của một đường dây buôn người. Robinson và Hughes sẽ bị tòa án Anh kết án sau.

Theo France24, hơn hai mươi nghi phạm khác đã bị bắt vào tháng Năm vì liên quan đến đường dây buôn người ở Pháp, Bỉ và Đức. AFP dẫn nguồn tin tiết lộ, một nhân vật được cho là chủ chốt trong đường dây buôn lậu này có biệt danh là “The Bald Duke” đã bị bắt tại vùng Thượng lưu sông Rhine của Đức.

Máy bay Mỹ xuất hiện tại các điểm nóng

Trong vòng 24 giờ qua, các máy bay của Không quân (USAF) và Hải quân Hoa Kỳ đã xuất hiện một cách đáng chú ý tại các điểm nóng trên thế giới, theo quan sát của tài khoản Twitter CANUK78 chuyên theo dõi hoạt động hàng không.

Trong số này, máy bay săn ngầm Boeing P-8A Thần biển (Poseidon) hướng tới #EastChinaSea #TORA11 60-0339 pic.twitter.com/W9i4zsqajy

— CANUK78 (@is_keelu) October 5, 2020 “>Biển Đông, nơi Trung Quốc có yêu sách chủ quyền tranh chấp với nhiều nước trong khu vực, và một máy bay tiếp nhiên liệu Boeing KC-135R Stratotanker bay qua #EastChinaSea #TORA11 60-0339 pic.twitter.com/W9i4zsqajy

— CANUK78 (@is_keelu) October 5, 2020 “>Biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc có yêu sách chủ quyền tranh chấp với Nhật Bản. Cũng theo CANUK78, một máy bay Boeing KC-135R Stratotanker đã bay qua #Afghanistan pic.twitter.com/qiWVxWK0aU

— CANUK78 (@is_keelu) October 4, 2020 “>Afghanistan, và tương tự ở #Iraq pic.twitter.com/eTQFrPfoaY

— CANUK78 (@is_keelu) October 4, 2020 “>Iraq. Một #Greece #SMIRK9 62-4125 pic.twitter.com/kBxOWmQYFP

— CANUK78 (@is_keelu) October 5, 2020 “>Boeing RC-135W Rivet Joint của USAF được thấy ở ngoài khơi bờ biển Hy Lạp, nơi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Athens đang căng thẳng tranh chấp vùng đông Địa Trung Hải.

Trong khoảng thời gian máy bay Mỹ rà soát trên các khu vực nói trên, một máy bay #AWACS

Off the coast of #Japan

64-3501 (N767JA) pic.twitter.com/Wa9c3EJfIl

— CANUK78 (@is_keelu) October 5, 2020 “>Boeing E-767 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (JASDF) và một máy bay #Japan?#STRIKE01 #87CC3C pic.twitter.com/ynYbyPjukt

— CANUK78 (@is_keelu) October 5, 2020 “>Mitsubishi F-15 bay ngoài khơi bờ biển Nhật Bản.

Thượng Nghị sĩ Séc sẽ ký thỏa thuận hợp tác với Đài Loan

Thượng Nghị sĩ Séc Jiri Drahos nói với kênh truyền thông CNA trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng ông sẽ ký một thỏa thuận hợp tác với Đài Loan trong lĩnh vực kỹ thuật hóa học vào cuối tháng này, thông qua hội nghị truyền hình, theo Taiwan News. Ông Drahos không cho biết ông sẽ ký thỏa thuận với tư cách nào, nhưng ông hiện là Chủ tịch Ủy ban Thượng viện Cộng hòa Séc về Giáo dục, Khoa học, Văn hóa, Nhân quyền và kiến nghị, đồng thời ông còn là Chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật Hóa học Séc (CSCHE).

