Tin khắp nơi – 01/09/2020
Bầu cử tổng thống Mỹ: Biden tố cáo Trump kích động chia rẽ và bạo lực – Minh Anh
Chỉ còn hơn hai tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống tại Mỹ. Sau một thời gian dài tránh dịch Covid-19, ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ, Joe Biden, bắt đầu đi vận động tranh cử trên thực địa, mở đầu là tại Pittsburgh, bang Pennsylvania, ngày hôm qua, 31/08/2020. Ông tố cáo tổng thống đương nhiệm, Donald Trump gây chia rẽ và kích động bạo lực.
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki gửi về bài tường trình:
Trong chuyến đi vận động tranh cử chính thức đầu tiên, kể từ nhiều tháng qua, Joe Biden đã thẳng thừng tấn công. Ông cho rằng đối thủ bên đảng Cộng Hòa đã thất bại trên mọi phương diện, như xử lý dịch bệnh, đối phó với các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc. Ứng viên đảng Dân Chủ tố cáo Donald Trump kích động bạo lực và chia rẽ đất nước vì mục đích chính trị. Đáp lại những chỉ trích liên tục từ phía tổng thống đương nhiệm, coi ông chỉ là con rối của phe tả cực đoan, Joe Biden nói :
« Liệu tôi có dáng dấp của một người có tư tưởng cánh tả cực đoan, ủng hộ những kẻ đập phá ? Hãy nhìn lại một cách nghiêm túc xem nào ? Tôi muốn một nước Mỹ an toàn, tránh được Covid, tránh được tội ác và nạn cướp phá, không có những cảnh sát tồi tệ và nhất là không phải sống thêm 4 năm nữa với Donald Trump. »
Những phát biểu này đã làm cho Donald Trump có phản ứng ngay lập tức, trước tiên là trên mạng xã hội Twitter và sau đó là trong cuộc họp báo.
Ông Trump nói : « Ông ta (Joe Biden) đã không nói đến cánh tả cực đoan hoặc nêu ra những người chống phát xít. Antifa là một tổ chức tội phạm ! Thế nhưng, ông ta lại tố cáo và chỉ trích cảnh sát và lực lượng giữ gìn trật tự. Thậm chí, ông ta còn chỉ trích cả những người thuộc cánh hữu, chứ không nh ắm vào những người ở cánh tả, trong khi chính những người này mới gây ra vấn đề. »
Tổng thống Mỹ lại một lần nữa khẳng định rằng chính Joe Biden sẽ đưa đất nước rơi vào hỗn loạn nếu ông ta đắc cử.
TT Trump đi thăm bang chiến trường Wisconsin
giữa lúc có biểu tình, bất ổn chủng tộc
Bất chấp những lời khuyên nên tránh đến đó, Tổng thống Donald Trump dự trù sẽ lên đường đi thăm Kenosha, bang Wisconsin hôm nay 1/9 để nêu bật chủ đề tranh cử “luật pháp và trật tự” của ông tại thành phố đang chìm ngập trong biểu tình sau vụ một người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát bắn nhiều phát đạn.
Chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Wisconsin, một tiểu bang chiến trường nơi ông từng giành được chiến thắng bằng một tỉ lệ rất sít sao vào năm 2016, sẽ cho ông cơ hội để nêu bật lập trường của ông ủng hộ cảnh sát tại tiểu bang mà ông hy vọng sẽ giành được chiến thắng một lần nữa trong cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11.
Hôm thứ Hai, khi trả lời họp báo về vụ thiếu niên 17 tuổi Kyle Rittenhouse bị cáo buộc đã nổ súng bắn chết 2 người trong các cuộc biểu tình ở Kenosha, Tổng thống Trump nói:“Cậu ta đang tìm cách chạy khỏi đám đông… Rồi té ngã, sau đó bị đám đông tấn công rất là tàn bạo… Tôi đoán rằng cậu ta lúc đó đang lâm nguy… Có khả năng bị giết.”
Tổng Thống Trump cho biết các cơ quan liên bang đang điều tra “tình trạng bất ổn dân sự do cánh tả gây ra”.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11/2020, tố cáo Tổng thống Trump là thổi bùng bạo động với những lời lẽ của ông. Cùng lúc, ông Biden nhấn mạnh rằng những người biểu tình bạo loạn và những kẻ hôi của phải bị truy tố.
Ông Biden nói trong một tuyên bố: “Đêm hôm nay, Tổng thống đã từ chối chỉ trích bạo động. Thậm chí ông không khiển trách một ủng hộ viên bị truy tố về tội sát nhân… Ông Trump quá yếu, quá sợ nỗi hận thù mà ông đã khuấy động để phải chấm dứt nó”.
Ông Trump nói rằng bạo động sẽ gia tăng nếu ông Biden thắng cử và ông tố cáo cựu phó Tổng thống Mỹ là “đầu hàng đám bạo loạn khuynh tả”.
“Tại Hoa Kỳ, chúng ta sẽ không bao giờ khuất phục luật của đám đông bạo loạn, bởi vì nếu bọn chúng chiếm quyền, thì dân chủ coi như đã chết,” ông Trump nói.
Ông Trump cho biết trong thời gian ở Kenosha, ông sẽ không gặp gia đình của Jacob Blake, người đàn ông bị cảnh sát bắn liệt người, hiện đang được cứu chữa trong bệnh viện.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-di-tham-bang-chien-truong-wisconsin/5566265.html
Ngoại trưởng Mỹ: Sẽ đưa thêm chính sách
hạn chế sinh viên Trung Quốc trong vài tuần tới
Bình luậnMinh Thanh
Ngày 31/8, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Tổng thống Trump đang xem xét về việc ra thêm hạn chế đối với sinh viên Trung Quốc học tập tại Hoa Kỳ. Ông nói thêm rằng chính phủ có thể công bố các hành động mới đối với Bắc Kinh trong vài tuần và vài tháng tới.
Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 31/8, ông Pompeo đã trả lời về việc chính quyền Tổng thống Trump đối phó với các vấn đề như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xâm nhập vào các trường đại học Mỹ, thị thực sinh viên, gián điệp và các vấn đề nóng khác.
Vào ngày 28/8, Hồ Hải Châu (Hu Haizhou), một nhà nghiên cứu quân sự của ĐCSTQ đang nghiên cứu tại Đại học Virginia (UVA), đã bị bắt khi đang cố gắng lên máy bay trở về Trung Quốc. Ông này đang mang theo mã nguồn máy tính nâng cao cho động cơ máy bay và robot dưới nước được đánh cắp từ các trường đại học Mỹ.
Vụ bắt giữ này là trường hợp mới nhất mà cơ quan hành pháp liên bang Hoa Kỳ đệ đơn kiện một công dân Trung Quốc. Nó cho thấy rõ việc ĐCSTQ sử dụng công dân Trung Quốc để tham gia các hoạt động gián điệp kinh tế ở Hoa Kỳ thông qua trao đổi học thuật.
Hoa Kỳ ngăn chặn hành vi trộm cắp bí mật của ĐCSTQ như thế nào?
Khi được hỏi, Hoa Kỳ sẽ làm thế nào để ngăn chặn loại hành vi này của ĐCSTQ, ông Pompeo trả lời rằng chính quyền Tổng thống Trump đang hành động.
Ông Pompeo nói: “Điều hối tiếc duy nhất của tôi là chúng ta đã để loại tình huống này xảy ra trong vài thập kỷ qua. Không có nhiệm kỳ Tổng thống nào xem trọng vấn đề này, mãi cho tới những năm gần đây Tổng thống Trump bắt đầu yêu cầu chúng tôi xử lý việc này. Vì vậy, đây là một thách thức thực sự”.
“Tổng thống Trump quyết tâm ngăn chặn tình trạng này. Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, chính quyền Tổng thống lần này rất coi trọng giải quyết mối đe dọa của ĐCSTQ”, ông nói thêm.
Giáo sư Mỹ ‘ăn cây táo, rào cây sung’, vì tiền bán đứng nghiên cứu
Khi được hỏi ý kiến về hiện tượng một số giáo sư người Mỹ sử dụng quỹ liên bang để thực hiện nghiên cứu và sau đó gửi kết quả nghiên cứu của họ cho chính quyền ĐCSTQ vì ĐCSTQ sẽ cấp tiền cho họ, Ngoại trưởng Pompeo trả lời: “Điều này thật điên rồ”.
“Họ (ĐCSTQ) lén lút lấy những dữ liệu này, sử dụng nó để phát triển sản phẩm, sau đó trợ cấp cho những sản phẩm này và bán chúng trở lại Hoa Kỳ – chẳng hạn như phần mềm học tập AI, các công ty như TikTok, những dữ liệu loại này đều là họ có được thông qua đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ”.
Ông Pompeo nói rằng chính quyền Tổng thống Trump đang triển khai kế hoạch đối phó toàn diện, bao gồm nhóm phản gián, FBI và Bộ Tư pháp, còn có Bộ Ngoại giao và các ban ngành khác cùng nỗ lực hợp tác trong các vấn đề đối phó chống lại ĐCSTQ.
“Tất nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng Tổng thống Trump rất coi trọng việc này. Điều hối tiếc duy nhất của tôi là – đây không xuất phát từ tranh chấp đảng phái – trước Tổng thống Trump, đã có cả hai tổng thống Đảng Cộng hòa và Dân chủ, họ đã đều không nghiêm túc đối đãi với mối đe dọa này”, ông Pompeo cho biết.
Sẽ hạn chế số năm các nhà nghiên cứu Trung Quốc nhập cảnh vào Hoa Kỳ?
Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ sẽ giải quyết đơn giản là hạn chế số năm các nhà nghiên cứu Trung Quốc được nhập cảnh vào Hoa Kỳ hay không, ông Pompeo trả lời: “Tôi không muốn đưa ra tuyên bố cho đến khi tổng thống đánh giá quyết định”.
“Không phải mọi sinh viên Trung Quốc ở đây đều đại diện cho ĐCSTQ hoặc làm việc theo chỉ thị của ĐCSTQ. Tổng thống Trump cũng đang xem xét điều này rất nghiêm túc và cẩn thận”, ông nói thêm.
Ông Pompeo cũng tiết lộ: “Tôi nghĩ rằng trong vòng mấy tuần và mấy tháng tới, sẽ có thêm nhiều thông tin chi tiết được đưa ra”.
Khi được hỏi, hầu hết các sinh viên Trung Quốc đến Hoa Kỳ không phải do ĐCSTQ phái tới làm gián điệp, mà là do người nhà của họ bị ĐCSTQ đe dọa và ĐCSTQ đã yêu cầu họ “phải mang tất cả mọi thứ về nước”. Điều này có đúng không?
Ông Pompeo bày tỏ sự tán đồng và nói: “Hầu hết các sinh viên Trung Quốc ở Hoa Kỳ đều bị (ĐCSTQ) giám sát. ĐCSTQ theo dõi họ để đảm bảo rằng hành vi của họ phù hợp với những gì ĐCSTQ muốn. Điều này là khẳng định. Từ một định nghĩa chính thức mà nói, bạn sẽ không nghĩ họ là gián điệp, nhưng do sự chỉ đạo của ĐCSTQ ‘mang mọi thứ về nước’, nhiều sinh viên Trung Quốc đang phải chịu áp lực rất lớn”.
Minh Thanh
Theo Epoch Times
‘Chặt đứt’ ngành công nghệ bán dẫn:
Chính quyền Trump ‘điểm tử huyệt’ ĐCS Trung Quốc
Bình luậnTâm An
Nếu nói về một cuộc bao vây toàn diện và “ra đòn” kinh tế nhắm vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thì có thể kể đến việc chính quyền Trump ban hành đạo luật cấm tất cả các công ty trên thế giới đang sử dụng công cụ, thiết bị hoặc bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ cung cấp sản phẩm điện tử cho Huawei. Đây có thể được xem là “độc chiêu” điểm vào tử huyệt của ngành công nghệ Trung Quốc.
Với giấc mộng bá quyền, ĐCSTQ muốn dẫn đầu thế giới về công nghệ để thực hiện trọn vẹn giấc mơ của mình. Ý định đó thể hiện rõ trong chiến lược “Made in China 2025” được Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra năm 2015, với mục tiêu đề ra là sau 10 năm sẽ tự cung cấp 70% nhu cầu về các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó công nghệ bán dẫn có tầm quan trọng hàng đầu.
Thậm chí, Trung Quốc còn dành hẳn một ngân quỹ trị giá 300 tỷ USD cho riêng ngành này để chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Mỹ.
Vì sao công nghệ bán dẫn lại quan trọng đến như thế?
Bán dẫn là loại vật liệu không thể thiếu được trong mọi sản phẩm điện tử ngày nay. Kể từ năm 1959, chất bán dẫn đã mở đầu một cuộc cách mạng “có một không hai” trong công nghiệp điện tử, và chi phối sự phát triển của mọi lĩnh vực công nghệ khác.
Để sản xuất hàng loạt với số lượng cao và giá thành hạ, công nghệ ASIC là lời giải tốt nhất, nhưng cũng tốn kém nhất để đầu tư trong thời gian thiết kế thử nghiệm, cho nên chỉ có những tập đoàn lớn với phương tiện tài chính dồi dào và nhiều chuyên gia lành nghề mới có thể đi vào hoạt động đầy rủi ro này.
Nói tóm lại, không có một ngành nào hiện nay không sử dụng sản phẩm điện tử, và không có sản phẩm điện tử nào mà không chứa các Chip bán dẫn ngày càng cao cấp. Công nghệ bán dẫn đang chi phối sự phát triển lâu dài của mọi ngành công nghệ thế giới.
Do đó, sự tụt hậu của các quốc gia có nghĩa là khả năng tiếp cận rất hạn chế về công nghệ bán dẫn mà chủ yếu là máy tính điện tử.
Dù tuyên truyền rất rầm rộ, rốt cuộc Trung Quốc đang ở ‘vị trí nào’ trong cuộc đua ‘công nghệ bán dẫn?
Tại sao Trung Quốc lại quyết tâm xây dựng và mở rộng các công ty công nghệ (sử dụng chất bán dẫn) trong chiến lược phát triển địa kinh tế -chính trị của mình? Có thể nói, nắm được thế mạnh về “công nghệ bán dẫn” là bước đầu trong kế hoạch thực hiện giấc mộng bá quyền của ĐCSTQ.
Vào cuối thập niên 1950, Trung Quốc vẫn còn là một quốc gia lạc hậu, thiếu tiền, thiếu chuyên viên để có thể bắt đầu xây dựng các ngành công nghiệp hiện đại. Đến đầu thập niên 1980, nước này vẫn chưa có một nhà máy sản xuất Chip thông dụng thế hệ một.
Sau 40 năm quyết tâm xây dựng ngành bán dẫn, Trung Quốc đạt được gì? Bảng thống kê về doanh thu các nước trong lĩnh vực sản xuất Chip bán dẫn cho chúng ta một cái nhìn tổng quát:
Vào năm 2019, Trung Quốc chỉ mới đạt được thị phần 4% trên thế giới và chỉ mới sản xuất được các Chip có độ tích hợp vừa phải. Các Chip phức tạp như CPU đời mới trong smartphone của Huawei có độ tổng hợp và chính xác cao (7 nano mét), thì họ không đủ trình độ để sản xuất, mà phải giao bản thiết kế cho công ty TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) để chế tạo.
Kể từ 2005, Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ Chip lớn nhất thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa là năng lực sản xuất Chip của họ cũng tăng lên tương ứng.
Ngay cả đến 2024, khi nền sản xuất Chip Trung Quốc được dự đoán có thể đạt 43 tỷ USD, thị phần của Trung Quốc trên thế giới cũng chỉ đạt 8,5%. Theo IC Insights, thị trường thế giới lúc ấy cũng có thể lên đến 507 tỷ USD. Do đó, việc vươn lên để giành vị trí của Hoa Kỳ được xem là một tham vọng… khó lòng thực hiện được của ĐCSTQ
Ngoài ra, năng lực sản xuất bán dẫn của các công ty Trung Quốc so với công ty các nước khác còn thấp. Trong 10 công ty hàng đầu dưới đây, Trung Quốc chỉ chiếm tỉ lệ công suất 3,7%. So với toàn thế giới thì tỉ lệ còn thấp hơn.
Bắt kịp các nước phương Tây về công nghệ bán dẫn – ‘ảo tưởng’ của ĐCSTQ
Qua các kênh thông tin rầm rộ của ĐCSTQ, thế giới dễ nhầm tưởng rằng Trung Quốc sẽ bắt kịp các nước phương Tây về công nghệ bán dẫn trong vài thập niên tới. Nhưng thống kê quốc tế lại có một… ngôn ngữ khác.
Kể từ khi chiến lược “Made in China 2025” ra đời, Trung Quốc vẫn không ngừng khẳng định rằng đến cuối 2020, họ sẽ tự sản xuất 40% nhu cầu sản phẩm bán dẫn trong nước, và sẽ đạt 70% đến năm 2025.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải dựa vào các nhà sản xuất nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất CPU và SoC cao cấp. Theo các chuyên gia đánh giá thì với công nghệ 19 nanomet đã lạc hậu hơn 8 năm, các công ty công nghệ Trung Quốc còn chưa thể “sánh ngang” với Samsung, nên việc “cạnh tranh” lại càng không thể.
Để thành công trong việc xây dựng nguồn sản phẩm bán dẫn đòi hỏi nỗ lực lớn về công nghệ, đầu tư tài chính khổng lồ, chuyên gia cao cấp… Nhưng với đường lối kinh doanh “đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ” – vốn đang bị Hoa Kỳ điều tra và chặn đứng, Trung Quốc khó lòng đi theo con đường kinh doanh “chân chính” được.
Không có khả năng sản xuất linh kiện cao cấp: ‘Tử huyệt’ của ngành công nghệ Trung Quốc
Hiệp hội Công nghệ bán dẫn Hoa Kỳ đưa ra thống kê rằng: “Khoảng cách giữa nhu cầu thị trường Trung Quốc với công suất sản xuất nội địa ngày càng xa. Các nhà sản xuất bán dẫn Trung Quốc chỉ đáp ứng được 9% nhu cầu thị trường nội địa, phần còn lại do nhập khẩu… Hơn một nửa số lượng nhập khẩu xuất phát từ Mỹ”.
Công ty nghiên cứu thị trường bán dẫn IC Insights ở Arizona cho biết là Trung Quốc chưa có một công ty bán dẫn nào có thể sản xuất các linh kiện đặc thù cao cấp như: trung tâm xử lý tín hiệu, CPU, MCU… Các loại linh kiện này đang chiếm 1/2 thị trường Trung Quốc, tất cả đều phải nhập hoặc mua từ các công ty đa quốc gia vốn đã có hàng chục năm kinh nghiệm với hàng vạn nhân viên trên thế giới.
Do đó, nếu không tiếp cận được đến các nguồn cung cấp linh kiện, toàn bộ các ngành khác của Trung Quốc như điện tử dân dụng, công nghiệp tự động hóa, sản xuất dược phẩm, nghiên cứu vũ khí hiện đại, ngành không gian, hệ thống định vị toàn cầu, thiết bị 5G… sẽ bị chậm lại nhiều thập niên.
‘Đòn chí mạng’ của chính quyền Trump: cấm vận Huawei
Mặc dù từ giữa năm 2018, chính quyền Trump đã có lệnh cấm các công ty ở Mỹ không được phép cung cấp sản phẩm, dịch vụ và sở hữu trí tuệ cho Huawei, công ty Trung Quốc này có “đủ khôn ngoan” để đi đường vòng và tiếp tục thúc đẩy hoạt động của mình.
Với đường lối kinh doanh “đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ” – vốn đang bị Hoa Kỳ điều tra và chặn đứng, Trung Quốc khó lòng đi theo con đường kinh doanh “chân chính” được. (Ảnh: getty images)
Các nước đồng minh cũng chưa tỏ dấu hiệu sẽ đi theo con đường cứng rắn của Mỹ. Ngoài ra, các liên doanh với công ty Mỹ đang hoạt động ở ngoại quốc thì không bị ràng buộc bởi lệnh cấm, cho nên họ vẫn có thể cung cấp sản phẩm cho Huawei, theo cách này hay cách khác. Đó chính là khe hở của lệnh cấm năm 2018, làm cho nó mất hẳn hiệu quả.
Vì thế, đến tháng 5/2020, Mỹ giáng thêm một đòn chí mạng: cấm tất cả các công ty sử dụng thiết bị, phần mềm, công cụ thiết kế hoặc bản quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ (thuộc mọi nước khác) cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho Huawei. Với biện pháp này, Huawei khó lòng tìm được đối tác cung cấp Chip cao cấp.
Vào giữa tháng 5/2020, công ty cung ứng quan trọng nhất của Huawei là TSMC (Đài Loan) đã từ chối các đơn hàng, chỉ ba ngày sau lệnh cấm của Mỹ, với tuyên bố: “Đó là một quyết định khó khăn cho chúng tôi [TSMC], khi Huawei là khách hàng quan trọng thứ hai của công ty, nhưng các nhà sản xuất Chip phải tuân theo quy định của Mỹ vì vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ”.
Các nhà sản xuất Chip châu Âu như Infineon (Đức) và ST Microelectronics (Hà Lan) đều ít nhiều phụ thuộc vào sở hữu trí tuệ của Mỹ, cho nên việc Huawei tiếp cận những công ty này cũng sẽ không mang lại kết quả gì. Có vẻ như công nghệ bán dẫn Trung Quốc sẽ bị kéo lùi nhiều thập niên.
Châu Âu cũng đồng lòng ‘triệt hạ’ con “át chủ bài” Huawei – tham vọng thống trị ngành viễn thông của Trung Quốc
Không chỉ có Huawei, mà các tập đoàn smartphone lớn của Trung Quốc như Oppo, Vivo và Xiaomi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Trong tháng 6/2020, nước Anh cấm hẳn các công ty bản địa sử dụng sản phẩm của Huawei trong mạng lưới viễn thông (mặc dù vào tháng 1/2020, Thủ tướng Johnson còn cho phép Huawei tham gia 35%).
Pháp chỉ gia hạn giấy phép sử dụng các thiết bị 5G của Huawei cho đến năm 2023 và 2028, tùy loại thiết bị, mặc dù trên thực tế, có lẽ không có công ty Pháp nào chịu mua thiết bị của Huawei, nếu biết rằng chúng sẽ bị cấm trong tương lai gần.
Công ty viễn thông lớn nhất châu Âu, Deutsche Telekom, đã giảm quan hệ với Huawei và tăng cường thương lượng với Ericsson trong dự án 5G. Về an toàn thiết bị viễn thông, EU vừa ra thông báo dài 44 trang, khuyến cáo các nước thành viên không được làm việc với các nhà cung cấp “có độ rủi ro cao”, dù không nói rõ tên công ty nào.
Trước tình hình tồi tệ trước mắt, có vẻ như Huawei chỉ có thể chen chân vào vài thị trường ‘thân Trung’ như Trung Đông, Phi Châu và Nam Mỹ.
Bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo cho rằng, biện pháp trừng phạt sẽ “nâng cao an ninh quốc gia trong thời đại mà Trung Quốc đang cố gắng chiếm ưu thế trong các lĩnh vực mũi nhọn và kiểm soát các công nghệ nhạy cảm”.
Tại sao Trung Quốc lần này phải bó tay?
Với những biện pháp trừng phạt từ trước của Mỹ, Trung Quốc luôn luôn tìm được giải pháp đối đầu. Tuy nhiên, “sự cố” xảy ra lần này giữa Huawei và Mỹ đã làm cho Trung Quốc bối rối khi đi tìm một lối thoát. Khoảng cách về công nghệ bán dẫn giữa Trung Quốc và phương Tây quá xa để phản ứng kịp thời cho một giải pháp trong ngắn hạn.
Mặc khác, Trung Quốc chủ quan về sức mạnh thị trường của họ. Trở thành thành viên của Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) năm 2001. Trong 20 năm qua họ đã tiến hành những thử nghiệm rất tinh vi để đo lường phản ứng và xây dựng chính sách thương mại với phương Tây.
Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng và biến thành một công xưởng của thế giới, đồng thời là thị trường “béo bở” đối với phương Tây. Họ đã tiến hành một chiến lược kinh doanh nhất quán: mua công nghệ, bản quyền và xuất khẩu thành phẩm để đẩy mạnh sản phẩm ứng dụng, chiếm lĩnh thị trường, gây ảnh hưởng chính trị, và sử dụng thặng dư thương mại để tiến hành xây dựng dần dần công nghệ bán dẫn cơ bản.
Do đó, Trung Quốc cho rằng thị trường của họ có sức mạnh và không ai có thể tạo được sức ép bằng cách này hay cách khác.
Trên thực tế, Intel không hề đưa các Chip chiến lược ra sản xuất ở ngoại quốc. Các hãng khác như Apple, Samsung, Sony… chỉ sản xuất thành phẩm cuối cùng ở Trung Quốc, chứ sản xuất Chip thì không đáng kể. Có vẻ như lần này, Trung Quốc phải “bó tay”
Tương lai ngành bán dẫn Trung Quốc sẽ ra sao?
Chính quyền Trump với con át chủ bài “bản quyền sở hữu trí tuệ”, chỉ cần kéo dài lệnh cấm và nới rộng các công ty trong danh sách đen, thì cũng đủ làm cho Trung Quốc điêu đứng, công việc nghiên cứu trong mọi ngành sẽ chậm lại, một số dự án nghiên cứu vũ khí, an ninh và không gian phải tạm ngưng vì thiếu linh kiện thiết bị.
Hiện nay, với 4% thị phần bán dẫn so sánh với Mỹ đã đạt 50%, Trung Quốc dường như không có cách để thu hẹp khoảng cách này trong vài thập niên.
Truyền thông Trung Quốc thường trích dẫn chiến lược “Made in China 2025” để tuyên truyền rằng họ đang bắt kịp Mỹ về công nghệ và sẽ vượt lên hàng đầu trong vài thập niên. Tuy nhiên, giờ đây đó là loại tuyên truyền sáo rỗng, là một ảo vọng viển vông nhất của ĐCSTQ.
Chính quyền Trump đã vô cùng quyết liệt trong việc dập tắt thảm họa “Trung Hoa mộng” về công nghệ của ĐCSTQ. Nếu xem “tương lai công nghệ bán dẫn” gắn liền với “tương lai của Trung Quốc”, thì đây có thể là “con bài” chiến lược để thế giới ngăn chặn phần sự bành trướng về kinh tế-chính trị của ĐCSTQ.
Tâm An
Mỹ tiết lộ tài liệu mật: ‘Sáu bảo đảm’ cho Đài Loan
nếu Bắc Kinh trở nên hiếu chiến
Đại Nghĩa
Washington hôm 31/8 đã công bố hai bức điện mật từ gần 40 năm về trước theo đó đưa ra các cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh cho Đài Loan. Bức điện mật được đưa ra trong bối cảnh quốc đảo này đang hứng chịu sự đe dọa từ phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Đài Loan (MOFA) cho biết hôm thứ Hai (31/8).
Tờ Focus Taiwan cho biết, hai bức điện đề năm 1982, được giải mật hôm 16/7 và công bố trên trang web của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) ngày 31/8, đề cập đến các điều ước bán vũ khí và ‘Sáu đảm bảo’ của phía Mỹ đối với Đài Loan.
Mặc dù không đưa ra bất kỳ tiết lộ cụ thể nào, nhưng cả hai tài liệu đều thể hiện cam kết hỗ trợ Đài Loan từ phía Mỹ. Động thái này gửi một thông điệp tới Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai bờ eo biển và góp phần trả lời câu hỏi liệu Mỹ có giúp đỡ Đài Bắc nếu Bắc Kinh ra quân.
Các bức điện chứng tỏ “cam kết mạnh mẽ” của Mỹ đối với an ninh Đài Loan “trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục có những hành động phá hoại hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan và trong khu vực”, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết trong một tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết, bằng cách công bố chi tiết hơn các phương thức đối phó với cả hai bờ eo biển Đài Loan, Mỹ muốn ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục xuyên tạc Thông cáo chung năm 1982 và nhắc nhở bản thân về cam kết giải quyết vấn đề eo biển Đài Loan một cách hòa bình.
Bức điện tín được giải mật đầu tiên, có tiêu đề “Về việc bán vũ khí cho Đài Loan,” được Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Lawrence Eagleburger gửi cho cho Giám đốc AIT lúc đó là ông James Lilley vào ngày 10/7/1982.
Theo AIT (đại sứ quán thực tế của Hoa Kỳ tại Đài Loan), bức điện cung cấp các giải thích của phía Mỹ cho Hiệp ước năm 1982 giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) xoay quanh việc Mỹ đang bán vũ khí cho Đài Loan.
AIT cho biết: “Bức điện giải thích Mỹ sẽ sẵn sàng giảm bán vũ khí cho Đài Loan với điều kiện CHND Trung Hoa cam kết duy trì một giải pháp hòa bình cho sự khác biệt giữa hai bờ eo biển”.
“Trái lại, nếu CHND Trung Hoa trở nên hiếu chiến hoặc củng cố lực lượng gây mất an ninh hoặc bất ổn khu vực, thì Mỹ sẽ tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan”.
Tài liệu chỉ ra mối quan tâm chính của phía Mỹ là duy trì sự đối trọng quyền lực tại hai bờ eo biển, theo đó số lượng và chất lượng vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan hoàn toàn phụ thuộc vào mối đe dọa được đưa ra bởi phía Trung Quốc, theo AIT.
Cuối Bản ghi nhớ phía Mỹ đưa ra cam kết sẽ tiếp tục bán vũ khí cho quốc đảo này, AIT cho biết.
