Tin khắp nơi – 19/08/2020
Đảng Dân chủ chính thức đề cử ứng viên tổng thống Joe Biden
Đảng Dân chủ hôm 18/8 chính thức đề cử ông Joe Biden làm ứng viên tổng thống trong đại hội trực tuyến ngày thứ hai với chủ đề về lãnh đạo, theo Reuters.
Hãng tin Anh viết rằng nhiều nhân vật xuất hiện ủng hộ ông Biden như hai cựu Tổng thống Bill Clinton và Jimmy Carter, những ngôi sao đang lên trong Đảng Dân chủ cũng như một số thành viên nổi bật của Đảng Cộng hòa như cựu Ngoại trưởng Colin Powell và bà Cindy McCain, phu nhân của cố Thượng nghị sĩ John McCain.
Bà Jill, vợ của ông Biden, đã có bài phát biểu kết thúc sự kiện từ một trường trung học ở Delaware, nơi bà từng giảng dạy. Nhà giáo này kể lại việc gây dựng cuộc sống gia đình với ông Biden, sau khi người vợ đầu và con gái sơ sinh của ông tử vong trong một vụ tai nạn xe hơi.
“Nếu chúng ta giao phó đất nước này cho Joe, ông ấy sẽ nỗ lực vì gia đình của quý vị cũng giống như ông ấy đã làm cho chính gia đình mình: gắn kết tất cả mọi người”.
Sau khi chính thức được đề cử, ông Biden xuất hiện cùng phu nhân nói lời cảm ơn Đảng Dân chủ, hơn ba thập kỷ sau cuộc chạy đua thất bại đầu tiên vào Nhà Trắng, theo Reuters.
“Từ đáy lòng mình, tôi thực sự cám ơn”, ông Biden nói. “[Đề cử] có ý nghĩa rất lớn với tôi và gia đình”.
Ông Biden sẽ có bài phát biểu chính thức chấp nhận đề cử vào ngày 21/8.
Theo Reuters, trong ngày thứ hai Đảng Dân chủ tổ chức đại hội, Tổng thống Trump đã tiến hành một cuộc vận động tranh cử ở Arizona, một trong các tiểu bang quan trọng mà hãng tin Anh nói là mang tính quyết định trong cuộc bầu cử lần này. Tin cho hay, ông Trump tiếp tục miêu tả ông Biden là con rối của phe cánh tả.
Trong tuyên bố vào tối ngày 18/8, ông Tim Murtaugh, phát ngôn viên chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump nói rằng việc đề cử ông Biden đồng nghĩa “các giám sát viên cực tả” của ông Biden “giờ chính thức nắm quyền hành”.
Thượng nghị sĩ Kamala Harris, người được ông Biden lựa chọn cùng chạy đua với mình, sẽ có bài phát biểu vào ngày 19/8 cùng với cựu Tổng thống Barack Obama.
Đại hội trực tuyến của Đảng Cộng hòa sẽ diễn ra vào tuần sau, và dự kiến ông Trump sẽ có bài phát biểu chấp nhận đề cử từ Nhà Trắng, bất chấp chỉ trích cho rằng việc đó đã chính trị hóa nơi ở và làm việc của tổng thống, theo Reuters.
Chính sách ngoại giao của Đảng Dân chủ bao gồm
chỉ trích Trung Quốc, liên minh quốc tế
Cương lĩnh hành động do đảng Dân chủ đề nghị bao gồm chỉ trích tập tục thương mại của Trung Quốc, đề nghị bớt chi tiêu quốc phòng và chống “chiến tranh kéo dài” trong lúc đảng tìm cách đề ra mục tiêu của chính sách ngoại giao và nhấn mạnh sự khác biệt với Tổng thống Donald Trump.
Chính sách căn bản dài 80 trang, sẽ được chấp thuận tại đại hội Đảng Dân chủ tuần này, phần lớn có tính cách biểu tượng vì người dự trù được đảng đề cử là ông Joe Biden không nhất thiết phải ủng hộ lập trường này. Tuy nhiên, cương lĩnh này phác họa chính thức tầm nhìn của đảng và những ưu tiên chính sách.
Chính sách được một ủy ban bao gồm các lãnh đạo Dân chủ soạn thảo, tìm cách nối kết sự cách biệt giữa cánh cấp tiến của đảng và khuynh hướng ôn hòa hơn của ông Biden. Chính sách được đề nghị vẫn duy trì các ưu tiên chính sách bao quát của ông Biden, người sẽ chấp nhận sự đề cử của đảng Dân chủ vào ngày 20/8 tại Delaware, bang nhà của ông.
Chỉ trích Trung Quốc
Trung Quốc đã trở thành một trong những vấn đề chính sách đối ngoại trọng tâm trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2020, được nâng cao vì cuộc thương chiến của Tổng thống Donald Trump với Bắc Kinh cũng như đại dịch virus corona.
Trong chính sách nền tảng, đảng Dân chủ có lập trường cứng rắn chống chính sách thương mại của Trung Quốc và tìm cách mô tả những nỗ lực của ông Trump đối với Bắc Kinh là chưa đủ cứng rắn.
“Không như Tổng thống Trump, chúng ta sẽ đối đầu với những nỗ lực của Trung Quốc và những nước khác đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và sẽ yêu cầu Trung Quốc và những nước khác ngưng gián điệp trên mạng nhắm vào các công ty của chúng ta,” theo bản dự thảo.
Dự thảo cương lĩnh cũng chỉ trích hàng tỉ đô la thuế quan áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc trong nỗ lực đàm phán một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và gọi chính sách thương mại của ông Trump là “thiếu suy nghĩ” và làm tổn hại nông dân Mỹ.
Ông Trump tìm cách đối phó với Trung Quốc trên một số vấn đề, bao gồm thương mại, vận dụng tiền tệ, và sự hung hăng của quân đội Trung Quốc tại Biển Đông. Ông cũng nói Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì đại dịch virus corona. Hoa Kỳ và Trung Quốc ký giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại vào tháng 1 năm nay, nhưng những cuộc thương thuyết về giai đoạn hai bị trì trệ.
Ông Biden chỉ trích những tập tục thương mại của Trung Quốc là “lợi dụng” và phê phán hồ sơ nhân quyền của nước này. Ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải làm việc với đồng minh quốc tế để chống lại Trung Quốc.
Liên minh Quốc tế
Ông Charles Stevenson, giáo sư chính sách ngoại giao Mỹ tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Tiên tiến thuộc Đại học Johns Hopkins (SAIS), lập luận rằng sự khác biệt quan trọng về chính sách ngoại giao giữa ông Trump và ông Biden là “ông Trump dùng chủ nghĩa đơn phương quyết đoán” trong khi ông Biden nói rõ là ông muốn trở lại mô thức ngoại giao “quốc tế, hợp tác, ủng hộ liên minh” thường thấy trong những chính quyền trước đây.
Ông Trump tiến hành chính sách ngoại giao khác hơn nhiều so với hầu hết các đời Tổng thống trước, công khai đặt nghi vấn về giá trị của các liên minh và tổ chức quốc tế bao gồm NATO, WTO và WHO.
Đảng Dân chủ dành một số trang trong cương lĩnh hành động tập trung nói về liên minh quốc tế. Đảng cáo buộc ông Trump “tấn công nguồn sức mạnh của chúng ta, khoét rỗng chính sách ngoại giao Mỹ, vứt bỏ những cam kết quốc tế, làm suy yếu liên minh của chúng ta và làm hen ố tính khả tín của chúng ta.”
Đảng hứa sửa chữa lại điều mà họ xem là những quan hệ đổ vỡ với các chính phủ trên thế giới, bao gồm Châu Âu và Châu Phi.
Quốc phòng và quân số
Cương lĩnh của Đảng Dân chủ kêu gọi giảm chi phí quân sụ, trái ngược mạnh mẽ với ông Trump. Ông Trump là người hết sức bênh vực gia tăng chi tiêu quốc phòng và cảnh báo đảng Dân chủ sẽ làm suy yếu quân đội.
Cương lĩnh của đảng Dân chủ cũng kêu gọi “đưa các cuộc chiến bất tận tới một sự chấm dứt có trách nhiệm.”
Cả hai ông Trump và ông Biden đều cam kết giảm quân số Mỹ ở nước ngoài.
Cuộc bầu cử tháng 11
Dù các vấn đề về chính sách ngoại giao có thể đưa đến tranh luận quyết liệt giữa hai đảng, nhưng ít khi là vấn đề hàng đầu của cử tri Mỹ.
Trong cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện tháng này, 79% cử tri cho biết kinh tế là vấn đề quan trọng nhất đối với lá phiếu của họ. Vấn đề quan trọng tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe và việc bổ nhiệm ở Tối cao Pháp viện. Chính sách ngoại giao đứng hàng thứ 6 trong danh sách, với 57% cử tri cho đây là vấn đề rất quan trọng đối với lá phiếu của họ.
Bầu cử 2020: Cử tri Lý Văn Quý tin
TT Trump sẽ làm nước Mỹ hùng cường
Tina Hà Giang
Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt, Nha sĩ Lý Văn Quý, một thành viên đảng Cộng hòa cho biết có ba lý do chính tại sao ông ủng hộ TT Donald Trump và mong ông sẽ tái đắc cử.
Lý Văn Quý: Thứ nhất, TT Trump là một người lãnh đạo “làm được việc” như người Mỹ thường nói: “he gets things done” và đã giữ lời hứa, thực hiện được hầu hết các mục tiêu đã đề ra; thứ hai TT Trump là một người có bản lĩnh thật sự, dám nói dám làm và không khoan nhượng với những thế lực đang lũng đoạn sinh hoạt chính trường Mỹ. Ông đã dám vạch trần và đối đầu với truyền thông thiên tả mà theo tôi đã góp phần lớn trong sự sụp đổ của VNCH vào năm 1975; thứ ba, TT Trump là một người yêu nước và yêu dân tộc Hoa Kỳ chân chính. Các hoạt động của ông đều nhằm mục tiêu tối hậu là “Làm Cho Nước Mỹ Hùng Mạnh Trở Lại” (MAGA) trên mọi lãnh vực.
BBC: Ông có phản ứng gì về việc bà Kamala Harris được chọn là ứng cử viên phó tổng thống?
Lý Văn Quý: Tuy thành tích cũng như hoạt động chính trường của TNS Harris chưa nhiều, nhưng có lẽ đó là một sự lựa chọn khá nhất của đảng Dân Chủ, vì bà Kamala Harris có thể thu hút được một số phiếu của cử tri phụ nữ, của các cộng đồng thiểu số, cũng như của quân đội. Tôi nghĩ rằng ít nhất sự lựa chọn này của PTT Biden còn hay hơn khi John McCain chọn Sarah Palin đứng phó cho ông vào năm 2008.
BBC: Nếu đắc cử, thì theo ông, trong 4 năm tới TT Trump sẽ làm được gì cho dân Mỹ, và cho vị trí của Hoa Kỳ trước quốc tế?
Lý Văn Quý: Tôi tin chắc ông sẽ làm được nhiều chuyện bất ngờ nữa, như việc ông thắng cử trước bà Hillary Clinton. Về đối ngoại, TT Trump đã có những thành công lớn mang lại bình an cho Hoa Kỳ và thế giới, gồm: Tiêu diệt mối đe dọa ISIS; giải quyết êm thắm hiểm họa hỏa tiễn nguyên tử của Bắc Hàn; cứng rắn với Iran khiến họ phải phải chùn chân, không dám tiến hành chương trình nguyên tử một cách lộ liễu cũng như không dám “trêu chọc” các chiến hạm Hoa Kỳ trong vùng vịnh Ba Tư nữa.Ngoài ra TT Trump đã mạnh dạn giải quyết vấn đề thâm hụt cán cân thương mãi giữa Hoa Kỳ với phần còn lại của thế giới, trong đó quan trọng nhất là đối với Trung Cộng. Nay đã có thỏa hiệp mới USMCA với Mexico và Canada giúp cho Hoa Kỳ “đỡ” bị thiệt hại hơn. Chuyện thương thảo với Trung Cộng còn đang tiếp diễn gay go nhưng đã có kết quả đáng khích lệ.
Về mặt đối nội thì đưa ra một loại chính sách mới về kinh tế, cải thiện luật lệ về kinh doanh khiến cho Thị Trường Chứng Khoán tăng trưởng một cách ngoạn mục, giúp cho gìới đầu tư tích lũy được tài sản một cách đáng kể và làm thuận lợi thêm cho công cuộc phát triển kinh tế. Đại dịch Covid-19 đã làm khựng lại kinh tế Hoa Kỳ, nhưng gần đây TTCK đã khởi sắc trở lại, báo hiệu niềm tin của giới đầu tư đối với các chính sách đúng đắn của TT Trump.
Do đó tôi tin là nếu TT Trump có thêm một nhiệm kỳ nữa thì ông sẽ hoàn thành sứ mệnh đưa nước Mỹ trở lại một vị trí hùng cường chưa bao giờ có trong lịch sử nước Mỹ, dân giàu thêm và nước sẽ mạnh hơn.
BBC: Cử tri không thích TT Trump cho rằng sự coi thường đại dịch coronavirus, và không tin vào chuyên gia y tế, đòi mở cửa kinh tế sớm của ông, khiến cho Mỹ có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, ông nghĩ sao về điều này?
Lý Văn Quý: Trên thực tế thì ngay từ lúc đầu, tất cả mọi người có trách nhiệm tại Mỹ, bao gồm chính khách của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, cả giới chức y tế Hoa Kỳ, đều có thái độ coi thường đại dịch coronavirus. Lý do chính là vì Trung Cộng, với sự hỗ trợ của WHO, đã bưng bít thông tin cần thiết nhằm đối phó với Covid-19.
Tuy nhiên cách ông đối phó với nạn dịch đã chứng tỏ ông đã dồn hết tâm hết sức huy động các nguồn tài lực để giải quyết vấn đề.
Tôi nghĩ rằng chỉ có TT Trump mới làm nổi những chuyện như xây dựng các bệnh viện dã chiến trong vòng ba ngày, điều động hai chiếc tàu bệnh viện đến nơi đúng hẹn, buộc một số công ty phải chuyển giây chuyền sản xuất qua làm những chiếc máy thở và các trang thiết bị bảo hộ PPE một cách khẩn cấp v.v…
Với hệ thống hành chánh Mỹ chằng chịt các luật lệ và qui định, công việc thúc đẩy cho đến nơi đến chốn đòi hỏi một sự quyết tâm và nỗ lực phi thường để vượt qua.
Có thêm một nhiệm kỳ nữa thì TT Trump ông sẽ hoàn thành sứ mệnh đưa nước Mỹ trở lại một vị trí hùng cường chưa bao giờ có trong lịch sử nước Mỹ dân giàu thêm và nước sẽ mạnh hơn.
Theo tôi thì số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới về covid-19 của Mỹ không liên quan đến chuyện TT Trump “không tin” vào chuyên gia y tế và đòi mở cửa kinh tế sớm. Sự kiện đã xảy ra từ trước khi chính quyền Trump khuyến khích các tiểu bang mở cửa kinh tế. Cụ thể là bà Hillary Clinton đã tweet: “He did promise America First” vào ngày 27/3/2020.
Ngoài ra còn do nhiều yếu tố khác tác động vào sự kiện này như yếu tố sinh hoạt xã hội, người Mỹ không quen đeo khẩu trang và chính CDC ban đầu còn khuyến cáo dân không cần đeo, để dành cho giới y tế, yếu tố di chuyển (travel), yếu tố chủng tộc v.v… Tại sao không đổ lỗi cho các cuộc biểu tình của Antifa và Black Lives Matter?
BBC: Vềđối ngoại, phe khuynh tả phê bình TT Trump việc rút ra khỏi các qua các hiệp định quốc tế, thoái vị khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ khiến nước Mỹ hiện đang bị cô lập và mất vai trò lãnh đạo. Xin nghe nhận định của ông?
NS Lý Văn Quý: Tôi thấy TT Trump rất đúng khi rút hay dọa rút ra khỏi các hiệp định quốc tế bất lợi cho Hoa Kỳ. Điển hình là NATO. Trách nhiệm của NATO sau chiến tranh lạnh đã hết ý nghĩa chống Cộng Sản và nếu các quốc gia trong khối muốn duy trì NATO thì phải bỏ tiền ra cho sòng phẳng, Hoa Kỳ không thể đài thọ một phần quá lớn như trong thời kỳ còn Chiến Tranh Lạnh. Tổ chức WHO cũng vậy. Mỹ đa tài trợ cho WHO nhiều nhất mà tổ chức này lại liên kết với Trung Cộng che dấu thông tin cần thiết về coronavirus.
Tôi tin rằng ngày nào Hoa Kỳ còn là một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới thì sẽ không bao giờ bị cô lập cả. Đó cũng là mục tiêu của TT Trump khi phát động MAGA.
Tin tức cập nhật ngày 13/8/2020 là TT Trump đã thành công trong việc đứng ra thương lượng một thỏa hiệp hòa bình có tính cách lịch sử giữa UAE và Israel, mang lại một sự ổn định mới cho vùng lò lửa Trung Đông. Như vậy rõ ràng Hoa Kỳ không bị cô lập hay mất vai trò lãnh đạo chút nào.
BBC: Ông nhận định gì về sự phân rẽ quá lớn, và hiện tượng tấn công sỉ nhục nhau trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt và người Việt vì quan điểm trái ngược về TT Trump?
NS Lý Văn Quý: Tôi rất buồn khi nhận ra hiện tượng này. Sau đó tôi cố tránh những cuộc tranh luận về chính trị trên các diễn dàn nếu không cần thiết hoặc đụng chạm đến quan điểm của người khác. Tôi nghĩ rằng bản chất ngông cuồng của TT Trump đã khiến một số người khó chịu, cộng thêm sự tô vẽ của truyền thông thiên tả thành một con người “vĩ cuồng” bệnh hoạn mà văn hoá Đông Phương chúng ta không thể chấp nhận được. Từ đó nảy sinh ra mối ác cảm của một thành phần “trí thức” trong cộng đồng người Việt và lôi kéo theo các ủng hộ viên của cả hai phe, làm hố chia rẽ ngày càng trầm trọng hơn. Nhưng tôi tin chắc sau ngày bầu cử dù ai thắng ai thua, mọi chuyện sẽ trở lại bình thường thôi.
BBC: Theo một giám đốc tình báo của Mỹ, Trung Quốc, Nga và Iran nằm trong số các quốc gia đang tìm cách tác động lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Theo ông thì Trung Quốc có muốn TT Trump tái đắc cử không, tại sao?
NS Lý Văn Quý: Theo tôi nghĩ thì dĩ nhiên ba quốc gia nêu trên đều muốn, ít hay nhiều, tác động lên cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ vì lợi ích riêng của họ. Tuy nhiên từ ước muốn cho đến hành động cụ thể còn là một bước quá xa. Tôi không tin họ tìm cách tác động một cách bất hợp pháp nhưng nếu họ vận động tranh cử cho ứng cử viên của họ trong khuôn khổ luật pháp cho phép thì tại sao không?
Tôi tin chắc Trung Cộng không muốn TT Trump tái đắc cử. Cuộc chiến tranh mậu dịch giữa hai nước đã gây thiệt hại cho Trung Cộng rất nhiều. Nếu PTT Joe Biden làm Tổng Thống Hoa Kỳ thì chắc họ sẽ dễ thở hơn.
BBC: Ông còn điều gì muốn nói thêm về cuộc bầu cử tổng thống năm nay?
NS Lý Văn Quý:Xin các cử tri gốc Việt hãy đi bầu thật đông để nói lên tiếng nói và sức mạnh của cộng đồng chúng ta vì lần này không những chỉ bầu cử TT mà còn bầu cho các chức vụ dân cử đia phương khác, cũng như bỏ phiếu cho một số các nghị quyết có tầm quan trọng trực tiếp đến cuộc sống của quý vị.
Bầu ai cũng được, các ủng hộ viên đảng Cộng Hòa hãy bỏ phiếu cho TT Trump và các ủng hộ viên đảng Dân Chủ hãy dồn phiếu cho PTT Biden. Chúng ta sẽ tôn trọng ý kiến của đa số. Đó chính là ý nghĩa đích thực của Tự Do Dân Chủ. Xin Thượng Đế phù hộ cho nước Mỹ.
Nha sĩ Lý Văn Quý, 69 tuổi, hành nghề tại California từ năm 1993 đến nay. Ông sang Hoa Kỳ định cư năm 1991 dưới chương trình HO dành cho các cựu tù cải tạo Cộng Sản. Ông ghi danh là thành viên đảng Cộng hòa.
BBC News Tiếng Việt luôn ủng hộ những ý kiến đa chiều. Độc giả muốn đóng góp ý kiến về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, xin vui lòng liên lạc với chúng tôi tại email: Vietnamese@bbc.co.uk
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53796445
Cộng đồng tình báo Mỹ: Trung Quốc
là tác nhân lớn nhất can thiệp bầu cử 2020
Hương Thảo
Trao đổi với Fox News hôm 17/8, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ John Ratcliffe cho rằng Trung Quốc đặt ra “mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất” đối với Mỹ, “lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác”, đồng thời nêu chi tiết một loạt các mối đe dọa bao gồm “gây ảnh hưởng và can thiệp bầu cử”.
Các quan chức tình báo Mỹ cho biết họ ngày càng lo ngại trước sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc bầu cử tổng thống, nổi lên bên cạnh những lo ngại hiện tại về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016, cũng như mối đe dọa can thiệp từ Iran.
“Trung Quốc đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất đối với Hoa Kỳ, hơn bất kỳ quốc gia nào khác – về cả kinh tế, quân sự và công nghệ. Điều đó bao gồm các mối đe dọa về việc gây ảnh hưởng và can thiệp bầu cử”, Giám đốc tình báo Ratcliffe chia sẻ trên đài Fox News.
Hãng tin Fox News cho biết, trong khi Nga được nhiều người coi là ủng hộ Tổng thống Trump, thì Trung Quốc lại đang mong muốn ông Trump thất cử vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, các đảng viên Dân chủ như Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff, người đã từng đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về sự can thiệp của Nga từ năm 2016, đã không lên tiếng về khả năng Trung Quốc can thiệp cuộc bầu cử năm 2020.
Bà Pelosi tuần trước cho biết, các mối đe dọa can thiệp từ Nga và Trung Quốc là “không tương đương”, đồng thời kêu gọi cộng đồng tình báo cung cấp thêm thông tin về các nỗ lực của Nga, nói rằng Moscow đang “tích cực can thiệp 24/7 vào cuộc bầu cử của chúng ta”.
Giám đốc tình báo Mỹ Ratcliffe cho biết, mối đe dọa từ Trung Quốc thực sự rất to lớn, và ông “cam kết cung cấp các nguồn lực cần thiết để nhận thức được đầy đủ mối đe dọa do Trung Quốc gây ra, đồng thời cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ những thông tin tình báo tốt nhất để kháng lại các hoạt động phá hoại sâu rộng của Bắc Kinh”.
Ông Ratcliffe giải thích: “Trung Quốc lo ngại việc Tổng thống Trump tái đắc cử sẽ dẫn đến việc tiếp tục các chính sách mà họ cho là ‘chống Trung Quốc’”. Ông cũng lưu ý cộng đồng tình báo đã thu thập ý kiến của “hàng trăm thành viên Nghị viện”, bày tỏ mối lo ngại về Trung Quốc “và những nỗ lực ngày càng gia tăng của họ nhằm tác động đến môi trường chính sách Hoa Kỳ theo hướng có lợi cho họ”.
Ông Ratcliffe nói: “Các cuộc bầu cử công bằng và tự do là nền tảng của nền dân chủ Mỹ, và cộng đồng tình báo duy trì sự cảnh giác cao độ trước các hoạt động khác nhau của Trung Quốc, cũng như các quốc gia và tác nhân đe dọa khác, vốn đang tìm cách thao túng quá trình bầu cử của chúng ta”.
Cộng đồng tình báo thừa nhận sự can thiệp của Nga vẫn là một mối đe dọa trong cuộc bầu cử năm nay, nhưng đặc biệt lưu ý đến những nỗ lực can thiệp bầu cử đang gia tăng của Trung Quốc trong vài tháng trở lại đây, theo chia sẻ của một quan chức trong cộng đồng tình báo với Fox News.
Các nỗ lực xâm nhập mạng, hoạt động tin tặc của ĐCSTQ nhằm tác động đến cuộc bầu cử. Điểm chính trong chiến dịch này là việc tạo các tài khoản mạng xã hội giả để khuếch đại một số niềm tin chống Mỹ và tẩy chay chính quyền Trump.
Theo một báo cáo do Graphika công bố trong tháng này, các tài khoản mạng xã hội từ mạng lưới spam (spam network) thân Trung Quốc mang tên Spamouflage Dragon đã bắt đầu đăng các video tiếng Anh công kích chính sách của Mỹ và chính quyền Trump vào tháng Sáu.
Báo cáo tiết lộ một số tài khoản được tạo trên YouTube và Twitter đã sử dụng ảnh hồ sơ tạo bởi AI (trí tuệ nhân tạo), vốn là một kỹ thuật phổ biến trong các chiến dịch phát tán thông tin sai lệch, và dường như không có sự tham gia từ “người dùng thật” trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Các nỗ lực cũng không có vẻ “cố gắng nghiêm túc che giấu nguồn gốc Trung Quốc của mình vì nó chỉ xoay quanh việc gửi thông điệp liên quan đến chính trị Mỹ”, báo cáo nêu rõ.
Cụ thể, báo cáo tiết lộ một số thông điệp chống Trump liên quan đến đại dịch virus corona và các cuộc biểu tình sắc tộc trên khắp đất Mỹ.
Theo báo cáo, một video có tiêu đề “Ai chịu trách nhiệm cho thảm họa quốc gia này ở Hoa Kỳ?” đăng ngày 12/7, đã gọi ông Trump là “đồng minh vững chắc và sáng tạo” của virus corona. Theo Graphika, giọng điệu của nó “xoay quanh những chỉ trích gay gắt đối với cách xử lý của chính phủ Mỹ đối với sự bùng phát dịch bệnh, và sự cảm thông với người dân Mỹ đang hàng ngày tiếp xúc với đại dịch và các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc”.
Trong khi đó, đối với tình trạng sẵn sàng của cộng đồng tình báo trong việc chống lại các hoạt động thao túng bầu cử trong năm nay so với hồi 2016, một quan chức của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) nói với Fox News rằng cộng đồng tình báo đã “đi trước đáng kể so với năm 2016 về mặt cung cấp thông tin cập nhật cho người dân Mỹ về các mối đe dọa bầu cử, bao gồm cả Trung Quốc”.
Vị quan chức ODNI này cũng cho biết cộng đồng tình báo ủng hộ Bộ An ninh Nội địa và FBI trong nỗ lực hỗ trợ các quan chức tiểu bang và địa phương trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng bầu cử.