Ông Drahoš ban đầu đã định thăm Đài Loan vào ngày 21/10 cùng một phái đoàn gồm các nhà khoa học và chuyên gia an ninh mạng dự hội nghị thường niên TwIChE ở Đài Loan và “Ngày Công nghệ Đài Loan – Séc”. Tuy nhiên, chuyến thăm bị hoãn lại một phần do tình hình Covid-19 ngày càng tồi tệ ở Séc và Đài Loan thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch virus Vũ Hán.

Tổng thống Afghanistan Ghani công du Qatar trong bối cảnh đàm phán hòa bình

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đang tới Qatar để dự cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo Qatar nhưng sẽ không tổ chức cuộc gặp với các quan chức Taliban ngay cả khi các cuộc đàm phán hòa bình đang được tiến hành ở thủ đô Doha của đất nước, các quan chức cho biết hôm thứ Hai (5/10), theo Reuters.

Các cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và Taliban Afghanistan bắt đầu vào tháng trước nhằm mục đích để các bên tham chiến đồng ý giảm bạo lực và có thể có một thỏa thuận chia sẻ quyền lực mới ở Afghanistan.

Tuy nhiên, bạo lực vẫn chưa giảm bớt khi các nhà đàm phán Afghanistan lần đầu tiên tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp.

Kenzo Takada qua đời vì Covid-19

Reuters, Times, cũng như truyền thông chuyên về làng thời trang và giới nghệ thuật như Vogue, Hollywoodreporter đồng loạt đưa tin, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng người Nhật, Kenzo Takada, nổi danh với tên gọi Kenzo, người tạo dựng và thành danh với thương hiệu riêng cùng tên ở Paris trong những năm 1970, đã qua đời vào ngày Chủ nhật (4/10).

Kenzo Takada qua đời ở tuổi 81 vì các biến chứng Covid-19, ở Neuilly-sur-Seine, một khu dân cư ngoại ô phía tây thủ đô Paris, người đại diện phát ngôn của Takada nói với truyền thông Pháp. Kenzo nổi tiếng với phong cách sử dụng họa tiết rực rỡ, và hình bóng nguyên bản, lấy cảm hứng thiết kế pha trộn với văn hóa Nhật Bản, chẳng hạn như là kimono với những đường cắt tối giản. Takada cũng phát triển thương hiệu nhánh gồm các dòng nước hoa và sản phẩm chăm sóc da giúp cho công việc kinh doanh của ông phát triển nhanh chóng, nở rộ. Kenzo cũng là một trong những thương hiệu quốc tế được nhiều tín đồ thời trang ở Việt Nam ưa chuộng.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tin-tuc-the-gioi/diem-tin-the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-5-10-anh-xet-xu-4-bi-cao-vu-39-nguoi-viet-tu-vong-trong-container.html

 

Tạp chí Việt Nam

Biển Đông: Phán quyết của Tòa Trọng Tài

Thường Trực PCA và tác động đến Việt Nam

Thu Hằng

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thay đổi lập trường về những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông đề cao giá trị phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực là « một phần của luật pháp quốc tế, vượt ra ngoài mọi thỏa hiệp và ngoài tầm với của các chính phủ ».

Lời lẽ cứng rắn trong bài phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 22/09/2020 của ông Duterte khác hẳn với thái độ nhún nhường trước Bắc Kinh kể từ khi nhậm chức tổng thống. Phải chăng bốn năm « hảo hảo » với Trung Quốc mà không có kết quả đã khiến ông Duterte vỡ mộng ? Hay do Hoa Kỳ dồn dập tăng sức ép với Trung Quốc trên mọi hồ sơ, đặc biệt là việc thay đổi chính sách đối với các yêu sách hàng hải ở Biển Đông, theo phát biểu ngày 13/07/2020 của ngoại trưởng Mike Pompeo ?

Philippines khẳng định tuân thủ phán quyết của Tòa PCA và « kiên quyết phản đối những nỗ lực chống lại phán quyết này », vẫn theo bài diễn văn của tổng thống Duterte. Việt Nam là một trong những bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Vậy phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc có liên quan và có tác động như nào đến trường hợp của Việt Nam ?

