Tin khắp nơi – 03/10/2020
Virus corona: Tổng thống Donald Trump nhập viện
Tổng thống Mỹ Donald Trump được đưa đến bệnh viện chưa đầy 24 giờ sau khi xét nghiệm dương tính với virus corona và được điều trị bằng Remdesivir.
Nhà Trắng cho biết ông đang cảm thấy “mệt mỏi nhưng tinh thần tốt” và đang trải qua các triệu chứng nhẹ.
Ông Trump – người bị sốt – cho biết vào đầu ngày thứ Sáu, ông và Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Covid gây nguy hiểm tới đâu cho sức khoẻ ông Trump?
Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân dương tính với Covid-19
Tranh luận Trump – Biden: Truyền thông thế giới phản ứng thế nào
Làm thế nào để tránh ‘vết xe đổ’ tranh luận Trump-Biden
Đây có thể là một bước lùi khi ông Trump đang theo sau đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tổng thống trông như thế nào vào thứ Sáu?
Đeo khẩu trang và mặc vest, ông Trump bước qua bãi cỏ Nhà Trắng vào chiều thứ Sáu, tiến về chiếc trực thăng riêng, Marine One, để đến Bệnh viện Quân đội Quốc gia Walter Reed tại ngoại ô Washington.
Ông vẫy tay chào các phóng viên nhưng không nói gì trước khi lên máy bay.
Trong một video đăng trên Twitter, ông Trump nói: “Tôi muốn cảm ơn mọi người vì sự ủng hộ to lớn. Tôi sẽ đến bệnh viện Walter Reed. Tôi nghĩ mình ổn.
“Nhưng chúng tôi đảm bảo rằng mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Đệ nhất phu nhân hiện đang ổn. Vì vậy, cảm ơn quy’ vị rất nhiều, tôi đánh giá cao điều này, tôi sẽ không bao giờ quên – cảm ơn quy’ vị.”
Các con của tổng thống, Ivanka và Eric, đã tweet lại video của ông, ca ngợi ông là một “chiến binh”. Bà Ivanka nói thêm: “Con yêu bố.”
Khi đến Walter Reed, tổng thống không đến phòng cấp cứu để điều trị mà đến thẳng Phòng Tổng thống của bệnh viện, theo CBS News, đối tác của BBC tại Mỹ.
Nhà Trắng nói gì?
Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết trong một tuyên bố: “Tổng thống Trump vẫn giữ tinh thần tốt, có các triệu chứng nhẹ và đã làm việc suốt cả ngày.
“Để thận trọng, và theo đề nghị của bác sĩ và các chuyên gia y tế, tổng thống sẽ làm việc tại văn phòng tổng thống tại Walter Reed trong vài ngày tới.
“Tổng thống Trump đánh giá cao sự ủng hộ dành cho cả ông ấy và đệ nhất phu nhân.”
Các triệu chứng của ông Trump bao gồm sốt nhẹ, theo CBS.
Walter Reed, ở ngoại ô Washington DC, là một trong những trung tâm quân y lớn nhất và nổi tiếng nhất của Mỹ. Đây là nơi các Tổng thống Mỹ thường đến kiểm tra sức khỏe hàng năm.
Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Alyssa Farah cho biết tổng thống chưa chuyển giao quyền cho Phó Tổng thống Mike Pence.
“Tổng thống đang nắm quyền,” bà nói.
Nhưng ông đã rút khỏi cuộc họp video với những cao niên dễ bị tổn thương được lên lịch vào thứ Sáu, và để ông Pence chủ trì cuộc họp.
Theo hiến pháp Hoa Kỳ, nếu ông Trump bị ốm quá nặng để thực hiện nhiệm vụ của mình, ông có thể tạm thời giao quyền hạn của mình cho phó tổng thống. Điều đó có nghĩa là Mike Pence sẽ trở thành quyền tổng thống cho đến khi ông Trump khỏe mạnh trở lại và có thể tiếp tục công việc.
Một cuộc đua đã thay đổi về cơ bản
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đã đảo lộn.
Câu đó có thể được viết về bất kỳ khoảnh khắc nào trong một năm đầy biến động của chính trường Mỹ, nhưng không có gì hoàn toàn giống như điều này đã xảy ra trong năm nay, thập kỷ này, thế kỷ này.
Chỉ 32 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống, Donald Trump đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Ở tuổi 74, ông nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc các biến chứng của căn bệnh này. Ít nhất, ông sẽ phải cách ly trong khi điều trị, có nghĩa là cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ – ít nhất là về phía ông – về cơ bản đã bị thay đổi.
Những tác động ban đầu là rõ ràng. Lịch trình vận động tranh cử nghiêm ngặt của tổng thống – bao gồm các chuyến thăm đến Minnesota, Pennsylvania, Virginia, Georgia, Florida và Bắc Carolina chỉ trong tuần qua – bị trì hoãn vô thời hạn.
Trump chắc chắn sẽ có những người đại diện theo sát các diễn biến này cho ông, nhưng vì ông đã phụ thuộc rất nhiều vào gia đình và các quan chức chính quyền cấp cao và nhóm tổ chức chiến dịch cho những công việc như vậy trong quá khứ, và nhiều người trong số họ có thể phải cách ly, các hoạt động của chiến dịch tranh cử sẽ bị gián đoạn.
Tổng thống đã được điều trị gì?
Bác sĩ của ông Trump, Sean Conley, cho biết tổng thống “không cần phải tiếp oxy, nhưng tham khảo ý kiến của các chuyên gia mà chúng tôi đã chọn để bắt đầu liệu pháp Remdesivir. Ông ấy đã hoàn thành liều đầu tiên và đang nghỉ ngơi thoải mái”.
Các thử nghiệm cho thấy Remdesivir, ban đầu được phát triển như một phương pháp điều trị Ebola, phá vỡ khả năng nhân đôi của virus và có thể cắt thời gian của các triệu chứng.
Bác sĩ Sean Conley cũng cho biết trong một tuyên bố trước đó vào thứ Sáu rằng tổng thống đã “đã nhận được một liều 8g cocktail kháng thể đa dòng Regeneron như một biện pháp phòng ngừa” tại Nhà Trắng.
Thuốc được dùng để giúp giảm mức độ virus và tăng tốc độ phục hồi.
Tiến sĩ Conley nói rằng ông Trump cũng đang dùng kẽm, vitamin D, famotidine, melatonin và aspirin.
“Cho đến chiều nay, ông ấy vẫn mệt mỏi nhưng tinh thần tốt,” bác sỹ Sean Conley nói thêm. Đệ nhất phu nhân, 50 tuổi, “khỏe, chỉ bị ho nhẹ và đau đầu”.
Vào chiều thứ Sáu, bà Trump cho biết bà đang trải qua các triệu chứng nhẹ nhưng “cảm thấy tốt” và “mong được hồi phục nhanh chóng”.
Những người còn lại trong gia đình Trump, bao gồm con trai đầu Barron, người cũng sống tại Nhà Trắng, cho kết quả âm tính.
Đảng Dân chủ phản ứng như thế nào?
Ông Biden, ứng cử viên đảng Dân chủ, và vợ ông Jill cho kết quả âm tính vào thứ Sáu.
“Tôi hy vọng điều này sẽ đóng vai trò như một lời nhắc nhở,” ông Biden tweet sau khi nhận kết quả xét nghiệm. “Hãy đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội và rửa tay.”
Nhóm tổ chức chiến dịch tranh cử của Biden cho biết họ đang trong quá trình tạm thời gỡ bỏ tất cả các quảng cáo tiêu cực liên quan đến ông Trump.
Nhân viên của ông Biden cho biết ông sẽ đến Michigan vào thứ Sáu theo kế hoạch cho một số sự kiện trong chiến dịch. Ông và phu nhân đã chúc vợ chồng tổng thống mau chóng bình phục.
Phát biểu tại một sự kiện tranh cử ảo cho ông Biden, cựu Tổng thống Barack Obama cũng gửi lời chúc tốt đẹp tới ông bà Trump.
“Tất cả chúng ta là người Mỹ và chúng ta đều là con người và chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi người đều khỏe mạnh”, ông nói.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng những lời cầu nguyện của bà dành cho ông Trump đã “tăng cường” sau khi bà biết kết quả xét nghiệm virus corona dương tính và bà hy vọng chẩn đoán của ông sẽ là “kinh nghiệm học hỏi” cho đất nước.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, các đảng viên Đảng Dân chủ đã chỉ trích tổng thống vì đã bỏ qua các hướng dẫn y tế cơ bản, chẳng hạn như cách xa xã hội và đeo khẩu trang nơi công cộng – bao gồm cả những hướng dẫn do chính quyền của ông thúc đẩy. Ông Trump cũng tiếp tục tổ chức các cuộc vận động tranh cử lớn, quy tụ hàng nghìn người ủng hộ, thường không đeo khẩu trang.
Tổng thống Trump nhiễm virus như thế nào?
Không biết chính xác ông và bà Trump bị nhiễm bệnh như thế nào. Hôm thứ Năm, vợ chồng ông Trump cho biết có ý định tự cách ly sau khi một trong những trợ lý thân cận nhất của ông Trump, Hope Hicks, cho kết quả dương tính. Ngay sau đó, họ cũng nhận được kết quả xét nghiệm dương tính.
Đã có những lời chỉ trích về quyết định của ông Trump khi đi gây quỹ với sự tham dự của hàng chục người ở New Jersey vào thứ Năm, có vẻ như khi các quan chức đã biết về các triệu chứng của bà Hicks.
Các quan chức cho biết đang theo dõi lịch sử tiếp xúc của tổng thống trong những ngày gần đây.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Đảng Cộng hòa Ronna McDaniel, người đã theo sát ông Trump một tuần trước, dương tính với virus corona. Hai thượng nghị sĩ Mike Lee và Thom Tillis, những người gần đây thường xuyên tiếp xúc với tổng thống, được xác nhận dương tính vào thứ Sáu.
Cả hai người đều đã tham dự buổi ra mắt ứng cử viên Tòa án Tối cao của ông Trump, Thẩm phán Amy Coney Barrett, tại Nhà Trắng vào thứ Bảy tuần trước.
Thẩm phán Coney Barrett đã xét nghiệm dương tính với virus corona vào đầu năm nay nhưng sau đó đã hồi phục, theo các quan chức giấu tên được Washington Post trích dẫn.
Một số trợ lý hàng đầu của Nhà Trắng đã có kết quả dương tính với virus trong những tháng gần đây, bao gồm thư ký báo chí của Phó tổng thống, Katie Miller, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien và một trong những người phục vụ của ông Trump.
https://www.bbc.com/vietnamese/54397998
Tổng thống Trump gửi thông điệp cảm ơn trước khi
được chuyển đến bệnh viện quân đội Walter Reed
Triệu Hằng
Tổng thống Donald Trump hôm 2/10 trong một video được ghi hình trước đã cảm ơn người Mỹ vì “sự ủng hộ to lớn” của họ, và nói rằng ông đang “làm rất tốt” trước khi được chuyên cơ Không lực Một đưa đến Trung tâm Y tế Quân đội Walter Reed để điều trị các di chứng nhẹ sau xét nghiệm dương tính với viêm phổi Vũ Hán, theo Fox News.
Tổng thống Trump nói: “Tôi nghĩ rằng tôi đang làm rất tốt, và chúng tôi sẽ đảm bảo rằng mọi thứ diễn ra suôn sẻ”, và: “Đệ nhất Phu nhân đang làm rất tốt”.
“Cảm ơn các bạn rất nhiều. Tôi rất cảm kích. Tôi sẽ không bao giờ quên. Cảm ơn các bạn”, Tổng thống Mỹ nói.
Fox News cho hay “thông điệp của Tổng thống rất lạc quan, mặc dù giọng của ông trầm lắng hơn bình thường trong video”.
Thư ký Báo chí Toà Bạch Ốc Kayleigh McEnany hôm 2/10 cũng thông báo rằng: “Hết sức thận trọng và theo đề nghị của bác sĩ và các chuyên gia y tế, Tổng thống sẽ làm việc tại Văn phòng Tổng thống tại Walter Reed trong vài ngày tới”, và “Tổng thống Trump đánh giá cao sự ủng hộ dành cho cả ông ấy và Đệ nhất Phu nhân”.
Trước khi chuyển đến Walter Reed, vào chiều 2/10 bác sĩ Sean P. Conley, bác sĩ của tổng thống, đã cập nhật tình trạng sức khoẻ của Tổng thống Trump.Ông Conley cho biết: “Sau khi xác nhận bằng PCR về chẩn đoán của Tổng thống, như một biện pháp phòng ngừa, ông ấy đã nhận được một liều 8 gram kháng thể đa dòng Regeneron”.
“Ngoài kháng thể đa dòng, Tổng thống đã uống kẽm, Vitamin D, famotidine, melatonin và aspirin hàng ngày”, ông Conley nói. “Tính đến chiều nay, Tổng thống vẫn mệt mỏi nhưng tinh thần tốt”.
Bác sĩ Conley cho biết thêm, Tổng thống Trump đang được một nhóm chuyên gia theo dõi y tế và họ sẽ đưa ra các khuyến nghị cho Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân về các bước tiếp theo.
Bác sĩ của tổng thống cũng cho biết Đệ nhất Phu nhân Melania “vẫn khỏe mạnh, chỉ bị ho nhẹ và đau đầu, những người còn lại trong gia đình Đệ nhất Phu nhân đều khỏe mạnh và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus”.
Phu nhân Tổng thống Trump cũng đăng trên Twitter lời cảm ơn của bà gửi tới những người quan tâm, bà cho biết bà có các triệu chứng nhẹ nhưng nhìn chung là ổn và mong sớm bình phục.
Tổng thống Trump ‘rất ổn’, không cần thở oxy
Hải Lam
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump vẫn rất ổn sau khi tới Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed ở Bethesda, bang Maryland để điều trị.
Trong thông báo do văn phòng báo chí Nhà Trắng phát hành, bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley cho biết Tổng thống Trump “rất ổn”, không cần thở oxy.
“Chiều nay, với sự tham vấn của các chuyên gia từ Đại học Walter Reed và Johns Hopkins, tôi đã đề nghị chuyển Tổng thống đến Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed để theo dõi thêm. Tối nay, tôi rất vui khi được thông báo rằng Tổng thống đang rất ổn. Ông ấy không cần thở oxy nhưng với sự tham vấn của các chuyên gia, chúng tôi đã chọn bắt đầu liệu pháp Remdesivir. Tổng thống đã hoàn thành liều đầu tiên và đang nghỉ ngơi thoải mái”.
Theo The Hill, sử dụng Remdesivir đồng nghĩa với việc ông Trump đang được điều trị bằng nhiều liệu pháp. Bác sĩ Conley trước đó cho biết Tổng thống đã được tiêm kháng thể thử nghiệm do Regeneron phát triển. Ông cũng đang dùng kẽm, vitamin D, famotidine, melatonin và asprin.
Đầu năm nay, chính quyền Trump đã cấp phép sử dụng thuốc Remdesivir để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Tổng thống Trump cũng đăng Twitter thông báo tình hình của mình vài giờ sau khi nhập viện.
“Vẫn ổn, tôi nghĩ vậy. Cảm ơn tất cả mọi người. Tôi yêu mọi người”, ông Trump viết trên Twitter ngày 3/10 (giờ Việt Nam).
https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-rat-on-khong-can-tho-oxy.html
Lãnh đạo thế giới cầu chúc ông Trump mau hồi phục
Các nhà lãnh đạo và các nhân vật nổi tiếng trên thế giới ngày 2/10 gởi lời chúc tốt lành nhất đến Tổng thống Donald Trump và gia đình sau khi ông và đệ nhất phu nhân Melania Trump xét nghiệm dương tính với virus corona.
Tổng thống tiết lộ kết quả xét nghiệm của ông trên Twitter sáng sớm ngày 2/10.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus lên Twitter gửi lời chúc ông Trump và phu nhân “phục hồi hoàn toàn và nhanh chóng.”
WHO tuyên bố virus là đại dịch toàn cầu vào tháng 3. Kể từ đó, có hơn 34 triệu người xét nghiệm dương tính trên thế giới, theo con số của WHO. Trong số những người này, có hơn một triệu người đã chết.
Theo dữ liệu của WHO, Mỹ bị ảnh hưởng nặng nhất, với hơn 7,1 triệu ca được xác nhận và hơn 205.000 người thiệt mạng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đồng minh thân cận của ông Trump, là một trong những nguyên thủ đầu tiên gởi thông điệp ủng hộ. Ấn Độ, với hơn 1,3 tỉ dân, bị ảnh hưởng vì COVID hàng thứ hai thế giới, với gần 6,4 triệu ca nhiễm và trên 99.000 người chết.
Trong thông điệp đưa lên trang chính thức của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin chúc ông Trump khỏe mạnh, nói rằng “Tôi chắc chắn là năng lực dồi dào, tinh thần cao độ và tính lạc quan sẽ giúp Ngài đối phó với virus nguy hiểm này.” Nga có gần 1,2 triệu ca nhiễm được xác nhận và gần 21.000 người chết vì COVID.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra tuyên bố hôm 2/10 qua một phát ngôn viên rằng “Tôi gởi Donald và Melania Trump những lời chúc tốt lành nhất của tôi. Tôi hy vọng ông bà sẽ phục hồi tốt và sẽ sớm bình phục hoàn toàn.” Đức báo cáo trên 291.000 ca nhiễm và ít nhất 9.500 người chết vì COVID.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, 55 tuổi, người bị nhiễm COVID cuối tháng 3 trong lúc cao điểm của đại dịch tại Anh, cũng gởi lời chúc tốt lành. Đầu tháng 4, ông Johnson từng được đưa vào một bệnh viện ở Anh và phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt vì COVID. Anh báo cáo 453.000 ca nhiễm và hơn 42.000 người chết vì virus corona, theo WHO. Anh dường như đang trải qua đợt lây nhiễm thứ hai.
Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, vừa gặp ông Trump tại Washington giữa tháng 9 để ký Hiệp ước hòa bình Abraham cùng với lãnh đạo Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Ông
Netanyahu cũng gởi lời chúc ông Trump sớm bình phục. Israel báo cáo hơn 238.000 ca nhiễm, trên 1.500 người chết.
Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani, gởi lời chúc tốt lành đến ông Trump trên tài khoản chính thức của ông. Afghanistan báo cáo hơn 39.000 ca nhiễm và trên 1.400 người thiệt mạng.
Lãnh đạo cô lập của Triều Tiên Kim Jong Un chưa đưa ra phản ứng công khai, theo một tổ chức theo dõi chặt chẽ những loan báo của ông này trên truyền thông nhà nước. Các giới chức y tế toàn cầu không có dữ liệu về Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng chưa báo cáo ca COVID nào dù COVID xuất từ nước láng giềng Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng chưa có phản ứng tức thì về tin ông Trump nhiễm COVID trên bất cứ trang mạng nào.
Virus corona chủng mới xuất hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào tháng12 năm ngoái. Các giới chức Trung Quốc báo cáo có hơn 91.000 ca nhiễm và 4.700 người chết trước khi COVID dường như hạ giảm tại đây hồi tháng 4.
Cử tri lớn tuổi nghĩ gì
về tin Tổng thống Donald Trump nhiễm Covid-19?
Chỉ một tháng trước ngày bầu cử, các cử tri Mỹ được tin Tổng thống Donald Trump bị nhiễm Covid-19.
Ông Trump hiện đang có triệu chứng nhẹ – nhưng ở tuổi 74 và bị béo phì theo định nghĩa y khoa của bệnh, ông có các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng ông bị nặng.
Chúng tôi hỏi một số cử tri lớn tuổi họ nghĩ gì khi nghe tin này.
Mark Falbo, đã nghỉ hưu, từng làm hành chính trong trường và mới chuyển tới Windham, Maine. Ông ủng hộ đảng Dân chủ và sẽ bỏ phiếu cho Joe Biden.
Tôi rất lo ngại khi ai đó bị chuẩn đoán đã dương tính với Covid – ở độ tuổi và tầm vóc của tôi, tôi biết tình hình có thể xấu cho họ, nên tôi hy vọng là tổng thống và đệ nhất phu nhân, và những người có thể đã nhiễm từ họ, sẽ bình phục tốt.
Tôi cũng hy vọng rằng tin này sẽ làm những người xung quanh tổng thống thấy được tính nghiêm trọng của dịch, vì tình hình vẫn rất nguy hiểm và hy vọng [đây sẽ là] cách mà ông Trump phải học được rằng các lãnh đạo cần phản ứng với những đe dọa cho người dân ra sao.
Tôi không nghĩ ông ấy đánh giá thấp khủng hoảng này – rõ ràng là ông ấy biết được đe dọa của dịch. Cá nhân tôi nghĩ rằng ông đã điều hành sai. Và tôi nghĩ đã có sự tổn hại lớn không chỉ với người dân Mỹ, mà cho cả thế giới.
