Tại sao các đảng phái quốc gia để việt minh cướp chính quyền?
“…Nếu các anh cương quyết không chịu nghe ý kiến tôi, thì một ngày rất gần đây khi CS đã nắm vững tình hình, họ sẽ sách động gây nên cuộc giai cấp đấu tranh, hủy diệt Tôn Giáo, tổ chức phong trào đấu tố, thì ngay vợ con các anh sẽ đấu tố các anh là phản động, là…các anh sẽ không còn đất để đứng!…”
75 Năm Nhìn Lại Ngày 19/8/1945: (1945 – 2020)
(Để tưởng nhớ Phụ Thân)
*Bác sĩ Nguyễn Tường Bách: ”Đảng CSVN ngụy biện là đã đánh đuổi được hai đế quốc Pháp-Nhật, giải phóng cho dân tộc lúc ấy, chỉ là một tuyên truyền vô căn cứ để mê hoặc dân chúng.”
*Đại biểu Mặt Trận Việt Minh: ”Nếu Mặt trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh (ĐVQGLM)không đồng ý mà cứ đoạt chính quyền trước, thì Mặt Trận Việt Minh cũng sẽ đoạt ngay hết chính quyền ở các tỉnh; đồng thời cho phá vỡ ngay đê sông Hồng cho nước tràn đầy Hà Nội,cô lập hóa Thủ Đô theo kế hoạch đã được bố trí sẵn sàng.”
*****
Trong những ngày tiếp theo ngày Nhật chính thức đầu hàng Đồng minh, ngày 15 tháng 8 năm 1945, khi ấy Việt Minh mới đe dọa cướp chính quyền nhưng chưa thực sự sẵn sàng vì các lãnh tụ của đảng này còn đang bận họp ở Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang). Tất cả mọi hoạt động là do các cán bộ địa phương quyết định trong những giờ phút chót. Trong khi đó thì Khâm Sai Bắc Bộ Phan Kế Toại vẫn còn tại chức, Chính Phủ Trần Trọng Kim trong tháng Bảy lại vừa thành công thâu hồi được xứ Nam Kỳ và ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng,Đà Nẵng trước đó đã bị nhường cho người Pháp. Đặc biệt hơn nữa, Hoàng Đế Bảo Đại đã ban hành bốn đạo dụ và một đạo sắc nhằm thiết lập những cơ cấu đầu tiên cần cho một chế độ quân chủ lập hiến trong đó nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người dân, kể cả Tự Do Nghiệp Đoàn, được tôn trọng.
Đây là những điều mọi người đương thời, và ngay cả hiện tại, ai nấy đều mong muốn. Câu hỏi được đặt ra là trước tình hình này các đảng phái quốc giađã có những hoạt độnggì để đối phó với tình thế có thể thay đổi bất ngờ hay họ đã hoàn toàn thụ động, chờ thời cho đến khi quá muộn ? Đây là điều mọi người muốn biết. Câu trả lời là có. Có ít nhất ba sự kiện đã được ghi nhận, đó là:
–Cuộc tiếp xúc giữa Khâm Sai Phan Kế Toại và Đại Việt Quốc Xã Nguyễn Xuân Tiếu.
-Cuộc xâm nhập Phủ Khâm Sai của lực lượng võ trang của Nguyễn Xuân Tiếu chiều ngày 17 tháng8.
-Hai cuộc họp ngày 11và 17tháng 8của đại diện các đảng.
