Đọc báo Pháp – 14/08/2020
Vì sao Donald Trump nhẫn nhịn khác thường với Trung Quốc về thương mại – Trọng Nghĩa
Tựa chính trang nhất các tờ báo lớn ra hôm nay 14/08/2020 rất đa dạng: Le Figaro tìm hiểu “Vì sao Macron dấn thân vào Liban”, Libération nói về “Nicolas Sarkozy và siêu phẩm mùa hè”, Le Monde nêu bật cuộc “Tranh luận về những sắc thái cực đoan mới của phong trào nữ quyền”, trong lúc Les Echos chạy tựa về sự kiện “Ngành bán lẻ khởi động trở lại cuộc chiến giá cả” và La Croix đau xót trước sự kiện “Thánh Địa Lourdes vắng bóng bệnh nhân hành hương” nhân dịp lễ Thăng Thiên ngày mai.
Về thời sự quốc tế, nổi bật trên các báo là tình hình căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ tại miền đông Địa Trung Hải và chiến dịch thẳng tay đàn áp đối lập của tổng thống Belarus Lukachenko vừa tái đắc cử sau một cuộc bỏ phiếu bị đánh giá là gian lận.
Riêng về hồ sơ rất thường được bình luận trong thời gian gần đây là quan hệ Mỹ-Trung, chủ yếu là căng thẳng, nhật báo Les Echos hôm nay có một phân tích lý thú về thái độ nhẫn nhịn khác thường của chính
quyền Donald Trump đối với Bắc Kinh trong lãnh vực thương mại, đối lập hẳn với những chỉ trích gay gắt trong những địa hạt khác.
Mỹ vẫn nhẹ tay với Bắc Kinh dù thương mại không đạt mục tiêu
Trong bài “Hoa Kỳ vẫn nhẹ tay với Trung Quốc dù thỏa thuận thương mại không mang lại nhiều lợi quả”, Les Echos ghi nhận là trong sáu tháng đầu năm, xuất khẩu sản phẩm Mỹ qua Trung Quốc, theo thỏa thuận với Bắc Kinh, chỉ đạt tổng cộng 33,1 tỷ đô la, nhưng chính quyền Trump vẫn tỏ ra hài lòng về kết quả thu được.
Tuần này, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của tổng thống Mỹ, đã cho thấy cảm nhận chung: “Trước mắt thì vẫn tốt”.
Số liệu trao đổi thương mại còn rất xa những cam kết lúc đầu năm của Bắc Kinh để cân bằng lại trao đổi với Mỹ như được ghi trong thỏa thuận vào tháng Giêng. Xuất khẩu Mỹ đạt 33,1 tỷ đô la trong lúc mục tiêu nhắm đến là 71,3 tỷ, theo số liệu của viên Peterson Institute.
Xuất khẩu nông sản của Mỹ, trọng tâm của giai đoạn đầu thỏa thuận thương mại, có lợi cho thành phần cử tri mà Donald Trump o bế, cũng không cao như dự kiến, chỉ đạt 8,7 tỷ đô la trong lúc mục tiêu nhắm tới là gấp đôi.
Thế nhưng vào đầu tuần, ông Trump đã đánh giá là thỏa thuận với Trung Quốc là một thỏa thuận “tuyệt vời”, với những con số tốt đẹp “khó tin”. Mặc dù có trở ngại do dịch Covid-19, ông Trump “hy vọng có thể đạt những con số này ngay cả vào năm tới”.
Đối với Les Echos, tổng thống Mỹ như cho thấy là ông không muốn gây sức ép thêm với Bắc Kinh trên hồ sơ này.
TT Trump không muốn cho thấy là thỏa thuận thất bai
Theo nhận định của Gary Hufbauer, viện Peterson Institute (PIIE) thì tổng thống Mỹ “hy vọng Trung Quốc sẽ còn mua thêm nhiều nông sản trong những tuần lễ tới đây, tất nhiên là trước cuộc bầu cử. Đây là những sản phẩm có thể lưu kho dự trữ, tóm lại đó là một quyết định mang tính chính trị của lãnh đạo Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh không làm thế, thì người ta có thể chờ đợi một cuộc tấn công của Washington vào tháng 10”.