Ở Maine đây, chúng tôi khá là nhạy cảm với dịch Covid-19 và tôi thật may mắn là tôi sống ở một tiểu bang nơi vị thống đốc và giám đốc CDC rất coi trọng chuyện chống dịch, với ngoại lệ là một số hoạt động ngớ ngẩn của một số ít gia đình.
Laura Powers là một nhà khoa học về chất liệu ở Wilmot, Wisconsin. Bà tự nhận là một cử tri độc lập và sẽ bỏ phiếu cho Joe Biden.
Khi tôi thức dậy sáng nay và nghe bản tin, và nghe là ông ấy đã dương tính, ý nghĩ đầu tiên của tôi là có lẽ đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người ủng hộ ông ấy và cho rằng tất cả dịch bệnh chỉ là tin đồn nhảm.
Ý nghĩ thứ hai của tôi là trừ khi ông ấy có triệu chứng nặng hơn một chút – và tôi không muốn ai bị nặng, kể cả ông ta và Melania – ông ta sẽ tuyên truyền cho những người ủng hộ rằng chẳng có gì phải lo ngại về Covid-19, và ông ấy đã vượt qua kể cả ở tuổi của mình.
Tôi hết sức cẩn thận và tôi luôn chú trọng tới sức khỏe của mình. Tôi không có bệnh nền nhưng tôi quen nhiều người có bệnh nền. Tôi lo lắng cho những người bất cẩn, và tôi nghĩ rằng đây sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh.
Nhưng như tôi đã nói, tôi nghĩ là nếu [ông Trump chỉ bị nhẹ], ông ấy sẽ thuyết phục người ủng hộ rằng Covid đã bị truyền thông thổi phồng quá đáng.
Kathleen McClellan từ Breaux Bridge, Louisiana, là cử tri Đảng Cộng hòa và sẽ bầu cho Donald Trump.
Tôi rất tiếc là [Donald và Melania Trump] bị nhiễm. Tôi hy vọng họ ổn. Nhưng anh trai tôi cũng đã bị và anh ấy nói có lần anh bị cúm còn nặng hơn. Vậy nên, tôi biết là tình trạng bệnh khác nhau khá nhiều cho mọi người, nhưng tôi nghĩ đây là cách mà virus hoạt động – nó phải nhiễm đủ một số người rồi nó mới hết.
Tôi không nghĩ ông ấy đã đánh giá thấp cuộc khủng hoảng. Tôi nghĩ ông ấy ở vị trí mà ông ấy đã thấy có người chết, nhưng ông ấy có triết lý khác, triết lý tiến lên phía trước. Mỗi người phải ra quyết định cho bản thân và tôi không nghĩ có ai hiểu rõ lắm về virus này. Nhưng dường như tại thời điểm này chúng ta cần tiếp tục sống, và bảo vệ những người đặc biệt có nguy cơ cao.
Đây chỉ là một lời nhắc nhở rằng [Covid-19] không phải là chuyện đùa. Nhưng bạn không nên hoảng hốt. Không phải là như hồi tháng Tư, khi phong tỏa toàn bộ là hợp lý vì chúng ta khi đó không biết mình phải đối mặt với cái gì.
Eric Scholl, 65, là người điều phối truyền thông từ Tulsa, Oklahoma. Ông bầu cho Trump hồi 2016, nhưng sẽ bầu cho Joe Biden năm nay.
Covid không phải là vấn đề của Đảng Cộng hóa, mà là vấn đề của cả nước Mỹ, là vấn đề y tế toàn cầu. Rất tiếc, và tôi muốn nói là rất rất tiếc, tổng thống không bao giờ nghe lời các chuyên gia y tế, chưa nói đến chuyện ông ta hoàn toàn thất bại trong việc bảo vệ̣ người dân. Thật là buồn – tôi rất buồn cho ông ta và vợ ông và tôi mong họ sẽ bình phục, nhưng điều đó sẽ không thay đổi chuyện tôi sẽ bầu cho ai.
Tôi hiểu là sẽ có một số phần trăm người dân Mỹ sẽ tích cực hơn trong việc tự bảo vệ mình [sau khi tổng thống nhiễm virus]. Nhưng ở nơi tôi sống tại Oklahoma, thái độ của mọi người là “Hey tôi [có cơ thể] chống đạn. Virus sẽ không động đến tôi.”
Tổng thống đã quá coi thường sức mạnh của Covid-19.
Jim Hurson từ Vùng Vịnh San Francisco, California là cử tri Đảng Cộng hòa và sẽ bỏ phiếu cho Donald Trump.
Phản ứng đầu tiên của tôi, rõ ràng, là tôi thấy rất không may. Phản ứng thứ hai là tôi tự hỏi đối thủ của ông sẽ làm gì, tìm cách gì để nhân chuyện này làm xấu ông một lần nữa. Tôi nghĩ chắc chắn họ sẽ chơi nước cờ “chúng tôi đã bảo ông rồi mà”.
Nếu chúng ta chỉ nghe những người chú trọng về sức khỏe, họ muốn cho tình hình an toàn ở mức cao nhất có thể xét về vi rut học. Nhưng tổng thống phải lo về hậu quả của nền kinh tế suy sụp, những vấn đề về sức khỏe tâm thần của những người bị cách ly trong nhà lâu ngày… cả xã hội sẽ phải chịu đựng những gì, và hậu quả của việc chính phủ tiêu tiền mà nói thẳng là họ không có?
Đây là một tình hình hết sức phức tạp khi bạn xét từ góc độ quốc gia. Vì thế, tôi không nghĩ là có ai có thể làm tốt hơn.
Nếu bạn không cho rằng chính phủ có thể giải quyết được tất cả, bạn nhìn vào các cá nhân và thấy họ ứng xử ra sao, chúng ta đang cùng vượt qua dịch một cách tốt.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54400516
Những người chống đối ông Trump
chúc ông và phu nhân mau khỏe
Phụng Minh
Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân dương tính với virus Vũ Hán gây chấn động toàn cầu. Trong tình huống khó khăn, tính nhân văn lại được triển hiện ra một cách ấm áp.
Sau khi biết về kết quả xét nghiệm của ông Trump, nhiều “kẻ thù” trước đây của Trump đã chúc phúc, mong ông sớm khỏi bệnh. Ngay cả Jackson, nhà lãnh đạo dân quyền da đen đã gây ra các cuộc biểu tình lớn trên khắp nước Mỹ, cũng cầu nguyện cho sự phục hồi nhanh chóng của ông Trump.
Ngày 1/10, cố vấn Nhà Trắng Hope Hicks bị phát hiện nhiễm virus Vũ Hán (SARS CoV 2). Vào đêm ngày mùng 2 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump đã tweet xác nhận rằng ông và đệ nhất phu nhân cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus này và đã “bắt đầu quá trình cách ly ngay lập tức. Chúng tôi sẽ cùng nhau vượt qua cơn bão!”
Kết quả xét nghiệm của Trump sau khi được công khai đã gây chấn động thế giới ngay lập tức. Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm, chỉ số Nikkei và chỉ số Dow Jones bị thiệt hại nặng nề. Thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm 265 điểm, tương đương hơn 1%.
Tuy nhiên, tính nhân văn đã được thể hiện ngay cả khi người có nhiều người chống đối như ông Trump đối mặt với nguy hiểm. Sau khi biết về kết quả kiểm tra của Trump, nhiều người lâu năm chỉ trích, chống đối ông Trump cũng chúc phúc, mong ông mau chóng bình phục.
Theo Fox News, người dẫn chương trình MSNBC Rachel Maddow, người từng chỉ trích Trump, đã đăng một thông điệp, cầu mong Chúa phù hộ cho ông Trump và đệ nhất phu nhân. Bà nói thêm, “loại virus này rất kinh khủng và tàn nhẫn – không ai muốn cơn thịnh nộ của nó đổ lên bất kỳ ai”.
Nữ diễn viên người Mỹ Alyssa Milano từng chỉ trích ông Trump về nhiều vấn đề, cũng thừa nhận rằng bản thân cô là một bệnh nhân đã được khẳng định và bị di chứng nên cô thực sự không muốn kẻ thù lớn nhất của mình (là ông Trump) bị lây nhiễm dịch bệnh này.
Nhà lãnh đạo dân quyền da đen Jesse Jackson, người đã gây ra cuộc biểu tình quy mô lớn ở Hoa Kỳ “Black Lives Matter” (BLM), cũng cầu nguyện rằng vợ chồng Trump sẽ hồi phục.
Ông Jackson cho biết: “Chúng tôi chân thành cầu nguyện rằng Trump và Đệ nhất phu nhân sẽ bình phục hoàn toàn. Bất kể khuynh hướng tôn giáo hay chính trị của bạn, mọi người đều phải cầu nguyện cho hàng nghìn người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này”.
Trang web của Nhà Trắng công bố bản ghi nhớ từ bác sĩ chăm sóc của Tổng thống Trump, Sean Conley, cho biết vào ngày 2: “Tổng thống và phu nhân của ông ấy hiện tại trong tình trạng tốt. Họ sẽ được điều trị và hồi phục tại dinh thự của Nhà Trắng. Đội ngũ y tế và tôi sẽ chăm sóc họ. Xin hãy yên tâm, tôi mong Tổng thống sẽ bình phục. Có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tổng thống mà không bị can thiệp, tôi sẽ tiếp tục báo cáo những diễn biến trong tương lai”.
Ông nói rằng Trump và vợ không có bệnh tiềm ẩn nào khác, và Hoa Kỳ có dịch vụ chăm sóc y tế hàng đầu, và virus này sẽ sớm bị đánh bại.
Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết trong một tuyên bố rằng Tổng thống Trump “rất coi trọng sức khỏe và sự an toàn của bản thân và tất cả mọi người làm việc ở đây để hỗ trợ ông và người dân Mỹ”.
Người phát ngôn của Phó Chủ tịch Pence, Katie Miller, cũng đã nhiễm virus Vũ Hán vào đầu năm nay và hiện đã khỏi bệnh.
Trước ông Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng đã từng bị nhiễm virus, Johnson thậm chí đã từng đến bệnh viện điều trị và cả Johnson và Bolsonaro đều đã bình phục.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nhung-nguoi-chong-doi-ong-trump-chuc-ong-va-phu-nhan-mau-khoe.html
‘Sốc và đáng xấu hổ!’ Cựu trợ lý của Clinton
và Obama nói: ‘Tôi hy vọng Trump qua đời’
Quý Khải
Một cựu phát ngôn viên của bà Hillary Clinton đã bị chỉ trích vì những bình luận “gây sốc và đáng xấu hổ” sau khi cô này phản ứng với tin tức tổng thống Trump dương tính với Covid-19 khi nói: “Tôi hy vọng ông ấy sẽ chết”.
Zara Rahim, người cũng từng làm việc cho cựu tổng thống Barack Obama trong thời gian ở Nhà Trắng, đã đăng dòng Tweet trên, nhưng hiện đã bị xóa, sau khi ông Trump thông báo rằng hai vợ chồng ông đều nhiễm COVID-19, theo the Express.
Bà Rahim nói: “Tôi biết việc viết ra dòng tweet này đi ngược lại phẩm giá của tôi, nhưng tôi hy vọng rằng ông ấy sẽ chết “.
“Tôi cảm thấy rất thoải mái [sau khi nói ra điều này]”, cô viết trong dòng Tweet kế tiếp.
Các bình luận của cô này đã làm dấy lên phản ứng phẫn nộ từ cộng đồng mạng.
Người dẫn chương trình GMB Pier Morgan, một người bạn của Tổng thống Trump, đã tweet: “Thật sốc và đáng xấu hổ”.
“Dòng tweet hiện đã bị xóa này là phản ứng của Zara Rahim – cựu nhân viên Nhà Trắng của Obama và cựu phát ngôn viên quốc gia năm 2016 của Hillary Clinton – trước việc Tổng thống Trump xét nghiệm dương tính với COVID-19”.
Một người dùng mạng xã hội bất bình khác tweet: “Cô ta đã làm việc cho Hillary. Cô ta không có khái niệm đạo đức”.
Một người dùng Twitter khác nói: “Sau khi ông Trump tái đắc cử, tôi tự hỏi, liệu cô có đủ khả năng để ngẫm lại rằng chính những người khủng khiếp như cô đã giúp ông ấy tái đắc cử? Tôi nghi ngờ điều đó”.
Một người khác nói: “Thật khủng khiếp khi rủa chết ai đó ngay cả khi bạn hoàn toàn không đồng tình với họ”.
Một bài đăng từ một người dùng Twitter khác nói:
“Cô không bao giờ nên rủa chết một ai đó”.
“Đây là những bình luận thô thiển và một sự đánh lạc hướng rất không cần thiết”.
Tài khoản Twitter của cô này đã được chuyển sang chế độ cá nhân.
Rạng sáng hôm nay ông Trump đã lên Twitter thông báo rằng ông và Đệ nhất phu nhân sẽ phải đi cách ly và điều trị sau khi xét nghiệm dương tính với virus.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhưng không mất khả năng lao động, và ông sẽ tiếp tục làm việc tại khu cách ly để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.
Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cho biết:
“Tổng thống hiện vẫn đang tiếp tục duy trì công việc của mình và tôi lạc quan rằng ông sẽ phục hồi rất nhanh chóng”.
Covid gây nguy hiểm tới đâu
cho sức khoẻ ông Trump?
James Gallagher
TT Donald Trump rõ ràng có nhiều yếu tố nguy cơ cao – bao gồm tuổi tác, cân nặng và giới tính nam – tất cả đều làm tăng khả năng ông bị nhiễm virus corona nặng.
Ông Trump năm nay 74 tuổi, nặng 110 kg và cao 1m90. Chỉ số Khối Cơ thể (BMI) của ông là trên 30, như vậy theo định nghĩa y khoa là béo phì.
Giờ đây ông thử dương tính với virus corona, điều đó có ý nghĩa thế nào?
Tuổi tác là một yếu tố quan trọng liên quan đến việc bị nhiễm nặng, dẫn tới nằm viện và tử vong trong một số trường hợp.
“Nhưng hầu hết những người bị nhiễm đã khá lên,” BS Bharat Pankhania, từ trường y thuộc Đại học Exeter nói với BBC.
Một phân tích của hơn 100 nghiên cứu với dữ liệu từ khắp thế giới cho thấy nguy cơ bị bệnh cho trẻ em và người trẻ là rất thấp.
Tuy nhiên, ở tuổi 75, ước tính 25 người nhiễm virus thì có một người tử vong. Tỷ lệ này là một trong bảy đối với người trên 85 và một trong bốn với người trên 90 tuổi.
Một mô hình tương tự được Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh CDC của Mỹ làm.
Theo đó tám trên 10 ca tử vong ở Mỹ là người ở độ tuổi trên 65. Và những người trong độ tuổi ông Trump có nguy cơ phải cần chăm sóc ở bệnh viện lớn gấp 5 lần những người ở độ tuổi 20.
Nguy cơ tử vong của độ tuổi ông Trump lớn gấp 90 lần người ở độ tuổi 20.
Hiện chưa rõ lý do của điều này chủ yếu do ở người già, hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả hơn, hay nói chung là người già có sức khỏe kém hơn
“Tuổi cao cũng thường gắn với bệnh tim mạch, bệnh về phổi, tiểu đường type 2, nên thật khó mà biết rõ liệu tuổi tác hay các bệnh đi kèm [gây ra điều này]”, GS Ravindra Gupta từ Đại học Cambridge nói.
Bị béo phì cũng thường dẫn tới nhiều bệnh nặng khác.
Một nghiên cứu của Cơ quan y tế Công xứ Anh kết luận rằng thừa cân làm tăng khả năng người nhiễm Covid phải vào khu hồi sức cấp cứu và khả năng tử vong.
Mỡ trong cơ thế có thể ảnh hưởng đến tế bào bạch cầu của hệ miến dịch, làm tăng độ viêm nhiễm trong cơ thể. Viêm nhiễm quá nhiều là lý do bệnh có thể làm chết người.
Trong làn sóng dịch đầu tiên, nhiều nam giới hơn phụ nữ cần nằm viện, và số ca tử vong ở nam chiếm 60%.
“Có sự khác biệt về miễn dịch giữa nam giới và phụ nữ,” GS Ravindra Gupta.
Nhưng nam giới thường có sức khỏe kém hơn.
GS Pankhania nói thêm: “chúng ta biết rằng hai yêu tố là nam giới và tuổi cao thường dẫn đến bệnh nặng hơn, nhưng điều đó không có nghĩa tất cả đàn ông lớn tuổi đều bị bệnh nặng.”
Vậy điều này có ý nghĩa gì cho TT Trump?
Rất nguy hiểm khi đồn đoán về việc virus sẽ ảnh hưởng tới từng cá nhân ra sao.
Tất cả những điều bạn đọc là bức tranh tổng thể – một mô hình cho người dân khắp thế giới – chứ không phải là dự đoán đây sẽ là điều xảy ra cho vị tổng thống Mỹ.
Sức khỏe của mỗi người 74 tuổi một khác và các bệnh khác có ảnh hưởng rất lớn tới nguy cơ bị bệnh nặng hay nhẹ do virus.
“Chỉ vì ông ấy có các yếu tố nguy cơ cao không có nghĩa là ông sẽ có triệu chứng, đổ bệnh nặng hay phải đầu hàng trước virus,” BS Nathalie McDermott từ Đại học King’s College London nói.
Bà nói thêm: “Ông ấy cũng là tổng thống của Hoa Kỳ, nên ông ấy sẽ được điều trị tốt nhất thế giới nếu ông ấy bị ốm.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54389067
Virus corona: Điều gì sẽ xảy ra
nếu Trump bệnh quá nặng để làm tổng thống?
Ai sẽ thay thế ông Trump, cuộc bầu cử có bị hoãn không, việc bỏ phiếu qua thư đang diễn ra thì sao… là hàng loạt câu hỏi được đặt ra.
Chỉ vài tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, Donald Trump đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.
Tổng thống sẽ bỏ lỡ những sự kiện chiến dịch nào?
Ông Trump được yêu cầu phải tự cách ly 10 ngày kể từ khi nhận được kết quả dương tính vào 1/10, vì vậy ông vẫn có thể tham gia cuộc tranh luận tổng thống tiếp theo, dự kiến 15/10.
Tổng thống Donald Trump nhập viện để điểu trị Covid-19
Covid gây nguy hiểm tới đâu cho sức khoẻ ông Trump?
Một cuộc vận động dự kiến diễn ra ở Florida vào thứ Sáu đã bị hủy. Cuộc gọi hội nghị video với những người cao niên dễ bị tổn thương cũng vậy.
Ông Trump có các cuộc vận động khác được lên kế hoạch trong thời gian này, giờ sẽ phải hủy bỏ hoặc hoãn lại.
Cuộc bầu cử có thể bị trì hoãn trong những trường hợp nào?
Khoảng thời gian tự cách ly của Tổng thống Trump rõ ràng có ảnh hưởng đến khả năng tranh cử của ông.
Vì vậy, câu hỏi đã được đặt ra là liệu cuộc bầu cử có thể bị trì hoãn hay không, và điều này có thể xảy ra như thế nào.
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ được tổ chức theo luật vào thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11, bốn năm một lần – vì vậy năm nay là vào ngày 3/11.
Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân dương tính với Covid-19
Làm thế nào để tránh ‘vết xe đổ’ tranh luận Trump-Biden
Việc thay đổi ngày sẽ phụ thuộc vào các nhà lập pháp Hoa Kỳ chứ không phải tổng thống.
Việc này sẽ yêu cầu đa số ở cả hai viện của Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ bất kỳ sự thay đổi ngày nào. Điều đó khó có thể xảy ra, vì sẽ phải thông qua Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát.
Ngay cả khi được thay đổi, hiến pháp Hoa Kỳ quy định rằng một chính quyền tổng thống chỉ tồn tại trong bốn năm. Vì vậy, nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sẽ tự động hết hạn vào trưa ngày 20/1/2021.
Thay đổi ngày này sẽ yêu cầu sửa đổi hiến pháp. Điều này sẽ phải được sự chấp thuận của 2/3 trong số các nhà lập pháp Hoa Kỳ hoặc các cơ quan lập pháp cấp bang, sau đó là 3/4 các bang của Hoa Kỳ – điều này một lần nữa khó xảy ra.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống Trump mất sức lao động?
Hiện tại, Tổng thống Trump được cho là có “các triệu chứng nhẹ”, nhưng nếu ông ấy bị ốm quá nặng để thực hiện nhiệm vụ của mình, thì đây là điều mà hiến pháp Mỹ quy định:
Tu chính án thứ 25 cho phép tổng thống chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống, có nghĩa là Mike Pence sẽ trở thành quyền tổng thống. Khi khỏi ốm, ông Trump có thể giành lại vị trí của mình.