Mở đầu là cuộc tiếp xúc ở Phủ Khâm Sai: Cuộc họp mặt nàycó sự tham dự của Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữvà được Bác Sĩ chữ ghi lại trong hồi ký của ông. Bác Sĩ Chữ không nói rõ là ngày nào nhưng cho biết là “nội buổi tối” sau khi ông mới nói về chuyện Nhật Hoàng hạ lệnh cho quân đội Nhật giải giáp ở mọi nơi, khiến ta có thể hiểu là tối ngày 15 tháng 8. Tối hôm đó Bác Sĩ Chữđược Phan Kế Toại cho xe ra đón vào Phủ để giải quyết một vấn đề khẩn cấp. “Đến nơi, thấy trước đại quan có hai người khách ngồi nói chuyện biết đấy là lãnh tụ và phó lãnh tụ của một đảng cách mệnh đã từng cộng tác chặt chẽ với quân đội Nhật thời kỳ đảo chính.” Bác Sĩ Chữ không cho biết tên hai người này nhưng theo tác giả Hoàng Văn Đào vị lãnh tụ này là Nguyễn Xuân Tiếu của Đại Việt Quốc Xã (1) “là một đảng được người Nhật giúp đỡ nên rất hoạt động trong thời Nhật chiếm đóng. Đảng này công khai hoạt động, có trụ sở ỏ nhiều nơi và thu hút được khá nhiều thanh niên yêu nước”. (2) Hai nhân vật này đến “với mục đích ép ông Khâm Sai từ chức để nhường chức cho lãnh tụ đảng”.Vì cho rằng đòi hỏi như vậy là quá đáng, lại ra ngoài pháp lý, Bác Sĩ Chữ yêu cầu được nói chuyện riêng với hai nhà cách mệnh. Chi tiết của cuộc đối thoại giữa hai bên đã được ông kể lại như sau:
Lãnh tụ nói:
– Người Nhật chỉ tin có chúng tôi và chỉ giao khí giới cho chúng tôi.
– Người Nhật cũng đã giao khí giới cho ông Phan Kế Toại ở nơi Bảo An Binh.
– Nhưng cần phải có tất cả khí giới hiện ở tay người Nhật trước khi quân đội Nhật giải giới
Mỗ y sĩ ngờ là nhân vật Nhật, đã nói đến nhiều lần, bầy mưu kế cho hai nhà lãnh tụ.
“Nếu người Nhật quả thật chỉ tin có các vị, người Nhật phải chính thức đề đạt các vị nơi Triều đình Huế để Triều đình bổ nhiệm, sau khi đã cất chức ông Phan Kế Toại hoặc bắt họ Phan từ chức. Một đường quan chỉ có thể từ chức trước Triều đình. Chưa bao giờ có chuyện một công khanh từ chức với một người để nhường địa vị cho người ấy. Nếu các vị muốn sung chức Khâm Sai, tất phải làm một cuộc đảo chính, hạ đương sự mà thay thế.”
Không biết ông Khâm Sai có từ chức hay không? Nhưng mỗ y sĩ cảm thấy ông không muốn ngồi ở địa vị trước tình thế khó khăn. Cho nên về sau, nhân cơ hội, ông đã lặng lẽ đặt trách nhiệm nặng nề vào mỗ y sĩ. Ngày ấy và cho đến bây giờ người ta vẫn cho rằng mỗ y sĩ đã lĩnh chức Khâm Sai. Sự thực không phải thế (3)
Điều cần để ý ở đây là tại sao hai vị lãnh tụ kể trên lại nêu vấn đề “cần phải có tất cả khí giới ở tay người Nhật trước khi quân đội Nhật giải giới”? Câu trả lời đã được Bác Sĩ Chữ gián tiếp cho biết khi ông kể lại sự kiện “một toán đông người không ai ngăn cản, rầm rộ kéo vào tận sân Bắc Bộ Phủ, yêu cầu chính quyền bắt nhốt tất cả người Pháp lại.” Lý do là vì “Người Nhật, sau ngày đảo chính không hề bắt nhốt người Pháp, ngoài những nhân vật quan trọng.” (4) Nói cách khác, đó là để chống lại người Pháp nổi dậy tái lập chế độ bảo hộ của họ, điều mọi người Việt Nam ở thời này đều e ngại và đề phòng. Sự kiện này phù hợp với những gì Hoàng Văn Đào ghi rõ hơn trong tác phẩm của ông là sau khi gặp Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ và bị Bác Sĩ Chữ bác bỏ đề nghị Phan Kế Toại từ chức của Nguyễn Xuân Tiếu, Nguyễn Xuân Tiếu đã quyết tâm đảo chính. Nguyên văn lời viết củatác giảHoàng Văn Đào như sau:
Hôm ấy vào buổi chiều ngày 17 tháng 8, Nguyễn Xuân Tiếu cùng 4 vị sĩ quan Nhật Bản hoá trang, mỗi người vai đeo một khẩu tiểu liên, ngoài phủ chiếc áo dài thâm Việt Nam, hướng dẫn 300 thanh niên võ trang súng trường, không ai ngăn cản, rầm rộ tiến vào Khâm Sai phủ. Một cuộc mà bề ngoài coi như là “Biểu Tình”, đòi Chính quyền bắt nhốt hết tất cả người Pháp lại.