Theo phân tích của Claire Reade thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược CSIS tại Washington, do tầm quan trọng của thỏa thuận để hỗ trợ các thị trường tài chính Mỹ và xuất khẩu nhiều nông sản hơn nữa, phần lớn đến từ các bang của đảng Cộng Hòa, rất có thể là Donald Trump phải “tự kiềm chế”, vì nếu “chính quyền Mỹ để giai đoạn đầu của thỏa thuận chết đi, thì ông rất khó giải thích vì sao gây nên cuộc chiến thương mại lâu dài này và ông có thể bị xem là đã thất bại”.
Thương mại, như thể vẫn có thể là một cái neo giúp ổn định quan hệ ngày càng gay go giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong phát biểu đặc biệt gay gắt vào tháng 7, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho là “phải kiểm chứng khi họ (Trung Quốc) đưa một lời hứa”. Nhà Trắng thì hàng ngày vẫn chỉ trích Bắc Kinh về việc phát tán “virus Trung Quốc”.
Thứ Tư vừa qua, ông Trump vẫn còn nói “Tôi rất tức giận Trung Quốc” khi nhắc đến đại dịch, một quan điểm tương ứng với tâm lý của dân chúng Mỹ ngày càng ghét Trung Quốc, theo kết quả thăm dò dư luận của Pew Research.
Belarus: Chế độ Loukachenko khẳng định bản chất tàn bạo
Về tình hình Belarus, tất cả các báo Pháp đều bày tỏ thái độ phẫn nộ trước chiến dịch đàn áp thô bạo của chính quyền Loukachenko đối với những người biểu tình phản đối việc tổng thống mãn nhiệm tái đắc cử trong một cuộc bầu cử bị tố cáo là một ‘trò hề” gian lận.
Đối với Le Monde, không còn mơ hồ gì nữa: “Tại Belarus, sự biến chất thành một chế độ tàn bạo đã được xác nhận”, tựa bài viết ở trang quốc tế.
Tờ báo Pháp nêu bật những bằng chứng: ít nhất hai người biểu tình đã bị cảnh sát giết chết khi biểu tình phản đối bầu cử bị coi là gian lận, trên hiện trường, người ta nhặt được vỏ đạn súng AK, cho thấy là cảnh sát đã dùng đến vũ khí tấn công, dùng trong chiến tranh.
Đối với người dân biểu tình, chế độ của tổng thống Loukachenko đã trị vì trên đất nước này từ hơn 1/4 thế kỷ nay đã chuyển hẳn qua hướng độc tài, và quyết bám víu vào quyền lực bằng bất cứ giá nào.
Le Monde trích dẫn Tadeusz Gizcan, một nhà nghiên cứu người Belarus cho rằng cuộc đàn áp hiện nay sẽ “không có giới hạn nào” và về thực chất “đó là một cuộc chiến”, một cuộc chiến tranh chống lại người dân của mình.
Trả lời kênh thông tin TVN24bis của Ba Lan, nhà xã hội học Slawomir Sierakowski từ Belarus đã mô tả cảnh lực lượng OMON, tức là cảnh sát chống bạo động, bắn thẳng vào người dân “như bắn vào đàn vịt” chứ không đơn thuần là bắn cảnh cáo.
Mang kịch bản thảm sát Andijan ra dọa đối lập
Riêng tổng thống Loukachenko, theo Le Monde, đã không ngần ngại gợi lên ngay từ tháng Sáu vừa qua một kịch bản đầy tính đe dọa khi ông nhắc nhở những người phản đối ông về vụ thảm sát Andijan vào tháng 05/2005 tại Uzbekistan: “Các người không nhớ là cựu tổng thống [Uzbekistan] Karimov đã đàn áp một cuộc đảo chính ở Andijan bằng cách bắn hàng ngàn người sao ? (…) Thế thì chúng tôi sẽ nhắc lại cho các người biết!”
