Đọc báo Pháp – 24/09/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 24/09/2020

Mỹ-Trung: Trump-Tập đối đầu qua diễn đàn Liên Hiệp Quốc – Tú Anh

Đối đầu Trung-Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh loan báo mục tiêu chống biến đổi khí hậu, quan hệ căng thẳng Úc-Trung, số phận di dân nhập cư đến cửa Liên Hiệp Châu Âu sẽ ra sao ? Pháp từng bước tái phong tỏa chống dịch là các đề tài tràn ngập báo Pháp hôm nay.

Di dân đến cửa Liên Hiệp Châu Âu rồi sẽ ra sao ? Đó là câu hỏi của các nhật báo Pháp. Châu Âu muốn chỉnh đốn chính sách nhập cư, tựa trên trang nhất của Le Monde. Sau vụ trại di dân ở Moria, Hy Lạp, cháy rụi, một số diễn biến xảy ra : Châu Âu  trình dự án nhập cư để vượt qua những bất đồng đùn đẩy. Thành phố Köln của Đức (1,1 triệu dân) tuyên bố sẵn sàng đón thêm di dân. Ủy Ban Châu Âu kỳ vọng vào « cú gây sốc » của ngọn lửa để lay động tình người, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đặc trách nhập cư, Margaritis Schinas, kiến trúc sư của dự án kêu gọi « phe mị dân ở châu Âu cho giải pháp ».

Trung Quốc là vấn đề hay giải pháp của thế giới ?

Đối đầu Mỹ-Trung tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc qua trung gian video thu trước là chủ đề thuộc loại « nóng » của Le Monde. Ngay tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng lo ngại « một rạn nứt lớn giữa hai đại cường kinh tế, tín hiệu sắp xảy ra chiến tranh lạnh ».

Năm 2019, Bắc Kinh lãnh đợt tấn công đầu tiên của Donald Trump, khi lên án Trung Quốc cạnh tranh bất chính. Lần nầy, tổng thống Mỹ tố cáo « siêu vi Trung Quốc » là cội nguồn của khủng hoảng y tế và kinh tế thế giới. Trong bài phát biểu, chủ nhân Nhà Trắng khẳng định « Trung Quốc là thủ phạm gieo rắc siêu vi. Trong những ngày đầu, họ phong tỏa lưu thông trong nước nhưng vẫn để cho máy bay rời Trung Quốc để lây nhiễm cho thế giới ». Donald Trump cũng không chừa Tổ Chức Y Tế Thế Giới mà ông cáo buộc bị Bắc Kinh kiểm soát nên đưa ra những lời tuyên bố không đúng với sự thật về khả năng lây nhiễm từ người sang người.

Như một bản cáo trạng, Donald Trump quy cho Trung Quốc là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường biển và không khí với đội thương thuyền vận tải lúc nhúc. Như để làm nổi bậc chế độ độc tài của Trung Quốc, Donald Trump nhấn mạnh đến vai trò « lãnh đạo nhân quyền thế giới » của Hoa Kỳ, một công thức hiếm khi ông sử dụng.

Tham luận của tổng thống Mỹ rất ngắn cũng thể hiện sự xem thường Liên Hiệp Quốc, theo nhận định của Le Monde. Một cách gián tiếp, nhưng rõ ràng ông trách Liên Hiệp Quốc không quan tâm đến các vấn đề cốt lõi của thế giới như khủng bố, chà đạp phụ nữ, lao động cưỡng bách, ma túy, buôn người, mãi dâm, đàn áp tôn giáo, thanh lọc sắc tộc…».

Vì diễn văn của Donald Trump được thu trước nên Tập Cận Bình không thể phản bác từng điểm một. Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi hợp tác chống Covid-19 trước khi ca tụng điều được gọi là « cộng đồng chia sẻ tương lai trong đó mọi người phụ thuộc lẫn nhau ». Tiếp theo, ông tấn công vào nỗ lực của Mỹ « ngăn chận Trung Quốc phát triển, qua các biện pháp đánh phá kinh tế nhất là kỹ thuật số ». Theo nhận định của Le Monde, chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ « đóng góp kinh nghiệm kiểm dịch, chẩn bệnh và điều trị, nghiên cứu nguồn gốc siêu vi corona nhưng tuyệt nhiên tránh né đề cập đến trách nhiệm của Trung Quốc.

Trong phần kết luận của bài tường thuật, Le Monde nêu lên thái độ mâu thuẫn của lãnh đạo Trung Quốc khi ông cam kết chia sẻ vac-xin, tài sản chung của nhân loại, một cách miễn phí cho các nước đang phát triển nhưng lại từ chối tham gia vào chương trình Covax của Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Alliance du Vaccin.

Tập Cận Bình cũng khẳng định là không có ý đồ bành trướng, bá quyền, gây chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng với bất kỳ nước nào ». Nhật báo độc lập khéo léo mời độc giả nhìn ra Biển Đông.

Trung Quốc cam kết : 2060 sẽ « trung hoà » khí thải CO2

Bắc Kinh loan báo quyết định quan trọng chống biến đổi khí hậu. Cam kết của ông Tập Cận Bình tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc được La Croix  ghi nhận : Trung Quốc muốn đạt mức « zero » CO2 vào năm 2060. Vấn đề là bằng cách nào ? Nhật báo Công Giáo đặt câu hỏi. Theo các chuyên gia, phương án đầu tiên là bỏ các nhà máy nhiệt điện thay bằng hạt nhân. Các biện pháp khác như « khống chế CO2 » đang trong giai đoạn nghiên cứu.

Les Echos gọi quyết định này là một « hành động chính trị » của Bắc Kinh trong bối cảnh xung khắc với nước Mỹ của Donald Trump. Từ nay, Hoa Kỳ là nước thải CO2 nhiều nhất trên thế giới không có mục tiêu giảm tiêu dùng năng lượng gây ô nhiễm. Tuy nhiên, mục tiêu của Trung Quốc đề ra, phải đến 2060, còn quá khiêm tốn và chậm hơn châu Âu đến 10 năm. Mặt khác, nếu Trung Quốc nói thật làm thật thì phải đầu tư một khối tiền khổng lồ để biến đổi mô hình kinh tế và xã hội một cách triệt để.

