Tin Biển Đông – 23/08/2020
Biển Đông: Trung Quốc lại phô trương vũ lực, tập trận và cấm lưu thông – Tú Anh
Bắc Kinh thông báo tổ chức một cuộc tập trận tại vùng biển ở hướng “đông nam” đảo Hải Nam trong vòng sáu ngày kể từ ngày 24/08/2020 sau khi đưa máy bay oanh tạc có khả năng chở bom hạt nhân ra Hoàng Sa. Đại sứ Việt Nam tại New Delhi tuyên bố muốn có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Ấn Độ.
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, Trung Quốc tổ chức hai cuộc tập trận song song trong tuần tới. Tại Hoàng Hải từ ngày 25 đến 26 tháng 8, và tại Biển Đông, từ 24-29/08, tiếp nối một loạt động thái phô trương lực lượng trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với Hoa Kỳ.
Trung Quốc ra lệnh cấm tàu thuyền qua lại trong khu vực “đông nam đảo Hải Nam” trong vòng sáu ngày kể từ 24/08.
Trong những tuần lễ qua, Trung Quốc cũng đã mở một loạt chiến dịch tại Biển Đông và Hoa Đông.
Tình hình có nguy cơ căng thẳng thêm trong những ngày tới.
Hôm thứ Sáu, Hải Quân Mỹ thông báo điều động hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan cùng một hải đội tác chiến, sau cuộc tập trận với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, trở lại Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Nam Hải, trong mục tiêu “bảo vệ tự do hàng hải”.
Cũng sau cuộc tập trận chung với Nhật, khu trục hạm USS Mustin, cũng được lệnh tới Biển Đông, đi qua eo biển Đài Loan, trong mục tiêu “bảo vệ tự do hàng hải” trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương.
Quân khu miền Đông của Hoa Lục được đặt trong tình trạng báo động, theo dõi mọi động thái của Không Quân và Hải Quân Mỹ, theo một phát ngôn viên quân đội Trung Quốc được báo Hồng Kông trích dẫn.
Tuyên bố này và cuộc tập trận của Hải Quân Trung Quốc tại Hoàng Hải và Biển Đông, trong lúc chiến hạm Mỹ có mặt, được xem là tín hiệu “Trung Quốc sẵn sàng đụng độ với Mỹ trong tương lai”, theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Ne Le Xiong.
Theo nhận định của báo mạng EurAsian, sau vụ Bắc Kinh điều oanh tạc cơ H-6J ra đảo Phú Lâm, Việt Nam muốn được Ấn Độ hậu thuẫn.
Đại sứ Việt Nam tại New Delhi, ông Phạm Sanh Châu “trong một cuộc gặp gỡ mới đây” với Ngoại trưởng Harsh Shringla, khẳng định quyết tâm của Việt Nam cùng Ấn Độ thiết lập quân hệ “đối tác chiến lược toàn diện”.
Biển Đông: Trung Quốc điều máy bay ném bom,
Việt Nam chia sẻ tình hình cho Ấn Độ
Hương Thảo
Với tình trạng Ấn Độ vẫn đang lâm vào thế bế tắc quân sự ở biên giới với Trung Quốc, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã chia sẻ với Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Shringla về tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở Biển Đông, sau khi Bắc Kinh triển khai máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tại các đảo tranh chấp, theo tờ Thời báo Ấn Độ ngày 22/8.
Mặc dù các nguồn tin ngoại giao mô tả đây chỉ là một cuộc gặp xã giao, nhưng cuộc gặp đã chứng kiến ngài đại sứ chia sẻ về quan điểm của Việt Nam với Ngoại trưởng Shringla về sự bùng nổ tranh chấp mới nhất trong khu vực, và cũng bày tỏ quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy “quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện” với Ấn Độ.
Đầu tháng này, Trung Quốc đã triển khai máy bay ném bom H-6J đến đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa, nhằm thách thức các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng nó sẽ đóng vai trò như một “lời răn đe lớn” đối với các hàng không mẫu hạm Mỹ.
Việt Nam đã phản ứng trước động thái này, và cho biết Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền mà còn “gây nguy hiểm” cho tình hình trong khu vực.
Hai quan chức trong cuộc họp đã thảo luận về những diễn biến gần đây liên quan đến sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc. Ngoài việc mở rộng quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, Việt Nam cũng tìm kiếm vai trò lớn hơn của Ấn Độ trong việc thăm dò các lô dầu khí ngoài khơi bờ biển của họ ở Biển
Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc rằng khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Trước đó, Ấn Độ đã giúp Việt Nam mua tàu tuần tra với Khoản vay tín dụng (LOC) trị giá 100 triệu USD. Ấn Độ cũng đã công bố thêm 500 triệu đô la LOC cho Hà Nội để giúp họ mua thêm thiết bị quốc phòng từ Ấn Độ.
Trong khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc coi Biển Đông là “đế chế hàng hải” của mình, thì tháng trước, Ấn Độ cũng nhắc lại quan điểm của mình rằng nước này kiên quyết ủng hộ “tự do hàng hải và hàng không và thương mại hợp pháp và không bị cản trở trên các tuyến đường thủy quốc tế này, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS ”. Ấn Độ cũng cho biết Biển Đông là một phần của cộng đồng toàn cầu và nước này có “lợi ích chung” đối với hòa bình và ổn định ở đó.
Cũng như Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng tại đường biên giới LAC, Việt Nam và các bên tranh chấp khác cáo buộc Bắc Kinh làm điều tương tự ở Biển Đông với việc xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt thiết bị quân sự trong khu vực.