Belarus: Tổng thống Loukachenko ngày càng cô độc
Nắm quyền từ năm 1994, sau khi Liên Xô tan rã, tổng thống Loukachenko cô đơn hơn bao giờ hết từ khi ông đắc cử nhiệm kỳ sáu với hơn 80% phiếu. Người bị đối lập đặt cho biệt danh là «tổng thống 3%» bị tố cáo gian lận để tiếp tục nắm quyền. Tuy nhiên, trong nước, phong trào phản kháng ngày càng lan rộng đến mọi tầng lớp dân chúng. Liệu «người hùng» đã đến ngày tàn?
Hình ảnh tổng thống Belarus bị công nhân nhà máy cơ khí MZKT xua đuổi, tức giận leo lên trực thăng ra về hôm thứ Hai 17/08/2020 có thể là tiếng chuông cảnh tỉnh Loukachenko sau 26 năm cầm quyền ?
Dân bỏ
Ngày hôm trước, đối lập đã huy động một cuộc biểu tình đông đảo chưa từng thấy tại thủ đô Minsk. Giới trẻ thành phố, có học thức cùng với thành phần công nhân xí nghiệp quốc doanh, kẻ xuống đường, người bãi công cùng một mục đích : nhà độc tài phải từ chức để đất nước được tự do.
Hôm nay, đến lượt giới phóng viên, ký giả của truyền hình Nhà nước, công cụ tuyên truyền số một của chế độ, đình công. Một loạt ký giả nổi tiếng loan báo từ chức. Một tin xấu nữa là nhân viên của tập đoàn Belaruskali, xí nghiệp sản xuất hóa chất Kali chế tạo phân bón, tham gia đình công gây sức ép. Mà phân bón là nguồn ngoại tệ quan trọng của Belarus .
Tình hình hiện nay tại Belarus, theo nhà phân tích Pháp Renaud Girard (*) không khác chi Serbia năm 2000, trước khi nhà độc tài Milosevic bị lật đổ.
Bị dân trong nước bỏ rơi, tổng thống Loukachenko kỳ vọng vào hỗ trợ của nước ngoài.
Nga lạnh nhạt
Từ khi khủng hoảng xảy ra, tổng thống Belarus nhiều lần cầu cứu Matxcơva và mong chờ tổng thống Vladimir Putin ủng hộ. Thế nhưng thông cáo của điện Kremlin không thể hiện chút đồng cảm nào đặc biệt đối với Loukachenko. Trái lại, nội dung ngắn gọn chỉ nhắc lại các điều khoản của Tổ Chức An Ninh Chung OTSC mà Nga, Belarus cùng bốn nước Trung Á là thành viên. OTSC cũng như NATO chỉ can thiệp bảo vệ một thành viên khi thành viên đó bị nước ngoài tấn công. Hiện nay, có cường quốc nào muốn xâm lăng Belarus ?
Vladimir Putin cũng khó có thể có thiện cảm với hành động của Loukachenko đón tiếp trọng thế ngoại trưởng Mỹ tại Minsk hôm đầu tháng 02. Mike Pompeo lợi dụng lúc Putin và Loukachenko bất hòa trên hồ sơ khí đốt để đề nghị bán dầu hỏa cho Belarus.
Châu Âu chế tài
Về phần châu Âu, từ trước đến nay, vì muốn kéo Belarus ra xa ảnh hưởng Nga nên bị Loukachenko bắt chẹt. Mỗi lần muốn được Bruxelles viện trợ và giảm nhẹ cấm vận, Loukachenko thả một vài nhà đối lập, sau đó đâu lại vào đó, thậm chí tệ hơn nữa. Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, ba ứng cử viên có uy tín của đối lập bị bắt giam, không kể một người đang thọ án 15 năm, còn một người thoát qua Nga lánh nạn. Hệ quả không ngờ của vụ đàn áp này là Svetna Tikhanovskaia, thay chồng là blogger đang ngồi tù, ra ứng cử và trở thành thần tượng của đối lập và được một số nước của châu Âu hậu thuẫn .
Thượng đỉnh châu Âu vào ngày 19/08 sẽ cho thấy rõ hơn lập trường của Bruxelles nhưng qua tuyên bố của chính phủ Đức, trong giải pháp hoà giải, đối thoại qua trung gian Tổ Chức An Ninh Và Hợp Tác Châu Âu có phần kiểm lại phiếu và chế tài trừng phạt vi phạm nhân quyền.
Người mới
Theo suy đoán của nhà báo Pháp Renaud Girard, Matxcơva có thể giải quyết được khủng hoảng Belarus, vừa bảo vệ được quyền lợi địa chiến lược, vừa không cần chiến xa khiêu khích NATO và gây hận thù với người dân Belarus : đó là thay thế Lukachenko bằng một nhân vật khác, ôn hòa, được đối lập và Matxcơva chấp nhận.
Về phần tổng thống Loukachenko, ông vừa tung lá bài cuối cùng là « chấp nhận thay đổi Hiến Pháp ». Thực ra, đó là dụng ý kéo dài thời gian, rình rập thời cơ và chia rẽ đối lập, theo phân tích của chuyên gia Nga Alexandre Baounov. Thành bại ra sao đó là chuyện khác.
Ghi chú : (*) : La ligne rouge de la révolution Biélorusse , Le Figaro 18/08/2020
RFI – Tú Anh – 18/08/2020