Quan hệ Trung-Úc thời băng giá 

Trong khi La Croix tập trung vào chủ đề « Đài Loan, miền đất hứa của dân Hồng Kông lưu vong tìm tự do », Libération đưa độc giả xuống Nam Thái Bình Dương với hai bài phóng sự : « Quan hệ Trung-Úc thời băng giá » và «  Liệu các đại học học Úc bị Trung Quốc chi phối ? ».

Từ mùa xuân đến nay, quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra tiếp tục suy thoái. Trung Quốc nâng thuế nhập khẩu, Úc tăng ngân sách quốc phòng, Trung Quốc trục xuất nhà báo, Úc đòi điều tra nguồn gốc Covid-19. Tiếp theo, Canberra đình chỉ luật dẫn độ và thông báo đón dân Hồng Kông muốn được sống tự do… Thủ tướng Scott Morrison còn nỗ lực vận động các nhà lãnh đạo trên thế giới điều tra cội nguồn đại dịch tại Hoa lục. Ông còn đề xuất trao cho thanh tra của Tổ Chức Y Tế Thế Giới quyền hạn rộng rãi như thanh tra giải trừ vũ khí của Liên Hiệp Quốc. Theo chuyên gia James Laurenceson, giám đốc viện quan hệ Úc-Trung ở Sydney, các tuyên bố của thủ tướng Úc làm Bắc Kinh tức giận vì cho là Úc không hành động một mình mà do Mỹ ủy nhiệm. Cáo buộc này là sai. Phản ứng tức giận này chứng tỏ Trung Quốc lui về thế thủ :  suy yếu trong cuộc chiến thương mại với Donald Trump, Bắc Kinh còn bị điểm mặt vì thái độ dối trá trong vụ Covid.

Trung Quốc còn căm tức thủ tướng Morrison vì một lý do khác nữa. Cũng theo chuyên gia James Laurenceson, đạo luật chống ngoại nhân can thiệp mà thực chất là nhắm vào đảng Cộng sản Trung Quốc được ban hành từ năm 2017, thủ tướng Morrison giữ nguyên đường lối khi lên nắm quyền. Mối đe dọa của Trung Quốc có thật nhưng thủ tướng Úc có lời lẽ và hành động «  không mấy  ngoại giao » và không cần thiết. Canberra còn đi xa hơn nữa, không những cấm Hoa Vi tham gia mạng lưới 5G mà còn gửi các phái bộ chuyên viên cảnh báo Anh và Mỹ về những bất trắc nếu hợp tác với Hoa Vi. Một dấu hiệu cho thấy mối đe dọa này có thật : Quốc Hội Úc và các chính đảng bị tin tặc tấn công trong mùa bầu cử 2019.

Tuy nhiên, căng thẳng thì căng thẳng, Trung Quốc do nhu cầu quặng mỏ quá lớn, tiếp tục là bạn hàng số một của Úc.

Sinh viên Trung Quốc ở các đại học Úc lấy thịt đè người ?

Các đại học học Úc, với 260.000 sinh viên Trung Quốc có bị Bắc Kinh chi phối ? Để trả lời câu hỏi này, Canberra sử dụng một vũ khí của chế độ dân chủ : trao cho Quốc Hội điều tra. Libération cũng tìm hiểu với một số sinh viên Trung Quốc và giáo sư Úc. Hai trường hợp tiêu biểu :  Drew Pavlou, một sinh viên Úc vì ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông đã làm sinh viên Trung Quốc trong đại học Queensland căm tức. Drew Pavlou bị đe dọa giết và còn bị hội đồng kỷ luật đuổi học. Vụ việc đang được tư pháp điều tra. Drew Pavlou xem đây là một chiến thắng. Matt, một sinh viên Duy Ngô Nhĩ, đại học Brisbane, cũng chia sẻ : được gia đình cho đi du học năm 2010 sau khi xem video nói về các vụ thảm sát người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Nhưng mỗi lần về thăm nhà, Matt đều phải « uống trà » với công an và được yêu cầu cung cấp thông tin về những người bạn ở đại học. Matt từ chối. Hậu quả là cha mẹ bị « đưa vào trại cải tạo ». Thỉnh thoảng anh nhận được những cú điện thoại nặc danh yêu cầu thận trọng và cám ơn đảng vì nhờ đảng mới được sang Úc.

Theo phân tích của Jane Golley, đại học quốc gia Úc, đúng là có nhiều sinh viên Trung Quốc phản bác những điều giảng dạy về Đài Loan và Tây Tạng nhưng không một sinh viên nào ngăn cản bà nói những gì bà muốn nói. Do vậy, hay nhất là nên thuyết phục những người trẻ này hơn là đuổi họ về Trung Quốc.

Còn theo Alex Joske, sinh viên Trung Quốc tuy là điểm xung khắc giữa hai nước, thực chất điểm mấu chốt là ở quan hệ đối tác nghiên cứu giữa các đại học. Từ 2008 đến 2016, « chế độ Cộng sản Trung Quốc đã tuyển dụng 60.000 chuyên gia, trong những điều kiện mờ ám và thường là qua các hiệp hội sinh viên ». Trong số này, có nhiều khoa học gia Úc về các ngành công nghệ sinh học, công nghệ nano, pin điện tử… Bây giờ Úc mới hiểu là cần tự vệ chống gián điệp, đánh cắp bằng phát minh và xung đột quyền lợi. Libération dự đoán là quan hệ Úc-Trung sẽ căng thẳng thêm. Ủy ban điều tra của Quốc Hội Úc  sẽ khui hồ sơ này để xử lý tận gốc.

Cũng liên qua, đến thời sự Trung Quốc, Le Monde cũng dành một bài dài về vụ tỷ phú Nhậm Chí Cường, 69 tuổi, cựu bộ trưởng Thương Mại, cựu đảng viên, bị lãnh án 18 năm tù cộng thêm hơn 600.000 đôla tiền phạt vì tội tham nhũng.

