Đọc báo Pháp – 17/08/2020
Belarus: Khi người dân hết sợ bạo lực – Tú Anh
Phong trào phản kháng ngày càng mạnh tại Belarus và thái độ thận trọng của Nga là chủ đề nóng của báo chí Pháp ngày 17/08/2020.
Bước ngoặt ở Belarus
Nhân dân xuống đường, tựa của La Croix với ảnh một phụ nữ, nắm tay đưa cao cùng với 200.000 người biểu tình hôm Chủ Nhật. Liberation minh họa « Bước ngoặt ở Belarus » với bức ảnh một thanh niên choàng lá cờ trong rừng người trùng điệp. Le Monde đăng một loạt bốn bài : Lukachenko đối mặt với một cuộc đình công lớn chưa từng thấy đòi lật đổ chế độc tài. Một phóng viên Nga kể lại 24 giờ trong bàn tay cảnh sát Belarus cùng với hàng trăm người biểu tình bị tra tấn trong một nhà giam. Tại Nga, chính quyền và đối lập cũng theo dõi diễn biến tình hình tại nước láng giềng.
Liên Hiệp Châu Âu phải hỗ trợ đối lập
Le Monde giải thích vì sao phải can thiệp và Liên Hiệp Châu Âu phải ngăn chận « cuộc chiến chống nhân dân » ở Belarus, tựa của bài xã luận.
Mỗi buổi chiều, tại Minks và các thành phố lớn, người dân Belarus cùng nhau nối vòng tay lớn đối đầu với lực lượng cảnh sát chống bạo động của nhà độc tài Lukachenko từ khi kết quả bầu cử tổng thống ngày 09/08/2020 được thông báo : 80,2%. Đối thủ Svetlana Tsikhanovkaia, chồng bị giam, bản thân bị đe dọa, phải chạy sang Litva lánh nạn, sau khi can đảm thách thức nhà độc tài qua thùng phiếu. Tỷ lệ 9,9% theo kết quả chính thức, là hoàn toàn phi lý nếu thấy những đám đông ủng hộ diễn văn tranh cử và quan sát cuộc kiểm phiếu. Lựu đạn cay, dùi cui, vòi rồng, đạn cao-su, đạn thật, bắt giam hàng ngàn người là cách trả lời của chế độ đang hụt hơi đáp lại cuộc tranh đấu ôn hoà của người dân không còn chấp nhận một chế độ độc tài và gian lận. Sau khi nhấn mạnh đến lập trường ôn hoà chừng mực của nữ ứng cử viên Svetlana Tsikhanovkaia, chỉ mong có một điều duy nhất là tổ chức bầu cử tự do, và thái độ bình tĩnh của người biểu tình, phản ánh tinh thần trách nhiệm và quyết tâm của đối lập bài xã luận nhận định : thế nhưng, nếu không được bên ngoài trợ giúp, thì phong trào xuống đường, một mình khó có thể cảnh tỉnh được Lukachenko, lãnh đạo Belarus đến nhiệm kỳ sáu, lắng nghe tiếng nói của lý trí .
Theo nhật báo độc lập, Liên Hiệp Châu Âu đừng có tiếp tục hy vọng thuyết phục Lukachenko xa rời ảnh hưởng của điện Kremlin, tiến hành cải cách để hết bị châu Âu trừng phạt.
Nhà độc tài Belarus đã chứng tỏ là một cao thủ đi dây, sử dụng Bruxelles chống Matxcơva và ngược lại.
Putin, cũng trong tình trạng « tái đắc cử vất vả », tuy nhanh chóng chúc mừng nhưng sự giúp đỡ của Matxcơva gắn liền với điều kiện Belarus phải « tăng cường hội nhập » vào Liên bang Nga.