Quan chức này cũng cho biết ODNI đang làm việc với FBI và mạng lưới văn phòng thực địa để cung cấp thông tin tình báo cho các quan chức tiểu bang và địa phương.
Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Bill Evanina, người dẫn đầu công tác đảm bảo an ninh bầu cử của cộng đồng tình báo Mỹ, cảnh báo các quốc gia đối thủ một lần nữa đang cố gắng tác động đến chính sách và cuộc bầu cử Mỹ theo nhiều cách khác nhau. Ông tuyên bố rằng Iran muốn “làm suy yếu” Tổng thống Trump, trong khi Nga đang “chủ yếu bôi nhọ” cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Còn về Trung Quốc, ông Evanina cho biết Bắc Kinh “không muốn Tổng thống Trump – người mà Bắc Kinh coi là khó lường – tái đắc cử”.
Ông cũng nói thêm rằng Trung Quốc đang mở rộng nỗ lực gây ảnh hưởng đến cuộc tổng tuyển cử và định hình chính sách của Mỹ, bằng cách gây sức ép với các nhân vật chính trị mà các quan chức Trung Quốc coi là đi ngược lại lợi ích của đất nước họ.
“Mặc dù Trung Quốc sẽ tiếp tục cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích của hành động gây hấn, nhưng lời lẽ công khai của họ trong vài tháng qua đã ngày càng chỉ trích phản ứng trước Covid-19 của chính quyền đương nhiệm, việc đóng cửa lãnh sự quán Houston của Trung Quốc, và các hành động trên các vấn đề khác”, ông Evanina cho biết đầu tháng này.
Ông Evanina nói: “Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt các tuyên bố và hành động của chính quyền [Mỹ] đối với Hồng Kông, TikTok, quy chế pháp lý của Biển Đông và nỗ lực thống trị thị trường 5G của Trung Quốc. Bắc Kinh nhận định rằng tất cả những nỗ lực đó có thể gây ảnh hưởng đến cuộc tranh cử Tổng thống”.
Tháng trước, chính quyền Trump đã đến đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Texas, một phần vì ĐCSTQ nhắm mục tiêu vào các công ty năng lượng của Hoa Kỳ.
Sau đó cùng ngày, Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Tây Đô, tỉnh Tứ Xuyên, nhằm mục đích trả đũa.
Đối với TikTok, chính quyền Trump gần đây đã có lập trường rất cứng rắn đối với nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, khi ban hành một sắc lệnh hành pháp cấm ứng dụng này tại Mỹ trong vòng 90 ngày.
Lệnh cấm của Mỹ gây áp lực lên doanh nghiệp mạng xã hội có trụ sở tại Trung Quốc này phải bán nền tảng ứng dụng cho một công ty Mỹ, mà khả năng hàng đầu là Microsoft, nhưng thỏa thuận sẽ được chính quyền Trump giám sát chặt chẽ.
Về phía FBI, Giám đốc Christopher Wray đã cảnh báo về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến quan điểm của Mỹ và hoạt động gián điệp kinh tế trong nhiều tháng.
Đầu mùa hè, ông Wray nói với Fox News rằng Trung Quốc “chắc chắn” có hứng thú “tác động đến hệ tư tưởng chính trị của chúng ta” và các chính sách của Hoa Kỳ, và đang cố gắng “lái chúng sang hướng thân thiện hơn, thân Trung Quốc hơn, hỗ trợ ĐCSTQ hơn”. Ông cảnh báo rằng những nỗ lực đó đôi khi bị “gói gọn trong các vấn đề bầu cử”.
Trong khi đó, trên Đồi Capitol, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ Viện Adam Schiff, đã cảnh báo Trung Quốc có thể sử dụng những cách thức khác so với Nga và Iran để tác động đến cuộc bầu cử. Ông chia sẻ với NBC News rằng Trung Quốc có thể lợi dụng các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Nhưng phát ngôn viên của ông Adam Schiff thuộc đảng Dân chủ đã không trả lời yêu cầu bình luận của Fox News về việc liệu ủy ban của ông có tiến hành điều tra khả năng Trung Quốc can thiệp bầu cử hay
không, như ban hội thẩm đã làm với các nỗ lực can thiệp bầu cử của Nga – một cuộc điều tra xuyên suốt chính quyền Trump.
Một phụ tá của đảng Cộng hòa GOP nói với Fox News rằng các đảng viên Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo Hạ viện đã có một cuộc điều tra tập trung vào Trung Quốc từ các kỳ họp quốc hội trước đó, lưu ý rằng Trung Quốc là điều mà “chúng tôi rất quan tâm”. “Chúng tôi đang xem xét nó và chúng tôi chưa bao giờ dừng lại”, phụ tá của GOP nói với Fox News.
Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết chính quyền Trump tỏ ra cứng rắn với Nga trong khi tố cáo Trung Quốc và Iran phản đối Trump vì ông đã cứng rắn với họ.
Giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, Tim Murtaugh, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi không cần và không muốn sự can thiệp của nước ngoài, và Tổng thống Trump sẽ đánh bại ông Joe Biden một cách công bằng và chính trực”.
“Đánh giá của cộng đồng tình báo rằng cả Trung Quốc và Iran đang cố gắng ngăn chặn sự tái đắc cử của Tổng thống Trump là điều đáng lo ngại, nhưng rõ ràng là vì ông ấy đã buộc họ chịu trách nhiệm sau nhiều năm được các chính trị gia như Joe Biden chiều chuộng”.
Mỹ siết chặt gọng kềm, đe dọa ngôi vị độc tôn
của điện thoại thông minh Huawei
Việc Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp chế tài mới, siết chặt lệnh trừng phạt đối với Huawei, có khả năng cắt đứt nguồn cung cấp chip khiến tập đoàn Trung Quốc không tiếp cận được các con chip trên thị trường, đe dọa ngôi vị hàng đầu của Huawei, tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Điều này có thể làm gián đoạn nguồn cung công nghệ toàn cầu, các giám đốc điều hành và chuyên gia cảnh báo.
Chính quyền của Tổng Thống Trump mở rộng các lệnh chế tài đối với Huawei hôm thứ Hai 17/8, nghiêm cấm các nhà cung cấp bán chip sản xuất bằng công nghệ của Mỹ cho Huawei, nếu không có giấy phép đặc biệt – qua đó trám lại các lỗ hổng trong lệnh trừng phạt hồi tháng 5, có thể cho phép Huawei tiếp cận công nghệ thông tin từ các bên thứ ba.
Các biện pháp siết chặt cấm vận mới nêu bật sự rạn nứt ngày càng lớn hơn trong các quan hệ Mỹ-Trung giữa lúc Washington hối thúc các chính phủ hãy ngừng sử dụng các thiết bị Huawei, và tố cáo tập đoàn này có thể chuyển dữ liệu cho Bắc Kinh để được sử dụng trong các hoạt động tình báo.
Huawei bác bỏ cáo buộc tố họ làm gián điệp cho Trung Quốc.
Ông Neil Campling, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu TMT tại Mirabaud Securities nhận định:
“Nếu Mỹ cứ tiếp tục bóp nghẹt Huawei, thì ảnh hưởng của các biện pháp chế tài này sẽ lan rộng ra toàn bộ công nghệ bán dẫn, “và chưa biết đòn trả đũa từ Trung Quốc sẽ ra sao, nhưng đây là một rủi ro đáng kể.”
Hoạt động kinh doanh của tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei đã sa sút kể từ khi Mỹ đưa tập đoàn này vào sổ đen cách đây một năm.
Các chuyên gia nói nếu Huawei không thể tiếp cận các con chip vì các biện pháp trừng phạt mở rộng của Mỹ, thì kể như “mảng kinh doanh thiết bị cầm tay của họ có thể sẽ tan biến”.
Các công ty môi giới khác, gồm JP Morgan, cũng đồng tình với quan điểm này, nói rằng thêm vào đó, sự thể này sẽ mở ra cơ hội cho các công ty như Xiaomi và Apple, tăng thị phần của họ. Huawei không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Những biện pháp mới tác động nặng nề tới Huawei và các nhà cung cấp chip, ít nhất là trong thời gian tới, vì họ phải xin giấy phép đặc biệt để tuân thủ các quy định mới.
Trung Quốc cực lực phản đối Mỹ bóp nghẹt Huawei
Hôm thứ Ba 18/8, sau khi chính quyền Trump tuyên bố thắt chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế đối với Huawei, Bắc Kinh nói họ kiên quyết phản đối việc Hoa Kỳ bóp nghẹt tập đoàn công nghệ Huawei.
Lên tiếng trong cuộc họp báo hàng ngày, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) kêu gọi Hoa Kỳ hãy ngừng hạ uy tín của các công ty Trung Quốc.
Ông Triệu nói chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/my-siet-chat-gong-kem-de-doa-ngoi-vi-d/5548511.html
Trump và Biden tính về Đài Loan thế nào?
Cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với Hồng Kông ngày càng trở nên mạnh tay hơn. Tuần này việc bắt những người ủng hộ dân chủ bao gồm nhà xuất bản Jimmy Lai là cuộc tấn công mới nhất vào thành phố một thời tự do, và những người theo đường lối cứng rắn ở Bắc Kinh coi Đài Loan là mục tiêu tiếp theo. Với khả năng xảy ra một cuộc đối đầu tối hậu xoay quanh Đài Loan trong 4 năm tới, bản chất cam kết của Mỹ đối với hòn đảo này phải được nhấn mạnh chứ không chỉ xuất hiện thoáng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.
Tầm quan trọng của Đài Loan đối với các liên minh ở Thái Bình Dương của Mỹ đã được công nhận từ lâu. Nếu Hoa Kỳ cho phép Đài Bắc rơi vào vòng kiểm soát của Bắc Kinh – chính thức hay trên thực tế – các quốc gia như Việt Nam sẽ nghi ngờ cam kết của Hoa Kỳ đối với nền độc lập của họ và xích lại gần Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh sau đó có thể thúc đẩy các đồng minh lâu đời như Nhật Bản rời xa Hoa Kỳ, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bước nhanh trên con đường trở thành bá chủ khu vực.
Ngoài ý nghĩa chiến lược truyền thống, Đài Loan hiện còn có một ý nghĩa đặc biệt vì sức mạnh công nghệ của nó. TSMC, có trụ sở tại Đài Loan, là nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới và đang củng cố vị thế của mình. Cổ phiếu của hãng đã tăng mạnh trong mùa hè này và gần đây, Intel, công ty có trụ sở ở Hoa Kỳ, đã thông báo rằng họ có thể rút khỏi mảng sản xuất chip.
Điều đó đặt Đài Loan vào tâm điểm cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung. Trung Quốc đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về các sản phẩm công nghệ cao và nước này đã dựa vào chip máy tính do TSMC sản xuất. Hoa Kỳ cũng đang lôi kéo TSMC, công ty đã tuyên bố hồi tháng 5 rằng họ sẽ mở một nhà máy ở Arizona. Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đang khiến Huawei của Trung Quốc không thể mua chip từ TSMC. Nhà khoa học chính trị Graham Allison đã suy đoán rằng Bắc Kinh có thể coi sự cạnh tranh về công nghệ là mộtđộng lực để giành quyền kiểm soát hòn đảo và công ty hàng đầu của nó bằng vũ lực.
Điều này đưa chúng ta trở lại chính trường Hoa Kỳ. Trung Quốc đang tăng cường các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan, và sự cưỡng bức hoặc thậm chí là một cuộc tấn công ở một mức độ nào đó có thể là một trong số các kịch bản khủng hoảng an ninh quốc gia mà vị tổng thống tiếp theo có thể phải đối mặt.
Chính quyền Trump đã thể hiện ít nhiều cách tiếp cận chính sách của mình. Họ đã chấp thuận bán các máy bay F-16 tiên tiến cho Đài Loan sau khi chính quyền Obama từ chối, và đang xem xét việc bán máy bay trinh sát không người lái SeaGuardian cũng như tên lửa và ngư lôi. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar đã đến thăm Đài Bắc, một sự thể hiện hiếm hoi và có ý nghĩa chính trị cho thấy sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan ở cấp chính phủ.
Tuy nhiên, cách quan hệ mang tính đổi chác nhất thời của Tổng thống Trump với các đồng minh khiến một số người Đài Loan lo lắng. Việc Trump đe doạ rút lui về quân sự – bao gồm cả việc dọa rút quân khỏi Hàn Quốc – cũng có thể khiến Bắc Kinh bạo dạn hơn.
Một bước hiệu quả mà một chính quyền Biden có thể thực hiện trên mặt trận này là tái tham gia và đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương về thương mại để củng cố các liên minh của Hoa Kỳ, đồng thời mở đường cho Đài Loan tham gia. Trung Quốc không phải là thành viên của TPP nhưng Trump đã rời bỏ hiệp định này.
Một câu hỏi chính là liệu chính quyền Biden có quay lại kiểu quan hệ lưng chừng của chính quyền Obama với Đài Bắc vì sợ làm mất lòng Bắc Kinh hay không. Cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Biden làAntony Blinken, người có khả năng sẽ đảm nhiệm vị trí cấp cao trong chính quyền Biden, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 5 với CBS rằng ông hy vọng Hoa Kỳ có thể “lấy lại sự cân bằng đó” trong mối quan hệ với Trung Quốc và Đài Loan. Blinken không nói liệu Biden có chấp nhận nói chuyện điện thoại với tổng thống Đài Loan hay không.
Biden đã mang bản năng chính sách đối ngoại ôn hòa trong nhiều thập niên, và hồi năm 2001, ông đã chỉtrích George W. Bush vì nói rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu bị tấn công. Nhưng quan điểm của công chúng cũng như giới chóp bu Mỹ về Trung Quốc đã thay đổi khi Bắc Kinh tỏ ra hung hăng hơn, và Michèle Flournoy, ứng cử viên hàng đầu cho chức Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Biden, gần đây đã viết về sự cần thiết của việc Mỹ tăng cường khả năng răn đe ở Tây Thái Bình Dương.
Các ứng cử viên cần bị thúc ép phải đưa ra quan điểm rõ ràng về Đài Loan vượt ra ngoài những lời sáo rỗng về tình cảm nồng ấm. Hòn đảo này đang là trung tâm của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc và cử tri xứng đáng được nghe vị tổng thống tiếp theo trình bày cách họ xử lý vấn đề đó như thế nào.
http://biendong.net/diem-tin/36433-trump-va-biden-tinh-ve-dai-loan-the-nao.html
TT Mỹ hoãn đàm phán thương mại với Trung Quốc
Trọng Nghĩa
Phát biểu với báo chí tại Yuma (bang Arizona) vào hôm qua 18/08/2020, tổng thống Mỹ cho biết là ông cho dời lại cuộc đàm phán dự trù ngày 15/08 vừa qua nhằm đánh giá tiến triển của việc thực hiện hiệp định thương mại đã ký với Trung Quốc vào tháng Giêng 2020. Khi được hỏi liệu Mỹ có ý định rút khỏi đàm phán thương mại với Trung Quốc hay không, chủ nhân Nhà Trắng chỉ nói “hãy chờ xem”.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói như sau: “Tôi dời lại đàm phán với Trung Quốc. Quý vị biết tại sao không? Tôi không muốn thương lượng với họ bây giờ. Điều mà Trung Quốc đã làm đối với thế giới thật là khó có thể tưởng tượng nổi. Họ đã có thể ngăn chặn được (virus).”
Dù xác định rằng ông không muốn đàm phán với Trung Quốc vào lúc này, nhưng khi được hỏi liệu ông có thể rút khỏi thỏa thuận thương mại với Trung Quốc hay không, tổng thống Mỹ trả lời là sẽ xem sau.
Trên nguyên tắc, phái đoàn thương mại hai bên họp lại vào thứ Bảy 15/08 vừa qua để thảo luận những điểm bổ sung cho cái gọi là “Giai Đoạn 1” của thỏa thuận thương mại, nhưng cuộc gặp đã bị hủy bỏ.
Tổng thư ký Nhà Trắng Mark Meadows, trả lời phóng viên trên máy bay của tổng thống, Air Force One, vào hôm qua 18/08, khẳng định là không có cuộc đàm phán mới nào ở cấp cao được dự kiến, nhưng hai bên vẫn giữ liên lạc liên quan đến việc thực hiện Giai Đoạn 1. Theo ông, đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer vẫn giữ liên lạc đều đặn với đối tác Trung Quốc, liên quan đến các cam kết, trao đổi thương mại.
Trong chuyến thăm đi Arizona, ông Trump tuy chỉ trích cách xử lý của Trung Quốc về đại dịch Covid-19, nhưng ông cũng hoan nghênh việc Bắc Kinh mua nông sản Mỹ với khối lượng lớn. Tuy rằng mức nhập khẩu nông sản và sản phẩm chế biến của Mỹ, năng lượng và dịch vụ vẫn còn thua xa mục tiêu năm đầu tiên, là tăng 77 tỷ đô la so với 2017, nhưng mức mua đã tăng lên, khi kinh tế Trung Quốc phục hồi sau giai đoạn phong tỏa đầu năm.
Nghị sĩ Mỹ đề nghị trừng phạt quan chức Việt Nam
vi phạm nhân quyền, giới hoạt động đồng tình
Sau khi các thượng nghị sĩ và dân biểu Mỹ mạnh mẽ đề xuất chính quyền Tổng thống Donald Trump trừng phạt các quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền, giới hoạt động bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ việc Washington áp dụng các biện pháp chế tài thiết thực.
Trong những tuần qua, một số nghị sĩ Mỹ đã gửi thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, cũng như lên tiếng tại các buổi hội luận về nhân quyền, thúc giục Chính quyền Hoa Kỳ có biện pháp chế tài đối với các quan chức Việt Nam “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”, xem áp dụng Đạo luật Magnitsky Toàn cầu, và đưa Việt Nam trở lại Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt – CPC.
Nhà hoạt động Trần Thị Nga, hiện sống lưu vong tại bang Georgia, Hoa Kỳ, sau khi rời nhà tù Việt Nam vào tháng 1/2020, nêu nhận định với VOA:
“Hướng đi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ có biện pháp chế tài những đảng viên, quan chức cộng sản vi phạm nhân quyền là hướng đi lành mạnh và thực tế. Có như vậy, các quan chức cộng sản họ mới dè chừng, dừng lại tội ác của mình.
“Đề xuất này rất có ích đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là đối với những người bất đồng chính kiến, những người bày tỏ quan điểm tôn giáo của riêng mình.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài, hiện sống lưu vong lại Đức, sau khi bị giam cầm hai lần tại Việt Nam vì lên tiếng bảo vệ nhân quyền, nói với VOA:
“Trong thời gian qua, áp lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ các dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ, và các tổ chức quốc tế đối với vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam rất là mạnh mẽ, nhưng chính quyền vẫn tiếp tục bắt giam, tuyên án tù dài…
“Những tiếng nói đó dù mạnh mẽ nhưng chưa đủ mạnh đến mức có thể buộc chính quyền Việt Nam phải lắng nghe những lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế, vì vậy cần sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp (dân biểu, thượng nghị sĩ) với cơ quan hành pháp để tiếng nói của họ có áp lực để trừng phạt họ.
“Hiện nay, có rất nhiều các quốc gia có cơ chế hỗ trợ như Luật Magnitsky của Hoa Kỳ, Cananda, châu Âu, Anh….Các cơ quan hành pháp nên hỗ trợ bằng cơ chế trừng phạt này thì sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết thêm rằng việc các nhà lập pháp Hoa Kỳ đề xuất Bộ Ngoại giao Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt các quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền sẽ khích lệ tinh thần tranh đấu của các nhà hoạt động trong nước, dù đang ở trong tù hay đang được tự do.
Trước đó, hôm 7/8, Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal phát biểu tại hội luận trực tuyến trong Ngày Vận động cho Việt Nam do BPSOS tổ chức:
“Tôi nghĩ rằng Quốc hội nên đưa Việt Nam trở lại với Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt – CPC, chúng ta đã thấy Việt Nam bắt đầu thay đổi các hành động nhân quyền của họ như thế nào sau khi được ra khỏi CPC trước đây.”
“Tôi nghĩ rằng chúng ta phải vận động cho hai điều: Áp dụng Đạo luật Magnitsky và đưa Việt Nam trở lại CPC. Và tôi nghĩ đây sẽ là điều cần phải làm.”
Thượng Nghị sĩ Marco Rubio viết thư cho Hội luận: “Chúng tôi biết rằng chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp tôn giáo và đàn áp những người bất đồng chính kiến. Các quyền cơ bản của người dân Việt Nam về thực hành tín ngưỡng và tôn giáo, cũng quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp phải được tôn trọng và bảo vệ.”
Ông Rubio viết tiếp: Chính phủ Hoa Kỳ phải minh bạch rằng mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam sẽ không thể đạt được tiềm năng đầy đủ nếu như những lạm dụng này tiếp diễn; chúng ta phải tiếp tục cam kết thúc giục chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị Việt Nam, nhiều người trong số họ đã bị giam giữ chỉ vì bảo vệ quyền của người dân Việt Nam.”
Thượng Nghị sĩ John Cornyn phát biểu qua một video gửi đến Hội luận:
“Là một nhà vận động lâu năm cho nhân quyền ở Việt Nam, tôi tiếp tục đấu tranh trong các chiến hào vi phạm nhân quyền mà không may vẫn còn xảy ra. Tôi cũng tự hào đã kêu gọi Ngoại trưởng Mike Pompeo và Chính quyền làm tất cả những gì chúng ta có thể để đáp lại những hành vi không thể dung thứ này.”
Trước đó, hôm 30/7, Thượng nghị sĩ Marco Rubio và John Cornyn gửi thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo yêu cầu đưa Việt Nam trở lại vào Danh sách CPC và trừng phạt các quan chức cộng sản theo đạo luật Magnitsky Toàn cầu.
Bức thư viết: “Việt Nam là một đối tác an ninh quan trọng trong khu vực nhưng hồ sơ nhân quyền của họ vẫn là một trở ngại cho việc tăng cường quan hệ.
“Do đó, chúng tôi trân trọng yêu cầu ông nêu ra những vấn đề này trực tiếp với chính phủ Việt Nam và đề nghị ông xem xét việc áp dụng các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu đối với các cá nhân vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.”
Các nhà hoạt động tôn giáo Hòa Thượng Thích Không Tánh, thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và Chánh trị sự Cao Đài Hứa Phi, nói với VOA trong các cuộc phỏng vấn trước đây rằng các ông đồng tình việc đưa Việt Nam trở lại CPC với lý do rằng chính quyền tiếp tục vi phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Ngoài CPC và Luật Magnitsky Toàn cầu, các nhà lập pháp Hoa Kỳ ở cả Thượng viện và Hạ viện còn giới thiệu các dự luật nhân quyền Việt Nam.
Tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ John Cornyn giới thiệu dự luật S.1369 – Dự luật Trừng phạt Nhân quyền Việt Nam, được các Thượng nghị sĩ John Boozman, Bill Cassidy, và Marco Rubio đồng ủng hộ. Dự luật này đề ra các biện pháp chế tài tương tự như Luật Magnitsky Toàn Cầu nhưng áp dụng riêng cho Việt Nam: yêu cầu Tổng thống áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính và cấm nhập cảnh Hoa Kỳ đối với những quan chức và gia đình của họ đồng lõa với các hành vi vi phạm nhân quyền đối với công dân Việt Nam.
Tại Hạ viện, Dân biểu Chris Smith giới thiệu dự luật HR. 1383 – Dự luật Nhân quyền Việt Nam, và đến nay có đến 49 dân biểu liên bang Hoa Kỳ đồng tình ủng hộ. Nội dung chính của dự luật này là đưa điều kiện nhân quyền vào chính sách mậu dịch của Hoa Kỳ với Việt Nam; yêu cầu Bộ Ngoại Giao báo cáo hàng năm tình trạng nhân quyền ở Việt Nam với các thông tin chi tiết và cụ thể về từng vụ vi phạm và các giới chức liên can; yêu cầu Hành pháp áp dụng các biện pháp chế tài theo Luật Magnitsky Toàn cầu đối với các giới chức liên can.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền
Về phía cơ quan hành pháp, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ Sam Brownback chia sẻ tại một buổi hội luận rằng Ngoại trưởng Pompeo đang “xem xét” các hình thức chế tài, và rằng các hình thức trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương cũng sẽ có thể được áp dụng đối với quan chức Việt Nam. Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Robert Destro nói với VOA rằng ông không thể chia sẻ “các bước thảo luận bên trong” của Bộ vì đó là “thông tin nhạy cảm.”
Gói cứu trợ thứ 2: Cộng hòa lo kinh tế,
Dân chủ ưu tiên sức khỏe
Bất đồng về gói cứu trợ Covid-19 thứ nhì giữa hai chính đảng của Mỹ xoay quanh vấn đề trợ cấp thất nghiệp: Đảng Cộng hòa muốn người dân đi làm trở lại để khôi phục kinh tế trong khi Đảng Dân chủ không muốn dịch bệnh tiếp tục lây lan, một nhà quan sát nhận định với VOA.
Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua gói cứu trợ 3.500 tỷ đô la với tên gọi Dự luật HEROES hồi tháng 5 trong khi cuối tháng 7 phe Cộng hòa ở Thượng viện cũng trình ra dự luật cứu trợ mang tên HEALS với số tiền ít hơn nhiều: 1.000 tỷ đô la.
Trong lúc này, cả hai viện Quốc hội đều đã đi nghỉ và phải đến giữa tháng Chín mới nhóm họp trở lại, khiến cho gói cứu trợ bị đóng băng cho đến lúc đó. Trong lúc chờ đợi, Tổng thống Donald Trump đã ‘lách rào’ với sắc lệnh hành pháp tiếp tục phát tiền trợ cấp thất nghiệp liên bang sau tháng 7, nhưng với số tiền ít hơn.
‘Chắc chắn sẽ có thêm 1.200 đô’
Trong gói cứu trợ đầu tiên trị giá 3.200 tỷ đô la hồi tháng 3 (Đạo luật CARES), những người đi làm có đóng thuế ở Mỹ với thu nhập ít hơn 75.000 đô la một năm được lãnh một lần số tiền là 1.200 đô la trong khi mỗi người phụ thuộc được lãnh 500 đô la. Như thế, một gia đình hai vợ chồng với một con nhỏ có thể lãnh tổng cộng 2.900 đô la.
Số tiền 1.200 đô la sẽ được giảm theo bậc thang dần dần đối với những ai có thu nhập từ 75.000 đô la trở lên. Ai có mức thu nhập 99.000 đô la trở lên thì nằm ngoài tiêu chuẩn được lãnh số tiền này.
Lưỡng đảng có sự đồng thuận rộng rãi là sẽ cho một đợt nữa ‘tiền kích thích chi tiêu’ (stimulus check) và số tiền này chắc chắn sẽ được hai đảng thông qua khi Quốc hội họp trở lại, theo một nhà quan sát từ bang Texas.
Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc giảng dạy chuyên ngành MBA tại trường Keller Graduate School of Management, người theo dõi sát sao quá trình đàm phán ở Quốc hội qua trao đổi với dân biểu liên bang Ron Wright đại diện cho địa hạt của ông, cho biết về tiêu chuẩn, lần này vẫn y như CARES Act nhưng vấn đề tranh luận là người phụ thuộc sẽ được hưởng như thế nào.
Ông cho biết trong khi Đảng Cộng hòa đồng ý cấp cho mỗi người phụ thuộc chỉ 500 đô la và không giới hạn độ tuổi thì Đảng Dân chủ lại cấp đến 1.200 đô la cho mỗi người phụ thuộc nhưng lại giới hạn mỗi hộ gia đình chỉ được tính tối đa 3 người phụ thuộc mà thôi.
Ngoài ra, Đảng Dân chủ còn mở rộng đối tượng được thụ hưởng ‘tiền cứu trợ’ đến cả những di dân làm việc chưa có số an sinh xã hội (SSN) mà chỉ có mã số định dạng trả thuế (ITIN) mà thôi. Lần chi trả trước, chỉ có những ai có số SSN mới được lãnh.
Giáo sư Lộc dự đoán ‘trễ lắm là cuối tháng 9’ số tiền này sẽ được Quốc hội thông qua và người đóng thuế Mỹ sẽ được lãnh tiền ‘trong hai tuần đầu tháng 10’.
“Lần này chính phủ đã quen với việc phát tiền rồi thành ra những người đã có khai thuế có tài khoản chuyển tiền trực tiếp (direct deposit) sẽ sớm nhận được tiền,” ông nói.
Tranh cãi tiền thất nghiệp
Về trợ cấp thất nghiệp, ông Lộc cho biết đây là vấn đề tranh cãi dữ dội giữa hai Đảng khiến gói trợ cấp đi vào bế tắc.
Trong gói cứu trợ CARES, mỗi người thất nghiệp được lãnh từ liên bang 600 đô la mỗi tuần, cộng với số tiền trợ cấp của tiểu bang nữa thì có người lãnh đến trên 1.000 đô la mỗi tuần. Tuy nhiên, tiền trợ cấp của liên bang đã chấm dứt sau ngày 31/7 trong khi tiểu bang chỉ trợ cấp không quá 26 tuần lễ kể từ thời điểm bị thất nghiệp.
Trong gói cứu trợ lần này, Đảng Dân chủ muốn tiếp tục cho 600 đô la mỗi tuần cho đến hết tháng Giêng năm 2021 nhưng Đảng Cộng hòa chỉ cho 200 đô la mỗi tuần cho đến hết tháng Chín. Sau thời hạn đó, Đảng Cộng hòa muốn mỗi người thất nghiệp được lãnh 70% mức lương đi làm trước đó, nhưng không được quá 500 đô la mỗi tuần.
“Đảng Cộng hòa cho rằng nếu cho tiền thất nghiệp nhiều quá thì người ta sẽ không chịu trở lại làm việc, nền kinh tế Mỹ sẽ không mở cửa lại được,” Tiến sĩ Lộc bình luận.
Theo vị giáo sư này, tiền trợ cấp thất nghiệp liên bang trong gói cứu trợ lần đầu ‘rất có ích’ cho những người mất việc làm vì đại dịch nhưng nếu tiếp tục sẽ ‘gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế’. Tuy nhiên, cách làm của Đảng Dân chủ là ‘muốn người dân bớt đi ra ngoài nhiều để ngăn dịch bệnh không lây lan thêm nữa’, ông nói.
Trong khi chờ cứu trợ của Quốc hội thì những người thất nghiệp sẽ tiếp tục được lãnh 300 đô la mỗi tuần theo sắc lệnh hành pháp của ông Trump. Ngoài ra, sắc lệnh này còn yêu cầu các tiểu bang bỏ tiền ra cấp thêm 100 đô la mỗi tuần nhưng đang gặp phải sự chống đối và kiện tụng vì chính quyền các bang đã cạn kiệt ngân quỹ do thất thu thuế vì đại dịch, vẫn theo nhà quan sát này.
Bên cạnh đó, Đảng Dân chủ chỉ đồng ý chi 58 tỷ cho các trường học để mở cửa trở lại trong khi phe Cộng hòa muốn chi đến 105 tỷ cho việc này.
“Đảng Dân chủ không muốn cho tiền nhiều cho các trường học để mở cửa lại sớm quá,” ông Lộc giải thích.
Để có thể khôi phục lại nền kinh tế nhanh nhất có thể, Đảng Cộng hòa còn đề xuất ‘thưởng tiền cho những ai đi làm lại’.
Theo đó, nếu những ai chịu đi làm trở lại thì ngoài tiền lương được lãnh đủ, họ còn được chính phủ liên bang trả thêm 450 đô la mỗi tuần trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang được tranh luận và ông Lộc cho rằng ‘ít có khả năng đề xuất này của phe Cộng hòa được thông qua’.
‘Không cho kiện tụng’
Ngoài ra, để các doanh nghiệp tự tin mở cửa trở lại mà không sợ bị kiện tụng nếu chẳng may có nhân công bị dính virus corona, Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện, đã yêu cầu phải có điều khoản ‘ngưng các vụ kiện tụng có liên quan đến virus corona nhằm vào các chủ doanh nghiệp, trường học và cơ sở y tế trong thời hạn 5 năm’.
Giáo sư Lộc cho biết thêm rằng Đảng Cộng hòa còn giới hạn số tiền bồi thường mà các chủ hãng phải đối mặt khi bị kiện tụng để đảm bảo họ không bị khánh tận khi mở cửa trở lại.
Ông McConnell đã khăng khăng bắt buộc phải có điều khoản này trong bất kỳ dự luật nhượng bộ nào giữa hai Đảng.
“Đảng Cộng hòa muốn có sự đảm bảo rất mạnh để chủ hãng xưởng có thể mở cửa lại nhanh chóng nhưng phía Dân chủ nói rằng như thế sẽ không an toàn vì sẽ khuyến khích giới chủ mở cửa lại một cách cẩu thả, không áp dụng đầy đủ biện pháp bảo vệ cho người đi làm,” ông Lộc giải thích và cho biết đây là điểm đang tranh cãi rất mạnh mẽ.
Ngoài những điểm đang tranh cãi đó, nhìn chung hai Đảng đồng thuận về việc tiếp tục gói cứu trợ dành cho các tiểu thương PPP (Chương trình Bảo vệ Người hưởng lương) – tức cho vay không hoàn lại nếu như chủ hãng xưởng chứng minh được rằng họ dùng số tiền đó để trả lương và không sa thải nhân công, ông Lộc cho biết.
Theo lời ông thì trong gói thứ nhất, nhiều tiểu thương mặc dù cũng rất khốn đốn nhưng không thể nào tiếp cận được gói này nếu họ trả lương bằng tiền mặt nên không đủ hồ sơ chứng từ.
Trong gói cứu trợ lần hai này, những tiểu thương nào đã xin vay tiền lần trước có thể xin vay một lần nữa nhưng với điều kiện là quy mô họ phải ít hơn 300 nhân công và phải chứng minh là họ bị giảm đến một nửa thu nhập trong khi số tiền họ có thể vay tối đa là 2 triệu đô la. Còn những tiểu thương nào vay lần đầu thì điều kiện vẫn giữ nguyên như ở lần trước, tức có quy mô lên đến 500 người và được vay tương đương 2,5 tổng chi phí hàng tháng của họ đến tối đa 10 triệu đô la.
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa cũng đồng thuận về việc cấp ‘tín dụng thuế’, tức ‘tax credit’, cho các hãng xưởng tăng thêm thay vì bớt đi nhân công trong mùa dịch. Theo đó, nếu hãng xưởng nào thuộc diện này mà chưa đóng thuế thì sẽ được miễn còn nếu đã đóng thuế rồi thì sẽ được hoàn tiền lại. Giáo sư Lộc cho biết đây là điểm mới so với gói cứu trợ thứ nhất nhưng chưa xác định rõ tiêu chuẩn là phải có thêm bao nhiêu nhân công.
Ngoài ra, hai Đảng cũng đồng ý kéo dài thời hạn cho người mua nhà được tiếp tục nợ tiền nhà mà không bị ngân hàng đến lấy nhà siết nợ cho đến cuối năm, nhà quan sát này cho biết và nói thêm rằng ‘hiện có trên 40 triệu người Mỹ không thể trả hay không trả đúng hạn tiền nhà’.
Ông Lộc nhận định rằng gói cứu trợ cuối cùng được thông qua sẽ là sự thỏa hiệp giữa hai Đảng, tức là ‘Dân chủ sẽ bớt 1.000 tỷ còn Cộng hòa sẽ tăng thêm 1.000 tỷ’. Như vậy, quy mô của gói cứu trợ đợt hai sẽ vào khoảng 2.000 tỷ đô la, ông dự đoán.
Bình luận về gói cứu trợ dịch Covid-19, ông Lộc cho rằng ‘chắc chắn có tác dụng’.
“Những người thất nghiệp, không thể trả tiền nhà thì chắc chắn là họ cần những số tiền này để cầm cự, còn những người có thể xoay sở được cũng có thêm tiền (1.200 đô la) để tiêu xài và đổ vào nền kinh tế,” ông phân tích.
“Nền kinh tế Mỹ đến 2/3 phụ thuộc vào tiêu dùng của người dân nên nó có tác dụng kích thích nền kinh tế,” ông nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng gói thứ nhất cũng có lỗ hổng để bị lợi dụng, chẳng hạn những tiểu thương dạng ‘đại gia’ rủng rỉnh tiền bạc, dư sức trụ vững giữa đại dịch vẫn hỏi xin vay tiền từ gói PPP để trả lương nhân công. Số tiền này, theo ông Lộc, là ‘phí phạm’ vì cuối cùng họ cũng được chính phủ xóa nợ.
Một số người Việt băn khoăn về tình hình Covid ở Texas
Một số người Việt tại Texas tỏ ra băn khoăn và có phần khó hiểu về diễn biến dịch virus corona ở bang có cộng đồng Việt đông thứ hai tại Mỹ, khi số người chết ở vì COVID-19 ở Texas vượt quá 10.000 ca vào đầu tuần này. Đây là bang thứ tư có số tử vong COVID vượt quá ngưỡng này, sau New York, New Jersey và California.
Sở Y tế Texas hôm 17/8 báo cáo có thêm 51 trường hợp tử vong, cùng với hơn 2.700 ca nhiễm mới, AP cho biết. Số liệu đầu tuần thường thấp hơn do có sự chậm trễ qua những ngày cuối tuần.
Hàng trăm ca tử vong mới được báo cáo hàng ngày ở Texas trong những tuần gần đây, dù có sự sụt giảm hàng ngàn ca nhập viện kể từ tháng 7, và tỉ lệ các trường hợp dương tính đang giảm. Nhiều ca tử vong gần đây nhất được báo cáo thực ra đã xảy ra vài tuần trước vì Texas không đếm những ca này cho đến khi có giấy chứng tử, theo AP.
Cứ năm ca tử vong thì có khoảng bốn ca được báo cáo sau ngày 1 tháng 6. Texas là một trong những nơi tiến hành việc mở cửa trở lại nhanh nhất trên cả nước vào tháng 5 trước khi số ca nhiễm tăng vọt, khiến Thống đốc Đảng Cộng hòa Greg Abbott phải cho dừng việc mở cửa và áp đặt lệnh đeo khẩu trang trên tiểu bang. Tháng 8 cho thấy có triển vọng cải thiện, dù các quan chức Texas hiện lo ngại số người xét nghiệm vẫn còn ít.
Tại Quận Harris, nơi có thành phố Houston đông dân thứ tư ở Mỹ và cũng là nơi cộng đồng người Việt tập trung với mật độ cao thứ ba toàn quốc, gần 93.000 ca nhiễm COVID-19 và hơn 1800 người chết được báo tính đến thời điểm này, theo số liệu tổng hợp bởi báo The New York Times.
“Cộng đồng [người Việt] ngay tại Houston lúc nào cũng khuyến cáo người dân là bớt tụ tập, bớt đi ra ngoài đường nhưng mà con số vẫn tăng cao,” bà Mai Hoa, Phó chủ tịch Hội đồng Đại diện Cộng đồng Houston, nói với VOA Việt ngữ.
“Có một số người cũng ỷ y. Có khi họ cho là ‘fake news’ nhiều quá, họ thấy là bản thân họ đi ra ngoài nhiều mà cũng không mắc bệnh nên thành thử họ không sợ. Ngoài ra cũng có một số người rất sợ, rất ngại đi ra ngoài.”
“Phòng chống nhiều nhưng mà không hiểu sao số người bị bệnh vẫn tăng cao, mình cũng không biết phải làm sao,” bà Hoa bày tỏ quan ngại.
Chị Hoàng Thủy là cư dân ở Quận Collin giáp ranh với thành phố Dallas, một đô thị lớn cũng có số lượng người Việt tập trung đông đúc ở bắc Texas. Chị nói chị biết về tình hình dịch bệnh của bang thông qua tin tức trên báo đài, nhưng không rõ mức độ nghiêm trọng ra sao ở nơi chị sinh sống.
“Từ lúc đầu dịch bệnh tới giờ, tất cả những gì xảy ra là tụi tôi nghe từ trên tin tức thời sự chứ thật tình trong cộng đồng người Việt của mình, kể cả khu tôi sinh sống nữa, tôi chưa thấy ai báo cáo một trường hợp nào hết,” chị cho biết.
Chị Thủy, người cũng là Phó chủ tịch nội vụ Cộng đồng Người Việt Quốc gia Dallas và Vùng Phụ cận, cho biết mọi người vẫn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Các sự kiện sinh hoạt cộng đồng có sự tụ tập đông người cũng đã bị hủy để như một biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Thống đốc Greg Abbott hiện đang kêu gọi người dân Texas không nên chủ quan trong khi các con số liên quan đến dịch bệnh đang cải thiện và các trường học và trường đại học mở cửa trở lại.
Một số học sinh ở Texas đang quay trở lại trường mặc dù một số học khu đã lùi ngày khai giảng đến tháng 9. Và ngay cả khi trường mở cửa trở lại, Texas vẫn cho các trường lựa chọn giảng dạy trực tuyến qua đến tháng 11. Nhưng một số giáo viên nói rằng Texas đang mở cửa trường học quá vội vàng.
Trên khắp nước Mỹ có 5,4 triệu ca nhiễm COVID-19 đã được xác nhận và hơn 170.000 người chết tính đến thời điểm này.
Mọi kế hoạch cải tổ dịch vụ bưu điện
sẽ được hoãn đến sau bầu cử
Tin Washington DC – Tổng giám đốc dịch vụ bưu điện Hoa Kỳ, ông Louis DeJoy, vào thứ Ba, 18 tháng 8, thông báo rằng mọi kế hoạch cải tổ hoạt động của bưu điện sẽ được hoãn đến sau cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11.
Thông báo này được đưa ra sau khi nhiều người lo ngại rằng việc cải tổ bưu điện sẽ làm chậm trễ việc giao thư, gây ảnh hưởng cho những người muốn bỏ phiếu qua thư. Trong thông cáo báo chí, ông DeJoy nói, để tránh ảnh hưởng đến các phiếu bầu gởi bằng đường bưu điện, mọi kế hoạch cải tổ sẽ được hoãn cho đến khi bầu cử kết thúc. Ngoài ra, giờ làm việc tại các bưu điện sẽ không thay đổi. Máy móc phân loại thư từ và các thùng thư đều được giữ nguyên.
Không cơ sở phân loại thư từ nào bị đóng cửa, và nhân viên bưu điện sẽ làm thêm giờ nếu cần thiết. Ông DeJoy cũng thêm rằng Dịch vụ bưu điện USPS sẽ tăng thêm nhân viên để giải quyết các phiếu bầu qua thư. Trước đó, các bộ trưởng tư pháp của 14 tiểu bang đã khởi kiện chống lại các kế hoạch cải tổ của USPS, nói rằng các thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử 2020.
Ông DeJoy dự kiến sẽ ra điều trần trước Ủy Ban Nội An và Vấn Đề Chính Phủ của Thượng Viện vào thứ Sáu này, về việc Dịch vụ bưu điện sẽ đáp ứng như thế nào với nhu cầu bỏ phiếu qua thư của người dân. Trong năm tài chính 2019, Dịch vụ bưu điện bị lỗ 8.8 tỷ Mỹ kim và nợ 11 tỷ Mỹ kim. Doanh thu của cơ quan này dựa trên giá bán sản phẩm và dịch vụ, và không được liên bang tài trợ. (BBT)
https://www.sbtn.tv/moi-ke-hoach-cai-to-dich-vu-buu-dien-se-duoc-hoan-den-sau-bau-cu/
Iowa thiệt hại nặng sau cơn bão mạnh,
Thống Đốc tiểu bang xin hỗ trợ thiên tai 4 tỷ Mỹ kim
Vào hôm Chủ nhật (16 tháng 8), thống đốc tiểu bang Iowa, Kim Reynolds cho biết các nhà cửa, đồng ngô, các công ty điện lực và cơ quan chính phủ của Iowa đã bị thiệt hại ước tính gần 4 tỷ Mỹ kim sau cơn bão bất thường vào tuần trước.
Thống đốc nói bà đang đệ đơn tuyên bố khẩn cấp về thảm họa lớn với chính quyền liên bang để xin viện trợ khắc phục thiệt hại do bão gây ra. Bão Derecho với sức gió vượt 100 dặm/giờ đã phá hủy hoặc làm hư hỏng 8,200 ngôi nhà và 13 triệu ares đồng ngô, khoảng một phần ba diện tích đất trồng cây của tiểu bang.
Ngay sau cơn bão, hơn nửa triệu người đã bị mất điện. Tính đến tối Chủ nhật (16 tháng 8), các công ty điện lực báo cáo khoảng 83,000 người vẫn bị mất điện. Ty Điện lực Alliant Energy báo cáo khoảng 2,500 cột điện bị hư hỏng không thể sửa chữa và ITC Midwest, công ty sở hữu đường dây điện, báo cáo 1,200 dặm đường dây điện đã bị gió bão kéo đứt.
Khoảng 500 dặm đường dây điện đã được sửa chữa vào hôm Chủ nhật (16 tháng 8). Điện lực Alliant Energy thông báo trên Twitter rằng dự kiến sẽ khôi phục điện trở lại cho đa số khách hàng vào thứ Ba (18 tháng 8). Cơn bão cũng khiến ít nhất 3 người trong tiểu bang Iowa thiệt mạng.
Khoản viện trợ Iowa đang xin chính quyền liên bang bao gồm 3.78 tỷ Mỹ kim cho khắc phục thiệt hại trong nông nghiệp, 100 triệu Mỹ kim cho các công ty điện lực tư nhân, 82 triệu Mỹ kim để sửa chữa nhà ở và 45 triệu Mỹ kim hỗ trợ cộng đồng. (BBT)
DirecTV nối lại dịch vụ ở Venezuela
sau các lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với truyền hình
DirecTV đã bắt đầu hoạt động trở lại và công ty đầu tư Scale Capital cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với chi nhánh địa phương được chính phủ Venezuela ủng hộ của DirecTV.
Vào tháng 05/2020, công ty mẹ AT&T cho biết họ đã đóng cửa dịch vụ ở Venezuela vì không thể tuân thủ cả luật pháp của Venezuela lẫn các lệnh cấm vận của Hoa Kỳ. Lệnh cấm vận của Hoa Kỳ ngăn các công ty Hoa Kỳ ký hợp đồng với các cơ quan liên quan đến chính phủ của tổng thống Nicolas Maduro.
Scale Capital, công ty tuyên bố trụ sở ở Chile và có danh mục đầu tư bao gồm các công ty tập trung vào Nam Mỹ, thông báo trên trang web của họ rằng họ đã “đạt được thỏa thuận” để khởi động lại dịch vụ sử dụng cơ sở hạ tầng có sẵn của DirecTV.
Theo Scale Capital: Dịch vụ truyền hình vệ tinh sẽ được tự động kích hoạt lại cho hơn hai triệu tài khoản tại Venezuela, những tài khoản này sẽ được sử dụng dịch vụ miễn phí trong thời gian 90 ngày. Thông báo của công ty này không đề cập đến AT&T.
Sáng sớm thứ Sáu (14 tháng 8), một số người Venezuela đã đăng tin trên mạng xã hội rằng dịch vụ DirecTV dường như đã hoạt động trở lại. Những ngôi nhà được hãng Reuters ghé thăm hôm thứ Hai (17 tháng 8) cho thấy tín hiệu đang dần trở lại.
Trong nhiều năm, DirecTV đã luôn là dịch vụ truyền hình chính của các khu dân cư nghèo ở Venezuela, nơi ăng-ten của công ty thường được nhìn thấy trên mái tôn của những ngôi nhà trong khu dân cư có thu nhập thấp. (BBT)
Ecuador cho biết một số tàu Trung Cộng
gần Galapagos cắt hệ thống liên lạc
Tin từ GUAYAQUIL, Ecuador – Vào hôm thứ Ba (18/8), các lực lượng hải quân của Ecuador cho biết hàng chục tàu từ một đội đánh cá chủ yếu là của Trung Cộng đang hoạt động gần Quần đảo Galapagos đã tắt hệ thống theo dõi để tránh bị giám sát hoạt động.
Tư lệnh Hải quân, Chuẩn Đô đốc Darwin Jarrin thông báo với các phóng viên rằng trong số khoảng 325 tàu vẫn đánh cá ở vùng biển nhạy cảm về mặt sinh thái gần Galapagos, 149 tàu cắt liên lạc tại một số thời điểm trong những tháng gần đây. Ông cho biết một số tàu cũng đổi tên để tránh bị giám sát.
Khiếu nại này được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ đang tìm cách ngăn chặn việc đánh cá ngoài khơi bờ biển của họ, đồng thời tránh đối đầu với Trung Cộng, nhà tài trợ lớn nhất kiêm thị trường chính cho hoạt động kinh doanh xuất cảng của họ.
Ecuador tuyên bố rằng đội tàu này không tiến vào lãnh hải của họ. Nhưng các nhà bảo vệ môi trường cho rằng loại hình đánh cá này cho phép tàu thuyền tận dụng nguồn thủy sinh hoang dã phong phú di chuyển trong vùng biển giữa Galapagos và đất liền. Ông cho biết hành động tắt thiết bị vệ tinh vi phạm các quy tắc được đề ra bởi Tổ chức Quản trị Ngư nghiệp của Khu vực (RFMO).
RFMO Nam Thái Bình Dương có trụ sở tại New Zealand, một trong những tổ chức đưa ra hướng dẫn về các hoạt động đánh cá trong khu vực, không trả lời một email yêu cầu bình luận tức thời.
https://www.sbtn.tv/ecuador-cho-biet-mot-so-tau-trung-cong-gan-galapagos-cat-he-thong-lien-lac/
Trung Quốc, quốc gia đánh cá lậu số 1 thế giới:
Quốc tế làm gì để đối phó ?
Trọng Thành
Lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông và biển Hoa Đông năm 2020 hết hiệu lực hôm thứ Hai, 16/08. Việt Nam, Philippines và một số quốc gia láng giềng khác lo ngại tàu cá Trung Quốc tràn ngập các khu vực khai thác hải sản truyền thống của mình. Tuy nhiên, hạm đội tàu cá của Trung Quốc, với các hoạt động đánh cá lậu được coi là đứng đầu thế giới, cũng đang ngày càng trở thành mối đe dọa đối với nhiều nơi.
Các hoạt động đánh cá lậu của Trung Quốc có quy mô thế nào ? Quốc tế làm gì để đối phó với Trung Quốc ? Chuyên mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin báo chí về vấn đề này.
***
1 – Tại sao nói Trung Quốc là quốc gia đánh cá bất hợp pháp số 1 thế giới ?
Theo tổ chức WWF (Quỹ Thiên Nhiên Hoang Dã Thế Giới), hơn 800 triệu người trên thế giới sống dựa vào nghề khai thác hải sản. Thế nhưng nguồn lợi hải sản hiện nay đang bị đe dọa nghiêm trọng, do các hoạt động « khai thác không bền vững », các hoạt động đánh cá lậu, không được công bố, không được điều chỉnh bằng các quy định (illegal, unreported and unregulated / IUU). Các hoạt động khai thác hải sản lậu chiếm khoảng từ « 12 đến 18% sản lượng khai thác toàn cầu, và góp phần vào việc khai thác cạn kiệt các đại dương, phá hủy các hệ sinh thái ». Tổng thiệt hại chỉ riêng do đánh cá lậu mang lại ước chừng từ 8 đến 19 tỉ euro.
Đọc thêm : Trung Quốc phá hủy môi trường Biển Đông, giới khoa học kêu cứu
Trong một bài viết trên trang mạng của Học viện Hải quân Hoa Kỳ, tiến sĩ Claude Berube, giảng viên Học viện Hải Quân Mỹ, cũng nêu ra con số 20% sản lượng hải sản khai thác trên thế giới là do các hoạt động đánh bắt lậu (riêng tại Hoa Kỳ, số lượng hải sản đánh bắt bất hợp pháp ước tính cũng khoảng 20 đến 30%, và số lượng hải sản đánh bắt bất hợp pháp tại nhiều nơi khác còn cao hơn). Giảng viên Học viện Hải quân Mỹ cũng lưu ý đến con số 30% số tàu đánh cá trên thế giới là của Trung Quốc. Hiệp hội ODI, chuyên theo dõi lĩnh vực này, trong một báo cáo chi tiết hồi 2016, đã cho biết lực lượng tàu cá đánh bắt biển xa (DWF) của Trung Quốc có « quy mô lớn nhất thế giới », với khoảng 17.000 tàu cá, cao hơn gấp từ 5 đến 8 lần so với các ước tính trước đó (ODI – Overseas Development Institute, có trụ sở tại Luân Đôn, là một hiệp hội phi chính phủ có uy tín trong lĩnh vực này). Khoảng 1.000 tàu Trung Quốc đánh bắt biển xa được đăng ký với cờ hiệu của các nước khác. Ít nhất, gần 200 tàu cá Trung Quốc bị nghi ngờ tham gia vào các hoạt động đánh cá lậu. Để so sánh, chúng ta biết lực lượng đánh cá biển xa của Mỹ chỉ có khoảng 300 tàu (theo trang mạng chuyên về môi trường Yale).
Theo bảng xếp hạng Index IUU (illegal, unreported and unregulated / IUU), về đánh bắt cá lậu, khai thác bừa bãi, của cơ quan chống các hoạt động tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Global Initiative Against Transnational Organized Crime), có trụ sở tại Genève, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng 152 nước.
Một trong các ví dụ tiêu biểu ví dụ tiêu biểu cho các hoạt động đánh cá lậu quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là việc chính quyền Peru bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc Damanzaihao, vì khai thác cá lậu, và gây ô nhiễm nghiêm trọng cho vùng biển Peru. Tàu Damanzaihao được coi là « tàu đánh cá – xưởng chế biến hải sản trên biển lớn nhất thế giới », có khả năng xử lý đến 547.000 tấn cá một năm. Năm 2016, tàu bị chính quyền Peru phạt nhiều triệu đô la, vì đánh cá lậu.