Những quan điểm tương tự đã được nhắc lại trong một bản ghi nhớ nội bộ do Tổng thống Ronald Reagan soạn thảo ngày 17/8/1982. Đây được coi là những diễn giải của phía Mỹ đối với “Thông cáo năm 1982”.
Theo AIT, bức điện thứ hai, đề ngày 17/8/1982, có tiêu đề “Các bảo đảm cho Đài Loan”, được Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ lúc đó là George Shultz gửi cho Giám đốc AIT James Lilley, trình bày “sáu bảo đảm” cho Đài Loan.
“Sáu đảm bảo” do Tổng thống Reagan đưa ra cho Đài Loan vào năm 1982 là một yếu tố nền tảng trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan và Trung Quốc, AIT cho biết.
Chúng là các cam kết của Mỹ bao gồm: (1) không ấn định ngày chấm dứt việc bán vũ khí cho Đài Loan, (2) không tham khảo ý kiến của CHND Trung Hoa về việc bán vũ khí cho Đài Loan, (3) không đóng vai trò hòa giải giữa Đài Bắc và Bắc Kinh, (4) không sửa đổi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, (5) không thay đổi lập trường của họ đối với vấn đề chủ quyền Đài Loan, (6) không gây áp lực để Đài Loan tham gia đàm phán với CHND Trung Hoa.
Theo Taiwan News,
Đại Nghĩa biên dịch
Cổ phiếu các công ty Mỹ muốn mua TikTok
bị giảm do lo ngại Bắc Kinh chặn thương vụ
Bình luậnNguyễn Minh
Cổ phiếu của Walmart, Microsoft và Oracle đã giảm từ 1% đến 2,5% trong phiên giao dịch buổi sáng ngày 31/8.
Cổ phiếu của các công ty Hoa Kỳ đang tham gia vào thương vụ mua lại TikTok là Microsoft Corp, Oracle Corp và Walmart Inc đã giảm vào thứ Hai (31/8) sau khi Trung Quốc có động thái hạn chế một số hoạt động xuất khẩu công nghệ. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng Bắc Kinh có thể chặn bất kỳ thỏa thuận nào đối với tài sản của TikTok tại Hoa Kỳ.
Các quy định mới của Trung Quốc về xuất khẩu công nghệ sẽ khiến công ty chủ quản ByteDance của TikTok có thể cần sự chấp thuận của Bắc Kinh khi bán các hoạt động của TikTok tại Hoa Kỳ, một chuyên gia thương mại Trung Quốc nói trên truyền thông nhà nước vào 30/8. Quy định này sẽ làm phức tạp việc thoái vốn bắt buộc và bị tính phí chính trị.
Đà giảm của cổ phiếu của cả 3 công ty này đã chậm lại trước giờ mở cửa sau khi CNBC thông tin rằng TikTok đã chọn một nhà thầu và một thỏa thuận có thể được công bố sớm nhất là vào thứ Ba (1/9).
Trong một tài liệu gửi cho nhân viên vào đầu tuần trước, ban lãnh đạo TikTok cho biết, công ty đang “nhanh chóng tìm giải pháp cho các vấn đề mà chúng ta phải đối mặt trên toàn cầu, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và Ấn Độ”.
Tuy nhiên, vào cuối ngày thứ Sáu (28/8), Trung Quốc đã sửa đổi danh sách các công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu lần đầu tiên sau 12 năm. Cui Fan – Giáo sư thương mại quốc tế tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh cho biết rằng những thay đổi sẽ được áp dụng cho trường hợp của TikTok.
Nhà phân tích Brian Yarbrough của Edward Jones cho biết: “Điều đó có thể tạo ra sự phức tạp, nhưng tôi không nghĩ rằng điều đó khiến thỏa thuận không được thực hiện”.
“Rõ ràng là nếu thỏa thuận này không được thực hiện, thì ứng dụng này sẽ bị cấm ở Hoa Kỳ và điều đó thật tồi tệ đối với tất cả các bên”.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times
Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ Đài Loan
đối phó áp lực từ Bắc Kinh
Minh Anh
Thứ Hai, 31/08/2020, Hoa Kỳ cho biết đang thiết lập một chương trình đối thoại kinh tế song phương với Đài Loan. Theo Washington, sáng kiến này còn nhằm củng cố mối quan hệ với Đài Bắc và ủng hộ hòn đảo tự trị này đối phó với áp lực ngày càng tăng từ Bắc Kinh.
Tại một diễn đàn qua video do Heritage Foundation tổ chức, ông David Stilwell, vụ trưởng Vụ Đông Á – Thái Bình Dương, bộ Ngoại Giao Mỹ, phát biểu rằng sáng kiến mới nhất này của Mỹ không hẳn là một sự chuyển hướng chính sách đối ngoại của Washington nhưng là một phần trong toàn bộ những « điều chỉnh quan trọng ».
Giới quan sát đánh giá động thái này của chính quyền Trump như là một hình thức bày tỏ sự ủng hộ nhiều hơn với Đài Loan. Điều này được ông David Stilwell khẳng định tại diễn đàn là Hoa Kỳ « sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan kháng cự với chiến dịch của đảng Cộng Trung Quốc gây áp lực, hăm dọa và cô lập Đài Loan ».
Cũng tại diễn đàn này, theo TaiwanNews, đại diện bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết là Washington đã cho giải mật sáu bảo đảm an ninh dành cho Đài Loan. Những bảo đảm này được đưa ra vào năm 1982, dưới thời tổng thống Ronald Reagan, nhưng chưa bao giờ được công bố công khai, theo đó, Hoa Kỳ không quy định ngày chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan, không chấp nhận tham vấn Bắc Kinh trước về các thương vụ này, không sửa đổi Đạo luật Quan hệ với Đài Loan.
Reuters cho rằng thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ép với Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh xem như một tỉnh nổi loạn ; quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc mỗi lúc gay gắt liên quan đến nhiều vấn đề từ thương mại, dịch bệnh Covid-19, Hồng Kông, Biển Đông… và nhất là, tổng thống Mỹ Donald Trump, đang có tham vọng tái đắc cử vào tháng 11/2020, đã chọn đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc như là một trong những trục chính cho chiến dịch vận động tranh cử.
Hoa Kỳ, cũng như nhiều quốc gia khác, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng Mỹ là nước hỗ trợ chính và là nguồn cung cấp vũ khí chính cho hòn đảo tự trị này.
Nhà Trắng: Nga phải tôn trọng
chủ quyền Belarus, không được ‘can thiệp quân sự’
Quý Khải
Nga phải tôn trọng chủ quyền của Belarus và quyền được bầu chọn lãnh đạo của người dân nước này, Phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết hôm thứ Hai (31/8).
Bà McEnany cũng nói rằng các nhà lãnh đạo Cộng hòa Belarus thuộc Liên Xô cũ nên chú ý đến các yêu cầu đòi quyền dân chủ từ lượng lớn những người biểu tình đã xuống đường trong ba tuần vừa qua để phản đối điều mà họ cho là một cuộc bầu cử gian lận, theo Reuters.
“Số lượng lớn người Belarus biểu tình ôn hòa cho thấy rõ chính phủ Belarus không thể phớt lờ các yêu cầu kêu gọi dân chủ của người dân, và Nga cũng phải tôn trọng chủ quyền của Belarus và quyền bầu chọn các nhà lãnh đạo của họ một cách tự do và công bằng”, bà nói tại một cuộc họp báo.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun tuần trước cho biết việc Nga can thiệp quân sự đối với Belarus sẽ là “động thái không được hoan nghênh nhất”, nhưng cho biết Washington không có ý định tiến hành bất kỳ kế hoạch nào như vậy. Ông cũng thúc giục Minsk chấp nhận đề xuất hòa giải từ Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu.
Hàng chục nghìn người biểu tình đã biểu tình trở lại tại Minsk hôm Chủ nhật (30/8) chống lại Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người đã bị phe đối lập và phương Tây cáo buộc gian lận kết quả bầu cử ngày 9/8 để tiếp tục kéo dài thời gian cầm quyền đã 26 năm.
Ông Lukashenko không có dấu hiệu cúi đầu trước các cuộc biểu tình. Ông này đã phủ nhận các cáo buộc gian lận bầu cử. Hôm thứ Hai, trong một động thái làm dịu dư luận, ông đã miêu tả chính quyền Belarus là một “thể chế có phần hơi độc tài”, nhưng nói thêm rằng việc này không nên bị móc nối với các cá nhân, bao gồm bản thân ông, đồng thời hứa hẹn cải cách hiến pháp.
Trước đó, vị tổng thống này đã thay đổi hiến pháp hai lần – vào năm 1996 và 2004. Nhờ đó, quyền hạn của tổng thống đã được mở rộng và giới hạn nhiệm kỳ tổng thống đã được dỡ bỏ, theo tờ Ukraine Today.
Belarus là đồng minh thân cận nhất của Nga trong số các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, và lãnh thổ của nó là một phần không thể thiếu trong chiến lược phòng thủ châu Âu của Moscow. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời Tổng thống Lukashenko đến Moscow, một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Điện Kremlin. Ngoại trưởng hai nước sẽ hội đàm vào thứ Tư (2/9) tại Moscow.
Bà McEnany cho biết các quan chức Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Belarus và ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm xem xét các báo cáo về các dấu hiệu bất thường trong bầu cử, lạm dụng nhân quyền và hoạt động đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa của chính phủ.
Theo Reuters,
Quý Khải biên dịch
FDA sẵn sàng đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn
vaccine coronavirus trước khi
giai đoạn thử nghiệm thứ ba kết thúc
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Financial Times, người đứng đầu Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nói họ đã sẵn sàng bỏ qua tiến trình phê duyệt liên bang đầy đủ để cung cấp vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt.
Nhấn mạnh rằng quyết định này không phải do áp lực từ chính quyền tổng thống Trump, Ủy viên FDA Stephen Hahn nói rằng việc ủy quyền khẩn cấp có thể hợp lý trước khi giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba kết thúc nếu lợi bất cập hại. Ông cho biết việc ủy quyền khẩn cấp có thể được sử dụng để cung cấp vaccine cho một số nhóm bệnh nhân nhất định một cách an toàn trước khi các thử nghiệm lâm sàng hoàn tất.
Tuần trước, The Financial Times đưa tin rằng chính quyền tổng thống Trump đang xem xét cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vaccine coronavirus thử nghiệm do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển ở Anh Quốc trước cuộc bầu cử.
Vào thời điểm đó, phát ngôn viên của Bộ Y tế và Xã Hội (HHS) và FDA cho biết bất kỳ thông tin nào về việc cấp phép vaccine khẩn cấp trước cuộc bầu cử là “hoàn toàn sai sự thật”. AstraZeneca cho biết họ chưa thảo luận về bất kỳ quyết định nào như thế với chính phủ Hoa Kỳ.
Hiện tại, Trung Cộng và Nga đều đã phê duyệt vaccine mà không cần đợi giai đoạn thử nghiệm giai đoạn ba hoàn thành – một giai đoạn thử nghiệm nghiêm ngặt nhất cho loại thuốc mới tiềm năng. Các viên chức y tế công cộng ở Hoa Kỳ và các nơi khác đã khuyến cáo rằng quyết định đó có thể không an toàn.
Theo dữ kiện của đại học Johns Hopkins, coronavirus đã lây nhiễm cho hơn 5.9 triệu người ở Hoa Kỳ, chiếm khoảng một phần tư tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới. Số ca tử vong ở Hoa Kỳ đã lên tới hơn 182,000 người. (BBT)
Nghiệp đoàn giáo chức thành phố New York
chuẩn bị bỏ phiếu thông qua đình công
để hoãn việc mở cửa lại trường học
Vào thứ bảy (29 tháng 8), Nghiệp đoàn Giáo chức thành phố New York cho biết họ đang chuẩn bị bỏ phiếu thông qua yêu cầu đình công của các giáo viên nhằm hoãn việc mở cửa lại trường học. Công bố này được đưa ra sau khi chủ tịch của nghiệp đoàn đe dọa sẽ đình công nếu ông thấy việc này là cần thiết để bảo vệ các giáo viên khỏi coronavirus.
Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio, trước đây đã gọi lời đe dọa đình công của nghiệp đoàn là một sự khiêu khích. Ban điều hành gồm 100 thành viên của United Federation of Teachers (UFT) — nghiệp đoàn giáo chức Thành phố New York — dự kiến họp vào tối Thứ Hai (31 tháng 8). Nghiệp đoàn cũng đã lên lịch cho một cuộc họp trực tuyến vào thứ ba (1 tháng 9) cho hàng nghìn thành viên trong hội đồng đại biểu, bao gồm đại diện của từng trường học.
Thị trưởng thành phố New York và Hiệu trưởng Richard Carranza đã tổ chức nhiều cuộc họp báo trong những tuần gần đây để nhấn mạnh việc chuẩn bị để mở cửa trở lại trường học một cách an toàn vào ngày
10 tháng 9, giới thiệu các kỹ thuật làm sạch mới, sử dụng khẩu trang và kế hoạch giữ học sinh cách nhau 6 feet để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.
Thị trưởng de Blasio đã nhiều lần nói rằng trẻ em học tập tốt hơn khi được đến trường, bất kỳ lớp học nào được coi là không an toàn sẽ không được mở cửa và hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn đưa con mình đến trường để học trực tiếp. (BBT)
Cộng đồng nail California ‘bất mãn’
vì chưa được phục vụ khách trong nhà
Cộng đồng thợ làm móng người Việt ở tiểu bang California, Mỹ, cảm thấy ‘bất mãn’ vì vẫn chưa được phép vào trong nhà làm việc trong khi các tiệm hớt tóc và làm tóc lại được. Sự khác biệt này khiến họ cân nhắc sẽ có hành động phản đối chính quyền bang.
Hôm 28/8, Thống đốc California, ông Gavin Newsom, đã cho phép từ ngày 31/8 toàn bộ 58 quận hạt trong tiểu bang được mở cửa các tiệm làm tóc và hớt tóc trong nhà sau một thời gian phải hoạt động ngoài không gian mở để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Ngoài ra, chính quyền tiểu bang cũng ra hướng dẫn đánh giá các quận hạt theo bốn thang bậc về mức độ lây nhiễm Covid-19 là ‘lây lan rộng’, ‘lây đáng kể’, ‘lây vừa phải’ và ‘lây tối thiểu’.
Theo đó, đại đa số các quận hạt đều đang chứng kiến mức lây lan cao nhất là ‘lây lan rộng’. Chỉ có ba quận hạt thưa thớt dân có mức lây lan tối thiểu. Trong các quận hạt đông dân, chỉ có hạt San Diego ở cực nam không bị lây lan rộng mà chỉ ‘lây đáng kể’.
‘Đối xử không công bằng’
Từ quận Cam, ông Tâm Nguyễn, chủ tịch ‘Nailing it for America’, hiệp hội đại diện cho 11.000 chủ tiệm làm móng gốc Việt ở California, bày tỏ sự tiếc nuối khi ngành nail vẫn phải hoạt động ngoài trời.
Ông Tâm cho biết hiện giờ ở California có 87% tiệm móng vẫn phải mở ngoài trời và chỉ có 13% được cho hoạt động trong không gian khép kín ở các quận hạt ít lây nhiễm.
Điều khiến ông bất bình không phải là việc tiệm nail chưa được cho vào trong nhà mà là có sự phân biệt đối xử, ông nói với VOA.
“Tôi không hài lòng vì có sự phân biệt giữa tiệm nail với tiệm tóc cũng như với các chợ. Những nơi đó và các chợ còn không an toàn và được bảo vệ kỹ như tiệm nail,” ông nói.
“Tôi đã gửi câu hỏi cho ông Thống đốc là tại sao ngành nào cũng có một nhân viên phục vụ một khách mà tiệm tóc được mở trong nhà còn tiệm nail thì không,” ông Tâm bức xúc và cho biết ông đang chờ đợi câu trả lời từ văn phòng Thống đốc Gavin Newsom.
“Tất cả tiệm nail của người Việt ở California trong thời gian chống dịch đã đóng cửa, đã tuân theo đúng hướng dẫn của Thống đốc đưa ra trong 6 tháng vừa qua,” ông nói thêm. “Đến giờ chúng tôi chưa rõ có số liệu hay căn cứ khoa học gì cho việc này hay không.”
Trước tình hình đó, hiệp hội nail của ông cùng ba hiệp hội ngành làm móng khác là Pro Nail Association, Sacramento Nail Association và Viet Nail, dự kiến sẽ có cuộc họp trong tuần này để bàn bạc cách ứng phó.
“Nhìn chung cộng đồng nail rất bực. Họ kêu gọi tập trung để phản đối. Đã có một vài cuộc biểu tình rồi,” vị lãnh đạo cộng đồng làm móng của người Việt cho biết.
‘Chi phí tăng, thu nhập giảm’
Ông Tâm cho biết việc hoạt động ngoài trời khiến cho các chủ tiệm nail gặp rất nhiều khó khăn.
“Thời tiết vừa rồi ở California rất là nóng, nên rất khó làm việc bên ngoài cho cả thợ và khách hàng. Ngoài thời tiết ra mình còn bị khói cháy rừng,” ông phân trần.
Ngoài ra, có những chỗ chủ phố, nơi đặt tiệm nail, không cho lấn chiếm không gian bên ngoài để hoạt động, hoặc chỉ cho làm trên vỉa hè, hoặc chỉ cho làm 1-2 chỗ ở bãi đậu xe.
“Bảo hiểm nói họ không chấp nhận chi trả bảo hiểm cho bên ngoài nên các tiệm nail hoạt động ngoài trời phải tự chịu rủi ro,” ông nói thêm.
Một vấn đề nữa là ‘không tiện chạy đường điện nước từ bên trong ra ngoài’. “Mình còn phải đầu tư thêm lều bạt, máy lạnh, quạt để làm việc bên ngoài được an toàn và lịch sự,” ông Tâm cho biết.
“Làm bên ngoài thu nhập bị giảm rất nhiều, đến 75%, trong khi đó tiền nhà, tiền nhân viên, tiền điện nước tất cả các chi phí đều phải trả đầy đủ.”
Chủ tịch hiệp hội ‘Nailing it for America’ cam kết nếu được mở cửa trong nhà trở lại, các tiệm làm móng ‘sẽ làm tất cả những gì trong khả năng để bảo vệ khách hàng và thợ’, chẳng hạn như đo thân nhiệt, theo dõi triệu chứng, đảm bảo giãn cách, xài dụng cụ dùng một lần, không cho khách đợi ở phòng chờ mà chừng nào thợ trống sẽ gọi khách có hẹn trước vào, không nhận tiền mặt nữa mà chỉ cho thanh toán qua thẻ để giảm tiếp xúc…
Theo hướng dẫn của Thống đốc Newsom, mức ‘lây lan nhanh’ được xác định là có 7 ca nhiễm mới mỗi ngày và tỷ lệ xét nghiệm dương tính là trên 8%. Trong khi đó, con số này cho mức ‘lây đáng kể’ tương ứng là 4-7 ca mỗi ngày và 5-8%; mức ‘lây vừa phải’ là từ 1 đến 3,9 ca và 2-4,9%. Còn những quận hạt nào có số ca nhiễm mỗi ngày dưới 1 và tỷ lệ dương tính dưới 2% được xem là ‘lây tối thiểu’.
Người Việt hiện chiếm hơn 80% ngành công nghiệp làm móng của tiểu bang California.
Ông Pence: Tổng thống Trump là lá chắn cuối cùng
chống ‘thiên tả cực đoan’
Lục Du
Phó Tổng thống Mike Pence nói với Breitbart News trong một cuộc phỏng vấn độc quyền vào thứ Sáu (28/8) tuần trước rằng ông tin những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump thời điểm hiện tại còn yêu mến ông Trump nhiều hơn hồi năm 2016.
Ông Pence cũng nói rằng Tổng thống Trump là “lá chắn cuối cùng” chống lại phe “thiên tả cực đoan” ở Mỹ.
Phó tướng của Tổng thống Trump lưu ý trong một bài phát biểu của mình ở bang Michigan rằng, kết quả của một cuộc thăm dò công bố hôm 28/8 do Trafalgar thực hiện cho thấy ông Trump đang dẫn các đối thủ ở bang này. Một cuộc thăm dò khác của Trafalgar cho kết quả, Tổng thống Trump đang thu hẹp khoảng cách với đối thủ ở bang Minnesota.
Ông Pence nói với Breitbart News rằng ông tin sự ủng hộ dành cho Tổng thống Trump chỉ tiếp tục tăng so với thời điểm bốn năm trước.
Phó Tổng thống Pence cũng nhấn mạnh rằng mục tiêu của đảng Cộng hòa là Tổng thống Trump tiếp tục đặc cử nhiệm kỳ thứ hai và đảng này tiếp tục kiểm soát thượng viện, cũng như nghị sĩ Cộng hòa Kevin McCarthy sẽ trở thành chủ tịch Hạ viện.
Ông Pence nhắc lại rằng ông vẫn tự tin hơn bao giờ hết về việc đảng Cộng hòa sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020; tuy nhiên, ông cảnh báo Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát có thể đi đến các hành động “thiên tả cực đoan” thúc đẩy các chính sách làm suy yếu tự do của nước Mỹ, và gây hại cho sự phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ.
Theo Breitbart
Lục Du dịch và biên tập
Trump bênh người ủng hộ
bị cáo buộc trong các cuộc đụng độ chết người
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bênh vực những người ủng hộ ông bị cáo buộc trong các cuộc đụng độ đường phố gây chết người gần đây.
Ông Trump nói một thiếu niên bị buộc tội giết hai người ở Wisconsin tuần trước và những người hâm mộ liên quan đến các cuộc đụng độ ở Oregon hôm thứ Bảy hành động trong tự vệ.
Ông Trump chỉ ra rằng đối thủ Đảng Dân chủ, Joe Biden, đã từ chối không lên án cụ thể các nhà hoạt động cực tả bị cáo buộc gây rối trật tự dân sự.
Ông Biden đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử tháng 11.
Cử tri Mỹ ở Thái Lan: ‘đi bầu để bảo vệ nền dân chủ’
Dù Trump hay Biden, TQ không mong đợi sẽ được ủng hộ
Donald Trump nói gì?
Tại cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Hai, ông Trump đổ lỗi cho ông Biden và các đồng minh về tình trạng bạo lực ở các thành phố do các thị trưởng và thống đốc đảng Dân chủ điều hành.
Một phóng viên CNN hỏi Tổng thống đảng Cộng hòa liệu ông có lên án những người ủng hộ đã bắn viên sơn trong cuộc đối đầu với người phản đối vào cuối tuần ở Portland, Oregon hay không.
Trong các cuộc đụng độ trên đường phố sau đó, một thành viên của nhóm cánh hữu, Patriot Prayer, đã bị giết bởi một kẻ tình nghi được cho là thành viên của antifa, một mạng lưới liên kết lỏng lẻo với chủ yếu là các nhà hoạt động cực tả.
Hôm thứ Hai, cảnh sát xác định danh tánh người đàn ông bị bắn chết là Aaron Danielson. Chưa có ai bị bắt giữ trong vụ này.
“Chà, tôi hiểu họ có một số lượng lớn những người ủng hộ, nhưng đó là một cuộc biểu tình ôn hòa”, ông Trump trả lời phóng viên CNN, trong một nỗ lực rõ ràng là tấn công các hãng truyền thông Hoa Kỳ, mà trước đây ông cáo buộc bỏ qua các cuộc biểu tình Black Lives Matter có lúc trở thành bạo động.
“Sơn viên là một cơ chế phòng thủ, không phải là đạn.”
“Những người ủng hộ bạn, và họ thực sự là những người ủng hộ bạn, đã bắn một người đàn ông trẻ – và giết anh ta, không phải bằng sơn viên mà bằng một viên đạn. Và tôi nghĩ điều đó thật đáng hổ thẹn.”
Một phóng viên khác hỏi ông Trump liệu ông có lên án vụ xả súng ở Kenosha, Wisconsin, được cho là của một thiếu niên từng được chụp ảnh tại một trong những cuộc vận động tranh cử của tổng thống hay không.
Kyle Rittenhouse, 17 tuổi, bị cáo buộc bắn 3 người, khiến 2 người tử vong tuần trước trong khi các cuộc biểu tình ở thành phố đang diễn ra về vụ cảnh sát bắn chết Jacob Blake.
Ủng hộ BLM, hai người Mỹ gốc Việt bị gọi là ‘cộng sản’ và khủng bố tinh thần
Black Lives Matter: Hãy đồng hành tư tưởng với con mình
“Chúng tôi đang xem xét tất cả những điều đó,” ông Trump nói, “đó là một tình huống thú vị, bạn đã thấy đoạn video như tôi đã thấy và anh ấy đang cố gắng tránh xa đám đông, tôi đoán, có vẻ như vậy. Và anh ấy ngã xuống, và sau đó họ tấn công anh dữ dội.”
“Và đó là điều mà chúng tôi đang xem xét ngay bây giờ và sự việc đang được điều tra.”
“Tôi đoán anh ấy đã gặp rắc rối rất lớn, có lẽ anh ấy có nguy cơ bị giết.”
Chiến tuyến ‘luật pháp và trật tự’
Phân tích của Aleem Maqbool, BBC News, Kenosha
Trong suốt mùa hè, Tổng thống Trump gọi những người xuống đường trên khắp nước Mỹ là những kẻ cướp bóc, bạo loạn, vô chính phủ và côn đồ. Đó là mặc dù hầu hết các cuộc biểu tình kêu gọi chấm dứt bất công chủng tộc và chống lại sự tàn bạo của cảnh sát, đều diễn ra trong ôn hòa.
Nhưng cũng giống như người theo Đảng Dân chủ cáo buộc tổng thống lợi dụng và thậm chí châm ngòi cho tình trạng bất ổn để đạt được lợi ích chính trị, thì những người ủng hộ Donald Trump cũng cáo buộc Đảng Dân chủ điều tương tự.
“Thị trưởng của chúng tôi là đảng viên Dân chủ, thống đốc là đảng viên đảng Dân chủ và việc họ từ chối giúp đỡ ngay từ sớm chỉ cho tôi thấy rằng họ đang chơi trò chính trị”, một người ủng hộ Trump ở Kenosha nói.
Trên thực tế, thống đốc Wisconsin đã gọi Vệ binh Quốc gia một ngày sau khi Jacob Blake bị một cảnh sát trong thành phố bắn.
Nhưng với thông điệp tích cực về luật pháp và trật tự đến từ Nhà Trắng, chiến tuyến đã được vẽ ra về vấn đề này – một vấn đề mà chúng ta sẽ được nghe nhiều hơn trong chín tuần tới.
Joe Biden nói gì?
Trước đó, hôm thứ Hai, ông Biden mạnh mẽ lên án bạo lực tại các cuộc biểu tình gần đây, đồng thời đổ lỗi cho Tổng thống Trump đã khiến cho đất nước mất an toàn.
Đó là nỗ lực kiên quyết nhất của ứng cử viên đảng Dân chủ đẻ hống lại chỉ trích của đảng Cộng hòa rằng ông yếu về mặt luật pháp và trật tự.
“Tôi có trông giống như một nhà xã hội chủ nghĩa cấp tiến có cảm tình với những kẻ gây bạo loạn?” Ông Biden, phát biểu tại thành phố Pittsburgh, trong tiểu bang bầu cử quan trọng của Hoa Kỳ là Pennsylvania. “Có thật không vậy?”
Cựu phó tổng thống Mỹ cáo buộc ông Trump đã gây bạo lực ở Mỹ trong nhiều năm.
“Bạn biết đấy,” ông Biden nói, “Trump có thể tin rằng mạnh miệng nói những chữ luật pháp và trật tự khiến ông trở nên mạnh mẽ, nhưng việc ông không kêu gọi được những người ủng hộ mình ngừng hành động như một lực lượng dân quân vũ trang ở đất nước này cho thấy ông yếu thế nào.”
“Có ai tin rằng sẽ có ít bạo lực ở Mỹ hơn nếu Donald Trump tái đắc cử?” Biden hỏi.
Ứng cử viên của đảng Dân chủ không nhận câu hỏi từ giới truyền thông.
Phát biểu của ông Biden thể hiện một điểm xoay mấu chốt từ hướng tấn công chính của ông cho đến nay – rằng Nhà Trắng đã xử lý sai cách đối phó với đại dịch virus corona, đã giết chết hơn 180.000 người ở Mỹ.
Joe Biden trước đây nói gì?
Biden trước đây từng lên tiếng phản đối các cuộc biểu tình bạo lực nhiều lần từ tháng 5 đến tháng 7, theo kiểm tra thực tế của Washington Post.
Các đảng viên Dân chủ hầu như không đề cập đến vấn đề này trong hội nghị của họ từ ngày 17 đến ngày 20/8, thay vào đó tập trung vào công lý chủng tộc và các nạn nhân người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát đối xử tàn bạo. Bạo loạn và cướp bóc là chủ đề trọng tâm của đại hội đảng Cộng hòa một tuần sau đó.
Kể từ khi vụ bắn Jacob Blake ở Wisconsin vào ngày 23/8 làm bùng phát xung đột dân sự, ông Biden và chiến dịch của ông tiếp tục chỉ trích bạo lực tại các cuộc biểu tình.
Theo hãng tin AP, ông Biden đã được các đảng viên Dân chủ quan tâm – kể cả những người trong chiến dịch tranh cử của ông – thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong việc tố cáo bạo lực liên quan đến biểu tình.
Nghiên cứu của Marquette University Law School tại Milwaukee, Wisconsin, hôm 11/8 cho thấy sự ủng hộ cho các cuộc biểu tình đòi công lý chủng tộc giảm 13% và cho Black Lives Matter giảm 10% từ tháng 6 đến tháng 8.