Le Figaro cũng quan ngại trước tình trạng: “Đàn áp gia tăng ở Belarus”, với những đoạn video được lưu hành trên mạng, sau khi chính quyền cho tái lập mạng internet, cho thấy lực lượng cảnh sát Belarus thẳng tay đánh đập người biểu tình.
Dùng vũ khí “sợ hãi” để trấn áp
Đối với tờ báo Pháp, rõ ràng là chế độ Loukachenko đang dùng vũ khí sợ hãi để trấn áp phong trào phản đối, như đã thành công vào năm 2010, cũng nhắm vào những cuộc biểu tình chống ông tái đắc cử cho một nhiệm kỳ tổng thống thứ tư.
Theo Le Figaro, lần này tình hình có phần đổi khác, và đòn đàn áp hù dọa của nhà lãnh đạo chuyên chế có thể thất bại vì đã xuất hiện một vài dấu hiệu rạn nứt trong thành phần ủng hộ chế độ, như một số nhà báo trong hệ thống truyền thông Nhà nước đã từ chức và tố cáo chính quyền trong những bài viết trên mạng, hay là nhiều quân nhân và cảnh sát tự quay phim, chiếu cảnh họ bỏ quân phục, cảnh phục vào thùng rác và tuyên bố không còn có thể phục vụ đất nước được nữa.
Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng ngày nào mà giới lãnh đạo các lực lượng võ trang, đặc biệt là lực lượng 3000 nhân viên cơ quan an ninh FSB, còn ủng hộ ông Loukachenko, thì ngày đó nhà độc tài vẫn đứng vững.
Để có thể lật đổ chế độ Loukachenko, một nhà phân tích Nga cho rằng cần phải có một phong trào tổng đình công theo kiểu Công Đoàn Đoàn Kết Solidarnosc từng làm ở Ba Lan trước đây. Có điều là những lời kêu gọi tổng đình công cho đến hôm qua có vẻ như không mấy được hưởng ứng.
Libération: Phụ nữ và công nhân phá hoại hệ thống Loukachenko
Libération cũng dành nhiều trang bài cho tình hình Belarus, ghi nhận sự kiện “Phụ nữ và công nhân đang phá hệ thống Loukachenko”.
Theo tờ báo: Kể từ hôm thứ Tư, phụ nữ đã động viên nhau xuống đường đòi hòa bình. Trong trang phục màu trắng, tay cầm hoa, hàng ngàn người vào hôm qua đã tạo thành một dây chuyền dài dọc theo đại lộ Độc Lập, một trong những con đường dài nhất ở châu Âu.
Bên cạnh đó là những cuộc đình công tại nhà máy BelAZ ở Zhodino, một trong những lá cờ đầu của ngành công nghiệp Belarus, chuyên sản xuất thiết bị khai thác mỏ. Còn nhà máy quốc doanh Keramin, chuyên sản xuất chậu rửa và gạch ốp lát bằng sứ, cũng đã trải qua một “cuộc đình công đầu tiên trong lịch sử”.
Trong bài báo thứ hai, Liberation trình bày các sáng kiến ngoại giao ở cấp độ quốc tế. Cuộc họp trực tuyến vào hôm nay của các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu sẽ nói về vấn đề Belarus, bên cạnh những hồ sơ khác như Liban hay các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền đông Địa Trung Hải.
Quan hệ Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ: Paris sốt sắng ủng hộ Athens
Về quan hệ căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực miền đông Địa Trung Hải, các báo đều chú ý đến sự kiện Pháp sốt sắng hậu thuẫn cho Hy Lạp.
Trong bài viết mang tựa đề “Liên Hiệp Châu Âu lao vào cứu Hy Lạp”, báo Le Figaro nhắc lại rằng Athens yêu cầu “một phản ứng rõ ràng từ phía Liên Hiệp Châu Âu, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai một tàu khảo sát địa chấn, được tàu quân sự hộ tống vào khu vực miền đông nam Biển Egée.
