Đọc báo Pháp – 07/09/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 07/09/2020

Hồng Kông, Biển Đông… Hai chuyến Âu du của Trung Quốc đại bại – Thụy My

Thăm châu Âu để tranh thủ cảm tình, hai nhà ngoại giao Trung Quốc lại phải đối mặt với những chất vấn gay gắt về Hồng Kông, Biển Đông, Tân Cương…Tuy thất bại cay đắng do châu Âu đã thức tỉnh, nhưng Daily China vẫn tuyên truyền là quan hệ EU-Trung Quốc được củng cố.

Tình trạng bạo lực, quá tải xét nghiệm Covid, hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp, làm cách nào thúc đẩy Made in France, đó là các chủ đề thời sự trên trang nhất các báo hôm nay. Về quốc tế, quan hệ châu Âu-Trung Quốc, phong trào phản kháng ở Belarus được chú ý nhiều nhất.

Hai chuyến công du để khuyến dụ châu Âu

Trong bài « Châu Âu không còn để bị Bắc Kinh dụ dỗ », Le Monde nhận định vòng công du của hai nhà lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc – trước cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Tập Cận Bình ngày 14/09/2020 – đã kết thúc với những thất bại.

Để kéo châu Âu ra khỏi Mỹ xa hơn nữa, và để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh qua video, Bắc Kinh đã gởi hai nhà lãnh đạo ngành ngoại giao sang châu Âu. Ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) đi Ý, Hà Lan, Na Uy, Pháp, Đức vào cuối tháng Tám, rồi đến Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), chủ nhiệm Ban Đối Ngoại Trung ương Đảng, ủy viên Bộ Chính trị, đi thăm Tây Ban Nha và Hy Lạp ngày 03 và 04/09.

Đọc thêm: Châu Âu không còn ngây thơ để cho Trung Quốc lợi dụng

Chuyến công du của họ trùng hợp với chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Cộng hòa Séc, Milos Vystrcil, được truyền thông đưa tin rộng rãi. Một sự đối đầu thực sự với Bắc Kinh. Kỳ lạ hơn nữa, cả hai nhà ngoại giao Trung Quốc đều không dừng chân ở Bruxelles.

Có vẻ Bắc Kinh không ưa việc chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen hôm 22/06 tố cáo Trung Quốc tấn công tin học vào các bệnh viện châu Âu trong đại dịch. Bà còn loan báo việc áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông sẽ có « các hậu quả rất tiêu cực ».  Tuy nhiên chưa thấy có hành động gì, và Bắc Kinh hiểu rằng quyết định thực sự là từ chính quyền mỗi nước.

Vương Nghị bị tố cáo về Hồng Kông, Dương Khiết Trì há miệng mắc quai với  Biển Đông

Nhưng tại từng nước châu Âu, mọi việc không suôn sẻ như dự kiến. Ở Ý, Vương Nghị muốn gặp thủ tướng Giuseppe Conte, nhưng chỉ được ngoại trưởng Di Maio tiếp, và bị tố cáo tình hình Hồng Kông. Tại Hà Lan, ngoại trưởng Stef Blok nêu ra các vấn đề nhân quyền, Hồng Kông, và sự cần thiết tổ chức bầu cử ở Tây Tạng, Tân Cương. Ở Na Uy, Vương Nghị phạm hai sai lầm về ngoại giao, cho thấy tính cách hung hăng của Bắc Kinh. Ông ta nói rằng con virus corona không hẳn xuất phát từ Trung Quốc, và khuyến cáo Oslo không nên trao giải Nobel Hòa Bình cho người Hồng Kông.

Còn Dương Khiết Trì khi đến Tây Ban Nha, ngoại trưởng Arancha Gonzales vẫn để lơ lửng vấn đề công nghệ 5G của Hoa Vi (Huawei). Thay vào đó, ông nêu ra tình hình Hồng Kông, Tân Cương, nhắc lại tầm quan trọng của tự do hàng hải trên Biển Đông.

