Tin khắp nơi – 14/08/2020
TT Mỹ loan báo “một thỏa thuận hòa bình lịch sử” giữa Israel và UAE – Trọng Nghĩa
Ngày hôm qua 13/08/2020, Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) đã đạt một thỏa thuận hướng tới việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia Trung Đông, dưới sự bảo trợ của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi đó là một “hiệp định hòa bình lịch sử”.
Tổng thống Mỹ đã tỏ ý rất hài lòng cho đấy là một “bước đột phá ngoạn mục”. Thông tín viên RFI tại Hoa Kỳ, Loubna Anaki, cho biết thêm chi tiết:
Từ Phòng Bầu Dục, Donald Trump thông báo một thỏa thuận hòa bình lịch sử: “Một số người nói là không thể được! Sau 49 năm, Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất sẽ hoàn toàn bình thường hóa quan hệ. Đây là một thời điểm lịch sử. Chưa từng có bước tiến triển như vậy liên quan đến hòa bình ở Cận Đông từ hiệp định hòa bình giữa Israel và Jordanie cách đây 25 năm!”
Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất sẽ trao đổi đại sứ và bắt đầu hợp tác trong nhiều lãnh vực như an ninh, giáo dục hay tư pháp. Thỏa thuận cũng dự kiến là Israel ngưng các đề án sáp nhập lãnh thổ Palestine tại một số nơi ở vùng Cisjordanie.
Với người con rể kiêm cố vấn Jared Kushner cùng nhiều người khác tham gia vào việc đàm phán hòa bình này, ông Trump đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Mỹ trong hồ sơ này, và hy vọng đây sẽ là bước đầu tiến tới một tương lai hòa bình trong vùng.
Ông nói: “Một số người cho là không thể được, nhưng bây giờ thì băng giá đã tan ra, tôi hy vọng là những quốc gia Ả Rập và Hồi Giáo khác sẽ theo gương của Các Tiểu Vương Quốc Ả Râp Thống Nhất.”
Buổi ký kết chính thức thỏa thuận hòa bình sẽ diễn ra tại Nhà Trắng trong những tuần lễ tới đây.
Dưới sự bảo trợ của Mỹ, sau một thời gian dài đàm phán 3 bên và được đẩy mạnh gần đây, thỏa thuận đã được đúc kết vào hôm qua trong cuộc điện thoại giữa tổng thống Mỹ Donald Trump, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu, và cheik Mohammed Bin Zayed, thái tử Abou Dhabi.
Phản ứng của Palestine
Palestine rất tức giận sau thông báo về thỏa thuận hòa bình, cảm thấy bị “phản bội”. Các mạng xã hội sôi sục, lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas, đã triệu tập ban lãnh đạo Cơ Quan Quyền Lực Palestine, và tuyên bố trong một thông cáo: “Đây là một sự phản bội đối với Jerusalem và Palestine”.
Phản ứng của Iran
Bộ Ngoại Giao Iran vào hôm nay, 14/08, trong một thông cáo, đã chỉ trích gay gắt thỏa thuận, cho rằng đó là một sự “ngu xuẩn chiến lược”, chỉ làm tăng thêm sự phản kháng trong vùng. Theo Iran: “Người dân Palestine bị áp bức và những nước tự do sẽ không tha thứ cho việc bang giao với chế độ tội ác Israel”.
Ông Joe Biden và bà Kamala Harris
ra mắt chiến dịch tranh cử tổng thống
trong thời kỳ đại dịch tại Delaware
Vào thứ tư (ngày 12 tháng 8), ông Joe Biden và bà Kamala Harris đã quên đi khoảng thời gian từng là kình địch chính trị của nhau để ra mắt chiến dịch tranh cử tổng thống tại Delaware, với những lời chỉ trích mạnh mẽ nhằm thẳng vào tính cách và cách làm việc của Tổng thống Trump.
Sự ra mắt lần này của Đảng Dân chủ là chưa từng có trong lịch sử. Đại dịch coronavirus đã ngăn ứng viên tổng thống Đảng này là ông Biden cùng phó tổng thống của ông là bà Harris xuất hiện trước một đám đông lớn như những buổi ra mắt trong quá khứ. Thay vào đó, họ phải phát biểu trong một phòng tập thể dục của trường trung học hầu như trống rỗng, nơi các phóng viên gần như đông hơn các phụ tá chiến dịch và thành viên gia đình của các ứng cử viên.
Mặc dù đại dịch đã không cho phép họ ra mắt chiến dịch tranh cử, nhưng đây cũng là cơ hội cho ông Biden và bà Harris nhấn mạnh những lời chỉ trích của họ rằng Tổng thống Trump không thể đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ.
Trong một bình luận sắc bén, bà Harris nói rằng dù virus này đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, nhưng chính sự thất bại của Tổng thống Trump đã khiến Hoa Kỳ trở thành nước chịu hậu quả nghiêm trọng nhất. Bà Harris là người phụ nữ da đen gốc Á đầu tiên đảm nhận vị trí ứng cử viên phó tổng thống của một đảng lớn.
Trong khi đó, Tổng thống Trump đã không thể đưa ra một thông điệp mạch lạc về cặp Biden-Harris, nói rằng Đảng Dân chủ “quá tự do” đối với Hoa Kỳ và đồng thời “chưa đủ tiến bộ” cho Đảng của họ. Bên cạnh đó, ông gọi bà Harris là “kinh tởm” và nói rằng “những bà nội trợ ngoại ô” sẽ bỏ phiếu cho ông để giữ an toàn cho các khu dân cư. (BBT)
Mỹ : Biden và Harris chỉ trích
cách TT Trump xử lý khủng khoảng Covid-19
Thùy Dương
Tại Mỹ, đại dịch Covid-19 đang là trọng tâm chiến dịch vận động tranh cử tổng thống. Trong bài diễn văn đầu tiên trong vai trò ứng viên phó tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris đã tấn công mạnh mẽ tổng thống Donald Trump về cách ông quản lý cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Hôm qua, ông Trump nhắc lại là virus corona sắp biến mất, thế nhưng đối thủ phe Dân Chủ, ông Joe Biden, lại đề nghị quy định bắt buộc đeo khẩu trang được triển khai trên toàn quốc, ít nhất là trong vòng 3 tháng tới.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet gửi về bài tường trình :
Cặp đôi ứng viên đảng Dân Chủ luôn xuất hiện với khẩu trang trên mặt và tuân thủ nghiêm ngặt quy định giãn cách xã hội. Joe Biden và Kamala Harris cho biết là từ nay họ sẽ dành 4 buổi họp hàng tuần để nói về đại dịch.
Và ứng viên đảng Dân Chủ đã kêu gọi : “Mọi người dân Mỹ đều nên đeo khẩu trang khi ở bên ngoài, ít nhất là trong vòng ba tháng tới. Mỗi thống đốc bang đều nên ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Các chuyên gia đánh giá là việc đeo khẩu trang có thể cứu được mạng sống của 40 ngàn người trong ba tháng tới. Hãy là người yêu nước ! Hãy bảo vệ đồng bào!”
Chuyện này liên quan đến việc cứu mạng người dân Mỹ. Joe Biden khẳng định đây không phải là một biện pháp của phe Dân Chủ hay của phe Cộng Hòa. Ông cho rằng cuộc tranh luận về biện pháp này không nên mang màu sắc chính trị. Nhưng thực chất, lời tố cáo là nhằm vào chính thái độ của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ứng viên cho chức phó tổng thống bên đảng Dân Chủ, bà Kamala Harris, phát biểu : “Ông Joe Biden mới chính là một nhà lãnh đạo thực thụ. Người dân Mỹ biết rằng cách mà Joe Biden lãnh đạo đất nước này là luôn luôn làm những điều tốt nhất cho người dân.”
Trong bối cảnh đã có tới 166.000 người tử vong vì đại dịch tại Mỹ, hôm qua, thứ Năm, tổng thống Donald Trump một lần nữa nhắc lại là virus corona sắp biến mất.
Người Mỹ sẽ được tiêm phòng Covid-19 miễn phí
Liên quan đến vac-xin ngừa Covid-19, theo AFP, cũng trong ngày hôm qua, ông Paul Mango, một quan chức cấp cao của bộ Y Tế Mỹ phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến là nếu được thử nghiệm thành công, vac-xin ngừa virus corona sẽ được tiêm miễn phí cho người Mỹ.
Tiền mua vac-xin là do chính phủ chi trả, người dân trả tiền tiêm phòng cho bác sĩ, phòng khám nhưng sẽ được các hãng bảo hiểm tư nhân và các chương trình bảo hiểm Nhà nước, như Medicare, hoàn trả, kể cả đối với những người không mua bảo hiểm.