Những hoạt động quân sự ngày càng rầm rộ với quy mô lớn mà Trung Quốc thường xuyên tiến hành ở Biển Đông từ đầu năm 2020 khiến Việt Nam, cũng như các nước trong khu vực, luôn trong thế phòng ngừa. Ngoài phản đối, lên án, liệu Hà Nội có tính đến phương án đưa vụ việc ra PCA như Manila đã làm năm 2016 ? Nếu có, đâu là những điểm lợi và thiệt ?

RFI Tiếng Việt phỏng vấn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, trường Sư Phạm Lyon, Pháp. Bài phỏng vấn được chia làm hai phần.

Tạp chí Việt Nam hôm nay, 05/10/2020, giới thiệu Phần 1: “Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông và tác động đến Việt Nam“.

*****

RFI : Tháng 07/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đã ra phán quyết về vụ kiện Philippines-Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Xin ông nhắc lại một số ý chính trong phán quyết này !

Laurent Gédéon : Tòa Trọng Tài Thường Trực được Philippines viện đến để đưa ra những điểm cụ thể liên quan đến Biển Đông, như hiệu lực các quyền truyền thống, lịch sử, của Trung Quốc, « đường chín đoạn », quy chế của các đảo và đá khác nhau, những ảnh hưởng đến môi trường do việc bồi đắp một số đảo và cuối cùng là việc Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động sau khi Philippines đã nộp đơn kiện.

Về những quyền lịch sử và « đường 9 đoạn » mà Trung Quốc tự vẽ, Tòa Trọng Tài Thường Trực đã bác những yêu sách có lợi cho Trung Quốc về những « quyền lịch sử » dù là ở vùng biển trong phạm vi « đường 9 đoạn », những yêu sách về những nguồn tài nguyên sinh vật hoặc phi sinh vật trong khu vực đó, nói một cách khác là trong gần như hầu hết Biển Đông. Tòa PCA cho rằng những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào, dù Tòa không phủ nhận rằng Trung Quốc có thể đã hoạt động trong toàn bộ khu vực này từ thời xa xưa và có thể đã khai thác những nguồn tài nguyên, cũng như sử dụng nhiều hòn đảo ở đó. Tuy nhiên, Tòa Trọng Tài Thường Trực đánh giá không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã độc quyền tiến hành và không bị gián đoạn.

Liên quan đến quy chế của các đảo và đá, Tòa phán quyết rằng trong khu vực biển theo đơn kiện của Philippines có những thực thể không thể được coi là « đảo » theo luật pháp quốc tế mà chỉ được coi đơn thuần là « đá ». Những đánh giá pháp lý này có những hệ quả quan trọng, bởi vì « đảo » có thể có những khu vực biển như là lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa, trong khi « đá » không cho phép hình thành những khu vực như trên.

Về điểm này, Tòa Trọng Tài Thường Trực đã khẳng định rằng những « đá » ở Biển Đông phải được nhìn nhận đúng với thực trạng tự nhiên ban đầu của chúng. Vì thế, dù nếu có chỉnh trang, bồi đắp hay đưa dân cư đến sinh sống mà trước đó không hề có, để biến một « đá » thành « đảo », thì luật pháp quốc tế không công nhận đó là một hòn đảo, và như vậy sẽ không có những vùng lãnh hải như vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Tóm lại, theo quan điểm của luật pháp quốc tế, tất cả những công trình bồi đắp các thực thể mà chính quyền Bắc Kinh tiến hành đều vô hiệu.

Tiếp theo, liên quan đến tình trạng môi trường và môi trường biển, phán quyết của Tòa đã nêu rằng những hoạt động của Trung Quốc về mặt đánh bắt hải sản và bồi đắp các đảo đã tác động nghiêm trọng đến môi trường. Ngoài ra, Trung Quốc đã không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ và bảo tồn ở Biển Đông.