Nếu tổng thống quá ốm để giao quyền, nội các và phó tổng thống có thể tuyên bố ông không thể tiếp tục và ông Pence sẽ đảm nhận vai trò này.
Nếu ông Pence cũng trở nên mất khả năng lao động, theo Đạo luật Kế vị Tổng thống, Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện – một đảng viên Dân chủ – sẽ là người tiếp theo, mặc dù các chuyên gia hiến pháp cho rằng việc chuyển giao quyền lực như vậy sẽ thúc đẩy các cuộc chiến pháp lý.
Nếu bà Nancy Pelosi không muốn hoặc không thể đảm nhận vai trò này, nó sẽ được giao cho một Thượng nghị sĩ cấp cao của Đảng Cộng hòa, hiện là Charles E Grassley 87 tuổi. Điều này cũng gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức pháp lý.
Ông Donald Trump hiện sức khỏe ra sao?
Bác sĩ của ông Trump, Sean Conley, cho biết tổng thống “không cần phải tiếp oxy, nhưng tham khảo ý kiến của các chuyên gia mà chúng tôi đã chọn để bắt đầu liệu pháp Remdesivir. Ông ấy đã hoàn thành liều đầu tiên và đang nghỉ ngơi thoải mái”.
Các thử nghiệm cho thấy Remdesivir, ban đầu được phát triển như một phương pháp điều trị Ebola, phá vỡ khả năng nhân đôi của virus và có thể cắt thời gian của các triệu chứng.
Trước đó, vào thứ Sáu, bác sỹ Conley cho biết tổng thống đã “được dùng một liều 8g cocktail kháng thể Regeneron như một biện pháp phòng ngừa” tại Nhà Trắng.
Các kháng thể bám vào virus corona, bảo vệ các tế bào của cơ thể và làm cho virus dễ nhìn thấy hơn đối với hệ thống miễn dịch.
Tuy nhiên, việc điều trị bằng thuốc này vẫn còn đang thử nghiệm và chưa được các cơ quan quản lý chấp thuận. Mặc dù có rất nhiều hy vọng vào phương pháp điều trị này, một số bác sĩ đã bày tỏ lo ngại về việc sử dụng Regeneron cho tổng thống ở giai đoạn này.
Bác sỹ Conley nói rằng ông Trump cũng đang dùng kẽm, vitamin D, famotidine, melatonin và aspirin.
Nếu Trump không thể ứng cử thì sao?
Nếu vì bất kỳ lý do gì, một ứng cử viên được một đảng chọn làm ứng cử viên tổng thống không thể hoàn thành vai trò đó, thì một số thủ tục sẽ có hiệu lực.
Mặc dù Phó Tổng thống Mike Pence ban đầu sẽ đảm nhận nhiệm vụ tổng thống, nhưng ông không nhất thiết phải trở thành ứng cử viên tranh cử của đảng Cộng hòa – vì họ đã chính thức đề cử ông Trump.
Theo quy định của đảng này, 168 thành viên của Ủy ban Quốc gia Cộng hòa (RNC) sẽ bỏ phiếu để bầu ra một ứng cử viên tổng thống mới, với Mike Pence là một trong những ứng cử viên có khả năng.
Nếu ông Pence được chọn, một người đồng hành mới sẽ phải được chọn.
Cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều chưa từng thay thế ứng cử viên tổng thống của họ sau khi chính thức chọn họ.
Còn bỏ phiếu sớm thì sao?
Theo các chuyên gia, điều này sẽ gây ra nhiều bất ổn vì hàng triệu phiếu bầu qua bưu điện đã được gửi đi với tên của các ứng cử viên do đảng của họ đề cử.
Bỏ phiếu trực tiếp sớm cũng đã bắt đầu ở một số tiểu bang.
Việc bỏ phiếu có thể sẽ tiếp tục với tên của ứng cử viên mất khả năng vẫn còn trên lá phiếu, Rick Hasen, giáo sư luật tại Đại học California, Irvine, viết.
Nhưng sẽ có câu hỏi về việc liệu luật tiểu bang có cho phép những người được đề cử bỏ phiếu trong cử tri đoàn Hoa Kỳ – được gọi là đại cử tri tổng thống – bỏ phiếu cho ứng cử viên thay thế hay không.
Còn việc đổi tên ứng cử viên, nếu một người xin rút thì sao?
“Tổng thống Trump gần như chắc chắn sẽ vẫn có tên trong lá phiếu, bất kể điều gì xảy ra”, Richard Pildes, một giáo sư luật có chuyên môn về bầu cử, viết.
Ông chỉ ra về lý thuyết, Đảng Cộng hòa có thể xin lệnh tòa để thay đổi tên của một ứng cử viên, nhưng trên thực tế sẽ không có đủ thời gian.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54397999
Ông Trump vẫn tiếp tục tiến hành công việc
của một tổng thống Mỹ
Bình luậnNgọc Trân
Nhà Trắng cập nhật lịch trình mới nhất vào thứ Sáu và thông báo Tổng thống Trump vẫn tiếp tục họp qua điện thoại lúc 12:15 để hỗ trợ người cao tuổi trong cuộc chiến chống lại virus Corona, đồng thời hủy bỏ tổ chức một buổi hội nghị tại Florida.
Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania xác nhận với kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona Vũ Hán hôm 2/10. Bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley nói rằng ông hy vọng Tổng thống Trump sẽ không bị quấy rầy trong thời gian hồi phục và vẫn có thể tiếp tục công việc của mình. Ông Sean Conley còn cho biết ông sẽ cung cấp các bản tin cập nhật một cách kịp thời.
Phó Tổng thống Mike Pence cho biết, ông và phu nhân gửi “tình yêu thương và lời cầu nguyện” tới Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân.
“Chúng tôi hòa cùng với hàng triệu người trên khắp nước Mỹ cầu nguyện cho họ sớm hồi phục hoàn toàn. Chúa phù hộ cho các bạn, Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania tuyệt vời của chúng tôi”, ông viết trên Twitter.
Người phát ngôn báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany đã nói trên Twitter rằng, toàn bộ lực lượng của quốc gia và Tổng thống là một. Nước Mỹ đoàn kết thống nhất, “Đất nước chúng ta hùng mạnh. Tổng thống của các bạn sẽ tiếp tục đặt người dân lên hàng đầu”.
Bà Melania Trump nói trên Twitter rằng: “Chúng tôi đều cảm thấy rất tốt” và đã hoãn lại tất cả các hoạt động sắp tới. Bà cũng dặn dò người dân Mỹ hãy bảo đảm an toàn, “Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn này”.
Tổng thống Trump cũng không phải là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới được chẩn đoán dương tính với virus Corona Vũ Hán.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã được xác nhận dương tính với virus Corona và phải nhập viện điều trị, sau đó đã được đưa đến khu chăm sóc đặc biệt vào hồi tháng 3 năm nay. Đến ngày 27/4, ông Johnson đã trở lại Văn phòng Thủ tướng và tiếp tục công việc như bình thường. Ông nói, khi ông được xác nhận với kết quả dương tính, ông đã ‘phủ nhận’ nó và tiếp tục làm việc.
Ngoài ra, Tổng thống Brasil Jair Bolsonaro cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona hôm 7/7 vừa qua. Sau một vài tuần cách ly, cuối cùng ông đã hồi phục với kết quả xét nghiệm âm tính. Đệ nhất phu nhân Brasil cũng được chẩn đoán dương tính với virus Corona hôm 30/7. Bà đã đăng báo cáo xét nghiệm trên mạng xã hội hai tuần sau đó và thông báo đã hồi phục, đồng thời cảm ơn mọi người đã cầu nguyện cho bà.
Ngọc Trân
Theo NTDTV tiếng Trung
‘Máy bay Ngày tận thế’ của Mỹ cất cánh
ngay sau tin ông Trump mắc bệnh
Phụng Minh
Các chuyên gia cho rằng đây có thể là một lời cảnh báo của Mỹ tới các ‘kẻ thù’, bởi lần này máy bay đã không tắt máy phát sóng.
Hôm qua (2/10), hai chiếc máy bay quân sự có biệt danh ‘máy bay ngày tận thế’ đã được nhìn thấy bay dọc theo cả hai bờ biển Hoa Kỳ vào buổi sáng sau khi Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump thông báo họ đã xét nghiệm dương tính với virus Vũ Hán (SARS CoV 2).
Một chiếc Boeing E-6B Mercury được phát hiện dọc theo Bờ Đông gần Washington DC trong khi chiếc còn lại được nhìn thấy bay qua Bờ Tây phía trên Oregon. Các máy bay này thường mang chỉ thị từ Cơ quan chỉ huy quốc gia tới các hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo.
Các phương tiện truyền thông xã hội đang xôn xao với các giả thuyết, với nhiều người suy đoán rằng đó là một lời cảnh báo đối với những kẻ thù của Mỹ đừng nghĩ đến việc tấn công trong khi ông Trump đang ốm và rằng Mỹ vẫn rất mạnh.
Lầu Năm Góc đã làm rõ rằng việc cất cánh của “máy bay ngày tận thế” đã được lên kế hoạch và không liên quan gì đến việc lây nhiễm của ông Trump.
Ông Trump đã tweet vào sáng sớm ngày 2/10 theo giờ miền Đông, xác nhận rằng ông và vợ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Vài giờ sau, hai máy bay quân sự “E-6B Mercury” của Hải quân Hoa Kỳ cất cánh.
Sau khi tin tức về vụ phóng của hai máy bay quân sự được đưa ra, nhà báo quân sự nổi tiếng người Mỹ David Axe đã đăng một bài báo trên Forbes, nói rằng “E-6B Mercury” thuộc sở hữu của “Bộ chỉ huy tác chiến hạt nhân trên không”, Bộ Quốc phòng Mỹ, với hệ thống liên lạc đặc biệt có thể cung cấp chỉ thị cho tàu ngầm ném bom hạt nhân ở khu vực Ohio trong chiến tranh hạt nhân, đồng thời giúp nhân viên trên tàu nhắm mục tiêu vào các thành phố và căn cứ quân sự của đối phương và phóng tên lửa. Chiếc “E-6B Mercury” còn có tên gọi là “Doomsday plane” – “máy bay ngày tận thế”.
Aix tin rằng không phải ngẫu nhiên mà hai chiếc “E-6B Mercurys” xuất hiện ở cả hai phía của Hoa Kỳ trong vòng vài giờ sau khi Trump công bố chẩn đoán.
Nhân viên tình báo Mỹ Tim Hogan đã thông báo về quỹ đạo bay của hai máy bay quân sự trên Twitter. Ông cũng chỉ ra rằng quân đội thường sẽ tắt máy phát sóng để tránh bị người khác theo dõi. Tuy nhiên, hai chiếc “E-6B Mercury” không hề giấu giếm, cho thấy Lầu Năm Góc hy vọng Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và các đối thủ sử dụng vũ khí hạt nhân khác hiểu rằng ngay cả khi chỉ huy quân đội Mỹ bị ốm, hệ thống chỉ huy hạt nhân của Mỹ vẫn có thể hoạt động nguyên vẹn.
Tờ Washington Times trích dẫn xác nhận của Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ (USSTRATCOM) về thông tin này, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc đã trả lời rằng, hai chiếc “E-6B Mercury” vào thứ Sáu dự kiến cất cánh làm nhiệm vụ, và việc ông Trump có chẩn đoán dương tính với virus Vũ Hán không liên quan gì đến sự kiện này, đây chỉ là một “sự trùng hợp ngẫu nhiên”.
Theo thông tin công khai, ăng ten của “E-6 Mercury” thả xuống gần theo chiều thẳng đứng, điều này có thể để đảm bảo rằng tàu ngầm sử dụng ăng ten kéo dưới nước có thể nhận tín hiệu từ nó. Loại máy bay quân sự này còn có các đặc điểm là tiếp nhiên liệu trên không, sức bền lâu, tốc độ cao, trần bay lớn, khả năng thực hiện nhiệm vụ, chất lượng cao. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, “E-6 Mercury” chịu trách nhiệm đảm bảo rằng nguyên thủ quốc gia liên lạc hiệu quả với tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và tàu ngầm hạt nhân tấn công, đồng thời gửi các thông điệp chỉ huy.
Hải quân Hoa Kỳ có tổng cộng 16 máy bay “E-6 Mercury”. Mặc dù loại máy bay quân sự này thường ít khi hoạt động, nhưng nó không phải là tuyệt mật. Mới đầu tháng 8 năm nay, căn cứ Vandenberg của quân đội Mỹ đã phóng một tên lửa xuyên lục địa Minuteman-3, bắn trúng mục tiêu một cách chính xác ở khu vực đảo san hô Kwajalein thuộc quần đảo Marshall, cách đó khoảng 6.700 km. Nhiệm vụ phóng tên lửa xuyên lục địa được hoàn thành bởi một chiếc “E-6 Mercury” đang bay trên không.
CPD cân nhắc ‘điều chỉnh
hình thức tranh luận Tổng thống’
Một số ý kiến cho rằng cần phải thay đổi hình thức cuộc tranh luận Tổng thống để đi vào thực chất hơn sau cuộc tranh luận đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và cựu phó Tổng thống Joe Biden diễn ra hôm 29/9 trong cãi vã, thóa mạ và ngắt lời liên tục trong lúc cơ quan tổ chức cuộc tranh luận dự tính sẽ đưa ra một số điều chỉnh cho các lần tranh luận sau.
Ủy ban giám sát các cuộc tranh luận Tổng thống, tức CPD, hôm 30/9 cho biết họ sẽ có một số điều chỉnh trong hình thức của hai cuộc tranh luận còn lại. Một thay đổi quan trọng mà họ đang tính thực hiện là tắt micro của Tổng thống Donald Trump hay cựu phó Tổng thống Joe Biden nếu họ vi phạm các quy tắc tranh luận, Đài CBS dẫn nguồn tin nắm rõ nội tình của ủy ban này cho biết.
‘Tranh luận có trật tự hơn’
Trong một tuyên bố, ủy ban này cho biết cuộc tranh luận đầu tiên ‘đã cho thấy rõ cần có thêm cấu trúc cho hình thứccủa các cuộc tranh luận còn lại để đảm bảo hai ứng viên thảo luận về các vấn đề có trật tự hơn.’
“Ủy ban rất biết ơn Chris Wallace (nhà báo của Fox News – người điều hợp phiên tranh luận) về sự chuyên nghiệp và khả năng mà ông ấy đã đem đến cho cuộc tranh luận và dự tính sẽ có các công cụ bổ sung để duy trì trật tự cho các cuộc tranh luận còn lại,” thông báo của CPD viết.
CBS dẫn một nguồn thạo tin của riêng họ cho biết ủy ban này sẽ xác định các hướng dẫn và quy tắc mới cho cuộc tranh luận thứ hai và rằng họ hiện cân nhắc tất cả các giải pháp khả dĩ.
Hiện vấn đề đang được cân nhắc nhiều nhất là kiểm soát micro của hai ứng viên cũng như việc họ ngắt lời đối phương và người điều hợp. Hai ban vận động tranh cử sẽ được thông báo về sự thay đổi này nhưng không được thương lượng, CBS cho biết.
Cuộc tranh luận tiếp theo sẽ diễn ra dưới hình thức hỏi đáp với khán giả. Sẽ chỉ có 15-20 người trong khán phòng đặt câu hỏi cho hai ứng viên.
Tim Murtaugh, giám đốc truyền thông trong Ban vận động của ông Trump, đã chỉ trích những biện pháp này.
“Họ làm điều này chỉ vì người của họ đã bị dập tơi tả,” ông Murtaugh nói trong một thông cáo. “Tổng thống Trump đã ở thế áp đảo và bây giờ Joe Biden đang cố gắng làm việc với phía trọng tài. Họ không thể di chuyển các vạch đích và thay đổi các quy tắc giữa chừng như vậy.”
Về phần ban vận động của ông Biden, bà Kate Bedingfield, phó giám đốc chiến dịch, cho biết cựu phó Tổng thống đã sẵn sàng cho vòng tranh luận kế tiếp ở Miami.
“Ông ấy sẽ tập trung trả lời các câu hỏi từ các cử tri ở đó theo bất kỳ quy tắc nào mà Ủy ban đưa ra để cố gắng kiềm chế cách hành xử của Donald Trump,” bà nói trong một thông cáo.
“Tổng thống sẽ phải lựa chọn hoặc là trả lời cử tri về những câu hỏi mà ông ấy chưa hề có câu trả lời trong thời gian tranh cử hoặc lặp lại sự hỗn loạn điên khùng đêm qua.”
‘Giao quyền cho người điều hợp’
Errol Louis, người dẫn chương trình ‘Inside City Hall’ trên kênh tin tức NY1 của New York viết trên trang Ý kiến của CNN rằng ‘sai lầm chí tử của buổi tranh luận đầu tiên là không cho phép người điều phối Chris Wallace quyền được bắt buộc các ứng viên phải tuân theo luật chơi mà họ đã đồng ý trước đó’.
Do đó, ông đề xuất người điều hợp tranh luận nên được giao quyền ngắt micro và nếu cần thiết là đuổi người vi phạm ra khỏi cuộc tranh luận.
“Điều đó nghe có vẻ cực đoan, nhưng tôi đã học được bài học xương máu rằng các biện pháp cực đoan đôi khi là cần thiết. Và chúng có hiệu quả,” ông viết.
“Việc phá bỏ quy tắc gần như luôn là hành động có chủ ý để hạ đối phương, thường là bằng cách ngắt lời đối phương hay thòng vào một lời nhục mạ, cáo buộc hoặc nói sai sự thật,” ông phân tích từ kinh nghiệm điều hợp các cuộc tranh luận chính trị của mình.
Ông cho rằng khi điều đó xảy ra, người điều hợp cần phải nhảy vào và khôi phục trật tự ngay lập tức nếu không cuộc tranh luận sẽ trở thành hỗn loạn.
“Khi một ứng viên bị đối thủ nói dai làm mất thời gian, người điều hợp phải có quyền canh lại thời gian. Nếu một ứng viên bắt đầu ngắt lời hoặc nói nhiều hơn đối thủ thì người điều hợp phải buộc họ ngừng,” ông đề xuất.
‘Thất vọng’
Buổi tranh luận đầu tiên giữa ông Trump của đảng Cộng hoà và ông Biden bên đảng Dân chủ đã khiến một số người thất vọng, trong đó có bà Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao, một cử tri độc lập và là nhà hoạt động xã hội dân sự trong cộng đồng người Việt tại bang Virginia.
“Cuộc tranh luận đó không ở mức tiêu chuẩn hai người nói chuyện với nhau, không ở mức tranh luận về chính sách…,” bà Giao nói và cho biết bà quan tâm về các biện pháp chống dịch Covid vốn là một vấn đề cấp bách đối với nước Mỹ hiện nay và chống biến đổi khí hậu mà bà không nghe các ứng viên thảo luận nhiều.
“Tôi muốn nghe về lập trường của họ. Tôi muốn nghe về chính sách của họ và muốn biết họ sẽ làm gì cho người dân Mỹ,” bà nói thêm.
Về đề xuất tắt micro các ứng viên, cử tri này nói đó là việc ‘chẳng đặng đừng’ và cho rằng cần trừng phạt người vi phạm nguyên tắc tranh luận bằng cách ‘bị trừ thời gian trình bày.’
“Tôi mong cuộc tranh luận giữa phó Tổng thống Mike Pence và Kamala Harris sẽ giúp cho người dân Hoa Kỳ lấy lại bình tĩnh,” bà nói. “Vì cả hai người đều là những người từng làm việc trong Quốc hội Hoa Kỳ và có khả năng tranh luận.”
Cuộc tranh luận đầu tiên được chia thành sáu phần theo các chủ đề cụ thể, mỗi phần dài 15 phút. Mỗi ứng viên có hai phút phát biểu trong mỗi chủ đề, và thời gian còn lại là dành cho tranh luận với nhau. Nhưng buổi tranh luận hôm 29/9 đã nhanh chóng biến thành hỗn loạn khi Tổng thống Trump thường xuyên cắt ngang cả đối thủ Biden lẫn người điều hợp là Chris Wallace trong khi những nội dung về chính sách bị nhạt nhòa trước những lời công kích cá nhân và sỉ vả lẫn nhau.
Cuộc tranh luận Tổng thống thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 15/10 tại Miami và cuộc tranh luận cuối cùng được tổ chức ngày 22/10 ở Nashville.
Người đứng phó của ông Biden là nữ thượng nghị sĩ Kamala Harris và nhân vật đứng phó cho ông Trump là đương kim phó Tổng thống Mike Pence sẽ tranh luận trực tiếp một lần duy nhất vào ngày 7/10 tại thành phố Salt Lake.