Trong khi đó, CNN cho biết các quan chức Nga ở Matxcơva nói rằng họ đã đề nghị « có sự hợp tác chưa từng có » với Mỹ về vac-xin ngừa Covid-19, nhưng Washington « không mặn mà » với vac-xin của Nga. Một quan chức cấp cao của Nga nói với CNN là họ có cảm giác Mỹ không tin tưởng vào công nghệ của Nga, cả về việc bào chế vac-xin, xét nghiệm tầm soát và phương pháp điều trị.
Kamala Harris là ai?
Sau khi phỏng vấn 11 ứng viên trong 10 ngày liên tiếp, cuối cùng cựu Phó Tổng Thống Joe Biden đã chọn người ra đứng chung liên danh với ông, vào lúc chỉ còn có 83 ngày nữa là tới ngày bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2020.
Người được ông chọn sau một thời gian cân nhắc là Thượng nghị sĩ đại diên bang California, Kamala Harris, một trong các đối thủ của ông trong đợt bầu cử sơ bộ trước khi Đảng Dân Chủ chọn mặt gửi vàng cho người đại diện đảng ra tranh chức với đương kim Tổng Thống Đảng Cộng hòa, Donald Trump.
Bất kể đảng nào thắng thế trong cuộc bầu cử có tính quyết định vào ngày 3/11 sắp tới, Kamala Harris cũng đã làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ được chọn đứng chung liên danh tranh chức Tổng Thống của một chính đảng lớn.
Kamala Harris là ai?
Tên đầy đủ là Kamala Devi Harris, bà ra đời ngày 20/10/1964 ở Oakland, bang California, theo Britannica.com.
Được nuôi dưỡng trong một khu xóm nhiều người Mỹ gốc Phi ở Berkely, thời còn bé, Kamala được cha mẹ ẵm đi dự các cuộc biểu tình của phong trào dân quyền, và tham gia ca đoàn của một nhà thờ Baptist.
Tốt nghiệp Đại học Howard với bằng cử nhân Khoa học Chính trị và Kinh tế (1986), Kamala Harris tốt nghiệp trường Luật Hastings College năm 1989.
Công tố viên San Francisco
Năm 2003, Kamala Harris đánh bại xếp cũ của mình, ông Terence Hallinan, giành được chức vụ của ông: công tố viên quận San Francisco. Trong những thành tích của bà trong giai đoạn này, có sáng kiến “Back on Track”, cung cấp các khóa học và đào tạo để giúp những phạm nhân khinh tội có cơ hội trở về làm lại cuộc đời.
Bà bị chỉ trích vì giữ lời hứa khi vận động, từ chối kêu án tử hình đối với một thành viên băng đảng bị kết tội giết một nhân viên cảnh sát viên vào năm 2004.
Bộ trưởng Tư pháp California
Bà Kamala Harris tiếp tục thăng tiến trên con đường sự nghiệp khi dành được chức vụ Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang California tháng 11/2010, trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên, và cũng là người phụ nữ đầu tiên, nắm chức vụ này.
Trong cương vị này, bà thương thuyết thành công với 5 ngân hàng lớn nhất nước để các ngân hàng phải bồi thường về lối làm ăn thiếu chính đáng của họ trong lĩnh vực cho vay tiền thế chấp mua nhà, buộc các ngân hàng chi ra 20 triệu USD, cao gấp 5 lần con số do tiểu bang California đề nghị.
Bà Kamala Harris cũng gây bão về quyết định của bà, từ chối bảo vệ Dự luật 8, tu chính án được đề nghị để sửa đổi hiến pháp California nhằm thu hẹp định nghĩa của hôn nhân để chỉ công nhận sự kết hợp giữa hai người khác giới tính, gạt bỏ quyền kết hôn của những cặp đồng phái tính. Bộ trưởng Tư pháp Kamala Harris là người chủ trì cuộc hôn nhân đồng giới tính đầu tiên tại California vào năm 2013.
Thượng nghị sĩ
Bà chiếm được 1 ghế tại Thượng viện Hoa Kỳ trong các cuộc bầu cử quốc hội năm 2016 sau khi đánh bại đối thủ Loretta Sanchez.
Bà gây chú ý khi năm sau, 2017, bà trở thành người Mỹ gốc Ấn đầu tiên và phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên phục vụ trong cương vị Thượng nghị sĩ (Đảng Dân Chủ), đại diện cho bang California.
Tại Thượng viện, bà có chân trong nhiều tiểu ban quan trọng trong đó có Ủy ban an ninh nội địa và các vấn đề chính phủ, Ủy ban Đặc biệt về Tình báo, Ủy ban Tư Pháp, và Ủy ban phân bổ Ngân sách.
Trong cương vị thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, bà Kamala Harris gây chú ý với khả năng chất vấn sắc bén, nhất là trong cuộc điều trần chuẩn thuận ông Brett Kavanagh vào năm 2018, lúc bấy giờ là ứng viên được đề cử vào Tòa án tối cao, và cuộc điều trần của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions năm 2017.
Bà thất bại trong cuộc vận động để được Đảng Dân Chủ chọn đại diện cho đảng ra tranh chức với Tổng Thống Donald Trump. Có lúc bà được coi là ứng viên dẫn đầu trong các cuộc bầu cử sơ bộ Đảng Dân Chủ.
Tên bà xuất hiện trên các hàng tít lớn khi bà tấn công ông Biden, lúc đó là đối thủ chính trị của bà, nhắc lại ông Biden đã từng chống đối dịch vụ xe buýt để hội nhập các trường học.
Cuộc tấn công bất ngờ đó là một đòn đau đối với vợ chồng ông Biden, vì Kamala là bạn thân của Beau Biden, con trai ông Biden đã qua đời vì bệnh ung thư.
Tới bây giờ, một số thành viên trong Đảng Dân Chủ vẫn chỉ trích bà về vụ này.
Ảnh hưởng của gia đình
Kamala Harris mang hai dòng máu, con của hai người người di dân, cha là người Jamaica, mẹ là người Ấn Độ.
Cha của Kamala Harris, Donald Harris, là Giáo sư danh dự môn Kinh tế tại Đại học Stanford, mẹ bà là Shyamala, con gái của một nhà ngoại giao Ấn Độ từng tham gia đấu tranh bất bạo động cùng với Gandhi để dành độc lập cho Ấn Độ. Shyamala sang Mỹ theo học Đại học California-Berkeley, nơi bà gặp người chồng tương lai, Donald Harris.
Bà Shyamala sau này trở thành một nhà nghiên cứu bệnh ung thư danh tiếng.
Cha mẹ ly dị lúc Kamala lên 7 tuổi, hai chị em sống với mẹ và năm lên 12 tuổi, Maya và Kamala theo mẹ sang Montreal, tỉnh bang Quebec, Canada, khi bà được trường đại học Canada mời sang thỉnh giảng và nghiên cứu. Kamala học được tiếng Pháp tại đây, khi theo học Trường Trung học Westmount ở Quebec.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2009 dành cho Tổng Biên tập của báo Indian Abroad, tờ báo cộng đồng đã đóng cửa vì dịch Covid-19, bà Kamala Harris nói về ảnh hưởng của mẹ bà và nguồn gốc văn hóa của quê mẹ trong cuộc đời mình:
“Mẹ tôi rất tự hào về di sản văn hóa của bà, và dạy chúng tôi, em gái Maya và tôi chia sẻ với bà niềm tự hào về văn hóa Ấn Độ. Cứ vài năm là chúng tôi về thăm Ấn Độ. Một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi, ngoài mẹ tôi, là ông ngoại P.V.Gopalan, ông từng giữ chức vụ tương đương với Bộ trưởng Ngoại giao của Mỹ. Ông ngoại tôi là một trong những nhà đấu tranh cho độc lập đầu tiên của Ấn Độ, và một số kỷ niệm thời nhỏ đáng nhớ nhất của tôi là đi dạo ngoài biển với ông sau khi ông về hưu và sống ở Besant Nagar, giờ gọi là Madras. Mỗi sáng ông thường đi dạo với những người bạn thân từng tranh đấu với ông, họ bàn chuyện chính trị, về công lý và sự cần thiết phải diệt trừ nạn tham nhũng. Họ bày tỏ ý kiến, tranh luận với nhau và thỉnh thoảng lại cười lớn… Những cuộc đối thoại đó có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi, tôi học hỏi nơi họ tinh thần trách nhiệm, phải trung thực và bảo vệ danh dự của mình…Cho nên phần đó trong lý lịch của tôi ảnh hưởng rất nhiều tới con người tôi trở thành ngày nay, cũng như những công việc mà tôi theo đuổi.”