Nhậm Chí Cường cho biết không kháng cáo có lẽ để đánh đổi an nguy cho con trai. Thực chất, nhân vật có biệt danh là « khẩu đại bác » đã nhiều lần vuốt râu hùm : gọi Tập Cận Bình là hoàng đế trần truồng và phải dừng tay  tiêu pha tiền thuế của dân vào những chuyện không lợi ích gì cho họ. Vụ này đã được nhiều tờ báo loan tin. Le Monde hôm nay trích nhận định của một vài người am tường tình hình nhân quyền Hoa lục : Tập Cận Bình đang biến Trung Quốc thành một nhà tù lớn, nơi mà một lời nói hợp lý cũng có thể bị kết án 18 năm tù. Le Monde nhắc lại là trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tập chủ tịch, tháng 7 năm 2015, khoảng 200 luật sư và nhà hoạt động nhân quyền bị bắt trong một đợt đàn áp. Phần đông đã được thả nhưng một số luật sư bị cấm hành nghề. Trong ba năm sau này, những nhà báo bất đồng chính kiến hay nhà hoạt động bạo gan lập đảng chính trị thường lãnh án từ 12 cho đến 15 năm.

Hết chữ đặt tên bão

Về thiên tai, những trận bão lớn liên tục làm đau đầu Liên Hiệp Quốc. Le Monde giải thích : bão nhiệt đới gia tăng từ tháng 5 nhiều đến mức chuyên gia Liên Hiệp Quốc không đủ chũ để đặt tên. Với 24 mẫu tự la tinh mà chưa hết tháng 9 đã có 23 trận bão. Trận bão mới nhất được đặt tên là Wilfred. Thôi thì, mượn mẫu tự Hy Lạp vậy. Liên Hiệp Quốc quyết định.

Covid-19 : Pháp ban hành nhiều biện pháp đối phó tăng cường

Về tình hình Địa Trung Hải, các báo Pháp đều nhấn mạnh đến sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ xuống thang xung khắc, tuyên bố đàm phán với Hy Lạp. Les Echos cho biết chính miệng tổng thống Erdogan thông báo tin này sau khi gặp thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel.

Liên quan đến khủng hoảng Belarus, nhật báo kinh tế nhận định « phong trào biểu tình tiếp diễn, số phận tổng thống Lukachenko ngày càng tùy thuộc vào Matxcơva. Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu, như thông lệ, chưa thống nhất được lập trường, Les Echos thất vọng.

Diễn biến Covid-19 tại Pháp theo chiều hướng xấu được đăng tải với các tựa : Biện pháp « siết bù loong » ở các thành phố lớn (Les Echos) và cuộc chiến đấu chống đại dịch tăng tốc (Le Monde) kèm theo bản đồ mà màu đỏ đậm, đỏ và cam áp đảo, theo vận tốc lây lan.

La Croix thể hiện tình trạng đáng lo này qua bài phóng sự ở một bệnh viện : Giới y tế cho biết họ đã lao vào cuộc chạy đua bền sức.

Cũng để chuẩn bị lâu dài cho giáo dục, tuần này, chính phủ Pháp phát động chiến dịch thí điểm dạy học từ xa. Ngân sách đầu tiên gần 30 triệu euro trang bị máy vi tính cầm tay cho 15.000 học sinh  tiểu học thiếu phương tiện, phóng sự của Les Echos.

Về nghệ thuật, tin nữ ca sĩ Juliette Greco từ trần, thọ 93 tuổi, trang trọng nằm trên trang nhất. Một huyền thoại vừa tắt lịm, La Croix gói ghém lời tiễn biệt « một người phụ nữ tự do, ý thơ của bao thi sĩ và nhạc sĩ ». Libération nuối tiếc « khu phố Saint Germain từ nay vắng bóng người ca sĩ áo đen, thanh lịch ».

Nước Pháp cũng vừa mất một đầu bếp huyền thoại Pierre Troisgros. Ông ra đi ở tuối 92.

Trong không khí căng thẳng của dịch Covid toát lên một tin vui. Trang văn hóa của Les Echos cho biết thị trường sách khởi sắc, ở Pháp cũng như ở bên Anh, chứng tỏ là một hiện tượng chung . Ở Pháp chẳng hạn : sau khi bị tuột dốc 92% trong tháng Tư, thương vụ sách tăng 14% từ tháng Năm đến tháng Tám. Hơn 3,8 triệu quyển được bán đi trong tháng Sáu. Một trong những lý do chính là vì đại dịch, lần đầu tiên giới trẻ không còn thú tiêu khiển nào khác nên tập trung vào sách.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200924-m%E1%BB%B9-trung-trump-t%E1%BA%ADp-%C4%91%E1%BB%91i-%C4%91%E1%BA%A7u-qua-di%E1%BB%85n-%C4%91%C3%A0n-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Thần tượng của làng nhạc Pháp Juliette Gréco qua đời, thọ 93 tuổi.

Sau hơn 60 sự nghiệp, nghệ sĩ được mệnh danh là « linh hồn của khu phố Saint Germain » Paris vĩnh viễn rời xa sân khấu và khán giả hôm 23/09/2020. Bà là người đã đưa những sáng tác của các thi hào như Boris Vian hay Jacques Prévert đến vào thế giới âm nhạc. Julette Gréco từng cộng tác với những tên tuổi sáng chói nhất của làng nhạc Pháp. Léo Ferrré viết tặng bà Jolie Môme còn Serge Gainsbourg thì đã cùng với Juliette Gréco đi vào huyền thoại qua bản La Javanaise.

 (AFP) – Mỹ trừng phạt nhiều thực thể và cá nhân liên có liên hệ mật thiết với điện Kremlin.

Bộ Tài Chính Hoa Kỳ ngày 23/09/2020 thông báo lệnh trừng phát nhắm vào 8 cá nhân và 7 thực thế có liên quan trực tiếp đến nhà tỷ phú Evguéni Prigojine, một nhân vật thân cận với tổng thống Nga, đến cơ quan tình báo FSB, hậu thân của KGB. Washington giải thích các mục tiêu Hoa Kỳ nhắm tới đều bị tố cáo can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016.