Tại Hy Lạp, thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đòi hỏi phản đối « sự tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ » ở Địa Trung Hải, nói rằng Hy Lạp muốn thảo luận về ranh giới Biển Egée « trên cơ sở luật pháp quốc tế chứ không phải đe dọa ». Theo Le Monde, chỉ cần thay thế « Biển Egée » bằng « Biển Đông » sẽ thấy thế khó xử của Bắc Kinh.

Tiếp xúc ngoại giao biến thành đối đầu tại Đức

Nước Đức, nơi Vương Nghị đến thăm ngày 30 và 31/08, là giai đoạn tệ hại nhất trong chuyến công du. Ngay khi đến Berlin, ông Vương đe dọa chủ tịch Thượng Viện Cộng hòa Séc « sẽ phải trả giá rất đắt » về chuyến thăm Đài Loan. Ngay lập tức, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc Hội Đức Norbert Röttgen (đảng CDU) coi đây là « sự đối đầu về ngoại giao và dân chủ ».

Trong không khí căng thẳng như vậy, cuộc gặp với đồng nhiệm Heiko Mass (đảng SPD) biến thành cuộc đối đầu. Ngoại trưởng Đức khẳng định cam kết bảo vệ các giá trị châu Âu « kể cả bên ngoài EU, và ở tất cả mọi hướng » ; đòi tổ chức bầu cử ở Hồng Kông và để Liên Hiệp Quốc điều tra về Tân Cương. Bên ngoài bộ Ngoại Giao Đức là mấy trăm người biểu tình, trong đó có cả những nghị sĩ, và nhà hoạt động Hồng Kông La Quán Thông (Nathan Law).

Nhất là ngay từ thứ Tư 02/09, chính phủ Đức đã thông qua « đường hướng chỉ đạo về Ấn Độ-Thái Bình Dương ». Đó là thất bại cho Bắc Kinh. Hoàn cầu Thời báo nghi ngờ việc Berlin nêu ra khái niệm do chính quyền Trump sáng tạo là sự nhìn nhận sự đổi hướng chiến lược của Mỹ về châu Á-Thái Bình Dương và thậm chí của Đức trong tương lai.

Pháp là một ngoại lệ : tổng thống Emmanuel Macron tươi cười tiếp đón Vương Nghị. Tuy nhiên Pháp đồng thời hiện đại hóa các chiến hạm bán cho Đài Loan, và cho phép Đài Bắc mở thêm một văn phòng đại diện thứ hai ở Aix-en-Provence.

Dù vậy China Daily hôm 03/09 vẫn chạy tựa « Quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu được tăng cường ». Le Monde kết luận, nếu Tập Cận Bình tin vào tuyên truyền của chính Trung Quốc, ông ta có nguy cơ sẽ « ngã ngửa » vào ngày 14/09 tới.

Đã đến lúc châu Âu ý thức được sức mạnh của mình trước Trung Quốc

Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz nhận xét trên La Croix, Liên Hiệp Châu Âu EU không ý thức được sức mạnh của chính mình, và đánh giá Trung Quốc quá cao.

Theo ông, cú sốc đầu tiên là về kinh tế, khi Trung Quốc mua lại công ty công nghệ robot cao cấp của Đức là Kuka năm 2018, dẫn đến việc thành lập một cơ chế giám sát của EU về đầu tư nước ngoài vào những lãnh vực chiến lược, chủ yếu nhắm vào Trung Quốc. Tiếp đến là ý thức về chính trị khi coi Bắc Kinh là « đối thủ mang tính hệ thống » năm 2019.

Đọc thêm: François Heisbourg : « Trung Quốc là hùm dữ và châu Âu là mồi ngon »

Đại dịch virus corona đầu năm 2020 là ngòi nổ cho những lãnh vực khác ngoài kinh tế : châu Âu nhận ra thói quen bóp méo thông tin, sự lệ thuộc vào Trung Quốc nhất là về y tế, cung cách xử lý dịch bệnh của Bắc Kinh tạo ấn tượng rất tiêu cực đối với dư luận. Xã hội dân sự và chính khách tỏ ra gay gắt hơn về 5G của Hoa Vi, Tân Cương, Hồng Kông.