Libération thì xác định rõ hơn: “Trong vùng biển giàu dầu khí của đảo Kastellórizo” thuộc Hy Lạp, một khu vực mà hai bên “có bất đồng” tạo nên một tình huống “đáng lo ngại về một sự leo thang nguy hiểm”.
Tờ báo ghi nhận một tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đang phô trương cơ bắp, một Hy Lạp đã đặt “quân đội trong tình trạng báo động và điều động lực lượng Hải Quân và máy bay đến khu vực có căng thẳng” và một tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhanh chóng ra lệnh điều động chiến hạm và phi cơ Pháp đến khu vực.
Trên vấn đề này, Le Figaro nói chi tiết hơn, cho biết ngay từ sáng hôm qua, hai máy bay chiến đấu Rafale, cũng như khinh hạm La Fayette và tàu sân bay trực thăng Tonnerre, trên đường đến Liban, đã thực hiện một cuộc tập trận chung với Hy Lạp.
Một chuyên gia phân tích Pháp cho rằng “trước một chế độ độc tài và đế quốc (như Thổ Nhĩ Kỳ), cách đối phó hiệu quả nhất là dựa trên ngạn ngữ Latinh: Nếu muốn hòa bình, thì hãy chuẩn bị cho chiến tranh”.
Theo Le Figaro, sự hiện diện quân sự của Pháp, được mô tả như là một “lá chắn”, đã được báo chí và dư luận Hy Lạp ca ngợi. Điều này có thể đánh dấu điểm khởi đầu của một sự hợp tác quân sự mới giữa hai nước.
Tin tổng hợp
(Le Figaro) – Donald Trump : Hồng Kông sẽ không bao giờ thịnh vượng dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Trả lời phỏng vấn của Fox News, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 13/08/2020 khẳng định nếu chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh, trung tâm tài chính quốc tế Hồng Kông sẽ biết thế nào là “xuống địa ngục”, sẽ không còn ai đến Hồng Kông để làm ăn nữa. Tổng thống Mỹ nhắc lại là Mỹ và Hồng Kông đã có mối quan hệ thương mại với nhiều ưu đãi. Năm 2018, Hồng Kông đã bán sang Mỹ 6,3 tỉ đô la hàng hóa. Ông Trump dọa sẽ cho ngừng hết việc giao thương với Hồng Hông, nếu Bắc Kinh hung hăng khiêu khích.
(AFP) – Chính quyền Afghanistan bắt đầu phóng thích 400 tù nhân Taliban cuối cùng.
Phát ngôn viên Ủy ban An ninh quốc gia của Afghanistan thông báo trên Twitter là 80 tù nhân Taliban đã được trả tự do vào hôm qua 13/08/2020 và điều đó sẽ làm gia tăng các nỗ lực hướng đến các cuộc thương lượng trực tiếp Kaboul – Taliban và một lệnh hưu chiến bền vững trên quy mô quốc gia.
(Reuters) – Hội Đồng Bảo An hôm qua 13/08/2020 bắt đầu bỏ phiếu về đề nghị của Mỹ liên quan đến việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran.
Kết quả sẽ được công bố vào hôm nay. Lệnh cấm vận vũ khí kéo dài 13 năm sẽ hết hiệu lực vào tháng 10/2020 theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Washington cho rằng triển hạn lệnh cấm vũ khí đối với Tehran là điều cần thiết để duy trì hòa bình quốc tế và an ninh. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng dự thảo này vẫn có thể không được thông qua, vì cần ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết của Nga, Trung Quốc, Anh hoặc Pháp.
(AFP) – Ấn Độ đầu tư ở Maldives để đối phó với Trung Quốc.
Ấn Độ vào hôm qua, 13/08/2020, đã cam kết đầu tư 550 triệu đô la xây dựng cầu đường ở quần đảo Maldives, hầu đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại vùng Ấn Độ Dương. Thời tổng thống tiền nhiệm của quần đảo, Abdulla Yameen, Maldives đã vay hàng tỷ đô la của Bắc Kinh và ký nhiều hợp đồng với các công ty Trung Quốc, khiến Ấn Độ rất lo ngại.