Đời tư
Chồng bà Kamala Harris, Doug Emhoff, là một người gốc Do thái và là một luật sư có thành tích trong lĩnh vực giải trí.
Kamala và Doug Harris làm lễ cưới nhỏ do em gái Maya chủ hôn ngày 22/8/2014 ở Santa Barbara, California.
Năm nay 55 tuổi – cùng tuổi với vợ, ông Emhoff ra đời ở Brooklyn. Cha ông, một nhà thiết kế giầy phụ nữ, dọn về New Jersey. Gia đình Emhoff lại dời về Los Angeles khi Doug đang theo bậc trung học.
Ông tốt nghiệp Đại học California State, Northridge và Trường luật Gould School of Law thuộc University of Southern California.
Ông Emhoff có hai người con với vợ trước, đặt tên là Cole và Ella, theo thần tượng nhạc jazz John Coltrane and Ella Fitzgerald. Cả Emhoff và Harris thường nhắc đến mối quan hệ nồng ấm giữa Harris và con riêng của chồng, giờ đã trưởng thành, Cole và Ella vẫn gọi mẹ kế là ‘Momala’.
Nếu liên danh Biden-Harris đắc cử thì không những Hoa Kỳ lần đầu tiên sẽ có một nữ Phó Tổng Thống mà còn có một ‘Đệ nhị Phu quân’, một chức vụ chưa có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ, ít nhất đòi hỏi một số điều chỉnh trong các nghi thức lễ tân.
Ông Emhoff phần nào đã bước đầu làm quen với vai trò phối ngẫu của một chính khách khi ông ủng hộ vợ ông trong chiến dịch vận động trong nội bộ đảng để được chọn ra ứng cử Tổng Thống.
https://www.voatiengviet.com/a/kamala-harris-la-ai/5543309.html
Trump lặp lại giả thuyết về “sinh quán”
đối với Kamala Harris
Tổng thống Donald Trump nói rằng ông nghe nói ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris “không đủ tiêu chuẩn” để làm phó tổng thống Hoa Kỳ, phóng đại một quy định pháp lý mà giới chỉ trích cho rằng phân biệt chủng tộc.
Bà Harris sinh ra ở Oakland, California, vào ngày 20/10/1964. Cha bà là người Jamaica và mẹ là người Ấn Độ.
Nhưng một giáo sư luật có khuynh hướng bảo thủ đã đặt nghi vấn về việc liệu bà có đủ điều kiện để tranh cử hay không.
Trong nhiều năm, ông Trump đã thúc đẩy một lý thuyết về “sinh quán” rằng Tổng thống Barack Obama không sinh ra ở Mỹ.
Hôm thứ Ba, bà Harris, Thượng nghị sĩ của bang California, được công bố trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên là ứng viên chạy đua ghế phó tổng thống của một đảng chính tại Hoa Kỳ.
Bà là ứng cử viên cho vị trí phó tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cùng với Joe Biden, người sẽ là đối thủ của ông Trump (thuộc đảng Cộng hòa) trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 này.
Ông Trump nói gì?
Tại cuộc họp báo hôm thứ Năm, ông Trump đã được hỏi về lập luận chống lại bà Harris.
Tổng thống nói: “Tôi chỉ vừa nghe được điều đó hôm nay rằng bà ấy không hội đủ các tiêu chuẩn và nhân tiện, luật sư viết bài báo đó là một người rất tài năng và có trình độ cao.
“Tôi không biết điều đó có đúng hay không. Tôi cho rằng đảng Dân chủ đã kiểm tra mọi thông tin đó trước khi chọn bà ấy làm người chạy đua cho vị trí phó tổng thống.
“Nhưng điều này rất nghiêm trọng, người ta đang nói rằng bà ấy không đủ tiêu chuẩn vì bà ta không sinh ra tại đất nước này.”
Phóng viên đáp lại rằng không có mối nghi ngờ nào về việc bà Harris sinh ra ở Mỹ, vấn đề chỉ là cha mẹ bà có thể không phải là công dân hợp pháp vào thời điểm đó.
Trước đó, vào thứ Năm, một cố vấn chiến dịch tranh cử của Trump, Jenna Ellis, đã đăng lại tweet của Tim Fitton, người đứng đầu nhóm bảo thủ Jud Justice Watch.
Trong tweet đó, ông Fitton đặt câu hỏi về việc liệu có phải là bà Harris “không đủ tư cách để trở thành phó tổng thống theo ‘Điều khoản Quốc tịch’ của Hiến pháp Hoa Kỳ” hay không.
Ông cũng chia sẻ một ý kiến được đăng trên tạp chí Newsweek của tác giả John Eastman, một giáo sư luật tại Đại học Chapman ở California.
Giáo sư luật lập luận gì?
Giáo sư Eastman trích dẫn Điều II trong Hiến pháp Hoa Kỳ với ngôn từ rằng “không ai ngoại trừ người là công dân từ lúc sinh ra… sẽ đủ đều kiện được bầu vào văn phòng Tổng thống”.
Ông cũng chỉ ra rằng Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp viết rằng “tất cả những người sinh ra … ở Hoa Kỳ, và thuộc quyền tài phán của Hoa Kỳ, đều là công dân”.
Lập luận của Giáo sư Eastman xoay quanh ý kiến rằng bà Harris có thể không phải là đối tượng thuộc quyền tài phán của Hoa Kỳ nếu chẳng hạn như cha mẹ bà có thị thực sinh viên vào thời điểm họ sinh bà ở California.
Năm 2010, Giáo sư Eastman từng tranh cử để trở thành ứng cử viên đảng Cộng hòa cho chức Tổng chưởng lý California. Ông đã thua Steve Cooley, người sau đó bị bà Harris đánh bại trong cuộc tổng tuyển cử.
Đối diện với những phản ứng dữ dội với bài ý kiến trên tờ Newsweek, hôm thứ Năm, tổng biên tập Nancy Cooper đã đứng lên bảo vệ quan điểm cho đăng bài viết, lập luận rằng bài báo của Giáo sư Eastman “không liên quan gì đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dựa trên sinh quán”.
Các chuyên gia hiến pháp khác nói gì?
Một chuyên gia về hiến pháp khác nói với CBS News, đối tác của BBC tại Mỹ, rằng lập luận của Giáo sư Eastman về tư cách tranh cử của bà Harris là “thực sự ngớ ngẩn”.
Erwin Chemerinsky, hiệu trưởng Trường Luật Berkeley, đã viết trong một email: “Theo mục 1 của Tu chính án thứ 14, bất kỳ ai sinh ra ở Hoa Kỳ đều là công dân Hoa Kỳ.
“Tòa án Tối cao đã quyết định về việc này từ những năm 1890. Kamala Harris sinh ra ở Hoa Kỳ.”
Laurence Tribe, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Harvard và là người thường xuyên chỉ trích Tổng thống Trump, gọi lập luận của Giáo sư Eastman là “rác rưởi” và “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dựa trên sinh quán”.
Jessica Levinson, một giáo sư tại Trường Luật Loyola, nói với hãng tin Associated Press: “Hãy thành thật về điều này: Đó chỉ là một trò phân biệt chủng tộc được bày ra sau khi chúng ta chọn được một ứng cử viên da màu mà cha mẹ bà không phải là công dân Mỹ.”
Trump đã thúc đẩy giả thuyết “sinh quán” về Obama như thế nào?
Quay trở lại vào năm 2011, ông Trump bắt đầu đưa ra các giả thuyết thiên hữu cho rằng Tổng thống Obama có thể đã được sinh ra ở Kenya.
Ngay cả khi ông Obama đưa ra một bản sao giấy khai sinh của mình vào tháng 4 năm đó cho thấy ông sinh ra ở Hawaii, ông Trump vẫn tiếp tục nói rằng đó là một sự “gian lận”.
Trong một cuộc họp báo vào tháng 9 năm 2016, ông Trump, khi đó là ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng của Đảng Cộng hòa, đã bị chất vấn về vấn đề này.
Ông Trump đã tìm cách ghi nhận công lao của chính mình trong việc xua đi những ngờ vực về tư cách của ông Obama, bèn nói với các phóng viên: “Tôi đã tìm hiểu xong. Tổng thống Obama sinh ra ở Hoa Kỳ. Chấm hết.”