Trong phương trình này, Liên Hiệp Châu Âu phải lên án chính sách đàn áp của chế độ, phải ủng hộ khát vọng dân chủ của người dân muốn tổ chức bầu cử tự do. Liên Hiệp Châu Âu phải sẵn sàng ban hành các biện pháp trừng phạt chế độ Lukachenko để nhanh chóng làm chấm dứt một điều không thể dung thứ được là chiến tranh chống lại nhân dân ngay trong lòng châu Âu, Le Monde thúc giục.
Liệu Lukachenko hết thời ?
« Nga thận trọng » còn « Lukachenko bám trụ, phản kháng tăng tốc », « Dân chúng động viên với qui mô lớn ». Với các tựa trên đây, Le Figaro trở lại tình hình hôm Chủ Nhật : Ít nhất 200.000 người xuống đường nhưng Lukachenko nhất định không nhượng bộ, không đối thoại.
Rất có thể đây chỉ là cứng rắn bên ngoài theo nhật báo thiên hữu. Tại Belarus, loan truyền nhiều tin đồn về sức khỏe không mấy tốt của cựu giám đốc nông trường thời Liên Xô cũ. Gần đây, Lukachenko ít xuất hiện trước công chúng, thường hủy bỏ nhiều cuộc hẹn. Trong buổi mít-tinh phản biểu tình trong ngày Chủ Nhật, ông động viên tinh thần phe nhà trong hơi thở yếu. Tình trạng phe Lukachenko bỏ hàng ngũ bắt đầu đầu lan rộng : đại sứ tại Slovakia, rồi cựu bộ trưởng Văn Hóa nguyên là đại sứ tại Paris, hàng chục nhà báo các đài truyền hình Nhà nước…
Le Figaro nêu câu hỏi : vì sao những người hiểu biết bộ máy quyền lực của nhà độc tài dám bỏ hàng ngũ mà không sợ bị trừng phạt nếu họ không biết Lukachenko hết thời ?.
Trong bài « Nga thận trọng đối với chế độ Minsk », nhật báo thiên hữu trích một nhận xét ví von: Lukachenko là một chiếc va-li không quai xách của Putin, cất vào tủ không dễ mà mang đi thì khó.
Bản thân tổng thống Nga cũng bị đe dọa nếu đường phố làm chao đảo chế độ ở Belarus. Trên La Croix, chuyên gia Nga Andrei Kolesnikov cho rằng chuyện gì xảy ra được ở Minks thì sẽ có thể xảy ra tại Matxcơva. Trong những cuộc biểu tình ở miền Viễn Đông chống chính quyền trung ương vào thứ Bảy mỗi tuần đã xuất hiện biểu ngữ « Hoan hô Belarus ».
Thái lan : Tuổi trẻ cũng hết sợ
Trang thế giới, nhật báo Công giáo La Croix đưa độc giả đến Thái Lan với phong trào dân chủ thế hệ mới qua bài « Tuổi Trẻ Thái lan chống vua và chính quyền quân nhân ».
Cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật huy động 10.000 sinh viên tại nhiều đại học để đòi cải cách dân chủ.
Môi trường chính trị truyền thống đã hết màu mỡ, theo chuyên gia Pháp Sophie Boisseau du Rocher, tác giả một bài phân tích dài « Con đường tơ lụa Trung Quốc tại Đông Nam Á ». Thái lan giờ đây sống trên miệng núi lửa chính trị trên đó có thành phần đặc quyền, vua và quân đội đang nhảy múa.
Nhờ vào internet, tuổi trẻ Thái Lan ý thức và quyết tâm kết liễu tình trạng áp bức do tầng lớp chính trị gia, quân nhân và vương triều điều khiển. Thái Lan là một nước giàu nhưng dân thì nghèo. Những người trẻ không còn sợ khi lến tiếng tố giác, bà Charuwan Lowira-Lulin, nhà nghiên cứu nhân chủng học Thái Lan nhận định dứt khóat.
Trung Đông : kẻ thù của kẻ thù là bạn
Thời sự Trung Đông và vùng Vịnh nổi bật nhất là tin Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất thiết lập bang giao.
Người Palestine choáng váng sau khi Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất thắt chặt quan hệ, tựa của Le Figaro.