Đổng Lý văn phòng Khâm Sai họ Phạm trả lời: “Chính quyền sẽ giải quyết nguyện vọng.”
Giữa khi ấy, một cán bộ trong Mặt Trận ĐVQGLM được phái đến mật báo cho ông Tiếu biết rằng” Quân đội Pháp ở trong thành đã đào lấy lên được một số võ khí quan trọng mà chúng đã chôn dấu từ trước, quyết định tối nay tràn ra đánh chiếm Hà Nội yêu cầu tạm lui quân để chặn đánh Pháp trước, rồi sáng mai hãy đoạt chính quyền chưa muộn.”
Nguyễn Xuân Tiếu còn đương phân vân chưa quyết định. Lãnh tụ Trương Tử Anh cỡi xe đạp tới, cùng báo mật tin như trên, và yêu cầu giao ngay số 300 thanh niên võ trang lại cho họ Trương, kịp gấp đi bố trí các nơi, phòng bị Pháp quân từ trong thành đánh ra.
Tức thời Trương Tử Anh chỉ huy 300 thanh niên võ trang ra khỏi Khâm Sai phủ. Nguyễn Xuân Tiếu cùng 4 sĩ quan Nhật Bản cùng nhau trở về. Chờ mãi tới đêm 18 rạng ngày 19 mới thấy một số thanh niên trở về báo cho Nguyễn Xuân Tiếu biết: “Lãnh tụ họ Trương đã trao họ cho Trung và Quế tức Cối Kê là Hiến binh Nhật Bản, bị tên Quế tước hết khí giới, rồi đưa đến giữ ở trong trại Bảo An Binh.”(5)
So sánh nội dung đoạn sách kể trên với nội dung văn thư Phan Kế Toại gửi cho các Ủy Viên Ủy Ban Giám Đốc Chính Trị thông báo từ chức cũng như lời kể của Nguyễn Xuân Chữ, việc Đại Việt Quốc Gia Liên Minh dự định đảo chính ở Phủ Khâm Sai trước khi Việt Minh cướp chính quyền là có thực. Chi tiết này cũng được Đoàn Thêm ghi vắn tắt mấy chữ: 18-8-1945.- Bắc-bộ-phủ bị quần-chúng ùa tới bao vây, Khâm-Sai Phan-kế-Toại vắng mặt, rồi loan tin từ chức. (6)
Hai cuộc họp lịch sử
Câu hỏi được đặt ra là tại sao nỗ lực kể trên đã bị đã bị thất bại? Câu trả lời là vì phía những người Quốc Gia không có lập trường dứt khoát và thống nhất, chưa kể tới chủ quan, khinh địch, hiểu sai và coi nhẹ thế lực của Việt Minh và không hiểu rõ vai trò của quân đội Nhật và Đồng Minh ở vào thời điểm này và luôn luôn e ngại bị Đồng Minh cho là thân Nhật. Điều này có thể được thấy rõ qua hai buổi họp là buổi họp chiều ngày 11 tháng 8 năm 1945 của Ban Chấp Hành của Mặt Trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh để quyết định về vấn đề đoạt chính quyền ở Miền Bắc và buổi họp khẩn cấp tối ngày 17 tháng 8 của “Liên Minh Quốc Dân Đảng.” Hoàng Văn Đào đã ghi lại các chi tiết sau đây:
Về buổi họp thứ nhất:
Trong cuộc thảo luận, hội nghị chia làm hai phái, ý kiến mậu thuẫn nhau. Một phái gồm có Chu Bá Phượng, Trương Tử Anh và đại diện của Nguyễn Tường Long (ông Long bị bệnh thương hàn phải điều trị tại bệnh viện) chủ trương rằng: “Muốn được Đồng Minh công nhận Chính phủ của chúng ta sau này, thì chúng ta không được phép hợp tác với Nhật Bản bất cứ dưới hình thức nào. Nếu hợp tác với họ, đó là chống lại Đồng Minh và đi ngược với trào lưu Quốc Tế, chúng ta tất sẽ bị tiêu diệt. Còn nếu Việt Minh Cộng Sản có cướp chính quyền chăng nữa, cũng chẳng quan ngại gì! Vì lực lượng của phe cách mạng dân tộc chúng ta có thể nói là mạnh gấp bội phe VMCS kể cả về mọi phương diện; chúng ta có đủ sức tiêu diệt họ. Vậy tốt hơn hết là chúng ta hãy nên chờ quân ở Hải ngoại cùng quân đội Đồng Minh sắp nhập cảnh nay mai bằng ba ngả đường Lao Kai, Lạng Sơn và Móng Cái; rồi sẽ liên hiệp lập chính phủ có Đồng Minh đứng sau ủng hộ; đại cuộc của chúng ta tất sẽ thành.” Một phái chủ trương nên dựa vào thế lực quân đội Nhật Bản cướp chính quyền ngay. Sau khi đã có quyền, đợi các đồng chí cách mạng từ Hải ngoại về tới, sẽ cùng nhau lập Chính phủ. Đại biểu cho phái này là Nguyễn Xuân Tiếu tức Nguyễn Lý Cao Kha.
Hội nghị đương họp chưa quyết định bề nào, thì đột nhiên Trần Văn Cương cùng Đặng Đức Hinh đại diện nhóm “Phụng Sự Quốc Gia” hướng dẫn Đại Biểu “Mặt Trận Việt Minh” tới, đề nghị không nên đảo chính vội, viện lý do khi quân đội Đồng Minh tới sẽ cho là chính phủ thân Nhật Bản, không có lợi. Nếu “MTĐVQGLM” không đồng ý mà cứ đoạt chính quyền trước, thì “MTVM” cũng sẽ đoạt ngay hết chính quyền ở các tỉnh; đồng thời cho phá vỡ ngay đê sông Hồng cho nước tràn đầy Hà Nội, cô lập hóa Thủ Đô theo kế hoạch đã được bố trí sẵn sàng.
Hội nghị đâm hoang mang rồi giải tán. (7)
Ta thấy ngay là quan điểm của đa số người Việt thời này là sợ mang tiếng thân Nhật khi Đồng Minh tới, trong khi Việt Minh thì được tiếng là chống cả Pháp lẫn Nhật. Những gì xảy ra sau nàykhông riêngở Việt Nam mà còn ở các nước Á Châu khác như Đại Hànvới Tổng Thống Park Chung Hee, Nam Dươngvới Tổng Thống Soekarno, Mã Lai với Thủ Tướng Abdul Rahman…cho thấy sự thực không hoàn toàn như vậy. Đồng Minh không hềkết tội haylàm khó dễ cho những người bị coi là thân Anh hay Nhậthay là đã cộng tác với Anh, Nhậtmà chỉ lo tước khí giới quân đội Nhật mà thôi. Đó không phải là việc làm của Quân Đồng Minh mà chỉ làsự tuyên truyền, hù dọa do Việt Minh gây ra không hơn, không kém.