Ông Trump cũng từng lập luận vào năm 2016 rằng đối thủ tranh cử của ông Ted Cruz không đủ điều kiện để tranh cử tổng thống vì ông ta sinh ra ở Canada với mẹ là công dân Mỹ và cha là người chào đời tại Cuba.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53774700
Tổng Thống Trump phản đối tài trợ dịch vụ bưu điện
vì không ủng hộ việc bỏ phiếu qua thư
Tin Washington DC – Tổng Thống Trump vào thứ Năm, 13 tháng 8, nói rằng ông phản đối đề nghị của đảng Dân Chủ về việc tài trợ cho Dịch vụ bưu điện Hoa Kỳ USPS, vì số tiền này sẽ được dùng để tạo điều kiện cho việc bỏ phiếu qua thư trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Trong cuộc phỏng vấn với chương trình Fox Business, Tổng Thống Trump đã chỉ trích dự luật tài trợ kinh tế 3.4 ngàn tỷ Mỹ kim được Hạ Viện Dân Chủ thông qua vào tháng 5, vốn sẽ cung cấp 25 tỷ Mỹ kim cho USPS và 3.5 tỷ cho các tiểu bang để hỗ trợ tổ chức bầu cử. Thượng Viện đã từ chối dự luật của Hạ Viện, và các cuộc đàm phán giữa đảng Dân Chủ và Tòa Bạch Ốc về kế hoạch cứu trợ mới vẫn tiếp tục bế tắc.
Các thay đổi gần đây của Dịch vụ bưu điện đã khiến thư từ bị chậm trễ nghiêm trọng, dẫn đến lo ngại rằng cơ quan này sẽ không giải quyết nổi số phiếu bầu qua thư vào trước cuộc bầu cử tháng 11. Hàng triệu cử tri dự kiến sẽ bầu cử qua thư vào tháng 11 năm nay, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Sự chậm trễ trong việc giao thư có thể khiến cử tri không nhận được phiếu bầu kịp thời để bỏ phiếu, hoặc lá phiếu của họ có thể bị gởi trả trễ hạn.
Trong khi đó, Tổng giám đốc USPS Louis DeJoy khẳng định rằng, các thay đổi của USPS, bao gồm việc xóa bỏ gần như toàn bộ thời gian làm thêm giờ, sẽ không gây trở ngại cho các cử tri muốn bỏ phiếu qua thư. Tổng Thống Trump lâu nay vẫn phản đối việc bỏ phiếu qua thư, vì cho rằng cách bỏ phiếu này dễ dẫn đến gian lận. (BBT)
Chuyện trò với GS Jonathan London
về bầu cử tổng thống Mỹ 2020
Nhận định về kỳ bầu cử tổng thống năm nay, GS Jonathan London, một công dân Mỹ hiện đang sống ở Hà Lan, nói đây là cuộc bầu cử ”quan trọng nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ và đối với tương lai của thế giới.”
Trước khi đến Hà Lan, GS Jonathan London từng sống và làm việc ở Việt Nam, Singapore, Hong Kong. Sống xa quê hương suốt 23 năm qua, nhưng ông cho biết năm nào cũng về Mỹ thăm gia đình.
Và đặc biệt, dù ở xa, kỳ bầu cử tổng thống nào ông cũng tham dự, qua đường bưu điện.
Trả lời câu hỏi ông là thành viên của đảng Cộng hòa hay Dân chủ, GS Jonathan London nói ông ”bỏ phiếu theo lương tâm, và không muốn tiết lộ đảng phái chính trị” của mình.
GS Jonathan London: Cuộc bầu cử này là bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ và là cuộc bầu cử quan trọng đối với tương lai của thế giới. Từ tình hình môi trường và địa chính trị trong nền kinh tế thế giới, và các xu hướng chính trị toàn cầu và khu vực, đây là cuộc bầu cử mang tính hệ quả nhất của thời đại chúng ta.
BBC: Ông có thể cho biết sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào và tại sao?
GS Jonathan London: Tôi sẽ không, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bỏ phiếu cho Donald J trump, một tổng thống phá hoại nhất có thể được trong lịch sử Hoa Kỳ. Tôi rất nóng lòng bỏ phiếu chống Donald Trump và tin rằng những người trong liên danh của Biden sẽ phục vụ lợi ích của người dân Mỹ trong lợi ích của thế giới, tốt hơn về tất cả mọi khía cạnh.
BBC: Ông có nghĩ rằng Hoa Kỳ đang đi đúng hướng không, tại sao? Và ông hy vọng gì trong mùa bầu cử này?
GS Jonathan London: Rõ ràng là Mỹ đang không đi đúng hướng do thất bại của lãnh đạo vì hệ thống chính trị bị thối nát. Tiền bạc đã đầu độc hệ thống chính trị Hoa Kỳ. Nền dân chủ của Mỹ đã thất bại vì nó phục vụ một cách có hệ thống cho những người giàu có nhất, cũng như cho quyền lợi của các nhóm lợi ích, điều mà đa số dân thường phải trả giá. Hệ thống chính trị và xã hội Mỹ tiếp tục bị đầu độc bởi động thái mị dân của tổng thống. Trump và đồng minh của ông có ý định loại bỏ cơ chế kiểm soát và cân bằng của nền dân chủ, điều hiển nhiên mà bất kỳ ai đã theo dõi chính trường Mỹ trong ba năm qua đều thấy.
BBC: Ủng hộ Trump hay chống Trump, và dồn phiếu cho ai có là chủ đề nóng trong gia đình ông không? Và phản ứng của gia đình với quan điểm của ông là gì?
GS Jonathan London: Cuộc thảo luận duy nhất mà tôi có với gia đình liên quan đến Trump không thay đổi: nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy đã gây hoàn toàn tác hại như thế nào và tình hình nước Mỹ đáng buồn ra sao.
BBC: Đặc biệt trong cuộc bầu cử này, nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc giữa giới ủng hộ và chống đối Trump. Ông giải thích hiện tượng này như thế nào?
GS Jonathan London: Sự chia rẽ của đất nước không chỉ đơn giản là giữa những người ủng hộ Trump và những người chống đối Trump. Chúng ta đang nói về một hệ thống chính trị trong đó ít hơn 50% cử tri đủ điều kiện thực sự đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống. Nhiều người cảm thấy chán nản và không tham gia đi bầu.
Thật thế, trong quá khứ, một số người bỏ phiếu cho Trump có cảm giác không biết là hệ thống kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ có bị gian lận hay không. Phân tích này không sai. Ông ta [Trump] là một người lừa đảo và đã dùng văn hóa và thù ghét để huy động sự ủng hộ. Ông Trump là người theo chủ nghĩa ưu đãi các tầng lớp ưu tú trong xã hội, là một người dối trá, lợi dụng sự phẫn uất âm ỉ từ lâu trong một xã hội bất bình đẳng để thắng cử và duy trì quyền lực chính trị. Do đó không gì ngạc nhiên khi ông ta đã dùng quyền lực để thực hiện các chính sách có lợi cho người giàu, với hậu quả mà mọi tầng lớp dân cư khác phải chịu.
BBC: Mạng xã hội kháo nhau rằng đến có 90% người Mỹ gốc Việt và người Việt ở Việt Nam ủng hộ ông Trump. Với kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam, ông nghĩ gì về con số giả định và hiện tượng này?
GS Jonathan London: Người Việt ở Việt Nam nghĩ gì về ông Trump không hẳn là mối quan tâm của tôi, vì họ ít được tiếp cận thông tin và không hiểu biết nhiều về xã hội Hoa Kỳ. Người Mỹ gốc Việt nghĩ gì về Trump lại là một vấn đề khác.
Tôi sẽ không nói ”90%” trừ khi chúng ta có dữ liệu để chứng minh, mặc dù tôi không nghi ngờ là số người ủng hộ ông Trump cao hơn 50%. Tôi đoán là cũng có một sự phân chia thế hệ đáng kể. Chúng ta nên lưu ý điều này vì đã có những giải thích thẳng thắn về sự ủng hộ ông Trump của những người Mỹ gốc Việt lớn tuổi, những người chiếm ưu thế trong giới truyền thông Việt Mỹ.
Cũng giống như cộng đồng người Mỹ gốc Cuba, cộng đồng người Mỹ gốc Việt được định hình bởi một kinh nghiệm lịch sử rất cụ thể. Diễn ngôn chính trị trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, cho đến gần đây, bị chi phối bởi một cái nhìn phiến diện, hoang tưởng, ảo tưởng về chính trị bị ám ảnh bởi những âm mưu của cộng sản. Điều đó không khó hiểu với những kinh nghiệm lịch sử cụ thể của họ và bầu không khí chính trị phổ biến trong các cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong nhiều thập niên.
Đối với những người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi và có tư duy độc lập hơn, những người coi trọng dân chủ và chống phân biệt chủng tộc có một cảm giác xấu hổ khi rất nhiều người Mỹ gốc Việt ủng hộ Trump – một ứng cử viên rõ ràng là không trung thực và phân biệt chủng tộc với danh nghĩa ‘chống Trung Quốc’ và ‘ chống chủ nghĩa cộng sản’. Có rất nhiều người Việt Nam phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc đại lục và bác bỏ mọi vi phạm nhân quyền xảy ra ở khắp mọi nơi, kể cả những vi phạm nhân danh chủ nghĩa cộng sản hoặc nhân danh “bảo vệ biên giới “.
