Tin Việt Nam – 26/09/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 26/09/2020

Hai giảng viên bị bắt do tố cáo bí thư tỉnh uỷ Đăk Lăk đạo nhái luận án tiến sĩ

Tin Vietnam.- Ngày 24 tháng 9 năm 2020, Facebook Lê Nguyễn Hương Trà loan tin, tiến sĩ, võ sư Phạm Đình Quý là giảng viên trường đại học Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn mới bị công an Cộng sản tỉnh Đăk Lăk khởi tố, bắt tạm giam ngay tại trường về tội “vu khống, bội nhọ danh dự người khác”.

Trước đó, vào ngày 21 tháng 9, công an Cộng sản Đăk Lăk cũng đã bắt tiến sĩ Tuấn, là học trò và cũng là đồng nghiệp của ông Quý.  Theo Lê Nguyễn Hương Trà, ông Quý và ông Tuấn là 2 người đã dám viết đơn tố cáo ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Đăk Lăk sử dụng luận án tiến sĩ của người khác chỉnh sửa lại làm luận án tiến sĩ của mình, hợp thức hoá việc mua chức quyền.

Sự việc này cũng đã được truyền thông nhà cầm quyền đưa tin, nhưng sau đó lại gỡ bài vì có thể đã được mua chuộc. Trước đó, vào tháng 5 năm 2019, lúc này ông Bùi Văn Cường đang là Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Cộng sản Việt Nam đã bị các giáo sư, giảng viên ở trường đại học Tôn Đức Thắng tố cáo với gần 200 lá thư nói rằng ông Cường đã vi phạm chủ trương, chính sách và pháp luật hiện hành trong quá trình cai quản trường.

Bất chấp việc tố cáo, đến tháng 7 năm 2019, ông Cường vẫn mua thành công chức Bí thư tỉnh uỷ Đăk Lăk. Với thế lực của mình, vừa qua ông Cường đã trả thù hiệu trưởng trường đại học Tôn Đức Thắng bằng cách tước học hàm giáo sư của ông Lê Vinh Danh, và cắt chức hiệu trưởng. Theo Facebook Lê Nguyễn Hương Trà thì ông Bùi Văn Cường có hỗn danh là Cường chạy chức, và đang là một trong những người chạy đua mua chiếc ghế bộ trưởng Thông tin và truyền thông Cộng sản ở nhiệm kỳ tới.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/hai-giang-vien-bi-bat-do-to-cao-bi-thu-tinh-uy-dak-lak-dao-nhai-luan-an-tien-si/

 

Ba cựu lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai bị bắt

Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an, vào ngày 25/9, ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam ba cựu giám đốc, phó giám đốc và kế toán trưởng của Bệnh viện Bạch Mai.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin vừa nêu trong cùng ngày.

Tin cho biết 3 lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai bị bắt gồm ông Nguyễn Quốc Anh, cựu giám đốc; ông Nguyễn Ngọc Hiền, cựu phó giám đốc và bà Trịnh Thị Thuận, cựu kế toán trưởng. Cả 3 người cùng bị khởi tố bị can, dưới tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 cựu lãnh đạo nêu trên của C03 được cho biết là đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn.

Ba cựu lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai bị cáo buộc liên can trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan.

Hai ông Nguyễn Quốc Anh và Nguyễn Ngọc Hiền được nói là lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai vào thời điểm Công ty BMS và bệnh viện này thực hiện liên doanh liên kết đưa nhiều thiết bị máy móc vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân theo chủ trương xã hội hóa.

Theo kết quả điều tra của C03 cho thấy một số cá nhân tại Công ty BMS được xác định cung cấp hệ thống robot, được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỉ đồng (bao gồm thuế VAT). Tuy nhiên, các bị can câu kết nâng khống lên 39 tỉ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý. Từ năm 2017 đến năm 2019, đã có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, và số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỉ đồng.

