Tổng thống Cộng hòa Donald Trump và đối thủ Dân chủ cựu Phó Tổng thống Joe Biden đụng độ trong cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống nảy lửa, hỗn loạn tối thứ Ba 29/9. Trong 90 phút, cả đôi bên đều tìm cách thuyết phục cử tri Mỹ là đối thủ bên kia không có khả năng lãnh đạo Hoa Kỳ trong 4 năm tới.
Họ tranh cãi về số 205.000 người chết vì virus corona tại Mỹ, tính trung thực của cuộc bỏ phiếu ngày 3/11 tới đây, việc ông Trump đề cử thẩm phán bảo thủ Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện, các quan hệ chủng tộc bị rạn nứt tại Mỹ, chính sách của Mỹ về môi trường và những đề tài khác nữa.
Ông Trump bác tường trình của tờ New York Times loan tin tuần này rằng ông chỉ đóng 750 đô la thuế liên bang trong năm 2016 khi ông tranh cử Tổng thống và năm 2017, năm đầu tiên ông nhậm chức.
Ông Trump nói ông trả thuế “nhiều triệu đô la,” nhưng ông Biden cho rằng ông Trump “trả thuế ít hơn một giáo viên trung bình.”
Sỉ nhục và tấn công cá nhân
Trong hầu hết thời gian tranh luận, hai ông nhục mạ lẫn nhau với những chỉ trích nặng nề, sỉ nhục và tấn công cá nhân.
“Ông ta là Tổng thống tồi tệ nhất chưa từng có tại Mỹ,” ông Biden nói khi ông và ôngTrump đứng trên bục trên sân khấu tranh luận tại trường đại học thuộc thành phố Cleveland, tiểu bang Ohio vùng trung tây nước Mỹ.
Một vài lần ông Biden gọi ông Trump là “anh hề”.
Ông Trump, người đang tìm cách thắng cử thêm một nhiệm kỳ thứ nhì sau chiến thắng bất ngờ trước bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ năm 2016, đã giáng trả lại ông Biden, “Tôi làm nhiều việc trong 47 tháng (trong tư cách Tổng thống), hơn ông làm trong 47 năm” trong tư cách một thượng nghị sĩ và phó Tổng thống dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Ông Trump cho rằng nếu ông Biden đảm nhận chức vụ Tổng thống năm tới, “quý vị sẽ có một cuộc suy thoái chưa từng thấy trước đây” vì kế hoạch của Đảng Dân chủ tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28% và trên cá nhân có thu nhập hơn 400.000 đô la một năm.
Cả hai ứng cử viên, đều trong độ tuổi 70, đụng độ mạnh mẽ về cách thức kiểm soát đại dịch COVID tại Mỹ.
“Tổng thống không có kế hoạch,” ông Biden tuyên bố. “Ông ấy biết là virus chết người nhưng không nói cho quý vị.”
Ông Biden đề cập đến phát biểu của ông Trump gần đây rằng tử vong tại Mỹ “là như vậy đấy” và thêm rằng đó là vì “ông là như vậy đó.”
Ông Trump trả lời, “Chúng tôi đã làm việc rất tốt. Chỉ vài tuần nữa chúng ta sẽ có vaccine.”
Tổng thống cáo buộc ông Biden đã lên án ông là bài ngoại khi ra lệnh cấm nhập cảnh người từ Trung Quốc, nơi virus phát sinh. Ông Trump nói nếu ông không hành động, nước Mỹ có thể đã có tới 2 triệu người chết.
Cuộc tranh luận diễn ra năm tuần trước cuộc bầu cử. Đây là lần đầu tiên trong 3 lần hai ứng cử viên gặp nhau mặt đối mặt để tranh luận. Phó Tổng thống Mike Pence và người đứng chung liên danh với ông Biden, Thượng nghị sĩ Kamala Harris, sẽ có cuộc tranh luận duy nhất vào ngày 7/10.
Trong cuộc đối đầu tối thứ Ba 29/9, ông Trump và ông Biden thường xuyên ngắt lời nhau. Người điều hành cuộc tranh luận, nhà báo Chris Wallace của Fox News, đã nhiều lần nhắc nhở ông Trump vì ông không theo qui luật tranh luận về việc để cho mỗi ứng viên hoàn tất câu trả lời không bị cản trở.