Phóng viên điều tra Ian Urbina, trong một bài viết trên mạng Yale Environment 360, cho biết Trung Quốc không chỉ là « nhà xuất khẩu hải sản số một thế giới », mà bản thân Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thụ đến « hơn một phần ba lượng hải sản toàn cầu » hàng năm. Sau khi đánh bắt hải sản cạn kiệt tại các vùng biển gần Trung Quốc, trong những năm gần đây, hạm đội tàu cá Trung Quốc đã vươn xa hơn, đặc biệt là tại vùng biển tây châu Phi và Nam Mỹ, là nơi các quốc gia ven bờ ít có phương tiện kiểm soát vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế quốc gia mình. Tàu cá Trung Quốc đánh bắt xa thường có trọng tải rất lớn, một tuần đánh cá của tàu Trung Quốc tại các vùng biển Senegal hay Mêhicô bằng thuyền bè địa phương đánh bắt trong cả năm. Theo nhà báo Ian Urbina, chỉ riêng lượng mực Trung Quốc khai thác tại các vùng biển quốc tế chiếm từ 50 đến 70% lượng mực thế giới khai thác tại vùng biển này.
Hoạt động đánh bắt lậu hải sản của Trung Quốc ắt hẳn có quy mô lớn hơn nhiều so với những gì đã biết. Hồi cuối tháng trước (tháng 7/2020), truyền thông quốc tế loan tải rộng rãi thông tin về các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Bắc Triều Tiên. Tổ chức báo chí điều tra phi lợi nhuận Outlaw Ocean Project, có trụ sở tại Washington, dựa trên các dữ liệu vệ tinh trong hai năm gần đây, đã vén lộ hoạt động của tàu cá công nghiệp Trung Quốc quy mô lớn, tại một khu vực ít ngờ cho đến này. Năm ngoái, có ít nhất gần 800 tàu cá Trung Quốc hoạt động tại vùng biển này, khu vực vốn bị Liên Hiệp Quốc cấm, trong khuôn khổ các trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên. Các dữ liệu vệ tinh nói trên cũng được cơ quan theo dõi nghề cá Global Fishing Watch và nhiều chuyên gia Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản phân tích, được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.
2 – Thế giới đối phó ra sao với hiện tượng tàu của Trung Quốc khai thác hải sản bất hợp pháp ?
Trước hết về mặt truyền thông, việc các tổ chức điều tra, quan sát theo dõi sát các hoạt động khai thác hải sản của Trung Quốc cũng buộc Trung Quốc phải dè chừng. Một ví dụ mới nhất : Giữa tháng 7/2020, việc một hạm đội tàu cá hơn 280 chiếc của Trung Quốc áp sát vùng bảo tồn biển thuộc quần đảo Galapagos trên Thái Bình Dương (của Ecuador), một khu bảo tồn biển được UNESCO xếp hạng, cách bờ tây của Ecuador khoảng 1.000 km, đã được các tổ chức quan sát biển theo sát, truyền thông loan tải rộng rãi. Việc đội tàu cá Trung Quốc hiện diện đông đảo tại khu vực bảo tồn biển hết sức quý giá này, bị đông đảo giới bảo vệ môi trường coi là một hành động khiêu khích.
Ông Tony Long, chủ tịch của Global Fishing Watch, cho đài France 24 biết là « nhiều tàu trong số đội tàu trên đã từng tham gia vào các hoạt động đánh bắt cá lậu (IUU) ». Lần này, các tàu Trung Quốc hoạt động sát vùng ranh giới của vùng bảo tồn biển Galapagos. Mặc dù, không xâm nhập vào khu vực bảo tồn biển, nhưng theo các nhà hoạt động môi trường, hoạt động của tàu cá Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng các loài sinh vật biển trong khu bảo tồn, bởi nhiều loài trong đó, bao gồm các loài cá mập quý hiếm, vốn là các loài cá di cư, và chúng thường xuyên rời khỏi khu vực bảo tồn để ra vùng biển khơi, nơi chúng dễ dàng trở thành mồi ngon cho các tàu cá Trung Quốc.
Năm 2017, chính quyền Ecuador từng bắt giữ tàu cá Trung Quốc Fu Yuan Yu Leng 999, với 300 tấn hải sản, ngay trong khu vực bảo tồn, trong số hải sản trên tàu bị thu giữ có nhiều cá mập nằm trong danh sách các giống loài có nguy cơ tuyệt chủng. Lần này, trên thực tế, tàu Trung Quốc chưa thâm nhập vào khu bảo tồn, có thể là do sự theo dõi sát sao của giới bảo vệ môi trường, thế nhưng chỉ riêng việc các tàu cá Trung Quốc khai thác quy mô lớn trên vùng biển quốc tế đã có thể để lại các thiệt hại khó vãn hồi. Một số ngư dân Ecuador cho biết đã chứng kiến các tàu cá Trung Quốc với dây câu dài đến 100 km (Bài « Une flotte géante de navires chinois pêche en bordure des Galapagos, ONG et habitants lancent l’alerte », France 24, 6/8/2020)
Phát biểu đầu tháng 8/2020, đại sứ Trung Quốc tại Ecuador khẳng định các hoạt động đánh bắt của tàu Trung Quốc trên vùng biển quốc tế, bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Galapagos, của Ecuador, là « hoàn toàn hợp pháp », và « không đe dọa bất cứ ai ». Trước đó, ngày 02/08, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên án Bắc Kinh về vấn đề này, và khẳng định sẵn sàng trợ giúp Ecuador cũng như tất cả các quốc gia bị đe dọa bởi « các tàu đánh cá Trung Quốc, hoạt động phi pháp và sử dụng các kỹ thuật đánh cá vô trách nhiệm ».
3 – Phải chăng quốc tế gần như cơ bản là bất lực trước các hoạt động đánh bắt lậu, đánh bắt hải sản bừa bãi của Trung Quốc ?
Như chúng ta thấy, hoạt động của nhiều tổ chức bảo vệ nghề cá, bảo vệ môi trường phi chính phủ, và truyền thông quốc tế trong thời gian qua, đã có một số tác dụng nhất định. Và nạn đánh bắt cá lậu, đánh bắt hải sản bừa bãi cũng liên quan đến nhiều quốc gia khác trên thế giới, chứ không chỉ Trung Quốc, cho dù Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Đọc thêm : Quốc tế đàm phán về quản lý đại dương
Trên thực tế, gần đây, đã ra đời một công cụ pháp lý quốc tế quan trọng (Port State Measures Agreement – PSMA), được coi là thoả thuận pháp lý quốc tế mang tính cưỡng chế đầu tiên nhằm chống nạn khai thác cá lậu, khai thác bừa bãi (IUU). Nguyên tắc chính của Thỏa thuận này, là ngăn chặn không để các tàu tham gia vào các hoạt động khai thác cá lậu (IUU) cập cảng các nước, trên toàn thế giới.
Thoả thuận PSMA, ra đời năm 2016 và đã bắt đầu có hiệu lực, có khả năng cưỡng chế rất lớn so với các quy định trước đó. Theo đại diện của Greenpeace ở Bắc Kinh, trước đây các doanh nghiệp vi phạm chỉ phải trả tiền phạt, kể từ giờ thuyền trưởng các tàu đánh bắt lậu sẽ bị tước quyền hoạt động 5 năm, chủ doanh nghiệp bị cấm đảm nhiệm chức vụ 3 năm. Nếu Bắc Kinh gia nhập Thỏa thuận này, ngoài chuyện cấm tàu vi phạm cập cảng, chính quyền Trung Quốc cũng sẽ phải có trách nhiệm điều tra các tàu cá vi phạm, theo luật Trung Quốc, và theo các hiệp ước quốc tế, mà Bắc Kinh tham gia. Hồi năm 2017, Bắc Kinh hứa sẽ tham gia Thỏa thuận quốc tế này (bài « China is key to closing ports to illegally caught fish», Savingseafood.org, 28/10/2019).
Bên cạnh việc quốc tế gây áp lực để Trung Quốc sớm tham gia Thỏa thuận PSMA, các quốc gia liên quan cũng cần có các biện pháp tự vệ phù hợp. Cụ thể như trong trường hợp Ecuador, theo nhà hoạt động môi trường Inty Grønneberg, chính quyền Ecuador cần « tuyên bố quyền chủ quyền đối với khu vực hàng lang trên biển dài 200 hải lý, nối liền vùng đặc quyền kinh tế ven bờ biển Ecuador với vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Galapagos », với lý do bảo vệ luồng di cư của các loài hải sản quý giữa lục địa và quần đảo được UNESCO xếp hạng, nhằm ngăn chặn hoạt động của các tàu cá nước ngoài trong khu vực. Ecuador cần khẩn trương hoàn tất hồ sơ này.
Sự phối hợp giữa các cường quốc biển, như Hoa Kỳ, với các quốc gia ven bờ, cũng có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy việc đẩy lùi nạn đánh bắt cá trộm. Trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ năm 2020 (National Defense Authorization Act), việc chống đánh bắt cá trộm, khai thác hải sản bừa bãi (IUU) cũng được coi là một vấn đề an ninh quốc gia.
WHO chỉ trích “chủ nghĩa dân tộc vaccine”
Các quốc gia tích trữ vaccine COVID-19 tiềm năng trong khi loại bỏ những nước khác sẽ làm cho đại dịch thêm tệ hại, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo ngày 18/8 và một lần nữa kêu gọi các nước tham gia hiệp ước vaccine toàn cầu.
WHO ra hạn chót ngày 31/8 để các nước giàu tham gia “Cơ sở Vaccine Toàn cầu COVAX” hầu chia sẻ vaccine tiềm năng với các nước đang phát triển. Ông Tedros đã gởi thơ cho 194 nước thành viên của WHO yêu cầu tham gia.
Cơ quan y tế toàn cầu này cũng nêu lên những quan ngại là việc lây lan của đại dịch hiện do giới trẻ gây ra, nhiều người không nhận thức được là họ bị lây nhiễm, tạo nguy cơ cho những nhóm người dễ bị ảnh hưởng.
Việc ông Tedros thúc đẩy các nước tham gia COVAX diễn ra vào lúc Liên hiệp Châu Âu, Anh, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ có những thỏa thuận với các công ty đang thử nghiệm vaccine tiềm năng. Nga và Trung Quốc cũng đang thử nghiệm vaccine và WHO lo ngại là quyền lợi quốc gia có thể ngăn cản các nỗ lực toàn cầu.
“Chúng ta cần ngăn ngừa chủ nghĩa dân tộc vaccine,” ông Tedros nói trong một cuộc họp báo trên mạng. “Chia sẻ nguồn cung giới hạn một cách có chiến lược và toàn cầu thực sự là quyền lợi quốc gia của mỗi nước.”
Ủy ban Châu Âu thúc đẩy các nước thành viên EU ‘né’ sáng kiến do WHO lãnh đạo, viện dẫn những lo ngại về chi phí và tốc độ.
Hơn 21, 9 triệu người nhiễm virus corona trên toàn cầu và 772.647 người đã thiệt mạng vì COVID, theo Reuters.
‘Chớ khoanh tay’
Cho tới nay, COVAX đã thu hút sự quan tâm của 92 nước nghèo hy vọng nhận được các nguồn hiến tặng vaccine và 80 nước giàu tài trợ cho sáng kiến này. Số nước giàu tham gia không thay đổi gì mấy so với một tháng trước, WHO nói.
Với hơn 150 vaccine đang phát triển, khoảng hơn 20 vaccine đang được nghiên cứu trên người và một số ít đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, WHO cho rằng thậm chí các nước đã ký những thỏa thuận song phương cũng tăng cơ hội với vaccine bằng cách tham gia COVAX.
COVAX hiện có 9 ứng viên vaccine.
WHO vẫn lo ngại về tình trạng lây nhiễm trong giới trẻ đang gia tăng toàn cầu, gây nguy cơ cho người cao niên và những người có vấn đề về sức khoẻ tại những khu vực đông dân cư với hệ thống y tế yếu kém.
“Đại dịch đang thay đổi,” giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, ông Takeshi Kasai, nói.
“Những người trong tuổi 20, 30 và 40 đang ngày càng dẫn đầu sự lây nhiễm.”
WHO cảnh báo giới trẻ trở thành
trung gian truyền Covid-19 cho người cao tuổi
Thu Hằng
Tỉ lệ nhiễm virus corona ở giới trẻ từ 20 đến 40 tuổi ngày càng gia tăng. Điều đáng ngại là nhiều người không có triệu chứng, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho người cao tuổi hoặc người có sức khỏe yếu.
Trong buổi họp báo trực tuyến ngày 18/08/2020, ông Takeshi Kasai, giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới khu vực Tây Thái Bình Dương, nhắc lại cảnh báo : « Những người trong độ tuổi từ 20, 30 và 40 ngày càng trở thành trung gian truyền nhiễm » virus corona.
Ông cũng nhấn mạnh : « Dịch đang thay đổi » và có dấu hiệu nghiêm trọng trở lại, buộc nhiều nước trên thế giới thắt chặt các biện pháp phòng ngừa : Liban tái lập phong tỏa trong vòng hai tuần kể từ thứ Sáu 21/08 ; Pháp sẽ bắt buộc đeo khẩu trang trong công sở từ cuối tháng Tám ; Monténégro hoãn ngày khai giảng ; Úc sẽ tiêm chủng miễn phí cho người dân ; Hàn Quốc tăng cường kiểm soát ; Indonesia sử dụng biện pháp mạnh khi đặt một quan tài rỗng, sơn đỏ, trong một khu phố có tỉ lệ nhiễm cao ở thủ đô Jakarta để cảnh báo về mức độ nguy hiểm của virus corona…
Theo thống kê của AFP dựa trên số liệu chính thức, tính đến sáng 19/08, dịch Covid-19 khiến 774.832 người thiệt mạng và gần 22 triệu ca nhiễm ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại châu Âu, trong vòng 24 tiếng, theo số liệu tối 18/08, số ca nhiễm mới trên 2.000 được ghi nhận tại Pháp và Tây Ban Nha, Đức có thêm 1.510 ca, trong khi đó số ca nhiễm mới tại Ý vẫn dưới ngưỡng 500 (403 ca mới).
Theo ông Takeshi Kasai, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang bước vào giai đoạn mới của đại dịch. Việt Nam, sau ba tháng không có ca nhiễm cộng đồng và tưởng chừng đã khống chế được dịch, hiện phải đối mặt với làn sóng thứ hai, dù theo quyền bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long, « ổ dịch ở Đà Nẵng đang được kiểm soát ». Đến sáng 19/08, Việt Nam không có ca nhiễm mới.
Còn tại Philippines, nước có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất Đông Nam Á, chỉ trong vòng 24 tiếng, theo số liệu ngày 18/08, đã có thêm 4.836 ca nhiễm mới và 7 người tử vong. Tuy nhiên, tổng thống Duterte đã nới lỏng một số biện pháp ở thủ đô Manila và các tỉnh lân cận để tái khởi động nền kinh tế và trợ giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Covid-19 tiếp tục tàn phá châu Mỹ Latinh:
Brazil gần 110 ngàn người chết
Trọng Nghĩa
Theo số liệu chính thức được công bố ngày 18/08/2020, quốc gia Nam Mỹ Brazil đã ghi nhận thêm 47.784 ca nhiễm virus corona mới và 1.352 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua.
Tính ra, Brazil đã ghi nhận tổng cộng 3.407.354 trường hợp dương tính với virus, kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong khi số người chết chính thức do Covid-19 đã tăng lên thành 109.888 người, theo dữ liệu của bộ Y Tế Brazil. Brazil tiếp tục là quốc gia bị tác hại mạnh thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ.
Trong vùng châu Mỹ Latinh, Mêhicô vào hôm qua cũng ghi nhận thêm 5.506 trường hợp nhiễm Covid-19 và 751 ca tử vong khác. Cả nước Mêhicô như vậy đã bị hơn 530 ngàn ca tính, trong đó có đến 57.774 trường hợp tử vong. Chính phủ nước này tuy nhiên cho biết số người bị nhiễm thực có khả năng cao hơn đáng kể so với các trường hợp đã xác nhận.
Achentina hôm qua vượt ngưỡng 300.000 người dương tính với virus, và trong vòng 24 giờ, có 235 người chết vì virus corona. Mức tử vong cao hàng đầu trong ngày kể từ đầu đại dịch. Tuy nhiên, theo bộ Y Tế Achentia, tỉ lệ tử vong trung bình tại Achentina trên một triệu dân cư, là 115 người, là mức thấp nhất trong vùng, sau Uruguay và Paraguay.
Lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu họp bất thường
về khủng hoảng Belarus
Anh Vũ
Hôm nay, 19/08/2020, lãnh đạo 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp phiên bất thường, qua video, để bàn về cuộc khủng hoảng chính trị tại Belarus, từ sau khi tổng thống thống Alexandre Loukachenko tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 6 trong một cuộc bỏ phiếu bị tố cáo là « gian lận », làm dấy lên làn sóng chống chính quyền trên khắp cả nước từ 10 ngày qua.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo đối lập, bà Svetlana Tikhanovskaïa, đối thủ của ông Loukachenko trong cuộc bầu cử vừa diễn ra, hôm nay lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu không công nhận kết quả bầu cử tổng thống Belarus hôm 09/08 mà bà tố cáo là « gian lận ».
Về phần EU, một ngày trước cuộc họp thượng đỉnh, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel đã lần lượt có các cuộc điện đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin để thuyết phục Matxcơva gây áp lực với tổng thống Belarus, một đồng minh gần gũi của Nga. Trong khi đó Kremlin một mặt cảnh báo chống lại mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào Belarus, mặt khác cân nhắc cách xử lý người đồng minh không còn đáng tin cậy.
Thông tín viên RFI tại Matxcơva Etienne Bouche tường trình :
« Alexandre Loukachenko không đơn độc. Lãnh đạo Belarus quả quyết ông được Nga ủng hộ sẵn sàng trợ giúp quân sự. Cam kết đó nằm trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể OSTC, một liên minh quân sự tập họp 6 quốc gia trong Liên Xô cũ, nhưng cam kết này chỉ có giá trị khi có sự đe dọa từ bên ngoài.
Tại Matxcơva, giới quan sát đánh giá không có khả năng Nga can thiệp vào Belarus. Giới chính trị phân tích tình hình với đầu óc thực dụng là việc duy trì quyền lực của một người như Loukachenko đã mất uy tín, chống lại nhân dân là không khả dĩ. Điện Kremlin đã cảm thấy nản với thái độ trù trừ của Loukachenko khi muốn thúc đẩy Minsk hội nhập chính trị. Kremlin có lẽ cũng khó bỏ qua những cáo buộc của chính ông Loukachenko đưa ra trong chiến dịch tranh cử rằng Nga can thiệp vào nội bộ Belarus.
Có thể Matxcơva bị cám dỗ với việc đặt cược vào một gương mặt khác, có khả năng bảo đảm các lợi ích Nga tại Belarus đó là duy trì tốt quan hệ liên minh chặt chẽ về cả kinh tế cũng như quân sự giữa hai nước.
Trong viễn cảnh đó, chắc hẳn Nga hy vọng có kịch bản tương tự như đã diễn ra ở Acmeni. Tức là việc chuyển tiếp chính trị hồi năm 2018 đã không làm ảnh hưởng đến vị trí ưu tiên của Mátxcơva trong chiến lược an ninh quốc gia của nước này. »
Trừng phạt của châu Âu
tác động thế nào đến chế độ Minsk ?
Anh Vũ
Hôm nay, 19/08/2020, lãnh đạo 27 nước Liên Hiệp Châu Âu họp khẩn, qua truyền hình, bàn về tình hình khủng hoảng tại Belarus liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống bị tố cáo là gian lận và các hành động trấn áp người biểu tình của chính quyền Minsk. Dự kiến phiên họp thượng đỉnh phải quyết định các biện pháp trừng phạt đối với chế độ của tổng thống Loukachenko.
Mười ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Belarus đầy tranh cãi, phong trào biểu tình phản kháng vẫn tiếp tục lan rộng với quy mô chưa từng có ở quốc gia Đông Âu thuộc Liên Xô cũ này. Một lần nữa Liên Hiệp Châu Âu lại đóng vai trò người bảo vệ các giá trị dân chủ và nhân quyền, nhưng cũng thêm một lần nữa giới quan sát đặt câu hỏi: các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu có tác động đến đâu tới chế độ Minsk ?
Ban đầu, hồ sơ khủng hoảng Belarus được dự trù đưa ra bàn thảo trong phiên họp cấp bộ trưởng Ngoại Giao của Liên Hiệp tại Berlin vào cuối tháng 8 này. Thế nhưng các lãnh đạo 27 nước Liên Âu đã quyết định triệu tập cuộc họp thượng đỉnh bất thường ngày hôm nay để xem xét hồ sơ. Trước cuộc họp, ba lãnh đạo chủ chốt của Liên Hiệp, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đã điện đàm với tổng thống Nga. Ba cuộc gọi không cùng lúc, nhưng đều nhận được một thông điệp cảnh báo như nhau : Matxcơva không chấp nhận « mọi ý đồ can thiệp của nước ngoài » cũng như sức ép từ bên ngoài đối với chế độ của Alexandre Loukachenko. Đồng thời ông Putin cũng gửi tới người « đồng minh » Loukachenko tín hiệu Nga cũng không chấp nhận các hành động bạo lực đối với xã hội dân sự Belarus.
Về mặt chính thức, Liên Âu không tỏ lập trường rõ ràng về cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, nhưng từ hôm 14/8, sau phiên họp các ngoại trưởng, 27 nước thành viên đã đưa ra nguyên tắc trừng phạt. Đó là lên một danh sách đen những nhân vật chính trị bị cáo buộc đã tổ chức và thi hành các vụ trấn áp biểu tình phản đối kết quả bầu cử, để các nước thành viên thông qua biện pháp trừng phạt. Cũng vì thao túng bầu cử và trấn áp đối lập, từ năm 2004 chế độ Loukachenko đã bị Bruxelles trừng phạt, các biện pháp đến giờ vẫn còn hiệu lực : 4 quan chức của Belarus bị phong tỏa tài sản và cấm vào EU, Belarus bị cấm vận mua vũ khí và các thiết bị có thể được sử dụng để đàn áp dân chúng.
Lần này châu Âu có thể làm được gì hơn thế, khi mà các quyết định trừng phạt vẫn chủ yếu mang tính chính trị tượng trưng ? Chuyên gia về Belarus, bà Alexandra Goujon, thuộc Đại học Bourgogne Pháp, trong một bài viết trên nhật báo La Croix nhận định, Liên Hiệp Châu Âu có phạm vi hành động rất hẹp, để áp đặt các trừng phạt kinh tế đối với Belarus, vì các trao đổi thương mại của nước này với Liên Âu rất là nhỏ. Tổng thống Loukachenko, từ khi lên nắm quyền năm 1994, chưa bao giờ tìm cách xích lại gần Liên Hiệp Châu Âu về mặt chính trị cũng như kinh tế. Có thể đó cũng là một phần lý do giúp chế độ Loukachenko vẫn tồn tại một cách « ổn định » từ đó đến giờ.
Bản thân Liên Hiệp Châu Âu cũng ý thức được các trừng phạt kinh tế không mang lại hiệu quả gì, nhưng trước các hành động trấn áp bạo lực của chính quyền Minsk có nguy cơ leo thang, Bruxelles buộc phải làm việc này, nhân danh một nền dân chủ lớn của châu lục.
Theo chuyên gia Goujon, có vẻ như Alexadre Loukachenko không lo lắng gì với các trừng phạt của châu Âu theo kiểu lập danh sách đen, cấm nhập cảnh… « Chính sách đối ngoại cũng như kinh tế của Belarus đã hoàn toàn hướng về nước Nga ».
Belarus vẫn lệ thuộc rất nhiều vào Nga, thị trường xuất khẩu nông sản và một số máy móc công nghiệp chủ yếu của Belarus. Nga là nước cung cấp dầu lửa, khí đốt gần như là duy nhất cho Belarus. Matxcơva không ưa gì chính quyền Loukachenko, đôi khi muốn chứng tỏ độc lập tự chủ với Nga, nhưng Nga vẫn nín nhịn để nuôi ý đồ đồng hóa nền kinh tế Belarus về lâu dài. « Chỉ khi bị Nga gây áp lực quá « thô bạo » thì Belarus mới tính cách ngả sang EU ».
Vẫn theo chuyên gia Alexandra Goujon, mục tiêu của châu Âu không phải là cô lập Belarus bằng kinh tế, mà trái lại thông qua Litva, Liên Âu muốn tài trợ cho các tổ chức xã hội dân sự Belarus. Bằng chứng là trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Litva vừa đề nghị lập quỹ hỗ trợ các nạn nhân bị chính quyền đàn áp và quốc gia thành viên EU, cũng là nơi tạm lánh cho nhà đối lập Svetlana Tikhanovskaia, chạy trốn sự đe dọa của chính quyền Belarus.
Khi bạn là người cầu toàn: Lợi bất cập hại
Khi bạn nghe từ ‘người cầu toàn’, gần như lập tức bạn sẽ nghĩ đến ai đó – sếp, đồng nghiệp hoặc thậm chí là cộng sự làm việc với bạn mà các tiêu chuẩn của họ hầu như không liên quan gì đến thực tế.
Họ mong chờ những điều không thể từ chính bản thân họ hoặc từ người khác, bỏ hàng giờ đồng hồ để làm những chỉnh sửa mà bất cứ ai cũng không nhận ra ngoại trừ chính họ, để rồi đến cuối tuần trở nên đuối và kiệt sức.
Tại sao nhiều người bất tài lại được làm sếp người khác?
Mẹo thở chậm để tránh được nhiều bệnh tật
Cách dẹp bỏ lo âu chuyện vặt để làm chuyện lớn
Không chọn người cầu toàn
Thường những người này thậm chí còn tung hô đặc điểm này, la lớn cho mọi người biết: “Tôi là người hơi cầu toàn.”
Đó là một cách khoe khoang và là cách để làm cho mình trở thành nhân viên sáng chói, khác với những người khác. Suy cho cùng, ai mà không muốn tuyển dụng người luôn phấn đấu vì sự hoàn hảo chứ?
Nhưng câu trả lời không hẳn lúc nào cũng là một tiếng ‘Đúng’.
Càng ngày, các nghiên cứu càng cho thấy rằng tính cầu toàn không phải là một đặc tính chuyên nghiệp bạn nhất thiết phải ca tụng.
Nó thực sự có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường làm việc, khiến đồng nghiệp xa lánh và khiến đội hình khó hòa hợp.
Nghiên cứu sắp công bố của các nhà tâm lý Emily Kleszewski và Kathleen Otto, thuộc Đại học Philipps ở Marburg, Đức, cho thấy những người theo chủ nghĩa cầu toàn nhiều khả năng không được đánh giá là người đồng nghiệp lý tưởng, thậm chí được ưa chuộng để làm việc chung.