Liên quan trong vụ án, C03 cũng đã bắt tạm giam hai lãnh đạo của Công ty BMS gồm ông Phạm Đức Tuấn, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc và phó giám đốc, bà Ngô Thị Thu Huyền.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/three-leaders-of-bach-mai-hospital-arrested-on-sept-25-2020-09252020162623.html

 

Các tập đoàn Nhật Bản đầu tư

vào đối tác M&A tại Việt Nam

Nhiều tập đoàn Nhật Bản đang đang tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư vào, thay vì thiết lập cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Tin cho biết giao dịch thương vụ mới nhất là Tập đoàn ENEOS Corporation đã chi ra 650 tỷ đồng để mua lại 13 triệu cổ phiếu của Petrolimex (PLX). PLX là nhà phân phối xăng dầu lớn nhất Việt Nam với 60% thị phần, và giá 50.000 đồng/cổ phiếu. Giao dịch vừa nêu được nói đã được thực hiện trong khoảng thời gian từ hạ tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 9 năm 2020.

Petrolimex cũng thông báo đã hoàn tất việc bán 13 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 27/8 đến ngày 15/9 để giảm lượng quỹ cổ phiếu quỹ xuống còn 75 triệu.

Nhà đầu tư Nhật Bản được nói là hiện nắm giữ 116,5 triệu PLX, tương đương 9% cổ phần Petrolimex.

Hồi đầu năm 2020, tập đoàn Sumitomo Life từ Nhật Bản đã đầu tư 173 triệu USD để mua hơn 41 triệu cổ phiếu Bảo Việt (BVH), tương đương 5,91% vốn điều lệ hiện tại, nâng tỷ lệ sở hữu của Sumitomo Life tại Bảo Việt lên 22,09%.

Trước đó, trong năm 2019, Sumitomo và hai tập đoàn khác đã mua 10% cổ phần của Gemadept (GMD), với trị giá 37 triệu USD.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào hạ tuần tháng 8, dẫn kết quả khảo sát năm 2019 của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), ghi nhận có khoảng 1.400 doanh nghiệp Nhật đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong 3 năm tới, tăng 5,5 điểm phần trăm so với năm trước đây.

Giới phân tích cho rằng các nhà đầu tư Nhật Bản hiện đang có cơ hội vàng để đầu tư vào Việt Nam. Bởi vì, Việt Nam hiện là thành viên của 15 hiệp định FTA và đang đàm phán hai hiệp định khác. Điều này cho phép Việt Nam trở thành trung tâm của dòng chảy thương mại toàn cầu. Đồng thời, các tập đoàn Nhật Bản có cơ hội lớn về logistics nhờ vào việc di chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Báo giới trong nước trích lời của Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, ông Takeo Nakajima cho biết trong một cuộc họp gần đây rằng các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam. Ngoài ra, những dự án khách sạn, khu công nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chế biến thủy sản, sản xuất dược phẩm tại Việt Nam cũng thu hút các công ty của Nhật.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/japanese-groups-plough-hundreds-of-million-usd-into-vn-businesses-09252020161830.html

 

WHO và FAO khuyến nghị Việt Nam

 thực hiện cam kết chấm dứt bệnh dại

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) khuyến nghị Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đa ngành hơn nữa nhằm gia tăng sự sẵn có, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả vắc xin cho người và động vật; đồng thời tăng cường nhận thức của người dân về bệnh dại; và đạt được mục tiêu “biến cam kết thành hành động” ở cấp cao để chấm dứt bệnh dại.

Khuyến nghị vừa nêu được phổ biến trong thông cáo báo chí của WHO và FAO, nhân Ngày Thế giới Phòng chống bệnh dại năm 2020, ngày 28/9/2020.

Trong thông cáo báo chí, WHO và FAO dẫn số liệu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có 57 người tử vong vì bệnh dại tại 29 tỉnh thành của Việt Nam. Con số này cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Và, điều đang đáng lo ngại là đã có các trường hợp bệnh dại xuất hiện ở những địa phương mà trước đây không có trường hợp bệnh nào.

Bệnh dại thuộc một trong những bệnh lâu đời và nguy hiểm nhất. Và, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng từ 70 đến 110 người tử vong vì bệnh dại trong vòng một thập niên qua.