Wisconsin – nơi đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng trong cuộc tranh cử yếu thế của ông Trump cách đây 4 năm – là tiểu bang bắt buộc phải thắng đối với đảng Dân chủ trong tháng 11.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53971209
Joe Biden lên án bạo lực ở thành phố Portland
Hôm Chủ nhật (30 tháng 8), ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden đã đưa ra một tuyên bố dài lên án các vụ bạo lực ở thành phố Portland, tiểu bang Oregon, một ngày sau khi một người đàn ông bị bắn chết sau cuộc đối đầu giữa những người biểu tình Black Lives Matter và người ủng hộ tổng thống Trump.
Cảnh sát Portland đang điều tra vụ một người đàn ông có liên hệ với một nhóm cực hữu bị bắn chết. Chưa rõ liệu vụ nổ súng có liên quan đến cuộc ẩu đả giữa những người biểu tình phản đối và những người ủng hộ tổng thống Trump hay không.
Các cuộc đụng độ xảy ra khi một nhóm lớn những người ủng hộ tổng thống Trump lái xe qua trung tâm thành phố Portland trong một đoàn xe hàng trăm chiếc vào hôm thứ Bảy (29 tháng 8). Các đoạn video từ sự kiện cho thấy những người biểu tình ném những vật dụng như chai nước vào đoàn xe người ủng hộ tổng thống Trump, trong khi người ủng hộ tổng thống Trump dùng súng sơn và bình xịt hơi cay đáp trả.
Thành phố Portland đã có những cuộc biểu tình hàng đêm trong hơn ba tháng kể từ khi cảnh sát giết chết George Floyd ở Minneapolis. Tổng thống Trump đã nhiều lần lên án những người biểu tình và kêu gọi lập lại trật tự ở Portland.
Tổng thống cũng công kích các viên chức đảng Dân chủ của tiểu bang và địa phương vì để các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra và kêu gọi liên bang phản ứng lại các cuộc biểu tình. Ông Biden cáo buộc tổng thống Trump “thổi bùng ngọn lửa thù hận và chia rẽ” ở Hoa Kỳ, khuyến khích bạo lực và kích động nỗi sợ hãi để thu hút sự ủng hộ.
Bạo lực ở Portland diễn ra vài ngày sau khi một thiếu niên 17 tuổi bắn chết hai người và làm một người bị thương nặng trong cuộc đụng độ ở Kenosha, Wisconsin. Thành phố Kenosha đã có tình tình trạng bất ổn kể từ sau vụ cảnh sát bắn Jacob Blake, một người đàn ông da màu 29 tuổi. (BBT)
https://www.sbtn.tv/joe-biden-len-an-bao-luc-o-thanh-pho-portland/
Đối diện tình trạng biểu tình bạo loạn, TNS Cotton
lên án ông Biden chỉ biết nói không biết làm
Duy Nghĩa
Thượng nghị sĩ Tom Cotton cho rằng ông Biden sẽ mang kiểu ‘lãnh đạo vô trách nhiệm’ vào Nhà Trắng nếu trở thành tổng thống Mỹ.
Phát biểu trên tờ Fox News hôm 31/8, vị thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho hay “ông [Biden] đã đưa ra một tuyên bố ‘quanh co’ ngày hôm qua. Ông ấy không kêu gọi các thị trưởng đảng Dân chủ cho phép
cảnh sát thực thi luật pháp, hoặc các thống đốc đảng Dân chủ sử dụng lực lượng bảo vệ quốc gia khi cần thiết, ông ấy chỉ đơn giản đưa ra một tuyên bố cứng rắn”.
Trước đó, ông Biden đã lên án tình trạng bạo loạn ở Kenosha hôm 26/8, khi nói rằng “bạo lực vô ích sẽ không hàn gắn vết thương của chúng ta”.
Bình luận của cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden được đưa ra trong những ngày bất ổn ở Kenosha sau khi Blake, một thanh niên da đen 29 tuổi, bị các sĩ quan cảnh sát thành phố bắn ở cự ly gần, khiến anh bị liệt một phần.
Thượng nghị sĩ Cotton cho rằng, đó là kiểu ‘lãnh đạo vô trách nhiệm’ mà cựu Phó Tổng thống Biden sẽ thể hiện nếu trở thành tổng thống Mỹ.
“Không thực thi luật pháp, không sử dụng vũ lực khi cần thiết để ngăn chặn loại bạo lực này, mà chỉ đơn giản là những lời nói trên giấy”, thượng nghị sĩ Cotton phê phán cách hành xử của ông Biden liên quan đến tình trạng bạo loạn ở thành phố Kenosha.
Thượng nghị sĩ Cotton cũng đã chỉ trích ông Biden và bà Kamala Harris (ứng viên phó tổng thống), vì có mối liên hệ với những cá nhân quyên góp cho ‘Quỹ Tự do Minnesota (Minnesota Freedom Fund)’.
“Chính nhân viên của Joe Biden trong chiến dịch vận động của ông ta đã đóng góp vào Quỹ Tự do Minnesota. Bà Kamala Harris đã khuyến khích những người ủng hộ mình đóng góp cho Quỹ Tự do Minnesota”, thượng nghị sĩ Cotton cho biết, đồng thời chỉ trích quỹ này “cung cấp tiền bảo lãnh cho một kẻ hiếp dâm hàng loạt, những kẻ giết người và những tên tội phạm bạo lực khác, những kẻ hiện đã trở lại đường phố nhờ ‘thế giới quan’ của Joe Biden và Kamala Harris”.
Cuối cùng, thường nghị sĩ Cotton cảnh báo: “Đó là kiểu thế giới quan mà họ sẽ mang đến Nhà Trắng – đó là lý do tại sao nước Mỹ sẽ không an toàn dưới sự cai trị của một Tổng thống Biden”.
Theo Fox News
Duy Nghĩa biên dịch
Súng nổ ở Woodland Hills, California
nơi đoàn xe người ủng hộ Tổng Thống Trump đi qua
Theo sở cảnh sát Los Angeles (LAPD), hôm Chủ nhật (30 tháng 8) cảnh sát đã nhanh chóng đến hiện trường các báo cáo về tiếng súng nổ trên đường phố của Woodland Hills, nơi một đoàn xe lớn những người ủng hộ tổng thống Trump đi qua vào sáng Chủ nhật (30 tháng 8).
Phát ngôn viên LAPD Will Cooper cho biết một người phụ nữ đã lái xe chạy ngang qua đoàn xe đó trên đường Ventura Boulevard cho biết bà nghe thấy tiếng gì đó như tiếng súng vào khoảng 11:30 sáng, và sau đó phát hiện lốp xe của mình bị xẹp do một vật thể có thể là viên đạn.
Theo phát ngôn viên Josh Rubenstein của LAPD, một người khác sau đó báo với cảnh sát rằng một người cầm súng đang ở ban công trong một tòa nhà chung cư gần đó ở khu 20600 của đường Ventura Boulevard. Đến khoảng 4 giờ chiều, ông Rubenstein cho biết hiện chưa rõ liệu có phát súng nào được bắn hay không và các cảnh sát vẫn chưa có tiếp xúc với bất kỳ nghi can nào.
LAPD cho biết cảnh sát đã phong tỏa tòa nhà và di tản các đơn vị gần đó. Vào lúc 3:30 chiều, 3 nghi can vẫn đang ẩn náo tại một địa điểm trên đường Ventura Boulevard. Các cảnh sát đã thiết lập một vòng vây và cử một đội SWAT đến hiện trường.
Phó giám đốc cơ quan LAPD Valley nói với tờ L.A Times rằng họ đã thu thập một bức ảnh người đàn ông cầm súng trường trên ban công của một căn nhà chung cư. Đoàn xe ủng hộ tổng thống Trump đã đi qua khu vực này từ Woodland Hills đến Studio City. Video cho thấy hàng trăm người tham gia cuộc diễn hành. Cảnh sát cho biết không có báo cáo nào về trường hợp bị thương nào và đoàn xe đó vẫn tiếp tục hành trình của họ. (BBT)
Tòa kháng án không cho hủy bỏ
vụ án của ông Michael Flynn
Tin Washington DC – Tòa kháng án liên bang tại Washington vào thứ Hai, 31 tháng 8, đã không đồng ý hủy bỏ truy tố đối với cựu Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn, cho phép một thẩm phán cấp dưới tiếp tục chất vấn Bộ Tư Pháp về quyết định hủy bỏ vụ án của cựu viên chức này. Đây là diễn biến mới nhất về vụ án của ông Flynn, vốn đã có nhiều biến động trong năm ngoái, dẫn tới sự đụng độ giữa một thẩm phán liên bang lâu năm và chính quyền tổng thống Trump.
Sự việc bắt đầu từ tháng 5 năm ngoái, khi Bộ Tư Pháp thông báo hủy truy tố đối với ông Flynn, dù ông đã nhận tội nói dối với FBI về mối liên hệ của ông với đại sứ Nga trong giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa chính quyền Obama và chính quyền Trump. Tuy nhiên, Thẩm Phán liên bang Emmet Sullivan tỏ ra nghi ngờ quyết định của chính phủ, và không chấp nhận yêu cầu hủy truy tố của Bộ Tư Pháp. Thay vào đó, Thẩm Phán Sullivan bổ nhiệm một thẩm phán về hưu khác để tranh luận chống lại hành động của chính quyền.
Các luật sư của ông Flynn sau đó xin được lệnh từ tòa kháng án, yêu cầu Thẩm Phán Sullivan phải ngay lập tức hủy bỏ vụ kiện. Vấn đề đang được tranh luận hiện nay là liệu Thẩm Phán Sullivan có bị buộc phải chấp nhận yêu cầu hủy truy tố của Bộ Tư Pháp, mà không được mở bất kỳ phiên điều trần nào về động cơ của yêu cầu này hay không.
Trong văn bản phán quyết, tòa kháng án tuyên bố không can thiệp vào quyết định của Bộ Tư Pháp về việc truy tố hay không truy tố ông Flynn. Ngoài ra, tòa kháng án sẽ đứng ngoài sự việc, và chờ cho tới khi tòa cấp dưới có quyết định sau cùng đối với đề nghị hủy truy tố của Bộ Tư Pháp
https://www.sbtn.tv/toa-khang-an-khong-cho-huy-bo-vu-an-cua-ong-michael-flynn/
Hãng hàng không United Airlines bỏ lệ phí đổi vé
cho các chuyến bay nội địa đề thu hút hành khách
Hôm Chủ nhật (30 tháng 8), hãng hàng không United Airlines thông báo sẽ loại bỏ lệ phí đối vé cho chuyến bay nội địa vĩnh viễn, với hy vọng rằng các chính sách linh hoạt hơn sẽ giành được khách hàng hơn khi tác động của đại dịch coronavirus lên du lịch hàng không tiếp tục gia tăng. Hãng United thông báo ngừng tính lệ phí đổi vé 200 Mỹ kim khi các hãng hàng không đang cố gắng tìm cách phục hồi hoạt động kinh doanh đang bị đại dịch vùi dập.
Vào mùa hè này, thống kê của Cơ quan An ninh Vận tải tại các phi trường của Hoa Kỳ cho thấy lượng hành khách chỉ bằng khoảng 30% so với mức của năm ngoái, vì các hãng hàng không không có doanh thu trong mùa du lịch cao điểm vào mùa hè. Khách hàng có vé hạng phổ thông tiêu chuẩn hoặc vé cao cấp sẽ được đổi chuyến bay mà không phải trả lệ phí nhưng sẽ phải chịu sự chênh lệch về giá vé.
Chính sách mới không áp dụng cho vé hạng phổ thông căn bản, nhưng hãng United đã gia hạn miễn phí đổi mọi loại vé bay cho đến cuối năm. Đến tháng 01/2021, hãng United cũng sẽ cho phép hành khách muốn khởi hành sớm hơn hoặc muộn hơn cùng ngày bằng vé dự phòng (standby) mà không phải trả 75 Mỹ kim tiền đổi vé trong cùng ngày.
Các biện pháp mới này có thể gia tăng áp lực buộc các đối thủ cạnh tranh phải thay đổi chính sách tương tự. Việc bỏ phí lệ phí đổi vé là sự khởi đầu cho vô số loại tiện ích bổ sung và các khoản phí khác mà các hãng hàng không đã mất nhiều năm xử dụng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ, vào năm 2019, các hãng vận tải của Hoa Kỳ đã thu về 2.8 tỷ Mỹ kim từ tiền đổi và hủy vé. (BBT)
Facebook dọa sẽ cấm người dùng chia sẻ tin tức ở Úc
Facebook dọa sẽ ngăn người dùng chia sẻ nội dung tin tức ở Úc khi công ty này chuẩn bị đối phó với một luật mới buộc họ phải trả tiền cho các nhà xuất bản để đăng nội dung của họ.
Giới quản lý muốn những gã khổng lồ công nghệ như Facebook và Google trả tiền cho nội dung được đăng lại từ các hãng tin tức.
Tháng trước, Google đã cảnh báo người dùng rằng các dịch vụ tìm kiếm có thể “tồi tệ đi nhiều” nếu luật này được ban hành.
Động thái mới nhất của Facebook nhằm ngăn chặn chia sẻ tin tức khiến căng thẳng giữa các công ty công nghệ và cơ quan quản lý leo thang.
Mạng xã hội Facebook nói rằng nếu luật đang được đề xuất được ban hành, công ty này sẽ ngăn người Úc chia sẻ tin tức trên Facebook và trên Instagram, công ty con của Facebook.
Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc đã đưa ra các quy tắc “san bằng sân chơi” giữa những gã khổng lồ công nghệ và các nhà xuất bản mà họ cho rằng đang gặp khó khăn do bị mất doanh thu quảng cáo.
VN: Thêm một người bị bỏ tù vì bài viết trên Facebook
Kỹ sư Silicon Valley: VN tắt máy chủ Facebook ‘làm lu mờ hình ảnh đẹp’
Facebook kêu gọi có thêm quy định về ‘nội dung độc hại’
Nhưng trong một bài đăng trên blog, Giám đốc điều hành của Facebook tại Úc và New Zealand, ông Will Easton, nói dự thảo luật này “hiểu sai động lực của internet và sẽ gây thiệt hại cho chính các công ty truyền thông mà chính phủ đang cố gắng bảo vệ”.
Ông lập luận rằng nó sẽ buộc Facebook phải trả tiền cho nội dung mà các nhà xuất bản tự nguyện đặt trên nền tảng của nó để tạo ra lưu lượng truy cập trở lại các trang tin của họ.
Ông Easton tuyên bố Facebook đã chuyển 2,3 tỷ nhấp chuột từ nguồn cấp tin tức của Facebook trở lại các trang web tin tức của Úc, trị giá khoảng 148 triệu đôla Mỹ, trong năm tháng đầu năm 2020.
Việc chặn tin tức “không phải là lựa chọn đầu tiên của chúng tôi – đó là lựa chọn cuối cùng”, ông nói và nói thêm rằng các dịch vụ khác của Facebook cho phép gia đình và bạn bè kết nối sẽ không bị ảnh hưởng.
Một phát ngôn viên của Facebook nói với BBC rằng họ sẽ “sớm cung cấp chi tiết cụ thể” về cách thức thực thi lệnh cấm.
Một số chuyên gia kinh doanh cho rằng các công ty công nghệ nên trả tiền cho các nhà xuất bản cho nội dung tin tức chất lượng mà họ đăng lại.
Michael Wade, giáo sư tại Trường Kinh doanh IMD ở Thụy Sĩ và Singapore, nói với BBC vào tháng trước:
“Google, Facebook và những công ty khác đã được hưởng lợi miễn phí quá lâu”.
Google và Facebook có trả tiền cho một số nội dung tin tức ở các thị trường cụ thể và cho biết họ có kế hoạch triển khai các sáng kiến này đến nhiều quốc gia hơn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53971215
Venezuela tìm người
tham gia thử nghiệm vaccine Covid-19 của Nga
Hồi đầu tháng, Tổng thống Maduro nói ông sẽ là người đầu tiên tiêm vaccine
Tổng thống Maduro đang cố tìm đủ 500 tình nguyện viên chịu thử nghiệm vaccine như đã hứa với Nga; chính phủ tuyên bố ân xá hơn 100 người đối lập trước khi có bầu cử Quốc hội.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố ông sẽ tìm kiếm các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Covid-19 do Nga phát triển.
Venezuela: Tòa London nói Tổng thống Maduro không được lấy vàng ở Anh
Virus corona: Việt Nam đặt mua hàng triệu liều vaccine từ Nga
Nga là quốc gia đầu tiên chính thức đăng ký vaccine phòng chống virus corona, vào hôm 11/8.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã đặt câu hỏi về việc liệu nước này đã thực hiện hết các bước thử nghiệm cần thiết hay chưa.
Chính phủ Venezuela, vốn đã nhận các khoản vay hàng tỷ đô la Nga, nói rằng họ sẵn sàng tham dự vào các thử nghiệm lâm sàng.
Tìm kiếm tình nguyện viên
“Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ kêu gọi để tìm tình nguyện viên tham gia dùng vaccine,” Tổng thống Maduro tuyên bố hôm Chủ Nhật.
Các khoa học gia Nga nói những thử nghiệm trong giai đoạn đầu đối với vaccine của họ đã thành công – mặc dù cơ quan chức năng đã chuẩn thuận vaccine trước khi việc thử nghiệm trên quy mô lớn hơn, liên quan tới hàng ngàn người, được hoàn tất.
Tuyên bố của ông Maduro là chỉ dấu cho thấy Venezuela vẫn chưa có các tình nguyện viên, và Bộ trưởng Y tế Carlos Alvarado đã quá vội vã khi 10 hôm trước đó nói rằng Venezuela đề nghị góp cho Nga “500 tình nguyện viên tham dự các thử nghiệm vaccine”.
Chính quyền Venezuela cũng nói rằng họ đã sẵn sàng tham dự vào việc thử nghiệm các vaccine phòng chống Covid-19 của Trung Quốc và Cuba.
Bấp bênh chính trị
Trung Quốc và Cuba, cùng với Nga, là các đồng minh đáng tin cậy của ông Nicholas Marudo, người đứng đầu chính phủ đang ngày càng trở nên cô độc sau khi có hơn 50 quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ và Anh, đã công nhận đối thủ của ông, Juan Guiadó, là tổng thống lâm thời.
Ông Guiadó là người lãnh đạo Quốc hội, cơ quan duy nhất tại Venezuela do phe đối lập kiểm soát. Ông đã tự tuyên bố là tổng thống tạm quyền vào tháng 1/2019 sau kỳ bầu cử với kết quả ông Maduro tiếp tục nắm quyền, sự kiện bị lên án rộng rãi là không tự do, cũng không công bằng.
Mỹ áp lệnh trừng phạt nặng lên Venezuela
Máy bay quân sự Nga ‘đáp ở Venezuela’
Nga, Trung Quốc vẫn tin Venezuela trả được nợ
Ông Maduro được hậu thuẫn từ các lực lượng an ninh, vẫn tiếp tục nắm Phủ Tổng thống và nhìn chung vẫn kiểm soát đất nước.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đã khiến chính phủ ông phải phụ thuộc vào các khoản vay từ Nga và những đồng minh còn lại.
Chính phủ Venezuela vừa tuyên bố sẽ ân xá cho hơn 100 người, trong đó gồm các các nhân vật đối lập chính trị hiện đang bị tù, đã chạy vào các tòa đại sứ tại Caracas xin tị nạn, hoặc đã rời khỏi đất nước.
Tuyên bố được đưa ra trước khi nước này có kỳ bầu cử Quốc hội, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 6/12, là sự kiện mà phong trào do ông Guiadó lãnh đạo nói sẽ tẩy chay bởi các điều kiện bầu cử là không công bằng.
Tin cho hay Bộ trưởng Truyền thông Jorge Rodríguez đã lên danh sách 110 người sẽ được ân xá, tuy các điều kiện để được ân xá thì không rõ ràng.
‘Số liệu nhiễm Covid không phản ánh thực tế’
Sau khi Nga công bố đã đăng ký vaccine Covid-19, được đặt tên là Sputnik V, ông Marudo đã chúc mừng Moscow.
Ông cũng nói rằng ông sẽ là người đầu tiên tiêm chủng.
“Người đầu tiên được tiêm vaccine sẽ là tôi. Tôi sẽ chủng ngừa,” ông nói hôm 16/8.
Tuy nhiên, trong lời phát biểu hôm Chủ Nhật, ông không nói liệu ông có nằm trong số 500 tình nguyện viên hay không.
Venezuela có chưa tới 50 nghìn ca được xác định là nhiễm virus corona và 381 trường hợp tử vong, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.
Thế nhưng các nhà nghiên cứu miễn dịch nói rằng con số thực sự có thể cao hơn nhiều, bởi nhiều người Venezuela không đi xét nghiệm – họ sợ sẽ bị hắt hủi sau khi chính phủ đổ lỗi cho những di dân trở về là nguồn làm lây nhiễm Covid-19.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53985662
Covid-19 : Học sinh Cuba tựu trường vào lúc
lệnh giới nghiêm được áp dụng ở thủ đô La Habana
Minh Anh
Cuba dường như vẫn kiểm soát được dịch Covid-19. Cho đến nay, hòn đảo này chỉ ghi nhận có 4000 ca nhiễm, 94 người tử vong. Hôm nay, 01/09/2020, vào lúc đa số học sinh tựu trường, chính quyền Cuba ban hành nhiều biện pháp cứng rắn, đặc biệt là lệnh giới nghiêm ở thủ đô.
Từ La Habana, thông tín viên Domitille Piron giải thích :
« Kể từ hôm nay, cấm lưu thông trên đường phố từ 19 giờ đến 5 giờ sáng. Chắc chắn là lệnh giới nghiêm khó mà được tuân thủ, nhất là tại các khu phố cũ, bình dân ở trung tâm La Habana và khu phố cổ.
Để tránh các ca nhiễm mới gia tăng ồ ạt, việc ra – vào thủ đô sẽ bị hạn chế và trong vòng 15 ngày, người dân chỉ được quyền mua thực phẩm tại khu phố mình ở, cấm đi sang nơi khác.
Biện pháp này sẽ cho phép hạn chế lây lan nhưng khó khăn trong việc tiếp tế thực phẩm có nguy cơ trầm trọng thêm. Từ nhiều tháng nay, nạn khan hiếm đã dẫn đến việc người dân xếp hàng đông đảo trong nhiều giờ để mua thực phẩm.
Trong lúc La Habana đóng cửa và tăng cường các biện pháp phòng ngừa, thì phần còn lại của đất nước quay trở lại sinh hoạt bình thường. Học sinh Cuba lại tới trường, ngoại trừ ở thủ đô.
Từ nay cho đến tháng 10, các em học sinh sẽ học nốt chương trình năm cũ và sau đó mới chuyển sang chương trình năm nay. Cơ quan chức năng bảo đảm là tất cả các trường học sẽ được cung cấp đầy đủ nước để tuân thủ các biện pháp vệ sinh.
Và người dân thủ đô sẽ tiếp tục thưởng thức các chương trình trên vô tuyến truyền hình. Chỉ có một biện pháp chung duy nhất được áp dụng trên toàn quốc và đối với tất cả mọi người : đó là bắt buộc phải đeo khẩu trang. »
COVID-19: Vaccine của Nga và Trung Quốc
bắt đầu lộ diện khuyết điểm
Bình luậnThiện Đức
Các chuyên gia nhận định vaccine của Nga và Trung Quốc kém hiệu quả và đầy rẫy những nguy cơ…
Vaccine được coi là thiết yếu để chấm dứt đại dịch COVID-19, thứ đã cướp đi sinh mạng của hơn 845.000 người khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, các loại vaccine COVID-19 thử nghiệm của Nga và Trung Quốc đang để lộ dần những khuyết điểm tiềm ẩn. Vaccine Trung Quốc là của công ty CanSino Biologics, nó đang được chấp thuận thử nghiệm trong quân đội ở Trung Quốc. Còn vaccine chống ĐCSTQ của Nga là Sputnik V được phát triển bởi Viện Gamaleya.
Hai loại vaccine này của Nga và Trung Quốc đều phát triển dựa trên các chủng adenovirus (Ad5). Sputnik V của Nga thì còn kết hợp thêm một chủng virus nữa. Do Ad5 là chủng virus gây cảm lạnh thông thường mà nhiều người đã tiếp xúc nên hiệu quả vaccine chống COVID-19 của hai nước này được cho là sẽ bị hạn chế.
Vaccine chống COVID-19 thì đã được chính phủ Putin phê duyệt đầu tháng Tám. Vaccine của Trung Quốc thì đang đàm phán để được phê duyệt khẩn cấp ở một số quốc gia trước khi hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3.
Ad5 một loại trung gian kém hiệu quả
Anna Durbin là một nhà nghiên cứu vaccine tại trường Đại học Johns Hopkins cho biết: “Ad5 làm tôi lo ngại vì rất nhiều người đã có khả năng miễn dịch. Tôi không chắc chiến lược của họ (Nga và Trung Quốc) là gì… có lẽ nó sẽ không đạt được 70%. Hiệu quả hoặc chỉ có thể 40% – cũng tốt hơn là không có hiệu quả gì, cho đến khi có thêm gì đó khác”.
Gamaleya cho biết phương pháp tiếp cận hai loại virus của họ sẽ giải quyết các vấn đề về miễn dịch Ad5. Cả hai nhà phát triển đều có nhiều năm kinh nghiệm và Gamaleya đã phê duyệt vaccine Ebola của Nga dựa trên Ad5. Công ty này và cả CanSino của Trung Quốc đều không trả lời những yêu cầu bình luận.
Nhiều nhà nghiên cứu đã thử nghiệm vaccine dựa trên Ad5 để chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng trong những thập kỷ qua, nhưng không có loại nào được đưa vào sử dụng rộng rãi.
Họ sử dụng virus vô hại làm “vật trung gian” để chuyển gen từ virus đích vào cơ thể người, và trong trường hợp này là virus Vũ Hán. Mục đích của việc này là thúc đẩy phản ứng miễn dịch để chống lại virus thực sự.
Tuy nhiên, nhiều người đã có sẵn kháng thể chống lại Ad5, điều này có thể khiến hệ thống miễn dịch tấn công “vật trung gian” thay vì với virus thực sự, SARS-CoV-2. Điều này khiến các loại vaccine này kém hiệu quả.
Một số nhà nghiên cứu đã chọn các Adenovirus thay thế hoặc vật trung gian khác. Đại học Oxford và AstraZeneca điều chế vaccine COVID-19 dựa trên adenovirus của tinh tinh, tránh được vấn đề Ad5. Ứng cử viên của Johnson & Johnson (J&J) thì sử dụng adenovirus type 26 (Ad26), một chủng virus tương đối hiếm.
Tiến sĩ Zhou Xing từ Đại học McMaster của Canada đã làm việc với CanSino về vaccine phòng lao dựa trên Ad5 đầu tiên vào năm 2011. Nhóm của ông đang phát triển vaccine COVID-19 dựa trên Ad5 nhưng ở dạng hít thay cho dạng chích thông thường. Tiến sĩ Zhou Xing cho biết, dạng hít có thể tránh được các vấn đề miễn dịch chống Ad5 đã có từ trước.
Ông cho biết thêm: “Ứng cử viên vaccine của Oxford có lợi thế hơn hẳn so với vaccine CanSino. Đồng thời, tôi cũng lo lắng liều lượng cao Ad5 để làm vật trung gian trong vaccine CanSino có thể dẫn đến gây sốt, làm dấy lên sự hoài nghi về loại vaccine này.”
Tiến sĩ Hildegund Ertl là giám đốc Trung tâm vaccine thuộc Viện Wistar ở Philadelphia cho biết: “Tôi nghĩ rằng, những người không có kháng thể với vaccine, sẽ có được khả năng miễn dịch tốt. Tuy nhiên, rất nhiều người đã có kháng thể với loại vaccine đó rồi”.
Theo các chuyên gia cho biết, ở Trung Quốc và Hoa Kỳ, khoảng 40% số người có lượng kháng thể cao do tiếp xúc với Ad5 trước đó. Ở châu Phi, con số này có thể lên tới 80%.
Rủi ro nhiễm HIV
Một số nhà khoa học cũng lo lắng khi loại vaccine của Nga và Trung Quốc dựa trên Ad5 có thể làm gia tăng cơ hội lây nhiễm HIV. Trong một thử nghiệm năm 2004 về vaccine HIV dựa trên Ad5 của tập đoàn Merck & Co, những người có khả năng miễn dịch từ trước trở nên nhạy cảm hơn với virus gây bệnh AIDS.
Một bài báo năm 2015 đã cho biết tác dụng phụ này có thể chỉ xảy ra với vaccine HIV. Tác giả của bài báo gồm nhiều nhà nghiên cứu, bao gồm Tiến sĩ Anthony Fauci – chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu tại Hoa Kỳ. Đáng chú ý là họ cảnh báo thêm rằng tỷ lệ nhiễm HIV nên được theo dõi trong và sau khi thử nghiệm tất cả các loại vaccine dựa trên Ad5 ở những đối tượng có nguy cơ.
“Tôi sẽ lo lắng về việc sử dụng các loại vaccine đó ở bất kỳ quốc gia nào hoặc bất kỳ quy mô dân số nào có nguy cơ nhiễm HIV. Và Hoa Kỳ là một trong số đó.” – Tiến sĩ Larry Corey, đồng lãnh đạo của Lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19 Hoa Kỳ, cũng là nhà nghiên cứu chính trong thử nghiệm của tập đoàn Merck trước đây cho biết.
Vaccine của Gamaleya sẽ được sử dụng làm hai liều: Liều thứ nhất dựa trên Ad26, tương tự vaccine ứng cử viên của J&J và liều thứ hai dựa trên Ad5.