(AFP) – Washington duy trì thuế trừng phạt đối với châu Âu trong hồ sơ Airbus.
Hoa Kỳ vẫn áp thuế trừng phạt với sản phẩm nhập từ châu Âu, mặc dù Airbus thông báo sẵn sàng áp dụng những quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Vào hôm thứ Tư 12/08, Washington vẫn duy trì thuế 15% trong lãnh vực hàng không không gian và 25% đối với các mặt hàng còn lại, như rượu Pháp, Tây Ban Nha, whisky Anh Quốc chẳng hạn. Bộ trưởng Thương mại Pháp, Bruno Le Maire cho biết sẽ « trả đũa ».
(AFP) – Tổng thống Mỹ sẽ đích thân đến phát biểu qua video tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Tổng thống Donald Trump hôm qua, 13/08/2020, cho biết cho rằng như thế “ sẽ đại diện tốt hơn” cho nước Mỹ và ông “cảm thấy có trách nhiêm một nửa, với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ, đích thân có mặt tại Liên Hiệp Quốc”, mà trụ sở là ở New York, và để “đưa ra một phát biểu quan trọng”. Tổng thống Mỹ còn nhấn mạnh là nhiều người sẽ không đến được và cuộc họp sẽ không như thường lệ.
(Reuters) – Mỹ cấm những chuyến bay charter đến Cuba.
Bộ Giao Thông Mỹ vào hôm qua, 13/08/2020, thông báo sẽ cấm những chuyến bay giá hạ charter của tư nhân sang Cuba để gia tăng sức ép kinh tế với chính quyền tại đây. Ngoại trưởng Mỹ trong môt tin nhắn Twitter cho biết chính ông đã đưa ra yêu cầu cấm nói trên. Lệnh cấm liên quan đến các chuyến bay giữa Mỹ và tất cả các sân bay của Cuba, ngoại trừ những charters Nhà nước được phép, đến và đi từ La Habana, và những chuyến charter chở hàng y tế khẩn cấp, cứu trợ …
(AFP) – Hoa Vi: Slovenia theo chân Mỹ và Anh.
Hôm qua, 13/08/2020, nhân chuyến viếng thăm Slovenia, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo vừa ký với đồng nhiệm của nước này một tuyên bố chung về việc loại trừ các nhà cung cấp “không đáng tin cậy” khỏi các mạng điện thoại di động 5G. Tuy không nêu tên tập đoàn nào, nhưng tuyên bố chung này rõ ràng là nhắm đến tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc, mà Hoa Kỳ và Anh Quốc đã loại khỏi mạng 5 G của hai nước này, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200814-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 14/8:
Israel và UAE đạt thỏa thuận lịch sử;
Mỹ điều 3 máy bay ném bom tới đảo gần Biển Đông
Lục Du
Sáng nay, thứ Sáu (14/8), mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Israel và UAE đạt thỏa thuận lịch sử
Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hôm thứ Năm (13/8) tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao và xây dựng một mối quan hệ mới cởi mở. Reuters bình luận, đây là một động thái lịch sử có khả năng định hình lại trật tự chính trị Trung Đông.
Theo thỏa thuận được sự hậu thuẫn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Israel đã đồng ý đình chỉ kế hoạch sáp nhập các khu vực Bờ Tây mà họ đang quản lý. Israel cũng ủng hộ cuộc chiến chống lại chính quyền Iran, lực lượng mà UAE, Israel và Hoa Kỳ coi là mối đe dọa chính ở Trung Đông.
Israel đã ký các hiệp định hòa bình với Ai Cập hồi năm 1979 và Jordan hồi năm 1994. Nhưng UAE, cùng hầu hết các quốc gia Ả Rập khác, không công nhận Israel và cho đến nay không có quan hệ ngoại giao hoặc kinh tế chính thức với quốc gia Trung Đông này. UAE đã trở thành quốc gia Ả Rập tại vùng Vịnh đầu tiên đạt được thỏa thuận như vậy với nhà nước Do Thái.