(AFP) – Bulgari trục xuất hai nhà ngoại giao Nga bị tình nghi làm gián điệp. 

Bộ Tư Pháp nước này ngày 23/09/2020 ra lệnh cho hai nhà ngoại giao Nga liên quan 72 giờ để rời khỏi Bulgari. Cả hai bị cáo buộc từ năm 2016 đã « thu thập thông tin thuộc phạm trù bí mật quốc gia của Bulgari và cung cấp cho tình báo quân sự Nga tại Matxcơva ».

(AFP) – Bang California Mỹ cấm sử dụng xe hơi chạy bằng xăng và dầu diesel kể từ năm 2035. 

Thống đốc Gavin Newsom ngày 23/09/2020 thông báo quyết định nói trên nhằm nỗ lực chống biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm không khí. Tại bang này 50 % khí thải CO2 do ngành giao thông vận tải gây nên.

(AFP) – Chống thuế xe hơi : nhiều tập đoàn lớn trên thế giới kiện chính quyền Trump.

Tesla, Ford, Mercedes và Volvo tuần trước đã đệ đơn kiện chính phủ Mỹ lên Tòa Án Thương Mại Quốc Tế của New York phản đối chính quyền Trump áp thuế lên một số phụ tùng và sản phẩm nhập từ Trung Quốc. Hãng xe Đức Mercedes qua trung gian chi nhánh tại bang Alabama cũng như hãng xe điện Tesla của nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào phụ tùng xe hơi

Trung Quốc là « bất hợp pháp » do vậy đòi Washington hủy bỏ các khoản thuế phụ trội 25 % đánh vào hàng Trung Quốc.

(AFP) – Cam Bốt : Bảy nhà đối lập bị kết án vì tội phản quốc. 

Bảy nhà hoạt động Cam Bốt bị kết án vì đã đăng tải các bài viết ủng hộ Sam Rainsy, một trong các lãnh đạo của phe đối lập hiện đang sống lưu vong tại Pháp. Trong số 5 người bị kết án 7 năm tù, có 4 người hiện vẫn đang lẩn trốn. Còn hai nhà đối lập khác bị kết án tù treo 4 năm. Kể từ cuối tháng 07/2020, có tổng cộng 24 nhà hoạt động trong các lĩnh vực (đối lập chính trị, môi trường, viết nhạc rap về các vấn đề xã hội …) bị chính quyền Cam Bốt bắt giữ.

(AFP) – Thế Vận Hội Tokyo có thể sẽ vẫn được tổ chức kể cả khi chưa có vac-xin ngừa virus corona. 

Ông Thomas Bach, chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế, hôm nay 24/09/2020 tuyên bố như trên và kêu gọi mang lại thành công cho Thế Vận Hội Tokyo cho dù sự kiện phải dời từ năm 2020 sang năm 2021. Theo quan chức thể thao này, những sự kiện thể lao lớn, phức tạp như giải đua xe đạp vòng quanh nước Pháp (Tour de France) hoàn thành hôm Chủ Nhật 20/09 đã chứng minh là thế giới có thể bảo đảm các sự kiện thể thao lớn diễn ra an toàn kể cả không có vac-xin.

(AFP) – Tư pháp Thái Lan khởi tố vụ án Facebook và Twitter đăng tải thông tin của giới tranh đấu.

Bộ trưởng Truyền Thông Thái Lan, Puttipong Punnakanta, hôm nay, 24/09/2020, cho biết đã chuyển « toàn bộ các nội dung » có liên quan cho cơ quan điều tra. Đây là lần đầu tiên, kể từ khi phong trào đòi dân chủ bùng lên, từ mùa hè năm nay, tư pháp Thái Lan trực tiếp đụng đến các tập đoàn Internet. Theo bộ trưởng Truyền Thông Thái Lan, cơ quan này đã « yêu cầu Facebook, Twitter và Yotube xóa bỏ tổng cộng 1.000 trang. Youtube đã rút hết, hiện còn lại khoảng 500 trang trên Facebook và Twitter ».

(AFP) – Anh « khẩn trương » chuẩn bị trừng phạt các thủ phạm đàn áp phong trào đòi dân chủ tại Belarus. 

Ngoại trưởng Anh  Dominic Raab, hôm nay 24/08/2020, thông báo Luân Đôn đang phối hợp với Mỹ và Canada, để chuẩn bị danh sách các giới chức Belarus bị trừng phạt. Theo lãnh đạo ngoại giao Anh, các biện pháp trừng phạt đang được « chuẩn bị khẩn trương ». Anh muốn tham gia vào các trừng phạt của Liên Âu, nhưng khối 27 nước hiện không đạt đồng thuận về vấn đề này.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200924-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 24/9:

Ông Pompeo lưu ý các bang về mối đe dọa Bắc Kinh;

Twitter bị nghi ngờ thiên vị Trung Quốc

Lục Du

Sáng nay, thứ Năm (24/9), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Ông Pompeo lưu ý các bang về mối đe dọa Bắc Kinh

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Tư (23/9) yêu cầu chính trị gia ở các địa phương cảnh giác với chính quyền Trung Quốc, và đề nghị chính quyền các bang của Mỹ không đáp lại lời kêu gọi của Bắc Kinh xây dựng mối quan hệ Mỹ-Trung gần gũi hơn. Bên cạnh đó, ông Pompeo cũng yêu cầu các bang hợp tác nhiều hơn với Đài Loan, theo SCMP và Reuters.

Phát biểu tại thủ phủ bang Wisconsin, ông Pompeo cho biết Bộ Ngoại giao đang xem xét các hoạt động của Hiệp hội Hữu nghị Mỹ-Trung và Hội đồng Thúc đẩy Tái thống nhất Hòa bình Trung Quốc khi có các nghi ngờ rằng họ đang cố gắng gây ảnh hưởng đến các trường học, nhóm doanh nghiệp và chính trị gia địa phương của Hoa Kỳ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “biết rằng chính phủ liên bang đang đẩy lùi ảnh hưởng xấu của ĐCSTQ. Ông ấy nhìn thấy điều đó ở Mỹ, và [tâm lý đó] đang tăng trên khắp thế giới ”, ông Pompeo nói. “Tổng Bí thư Tập cho rằng bạn là mắt xích yếu”.

