Tin Biển Đông – 01/10/2020
Việt Nam nói Trung Quốc tiếp tục tập trận tại Biển Đông gây hại cho đàm phán COC
“Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC)”.
Đó là trả lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 1 tháng 10 tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội trước câu hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với cuộc tập trận mới nhất mà Trung Quốc cho tiến hành gần quần đảo Hoàng Sa.
Ngoài trả lời như vừa nêu, bà Lê Thị Thu Hằng lặp lại câu nói lâu nay là “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Hôm thứ hai 28 tháng 9 vừa qua, Reuters loan tin Trung Quốc tiến hành đồng thời 5 cuộc tập trận tại những vùng biển quanh Hoa Lục. Trong số này có 2 cuộc diễn ra gần quần đảo Hoàng Sa hiện đang có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hồi đầu tháng 9 vừa qua, Trung Quốc cũng vừa tiến hành các cuộc tập trận hải quân dọc theo bờ biển phía Đông Bắc và phía Đông của Hoa Lục.
Vào tháng 8, Trung Quốc cũng tiến hành 4 cuộc tập trận tại các vùng gồm Bột Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông.
Cũng tại cuộc họp báo ngày 1 tháng 10, bà Lê Thị Thu Hằng lên tiếng hoan nghênh lập trường của các nước khác về vấn đề Biển Đông mà theo bà này phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phát biểu này của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam được đưa ra sau khi vào ngày 16 tháng 9 vừa qua nhóm 3 nước Anh, Pháp, Đức gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc phản đối đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Biển Đông: Việt Nam và Anh Quốc “quan ngại
sâu sắc” và nhấn mạnh vai trò của UNCLOS
Trọng Nghĩa
Nhân chuyến công du Việt Nam kết thúc vào hôm qua, 30/09/2020 của ngoại trưởng Anh Dominic Raab, Hà Nội và Luân Đôn đã nhất trí tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, và đã công bố một bản Tuyên Bố Chung trong đó vấn đề Biển Đông đã được nêu rõ. Hai nước đều bày tỏ thái độ “quan ngại sâu sắc” về các diễn biến gần đây và nhất là đều nhấn mạnh đến vai trò tối thượng của Công Ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Sau cuộc hội đàm ngày 30/09 tại Hà Nội giữa ngoại trưởng Anh Dominic Raab với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh, hai bên đã công bố bản “Tuyên bố Chung về Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược Việt Nam-Vương Quốc Anh: “Định hướng phát triển trong 10 năm tới – Joint Declaration on the Vietnam – UK Strategic Partnership: Forging Ahead for Another 10 Years”, bao gồm một phần mở đầu và 7 phần chính bao trùm mọi lãnh vực từ “Hợp tác chính trị-ngoại giao” cho đến hợp tác trên “Những vấn đề toàn cầu và khu vực”.
Trong phần thứ 7 nói về các vấn đề toàn cầu và khu vực, Việt Nam và Vương Quốc Anh đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến ở Biển Đông, bao gồm các hoạt động cản trở, cải tạo và quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế khi tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc làm leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”.
Dù không nêu đích danh Trung Quốc, đoạn văn nói trên rõ ràng là nhắm vào các hành vi bành trướng và dọa nạt của Bắc Kinh trên Biển Đông để áp đặt yêu sách chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc.
Cũng trong phần thứ 7 này, vấn đề an ninh trên biển đã được Việt Nam và Anh Quốc nêu bật khi cùng khẳng định trở lại “tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không… không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS).
Nhóm từ “tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý” được cho là nhắc đến bản Phán Quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye không công nhận các yêu sách chủ quyền “lịch sử” của Trung Quốc về Biển Đông, một phán quyết đã bị Bắc Kinh phủ nhận.
Tuyên Bố Chung Việt-Anh, Hà Nội và Luân Đôn đã nhấn mạnh rằng “UNCLOS là cơ sở để xác định phạm vi các vùng biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển, và UNCLOS là khuôn khổ pháp lý toàn diện mà tất cả các hoạt động ở các vùng biển và đại dương phải tuân thủ”.
Khi khẳng định rằng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển là cơ sở (basis) để giải quyết các vấn đề trên biển, và là và “khuôn khổ pháp lý toàn diện” chi phối mọi hoạt động ở các vùng biển và đại dương, Việt Nam và Anh Quốc đã mặc nhiên bác bỏ lập luận mới được Trung Quốc nêu ra trong công hàm gởi Liên Hiệp Quốc ngày 18/09 vừa qua, trong đó Bắc Kinh cho rằng “UNCLOS không bao trùm mọi vấn đề về trật tự trên biển”.
Nhìn chung bản Tuyên Bố Chung Việt Nam-Anh Quốc đi theo chiều hướng phản ứng cứng rắn hơn của Luân Đôn đối với đà bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, mà ví dụ điển hình nhất được thấy trong công hàm mà Anh Quốc cùng với Đức và Pháp đã gởi đến Liên Hiệp Quốc ngày 16/09 vừa qua, nội dung khẳng định giá trị tối thượng của UNCLOS được cho là “khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương”, đồng thời bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông dựa theo “quyền lịch sử” vốn đã bị Phán Quyết Biển Đông 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye cho là không có cơ sở pháp lý.