Nhưng ý thức còn phải biến thành hành động, trong bối cảnh EU vừa chịu áp lực của Mỹ vừa bị Bắc Kinh ra sức chia rẽ. Antoine Bondaz nhắc nhở rằng EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Cần chấm dứt việc đòi hỏi « có qua có lại » với Bắc Kinh vốn không giữ lời hứa, mà phải áp đặt : nếu không đối xử tương đồng thì Trung Quốc sẽ gánh hậu quả. Châu Âu tự đánh giá mình quá thấp, và điều này cần phải thay đổi. Như tân quốc phụ khanh phụ trách châu Âu Clément Beaune đã nói, không chỉ là « châu Âu của hòa bình » mà còn phải là « châu Âu hùng mạnh ».

Vụ đầu độc Navalny ảnh hưởng đến dự án Nord Stream 2

Cũng tại châu Âu, La Croix giải thích vì sao Berlin ra tối hậu thư cho Matxcơva trong vụ nhà đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc.

Đức đang là chủ tịch luân phiên EU, quan tâm đến tất cả vấn đề từ xung đột Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ đến quan hệ EU-Trung Quốc, cuộc khủng hoảng Belarus. Riêng vụ Navalny, nhà đối lập Nga nhập viện khẩn cấp tại Berlin và chính phủ của bà Angela Merkel phát hiện ông bị đầu độc bằng Novitchok, chất độc của quân đội Liên Xô cũ.

Ngoại trưởng Đức Heiko Mass hôm Chủ nhật 06/09 tuyên bố rất rõ : « Nếu trong những ngày tới Nga không đóng góp vào việc làm rõ những gì đã diễn ra, chúng tôi sẽ thảo luận với các đối tác về cách đáp trả ». Có nghĩa là Berlin đã có được sự ủng hộ của 26 nước thành viên. Paris và Berlin chủ yếu muốn kiện lên Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OIAC).

Đức cho biết sẵn sàng ngưng dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 Trong khi đó tại Nga, nhóm cộng sự của Navalny nỗ lực vận động bầu cho các ứng cử viên nào có nhiều khả năng đánh bại phe Putin trong cuộc bầu cử địa phương ngày 13/09.

Le Monde nhắc lại, Nord Stream 2 là dự án quan trọng về mặt địa chính trị. Dài 1.200 km, đường ống do Gazprom vận hành sẽ cung cấp cho châu Âu 55 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm, chi phí xây dựng 9,5 tỉ euro do 5 tập đoàn châu Âu đóng góp. Công trình đã tiến hành được 94% nhưng đến tháng 12/2019 bị ngưng lại vì Mỹ trừng phạt, và nay thì xảy ra vụ đầu độc.

Ngay trong đảng CDU của bà Merkel, hai ứng viên kế nhiệm bà đều kêu gọi không tiếp tục dự án. Norbert Röttgen tuyên bố nếu hoàn tất Nord Stream 2 coi như để cho Putin vẫn tiếp tục chính sách đàn áp, còn Friedrich Merz cũng cho rằng đây là cách duy nhất để Putin chịu lắng nghe. Về phía Pháp, tổng thống Emmanuel Macron cũng tỏ ra do dự.

Kinh tế « định hướng xã hội chủ nghĩa » của Belarus có nguy cơ sụp đổ

Về Belarus, châu Âu cũng chưa dứt khoát trong việc trừng phạt cá nhân tổng thống Loukachenko. Pháp, Đức, Ý muốn duy trì đối thoại, còn các nước Baltic tỏ ra cứng rắn với « nhà độc tài châu Âu cuối cùng ». Trong khi đó, kinh tế Belarus đang gặp khủng hoảng nặng nề.

La Croix cho biết đồng tiền quốc gia liên tục mất giá khiến người dân đua nhau đổi sang đô la và euro để tích trữ. Có những người còn đóng luôn tài khoản ngân hàng, như một động thái mang tính chính trị. Hiện chưa thể biết được con số này là bao nhiêu, nhưng nếu chỉ 5% cũng khiến các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Nhà nước có dự trữ ngoại hối khoảng một tháng rưỡi, đành để yên cho đồng tiền sụt giá, nhưng nếu tiếp tục sẽ làm tăng số nợ công mà 90% gắn với đồng đô la.