Một trong những cuộc tấn công cá nhân nhất diễn ra khi ông Biden nhắc lại một bài báo trên tạp chí Atlantic cáo buộc ông Trump, trong chuyến đi đến Paris năm 2018 kỷ niệm 100 năm Chiến tranh Thế giới thứ Nhất chấm dứt, mô tả các tử sĩ Mỹ là “những gã khờ” và “những kẻ thất bại,” một cáo buộc mà ông Trump bác bỏ.
Ông Biden nói người con trai quá cố của ông là Beau Biden, từng phục vụ trong quân đội trước khi qua đời vì ung thư năm 2015, không phải là gã khờ hay kẻ thất bại.
“Ông không nên nói về Beau con trai tôi như vậy,” ông Biden xúc động nói với ông Trump.
Ông Trump nói ông không biết Beau, nhưng biết Hunter, cũng là con trai ông Biden, người mà ông Trump cho là đã hưởng lợi tài chánh với chức vụ béo bở trong hội đồng quản trị Burisma, một công ty khí đốt Ukraine, cùng lúc ông Biden làm phó Tổng thống và giám sát chính sách Mỹ liên quan đến Ukraine.
Căng thẳng chủng tộc tại Mỹ
Về những quan hệ chủng tộc bị rạn nứt tại Mỹ, ông Biden cáo buộc ông Trump đã gây căng thẳng sắc tộc, nhắc lại chuyện ông Trump cho rằng có “người tốt” ở cả hai phía trong cuộc tuần hành của những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng tại Charlottesville, Virginia, năm 2017.
Khi người điều hợp chương trình hỏi bình luận về những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, ông Trump không lên án họ mà thay vào đó, ông khẳng định ông được những cử tri da đen ủng hộ chính trị nhiều hơn bất cứ đảng viên Cộng hòa nào khác.
Tổng thống đả kích ông Biden vì đã viết luật chống tội phạm trong những năm 1990 khi ông Biden là Thượng nghị sĩ, nói rằng ông Biden đã đề cập đến những nghi can hình sự da đen là “siêu dã thú.”
Ông Trump tấn công “những đảng viên Dân chủ cực tả” trong đó có những thị trưởng tại một số thành phố lớn nhất nước. Một số cuộc biểu tình bạo động bùng phát tại những thành phố này trong những tháng gần đây trong làn sóng biểu tình chống cảnh sát bạo hành các sắc tộc thiểu số, sau cái chết hồi tháng 5 của một người đàn ông da đen, George Floyd, khi ông này bị cảnh sát không chế tại Minneapolis, Minnesota.
Tổng thống yêu cầu ông Biden phải cam kết “luật pháp và trật tự” tại các thành phố Mỹ.
Ông Trump nói “Ông ấy không muốn nói, ‘luật pháp và trật tự’.”
Ông Biden nói ông bênh vực “luật pháp và trật tự với công lý.”
Ứng cử viên Dân chủ cho biết ông sẽ tái gia nhập hiệp ước biến đổi khí hậu quốc tế Paris mà ông Trump đã rút khỏi.
Ông Trump, được ông Wallace hỏi liệu có chấp nhận biến đổi khí hậu là bởi hành động của con người hay không, đáp rằng “Trong một phạm vi nào đó là có.”
Tuy nhiên ông Trump cho rằng cháy rừng đang tiếp diễn tại miền Tây nước Mỹ có thể ngăn chặn được chủ yếu bằng cách “quản lý rừng tốt.”
Ông Biden nói việc ông Trump đề cử bà Barrett vào Tối cao Pháp viện đe dọa luật chăm sóc sức khỏe quốc gia vốn được thông qua trong thời kỳ ông là phó Tổng thống cho ông Obama cũng như làm nguy hại cho quyết định cột mốc của tòa án năm 1973 hợp pháp hóa quyền phá thai tại Mỹ.
Ông Trump nói “Tôi nghĩ bà ấy sẽ tuyệt vời. Chúng tôi thắng cử; do đó chúng tôi có quyền chọn bà ấy.”
Bỏ phiếu sớm
Bỏ phiếu sớm đã bắt đầu tại một số tiểu bang và hàng triệu người đã yêu cầu được gởi phiếu bầu vắng mặt, để khỏi tới phòng phiếu trong Ngày Bầu cử giữa đại dịch virus corona.
Ông Trump, như đã nhiều lần nhắc lại trong những tuần lễ gần đây, cáo buộc các giới chức bầu cử trên toàn quốc đã tự gởi phiếu tới cử tri mặc dù họ không yêu cầu.
“Việc này sẽ là gian lận chưa từng thấy,” ông nói, kể ra một số phiếu vắng mặt tìm thấy mới đây trong một thùng rác.