WHO và FAO khuyến nghị Việt Nam không thể chủ quan và cần đầu tư để loại trừ bệnh dại. Đồng thời, kêu gọi Chính phủ Hà Nội có những hành động thiết thực để tăng cường hợp tác đa ngành, nâng cao nhận thức về nguy cơ, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng và công tác quản lý chó, nâng cao sự tin tưởng  của người dân đối với vắc xin phòng dại cho người và tăng cường nguồn lực tài chính và nhân lực để Việt Nam tiếp tục cuộc chiến phòng chống bệnh dại.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/who-fao-rabies-elaborate-and-vaccinate-to-end-rabie-09252020141033.html

 

“Đại hội 13 sẽ không có chạy chức”

tức trước đây từng có chạy chức!

Diễm Thi, RFA

Hôm 25 tháng 9 năm 2020, tờ Vietnamnet có bài viết về việc đổi mới công tác nhân sự cho đại hội 13. Bài viết mở đầu với đoạn: “Với sự chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự chuẩn bị nhân sự kỹ lưỡng của Đảng, Đại hội XIII sẽ là ‘Đại hội không chạy chức’.”

Thông điệp này từng được ông Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại tại lễ bế mạc Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 16 diễn ra vào tháng 4 năm 2018. Nói trước hàng trăm đảng viên, ông Nhân khẳng định ai có ý định chạy chức chạy quyền thì đừng làm, mệt thêm, mất công lại bị kiểm tra xử lý.

Là một nhà báo luôn theo sát hiện tình chính trị Việt Nam, bà Song Chi nêu nhận định về chủ đề ‘đại hội 13 không có chạy chức’:

“Đầu tiên tôi thấy là nó rất hài hước. Nói đại hội 13 sẽ là ‘Đại hội không chạy chức’ có nghĩa những đại hội từ trước tới nay có chạy chức. Mức độ đại hội là mức độ cỡ đại biểu Quốc hội trở lên mà có hiện tượng chạy chức thì có nghĩa là chuyện chạy chức là chuyện rất bình thường trong xã hội.

Xưa nay ai cũng thấy chuyện chạy chức trong xã hội Việt Nam nó rất phổ biến, nhưng đến mức mà đại hội đảng cũng có chuyện chạy chức thì cái hệ thống nó mục ruỗng lắm rồi.

Thứ hai, làm sao có thể khẳng định đại hội 13 sẽ không chạy chức?

Chuyện chống tham nhũng hay chạy chức cũng vậy. Cơ chế này đẻ ra tham nhũng, cơ chế này đẻ ra chuyện chạy chức. Sẽ không bao giờ giải quyết được nếu còn cơ chế độc đảng như hiện nay.”

Các đại hội trước thì trung ương cũng đã xác nhận trong các báo cáo, các văn kiện là có biểu hiện chạy chức chạy quyền. Phải nói cái tệ nạn này nó không từ một vị trí nào. – Ông Lê Văn Cuông

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đánh giá rằng, đại hội lần này được chuẩn bị hết sức công phu và chặt chẽ theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương cũng như Bộ chính trị. Rút kinh nghiệm những đại hội lần trước, đại hội lần này chuẩn bị kỹ về văn kiện và đặc biệt là công tác nhân sự. Chưa bao giờ trung ương ban hành nhiều văn bản có liên quan đến công tác nhân sự như lần này. Ông phân tích thêm:

“Các đại hội trước thì trung ương cũng đã xác nhận trong các báo cáo, các văn kiện là có biểu hiện chạy chức chạy quyền. Phải nói cái tệ nạn này nó không từ một vị trí nào. Cả trong văn kiện lẫn trong thực tế dư luận phản ánh thì biểu hiện chạy chức chạy quyền nó phát triển sâu rộng ở mọi cấp, mọi ngành và mọi lĩnh vực.”

Vào cuối tháng 4 năm 2020, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam có bài viết khẳng định kiên quyết không để những người bị cho có tư chất xấu lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa 13. Cụ thể là những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tham nhũng, phe cánh, lợi ích nhóm, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc, bản thân và gia đình lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…

Trong một lần trao đổi với RFA về vấn đề này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị, cho rằng:

“Trước đây cũng mạnh nhưng bây giờ người ta nhấn mạnh thêm vì chắc chắn có chạy chức chạy quyền. Chạy bằng nhiều thứ như vậy bằng tiền, bằng các mối quan hệ, bằng các tiêu chuẩn… Còn một cách chạy mà ít nguời hiểu là chạy theo cơ cấu như cơ cấu vùng miền Nam, Trung, Bắc, nữ, thanh niên… Nhưng dường như danh sách 205 người ra ứng cử Ban chấp hành trung ương khóa 13 mà đại hội tổ chức năm tới thì không biết chạy thế nào và khó có thể nói đẩy người này ra đưa người kia vào.”