“Nếu các đồng nghiệp có thể được lựa chọn giữa làm việc với một người cầu toàn và một người không cầu toàn,” Kleszewski phân tích, “thì họ sẽ luôn muốn những người không cầu toàn – tức là người có đặt mục tiêu thực tế cho bản thân và cho mọi người.”
Tính cầu toàn có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống, nhưng trong môi trường làm việc chuyên nghiệp thì tính cách này xuất hiện nhiều hơn cả, bà cho biết.
“Nếu bạn hỏi mọi người là trong lĩnh vực nào họ mới cầu toàn, câu trả lời thường xuyên nhất luôn là nơi làm việc. Tự thân công việc liên quan rất nhiều đến thành tích và đánh giá.”
Nghiên cứu thường tập trung vào năng suất thực sự của những người cầu toàn, thay vì ảnh hưởng của nó đối với môi trường làm việc của cả đội hoặc mối quan hệ giữa các cá nhân.
Nhưng điều đó đáng để tìm hiểu, Kleszewski nói. “Chúng tôi biết được từ nghiên cứu trước đây rằng môi trường công ty tốt là điều quan trọng đối với sự an lạc tinh thần tại nơi làm việc.”
Thời điểm tiến hành nghiên cứu này cũng thích hợp: có bằng chứng cho thấy là tính cầu toàn đang gia tăng.
Một phân tích hồi năm 2018 của các nhà nghiên cứu Anh Andrew Hill và Thomas Curraninves đã khảo sát câu trả lời của hơn 40.000 sinh viên đại học về ‘mức độ cầu toàn’, được tổng hợp trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2015.
Đi sauna bàn chuyện làm ăn có dễ không?
Bài học từ phụ nữ Anh nhồi đạn thời Thế chiến I
Sống nghèo khổ khiến đàn ông dễ bị trầm cảm
Kết quả rất rõ ràng: người trẻ có xu hướng cầu toàn hơn nhiều so với các thế hệ trước. Các sinh viên đại học mới, dù là dưới 20 tuổi hay Thế hệ Z, đều có cảm nhận rằng mọi người mong đợi nhiều hơn ở họ, đồng thời có kỳ vọng cao hơn về bản thân và những người xung quanh họ.
Cầu toàn có tốt không?
Thời kỳ khoảng trước năm 1910, ‘chủ nghĩa hoàn hảo’ thường được dùng để mô tả một quan điểm lý thuyết đặc biệt.
Trong thế kỷ trước, nó được dùng để mô tả một thế giới quan cụ thể: người cầu toàn là người tránh phạm sai lầm trong quá trình phấn đấu của bản thân.
Ban đầu, nhiều nhà tâm lý học cho rằng chủ nghĩa cầu toàn là hoàn toàn tiêu cực và gây loạn thần kinh nghiêm trọng.
Năm 1950, nhà phân tâm học người Đức Karen Horney mô tả những người cầu toàn là đang kinh hoảng trước “sự chuyên chế của việc ‘lẽ ra nên làm thế này thế nọ'” – nên họ cảm thấy họ ‘phải’ có những lý tưởng đối chọi nào đó, phải có khả năng giải quyết mọi vấn đề, phải hoàn thành các nhiệm vụ bất khả thi, v.v…
Trong các thập kỷ kế tiếp, quan điểm học thuật đã trở nên mềm mỏng hơn một chút.
Một mặt, chủ nghĩa hoàn hảo dường như có tương quan chặt chẽ với những vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm, lo lắng và rối loạn ăn uống.
Nói theo thuật ngữ nơi công sở, nó tương đương với kiệt sức và căng thẳng, vì mong đợi những điều không thể thì cũng đồng nghĩa với việc bạn phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận thất bại.
Mặt khác, những người cầu toàn được cho là có động lực và tận tâm hơn những đồng nghiệp không cầu toàn của họ, cả hai điều này đều là những đặc tính được mong đợi ở nhân viên.
Trong trường hợp lý tưởng thì những người cầu toàn đã biến tiêu chuẩn cao của họ thành kết quả hoàn thành xuất sắc công việc, nhưng sẽ khiến bản thân và mọi người chùng xuống khi mọi thứ không diễn ra hoàn hảo như ý.
Nhưng sự cân bằng như vậy không phải lúc nào cũng dễ dàng có được.
Trong nghiên cứu của Kleszewski và Otto, những người cầu toàn và không cầu toàn được yêu cầu xếp hạng các đồng nghiệp tiềm năng về mức độ họ được mong muốn và mô tả trải nghiệm của họ khi hòa đồng với những người khác ở nơi làm việc.
Những người cầu toàn được đại đa số mô tả là có năng lực cao nhưng khó kết thân, còn những người không cầu toàn được đánh giá cao hơn về các kỹ năng xã hội và mức độ mọi người muốn làm việc với họ, ngay cả khi họ không được xem là có năng lực.
Những người cầu toàn dường như nhận thấy các đồng nghiệp có thái độ ít nhiều lạnh lùng với mình: nghiên cứu cho thấy nhiều người mô tả họ cảm thấy bị cho ra rìa hoặc đứng ngoài lề so với cả nhóm.
Các phương pháp tiếp cận khác nhau
Ngày nay, hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng sự cầu toàn thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, có những dạng trong số đó có thể gây hại hơn dạng khác.
Một định nghĩa được nhiều người chấp nhận chia những người cầu toàn thành ba nhóm.
Ba dạng này gồm ‘người cầu toàn do nhu cầu tự tại, tức là đặt ra các tiêu chuẩn rất cao đối với chỉ bản thân; ‘người cầu toàn do đòi hỏi xã hội’, tức là người tin rằng bạn có được người khác chấp nhận hay không tùy thuộc vào sự hoàn hảo của chính bạn; và ‘người đòi hỏi người khác phải hoàn hảo’, tức là mong đợi sự hoàn hảo từ những người xung quanh.
Mỗi dạng có điểm mạnh và điểm yếu riêng – và một số dạng có hại cho tác phong làm việc của nhóm nhiều hơn. (Nghiên cứu của Kleszewski và Otto đã chỉ ra rằng những người theo chủ nghĩa cầu toàn do nhu cầu tự bản thân sẽ dễ hòa đồng hơn rất nhiều so với những người trông đợi nhiều ở những người xung quanh).
Phân tích tổng hợp rộng lớn của các nghiên cứu kéo dài 30 năm do Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania thực hiện đã mở ra một hệ thống phân loại thường được sử dụng khác: ‘tìm kiếm sự xuất sắc’ và ‘tránh thất bại’.
Loại người cầu toàn đầu tiên cứ chăm chăm vào đạt được các tiêu chuẩn cao quá mức; loại thứ hai thì luôn ám ảnh về việc làm sao để không phạm sai lầm.
Mặc dù cả hai nhóm đều thể hiện một số mặt trái của tính cầu toàn, trong đó có tính tham công tiếc việc, tâm trạng lo âu và kiệt sức, nhưng những mặt trái này đặc biệt đúng với những người cầu toàn ‘tránh thất bại’, là nhóm người nhiều khả năng sẽ không chịu ‘dễ dàng thỏa hiệp’.
Mặc dù người cầu toàn có thể là những đồng nghiệp không mong muốn, nhưng có lẽ đáng ngạc nhiên là không có mối liên hệ nào giữa tính cầu toàn và hiệu suất công việc trong cả hai dạng, nhà nghiên cứu Dana Harari cho biết.
“Đối với tôi, điều rút ra quan trọng nhất của nghiên cứu này là không có liên hệ giữa tính cầu toàn và thành tích,” bà nói. “Mối liên hệ đó không cùng chiều, cũng không trái chiều, nó chỉ thực sự là không hề tồn tại.”
Người đồng nghiệp cầu toàn của bạn có thể đang đẩy bản thân họ đến thất bại – đặc biệt trong việc hòa hợp với người khác.
Nghiên cứu cho thấy bằng cách dồn hết sức lực vào một công việc, họ có thể sơ suất bỏ bê những việc khác sau này, hoặc bỏ lỡ giá trị của việc duy trì mối quan hệ tích cực với đồng nghiệp.
Những người làm sếp của người cầu toàn nên khuyến khích họ bỏ tâm sức ít hơn cho công việc và nhiều hơn cho sự an lạc của bản thân.
Và nếu bạn đọc bài này với cảm giác tội lỗi ăn sâu về hành vi của bản thân ở công ty, hãy thoải mái với chính mình. Suy cho cùng, không có ai hoàn hảo cả.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC WorkLife.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-cap-53806955
Paris Saint-Germain lần đầu tiên trong lịch sử
vào chung kết Cúp C1 châu Âu
Anh Vũ
Hôm qua, 18/08/2020, trên sân vận động Luz ở Lisboa, đại diện bóng đá Pháp, câu lạc bộ Paris Saint-Germain lập thêm kỳ tích, giành chiến thắng 3-0 trước RB Leipzig, đại diện bóng đá Đức, lần đầu tiên trong lịch sử 50 năm của mình bước vào trận chung kết cúp bóng đá châu Âu Champions League.
Trong một trận bán kết với khuôn khổ giải đấu chưa từng có vì dịch Covid-19 : Trở lại sau 5 tháng nghỉ thi đấu, các đội gặp nhau 1 lượt , chơi trên sân trung lập không khán giả, đội bóng đến từ Paris đã có chiến thắng khá dễ dàng trước RB Leipzig, câu lạc bộ non trẻ, thành lập năm 2009 nhưng được đánh giá là một thế lực đang nổi lên của làng bóng Đức, Bundesliga.
Ba bàn thắng ghi được từ Marquinhos (13’), Di María (42’), Bernat (56’) đã đưa PSG đến rất gần với giấc mơ lớn giành danh hiệu vô địch Cúp C1 châu Âu mà cho đến giờ bóng đá Pháp mới chỉ có duy nhất Olympique Marseille giành được vào năm 1993.
Sau gần một thập kỷ, từ khi được giao vào tay các ông chủ giầu có đến từ Qatar, đội bóng thành Paris nuôi tham vọng lớn trên đấu trường châu Âu nhưng vẫn chỉ sống trong ảo tưởng, thất vọng dù đã được đầu tư hàng trăm triệu euro cho mỗi mùa bóng để có đủ các tên tuổi lớn nhất của bóng đá thế giới.
Paris Saint-Germain chưa bao giờ vào đến được bán kết của giải đấu lớn nhất bóng đá châu Âu. Lần duy nhất PSG vào tới bán kết Cúp C1 là vào năm 1995.
Lần này, trong một mùa bóng đặc biệt, bị đảo lộn vì dịch virus corona, Paris Saint-Germain cuối cùng đã đi đến trận cuối cùng vào ngày 23/08 tới đây, hoặc gặp Bayern Munich, một đại diện khác của bóng đá Đức, hoặc Olympique Lyonnais, một đối thủ qua quen thuộc của PSG ở giải vô địch quốc gia Pháp Ligue 1. Hai đội này sẽ gặp nhau tối 19/08 tại Lisboa để phân định chiếc vé vào chung kết. Đây cũng là giải đấu thành công nhất của bóng đá Pháp, khi mà có tới hai đội bóng có mặt ở bán kết, và cơ hội một trận chung kết 100% Pháp hoàn toàn có thể.
Covid-19 : Opéra de Paris
và « nấc thang xuống địa ngục »
Thùy Dương
Đoàn ca vũ kịch quốc gia Paris (Opéra national de Paris), sau 350 năm thành lập, với dàn nhạc giao hưởng nằm trong tốp đầu thế giới, với 1.800 nhân viên cùng hai nhà hát Bastille và Garnier, đang trải qua một “tấn bi kịch” chưa từng có.
Sau 4 tháng « cửa đóng then cài » vì lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch Covid-19, Opéra de Paris chính thức được mở cửa trở lại từ ngày 15/07. Thế nhưng, vì nhiều lý do, hai nhà hát opéra Bastille và Garnier vẫn đóng cửa lần lượt đến cuối tháng 11/2020 và đến tháng 01/2021. Trong chương trình Kinh Tế Văn Hóa phát trên đài France 24 ngày 25/07/2020, nhà báo Aude Kersulec, giải thích :
« Đó là một tấn bi kịch của năm nay. Đoàn ca vũ kịch Paris sẽ trải qua một mùa diễn thê thảm, mất tới 45 triệu euro. Điều này chưa từng xảy ra. Trong 7 tháng qua, bắt đầu từ tháng 12 năm 2019, Đoàn ca vũ kịch Paris đã phải hủy nhiều buổi công diễn do phong trào đình công của nhân viên trong đoàn. Họ đình công nhằm bảo vệ chế độ hưu bổng đặc biệt mà họ đang được hưởng. Rồi dịch bệnh bùng lên vào tháng 03, biện pháp phong tỏa đất nước đã đặt dấu chấm hết cho mùa diễn năm nay. »
Kéo dài từ ngày 05/12/2019 đến tận ngày 03/03, hai tuần trước khi cả nước Pháp bị phong tỏa vì dịch bệnh, đây là đợt đình công dài ngày nhất trong lịch sử Đoàn ca vũ kịch Paris kể từ khi được thành lập cách nay 350 năm. Tổng cộng trong 3 tháng đình công, 83 buổi diễn ballet và nhạc kịch, (61 buổi diễn của năm 2019 và 22 buổi diễn của năm 2020) đã bị hủy, thiệt hại lên đến 14,5 triệu euro (11 triệu eurro năm 2019 và 3,7 triệu euro năm 2020).
Thế nhưng, những mất mát nói trên vẫn chưa là gì so với những thiệt hại mà loại virus mắt thường không nhìn thấy được đã gây ra. Trong hơn 3 tháng đóng cửa vì dịch bệnh, Opéra de Paris phải hủy 156 buổi diễn và thất thu tới 31 triệu euro. Số khán giả bị ảnh hưởng do lịch diễn bị hủy lên tới 83.000 người.
« Tức giận », « buồn bã », « thất vọng » …, chừng đó vẫn chưa đủ để diễn tả hết những cảm xúc của ông Philippe Jordan, giám đốc âm nhạc của đoàn Opéra de Paris. Ông Jordan khẳng định: « Một dàn nhạc có thể vẫn trụ được nếu không chơi nhạc trong 3 tháng, nhưng 9 tháng thì quá dài và gây tác hại về mặt nghệ thuật. Một dàn nhạc không phải như một cái máy mà sau khi tắt, người ta chỉ cần bấm nút một cái mà khởi động lại được”. Còn một nhạc công chia sẻ trên Le Figaro : “Chúng tôi đang chết đói. Chúng tôi muốn và cần được chơi nhạc. »
Về tài chính, ngoài 45 triệu euro thất thu từ tiền vé, còn nhiều lý do khác khiến Đoàn ca vũ kịch Paris lâm cảnh khó khăn. Nhà báo Aude Kersulec, giải thích cụ thể :
« Đoàn ca vũ kịch Paris là một đơn vị công, không được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước như đối với các các doanh nghiệp, không được hưởng các khoản vay được Nhà nước bảo lãnh và cũng không được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp bán phần. Nhưng đoàn vẫn phải trả lương cho 1.800 người làm công ăn lương. Các khoản chi cố định thì đoàn vẫn phải bảo đảm, cho dù các nhà hát phải đóng cửa. Còn về các nguồn thu thì do không còn được biểu diễn nên Opéra de Paris đương nhiên là không còn khoản thu từ việc bán vé.
Không những thế, họ còn phải hoàn trả tiền cho những người đã mua vé. Trong khi đó, khoản thu từ hình thức thuê bao, đặt vé theo mùa, theo năm, không chỉ cho năm nay mà cho cả năm 2021, cũng sụt giảm. Bình thường thì đoàn Opéra de Paris có các nhà bảo trợ. Nhưng trong thời buổi khủng hoảng này, các doanh nghiệp cũng không thể hào phóng như trước đây, khoản tiền giới doanh nghiệp bảo trợ cho đoàn opera có lẽ giảm tới 30%.
Tóm lại, thật là khó để chúng ta có thể hình dung Đoàn ca vũ kịch Paris, cơ sở văn hóa được tài trợ nhiều nhất ở Pháp, làm thế nào để có thể trụ được nếu không được hưởng khoản tiền trợ cấp rất lớn của Nhà nước, thường chiếm tới 45% ngân sách hoạt động của đoàn ».
Tiền bảo trợ và nguồn thu từ thuê bao đều đang trên đà « rơi tự do »
Trong phiên điều trần trước Ủy ban văn hóa của Thượng Viện về những khó khăn của Đoàn ca vũ kịch quốc gia Paris, tổng giám đốc Stéphane Lissner và phó tổng giám đốc Martin Ajdari đã nói đến « đà rơi tự do » của khoản tiền bảo trợ từ các doanh nghiệp, cũng như thu nhập từ tiền thuê bao hàng năm.
Trong nhiệm kỳ lãnh đạo của tổng giám đốc Lissner, trong vòng 5 năm, số tiền bảo trợ Opéra de Paris có được đã tăng hơn 100%, từ 9 triệu eurro trong năm 2015 lên thành 19 triệu euro trong năm 2020. Đây là con số không hề nhỏ nếu so với khoản tiền tài trợ 95 triệu euro của Nhà nước. Thế nhưng, cú sốc Covid-19 đã khiến khoản tiền bảo trợ ước tính giảm 1/3 trong năm 2020, còn khoản thu từ thuê bao cho mùa diễn 2020-2021 sẽ giảm 35-45%.
Đài France Musique ngày 16/07 trích dẫn phó giám đốc Ajdari : « Chúng tôi có những đối tác lớn gắn bó, trung thành từ rất lâu nay, nhưng cũng có nhiều nhà hảo tâm, các nhà bảo trợ bậc trung có xu hướng rút lui, vì thế chúng tôi sẽ không thể dựa vào nguồn thu này ». Phó giám đốc Opéra de Paris, Martin Ajdari, giải thích là các doanh nghiệp, nhất là các danh nghiệp bậc trung còn « chần chừ, do dự trong việc đài thọ bởi vì chính họ cũng đang phải yêu cầu sự nỗ lực và hy sinh của người làm công ăn lương » do tác động khủng khiếp của đại dịch.
Không những vậy, theo tổng giám đốc Lissner, các cuộc đình công kéo dài kỷ lục của nhân viên Đoàn ca vũ kịch Paris đã khiến hàng trăm buổi diễn bị hủy, điều này khiến một phần công chúng và những người thuê bao vé xem biểu diễn cả năm sửng sốt. Nhiều nhà bảo trợ và công chúng đã rất giận dữ về những chuyện đó. Nhiều người không muốn đến các nhà hát opéra nữa, bởi nhiều khi họ phải đợi tới trước giờ diễn dự kiến ban đầu 30 phút mới biết hôm đó các nghệ sĩ có lên sân khấu hay không. Điều này đã gây ảnh hưởng đến nguồn thu của đoàn. Hàng năm, khoản thu từ vé xem biểu diễn lên tới 75 triệu euro (1/3 tổng ngân sách của Opéra de Paris).
Ngoài ra, còn phải kể tới khoản thất thu từ du khách tham quan hai nhà hát, đặc biệt là nhà hát Opéra Garnier, một trong những kiệt tác kiến trúc và lịch sử của Paris. Từ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc và các nước châu Á khác, Paris hầu như không còn bóng du khách châu Á, nhất là khách Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhà hát opéra Garnier đẹp lung linh, tráng lệ, vốn thường ngày là một trong những điểm tham quan thu hút đông khách du lịch nhất Paris, cũng trở nên vắng vẻ khác thường, thậm chí còn bị ví mới một « lâu đài ma ».
Vậy tương lai của Opéra de Paris, một trong những « tượng đài văn hóa nghệ thuật » của Pháp, sẽ ra sao ? Nhà báo Aude Kersulec nhấn mạnh :
« Quả thực là rất khó để chúng ta có thể hình dung được về các điều kiện để Đoàn ca vũ kịch Paris có thể hoạt động trở lại, công chúng khi đến nhà hát xem biểu diễn phải giãn cách thế nào, các nghệ sĩ trên sân khấu phải giữ khoảng cách thế nào … Nhà hát ca vũ kịch không giống như rạp phim. Để một buổi biểu diễn mang lại lợi nhuận, lượng khán giả đến xem phải đạt mức ngồi kín 80% khán phòng.
Tạm thời, các nhà hát opéra dự kiến phải đóng cửa đến tháng 11, nhưng có những việc sửa chữa trùng tu ban đầu dự kiến vào hè năm sau thì lại được đẩy sớm lên vào năm nay. Đoàn opéra sẽ khởi động trở lại với những buổi hòa nhạc quy mô nhỏ, trong khi các buổi biểu diễn vẫn được tải lên trang mạng của Opéra Paris. Các chương trình biểu diễn được trình chiếu miễn phí trên mạng, cư dân mạng thì vui sướng đón xem nhưng về vấn đề tài chính, thì Đoàn ca vũ kịch Paris sẽ không cảm thấy thoải mái lắm. »
Về công tác phòng chống dịch bệnh, giám đốc Stéphane Lissner cho rằng những yêu cầu giãn cách xã hội là rất khó thực hiện triệt để, nếu không muốn nói là không thể. Chẳng hạn, trong nhà hát Opéra Bastille với sức chứa 2.700 khán giả, việc theo dõi, đảm bảo khán giả giữ khoảng cách an toàn theo quy định quả thực không dễ chút nào. Đó là chưa kể đến việc giữ khoảng cách giữa các nhạc công, nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu cũng là điều không thể, không phù hợp với các yêu cầu về nghệ thuật. Nói cách khác, Opéra de Paris không thể « hạ giá nghệ thuật » để đảm bảo các yêu cầu giãn cách xã hội.
Ngoài ra, 80% nghệ sĩ của đoàn là người nước ngoài, trong đó 55% sống ngoài khối Schengen, mà hiện giờ thì với sự hoành hành của virus corona, chưa ai dám chắc điều gì sẽ còn chờ đón thế giới, biên giới ngoại khối liệu sẽ được mở ở mức độ nào, các nghệ sĩ có được phép nhập cảnh để biểu diễn theo đúng lịch hay không … Tương lai của Opéra de Paris vẫn như bị một làn sương mờ che phủ, chưa có gì được soi tỏ …
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200819-covid-19-op%C3%A9ra-de-paris-%C4%91%E1%BB%8Ba-ng%E1%BB%A5c
Belarus: Lãnh đạo cộng sản Nga
lo lắng nếu Lukashenko bị lật đổ
Lãnh đạo đảng Cộng sản Nga cảnh báo Nga sẽ gặp nguy hiểm nếu Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko bị lật đổ.
Belarus: Ứng viên đối lập phản đối kết quả bầu cử
Biểu tình phản đối lấn át mít tinh ủng hộ Tổng thống Belarus
Ông Gennady Zyuganov là người đứng đầu đảng Cộng sản, đảng đối lập lớn nhất tại Nga.
Tại một cuộc họp qua mạng của các đảng cộng sản từng thuộc Liên Xô cũ, ông nói: “Nếu họ phá vỡ Belarus, tình hình sẽ tồi tệ hơn cho chúng ta ở Nga.”
Ông Zyuganov dẫn dắt đảng Cộng sản liên tục từ 1993, từng ra tranh cử tổng thống Nga bốn lần.
Ông phê phán nhân vật đối lập hàng đầu ở Belarus, Svetlana Tikhanovskaya, là không có kế hoạch gì cụ thể.
Trong khi đó nhân vật đối lập của Belarus, Svetlana Tikhanovskaya, từ Lithuania, ra kêu gọi EU lên tiếng, trong khi khối này bắt đầu họp về Belarus.
Ủy ban bầu cử nói ông Lukashenko chiến thắng với 80,1% phiếu, còn đối thủ Tikhanovskaya chỉ có 10,12%.
Hàng trăm người biểu tình chống chính phủ đã bị thương, hai người tử vong khi đụng độ cảnh sát trong tuần qua.
6.700 người bị bắt, và có cáo buộc tra tấn.
Bà Tikhanovskaya, 37 tuổi, đã chạy sang Lithuania sau khi bị tạm giữ vài giờ theo sau cuộc bỏ phiếu.
Bà kêu gọi EU ủng hộ điều mà bà gọi là “sự thức tỉnh của Belarus”.
Bà nói: “Người dân ra đường bảo vệ lá phiếu ở các thành phố khắp Belarus, đã bị đánh tàn nhẫn, bỏ tù, tra tấn bởi chính thể tuyệt vọng cầm giữ quyền lực.”
Hội nghị qua mạng của EU đang diễn ra hôm nay.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã nói EU không thể chấp nhận kết quả ở Belarus.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi Nga giúp tạo ra đối thoại giữa chính quyền và đối lập.
Hai người nói nói chuyện với Tổng thống Putin hôm thứ Ba.
Còn ông Lukashenko tuyên bố Tổng thống Vladimir Putin hứa giúp đỡ nếu xảy ra đe dọa vũ trang từ ngoài.
Hôm thứ Tư người phát ngôn của Nga Dmitry Peskov nói hiện Nga không cần giúp đỡ Belarus.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói ông hy vọng các phe ở Belarus sẽ đàm phán.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53835667
Lãnh đạo Belarus lệnh cho cảnh sát dập tắt biểu tình
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 19/8 đã lệnh cho lực lượng cảnh sát dập tắt các cuộc biểu tình tại thủ đô Minsk, theo Reuters.
Hãng tin Anh cho rằng quyết định trên có thể làm leo thang căng thẳng sau hơn một tuần xảy ra các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối ông nắm quyền.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về cuộc khủng hoảng ở Belarus, bác bỏ kết quả ông Lukashenko tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi hôm 9/8.
Ngoài ra, tổ chức của châu Âu này cũng thông báo các biện pháp trừng phạt tài chính những quan chức mà khối này cho là gây gian lận bầu cử và đàn áp các cuộc biểu tình.
Ông Lukashenko đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 26 năm nắm quyền.
Ông này đã đổ lỗi cho các quốc gia bên ngoài khuấy động bất ổn và người biểu tình nhận tiền từ hải ngoại.
Theo Reuters, cảnh sát hôm 19/8 đã giải tán một cuộc tuần hành và bắt hai người tại một xưởng máy kéo ở Minsk.
Trong lúc thủ tướng Iraq đang chuẩn bị sang Hoa Kỳ
thì các nhóm ủng hộ Iran tăng cường
tấn công các mục tiêu Hoa Kỳ
Tin từ Baghdad – Khi thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhemi chuẩn bị cho cuộc gặp đầu tiên của ông với tổng thống Trump trong tuần này, thì các chiến binh ủng hộ Iran đang đẩy mạnh tấn công các mục tiêu Hoa Kỳ.