Buổi họp thứ hai
Được triệu tập một cách bất ngờ vào buối tối ngày 17 tháng 8 sau khi cuộc mít-tinh của công chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội bị biến thành cuộc mít-tinh biểu tình của Việt Minh, mà Hoàng Văn Đào ghi lộn là ngày 18 tháng 8. Trong buổi họp này, về phía Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) có Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Viễn, Lê Khang, về phía Đại Việt Quốc Dân Đảng (ĐVQDĐ)có Trương Tử Anh, Phạm Khải Hoàn, và một người được gọi là Đồng Chí Kim… để bàn về việc đoạt chính quyền vào đêm hôm này. Hoàng Văn Đào đã viết nguyên văn về cuộc thảo luận này như sau:
Các đồng chí ĐVQĐD cho rằng: “Cuộc cách mạng nào cũng chỉ đi tới mục đích là giành lại độc lập cho tổ quốc. Thì dẫu Mặt Trận Việt Minh hay đoàn thể nào cũng vậy! VM nắm được chính quyền, chúng ta sẽ tham gia hướng dẫn họ trên công cuộc phục vụ nhân dân, nếu họ muốn trở mặt, lúc đó chúng ta sẽ lấy nhân dân làm hậu thuẫn mà hạ họ xuống. Vả lại, lực lượng của họ có gì đáng cho chúng ta lo ngại! Nếu nay chúng ta dùng võ lực để đối phó, trong lúc này ắt có cuộc lưu huyết! Cộng Sản chưa thấy đâu mà đã thấy ngay dân chúng bị tàn sát. Sau đây lịch sử sẽ quy tội cho chúng ta là tham cầu địa vị, gây nên cảnh nồi da sáo thịt; tội đó há riêng một cá nhân gánh chịu!
Lê Khang cực lực phản kháng:
“Thì ra đến giờ phút này mà các anh vẫn chưa hiểu rõ Việt Minh Cộng Sản là thế nào cả? Huống hồ là dân chúng!
“Tôi xin nói thẳng mong các anh đừng mếch lòng! Những phần tử CS họ rất sẵn sàng đi đôi với tất cả các thế lực, mặc dầu là thực dân Pháp hay quân phiệt Tầu, nghĩa là tiêu diệt được những những người cách mạng dân tộc chúng ta. Nếu nay để cho CS nắm được chính quyền, họ sẽ đặt tình thế trước sự đã rồi. Chúng ta sẽ đi tới tự sát. CS sẽ áp dụng mọi thủ đoạn để tiêu diệt chúng ta ngay. CS sẽ tuyên truyền công bố ngay với dân chúng: chúng ta là những tên phản động, phản quốc, Việt gian!
“Chúng ta không nên đóng vai rò thụ động, không được phép chờ họ khủng bố rồi mình mới đánh lại; chúng ta nên tấn công họ trước, mới nắm được phần thắng về mình. Tôi khẩn khoản yêu cầu các anh hãy mau nắm lấy chính quyền, rồi tóm cổ hết những phần tử CS nhốt lại, để trừ mối họa cho dân tộc.
“Chúng ta nắm được chính quyền, chỉ thu số súng đạn của Bảo An Binh cũng có tới 5.000 khẩu, cùng với số súng đủ loại ở kho Ngọc Hà của Pháp trước mà Nhật tước được có trên 20.000 khẩu, mà nay Nhật Bản sẵn sàng trao lại cho chúng ta. Với lực lượng ấy chúng ta có thể lập ba sư đoàn cách mạng quân để đối phó với tình thế, tiến tới một chính quyền thống nhất toàn quốc.