Sau khi Tổng thống Trump loan báo dương tính với COVID, người ta hiện chưa chắc liệu cuộc tranh luận Tổng thống lần hai có diễn ra như lịch định hay không.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, những ai xét nghiệm dương tính với COVID nên tránh tiếp xúc với người khác trong 10 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên và cho tới khi hết triệu chứng sốt ít nhất 24 giờ đồng hồ.
Toà Bạch Ốc cho hay Tổng thống Trump bị ‘triệu chứng nhẹ’ và vẫn đang làm việc trong lúc cách ly.
Với việc ông Trump loan báo xét nghiệm dương tính COVID sáng sớm ngày 2/10, có khả năng Tổng thống có đủ thời gian để tuân thủ các quy định về an toàn trước khi cuộc tranh luận lần hai diễn ra, nếu ông hồi phục nhanh chóng.
Bầu cử Mỹ: Trump nhiễm Covid-19,
chiến dịch tranh cử bị đảo lộn
Thu Hằng
Việc tổng thống Mỹ Donald Trump nhập viện vài ngày để điều trị Covid-19 làm đảo lộn chiến dịch vận động tranh cử. Ngày 02/10/2020, đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump cho biết nhiều sự kiện có sự hiện diện của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã bị hoãn hoặc được tổ chức trực tuyến.
Ngoài ra, mọi sự kiện có sự tham gia của các thành viên gia đình tổng thống cũng « bị hoãn », trong khi đó, các hoạt động khác sẽ được đánh giá theo từng trường hợp. Ngược lại, phó tổng thống Mike Pence, được xét nghiệm âm tính với Covid-19, vẫn tiếp tục các chương trình đã được lên kế hoạch.
Tổng thống Trump vốn là người luôn coi nhẹ đại dịch Covid-19. Việc ông bị nhiễm virus corona như thể « gậy ông đập lưng ông ». Lập luận của tổng thống mãn nhiệm cho rằng đại dịch « không đến mức nghiêm trọng » cũng bị bác bỏ, theo phân tích của nhà nghiên cứu lịch sử Paul Schor, giảng viên trường đại học Paris, với RFI :
« Tổng thống Mỹ không muốn người ta nói về dịch Covid-19, không muốn đại dịch chiếm quá nhiều chỗ trong chiến dịch vận động tranh cử của ông. Và giờ thì dĩ nhiên là người ta chỉ nói về vấn đề này. Ông Trump đã nhiều lần phủ nhận tính chất nguy kịch của đại dịch. Ông từ chối đeo khẩu trang và chế giễu đối thủ Joe Biden đeo khẩu trang quá thường xuyên. Điều xảy ra với ông Trump hiện nay phần nào cho thấy rằng ông đã sai, sai vì ông đã xem nhẹ đại dịch, rõ ràng là có thực và nghiêm trọng.
Đọc thêm : TT Trump cố tình giấu dân Mỹ về độ nguy hiểm của Covid-19
Dường như ông Trump cũng bắt đầu gặp vấn đề nghiêm túc với những người cao tuổi theo đảng Cộng Hòa. Thành phần cao niên này lo chính họ cũng có thể nhiễm Covid-19.
Việc tổng thống Mỹ cũng bị nhiễm virus corona còn bác bỏ tất cả những gì ông nói từ nhiều tháng nay, rằng virus sẽ tự biến mất. Điều mà ông vẫn nhắc lại cách đây vài hôm, với khẳng định sắp thoát khỏi đại dịch, rằng ông đã thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Ông Donald Trump nhiễm virus corona và có ít nhiều triệu chứng, điều này đã phá hủy một phần luận điệu của tổng thống Mỹ cho rằng Covid-19 không đến mức nghiêm trọng như vậy ».
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201003-baucumy-trump-covid-tranhcudaolon
Bầu cử Mỹ 2020:
Cuộc chiến giành Tối Cao Pháp Viện
Nguyễn Quang Duy
Trong buổi lễ đề cử Thẩm phán vừa qua, bà Amy Coney Barrett cho biết nhờ bà làm thư ký cho Thẩm Phán Antonin Scalia nên chịu ảnh hưởng của ông và ảnh hưởng này vẫn vang vọng trong cuộc sống của bà:
“Triết lý tư pháp của ông ấy cũng là triết lý của tôi: một thẩm phán phải áp dụng luật như bộ luật đã được viết thành văn.
“Các thẩm phán không phải là những nhà hoạch định chính sách nên họ phải quyết tâm gạt sang một bên bất kỳ quan điểm chính sách nào mà họ tin theo.”
Bầu cử Mỹ: McConnell hứa một chuyển giao quyền lực ‘có trật tự’
‘Ứng viên Tối cao Pháp viện thay bà Ginsburg sẽ là nữ’
Triết lý tư pháp…
Thuyết trình tại Đại Học Jacksonville vào cuối tháng 10/2016, bà Barrett giải thích theo Thẩm Phán Antonin Scalia thì mọi phán quyết của Tối Cao Pháp Viện phải theo sát với những điều được ghi trong Hiến Pháp và phải được diễn giải theo khả năng hiểu biết của người dân thời Hiến Pháp hay tu chính án được thông qua.
Các chính phủ liên bang và tiểu bang chỉ có quyền hoạch định chính sách hay đạo luật trong phạm vi giới hạn của những điều đã được ghi rõ trong Hiến Pháp.
Tư pháp và dân chủ…
Từ ngữ dân chủ không có trong Hiến Pháp Mỹ và Hiến Pháp các tiểu bang.
Theo bà, sinh hoạt dân chủ rất rộng nên một số các chính sách và đạo luật dân chủ được Quốc Hội Liên Bang và các Tiểu Bang thông qua đã vượt qua phạm vi Hiến Pháp cho phép.
Vai trò của thẩm phán Tối Cao Pháp Viện là phán quyết các đạo luật dân chủ và các phán quyết của các toà án cấp dưới có vi phạm Hiến Pháp hay không.
Theo triết lý tư pháp nguyên thủy của Thẩm Phán Antonin Scalia thì điều gì không được ghi trong Hiến Pháp muốn thành Tu chính án cần phải thông qua các thủ tục dân chủ đúng như Hiến Pháp đã hướng dẫn.
Quyền phá thai…
Trong buổi thuyết trình năm 2016 bà Barrett cho biết việc ủng hộ quyền sống của ông Trump, của những người bảo thủ và niềm tin tôn giáo không ảnh hưởng đến những phán quyết, vì phá thai không hề được nhắc đến trong Hiến Pháp, nhưng quyền phụ nữ đã được ghi nhận trong Hiến Pháp nên không thể tước bỏ quyền phá thai.
Nhưng từ năm 2017, bà Barrett đã ủng hộ một số phán quyết như sau: (1) trẻ vị thành niên khi phá thai phải được sự đồng ý của cha mẹ hay người bảo hộ; (2) không được phá thai vì giới tính, chủng tộc hay thai nhi bị khuyết tật; và (3) thai nhi phải được chôn cất hay hỏa táng như một người bình thường.
Vào đầu tháng 6/2019, Tối Cao Pháp Viện bất ngờ ủng hộ một điều luật của tiểu bang Indiana là tất cả các bào thai dù bị sẩy thai hoặc phá thai đều phải được chôn cất hoặc hỏa táng.
Điều này làm nhiều phụ nữ lo lắng rằng bà Barrett có thể lật ngược án lệ Roe v Wade – phán quyết năm 1973 khiến việc phá thai trở nên bất hợp pháp tại Mỹ.
Quyền của người lao động
Trong kỳ bầu cử 2020, nhà tỷ phú Mike Bloomberg, ngành truyền thông, tuyên bố sẽ bỏ ra ít nhất 100 triệu Mỹ kim giúp quảng cáo chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Biden tại Florida.
Ông Biden và đảng Dân Chủ cũng được ủng hộ của nhiều nghiệp đoàn, nên khi chính trị gia, tư bản, nghiệp đoàn và truyền thông cấu kết thì người thiệt hại nhất chính là người lao động.
Từ góc cạnh quyền lao động đây là khuyết điểm lớn nhất của hệ thống chính trị Mỹ từ vài thập niên qua, tôi tin rằng bà Barrett khi thành thẩm phán chắc chắn sẽ điều chỉnh khuyết điểm này nếu có cơ hội.
Nỗi lo của đảng Dân Chủ
Bà Barrett ủng hộ Tu Chính Án thứ hai một cách khá triệt để với quan điểm cây súng là tài sản của công dân, quyền tư hữu được ghi rõ trong Hiến Pháp và trách nhiệm của chính phủ là phải bảo vệ tài sản của công dân.
Bà Barrett mới chỉ 47 tuổi và số thẩm phán bảo thủ lên 6 còn lại 3 ghế cho cánh cấp tiến, nên mặc dù không trực tiếp hoạch định chính sách, nhưng bà sẽ định hướng cho các chính sách và chiến lược Mỹ trong vòng vài chục năm tới.
Dân chủ và đảng Dân chủ…
Hiến Pháp là luật chơi cho những người muốn tham gia chính trị, qua lời giải thích của bà Barrett chúng ta có thể hiểu lý do đảng Cộng Hòa muốn bảo vệ Hiến Pháp, Luật Pháp và Trật Tự một cách triệt để.
Còn Hiến Pháp hiện hành rõ ràng không có lợi cho đảng Dân Chủ, vì thế họ muốn phá bỏ luật chơi này, để có được những luật chơi khác có lợi hơn cho họ.
Đảng Dân Chủ còn muốn chuyển Washington D.C. và Puerto Rican thành hai tiểu bang để họ có thêm phiếu tại Thượng Viện, cũng như tăng số thẩm phán Tối Cao Pháp Viện lên 6 ghế.
Tất cả những điều kể trên đều không dễ thực hiện, vì thế cánh tả cấp tiến có ý tưởng hủy bỏ Hiến Pháp hiện hành để soạn một hiến pháp mới cấp tiến theo định hướng dân chủ xã hội.
Trong cuộc tranh luận bầu cử vừa qua, ông Joe Biden từ chối trả lời câu hỏi về việc câu giờ (Filibuster) không để Thượng Viện thông qua việc đề cử bà Barrett và câu hỏi nếu ông Biden thắng cử có cho phép tăng số thẩm phán thêm 6 ghế (Pack the court) hay không.
Nhìn chung, đảng Dân Chủ đang bị đặt vào một thế rất bị động vì khi bà Barrett được làm thẩm phán và nếu ông Trump tái đắc cử, đảng Dân Chủ sẽ chịu thua thiệt trong một thời gian dài, nên bằng mọi cách phải ngăn cản Thượng viện bổ nhiệm bà Barrett và phải tập trung tất cả để không thua cuộc bầu cử Tổng thống 2020.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy từ Melbourne, Australia.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-54401036
Mỹ Trung đấu khẩu dữ dội
về chính sách triệt sản người Duy Ngô Nhĩ
Trọng Nghĩa
Trung Quốc vào hôm qua 02/10/2020, đã lên tiếng tố cáo Mỹ dối trá và tìm cách “đưa thế giới trở về thời kỳ rừng rú”. Đả kích trên được đưa ra sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh và Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc cưỡng ép phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương triệt sản và phá thai.
Theo hãng tin Anh Reuters, ngày 01/10, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và bộ trưởng Giáo Dục Mỹ Betsy DeVos đã ra tuyên bố cáo buộc Trung Quốc là cưỡng ép phụ nữ Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và nhiều sắc dân thiểu số khác phải phá thai, triệt sản hoặc thực hiện các biện pháp tránh thai khác.
Một phát ngôn viên phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ đã lập tức ra thông cáo phản đối, cho rằng cáo buộc của Mỹ là “ngụy tạo”, đúng với “thói quen nói dối và lừa đảo” của một số chính trị gia Mỹ. Theo nhân vật này, động thái đó của Mỹ đi ngược lại xu thế của thời đại, và thể hiện ý muốn đưa thế giới trở về “thời kỳ rừng rú”.
Đọc thêm: Trấn áp người Duy Ngô Nhĩ : Trung Quốc ngang nhiên vì không sợ bị xét xử
Reuters ghi nhận là phía Mỹ cũng đồng thời cáo buộc Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc (UNFPA -United Nations Population Fund) về vấn đề này, buộc định chế Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng phản bác. Quỹ UNFPA hôm qua đã lên tiếng lấy làm tiếc về những cáo buộc mà bộ trưởng Giáo Dục Mỹ đưa ra hôm 01/10 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, lên án chính sách kiểm tra dân số thô bạo của Trung Quốc, đã ”sát hại hàng triệu bé gái… với sự tiếp tay của các cơ quan Liên Hiệp Quốc”.
Giám đốc điều hành Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc Natalia Kanem khẳng định trước báo giới rằng cơ quan này chống lại mọi hành vi cưỡng bức phụ nữ, và luôn mời quốc tế đánh giá về việc làm của mình tại Trung Quốc. Bà Natalia Kanem nhấn mạnh vấn đề là ”trong bốn năm qua, Hoa Kỳ đã không đến thăm các chương trình của chúng tôi”.
Từ năm 2017, chính quyền của tổng thống Donald Trump đã cắt tài trợ cho Quỹ UNFPA, với cáo buộc là định chế này ”hỗ trợ … một chương trình cưỡng ép phá thai hoặc triệt sản không tự nguyện”. Cáo buộc này đã bị Liên Hiệp Quốc bác bỏ.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201003-trungquoc-my-daukhau-trietsan-duyngonhi
Nghị sĩ Mỹ kết tội
Bắc Kinh làm ông Trump nhiễm Covid-19
Hải Lam
Các nghị sĩ đảng Cộng hoà cho rằng, chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trong việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiễm virus Vũ Hán.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kelly Loeffler viết trên Twitter, “Hãy nhớ rằng: Trung Quốc đã làm lây lan virus đến Tổng thống của chúng ta. Chúng ta phải buộc họ chịu trách nhiệm”.
Ông Blair Brandt, cố vấn chính trị của đảng Cộng hòa và người gây quỹ cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, cũng viết trên Twitter rằng, “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tấn công Tổng thống của chúng ta bằng [vũ khí] sinh học”.
Trong khi đó, Nghị sĩ Mark Walker đặt câu hỏi: “Liệu có công bằng khi đưa ra đánh giá rằng Trung Quốc hiện đã chính thức can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta?”
Khoảng 17 giờ sau khi thông báo mình nhiễm Covid-19, Tổng thống Trump chiều 2/10 (rạng sáng 3/10 giờ Việt Nam) đã chậm rãi đi bộ từ Nhà Trắng để lên trực thăng để đến Trung tâm Y tế Quân đội Quốc gia Walter Reed ở bang Maryland.
Nhà Trắng hôm 2/10 cho biết, ông Trump có các triệu chứng nhẹ và trạng thái tinh thần tốt.
“Tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người vì sự ủng hộ to lớn. Tôi sẽ đến bệnh viện Walter Reed. Tôi nghĩ tôi đang rất ổn, nhưng chúng tôi phải đảm bảo mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Đệ nhất phu nhân cũng rất ổn”, ông Trump nói trong video được đăng trên Twitter ngày 2/10.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nghi-si-my-ket-toi-bac-kinh-lam-ong-trump-nhiem-covid-19.html
Hạ viện Hoa Kỳ trình dự luật chỉ định ĐCSTQ
là ‘tổ chức tội phạm xuyên quốc gia’
Phụng Minh
Nếu Dự luật được đề xuất thành công, các cá nhân liên quan đến ĐCSTQ sẽ phải đối diện với khả năng bị ngồi tù.
Ngày 1/10, Hạ Nghị sĩ, thành viên Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ Scott Perry đã đưa ra dự luật chỉ định Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một “tổ chức tội phạm xuyên quốc gia”.
Khi Perry công bố dự luật tại một cuộc họp trên Đồi Capitol ở Washington ngày hôm qua, ông nói: “Sáng nay, tôi đã may mắn được giới thiệu tại Hạ viện Hoa Kỳ một dự luật để trao cho ĐCSTQ một danh hiệu, là ‘tổ chức tội phạm xuyên quốc gia’, bởi vì họ là như vậy, họ là tội phạm. Dự luật này sẽ cho phép chúng tôi áp dụng Đạo luật kiểm soát tội phạm có tổ chức (RICO) đối với ĐCSTQ và những người liên quan đến ĐCSTQ”.
“Cho dù họ ở Trung Quốc hay Hoa Kỳ, họ sẽ nhận được hình phạt thực sự, bao gồm cả thời gian ngồi tù. Họ sẽ phải ngồi tù vì những tội ác mà họ đã gây ra thay mặt cho ĐCSTQ”.
“Dự luật này xóa bỏ quyền miễn trừ có chủ quyền của ĐCSTQ và đảm bảo rằng ngay cả các nhà ngoại giao của họ làm việc ở đây cũng sẽ bị điều chỉnh bởi dự luật này nếu họ có liên quan đến các hoạt động tội phạm”.
“Bạn không thể tha cho ĐCSTQ chỉ vì ĐCSTQ đang cai trị Trung Quốc, và bạn không thể để ĐCSTQ trốn tránh công lý. Và đây là những gì đang xảy ra. Bởi vì họ có thể tuyên bố rằng họ là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc, họ có thể thoát khỏi nó [bị trừng phạt]. Họ không được phép thoát khỏi nó, vì họ phải chịu trách nhiệm về việc đàn áp người dân, xây dựng trại tập trung, đàn áp Pháp Luân Công, những người dân Mông Cổ, chiếm đóng Tây Tạng… Các bạn đều biết những sự thật này. Tình trạng này phải chấm dứt”.
“Toàn thể cộng đồng quốc tế phải công nhận hành vi tội ác của ĐCSTQ và đứng lên chống lại nó. Hoa Kỳ phải đi đầu”.
“Tôi muốn cảm ơn các bạn đã có cơ hội nói chuyện với các bạn ở đây hôm nay, cảm ơn mọi người đã lắng nghe, cảm ơn mọi người đã đứng lên, bởi vì khi bạn đứng lên, bạn biết rằng ĐCSTQ sẽ đánh dấu bạn, đúng không? Họ đang săn lùng tất cả mọi người ở đây, và họ sẽ cố gắng hết sức để bịt miệng chúng tôi”.
“Chúng tôi sẽ không để họ thành công vì chúng tôi muốn sát cánh cùng nhau, chúng tôi muốn ngăn chặn ĐCSTQ và chúng tôi muốn buộc họ phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi muốn đưa họ ra trước công lý, và chúng tôi muốn chấm dứt sự bạo ngược của họ. Xin cảm ơn! Chúa phù hộ các bạn!”
Ông Perry cũng cho biết: “Nhiều người từ Tây Tạng, Đài Loan, người Duy Ngô Nhĩ và người Mông Cổ đã đến văn phòng của tôi và kể cho tôi kinh nghiệm của họ. Chúng ta không được dung thứ [cho ĐCSTQ vì] điều đó, chúng ta không thể cho phép việc chỉ giải quyết bằng đối thoại, không chỉ là thảo luận. Điều cần thiết là phải hành động”.
“Vì vậy, tôi rất biết ơn vì có cơ hội ở bên các bạn ngày hôm nay. Tôi cảm ơn vì lòng dũng cảm của các bạn, đã đứng lên chống lại một chế độ chuyên chế khủng khiếp ở Trung Quốc – Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tôi rất vui khi được sát cánh cùng các bạn và kiên quyết phản đối nó”.
“ĐCSTQ là một tên cặn bã đạo đức trần trụi. Như các bạn đều biết, nó là đồi bại, nó là ma quỷ, và nó là một tổ chức chinh phục và nô dịch những người mà nó cai trị”.
“Nhưng chúng ta không thể cho phép nó tồn tại nữa, chỉ không thể cho phép nó tiếp tục tồn tại. Những gì chúng ta đang đối mặt bây giờ là loại bỏ sự toàn trị của ĐCSTQ”.
“Tôi sẽ tiếp tục nói với tất cả những ai sẵn sàng lắng nghe những gì đã xảy ra trước mắt chúng ta, ngay cả những người không muốn nghe, hãy nói không biết mệt mỏi, và nói với họ càng nhiều lần càng tốt”.
“Chúng ta phải trở thành một thế hệ sẽ đối đầu, đánh bại và chấm dứt chế độ tà ác của ĐCSTQ”.
Lần đầu tiên phi cơ quân sự Mỹ
tiếp liệu tại căn cứ Ấn Độ
Trọng Thành
Một máy bay quân sự Mỹ đã tiếp liệu tại căn cứ chiến lược của Ấn Độ tại quần đảo Andaman và Nicobar. Đây là lần đầu tiên phi cơ chiến đấu Mỹ tiếp liệu tại một căn cứ Ấn Độ. Sự việc diễn ra vào lúc tại vùng biên giới Ấn – Trung, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đang trong tình trạng đối đầu căng thẳng.