Le Monde trong bài « Cùng chung quyền lợi chống Iran » phân tích là từ 1994, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Israel từng bước thực hiện đường lối chính trị « thực dụng, lạnh lùng và thâm hiểm ». Với phương châm « kẻ thù của kẻ thù chúng ta là bạn ta », Israel đánh nước cờ độc đáo, không cản trở liên hiệp Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất mua chiến đấu cơ F16 của Mỹ để canh tân quân đội theo mong ước của thái tử Mohamed Ben Zayed, nay được xem là người nắm quyền lực tại Abou Dabi.
Mục đích của các nước vùng Vịnh công nhận Nhà nước Do Thái là để thành lập một mặt trận chung vững chắc nhất có thể chống Iran. Đối với Israel, để tạo được một chiến tuyến chung này, chỉ cần « tạm ngưng » sáp nhập một phần lãnh thổ Palestine ở Cisjordanie.
Thỏa thuận Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất còn chôn vùi kế hoạch Abdallah (quốc vương Jordanie) năm 2002. Theo đó, khối Ả Rập chỉ công nhận Israel với điều kiện Palestine phải được quyền lập quốc với lãnh thổ là Cisjordanie và Gaza, với thủ đô là Đông Jerusalem. Thế là hết, dân Palestine bị đâm một nhát dao vào lưng. Mất lá chủ bài để đàm phán, ước mơ lập quốc càng xa tầm tay người Palestine.
Covid 19 : mỗi ngày một vài hệ quả không ngờ
Bầu cử Mỹ : Bưu điện trong cơn bão tố. Tổng thống Donald Trump bị cáo buộc cắt giảm ngân sách của cơ quan liên bang này với mục đích chính trị cản trở cử tri bầu qua bưu điện, Le Figaro viết.
Con đường tơ lụa của Trung Quốc bị lún cát Covid 19. Phóng sự trên trang kinh tế của Le Figaro cho biết vì sao nhiều đại dự án của Tập Cận Bình bị siêu vi corona làm tê liệt. Thiếu tiền, thiếu nhân công, thiếu vật liệu là một số hệ quả. Chưa hết, công cụ chính trị của Trung Quốc nhằm đối đầu với mô hình Tây phương đang gây lo ngại cho nhiều nước nằm trên trục « Một vành đai, Một con đường » của Bắc Kinh.
Cũng liên quan đến đại dịch Covid 19, Le Figaro, Les Echos và La Croix cùng một tựa « đeo khẩu trang bắt buộc trong xí nghiệp kể từ đầu tháng 9 ».
Như một con chim én báo hiệu mùa xuân, nhật báo kinh tế chạy tựa trên trang thị trường : Tại Wall Street, khủng hoảng gần như chấm dứt. Vì sao trong bối cảnh nhân viên bị sa thải hàng loạt, thất nghiệp, công ty khánh tận mà giới đầu tư lại lạc quan ? Câu trả lời của Les Echos : Thật ra, chỉ có lãnh vực công nghệ học được hưởng lợi trong giai đoạn khủng hoảng y tế và phong tỏa chống dịch.
Hoàng Xuân Vinh
Le Monde, trang đặc biệt mùa Hè, dành nguyên một trang báo để giới thiệu một nhà vô địch thể thao Việt Nam : Hoàng Xuân Vinh, huy chương vàng Thế vận Rio, bộ môn bắn súng cự ly 10 mét.
Tin tổng hợp
(Bộ Y Tế Việt Nam) – Việt Nam: Không ca tử vong mới, nhưng thêm 12 ca dương tính.
Chính quyền Việt Nam, hôm nay 17/08/2020, cho biết không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào, sau người thứ 24 chết vì Covid hôm qua. Nhưng bộ Y Tế Việt Nam, trong thông tin chiều nay, cho biết có thêm 12 ca dương tính mới, trong đó có 11 ca được coi là « lây nhiễm trong cộng đồng ».