Cuối cùng, Tòa Trọng Tài Thường Trực cho rằng Trung Quốc đã vi phạm những nghĩa vụ quốc tế của mình vì trong tiến trình xét xử, Bắc Kinh vẫn tiếp tục các hoạt động bị phản đối, lên án.

RFI : Vậy phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực tác động thế nào đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Việt Nam và Philippines ?

Laurent Gédéon : Hiện tại, Việt Nam đang kiểm soát 26 đảo và đá thuộc quần đảo Trường Sa. Nhưng khi nhìn kỹ bản đồ, người ta thấy là 4/5 số đảo và đá này nằm trong phần mà Philippines đòi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Đây chính là điểm trọng tâm tranh chấp tương lai giữa Việt Nam và Philippines trong trường hợp hai nước đối đầu về vấn đề quần đảo Trường Sa.

Nếu căn cứ vào phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/07/2016, cũng như việc áp dụng phán quyết này đối với trường hợp Việt Nam, có thể thấy Việt Nam nhất trí với Philippines chỉ ở một điểm và đối lập ở ba điểm.

Trước hết, Hà Nội và Manila nhất trí ở yêu sách « đường 9 đoạn » của Bắc Kinh, có nghĩa là hai nước cùng bác bỏ lập trường đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Ngược lại, đối với những quyền lịch sử, người ta nhận thấy là lập trường của Việt Nam tương tự với lập trường của Trung Quốc, bởi vì cả Hà Nội cũng như Bắc Kinh đều lập luận theo « nguyên tắc lịch sử lâu đời », dựa vào các hoạt động thường xuyên trong quá khứ ở những hòn đảo này và việc này được các thủy thủ, ngư dân Việt Nam hay Trung Quốc ghi chép lại.

Nhưng chúng ta đã thấy là lập luận này, nếu không có bằng chứng về « sự hiện diện thường trực » và « độc quyền quản lý » các nguồn tài nguyên kinh tế, thì sẽ không được chấp nhận về mặt pháp lý. Về điểm này, Việt Nam có lẽ phải thay đổi cách lập luận nếu muốn nhận được sự hỗ trợ pháp lý của Tòa.

Tương tự, liên quan đến quy chế các đảo – đá, Việt Nam, dù không làm mạnh như Trung Quốc, nhưng cũng tiến hành bồi đắp, như trường hợp đảo Sơn Ca (Sand Cay) ở Trường Sa. Và như đã nói ở trên, cách làm này là vô hiệu và không được công nhận. Ngoài ra, những hoạt động bồi đắp này còn gây thiệt hại cho môi trường mà Việt Nam có thể bị Tòa Trọng Tài Thường Trực lên án.

Tóm lại, về phương diện pháp lý, chúng ta thấy là phán quyết của Tòa PCA có tác động thực sự đến tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Philippines. Nếu muốn đạt được tiến triển về mặt pháp lý, Hà Nội cần phải xem lại các lập luận của mình.

RFI : Liệu Philippines có thể áp dụng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực vào trường hợp tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Việt Nam không ?

Laurent Gédéon : Trước hết phải nhắc đến một điểm lưu ý quan trọng : Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực là phán quyết mang tính bắt buộc về mặt pháp lý. Nói một cách khác, thủ tục trọng tài là tùy chọn, các bên không bị bắt buộc phải kiện lên Tòa, nhưng việc thi hành phán quyết mà Tòa Trọng Tài Thường Trực đưa ra là điều bắt buộc. Tuy nhiên, nếu một trong các bên từ chối áp dụng phán quyết, Tòa PCA cũng không có phương tiện để bắt buộc thực hiện phán quyết đó.