Báo chí Ấn Độ hôm qua, 02/10/2020, cho hay một phi cơ P-8 Poseidon, chuyên săn tầu ngầm và trinh sát trên biển đã hạ cánh cách nay một tuần, tại căn cứ quân sự chiến lược của New Delhi trên Ấn Độ Dương. Hoạt động tiếp liệu của phi cơ Mỹ diễn ra trong khuôn khổ Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần song phương (gọi tắt là LEMOA), ký kết hồi 2016.
Sau khi thỏa thuận này chính thức có hiệu lực từ năm 2017, các hoạt động hỗ trợ tiếp liệu song phương từng diễn ra một số lần, nhưng chỉ là trên biển. Mới đây nhất, hồi tháng 9, một tàu chiến Ấn Độ đã được một tàu chở dầu của Mỹ tiếp liệu.
Một nguồn tin từ bộ Quốc Phòng Ấn Độ cho biết, phi cơ Mỹ đã có mặt tại căn cứ nói trên trong vài giờ, trước khi tiếp tục lộ trình. Theo các nhà quan sát, dù chỉ là một hoạt động tiếp liệu thông thường, nhưng sự hiện diện lần đầu tiên của một phi cơ chống ngầm và trinh sát Mỹ tại căn cứ chiến lược của Ấn Độ gửi đi một thông điệp rõ ràng.
Ấn Độ hiện đang đặt quân đội, trong đó có lực lượng Hải Quân, trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Đối thủ của New Delhi không ai khác hơn là Bắc Kinh. Quân đội Trung Quốc không chỉ đe dọa Ấn Độ tại vùng biên giới trên bộ ở phía bắc. New Delhi coi việc Hải Quân Trung Quốc gia tăng hoạt động tại Ấn Độ Dương là một hiểm họa.
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201003-phico-my-landautien-cancu-ando
Sau Liên Hiệp Châu Âu,
đến lượt Hoa Kỳ trừng phạt Belarus
Trọng Nghĩa
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Liên Hiệp Châu Âu loan báo các biện pháp trừng phạt nhắm vào Belarus, chính quyền Mỹ vào hôm qua, 02/10/2020 cũng chính thức áp đặt lệnh trừng phạt đối với tám quan chức của chế độ Loukachenko, bị cáo buộc gian lận bầu cử và đàn áp biểu tình.
Trong một bản thông cáo, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố: “Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế đoàn kết trong việc bắt những kẻ đã phá hoại nền dân chủ Belarus trong nhiều năm phải trả giá”.
Trong số những quan chức bị Mỹ trừng phạt, có bộ trưởng Nội Vụ Belarus Yuri Karaev và người phó của ông. Những người bị trừng phạt sẽ bị phong tỏa tài sản và người Mỹ bị cấm kinh doanh với những người này.
Quyết định của Mỹ được loan báo sau khi Liên Hiệp Châu Âu loan báo lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với khoảng 40 quan chức Belarus, trong đó có bộ trưởng Nội Vụ Belarus cũng như lãnh đạo Ủy Ban Bầu Cử nước này.
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của châu Âu không bao gồm tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, trùng với quan điểm của Liên Âu là chỉ nhắm vào nhân vật lãnh đạo tối cao trong trường hợp tối hậu.
Dĩ nhiên là chính quyền Belarus đã phản ứng mạnh mẽ trước các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu. Bộ Ngoại Giao Belarus hôm qua cũng loan báo quyết định cấm nhập cảnh đối với nhiều quan chức Liên Âu, nhưng không tiết lộ danh sách.
Chính quyền Minsk đồng thời cho triệu hồi đại sứ của Belarus tại Ba Lan và Lítva về nước để tham khảo, và yêu cầu hai quốc gia láng giềng này giảm bớt số nhân viên tại đại sứ quán hai nước ở Belarus, điều đã bị cả Vacxava lẫn Vilnius bác bỏ.
Chính quyền Nga cũng lên tiếng ủng hộ đồng minh Belarus. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu bộc lộ “sự yếu kém” thay vì sức mạnh của châu Âu. Tuy nhiên, Nga cũng ghi nhận một yếu tố “tích cực”: Tổng thống Loukachenko không trở thành đối tượng bị trừng phạt.
Những mối nguy hiểm cận kề với Hoa Kỳ
sau khi TT Trump nhiễm virus Vũ Hán
Bình luậnNguyễn Minh
Mối đe dọa của virus corona Vũ Hán đối với Hoa Kỳ không còn bị giới hạn bởi địa lý hoặc nhân khẩu học.
Với kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona Vũ Hán của Tổng thống Trump đã cho thấy những rủi ro mà virus này gây ra cho nước Mỹ là không thể lường trước.
Về An ninh quốc gia, các quan chức chính quyền Hoa Kỳ đã thừa nhận rằng Trung Quốc và các cường quốc thù địch biết rằng, Hoa Kỳ hiện đang bị phân tâm và có thể lợi dụng tình hình này để tiếp tục chủ nghĩa bành trướng của họ hoặc thậm chí dám gây hấn với Hoa Kỳ, theo trang tin Axios của Mỹ.
Hiện nay, các điểm nóng trên khắp thế giới đều đang bùng nổ, bao gồm việc Trung Quốc leo thang tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông – cũng như các cuộc đụng độ và căng thẳng ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là 2 quốc gia đông dân nhất thế giới và đều có vũ khí hạt nhân.
Về kinh tế: Sau những dấu hiệu tăng trưởng vào đầu mùa hè ở Mỹ, hiện tại nền kinh tế đang gặp khó khăn trở lại. Trong tuần này, hàng chục nghìn nhân viên của Disney và các hãng hàng không bị sa thải.
Tình trạng lây nhiễm virus Corona không lường trước ở thời điểm hiện tại dẫn đến việc thị trường bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn. Các doanh nghiệp sẽ không nhận được các tín hiệu cần thiết để khuyến khích mở cửa trở lại, chứ chưa nói đến việc trở lại trạng thái bán bình thường.
Về Xã hội: Rất nhiều người Mỹ trở nên buông lung trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ chống virus, một phần là do rất nhiều người dân cảm thấy không bị ảnh hưởng từ virus này.
Nhưng đến nay, virus đã xâm nhập vào ngôi nhà an toàn nhất trên thế giới. Nếu bất cứ ai cảm thấy không nghiêm túc với sự lây nhiễm của virus, thì đều cần phải thức tỉnh.
Về Chính trị: Còn 32 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020. Cả hai đảng đều coi đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nhưng Tổng thống đương nhiệm, 74 tuổi, tạm thời phải hoãn các chiến dịch vận động tranh cử.
Đối thủ tranh cử từ Đảng Dân chủ là ông Joe Biden, 77 tuổi, vốn rất thận trọng trong việc xuất hiện trước công chúng của mình. Hiện người dân Mỹ có một loạt câu hỏi mới về kế hoạch của ông.
Tất cả các hoạt động, bao gồm cả 3 cuộc tranh luận còn lại, hiện chưa biết sẽ có thể tiến hành như đã định. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Nếu tổng thống Trump xuất hiện các triệu chứng nặng, thì sự gián đoạn của các hoạt động sẽ nhân lên nhiều lần nữa.
Theo kế hoạch, cuộc tranh luận tiếp theo giữa 2 ứng viên Tổng thống Trump – Biden sẽ diễn ra trong 13 ngày nữa. Như vậy, đó là đúng 14 ngày kể từ thời điểm Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ cách ly.
Tổng thống Donald Trump đã được đưa đến Trung tâm Y tế Walter Reed và dự kiến sẽ ở đó trong “vài ngày” sau khi xét nghiệm dương tính với virus Corona Vũ Hán vào ngày 2/10.
Phát ngôn viên Alyssa Farah cho biết, Tổng thống Trump vẫn đang làm việc và không có chuyện chuyển giao quyền lực tạm thời cho Phó Tổng thống Mike Pence.
Nguyễn Minh
Ông Trump dương tính COVID,
thị trường chứng khoán mất ‘miễn nhiễm’
Việc Tổng thống Donald Trump sáng sớm 2/10 loan báo xét nghiệm dương tính với COVID đã chấm dứt sự ‘miễn nhiễm’ mà các thị trường chứng khoán được hưởng trong thời gian qua.
Sự phân chia cho cuộc bầu cử tháng 11 tới đây và sự lãnh đạo nước Mỹ tuỳ thuộc tình trạng nặng nhẹ của ông Trump. Cục Dự trữ Liên bang đã giúp chống đỡ thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư bây giờ phải tự quyết định.
Tin ông Trump bị nhiễm COVID làm rúng động thị trường chứng khoán.
Mọi việc xảy ra sau khi bà Hope Hicks, phụ tá của ông Trump, xét nghiệm dương tính COVID.
Ông Trump tuyên bố sẽ tự cách ly-nhưng hiện chưa rõ bao lâu. Chỉ số chứng khoán Mỹ sụt giảm trong khi chỉ số đô la Mỹ tăng.
Thị trường từng tuột dốc sau khi các biện pháp đóng cửa được áp dụng hồi tháng 3 nhưng hầu hết đã phục hồi. Phần lớn là nhờ Cục Dự trữ Liên bang bơm tiền vào hệ thống tài chánh và kích thích năng lực mua tài sản, thêm 3.000 tỉ đô la vào bảng thu chi vốn đang ở mức trên 7.000 tỉ đô la.
Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ Jay Powell vừa ra chỉ dấu cho thấy ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi xuất gần 0 cho đến năm 2023. Chỉ số Nasdaq 100 tăng 30% trong năm nay do sự lớn mạnh của những công ty như Amazon với mức bán tăng mạnh khi khách hàng ở nhà. Chỉ số S&P 500 tăng 4%.
Hiện các nhà đầu tư đang trong tư thế ‘bất bình thường’ đánh cược vào sức khỏe của Tổng thống. Mấy tháng trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson, trẻ hơn ông Trump gần 20 tuổi, từng hồi phục sau khi nhiễm COVID-19.
Nếu ông Trump bị bệnh nhẹ thì có thể có ảnh hưởng ngắn hạn. Tuy nhiên, do ông đã 74 tuổi và cân nặng trên trung bình nên có khả năng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Nếu ông Trump không thể đảm nhiệm công việc, ông có thể tạm thời trao quyền cho phó Tổng thống Mike Pence.
Chỉ còn một tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống 3/11. Cuộc bầu cử này vốn đã dự trù sẽ có kết quả khó đoán. Chuyện đó đã khiến giới đầu tư lo ngại. Với việc ông Trump bị nhiễm COVID, mối lo ngại đó giờ đây bị đẩy lên một mức độ mới.
Tàu chiến Canada đi gần Đài Loan
giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc dâng cao
Bộ Quốc phòng của đảo quốc Đài Loan cho biết hôm thứ Bảy 3/10 rằng một tàu chiến Canada đi qua eo biển Đài Loan, một địa điểm nhạy cảm. Chuyến đi của con tàu diễn ra vào thời điểm căng thẳng quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan gia tăng và có thể khiến Bắc Kinh tức giận.
Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan dân chủ là lãnh thổ của Trung Quốc.
Đất nước hơn 1,4 tỷ dân tăng cường hoạt động quân sự xung quanh hòn đảo này trong vài tuần qua, bao gồm cả việc điều máy bay chiến đấu đi qua vùng đệm ven đường trung tuyến không chính thức ở eo biển.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hộ tống hạm của Canada đã đi vào eo biển Đài Loan từ Biển Đông và đi về phía Bắc sau khi rời khỏi tuyến hàng hải này.
Lực lượng vũ trang của Đài Loan đã theo dõi con tàu khi nó ở eo biển. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết thêm rằng tình hình vẫn bình thường nhưng không nêu ra các chi tiết.
Hải quân của Canada đã đi qua eo biển Đài Loan trước đây, kể cả vào tháng 9 năm ngoái.
Hải quân Hoa Kỳ cũng đã thường xuyên tiến hành các chuyến đi qua eo biển.
Trung Quốc thường lên án những chuyến đi như vậy. Vào tháng 8, quân đội Trung Quốc nói việc tàu khu trục mang tên lửa điều hướng USS Mustin đi qua eo biển là một động thái “cực kỳ nguy hiểm”.
Quan hệ Trung Quốc-Canada trở nên xấu đi kể từ khi Canada bắt giữ giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei Technologies, là bà Mạnh Vãn Chu, vào cuối năm 2018.
Ngay sau khi bà Mạnh bị bắt giam, Trung Quốc đã bắt giữ các công dân Canada Michael Spavor và Michael Kovrig, buộc tội họ hoạt động gián điệp.
https://www.voatiengviet.com/a/tau-chien-canada-di-gan-dai-loan/5607417.html
Covid-19 : Tình hình tại châu Âu tiếp tục xấu đi
Thanh Phương
Tình hình dịch Covid-19 tiếp tục xấu đi tại châu Âu, nhất là tại Pháp và Tây Ban Nha; Phần Lan dùng chó để phát hiện Covid-19; Lệnh giới nghiêm vì Covid-19 được dỡ bỏ tại Melbourne; Singapore Airlines từ bỏ các chuyến bay « ngẫu hứng »; Người Armenia hải ngoại về nước để chiến đấu chống Azerbaijan ở vùng Thượng Karabath; Giáo hoàng gia tăng chống bê bối tài chính ở Vatican. Đó là những đề tài của tạp chí Thế giới đó đây cuối tuần này.
Bao trùm lên thời sự quốc tế tuần này vẫn là dịch Covid-19, đặc biệt là với việc tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 02/10/2020 thông báo ông và phu nhân Melania bị nhiễm virus corona và cả hai phải tự cách ly trong Nhà Trắng, vào lúc chỉ còn một tháng nữa là bầu cử tổng thống. Trong khi đó tình hình tại châu Âu tiếp tục xấu đi, đặc biệt là tại Pháp và Tây Ban Nha, nơi mà các biện pháp hạn chế mới đã và đang có hiệu lực.
Covid-19: Paris có thể chuyển thành “vùng báo động tối đa”
Riêng tại Pháp, nơi mà số ca tử vong nay vượt ngưỡng 32.000, theo lời bộ trưởng Y Tế Olivier Véran hôm thứ Năm 01/10/2020, thủ đô Paris ngay từ thứ Hai tới rất có thể sẽ chuyển thành « vùng báo động tối đa » và như vậy sẽ phải thi hành các biện pháp nghiêm ngặt hơn, nếu dịch Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ như hiện nay. Cụ thể là thủ đô Pháp sẽ đóng cửa toàn bộ các quán bar, nhà hàng, cấm việc tụ họp gia đình, bạn bè. Cũng theo lời bộ trưởng Véran, tình hình tại 5 thành phố lớn khác là Lille, Lyon, Grenoble, Toulouse et Saint-Etienne cũng đang xấu đi trong những ngày qua và cũng có thể sẽ bị xếp vào loại « báo động tối đa » trong tuần tới.
Trong một ý kiến đề ngày 22/09, nhưng đến tối 01/10/2020 mới được công bố, Hội đồng khoa học cố vấn cho chính phủ về phòng chống Covid-19 cho rằng, để tránh cho nước Pháp phải thi hành các biện pháp gắt gao hơn, đến mức phải phong tỏa trở lại, dân Pháp nên hạn chế số người mà mình tiếp xúc, nhất là những người trong gia đình và bạn bè. Theo Hội đồng khoa học, chính những cuộc tụ họp gia đình và bạn bè là những lúc mà virus lây lan dễ nhất, vì hầu như không ai đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn với nhau.
Còn tại Tây Ban Nha, từ hôm thứ Năm vừa qua, thủ đô Madrid cũng đã bắt đầu áp dụng các biện pháp có hiệu lực từ một tuần qua tại những vùng bị dịch nặng nhất. Cụ thể là người dân Madrid kể từ nay không được ra vào thành phố này, trừ trường hợp đi làm, đi khám bác sĩ, hay đưa con đến trường.
Còn tại Anh, các biện pháp hạn chế mới cũng vừa được ban hành hôm thứ Năm tại vùng Liverpool : những người không cùng gia đình không được tụ họp trong nhà, không nên di chuyển nếu không thật sự cần thiết, không nên đến dự các sự kiện thể thao, không nên đi thăm người thân trong các viện dưỡng lão. Các biện pháp này từ hôm thứ Tư đã có hiệu lực lại một phần của miền đông bắc nước Anh. Toàn nước Anh từ nhiều ngày qua cũng đã sống với những hạn chế : các quán rượu, nhà hàng, quán bar phải đóng cửa lúc 22 giờ, các cuộc tụ họp không được quy tụ quá 6 người, trong nhà lẫn ngoài trời.
Phần Lan dùng chó để phát hiện Covid-19
Việc phát hiện những ca nhiễm virus corona, dù có triệu chứng hay không, là yếu tố chủ chốt trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19. Thế nhưng xét nghiệm toàn bộ dân chúng rất khó khăn. Các phòng xét nghiệm có khả năng hạn chế, thời gian chờ nhận kết quả thì ngày càng dài. Ấy là chưa kể chi phí rất tốn kém.
Tại Phần Lan, các nhà nghiên cứu đã quyết định nhờ đến chó, cụ thể hơn là dùng khứu giác của loài này, để phát hiện các bệnh nhân Covid-19. Cuộc thử nghiệm đầu tiên, cho kết quả rất tốt, đã bắt đầu tại sân bay Hensinki, theo tường trình của thông tín viên Frédéric Faux ngày 29/09 :
« Khi đến sân bay Helsinki, quý vị có thể sẽ được đưa vào một phòng nhỏ, rồi dùng một mảnh vải chà vào nách và cổ. Bên kia bức tường, một người nuôi chó sẽ lấy mảnh vải đó cho chó ngứi, để trong vòng 10 giây có thể biết được là quý vị đã bị nhiễm virus corona hay không.
Chó đã được dùng để phát hiện các bệnh nhân sốt rét và ung thư. Chúng cũng tỏ ra rất hiệu quả đối với virus corona. Là người giám sát cuộc thử nghiệm này, nhà khoa học Anna Hielm-Björkman, đại học Helsinki, cho biết:
« Chúng tôi đã đạt được tỷ lệ phát hiện từ 94 đến 100%. Tỷ lệ còn hơn cả xét nghiệm PCR. Và khi có khác biệt giữa xét nghiệm PCR và chó, thì thường là chó cho kết quả đúng. »
Một con chó giỏi thì chỉ cần được huấn luyện trong vài ngày, cho nên hoàn toàn có thể dùng chó để phát hiện hàng loạt các ca nhiễm Covid-19, không chỉ ở các sân bay, mà cả trong các bệnh viện và trường học. Nhưng có một câu hỏi được đặt ra : Cụ thể thì chó ngửi được gì và phát hiện cái gì ?
Anna Hielm-Björkman nói : « Chúng tôi hoàn toàn không biết. Công nghệ của chúng ta chưa bằng được khứu giác của chó, nên không thể phát hiện được những hàm lượng thấp như thế ».
Từ đây đến cuối tháng 11, khoảng một chục con chó sẽ thi hành nhiệm vụ tại sân bay Helsinki.”
Covid-19 : Bỏ giới nghiêm tại Melbourne
Tại Melbourne, thành phố lớn thứ hai của Úc, lên giới nghiêm kéo dài từ 2 tháng qua, đã được bãi bỏ ngày 28/09/2020. Tại nơi từng là tâm chấn của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ở Úc, số ca nhiễm mới trong gần 15 ngày qua đã giảm xuống dưới mức 20 người. Tuy nhiên, toàn bộ các hạn chế vẫn chưa được dỡ bỏ, trong đó có lệnh phong tỏa, sẽ còn được duy trì ít nhất là trong ba tuần nữa. Từ Sydney, thông tín viên Grégory Plesse gởi về bài tường trình ngày 28/09:
« Gọng kềm bắt đầu được nới lỏng chút ít tại Melbourne, từ sáng nay không còn sống dưới lệnh giới nghiêm nữa. Tại thành phố bị dịch Covid-19 nặng nhất nước Úc, sự lây lan của virus giảm thấy rõ, cho nên chính quyền địa phương đã dỡ bỏ một số hạn chế mà 5 triệu dân Melbourne đã phải gánh chịu từ 3 tháng qua.
Học sinh cấp tiểu học nay có thể trở lại trường, nhà trẻ cũng được mở lại, người dân có thể tổ chức đám cưới, cho dù không được quá 5 người, tính luôn cả đôi tân hôn và người làm chứng.
Nhưng lệnh phong tỏa thì vẫn được duy trì, cũng như quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Việc đi lại vẫn còn bị hạn chế, người dân vẫn bị cấm không được đi xa nhà hơn 5 km. Những biện pháp này có thể sẽ được bãi bỏ trong khoảng gần 3 tuần nữa, ngày 19/10/2020.