Mỹ điều 3 máy bay ném bom tới đảo gần Biển Đông
Lần đầu tiên kể từ năm 2016, không quân Mỹ đã triển khai ba máy bay ném bom tàng hình B-2 tới hòn đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục gia tăng các cuộc tập trận bắn đạn thật ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, theo SCMP.
Các máy bay ném bom Spirit có khả năng mang đầu đạn hạt nhân B-2A của Mỹ đã cất cánh hôm thứ Ba (11/8) từ căn cứ không quân Whiteman ở Missouri, bay qua miền bắc Australia và tới đảo san hô quân sự Diego Garcia. Các máy bay được tiếp nhiên liệu trên không nhiều lần, theo thông tin từ quân đội Mỹ.
Lần cuối cùng các máy bay ném bom Mỹ được triển khai tới Diego Garcia là bốn năm trước, trùng thời điểm căng thẳng ở Biển Đông leo thang sau khi tòa án quốc tế La Hay bác bỏ tuyên bố yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc đối mặt khoản nợ xấu khổng lồ
Quan chức quản lý ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc hôm thứ Năm cho biết các ngân hàng nước này đang phải đối mặt với khoản nợ xấu trị giá 3,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (489,5 tỷ USD) vào năm 2020, tăng 2,3 nghìn tỷ nhân dân tệ so với khoản nợ xấu hồi năm trước. Theo SCMP, khoản nợ xấu khổng lồ này là một rủi ro lớn đối với hệ thống ngân hàng ở đại lục.
Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, nói trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã rằng sự gia tăng các khoản nợ xấu (NPL) – các khoản nợ sắp vỡ nợ hoặc gần như không trả được nợ – sẽ gây áp lực rất lớn lên các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ.
“Khi nhiều khoản vay được chuyển sang [từ năm 2020], một số vấn đề sẽ xuất hiện trong năm tới”, ông Guo được Tân Hoa dẫn lời, và cho biết thêm rằng rủi ro của các khoản nợ xấu là “không thể tránh khỏi” vì cú sốc Covid đã ảnh hưởng xấu đến rất nhiều công ty.
Đài Loan phản ứng tuyên bố tập trận của Trung Quốc
Bộ Quốc phòng (MND) Đài Loan hôm thứ Năm (13/8) đã nhắc lại khả năng bảo vệ người dân hòn đảo khi Trung Quốc thông báo rằng mới đây họ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự tại eo biển Đài Loan, theo Taiwan News.
Trước đó cùng ngày, Quân đội Trung Quốc, trong một cuộc họp báo, tuyên bố họ đã tổ chức một số cuộc tập trận thực chiến gần Đài Loan với mục đích duy nhất là “loại bỏ tất cả các nhà hoạt động ủng
hộ Đài Loan độc lập” và bảo vệ chủ quyền Trung Quốc. Lực lượng này cho biết nhiều đơn vị đã tham gia vào cuộc tập trận bắn đạn thật trong và xung quanh vị trí thuộc cực bắc và nam của eo biển Đài Loan.
Đáp lại, MND nhấn mạnh rằng tất cả các động thái quân sự gần Đài Loan đang được giám sát và người dân không cần phải lo lắng. MND cũng tuyên bố sẽ bảo vệ quyền tự do và dân chủ của Đài Loan, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội sẽ tiếp tục nâng cao khả năng chiến đấu của mình.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt nghi phạm IS có ý định đánh bom
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một tay súng bị tình nghi thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) bị nghi đang dự tính tấn công một đồn cảnh sát, hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu Agency (AA) đưa tin hôm thứ Năm.
AA cho hay, nghi phạm, tên viết tắt là M.A., có ý định tổ chức một vụ khủng bố ở huyện Inegol, tỉnh Bursa, nằm trong khu vực Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Cảnh sát đã thu giữ một chiếc áo dùng cho đánh bom tự sát và các vật liệu nổ khác.
Theo AA, nghi phạm bị cảnh sát theo dõi sau khi xảy ra 5 vụ tấn công đốt phá các cơ sở kinh doanh ở Inegol trong hai tháng gần đây. AA cho biết thêm, M.A. đã nhập cảnh bất hợp pháp vào Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hai năm và thực hiện các hành vi nhân danh I.S ở Syria từ năm 2017 đến 2018.
