Kể từ khi đại dịch virus corona bùng phát ở Vũ Hán ở Trung Quốc và lan ra toàn thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn khi Trung Quốc là nơi đặt nhà máy của nhiều công ty lớn trong đó có Mỹ. Cú sốc đại dịch COVID-19 đã khiến chính quyền Tổng thống Trump quyết liệt đẩy mạnh việc đưa chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ ra khỏi Trung Quốc, gồm việc di chuyển các nhà máy sản xuất của các công ty Mỹ ra khỏi nước này.
Hồi cuối tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ đang cộng tác với “các quốc gia bạn bè” trong khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, để “thúc đẩy kinh tế toàn cầu” và tìm cách tái cấu trúc “chuỗi cung ứng nhằm ngăn chặn điều tương tự (sự gián đoạn do đại dịch COVID-19) xảy ra lần nữa.”
Mỹ quyết tâm đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc: Cơ hội ‘trăm năm có một’ cho Việt Nam?
Đại sứ Kritenbrink hôm 25/8 ca ngợi Chính phủ Việt Nam “đã thấy được cơ hội” và nhận định rằng đây là “thời khắc bước ngoặt” để các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam thúc đẩy các mối quan hệ đối tác mới, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới và tham gia vào mọi lĩnh vực trọng yếu ở Việt Nam.
Trong vài năm qua, một làn sóng các công ty nước ngoài, trong đó có nhiều công ty Mỹ, đã di chuyển dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam do tác động của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Apple gần đây đã quyết định đưa một phần sản xuất AirPods (tai nghe không dây) sang Việt Nam. Theo Nikkei Asian Review, bắt đầu từ quý này, gần 30% lượng AirPods của Apple – khoảng từ 3 triệu đến 4 triệu sản phẩm – sẽ được sản xuất ở Việt Nam thay vì Trung Quốc. Với việc Mỹ càng quyết liệt thực hiện việc này do sự đứt gãy về chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể sẽ hưởng lợi thêm nhiều nếu tận dụng nó một các tốt nhất.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Pompeo hôm 6/8 nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và nhất trí rằng hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc khôi phục, duy trì chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
“Với Mỹ là đối tác, Việt Nam có khả năng tiến nhanh lên nền kinh tế hiện đại và số hoá, vượt lên các nước khác trong khu vực,” ông Kritenbrink được truyền thông trong nước trích lời nói trực tuyến tại diễn đàn được tổ chức tại TPHCM nhằm đưa ra các định hướng hợp tác giữa TPHCM và Hoa Kỳ giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030, tập trung vào việc tăng đầu tư của Mỹ trong chuỗi cung ứng khoa học, công nghệ cao.
Theo Đại sứ Kritenbrink được TTXVN trích dẫn cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại thứ 13 của Hoa Kỳ dù quy mô kinh tế của Việt Nam còn khá nhỏ. Thương mại hai chiều của hai quốc gia tăng trưởng theo từng năm và đạt 77 tỷ USD trong năm 2019.