Từ nay đến cuối năm, chính quyền phải xoay sở cho được 1,25 tỉ euro, và trước nguy cơ vỡ nợ, Loukachenko đành kêu gọi sự trợ giúp của Putin. Tuy nhiên theo chuyên gia Dimitri Kruk, chỉ có đầu tư nước ngoài mới cứu vãn được, vì Matxcơva có thể cho vay, nhưng sẽ không bảo vệ khối quốc doanh của Belarus vốn kém hiệu quả. Các công ty kỹ thuật số, thành công hiếm hoi của chế độ, còn đe dọa sẽ rời khỏi Belarus nếu công an tiếp tục đàn áp người biểu tình.

Về lâu về dài, « kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa » theo kiểu Belarus, trong đó lãnh vực quốc doanh chiếm 70% GDP, có nguy cơ sụp đổ. Nhà báo Alexandre Papko cảnh báo, sau các cuộc biểu tình chính trị, sẽ đến lượt biểu tình về các vấn đề xã hội.

Nhật Bản : Yoshihide Suga, người kế nhiệm thủ tướng Shinzo Abe ?

Liên quan đến châu Á, Le Figaro cho biết chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hầu như chắc chắn sẽ lên kế nhiệm thủ tướng Shinzo Abe vào ngày 17/09, sau cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng Dân Chủ Tự Do (LPD).

Nếu đa số chính khách Nhật đều có gốc gác thượng lưu, ông Suga xuất thân từ một gia đình nghèo ở nông thôn, hiểu được những khó khăn của cuộc sống. Ông làm nhiều công việc lặt vặt để có chi phí theo học trường đại học Hosei, giành được chức vụ dân cử đầu tiên ở Kanagawa, ngoại ô Tokyo năm 1996, và cuối cùng được thủ tướng Shinzo Abe đỡ đầu. Từ tám năm qua là phát ngôn viên chính phủ, trả lời báo chí ngày hai lần, ông được nhận xét là một người rất cởi mở.

Trong hậu trường, Yoshihide Suga tác động đến những cải cách quan trọng như chính sách cấp visa ngắn hạn, lập cơ quan nhập cư, giảm thuế cho việc mua sản phẩm địa phương… Bên ngoài camera, ông tiếp xúc riêng với đủ loại người : những người quen biết, nhân vật quan trọng, người ủng hộ lẫn chỉ trích… Nhà chính trị học Michael Cucek kể lại, có lần bất ngờ gặp ông Suga và một trợ lý trẻ trong métro Tokyo, mà không hề có cận vệ. Nhưng một khi lên làm thủ tướng, Yoshihide Suga sẽ mất đi sự tự do này.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200907-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-hai-chuy%E1%BA%BFn-%C3%A2u-du-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%E1%BA%A1i-b%E1%BA%A1i

 

Tin tổng hợp

(Yonhap) : Ngoại giao là « con đường duy nhất » dẫn đến hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. 

Trên đây là phát biểu của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres được đăng trên mạng YouTube ngày 07/09/2020 nhân Diễn Đàn Thế Giới vì Hòa Bình do bộ Thống Nhất Hàn Quốc tổ chức hàng năm. Ông Guterres cũng kêu gọi hai miền Triều Tiên và Hoa Kỳ tái khởi động những nỗ lực ngoại giao và cuộc đối thoại đang bị ngưng trệ vì, theo ông, « cộng đồng quốc tế muốn thấy tiến bộ » về vấn đề này.

(AFP) – Gần 300 người Rohingya cập bờ biển Indonesia. 

Họ rời khu tập trung ở Bangladesh vào đầu tháng 02/2020, lênh đênh trên biển gần 7 tháng, trước khi cập bờ biển phía bắc đảo Sumatra, gần làng Ulong Blang. Theo chi nhánh của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, cơ quan hiện đang chăm sóc những người này, có 14 trẻ em và 181 phụ nữ trong số trên.

(RFI) – Tư pháp Anh mở phiên xử về dẫn độ Julian Assange sang Mỹ. 