Những cảnh báo này được Ngoại trưởng Pompeo đưa ra chỉ vài tuần sau khi nhóm làm việc của ông yêu cầu các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ phải xin phép trước khi gặp các quan chức chính quyền địa phương hoặc thăm khuôn viên các trường đại học của Mỹ.

Twitter bị nghi ngờ thiên vị Trung Quốc

Twitter dường như đang ủng hộ một phương tiện truyền thông của Bắc Kinh đưa ra những lời đe dọa bạo lực đối với Đài Loan và người lãnh đạo của hòn đảo này. Các nhà phê bình cho rằng việc Twitter

dung túng việc này cho thấy họ đang thúc đẩy tiêu chuẩn kép trong các chính sách của mình, theo bản tin hôm thứ Tư (23/9) của Fox News.

Vào ngày 18/9, Twitter đã để Thời báo Hoàn cầu đưa lên nền tảng này thông điệp đe dọa rằng Bắc Kinh sẽ tấn công Đài Loan. Phản ứng của một trong những cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ diễn ra sau khi Tổng thống Thái Anh Văn cam kết xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với Hoa Kỳ trong chuyến thăm Đài Loan của Ngoại trưởng Mỹ Keith Krach .

“Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, người đã cam kết quan hệ sâu sắc hơn với Mỹ trong bữa tối dành cho một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao [Hoa Kỳ] tới thăm, rõ ràng đang chơi với lửa”, tài khoản Twitter của Thời báo Hoàn cầu viết. “Nếu bất kỳ hành động khiêu khích nào của bà ta vi phạm Luật chống ly khai của Trung Quốc, một cuộc chiến sẽ nổ ra và bà Thái sẽ bị xóa sổ”.

Trong một dòng tweet khác, Thời báo Hoàn cầu nói rằng Trung Quốc đại lục “quyết tâm thực hiện mọi biện pháp cần thiết, bao gồm phương án quân sự, để ngăn chặn Mỹ và đảo Đài Loan gia tăng các hành động khiêu khích của họ”.

Belarus: ông Lukashenko bí mật tuyên thệ nhậm chức

The Guardian đưa tin, ông Alexander Lukashenko đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Belarus nhiệm kỳ thứ 6 tại thủ đô Minsk trong một buổi lễ bí mật. Các nhà lãnh đạo đối lập và các chính trị gia châu Âu ngay lập tức tố cáo động thái này là bất hợp pháp.

“Ngày tổng thống nhậm chức là ngày chiến thắng chung của chúng ta – một chiến thắng thuyết phục và quan trọng”, ông Lukashenko nói với các cử tọa tham gia buổi lễ hôm thứ Tư (23/9), trong đoạn video do cơ quan báo chí của ông công bố. Các tướng lĩnh quân đội, nghị sĩ và một số quan chức khác được mời tham dự buổi lễ.

Lukashenko đã tuyên bố ông nhận được 80% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 9/8. Tuy nhiên người dân cho rằng ông đã gian lận để giữ ghế và vì thế họ tổ chức các cuộc biểu tình lớn trong những ngày qua để phản đối kết quả bầu cử. The Guardian nhận định, đây có thể là lý do buổi lễ nhậm chức tổng thống của ông Lukashenko không được thông báo rộng rãi vì sợ nó sẽ là tiêu điểm công kích của người biểu tình.

Chính trị gia đối lập Navalny xuất viện

Ông Alexei Navalny đã được xuất viện sau 32 ngày điều trị nội trú tại bệnh viện Charité ở Berlin, Đức. Các bác sĩ ở bệnh viện này nói rằng người thường xuyên lên án gay gắt Tổng thống Nga Putin có thể bình phục hoàn toàn sau khi bị đầu độc bởi chất độc thần kinh Novichok, theo The Guardian.

Trong một tuyên bố hôm thứ Tư (23/9), Bệnh viện Charité cho biết tình trạng của chính trị gia đối lập ở Nga đã “cải thiện đủ để anh ta có thể ngừng việc chăm sóc nội trú cấp tính” và nói thêm rằng ông Navalny đã ra viện vào thứ Ba.

“Dựa trên sự tiến triển và tình trạng hiện tại của bệnh nhân, các bác sĩ điều trị tin rằng [ông Navalny] có thể phục hồi hoàn toàn”, tuyên bố viết và cho biết thêm rằng vẫn chưa xác định được tác dụng lâu dài tiềm ẩn của chất độc Novichok trong cơ thể ông Navalny.

Chính quyền Cuba tiếp tục bị Mỹ trừng phạt

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư (23/9) đã áp đặt các hạn chế mới đối với nhập khẩu rượu rum và xì gà của Cuba, đồng thời cấm người Mỹ lưu trú tại các cơ sở thuộc sở hữu của chính phủ Cuba, theo Reuters.

“Hôm nay, là một phần trong cuộc chiến tiếp tục chống lại sự đàn áp của chính quyền cộng sản, tôi thông báo rằng Bộ Tài chính sẽ cấm du khách Hoa Kỳ lưu trú tại các cơ sở thuộc sở hữu của chính phủ Cuba”, ông Trump nói tại một sự kiện của Nhà Trắng.

“Chúng tôi cũng đang hạn chế hơn nữa việc nhập khẩu rượu và thuốc lá Cuba”, vị tổng thống của Đảng Cộng hòa cho biết tại buổi lễ vinh danh các cựu chiến binh từng chiến đấu ở Vịnh Con lợn.