Ông Biden thúc đẩy người Mỹ bỏ phiếu và nói “không có bằng chứng” phiếu bầu bằng bưu điện đưa đến gian lận nhưng kêu gọi đếm phiếu đầy đủ trong cuộc bầu cử. Những cuộc thăm dò cho thấy nhiều người Dân chủ thích bỏ phiếu vắng mặt, trong khi người Cộng hoà thường bảo họ sẽ đi bầu trực tiếp.
VOA
Bầu cử tổng thống Mỹ : Joe Biden ngăn bão Donald Trump
30/09/2020 – 14:13
« Một trận bão kinh hoàng ». Đó là nhận định chung của giới quan sát sau cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ vào tối thứ Ba 29/09/2020.
Tổng thống Donald Trump sử dụng sở trường tấn công ồ ạt để áp đảo đối thủ Joe Biden mà ông khinh thường là cụ già lụ khụ. Thế nhưng, ứng cử viên đảng Dân Chủ công thủ vững chắc, không vấp sai lầm mà đôi lúc còn đặt chủ nhân Nhà Trắng vào thế bị động. Từ nay đến ngày trọng đại 03/11/2020, còn hai điểm hẹn nữa.
Chỉ còn có năm tuần là đến ngày bầu cử mà vẫn còn thua đối thủ đến 10 điểm trong các kết quả thăm dò ý kiến, tổng thống Donald Trump khai khác triệt để cuộc tranh luận đầu tiên với hy vọng lật ngược thế cờ. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như thế. Theo truyền thông Mỹ, Pháp, sở trường đấu khẩu thô bạo của tỷ phú chủ nhân Nhà Trắng không áp đảo được Joe Biden mà còn bị đối thủ phản kích hiệu quả.
Trong suốt 90 phút tranh luận, Donald Trump tìm đủ cách để chụp mũ Joe Biden là chính trị gia cực tả hoặc là con tin của phe cực tả, một ông già lẩm cẩm, quên cả tên trường cũ, học dốt, tốt nghiệp hạng chót.
Theo AP, chiến thuật tấn công của Donald Trump tuy được một số ủng hộ viên vô điều kiện khen ngợi nhưng chính cá tính « chiến đấu dữ dội » của ông và những lời lăng mạ lắm khi vô căn cứ đã làm cho thành phần cử tri còn bất định chán ông Trump hơn là ủng hộ.
Chủ nhân Nhà Trắng không tập trung thời gian để thuyết phục thành phần cử tri Cộng Hoà còn do dự, và nhất là giới nữ, vốn không thích thái độ dao to búa lớn, bầu cho ông, người tự cho là nhà lãnh đạo có tài năng giải quyết các hồ sơ quan trọng như đại dịch siêu vi corona, y tế và quan hệ giữa các cộng đồng sắc tộc.
« Cụ già lẩm cẩm » không phải tay vừa
Thái độ một mình một chợ, ngắt lời đối thủ liên tục, làm cho nhà báo điều khiển chương trình, Chris Wallace, tuy là phóng viên của đài Fox News, thân Donald Trump, cũng phải bực mình, can thiệp, bênh vực cho Joe Biden.
Trong khi đó, Joe Biden cũng không thiếu « tính chiến đấu » nhưng trầm tĩnh hơn. Ứng cử viên đảng Dân Chủ cũng đáp trả bằng một loạt đạn đủ loại, từ lập luận vững chắc cho đến lăng mạ Donald Trump là « hề ».
Chi tiết đáng được chú ý là Joe Biden, ở tuổi 78, không bị mất trí nhớ, không tuyên bố lẩm cẩm khi tranh luận với Donald Trump, cho dù trong phần cuối ông bớt sắc bén hơn lúc đầu.
Điều gây kinh ngạc nhất là Joe Biden đã thành công trong việc đẩy Donald Trump vào thế bị động khi phản công đối thủ trên hồ sơ đại dịch và cải cách bảo hiểm trợ cấp y tế, hai ưu tư lớn của người dân bình thường : « Vào thời của vị tổng thống này, chúng ta trở thành yếu đuối hơn, nhiều bệnh hơn, nghèo hơn, bị chia rẽ hơn và gặp nhiều bạo lực hơn ».
Ai chiếm thế thượng phong ?
Tranh luận giữa hai ứng cử viên là sự kiện then chốt trong cuộc bầu cử tổng thống để giúp cử tri đánh giá người muốn gánh vác việc nước. Joe Biden chứng tỏ có bản lãnh đối đầu với Donald Trump. Kết quả thăm dò do CBS thực hiện ngay sau đó cho biết 48% cử tri cho là Biden thắng, 41% nghiêng về Trump.