“Nếu các anh cương quyết không chịu nghe ý kiến tôi, thì một ngày rất gần đây khi CS đã nắm vững tình hình, họ sẽ sách động gây nên cuộc giai cấp đấu tranh, hủy diệt Tôn Giáo, tổ chức phong trào đấu tố, thì ngay vợ con các anh sẽ đấu tố các anh là phản động, là…các anh sẽ không còn đất để đứng! Để họ tạo nên một giai cấp quan liêu thống trị mới hưởng mọi đặc ân và sẽloại trừ hết các đảng phái Quốc Gia, họ sẽ đưa quốc gia ta lệ thuộc vào hàng ngũ Đệ Tam Quốc tế”.
Ý kiến của Lê Khang không được hội nghị chấp thuận, bởi Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Viễn… vì quá nhu nhược lừng chừng, thiếu quả quyết. Thấy cơ hội độc nhất đã lỡ! Vô phương cứu vãn! Lê Khang cùng một số đồng chí lặng lẽ bỏ lên Vĩnh Yên tìm Đỗ Đình Đạo thảo kế hoạch đoạt chính quyền tỉnh Vĩnh Yên làm địa bàn hoạt động. Các võ trang đảng viên QDĐ được huy động từ chiến khu triệu về tập trung tại trường tiểu học Hàng Kèn, Hà Nội để đợi lệnh đoạt chính quyền cũng thứ tự rút lui. (8)
Bỏ lỡ cơ hội bằng vàng
Cũng về biến cố này, Hoàng Tường, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng khác đã kể lại câu chuyện như sau:
Các cán bộ quốc-gia chứng kiến cuộc biểu tình tuần hành của Việt Minh ngạc nhiên tự hỏi: Tại sao VM không chiếm chính quyền ngay chiều hôm 17? Có lẽ chưa được lệnh của thượng cấp? Có lẽ đấy chỉ là một cuộc biểu tình để trắc nghiệm xem phản ứng của Nhật bản ra sao, rồi mới đặt kế hoạch? Mãi đến sáng hôm sau họ mới cho loan truyền quyết định tổ chức biểu tình cướp chính quyền vào ngày 19 tháng 8, 1945.
Từ ngạc nhiên đến toan tính: Trung ương Đảng bộ ra lệnh chuẩn bị gấp, đoạt chính quyền tối 18 rạng 19, trước rạng đông. Mọi việc cần phải làm đều được sắp xếp: cờ xí, biểu ngữ, bích chương và tuyên cáo quốc dân. Tất cả cán bộ và đảng viên hiện diện được lệnh chia nhau túc trực ở các cửa ô đợi lệnh. Võ khí tuy chưa có nhiều nhưngtheo báo cáo thì “ta” đã có một số anh em binh sĩ trong trại bảo an binh sẵn sàng tiếp tay. Như dự định, anh em cán bộ và đảng viên đã sắp đặt ai nhiệm vụ ấy, kéo đến phủ Khâm sai, nhà máy đèn, đài phát thanh.
Nhưng, lúc ba giờ sáng ngày 19-8-45, không biết vì nhũng lý do gì mà hội nghị cấp lãnh đạo lại hủy bỏ kế hoạch đoạt chính quyền, và ra lệnh cho tất cả phân tán mỏng, ai về nhà nấy, nhường cho Việt Minh làm công cuộc ấy sáng hôm sau, 19-8-45.
Hồi ấy, người viết chỉ là một đảng viên cấp thấp, không được dự hội nghị có tính cách quyết định lịch sử ấy, nên không tường sự việc. Hai hôm sau, người viết hỏi anh Chu Bá Phượng (cũng gọi là anh Hai) thì anh cho biết là theo quyết định của hội nghị, “ta” hãy tạm thời nhường Việt Minh một bước, để sau khi quân Đồng minh vào, sẽ tính.(9)
Nói tóm lại qua những tài liệu kể trên, ta thấy các đảng phái Quốc Gia cũng có kế hoạch cướp chính quyền trước cả Việt Minh, nhưng vì nhiều lý do như thiếu thống nhất, thiếu quyết đoán, coi thường đối thủ, lại sợ bị mang tiếng thân Nhật có hại khi quân Đồng Minh tới, sợ Việt Minh phá đê Sông Hồng để nước tràn vào Hà Nội và Cộng Sản sẽ làm chủ nông thôn, cô lập Hà Nội, cũng như đặt quyền lợi của quốc gia lên trên quyền lợi của phe nhóm, trong đó có Cộng Sản… nên nửa chừng bỏ dở giúp cho Việt Minh nắm được cơ hội cướp được chính quyền trước khiến tình hình sau đó trở thành quá trễ và là thảm họa lớn cho chính họ, đúng như Lê Khang cảnh cáo trước. Nên để ý là Lê Khang hay Lê Ninh ở thời này được coi là một lãnh tụ sáng giá của Việt Nam Quốc Dân Đảng qua câu nói được truyền tụng “Việt Quốc Lê Ninh, Việt Minh Trần Văn Giàu”. Ông bị Việt Minh giết sau này.