Đây là động thái mới nhất trong một chuỗi các hành động của Tổng thống Trump nhằm trừng phạt chính quyền Cuba, thể hiện một xu hướng ngược với các chính sách của người tiền nhiệm Obama, người muốn bình thường hóa quan hệ với lực lượng cầm quyền thiên tả của quốc gia láng giềng.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-24-9-ong-pompeo-luu-y-cac-bang-ve-moi-de-doa-bac-kinh-twitter-bi-nghi-ngo-thien-vi-trung-quoc.html

 

Điểm tin thế giới tối 24/9:

Hoàng Chi Phong bị bắt; Seoul cáo buộc

Triều Tiên bắn chết quan chức Hàn Quốc

Hải Lam

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (24/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Hoàng Chi Phong bị bắt

Theo thông báo trên tài khoản Twitter chính thức của Hoàng Chi Phong, anh bị bắt lúc 13h ngày 24/9, với cáo buộc tham gia tụ tập bất hợp pháp vào ngày 5/10 năm ngoái và vi phạm lệnh cấm che mặt. Anh bị bắt khi đến trình diện tại Đồn cảnh sát Trung tâm Hồng Kông.

 

Theo Hong Kong Free Press, chính quyền Hồng Kông đã kích hoạt luật khẩn cấp có từ thời thuộc địa Anh vào ngày 4/10/2019 để cấm việc che mặt trong các cuộc biểu tình. Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và các cuộc biểu tình chống lệnh cấm đã diễn ra khắp thành phố ngay ngày hôm sau.

Seoul cáo buộc Triều Tiên bắn chết quan chức Hàn Quốc

Hãng tin Yonhap cho hay, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay cáo buộc phía Triều Tiên bắn chết quan chức 47 tuổi thuộc Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc rồi hỏa táng.

Vị quan chức này đã mất tích khỏi con tàu 499 tấn trưa 21/9 khi đang làm nhiệm vụ kiểm tra ngoài khơi đảo Yeonpyeong.

“Triều Tiên phát hiện người này trong vùng biển của họ và bắn ông ấy, sau đó hỏa táng, theo phân tích kỹ lưỡng của quân đội chúng tôi từ nhiều nguồn tin tình báo”, Bộ Quốc phòng cho biết. “Quân đội của chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động này và kêu gọi Triều Tiên giải thích cũng như trừng phạt những người chịu trách nhiệm”.

Bà Thái muốn Đài Loan đi đầu trong ngành bán dẫn

Tổng thống Thái Anh Văn hôm nay nói với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn của Đài Loan rằng bà muốn đưa hòn đảo trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về quy trình sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, theo Taiwan News.

CNA đưa tin, trong số các chuyên gia bà Thái gặp hôm nay có ông Mark Liu, chủ tịch Công ty TNHH Sản xuất chế tạo chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới.

Tổng thống Thái cho rằng ngành sản xuất chất bán dẫn Đài Loan là một trong những nhân tố quan trọng trong giai đoạn phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo. Chính quyền của bà đã chú trọng đến một số khía cạnh cơ bản trong lĩnh vực này, bao gồm việc hình thành một viện bán dẫn và củng cố các khóa học liên quan trong giảng dạy.

Bà Thái nói với các giám đốc điều hành rằng, việc phát triển nhân tài địa phương và nội địa hóa một số giai đoạn trong quy trình sản xuất chất bán dẫn là những chính sách chính phủ thiết yếu sẽ được triển khai trong nhiệm kỳ thứ hai của bà. Do đó, Đài Loan sẽ có thể củng cố vị trí của mình như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chiến đấu cơ Su-30 của Nga bị đồng đội bắn rơi

The Moscow Times dẫn tin từ hãng thông tấn Nga TASS ngày 24/9 cho biết chiếc tiêm kích Su-30 rơi ở miền trung nước Nga trong cuộc tập trận hôm 22/9 là do bị đồng đội bắn nhầm.

“Nguyên nhân sơ bộ của vụ tai nạn là do một tên lửa vô tình bắn trúng Su-30 trong khi tập trận”, một nguồn tin giấu tên nói với TASS.

Trang tin quân sự Defense Blog trước đó dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, một máy bay chiến đấu Su-35 có thể đã bắn vào Su-30.

Nguồn tin của TASS cho biết các phi công của tiêm kích Su-30 đã ở trong tình trạng ổn định.

Nhà hoạt động: Navalny cần ít nhất 1 tháng để hồi phục hoàn toàn

Jaka Bizilj, người sáng lập Quỹ Điện ảnh vì Hòa bình, hôm nay nói rằng chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny sẽ mất ít nhất một tháng nữa để hồi phục thể lực hoàn toàn, theo Reuters.

Jaka Bizilj là nhà hoạt động đã hỗ trợ đưa ông Navalny tới Đức để điều trị sau khi có triệu chứng trúng độc trên chuyến bay nội địa của Nga vào tháng trước. Ông Bizilj cũng cho biết đội ngũ của Navalny đã nói rõ rằng ông sẽ trở lại Nga và tiếp tục hoạt động chính trị.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-24-9-hoang-chi-phong-bi-bat-seoul-cao-buoc-trieu-tien-ban-chet-quan-chuc-han-quoc.html

 

Tạp chí tiêu điẻm

Thái Lan : Quân vương trụy lạc và tập đoàn quân sự,

hai đích ngắm của những người biểu tình

Minh Anh

Thái Lan, « con rồng Đông Nam Á » từ nhiều tuần qua sôi sục các cuộc biểu tình lớn. Những cuộc xuống đường đặc biệt do các sinh viên, học sinh tiến hành với hai mục tiêu phản đối chính : tập đoàn quân sự và vị quân vương xa hoa, trụy lạc.

Đầu tiên hết, giới quan sát đều có chung một nhận xét : Đây là những cuộc biểu tình của sinh viên học sinh chưa từng có cả trên phương diện quy mô lẫn về thông điệp đưa ra. Làn sóng phản đối bắt đầu từ đầu năm 2020, bị gián đoạn vì khủng hoảng dịch tễ lại bùng lên dữ dội từ trung tuần tháng 7/2020. Hàng chục ngàn người, phần đông là sinh viên học sinh rầm rộ xuống đường tại thủ đô Bangkok, hình thành một cuộc tập hợp chính trị lớn nhất kể từ năm 2016.