Điểm tin thế giới tối 14/8:
Trung Quốc phản ứng
việc Mỹ nhắm vào Viện Khổng Tử
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Sáu (14/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc phản ứng việc Mỹ nhắm vào Viện Khổng Tử
Bắc Kinh hôm nay cáo buộc việc Mỹ tăng cường kiểm soát các Viện Khổng Tử là hành vi bôi xấu nhiệm vụ bình thường của chương trình này, theo Reuters.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố, các học viện đã tuân thủ luật pháp sở tại và Bắc Kinh lấy làm tiếc về động thái của Washington.
Tuyên bố của ông Triệu được đưa ra sau khi chính quyền Washington hôm 13/8 yêu cầu các Viện Khổng Tử tại Mỹ phải đăng ký như một phái bộ nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải báo cáo chi tiết thông tin nhân sự và kê khai tường tận tài sản ở Mỹ, dựa trên Đạo luật Phái bộ Nước ngoài năm 1982 (FMA).
Theo trang web của Trung tâm Viện Khổng Tử Hoa Kỳ, trung tâm này quảng bá mạng lưới các Viện Khổng Tử trên khắp nước Mỹ, cung cấp các khóa học văn hóa và giáo dục tại các Viện Khổng Tử. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhận định Bắc Kinh đã lợi dụng các đặc điểm tự do và cởi mở của xã hội Mỹ để thâm nhập, tuyên truyền và gây ảnh hưởng ở Hoa Kỳ.
Triều Tiên thay thủ tướng
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm nay cho biết, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jung-un đã bổ nhiệm ông Kim Tok-hun, người đứng đầu ủy ban ngân sách của quốc hội, làm Thủ tướng nước này thay thế ông Kim Jae-ryong.
Trước đó, ông Kim Tok-hun, từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Ngân sách của quốc hội Triều Tiên, còn ông Kim Jae-ryong, được bổ nhiệm là thủ tướng Triều Tiên trong kỳ họp quốc hội vào tháng 4/2019.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang phải hứng chịu đợt lũ lụt nghiêm trọng ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế vốn đã khó khăn do các lệnh cấm vận và dịch Covid-19.
Ông Kim cũng đã ra lệnh dỡ bỏ lệnh phong tỏa thành phố biên giới Kaesong sau khi một người đào tị bị nghi nhiễm virus Vũ Hán từ Hàn Quốc trở về Triều Tiên.
Người Canada ở Hồng Kông có thể bị cảnh sát bắt giữ
Một số nhà hoạt động cảnh báo các nghị sĩ Canada rằng luật an ninh quốc gia Hồng Kông có thể khiến cho 300.000 người Canada sống tại hòn đảo này gặp nguy hiểm, theo bản tin ngày 13/8 của The Globe And Mail.
Các nhà hoạt động nói với các nghị sĩ tại Ủy ban Đặc biệt về Quan hệ Canada-Trung Quốc của Hạ viện rằng, lực lượng cảnh sát mật có thể bắt giữ những người Canada sống tại Hồng Kông theo luật an ninh quốc gia mới.
Các nghị sĩ cũng được cảnh báo rằng bất kỳ thành viên nào của ủy ban – hoặc bất kỳ người Canada nào – đều có thể bị buộc tội theo luật an ninh. Trung Quốc đang có thỏa thuận dẫn độ với hơn 35 quốc gia.
Tham gia phiên điều trần có nhà hoạt động Hoa Kỳ Samuel Chu. Gần đây, ông bị cảnh sát truy bắt theo luật an ninh mới, dù ông Chu sống ở Hoa Kỳ.
“Mọi điều khoản của luật an ninh quốc gia đều áp dụng cho tất cả người dân bên ngoài Hồng Kông”, ông Chu nói với ủy ban đang tổ chức phiên điều trần về luật này.