Alexander Gintsburg, giám đốc của Gamaleya, cho biết phương pháp tiếp cận hai “vật trung gian” sẽ giải quyết vấn đề miễn dịch. Alexander Gintsburg cho biết, nó có thể hoạt động đủ tốt ở những người đã tiếp xúc với một trong hai loại adenovirus.
Nhiều chuyên gia bày tỏ sự hoài nghi về vaccine của Nga. Nhất là sau khi chính phủ tuyên bố ý định cung cấp vaccine này cho các nhóm nguy cơ cao vào tháng 10 mà không công bố dữ liệu từ các thử nghiệm quan trọng.
Tiến sĩ Dan Barouch, nhà nghiên cứu vaccine Harvard, người đã giúp thiết kế vaccine của J&J COVID-19 cho biết: “Việc chứng minh tính an toàn và hiệu quả của vaccine là rất quan trọng. Thông thường, các thử nghiệm quy mô lớn có thể không cho kết quả như mong đợi hoặc cần thiết”.
Thiện Đức
– Theo Reuters.
WHO: COVID có thể
xóa bỏ tiến bộ về chăm sóc sức khỏe
Hơn 90% các nước đã chứng kiến dịch vụ y tế bị gián đoạn vì đại dịch COVID-19, những tiến bộ quan trọng đạt được về chăm sóc sức khỏe trong nhiều thập niên qua có thể bị xóa tan trong một thời gian ngắn, theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tổ chức có trụ sở tại Geneva thường xuyên cảnh báo về những chương trình khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch và đã đưa ra khuyến nghị cho các nước, nhưng cuộc khảo sát này đưa ra những dữ liệu đầu tiên của WHO về mức độ gián đoạn.
“Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lên các dịch vụ y tế thiết yếu là một nguồn lo ngại lớn,” báo cáo khảo sát công bố ngày 31/8 nói. “Những thành tựu chính về y tế trong hai thập niên qua có thể bị xóa sạch trong một thời gian ngắn…”
Cuộc khảo sát bao gồm các câu trả lời từ hơn 100 nước, trong giai đoạn từ tháng 5 tới tháng 7. Trong số các dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất có tiêm chủng thường xuyên (70%), kế hoạch hóa gia đình (68%), chẩn đoán và chữa trị ung thư (55%), trong khi các dịnh vụ khẩn cấp bị xáo trộn tại gần 25% các nước được thăm dò.
Khu vực Đông Địa Trung Hải, gồm Afghanistan, Syria và Yemen, chịu ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp theo là Châu Phi và Đông Nam Á. Châu Mỹ không nằm trong cuộc thăm dò.
Kể từ khi những ca COVID-19 được phát hiện đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái, virus corona đã giết chết gần 850.000 người, theo dữ liệu mới nhất của Reuters.
Các nhà nghiên cứu cho rằng số người chết không phải vì COVID cũng gia tăng tại một số nơi, một phần vì dịch vụ y tế bị gián đoạn, dù những việc này có thể khó tính toán hơn.
Cuộc thăm dò của WHO nói “hợp lý khi dự đoán rằng thậm chí sự gián đoạn khiêm tốn nhất về dịch vụ y tế thiết yếu cũng có thể làm tăng số ca bệnh và tử vong do các nguyên nhân khác COVID trong ngắn hạn đến trung hạn, dài hạn.”
Phúc trình của WHO cũng cảnh báo là ngay cả khi đại dịch chấm dứt vẫn phải đối mặt với những sự gián đoạn, chẳng hạn như trong lúc nỗ lực để bắt kịp, nhiều nước sẽ thấy nguồn lực của họ bị quá tải.
Đối mặt với tấn công ‘vũ bão’ của Trung Quốc,
Châu Âu đang bừng lên ‘giận dữ’
Bình luậnTâm An
Trong khi Bắc Kinh không ngừng khẳng định mong muốn thiết lập sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa với châu Âu, thì đại dịch viêm phổi Vũ Hán và “thủ đoạn” về kinh tế của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã “đẩy” mối quan hệ giữa Bắc Kinh và EU xuống mức thấp nhất…
Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc hàng năm, diễn ra trực tuyến vào ngày 22/6/2020, đã không dẫn đến kết quả như mong đợi. Ngược lại, hội nghị đã nhấn mạnh đến những khác biệt không thể hòa giải về các vấn đề như luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong, vấn đề an ninh mạng và nhân quyền.
Ngoài ra, không có một tiến triển nào được ghi nhận trên mặt trận kinh tế, Trung Quốc đã không đáp lại lời kêu gọi của EU trong việc hoàn tất một thỏa thuận chung về đầu tư, điều mà EU hết sức cần đến để giải quyết những vấn đề về trợ cấp và thị trường công.
Sự hợp tác trên các chủ đề gay go khác như tình trạng biến đổi khí hậu, quản trị toàn cầu (trong đó có việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới) và việc phát triển bền vững, có vẻ như chỉ giới hạn ở những phát ngôn đơn thuần. Ngay cả sự hợp tác Trung-Âu về việc phát triển vaccine chống lại virus Corona Vũ Hán vẫn ở mức độ khiêm tốn.
Khi châu Âu ‘tỉnh mộng’ và ‘đổi giọng cứng rắn’
Sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh, thay vì có một thông cáo chung Trung-EU, thì hai tuyên bố khác nhau đã được công bố vào ngày 22 tháng 6.
Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Trung Quốc “muốn hòa bình và không muốn bá quyền”, thì bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, lại nhấn mạnh rằng “đối với EU, mối quan hệ với Trung Quốc vừa là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất về mặt chiến lược, vừa là một trong những mối quan hệ phức tạp nhất” và mối quan hệ đó “không hề dễ dàng”.
Các bình luận trên bộc lộ một điều: người châu Âu đã chọn cách tiếp cận mới đối với Trung Quốc, ở thế “phòng thủ” nhiều hơn, thậm chí là chấp nhận… đối đầu.
Trên thực tế, các chính trị gia của EU không có nhiều lựa chọn trong thời hậu Covid-19 này. Trên diện rộng, dư luận châu Âu đều cho rằng ĐCSTQ là tác nhân hàng đầu chịu trách nhiệm về mức độ nghiêm trọng của đại dịch.
Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây, 60% người dân ở Vương quốc Anh và Pháp, và 47% người dân Đức coi chính phủ Trung Quốc là một tác nhân quốc tế xấu xa, và ý kiến của họ còn xấu hơn nữa trong thời kỳ đại dịch này.
Trái ngược với cuộc khủng hoảng tài chính trước đây (2008-2010), vốn [cho phép] các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thực hiện nhiều phi vụ “thâu tóm” các công ty ở miền Nam châu Âu; lần này, tâm trí người châu Âu có vẻ như không bị che mờ bởi ý tưởng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất phát từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng không còn được tiếp đón “hồ hởi” trong tình hình hiện thời: tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng nguồn vốn FDI ở các nước EU là dưới 3%.
Ngoài ra, những tranh cãi nảy sinh xoay quanh sự hỗ trợ y tế của Trung Quốc ở đỉnh điểm của đại dịch càng làm tăng thêm sự mập mờ và khiến các quan chức châu Âu càng nghi ngại Bắc Kinh hơn.
Trung Quốc, từ đối tác đến “đối thủ có hệ thống” của châu Âu
Hồi đầu năm, các quan chức ở Brussels vẫn hy vọng rằng Đức sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo 27+1 tại Leipzig, với sự hiện diện của ông Tập Cận Bình. Sự kiện được cho là sẽ tôn vinh bà Thủ tướng Angela Merkel như là chính trị gia cao cấp duy nhất của châu Âu có khả năng… quản lý được Trung Quốc.
Từ lâu, bà Angela Merkel đã làm mọi cách để tìm ra một điểm chung với giới lãnh đạo Trung Quốc, trong khi thỉnh thoảng cũng lên tiếng chỉ trích “nhẹ nhàng” họ. Điều đó liên quan nhiều đến các mối quan hệ thương mại cân bằng giữa hai nước.
Trong nhiều năm qua, các máy công cụ và xe cơ giới của Đức rất được ưa chuộng ở đất nước Trung Quốc “đang trên đà phát triển mạnh”, điều này làm tăng khả năng sinh lời của rất nhiều công ty công nghiệp Đức.
Một số chuyên gia cho rằng thái độ miễn cưỡng của bà Merkel trong việc đối đầu với Bắc Kinh có nguy cơ làm suy yếu động lực của EU trong việc thực thi “một chính sách chung đối với Trung Quốc”, và khiến kéo dài tình trạng “các quốc gia thành viên chủ yếu theo đuổi những lợi ích riêng của nước mình”. Điều này sẽ gây bất lợi cho một mặt trận chung của châu Âu.
Cho đến nay, hội nghị thượng đỉnh Leipzig đã bị hoãn lại đến một ngày… không xác định.
Tuy nhiên, trong ba năm gần đây, EU đã có cách tiếp cận cương quyết hơn đối với Trung Quốc. EU muốn có được sự phối hợp tốt hơn và một sự bảo hộ tập thể tốt hơn trong các vấn đề kinh tế, bao gồm các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vấn đề viện trợ công và chuyển giao công nghệ. Ủy ban châu Âu không chỉ tạo ra một cơ chế sàng lọc mới đối với các nguồn vốn FDI (sẽ có hiệu lực vào tháng 10/2020), mà còn công bố các đường lối chỉ đạo về công nghệ 5G cũng như Sách trắng về hỗ trợ nhà nước, đặc biệt có xuất xứ từ các quốc gia ngoài khối EU.
Bên cạnh đó, EU cũng đã triển khai một chiến lược kết nối, với hy vọng cung cấp một giải pháp thay thế của châu Âu đối với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Năm 2019 được nhiều người coi là một bước ngoặt trong các mối quan hệ song phương giữa EU và Trung Quốc, với việc công bố một tuyên bố chiến lược giữa EU và Trung Quốc, trong đó điều đáng chú ý là EU đã chuyển sang coi Trung Quốc là “đối thủ có hệ thống”.
Cách tiếp cận Trung Quốc của Châu Âu liệu có khả thi?
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa ông Tập Cận Bình và bà Ursula von der Leyen cuối cùng cũng đã diễn ra, và việc không đạt được tiến bộ nào đã làm tăng thêm tâm lý thất vọng của các nhà lãnh đạo châu Âu, sau một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy các chính sách của họ, bao gồm cả việc quản lý đại dịch, thông qua các mạng xã hội và trang web của các đại sứ quán Trung Quốc ở châu Âu.
“Trận chiến tường thuật” này đã được ông Josep Borrell – Ngoại trưởng EU, đại diện cấp cao về các vấn đề ngoại giao, công khai đề cập nhiều lần.
Thậm chí, cơ quan về các vấn đề đối ngoại của châu Âu đã công bố một báo cáo đặc biệt về nạn thông tin sai lệch. Trong một tuyên bố gần đây, bà Von der Leyen cũng đã ám chỉ những lo ngại ngày càng tăng của Ủy ban về những “cuộc tấn công mạng vào các hệ thống máy tính và bệnh viện”.
Ngay cả khi quan điểm của Brussels về Trung Quốc đã trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng EU vẫn còn xa trong lĩnh vực này. Trong khi đó, chính quyền Trump với đường lối rất cứng rắn, đi kèm với các lệnh trừng phạt và hạn chế thương mại đối với các doanh nghiệp Trung Quốc trên nước Mỹ, trong đó có Huawei.
Có thể ngôn từ của Washington không phải là thứ ngôn từ ngoại giao, nhưng nó phản ánh đúng cách tiếp cận của chính quyền Hoa Kỳ, điều đã khiến các đồng minh của Hoa Kỳ – trong đó có phần lớn người châu Âu – suy nghĩ lại về cách tiếp cận của họ trước “sự trỗi dậy của Trung Quốc”.
Ở hai bờ Đại Tây Dương, những thay đổi lớn trong lĩnh vực này khó có thể xảy ra từ nay cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.
Về phía Trung Quốc, cuối cùng thì họ cũng coi mối quan hệ với Hoa Kỳ là ưu tiên số một, điều này giải thích cho “thái độ chờ đợi” của Bắc Kinh trong các cuộc trao đổi với Brussels, vào thời điểm hiện tại.
Tác giả: Philippe Le Corre – chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và châu Á, nhà nghiên cứu liên kết tại Trường Harvard Kennedy và tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc John K. Fairbank của Đại học Harvard, thành viên thường trú tại Paris Seine Initiative (Viện nghiên cứu cấp cao), giáo sư thỉnh giảng tại ESSEC.
Tâm An
Không lực Mỹ – NATO phô trương uy thế,
Nga đáp trả cứng rắn ở Biển Đen
Trọng Nghĩa
Trong một động thái biểu dương sức mạnh hiếm thấy, ngày 28/08/2020 vừa qua, Không Quân Mỹ cùng các đồng minh trong khối Bắc Đại Tây Dương NATO đã thực hiện một chiến dịch phối hợp hành động trên bầu trời 30 quốc gia thành viên, huy động đến 6 oanh tạc cơ chiến lược B-52H của Mỹ và 80 máy bay khác của các nước NATO.
Dù không nói ra, nhưng đối tượng mà hành động thị uy này của không lực Mỹ và NATO nhắm tới rõ ràng là Nga, và Matxcơva đã không ngần ngại có phản ứng cứng rắn.
Mang tên là Allied Sky (Bầu trời đồng minh), chiến dịch của không lực Mỹ và NATO có hình thức rất đơn giản: cho 6 oanh tạc cơ B-52H của Mỹ liên tục bay qua không phận của toàn bộ 30 nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, chỉ trong một ngày.
Do việc NATO bao gồm hai khu vực địa lý tách biệt nhau là châu Âu và Bắc Mỹ, chiến dịch được chia thành hai vế: 4 chiếc B-52 xuất phát từ căn cứ không quân Fairford, hạt Gloucestershire (Anh Quốc) đảm trách việc bao phủ châu Âu, và 2 oanh tạc cơ chiến lược khác cất cánh từ căn cứ không quân Minot, bang Dakota (Hoa Kỳ) phụ trách vùng Bắc Mỹ.
80 chiến đấu cơ NATO phối hợp với 6 oanh tạc cơ chiến lươc Mỹ B-52H
Dưới hình thức thoạt nhìn đơn giản như trên, chiến dịch Allied Sky rất phức tạp ở khâu thực hiện vì ở mỗi chặng, phi đội B-52 của Mỹ đều được chiến đấu cơ các nước sở tại tháp tùng và máy bay chở dầu tiếp tế nhiên liệu ngay trên không.
Đây là những thao tác đòi hỏi tính chính xác cao và sự phối hợp nhuần nhuyễn do xuất xứ khác nhau và mẫu mã khác nhau của các đội phi cơ.
Một thông cáo ngày 28/08 của NATO xác nhận là có khoảng 80 chiến đấu cơ của khối sẽ tham gia chiến dịch phối hợp với oanh tạc cơ Mỹ, bao gồm Anh, Bỉ, Bulgari, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ý, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Slovakia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada.
Một ví dụ đơn giản: Phối hợp với đội oanh tạc cơ B-52, ngoài các chiến đấu cơ Mỹ loại F-35 của Không Quân Anh, Na Uy, F-16 của Không Quân Ba Lan, CF-18 của Không Quân Canada, còn có máy bay chiến đấu do các nước khác chế tạo như Gripens của Thụy Điển trang bị cho Không Quân Séc và Hungary, tiêm kích Typhoon của Anh, Mirage 2000 của Pháp, thậm chí các kiểu phi cơ Nga như MiG-21 Lancer của Không Quân Rumani và Croatia, hay MiG-29 của Không Quân Bulgari.
Đó là chưa kể đến vấn đề phối hợp với các lực lượng khác trên bộ và trên biển tại các quốc gia mà đội máy bay đi ngang qua.
Trong một thông cáo công bố ngày 28/08, Bộ Tư Lệnh Châu Âu của Mỹ (EUCOM), đã nhấn mạnh rằng ngoài việc thể hiện sự đoàn kết trong khối NATO, chiến dịch Allied Sky còn nhằm “nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và cung cấp các cơ hội huấn luyện để tăng cường năng lực tương tác cho tất cả phi hành đoàn tham gia từ Mỹ và các đồng minh NATO.”
Gởi thông điệp cứng rắn đến Nga
Theo giới quan sát, ngoài mục tiêu huấn luyện thuần túy, chiến dịch Allied Sky, với quy mô rầm rộ như trên, rõ ràng là còn có muc tiêu phô trương uy lực của Không Quân Mỹ và NATO, gởi đi thông điệp răn đe tới các đối thủ mà đứng đầu danh sách là Nga.
Trong một bài phân tích hôm 28/08, trang mạng Mỹ The Drive, chuyên theo dõi các vấn đề không quân đã cho rằng chiến dịch Allied Sky chứng tỏ được năng lực tương tác giữa các lực lượng không quân của NATO, cũng như hiệu quả của các quy trình chỉ huy và kiểm soát. Những khả năng này rất hữu ích trong một cuộc xung đột lớn ở châu Âu hoặc nơi khác, nơi mà các thành viên liên minh cần phối hợp hành động trên quy mô lớn.
Theo The Drive, cho dù Bộ Tư Lệnh Châu Âu của Mỹ đã xác định rằng các hoạt động phối hợp với đội oanh tạc cơ B-52 đã “được lên kế hoạch từ lâu và không nhằm phản ứng với bất kỳ sự kiện chính trị hiện tại nào xảy ra ở châu Âu”, nhưng rõ ràng là chiến dịch Allied Sky đã diễn ra vào thời điểm quan hệ Nga – phương Tây đặc biệt căng thẳng.
Ngoài khơi Na Uy, trong thời gian gần đây, đã có nhiều vụ phi cơ do thám Na Uy, Pháp, Anh bị chiến đấu cơ Nga ngăn chặn khi đến hoạt động gần vùng biên giới với Nga trên biển Barents và Biển Đen. Trong khi đó thì kể từ khi được biệt phái qua châu Âu, các máy bay B-52 của Mỹ đã tham gia nhiều cuộc tập trận với Không Quân Na Uy, trên vùng biển ngoài khơi nước này.
Điểm nóng thứ hai là tình hình ở Belarus, với việc tổng thống Lukashenko của nước này cầu viện sự giúp đỡ của Nga để bảo đảm an ninh quốc gia mà ông cho là đang bị NATO đe dọa từ các căn cứ đặt tại Ba Lan, nơi Không Quân Mỹ đang tham gia huấn luyện song phương với Không Quân Ba Lan.
Nga tung Su-27 lên dằn mặt B-52 trên Biển Đen
Thông điệp của Mỹ và NATO như đã được Nga tiếp nhận đầy đủ, và hôm 28/08, đúng vào lúc một chiếc B-52 di chuyển ngang vùng Biển Đen, hai chiến đấu cơ Su-27 của Nga đã bay lên ngăn chặn bằng những thao tác bị phía Mỹ đánh giá là không an toàn.
Trong một thông cáo được CNN ngày 30/08 trích dẫn, bộ chỉ huy lực lượng Không Quân Mỹ tại châu Âu tố cáo phi cơ Nga là đã cản đường một chiếc B-52 của Mỹ một cách “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” trên không phận Biển Đen và các vùng biển quốc tế.
Theo bản thông cáo, phi cơ Su-27 Nga đã bay ngang qua mũi chiếc máy bay B-52 nhiều lần ở khoảng cách chỉ 100 feet (30m) gây nhiễu loạn không khí và tạo nguy hiểm cho phi cơ Mỹ.
Phía Nga dĩ nhiên đã bác bỏ cáo buộc của Không Quân Mỹ. Trang mạng báo Nga Sputnik ngày 28/08 đã trích thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga khẳng định rằng hai chiếc Su-27 đều “tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách an toàn” và đã “hoàn toàn tuân thủ quy tắc quốc tề về sử dụng không phận”.
Lập luận của Nga đã bị một video do Lầu Năm Góc công bố hôm 28/08 phản bác hoàn toàn. Video quay từ buồng lái chiếc B-52 cho thấy chiếc SU-27 từ phía sau bên trái, bay vọt lên phía trước, lách qua trước mặt oanh tạc cơ Mỹ. Thao tác cắt mũi khiến chiếc B-52H bị rơi ngay vào vùng không khí nhiễu và rung chuyển mạnh.
Đối với phía Mỹ, qua lời tướng Jeff Harrigian, tư lệnh Không Quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi thì đó là những hành động “làm gia tăng nguy cơ va chạm trên không, không cần thiết và không phù hợp với kỹ thuật bay an toàn và quy định bay quốc tế.”
Cảnh sát giải tán buổi tiệc trong rừng ở Anh Quốc
trong cuộc đàn áp COVID-19
Tin từ THETFORD FOREST, Anh Quốc – Vào hôm Chủ nhật (30/8), cảnh sát giải tán một bữa tiệc bất hợp pháp qua đêm trong một khu rừng ở miền đông Anh Quốc, vài ngày sau khi chính phủ Anh Quốc đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn nhằm vào “các hành vi vi phạm nghiêm trọng” các hạn chế COVID-19, bao gồm 10,000 bảng Anh (13,000 mỹ kim) tiền phạt.
Hàng chục cảnh sát, một số cầm khiên bảo vệ, đối mặt với những kẻ tiệc tùng trong Thetford Forest. Bất chấp một vài cuộc ẩu đả, bữa tiệc được giải tán một cách ôn hòa. Dường như không có bất kỳ vụ bắt giữ nào và cảnh sát tháo dỡ hệ thống âm thanh.
Trước ngày lễ ngân hàng kéo dài ba ngày cuối tuần, chính phủ tuyên bố rằng “những người tạo điều kiện hoặc tổ chức các buổi tiệc bất hợp pháp, các sự kiện âm nhạc không có giấy phép hoặc bất kỳ cuộc tụ tập bất hợp pháp nào chứa hơn 30 người có thể bị phạt 10,000 bảng Anh”.
Cảnh sát phải giải tán một số buổi tiệc bất hợp pháp ở các vùng khác của Anh Quốc khi chính phủ cố gắng cân bằng việc mở cửa nền kinh tế bằng cách nới lỏng các hạn chế về cách ly xã hội với việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. (BBT)
https://www.sbtn.tv/canh-sat-giai-tan-buoi-tiec-trong-rung-o-anh-quoc-trong-cuoc-dan-ap-covid-19/
Pháp bắt giữ một sĩ quan quân đội cao cấp
do nghi ngờ làm gián điệp cho Nga
Tin từ Paris, Pháp – Vào hôm chủ nhật (30 tháng 8), các nguồn tin pháp lý và truyền thông địa phương cho biết, một sĩ quan quân đội cao cấp của Pháp đóng quân tại căn cứ của NATO đã bị truy tố và bắt giam do nghi ngờ làm gián điệp cho Nga. Các thông tin này đã được xác nhận ít nhất một phần bởi bà Florence Parly, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp.
Một nguồn tin pháp lý cho biết sĩ quan trên đóng quân ở Italy. Về phía chính phủ Pháp, họ xác nhận đang điều tra một sĩ quan quân đội cao cấp về một vi phạm an ninh. Bà bộ trưởng Parly cho biết, sĩ quan cao cấp này đang phải đối mặt với các thủ tục pháp lý. Các nhà chức trách Pháp đã thực hiện tất cả các biện pháp bảo vệ cần thiết để bảo đảm rằng hệ thống tư pháp có thể thực hiện nhiệm vụ của họ mà không ảnh hưởng đến bí mật quốc gia.
Tờ Europe 1 đưa tin rằng, viên sĩ quan trên được nhìn thấy ở Ý cùng một người đàn ông được xác định là điệp viên của GRU, cơ quan tình báo quân đội Nga, và bị nghi ngờ đã cung cấp các tài liệu nhạy cảm cho tình báo nước này.
Theo AFP đưa tin, quân đội Pháp đã đề nghị hợp tác với các cơ quan tư pháp để giải quyết vấn đề trên. Nguồn tin pháp lý cho biết thêm, viên sĩ quan này đang bị truy tố về tội cung cấp thông tin cho một thế lực ngoại quốc, thu thập thông tin làm tổn hại đến lợi ích cơ bản của quốc gia và xâm phạm bí mật quốc phòng. (BBT)
https://www.sbtn.tv/phap-bat-giu-mot-si-quan-quan-doi-cao-cap-do-nghi-ngo-lam-gian-diep-cho-nga/
6 nghi phạm Việt Nam buôn người ở Đức ra tòa
Sáu người Việt bị tình nghi thuộc nhóm buôn người sang Châu Âu đã bị một tòa án ở Đức đưa ra xét xử từ hôm thứ Sáu 28/8. Những người này bị cáo buộc thu 1,46 triệu Euro cho việc buôn lậu 155 người Việt Nam vào Châu Âu.
DPA của Đức loan tin cho biết nhóm gồm 4 người đàn ông và hai phụ nữ đều đến từ Việt Nam có độ tuổi từ 23 đến 50.
Theo cáo trạng, ông Phu Lanh T. (40 tuổi) là người đứng ra tổ chức và liên hệ các nhóm người để đưa từ Việt Nam sang Đức.
Những người Việt Nam đi vượt biên đến Châu Âu được nói chuyển đến một ngôi nhà mà họ gọi là “an toàn” ở Lichtenberg, Đức trước khi đi đến các nước khác như Anh và Pháp.
Những người Việt đã phải trả từ 5 ngàn đến 20 ngàn Euro cho những chuyến đi đến Đức. Công tố viên cho biết trước khi đi, những người vượt biên bị cấm sử dụng điện thoại cá nhân và tiếp nhận đồ cá nhân.
Hồi đầu năm nay, Đức thực hiện một cuộc khám xét bất ngờ trên toàn quốc, trong đó 32 căn nhà và căn hộ đã bị khám xét. Sáu nghi phạm đã bị bắt giữ trong cuộc đột kích của giới chức Đức.
Anh được xem là mảnh đất màu mỡ của những người vượt biên Việt Nam. Sau khi đến Anh, những người vượt biên thường sẽ phải kiếm tiền bằng các nghề như làm móng tay, giúp việc trong chợ, trồng cần sa để trả tiền cho các tay buôn người.
Liên hoan phim Venise 2020, gọn gàng mà vẫn đa dạng
Tuấn Thảo
Cùng với liên hoan phim Mỹ Deauville ở Pháp, Liên hoan điện ảnh Venise lần thứ 77 là hai sự kiện văn hóa đáng chú ý vào mùa tựu trường. Tuy các biện pháp phòng dịch Covid-19 đang được tăng cường tại Ý, Liên hoan phim Venise vẫn diễn ra từ ngày mai 02/09 đến 12/09. Cách tổ chức năm nay đơn giản nhẹ nhàng hơn, nhưng nội dung chương trình vẫn phong phú, đa dạng.
Năm ngoái, bộ phim ‘‘Joker’’ của Todd Phillips đã được đăng quang khi về đầu trên bảng vàng Venise. Khán giả lúc ấy đã nhìn thấy nhiều thần tượng điện ảnh như Meryl Streep, Catherine Deneuve, Brad Pitt, Scarlett Johansson, Penelope Cruz, Jude Law và nhất là Joaquin Phoenix xuất hiện trước ống kính của các phóng viên nhiếp ảnh hay của các đài truyền hình. Năm nay, cảnh quay các ngôi sao màn bạc bước trên thảm đỏ đã hoàn toàn bị hủy bỏ. Liên hoan phim Venise lần thứ 77 không còn nét lộng lẫy hào nhoáng như những năm trước, một khi vắng hẳn vầng hào quang của các ngôi sao đến từ kinh đô điện ảnh Hollywood, ngoại trừ chủ tịch ban giám khảo năm nay là ngôi sao màn bạc người Úc Cate Blanchett.
Trong năm 2020, chương trình liên hoan Berlin đã ít nhiều bị xáo trộn, liên hoan điện ảnh Cannes (dự trù diễn ra vào tháng 5) đã bị hủy bỏ. Còn Venise, tuy được xem trên lịch sự kiện là liên hoan quốc tế cuối cùng trong năm, nhưng rốt cuộc năm nay Venise lại trở thành điểm hẹn quan trọng nhất đối với làng điện ảnh quốc tế. Lần đầu tiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát rồi lan rộng trên toàn cầu, một liên hoan lại có đông đảo tài năng, từ nhiều quốc gia cùng đến tham dự.
Tính tổng cộng, có 18 bộ phim được gửi đi tranh giải Sư tử vàng 2020. Trong chương trình chính thức, có tất cả 4 bộ phim Ý, hai phim Mỹ, một phim Pháp. Phía châu âu, có phim của Ba Lan, Hungary, Đức, Bỉ và Bosnia. Phía châu Mỹ, có sự tham gia của Hoa Kỳ, Mêhicô và Canada. Châu Á năm nay hiện diện trong chương trình tranh giải với phim của Nhật Bản, Ấn Độ và Azerbaidjan. Ngoài ra, còn có các tác phẩm đến từ Nga, Israel và Iran.
Nhìn chung, chương trình tranh giải Sư tử vàng 2020 khá đa đạng về mặt thể loại. Phim ‘‘Les amants sacrifiés’’ (tựa tiếng Anh là Wife of a Spy) của đạo diễn Kiyoshi Kurosawa là phim tâm lý hồi hộp, lồng một câu chuyện trong ngành mật vụ tình báo vào bối cảnh lịch sử nhiễu nhương trước khi xẩy ra Đệ nhị Thế Chiến. Bộ phim ‘‘Dear Comrades’’ (Các đồng chí thân mến) của đạo diễn người Nga Andrei Konchalovsky gợi hứng từ câu chuyện có thật vào tháng 6 năm 1962, khi lực lượng quân đội Nga đàn áp phong trào biểu tình tại nhà máy Novocherkassk khiến 26 công nhân thiệt mạng và gần 100 người khác bị thương.