(AFP) – Châu Mỹ tiếp tục là tâm dịch Covid-19.
Hôm qua, 16/08/2020, Hoa Kỳ vượt ngưỡng biểu tượng 17.000 người chết vì Covid-19. Nam Mỹ là khu vực dịch bệnh lây lan với tốc độ cao. Brazil ghi nhận thêm 620 người chết vì virus corona chủng mới trong vòng 24 giờ, với tổng cộng hơn 23.000 ca dương tính với virus trong một ngày. Nước láng giềng Peru : hơn 10.000 ca dương tính mới/ngày.
(Tân Hoa Xã) – Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm đánh cá.
Hôm qua 16/08/2020 lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông và Biển Hoa Đông do Trung Quốc đơn phương áp đặt đã kết thúc, hàng ngàn tàu cá của nước này sẽ tiếp tục tràn ngập các vùng biển. Hà Nội đã lên tiếng phản đối lệnh cấm này vì vi phạm vùng biển của Việt Nam. Theo Tân Hoa Xã, lệnh cấm đánh cá từ ngày 01/05 là khắc nghiệt nhất từ trước đến nay, với việc sử dụng công nghệ mới để kiểm soát như định vị vệ tinh, giám sát video, dữ liệu… Trong ba tháng rưỡi qua, lực lượng hải cảnh Quảng Đông đã tuần tra 5.605 lần, xử phạt 1.768 trường hợp, tịch thu 1.691 tàu cá và 630.000 mét vuông lưới.
(AppleInsider) – Apple tạm hoãn việc lắp ráp iPhone tại Việt Nam do điều kiện sống của người lao động.
Các đại diện của tập đoàn Apple đã thăm Việt Nam vào mùa hè để kiểm tra địa điểm lắp ráp iPhone ở khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang. Theo ông Tăng Duệ Bằng, giám đốc đối ngoại Luxshare, Apple đánh giá cao tiềm năng của nhà máy và lực lượng lao động. Luxshare đã đầu tư vào Bắc Giang 270 triệu đô la, với 28.000 công nhân, và sẽ tăng lên 50-60.000 công nhân nếu được giao sản xuất iPhone. Tuy nhiên Apple chưa hài lòng vì ký túc xá công nhân chưa đáp ứng yêu cầu, đây dường như là trở ngại chính.
(AFP) – Tổng thống Macron hài lòng vì giá trị đại học Pháp được nhìn nhận.
Lần đầu tiên một đại học Pháp, trường Paris Sarclay chiếm được vị trí thứ 14 trong bảng xếp hạng Thượng Hải năm nay, trong khi 10 hạng đầu, như thường lệ, vẫn do các trường đại học giảng dạy bằng tiếng Anh chiếm giữ, đứng đầu là Havard. Trong top 100 còn có PSL (Paris Khoa học và Văn chương), Sorbonne, Grenoble Alpes. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng hoan nghênh, bộ trưởng Giáo Dục Pháp cho rằng đây là bằng chứng cho chất lượng giảng dạy và nghiên cứu của các trường đại học Pháp.
(Reuters) – Tập đoàn Trung Quốc Alibaba, mục tiêu mới của tổng thống Mỹ.
Sau TikTok và WeChat, tổng thống Donald Trump hôm thứ Bảy 15/08/2020 đã quay sang tấn công Alibaba, tập đoàn khổng lồ bán hàng trên mạng của Trung Quốc. Trong cuộc họp báo từ câu lạc bộ đánh golf Bedminster, New Jersey, ông Trump đã ngầm cho hiểu là Alibaba có thể bị cấm hoạt động ở Mỹ. Trả lời câu hỏi ông có dự kiến cấm các tập đoàn khác của Trung Quốc, như Alibaba, ông đã xác nhận “có, chúng tôi đang xem xét những thứ khác”.
(AFP) – Thuyền chở dầu Nhật Bản mắc kẹt ngoài khơi đảo Maurice vỡ đôi.