Các hạn chế này, gắt gao nhất trong số các quốc gia Tây phương, đã gây ra một số phong trào phản đối trong dân chúng. Tuy vậy, theo kết quả một cuộc thăm dò được công bố vào tuần trước, có đến hơn 60% dân Úc ủng hộ các biện pháp đó. »
Singapore Airlines từ bỏ các chuyến bay « ngẫu hứng »
Ngay giữa lúc đang có đại dịch, một số hãng hàng không từ mấy tuần qua lại chào mời các chuyến bay « chẳng biết đi đến đâu », tức là máy bay cất cánh bay một vòng tùy hứng đi khắp các nơi, rồi quay lại đáp xuống nơi xuất phát. Ý định này đã bị phản đối dữ dội trên các mạng xã hội và khiến hãng hàng không Singapore Airlines cuối cùng đã phải hủy bỏ các chuyến bay đó.
Thông tín viên của RFI tại Đông Nam Á Gabrielle Maréchaux tường trình ngày 30/09/2020 :
« Không phải là tại vì sợ thiếu hành khách, mà đúng là vì sợ ảnh hưởng đến thanh danh, cho nên hãng hàng không quốc gia Singapore ngày 28/09 đã thông báo từ bỏ các chuyến bay « chẳng biết đi đến đâu ».
Ý định kỳ quặc này đã bị cư dân mạng khắp thế giới cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường Singapore chỉ trích nặng nề. Chẳng hạn như tổ chức SG Climate Rally đả kích việc tiến hành các chuyến bay chẳng có lý do xác đáng nào, mà lại phát ra nhiều khí thải gây hiệu ứng lồng kính.
Nhưng sau khi lùi bước trước áp lực của công luận trong chuyện này, hãng hàng không Singapore đã nhanh chóng chào mời các dịch vụ khác để tạo ra lợi nhuận trong bối cảnh toàn bộ máy bay của hãng này đang phải nằm yên suốt sáu tháng qua. Họ dự trù tổ chức các chuyến viếng thăm với hướng dẫn viên đến các cơ sở hạ tầng của hãng này và các bữa ăn tối sang trọng trên chiếc Airbus khổng lồ A380.
Singapore vốn là trạm trung chuyển quan trọng của giao thông hàng không thế giới. Trước khi có dịch Covid-19, cứ mỗi 90 giây lại có một máy bay cất cánh từ sân bay này. Trong khi Singapore kể từ nay từ bỏ các chuyến bay « chẳng biết đi đến đâu », thì các hãng hàng không của Úc, Nhật Bản và Đài Loan vẫn chưa cho biết là sẽ ngưng tiến hành các chuyến bay kiểu như vậy hay không. »
Xung đột Thượng Karabath : Người Armenia hải ngoại xung phong về nước
Bao trùm thời sự quốc tế tuần này là cuộc xung đột vũ trang giữa Azerbaizan và Armenia tại vùng Thượng Karabath, vùng đất nằm lọt giữa Azerbaijan, một nước Cộng hòa tự phong không được quốc tế công nhận, nhưng có sự yểm trợ của Armenia. Chính quyền Erevan đã ra lệnh tổng động viên. Quân tình nguyện khắp nơi kéo đến, kể cả từ cộng đồng người Armenia hải ngoại, như tường thuật của đặc phái viên Anissa el Jabri trên một chuyến bay đến Erevan:
“ Đứng giữa các hàng ghế trên máy nay, khoảng 40 người cất lên các bản hành khúc. Hành khách quay phim và vỗ tay tán thưởng. Đó là những người đàn ông tuổi từ 18 đến khoảng hơn 50, mới quen nhau ở sân bay. Họ đến từ Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Belarus và Pháp. Một thanh niên nói: “ Tôi là người Armenia sống ở Pháp, tôi đã đi thẳng đến đây ngay khi vừa nghe tin. Sáng Chủ Nhật vừa qua, cha tôi gọi điện đến và nói: “ Con bật tivi lên xem họ đang làm gì trên đất Armenia của chúng ta kìa.” Tôi quyết định lấy ngay chuyến bay đầu tiên đến Armenia, để sát cánh với nhân dân tôi, với những người anh em của tôi.”
Nhà doanh nghiệp trong ngành xây dựng này đã đi một mình mà không hề báo trước cho gia đình, với hành trang chỉ gồm một ít tiền, vài bộ quần áo và 3 tháng được huấn luyện ở quân trường cách đây 5 năm. Anh nói tiếp: “Chúng tôi đến đấy để cứu những mạng sống. Khoảng 40 người chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều, ai cũng nói là không hề sợ chút nào”.
Họ đã dự trù tất cả và nếu cần phải tự bỏ tiền mua vũ khí để chiến đấu, họ cũng sẵn sàng. Tại Erevan bây giờ, không còn bất cứ thiết bị quân sự nào, túi ngủ cũng không còn. Toàn bộ đã bị trưng dụng cho cuộc chiến.”
Giáo hoàng gia tăng chống bê bối tài chính ở Vatican
Giáo hoàng Phanxicô đang gia tăng nỗ lực chống các vụ bê bối tài chính tại Vatican, qua việc bổ nhiệm một biện lý mới, đó là một luật sư người Ý chuyên về tội phạm tài chính. Việc bổ nhiệm này diễn ra vài ngày sau vụ từ chức của một hồng y bị cáo buộc ăn hối lộ.
Từ Vatican, thông tín viên Eric Sénanque gởi về bài tường trình ngày 29/09 :
« Hiện là giáo sư giảng dạy luật thương mại tại một trường đại học ở Roma và là một chuyên gia về luật ngân hàng, Gianluca Perone đã chính thức được bổ nhiệm vào ê kíp của quan chức đặc trách thúc đẩy tư pháp ở Vatican. Luật sư Perone được giao việc tiến hành điều tra nội bộ về các vụ bê bối tài chính, còn người đứng đầu ê kíp thì lo về các vụ rửa tiền.
Chính quan chức này trong những tháng qua đã truy tố nhiều nhân vật thân cận của hồng y Becciù nguyên là nhân vật số 3 của Tòa Thánh và thứ Năm tuần trước đã buộc phải từ chức, do bị cáo buộc có dính líu đến các vụ giao dịch tài chính mờ ám.
Theo những người thân tín, giáo hoàng Phanxicô muốn thúc đẩy sự minh bạch tài chính ở Vatican. Thời điểm bổ nhiệm không hề có sự trùng hợp : Hôm thứ Ba, một phái đoàn của Moneyval đến Roma. Đó là các chuyên viên của Hội Đồng Châu Âu đặc trách việc đánh giá hiệu quả của các biện pháp chống nạn rửa tiền. Trong chuyến đi cuối cách đây 3 năm, các chuyên viên này đã ghi nhận những tiến bộ của Vatican, nhưng cũng yêu cầu Tòa Thánh nỗ lực hơn nữa để đưa ra tòa những kẻ bị điều tra.»
EU, Anh đồng ý đẩy mạnh đàm phán Brexit
để thu hẹp khoảng cách
Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đứng đầu nhánh hành pháp của EU, Ursula von der Leyen, đồng ý trong một cuộc điện đàm vào thứ Bảy 3/10 là sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán Brexit nhằm thu hẹp “những khoảng cách đáng kể” còn đang cản đường đi đến một mối quan hệ đối tác thương mại mới.
Hai bên cho biết vòng đàm phán trong tuần này nhằm đi đến một thỏa thuận thương mại mới hậu Brexit từ năm 2021 đã đạt được một số tiến bộ nhưng chưa mang lại đột phá.
EU nói rằng phải ký kết được một thỏa thuận vào cuối tháng 10 – hoặc chậm nhất là vào những ngày đầu của tháng 11 – mới có đủ thời gian cho việc phê chuẩn trong khối vào cuối năm.
Ông Johnson và bà von der Leyen đã thảo luận về các bước tiếp theo trong cuộc gọi của họ hôm 3/10.
“Họ nhất trí về tầm quan trọng của việc đạt được một thỏa thuận, nếu có thể, làm cơ sở vững chắc cho mối quan hệ chiến lược EU-Vương quốc Anh trong tương lai”, họ nói trong một tuyên bố chung.
“Đã đạt được những tiến bộ trong những tuần gần đây, nhưng vẫn còn những khoảng cách đáng kể, nhất là trong các lĩnh vực thủy sản, sân chơi bình đẳng và quản trị, chưa kể các lĩnh vực khác”, tuyên bố cho biết thêm.
Hai nhà lãnh đạo đã chỉ thị cho các nhà đàm phán Brexit của họ, Michel Barnier và David Frost, “làm việc thật lực để cố gắng thu hẹp những khoảng cách đó”.
Sẽ có thêm các cuộc đàm phán thương mại ở London vào tuần tới và tại Brussels vào tuần kế tiếp, trước khi các nhà lãnh đạo 27 quốc gia của EU nhóm họp vào ngày 15 và 16/10 để đánh giá tiến độ.
Càu nhàu, một nghệ thuật tinh tế của người Pháp
Website tuần báo Le Courrier International ngày 20/09/2020, có bài «Giải thích cho người nói tiếng Anh biết nghệ thuật càu nhàu của dân Pháp». Với cách viết dí dỏm, hài hước, bài viết phản ánh một khía cạnh xã hội Pháp, thói quen, tâm lý của dân Pháp.
Để có thể nói chuyện dễ dàng và thoải mái với một người Pháp, tốt hơn hết là phải biết cách phàn nàn, càu nhàu. Đó là nhận xét của website BBC. Thế nhưng, nếu như cằn nhằn là một thói quen được ưa chuộng rộng rãi tại Pháp, thì việc biết chính xác càu nhàu vào lúc nào, với ai và về việc gì cũng là cả một nghệ thuật.
«Vụ thu hoạch nho tồi tệ quá; giới lãnh đạo chính trị toàn là kẻ bất tài và thậm chí còn dốt nát thô lậu», đó là một chỉ dấu gần như chắc chắn để bạn biết rằng cuộc nói chuyện này diễn ra tại Pháp vì ngay từ đầu, đã có một việc gì đó không ổn.
Emily Monaco, trên website của BBC, nói rõ hơn dựa trên kinh nghiệm bản thân. Nữ nhà báo Mỹ này tới Pháp cách nay 15 năm và đã bị ngỡ ngàng, chưng hửng trong một thời gian dài, khi nghe thấy những người xung quanh mình lúc nào cũng cằn nhằn, phản đối, không bằng lòng đủ mọi thứ. Cô bị cụt hứng vì những gì cô chứng kiến giống như một «dàn hợp xướng phản đối thường trực».
Vậy tại sao dân Pháp lại luôn luôn có tính khí khó khăn như vậy? Cô cho biết, rốt cuộc, «khi tôi có đủ can đảm để hỏi một người bạn Pháp về việc này, thì anh ta trả lời rằng không, anh không phàn nàn, mà chỉ càu nhàu thôi». «Chính sự phân biệt này đã kích thích tôi, một thiếu nữ người Mỹ, lúc đó mới 19 tuổi, khám phá xem điều gì ẩn giấu đằng sau sự không hài lòng của người Pháp và mở đầu là với những từ ngữ như sau: Người ta có thể phàn nàn – se plaindre – đó là động từ tự thân được dùng từ lâu nay khi thể hiện sự không đồng tình, nhưng nếu dùng porter plainte – đưa ra, đệ trình phàn nàn – khi muốn chính thức hóa vấn đề. Và có loại càu nhàu, phàn nàn chỉ vì thích như vậy mà thôi».
Một nghệ thuật tế nhị
Một sự tinh tế về ngôn từ như vậy cho thấy đúng là không phải ai cũng biết càu nhàu như một người Pháp thực thụ, nhất là đối với người nước ngoài mới tới Pháp. Emily Monaco giờ đây thú nhận rằng các bạn của cô vẫn còn nhớ là khi nghe cô mới chập chững đi những bước đầu tiên trong nghệ thuật càu nhàu thì nó giống như những đứa trẻ còn chưa nói sõi nhưng làm ra vẻ như đang nói chuyện qua điện thoại. «Do vậy, biết cằn nhằn đúng lúc, với đúng đối tượng và có những lý do chính đáng là một nghệ thuật tinh tế mà tôi đã phải học để làm chủ được».
Theo Emily Monaco, có 5 nguyên tắc chính:
1. Tại Pháp, khác với ở Mỹ, nói một điều gì tiêu cực là muốn người đối thoại với mình thể hiện chính kiến. Ở Pháp, phàn nàn là một trong những phương tiện được ưa thích để bắt đầu nói chuyện. Ví dụ, «bạn có thể nói về một nhà hàng ăn ngon nhưng đồng thời xoáy vào chuyện phục vụ vẫn chưa tốt hoặc nhấn mạnh rằng chỉ vì các cửa sổ ở căn hộ mới của bạn đều mở ra hướng đông, nên bạn lại phải đi mua rèm cửa».
Đối với dân Mỹ, đây là cách ứng xử trái với tự nhiên. Theo Anna Olonyi, một nữ tác giả Pháp-Hung-Mỹ, làm việc tại Viện tư duy phê phán ở Paris, nếu ứng xử như vậy, dân Mỹ có nguy cơ bị coi là kẻ có tư tưởng thất bại, thua kém – loser – và từ này lại không có trong tiếng Pháp.
2. Tại Pháp, một cuộc nói chuyện có thể coi như một cuộc đấu súng tay đôi.
Nữ nhà báo Canada Julie Barlow, tác giả cuốn «Người Pháp nói như vậy đấy», giải thích: «Cằn nhằn là phương tiện tuyệt vời để mở đầu cuộc đọ sức. Điều này cho phép thể hiện sự thông minh và tạo cảm giác là có đầu óc phê phán, rằng tôi suy nghĩ, tôi không ngây thơ».
Điều này hoàn toàn trái ngược với ở Mỹ, nơi mà vẻ bề ngoài tiêu cực kiểu Pháp gây khó xử. Tại Mỹ, tư duy chủ đạo là «nếu có thể thì hãy nín nhịn, không cằn nhằn và nếu phải càu nhàu thì tốt hơn hết là bổ sung thêm câu: Ồ! Nhưng không sao, tôi sẽ giải quyết được...» Đó là một dấu ấn thể hiện tư duy lạc quan của dân nói tiếng Anh mà người Pháp thì có thể nhẹ nhàng bỏ qua.
3. Tuyệt nhiên không cần tìm cách giải quyết sự phàn nàn
Phản đối một cách «huỵch toẹt», không cần tế nhị, mang tính cách rất Pháp và tốt cho sức khỏe. Website BBC trích dẫn một nghiên cứu năm 2013 đăng trên tạp chí Tâm thần sinh học, cho biết, tìm cách điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực có thể gây rủi ro cao về các bệnh tim mạch; nhận xét này đã được trình bày trong một nghiên cứu của trường đại học Texas năm 2011, theo đó, kìm nén những cảm xúc tiêu cực làm cho con người trở nên hung hãn hơn.
4. Dân Pháp ưa thích phàn nàn những chuyện bên ngoài, xung quanh bản thân, chứ không phải cuộc sống riêng tư của mình.
Theo một cuộc thăm dò trong năm 2010, 48% dân Pháp được hỏi chủ yếu phàn nàn về chính phủ. Trong danh sách những vấn đề phàn nàn thì những chủ đề mang tính chất cá nhân nằm xa phía dưới: 23% phàn nàn khi liên lạc với một người mà không thấy họ gọi lại và chỉ có 12% phàn nàn về những vấn đề liên quan đến con cái.
Emily Monaco kết luận: «Tôi nghĩ là người Pháp lạc quan và tin tưởng đối với bản thân và cuộc sống của họ, nhưng lại có xu hướng rất nghiêm khắc đối với đất nước của họ».
5. Tại Pháp, người ta phàn nàn vì đủ mọi lý do
Phàn nàn không nhất thiết nhằm giải quyết một vấn đề hoặc tạo ra sự thay đổi. Theo Emily Monaco, «tại Pháp, giống như với phần lớn các câu giao tiếp theo khuôn mẫu có sẵn, ví dụ, người ta hỏi thăm mọi việc có ổn thỏa hay không, nhưng lại không nhất thiết quan tâm đến câu trả lời – càu nhàu trước hết là một phương tiện để tạo mối liên hệ».
Tác giả kết luận: «Đó là một phương tiện rất hữu hiệu. Xét cho cùng, phàn nàn thể hiện một tình cảm chân thực và điều quan trọng hơn là nó cho thấy một sự yếu đuối, dễ bị tổn thương nào đó. Sau nhiều năm sống tại Pháp, cuối cùng, tôi đã có thể kết giao hữu hảo với người dân ở đây và để có được mối giao lưu này, có lẽ chưa bao giờ tôi nghĩ là mình đã phải cằn nhằn nhiều đến như vậy».
Pháp dự định thử nghiệm taxi bay
chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa hè 2024
Bình luậnVăn Thiện
Nước chủ nhà Pháp cho biết họ sẽ bắt đầu thử nghiệm taxi bay ở phía bắc Paris vào tháng 6 năm 2021 như một phần trong chiến dịch chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa hè 2024.
Theo AFP, nhà điều hành sân bay Groupe ADP và cơ quan giao thông công cộng RATP, Ile-de-France cho biết cuộc thử nghiệm sẽ diễn ra tại sân bay Cormeilles-en-Vexin, cách Paris khoảng 90 phút đi ô tô về phía tây bắc.
Mẫu taxi bay được lựa chọn là một phương tiện cất và hạ cánh thẳng đứng giống máy bay không người lái (VTOL), có tên là VoloCity, do công ty Volocopter của Đức sản xuất.
VoloCity được trang bị 18 cánh quạt và 9 bộ pin. Mỗi chiếc có thể chở 2 hành khách và hành lý xách tay, với trọng tải tối đa là 200 kg. Phương tiện có thể bay với tốc độ 110 km/h và ở độ cao từ 400 đến 500 m so với mặt đất.
Giám đốc điều hành của Volocopter, Fabien Nestmann cho biết các nhà chế tạo chiếc taxi bay hy vọng sẽ nhận được chứng nhận từ Cơ quan An toàn hàng không Liên minh Châu Âu trong vòng vài năm tới.
Nếu dự án nhận được sự chấp thuận của người dân và vượt qua các quy định về an ninh giao thông hàng không, các bãi đáp, điểm đón khách, trạm sạc và trung tâm bảo dưỡng sẽ được xây dựng vào đầu năm 2021.
Volocopter vào tháng 10 năm ngoái đã thử nghiệm phương tiện bay của họ tại trung tâm thành phố Singapore. Công ty hy vọng taxi bay sẽ đáp ứng được việc đón và đưa các du khách, các đoàn thể thao đến địa điểm thi đấu, khách sạn tại Thế vận hội Mùa hè 2024 trong bối cảnh tắc nghẽn giao thông.
Một số công ty khác như Boeing, Airbus, Toyota, Hyundai và SkyDrive cũng đang triển khai những dự án tương tự.
Văn Thiện (tổng hợp)
Đức kêu gọi EU trừng phạt Nga
vì vụ đầu độc Navalny
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas mới đây kêu gọi Liên hiệp châu Âu có các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga về vụ đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny bằng chất độc thần kinh bị quốc tế cấm.
Ông Navalny xuất hiện trở lại trong những tuần gần đây. Trước đó, ông bị hôn mê sau khi đột ngột đổ bệnh trong một chuyến bay ở Siberia và được đưa đến Berlin để điều trị. Các bác sĩ Đức cho biết ông bị đầu độc bằng Novichok, một chất độc thần kinh của Nga.
Đức, Pháp và các nước phương Tây khác đã yêu cầu Điện Kremlin giải thích về bệnh tình của ông Navalny. Nga nói họ không thấy có bằng chứng chắc chắn rằng ông ấy bị đầu độc và phủ nhận có liên quan đến bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào ông ấy.
Ông Maas nói với cổng tin tức t-online trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Bảy 3/10: “Tôi tin rằng sẽ không thể nào tránh được các biện pháp trừng phạt”.
“Các biện pháp trừng phạt phải luôn có mục tiêu cụ thể và có mức độ tương xứng. Vụ việc vi phạm nghiêm trọng Công ước Quốc tế về Vũ khí Hóa học như vậy không thể trôi qua trong im lặng. Về điều này, chúng ta có sự thống nhất ở châu Âu”, ông Maas nói thêm.
Đức hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của khối 27 thành viên. Các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về phản ứng của họ và các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra đối với Nga tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào các ngày 15-16/10.
“Nếu kết quả của các phòng thí nghiệm Đức, Thụy Điển và Pháp được xác nhận, sẽ có sự đáp trả rõ ràng từ EU. Tôi chắc chắn về điều đó”, ông Maas nói.
Vụ của ông Navalny đã khiến quan hệ giữa Moscow và một số nước phương Tây xấu đi. Đức phải đối mặt với những lời kêu gọi ngừng dự án đường ống Nord Stream 2 hiện gần hoàn thành. Dự án này có mục đích đưa thêm khí đốt của Nga trực tiếp đến Đức.