Từng bị hoãn vì dịch Covid-19, phiên xử được bắt đầu ngày 07/09/2020. Nhà sáng lập trang WikiLeaks tìm mọi cách để không bị dẫn độ sang Mỹ theo yêu cầu của Washington để xét xử ông với cáo buộc phát tan hơn 700.000 tài liệu mật về hoạt động ngoại giao và quân sự của Mỹ, trong đó có liên quan đến Irak và Afghanistan. Nếu bị xét xử tại Mỹ, Julian Assange có nguy cơ bị kết án đến 175 năm tù.

(AFP) – Thế Vận Hội Tokyo 2021 vẫn diễn ra dù hết hay không hết dịch Covid-19. 

Trong buổi phỏng vấn qua điện thoại với AFP ngày 07/09/2020, chủ tịch Ủy ban điều phối Thế Vận Hội Coates khẳng định Thế Vận Hội Tokyo sẽ bắt đầu ngày 23/07/2021. Vẫn theo ông Coates, sau khi lùi lại ngày khai mạc, chính phủ Nhật Bản « không hề từ bỏ » dù « trách nhiệm rất lớn ».

AFP- Novak Djokovic bị loại khỏi US Open vì một lỗi hy hữu.

Hôm qua 06/09/2020, cây vợt số 1 thế giới, người Serbia, đã bị loại tại vòng 1/8 vì lỗi đánh bóng trúng một nữ trọng tài biên của trận đấu. Khi Djokovic bị dẫn trước 6-5 trong ván đấu với tay vợt Tây Ban Nha Pablo Carreno, có lẽ vì thất vọng, đã đánh quả bóng anh còn trong tay về hướng cuối sân mà không nhìn. Quả bóng đã đi trúng vào cổ của một nữ trọng tài biên ở cuối sân khiến bà hét lên và ngã vật ra. Sau ít phút hội ý, cho rằng hành động của Djokovic là phi thể thao, tổ trọng tài quyết định truất quyền thi đấu của tay vợt số 1 thế giới, dù anh ra sức thanh minh cú đánh bóng của anh hoàn toàn không chủ ý gì và đã đến xin lỗi nữ trọng tài.

AFP- Đàm phán hậu Brexit bế tắc, Luân Đôn đòi có thỏa thuận trước 15/10.

Các cuộc thương lượng về quan hệ của Anh Quốc với Liên Âu sau Brexit bước vào giai đoạn cuối, thủ tướng Boris Johnson cảnh báo là phải tìm được một thỏa thuận thương mại trước ngày 15/10, nếu không, Anh sẽ không áp dụng hiệp định ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Vòng thương lượng thứ 8 giữa Vương Quốc Anh và Liên Âu về các quan hệ hậu Brexi mở ra kể từ đầu tuần này. Anh đã chính thức chia tay với EU từ ngày 31 tháng Giêng năm nay, gần 4 năm sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử. Nhưng hiện tại Anh vẫn bị chi phối bởi các quy định của Liên Âu cho đến tận cuối năm, hai bên đã cố gắng ký được thỏa thuận về tự do mậu dịch.

(RFI) – Căng thẳng Ấn Độ và Trung Quốc : 5 phu khuân vác Ấn Độ mất tích.

Năm người này vừa là hướng dẫn viên du lịch, vừa là phu vận chuyển tiếp tế cho quân đội Ấn Độ tại những vùng núi hẻo lánh trên dãy Himalaya. Theo thông tín viên Côme Bastin tại New Dehli, năm phu khuân vác này dường như đã bị quân đội Trung Quốc, đóng quân dọc theo đường biên giới Mac-Mahon, bang Arunachal Pradesh, bắt cóc. Thông tin đầu tiên do người anh của một trong 5 người mất tích loan báo hiện đang được các lực lượng an ninh địa phương kiểm chứng.

(La Dépêche) – XB-1 tiếp nối huyền thoại Concorde.