Con thuyền bị vỡ làm đôi hôm qua, 16/06/2020, đe dọa thảm họa sinh thái, tại nơi được coi là một thiên đường du lịch ớ Ấn Độ Dương. Thêm 2.000 tấn dầu sẽ tràn ra biển. Hôm nay, chính phủ Pháp thông báo sẽ khẩn cấp gửi thêm ba chuyên gia cao cấp đến đảo Maurice để tư vấn cho chính quyền hòn đảo về phương thức xử lý thảm họa.
(AFP) – Tên lửa Ariane-5 đưa hai vệ tinh viễn thông lên quỹ đạo, sau 3 lần bị hoãn.
Tên lửa đẩy của châu Âu đã được phóng thành công hôm 15/08/2020, từ Kourou, ở Guyanne thuộc Pháp, theo trang mạng Arianespace. Đây là lần đầu tiên cơ quan vũ trụ châu Âu phóng tên lửa, kể từ đầu đại dịch Covid-19. Tên lửa « Vega », mang hai vệ tinh (Galaxy 30 et BSAT-4b), lẽ ra đã phải phóng từ giữa tháng 6, nhưng bị hoãn do điều kiện thời tiết bất lợi.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200817-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 17/8:
Ông Tập kiên định nền kinh tế Mác-xít;
Belarus biểu tình lớn nhất trong lịch sử
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Hai (17/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ông Tập kiên định nền kinh tế Mác-xít
Nền kinh tế chính trị Mác-xít của Trung Quốc sẽ tiếp tục thích ứng với môi trường quốc tế và những biến động trong nước, nó sẽ vẫn phải là cơ sở để xây dựng tương lai đất nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, SCMP đưa tin hôm Chủ nhật (16/8).
“Nền tảng của nền kinh tế chính trị Trung Quốc chỉ có thể là nền kinh tế chính trị theo chủ nghĩa Mác, và không được dựa trên các lý thuyết kinh tế khác”, ông Tập nói trong một bài báo đăng hôm thứ Bảy (15/8) trên tờ Lý thuyết chính trị định kỳ Qiushi.
Theo SCMP, ông Tập đã bác bỏ những ý kiến cho rằng nền kinh tế chính trị Mác-xít của Trung Quốc đã lỗi thời, khi cho rằng nó cho phép thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực nhưng cũng đồng thời nâng cao vai trò của chính phủ.
Ông Tập nói, Trung Quốc phải hỗ trợ và phát triển nền kinh tế thuộc sở hữu công của mình, đồng thời hỗ trợ các loại hình sở hữu khác.
Belarus biểu tình lớn nhất trong lịch sử
Hôm Chủ nhật, hàng chục nghìn người ủng hộ phe đối lập ở Belarus đã tham gia một cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử ở Thủ đô Minsk để phản đối và yêu cầu Tổng thống Alexander Lukashenko từ chức. Tuy nhiên vị tổng thống đã tại vị gần 30 năm đáp lại bằng một bài phát biểu thách thức, theo SBS News.
Đám đông người biểu tình tuần hành qua các đường phố đến Quảng trường Độc lập, một nhà báo AFP ước tính số người tham gia đoàn biểu tình khổng lồ này là hơn 100.000 người. SBS News cho hay, đây là một cuộc biểu tình có quy mô chưa từng thấy kể từ khi Liên Xô tan rã.
Những người biểu tình cầm những tấm biểu ngữ với những dòng chữ như “Ông không thể rửa sạch máu” và “Lukashenko phải trả lời cho hành vi tra tấn và giết người”.
Phản ứng trước yêu cầu người biểu tình, ông Lukashenko tuyên bố cuộc bầu cử tổng thống là hợp pháp, gián tiếp khẳng định ông sẽ không từ chức.
Iran phản đối UAE thiết lập quan hệ với Israel
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên án thỏa thuận hòa bình giữa Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Israel, ông nói trong một bài phát biểu hôm thứ Bảy rằng UAE đã phạm phải “sai lầm lớn”, Fox News đưa tin hôm Chủ nhật.