Nhưng theo giới quan sát, 90 phút « bão tố » trong đêm thứ Ba không thay đổi gì nhiều trong sự lựa chọn của cử tri. Một kết quả thăm dò khác do Politico/Morning Consult cho biết 86% cử tri nói là họ đã quyết định từ lâu. Một trong những kết quả thăm dò gần nhất cho là Joe Biden hơn Donald Trump 10 điểm (53%-43%).
Không có gì chắc chắn
Reuters trích dẫn Ron Bonjean, một chiến lược gia chính trị của đảng Cộng Hoà, theo đó mỗi bên đều ghi một ít điểm nhưng tựu chung, đòn đấu đá cá nhân có thể làm không ít cử tri thất vọng hơn là cảm thấy được khuyến khích.
Từ nay đến ngày 03/11, Donald Trump và Joe Biden còn « đụng nhau » hai lần nữa. Nhưng giới quan sát cảnh báo không nên kết luận vội vã : Năm 2016, Hillary Clinton chiếm thượng phong trong cả ba lần tranh luận với Donald Trump. Nhưng kết quả như thế nào thì mọi người đã biết.
RFI
Tranh luận Trump-Biden: Truyền thông thế giới phản ứng thế nào
Các cử tri Hoa Kỳ đã phải chịu đựng cuộc đầu tiên trong ba cuộc tranh luận giữa Tổng thống Donald Trump và Joe Biden.
Sự kiện hỗn loạn này cũng đã gây ra phản ứng rất lớn từ khán giả thế giới.
Báo chí và các nhà bình luận trên khắp thế giới đã chỉ trích giọng điệu và chiến thuật của cuộc tranh luận.
Như tờ The Times ở Anh viết, “Người thua cuộc rõ ràng nhất từ cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa Donald Trump và Joe Biden là nước Mỹ.”
Vương quốc Anh
Bài báo còn đi xa hơn, nói rằng sự kiện này “không phải là một cuộc tranh luận theo bất kỳ nghĩa nào” mà là “một cuộc tranh cãi ác ý và đôi khi không thể hiểu nổi giữa hai ông già tức giận và tỏ ra không ưa nhau”.
The Guardian mô tả đây là một “sỉ nhục quốc gia”.
“Phần còn lại của thế giới – và các nhà sử học trong tương lai – có lẽ sẽ nhìn vào cuộc tranh luận này mà khóc ròng”, tờ báo viết và nói thêm rằng ông Biden là người duy nhất nhìn ”còn có vẻ tổng thống” trên sân khấu và nói nếu ông Trump được tái cử vào tháng 11, “giấc mơ đen tối, kinh hoàng, đầy ám ảnh này sẽ là dòng đầu tiên trong cáo phó của nước Mỹ.”
Tờ Financial Times nhấn mạnh cách tổng thống nói dối về hành vi gian lận cử tri và kêu gọi những người ủng hộ ông cẩn thận theo dõi các điểm bỏ phiếu. “Phát tín hiệu cho nhóm mình muốn nhắm tới’ là cách nói của giới chính trị đối với kiểu ngôn ngữ như vậy, nhưng thường với ngụ ý rất khéo. Ông Trump thật trắng trợn”, bài báo viết.
Tờ báo cũng lưu ý rằng các cuộc thăm dò nhanh sau sự kiện cho biết ông Biden dẫn đầu. “Nhưng không ai quan tâm đến nền dân chủ Mỹ có thể cảm thấy bất cứ điều gì khác ngoài cảm giác buồn nôn.”
Pháp
“Hỗn loạn, trẻ con, mệt mỏi” – đó là cách tờ báo Pháp Libération mô tả cuộc tranh luận hôm thứ Ba. Le Monde đồng ý, gọi đây là một “cơn bão khủng khiếp”, và nói rằng tổng thống đã tìm cách “làm đối phương mất tự chủ” với những lần ngắt lời liên tục và chế nhạo câu trả lời của ông Biden.
Le Figaro nói ông Biden đã “từ chối chơi trò chơi của đối thủ một cách có hệ thống”. Trong khi ông Trump cố gắng đối mặt trực tiếp với người thách thức mình, chỉ vào ông ta và nói thẳng với ông ta, thì ứng cử viên Đảng Dân chủ nói nhiều hơn với người xem và nhìn thẳng vào máy quay phim.