Còn bộ phim mang tựa đề ‘‘The Sun Children’’ (Những đứa con của mặt trời) của đạo diễn người Iran Majid Majidi lại giống như một câu chuyện ngụ ngôn thời đại, kể lại hành trình phiêu lưu của một nhóm trẻ lêu lỏng ‘‘bụi đời’’ chuyên đi ăn cắp vặt. Nhóm con nít này đi tìm dấu vết của một kho tàng chôn giấu dưới lòng đất. Tuy nhiên, để có thể vào được tận nơi cất giữ kho báu, cả nhóm phải đăng ký nhập học tại trường ‘‘Mặt Trời’’, một tổ chức thiện nguyện chuyên dạy chữ và nhất là dạy nghề cho các trẻ em nghèo, mồ côi hay vô gia cư.
Về phía các bộ phim Mỹ, tuy Venise năm nay không thu hút những tên tuổi lớn đến từ Hollywood, nhưng có hai gương mặt đáng chú ý. Trước hết là nữ đạo diễn Mona Fastvold người Mỹ gốc Na Uy, đến Venise giới thiệu tác phẩm ‘‘The world to come’’. Quan trọng hơn nữa là nữ đạo diễn người Mỹ gốc Hoa Chloé Zhao. Cô đã từng gây nhiều tiếng vang lớn nhờ bộ phim độc lập ‘‘The Rider’’ (Cao bồi ngã ngựa) và cô đã được tập đoàn Disney tuyển chọn để thực hiện chu kỳ thứ tư của vũ trụ điện ảnh kết nối của Marvel qua bộ phim những siêu anh hùng bất tử ‘‘The Eternals’’. Đến liên hoan phim quốc tế Venise lần này, Chloé Zhao giới thiệu bộ phim độc lập ‘‘’Nomadland’’ với nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar, Frances McDormand trong vai chính.
Bên cạnh đó, giới phê bình quốc tế cũng quan tâm đến tác phẩm ‘‘One Night in Miami’’ (tạm dịch Đêm đầy nhiệt huyết) của nữ đạo diễn Regina King. Bộ phim này phản ánh tinh thần dấn thân của vô địch quyền anh người Mỹ Cassius Clay (Mohamed Ali) thời thanh niên, cũng như của mục sư Malcolm X, lãnh tụ phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da đen, một chủ đề mà cho tới tận bây giờ vẫn còn mang nhiều tính thời sự nóng bỏng tại Hoa Kỳ.
Về phía các tác phẩm châu Á, ngoài phim Nhật Bản và Ấn Độ, đa số còn lại được chiếu trong chương trình toàn cảnh ‘‘Chân trời’’ của liên hoan Venise. Tác phẩm ‘‘Night in Paradise’’ của đạo diễn Park Hoon Jung là bộ phim Hàn Quốc duy nhất (với dàn diễn viên Eom Tae Goo, Cha Seung Won, Jeon Yeo Been) tham dự liên hoan Ý và từng được ban tuyển chọn đánh giá là một trong những bộ phim băng đảng hay nhất của làng điện ảnh Hàn Quốc những thập niên gần đây.
Ngoài ra, còn có bộ phim tâm lý xã hội ‘‘Love After Love’’ của nữ đạo diễn Ann Hui (Hứa An Hoa). Đạo diễn người Hồng Kông đến tham dự liên hoan Venise năm nay không những để giới thiệu tác phẩm mới của mình, mà còn chủ yếu là để nhận giải vinh danh toàn bộ sự nghiệp (giải thành tựu trọn đời) cùng với nữ diễn viên Tilda Swinton.
Theo lời giám đốc Alberto Barbera, tuy nhiều phim đã được tuyển chọn, các đoàn làm phim cũng đã được mời, thế nhưng một số bộ phim quan trọng và ngoạn mục có nhiều khả năng thu hút sự chú ý của mọi người, vẫn thiếu vắng trong chương trình năm nay. Làng phim Hollywood vẫn có nhiều dự án hấp dẫn, tuy nhiên một số bộ phim cho dù đã hoàn tất vẫn không được xuất hiện tại Venise ngay cả trong các chương trình không có tranh giải. Điều này phần lớn cũng vì giới sản xuất chờ đợi một cơ hội tốt hơn để khai thác các bộ phim ‘‘tồn kho’’.
Bên cạnh đó, liên hoan Venise từng để vuột mất nhiều tác phẩm có giá trị vào tay liên hoan Cannes, chẳng hạn như bộ phim hoạt hình mới mang tựa đề ‘‘Soul’’ của hãng phim Pixar và tác phẩm gần đây nhất ‘‘The French Dispatch’’ của đạo diễn Mỹ Wes Anderson. Cả hai bộ phim này từng được đưa vào chương trình chính thức của Cannes, nhưng đến giờ chót liên hoan Cannes lại bị hủy bỏ, khán giả vì thế có lẽ sẽ phải kiên nhẫn thêm một thời gian dài trước khi được xem hai bộ phim này trên màn ảnh lớn. Nhìn chung, chương trình tranh giải Sư tử vàng 2020 vẫn khá phong phú, trong đó có nhiều ứng cử viên xứng đáng kế nhiệm tác phẩm ‘‘Joker’’ của Todd Phillips, chẳng những đã đoạt giải nhất tại Venise, mà còn giúp cho Joaquin Phoenix giành luôn cả hai giải Golden Globe và Oscar dành cho diễn xuất.
Chủ tịch Thượng viện Séc thăm Đài Loan: Bảo vệ
dân chủ cần lòng dũng cảm và chịu đựng đau đớn
Đại Nghĩa
Ông Vystrcil đã so sánh sự tương đồng giữa các phong trào sinh viên ở Đài Loan và Séc góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, đồng thời nhấn mạnh các giá trị chung giữa hai nước tại sự kiện.
Chủ tịch Thượng viện Séc hôm thứ Hai (31/8) đã có bài phát biểu tại một trong những trường đại học hàng đầu Đài Loan. Trong đó ông nhấn mạnh những gì ông coi là giá trị quan trọng mà Đài Loan và Cộng hòa Séc chia sẻ, cũng như những điểm tương đồng trong lịch sử phát triển của nền dân chủ hai nước, theo Taiwan News.
Tầm 2 giờ chiều thứ Hai, ngày thứ hai trong chuyến thăm chính thúc Đài Loan, phái đoàn Séc gồm 89 người, do chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil dẫn đầu đã được mời đến Đại học Chính trị Quốc gia của Đài Bắc (NCCU). Tại đây, ông đã có bài phát biểu về mối quan hệ Đài Loan-Cộng hòa Séc.
Chủ tịch Thượng viện cho biết phía chính phủ Séc đã khuyến cáo không nên thực hiện chuyến đi, điều mà Bắc Kinh cho là vi phạm “chính sách một Trung Quốc“. Nhắc lại về cuộc bầu cử Đài Loan hồi đầu năm, ông cho biết ông rất vui vì người dân Đài Loan đã bầu lại một tổng thống có thể làm việc với các nước dân chủ khác, mở đường cho chuyến thăm của ông.
Ông Vystrcil nói thêm rằng “bảo vệ nền dân chủ đòi hỏi lòng dũng cảm và trong quá trình đó đôi khi phải chịu đựng sự đau đớn”.
Ông cũng nhấn mạnh những điểm tương đồng của mỗi quốc gia trước khi trở thành một nền dân chủ. Ông cho rằng chính sinh viên là động lực trong cả cuộc “Cách mạng Nhung” năm 1989 tại Cộng hòa Séc và “Phong trào Hoa dại” của Đài Loan vào năm sau tiếp theo. Kể từ đó, Đài Loan và Cộng hòa Séc đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng nền dân chủ và tự do, gọi đây là bước tiến lớn nhất của mình.
Nhà chính trị gia người Séc cũng cho biết, công chúng CH Séc đã ghi nhận những thành công to lớn của Đài Loan trong việc chống dịch Covid.
Kết thúc bài nói chuyện, ông Vystrcil nhấn mạnh mong muốn được thấy xã hội Đài Loan tiếp tục duy trì quỹ đạo hiện tại.
Ông Zdenek Hrib, thị trưởng Praha – thành phố kết nghĩa của Đài Bắc, đã có buổi nói chuyện với hãng tin Taiwan News sau sự kiện. Trong buổi trò chuyện, ông chia sẻ ba mục tiêu chính trong chuyến thăm.
Thứ nhất, ông cho biết mình đang gặp gỡ các nhà lãnh đạo Đài Bắc để thảo luận các phương diện hợp tác kỹ thuật, bao gồm dự án thành phố thông minh. Thứ hai, ông cho biết đang tham gia các cuộc đàm phán nối tiếp với hãng hàng không Đài Loan China Airlines về khả năng thiết lập các chuyến bay thẳng từ Praha đến Đài Bắc.
Cuối cùng, ông cho biết ông đang xem xét các thay đổi đối với chuỗi cung ứng “bởi vì nhiều người nhận ra rằng không phải là điều tốt khi có sự phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc Đại lục trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng – ví như cuộc khủng hoảng viêm phổi Vũ Hán đang xảy ra hiện nay”.
Vị thị trưởng đã lên tiếng chỉ trích hành vi của Bắc Kinh ở thủ đô Séc, từ việc tạo áp lực đòi đuổi đại diện Đài Loan khỏi một cuộc họp, cho đến việc khăng khăng yêu cầu thay đổi thỏa thuận thành phố kết nghĩa giữa Praha và Bắc Kinh theo chiều hướng nhấn mạnh “chính sách một Trung Quốc” – động thái đã dẫn đến việc các nhà lãnh đạo Praha cắt đứt quan hệ kết nghĩa với thủ đô của Trung Quốc để chuyển sang Đài Bắc – thủ đô Đài Loan.
Theo Taiwan News,
Đại Nghĩa biên dịch
Truyền thông Nga: Rosneft huỷ hợp đồng khai thác
ở Việt Nam dưới sức ép của Trung Quốc
Công ty dầu khí Nga Rosneft bị buộc phải huỷ bỏ hợp đồng với tập đoàn Noble Corporation của Anh trong việc hợp tác khai thác dầu khí ở Việt Nam, theo truyền thông Nga.
Việc huỷ bỏ hợp đồng khai thác dự kiến ngoài khơi Việt Nam với tập đoàn có trụ sở ở London diễn ra trong bối cảnh sức ép nặng nề từ Trung Quốc, theo ghi nhận từ truyền thông Nga được trích dẫn trên trang oilcapital.ru.
Rosneft, công ty năng lượng có phần lớn vốn của chính phủ Nga, trước đó được cho là đã phải dừng hoạt động thăm dò ở một giếng khoan ngoài khơi Việt Nam.
Công ty của Nga nắm quyền sở hữu 2 lô dầu khí 06.1 và 05.3/11 ngoài khơi Việt Nam và để khoan các giếng này, Rosneft dự kiến dùng các dàn khoan của tập đoàn Anh Noble Corporation. Tuy nhiên, theo truyền thông Nga được oilcaptial.ru trích dẫn, vào giữa tháng 7, PetroVietnam huỷ bỏ hợp đồng dàn khoan vì sức ép của Trung Quốc. Rosneft được cho là quan ngại về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với mỏ Lan Đỏ ở lô 06.1 khi thăm dò ở khu vực biển có tranh chấp.
Theo ghi nhận của The Diplomat, Việt Nam được cho là đã phải gỡ bỏ một dàn khoan dầu sau hai tháng đứng ở cảng Vũng Tàu trong thời gian Trung Quốc điều một tàu khảo sát và tàu tuần duyên đến khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam. Dàn khoan này được dự kiến khoan thăm dò cho công ty Rosneft của Nga tại lô 06.01, một khu vực ngay gần lô 07.03 – tức mỏ Cá Rồng Đỏ – trước đây của Repsol nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn.
Theo The Diplomat, trước áp lực chính trị ngày càng tăng từ Trung Quốc, công ty Rosneft của Nga buộc phải xin thôi dự án và việc này cho thấy thách thức ngày càng tăng đối với các công ty đa quốc gia của Nga tìm cách phát triển ở châu Á nhưng không thể làm Bắc Kinh “bực mình.”
Công ty dầu khí Tây Ban Nha Repsol hồi tháng 6 vừa qua cũng đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của họ ở 3 lô ngoài khơi Việt Nam sau khi dự án khai thác dầu khí của họ với PetroVietnam được cho là bị dừng hai lần vì sức của Trung Quốc. Tin cho hay, Việt Nam đã phải đền bù khoảng 1 tỷ USD cho Repsol và Mubadala của Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất sau khi huỷ bỏ hợp đồng với các đối tác này.
Nói với VOA trong một phỏng vấn vào tháng trước, ông Nguyễn Lê Minh, thành viên hội đồng phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, cho biết cuối năm nay, trong chuyến thăm được dự kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam, lô dầu khí mà Repsol vừa nhượng lại cho PetroVietnam sẽ được “đưa vào trong nghị trình sắp tới khi TT Nga qua để đàm phán về hợp tác thêm ở khu vực đó.”
Theo ông Minh, khu vực này có Rosneft và Gazprom, đều là 2 tập đoàn lớn có vốn của chính phủ Nga (khoảng 50% vốn chính phủ) và rằng Việt Nam muốn ưu tiên các công ty này có chân đứng trong hợp tác sắp tới với Nga.
Việt Nam hiện cũng đang hợp tác với tập đoàn năng lượng ExxonMobil của Mỹ trong dự án Cá Voi Xanh ngoài khơi Đà Nẵng, gần quần đảo Hoàng Sa.
Hồi năm ngoái, đã có những đồn đoán về việc ExxonMobil rút lui khỏi dự án giữa lúc Bắc Kinh được cho là “gây áp lực” với Hà Nội về các dự án dầu khí với nước ngoài trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau đó lên tiếng phủ nhận những thông tin rằng ExxonMonil sẽ bán 64% cổ phần trong dự án này.
Bộ Ngoại giao Mỹ hồi giữa tháng 7 ra một tuyên bố về Biển Đông trong đó Ngoại trưởng Mike Pompeo mô tả “chiến dịch bắt nạt” của Trung Quốc nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là “hoàn toàn phi pháp.”
Nga: Một nhà đối lập bị tư pháp rút 34 triệu rúp
từ tài khoản ngân hàng
Mai Vân
Lioubov Sobol, một nhà đối lập trong Quỹ Chống Tham Nhũng FBK của ông Alexey Navalny, đã khám phá vào hôm qua, 31/08/2020 là tài khoản ngân hàng của bà đã bị rút 34 triệu rúp, tương đương với gần 390.000 euro. Tư pháp Nga đã cho tịch thu một khoản tương đương với số tiền mà bà đã bị phạt vì tội vu khống một nhân vật quyền thế.
Thông tín RFI tại Nga, Jean-Didier Revoin, cho biết thêm chi tiết :
“Ông Evgeni Prigojine đã thực hiện lời đe dọa. Nhân vật quyền thế nổi tiếng thân Putin này đã cam kết hồi tuần qua là sẽ làm cho hai nhân vật biểu tượng của Quỹ Chống Tham Nhũng là ông Alexei Navalny – nếu vẫn còn sống – và bà Lioubov Sobol phải sạt nghiệp.
Trọng điểm vụ tranh chấp là một cuộc điều tra của Quỹ tố cáo một công ty về thực phẩm dính đến nhân vật quyền thế nói trên, là đã bán thức ăn bị ôi cho các trường học ở Matxcơva. Evgeni Prigojine đã kiện các nhà đối lập về tội vu khống, và trong phiên tòa xét xử, các nhà đối lập này đã bị phạt phải trả cho công ty trên khoảng 1 triệu euro.
Đây là số tiền mà ông đã rót vào công ty để giành quyền đứng ra kiện các nhà đối lập. Chính vì lý do đó mà ngành tư pháp Nga đã rút tiền của bà Lioubov Sobol, như ảnh chụp màn hình, mà bà đã đưa lên mạng xã hội, cho thấy.
Một cách hóm hỉnh, bà nói thêm: “Các thừa phát lại đã lấy đi 34 triệu rúp (khoảng 390.000 euro) trên tài khoản của tôi, còn ngài thì sao, ngày thứ Hai của ngài như thế nào?”
Điều trớ trêu là bà Lioubov Sobol từng khẳng định là bà không có nhiều tiền đến thế.”
Đại dịch chồng đại dịch:
Châu chấu đang ‘tàn sát’ châu Phi
David Njagi
Nhìn thấy một quả bơ èo uột rũ xuống từ cây mẹ đang khô héo, Esther Ndavu tự hỏi lớn tiếng rằng liệu nó có bao giờ trở thành một quả hình bầu dục to bằng nắm tay vốn giúp cho người dân thành phố có sinh kế.
Giống như nhiều người khác tại nông trại của cô ở làng Mathyakani, nằm giữa miền đông Kenya, cây bơ này đã bị châu chấu sa mạc tấn công.
Đại dịch Covid-19 phiên bản chuối
Dùng sầu riêng và mít để sạc điện thoại
Sự thay đổi thần kỳ của vùng cảng Hong Kong
Vung cánh tay phải, Ndavu đếm được khoảng 10 cây bơ, xoài và xoài chuối (paw paw) bị gãy cành sau cuộc càn quét.
Dịch châu chấu
Cuộc xâm lăng của châu chấu quét qua các trang trại ở nông thôn Kenya từ tháng 12/2019 đã khiến những người nông dân như Ndavu không chỉ thiệt hại về mùa màng mà còn phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe và môi trường đang xảy ra.
Nạn châu chấu lần này là tồi tệ nhất từng được chứng kiến ở Kenya trong vòng 70 năm qua, và các chuyên gia lo ngại rằng đàn châu chấu vào cuối năm nay sẽ còn lớn hơn nữa.
Châu chấu sa mạc, tên khoa học là Schistocerca gregaria, thường được gọi là loài địch hại tàn phá nhất thế giới và điều đó hoàn toàn có lý do.
Dịch châu chấu xảy ra khi số lượng châu chấu tăng lên và chúng trở nên nhung nhúc. Điều này dẫn đến sự chuyển đổi từ giai đoạn đơn độc vốn tương đối vô hại sang giai đoạn kéo đàn kéo lũ.
Trong giai đoạn này, châu chấu có thể sinh sôi gấp 20 lần trong ba tháng và đạt mật độ 80 triệu con trên một km vuông.
Mỗi con có thể tiêu thụ 2g cây cỏ mỗi ngày – tổng cộng, một bầy 80 triệu con có thể làm hao tốn lượng thực phẩm tương đương với khẩu phần ăn của 35.000 người mỗi ngày.
Vào năm 2020, các đàn châu chấu khổng lồ đã tràn sang hàng chục quốc gia, bao gồm Kenya, Ethiopia, Uganda, Somalia, Eritrea, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Yemen, Oman và Saudi Arabia.
Khi đàn châu chấu ảnh hưởng đến nhiều quốc gia một lúc với số lượng cực lớn, nó được gọi là dịch.
Làng Mathyakani của Ndavu, trải trên diện tích khoảng 50 km vuông, là nơi sinh sống của khoảng 10.000 người.
Vì sao bà bầu thường nghén ăn những món kỳ quặc?
Sẽ ra sao nếu virus corona và tất cả các loại virus biến mất?
Kỹ năng giúp sinh tồn trong cái lạnh cùng cực
Tại nông trại rộng 1,6 ha của Ndavu, đàn châu chấu đã phá hủy nông sản trị giá 50.000 shilling Kenya (460 đô la), mà cô dự kiến sẽ bắt đầu thu hoạch vào tháng Bảy.
Cây cối mọc ở rìa nông trại của cô, nơi cô từng lấy thức ăn cho gia súc, cũng bị đàn châu chấu làm cho xơ xác. Không còn gì để nuôi gia súc, cô phải đưa chúng đến làng lân cận vốn chưa bị tấn công. Ở đó, cô ấy trả khoảng 100 shilling Kenya (chưa tới một đô la Mỹ) mỗi ngày cho chủ đất để gia súc của cô có cái ăn. Phân thải ra từ sáu con bò của cô phải để lại cho chủ đất như một khoản thanh toán thêm.
“Tôi đã trải qua biết bao nhiêu là thử thách khi lớn lên trong cảnh mồ côi,” Ndavu nói. “Nhưng sự càn quét của châu chấu còn hơn cả thử thách. Đó là một vấn đề sống còn bởi vì nó đã khiến chúng tôi đói và không biết làm sao”.
Cái giá của phòng vệ
Vào tháng 2/2020, báo chí địa phương đưa tin rằng bầy châu chấu bao phủ một diện tích 2.400 km vuông được ghi nhận ở miền bắc Kenya và có thể là bầy châu chấu lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử nước này.
Tại làng của Ndavu, châu chấu bao trùm diện tích cây cối khoảng 20 km vuông khi chúng ào ạt tràn đến.
Cuộc càn quét đã gây hậu quả cho sức khỏe tâm thần ở làng Mathyakani.
Trong hơn một tuần của trận dịch, các con của Ndavu không thể đến trường. Chúng phải ở nhà để giúp cha mẹ chiến đấu với bầy châu chấu đổ bộ vào trang trại của họ.
Lúc đầu, Ndavu cho biết người lớn sử dụng các công cụ có sẵn tại chỗ tạo tiếng ồn để xua đuổi châu chấu cũng như nhóm lửa và đốt lốp xe. Trẻ con cũng được đưa ra để la hét trước đám châu chấu để làm cho chúng sợ bỏ chạy trước khi làng kịp sử dụng thuốc trừ sâu. m thanh đinh tai nhức óc và tiếng la hét đó đã để lại hậu quả lâu dài cho các con của cô.
“Hầu hết các đêm tôi đều không ngủ đủ giấc,” Ndavu nói. “Lũ trẻ đánh thức tôi khi chúng bắt đầu la hét vào ban đêm. Khi tôi hỏi chúng có chuyện gì, chúng nói rằng chúng đang mơ thấy một đàn châu chấu khác càn quét đến nhà.”
Peninah Nguli, một giáo viên từ một ngôi làng lân cận làng Mathyakani, cho biết thêm rằng phụ nữ đặc biệt bị ảnh hưởng.
Phụ nữ thường đảm đương việc trồng trọt trong vùng, trong khi nam giới trông coi gia súc. Nguli nói rằng một số phụ nữ đang mắc các chứng bệnh về cổ họng do sức ép phải hét lên để xua đuổi bọn châu chấu, trong khi hầu hết phụ nữ đều sợ sẽ có thêm đàn châu chấu khác.
Một trận châu chấu nữa thực sự có khả năng xảy ra, và nó có thể rất tai hại.
Một đợt bùng phát nữa sẽ khiến từ năm triệu đến 25 triệu người đối mặt nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng ở Đông Phi. Thêm 25 triệu người nữa sẽ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Công cụ giúp chống chọi
Vào giữa tháng Hai, chính phủ Kenya thông báo họ đang tập trung các biện pháp can thiệp ở các khu vực có nhiều châu chấu ở phía bắc.
Các biện pháp can thiệp bao gồm phun thuốc trừ sâu thủ công và bằng máy bay, sau đó là triển khai các đội phản ứng để đánh giá thiệt hại do châu chấu gây ra.
Đánh giá này sau đó sẽ giúp chính phủ đưa ra kế hoạch về cách họ hỗ trợ sinh kế của người dân Kenya bị ảnh hưởng trong trận dịch châu chấu.
Kenya là một trong chín quốc gia hưởng lợi từ khoản tài trợ trị giá 1,5 triệu đô la do Ngân hàng Phát triển Châu Phi trao cho Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển vào tháng Tư để giúp Đông Phi và Vùng Sừng Châu Phi đối phó với cuộc càn quét của châu chấu.
Vào tháng Năm, Ngân hàng Thế giới đã phát thêm khoản trợ cấp 43 triệu bảng Anh để hỗ trợ 70.000 hộ chăn nuôi và 20.000 nông dân Kenya để giúp họ phục hồi sau nạn dịch.
Một cách mà số tiền này có thể được sử dụng để giúp những người nông dân như Ndavu là trang bị cho họ công nghệ để họ có thể chống lại các trận dịch châu chấu mới, ông Moses Muli, chuyên gia xã hội và bảo tồn vốn đã làm việc cho Action Aid, Kenya, được sáu năm, cho biết.
Tuyến phòng thủ đầu tiên là hóa chất trừ sâu, vốn có thể phân phát trong các gói ở mặt đất hoặc bằng máy bay.
Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, cách phòng thủ này đã trở nên khó khăn hoặc, ở một số nơi, không thể thực hiện được do chuỗi cung ứng hóa chất bị gián đoạn.
Và việc phun thuốc mặc dù là một trong những phương pháp hiệu quả hơn nhưng lại có chỗ không tốt: hóa chất được sử dụng có thể có hại cho môi trường và sức khỏe con người.
Các giải pháp thay thế bao gồm sử dụng máy bay không người lái và lưới điện kim loại để kiểm soát đàn châu chấu.
Máy bay không người lái có thể được cho bay đủ thấp để phun hóa chất và giám sát mà không cần máy bay lớn có phi công.
Lưới điện có thể được giăng ra trên các cánh đồng để tạo ra rung động ở những chỗ trống để xua đuổi châu chấu và khiến cho bất kỳ con châu chấu nào chạm vào sẽ bị giật. Mặc dù các thử nghiệm lưới điện ban đầu đã thành công, chúng có thể phù hợp hơn với các đàn châu chấu nhỏ.
Một lựa chọn khác là sử dụng ‘thuốc trừ sâu sinh học’, dựa trên nấm Metarhizium acridum có khả năng lây lan và tiêu diệt châu chấu.
Thuốc trừ sâu từ nấm được cho là có hại cho ít loài hơn nhiều so với thuốc trừ sâu thông thường, và do đó có ít rủi ro hơn đối với môi trường và con người.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi liệu dùng nấm ngăn chặn châu chấu cũng có thể gây hại cho các loài côn trùng khác hay không, chẳng hạn như mối.
Thuốc trừ sâu kiểu này cũng mất nhiều thời gian để tiêu diệt châu chấu hơn thuốc trừ sâu thông thường vốn có nguy cơ gây hại mùa màng nhiều hơn.
Nhưng có một số biện pháp bảo vệ quan trọng cần phải được thực hiện trước khi đàn châu chấu đến.
Các trạm cảnh báo thời tiết từ xa trong các nông trại cũng có thể giúp nông dân chuẩn bị cho các cuộc càn quét của châu chấu trong tương lai.
Châu chấu thường sinh sôi khi mưa lớn theo sau hạn hán kéo dài, Muli nói. Các trạm thời tiết từ xa có thể giúp thu thập các dữ liệu cho biết về những biến đổi thời tiết như vậy và cho nông dân có thời gian để bắt đầu phun thuốc sớm.
Đối với Munyithya Kimwele, một nông dân ở Mathyakani, đầu tư vào công tác dự báo là lựa chọn tốt nhất để các hộ dân chuẩn bị cho các trận châu chấu trong tương lai.
“Từ lâu lắm những dự báo truyền thống đã giúp các làng mạc chuẩn bị cho các cuộc xâm lăng của châu chấu. Đây là cách can thiệp tốt nhất mà chính phủ có thể làm cho những người nông dân nghèo như chúng tôi,” Kimwele nói.
Ở những làng như Mathyakani, vốn không phải là khu vực ưu tiên để phun thuốc hoặc hỗ trợ của chính phủ, nông dân đang thực hiện các bước phục hồi bằng cách đa dạng hóa cây trồng.
Thay vì dựa vào các loại cây trồng truyền thống như ngô và đậu đũa vốn dễ bị châu chấu tấn công hơn, ngày càng có nhiều nông dân đầu tư vào cây ăn quả và rau củ.
Điều này đã làm được nhờ vào các dự án thủy lợi trong làng mà Action Aid Kenya thực hiện vào năm 2009 với sự hợp tác của một số nông dân.
Khoảng 40 hộ gia đình sinh sống dọc theo con sông theo mùa Enzio đã được huy động tham gia dự án vốn giúp họ trồng cải bắp, cà chua, cải xoăn và ớt chuông trong số nhiều loại cây trồng khác bằng cách đào một loạt miệng nước dọc bờ sông.
Nguli cho biết rằng những nông dân này không bị điêu đứng vì nạn châu chấu như các hộ dân chỉ trồng ngô, đậu xanh và đậu đũa.
“Những gia đình đói khổ từ các làng lân cận đến nhờ chúng tôi giúp đỡ và chúng tôi đã cho họ thức ăn,” Nguli cho biết. “Chúng tôi cũng chỉ cho họ cách tận dụng dự án thủy lợi và thiết lập các khu vườn bếp để bảo vệ họ trước những cú sốc lương thực trong tương lai.”
Dự đoán dịch châu chấu
Câu hỏi liệu Vùng Sừng Châu Phi có thể gặp phải nạn châu chấu tồi tệ hơn trong tương lai hay không là một câu hỏi khó trả lời, theo Ezra Kipruto Yego, điều phối viên Mục tiêu Phát triển Bền vững của Mạng lưới các Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Yego nhận thấy có thể có mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và dịch châu chấu ở Đông Phi.
Ví dụ, khi các cơn bão từ Ấn Độ Dương hồi năm ngoái đổ bộ, chúng có thể đã tạo ra một môi trường hấp dẫn cho châu chấu tràn vào khu vực từ các điểm sinh sôi của chúng ở Trung Đông, ông nói.
“Châu chấu không có khả năng biến mất sớm. Điều này là do thời tiết thất thường gây mưa kéo dài đã tạo cho chúng đủ cây cỏ để chúng tiếp tục có thức ăn và sinh sản,” Yego nói.
Một thách thức lớn khác trong việc kiểm soát châu chấu ở Đông Phi là bất ổn chính trị.