Ông Rouhani nói việc UAE đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel là “sự phản bội ý chí của người dân Palestine và ý chí của người Hồi giáo”.
Trong một động thái lịch sử, UAE trong tuần qua đã quyết định trở thành quốc gia thứ ba ở Trung Đông chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, trong một nỗ lực được cho là nhằm ngăn chặn Israel sáp nhập Bờ Tây.
Somali: Khách sạn bị tấn công, ít nhất 7 người chết
Các chiến binh đã xông vào một khách sạn cao cấp bên bờ biển ở Thủ đô Mogadishu, Somali, hôm Chủ nhật, bắn chết ít nhất 7 người và làm bị thương hơn 20 người sau khi kích nổ một quả bom xe bên ngoài khách sạn, Reuters đưa tin.
Nhóm phiến quân Hồi giáo al Shabaab tuyên bố rằng họ chính là lực lượng đã thực hiện vụ tấn công vào khách sạn Elite ở bãi biển Lido, Mogadishu, và các tay súng của nhóm này đã chiến đấu với lực lượng an ninh Somali.
Hãng thông tấn nhà nước SONNA hồi tối muộn Chủ nhật cho biết sự việc đã kết thúc và 205 người đã được giải cứu khỏi khách sạn “bao gồm các bộ trưởng, nhà lập pháp và dân thường”.
Người dân hỗ trợ một người bị thương tại bệnh viện Madina sau một vụ nổ tại khách sạn Elite ở bãi biển Ý tái áp dụng biện pháp phòng dịch Covid
Italia sẽ đóng cửa các vũ trường và câu lạc bộ, đồng thời bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở một số khu vực vào ban đêm khi lần đầu tiên tái áp dụng các hạn chế trong bối cảnh các trường hợp nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán gia tăng trên khắp đất nước, đặc biệt ở những người trẻ tuổi, theo Reuters.
Số ca mắc mới Covid trong tuần qua ở Italia cao hơn gấp đôi so với số ca nhiễm bệnh trong ba tuần trước. Độ tuổi trung bình của những người nhiễm loại virus có nguồn gốc từ Trung Quốc này đã giảm xuống dưới 40.
Quy định mới sẽ bắt đầu áp dụng từ thứ Hai và sẽ kéo dài tới đầu tháng Chín. Người dân sẽ phải đeo khẩu trang từ 6 giờ chiều tới 6 giờ sáng tại các khu vực gần quán bar và quán rượu, nơi có nhiều người tụ tập.
Điểm tin thế giới tối 17/8:
Ngoài hạt giống lạ, người Mỹ còn nhận
nhiều thứ lạ khác từ Trung Quốc;
Chính trị gia đối lập ở Belarus tuyên bố
sẵn sàng lãnh đạo quốc gia
Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Hai (17/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ngoài hạt giống lạ, người Mỹ còn nhận nhiều thứ lạ khác từ Trung Quốc
Ngoài hạt giống không xác định, người Mỹ ở ít nhất 35 bang, bao gồm Texas, đang nhận được những bưu phẩm mà họ không đặt hàng, bên trong chứa khẩu trang, đồ trang sức rẻ tiền… có xuất xứ Trung Quốc, theo News4sanantonio.
Ngoài ra, các gói hàng lạ còn có cả giấy vệ sinh, bộ dao nĩa bằng bạc và khẩu trang. Đa số người nhận đều thắc mắc làm thế nào người gửi ở Trung Quốc lại có thông tin về địa chỉ, tên tuổi của họ.
Jason Meza, thành viên Hiệp hội Kinh doanh Uy tín tại San Antonio, Texas, cho biết đây là mánh khóe của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhằm đạt được doanh số bán hàng cao hơn trên các trang thương mại điện tử (VD: Amazon), hoặc để một mặt hàng cụ thể được “bình chọn” nhiều hơn.