Giữa lúc ông Kadhemi chuẩn bị gặp tổng thống Trump lần đầu tiên vào thứ Năm tới đây (20 tháng 8), chương trình nghị sự hàng đầu của nhà lãnh đạo Iraq nay chú trọng vào việc bố trí 5,000 binh lính Hoa Kỳ ở Iraq. Ông Kadhemi cũng đang đối mặt với thách thức từ các phe phái của Hashed al-Shaabi, một liên minh của các nhóm bán quân sự người Shiite ở Iraq có quan hệ mật thiết với Iran.
Hashed al-Shaabi đã được sáp nhập vào bộ máy an ninh Iraq, và các đại diện chính trị của phe này đã kêu gọi trục xuất quân đội Hoa Kỳ. Các phe phái thân Iran đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi vụ không kích của Washington với một trong những thủ lĩnh hàng đầu của họ, ông Abu Mahdi al-Muhandis, cùng với tướng lĩnh hàng đầu của Iran, Qasem Soleimani hồi tháng 01/2020.
Lực lượng Hashed đã phủ nhận việc có liên quan tới một loạt các cuộc tấn công chống Hoa Kỳ gần đây. Nhưng sau khi Tòa Bạch Ốc xác nhận tổng thống Trump sẽ gặp ông Kadhemi vào thứ Năm (20 tháng 8), con số các vụ tấn công đã tăng lên.
Từ ngày 04/08-16/08/2020, đã có 13 cuộc tấn công bằng bom và hỏa tiễn nhắm vào các đoàn xe hậu cần của Iraq cho quân đội Hoa Kỳ, các căn cứ có lính Hoa Kỳ và tòa đại sứ Hoa Kỳ. Bằng cách tăng số lượng các cuộc tấn công, các nhóm vũ trang nhắc nhở ông Kadhemi rằng ông không thể ngăn chặn các cuộc tấn công chỉ bằng các cuộc đột kích và bắt giữ dân quân. (BBT)
Thỏa thuận hòa bình Israel-UAE
ảnh hưởng lớn tới BRI của Trung Quốc
Lục Du
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng của chính quyền Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng lớn bởi thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), khi thỏa thuận này giúp làm giảm căng thẳng và mở ra cơ hội hợp tác giữa hai nước, theo The BL.
Israel và UAE hôm thứ Năm (13/8) tuyên bố rằng họ sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao và xây dựng một mối quan hệ mới cởi mở. Reuters bình luận, đây là một động thái lịch sử có khả năng định hình lại trật tự chính trị Trung Đông.
Theo thỏa thuận được sự hậu thuẫn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Israel đã đồng ý đình chỉ kế hoạch sáp nhập các khu vực Bờ Tây mà họ đang quản lý. Israel cũng ủng hộ cuộc chiến chống lại chính quyền Iran, lực lượng mà UAE, Israel và Hoa Kỳ coi là mối đe dọa chính ở Trung Đông.
Israel đã ký các hiệp định hòa bình với Ai Cập hồi năm 1979 và Jordan hồi năm 1994. Nhưng UAE, cùng hầu hết các quốc gia Ả Rập khác, không công nhận Israel và cho đến nay không có quan hệ ngoại giao hoặc kinh tế chính thức với quốc gia này. UAE đã trở thành quốc gia Ả Rập tại vùng Vịnh đầu tiên đạt được thỏa thuận như vậy với nhà nước Do Thái.
Mặc dù Israel và UAE đều đã tham gia vào dự án BRI, nhưng liên minh mới của họ có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong khu vực vì sự thay đổi địa chính trị gây ra là sâu rộng và liên quan đến một số quốc gia, Breitbart đưa ra nhận định trong một bài viết đăng ngày 15/8.
ĐCSTQ “có những lợi ích kinh doanh lớn ở Trung Đông mà tôi nghĩ đã bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận này”, người dẫn chương trình SiriusXM, Alex Marlow, nói khi thảo luận về tình hình mới ở khu vực Trung Đông trong chương trình do ông phụ trách.
Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, ĐCSTQ vẫn có thể trông đợi việc thực hiện thỏa thuận giữa Israel và UAE thất bại, khi đó hai quốc gia này sẽ quay lại tham gia vào BRI của Bắc Kinh.
Ở khu vực Trung Đông Bắc Kinh vẫn đang nắm nhiều lợi thế khi họ có những đồng minh thân cận, ví dụ như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, ngoài ra, theo The BL, các tổ chức khủng bố khác chẳng hạn như Hezbollah, một số nhóm phiến quân ở Iraq, nhóm vũ trang Palestine Hamas, nhóm vũ trang Jihad, phiến quân Houthi ở Yemen cũng có mối liên hệ mật thiết với chính quyền Trung Quốc.
Nhưng uy tín của Bắc Kinh cũng đã bị giảm sút nghiêm trọng khi lực lượng này bị cáo buộc lừa dối các nước nghèo trong khu vực bằng các bẫy nợ ở các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng BRI. Sau khi “con nợ” mất khả năng thanh toán, Trung Quốc sẽ chiếm quyền kiểm soát các công trình của nước sở tại. Chính phủ Sri Lanka bắt buộc phải giao lại cảng biển Hambantota cho Bắc Kinh kiểm soát trong 99 năm là một ví dụ sinh động.
Ngay cả những quốc gia ở châu Phi, khu vực có nhiều nước nghèo khát vốn, cũng đã tránh xa Bắc Kinh. Tổng thống Tanzania, John Magufuli, đã quyết định hủy khoản vay 10 tỷ USD từ Trung Quốc, dự kiến dùng xây dựng cảng cho đất nước ông, với bình luận rằng “chỉ những kẻ say xin mới chấp nhận được các điều khoản vay” mà Trung Quốc đưa ra, theo HW News.
Điều kiện vay mà Tổng thống John Magufuli đề cập bao gồm điều khoản Trung Quốc phải được đảm bảo khai thác tài chính từ càng mà họ xây cho Tanzania trong vòng 30 năm, đồng thời họ phải được thuê cảng này liên tục trong 99 năm.
Thủ đô Afghanistan bị tấn công bằng đạn pháo
Tin Kabul, Afghanistan – Hơn một chục trái đạn pháo đã rơi xuống thủ đô của Afghanistan vào thứ Ba, 18 tháng 8, làm bị thương ít nhất 10 thường dân, ngay đúng dịp kỷ niệm 101 năm ngày độc lập của quốc gia này.
Theo Bộ Nội Vụ Afghanistan, 14 trái đạn pháo đã được bắn từ 2 xe hơi ở trong nội thành Kabul, hầu hết đều bắn trúng nhà dân. Hai nghi can đã bị bắt giữ. Trong số 10 người bị thương có cả 4 trẻ em và 1 phụ nữ. Vụ tấn công xảy ra sau khi Tổng Thống Ashraf Ghani tham gia một sự kiện mừng lễ độc lập tại phủ tổng thống.
Các nhân chứng cho biết đạn pháo đã rơi gần phủ tổng thống và trụ sở bộ quốc phòng, trong khu vực trung tâm vốn được bảo vệ chặt chẽ và có cả một số tòa đại sứ nước ngoài. Các cơ quan nước ngoài tại thủ đô Kabul đều lập tức được phong tỏa và mọi nhân viên phải tìm nơi trú ẩn. Hiện chưa rõ tổ chức nào đứng sau vụ tấn công.
Sự việc xảy ra trong lúc Hoa Kỳ đang rút quân dần dần khỏi Afghanistan, đồng thời chính phủ Kabul và tổ chức Taliban cũng đang chuẩn bị bắt đầu đàm phán hòa bình, nhằm chấm dứt 19 năm nội chiến. Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ bắt đầu sau khi Kabul hoàn tất việc phóng thích khoảng 400 tù nhân Taliban, theo thỏa thuận đã được chính phủ phê chuẩn tuần trước.
Afghanistan chưa bao giờ là một phần của vương quốc Anh, nhưng nước này chính thức độc lập khỏi sự ảnh hưởng của Anh quốc vào tháng 8 năm 1919. (BBT)
https://www.sbtn.tv/thu-do-afghanistan-bi-tan-cong-bang-dan-phao/
Tàu chiến Mỹ tiếp tục đi qua eo biển Đài Loan
Lục Du
Bộ Quốc phòng (MND) Đài Loan, hôm thứ Tư (19/8), thông báo rằng Hải quân Hoa Kỳ đã cho một tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, theo Taiw News.
Trong một thông cáo báo chí, MND xác nhận rằng một tàu Hải quân Hoa Kỳ đã đi qua eo biển Đài Loan theo hướng từ phía bắc sang phía nam.
Hôm thứ Ba, Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ thông báo trên Facebook rằng tàu khu trục USS Mustin mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Hạm đội 7 Hoa Kỳ đã đi qua eo biển Đài Loan. Thông báo cũng cho biết sứ mệnh của tàu USS Mustin là giúp đảm bảo an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Taiwan News cho hay, có thông tin về việc tàu USS Mustin đi qua eo biển Đài Loan vào thứ Ba. Tuy nhiên, vào thời điểm đó MND không đưa ra bất kỳ bình luận nào, chỉ nhấn mạnh rằng quân đội nắm được đầy đủ các động thái trên biển và trên không ở xung quanh eo biển Đài Loan.
Các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ trong thời gian qua đã liên tục gia tăng các hoạt động tuần hành qua eo biển Đài Loan, trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng thúc đẩy các hoạt động quân sự đe dọa hòn đảo mà họ tuyên bố là một phần lãnh thổ không thể tách rời với Đại Lục.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tau-chien-my-tiep-tuc-di-qua-eo-bien-dai-loan.html
Cựu giáo sư trường đảng Trung Quốc
chỉ trích gay gắt ông Tập
Lục Du
Một cựu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cáo buộc ông này “hủy hoại một đất nước” bằng các chính sách độc tài và cách phản ứng tai hại trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán, theo Infowars.
Người đưa ra chỉ trích này là cựu quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Cai Xia. Bà Cai nói với The Guardian rằng dưới thời ông Tập, ĐCSTQ là một trở ngại cho sự tiến bộ của Trung Quốc.
Bà Cai là một cựu giáo sư nổi tiếng tại Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ. Bà đã bị khai trừ khỏi đảng vào hôm thứ Hai (17/8) vì một đoạn băng ghi âm rò rỉ trên mạng vào tháng Sáu, trong đoạn băng ghi ấm đó bà lên án ông Tập và kêu gọi các đảng viên khác “từ bỏ” hệ thống độc tài hiện tại của Trung Quốc.
“Chúng tôi đã chọn cá nhân này làm lãnh đạo, hoặc có thể nói theo cách khác là, những người đứng đầu [ĐCSTQ] ủng hộ một người như vậy lên vị trí lãnh đạo”, bà Cai nói về việc ĐCSTQ, chứ không phải nhân dân, đã chọn ông Tập làm lãnh đạo. “Việc này cho chúng ta thấy điều gì? Nó cho chúng ta biết rằng hệ thống này sẽ không đi đến đâu. Thật là vô ích để thử và thay đổi hệ thống này. Về cơ bản mà nói, hệ thống này phải bị loại bỏ ”.
“Tôi tin rằng mình không phải là người duy nhất muốn rời khỏi cái đảng này. Nhiều người muốn rút lui hoặc từ bỏ nó. Tôi đã có ý định bỏ đảng từ nhiều năm trước khi tôi không có chỗ để cất lên tiếng nói, ý kiến của tôi đã bị chặn hoàn toàn”, bà Cai cho biết thêm.
https://www.dkn.tv/the-gioi/cuu-giao-su-truong-dang-trung-quoc-chi-trich-gay-gat-ong-tap.html
Trung Quốc: Tập Cận Bình bị phản đối rộng rãi
ngay trong nội bộ đảng Cộng Sản?
Trọng Nghĩa
Một cựu giáo sư Trường Đảng Trung Ương của Trung Quốc vừa đưa ra những tiết lộ hiếm hoi về việc nhân vật số 1 tại Bắc Kinh là Tập Cận Bình đang phải đối mặt với một sự phản đối rộng rãi ngay nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo Anh The Guardian được công bố vào hôm qua, 18/08/2020, người trong cuộc này còn cho rằng “quyền lực độc tôn” của ông Tập đã biến Trung Quốc thành “kẻ thù của thế giới”.
Theo nhật báo Anh, người đưa ra những tiết lộ và cáo buộc nặng nề nhắm vào chủ tịch Trung Quốc, là bà Thái Hà (Cai Xia), nguyên là một giáo sư tên tuổi, từng giảng dạy tại trường Đảng Trung Ương, nơi đào tạo các quan chức hàng đầu của Trung Quốc.
Bà Thái Hà đã bị khai trừ Đảng hôm thứ Hai 17/08 vừa qua sau khi một đoạn ghi âm những lời chỉ trích của bà nhắm vào ông Tập Cận Bình bị rò rỉ trên mạng vào tháng Sáu. Trong một thông báo, trường Đảng Trung Ương Trung Quốc giải thích là vị giáo sư giảng dạy tại trường từ năm 1992, đã đưa ra những nhận xét “làm tổn hại thanh danh của đất nước” và đầy rẫy “những vấn đề chính trị nghiêm trọng”.
Từ năm ngoái, bà Thái Hà đã sang Mỹ sinh sống. Trong bài phỏng vấn đầu tiên, hôm thứ Ba, ngày 18/08, sau khi bị khai trừ Đảng, bà khẳng định rằng bà rất “vui khi được khai trừ” vì “dưới chế độ của Tập Cận Bình, đảng Cộng Sản Trung Quốc không còn lực lượng thúc đẩy đất nước đi lên, mà là một trở ngại đối với sự tiến bộ của Trung Quốc”.
Vị cựu giáo sư cho rằng bà “không phải là người duy nhất muốn rời khỏi Đảng mà còn nhiều người khác cũng muốn rút lui hoặc bỏ Đảng này”. Về phần mình, bà đã có ý định từ bỏ Đảng nhiều năm trước đây khi thấy rằng không còn chỗ để lên tiếng và tiếng nói của bà bị bóp nghẹt hoàn toàn”.
Trong bài phỏng vấn, bà Thái Hà nhắc lại lời cáo buộc ông Tập Cận Bình là đã “giết cả một đất nước”. Theo bà, hiện đã có một sự phản đối rộng rãi trong nội bộ Đảng, nhưng ít người dám lên tiếng vì sợ bị trả thù chính trị, bằng hình thức kỷ luật nội bộ và cáo buộc tham nhũng. Trong một môi trường như vậy, bà Thái Hà cho rằng việc ông Tập Cận Bình có “quyền lực không được ai kiểm soát” và nắm trong tay mọi quyền quyết định quan trọng đã dẫn đến những sai lầm không thể tránh khỏi như sự bùng phát của dịch Covid-19.
Theo The Guardian, những nhận xét trên đây, từ một người từng ở thượng tầng của chế độ – một số lãnh đạo Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Hồ Cẩm Đào cũng như Tập Cận Bình đều là người đứng đầu Trường Đảng Trung Ương – rất đáng chú ý và có khả năng gây nguy hiểm cho giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Những nhận định của bà Thái Hà, sẽ vang dội trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng như trên toàn quốc, vì những lời chỉ trích công khai như vậy từ trong nội bộ Đảng là một điều cực kỳ hiếm.
Giới chức cao tầng Trung Quốc có thể
đang tranh cãi kịch liệt ở hội nghị Bắc Đới Hà
Hương Thảo
Reuters đưa tin, vào ngày 14/8 cuộc họp đánh giá giai đoạn đầu Hiệp định thương mại Trung-Mỹ dự kiến vào ngày 15/8 đã bị hoãn lại, vì hội nghị Bắc Đới Hà của giới cao tầng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn chưa kết thúc.
Hội nghị Bắc Đới Hà, với sự tham dự của các quan chức cấp cao đương nhiệm và cựu quan chức cấp cao của ĐCSTQ, thường được tổ chức vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 và kéo dài trong khoảng hai tuần. Cuộc họp bí mật này luôn có truyền thống đấu đá mạnh mẽ. Năm nay là thời điểm ĐCSTQ đang phải chống đỡ tứ bề,và chính quyền phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng cả trong và ngoài nước. Do đó cuộc tranh giành quyền lực tại Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay, ông Tập Cận Bình, ủy viên thường vụ thứ bảy, đã ẩn thân từ ngày 31/7. Cho đến ngày 8/8, ông Lật Chiến Thư chủ trì cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội ở Bắc Kinh, nhưng sáu thành viên thường vụ khác không xuất hiện công khai. Ngày 11/8, các phương tiện truyền thông chính thức lớn của ĐCSTQ đưa tin ông Tập Cận Bình đã ra “chỉ thị quan trọng” để ngăn chặn tình trạng lãng phí thực phẩm, nhưng ông Tập không lộ diện.
Trong tình hình quan hệ Mỹ-Trung hiện nay đang xấu đi nhanh chóng, nếu ĐCSTQ sử dụng cuộc họp ở Bắc Đới Hà làm cái cớ để hoãn hội nghị qua truyền hình với Mỹ, ngoại giới tin rằng điều đó cho thấy giới cao tầng của ĐCSTQ có thể đang tranh luận không ngừng về nhiều vấn đề.
Hội nghị Bắc Đới Hà quyết định chuyển hướng “ngoại giao chiến lang”?
Gần đây, dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán lại bùng phát, lũ lụt tàn phá miền bắc và miền nam Trung Quốc, và nền kinh tế Trung Quốc lâm vào khủng hoảng; “Phiên bản Hồng Kông của Luật An ninh Quốc gia” do ĐCSTQ áp đặt đã dẫn đến các chế tài quốc tế, và mối quan hệ giữa ĐCSTQ và Hoa Kỳ đã xuống mức thấp nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979. Hoa Kỳ bắt đầu đoàn kết các đồng minh của mình để bao vây và chế tài ĐCSTQ.
Gần đây, Mỹ đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. Hoa Kỳ cũng đã trừng phạt 11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông; chế tài TikTok và WeChat; loại trừ các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi mạng lưới của Hoa Kỳ; và xác định hệ thống Viện Khổng Tử tại Hoa Kỳ là phái đoàn ngoại giao. Ngoài ra, quan hệ Trung-Ấn tiếp tục căng thẳng, tranh chấp ở Biển Đông leo thang, dẫn đến những xu thế khó lường ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nguy cơ chiến tranh bùng phát. Trong bối cảnh quốc tế phong bế, nhà cầm quyền ĐCSTQ đã nhiều lần đề cập đến “tuần hoàn nội địa” kinh tế Trung Quốc.
Trước đó, có thông tin cho rằng cao tầng của ĐCSTQ có thể sẽ xem xét lại chính sách ngoại giao “chiến lang” trước đây tại Bắc Đới Hà.
Theo nguồn tin được Đài Á Châu Tự Do trích dẫn ngày 10/8, trong cuộc họp tại Bắc Đới Hà, giới cao tầng của ĐCSTQ chủ yếu thảo luận về tình hình kinh tế trong nước và sự phát triển của quan hệ Trung – Mỹ. Họ cho rằng quan hệ Trung-Mỹ là chìa khóa thành công trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc: “Quyết định cuối cùng của Hội nghị Bắc Đới Hà là nghiêm túc duy hộ nó, duy trì quan hệ với Hoa Kỳ và đưa nó trở về ‘đúng quỹ đạo’”.
Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, ngày 12/8 dẫn lời một nguồn tin tiết lộ, cả Trung Quốc và Mỹ đều đang tăng cường hoạt động ở vùng biển tranh chấp, làm tăng nguy cơ ‘khai hỏa’ xung đột. Nhưng Bắc Kinh không muốn để căng thẳng leo thang. Tập Cận Bình đã phát lệnh cho quân đội “Không được nổ súng trước”.
Vào ngày 12/8, các phương tiện truyền thông xã hội ở nước ngoài đưa tin rằng ĐCSTQ sẽ xây dựng chính sách “ba mềm và ba rắn”. Ba mềm là: mềm mỏng với Hoa Kỳ, mềm mỏng với phương Tây, và mềm mỏng trong hành động; Ba rắn là: Với quốc nội phải cứng rắn, với tuyên truyền phải cứng rắn, với Hồng Kông phải cứng rắn. Nói một cách đơn giản, nó có nghĩa là thực hiện chính sách “đối ngoại khuất tất, đối nội trấn áp”. Nói một cách đơn giản, nó có nghĩa là khom lưng với nước ngoài và gia tăng đàn áp trong nước.
Tuy nhiên những nguồn tin này vẫn chưa thể được chứng thực.
Cuộc họp Bắc Đới Hà này có thể quyết định liệu Tập Cận Bình sẽ bị buộc từ chức hay tiếp tục nắm quyền trong 15 năm nữa?
Vì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 sẽ diễn ra 2 năm nữa, nên theo thông lệ của ĐCSTQ, mùa hè năm nay sẽ là thời điểm then chốt, có thể ảnh hưởng đến tương lai của thời đại Tập. Cuộc họp bí mật này ở Bắc Đới Hà, nơi luôn là đỉnh điểm của cuộc tranh giành quyền lực, cũng sẽ liên quan đến vấn đề nhân sự trong nội bộ Đảng.
Năm nay, tiếng nói chống ông Tập trong ĐCSTQ rất nóng. Ngoài một bài báo trực tiếp chỉ trích Tập Cận Bình của Nhậm Chí Cường, thế hệ Đỏ thứ hai, thì vào tháng 3, Trần Bình, chủ tịch thế hệ thứ hai của Tập đoàn TV Dương Quang Vệ, cũng đã chuyển một “Kiến nghị thư” yêu cầu một cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng để thảo luận về vấn đề từ chức của Tập Cận Bình. Vào đêm trước của hai phiên họp, một bức thư ngỏ viết cho đại diện hai phiên họp của Đặng Phác Phương, con trai Đặng Tiểu Bình, đã được đăng trên Internet. Nó nêu ra 15 câu hỏi và chĩa mũi dùi vào Tập Cận Bình.
Trước cuộc họp ở Bắc Đới Hà, trên Internet có thông tin chưa xác nhận rằng, các nguyên lão của ĐCSTQ đã gặp các phái đoàn Mỹ để thảo luận về vấn đề đi và ở của Tập Cận Bình, về quan hệ Trung-Mỹ và các vấn đề khác. Nguồn tin cũng cho biết, những hoạt động thường xuyên của Lý Khắc Cường gần đây đều nhận được sự đồng tình của các đàn anh chính trị. Cách tiếp cận của Lý Khắc Cường thường mâu thuẫn với Tập Cận Bình. Có tiếng nói trong đảng kêu gọi Lý Khắc Cường thay thế địa vị của Tập Cận Bình, kêu gọi Tập Cận Bình rút lui khỏi vị trí nguyên thủ quốc gia, và thậm chí cả Chủ tịch Quân ủy.
Nguồn tin này cũng nói rằng cuộc họp Bắc Đới Hà này có khả năng sẽ hoàn tất vấn đề về người kế nhiệm của ĐCSTQ. Hồ Xuân Hoa sẽ trở thành tổng bí thư ĐCSTQ.
Nhưng các thông tin khác cho thấy Tập Cận Bình có thể đang mở đường cho nhiệm kỳ tiếp theo của ông ta.
Tân Hoa Xã đưa tin vào cuối tháng trước rằng Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã quyết định tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 10 để thảo luận về “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” từ 2021 đến 2025 và cái gọi là “Tầm nhìn mục tiêu 2035”.
Ngoại giới tin rằng, ngoài cái gọi là “chuyển hướng ngoại giao chiến lang”, hội nghị Bắc Đới Hà cũng sẽ thảo luận về các vấn đề hoạch định chính sách lớn liên quan đến cao tầng của ĐCSTQ. Liệu nhân sự cấp cao của ĐCSTQ có thay đổi hay không và liệu ĐCSTQ có xác định được người lãnh đạo tiếp theo hay không cũng là một vấn đề cần quan tâm. Một khi ĐCSTQ xác định được nhà lãnh đạo tiếp theo tại cuộc họp Bắc Đới Hà này, nó sẽ gửi một tín hiệu lớn cho thế giới bên ngoài rằng liệu Tập Cận Bình có thể được bầu lại hay không.
Biên tập viên cấp cao Katsuji Nakazawa của tờ “Nikkei Asian Review” (Nikkei Asian Review) đã viết hôm 6/8 rằng báo cáo của Tân Hoa Xã về các vấn đề của Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ủy ban Trung ương khóa 19 tiết lộ ông Tập Cận Bình muốn tiếp tục nắm quyền theo dự tính đến năm 2035. Khi đó ông ta sẽ 82 tuổi, và Mao Trạch Đông, người trị vì Trung Quốc cho đến khi qua đời vì bệnh tật, cũng đã ở tuổi 82.
Katsuji Nakazawa chỉ ra rằng phần nửa sau của báo cáo này chứa đựng những thông tin rất dễ bị bỏ qua. Một cơ quan chính trị của ĐCSTQ cho biết, “Chủ tịch Tập Cận Bình thực sự có ý định nắm quyền lâu dài. Đây thực chất là tuyên bố về 15 năm cầm quyền nữa”.
Katsuji Nakazawa tin rằng vì trước đại hội toàn quốc năm 2022 của ĐCSTQ (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20), các nhân sự chủ chốt sẽ được thảo luận trong năm nay, một cuộc đấu đá chính trị toàn diện đã thực sự bắt đầu.
Bài báo cũng chỉ ra rằng kế hoạch siêu dài hạn 2035 là cốt lõi trong chính trị của ông Tập. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, liệu kế hoạch của ông ta còn có thể được chấp nhận hay không; Sau Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19 vào tháng 10, câu trả lời sẽ trở nên rõ ràng.
Tuy nhiên, bài báo cho rằng trước tình hình thế giới ngày càng bất ổn định, đặc biệt là khi đại dịch viêm phổi ở Vũ Hán đang hoành hành, việc ĐCSTQ trông đợi vào 15 năm nữa là điều quá xa vời. Một số chuyên gia chính trị đã mỉa mai khi nghe về kế hoạch siêu dài hạn tới năm 2035. Một quan chức ĐCSTQ nói, “Sự tình tiến triển quá nhanh”. Mới tháng Bảy, mà người ta đã quyết định thảo luận những gì tại cuộc họp tháng Mười.
Một số nhà quan sát đã chỉ ra trước đó rằng ĐCSTQ đang gặp nguy hiểm và có thể còn không tồn tại tới Đại hội toàn quốc lần thứ 20 sắp tới.
Theo Secret China
Hương Thảo dịch & biên tập
Lũ lụt ở TQ:
‘Chân Phật thấm nước, Thành Đô nguy nan’
Nước lụt dâng lên khiến bàn chân của bức tượng Phật khổng lồ tại Trung Quốc bị ướt lần đầu tiên kể từ thời thập niên 1940 trở lại đây.
Bức tượng Lạc Sơn Đại Phật, cao 71 mét tại khu vực di sản Unesco, được chạm trổ vào núi đá ở gần Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, từ khoảng Thế kỷ thứ 8.
Lũ lụt TQ: Nâng mức báo động sông Hoài vì mưa lớn
Trung Quốc: Tỉnh An Huy xả lũ, sơ tán hàng ngàn dân
Đập Tam Hiệp, dự án kỳ vĩ đầy tham vọng của TQ
Bức tượng thường nằm cao trên mặt nước, nhưng khu vực này đã bị trận lụt nghiêm trọng nhất kể từ 70 năm qua gây ảnh hưởng nặng nề.