Cookie Dương: Cô gái gốc Việt mong đến gần với thế hệ trước
Black Lives Matter: Hãy đồng hành tư tưởng với con mình
Với kinh nghiệm lịch sử của họ, tôi không ngạc nhiên chút nào khi nhiều người Mỹ gốc Việt tin rằng kẻ nói dối hàng loạt, mắc bệnh vĩ cuồng này, và kẻ thù của dân chủ và nhân quyền này, đang hành động vì lợi ích tốt nhất của người Mỹ trong và ngoài nước.
Rõ ràng là ông Trump đã gây tổn hại cực kỳ nghiêm trọng đến uy tín và vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới, và rõ ràng nhiệm kỳ tổng thống của ông đã gây tổn hại cực kỳ lớn cho nước Mỹ. Sự thất bại nặng nề của tổng thống đối với đại dịch virus corona tự nó là điều đáng lên án, với hơn 160 nghìn người Mỹ đã chết, gây đau thương cho gia đình họ.
BBC: Một số học giả Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn trước đây từng nói rằng Trung Quốc muốn ông Trump tái đắc cử, trong khi tình báo Mỹ gần đây có tin ngược lại. Ông nghĩ sao về sự kiện này?
GS Jonathan London: Các báo cáo tình báo đã lưu ý rằng Nga lại đang ủng hộ Trump và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang cố gắng thúc đẩy cơ hội đắc cử của Biden. Điều này đáng tin cậy.
Điều đáng buồn là ảnh hưởng của các cường quốc nước ngoài trong cuộc bầu cử của Mỹ vẫn được cho phép kéo dài, do thất bại của chính phủ Hoa Kỳ và đặc biệt là của Tổng thống Trump trong việc đảm bảo hệ thống đại cử tri, vốn đã yếu của đất nước.
Bây giờ có vẻ như Trump đang hy vọng sẽ làm suy yếu sự bầu cử một cách có hệ thống; trong nỗ lực này, lợi ích của ông và của Putin một lần nữa sẽ được đồng nhất.
Giáo sư Jonathan London là một nhà xã hội học và kinh tế chính trị học, hiện giảng dạy tại trường đại học City University of Hong Kong, được xem là chuyên gia về Việt Nam.
BBC News Tiếng Việt luôn ủng hộ những ý kiến đa chiều. Độc giả muốn đóng góp ý kiến về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, xin vui lòng liên lạc với chúng tôi tại email: Vietnamese@bbc.co.uk
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53748684
Trump: Thị trường Hong Kong
sẽ ‘xuống địa ngục’ vì sự kiểm soát của TQ
Ông Trump nói Hong Kong “không bao giờ có thể thành công” dưới sự kiểm soát của Trung Quốc và thị trường Hong Kong sẽ “đi xuống địa ngục”, theo SCMP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết điều trên trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm thứ Năm 13/8.
“Ngay khi Trung Quốc gây hấn và kiểm soát Hong Kong, tôi đã rút lại mọi thứ. Mọi thứ bây giờ đã bị rút lại. Và Hong Kong sẽ thất bại,” ông Trump nói qua điện thoại trên kênh Fox Business.
Nhà hoạt động nữ Hong Kong được ca ngợi là ‘Mộc Lan đời thực’
Hong Kong: Những vụ bắt bớ đầu tiên khi luật an ninh có hiệu lực
Hong Kong: Ít phút sau khi luật an ninh được thông qua, các gương mặt dân chủ từ chức
Mỹ áp dụng trừng phạt đối với trưởng đặc khu Hong Kong
Bình luận của ông Trump được đưa ra khi quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục xuống cấp trong bối cảnh đại dịch virus corona, và là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự giận dữ kéo dài của Washington đối với Bắc Kinh về luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp lên Hong Kong.
Ông Trump mô tả Hong Kong là nơi thụ hưởng hàng tỷ đô la từ “những ưu đãi rất đắt tiền”, mà Mỹ hiện đang lấy lại, ông nói.
Ông nói: “Hong Kong là một vấn đề rất phức tạp vì chúng tôi đã cung cấp số tiền khổng lồ dưới hình thức ưu đãi để biến Hong Kong trở nên tự do, khiến Hong Kong hoạt động – và gây thiệt hại cho chúng tôi”.
“Tất cả những ưu đãi mà họ có đối với thị trường Hong Kong, để giữ một mức độ tự do nhất định ở đó, dù biết rằng cái bóng của Trung Quốc đang lơ lửng trên đầu họ – nhưng tất cả những ưu đãi đó, hàng tỷ tỷ tỷ đô la mà tôi, chúng ta, đã cho Hong Kong, bây giờ tôi lấy lại “.
Ông Trump đã không làm rõ những ‘ưu đãi’ mà ông đề cập là những gì.
Vào cuối tháng Năm, ông Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ bắt đầu chấm dứt mối quan hệ thương mại đặc biệt của Hong Kong.
Tuần này, chính quyền của ông Trump cho biết hàng hóa sản xuất tại Hong Kong để xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ phải được dán nhãn “Sản xuất tại Trung Quốc” bắt đầu từ ngày 25/9.
Luật an ninh quốc gia đã được áp dụng vào trước ngày 1/7, kỷ niệm 23 năm ngày thành phố được Anh trao trả cho Trung Quốc.
“Hong Kong, nếu bạn sử dụng thuật ngữ kinh doanh, thuộc sở hữu của Trung Quốc,” ông Trump nói. “Vậy tại sao tôi phải ưu đãi Trung Quốc?”
Ông nói thêm: “Hong Kong không bao giờ có thể thành công nếu không có những ưu đãi đó.” Và Hong Kong không bao giờ có thể thành công nếu có Trung Quốc, trái ngược với việc hàng ngàn nhân tài đã điều hành Hong Kong, nay Trung Quốc điều hành Hong Kong.”
Trump nói thêm rằng các thị trường Hoa Kỳ, do đó, sẽ kiếm được “nhiều tiền hơn” và các thị trường của Hong Kong “sẽ đi xuống địa ngục”.
“Không ai làm ăn – sẽ có rất ít người tới làm ăn ở Hong Kong,” ông nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53774894
Các viện khổng tử của Trung Cộng
đối mặt với yêu cầu ghi danh của Hoa Kỳ
Tin từ WASHINGTON, DC – Chính quyền tổng thống Trump đang tăng cường giám sát một chương trình lâu đời do chính phủ Trung Cộng tài trợ dành riêng cho việc dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Cộng ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác, trong đợt gia tăng căng thẳng mới nhất với Bắc Kinh.
Theo tin từ BLOOMBERG, nhiều nguồn tin ẩn danh trong cuộc cho biết Bộ Ngoại giao có kế hoạch thông báo sớm nhất vào hôm thứ Năm (ngày 13 tháng 8) rằng các Viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ – nhiều viện trong số đó có trụ sở tại các trường đại học – sẽ cần phải ghi danh là “cơ quan đại diện nước ngoài”.
Việc chỉ định này sẽ dẫn đến kết luận rằng các Viện Khổng Tử “thuộc sở hữu hoặc được kiểm soát” bởi một chính phủ nước ngoài. Điều đó sẽ khiến họ phải tuân theo các yêu cầu hành chính tương tự như đối với các tòa đại sứ và tòa lãnh sự.
Các Viện Khổng Tử từ lâu là mục tiêu của những người phản đối Trung Cộng, với các nhà lập pháp bao gồm Thượng nghị sĩ Marco Rubio, thúc giục các trường học ở tiểu bang của ông chấm dứt thỏa thuận với họ. Ông gọi các viện này là “các chương trình do chính phủ Trung Cộng điều hành, chuyên sử dụng việc giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Cộng như một công cụ để mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị” của Trung Cộng. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cac-vien-khong-tu-cua-trung-cong-doi-mat-voi-yeu-cau-ghi-danh-cua-hoa-ky/
Mỹ phá quyền lực mềm Viện Khổng Tử,
liệt vào ‘phái bộ nước ngoài’
Quý Khải
Mỹ đã chỉ đích danh Viện Khổng Tử tại Mỹ là “phái bộ nước ngoài” (tương đương đại sứ quán tại nước ngoài) của chính quyền Bắc Kinh, và nhấn mạnh việc đảm bảo sinh viên Mỹ có thể học tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc tại các cơ sở này mà không chịu sự tuyên truyền và thao túng của ĐCSTQ.