Chính trị gia đối lập ở Belarus tuyên bố sẵn sàng lãnh đạo quốc gia
Chính trị gia đối lập Belarus, nhà hoạt động nhân quyền và ứng viên tổng thống Sviatlana Tsikhanouskaya hôm thứ Hai (17/8) tuyên bố đã sẵn sàng lãnh đạo quốc gia. Bà kêu gọi tạo ra một cơ chế pháp lý để đảm bảo một cuộc bầu cử tổng thống mới và công bằng, theo Reuters.
Phát biểu trong một video quay sẵn từ Lithuania, bà kêu gọi các quan chức an ninh và thực thi pháp luật rời khỏi phe chính phủ Tổng thống Alexander Lukashenk. Bà cho biết hành vi trước đây của họ sẽ được bỏ qua nếu họ có thể thực hiện việc chuyển đổi ngay tức thì.
Video của bà Tsikhanouskaya được đưa ra một ngày sau khi người Belarus đổ ra đường biểu tình, tràn ngập trung tâm thủ đô Minsk và hô vang “Từ chức! (Step down)” trong cuộc biểu tình lớn nhất từ trước tới nay. Cuộc biểu tình nhằm phản kháng kết quả tái đắc cử trước đó một tuần của tổng thống nắm quyền gần 25 năm Lukashenko mà họ cáo buộc gian lận.
Sợ bị Mỹ bao vây, Trung Quốc phát triển máy bay tàng hình 2 chỗ ngồi
Trong bối cảnh nhiều tin đồn dấy lên xoay quanh việc Mỹ bao vây Trung Quốc khi trang bị cho đồng minh chiến đấu cơ tàng hình F-35 thế hệ thứ năm, Trung Quốc đang phát triển một loại máy bay phản lực tàng hình mới 2 chỗ ngồi tương tự Su-34 của Nga.
Trang SCMP hôm 15/8 đưa tin, Viện thiết kế Máy bay Thành Đô (CADI) đang phát triển một biến thể “đột phá” mới của tiêm kích tàng hình J-20.
Là một máy bay cảnh báo sớm, biến thể mới của J-20 dự kiến sẽ là trung tâm chỉ huy và điều khiển cho các máy bay hoạt động trong khu vực. Nó cũng có thể được dùng để chỉ đường cho đạn tự hành phóng bởi máy bay khác trong khu vực mục tiêu chỉ định, theo Eurasian Times.
Đây sẽ là loại máy bay tàng hình đầu tiên của Trung Quốc có biến thể hai chỗ ngồi, so với loại máy bay F-22 Raptor, F-35 của Mỹ và Su-57 của Nga hiện chỉ có 1 chỗ ngồi.
Chưa thể xác định nguồn bùng phát dịch Covid-19 ở New Zealand
Gần một tuần sau khi phát hiện ra một ổ dịch Covid-19 mới ở New Zealand sau hơn ba tháng yên ổn, nguồn gốc của nó vẫn còn là một điều bí ẩn.
Ngay từ đầu đại dịch, quốc đảo Thái Bình Dương đã có nhiều lợi thế do sự xa cách với đất liền, cộng với việc nữ Thủ tướng Ardern nhanh chóng đóng cửa biên giới quốc gia và áp đặt những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất. Các biện pháp này đã góp phần ngăn chặn sự lây truyền dịch tại địa phương trong 102 ngày.
Các quan chức cho biết, kết quả xét nghiệm bộ gen của đợt lây nhiễm mới nhất xác định đây là một chủng mới, và khả năng bắt nguồn từ Úc hoặc Anh.
Indonesia báo cáo 1.821 ca Covid-19 mới, 57 ca tử vong
Indonesia đã báo cáo 1.821 trường hợp nhiễm Covid-19 hôm thứ Hai, nâng tổng số trường hợp nhiễm lên 141,370, theo số liệu từ lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19.
Indonesia cũng ghi nhận thêm 75 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết lên 6.207, đây là con số tử vong do virus corona cao nhất ở Đông Nam Á.