Chẳng hạn, Yego nói, các cơ quan Liên Hiệp Quốc cam kết chiến đấu với châu chấu hiếm khi mạo hiểm đưa nhân viên của họ đến các quốc gia như Somalia, nơi thường xuyên bị các chiến binh al-Shabab tấn công.
Do đó, khi một quốc gia như Kenya có tiến triển trong việc kiểm soát châu chấu, những con châu chấu đã sinh sôi ở các quốc gia kém ổn định về chính trị thường tràn qua biên giới vào các nước khác.
Yego nói rằng điều này khiến xây dựng hòa bình quốc tế và ổn định chính trị trở thành một nội dung quan trọng trong việc đối phó với nạn châu chấu.
Cho đến khi các giải pháp quốc tế quy mô lớn như vậy có thể thực hiện được, người dân Mathyakani đang nỗ lực áp dụng và xây dựng khả năng phục hồi sau dịch châu chấu, Ndavu cho biết.
Nhưng đồng thời luôn có mối đe dọa sẽ xuất hiện đàn châu chấu khác. Những con châu chấu trong những đợt tấn công gần nhất đã đẻ trứng trong vùng, vốn có thể nở vào cuối năm gần thời điểm thu hoạch.
Gần đây, người ta thường thấy những đàn châu chấu non nhảy chung quanh làng. Họ phun thuốc trừ sâu vào chúng, và đôi khi chúng chết hoặc biến mất.
“Tôi biết chuyện này vẫn chưa kết thúc đâu,” Ndavu nói.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-53937687
Dải Gaza: Israel và lực lượng Hamas
Mai Vân
Sau gần một tháng trời căng thẳng leo thang giữa lực lượng Hamas nắm quyền ở dải Gaza, Palestine, và Israel, với những quả bóng lửa bắn về phía Israel và máy bay Israel oanh kích đáp trả, hai bên vào tối hôm qua, 31/08/2020, loan báo đã đạt được một thỏa thuận giảm nhiệt.
Thông tín viên RFI tại Jérusalem, Guilhem Delteil, tường thuật:
Sau nỗ lực trung gian đầu tiên của Ai Cập, đến lượt Qatar đã cố gắng làm nhà hòa giải giữa Hamas và Israel. Và những ngày gần đây, Mohamed El Emadi, nhà ngoại giao Qatar chịu trách nhiệm về các thương lượng, đã qua lại hai bên và đưa đến việc đúc kết một thỏa thuận tối thứ Hai.
Trong một thông cáo, quân đội Israel khẳng định là hàng nhập khẩu đến dải Gaza, bị ngưng do căng thẳng leo thang, sẽ tiếp tục trở lại ngay vào thứ Ba này, kể cả việc cung cấp xăng cần thiết cho hoạt động của trung tâm điện duy nhất ở Gaza, trong lúc dân chúng tại đây chỉ có điện từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Việc đánh bắt cá cũng được cho phép trở lại nhưng chỉ trong phạm vi 15 hải lý. Sinh hoạt trở lại tình trạng bình thường như cho đến lúc đầu tháng, với điều kiện – quân đội Israel nói rõ – việc bắn bóng lửa và chất nổ phải chấm dứt.
Nhưng đối với Hamas, ngoài việc đòi chấm chấm dứt phong tỏa áp đặt trên giải Gaza, thỏa thuận còn có nhiều biện pháp khác. Trong một thông cáo Hamas cho biết là « Những đề án nhân đạo để giảm tình hình khó khăn ở Gaza sẽ sớm được thông báo ».
Lực lượng này tuy nhiên không nêu thêm chi tiết, chỉ gợi lên việc hỗ trợ các hoạt động kinh tế và trợ giúp chống virus corona. Hamas qua đó khẳng định là đã thành công trong việc giành được những nhượng bộ mới từ phía Israel.
ASEAN có đứng vững
trước sự “mua chuộc” của Trung Quốc?
Nguyễn Trường
Trung Quốc tích cực hoạt động “lấy lòng” toàn thế giới
Trong bối cảnh sự căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng gia tăng. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã liên tục tung các đòn “tấn công” Trung Quốc. Một mặt, Bắc Kinh “lặng yên chịu trận”, mặt khác, đội ngũ ngoại giao của Trung Quốc tích cực các chuyến công du để “lấy lòng” các đối tác.
Đầu tiên là Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì – Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương, cơ quan ra quyết sách ngoại giao cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ ngày 19-22/8, ông Dương Khiết Trì đã lần lượt tới thăm Singapore và Hàn Quốc. Đây không chỉ là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc ra nước ngoài sau “kỳ nghỉ Bắc Đới Hà”, mà còn là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sau khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) hoành hành trên khắp thế giới, ngoại trừ chuyến thăm Hawaii của ông Dương Khiết Trì hồi tháng 6/2020.
Theo hãng tin Tân Hoa Xã, năm 2020 là kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Singapore, do đó, ông Dương Khiết Trì và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng nhắc lại “mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện cùng phát triển” đã được lãnh đạo hai nước xác định năm 2015. Đồng thời, trong cuộc đối thoại, ông Dương Khiết Trì cũng bày tỏ mong muốn ổn định chuỗi cung ứng, tăng cường cuộc chiến chống COVID-19, thúc đẩy hợp tác trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Ông đã nhận được sự hồi đáp tích cực từ phía Singapore.
Singapore luôn được coi là thành viên quan trọng của ASEAN, từng là cầu nối giữa Trung Quốc và phương Tây, có quan hệ sâu sắc với các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao trước đây của Trung Quốc. Tuy nhiên, Singapore cũng đóng vai trò phức tạp trong việc làm xấu đi quan hệ Trung-Mỹ hiện nay. Việc Bắc Kinh cử ông Dương Khiết Trì tới thăm Singapore và chọn nước này là điểm dừng chân đầu tiên trong tiến trình khôi phục các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc truyền tải một thông điệp rõ ràng là Trung Quốc rất coi trọng và đặt kỳ vọng tương đối cao vào Singapore.
Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore sẵn sàng tăng cường trao đổi cấp cao với Trung Quốc, tận dụng tốt cơ chế hợp tác song phương, thúc đẩy phát triển quan hệ ASEAN-Trung Quốc, cùng đẩy mạnh việc phục hồi kinh tế khu vực và thế giới. Đây có lẽ là câu trả lời mà Bắc Kinh mong đợi.
Điểm dừng chân thứ hai của ông Dương Khiết Trì cũng quan trọng không kém, đó là Hàn Quốc. Là một đồng minh truyền thống của Mỹ ở Đông Á và là một nền kinh tế quan trọng ở khu vực, thái độ của Hàn Quốc luôn phức tạp và hay dao động. Thời kỳ bà Park Geun-hye nắm quyền, mối quan hệ vốn rất thân thiết Trung-Hàn đã bị rạn nứt do Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở nước này. Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ Mỹ-Hàn ngày càng bị xem xét lại. Theo giới quan sát, chuyến công du Hàn Quốc của ông Dương Khiết Trì có thể là một chuyến thăm mang tính sự vụ. Việc ông Dương Khiết Trì nhận lời mời gặp ông Suh Hoon – Giám đốc mới được bổ nhiệm của Văn phòng An ninh Quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc – là để xác nhận rằng ngay sau khi dịch bệnh lắng dịu, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tới thăm Hàn Quốc. Tuy nhiên, vấn đề mà hai bên trao đổi rõ ràng là vấn đề mà 2 bên quan tâm hơn nhiều. Điều mà phía Hàn Quốc rất quan tâm là vấn đề bán đảo Triều Tiên. Ông Dương Khiết Trì đã cam kết sẽ tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ với Hàn Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc rất quan tâm đến lập trường của Seoul trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ xấu đi. Tuy nhiên, ông Suh Hoon lại không đưa ra quan điểm rõ ràng, chỉ nói rằng việc Trung Quốc và Mỹ thiết lập mối quan hệ cùng thắng là rất quan trọng để mang lại hòa bình và sự phồn vinh ở Đông Bắc Á cũng như trên thế giới. Không rõ tuyên bố này có đủ để trấn an Bắc Kinh hay không.
Điều đáng chú ý nữa là hai bên khẳng định sự cần thiết của việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn trong năm nay cũng như đẩy nhanh cuộc đàm phán giai đoạn 2 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm nay, khai thác các dự án mẫu kết nối chính sách hướng Nam mới và hướng Bắc mới của Hàn Quốc với sáng kiến BRI của Trung Quốc. Nhất thể hóa kinh tế khu vực Trung-Nhật-Hàn luôn là mong đợi của Trung Quốc (và cả Nhật Bản và Hàn Quốc). Sự kết hợp giữa 3 nền kinh tế khổng lồ không chỉ là về số lượng, mà quan trọng hơn, nó trở thành lực lượng lớn ảnh hưởng và chi phối cấu trúc kinh tế toàn cầu.
Ngoài ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, cũng hoạt động khá tích cực. Ngày 20/8, ông Vương Nghị đã hội đàm với Ngoại trưởng Indonesia Retno Lestari Priansari tại Bảo Đình thuộc tỉnh Hải Nam khi bà này thăm Trung Quốc; tiến hành Đối thoại chiến lược Trung Quốc-Pakistan lần thứ hai với Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi ngày 21/8. Điểm nhấn tiếp theo là hoạt động kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước biên giới đất liền và 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt-Trung tại Đông Hưng, Quảng Tây ngày 23/8.
Trong khi đó, ngày 24/8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ ba được tổ chức theo hình thức trực tuyến, đồng thời “chìa cành ô liu” với cam kết sẽ ưu tiên cung cấp vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc cho các nước khu vực Mekong.
Từ Singapore, Hàn Quốc đến Indonesia, Pakistan và Việt Nam, các hoạt động ngoại giao láng giềng dày đặc của các nhà lãnh đạo ngoại giao cấp cao Trung Quốc trong thời điểm khó khăn hiện nay đã cho thấy tính linh hoạt và chiến lược của Bắc Kinh. Chuyến thăm chính thức của ông Vương Nghị tới 5 nước châu Âu (Italy, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức) trong tuần này được cho là thời điểm quan trọng để Trung Quốc tận dụng đi sâu vào “sân sau” truyền thống của Mỹ, trong bối cảnh Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bận rộn ứng phó với dịch bệnh và cuộc bầu cử trong nước. Trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ ngày càng xấu đi và các doanh nghiệp Trung Quốc liên tục chịu sự chèn ép của Mỹ, Bắc Kinh luôn tìm mọi cách để phá vỡ “vòng phong tỏa”, ngăn chặn và loại bỏ những tác động bất lợi, và đương nhiên là “làm tan rã” sự bao vây kinh tế và phong tỏa công nghệ của Mỹ cùng các đồng minh. Việc Bắc Kinh vội vã mở cửa quan hệ với châu Âu và các nước láng giềng bắt nguồn từ việc này.
ASEAN và vấn đề biển Đông
Chiến lược của Trung Quốc là ngăn mọi bất đồng trên Biển Đông trở thành đa phương về bản chất, và thúc đẩy việc giải quyết căng thẳng thông qua đàm phán song phương. Bắc Kinh không muốn để một bên thứ ba có ảnh hưởng ở khu vực như Mỹ, Nhật Bản hay Australia, có cơ hội can thiệp.
Giới quan sát nhận định ASEAN đang gặp khó khăn trong việc đạt đồng thuận về những vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Dù đã kết nối với Bắc Kinh trong nhiều vấn đề khác nhau, từ hàng loạt khuôn khổ cho đến các cuộc tham vấn, các nước thành viên ASEAN vẫn chưa tìm thấy hướng giải quyết cho những khúc mắc liên quan tới các tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Trung Quốc là một trong số những đối tác thương mại hàng đầu của các nước ASEAN. Khu vực này cần cả Mỹ lẫn Trung Quốc, và không muốn bị đặt vào tình thế phải lựa chọn giữa một bên nào đó. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có muốn Đông Nam Á và ASEAN cùng siết chặt vòng vây Trung Quốc?
Giới phân tích và nhiều nhà quan sát cho rằng ASEAN phải bắt đầu tham gia cuộc chơi và cùng chống lại Trung Quốc như một khối thống nhất. Khu vực cần ngăn Trung Quốc đạt được lợi ích chiến lược và dành nhiều nguồn lực hơn để tăng cường năng lực bảo vệ không gian biển. Nhưng liệu điều này có khả thi?
Một thay đổi lớn gần đây, ban đầu do Nhật Bản đưa ra ý tưởng nhưng dần dần được các nước khác chấp nhận, là xác định lại khái niệm khu vực “Châu Á-Thái Bình Dương” có nghĩa là khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” rộng hơn bao gồm cả Australia, Ấn Độ và Mỹ với tư cách là các cường quốc trong khu vực. Trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng hơn này, các quốc gia thành viên ASEAN lo sợ rằng sự hiện diện của họ sẽ giảm sút khi các cường quốc lớn tự xác định họ là quốc gia bản địa chứ không phải người ngoài, như cách hiểu truyền thống về “Đông Á”.
Tuy nhiên, mọi thay đổi đều mang lại những cơ hội mới. Về mặt địa lý, ASEAN nằm ở trục giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và đặc điểm này không bị mất đi đối với những ai coi trọng vị trí trung tâm của ASEAN. Nhưng vấn đề không đơn giản như bạn thấy. Trong khoa học chính trị, “tác nhân chủ chốt” được định nghĩa là tác nhân đẩy cơ quan lập pháp vượt qua ngưỡng cần thiết để thông qua luật. Hãy ghi nhớ rằng các quy tắc của lĩnh vực này – như đa số là bắt buộc hoặc hình thức bỏ phiếu – ảnh hưởng đến định nghĩa “tác nhân chủ chốt”. Với sự ủng hộ của tác nhân chủ chốt, các quyền ưu tiên của phần còn lại trong cơ quan lập pháp bị chia rẽ không thành vấn đề vì thành công đã được đảm bảo. Ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vị trí chiến lược của ASEAN giữa các cường quốc lớn cũng như vị trí trung tâm địa lý của ASEAN mang lại cho ASEAN vai trò then chốt đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – nếu khối này có thể nhận ra sức mạnh của chính họ cũng như những cạm bẫy tiềm ẩn.
Các quốc gia ASEAN hiện thấy mình là những chủ thể mà sự ủng hộ của họ là cần thiết đối với các cường quốc bên ngoài để đảm bảo đạt các nước này đạt được những mục tiêu của mình. Trung Quốc không thể tuyên bố rằng Sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ mang lại lợi ích cho khu vực nếu khu vực này không công nhận và phê duyệt các dự án.
Mặc dù sự thay đổi trong chính sách của Mỹ về lâu dài sẽ có tác động khiến Trung Quốc phải trả giá và thu hút sự ủng hộ của các đồng minh và đối tác, nhưng trước mắt cần lưu ý đến 3 khía cạnh:
Thứ nhất, trong tương lai, có thể mong đợi một phản ứng ngoại giao mạnh mẽ hơn từ Mỹ lên án các hành vi xâm phạm trái phép của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc quấy rối hoạt động khoan dầu và đánh bắt cá của nước khác.
Thứ hai, Mỹ giờ đây sẽ đưa các hành vi bất hợp pháp ra trước các diễn đàn quốc tế, không còn giới hạn ở Hội nghị cấp cao Đông Á nữa, mà sẽ nêu vấn đề tại các hội nghị LHQ, G7 và G20…
Thứ ba, Mỹ cũng có thể thực hiện nhiều bước đi hơn nữa để gây thiệt hại kinh tế cho Trung Quốc. Bằng cách tuyên bố một số hoạt động của Trung Quốc là bất hợp pháp, Mỹ đã tự trang bị cho mình lời biện minh cho việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty và tổ chức Trung Quốc thực hiện các hoạt động trên. Mục tiêu của Washington là thay đổi hành vi của Bắc Kinh và vì điều này, họ cần các nước khác ủng hộ. Trong ngắn hạn, căng thẳng có thể leo thang do thực tế là Trung Quốc, nước phải làm hài lòng người dân trong nước vốn khó chịu trước sự bất bình đẳng và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sẽ sử dụng chính sách ngoại giao chiến lang. Điều này được thể hiện trong bối cảnh của tiến trình giảm leo thang căng thẳng ở biên giới Ấn Độ-Tây Tạng. Các nhà ngoại giao Trung Quốc tự mãn cho rằng Bắc Kinh chỉ đang bảo vệ chủ quyền, còn Ấn Độ mới là bên gây hấn.
Trong khi tình hình trên mở ra cơ hội cho ASEAN và Chủ tịch của ASEAN là Việt Nam để đưa ra các động thái phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích của mình, thì điều đó cũng đặt ra cho họ một trách nhiệm nặng nề. Trước tiên, ASEAN cần đưa ra trước các cơ quan quốc tế như LHQ, EU… những hành động và yêu sách phi lý của Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn và điều chỉnh các động thái chiến lược của mình. Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, điều này tạo cơ hội gây sức ép buộc Trung Quốc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có ràng buộc về mặt pháp lý và tuân thủ phán quyết của PCA. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đưa ra tiến trình các cuộc họp giữa LHQ và ASEAN, và cơ chế này nên được thực hiện lâu dài. Các cơ chế tương tự cũng nên được thiết lập với các tổ chức quốc tế khác.
Thứ hai, Cộng đồng Quốc tế giờ đây sẽ sẵn lòng giúp đỡ các nước ASEAN xây dựng năng lực quân sự. Đây là cơ hội cho các quốc gia ven biển để tăng cường năng lực quân sự bằng cách mua vũ khí và công nghệ hiện đại. Việt Nam có thể xúc tiến mua lại công nghệ quốc phòng và tên lửa như Brahmos từ Ấn Độ vì cả hai đều là đối tác chiến lược. Ngoài ra, các nước ASEAN có thể được khuyến khích tham gia tập trận hải quân với Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Hoạt động của Nhóm Bộ Tứ Mở rộng, có thể bao gồm cả ASEAN và Hàn Quốc, sẽ giúp kiềm chế Trung Quốc và củng cố nỗ lực duy trì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên luật pháp và chuẩn mực quốc tế.
Thứ ba, Chủ tịch ASEAN không nên để bất kỳ thành viên nào bị Trung Quốc ép buộc. Đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn khi Trung Quốc đang sử dụng mọi thủ đoạn để lôi kéo những người có ảnh hưởng ở các nước yếu kém về kinh tế. Tuy nhiên, khi các nước thành viên ASEAN nhận ra cái giá phải trả cho việc đi theo và rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, người ra hy vọng rằng tình hình tương tự mà Trung Quốc tạo ra trong năm 2012 sẽ không lặp lại.
Thứ tư, cần đập tan nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách lịch sử của “Đường 9 đoạn”. Đây chỉ là những lập luận tùy tiện mà Trung Quốc đưa ra với hy vọng ngày nào đó sẽ được cộng đồng quốc tế chấp nhận. ASEAN cần đạt được một thỏa thuận rằng các quốc gia thành viên phải thể hiện Biển Đông như một khu vực chung trên bản đồ chính thức của mỗi nước. Nếu các thành viên ASEAN có thể đồng thuận về một danh từ chung phù hợp cho Biển Đông, chẳng hạn như Biển Đông Nam Á, thì điều đó sẽ tốt hơn nhiều.
Thứ năm, ASEAN cũng có thể áp đặt chi phí kinh tế lên Trung Quốc bằng cách giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc. Một số doanh nghiệp đang rời khỏi Trung Quốc, khiến chuỗi cung ứng của Trung Quốc đại lục và Hong Kong bị gián đoạn. Điều này đem lại cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam, nước đã làm tốt hơn Trung Quốc về kinh tế trong năm nay. Những công ty này nên được cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết để chuyển khỏi Trung Quốc và đảm bảo việc nới lỏng các quy định nếu được yêu cầu. Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á. Trong hoạt động kinh tế, Ấn Độ và Việt Nam có thể làm việc như những đối tác để tăng cường chuỗi cung ứng. Trong khi các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ bao gồm điện thoại di động và linh kiện, máy móc, máy tính và phần cứng điện tử, cao su tự nhiên, hóa chất và cà phê; các mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam bao gồm thịt và các sản phẩm thủy sản, ngô, thép, dược phẩm, bông và máy móc. Việt Nam cũng đang xuất khẩu gạo chất lượng cao sang các nước khác. Vì những mặt hàng này có nhu cầu lớn ở châu Phi, Tây Á và châu Âu, một sự kết nối được cải thiện có thể thúc đẩy đáng kể giao thương của Việt Nam với các thị trường nói trên.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Đáp lại thái độ hung hăng của Trung Quốc,
Đài Loan tuyên bố không e sợ nếu chiến tranh xảy ra
Vũ Dương
Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm thứ Hai (31/8) tuyên bố rằng Đài Loan sẽ không chủ động phát động chiến tranh, nhưng Đài Loan cũng không e sợ nếu điều đó (chiến tranh) thật sự xảy ra.
Reuters đưa tin, Bắc Kinh đang tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh khu vực được coi là một phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của nó. Mặc dù người dân và chính phủ Đài Loan đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không hứng thú với chế độ độc tài Bắc Kinh. Tuy nhiên, ĐCSTQ chưa bao giờ từ bỏ giấc mộng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Lãnh đạo ĐCSTQ lần nữa đã đưa ra tín hiệu này vào năm ngoái.
Tập Cận Bình đang đốc thúc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Dự án bao gồm việc bổ sung các máy bay chiến đấu tàng hình, tàu sân bay và các vũ khí quân sự tối tân khác. Song song đó, lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc cũng không ngừng tiến hành các cuộc tập trận định kỳ hoặc chấp hành nhiệm vụ ngay sát eo biển Đài Loan.
Sáng thứ Hai (31/8), Bộ Quốc phòng Đài Loan đã gửi báo cáo sức mạnh quân sự của ĐCSTQ năm 2020 lên Viện lập pháp và lần đầu tiên công khai xác nhận rằng Bắc Kinh mỗi ngày đều cử máy bay tàu chiến của hải quân và không quân tiến hành các cuộc tuần tra định kỳ ở eo biển Đài Loan.
Báo cáo chỉ ra rằng, hạm đội Biển Đông của ĐCSTQ lần đầu tiên tiếp cận chuỗi đảo thứ ba trong năm 2020, cho thấy khả năng đột phá phong tỏa của chuỗi đảo và sức mạnh tác chiến ngoài biển khơi của nó với thế giới bên ngoài. Trước đó, hải quân ĐCSTQ chỉ giới hạn trong khu vực giữa chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai. Ngoài ra, trong thời gian diễn tập quân sự, hạm đội Trung Quốc đã băng qua các
vùng biển xung quanh Đài Loan, mục đích nhằm thị uy quân sự với Đài Loan và phô trương sức mạnh với các nước trong khu vực.
Báo cáo cũng cho biết thêm, quân đội Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng cường các cuộc tập trận bắn đạn thật và bổ sung thêm vũ khí chiến đấu mới.
“Tuy nhiên, về việc triển khai chiến thuật đối với Đài Loan, nó (quân đội ĐCSTQ) vẫn bị hạn chế bởi hoàn cảnh địa lý tự nhiên của eo biển Đài Loan, cộng thêm trang bị đổ bộ cần thiết cũng như khả năng hậu cần của nó là không đủ”, báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, “Nó vẫn chưa đủ khả năng chiến đấu để chính thức tấn công Đài Loan”.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã coi việc tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia của tự thân Đài Loan là ưu tiên hàng đầu và đã không ngừng mua thêm thiết bị quân sự từ Hoa Kỳ — nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất và là đồng minh quốc tế thân thiết của hòn đảo này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/8 xác nhận đã chấp thuận bán 66 máy bay chiến đấu F-16V cho Đài Loan. Trang Reuters vào tháng 8 dẫn nguồn từ nhân sĩ thạo tin cho biết Mỹ đang đàm phán bán ít nhất 4 máy bay trinh sát không người lái tiên tiến cỡ lớn cho Đài Loan.
Báo cáo nói rằng Hoa Kỳ trước giờ vẫn luôn hứng thú với việc bán vũ khí cho Đài Loan. Lô máy bay không người lái tiên tiến này trước đây chỉ được phép bán cho một số đồng minh thân cận của Hoa Kỳ bao gồm Anh, Ý, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tổng thống Thái nói rằng bà muốn chung sống hòa bình với Bắc Kinh, càng không muốn gây hấn với đối phương. Tuy nhiên, tuần trước bà cũng bày tỏ lo ngại rằng căng thẳng khu vực ngày càng gia tăng có thể sẽ dẫn đến sự cố ngoài ý muốn.
Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục chú ý đến các mối đe dọa từ ĐCSTQ, bao gồm các mối đe dọa từ hành động đến lời nói. Đài Loan sẽ không chủ động phát động chiến tranh, nhưng họ cũng không e sợ nếu điều đó (chiến tranh) thật sự xảy ra.
Theo Li Yuan, Epochtimes.com
Vũ Dương biên dịch
Tại Đài Loan chủ tịch Thượng Viện CH Séc nói :
« Tôi là người Đài Loan »
Anh Vũ
Không chỉ dẫn đầu một đoàn đại biểu đông đảo tới 90 người gồm các nghị sĩ, chính trị gia và doanh nhân đến thăm Đài Loan, chủ tịch Thượng Viện Cộng Hòa Séc trước Nghị Viện Đài Loan, hôm qua 31/08/2020 còn tuyên bố : « Tôi là người Đài Loan » để tỏ sự đồng cảm ủng hộ với hòn đảo, vẫn bị Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai.
Ngay lập tức Bắc Kinh, qua lời ngoại trưởng Vương Nghị đang trong chuyến công du Tây Âu, đã phản ứng gay gắt rằng chủ tịch Thượng Viện Séc sẽ phải « gánh hậu quả nặng nề » cho chuyến này.
Thông tín viên RFI tại Praha Alexis Rosenzweig cho biết thêm thông tin :
“Ngay lập tức đầu tuần Bắc Kinh đã lên giọng. Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc đánh giá chuyến đi Đài Loan này là một « sự khiêu khích » và thẳng thừng đe dọa chủ tịch Thượng Viện Séc cũng như tất cả những ai phản đối nguyên tắc một nước Trung Quốc duy nhất sẽ phải « trả giá đắt ».
Ngay sau đó, bộ Ngoại Giao Séc đã triệu mời đại sứ Trung Quốc tại Praha để giải thích về phát biểu của ngoại trưởng Trung Quốc mà chính quyền Séc đánh giá là « lệch lạc » và không « phù hợp ».
Hiếm có chuyến đi nào của đoàn thượng nghị sĩ Séc lại gây sự chú ý như chuyến thăm Đài Loan lần này, dự kiến sẽ kéo dài đến thứ Sáu. Đi cùng đoàn có đô trưởng Praha và nhiều đại diện các doanh nghiệp Séc, chủ tịch Thượng Viện Milos Vystrcil đã không sợ chọc giận chính quyền Trung Quốc.
Là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu từ năm 2004, Cộng Hòa Séc cùng với 17 nước Đông và Trung Âu đã tham gia chương trình hợp tác do Trung Quốc khởi xướng. Là người rất thiện cảm với Bắc Kinh, tổng thống Cộng Hòa Séc hiện nay Milos Zeman từng thông báo những khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc mà đất nước ông luôn mong đợi.”
Đài Loan nói Trung Quốc vẫn thiếu
khả năng tấn công toàn diện vào quốc đảo
Bình luậnNguyễn Minh
Hoạt động của các chiến thuật và chiến lược [của quân đội Trung Quốc] đối với Đài Loan vẫn bị hạn chế, do [đặc điểm] môi trường địa lý tự nhiên của eo biển Đài Loan, và thiết bị đổ bộ cũng như khả năng hậu cần của quân đội Trung Quốc không đủ, theo Reuters.
Các lực lượng vũ trang của Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn thiếu khả năng tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào Đài Loan, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hôm 31/8.
Bắc Kinh đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự trong khu vực mà chính quyền này tự coi là lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình. Chính quyền này chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để buộc quốc đảo dân chủ Đài Loan chịu quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đây là thông điệp mà người đứng đầu ĐCSTQ Tập Cận Bình nhắc lại vào năm ngoái. Tuy nhiên, Đài Loan luôn phủ nhận tuyên bố chủ quyền này của Bắc Kinh.
Ông Tập đang giám sát một chương trình hiện đại hóa quân sự ấn tượng, trong đó bao gồm việc bổ sung máy bay chiến đấu tàng hình, tàu sân bay và các thiết bị khác. Không quân và Hải quân Trung Quốc đã thực hiện các cuộc tập trận hoặc nhiệm vụ thường xuyên gần khu vực đảo Đài Loan.
Hãng tin Reuters đã xem được báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc gửi cho Quốc hội, đăng tin rằng, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã đưa ra các kịch bản cho các hành động của Trung Quốc, bao gồm phong tỏa và chiếm giữ các đảo ngoài khơi.
Báo cáo cho thấy, quân đội Trung Quốc tiếp tục nỗ lực để tăng cường các cuộc diễn tập bắn đạn thật, xây dựng sức mạnh cho các loại hình chiến đấu mới cũng như phát triển công nghệ và vũ khí tối tân.
“Nhưng hoạt động của các chiến thuật và chiến lược đối với Đài Loan vẫn bị hạn chế, do [đặc điểm] môi trường địa lý tự nhiên của eo biển Đài Loan, và thiết bị đổ bộ cũng như khả năng hậu cần của quân đội Trung Quốc không đủ”, theo báo cáo.
“Quân đội vẫn không có khả năng chiến đấu chính thức để tấn công toàn diện Đài Loan”.
Tổng thống Thái Anh Văn đã ưu tiên tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan, xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng trong nước và mua thêm thiết bị từ Hoa Kỳ – vốn là quốc gia cung cấp vũ khí quan trọng nhất và ủng hộ quốc đảo trên trường quốc tế.
