Tin Biển Đông – 17/08/2020
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông
Trung Quốc vừa thực hiện một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông với sự tham gia của tàu chiến Huizhou đóng tại Hong Kong.
Video của lực lượng Trung Quốc đồn trú ở Hong Kong công bố hôm Chủ nhật, ngày 16/8, cho thấy hình ảnh tàu Trung Quốc bắn pháo, thuỷ lôi, trong khi lính Trung Quốc thực hiện các hoạt động chống cướp biển và khủng bố.
Theo The South China Morning Post, cuộc tập trận chống ngầm là một thành tố quan trọng trong cuộc tập trận lần này của Trung Quốc.
The South China Morning Post trích lời một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh cho biết cuộc tập trận là một hành động mang tính biểu tượng nhằm cảnh báo các lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan, muốn ngả về phía Mỹ.
Hình ảnh video cuộc tập trận được công bố chỉ một ngày sau khi Mỹ thông báo cuộc tập trận của Hải quân Mỹ ở Biển Đông hôm 14/8 vừa qua với sự tham gia của tàu sân bay USS Ronald Reagan.
Trước đó, Trung Quốc cũng thông báo cho biết nước này đang lên kế hoạch tập trận bắn đạn thật gần Đài Loan sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói rằng quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ đang ở mức cao nhất trong lịch sử.
Tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan
quay lại hoạt động ở Biển Đông
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan đã trở lại Biển Đông ngày 14.8, thực hiện các hoạt động diễn tập trên biển.
Theo thông báo đăng trên website của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc hải quân Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan, gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan, không đoàn số 5, tuần dương hạm USS Antietam cùng 2 khu trục hạm USS Mustin và USS Rafael Peralta thực hiện các hoạt động phối hợp với chiến đấu cơ. Nhóm tác chiến tàu sân bay này còn tiến hành những hoạt động và diễn tập nhằm duy trì ổn định trên biển.
Cuộc diễn tập nói trên cho thấy nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan đã trở lại Biển Đông. Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan trước đó đã tiến hành cuộc tập trận chung với nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz ở Biển Đông vào ngày 17.7, sau khi Mỹ bác bỏ yêu sách biển của Trung Quốc ở khu vực.
Trước đó, từ ngày 4 – 7.7, hai nhóm tác chiến tàu sân bay nói trên đã hợp thành Lực lượng tác chiến tàu sân bay Nimitz, tiến hành các hoạt động và tập trận chung ở Biển Đông. Đó là cuộc tập trận chung của hai tàu sân bay Mỹ đầu tiên ở Biển Đông từ năm 2014, diễn ra trong khi quân đội Trung Quốc ngang nhiên tập trận phi pháp ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
“Các hoạt động ở Biển Đông tiếp tục thể hiện cam kết của Mỹ với các đồng minh và đối tác, và cách tiếp cận hợp tác đối với sự ổn định và tự do của các vùng biển trong khu vực”, hải quân Mỹ nhấn mạnh trong thông báo ngày 14.8.
http://biendong.net/bi-n-nong/36383-tau-san-bay-my-ronald-reagan-quay-lai-hoat-dong-o-bien-dong.html
Hàng ngàn tàu cá Trung Quốc tràn xuống Biển Đông
sau khi hết lệnh cấm đánh bắt cá
Hơn 16.000 tàu cá của Trung Quốc đã tràn xuống Biển Đông sau khi lệnh cấm đánh bắt cá do Bắc Kinh đơn phương áp đặt lên vùng biển này chấm dứt vào ngày 16/8 vừa qua. Thông tin từ Đài truyền hinh trung ương Trung Quốc cho biết như vậy hôm 16/8.
Theo thông tin từ truyền hình Trung Quốc, các tàu cá này ra khơi từ đảo Hải Nam ngay sau khi lệnh cấm đánh bắt cá chấm dứt. Chuyến ra khơi mất khoảng từ 6 đến 7 ngày.
Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm do Trung Quốc áp đặt ở Biển Đông bắt đầu vào ngày 1/5 và thường kéo dài khoảng 3 tháng.
Theo Tân Hoa Xã, lệnh cấm đánh bắt cá năm nay được coi là nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay. Trong suốt thời gian 3 tháng rưỡi, lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc đã điều hơn 5.600 tàu tuần tra và phát hiện hơn 1.700 vụ vi phạm, khoảng 1.600 tàu đánh bắt cá lậu bị thu giữ và 630.000 mét vuông lưới đánh bắt cá bị gỡ bỏ.
Trong thời gian Trung Quốc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá, các tàu cá của ngư dân Việt Nam đi đánh bắt cá ở Biển Đông đã gặp nhiều khó khăn. Hôm 10/6 vừa qua, một tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đang đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống gần quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và đâm hỏng. Nhân viên trên tàu Trung Quốc đã lục xét tàu cá Việt Nam và lấy đi nhiều cụ cũng như hải sản.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc và khẳng định Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc tại Biển Đông được bắt đầu áp dụng từ năm 1999 trở lại đây. Phía Trung Quốc nói rằng lệnh này nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên biển. Tuy nhiên các nước trong khu vực bao gồm Việt Nam đã lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương này.