Tuyên bố này được đưa ra trong thông cáo báo chí đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Năm (13/8). Trong thông cáo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong bốn thập kỷ qua, người dân Trung Quốc đã có thể hòa nhập vào xã hội Mỹ một cách tự do và cởi mở, nhưng đã từ chối cấp cơ hội tương tự cho người Mỹ và những người nước ngoài khác ở Trung Quốc. Chính vì thế bây giờ chính quyền Trump sẽ tìm kiếm một chính sách ngoại giao chú trọng sự công bằng và có đi có lại với Trung Quốc.
Ông Pompeo nhận định Bắc Kinh đã lợi dụng các đặc điểm tự do và cởi mở của xã hội Mỹ để thâm nhập, lan truyền sức ảnh hưởng của nó thông qua các Viện Khổng Tử. Thông cáo báo chí có đoạn:
“Ngoài ra, Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lợi dụng sự cởi mở của Hoa Kỳ để thực hiện các nỗ lực tuyên truyền trên quy mô lớn và gây ảnh hưởng tại Hoa Kỳ”.
“Hôm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chính thức chỉ định Viện Khổng Tử tại MỸ (CIUS) là phái bộ nước ngoài của Trung Quốc, để nhìn nhận CIUS theo đúng bản chất của nó: một thực thể nhằm thúc đẩy các
chiến dịch tuyên truyền và gây ảnh hưởng ác tính trên toàn cầu của Bắc Kinh đối với môi trường giáo dục ở mọi cấp độ ở Mỹ … Viện Khổng Tử được tài trợ bởi cơ quan tuyên truyền và gây ảnh hưởng toàn cầu của chính quyền Bắc Kinh”.
Theo trang web của Trung tâm Viện Khổng Tử Hoa Kỳ, trung tâm này quảng bá mạng lưới các Viện Khổng Tử trên khắp nước Mỹ, cung cấp các khóa học văn hóa và giáo dục tại các Viện Khổng Tử.
Ông Pompeo cho biết, quyết định này của chính phủ Mỹ nhằm một mục đích rất đơn giản: đảm bảo các nhà giáo dục và quản lý tại các trường học ở Mỹ nhận thức được việc Viện Khổng Tử nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ, và việc liệu họ có nên duy trì những chương trình được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn này hay không, và nếu có thì nên tiến hành dưới hình thức như thế nào. Vị ngoại trưởng cũng cho biết các trường đại học trên khắp nước Mỹ và trên toàn cầu đang xem xét chương trình giảng dạy của các Viện Khổng Tử và phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh trong hệ thống giáo dục của họ.
“Mỹ muốn đảm bảo sinh viên tại các trường đại học Mỹ có thể học tiếng Trung và nền văn hóa Trung Quốc, không có sự thao túng của ĐCSTQ và các đại diện của nó”, thông cáo báo chí cho biết trong đoạn cuối.
Theo Đạo luật Phái bộ Nước ngoài năm 1982 (FMA), các tổ chức được chỉ định là “phái bộ nước ngoài” sẽ cần cung cấp cho Bộ Ngoại giao Mỹ danh sách thông tin nhân viên của họ, bao gồm tên, tuổi, địa chỉ nhà đồng thời cập nhật danh sách này thường xuyên. Các cơ quan này cũng phải được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chấp thuận để mua hoặc thuê bất kỳ bất động sản nào ở Mỹ.
Từ lâu, Nghị viện Mỹ và các cơ quan giám sát giáo dục đại học tại nước này đã khẳng định các Viện Khổng Tử là một kênh quan trọng để Bắc Kinh thúc đẩy tuyên truyền của Đảng Cộng sản và truyền bá lịch sử Trung Quốc bị bóp méo theo hướng có lợi cho chính quyền Bắc Kinh.
Năm ngoái, Ủy ban Các vấn đề Chính phủ và An ninh Nội địa của Thượng viện Mỹ đã công bố một báo cáo tiết lộ ĐCSTQ đã chi gần 200 triệu USD cho cái gọi là cơ sở giáo dục “Viện Khổng Tử” này. Sự tồn tại của các Viện Khổng Tử là một phần trong chiến lược dài hạn của ĐCSTQ.
Các cuộc điều tra của Thượng viện và Liên bang cũng phát hiện các giáo viên Trung Quốc làm việc tại Viện Khổng Tử đã ký hợp đồng với chính quyền ĐCSTQ, cam kết không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia. Những ràng buộc này cố gắng áp đặt các lớp kiểm duyệt của ĐCSTQ đối với các ngôn luận mang tính chính trị và ngăn mọi người thảo luận về các chủ đề nhạy cảm về mặt chính trị.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio từ bang Florida đã nhiều lần thúc giục các trường học tại bang này đóng cửa các Viện Khổng Tử. Rubio tuyên bố Viện Khổng Tử là “một kế hoạch do chính phủ Trung Quốc điều hành nhằm lợi dụng việc giảng dạy văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc như một công cụ mở rộng sức ảnh hưởng chính trị của mình”.
Tổ chức National Association of Scholars (Hiệp hội Học giả Quốc gia Hoa Kỳ), một tổ chức vận động giáo dục, gần đây tiết lộ rằng, tính đến ngày 30/6, có 75 Viện Khổng Tử ở Mỹ, bao gồm ở Đại học Stanford. Trong số này, 45 đã đóng cửa hoặc đang trong quá trình đóng cửa.
https://www.dkn.tv/the-gioi/my-pha-quyen-luc-mem-vien-khong-tu-liet-vao-phai-bo-nuoc-ngoai.html
Ông Pompeo: Bắc Kinh ‘yếu kém’
khi phản đối Bộ trưởng Azar thăm Đài Loan
Lục Du
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Hai nói rằng việc chính quyền Trung Quốc phản đối chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar tới Đài Loan là một dấu hiệu của “sự yếu kém”, theo Taiwan News.
Trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Sean Spicer trên kênh tin tức Newsmax TV hôm thứ Hai, khi được hỏi ông thấy điều gì khi Trung Quốc tức giận với chuyến thăm của ông Azar tới Đài Loan. Ông Pompeo trả lời rằng “Tôi luôn ngạc nhiên với việc khi Hoa Kỳ cử bộ trưởng y tế của mình đến một quốc gia khác thì tại sao lại có quốc giao nào đó coi việc này là mối đe dọa”.
Ông Pompeo nói rằng chuyến thăm của Bộ trưởng Azar là vì mục đích nhân đạo nhằm giảm thiểu rủi ro sức khỏe cho tất cả công dân trên thế giới “bao gồm cả công dân Trung Quốc”. Ngoại trưởng Mỹ cho hay, ông cảm thấy “dường như có cái gì đó yếu kém” khi Bắc Kinh lo ngại sự hiện diện của một bộ trưởng y tế vì nhiệm vụ chống lại đại dịch đang bùng phát là mối đe dọa hoặc thách thức an ninh quốc gia đối với Trung Quốc.
“Tôi nghĩ điều đó cho bạn thấy rất nhiều về sự yếu kém của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và thực tế là nó có thể cảm thấy bị đe dọa từ một chuyến thăm như vậy”, ông Pompeo nói.
Người dẫn chương trình Spicer sau đó hỏi ông Pompeo rằng ranh giới đỏ của Hoa Kỳ là gì trong trường hợp chính quyền Trung Quốc có các hành động khiêu khích Đài Loan. Ông Pompeo trả lời rằng Hoa Kỳ đã đưa ra một loạt cam kết và hiểu cả hai nước này. Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ có kế hoạch duy trì các nghĩa vụ và cam kết của mình dựa trên “những hiểu biết lịch sử giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan”.
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng nhấn mạnh rằng khi Hoa Kỳ đưa ra lời hứa thì “chúng tôi sẽ thực hiện nó hoặc chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giữ lời”, còn ĐCSTQ thì ngược lại, lực lượng này đưa ra lời hứa với các quốc gia khác là “vì lợi ích của họ, và khi lời hứa đó không đem lại giá trị gì nữa thì họ sẽ vứt bỏ”.
Người dẫn chương trình Spicer sau đó hỏi liệu Trung Quốc có cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ để đảm bảo ông Biden chiến thắng hay không. Ông Pompeo đáp lại rằng ĐCSTQ biết Tổng thống Trump đã “không còn dung thứ cho những hành vi sai trái của họ và những rủi ro mà họ đang tạo ra cho Hoa Kỳ”, vì thế không có gì ngạc nhiên khi “họ thích một tổng thống không đi theo cách tiếp cận đó [của ông Trump]”.
Mỹ phát hiện cỏ dại độc,
ấu trùng bọ trong hạt giống gửi từ Trung Quốc
Hải Lam
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã phát hiện cỏ dại và ấu trùng bọ trong các gói hạt giống lạ gửi từ Trung Quốc tới hàng nghìn người dân nước này, theo bản tin ngày 13/8 của UPI.