Cuối cùng, về thái độ của các đảng phái quốc gia trong thời gian này, Bác sĩ Nguyễn Tường Bách (em ruột Nhà văn Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam), trong Việt-Nam Một Thế-Kỷ Qua, Hồi Ký Cuốn Một 1916-1946, in năm 1998, 53 năm sau đã viết:
Cần phải khách quan để rút kinh nghiệm về những bài học lịch sử. Lực lượng các đảng phái quốc gia Việt Nam thiếu tổ chức có hệ thống chặt chẽ, thiếu lãnh đạo sáng suốt, thiếu võ trang, tuyên truyền trong quần chúng, thiếu khu căn cứ, tới ngày quyết liệt lại không mạnh dạn cướp lấy thời cơ trăm năm có một, kết quả lâm vào thế bị động và nguy nan.
Có anh em lại chủ trương không nên xung đột với Việt Minh gây đổ máu giữa người Việt với nhau vô ích, đợi CS lên cầm quyền rồi dần dần nó sẽ lộ chân tướng, và tất sẽ bị nhân dân lật đổ. Một chủ trương quá lý tưởng và quá tin ở người khác. Vì không nghiên cứu kỹ càng về sách lược, chiến thuật nên không hiểu gì về câu châm ngôn của CS “tất cả vì chính quyền” – có chính quyền là có tất cả. Đến bây giờ, người CS vẫn coi trọng câu châm ngôn ấy, bám chặt chính quyền là vấn đề số 1 đối với họ.(10)
Chưa hết, về thái độ đối với chính quyền của Hoàng Đế Bảo Đại của các đảng phái quốc gia, tác giả Nguyễn Tường Bách nhận định thêm:
Nếu trước kia, các đảng phái quốc gia biết cách hợp tác với chính quyền Bảo Đại, dựng một chính phủ vững mạnh thì đã không những ngăn ngừa được nền chuyên chính của CS, mà còn có thể lãnh đạo toàn dân chống đế quốc Pháp quay trở lại.