“Mặc dù Trump có màn trình diễn không thuyết phục, các cử tri của Trump dường như không có bất kỳ nghi ngờ nào về ứng cử viên của họ. Mặt khác, người ủng hộ Biden xác nhận rằng Đảng Dân chủ có thể đánh bại đối thủ đáng gờm của mình, và thậm chí còn đặt ông ta vào thế phòng thủ “, tờ báo viết.
Đức
Bài phân tích của Der Spiegel về cuộc tranh luận được đặt tựa “Cuộc đấu tay đôi trên truyền hình giống một tai nạn xe hơi”.
Trong một bài viết có tiêu đề “vừa đấu, vừa diễn”, Süddeutsche Zeitung bình luận:
“Cả Trump và Biden đều có thể về nhà, cảm thấy hài lòng, vì xét về màn trình diễn sân khấu, cả hai đều đã làm đúng công việc của mình. Donald Trump đóng vai Donald Trump, Joe Biden đã đóng vai Joe Biden, và người hâm mộ lẽ ra phải thích nó. “
Die Welt nói cuộc tranh luận đã tiết lộ rất ít về chính sách. “Quan trọng nhất, nó cho thấy rằng nước Mỹ có một tổng thống có hành vi đáng kinh ngạc và thiếu tự chủ – nhưng đó không hẳn là thông tin,” Die Welt viết.
Ngược lại, ông Biden không phải là một ứng cử viên tạo hứng thú nhưng “ít nhất là một người có cảm nhận bình thường và tính cách ổn định”, người sẽ “mang thứ gì đó giống như bình thường trở lại Nhà Trắng”.
Ý
“Chưa bao giờ nền chính trị Mỹ lại xuống cấp như vậy”, phóng viên tại Mỹ của La Repubblica viết, mô tả cuộc tranh luận là “hỗn loạn, ồn ào và dựa trên sự khinh thường lẫn nhau”.
Il Corriere della Sera trong khi đó nói việc Tổng thống Trump từ chối lên án chủ nghĩa da trắng thượng đẳng là “một thông điệp dành cho người Mỹ da màu”.
Nga
Một đài truyền hình Nga mô tả đây là một “cuộc trao đổi những lời lăng mạ kéo dài một tiếng rưỡi”, trong khi một đài khác nói rằng “không có cuộc đối thoại mang tính xây dựng nào”.
“Các đối thủ liên tục ngắt lời nhau và thay vì một cuộc thảo luận cân bằng, họ chọn con đường lăng mạ lẫn nhau”, đài truyền hình ủng hộ Điện Kremlin NTV cho biết.
Việc ông Biden mô tả Tổng thống Trump là “con chó con của Putin” cũng tạo gây ra nhiều bình luận trên mạng xã hội Nga. Một người dùng Twitter cho biết: “Hai ông già đang tìm xem ai trong số họ xứng đáng hơn để trở thành tổng thống Hoa Kỳ, nhưng không có Putin, bạn không thể tăng xếp hạng của mình”.
Trung Quốc
Các trang web truyền thông chính thức của Trung Quốc đa số phớt lờ cuộc tranh luận của Mỹ mặc dù một số đã viết về cách cả hai ứng cử viên đã sử dụng Trung Quốc để tấn công đối thủ của mình.
Hoàn cầu Thời báo gọi đây là “cuộc tranh luận tổng thống hỗn loạn nhất từ trước đến nay” và lưu ý rằng ông Trump đã “nhắm vào Trung Quốc bằng cách đổ lỗi cho [nước này] về nạn dịch Covid-19 đang hoành hành và thảm họa kinh tế của Mỹ”.
Tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo Hồ Tích Tiến viết trên Twitter rằng cuộc tranh luận phản ánh “sự chia rẽ, lo lắng của xã hội Mỹ và sự mất dần lợi thế của hệ thống chính trị Mỹ”.
Ấn Độ
Kênh tin tức tiếng Hindi AajTak cho rằng rằng cả hai ứng cử viên đã “thóa mạ và cáo buộc nhau”, trong khi phát thanh viên của Times Now nói rằng cuộc tranh luận “đã bị hủy hoại bởi sự thóa mạ cá nhân và những lời châm chọc chính trị”.
Nhưng bài bình luận mạnh mẽ nhất đến từ The Times of India, tờ báo tiếng Anh bán chạy nhất của Ấn Độ, so sánh cuộc tranh luận với “đấu vật trong bùn”.
“Mỹ đã tự làm xấu mình trước thế giới trong 100 phút”, bài báo viết.
-
BBC