Hãng Boom Supersonic sẽ trình làng hình mẫu chiếc XB-1, chiếc máy bay siêu thanh tương lai, vào ngày 07/10/2020. Từ năm 2014, hãng này có trụ sở tại Colorado tại Mỹ đặt cược nhiều vào dự án mang tên « Overture ». Năm 2019, dự án nâng vốn đầu tư lên thành 87 triệu euro và đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ nhiều quỹ đầu tư và một số tập đoàn công nghệ cao tại Mỹ như Google, Airbnb hay Drpbox.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200907-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 7/9:

Bà Lam phát biểu sai về quyền tự quyết

của Hồng Kông; Đức gia tăng áp lực lên Nga

vụ ông Navalny bị đầu độc

Lục Du

Chào mừng quý độc giả đến với chuyên mục Điểm tin thế giới của DKN. Bản tin sáng thứ Hai (7/9) của chúng tôi có những tin sau:

Bà Lam phát biểu sai về quyền tự quyết của Hồng Kông

Nhóm Luật sư Cấp tiến của Hồng Kông (PLG), một nhóm ủng hộ dân chủ bao gồm các luật sư địa phương và công dân có bằng luật, đã bác bỏ lập luận của Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam rằng không có quyền phân chia quyền lực ở hòn đảo, Taiwan News đưa tin hôm Chủ nhật (6/9).

Trong cuộc họp báo ngày 1/9, bà Lam tuyên bố rằng Hồng Kông không có quyền tự quyết và các quyền hành chính, tư pháp và lập pháp của nó là do chính quyền trung ương Trung Quốc cấp. Và rằng mỗi bộ phận như vậy chịu trách nhiệm trước chính quyền trung ương thông qua trưởng đặc khu.

Phản ứng với phát biểu này của bà Lam, PLG đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 5/9 trong đó kêu gọi các nhà chức trách hãy đối mặt với thực tế rằng sự phân chia quyền lực ở Hồng Kông được ghi trong Luật Cơ bản, nền tảng của chính quyền Hồng Kông và là nguyên tắc chung được thừa nhận bởi tòa án cao nhất của khu vực.

Trong một diễn biến liên quan, Reuters cho hay, cảnh sát đã bắn đạn hạt tiêu vào người biểu tình ở Hồng Kông hôm Chủ nhật và bắt giữ gần 300 người sau khi người dân xuống đường phản đối việc hoãn bầu cử lập pháp và luật an ninh quốc gia mới do chính quyền Trung Quốc áp đặt.

Đức gia tăng áp lực lên Nga vụ ông Navalny bị đầu độc

Đức đang tiếp tục gia tăng áp lực lên Nga sau vụ chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc, đồng thời cảnh báo rằng việc thiếu hỗ trợ trong cuộc điều tra vụ việc này có thể “buộc” Đức phải suy nghĩ lại về dự án đường ống dẫn khí đốt Đức-Nga, Fox News đưa tin hôm thứ Ba (6/9).

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nói với tờ Bild am Sonntag rằng “Tôi hy vọng người Nga sẽ không buộc chúng tôi thay đổi quan điểm của mình về đường ống Nord Stream 2” đang được xây dựng dưới biển Baltic.

Ông Maas cũng nói rằng “nếu không có bất kỳ đóng góp nào từ phía Nga liên quan đến cuộc điều tra trong những ngày tới, chúng tôi sẽ phải tham khảo ý kiến các đối tác của mình”.

Theo Fox News, sau khi Đức đưa ra kết luận ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok, quan chức ở một số quốc gia châu Âu đã cân nhắc các biện pháp tích cực hơn để cố gắng gây áp lực buộc Nga hợp tác điều tra xung quanh vụ việc.

Belarus: Người dân tiếp tục biểu tình chống Lukashenko

Bất chấp đe dọa từ chính phủ, hàng chục ngàn người dân Belarus hôm Chủ nhật (6/9) đã tiếp tục xuống đường ở thủ đô Minsk để gây áp lực buộc Tổng thống Alexander Lukashenko phải từ chức sau khi ông này bị cáo buộc gian lận để tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ thứ sáu liên tiếp, theo SBS News.