Đảng Tương Lai mới bị giải thể : Ngòi nổ cho phong trào

Theo giới quan sát tại Pháp, cuộc bầu cử năm 2019 là cột mốc cho phong trào phản đối. Tập đoàn quân sự lên nắm quyền năm 2014 từng cam kết « tái lập trật tự », phát triển kinh tế, và tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ. Sau nhiều lần bị trì hoãn, cuộc bầu cử này đã được tổ chức năm 2019 và mang lại nhiều hy vọng cho người dân Thái Lan : Trở về với chế độ dân chủ dân sự. Nhưng việc tướng Prayuth Chan Ocha tái đắc cử khiến một bộ phận người dân Thái hụt hẫng. Khát vọng trở lại với nền dân chủ mong manh trước đây xem như bị dập tắt.

Nhà nghiên cứu Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia về Đông Nam Á, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, trả lời RFI Tiếng Việt nhận định rằng chính việc giải thể đảng chính trị đối lập Tương Lai Mới (Future Forward) đã châm ngòi nổ cho phong trào phản đối.

« Yếu tố làm bùng phát làn sóng này chính là quyết định giải thể đảng Tương Lai Mới của tư pháp Thái Lan vào tháng 2/2020. Đảng này được thành lập vào năm 2018, và đã có được kết quả bầu cử khá thành công trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 3/2019. Đảng này đã thật sự mang lại một luồng sinh khí mới cho chính trường Thái Lan. Thế nhưng, đảng này đã bị giải thể với lý do là lãnh đạo đảng, ông Thanathorn Juangroongruangkit, đã tài trợ để hỗ trợ đảng. »

Rồi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Tuy chính quyền kiểm soát tốt cơn đại dịch : 58 người chết và hơn 3.300 ca nhiễm bệnh, ngược lại, vương quốc chịu cảnh phong tỏa và đóng cửa biên giới. Ngành du lịch, nguồn thu nhập chính của đất nước bị thoi thóp trong khi nền kinh tế Thái Lan trước khi có dịch bệnh cũng đã có nhiều tín hiệu xấu. Viễn cảnh tương lai mịt mù là một trong những mối lo của người biểu tình, nhất là giới sinh viên học sinh. Chuyên gia Sophie Boisseau du Rocher nhận xét tiếp :

« Đương nhiên rồi. Tôi cho rằng phải đặt sự việc trong toàn bối cảnh. Đây là một thế hệ mà tương lai kinh tế khá mờ mịt như bao nước khác trên toàn thế giới. Thái Lan đang trải qua những khó khăn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Ngân hàng trung ương thông báo kinh tế suy thoái trong khoảng từ 12-13% trong năm 2020. Hiển nhiên là thế hệ trẻ này, đang xuống đường biểu tình, sẽ khó tiếp cận thị trường lao động. Ở đây có một nỗi lo như bao nơi khác khi nhìn thấy kinh tế cũng như là chính trị đang vuột khỏi tầm tay. »

Quốc vương ở đâu ?

Nhật báo Le Monde trong một bài phân tích có cho rằng dù chưa phải là một cuộc cách mạng nhưng đã là một cuộc nổi dậy. Đúng hơn là một cuộc tranh cãi giữa hai phe Tân và Cựu, giữa những người cấp tiến chống những kẻ nịnh thần truyền thống và trong khuôn khổ này, sự tuân thủ tôn ti trật tự, uy thế và bản thân nhân vật được tôn sùng như một vị phật sống của vương quốc cũng nằm trong số những lời ca thán của người biểu tình.

Những sinh viên học sinh này muốn gì khi giương khẩu hiệu « dân chủ » như là một câu thần chú trên khắp các nẻo đường và trong sân trường đại học ? Nhà nghiên cứu về Đông Nam Á, Sophie Boisseau du Rocher giải thích :

« Những sinh viên này đưa ra ba đòi hỏi chính. Thứ nhất, họ yêu cầu giải thể Nghị Viện, nghĩa là đòi thủ tướng hiện nay, ông Prayuth Chan Ocha phải từ chức. Đòi hỏi thứ hai là muốn hiệu chỉnh Hiến Pháp, đã bị sửa đổi vào năm 2016 nhằm đáp ứng các quyền lợi của quân đội. Do vậy, những người biểu tình này muốn quay trở lại với Hiến Pháp dân sự.

Yêu cầu thứ ba là chấm dứt sách nhiễu các nhà chính trị đối lập. Tại Thái Lan cũng như tại Đông Nam Á, các nhà đối lập Thái Lan bị truy bức, bắt cóc và mất tích mà không ai biết được họ ở chốn nào. Ở đây, có một đòi hỏi rất lớn trong vấn đề này.

Từ ba đòi hỏi trên, có thêm yêu cầu thứ tư, đó là một chương trình cải cách chế độ quân chủ, nhưng điều này ngay từ đầu, thủ tướng Thái đã tuyên bố không có chuyện đề cập đến cải tổ này. »

Với giới quan sát, đòi hỏi thứ tư là một điều hiếm có, chưa từng thấy trong lịch sử. Lần đầu tiên người biểu tình nhắm vào hoàng gia nhất là quốc vương Rama X bất chấp đạo luật khi quân hà khắc. Đăng quang vào tháng 5/2019, vị tân vương này lại không có được một uy thế, một sự tôn kính và tôn thờ như cha mình là cựu hoàng Rama IX, người tại vị trong suốt 70 năm.

Vậy những người biểu tình chỉ trích quốc vương của mình ở điều gì ? Bà Sophie Boisseau du Rocher cho biết:

« Điều mà những người biểu tình phê phán quốc vương hiện nay là vì ông ấy không sống tại Thái Lan. Khi đơn giản nói là không sống tại Thái Lan, điều có nghĩa là không quan tâm đến số phận của thần dân của mình đó là điểm thứ nhất.