Bức tượng Phật là điểm thu hút khách cực kỳ nổi tiếng; tàu thuyền du lịch sông Dương Tử và Đập Tam Hiệp gần đó thường chở khách tới đây tham quan.
Truyền thông nhà nước nói 180 du khách đã được cứu khỏi dòng nước lụt dâng cao tại đây.
Theo Tân Hoa Xã, ở vùng này có lời nguyền rằng nếu chân tượng Phật bị ướt thì Thành Đô – nơi có 16 triệu dân – cũng sẽ bị ngập lụt.
Tỉnh Tứ Xuyên đã kích hoạt mức báo động khẩn cấp cao nhất sau nhiều tuần mưa lớn kỷ lục, mà đến nay vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc.
Lực lượng cứu hộ được triển khai tới giúp sơ tán người dân khỏi các khu vực nguy hiểm
Mức báo động ngập lụt cũng được đưa ra tại các tỉnh nằm dọc sông Dương Tử, Hải Hà, sông Tùng Hoa và sông Liêu, với cảnh báo có nguy cơ lở đất.
Trùng Khánh đã phải chống chọi với nhiều đợt lụt lội trong hè này. Hình chụp cảnh lụt lội tại Trùng Khánh hôm 14/8
Giới chức cảnh báo rằng lượng nước khổng lồ đang dâng lên ở khu vực Đập Tam Hiệp, dự án thủy điện khổng lồ trên sông Dương Tử.
Bộ Thủy Lợi cảnh báo điều này có thể để gây ngập lụt nghiêm trọng ở thượng nguồn, bao gồm cả thành phố lớn Trùng Khánh.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53834083
Lưu lượng lũ số 5 của sông Hoàng Hà
lập kỷ lục trong năm nay, gấp đôi trận lũ trước
Tâm Thanh
Theo báo cáo trên phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ ngày 18/8, do lượng mưa lớn trên diện rộng gần đây ở Thiểm Tây, Cam Túc, Sơn Tây và những nơi khác, lượng nước chảy vào dòng chính của sông Hoàng Hà tăng mạnh, cộng thêm dòng chảy của các trạm thủy văn chính trên sông Vị Hà tiếp tục gia tăng khiến lưu lượng nước tại trạm thủy văn Đồng Quan trên sông Hoàng Hà đạt 5.050 m3/giây vào lúc 5h06 ngày 18/8.
Đây là trận lũ số 5 trên sông Hoàng Hà và có lưu lượng lũ lập kỷ lục trong năm 2020, gấp đôi trận lũ trước đó. Cùng ngày, lưu lượng trạm thủy văn Lan Châu trên sông Hoàng Hà là vào khoảng 3570 m3/giây, là lưu lượng nước lớn nhất trong năm nay.
Ủy ban bảo tồn nguồn nước sông Hoàng Hà cho biết, năm 2020, trận lũ số 5 của sông Hoàng Hà so với trận lũ số 4 có tốc độ dòng chảy là 2500 m3/giây, lưu lượng của trận lũ số 5 nhiều gấp đôi trận lũ số 4.
Một đoạn video (bên dưới) được cư dân mạng đăng tải cho thấy, rạng sáng ngày 18/8, đỉnh lũ sông Bạch Thủy đi qua huyện Văn, thành phố Lũng Nam, tỉnh Cam Túc gây ra thảm họa lũ lụt và lở đất nghiêm trọng.
Ngày 17/8, mưa lớn đã gây ra lũ lụt và lở đất ở huyện Văn, thành phố Lũng Nam, tỉnh Cam Túc, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân địa phương.
Cùng ngày, chính quyền điều động “xe hạng nặng ép dầm” lên đường sắt Bảo Thành trên cầu lớn Bồi Giang nhằm ứng phó với đỉnh lũ.
Theo Hách Diên, Sound of Hope
Tâm Thanh biên dịch
Hồ chứa Tam Hiệp
sẽ hứng chịu trận lũ lớn nhất trong lịch sử
Tâm Thanh
Theo tin tức từ Cục Thủy văn sông Dương Tử của ĐCSTQ, dự báo ngày 20/8 do ảnh hưởng của lũ trên thượng nguồn, đỉnh lũ trên hồ chứa Tam Hiệp chảy vào sẽ lên tới 74.000 m3/giây. Để giải phóng dung tích chứa, hiện tại Tam Hiệp đã mở 9 cửa xả lũ, lưu lượng xả đạt 48.000 m3/giây. Đây là dòng chảy vào lớn nhất kể từ khi xây dựng hồ chứa Tam Hiệp và là đợt xả lũ lớn nhất trong năm nay.
Theo báo cáo, sông Đà Giang và sông Bồi Giang ở thượng nguồn sông Dương Tử có lũ vượt quá mức bảo đảm; Sông Mân Giang sẽ xảy ra lũ lụt vượt mốc ghi nhận trong lịch sử.
Ngày 19/8, mực nước đỉnh lũ của trạm Bắc Bội trên sông Gia Lăng dâng cao gần mực nước đảm bảo. Mực nước đỉnh lũ tại trạm Chu Đà trên dòng chính của thượng nguồn sông Dương Tử sẽ vượt mực nước đảm bảo khoảng 2,4 mét. Ngày 20, mực nước đỉnh lũ tại trạm Thốn Than sẽ vượt mực nước đảm bảo khoảng 5,5 mét.
Hiện tại, lũ số 5 của sông Dương Tử đã đi qua khu vực trung tâm thành phố Trùng Khánh. Mực nước của tất cả các trạm trong khu đô thị chính của Trùng Khánh đều vượt quá mực nước đảm bảo, lập kỷ lục trong năm nay. Ngày 18/8, văn phòng kiểm soát nước Trùng Khánh đã đưa ra ứng phó khẩn cấp kiểm soát lũ lụt cấp độ I đầu tiên trong lịch sử.
Triều Thiên Môn ở Trùng Khánh đã bị nước sông nhấn chìm hoàn toàn, đây là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra trong năm nay.
Ngày 18/8, Cục Thủy văn sông Dương Tử đã nâng cấp và ban hành cảnh báo lũ đỏ cho sông Mân Giang, một nhánh của thượng nguồn sông Dương Tử, đồng thời tiếp tục đưa ra cảnh báo lũ màu cam đối với thượng nguồn sông Dương Tử đoạn từ sông Nghi Tân đến Thốn Than, Đà Giang và Bồi Giang; cảnh báo lũ màu vàng ở khu vực hồ chứa Tam Hiệp và sông Gia Lăng.
Theo Hách Diên, Sound of Hope
Tâm Thanh biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/ho-chua-tam-hiep-se-hung-chiu-tran-lu-lon-nhat-trong-lich-su.html
Tương lai mờ mịt của đập Tam Hiệp
Các chuyên gia chỉ ra rằng công trình đập Tam Hiệp là một “quả bom hẹn giờ” mà cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã cưỡng ép người dân Trung Quốc chôn xuống. Cựu thư ký của Mao Trạch Đông, ông Lý Nhuệ và chuyên gia thủy lợi nổi tiếng Hoàng Vạn Lý đã từng kiên quyết phản đối việc này.
Gần đây, Trùng Khánh hứng chịu trận lụt lớn nhất trong suốt 80 năm qua cùng với mưa lớn liên tục. Những nguy cơ tiềm ẩn rình rập khiến đập Tam Hiệp có thể phải đối mặt với một thử thách lớn nhất trong lịch sử. Các chuyên gia chỉ ra rằng công trình đập Tam Hiệp là một “quả bom hẹn giờ” mà cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã cưỡng ép người dân Trung Quốc chôn xuống.
Chuyên gia thủy lợi Hoàng Vạn Lý 3 lần viết thư cho Giang Trạch Dân
Hoàng Vạn Lý là chuyên gia thủy lợi nổi tiếng, giáo sư của trường đại học Thanh Hoa. Vì phản đối việc xây đập Tam Hiệp, ông từng bị xếp vào phe “cánh hữu”, bị ĐCSTQ chèn ép, chịu oan khuất và bức hại hơn 20 năm. Nhưng ông vẫn kiên quyết bày tỏ quan điểm học thuật của mình. Sau khi có thông tin ĐCSTQ lên kế hoạch xây dựng đập Tam Điệp, Hoàng Vạn Lý đã viết thư cho các cấp lãnh đạo ĐCSTQ, phân tích những nguy cơ tiềm ẩn của công trình Tam Điệp.
Tổng cộng ông có 3 lần gửi thư cho Giang Trạch Dân, là lãnh đạo ĐCSTQ bấy giờ, khuyên giải và thuyết phục tuyệt đối không được xây dựng đập Tam Hiệp, nhưng mọi cố gắng của ông đều là “đá chìm đáy biển”, không nhận được hồi âm.
Hoàng Vạn Lý đã phân tích và dự đoán đập Tam Hiệp sẽ gây ra 12 hậu quả thảm khốc đó là:
Sạt lở ven bờ hạ lưu sông Trường Giang
Cản trở vận tải đường sông
Vấn đề di dân
vấn đề tích đọng bùn cát
Chất lượng nước xấu đi
Lượng điện sản xuất không đủ
Khí hậu biến đổi bất thường
Động đất thường xuyên
Bệnh sán máng lây lan
Suy thoái hệ sinh thái
Lũ lụt nghiêm trọng ở thượng nguồn
Cuối cùng bị buộc phải cho nổ tung
Đến nay, 11 hậu quả đầu tiên đều đã ứng nghiệm, còn lời dự đoán cuối cùng cũng được cho là chuyện không sớm thì muộn cũng xảy ra. Khi hôn mê trong cơn bệnh nặng những năm tháng cuối đời, Hoàng Vạn Lý vẫn lẩm bẩm: “Tam Hiệp! Tam Hiệp, Tam Hiệp, nhất định không được xây!”. Nhưng cuối cùng, ông mang theo niềm tiếc nuối vô hạn, tạ thế ngày 27/8/2001, hưởng thọ 90 tuổi.
Trong cuộc phỏng vấn với đài Á Châu tự do gần đây, Hoàng Quan Hồng, con trai Hoàng Vạn Lý cho biết: “Mặc dù tôi không sống cùng cha trong thời gian dài, nhưng mỗi lần về Bắc Kinh tôi đều nghe ông nói về đập Tam Hiệp. Tôi cũng nhìn thấy thư ông ấy viết cho Giang Trạch Dân”.
Là ủy viên của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Ủy ban toàn quốc Chính Hiệp) của thành phố Bắc Kinh, Hoàng Vạn Lý từng chính thức đưa ra báo cáo tranh luận phản đối việc xây dựng đập Tam Hiệp trong hội nghị Ủy ban Chính Hiệp: “Đập Tam Hiệp gây hại cho đất nước và nhân dân, xin hãy ra quyết định dừng xây dựng”, đính kèm báo cáo là tờ “Đề nghị sắp xếp tranh luận”.
Hoàng Quan Hồng cho biết, cha ông, Hoàng Vạn Lý, đã sớm bị chính quyền bài xích. Chính quyền cũng không dám để Hoàng Vạn Lý ra tranh luận. Hoàng Quan hồng nói rằng, chân lý không sợ thấy mặt trời mà chỉ có lý luận sai trái giả dối mới e ngại bị phơi ra ánh sáng. Chính quyền bấy giờ căn bản không chịu nổi việc biện luận.
Giang Trạch Dân cấm Lý Nhuệ đưa ra ý kiến
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy điện kiêm Thứ trưởng Bộ Tổ chức trung ương ĐCSTQ, Lý Nhuệ, cũng cực lực phản đối công trình Tam Hiệp. Lý Nhuệ qua đời vào ngày 16/2/2019 ở tuổi 101. Ông từng kiêm chức thư ký của Mao Trạch Đông và đã viết cuốn sách “Luận công trình Tam Hiệp”.
Trong bài báo “Công trình Tam Hiệp mà tôi biết”, Lý Nhuệ viết: “Trong cuộc luận chứng Tam Hiệp những năm 80, Hoàng Vạn Lý đã 2 lần đến nhà tôi để nói về ý kiến của mình. Ông ấy đã cho tôi xem bài luận ông ấy viết có tiêu đề “Lời giải thích ngắn gọn về những lý do tại sao đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang không bao giờ được xây dựng”.
Lý Nhuệ viết trong bài báo “Công trình Tam Hiệp mà tôi biết” rằng: “Tam Hiệp là điều tôi phản đối đến cùng trong cuộc đời mình. Tôi vội nói với đứa cháu gái rằng: nếu tương lai Tam Hiệp xảy ra chuyện, cháu phải nhớ kĩ, ông ngoại cháu là người đã kiên quyết phản đối công trình này”.
Tháng 4/1996, Lý Nhuệ viết bài báo cuối cùng liên quan đến việc dừng công trình Tam Hiệp. Khi đó, Giang Trạch Dân đã cấm ông tiếp tục đưa ra ý kiến phản đối. Kể từ đó, Lý Nhuệ không còn viết bài hay sách về vấn đề Tam Hiệp nữa.
Con gái Lý Nhuệ là Lý Nam Anh cũng trả lời phỏng vấn của đài Á Châu tự do rằng, năm đó cha của bà cũng không được tham gia luận chứng tính khả thi của công trình Tam Điệp. Nếu như được tham gia ngay từ đầu, ông nhất định sẽ phản đối tất cả các quan chức ĐCSTQ muốn khởi công Dự án Tam Hiệp.
Công trình Tam Hiệp được quan chức ĐCSTQ gọi là “Hẻm núi cao ngoài Bình Hồ”, đi ngược lại những nguyên lý cơ bản của phòng chống lũ. Hoàng Quan Hồng nói thẳng rằng công trình Tam Hiệp thực chất là một công trình chính trị.
Năm 1992, tại kỳ họp thứ năm của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ bảy của ĐCSTQ, khi 2.633 đại biểu bỏ phiếu về Dự án Tam Hiệp, gần một phần ba số đại biểu phản đối, bỏ phiếu trắng hoặc không nhấn máy bỏ phiếu. Đó là con số kỷ lục về bỏ phiếu trắng hay phản đối trong lịch sử Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Bà Lý Nam Anh nhớ lại: “Cha tôi thẫn thờ bước đi trên con ngõ nhỏ sau khu nhà, thở dài: “Làm thế nào được, làm thế nào được…”.
Lý Bằng “tố” Giang Trạch Dân chủ trì công trình Tam Hiệp
Dự án Tam Hiệp chính thức khởi công vào ngày 14/12/1994, hoàn thành năm 2009. Đập Tam Hiệp mất 17 năm xây dựng và tiêu tốn 200 tỷ NDT. Sau khi đưa vào sử dụng không lâu, lũ lụt ở sông Trường Giang không những chẳng giảm đi mà còn tăng lên. Trung Quốc liên tục hứng chịu thiên tai, thảm họa như: hạn hán nghiêm trọng, nhiệt độ cao, lũ lụt và động đất…
Trong cuốn sách “Bức tranh về kế hoạch lớn – Nhật ký của Lý Bằng về Tam Hiệp” do nhà xuất bản Tam Hiệp xuất bản năm 2003, có viết: “Sau khi Giang Trạch Dân trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, nơi đầu tiên ông ta tới thị sát khi rời khỏi Bắc Kinh chính là đập Tam Hiệp. Sau năm 1989, mọi quyết sách lớn có liên quan đến đập Tam Hiệp đều do Giang Trạch Dân đưa ra”.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông quốc tế Đức Deutsche Welle ngày 1/6/2011, ông Vương Duy Lạc, chuyên gia thủy lợi nổi tiếng sống tại Đức, cho biết công trình Tam Hiệp là một vụ giao dịch chính trị giữa Giang Trạch Dân và Lý Bằng sau khi ông ta nhậm chức.
Vương Duy Lạc nói: “Trước ngày 4/6/1989, Giang Trạch Dân có lẽ còn không rõ Tam Hiệp là gì. Nhưng sau ngày 4/6/1989, nơi ông ta thị sát đầu tiên trong nước chính là công trình Tam Hiệp. Ông ta đến đó để bày tỏ thái độ ủng hộ công trình này”. Ông nhấn mạnh: “Nếu không có sự ủng hộ của Giang Trạch Dân, công trình Tam Hiệp sẽ không thể xây dựng”.
Vương Duy Lạc: Tam Hiệp là thùng thuốc nổ, có thể phát nổ bất cứ lúc nào
Ông Vương Duy Lạc hình dung công trình Tam Hiệp như một thùng thuốc nổ mà chính quyền ĐCSTQ cố gắng hết sức để kìm hãm nhưng rồi nó vẫn có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Mối đe dọa của dự án Tam Hiệp đối với an ninh quốc gia Trung Quốc vượt xa so với vũ khí hạt nhân. Nó là quả “bom hẹn giờ” khổng lồ mà Giang Trạch Dân đã chôn xuống cho Trung Quốc. Khi quả bom này phát nổ cũng là ngày người dân Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả. Một khi đập Tam Hiệp vỡ, 600 triệu người ở hạ nguồn sẽ rơi vào đường cùng.
Từ tháng 6 đến nay, miền nam Trung Quốc đã hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng, mực nước của 84 con sông ở 15 tỉnh thành phố vượt mức cảnh báo. Mực nước của đập Tam Hiệp đã vượt quá ngưỡng cảnh báo lũ 2,24m. Ông Vương Duy Lạc mới đây còn nhắc nhở người dân dân Trung Quốc hãy tìm sẵn lối thoát hiểm, chuẩn bị đồ thoát hiểm bất cứ lúc nào.
Hoàng Tiêu Lộ, con gái ông Hoàng Vạn Lý, cũng lên tiếng cảnh báo trong cuộc phỏng vấn mới đây với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng, lũ lụt ở miền Nam là “thiên nga đen”, mà áp lực chống lũ của đập Tam Hiệp lại như “tê giác xám”, rất có thể sẽ mang đến tai họa ngập đầu.
Trong suốt hơn 70 năm cầm quyền của mình ở Trung Hoa, ĐCSTQ đã liên tục duy trì thói quen “đấu với tất cả” của mình: đấu người, đấu Trời, đấu đất, đấu với Thần Phật. Việc xây dựng ồ ạt những con đập thuỷ điện cũng chính là một nỗ lực hòng cải biến sông núi Trung Hoa, phục vụ cho lòng tham vô đáy về tiền bạc và danh lợi của các quan chức ĐCSTQ.
Văn hoá truyền thống rất coi trọng sự hoà hợp với tự nhiên. Những con sông lớn không chỉ cấp cho con người môi trường, hoàn cảnh sống mà còn là long mạch thực sự giúp ổn định giang sơn, xã tắc. Nhưng ĐCSTQ vô Thần, vốn hoàn toàn để ngoài tai những điều này, luôn muốn làm ra những thứ biến dị, phản thiên nghịch địa. Đập Tam Hiệp chặt ngang lưng Trường Giang chính là quả bom hẹn giờ chết chóc đang đe doạ người Trung Quốc từng giờ, từng ngày. “Vật cực tất phản”, ĐCSTQ hành ác quá nhiều, đã đến lúc phải đền lại những tội ác của mình trong lịch sử. Và biết đâu đấy, khi quả bom Tam Hiệp kia phát nổ cũng là báo hiệu ngày tàn của ác đảng này?
http://biendong.net/tham-su-bi-su/36448-tuong-lai-mo-mit-cua-dap-tam-hiep.html
Tứ Xuyên xuất hiện
trận lũ lụt lịch sử trăm năm mới gặp một lần
Tâm Thanh
CNA đưa tin, những ngày qua, Tứ Xuyên liên tục có mưa lớn kéo dài, thành phố Nhã An, đoạn khu sông Thanh Y xuất hiện đợt lũ lụt lớn trăm năm mới gặp một lần.
Vào lúc 5h sáng ngày 18/8, chính quyền địa phương đã phát lệnh ứng phó khẩn cấp phòng chống lũ lụt cấp 1 lần đầu tiên trong lịch sử. Chính quyền địa phương cũng yêu cầu tình hình kiểm soát lũ phải được thực hiện vô cùng nghiêm ngặt.
Theo tài khoản WeChat “Tứ Xuyên thông báo” của Văn phòng Thông tin Chính phủ tỉnh Tứ Xuyên, trụ sở cứu trợ hạn hán và kiểm soát lũ lụt Tứ Xuyên thông tin rằng, đã có một trận lũ trăm năm mới gặp một lần xảy ra ở thành phố Nhã An, đoạn khu sông Thanh Y. Dự báo toàn bộ lưu vực sông Thanh Y sẽ hoàn toàn vượt quá mực nước an toàn. Vùng hạ lưu sông Đại Độ và hạ lưu sông Mân Giang cũng sẽ xảy ra lũ lớn vượt ngưỡng báo động và an toàn. Tình hình kiểm soát lũ được thực hiện vô cùng nghiêm ngặt.
Bộ chỉ huy Phòng chống lũ lụt và hạn hán tỉnh Tứ Xuyên quyết định bắt đầu triển khai việc ứng phó khẩn cấp nhằm kiểm soát lũ lụt cấp độ 1 vào lúc 5h sáng ngày 18/8. Theo CCTV và Lu Media, đây cũng là lệnh ứng phó khẩn cấp kiểm soát lũ cấp độ I đầu tiên trong lịch sử của Tứ Xuyên.
Căn cứ vào xu hướng lượng mưa hiện tại, dự kiến trạm Tam Hoàng Miếu của sông Đà Giang sẽ hứng chịu lũ lụt vượt quá kỷ lục lịch sử, vùng trung và hạ lưu sông Bồi Giang sẽ tiếp tục hứng chịu lũ lụt vượt quá mực nước an toàn.
Tài khoản “Tứ Xuyên thông báo” cũng chỉ ra rằng trận mưa lớn đêm 17/8 đã khiến mực nước sông Thanh Y dâng cao. Tại thành phố Nhã An, các cây cầu lớn như Ximenqiao, Langqiao, dacaihongqiao, daxingqia và cây cầu lớn bắc qua sông Thanh Y tạm thời không được phép hoạt động.
Ngày 17/8, do lượng mưa lớn liên tục, đất đá bị sạt lở ở Thốc Đầu Câu trên đường cao tốc Đô Vấn, tỉnh Tứ Xuyên, khiến giao thông bị gián đoạn theo cả hai hướng.
Trụ sở Phòng chống lũ lụt và hạn hán tỉnh Tứ Xuyên đã đưa ra cảnh báo màu xanh – mức cảnh báo thảm họa lũ lụt bất ngờ. Theo đó, từ 8h tối ngày 17/8 đến 8h tối ngày 18/8, lũ lụt có thể xảy ra ở huyện Thanh Thần, Nhân Thọ, Vinh và những nơi khác.
Do mưa lớn liên tục ở Tứ Xuyên, trước tình hình kiểm soát lũ được thực hiện ngày càng nghiêm ngặt, Bộ chỉ huy Phòng chống lũ lụt và hạn hán tỉnh Tứ Xuyên phát động ứng phó khẩn cấp phòng chống lũ lụt cấp 2 vào lúc 12h trưa ngày 17/8.
Các cơ sở hạ tầng ở Thành Đô, Đức Dương, Miên Dương, Quảng Nguyên, A Bá đã bị hư hại ở các mức độ khác nhau và ngập úng đã xảy ra ở một số nơi. Miên Dương, Thành Đô, Quảng Nguyên, Đức Dương di dời khẩn cấp hơn 60.000 người.
Tính đến trưa ngày 17/8, 32 con sông, bao gồm Đà Giang, Bồi Giang, Thanh Y, Mân Giang, Đại Độ, Gia Lăng, và các nhánh sông Hoàng Hà có mực nước vượt quá mức báo động và an toàn. Trong đó, dòng chính của sông Đà Giang và một số trạm trên các nhánh của sông Đà Giang, Mân Giang, Bồi Giang và Đại Độ có mực nước vượt quá mực nước an toàn.
Ngày 17/8, Cục Thủy văn thuộc Ủy ban sông Dương Tử thuộc Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc thông báo rằng trận lũ số 5 trên sông Dương Tử trong năm nay đã hình thành ở thượng nguồn. Nó sẽ đi qua đập Tam Hiệp với lưu lượng 70.000 m3/giây, lập kỷ lục về dòng chảy lớn nhất trong năm nay.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tu-xuyen-xuat-hien-lu-lut-tram-nam-moi-gap-mot-lan.html
Trung Quốc sơ tán 100 nghìn người vì lũ lụt
Lũ lụt trên thượng nguồn sông Dương Tử đã khiến chính quyền địa phương phải sơ tán hơn 100 nghìn người hôm 18/8, theo Reuters.
Hãng tin Anh cũng cho biết thêm rằng một di sản thế giới 1.200 tuổi cũng bị đe dọa.
Tin cho hay, các nhân viên, cảnh sát và tình nguyện viên đã phải sử dụng bao tải cát để bảo vệ một tượng phật khổng lồ cao 71 mét, vốn được UNESCO coi là di sản thế giới, ở tỉnh Tứ Xuyên.
Theo kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, lần đầu tiên kể từ năm 1949, nước lụt đã ngập quá chân bức tượng.
Tứ Xuyên, nơi sông Dương Tử chảy qua, hôm 18/8 đã nâng tình trạng khẩn cấp lên mức tối đa và chuẩn bị đối phó với một đợt mưa lớn nữa.
Theo Reuters, mực nước tại một số trạm đo trên sông Dương Tử đã vượt mức an toàn hơn 5 mét.
Quan chức Mỹ: “TQ có thể chiếm Đài Loan
trong 3 ngày vào đầu 2021”
Các nhà bình luận quân sự Mỹ cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ cố gắng xâm lược Đài Loan để đánh lạc hướng người dân khỏi sự tức giận và lo lắng ngày càng gia tăng trong nước.
Trong một bài luận được xuất bản bởi Viện Hải quân Hoa Kỳ, cựu Phó Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA), Michael Morell và cựu Đô đốc James Winnefeld cảnh báo rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thống nhất Đài Loan về với Trung Quốc vào khoảng giữa tháng Giêng năm 2021, Taiwan News đưa tin.
Hai ông Morell và ông Winnefeld đã đặt ra tình huống xấu nhất trong bài báo. Họ cho rằng hoạt động sẽ diễn ra nhanh chóng, “bắt đầu vào tối ngày 18/1”, trước lễ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ. Tại thời điểm này, phương Tây đang bị phân tâm bởi cuộc bầu cử Hoa Kỳ và đại dịch COVID-19 đang diễn ra, do vậy các tác giả tin rằng “hoạt động” này sẽ hoàn thành chỉ trong vòng 3 ngày.
“Trung Quốc sẽ thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm làm tê liệt Đài Loan bằng cách vô hiệu hóa lưới điện quốc gia và các tiện ích quan trọng khác. Tiếp theo là cuộc phong tỏa đường không và đường biển nhanh chóng, với một số tàu ngầm của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) tham gia hành động,” bài luận viết.