Liệu Philippines có thể áp dụng phán quyết năm 2016 trong trường hợp tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở Biển Đông hay không ? Tôi cho rằng câu trả lời cho câu hỏi này mang tính chính trị. Phán quyết trọng tài đã trả lời cho những câu hỏi được Philippines đặt ra và liên quan đến trường hợp Trung Quốc, chứ không liên quan đến Việt Nam. Để Việt Nam cũng bị liên quan đến vấn đề này, phía Philippines phải viện đến Tòa PCA một lần nữa về trường hợp của Việt Nam và Tòa phải ra phán quyết. Tuy nhiên, nếu nhìn vào phán quyết liên quan đến Trung Quốc, có thể thấy rằng Việt Nam sẽ phản đối những lập luận pháp lý của Tòa.

Vì vậy, cũng cần xem Việt Nam có thể sẽ có lập trường như thế nào trong trường hợp Philippines viện đến Tòa, vì phía Việt Nam có thể có hai khả năng : Công nhận thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực và chấp nhận tiến trình trọng tài của Tòa hoặc như trường hợp Trung Quốc, từ chối thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Cần nhắc lại rằng Bắc Kinh đã từ chối thẩm quyền của Tòa Trọng Tài La Haye. Ngoài ra, vào đúng vào ngày 12/07/2016 khi Tòa ra phán quyết, Trung Quốc đã ra tuyên bố, thông qua bộ Ngoại Giao nước này, rằng phán quyết của Tòa là vô hiệu, không mang tính ràng buộc đối với Trung Quốc và Bắc Kinh không công nhận, cũng như không thừa nhận phán quyết của Tòa.

Lời từ chối này đẩy Bắc Kinh vào thế khó vì Trung Quốc đã phê chuẩn Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và phải theo toàn bộ công ước này. Việc từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế mang lại hình ảnh tiêu cực, cũng như ảnh hưởng đến uy tín của nước này. Trường hợp này cũng có thể đến với Việt Nam.

Trở lại với Philippines, về mặt pháp lý, lập trường của Manila được tăng cường nhờ việc phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực không công nhận các yêu sách vùng đặc quyền kinh tế của tất cả các bên tranh chấp, đối với các thực thể địa lý tại Biển Đông. Tuy nhiên, có một điểm quan trọng, đó là Tòa đã không phán quyết về tình trạng của các đảo và đảo nhỏ, đặc biệt là Tòa đã không giải quyết vấn đề

quyền sở hữu đối với các thực thể đó, tại vì Tòa Trọng Tài Thường Trực không có thẩm quyền ra phán quyết về vấn đề chủ quyền.

Về tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở Biển Đông, Philippines ở vào thế tế nhị bởi vì Manila không thể dựa vào quyết định pháp lý theo luật quốc tế để khẳng định chủ quyền đối với những hòn đảo mà Philippines đang kiểm soát. Trường hợp của Việt Nam cũng tương tự. Vì thế, giải pháp còn lại đối với Philippines là mở đàm phán, kể cả với Việt Nam. Nhưng điều này đòi hỏi nhiều điều kiện, mà trước mắt là Philippines và Việt Nam phải tỏ thiện chí đạt được một giải pháp công bằng, tiếp theo cũng cần chấp nhận điều kiện là trong quá trình đàm phán, có sự tham gia của một số quốc gia khác quan tâm đến vấn đề các đảo ở Trường Sa.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon, Pháp.

*****

Tạp chí Việt Nam (12/10/2020): Phần 2 : Nếu kiện, phán quyết của Tòa PCA tác động như nào đến đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam ?

Nhà nghiên cứu Pháp Laurent Gédéon phân tích về những điểm lợi và thiệt đối với Việt Nam nếu Hà Nội quyết định đưa vấn đề Biển Đông ra Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20201005-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-ph%C3%A1n-quy%E1%BA%BFt-c%E1%BB%A7a-t%C3%B2a-tr%E1%BB%8Dng-t%C3%A0i-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-tr%E1%BB%B1c-pca-v%C3%A0-t%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BA%BFn-vi%E1%BB%87t-nam