Thứ hai họ chỉ trích quốc vương đã đưa ra những quyết định nhằm củng cố quyền lực cá nhân và việc kiểm soát tài sản của hoàng gia, ước tính trị giá đến khoảng 60 tỷ đô la, một khối tài sản khá là lớn, giờ sẽ do những người thân cận của quốc vương quản lý mà không phải qua bộ Tài Chính của Thái Lan.

Sau cùng, họ chỉ trích ông có một cuộc sống xa hoa, trụy lạc, trong khi đó, Thái Lan với 93% người dân là theo đạo Phật và với tư cách là lãnh tụ tinh thần Phật giáo, lẽ ra ông phải làm gương trước thần dân. »

Harry Potter, Hunger Games : Những thủ thuật biểu tình mới

Một điểm khác cũng thu hút sự chú ý của giới quan sát là tính chất năng động của sinh viên-học sinh Thái trong cách thức tổ chức các cuộc biểu tình. Lấy Hồng Kông như là mô hình mẫu, phong trào đòi dân chủ tại Thái Lan cũng không có một lãnh tụ, nhưng tập hợp nhiều đại diện từ nhiều nhóm khác nhau. Mạng xã hội là công cụ hữu hiệu để triệu tập biểu tình.

Dù vậy, phong trào dân chủ Thái cũng có những điểm nhấn riêng của mình : Từ cách trang phục được lấy cảm hứng từ thế giới Harry Potter cho đến biểu tượng giơ cao ba ngón tay. Điều này có ý nghĩa gì ? Nhà nghiên cứu người Pháp, bà Sophie Boisseau du Rocher giải thích :

« Đó chính là tín hiệu nhận biết được lấy cảm hứng từ bộ phim Hunger Games. Bộ phim này có một tiếng vang khá đặc biệt trong giới trẻ vì có liên quan đến những trò chơi video khá nổi tiếng. Nhưng cũng nên biết rằng Thái Lan là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới, trên phương diện về số thời gian hiện diện trên các mạng xã hội. Thế nên, ở đây còn có một chuỗi các mật mã được thiết lập để có thể kết nối nhanh chóng. Và tín hiệu ba ngón tay cũng như là hình ảnh điện thoại di động thắp sáng trong đêm chính là tín hiệu nhận biết của phong trào này ».

Liệu có nên ví phong trào đòi dân chủ này như là cuộc nổi dậy của sinh viên Pháp Mùa Xuân năm 1968 hay không ? Chuyên gia về Đông Nam Á cho rằng sự so sánh này có phần hơi khập khiểng.

« Mọi sự đánh đồng là không phù hợp. Đó đơn giản là một thế hệ sinh ra trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 1997, cuối thập niên 1990, giai đoạn đang có một sự chuyển đổi chính trị có lợi cho nền dân chủ. Nhưng sự chuyển đổi đó đã bị gián đoạn, một phần là do chế độ Thaksin Shinawatra, và tiếp đến là giới quân sự. Do vậy, họ thật sự chưa bao giờ được nhìn thấy những hiệu quả của quá trình hiện đại hóa nền chính trị.

Do vậy, ở đây có một sự đòi hỏi khá cao mong muốn quay lại với những năm tháng thế hệ của họ thời kỳ 1997-2000, 2002, sao cho một bản Hiến Pháp dân sự cởi mở hơn có thể được áp dụng. Trên thực tế, những đòi hỏi của người biểu tình khá là đơn giản. Tôi không nghĩ là ở đây có những hiệu ứng của Mai 1968, bởi vì đòi hỏi cải cách chế độ quân chủ được đưa ra, đặc biệt chỉ liên quan đến bản thân quốc vương hiện nay hơn là toàn bộ nền quân chủ mà chính người dân Thái vẫn còn rất gắn bó. Tôi cho rằng nên cẩn trọng các phân tích của chúng ta. »

Cuối cùng, có một câu hỏi khiến giới quan sát lo ngại nhất : Phong trào này rồi có bị trấn áp dữ dội như những đợt xuống đường lần trước của phe Áo Đỏ ủng hộ chính quyền dân chủ hay không ? Điều gì khiến thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan Ocha vẫn còn e ngại không điều các lực lượng an ninh trấn áp như những lần trước ? Nhà nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, Sophie Boisseau du Rocher nhận định như sau :

« Điều đó rất có thể xảy ra. Tôi cho rằng lý do để mà ông Prayuth tỏ ra thận trọng chính là vì những người biểu tình, các sinh viên và nhiều người dân Thái khác cho thấy có một thái độ rất ôn hòa. Do vậy, ông ấy không có lý do gì để mà can thiệp ở cấp độ này. Đây là điểm thứ nhất.

Thứ hai, đương nhiên ông Prayuth có được một số ủng hộ nhưng không phải là tất cả.  Do vậy, các quyết định của ông không bị nhiều phe phái khác phản đối như quân đội chẳng hạn, thậm chí là từ chính quốc vương mới là điều quan trọng. Tôi cho rằng đây chính là một trong những nguyên nhân buộc ông phải tỏ ra thận trọng. »

Phong trào đòi dân chủ của sinh viên học sinh Thái rồi sẽ đi đâu về đâu ? Liệu rồi họ có phải chịu một số phận như các sinh viên Hồng Kông hay không ? Nhiều câu hỏi đang được đặt ra.

Nhưng có một điều chắc chắn, ẩn sau làn sóng nổi dậy này của sinh viên học sinh còn có những nỗi lo khác. Theo một thăm dò do trường Đại học Suan Dusit Rajabhat thực hiện với khoảng 200 ngàn người tham gia, hơn 59% người dân Thái cho rằng những đòi hỏi của sinh viên là chính đáng và phù hợp với đòi hỏi dân chủ. Nhưng cũng có đến 42% số người được hỏi cho rằng những người biểu tình không nên đả kích nền quân chủ, trong khi gần 30% lo ngại sinh viên này « gieo rắc hỗn loạn và chia rẽ ».

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn chuyên gia Sophie Boisseau du Rocher, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) đã tham gia chương trình này.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200924-thai-lan-hoang-gia-quan-doi-bieu-tinh-sinh-vien