Bà Thái từng nói rằng, bà muốn có quan hệ hòa bình với Trung Quốc và sẽ không kích động xung đột, nhưng tuần trước đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc xung đột bùng phát do căng thẳng khu vực gia tăng.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, họ đang tiếp tục chú ý đến các mối đe dọa từ Trung Quốc, thông qua cả hành động trong thực tế và qua lời nói, đồng thời khẳng định rằng mặc dù Đài Loan không mong muốn có chiến tranh xảy ra, nhưng cũng không sợ nếu chiến tranh xảy ra.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times
Người biểu tình Hồng Kông tố cáo bị cai ngục tra tấn
Hải Lam
Roy Cheung, 21 tuổi, bị bắt vì sở hữu một quả bom xăng trong một cuộc biểu tình đòi dân chủ vào tháng 10 năm ngoái. Anh nói với Reuters rằng anh đã bị quản ngục đánh đập và làm nhục trong thời gian thụ án.
Roy Cheung cho biết các lính canh tại Viện cải huấn Pik Uk ở Tân Giới thường xuyên tát, đánh anh bằng thước kẻ và thúc cùi chỏ vào cột sống của anh.
Anh Cheung kể lại rằng, vào ngày 7/2, anh bị đánh đập vì là một trong sáu tù nhân hát bài Vinh quang cho Hồng Kông, một ca khúc thường xuyên được cất lên trong trào dân chủ.
Cheung nói: “Chúng tôi đã hát trong phòng giam. Chúng tôi đã bị trừng phạt vào ngày hôm sau”. Không chỉ vậy, người thanh niên này cho biết một người lính canh còn yêu cầu anh phải cảm ơn sau khi bị tát.
Cheung đã chấp hành bản án 8 tháng tù, từ ngày 2/11/2019 đến ngày 30/6/2020. Anh nói với Reuters rằng hồi tháng 5, anh đã đệ đơn khiếu nại về việc bị đánh đập tới Đơn vị Điều tra Khiếu nại của Sở Dịch
vụ Cải huấn Hồng Kông, nơi điều hành các nhà tù của thành phố. Reuters không thấy được bản sao của đơn khiếu nại này và Cheung nói rằng anh không được cung cấp một bản sao.
Trong một bức thư đề ngày 10/7 mà Reuters xem được, một thành viên của Đơn vị Điều tra Khiếu nại đã trả lời rằng cơ quan này đang điều tra vụ việc của Cheung.
Một đại diện của Sở Dịch vụ Cải huấn từ chối bình luận về đơn khiếu nại của Cheung. Người này tuyên bố Đơn vị Điều tra Khiếu nại sẽ điều tra công bằng, chính xác và cụ thể.
Cheung nói với Reuters rằng anh muốn công khai khiếu nại của mình để ngăn việc ngược đãi những người biểu tình khác vẫn đang bị giam giữ tại Viện Cải huấn Pik Uk.
Tom, Ivan, Jackson và Henry là bốn người biểu tình ủng hộ dân chủ ở độ tuổi 18, 19. Họ đã thuật lại những hành vi ngược đãi tương tự mà họ phải chịu khi bị giam giữ tại Viện Cải huấn Pik Uk. Cả bốn người này đã được thả khỏi Pik Uk và đang chờ xét xử.
Họ cho biết cai ngục đánh họ theo cách để không có những vết bầm tím và sẹo. Ngoài ra, những thanh niên này bị đánh ở những nơi không có camera, chẳng hạn như gần cầu thang bên ngoài phòng sinh hoạt hoặc bên trong phòng tắm.
Không ai trong số bốn người này dám đệ đơn khiếu nại lên Sở Dịch vụ Cải huấn vì họ sợ bị lính canh trả thù nếu tương lai phải trở lại Viện Pik Uk.
Cheung nói với Reuters rằng phòng giam của anh bị lính canh theo dõi hàng ngày sau khi anh nộp đơn khiếu nại. Ngoài ra, Cheung còn bị biệt giam trong một khoảng thời gian.
Khiếu nại lên Liên Hợp Quốc
Vào tháng 6, đảng Demosisto đã thay mặt Tom, Ivan và Jackson đệ đơn khiếu nại lên Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp quốc với cáo buộc lạm dụng người biểu tình bị giam giữ ở nhà tù.
Theo đơn khiếu nại của Demosisto, các lính canh tại Viện Cải huấn Pik Uk đã có hành vi bạo lực với những người biểu tình bị bắt, cụ thể là tát, thúc cùi chỏ vào xương sống và dùng gậy, thước kẻ hay dùi cui cảnh sát đánh vào tay và chân của họ. Cơ quan Dịch vụ Cải huấn từ chối bình luận về vụ khiếu nại này.
Hoàng Chi Phong, cựu thành viên của đảng Demosisto, đã bị bỏ tù vào năm 2017 vì tham gia phong trào Ô dù 2014. Anh nói với Reuters rằng anh đã bị đối xử bất công trong tù, chẳng hạn như bị bắt khoả thân và ngồi xổm trong khi bị lính canh thẩm vấn ở khu vực không có camera.
Anh đã đệ đơn khiếu nại lên Cơ quan Dịch vụ Cải huấn, nhưng một cuộc điều tra nội bộ vào năm ngoái kết luận rằng khiếu nại của Hoàng Chi Phong là vô căn cứ với lý do là không có bằng chứng. Cơ quan Dịch vụ Cải huấn từ chối bình luận về quyết định này, viện cớ không thể bình luận về các trường hợp cá nhân.
Theo Reuters
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/nguoi-bieu-tinh-hong-kong-to-cao-bi-cai-nguc-tra-tan.html
Các ngân hàng lớn Trung Quốc đối mặt
với sự sụp đổ khi gói cứu trợ đại dịch hết hạn
Bình luậnDu Miên
Các ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc phải sẵn sàng đối phó với nợ xấu và áp lực về lợi nhuận gia tăng trong những tháng tới, khi các chính sách hỗ trợ được thiết lập để cho người vay có không gian thở trong cuộc khủng hoảng virus Corona Vũ Hán sắp hết hiệu lực.
Tất cả 5 ngân hàng, gồm những ngân hàng đã tăng dự phòng cho các khoản lỗ dự kiến do các khoản nợ xấu gia tăng, đã báo cáo con số lợi nhuận giảm nhiều nhất của họ trong ít nhất là một thập kỷ.
“Những thách thức bên ngoài trong nửa cuối năm [lớn] chưa từng có,” Chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc (BOC) Wang Jiang cho biết vào ngày 31/8.
Dự báo của họ nêu bật tác động của đại dịch và suy thoái kinh tế đối với các ngân hàng của Trung Quốc, vốn đã được Bắc Kinh yêu cầu thúc đẩy cho vay đối với các lĩnh vực có tiềm năng, trong khi hy sinh lợi nhuận để vực dậy vận mệnh của đất nước.
Những người đi vay ngân hàng đang phải vật lộn để trả nợ sau nhiều tháng bị phong tỏa, và một số lĩnh vực, ví như ngành du lịch, đang chiến đấu để tồn tại dưới cái bóng bao trùm toàn cầu của virus Corona Vũ Hán.
Dữ liệu từ China International Capital Corp (CICC) cho thấy, các khoản dự phòng rủi ro cho vay quý II đã tăng từ 61% lên 436% so với cùng kỳ năm 2019 tại ICBC, CCB, AgBank và BOC.
CICC cho biết, lợi nhuận nửa đầu năm giảm chủ yếu là do dự phòng theo lệnh của các cơ quan quản lý. Cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng nếu không theo các lệnh này, tăng trưởng lợi nhuận trong quý II sẽ là 1,5% đến 5,1% đối với 4 công ty cho vay đó.
Giám đốc quản lý rủi ro Jin Yanmin của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) cho biết: “Đối với việc các chính sách hỗ trợ giúp các công ty phục hồi hết hạn trong nửa đầu năm tới, tác động của các khoản nợ xấu sẽ tăng lên”.
Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (AgBank) Zhang Qingsong cho biết, áp lực cho vay xấu đang gia tăng, khi các chính sách ngắn hạn nhằm giữ cho các doanh nghiệp tồn tại đã hết hạn. Ông Zhang bổ sung thêm rằng, tăng trưởng lợi nhuận của nó phải đối mặt với áp lực từ “lãi suất cho vay cơ bản giảm, cắt giảm phí và gia tăng trong dự phòng rủi ro cho vay”.
Phó chủ tịch CCB Ji Zhihong dự đoán rằng biên lãi ròng – chỉ số sinh lời chính – sẽ thu hẹp hơn nữa.
Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), ngân hàng thương mại cho vay lớn nhất thế giới bằng tài sản, sẽ phải đối mặt với áp lực cao hơn về việc kiểm soát rủi ro cho vay trong nửa cuối năm và sẽ tăng cường nỗ lực về các khoản dự phòng để đề phòng “bất ổn đáng kể”, Phó Chủ tịch ICBC Liao Lin cho biết.
Nhìn chung, các ngân hàng thương mại Trung Quốc ghi nhận lợi nhuận ròng nửa đầu năm giảm 9,4% xuống còn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 3,38 triệu tỷ VNĐ), dữ liệu từ Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc cho thấy.
Theo dữ liệu từ ủy ban, vào cuối quý II, tỷ lệ nợ xấu trung bình đối với các ngân hàng thương mại là 1,94%. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2009.
Nhà phân tích Wang Yifeng của Everbright Securities cho biết, các ngân hàng có khả năng sẽ tiếp tục tăng dự phòng trong quý III.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của CICC cho biết, nửa đầu năm có khả năng đánh dấu lợi nhuận ngành ngân hàng chạm đáy, và họ kỳ vọng ngành sẽ tăng trưởng lợi nhuận trở lại vào năm 2021, khi hoạt động kinh tế dần hồi phục.
‘Tác động không chắc chắn’
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng ở 5 ngân hàng lớn trong kỳ báo cáo, với ICBC tăng từ mức 1,43% của 3 tháng trước đó lên 1,5% vào cuối tháng Sáu; và của CCB tăng thêm 0,07% lên mức 1,49% trong quý II.
Nhà phân tích Nicholas Zhu của Moody’s Investor Service cho biết: “Những thay đổi hành vi của người tiêu dùng và cải tổ trong các ngành đang tăng tốc do đại dịch, sẽ có tác động không chắc chắn đến nền kinh tế”.
Trong nửa cuối năm 2020 và đầu năm 2021, các ngân hàng lớn dự kiến sẽ đẩy mạnh việc bán trái phiếu vốn để giúp bù vào chất lượng tài sản đang suy giảm, nhà phân tích Zhu nhận định.
Moody’s ước tính, đến năm 2025, các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc vẫn còn thiếu hụt khoảng 500 tỷ USD (hơn 11,56 triệu tỷ VNĐ) để đáp ứng các yêu cầu về vốn toàn cầu.
Biên lãi ròng – một thước đo chính về khả năng sinh lời của ngân hàng – đã giảm ở ICBC, BoCom, CCB và AgBank, mặc dù nó được cải thiện một chút ở BOC.
Du Miên
Xe bọc thép chở binh sĩ xuất hiện tại Nội Mông,
nghi ngờ cảnh sát tham gia biểu tình
Bình luậnMinh Thanh
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động chiến dịch diệt chủng văn hóa dân tộc ở Nội Mông. Việc chính quyền Trung Quốc thúc đẩy cấm dạy tiếng Mông Cổ và sách tiếng Mông Cổ khiến người dân Mông Cổ phản đối kịch liệt, dẫn đến các cuộc biểu tình trên quy mô lớn. Người dân đã lập tức tuyên bố rằng họ sẽ không cho con đến trường vào ngày 1/9 và sẽ tổ chức biểu tình phản đối quy mô lớn. Tối 31/8, một số cư dân mạng đăng tải đoạn video cho thấy số lượng lớn xe bọc thép chở binh lính xuất hiện trên đường phố Nội Mông. Ngoài ra còn có các video cho thấy cảnh sát bị nghi ngờ tham gia vào cuộc biểu tình.
Vào ngày 318, trong khi các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều thành phố tại Nội Mông phản đối việc ĐCSTQ hủy bỏ giảng dạy tiếng Mông Cổ, trên đường phố Nội Mông đã xuất hiện những chiếc xe bọc thép chở binh lính của ĐCSTQ.
Theo kênh truyền thông Sound Of Hope (SOH) đưa tin, đã có người khởi xướng một cuộc biểu tình để phản đối tại các quảng trường trung tâm của các thành phố trên khắp Nội Mông vào ngày 1/9. Trong vài ngày qua, một số người đã bắt đầu kêu gọi học sinh, giáo viên, phụ huynh, ca sĩ, nhạc sĩ, và cả những người chăn nuôi đồng loạt biểu tình ở các thành phố lớn.
Đài VOA của Hoa Kỳ cho biết, tình trạng hỗn loạn xã hội dẫn phát từ thông tin ĐCSTQ đang dần thay thế việc dạy tiếng Mông Cổ bằng tiếng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục. Ông Enhebatu, Giám đốc Trung tâm Thông tin Nhân quyền Nam Mông Cổ, cho biết: “Từ học sinh, phụ huynh, giáo viên đến các anh em chuyển phát nhanh, mọi tầng lớp xã hội đều phản đối. Điều này là chưa từng có”.
Một giáo viên ở Nội Mông khi bị cảnh sát thẩm vấn nói: “Bảo vệ tiếng mẹ đẻ của mình không phải là phạm pháp đúng không?”, “Chúng tôi đã từng học rất tốt, và không ai nổi loạn hay chống lại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Có những đoạn video cho thấy các sĩ quan cảnh sát mặc sắc phục cũng tham gia biểu tình .
Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng Đường Bách Kiều (Tang Baiqiao) cho biết: “Người Mông Cổ phản đối việc ĐCSTQ hủy bỏ giảng dạy tiếng Mông Cổ. Trong đoàn biểu tình có cả cảnh sát mặc đồng phục, có người nói là bị đẩy vào. Tôi có thể chắc chắn với bạn rằng họ là đang ‘đá bóng biên’. Loại chuyện này chính tôi đã trải qua vào năm 1989. Khi đó, cảnh sát đã nói rõ với tôi rằng họ đang ủng hộ phong trào sinh viên, nhưng nếu bị phát hiện, họ sẽ nói rằng họ đến để duy trì trật tự. Người Mông Cổ làm tốt lắm!”.
Minh Thanh
Theo SOH
ĐCSTQ gỡ bỏ các thông tin lo ngại
về vaccine ngừa virus corona Vũ Hán
Bình luậnDu Miên
Trong bối cảnh Trung Quốc đang chạy đua để phát triển một loại vaccine ngừa virus Corona Vũ Hán, các chuyên gia gần đây đã trao đổi với các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc về những rủi ro của phản ứng có hại, được gọi là tăng cường phụ thuộc vào kháng thể (ADE). Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài giờ, bài báo đã bị xóa và các bài đăng lại được gỡ khỏi mạng internet.
Cơ thể con người tạo ra kháng thể sau khi nhiễm virus. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng một số loại virus có thể điều khiển ADE, có nghĩa là các kháng thể được kích hoạt bởi lần lây nhiễm đầu tiên có thể kết nối chuỗi virus thứ 2 với các thụ thể trên tế bào miễn dịch – do đó cho phép virus xâm nhập vào các tế bào miễn dịch.
Điều này có thể khiến một bệnh nhân từng nhiễm một chủng virus bị tái phát bệnh nghiêm trọng hơn, nếu họ bị nhiễm chuỗi virus lần thứ 2 sau đó.
Vì vaccine hoạt động bằng cách chứa độc tố hoặc protein bề mặt của vi khuẩn hoặc virus, nhằm kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận ra mầm bệnh là mối đe dọa và tạo ra kháng thể để tiêu diệt mầm bệnh, nên khả năng mắc ADE thường được xem xét khi điều chế vaccine.
Tin tức về vaccine virus Corona Vũ Hán tại Trung Quốc
Trong một bài báo ra ngày 30/8, hãng tin tức Yicai đã phỏng vấn 4 chuyên gia Trung Quốc về nguy cơ ADE từ virus Corona Vũ Hán.
Một chuyên gia giấu tên từ Trung tâm Lâm sàng Y tế Công cộng Thượng Hải cho biết: “Nghiên cứu mới nhất của chúng tôi đã phát hiện ra rằng virus Corona Vũ Hán mới có hiện tượng ADE, và [xác suất] không hề thấp”.
Nhà virus học và giáo sư tại Đại học Hong Kong Jin Dong-yan cũng nói với Yicai rằng virus Corona Vũ Hán có thể có ADE. Ông trích dẫn các trường hợp bệnh nhân đã hồi phục gần đây, những người sau đó có kết quả dương tính với COVID-19 một lần nữa để làm bằng chứng cho hiện tượng này.
Ông dẫn chứng một trường hợp cụ thể ở Hoa Kỳ. Theo báo Nevada Independent, một cư dân Nevada 25 tuổi đã có kết quả tái dương tính với COVID-19 vào ngày 6/6, 48 ngày sau lần xét nghiệm dương tính đầu tiên. Hai mẫu phẩm virus của bệnh nhân vào tháng Tư và tháng Sáu đều khác nhau, và bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng sau lần nhiễm thứ 2.
“Bệnh nhân có kháng thể khi ở trong tình trạng nặng [trong lần nhiễm trùng thứ 2], nghĩa là các triệu chứng có thể do hệ thống miễn dịch của anh ta gây ra. Rất có thể đó là do ADE”, ông Jin nói.
Vào ngày 31/8, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc Gao Fu đã trả lời phần tin tức của Yicai, và cho biết vẫn chưa rõ liệu virus Corona Vũ Hán có biểu hiện ADE hay không.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature vào ngày 5/6 đã kết luận rằng, mắc dù việc “liệu SARS-CoV-2 có thể gây ra các hiệu ứng ADE hay không vẫn còn là một câu hỏi mở”, nhưng “do ADE đã được quan sát thấy ở chủng SARS-CoV vốn có liên hệ mật thiết” với chủng virus tại Vũ Hán, vì vậy cần tiến hành các nghiên cứu sâu hơn để xác minh các hiệu ứng ADE. SARS-CoV-2 là tên khoa học đầy đủ của chủng virus gây bệnh COVID-19, còn SARS-CoV là tên khoa học của virus gây ra bệnh SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng).
Nghiên cứu cũng cảnh báo rằng, “một số loại vaccine nhất định có nhiều khả năng gây ra phản ứng miễn dịch ADE hơn những loại khác”, các nhà nghiên cứu nên “tiến hành thận trọng” trong việc phát triển vaccine cho COVID-19.
Vaccine ngừa virus Corona Vũ Hán của Trung Quốc
Mặc dù thiếu nghiên cứu cụ thể, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tiến hành các cuộc thử nghiệm vaccine COVID-19. Ngày 28/8, cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã đưa tin, có 3 công ty Trung Quốc đang thực hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, trong đó một nhà sản xuất thử nghiệm trên hơn 30.000 người ở các quốc gia Trung Đông, Nam Mỹ và Đông Nam Á.
Các công ty nhà nước và quân đội Trung Quốc cũng yêu cầu một số nhân viên và binh sĩ tham gia thử nghiệm vaccine này.
Nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ và là cựu bác sĩ y khoa Tang Jingyuan cho rằng, sự thúc ép thử vaccine của chính quyền Trung Quốc là vô trách nhiệm và giống như việc coi công dân Trung Quốc “như những con chuột thí nghiệm”.
“[ĐCSTQ] rất háo hức trở thành nước đầu tiên có vaccine được phê duyệt. [Chính quyền này] cần phải sử dụng vaccine như một công cụ chính trị để giành được sự ủng hộ từ các nước đang phát triển, cũng như cạnh tranh với các nước phát triển”, nhà bình luận Tang nói.
Bài báo của Yicai đã gây ra một cuộc thảo luận trực tuyến sôi nổi ở Trung Quốc trước khi bị gỡ xuống.
“ĐCSTQ không muốn dư luận phá hỏng kế hoạch của mình. Đây rất có thể là lý do khiến cơ quan chức năng nhanh chóng gỡ bài báo xuống”, Tang nói thêm.
Du Miên
Theo The Epoch Times
Dân làng Trung Quốc vật lộn để sinh tồn
sau khi bị chính quyền cưỡng chế di dời
Bình luậnNguyễn Minh • 07:39, 01/09/20• 361 lượt xem
Việc cưỡng chế di dời của chính quyền đã làm mất đi lối sống truyền thống của họ. Ngoài ra, dân làng còn phải trả chi phí tái định cư – một khoản tiền quá lớn đối với những gia đình mà nhiều thế hệ đã sống ở vùng sâu vùng xa trên những vách đá.
“Làng vách đá” ở huyện Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, là một trong nhiều ngôi làng ở khu vực tây nam Trung Quốc, nơi người dân tộc thiểu số Yi sinh sống.
Người Yi vẫn bảo tồn cách làm nhà và sinh sống của tổ tiên truyền lại, đó là xây dựng nhà bằng bùn, và sống dựa vào thực phẩm tìm được trên núi hoặc những mảnh ruộng nhỏ mà họ canh tác.
Tên của ngôi làng được đặt dựa theo đặc trưng khu vực người Yi sinh sống, thường là những khu vực có vách đá dốc gần như thẳng đứng. Để đi đến thị trấn bên dưới, dân làng sử dụng những chiếc thang mây chông chênh được xây dựng rất lâu đời.
Trong những tháng gần đây, chính quyền Trung Quốc đã tìm cách di dời dân làng Yi đến nhà ở hiện đại hơn trong thị trấn, theo mục tiêu chung của chính phủ là: đưa cả nước thoát khỏi nghèo đói vào năm 2020. Chính quyền Bắc Kinh gọi kế hoạch này là dự án “xóa đói giảm nghèo”.
Những người dân làng cho biết, việc cưỡng chế di dời của chính quyền đã làm mất đi lối sống truyền thống của họ. Ngoài ra, dân làng còn phải trả chi phí tái định cư – một khoản tiền quá lớn đối với những gia đình mà nhiều thế hệ đã sống ở vùng sâu vùng xa trên những vách đá.
Theo báo cáo của các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, chính quyền địa phương đã bắt đầu di dời dân làng đến các căn hộ mới xây bên dưới vách đá từ tháng Năm.
Tuy nhiên, nhiều người dân trong làng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm trong khu dân cư mới và không đủ khả năng chi trả phí di dời; điều này càng khiến cuộc sống của người dân thêm khó khăn.
Cuộc sống khó khăn
Akemoya (bí danh) và 5 thành viên gia đình của anh đã bị buộc chuyển đến sống trong một căn hộ trong năm nay, rộng khoảng 100m2. Tuy nhiên, anh phải trả cho chính quyền 2.500 nhân dân tệ (gần 8 triệu VNĐ) cho mỗi thành viên trong gia đình – đây là phí di dời.
Như vậy tổng số tiền anh Akemoya phải trả là hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng gần 40 triệu VNĐ), đây quả thật là một gánh nặng cho gia đình anh. Akemoya cho biết anh đã phải vay số tiền này.
Anh nói: “Tôi đã không thể trả khoản tiền nợ”.
Akemoya hiện mới chỉ 27 tuổi. Giờ đây, anh luôn lo lắng về cách kiếm sống ở thị trấn mới, vì anh chưa bao giờ đi học và không có kỹ năng hay kỹ thuật về bất kỳ một công việc nào trong xã hội hiện đại. Anh có vợ và 2 con.
Anh cho biết tổ tiên của anh đã sống trên những ngôi làng ven núi từ nhiều đời nay.
Anh nói: “Chúng tôi sống bằng nghề nông và tự cung tự cấp”.
Gia đình anh từng chăn nuôi và có một đàn gà, lợn và bò.
“Nếu không có chuyện gì lớn xảy ra trong làng, chúng tôi thường đủ ăn và đủ mặc”.
Chalier (bí danh) cũng không vui về cuộc sống mới của mình, nhưng không có lựa chọn nào khác.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, ông cho biết: “Chúng tôi không sẵn lòng di chuyển, nhưng mọi người phải làm theo những gì chính phủ nói”.
Chính quyền địa phương cũng giao cho ông và gia đình gồm 4 người của ông một căn hộ rộng 100m2. Để chi trả phí di dời, ông đã phải bán hết gia súc và dê chăn nuôi được khi còn ở làng.
Ông Chalier hiện đang làm việc bán thời gian tại các công trường xây dựng địa phương.
“Họ chỉ trả 100 nhân dân tệ (khoảng 300 nghìn VNĐ) cho một ngày làm việc trên công trường. Thời gian còn lại, tôi không thể tìm được việc làm nào khác, vì vậy tôi chỉ ở nhà. Vì đại dịch, chúng tôi không được ra ngoài. Bây giờ chúng tôi sống qua ngày. Không có cách nào khác”.
Trước đây, gia đình ông luôn có đồ ăn. Không có thu nhập cố định, nhưng luôn có đủ đồ ăn.
Tuy nhiên, giờ đây, ông không kiếm đủ tiền từ công việc xây dựng để mua rau, vì các loại rau đã tăng giá gần đây, ông cho biết.
Ông nói: “[Khi còn được] ở nhà [ở làng], ra đồng là có đủ thứ. Không tốn bất kỳ khoản tiền nào”.
Ngôi làng bị biến thành địa điểm du lịch
Akemoya cho biết chính quyền địa phương đang có kế hoạch xây dựng một địa điểm du lịch tại ngôi làng cũ của anh.
“Có thể tất cả dân làng sẽ phải di dời”, anh nói và cho biết, có khoảng 70 đến 80 hộ gia đình hiện vẫn đang được sống trên sườn núi.
Anh cho biết thêm rằng, hiện chính quyền cấm dân làng xây dựng những ngôi nhà truyền thống bằng bùn của họ và bắt đầu cho phá dỡ những ngôi nhà cũ của những người đã bị buộc di dời.
Anh chắc chắn rằng cuộc sống sẽ khó khăn trong tương lai và gọi kế hoạch của chính quyền là một “dự án để cho đẹp mặt” chứ không thực sự giúp cải thiện cuộc sống của người dân Yi.
“Tôi chỉ mong muốn không phải nợ tiền mọi người. Khi các con tôi đi học trong tương lai, tôi không muốn nợ học phí. Đó là tất cả những gì tôi mong ước bây giờ”, anh nói.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times
Bắc Kinh tố Mỹ viện cớ ‘an ninh quốc gia’
để chống lại Trung Quốc
Hôm thứ Ba, Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ viện những lo ngại về “an ninh quốc gia” như một cái cớ để hành động chống lại các công ty Trung Quốc, trong một phản ứng diễn ra vài ngày sau khi Lầu Năm Góc liệt kê thêm 11 công ty Trung Quốc là thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của quân đội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Ba: “Tôi không nghĩ loại hành vi này sẽ mang lại bất cứ lợi ích nào cho Hoa Kỳ.”
Bà nói: Mỹ đã “nhiều lần lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng quyền lực quốc gia để đặc biệt đàn áp các công ty Trung Quốc ”.
Bà Hoa Xuân Oánh khẳng định rằng các công ty Trung Quốc tuân thủ các quy định và nguyên tắc thị trường.
Ngũ Giác Đài hôm thứ Sáu liệt kê 11 công ty, trong đó có tập đoàn xây dựng khổng lồ China Communications Construction Co, China Three Gorges Corporation Limited, Sinochem Group Co Ltd và China Spacesat, là có liên hệ với quân đội Trung Quốc, qua đó tạo cơ sở để tuyên bố các lệnh trừng phạt.
Đầu năm, tài liệu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DOD) liệt kê 20 công ty hoạt động tại Hoa Kỳ mà Washington cáo buộc là được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn.
Động thái của Ngũ Giác Đài, chỉ định một công ty có liên kết với quân đội Trung Quốc tự nó không đi kèm với các hình phạt, nhưng một luật năm 1999 quy định phải lập ra danh sách đó cho biết tổng thống có thể áp đặt các biện pháp cấm vận bao gồm lệnh phong tỏa tất cả tài sản của các bên được liệt kê.
Ngoại trưởng Trung Quốc,
chân đến châu Âu, đầu hướng về Mỹ
Anh Vũ
Hôm nay, 01/09/2020, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Berlin, chặng cuối trong chuyến công du châu Âu sau khi đã qua Ý, Hà Lan, Na Uy và Pháp với kỳ vọng sửa chữa hình ảnh của Trung Quốc đang bị xấu đi rõ rệt từ sau đại dịch Covid 19, kéo châu Âu lại gần trong bối cảnh gần đây Mỹ đang tìm cách tập hợp một liên minh chống Trung Quốc. Sứ mệnh ngoại giao của ông Vương không chỉ khoanh vùng trong Liên Hiệp Châu Âu (EU).
Chuyến công du châu Âu của ngoại trưởng Vương Nghị có sứ mệnh khá phức tạp là làm sao giảm thiểu các thiệt hại hình ảnh của một nước Trung Quốc đang bị nghi ngờ về trách nhiệm trong việc xử lý khủng hoảng đại dịch Covid- 19, bị lên án về việc áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, hay về chính sách truy bức người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và xa hơn nữa là hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu.
Trước khi ông Vương Nghị đặt chân tới châu Âu, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã thực hiện một vòng công du tương tự với mục tiêu được giới quan sát đánh giá là tìm kiếm một liên minh chống Trung Quốc.
Trước chuyến đi của ông Vương Nghị, truyền thông Trung Quốc đã cố sức tuyên truyền về tầm quan trọng của mối quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo nhấn mạnh dù còn nhiều khác biệt cũng như cùng chịu áp lực từ Mỹ, quan hệ Trung Quốc – EU vẫn duy trì sự cam kết dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi và đặc biệt là việc hai bên chia sẻ một trật tự quốc tế đa phương, chứ không phải “Nước Mỹ trên hết” như chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi.