“Không ai nằm ngoài vùng bao phủ của nó; không chỉ tôi, một người Mỹ sống trên đất Mỹ, và không chỉ là 300.000 người Canada đang sống và làm việc tại chính Hồng Kông”.
Michael Davis, cựu giáo sư luật tại Đại học Hồng Kông, nói với các nghị sĩ rằng Điều 38 của luật an ninh quy định luật này không chỉ áp dụng ở Hồng Kông mà còn đối với các hành vi phạm tội “bên ngoài Đặc khu hành chính Hồng Kông, bởi một người không phải là cư dân thường trú ở hòn đảo”.
ByteDance chặn nội dung chống Bắc Kinh ở Indonesia
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã kiểm duyệt nội dung mà họ coi là chỉ trích Bắc Kinh trên ứng dụng tổng hợp tin tức BaBe ở Indonesia từ năm 2018 đến giữa năm 2020, 6 nguồn thạo tin có liên quan trực tiếp về vấn đề này nói với Reuters.
Các nguồn tin cho hay những người phụ trách việc kiểm duyệt tin tức tại địa phương đã được một nhóm từ trụ sở của ByteDance tại Bắc Kinh hướng dẫn xóa các bài viết bị coi là “tiêu cực” về chính quyền Trung Quốc trên ứng dụng tổng hợp tin tức Baca Berita (BaBe).
Theo Reuters, BaBe là ứng dụng tin tức hàng đầu của Indonesia với hơn 8 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và 30 triệu lượt tải xuống vào cuối năm 2019.
ByteDance đã mua lại BaBe vào năm 2018 sau khi TikTok bị cấm một thời gian ngắn ở nước này vì hiển thị “các nội dung khiêu dâm, không phù hợp và xúc phạm”.
Hai trong số sáu nguồn tin cho biết, sau khi mua lại toàn bộ BaBe, ByteDance ngay lập tức đưa ra hướng dẫn kiểm duyệt thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp các bài đăng từ hàng trăm phương tiện truyền thông Indonesia. Điều này đã được một nhóm từ trụ sở của ByteDance tại Bắc Kinh tiến hành.
Sáu nguồn tin cho biết, theo hướng dẫn mới của BaBe, các bài báo từ các phương tiện truyền thông bị coi là chỉ trích chính phủ Trung Quốc sẽ không được đăng lại trên ứng dụng BaBe hoặc sẽ bị gỡ xuống khỏi ứng dụng.
Một người có liên quan trực tiếp cho biết các bài báo có từ khóa “Thiên An Môn” – liên quan đến cuộc đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 của Trung Quốc – hoặc Mao Trạch Đông, đều bị gỡ xuống.
Một nguồn tin khác mô tả các bài báo về căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc trên Biển Đông cũng bị cấm trên ứng dụng, ngay cả khi chúng đến từ hãng thông tấn chính thức Antara của nước này.
Chuyên gia: Vắc-xin Covid của Mỹ hơn hẳn của Nga
Tiến sĩ Y khoa Martin Makary, Giáo sư về chính sách y tế tại trường Đại học Johns Hopkins hôm 13/8 nói rằng vắc-xin Covid-19 của Mỹ tiên tiến hơn nhiều so với vắc-xin của Nga.
Hôm 11/8, Tổng thống Putin tuyên bố Nga là quốc gia đầu tiên có vắc-xin Covid-19 đã được đăng ký, và con gái ông đã tiêm thử.
Phát biểu trong chương trình của Fox News Rundown, ông Makar cho biết: “Về cơ bản, việc họ nói đã phê duyệt vắc-xin chỉ tương đương với việc phê duyệt thử nghiệm Giai đoạn I (ở Mỹ)”, ông nói. “Tôi không nghĩ rằng chúng tôi có thể chấp nhận điều đó ở Hoa Kỳ về độ an toàn và hiệu quả”.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng III, đưa nước này vượt xa Nga, vốn chỉ tương đương với thử nghiệm giai đoạn I ở Mỹ.
Ông Makary cảnh báo: “Đừng lên máy bay đến Nga để thử tiêm loại vắc-xin này”.