Các tác giả tin rằng việc phong tỏa sẽ mở đường cho cuộc đổ bộ của lực lượng PLA. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc Úc và các đồng minh thân cận khác của Đài Loan rằng ‘không được can thiệp’.
Vào ngày thứ hai sau hành động quân sự, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ sụp đổ do tình trạng hỗn loạn. Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đưa ra những tuyên bố lên án vụ tấn công, nhưng chỉ có vậy. Washington, bị sa lầy bởi nhiều vấn đề, sẽ không thể phản ứng, các tác giả nhận định.
Vào ngày thứ ba sau cuộc tấn công, hai ông Morell và Winnefeld tin rằng đã quá muộn để Washington có thể đảo ngược thiệt hại. Sau đó, ông Tập sẽ minh oan cho cuộc xâm lược bằng cách nói với thế giới, “Giấc mơ Trung Hoa” đã thành hiện thực và “chào đón người dân Đài Loan trở về nhà.”
Trước đó, theo một số nhà phân tích quân sự nói với SCMP, việc Trung Quốc tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận tại hai đầu phía bắc và phía nam của eo biển Đài Loan cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị để giành quyền kiểm soát hòn đảo tự trị. Các dấu hiệu khác bao gồm việc PLA mở rộng các căn cứ quân sự ven biển và triển khai các đơn vị lính đổ bộ trong khu vực.
Chuyên gia quân sự Zhou Chenming tại Bắc Kinh cho biết các cuộc tập trận gần đây là một “cảnh báo chính trị” về mối quan hệ ngày càng tăng giữa Đài Bắc và Washington, bao gồm chuyến thăm 4 ngày của Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar tới hòn đảo trong tuần này.
Nó cũng nhằm đáp lại bài phát biểu video của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với Viện Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, vào hôm thứ Tư (12/8), trong đó bà nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tăng cường phòng thủ để bảo vệ nền dân chủ của hòn đảo tự trị trước các “hành động cưỡng chế” của Bắc Kinh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm thứ Sáu (14/8) cho biết các cuộc tập trận gần Đài Loan là phản ứng trước “tín hiệu tiêu cực và nghiêm trọng” gửi tới các lực lượng đòi độc lập Đài Loan. “PLA muốn cảnh báo người Đài Loan rằng Đại lục sẽ thực sự hành động nếu họ đi quá xa nguyên tắc‘ một Trung Quốc ’và tuyên bố độc lập,” ông Triệu Lập Kiên nói.
Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự tại Hồng Kông, nhận định các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn hơn nhắm vào Đài Loan sẽ được tổ chức trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Nhà bình luận quân sự cũng cho hay PLA đã bắt đầu thử nghiệm và mô phỏng tác chiến trong các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, coi các cuộc tập trận đó là diễn tập cho một số hoạt động quân sự có thể xảy ra để “thống nhất Đài Loan.”
Hôm Thứ Năm (13/8), Đài Loan đã công bố tăng 42.1 tỷ Đài Tệ, tương ứng với 1.4 tỷ đô la Mỹ ngân sách quốc phòng năm 2021 trước sự đe doạ từ Trung Quốc.
Các hãng tin AFP và Bloomberg hôm 14/8 cũng cho hay Đài Loan đã ký một hợp đồng 10 năm với Mỹ trị giá 62 tỷ USD cho nhiều hạng mục quân sự, bao gồm việc mua 66 máy bay chiến đấu phản lực F-16V.
Trung Quốc chỉ trích Mỹ
cho khu trục hạm băng qua Eo biển Đài Loan
Quân đội Trung Quốc hôm 19/8 nói rằng việc hải quân Mỹ đưa tàu tới gần Đài Loan là hành động “hết sức nguy hiểm” và việc gây bất ổn như vậy không có lợi cho cả hai nước, theo Reuters.
Khu trục hạm được trang bị tên lửa dẫn đường USS Mustin đã băng qua Eo biển Đài Loan hôm 18/8, theo Hải quân Mỹ.
Tin cho hay, đây là các chuyến đi khá thường xuyên trong những tháng gần đây và luôn làm Trung Quốc tức giận.
Chiến khu Đông bộ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa cho biết rằng các lực lượng không quân và hải quân của họ đã theo dõi khu trục hạm trên trong suốt hành trình, đồng thời tuyên bố sẽ luôn cảnh giác cao độ để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói rằng tàu của Mỹ tiến hành “nhiệm vụ thông thường” và băng qua Eo biển Đài Loan theo hướng phía nam.
Sự việc diễn ra một tuần sau khi Bộ trưởng Y tế Alex Azar trở thành quan chức Mỹ cấp cao nhất thăm Đài Loan trong nhiều thập kỷ. Trung Quốc đáp lại bằng cách triển khai chiến đấu cơ gần Đài Loan.
Dự báo: Bắc Kinh sẽ sắp phải hứng
‘đòn’ trừng phạt tiếp theo của Mỹ
Tâm Thanh
Làn sóng trừng phạt thứ hai của Mỹ đối với chính quyền Trung Quốc sắp bắt đầu, ở lần này, con cháu của các quan chức trong chế độ đỏ cũng có thể sẽ bị nhắm mục tiêu, theo Epoch Times bản tiếng Hoa.
Ngày 10/8, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ người sáng lập Next Media Lê Trí Anh (Jimmy Lai) và hai con trai của ông theo luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc. Cùng bị bắt trong ngày hôm đó còn có nhà hoạt động trẻ tuổi Châu Đình và một số nhà hoạt động dân chủ khác.
Một số phương tiện truyền thông Hồng Kông đã dự báo rằng làn sóng trừng phạt thứ hai của Mỹ đối với Hồng Kông sẽ sớm đến, bao gồm cả các lệnh trừng phạt đối với con cháu của của các quan chức ĐCSTQ.
Sau khi ông Lê Trí Anh bị bắt, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói rằng ông quan ngại về việc này và việc ông Lai bị bắt càng cho thấy rõ rằng ĐCSTQ đã phá hủy tự do của Hồng Kông.
Theo bản tin ngày 15/8 của Apple Dailly, ông Solomon Yue, phó chủ tịch Tổ chức các vấn đề hải ngoại của Đảng Cộng hòa Mỹ, tiết lộ trên Twitter rằng, do vụ bắt giữ ông trùm truyền thông Lê Trí Anh, vòng trừng phạt thứ hai của Mỹ sẽ sớm đến, và sẽ nhắm vào thế hệ thứ hai và thứ ba của các quan chức trong chế độ đỏ.
Ngày 7/8, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố các lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức ĐCSTQ vì đã “phá hoại quyền tự trị và tự do của Hồng Kông”.
Nhà bình luận Vương Hữu Quân nói rằng, các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã đánh vào “điểm yếu” của tổ chức này.
Trong 41 năm qua, gia đình và con cái của các quan chức cấp cao trong ĐCSTQ đã di cư đến Hoa Kỳ và các nước phương Tây phát triển khác với số lượng lớn, đồng thời họ cũng đã mang theo một lượng tài sản tham nhũng khổng lồ của cha ông họ sang những nước này.
Theo chuyên gia Viên Cung Di, số tiền mà các gia đình quyền lực trong ĐCSTQ chuyển ra nước ngoài có thể lên tới 10 nghìn tỷ đô la Mỹ. Trong đó, phần lớn nhất thuộc về các thành viên trong gia đình cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, khoảng 1 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Nói về việc chính quyền Hồng Kông bắt giữ ông Lê Trí Anh, ông Viên Cung Di cho biết hành động này sẽ khiến ĐCSTQ phải trả giá đắt vì người Mỹ và người Anh vô cùng căm ghét các hành vi đàn áp dân chủ, nhân quyền.
Ngày 13/8, tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, sau khi phóng viên Epoch Times đề nghị Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết quan điểm về việc chính quyền Hồng Kông bắt giữ ông Lê Trí Anh, ông Trump nói rằng “Tôi nghĩ đây là một chuyện khủng khiếp”, và cho biết thêm “Tôi chán ngán khi chứng kiến những gì đã xảy ra ở Hồng Kông, bởi vì tự do là một điều tốt”.
Đối mặt với việc Hoa Kỳ từ chối cấp thị thực, hủy bỏ thị thực, từ chối nhập cảnh, hủy bỏ tình trạng thường trú nhân (thẻ xanh), hủy bỏ quốc tịch, trục xuất, đóng băng tài sản, ngừng giao dịch, xóa khỏi hệ thống tài chính toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo và các biện pháp trừng phạt khác, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, cho dù họ hiện vẫn đang đương nhiệm hay đã nghỉ hưu, cũng như gia đình và con cái của họ, liệu có thể không sợ hãi không?, Epoch Times đặt câu hỏi.
https://www.dkn.tv/the-gioi/du-bao-bac-kinh-se-sap-phai-hung-don-trung-phat-tiep-theo-cua-my.html
Thái Lan: Biểu tình lan rộng tới các trường trung học
Trong giờ hát quốc ca hôm thứ Ba 18/8, các học sinh của hàng chục trường trung học Thái Lan giơ 3 ngón tay lên theo kiểu chào trong phim ‘Hunger Games’ của Hollywood là dấu hiệu cho thấy các cuộc biểu tình chống chính phủ do sinh viên lãnh đạo đã lan sang các trường trung học.
Các cuộc biểu tình khởi sự từ các khuôn viên viện đại học diễn ra gần như mỗi ngày từ trung tuần tháng Bảy, trong một hành động thách thức chế độ cai trị hiện hành tại Thái Lan, nơi mà từ lâu đã bị thống trị bởi quân đội và hoàng gia.
Các cuộc biểu tình tại các trường trung học diễn ra vào buổi tập hợp buổi sáng hôm thứ Hai. Kiểu chào giơ 3 ngón tay là một biểu tượng kêu gọi dân chủ từ khi Thủ Tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha mới lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014.
Một số học sinh đeo dây ruy băng màu trắng để ủng hộ những người biểu tình đấu tranh để đòi Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha phải ra đi, lập ra một bản hiến pháp mới, đồng thời chấm dứt những hành
động sách nhiễu đối với các nhà hoạt động. Một số học sinh cũng kêu giọ cải cách nền quân chủ, vốn là một đề tài cấm kỵ.
Nhà trường không đáp lại yêu cầu xin bình luận của Reuters.
Phát biểu tại một hội chợ giáo dục ở Bankok hôm thứ Hai 17/8, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Nataphol Teepsuwan nói rằng sinh viên học sinh có quyền bày tỏ ý kiến và không nên bị trừng phạt, nhưng cùng lúc khuyến cáo cái gì cũng phải có giới hạn, và họ không nên vượt qua giới hạn đó.
Thủ Tướng Prayuth nói với các nhà báo rằng ông sẵn sàng lắng nghe sinh viên, nhưng ông tỏ ra hoài nghi về động lực của một số sinh viên học sinh, có thể bị bắt buộc tham gia các cuộc biểu tình.
Người biểu tình tố cáo ông Prayuth là bám víu quyền lực một cách bất công sau khi tập đoàn quân phiệt của ông đề ra những luật mới. Ông Prayuth nói các cuộc bầu cử đều công bằng.
Học sinh còn phản đối điều mà họ cho là tình trạng thiếu dân chủ trong các sinh hoạt tại nhà trường, từ xếp hàng mỗi ngày hát quốc ca, cho tới những quy định nghiêm khắc về đồng phục, kiểu tóc, và cách ứng xử.
https://www.voatiengviet.com/a/thai-lan-bieu-tinh-lan-rong-toi-cac-truong-trung-hoc/5548478.html
Thái Lan ra trát bắt
người biểu tình kêu gọi cải tổ chế độ quân chủ
Chính quyền Thái Lan đã ra trát bắt đối với sáu người biểu tình tuần hành, kêu gọi cải tổ chế độ quân chủ tuần trước, theo Reuters.
Hãng tin Anh dẫn lời cảnh sát cho biết rằng các cáo trạng đối với sáu người không liên quan tới các yêu cầu đưa ra tại cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn người tại Đại học Thammasat vào ngày 10/8 mà vì vi phạm an ninh nội bộ và các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus Corona cũng như các vi phạm hình sự về máy tính.
Sáu nhà hoạt động bao gồm sinh viên 21 tuổi Panusaya Sithijirawattankul, người đọc bản tuyên ngôn yêu cầu cải tổ chế độ quân chủ lập hiến.
Ngoài ra, những người khác còn có Anon Nampa, nhà hoạt động đầu tiên kêu gọi cải tổ hoàng gia và cũng từng bị truy tố về các cuộc biểu tình trước đó.
Theo Reuters, các cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu đã diễn ra gần như hàng ngày trong suốt hơn một tháng để yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, một cựu lãnh đạo quân nhân, từ chức.
Ngoài ra, họ cũng yêu cầu thảo bản hiến pháp mới và chấm dứt sách nhiễu các nhà hoạt động.
Một số sinh viên cũng kêu gọi tiến hành các cải tổ nhằm kiềm chế quyền lực của Quốc vương Maha Vajiralongkorn đối với hiến pháp, quân lực và tài sản của hoàng gia. Reuters cho rằng việc đó đã đụng chạm tới một chủ đề cấm kỵ lâu nay ở Thái Lan.
Malaysia bắt 7 tàu cá Việt Nam
sau vụ bắn chết ngư dân trên biển
Cơ quan thực thi pháp luật trên biển Malaysia hôm 18-8-2020 thông báo cho biết, cơ quan này đã bắt tổng cộng 9 tàu cá cùng với 111 ngư dân Việt Nam chỉ trong 3 ngày bao gồm cả 2 chiếc vào ngày 16 và 17-8 trong vụ đụng độ khiến 1 người Việt tử vong.
Giám đốc Cơ quan thực thi pháp luật trên biển bang Pahang, Đô đốc Haji Amran bin Haji Daud cho biết, 7 tàu cá Việt Nam bị bắt vào ngày 16-8 vừa qua, trong khi đó, có thêm 2 tàu đánh cá cũng của Việt Nam bị bắt vào tối 17-8.
Theo ông này, tất cả những chiếc tàu cá bị bắt giữ tại khu vực cách Kuala Kemaman từ 68-147 hải lý. 111 người này có độ tuổi từ 17 đến 55 tuổi.
Số tàu và hải sản bị Malaysia thu giữ lần này có giá trị lên đến 10 triệu Ringgit (khoảng 55 tỷ đồng) không bao gồm chiếc tàu cá bị chìm.
Theo Đô đốc Haji Amran bin Haji Daud, phía ông cho rằng có 4/9 tàu cá có sơn số hiệu đăng ký ở địa phương nhằm che mắt chính quyền và tránh bị bắt giữ.
Ngoài ra, phía Malaysia cáo buộc ngư dân Việt Nam tự phá hoại một tàu cá mang số hiệu KG 91518 TS khiến chiếc này bị chìm cách Kuala Kemaman 30 hải lý, may mắn là 3 thành viên của cơ quan thực thi pháp luật trên biển Malaysia cùng các ngư dân được giải cứu thành công.
Như chúng tôi đã thông tin, Cơ quan thực thi pháp luật trên biển Malaysia đã bắn chết 1 ngư dân người Việt vào chiều 16-8 và bắt giữ 18 người khác.
Theo cơ quan này 2 chiếc tàu cá của tỉnh Kiên Giang cố đâm tàu và ném những túi nylong xăng vào tàu tuần tra trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17-8 lên tiếng “yêu cầu phía Malaysia xác minh, điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm nhân viên công vụ làm ngư dân Việt Nam thiệt mạng, đối xử nhân đạo với ngư dân và tàu cá Việt Nam”.
Bầu cử Mỹ: Người Úc nhìn Trump
qua lăng kính Mỹ – Úc – Trung
Nguyễn Quang Duy
Chúng ta biết người Úc không có quyền bầu tổng thống Mỹ, nhưng vì chính trị Mỹ ảnh hưởng đến tình hình chính trị thế giới, nhất là đến quan hệ Mỹ – Úc – Trung nên không có gì phải ngạc nhiên khi người Úc rất quan tâm đến cuộc bầu cử Mỹ 2020.
Kamala Harris có thể giúp hay gây bất lợi cho Joe Biden ra sao?
Trump lặp lại giả thuyết về “sinh quán” đối với Kamala Harris
Báo Úc và bà Kamala Harris
The Australian, tờ báo duy nhất phát hành toàn nước Úc, và có thể nói là tờ báo uy tin nhất nước Úc, ngay khi nghe tin bà Kamala Harris được chọn làm Ứng cử viên Phó Tổng Thống đã đăng một hí họa có hình ông Joe Biden chỉ vào bà Harris mà nói:
“Đã đến lúc hàn gắn một quốc gia bị chia rẽ bởi phân biệt chủng tộc… vì thế tôi giao cho bạn ‘cô gái da nâu nhỏ bé’ này trong khi tôi đi nghỉ”.
Bức hí họa bị tờ The Guardian và một số chính trị gia cánh tả Úc công kích cho là mang tính kỳ thị màu da khi dùng các từ ngữ “cô gái da nâu” chỉ đích danh bà Harris.
Chủ bút tờ The Australian trả lời các từ ngữ nói trên là của chính Ứng cử viên Tổng thống Joe Biden đã giới thiệu bà Harris như sau:
“Sáng nay, trên khắp đất nước, các cô gái nhỏ thức dậy – đặc biệt là các cô gái da đen và da nâu, những người thường cảm thấy bị coi thường và đánh giá thấp trong cộng đồng – nhưng hôm nay, hôm nay, chỉ có thể, lần đầu tiên họ nhìn thấy mình theo một cách mới: như đặc thù của tổng thống và phó tổng thống.”
Theo tôi nhận thấy thì bức hí họa thực ra là nhằm mỉa mai phương cách tranh cử kiểu chính trị bản sắc (identity politics) dựa vào màu da, sắc tộc và giới tính, nhằm thu hút cử tri của đảng Dân Chủ, nhưng đồng thời nói lên sự quan tâm của người Úc về cuộc tranh cử tại Mỹ lần này.
Diều hâu và két
Còn bản tin tựa đề: “Nước Úc cần Trump thắng cử vì chúng ta không thể đơn phương đối đầu với Trung cộng” được phổ biến trên Sky News Australia ngày 9/8/2020.
Theo bản tin Thượng nghị sĩ đảng Tự Do James McGrath tuyên bố thẳng thừng Tổng Thống Trump cần thắng cử để thế giới đứng lên chống lại Bắc Kinh vì “Trung Quốc cộng sản là mối đe dọa lớn nhất nhằm duy trì trật tự thế giới hiện nay”.
Theo ông McGrath, đối với Bắc Kinh, Tổng thống Trump sẽ phản ứng mạnh hơn ứng cử viên Joe Biden: “khi phải đối phó với những kẻ bắt nạt mình, chúng ta không thể xoa bóp, hòa dịu bọn chúng, chúng ta phải đứng lên chống lại bọn chúng”.
Theo Thượng nghị sĩ McGrath về đối ngoại: “Biden không phải là diều hâu, ông ấy giống như một con két”.
Ông McGrath cho biết Úc cần bảo đảm có một liên minh sẵn sàng chống lại Trung cộng, vì thế Úc cần ủng hộ một tổng thống Mỹ mạnh mẽ cứng rắn và người ấy chính là ông Trump.
Người Úc nghĩ gì về Mỹ và Trung…
Thế nhưng, theo cuộc khảo sát của Viện Lowy của Úc vào tháng 3/2020, phổ biến ngày 26/6/2020 thì chỉ có 51% người Úc tin tưởng Hoa Kỳ hiện nay hành động có trách nhiệm với thế giới.
Nhưng có đến 55% người Úc tin rằng quan hệ với Mỹ quan trọng hơn với Trung Quốc cộng sản, trong khi chỉ 40% cho rằng quan hệ với Trung Quốc quan trọng hơn với Mỹ.
Lên đến 78% cho biết việc liên minh với Mỹ rất quan trọng hoặc khá quan trọng đối với an ninh của Úc, tăng sáu điểm so với khảo sát năm 2019.
Niềm tin của người Úc vào Bắc Kinh giảm xuống mức thấp kỷ lục từ 52% vào năm 2018 xuống còn 23%, mất 29 điểm.
Lên tới 40% hàng hóa xuất cảng từ Úc đã nhập cảng vào Trung cộng, nên 94% người Úc muốn chính phủ tìm kiếm các thị trường khác để giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung cộng.
Đồng thời có đến 88% ủng hộ cuộc Đối thoại An ninh Tứ giác, đối thoại bốn bên giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, do Tổng thống Trump mở ra từ năm 2017.
Cuộc thăm dò còn cho thấy khi xảy ra xung đột giữa các giá trị dân chủ và lợi ích kinh tế với Trung cộng, lên đến 60% người Úc nói rằng chính phủ nên coi các giá trị dân chủ của Úc quan trọng hơn thương mãi và 84% tin rằng Úc nên trừng phạt các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền.
Về cá nhân Tổng thống Trump chỉ 30% người Úc bày tỏ tin tưởng ông “sẽ làm điều đúng đắn liên quan đến các vấn đề thế giới”, tỷ lệ này đã tăng năm điểm so với chỉ số 25% vào năm 2019.
Cuộc khảo sát thực hiện đã 6 tháng, khi ấy đại dịch virus corona chưa bùng nổ và Bắc Kinh chưa công khai bộ mặt ngoại giao “chiến lang” hăm dọa nước nhỏ, quan điểm của người Úc nhìn chung đã xem Trung Quốc như một mối đe dọa đến an ninh nội trị Úc.
Nay thì đại dịch đánh mạnh vào Úc. Từ ngày 5/8/2020 lần đầu tiên trong lịch sử thành phố Melbourne bị giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng, người dân chỉ được ra đường mỗi ngày 1 giờ để tập thể thao bằng cách đi hay chạy bộ, mỗi nhà mỗi ngày chỉ được một người đi chợ mua sắm, mọi người phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và không được rời khỏi nhà quá 5 cây số.
Hiện các trường học đóng cửa, hầu hết các doanh nghiệp đóng cửa, mọi quy định được kiểm soát gắt gao với những hình phạt nặng nề cho người vi phạm.
Mọi hoạt động kinh tế của tiểu bang Victoria đều ngừng trệ, Victoria bị cô lập với các tiểu bang khác và với thế giới.
Cộng đồng Việt thì sao?
Cộng đồng Người Việt Tự do tại Úc sinh hoạt dựa trên nguyên tắc phi đảng phái chính trị nên sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với chính phủ khi cần, nhưng đồng thời công khai nêu quan điểm khi chính phủ hành xử thiếu minh bạch.
Cộng đồng đã chính thức ngỏ lời cùng Chính phủ Andrews nếu cần có thể sử dụng Đền thờ Quốc tổ tại Victoria như một trung tâm y tế tạm thời chữa trị cho những nạn nhân nhiễm dịch bệnh.
Nhưng đồng thời Cộng đồng bằng nhiều cách khác nhau, kể cả việc biểu tình phản đối Chính phủ Lao động Andrews thiếu minh bạch ký kết hợp đồng liên quan đến chiến lược “Vành Đai, Con Đường”.
Vừa rồi gia đình tôi nhận được một lá thư viết bằng tiếng Việt từ Dân biểu liên bang Bill Shorten cho biết ông và đảng Lao động không chủ trương tham gia chiến lược “Vành Đai, Con Đường” vì không có ưu tiên nào lớn hơn nền an ninh quốc gia và chủ quyền nước Úc.
Úc – Mỹ đồng minh chiến lược
Quốc Hội Úc đã chính thức thông qua Đạo Luật cấm Huawei phát triển mạng 5G và nhiều Đạo luật nhằm giới hạn người nước ngoài đầu tư vào Úc.
Năm 2018, Úc thông qua hai Đạo luật chống can thiệp của chính phủ nước ngoài, trọng tâm nhắm vào Bắc Kinh can thiệp nội trị và an ninh nước Úc.
Vào đầu tháng 7/2020, Chính phủ Úc công bố tăng ngân sách quốc phòng trên 40% lên đến $270 tỉ Úc kim trong vòng 10 năm tới, Thủ tướng Scott Morrison cho biết:
“Chúng ta muốn khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương được cởi mở tự do, không bị hiếp đáp. Chúng ta muốn một khu vực trong đó các nước lớn nhỏ đều có thể tiếp cận nhau một cách tự do theo luật pháp quốc tế. Không có gì là vô lý hay tham vọng quá đáng, các nước đều theo đuổi quyền lợi riêng và không muốn bị can thiệp từ bên ngoài, Úc cũng muốn theo đuổi những quyền lợi của mình.”
Cuối tháng 7/2020, hai bà Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds đã sang thủ đô Washington họp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper để bàn về chiến lược phòng vệ Thái Bình Dương từ những đe dọa quân sự của Bắc Kinh.
Về lại Úc theo luật hiện hành hai bà đã bị cách ly 15 ngày đủ thấy sự quan tâm của Chính phủ Úc trong công cuộc chung bảo vệ thế giới tự do.
Từ sau Thế chiến II Úc và Mỹ đã trở thành hai đồng minh chiến lược luôn sát cánh bên nhau không phân biệt chính trị đảng phái nội bộ quốc gia.
Từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, Mỹ và Úc có khá nhiều khác biệt về chính sách, nhưng ông Trump và Chính phủ của ông luôn đối thoại, tìm hiểu và triệt để tôn trọng người Úc, thật khó nghĩ ra điều gì có thể trách cứ ông.
Trung Quốc này thành vấn đề nội trị nước Mỹ, theo cuộc khảo sát Pew công bố vào tháng 3/2020, có tới 91% người Mỹ xem sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới là mối “đe dọa” đối với nước Mỹ.
Dự thảo Cương Lĩnh của đảng Dân chủ Mỹ vừa phổ biến cho biết sẽ cứng rắn với Trung Quốc nhưng vẫn xem Trung Quốc như một yếu tố quốc tế hơn là yếu tố nội trị mà nhiều ý kiến cho là “đang tàn phá nước Mỹ” về nhiều mặt.
Cương Lĩnh cho biết sẽ thành lập một liên minh quốc tế nhưng tôi không thấy có nội dung nói rõ liên minh với ai và để làm gì. Mọi điều viết ra có vẻ chỉ nhằm đả kích ông Trump mà chưa đưa ra đường lối, chiến lược rõ ràng.
Quyền bầu cử Tổng thống là quyền của công dân Mỹ, nhưng quyền nhận xét và ủng hộ ông Trump, ông Biden hay trung dung là quyền của bạn của tôi và của tất cả mọi người trên toàn thế giới.
Ngày bỏ phiếu ở Mỹ 3/11/2020 sẽ tới và rồi sẽ trôi qua, tôi xin phép giữ thái độ trung dung không đả kích ông này ủng hộ ông kia, chỉ mong giải thích một số góc cạnh chính trị một cách trung thực nhất, chỉ có sự thật mới có thể thuyết phục chính mình và bạn đọc.
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy, nhà hoạt động cộng đồng tại Melbourne, Úc.