Các quan chức nông nghiệp Mỹ cho biết, cỏ dại có thể xâm lấn và làm cạn kiệt chất dinh dưỡng trong đất của cây trồng bản địa. Trong khi đó, ấu trùng bọ cánh cứng ăn lá và phá hoại cây bản địa. Do đó, USDA cảnh báo rằng người nhận không nên mở các gói hàng này.
Osama El-Lissy, quan chức Cục Kiểm dịch Cây trồng và Vật nuôi của USDA cho biết: “Chúng tôi đã nhận được hơn 9.000 email từ các công dân trên khắp đất nước, họ báo cáo đã nhận được hạt giống lạ và chúng tôi đã thu thập được 925 gói”.
Hầu hết các hạt giống đã được kiểm tra là những loại thực vật thông thường trong vườn, như cúc vạn thọ và các loại thảo mộc. Tuy nhiên, USDA cho biết thêm, họ cũng phát hiện hạt của cây dây tơ hồng, loài dây leo có thể làm ảnh hưởng tới các cây địa phương kích thước lớn, thậm chí là xâm lấn các khu rừng bản địa.
Cơ quan này cho biết họ tiếp tục kiểm tra hạt giống được gửi từ Trung Quốc tại các trạm kiểm dịch thực vật ở mọi bang. Cuối cùng, những hạt này sẽ được đem đi thiêu hủy.
Các quan chức nông nghiệp đang xử lý hạt giống một cách cẩn thận vì các nhà sinh vật học đã cảnh báo rằng bất kỳ hạt nào trong số chúng đều có thể mang sâu bệnh, nấm hay thậm chí là virus thực vật có thể tàn phá toàn bộ cây trồng.
Jonathan Crane, giáo sư và chuyên gia về trái cây nhiệt đới tại Đại học Florida, trụ sở gần Miami, cho biết: “Chúng có thể gây hậu quả thảm khốc với thiệt hại lên tới hàng tỷ USD”. Giáo sư Crane khuyến cáo người dân “đừng mở những gói hạt giống ra, cũng đừng vứt chúng vào thùng rác, vì chúng có thể nảy mầm từ bãi rác”.
Tháng trước, hàng nghìn người dân ở hàng chục bang Mỹ cho biết họ nhận được các gói hàng không rõ người gửi từ Trung Quốc, ghi nhãn là đồ chơi hoặc trang sức. Tuy nhiên, khi mở ra, bên trong là những gói hạt giống lạ đựng trong túi bóng kín. Bang Florida đã báo cáo gần 2.000 người nhận được các gói hạt giống lạ, đặc biệt ở khu vực Tampa. Ngoài Mỹ, người dân Ba Lan, Nhật Bản, Canada cũng báo cáo nhận được gói hạt giống bí ẩn nghi từ Trung Quốc.
Cộng đồng Ấn Độ, Việt Nam, Tây Tạng và Đài Loan
biểu tình phản đối Bắc Kinh tại Washington
Hải Long
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt, người Tây Tạng cùng nhiều công dân Đài Loan đã tham gia cuộc biểu tình ôn hòa do một số người Ấn Độ khởi xướng hôm Chủ Nhật (9/8), để phản đối việc ĐCSTQ ngược đãi các nhóm dân tộc thiểu số. Sự kiện diễn ra bên ngoài điện Capitol, theo the BL.
Những người tham gia biểu tình đến từ nhiều dân tộc khác nhau, tất cả đều đeo khẩu trang và tuân thủ lệnh giãn cách xã hội. Đa số đều giương biểu ngữ phản đối ĐCSTQ và những hành vi tàn bạo của chính quyền này đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các nhóm dân tộc thiểu số khác ở Trung Quốc.
Theo tin tức trên tờ Breitbart, sự kiện này chủ yếu được tổ chức bởi Những Người bạn Nước ngoài của BJP tại Mỹ, có liên kết với Đảng Nhân dân Ấn Độ Hindu Bharaiya Janata (viết tắt là BJP, chính đảng hiện tại ở Ấn Độ).
Yêu cầu chung của các nhóm biểu tình khác nhau trong ngày là lên án các hành vi ngược đãi nhân quyền của ĐCSTQ và yêu cầu Mỹ tiếp tục các nỗ lực đương đầu với sự leo thang các hành vi tương tự.
Kể từ vụ xung đột tại Galwan ở biên giới Ấn – Trung giữa binh sĩ hai nước hồi tháng 6, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã nổ ra tại một số thành phố trên khắp thế giới, bao gồm New York, Los Angeles và Atlanta. Những cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật vừa qua có tầm quan trọng lớn hơn vì những người biểu tình đến từ các nước và các sắc tộc khác nhau và tất cả họ đều chịu đựng sự áp bức và ngược đãi của ĐCSTQ.
Những người biểu tình tin rằng mặc dù chiến dịch “tẩy chay Trung Quốc” đã thành công hơn mong đợi, nhưng vẫn còn có nhiều việc phải làm. Họ cũng nhấn mạnh cuộc biểu tình không bài xích người dân Trung Quốc, mà là phản đối cụ thể nhắm vào chính quyền Bắc Kinh.
Theo thời báo Times of India, Adapa Prasad, nhà lãnh đạo cộng đồng dẫn đầu cuộc biểu tình, đã miêu tả Trung Quốc như một quốc gia đang trong cuộc viễn chinh cướp đất đai và văn hóa của các nước khác. Ông cũng cho rằng trong chính sách bành trướng này, ĐCSTQ đang ăn cắp, nói dối, và phản bội những người hàng xóm của nó, trong đó có Ấn Độ và Việt Nam.
ĐCSTQ hiện đang hung hăng cướp đất của Ấn Độ tại các tỉnh Lakakh và Arunachal Pradesh, đồng thời hăm dọa láng giềng Bhutan. Nó còn lên tiếng đòi chủ quyền đối với các vùng núi của Tajikistan – một quốc gia nhỏ ở Trung Á giáp ranh Trung Quốc. Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Nga cũng là nạn nhân của các chính sách bành trướng này.
Một trong số những lời chỉ trích phổ biến nhất là sự ngược đãi những người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, là nhóm người đang hứng chịu sự bóp nghẹt nhân quyền tới cùng cực. Hiện tại, chính phủ Mỹ tin rằng ĐCSTQ đang giam giữ từ 1 đến 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung trên khắp khu vực, họ bị ép buộc phải tôn thờ nhà lãnh đạo độc tài Tập Cận Bình, từ bỏ lòng tín ngưỡng Hồi giáo và cưỡng bức lao động.
Hồng Kông đã bị ĐCSTQ xâm phạm và tước đoạt quyền tự trị sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia, biến tất cả các quan điểm bất đồng với Bắc Kinh trở thành bất hợp pháp. Theo luật an ninh mới, những tội danh như “ly khai” hay “lật đổ quyền lực nhà nước” đều sẽ phải đối mặt với án tù lên đến tối thiểu 10 năm tù.
Trao đổi với hãng tin Breitbart, chủ tịch Liên hiệp Nhân dân Ấn Độ (FIA), ông Ankur Vaidya cho biết: “Đây là một sự leo thang vấn nạn vi phạm nhân quyền và chúng tôi mong muốn những đồng bào của chúng tôi cất tiếng nói ủng hộ phong trào này. Chúng tôi tin chắc rằng Bắc Kinh đang mưu tính đạp đổ chúng tôi một cách có hệ thống với lòng tham vô độ của mình”.
Một trong những điều ĐCSTQ im hơi bặt tiếng trước thế giới là cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công; một môn khí công chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và các bài giảng về đạo đức. Cuộc đàn áp được miêu tả như một chiến dịch khủng bố dẫn đầu bởi phòng 610, một cơ quan nằm ngoài hiến pháp do ĐCSTQ lập ra để đàn áp các học viên Pháp Luân Công.
Ngoại trưởng Mỹ thăm Slovenia,
thúc đẩy hợp tác an ninh 5G, cảnh báo về Trung Quốc
Triệu Hằng
“Đang diễn ra trào lưu quay lưng với đảng Cộng sản Trung Quốc và những nỗ lực kiểm soát thông tin của nó”, ông Pompeo nói trong chuyến thăm quốc gia vùng Balkan.
Hãng tin Aljazeera cho biết, trong chặng thứ hai của chuyến công du bốn nước Trung và Đông Âu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gặp các quan chức Slovenia tại thị trấn bên hồ trên núi Bled vào ngày 13 tháng Tám.