Khi được hỏi liệu các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga có nên bao gồm cả Nord Stream 2 hay không, ông Maas nói có hơn 100 công ty châu Âu tham gia vào dự án, một nửa trong số đó là của Đức.
Ông Maas nói: “Rất nhiều công nhân châu Âu sẽ phải chịu thiệt hại nếu việc xây dựng ngừng lại”.
Nord Stream 2 do tập đoàn khí đốt nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga đứng đầu, với một nửa chi phí được cung cấp từ các hãng Uniper và BASF của Đức, công ty Shell của Anh-Hà Lan, OMV của Áo và Engie của Pháp.
https://www.voatiengviet.com/a/duc-keu-goi-eu-trung-phat-nga-ve-vu-navalny/5607431.html
Thượng Karabakh: Armenia muốn đình chiến,
Azerbaijan đòi đối phương rút trước
Thu Hằng
Đến sáng ngày 03/10/2020, chiến sự vẫn tiếp diễn ở khu vực Thượng Karabakh bất chấp kêu gọi ngừng bắn của cộng đồng quốc tế. Armenia cho biết muốn đàm phán đình chiến, dưới sự bảo trợ của OSCE, trong khi Azerbaijan khăng khăng đòi Armenia rút quân.
Trước đó, ngày 02/10, Pháp, Nga và Hoa Kỳ, ba nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk về vấn đề Thượng Karabakh trong Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) từ đầu những năm 1990, tiếp tục kêu gọi
Erevan và Bakou ngừng giao tranh. Cùng ngày, tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần lượt điện đàm với thủ tướng Armenia Nikol Pachinian và tổng thống Azerbaidjan Ilham Aliev và đề xuất « khởi động một tiến trình cho phép nối lại các cuộc đàm phán trong khuôn khổ nhóm Minsk ».
Trả lời RFI, đại sứ Azerbaijan tại Pháp cho rằng giải pháp duy nhất là Armenia phải rút quân khỏi vùng ly khai nằm trên lãnh thổ Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người Armenia. Trước đó, tổng thống Azerbaijan từng khẳng định sẽ không có chuyện đàm phán với Armenia, nếu tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bác đề xuất của ba cường quốc Pháp, Mỹ và Nga.
Thủ phủ vùng Thượng Karabakh bị oanh kích
Về tình hình tại chỗ, Stepanakert, thủ phủ của Thượng Karabakh, bị quân đội Azerbaijan oanh kích nhiều lần trong ngày 02/10, khiến phe ly khai Karabakh có thêm 54 người chết, nâng tổng số lính tử thương lên thành 158. Tình hình đã tạm lắng trong đêm ngày 2 rạng sáng ngày 3/10, tuy nhiên các cuộc giao tranh vẫn gay go trên các chiến tuyến, theo chính quyền Armenia và phe ly khai Karabakh.
Hai đặc phái viên của RFI Anissa El Jabri và Bertrand Haeckler tường trình từ Stepanakert :
« Thành phố thức giấc trong ánh nắng mùa thu và bầu trời xanh mướt cùng với những vết tích của các cuộc tấn công từ hôm trước. Một quả đạn pháo rơi xuống giữa một doanh trại và khu chỉ huy quân đội, trên mái nhà của một khu dân cư. Khoảng 10 tòa nhà bị hư hỏng và cửa kính bị vỡ tan tành.
Khi bước trên đường phố Stepanakert sáng nay, người ta thường giẫm phải các mảnh thủy tinh vỡ, hậu quả của gần 10 vụ nổ chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, vào tối 02/10 ở trung tâm thành phố, nơi có nhiều khách sạn lớn và nhiều bộ ngành. Các tòa nhà tối đen, người dân được di tản xuống tầng hầm. Và lần đầu tiên từ khi chúng tôi đến đây, những người lính tỏ vẻ căng thẳng và lo lắng.
Một khu vực khác, mang tính biểu tượng, cũng bị tác động : Đó là hành lang hẹp ở vùng núi nối Armenia và vùng Thượng Karabakh, một trục đường giao thông quan trọng, đã bị trúng một quả đạn pháo nhỏ. Giao thông bị tạm ngừng vài tiếng ».
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201003-thuongkabarakh-armenia-damphan
Nagorno-Karabakh: Thêm 51 quân nhân
thiệt mạng trong cuộc chiến với Azerbaijan
Giao tranh ác liệt giữa Armenia và Azerbaijan tiếp tục diễn ra hôm thứ Bảy 3/10, khi hai nước vẫn xung đột về vùng lãnh thổ ly khai Nagorno-Karabakh, tin tức của AP và Reuters cho biết.
Nagorno-Karabakh hôm 3/10 cho biết có thêm 51 quân nhân của họ thiệt mạng trong cuộc chiến với Azerbaijan, là mức tăng mạnh về số binh sĩ bị chết sau một tuần giao tranh ác liệt, theo tin của AP và Reuters.
Nổ ra hôm 27/9, chiến sự lần này được xem là có mức độ tồi tệ nhất ở Nagorno-Karabakh và các khu vực xung quanh kể từ khi một cuộc chiến kết thúc năm 1994, với kết quả là khu vực này vốn nằm bên trong Azerbaijan lại rơi vào vòng kiểm soát của lực lượng địa phương sắc tộc Armenia, được nước Armenia hậu thuẫn.
Shushan Stepanian, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Armenia, nói với hãng tin AP rằng “các cuộc giao tranh ác liệt đang diễn ra dọc toàn bộ chiến tuyến” và tuyên bố rằng lực lượng Armenia đã bắn rơi 3 máy bay.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan không phản hồi về những lời lẽ nói rằng máy bay của họ bị bắn rơi, nhưng bộ này nói rằng các lực lượng Armenia đã nã pháo vào lãnh thổ dân sự bên trong Azerbaijan, bao gồm cả thành phố Terter, tin của AP tường thuật.
Các quan chức Nagorno-Karabakh cho biết hơn 150 quân nhân thuộc phe của họ đã thiệt mạng cho đến nay. Nhà chức trách Azerbaijan chưa cho biết chi tiết về thương vong của quân đội bên họ, nhưng cho hay 19 dân thường đã thiệt mạng và 55 người khác bị thương.
Nagorno-Karabakh là một khu vực tự trị được công nhận bên trong Azerbaijan trong thời kỳ Liên Xô còn tồn tại.
Vùng này tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan vào năm 1991, khoảng 3 tháng trước khi Liên Xô sụp đổ. Chiến tranh toàn diện nổ ra vào năm 1992, giết chết khoảng 30.000 người.
Vào thời điểm chiến tranh chấm dứt vào năm 1994, các lực lượng Armenia không chỉ chiếm giữ Nagorno-Karabakh mà còn cả các khu vực khá lớn bên ngoài ranh giới chính thức của vùng tự trị.
https://www.voatiengviet.com/a/nagorno-karabakh-them-51-quan-nhan-thiet-mang/5607570.html
Lebanon yêu cầu Interpol bắt
thuyền trưởng Nga và chủ tàu vì vụ nổ ở Beirut
Tin từ BEIRUT, Lebanon – Vào hôm thứ Năm (1/10), truyền thông nhà nước đưa tin Lebanon yêu cầu Interpol ban hành lệnh bắt giữ đối với thuyền trưởng và chủ nhân người Nga của chiếc tàu mang theo lượng thuốc nổ phát nổ tại cảng Beirut vào tháng 8, khiến gần 200 người thiệt mạng.
Khoảng hai tháng sau vụ nổ khiến hàng ngàn người bị thương và tàn phá thủ đô của Lebanon, nhiều câu hỏi vẫn còn tồn đọng về lý do và cách thức mà lượng hàng này bị bỏ lại ở Beirut. Các nhà chức trách đổ lỗi cho kho dự trữ ammonium nitrate khổng lồ, được sử dụng để làm phân bón nhưng cũng như chất nổ, bốc cháy sau khi được lưu trữ trong điều kiện tồi tàn tại cảng trong nhiều năm. Nhiều người cũng đưa ra những cáo buộc về sự cẩu thả của chính quyền Lebanon.
Gần 20 người bị giam giữ ở Lebanon sau vụ nổ, bao gồm cả các viên chức quan thuế và cảng. Vào hôm thứ Năm (1/10), hãng thông tấn nhà nước NNA cho biết cơ quan công tố của Lebanon yêu cầu Interpol ban hành lệnh bắt giữ chủ tàu và thuyền trưởng này, mà không nêu tên họ.
Ông Boris Prokoshev là thuyền trưởng của tàu Rhosus khi nó đến Beirut vào năm 2013, và ông xác định ông Igor Grechushkin, một doanh nhân Nga ở Cyprus, là chủ nhan. Một nguồn tin an ninh và một nguồn tin tư pháp cho biết họ là hai người mà Lebanon yêu cầu lệnh bắt giữ vào hôm thứ Năm. (BBT)
https://www.sbtn.tv/lebanon-yeu-cau-interpol-bat-thuyen-truong-nga-va-chu-tau-vi-vu-no-o-beirut/
Kim Jong-un chúc Tổng thống Trump chóng khỏe
Thanh Hải
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi điện chúc sức khỏe tới Tổng thống Trump sau khi ông thông báo dương tính với virus Vũ Hán.
Yonhap dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 3/10 cho biết: “Kim Jong-un, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, đã gửi điện bày tỏ sự cảm thông tới Tổng thống Mỹ Donald J. Trump vào ngày 3/10. Trong điện, ông cho biết đã nghe tin bất ngờ về việc Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân Mỹ dương tính với virus corona”.
Theo KCNA: “Ông Kim bày tỏ sự cảm thông với Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân, chân thành hy vọng họ sẽ hồi phục sớm nhất có thể”.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết đây là lần đầu Kim Jong-un gửi điện chúc sức khỏe cho một lãnh đạo nhiễm virus Vũ Hán.
https://www.dkn.tv/the-gioi/kim-jong-un-chuc-tong-thong-trump-chong-khoe.html
Vòng kim cô Bắc Kinh siết chặt
nền giáo dục khai phóng của Hồng Kông
Thụy My
L’Express tuần này có bài viết ghi nhận « Bắc Kinh đặt nhà trường Hồng Kông trong vòng kiểm soát ». Theo lệnh Trung Quốc, chính quyền đặc khu buộc các nhà xuất bản gỡ các nội dung bị cho là nhạy cảm khỏi sách giáo khoa, khiến các nhà giáo hết sức lo ngại.
Thầy Shum khoảng 30 tuổi, chuẩn bị ngày khai giảng vào cuối tháng Chín tại trường trung học ở khu phố thương mại bình dân Sham Shui Po (Thâm Thủy Phụ) một cách thấp thỏm. Không khí kiểm duyệt nặng nề đến nỗi thầy cô giáo không biết nên nói về đề tài nào, nên cho tranh luận những gì. Tất cả đều có thể trở thành « nhạy cảm » dưới mắt chính quyền, và người thầy dạy môn giáo dục công dân lo sợ bị phụ huynh hoặc đồng nghiệp tố cáo vì những lý do không đâu.
Việc ban hành Luật an ninh quốc gia hôm 30/06/2020 do Bắc Kinh soạn ra để đè bẹp tinh thần phản kháng tại cựu thuộc địa Anh – từ hơn một năm qua bị rung chuyển bởi phong trào dân chủ quy mô – đã có những tác động cụ thể lên các cơ sở giáo dục. Các câu khẩu hiệu của phong trào phản kháng bị cấm, sách giáo khoa bị đục bỏ những yếu tố có thể làm Bắc Kinh giận dữ. Giáo viên được bộ Giáo Dục yêu cầu « xem xét lại phương tiện giảng dạy » có liên quan đến bốn loại tội phạm theo luật mới : nổi dậy, ly khai, khủng bố, thông đồng với thế lực nước ngoài.
Mới cách đây vài tháng, sự tách biệt quyền hành với Bắc Kinh còn là một trong những niềm hãnh diện của Hồng Kông. Shum thở dài : « Khái niệm này đã bị xóa khỏi sách giáo khoa vào mùa hè, chính quyền
Hồng Kông khẳng định chỉ có Bắc Kinh đứng trên tất cả. Nếu tôi nói rằng Hồng Kông có quy chế riêng thì vi phạm luật mới, nhưng nếu nói theo các luận điệu nhà nước, thì tôi đã dối trá về quyền hiến định ».
Một số giáo viên thậm chí còn không dám đề cập đến Covid-19 vì sợ phải tự kiểm duyệt phần trách nhiệm của Trung Quốc về đại dịch.
Môn công dân giáo dục bị kiểm duyệt
Đối với Trung Quốc, hệ thống giáo dục Hồng Kông thừa hưởng từ thời Anh khác hẳn với kiểu nhồi sọ ở Hoa lục, là « có vấn đề ». Hồi năm 2012, chính quyền Hồng Kông theo lệnh Bắc Kinh đã toan đưa « giáo dục ái quốc » của Hoa lục vào chương trình giảng dạy, nhưng bị người Hồng Kông phản đối kịch liệt. Giờ đây học sinh trung học bị dò xét vì đã tích cực tham gia biểu tình trong những tháng gần đây. Trong số 10.000 người bị bắt từ tháng 6/2019, cứ 6 người lại có 1 em vị thành niên.
Đọc thêm: Cậu học sinh 15 tuổi thách thức Bắc Kinh về môn học tẩy não
Một môn học bị đặc biệt chú ý là « liberal studies », tức môn công dân giáo dục được người Anh đưa vào năm 1992, năm năm trước khi Hồng Kông bị trao trả cho Trung Quốc. Môn này là bắt buộc tại các trường trung học, cổ vũ tinh thần phản biện, nay bị cho là « làm cho một số thanh niên có thái độ bạo lực hoặc trở nên cực đoan ».
Một số khái niệm bị báo chí Hoa lục coi là « nọc độc », như « bất tuân dân sự », bị 6 nhà xuất bản – hầu hết có liên hệ với Trung Quốc – gỡ bỏ khỏi giáo trình. Tất cả những gì liên quan đến phong trào đòi quyền tự quyết, hình ảnh các cuộc biểu tình dân chủ mới đây, hay vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 đều biến mất.
Giáo viên được chọn các bộ sách để giảng dạy, nhưng họ biết mình bị theo dõi. Năm ngoái, ngay cả khi chưa ra luật an ninh mới, đã có ít nhất 200 cuộc điều tra nhắm vào các thầy cô giáo bị nghi là « xúi giục học sinh nổi dậy ». Những giáo viên mới được tuyển dụng bị chất vấn về quan điểm chính trị.
Phó chủ tịch nghiệp đoàn giáo chức Hồng Kông (HKPTU) lo ngại âm mưu « tẩy não ». Khoảng 1/3 giáo viên cho biết họ nhận được lệnh miệng không nên nói về chính trị trong lớp hay trên mạng xã hội, và 80% khẳng định không còn dám đụng đến những chủ đề « nhạy cảm ».
Bắc Kinh đang thúc đẩy ngoại giao ‘chiến lang’
và ‘giẫm đạp’ thành một chuẩn mực!
Triệu Hằng
Quan lại xưa thay vua đi sứ có nhiệm vụ duy trì hòa hiếu, giữ cái lễ bang giao.., chức sắc ĐCSTQ nay đi sứ đến nơi đâu gieo tiếng xấu đến nơi ấy với cái thói hống hách dẫm lên lưng người quốc gia sở tại.
Trung Quốc gần đây nổi tiếng với một phương thức ngoại giao mà giới truyền thông phương Tây mô tả bằng cụm từ Wolf Warrior diplomacy, nghĩa là ngoại giao chiến lang hoặc ngoại giao sói chiến. Theo nhiều diễn giải, cụm từ này là để mô tả thái độ hiếu chiến, thích gây chiến tranh, dùng bạo lực để giải quyết mọi xung đột. Có nghĩa là, nhà ngoại giao Trung Quốc trong thế kỷ 21 làm các hành động, đưa ra các cử chỉ, biểu hiện liều lĩnh khiến người khác trông thấy thảy mà kinh sợ, e dè.
Tờ The Diplomat hồi tháng Năm đăng bài viết với tiêu đề “Diễn giải Ngoại giao chiến binh sói của Trung Quốc” và đưa ra các giải thích cho hành vi và giọng điệu ngạo mạn và hiếu chiến của chính quyền Trung Quốc ở nước ngoài gần đây. Theo bài viết này thì gần đây Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày càng có thái độ cứng rắn chống Hoa Kỳ, Úc và các nước khác. Và cách tiếp cận theo kiểu “chiến binh sói” dường như mới nhưng phổ biến nội trong Trung Quốc và củng cố một quá trình được cho là chuyển đổi từ chính sách ngoại giao thủ cựu cố chấp, thụ động, thấp cổ bé họng sang quyết đoán, chủ động và cố gặng tạo ra sự nổi bật.
Cũng theo The Diplomat, các nhà ngoại giao Trung Quốc như Hoa Xuân Oánh, Triệu Lập Kiên đã lên Twitter để phản pháo những chỉ trích từ bên ngoài về việc Trung Quốc xử lý đợt bùng phát dịch Covid-19 nhiều yếu kém, cũng như các chỉ trích về sản phẩm y tế xuất khẩu kém chất lượng của Trung Quốc … theo lối công kích của kiểu ngoại giao chiến lang.
Trong lịch sử, sứ giả được cử tới nước khác ngoài sứ mạng được giao như triều cống theo lệ, xin phong vương, báo tang, chúc mừng thiên tử lên ngôi hay chia buồn, giải quyết những tranh chấp về đất đai, duy trì hòa bình, thì còn phải có nhiệm vụ giữ phong thái của một sứ thần là người thay mặt cho một quốc gia đi giao thiệp với nước ngoài
Ngày nay, quan sát từ truyền thông, dường như các nhà ngoại giao ĐCSTQ đang thực hành ngoại giao theo lối công kích, không chỉ trên mạng xã hội mà còn tại các quốc gia mà họ đang đi sứ. Có những vị gây hấn với nước sở tại với những phát biểu kiểu “chiến lang”, có những vị thiếu tự tôn trong việc giữ thể diện quốc gia lẫn chính thể diện bản thân, khiến ngoại giới nhìn vào chỉ thấy một hình ảnh Trung Quốc ngày nay thật dữ dằn, với những con người chỉ thích đi gây hấn, còn chính quyền thì độc tài, dần dần xóa nhòa hình ảnh Trung Hoa, vùng đất lễ nghi chi bang, là cái nôi của văn minh 5000 năm với các hàng danh nhân văn hóa.
Ví dụ, hồi tháng Tư, Đại sứ Trung Quốc tại Úc Thành Cạnh Nghiệp đã khiến truyền thông xứ Canbera dậy sóng, khi ông này đưa ra “lời đe dọa cưỡng ép kinh tế” trước việc chính phủ Thủ tướng Scott Morrison thúc đẩy một cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19, trong bối cảnh Úc và các nước trên thế giới điêu đứng vì sự lây lan của virus Vũ Hán với tốc độ không kiểm soát ra ngoài biên giới Trung Quốc.
Đại sứ Thành đưa ra lời dọa dẫm rằng, người dân Trung Quốc có thể tẩy chay các sản phẩm như thịt bò và vang Úc, và thậm chí cũng không đến thăm viếng hay học tập tại Úc trong tương lai nếu Chính phủ Khối thịnh vượng chung tiếp tục thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập về virus.
Phát ngôn của vị đại sứ Trung Quốc khiến Thượng Nghị sĩ Úc Birmingham phải thốt lên rằng các bình luận của ông Thành là “đáng thất vọng”. Ông Birmingham nói: “Australia sẽ không thay đổi quan điểm chính sách của chúng tôi về một vấn đề sức khỏe cộng đồng vì sự ép buộc kinh tế hoặc đe dọa cưỡng bức, mà chúng tôi sẽ thay đổi quan điểm chính sách của mình trong các vấn đề an ninh quốc gia”.
Vụ việc về phát ngôn của đại sứ Thành không chỉ được giới truyền thông Úc đưa tin rầm rộ mà truyền thông thế giới cũng có không ít báo cáo.
Hồi tháng Tám, hình ảnh Đại sứ Trung Quốc tại Kiribati Đường Tùng Căn giẫm lên lưng hàng chục người địa phương khiến có kênh truyền thông phải thảng thốt “chuyện gì xảy ra vậy”, dù rằng vụ việc được giới chức Kiribati nói đây là một nghi thức đặc biệt.
Tờ The Guardian dẫn lời Tùy viên quân sự Mỹ Constantin Panayiotou phụ trách 5 đảo quốc Thái Bình Dương, trong đó có Kiribati, viết trên Twitter: “Tôi chỉ không thể tưởng tượng được việc đi trên lưng trẻ em lại là hành vi chấp nhận được đối với đại sứ của một nước (hoặc bất cứ người lớn nào đi nữa). Nhưng ở đây lại được chấp nhận nhờ đại sứ Trung Quốc ở Kiribati”.