Dư luận cho rằng, hệ thống đề bạt, bổ nhiệm nhân sự trong đảng là một quy trình phức tạp, qua nhiều công đoạn, tầng nấc nhưng có hiện tượng ‘con voi chui lọt lỗ kim’. Nhiều trường hợp bổ nhiệm người thân, họ hàng vào những vị trí lãnh đạo gây bất bình trong dân chúng nhưng lại được giải thích là “đúng quy trình”. Để giải quyết vấn đề này thì cần có cơ chế để đảng viên và nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ.

Theo ông Lê Văn Cuông, công tác nhân sự cho kỳ đại hội tới có nhiều khác biệt so với các kỳ đại hội trước đây:

“Những nhiệm kỳ trước không làm tốt công tác nhân sự, nhất là xác định công tác cũng như vi phạm ở nơi cứ trú, cho nên sau khi bầu vào các cấp thì mới phát hiện ra những sai sót. Đặc biệt là những đối tượng chức vụ cao đã phát lộ những tiêu cực, những yếu kém về phẩm chất đạo đức cũng như về lối sống, nhất là tham nhũng.

Trên 100 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý, trong đó có một số là ủy viên Bộ chính trị, ban chấp hành trung ương bị truy tố.

Điều đó thể hiện vấn đề quy hoạch, xét chọn và bầu cử của khóa trước chưa chuẩn xác.”

Nói đại hội 13 sẽ là ‘Đại hội không chạy chức’ có nghĩa những đại hội từ trước tới nay có chạy chức. – Nhà báo Song Chi

Còn về vấn đề tuyển chọn nhân sự, ông Cuông cho rằng bây giờ vấn đề dân chủ trong thảo luận dân sự tốt hơn trước rất nhiều. Trước đây chỉ một vài người áp đặt, tập thể chỉ là cái màn che để hợp thức hóa. Hiện nay có sự dân chủ trong thảo luận, quyết định của các thành viên thông qua quy trình, quy định của đảng nên đội ngũ được ứng tuyển sẽ chính xác và tốt hơn rất nhiều.

Trong Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 12 khai mạc vào ngày 1 tháng 5 năm 2020, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc lựa chọn nhân sự cho đại hội 13 là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đòi hỏi phải dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp.

Trong nhiệm kỳ 2015- 2020, tại Hà Nội có hơn 4100 đảng viên và 59 tổ chức đảng bị kỷ luật. Cụ thể có hơn 3.000 đảng viên bị khiển trách, 622 đảng viên bị cảnh cáo, 72 người bị cách chức và 361 đảng viên bị khai trừ. Đối với tổ chức đảng thì có 43 bị khiển trách và 16 bị cảnh cáo.

Đây là con số được đưa ra tại buổi tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra sáng ngày 22 tháng 9 vừa qua.

Tháng 7 năm 2019, tại phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra con số hơn 100 tổ chức đảng và khoảng 8.000 đảng viên vi phạm bị kỷ luật trong nửa đầu năm 2019.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-the-13th-congress-be-the-congress-with-not-getting-position-by-corruption-dt-09252020134606.html

 

Điểm tin trong nước sáng 26/9: Bắt nguyên Giám đốc,

phó Giám đốc, kế toán trưởng BV Bạch Mai;

Tháng 10 miền Bắc đón 4-5 đợt không khí lạnh

Tâm Tuệ

Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Bảy (26/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Bắt nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán trưởng BV Bạch Mai

Báo Tuổi Trẻ hôm 25/9 đưa tin, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên phó giám đốc bệnh viện và bà Trịnh Thị Thuận, nguyên kế toán trưởng để điều tra vì liên quan đến vụ án nâng khống giá thiết bị y tế “ăn dày trên lưng bệnh nhân”.

Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình C03 mở rộng điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS và các đơn vị có liên quan.

Ông Quốc Anh và ông Ngọc Hiền là lãnh đạo bệnh viện thời điểm Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai thực hiện liên doanh liên kết đưa nhiều thiết bị máy móc vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân theo chủ trương xã hội hóa.

Kết quả điều tra bước đầu xác định có một số cá nhân tại Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỷ đồng (gồm VAT).

Tuy nhiên, các bị can câu kết nâng khống lên 39 tỷ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý.

Giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá được khai thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng. Từ năm 2017-2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỷ đồng.

Gần 4.900 người chết vì tai nạn giao thông trong 9 tháng

Hôm 25/9, truyền thông trong nước dẫn số liệu trên từ Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Tin cho biết tai nạn giao thông đường bộ vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng vụ tai nạn trên cả nước Việt Nam. Trong 9 tháng qua, tổng số tai nạn giao thông đường bộ là 5.849 vụ, làm thiệt mạng 4.770 người và làm bị thương hơn 3.100 người. So với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ lần lượt giảm hơn 10% số vụ tai nạn giao thông đường bộ, gần 13,7% số người chết và gần 13,4% số người bị thương.

Số người thiệt mạng còn lại trong số gần 4.900 người là do tai nạn giao thông đường thủy và đường sắt.

Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ông Nguyễn Trọng Thái, cho báo giới trong nước biết riêng tháng 9/2020, toàn quốc xảy ra gần 1.200 vụ tai nạn giao thông, làm chết 534 người và làm bị thương 882 người.

Tỷ lệ về số vụ tai nạn, và số thương vong được ghi nhận đều giảm so với cùng kỳ tháng 9 năm 2019.

Các tập đoàn Nhật Bản đầu tư vào đối tác M&A tại Việt Nam

Nhiều tập đoàn Nhật Bản đang đang tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư vào, thay vì thiết lập cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, theo truyền thông quốc tế.

Tin cho biết giao dịch thương vụ mới nhất là Tập đoàn ENEOS Corporation đã chi ra 650 tỷ đồng để mua lại 13 triệu cổ phiếu của Petrolimex (PLX). PLX là nhà phân phối xăng dầu lớn nhất Việt Nam với 60% thị phần, và giá 50.000 đồng/cổ phiếu. Giao dịch vừa nêu được nói đã được thực hiện trong khoảng thời gian từ hạ tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 9 năm 2020.

Petrolimex cũng thông báo đã hoàn tất việc bán 13 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 27/8 đến ngày 15/9 để giảm lượng quỹ cổ phiếu quỹ xuống còn 75 triệu.

Nhà đầu tư Nhật Bản được nói là hiện nắm giữ 116,5 triệu PLX, tương đương 9% cổ phần Petrolimex.

Hồi đầu năm 2020, tập đoàn Sumitomo Life từ Nhật Bản đã đầu tư 173 triệu USD để mua hơn 41 triệu cổ phiếu Bảo Việt (BVH), tương đương 5,91% vốn điều lệ hiện tại, nâng tỷ lệ sở hữu của Sumitomo Life tại Bảo Việt lên 22,09%.

Trước đó, trong năm 2019, Sumitomo và hai tập đoàn khác đã mua 10% cổ phần của Gemadept (GMD), với trị giá 37 triệu USD.

Theo truyền thông trong nước, cuối tháng 8, dẫn kết quả khảo sát năm 2019 của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), ghi nhận có khoảng 1.400 doanh nghiệp Nhật đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong 3 năm tới, tăng 5,5 điểm phần trăm so với năm trước đây.

Tháng 10 miền Bắc đón 4-5 đợt không khí lạnh

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định trong tháng 10/2020 Bắc Bộ và Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng của khoảng 4-5 đợt không khí lạnh, gây ra các đợt mưa rào và dông trên diện rộng.

Trung tâm cũng dự báo có khoảng từ 2-3 xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông tập trung vào tháng 10 và có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-26-9-bat-nguyen-giam-doc-pho-giam-doc-ke-toan-truong-bv-bach-mai-thang-10-mien-bac-don-4-5-dot-khong-khi-lanh.html