Ước tính có khoảng hơn 100.000 người đã xuống đường trong ba ngày từ thứ Năm tới thứ Bảy và các nhà báo của AFP cho biết số người biểu tình ở Minsk hôm Chủ nhật có thể còn đông hơn những ngày trước đó.

Quân đội, vòi rồng, xe bọc thép và xe trinh sát bọc thép đã được triển khai đến trung tâm thành phố nhưng những người biểu tình từ mọi tầng lớp xã hội, từ phụ huynh có con nhỏ cho đến sinh viên và thậm chí cả linh mục, đã tập hợp lại để thể biểu thị sự bất bình và thách thức đối với chính quyền Lukashenko.

Khoảng 250 người biểu tình đã bị bắt trên toàn quốc, trong đó có 175 người ở Minsk, theo nhóm nhân quyền Viasna.

Tổng thống Séc xoa dịu chính quyền Trung Quốc

Tổng thống Séc Milos Zeman hôm Chủ nhật (6/9) đã tìm cách xoa dịu chính quyền Trung Quốc sau chuyến thăm của người đứng đầu Thượng viện Séc tới Đài Loan, gọi chuyến đi của Chủ tịch Thượng viện Milos Vystrcil là một “hành động khiêu khích trẻ con”, theo Reuters.

Ông Zeman cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Prima hôm Chủ nhật (6/9) rằng ông sẽ ngừng mời ông Vystrcil đến các cuộc họp của các quan chức chính sách đối ngoại hàng đầu của nhà nước, và nói rằng chuyến đi của lãnh đạo Thượng viện có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp nước này.

Chủ tịch Thượng viện Milos Vystrcil đã gây chú ý vào tuần trước khi ông nói trước Nghị viện Đài Loan rằng “Tôi là người Đài Loan” trong một bài phát biểu đề cập tới việc cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đưa ra thách thức với chủ nghĩa cộng sản ở Berlin năm 1963.

Chuyến đi của ông Vystrcil và phái đoán 89 người tới thăm Đài Loan không nhận được sự hậu thuẫn của chính phủ Séc vốn có quan điểm thân Bắc Kinh.

Triều Tiên tiếp tục phải đối mặt với bão lớn

Truyền thông Bắc Hàn hôm Chủ nhật (6/9) đưa tin rằng Triều Tiên lại sắp phải đối mặt với một cơn bão mạnh hơn những cơn bão vừa mới quét qua đất nước này vốn đã để lại hậu quả nghiêm trọng, theo Yonhap.

Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Triều Tiên cho hay, Bình Nhưỡng đã đưa ra cảnh báo bão khi cơn bão Haishen đang tiến về bán đảo mang theo mưa lớn và gió giật mạnh.

Cơ quan dự báo thời tiết Bắc Hàn cho biết Haishen có khả năng mạnh hơn bão Bavi và bão Maysak mới đổ bộ vào nước này trong những tuần gần đây.

Bão Haishen chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm những khó khăn của Triều Tiên khi nước này còn chưa giải quyết xong hậu quả của dịch Covid và hai cơn bão mạnh trước đó.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-7-9-ba-lam-phat-bieu-sai-ve-quyen-tu-quyet-cua-hong-kong-duc-gia-tang-ap-luc-len-nga-vu-ong-navalny-bi-dau-doc.html

 

Điểm tin thế giới tối 7/9:

Mỹ tố Trung Quốc vi phạm trắng trợn

Công ước Luật biển; Ấn Độ cảnh báo

Trung Quốc bắt cóc 5 người đàn ông

Triệu Hằng

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Hai (7/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Mỹ tố Trung Quốc vi phạm trắng trợn Công ước Luật biển

Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm trắng trợn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) khi tăng cường hành vi “bắt nạt” ở Biển Đông cùng các hoạt động giám sát năng lượng bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

“Hành vi bắt nạt đó đang diễn ra khá hiển hiện ở Biển Đông”, trang Philstar dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc họp báo. “Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt và hạn chế thị thực đối với các cá nhân và thực thể Trung Quốc góp phần hiện thực hóa chủ nghĩa đế quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại đây, thực hiện những hành vi như giám sát năng lượng phi pháp, hoạt động trong vùng kinh tế của đồng minh chúng tôi là Philippines và các nước khác”.