Kiribati vốn có quan hệ ngoại giao với Đài Loan và đột nhiên chuyển sang làm bạn với Bắc Kinh vào tháng 9/2019. Vụ việc đã gây ra tranh cãi về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.
Hồi tháng Bảy, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh trong cuộc họp báo trực tuyến dành cho giới truyền thông Anh Quốc, bên cạnh việc cảnh báo rằng “tâm lý Chiến tranh Lạnh” làm tổn hại quan hệ giữa Bắc Kinh và Anh Quốc, thì ông cũng cũng chẳng nể nang gì nước sở tại mà không buông lời đe dọa rằng Anh sẽ lĩnh hậu quả nếu cấm Huawei, tờ Independent đưa tin. Như trường hợp ông Thành ở Úc, các tờ báo Anh như The Guardian, The Sun đồng loạt đưa tin về thái độ có phần ngang ngược của ông Lưu.
Trong bài viết có tiêu đề “Quan hệ Mỹ-Trung: Tại sao Vương Nghị quay lại chế độ Chiến binh sói sau khi chìa ra một nhành ô liu” đăng trên tờ SCMP, trong đó nói về việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục đả kích Mỹ trong các cuộc thảo luận với các đối tác nước ngoài. Việc truyền thông gắn cụm từ “ngoại giao chiến lang” với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc vô hình trung cho thấy, ngoại giao chiến lang được coi là một phương thức ngoại giao chính thức của quan chức ĐCSTQ.
The Diplomat đặt ra câu hỏi tại sao Trung Quốc lại sử dụng “ngoại giao chiến binh sói”, cái kiểu hung hãn này liệu có trở thành chuẩn mực mới của họ, đồng thời giải thích rằng sự thay đổi này không xảy ra đột ngột. Trong những năm gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần cổ vũ “tinh thần chiến đấu” dù là nói với quân nhân hay quan chức của đảng. Hai là, ngoại giao chiến binh sói là một phần trong nỗ lực của chính phủ Trung Quốc để “kể câu chuyện Trung Quốc” nhằm đánh bóng và che đậy hình ảnh đã rệu rã của ĐCSTQ.
Dân Trung Quốc ăn mừng
Tổng thống Trump mắc bệnh,
đem hận thù đặt trên tính mạng con người
Phụng Minh
Chính người Hoa cũng không đồng tình với cách phản ứng như thế này, họ cho rằng đó là kết quả tuyên truyền tẩy não của chính quyền.
Sau khi ông Trump xác nhận mình và phu nhân đã dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán (SAR CoV-2), một loạt các hành động ăn mừng của người dân Trung Quốc đại lục đã khiến người Hoa hải ngoại và thế giới văn minh kinh ngạc.
Khi được phỏng vấn về việc ông Trump đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán, người phụ nữ này đã nói “Cả đất nước ăn mừng; cả trời và đất cùng vui. Rất, rất tốt. Đây là món quà từ Trump cho Trung Quốc”.
Đoạn video cho thấy tài xế và hành khách trên chuyến xe đang ăn mừng khi biết ông Trump nhiễm virus.
Những người này mang băng-rôn và hô khẩu hiệu: “Chúc mừng lễ kỷ niệm và chúc mừng ông và bà Trump vì đã bị nhiễm virus”.
Cửa hàng này đã giảm giá 200 – 500 nhân dân tệ cho tất cả các sản phẩm điện thoại di động của mình để ăn mừng ông Trump nhiễm viêm phổi Vũ Hán, họ viết “Và chúng tôi hy vọng họ ngày càng tiến xa hơn trên con đường COVID-19”.
Bạn tin được không? Cửa hàng này đang cung cấp cà phê kiểu Mỹ miễn phí để ăn mừng Tổng thống Trump bị bệnh.
Hàng trăm nghìn lượt “yêu thích” cho thông tin ông bà Trump dương tính với virus Vũ Hán, họ bày tỏ “COVID cuối cùng cũng tìm được đúng mục tiêu”, “vui quá”, “muộn nhưng cũng đến rồi”…
Đây không phải lần đầu tiên người dân đại lục bày tỏ sự vui mừng khi những quốc gia mà họ vẫn được tuyên truyền là “thế lực thù địch” gặp khó khăn trong đại dịch có nguồn gốc từ Trung Quốc này.
Cách đây không lâu, một nhà hàng Trung Quốc đã treo biển “Nhiệt liệt chúc mừng dịch bệnh đã đến Mỹ – Nhật và hãy ở lại đó lâu dài”. Tấm biểu ngữ phản cảm được treo lên trong khoảng 2 giờ, lập tức bị chụp ảnh lại và nhận sự chỉ trích kịch liệt của cộng đồng. Sự việc xảy ra vào ngày 23/3 trước một cửa hàng ở phố Taiyuan, Thẩm Dương, Trung Quốc.
Sự việc tạo làn sóng phẫn nộ lớn trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc sau khi báo chí Nhật Bản đưa tin về vụ việc.
Phần lớn người Trung Quốc tham gia các diễn đàn bình luận đều cảm thấy rất xấu hổ. Số khác cho rằng, đây chỉ là hành vi thiếu hiểu biết của một thiểu số người Trung Quốc có chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.
Năm 2016, sau trận động đất ở đảo Kyushu, Nhật Bản, một số nhà hàng, công ty Trung Quốc tìm cách kiếm lời dựa trên tâm lý chống Nhật bằng cách treo biển quảng cáo giảm giá “ăn mừng động đất ở Nhật Bản”.
Vào tháng 3 năm nay, khi Hoa Kỳ xác nhận đã có hơn 100.000 trường hợp nhiễm viêm phổi Vũ Hán, người dân ở một ngôi làng Trung Quốc đã đốt pháo hoa ăn mừng.
Sound of Hope đã đưa một số bình luận của người Hoa: “Có cửa hàng bán cháo cũng đã làm giống y thế này. Chắc chắn có không dưới 50% người Trung Quốc có cùng suy nghĩ ăn mừng như thế! Đây chính là lực lượng quần chúng mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dựa vào để dám thách thức Hoa Kỳ!“
Người khác bình luận: “Ngoài tin tức từ CCTV, họ chỉ có thể xem tin tức của các kênh địa phương. Đây chính là chỗ khủng bố của ĐCSTQ, khi khiến những người dân đơn giản chất phác có thể đem tất cả sự tức giận phát tiết ra, mang sự hận thù đặt trên cả tính mạng con người! Đồng thời, hội chứng Stockholm cũng xảy ra với người dân Trung Quốc”. (Hội chứng Stockholm là một tình trạng tâm lý, xảy ra khi một nạn nhân bị bắt cóc phát triển cảm xúc tích cực về kẻ bắt cóc mình).
Một cư dân mạng nói: “Những người dân thường đều bị tẩy não rồi“.
Một số cư dân mạng khác cũng nói: “Thôi nào, những việc loại này không tới lượt dân chúng Trung Quốc làm, đa phần là các cán bộ thôn đã làm các biểu ngữ và phát cho người dân”.
Vision Times trích lời nhà bình luận thời sự Ngô Phàm nói: “Chúng ta hồi tưởng lại một chút, hồi cuối tháng 12 năm ngoái đến tháng 1 (dương lịch), viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc vừa mới phát triển, có bao nhiêu doanh nghiệp, tổ chức dân sự của Mỹ, tự động quyên góp tiền, khẩu trang, thiết bị phòng hộ, gửi đến Trung Quốc, gửi mấy chục tấn. Hiện nay thì ngược lại, đến khi Mỹ bị dịch bệnh, thì họ lại nhất loại khen hay“.
“Cho nên chúng ta không nên tin vào ‘Tiểu phấn hồng’ (Hồng vệ binh kiểu mới), tuyên truyền nước ngoài, thậm chí cả tuyên truyền trong nước của Trung Quốc. Những thủ đoạn lừa dối này, chính là biểu hiện ĐCSTQ đã đi đến đường cùng. Nếu là một người bình thường, họ sẽ không đối đãi như thế với người khác. Sẽ không như thế, bởi vì đó không phải là người, đó là ma quỷ!”
“Người Mỹ nguyện ý nói lời thật, đối diện với hiện thực, Chính phủ Mỹ không nguyện ý lừa gạt người dân. Bởi vì lừa gạt người dân, thì vị tổng thống này, các quan chức sau này sẽ không thể tiếp tục tại vị được nữa. Cho nên không nên sợ hãi con số hiện tại đang tăng cao, Mỹ đang toàn lực tiến hành cứu chữa, tiến hành điều trị. Quân đội, quân nhân xuất ngũ, còn có đội cảnh vệ, đều được điều động; hàng chục ngàn tình nguyện viên, những nhân viên nghĩa vụ đều ‘ra trận’. Họ sẽ toàn lực giải quyết vấn đề này“.
“Tôi tin rằng, toàn bộ người dân Mỹ đã nhìn ra được tình hình này, họ đang phối hợp với Chính phủ Mỹ, dần dần trải qua cửa ải khó khăn này. Không nên nghe theo lời của ĐCSTQ, nói rằng người chết ở Mỹ nhiều hơn Trung Quốc, người Mỹ bị lây nhiễm nhiều hơn Trung Quốc. Là ai tạo thành? ĐCSTQ tạo thành!”
Cam Bốt phá hủy một cơ sở do Mỹ xây dựng
ở căn cứ hải quân Ream
Trọng Nghĩa
Theo hình ảnh vệ tinh được Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (CSIS) trụ sở tại Washington DC công bố hôm qua, 02/10/2020, chính quyền Phnom Penh đã cho phá hủy một cơ sở mà Mỹ xây dựng tại căn cứ hải quân lớn nhất nước này. Sự kiện xảy ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đang ngày càng lo ngại trước khả năng Cam Bốt cho Trung Quốc sử dụng các hải cảng của mình.
Theo CSIS, các hình ảnh của Căn Cứ Hải Quân Ream mới chụp được cho thấy là chính quyền Cam Bốt đã cho phá hủy cơ sở do Mỹ xây dựng vào tháng 9 vừa qua.
Vào hôm qua, bộ Quốc Phòng Mỹ đã lên tiếng tỏ ý quan ngại trước thông tin theo đó cơ sở dùng làm trụ sở bộ phận chiến thuật của Hải Quân Cam Bốt mà Mỹ tài trợ đã bị phá hủy, đồng thời yêu cầu chính quyền Cam Bốt giải thích.
Trong một thông cáo, Lầu Năm Góc nói rõ: “Chúng tôi quan ngại trước khả năng hành động phá cơ sở đó liên quan đến kế hoạch của chính quyền Cam Bốt đón nhận phương tiện và nhân sự của quân đội của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa”.
Ngay từ năm ngoái 2019, Lầu Năm Góc đã yêu cầu Cam Bốt giải thích tại sao đã không chấp nhận đề nghị (của Mỹ), muốn sửa lại cơ sở này. Nhiều người đã nghi ngờ rằng sở dĩ Cam Bốt từ chối Mỹ, đó là vì đã có kế hoạch để cho Trung Quốc sử dụng căn cứ quân sự này.
Về phần mình, chính quyền Cam Bốt đã bác bỏ nguồn tin theo đó Bắc Kinh đã có thỏa thuận ngầm với Phnom Penh để đưa lính Trung Quốc đến sử dụng cảng, giải thích rằng việc cho lực lượng nước ngoài đóng quân đi ngược lại với Hiến Pháp Cam Bốt.
Căn cứ Ream nằm ở phía đông nam thành phố cảng Sihanoukville, nơi tập trung rất nhiều sòng bạc lớn của người Trung Quốc và là trung tâm của một đặc khu kinh tế do Trung Quốc vận hành. Cam Bốt là một trong những đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh tại Đông Nam Á, đã nhận hàng tỉ đô la tài trợ từ Trung Quốc, và nhiều lần bênh vực quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông.
Covid-19 : Ấn Độ vượt ngưỡng 100.000 người chết
Ấn Độ có 100.842 người chết vì Covid-19 theo số liệu chính thức ngày 03/10/2020 của bộ Y Tế nước này.
Ấn Độ đứng thứ ba thế giới về số lượng người chết do Covid-19, sau Hoa Kỳ (204.000 người) và Brazil (144.000). Về mặt chính thức, tỉ lệ tử vong do Covid-19 tại Ấn Độ là 73 người trên một triệu dân. Với tỉ lệ này, xét về tầm mức ảnh hưởng của đại dịch Covid với toàn xã hội, Ấn Độ còn đứng sau nhiều nước, có tỉ lệ tử vong cao hơn gấp bội, như Pháp (480 người trên một triệu dân), Thụy Điển (580 người), Mỹ (637) hay Brazil (690). Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về độ chính xác của số liệu thống kê ở Ấn Độ.
Về số lượng người dương tính với virus, quốc gia đông dân thứ hai thế giới ghi nhận 6,47 triệu ca. Có khả năng số lượng ca dương tính ở Ấn Độ sẽ vượt qua Hoa Kỳ trong những tuần tới. Trên thực tế, số lượng người nhiễm virus tại Ấn Độ có thể cao hơn gấp bội. Hôm 29/09/2020, chính cơ quan đặc trách phòng chống Covid-19 của Ấn Độ cho biết có thể đã có hơn 60 triệu người ở nước này bị nhiễm virus corona chủng mới, tức là nhiều gấp 10 lần số liệu chính thức.
Madrid phong tỏa bán phần, Paris chuẩn bị siết chặt
Trong khi đó tại châu Âu, sáng 03/10, người dân Madrid, thủ đô của Tây Ban Nha, thức dậy với các loạt biện pháp phong tỏa bán phần nhằm ngăn đà lây nhiễm virus corona. Các hàng quán cà phê ở thủ đô Paris của Pháp và khu vực vành đai nhỏ có thể sẽ phải đóng cửa kể từ thứ Hai 05/10. Thời hạn vài ngày cuối tuần là để Thị chính Paris và các ngành nghề có thời gian chuẩn bị việc áp dụng.
Giới kinh doanh nhà hàng, quán bar, từng bị tác động nặng trong đợt dịch thứ nhất, dự định biểu tình để phản đối khả năng đóng cửa trở lại. Đổi lại, họ cam kết tăng cường tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, như đo nhiệt độ khách hàng khi vào cửa, thu thập thông tin khách hàng và hạn chế số người trong một nhóm, xuống còn 8 thay vì 10 người như hiện nay. Tuy nhiên, một quan chức của Thị chính Paris cho biết « không nghi ngờ gì » về việc đóng cửa các quán bar.
Ít nhất 5 đô thị lớn của Pháp (Lille, Lyon, Grenoble, Toulouse và Saint-Etienne) đã bị đặt vào tình trạng « báo động tối đa ». Tình hình lây nhiễm tại Pháp không hề có dấu hiệu thuyên giảm với 12.148 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ và hiện có 1.276 bệnh nhân được điều trị hồi sức, theo số liệu tối 02/10. Tỉ lệ sử dụng số giường hồi sức tại vùng Ile-de-France là 34,8%, cao hơn ngưỡng báo động được ấn định là 30%.
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201003-ando-covid-100nghin-nguoichet
Ấn Độ bắn thử thành công
tên lửa siêu thanh mới ‘BrahMos’
Bình luậnĐông Phương
Các quan chức Ấn Độ cho biết, hôm 30/9, Ấn Độ đã phóng thành công tên lửa hành trình siêu thanh mới “BrahMos” bản cải tiến.
Tên lửa được phóng tại Bãi thử nghiệm Tổng hợp Balasore ở bang Odisha với tầm bắn 400 km.
Truyền thông Ấn Độ đưa tin rằng, vụ thử tên lửa thành công là một thông điệp gửi tới các đối thủ của Ấn Độ. Ấn Độ đã triển khai một lượng đáng kể tên lửa “BrahMos” nguyên bản và các trang thiết bị chiến lược khác tại các địa điểm chiến lược ở Ladakh và bang Arunachal Pradesh ở nơi giao giới với Trung Quốc.
Đồng thời, Không quân Ấn Độ cũng đã tích hợp tên lửa hành trình vào hơn 40 máy bay chiến đấu với mục đích nâng cao khả năng chiến đấu tổng thể của lực lượng.
Tầm bắn của tên lửa “BrahMos” mới đã được mở rộng với tốc độ bay gấp ba lần tốc độ âm thanh
Thời gian bắn thử nghiệm tên lửa “BrahMos” trùng hợp với thời điểm các cuộc xung đột biên giới liên tục xảy ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hơn nữa lại diễn ra ngay trước “ngày 1/10” – ngày thiết lập chính quyền của ĐCSTQ.
Tờ Economic Times của Ấn Độ đưa tin, tên lửa “BrahMos” có nhiều hệ thống phụ được nghiên cứu và phát triển ngay tại bản địa. Nó được phóng từ bệ phóng di động trên đất liền tại bãi thử nghiệm tổng hợp Balasore lúc 10h30 sáng ngày 30/9 để kiểm tra hành trình bay với khoảng cách được chỉ định.
Các quan chức Ấn Độ cho biết, tầm bắn của loại tên lửa đất-đối-đất mới này đã được mở rộng từ 290 km (tầm bắn nguyên bản) lên 400 km, thêm vào đó tốc độ cũng được duy trì ở chỉ số Mach 2,8 – gần gấp ba lần tốc độ âm thanh.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: “Tên lửa hành trình siêu thanh đất-đối-đất BrahMos có bệ phóng và mặt cắt thân máy bay đều được sản xuất trong nước, cũng như nhiều hệ thống con khác ‘Made in India’, đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm hôm nay ở một phạm vi được chỉ định”.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng cho biết trong một tuyên bố rằng, vụ phóng thành công mở đường cho việc tự lực sản xuất hàng loạt bệ phóng tên lửa và các bộ phận khác ngay trong nước cho hệ thống vũ khí BrahMos mới.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã tweet và công bố bức ảnh bắn thử tên lửa, và nhấn mạnh rằng việc bắn thử thành công sẽ nâng cao đáng kể kế hoạch tự chủ quốc phòng của Ấn Độ.
Tên lửa này có thể được phóng từ tàu ngầm, tàu thủy, máy bay hoặc trên mặt đất.
Vào tháng 5/2019, hãng hàng không quốc gia Ấn Độ Air India đã thử nghiệm thành công phiên bản tên lửa BrahMos phóng từ trên không từ tiêm kích Su-30 MKI.
Tên lửa BrahMos cung cấp cho Không quân Ấn Độ một khả năng chiến đấu lý tưởng, có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào bất kỳ mục tiêu trên biển hoặc đất liền nào trong phạm vi đối đầu quy mô lớn cả ngày lẫn đêm và trong mọi điều kiện thời tiết.
Quan hệ Trung-Ấn tiếp tục căng thẳng, hai bên triển khai nhiều tên lửa dọc biên giới
Ngoài việc triển khai một lượng đáng kể tên lửa BrahMos nguyên bản, Ấn Độ cũng đã triển khai hai tên lửa khác tại các địa điểm chiến lược dọc biên giới Trung-Ấn.
Ngày 27/6, tờ Asian News International của Ấn Độ dẫn lời nguồn tin, do tần suất hoạt động của máy bay chiến đấu và trực thăng Trung Quốc gia tăng gần vùng kiểm soát thực tế ở Ladakh, quân đội Ấn Độ đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không tới khu vực phía đông Ladakh.
Theo bài báo, các tên lửa phòng không phản ứng nhanh mà Ấn Độ trang bị, bao gồm tên lửa Akash, có thể trong vòng vài giây là bắn hạ được máy bay chiến đấu và máy bay không người lái di chuyển với tốc độ nhanh. Để thích ứng với việc triển khai ở các khu vực núi cao, Ấn Độ cũng đã nâng cấp nó.
Tờ Economic Times của Ấn Độ đưa tin rằng, Ấn Độ cũng đã triển khai tên lửa hành trình Nirbhay tốc độ cận âm do Ấn Độ sản xuất dọc theo biên giới Trung – Ấn dọc theo ranh giới kiểm soát thực tế LAC để đối phó với mối đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tên lửa tiên tiến này có thể được triển khai trên nhiều nền tảng và có thể bay ở độ cao thấp tới 100 mét với tốc độ Mach 0,7.
Tờ Hindustan Times đưa tin, kể từ cuộc xung đột ở Ladakh hồi tháng Sáu, cuộc đối đầu giữa lực lượng vũ trang Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng gay gắt. Chiến khu Tây bộ của quân đội ĐCSTQ cũng đã triển khai tên lửa phòng không và tên lửa tầm xa có tầm bắn 2.000 km ở Tây Tạng và Tân Cương.
Đông Phương
Theo Epoch Times tiếng Trung
https://www.ntdvn.com/the-gioi/an-do-ban-thu-thanh-cong-ten-lua-sieu-thanh-moi-brahmos-79712.html