Trong chuyến công du lần này, ông Vương đã không ngừng kêu gọi các nước châu Âu tăng cường đối thoại chiến lược, kinh tế với Trung Quốc. Phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, ông Vương muốn nhằm vào vào mâu thuẫn giữa EU và Mỹ và cáo buộc “Mỹ đã công khai ép các nước phải chọn phe và đẩy quan hệ Trung – Mỹ vào xung đột, đối đầu”.
Thông điệp chính mà ông Vương Nghi muốn đưa ra là khác với Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn gắn bó với chủ trương ngoại giao đa phương, đó cũng là điểm tương đồng với các nước châu Âu.
Trên hồ sơ tự trị Hồng Kông hay nhân quyền của người thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, biết chắc không thể thuyết phục được châu Âu, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc bằng lòng với lập luận đối phó thường thấy, đó là vấn đề « an ninh và công việc nội bộ của Trung Quốc ».
Nhưng theo giới quan sát thì mục tiêu sâu xa của chuyến công du của ngoại trưởng Vương Nghị không chỉ giới hạn ở châu Âu mà muốn dùng châu Âu làm điểm tựa giúp kiểm soát quan hệ Washington-Bắc Kinh.
Trong một bài viết trên báo Le Figaro hôm nay, cây viết bình luận của tờ báo Pháp, Renaud Girard ghi nhận chuyến đi châu Âu của Vương Nghị chỉ nhằm mục đích hoàn chỉnh chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ, chuẩn bị tình huống cuộc bầu củ tổng thống Mỹ vào ngày 03/11 tới đây.
Theo phân tích của tác giả, Trung Quốc vẫn tin Donald Trump có nhiều cơ hội tái đắc cử tổng thống hơn Joe Biden. Dù ông Trump đến giờ vẫn tỏ ra chống Trung Quốc dữ dội nhất trong các đời tổng thống Mỹ từ trước tới nay, nhưng ông vẫn là ứng viên được Bắc Kinh ưa thích hơn.
Vì người Trung Quốc đã hiểu được tính khí và bản chất của Trump. Họ biết một khi tái đắc cử, ông Trump sẽ quay ngoắt 180 độ ngay trong năm 2021, lại đề nghị đàm phán thương lượng, mặc cả về các vấn đề công nghệ hay thuế quan với Trung Quốc. Có EU đứng sau, các cuộc thương lượng của Bắc Kinh với Washington khi đó chẳng dễ dàng hơn sao.
Trong khi đó nhóm cố vấn của Joe Biden không những không thương lượng với Bắc Kinh mà sẽ còn gay gắt trên hồ sơ nhân quyền hơn nhiều so với Donald Trump thực dụng.
Vì thế trong trường hợp Biden thắng cử, Bắc Kinh đã có sẵn chiến lược: Dựa vào châu Âu để thuyết phục ban lãnh đạo mới của Nhà Trắng chấm dứt chiến tranh lạnh mà họ không muốn kéo dài. Họ nhận thấy ứng viên của đảng Dân Chủ đã ghi trong chương trình về chính sách đối ngoại rằng nếu đắc cử ông sẽ trở lại với chiến lược tham khảo một cách có hệ thống với các đồng minh truyền thống của Mỹ.
Trong nỗ lực kéo châu Âu lại gần, ngay sau chuyến thăm của ông Vương Nghị, tuần này, ông Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính Trị, chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại Trung Ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng sẽ lên đường sang thăm Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhằm chuẩn bị cho Hội Nghị Thượng Đỉnh qua video giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo chủ chốt châu Âu vào ngày 14/09.
Trung Cộng tuyên bố phát ngôn viên Thượng Viện Czech
sẽ phải trả “giá đắt” vì chuyến thăm Đài Loan
Tin từ PARIS, Pháp – Vào hôm Chủ nhật (30/8), nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền Trung Cộng, Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị, cho biết những gì đang xảy ra ở khu vực Tân Cương và Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Cộng và các nước khác không nên can thiệp.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố rằng trong cuộc gặp với ông Vương Nghị, ông nhắc nhở ông Vương Nghị về sự quan tâm của Paris về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở hai khu vực đó.
Vào hôm thứ Hai (31/8), ông Vương Nghị tuyên bố rằng phát ngôn viên Thượng viện Czech Milos Vystrcil sẽ “phải trả giá đắt” khi thực hiện chuyến đi chính thức đến Đài Loan. Ông Vystrcil bác bỏ lời khuyến cáo này, đồng thời tuyên bố rằng ông không hề muốn gây mâu thuẫn chính trị. Ông Vystrcil đến Đài Bắc vào hôm Chủ nhật trong một chuyến thăm để thúc đẩy liên kết kinh doanh với Đài Loan, đồng thời tuyên bố rằng Cộng hòa Czech sẽ không cúi đầu trước sự phản đối của Bắc Kinh.
Trung Cộng xem Đài Loan là một tỉnh ly khai không đủ điều kiện để thiết lập các mối quan hệ cấp quốc gia. Khi phát biểu khi ở Đức, Ủy viên Quốc vụ Trung Cộng Vương Nghị tuyên bố rằng hành động này sẽ bị trừng phạt.
Ông cho biết chính phủ và người dân Trung Cộng sẽ không dung thứ cho “hành động khiêu khích công khai” của ôngVystrcil và các lực lượng chống Trung Cộng đứng sau ông, nhưng lại không nêu rõ rằng Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào. Ông Vystrcil tuyên bố rằng những bình luận của ông Vương Nghị là một sự can thiệp vào công việc nội bộ của Cộng hòa Czech. (BBT)
Bộ trưởng Teodoro: Philippines sẽ cầu viện Mỹ
nếu bị Trung Quốc tấn công ở Biển Đông
Lục Du
Trong một thông điệp mạnh mẽ gửi tới chính quyền Trung Quốc, Philippines tuyên bố rõ rằng họ sẽ nhờ Mỹ giúp đỡ về quân sự nếu Bắc Kinh tấn công họ ở Biển Đông, theo Hindustan Times.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr cho biết, Manila sẽ viện đến thỏa thuận quốc phòng với Mỹ nếu Trung Quốc tấn công tàu hải quân của họ trong vùng biển tranh chấp. “Nếu có điều gì đó xảy ra vượt quá một cuộc xâm phạm, thực tế là một cuộc tấn công nhằm vào tàu hải quân Philippines thì tôi sẽ gọi điện cho Washington DC”, ông Teodoro nói.
Kể từ năm 1951, Mỹ và Philippines đã có Hiệp ước Phòng thủ tương trơ·cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công.
Bình luận của Ngoại trưởng Philippines đánh dấu lần đầu tiên chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte công khai ý định sát cánh với Mỹ chống lại chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Teodoro cho biết Manila sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra trên vùng trời thuộc Biển Đông bất chấp việc chính quyền Trung Quốc gọi đây là hành động khiêu khích bất hợp pháp.
“Họ có thể gọi đó là một hành động khiêu khích bất hợp pháp, bạn không thể thay đổi điều họ nghĩ. Họ đã thua trong phán quyết của tòa trọng tài”, ông Teodoro nói, đề cập đến phán quyết của tòa trọng tài La Hay năm 2016 bác bỏ các yêu sách đường chín đoạn trên Biển Đông của Bắc Kinh.
Ông Teodoro cũng nói rằng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở châu Á là cần thiết khi sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gia tăng. Ông nói thêm rằng việc Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực sẽ là vì lợi ích của Philippines và nhắc lại một tuyên bố rằng đất nước ông sẽ “không ngừng hợp tác” với đồng minh an ninh lâu năm của mình.
“Chúng ta có một tình huống cân bằng về quyền lực, chúng ta cần sự hiện diện của Hoa Kỳ ở châu Á”, Ngoại trưởng Philippines nói.
Thời gian gần đây Philippines liên tục lên tiếng tố cáo các hành vi ngang ngược của chính quyền Trung Quốc trên Biển Đông.
Vào ngày 24/8, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã cáo buộc Trung Quốc chiếm đóng trái phép lãnh thổ hàng hải của Philippines và nói: “Đường chín đoạn của Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông là thứ bịa đặt”.
Vào tuần trước, Bộ Ngoại giao Philippines đã có hành động ngoại giao phản đối Bắc Kinh vì tàu tuần duyên của Trung Quốc tịch thu bất hợp pháp các ngư cụ của ngư dân nước họ gần bãi cạn Scarborough.
Chính quyền Trung Quốc đã lên án các cuộc tuần tra ở Biển Đông của Philippines và tuyên bố các cuộc tuần tra này là vi phạm chủ quyền Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng hành động thu giữ ngư cụ của ngư dân Philippines là không sai và thúc giục Manila ngay lập tức dừng hành động mà họ mô tả là khiêu khích bất hợp pháp.
Đáp trả, ông Lorenzana nói rằng khu vực này nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines nên “Cái gọi là quyền lịch sử của họ (Trung Quốc) đối với khu vực được bao quanh bởi đường chín đoạn là không tồn tại ngoại trừ trong trí tưởng tượng của họ”.
“Ngư dân của chúng tôi hoạt động trong EEZ của chúng tôi và tương tự như vậy, tàu và máy bay của chúng tôi thực hiện các chuyến tuần tra trong vùng biển của chúng tôi. Họ (Trung Quốc) là những người đã và đang thực hiện các hành động khiêu khích bằng cách chiếm đóng trái phép một số thực thể trong EEZ của chúng tôi. Do đó, họ không có quyền tuyên bố rằng họ đang thực thi luật pháp của họ”, ông Lorenzana nói thêm.
Theo Hindustan Times
Lục Du dịch và biên tập
Philippines sẽ không bỏ dự án với các tập đoàn TQ
trong danh sách đen của Mỹ
Minh Anh
Ngày 01/09/2020, phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines cho biết Manila sẽ không ngưng các dự án với những hãng Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Mỹ.
Tại buổi họp báo, ông Harry Roque phát biểu là tổng thống Rodrigo Duterte sẽ không đi theo các quyết định của Washington trừng phạt những doanh nghiệp Trung Quốc có can dự vào các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông bởi vì cơ sở hạ tầng là một ưu tiên quốc gia.
Theo ông, Philippines « không phải là một nước chư hầu của bất kỳ một cường quốc ngoại bang nào » và nước này « vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi các lợi ích đất nước ». Phát ngôn viên phủ tổng thống khẳng định « Quyền lợi của đất nước là phải bảo đảm cho các dự án được hoàn thành ».
Reuters cho biết, ông Duterte hiện đang chạy đua với thời gian. Đất nước cần đến 180 tỷ đô la để đại tu cơ sở hạ tầng đầy phức tạp. Thế nhưng, gần đây, Hoa Kỳ – vốn có Hiệp Ước Phòng Thủ Chung với Philippines đã đưa 24 doanh nghiệp Trung Quốc cũng như là một số cá nhân vào danh sách đen. Đây là những cá nhân và tập thể có liên quan đến việc bồi đắp và xây dựng các cơ sở quân sự tại các bãi đá ngầm ở vùng Biển Đông đang có tranh chấp.
Trong số này, có tập đoàn Xây Dựng Giao Thông Trung Quốc (CCCC), hợp tác với một đối tác Philippines trong một dự án sân bay trị giá đến 10 tỷ đô la. Công ty con của hãng này là China Harbour Engineering Company, góp 1,2 tỷ đô la với công ty nhà tài phiệt Dennis Uy, một cộng sự thân cận của ông Duterte cho một dự án cải tạo khác…
Trước đó, ngoại trưởng Philippines khuyến nghị chính phủ nên ngưng các thỏa thuận đối tác với những thực thể trên. Quyết định của ông Duterterất có thể gây ra nhiều căng thẳng vì một số bãi đá bị Trung Quốc biến đổi có nguy cơ trở thành một thách thức đối với quyền lợi quốc gia, nhất là tại bãi Vành Khăn, được xây dựng trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ và được trang bị tên lửa có khả năng bắn đến lãnh thổ Philippines.
Căng thẳng leo thang ở biên giới Ấn-Trung,
‘động thái có chủ ý’ của Bắc Kinh?
Hương Thảo
Chuyên gia cho rằng đây có thể trở thành một hoạt động “bình thường mới” có chủ đích của Trung Quốc.
Theo Bloomberg ngày 31/8/2020, quan hệ Ấn – Trung đang leo thang căng thẳng khi lại có cuộc xung đột mới xảy ra dọc theo biên giới Himalaya, sau nhiều vòng đàm phán quân sự cấp cao không thể chấm dứt bế tắc kéo dài nhiều tháng.
Bộ Quốc phòng New Delhi hôm thứ Hai (31/8) cho biết các binh sĩ của Ấn Độ có thể ngăn chặn động thái vi phạm các thỏa thuận hiện có nhằm lấn thêm đất của quân đội Trung Quốc vào thứ Bảy (29/8).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, tại một cuộc họp giao ban hàng ngày ở Bắc Kinh hôm thứ Hai, đã phủ nhận quân đội của họ đi vào lãnh thổ Ấn Độ và nói rằng họ đang liên lạc chặt chẽ với New Delhi: “Bộ đội biên phòng Trung Quốc luôn tuân thủ nghiêm ngặt Đường Kiểm soát Thực tế”, ông Triệu nói.
Thượng tá Zhang Shuili, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh phía Tây của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, trong một tuyên bố vào cuối buổi tối thứ Hai, cho rằng quân đội Ấn Độ đã phá hoại sự đồng thuận đạt được trong các cuộc đàm phán đa cấp trước đây giữa hai bên và một lần nữa vượt qua giới tuyến ở bờ nam của Pangong Tso.
Tại sao quân Trung Quốc và Ấn Độ lại xung đột?
Cuộc giao tranh mới nhất diễn ra dọc theo Pangong Tso – một hồ băng ở độ cao 14.000 feet – dọc theo Đường kiểm soát thực tế dài 3.488 km (2.162 dặm). Cả Ấn Độ và Trung Quốc đã di chuyển hàng nghìn binh lính, xe tăng, súng pháo và máy bay chiến đấu đến gần biên giới kể từ khi bế tắc của họ bắt đầu vào tháng Năm.
Vipin Narang, phó giáo sư nghiên cứu an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết: “Có vẻ như đây sẽ trở thành một điều bình thường mới. Người Trung Quốc có thể chọc ngoáy chỉ để buộc người Ấn Độ bảo vệ một vùng lãnh thổ khổng lồ, với cái giá phải trả lớn của các lực lượng vũ trang và cả chính phủ Ấn Độ. Điều này dường như vẫn chưa kết thúc và Ấn Độ cần – và đang chuẩn bị – cho một chặng đường dài”.
“Động thái có chủ ý”
Hiện chưa rõ số lượng thương vong hoặc binh lính bị bắt và trong khi đang diễn ra cuộc họp quân sự cấp cao để giải quyết căng thẳng, quân đội của Ấn Độ được triển khai đầy đủ dọc theo biên giới tranh chấp.
Chỉ số chứng khoán chuẩn của Ấn Độ S&P BSE Sensex giảm 2,1% tại Mumbai, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 18/5. Đồng rupee suy yếu 0,3%.
Phó Nguyên soái Không quân đã nghỉ hưu Manmohan Bahadur, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Hàng không có trụ sở tại New Delhi, cho biết dường như cuộc tấn công mới này của quân đội Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng và không chỉ do các chỉ huy địa phương thực hiện:
“Có vẻ như cuộc tấn công mới này của quân đội Trung Quốc là một động thái được suy tính kỹ càng và có chủ ý. Trung Quốc dường như đang cố gắng thay đổi Đường Kiểm soát Thực tế và gây thêm áp lực lên các vị trí của Ấn Độ”.
Bằng đá và dùi sắt, cuộc đụng độ biên giới Ấn – Trung trở thành chết người
Cuộc tranh chấp tồi tệ nhất của Ấn Độ và Trung Quốc trong 4 thập kỷ lên đến đỉnh điểm là cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc không rõ danh tính trong một trận chiến trực diện vào ngày 15/6.
Kể từ đó, căng thẳng tiếp tục âm ỉ, với việc Ấn Độ tiết lộ vào cuối tháng 7 rằng họ sẽ bố trí thêm 35.000 quân dọc theo biên giới khi ngày càng ít khả năng sớm giải quyết được căng thẳng chết người giữa hai nước láng giềng.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát chung do tờ Thời báo Hoàn cầu và Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc thực hiện cho thấy hơn 70% trong số gần 2.000 người Trung Quốc được khảo sát tin rằng Ấn Độ quá thù địch với Trung Quốc và gần 90% ủng hộ chính phủ trả đũa mạnh mẽ ‘những hành động khiêu khích của Ấn Độ’.
Theo Sudhi Ranjan Sen, Bloomberg
Hương Thảo biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/quan-doi-an-do-va-trung-quoc-tiep-tuc-dung-do-o-bien-gioi-himalaya.html
Ấn Độ tuyên bố đã phá vỡ âm mưu của Trung Quốc
muốn chiếm đất vùng biên giới
Mai Vân
Các quan chức Ấn Độ vào hôm qua 31/08/2020 cho biết là quân đội Ấn Độ vừa ngăn chặn được một mưu toan của quân đội Trung Quốc, muốn chiếm một ngọn đồi ở vùng biên giới đang tranh chấp giữa hai nước ở phía tây dãy Himalaya.
Theo hãng tin Anh Reuters, các nguồn tin quân sự và chính phủ Ấn Độ cho biết, sau khi phát hiện các động thái chuyển quân của lực lượng Trung Quốc trong khu vực, quân đội Ấn Độ đồn trú tại đấy đã huy động lực lượng để ngăn chặn và cuộc đối đầu đã không leo thang thành một cuộc đụng độ giữa hai bên.
Theo quân đội Ấn Độ, sự cố mới nhất xảy ra vào tối thứ Bảy trên bờ hồ Pangong Tso, nơi hai bên đã đối đầu nhau kể từ tháng Tư.
Một thông cáo của phía Ấn Độ tố cáo phía Trung Quốc là đã “vi phạm thỏa thuận được nhất trí trong các cuộc tiếp xúc quân sự và ngoại giao trước đó nhằm giải quyết bế tắc ở phía đông Ladakh, và tiến hành các di chuyển bố trí quân sự khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng”.
Thông cáo tuy nhiên không cho biết là các di chuyển bố trí quân sự được đề cập ở trên là gì.
Thế nhưng, một nguồn tin ở New Delhi đã tiết lộ rằng quân đội Trung Quốc đã cố gắng tiến lên một ngọn đồi bên bờ hồ mà Ấn Độ coi là một phần lãnh thổ của mình. Quân đội Ấn Độ đã di chuyển nhanh chóng khiến cho âm mưu của phía Trung Quốc không thành. Tuy nhiên, cũng theo nguồn tin trên, lực lượng Trung Quốc đã thực hiện một số bước xâm nhập, vi phạm rõ ràng Đường Kiểm Soát Thực Tế.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc vào hôm qua đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc từ phái Ấn Độ, khẳng định lính biên phòng Trung Quốc “chưa từng vượt qua đường kiểm soát thực tế”, và không hề có các hoạt động khiêu khích như bị cáo buộc.
Còn phát ngôn viên quân đội Trung Quốc tố cáo ngược lại là chính binh sĩ Ấn Độ đã vượt qua Đường Kiểm Soát Thực Tế (LAC) ở khu vực biên giới ngày 31/08.
Trong bối cảnh hai nước tố cáo lẫn nhau, Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo lên tiếng đe dọa New Delhi.
Vào hôm nay, 01/09, tờ báo nổi tiếng là diều hâu này đã cảnh cáo rằng Trung Quốc có thể khiến Ấn Độ phải chịu tổn thất về quân sự nghiêm trọng hơn cả cuộc chiến tranh năm 1962 nếu cứ tiếp tục đối đầu ở vùng biên giới tranh chấp.
Trung Quốc bắt nhà báo Úc
Hải Lam
Ngoại trưởng Úc hôm 31/8 cho biết, Trung Quốc đã bắt Cheng Lei, một công dân Úc làm việc cho kênh CGTN.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne ra tuyên bố cho biết, nhà báo Cheng Lei, người làm việc cho kênh quốc tế CGTN của đài truyền hình trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh, đã bị giữ trong hai tuần. Chính phủ Úc đã nhận được thông báo chính thức từ chính quyền Trung Quốc về việc giam giữ cô Cheng vào ngày 14/8.
Đài ABC đưa tin cô Cheng đang bị giữ theo hình thức “giám sát tại một địa điểm được chỉ định”. Hình thức này cho phép các nhà điều tra Trung Quốc giam giữ và thẩm vấn một nghi phạm chưa bị bắt chính thức tối đa 6 tháng.
Gia đình nhà báo Cheng ở Úc hy vọng có “một kết luận thỏa đáng và kịp thời” và đang trao đổi với Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Úc.
Ngoại trưởng Payne cho biết, các quan chức Úc đã nói chuyện với cô Cheng tại cơ sở giam giữ thông qua kết nối video vào ngày 27/8. Bà nói thêm rằng các quan chức lãnh sự sẽ tiếp tục hỗ trợ nữ nhà báo cùng gia đình.
Đài ABC đưa tin, bạn bè của nhà báo Cheng đã trở nên lo lắng sau khi không thấy cô trả lời tin nhắn trong những tuần gần đây.
Trang web của CGTN từng mô tả cô Cheng là người dẫn chương trình của bản tin Kinh doanh Toàn cầu. Tuy nhiên, thông tin trên đã bị xoá sau khi xuất hiện tin tức về vụ giam giữ nhà báo Cheng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bình luận về vụ việc này.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra leo thang kể từ khi chính phủ Úc kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của dịch Covid-19. Sau đó, Trung Quốc đã đưa ra các chính sách để hạn chế nhập khẩu hàng hó a của Úc, đồng thời khuyến cáo sinh viên và khách du lịch Trung Quốc không nên tới Úc. Đầu năm nay, Úc đã cảnh báo công dân của họ có thể bị giam giữ tùy tiện nếu đến Trung Quốc.
Theo AFP
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-bat-nha-bao-uc.html
ĐCSTQ lợi dụng các nhà khoa học Úc
để chiếm đoạt công nghệ, nhằm thống trị quân sự
Bình luậnDu Miên
Một báo cáo mới của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng các phương pháp phi pháp và thiếu minh bạch như thế nào, để thu được thông tin về các nghiên cứu và công nghệ từ khắp nơi trên thế giới trong công cuộc trở thành bá chủ quân sự toàn cầu.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy, Trung Quốc đã tuyển dụng khoảng 60.000 nhà khoa học, học giả, doanh nhân và nhà nghiên cứu ở nước ngoài từ năm 2008 đến năm 2016, bằng cách sử dụng hơn 200 chương trình tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài và ít nhất 600 cơ sở tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài của ĐCSTQ, Alex Joske, tác giả của bản báo cáo ASPI có tên “Hunting the Phoenix (Săn Phượng Hoàng) cho biết.
Báo cáo giải thích, dưới chiêu bài đảo ngược tình trạng chảy máu chất xám của Trung Quốc, ĐCSTQ đã vận dụng nhiều phương thức để chiêu mộ hàng nghìn nhà khoa học ở nước ngoài, bao gồm các nhà khoa học và doanh nhân phương Tây trong các chương trình tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài, ví dụ như Kế hoạch Ngàn Nhân tài.
“ĐCSTQ coi phát triển công nghệ là nền tảng cho tham vọng của mình. Mục tiêu của họ không phải là đạt được sự ngang bằng với các quốc gia khác, mà là sự thống trị và vị thế [tối cao]”, ông Joske viết.
ASPI chỉ ra, Hoa Kỳ là nước có số lượng các cơ sở tuyển dụng nhân tài của ĐCSTQ cao nhất, với tổng cộng 146 cơ sở. Úc và Đức có số lượng cơ sở tuyển dụng nhân tài của ĐCSTQ cao thứ 2, với mỗi quốc gia có 57 cơ sở.
Báo cáo cho biết, các tổ chức điều hành các cơ sở tuyển dụng có thể nhận được 200.000 nhân dân tệ (khoảng 676,8 triệu VNĐ) cho mỗi người mà họ tuyển dụng, và 150.000 nhân dân tệ (khoảng 507,6 triệu VNĐ) cho chi phí hoạt động chung mỗi năm.
Nhiều tân binh được cấp kinh phí nghiên cứu dồi dào và thậm chí có cả các phòng thí nghiệm mới trong một trường đại học Trung Quốc, đi kèm là đội ngũ nhân viên nghiên cứu.
Theo các điều khoản của hợp đồng chương trình, ĐCSTQ sở hữu bản quyền của mọi nghiên cứu, phát minh, bằng sáng chế hoặc các tài sản trí tuệ khác do học viện sản xuất trong suốt thời gian của thỏa thuận.
“ĐCSTQ coi việc tuyển dụng nhân tài như một hình thức chuyển giao công nghệ”, ông Joske nêu trong báo cáo. Vị tác giả này cũng nhấn mạnh rằng, những người tham gia chương trình thường hợp tác theo chính sách công nghệ lưỡng dụng, với các tổ chức của Trung Quốc có liên kết chặt chẽ với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) do ĐCSTQ lãnh đạo.
Theo tác giả Joske, Trung Quốc coi các kế hoạch tuyển dụng nhân tài, ví dụ như Chương trình Ngàn nhân tài, là câu trả lời cho nỗ lực thống trị các công nghệ tương lai và hồi sinh quân đội của mình.
Báo cáo cho biết: “Sự phát triển sâu rộng của chính sách ‘hợp nhất quân sự-dân sự’ (một chính sách của ĐCSTQ nhằm tận dụng khu vực dân sự để tối đa hóa sức mạnh quân sự) có nghĩa là, các viện nghiên cứu và trường đại học của Trung Quốc ngày càng tham gia nhiều hơn vào các nghiên cứu quốc phòng tuyệt mật, bao gồm cả việc phát triển vũ khí hạt nhân”.
Ông Clive Hamilton, một tác giả và giáo sư về đạo đức công tại Đại học Charles Sturt ở Canberra, Úc, đã nhắc nhở trong sự kiện The Conversation năm ngoái rằng, một số trường đại học trong nhóm 8 trường đại học lớn của Úc (G8) bao gồm: Đại học New South Wales, Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Quốc gia Úc, đã có nhiều học giả và các chương trình chung với các tổ chức dân sự-quân sự này.
Mối quan tâm của cả 2 tác giả Joske và Hamilton là các cam kết với tập đoàn quốc phòng nhà nước Trung Quốc – Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) chuyên phát triển thiết bị điện tử quân sự, máy bay không người lái và hệ thống radar.
Một báo cáo của Jamestown Foundation, nhấn mạnh việc CETC công khai tuyên bố rằng mục đích của tập đoàn này là “tận dụng các thiết bị điện tử dân sự để đạt được lợi ích của PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân) và phần lớn các sản phẩm cùng dịch vụ của nó hướng tới khách hàng [thuộc] nhà nước và quân đội”.
Hiện tại, Đại học Công nghệ Sydney (UTS) đã ký hợp tác trị giá 10 triệu USD (33,84 tỷ VNĐ) với CETC để phát triển các công nghệ AI, Điện toán lượng tử và Dữ liệu lớn.
Ông Joske cũng nêu chi tiết trong báo cáo của mình về cách một nhà khoa học thuộc đại học Úc đã thành lập một phòng thí nghiệm và một công ty trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc, thông qua tài trợ từ một cơ sở tuyển dụng nhân tài của ĐCSTQ. Công ty này sau đó đã cung cấp công nghệ giám sát cho chính quyền ĐCSTQ ở Tân Cương.
Công nghệ giám sát được sử dụng để hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp nhân quyền
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã xác định tỉnh Tân Cương của Trung Quốc là một điểm nóng về vi phạm nhân quyền, kể từ khi ĐCSTQ khởi xướng chiến dịch cải tạo chống tôn giáo trên các khu vực sinh sống của cư dân Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi bản địa, bao gồm tộc người Duy Ngô Nhĩ, các dân tộc Uzbekistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Các báo cáo từ những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cho thấy, những người bị giam giữ trong các trại tập trung này phải chịu sự tuyên truyền chính trị cưỡng bức, ép buộc phụ nữ triệt sản, tra tấn và cưỡng bức lao động. Các chuyên gia từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại lập luận rằng, điều này có thể thực hiện được nhờ vào việc ĐCSTQ có khả năng biến Tân Cương thành tòa thành bị giám sát dựa vào công nghệ tiên tiến để theo dõi hàng triệu người.
Ngày 27/8, Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo rằng chính phủ sẽ xây dựng Luật Quan hệ Đối ngoại mới, nhằm cung cấp cho chính phủ liên bang quyền xem và phủ quyết các thỏa thuận giữa các chính phủ nước ngoài với các bang, vùng lãnh thổ và thể chế của Úc.
Phát biểu trên Đài 2SM vào ngày 28/8, ông Morrison nói rằng dự luật mới sẽ cung cấp cho chính phủ khả năng ngăn chặn các thực thể nước ngoài vi phạm chính sách đối ngoại của chính phủ, nhằm bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia của Australia.
“Khi mọi người bầu ra một chính phủ liên bang, [mục đích] họ bầu ra là để chăm sóc các mối quan hệ của chúng ta với phần còn lại của thế giới. Họ không bầu chính quyền tiểu bang hoặc chính quyền địa phương hoặc trường đại học để làm điều đó, họ bầu chính phủ liên bang để làm điều đó. Vì vậy, điều này chỉ đảm bảo rằng mọi người đang đi về cùng một hướng và không thể bị nhắm mục tiêu”, ông Morrison nói.
Du Miên
Theo The Epoch Times