Trước thái độ “vô luật pháp” trên biển của Trung Quốc, ông Pompeo nói rằng không có gì ngạc nhiên khi ứng viên của Bắc Kinh ở Tòa án Quốc tế về Luật Biển nhận được nhiều phiếu trắng hơn bất kỳ ứng viên nào khác.

Ấn Độ cảnh báo Trung Quốc bắt cóc 5 người đàn ông

Quân đội Ấn Độ đã cảnh báo Trung Quốc về cáo buộc quân đội Trung Quốc đã bắt cóc 5 người đàn ông tại một khu vực gần biên giới tranh chấp, một bộ trưởng cho biết hôm Chủ nhật (6/9). Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng đồng sở hữu vũ khí hạt nhân, trang SCMP dẫn nguồn tin từ hãng AFP cho biết.

Mối quan hệ giữa hai gã khổng lồ châu Á trở nên xấu đi kể từ sau cuộc đụng độ biên giới hồi tháng 6 khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề dân tộc thiểu số Ấn Độ Kiren Rijiju cho biết, một đường dây nóng quân sự nhằm xoa dịu căng thẳng biên giới đã được thiết lập đối với vụ bắt cóc tiềm năng này.

Lãnh đạo biểu tình Belarus bị bắt cóc

Nhà lãnh đạo biểu tình Maria Kolesnikova đã bị bắt cóc ở trung tâm Minsk hôm thứ Hai. Danh tính kẻ bắt cóc không được xác định. Những tên này đã bắt cóc bà và chở đi bằng một chiếc xe tải nhỏ, Tut.By – kênh truyền thông Belarus dẫn lời nhân chứng cho biết, theo Reuters.

Đồng minh của Kolesnikova cho biết họ đang xác minh thông tin. Cảnh sát Minks cũng đang xem xét vụ việc này, hãng thông tấn RIA đưa tin.

Trung Quốc trì hoãn gia hạn giấy phép hành nghề cho các nhà báo Mỹ

Trung Quốc đã trì hoãn gia hạn giấy phép hành nghề cho các nhà báo của các kênh truyền thông Mỹ hoạt động tại đại lục, trong bối cảnh đang diễn ra cuộc tranh cãi với Washington liên quan đến vấn đề thị thực nhà báo.

Động thái này nhằm đáp trả việc nhà báo Trung Quốc tại Mỹ đang chờ gia hạn thị thực làm việc đã hết hạn. Các nhà báo Trung Quốc đã được cho phép ở lại Mỹ cho đến đầu tháng 11, với thời gian gia hạn là 90 ngày, hãng Reuters dẫn hai nguồn thạo tin cho biết.

Bão Haishen đe dọa Hàn Quốc sau khi tàn phá Nhật Bản

Hàn Quốc bị đe dọa khi Bão Haishen di chuyển về phía Bắc dọc theo bờ biển phía đông đất nướchôm thứ Hai, một ngày sau khi cơn siêu bão tàn phá các hòn đảo phía nam Nhật Bản gây sạt lở đất. 4 người đã bị mất tích, theo Reuters.

Cơn bão sức gió lên đến 112 km/giờ, khiến hơn 17.500 hộ gia đình ở mũi phía nam bán đảo Triều Tiên bị cắt điện khi bão đổ bộ thành phố miền nam Ulsan, cơ quan thời tiết trung ương cho biết. Busan, thành phố lớn thứ hai đất nước chịu cảnh ngập lụt, Bộ An ninh Công cộng cho biết trong một tuyên bố.

Hơn 1.600 người đã được sơ tán, hơn 76 chuyến bay đã bị hoãn hủy. Hai lò phản ứng hạt nhân tại thành phố Gyeongju, khoảng 375 km về phía đông nam Seoul đã bị đóng cửa, theo hãng tin Yonhap.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-7-9-my-to-trung-quoc-vi-pham-trang-tron-cong-uoc-luat-bien-an-do-canh-bao-trung-quoc-bat-coc-5-nguoi-dan-ong.html