Bất cứ một chính phủ dân tộc nào lúc đó cũng có khả năng chỉ huy cuộc kháng chiến, cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới. Việc đảng CSVN ngụy biện là đã đánh đuổi được hai đế quốc Pháp-Nhật, giải phóng cho dân tộc lúc ấy, chỉ là một tuyên truyền vô căn cứ, để mê hoặc dân chúng. Dựa vào lập luận ngụy biện này, đảng CS đã có thể lôi kéo dân chúng đi theo con đường tai họa xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản. Thật ra lúc này Pháp đã bị Nhật tước quyền rồi, mà Nhật lại đã đầu hàng. (11)
Lời cuối:
Nhận định của Nguyễn Tường Bách như một người đương thờivà là một trong những ngưười lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng về chuyện “Nếu trước kia các đảng phái quốc gia biết cách hợp tác với chính quyền Bảo Đại” nếu có phần đúng thì chỉ đúng cho thời điểm bốn tháng trước đó khi Chính Phủ Trần Trọng Kim mới được thành lập và còn đang tích cực hoạt động và hoạt động hữu hiệu. Nó không đúng với thời điểm ngay sau ngày Nhật Bản đầu hàng khi Đồng Minh sắp kéo vào giải giới Quân Đội Nhật với nhiệm vụ duy nhất là tước khí giới Quân Đội Nhật với điều họ muốn thấy là có sẵn một chính quyền bản xứ hợp pháp tồn tại để tiếp tục giữ gìn an ninh, trật tự bất kể là thân Nhật hay không thân Nhật. Ngoài ra không còn điều gì khác. Chính quyền Bảo Đại-Trần Trọng Kim do đó là chính quyền cần phải được duy trì và bảo vệ. Đại Việt Quốc Gia Liên Minh và các đảng phái quốc gia không biết rõ điều này, cứ thắc mắc và bị hù dọa về chuyện thân Nhật hay không thân Nhật, còn Việt Minh thì biết. Thay vì hợp tác với Khâm Sai Phan Kế Toại, các lãnh tụ Đại Việt Quốc Gia Liên Minh lại chủ trương bắt ép ông này từ chức nhường quyền cho họ. Sau đó thay vì kéo đến bảo vệ Phủ Khâm Sai như đã cho Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ, người duy nhất trong năm vị giám đốc trong Ủy Ban Giám Đốc Chính Trị Miền Bắc còn có mặt tại chỗ thay thế Phan Kế Toại, biết khiến ông mỏi mắt trông chờ vào những giờ phút chót. Cuối cùng Bác Sĩ Chữ, vì sức ép của đám đông, phải mở cổng Phủ cho đoàn biểu tình tràn vào khiến cho Việt Minh cướp được chính quyền một cách dễ dàng, mở đầu cho một giai đoạn đầy chiến tranh, oan khiên, máu và nước mắt của lịch sử dân tộc kéo dài đã ba phần tư thế kỷ vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.
Phạm Cao Dương
(*) Tiến sĩ Lịch sử, cựu Giáo sư Đại học thời Việt Nam Cộng hòa và ở Hoa Kỳ sau 1975
Chú thích:
(1) Hoàng Văn Đào, Lich Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1954: Việt Nam Quốc Dân Đảng. Saigon, 1964. Garden Grove, CA: Tân Việt tái bản tại Hoa Kỳ, 2006, tr. 210. Nguyễn Xuân Tiếu còn có tên là Nguyễn Cao Kha. Ông thành lập Đại Việt Quốc Gia Xã Hội Đảng từ năm 1936 và đến tháng 2 là Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương của Đại Việt Quốc Gia Liên Minh. Ủy Ban này gồm có Nguyễn Tường Long, Trương Tử Anh, Ngô Thúc Địch,. Bùi Như Uyên, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Nhượng Tống, Nguyễn Đăng Đệ, Nguyễn Xuân Dương tức Lạc Long. Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, Tập III, Nhân Vật Chí. Hoston, TX: Văn Hóa, 1997, tr. 413.
(2) Nguyễn Khắc Ngữ, Đại Cương về Các Đảng Phái Chính Trị Việt Nam. Montréal: Tủ Sách Nghiên Cứu Sử Địa, 1989, tr. 40.
(3) Hồi Ký Nguyễn Xuân Chữ, đã dẫn, tr. 276-277.
(4) -như trên-, tr. 280-281
(5) Hoàng Văn Đào, tr. 211.
(6) Đoàn Thêm, Hai Mươi Năm Qua, 1945-1964, Việc Từng Ngày, tr.11.
(7) Hoàng Văn Đào, tr. 213-214.
(8) -nt- , tr. 215-216.
(9) Hoàng Tường, Việt Nam Đấu Tranh, 1930-54. Westminster, California: Văn Khoa Publishing House, 1987, tr. 67-68.
(10) Nguyễn Tường Bách, Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, Hồi Ký Cuốn Một 1916-1946. Santa Ana, CA: Nhà Xuất Bản Thạch Ngữ, 1998, tr. 172.
(11) như trên.