Ông đã ký một tuyên bố chung gọi là “An ninh mạng sạch 5G”, nhằm mục đích ngăn chặn các nhà cung cấp viễn thông không đáng tin cậy khỏi Slovenia.
Tuyên bố chung cam kết “bảo vệ quyền riêng tư và quyền tự do cá nhân của công dân Hoa Kỳ và công dân Slovenia”.
Ông Pompeo đã dẫn đầu một chiến dịch vận động của Hoa Kỳ trên khắp châu Âu cũng như nhiều nơi khác để chống lại Huawei và các công ty Trung Quốc bị chính quyền Trump cáo buộc là đã chia sẻ dữ liệu nhạy cảm và thông tin cá nhân người dùng với bộ máy an ninh của Trung Quốc.
Slovenia vào tháng trước đã triển khai mạng 5G thương mại trên toàn quốc với “gã khổng lồ” viễn thông Thụy Điển Ericsson, nhà mạng mà ông Pompeo và các quan chức Mỹ khác thường đề cập đến như một giải pháp đáng tin cậy cho việc thay thế Huawei.
“Đang diễn ra trào lưu quay lưng với đảng Cộng sản Trung Quốc và những nỗ lực kiểm soát thông tin của nó”, trang tin Abcnews dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ nói.
Ông Pompeo đến Slovenia sau khi thăm Cộng hòa Séc, nơi ông đã kêu gọi các nền dân chủ non trẻ trong khu vực hãy nắm chắc các quyền tự do mà khó khăn họ mới giành được, và chống lại các mối đe dọa từ Nga và đặc biệt là Trung Quốc, mà theo ông nó còn nguy hiểm hơn Liên Xô trước đây về nhiều phương diện.
Ngoại trưởng Pompeo giải thích lý do
Mỹ rút khỏi Hội đồng nhân quyền LHQ và WHO
Hải Lam
Trong bài phát biểu tại thủ đô Cộng hòa Séc hôm 12/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giải thích nguyên nhân Mỹ rút khỏi Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Hôm thứ Tư (12/8), một người đã đặt câu hỏi cho ông Pompeo về cách tiếp cận của Mỹ với chủ nghĩa đa phương và các tổ chức quốc tế, bởi vì gần đây Washington đã rút khỏi WHO, trước đó là Hội đồng Nhân quyền của LHQ.
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ đáp: “Câu hỏi mà Tổng thống Trump đã yêu cầu đội ngũ của chúng tôi luôn thường trực trong tâm là: Chúng có hoạt động tốt không? Chúng có làm đúng mục đích của chúng không? Liệu chúng ta, với vai trò của mình trong đó, có thể tác động đến một cách hiệu quả và có khả năng mang lại kết quả thực tiễn không?”.
Ông Pompeo nhấn mạnh vào tính hiệu quả của các tổ chức đa phương.
Bàn về Hội đồng nhân quyền LHQ, vị ngoại trưởng nhận định: “Cơ quan này không hoạt động. Chúng tôi đã cố gắng cải tổ nó không chỉ một lần, hai lần, ba lần mà đến bảy lần. Và có những kẻ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất trên thế giới đang ngồi ở đó để đưa ra phán quyết. Tổ chức này không hoạt động đúng cách”.
Ông Pompeo nói thêm rằng, Mỹ rất sẵn lòng làm việc về vấn đề nhân quyền với bất kỳ đối tác và bạn bè nào trong các tổ chức có thể bảo đảm quyền con người. Ngoại trưởng Pompeo cho rằng, Hội đồng nhân quyền của LHQ “không thể đảm bảo điều này cũng như cải thiện cuộc sống của người dân thế giới”.
Ông cho rằng: “Thật vô nghĩa nếu Mỹ gia nhập một thể chế mà có sự gắn kết chặt chẽ với các quốc gia [vi phạm nhân quyền nghiêm trọng] như Iran và Venezuela”.
Vì thế, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cho rằng: “Tổ chức này không phù hợp, không hiệu quả và chúng tôi sẽ không dành thời gian, nguồn lực và tiền bạc để hỗ trợ nó”.
Sau đó, ông Mike Pompeo giải thích lý do rút khỏi WHO. Ông phát biểu:
“WHO đã thất bại trong nhiệm vụ cơ bản nhất của thế kỷ này. Khi một loại virus bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) tổ chức này đã đề cao chính trị lên trên khoa học. Và WHO đã đồng lõa với chính quyền Trung Quốc trong việc bưng bít thông tin, từ đó cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người và khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD. Một lần nữa, chúng tôi đã làm việc với WHO để cải tổ bộ quy tắc Quy định Y tế Quốc tế. Chúng tôi đã làm việc để cải tổ chính bộ quy tắc mà họ cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc vi phạm”.
Ngoại trưởng Mike Pompeo tiếp tục:
“Mọi người cần biết rằng chúng ta vẫn chưa biết chính xác virus này bắt nguồn từ đâu. Vẫn chưa có điều tra viên quốc tế nào được phép tiến vào phòng thí nghiệm [ở Vũ Hán]. Gần đây, họ đã cho một vài phóng viên đến. Hai phóng viên này đã nói chuyện với hai bác sĩ, hai người này trả lời chẳng chút ngạc nhiên: “[Virus] không phải bắt nguồn từ đây.” Đó là tuyên truyền của Trung Quốc. Thật sự không thích hợp để các tổ chức mà cơ bản sẽ không thực hiện sứ mệnh của nó lợi dụng sức mạnh, vị thế và sức ảnh hưởng của nước Mỹ [nếu chúng tôi gia nhập]”.
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ kết luận: “Bạn chỉ nên tham gia những tổ chức thật sự hoạt động. Các thể chế đa phương chỉ vì cái mác chủ nghĩa đa phương thì không có giá trị thực tiễn gì”.
Ngoại Trưởng Mike Pompeo khuyến cáo
Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov
về việc trao tiền thưởng để sát hại binh sĩ Hoa Kỳ
Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ Tư (12/8), ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo khuyến cáo người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng Nga sẽ phải “trả giá đắt” nếu Moscow đưa ra các khoản tiền thưởng để giết các binh sĩ Hoa Kỳ hoặc các binh sĩ phương Tây khác ở Afghanistan.
Hồi tháng 6, tờ New York Times trích lời các viên chức tình báo Hoa Kỳ, và đưa tin rằng một đơn vị tình báo quân đội Nga bí mật trao tiền thưởng cho các tay súng có liên hệ với Taliban vì tiêu diệt các lực lượng liên quân ở Afghanistan – bao gồm cả các binh sĩ Hoa Kỳ. Tổng thống Trump cho biết ông không được thông báo về vấn đề này vì nhiều viên chức tình báo Hoa Kỳ nghi ngờ tính xác thực của thông tin, mặc dù một số nguồn tin của Hoa Kỳ và châu Âu mâu thuẫn với bình luận của ông.
Trong một cuộc phỏng vấn với Radio Free Europe/Radio Liberty, ngoại trưởng Pompeo từ chối cho biết ông có tin rằng thông tin tình báo là đáng tin cậy hay liệu ông nghĩ tổng thống Trump lẽ ra nên được thông báo hay không, nhưng cho biết Washington sẽ không dung thứ cho hành vi này.
Hồi tháng trước, các nguồn tin tình báo của Hoa Kỳ và châu Âu cho biết Hoa Kỳ nhận được báo cáo mới củng cố các cáo buộc rằng Nga khuyến khích các tay súng liên kết với Taliban sát hại các binh sĩ Hoa Kỳ và đồng minh ở Afghanistan.
Báo cáo tình báo này được đưa ra khi Hoa Kỳ đang tham gia đàm phán với Taliban cũng như chính phủ Afghanistan để áp dụng một thỏa thuận hòa bình bị đình trệ, được ký kết vào tháng Hai cho việc rút quân của Hoa Kỳ. (BBT)
Mỹ khước từ
khi Nga đề nghị giúp vắc-xin chống Covid-19
Nga đề nghị giúp Hoa Kỳ vắc-xin chống Covid-19, nhưng phía Mỹ từ chối, các giới chức Nga nói với CNN hôm 13/8.
Các giới chức Nga nói rằng họ đề nghị một sự “hợp tác vô tiền khoáng hậu” với Chiến dịch Warp Speed, sáng kiến của Mỹ để đẩy nhanh tiến trình phát triển vắc-xin chống Covid-19. Nhưng theo lời họ, phía Mỹ hiện nay không sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ của họ.
Một quan chức cao cấp Nga nói với CNN:
“Hiện đang có một bầu không khí nghi kỵ người Nga bên phía người Mỹ, và chúng tôi tin rằng công nghệ, kể cả về vắc-xin, thử nghiệm và điều trị, không được đón nhận ở Mỹ cũng vì sự nghi kỵ đó”.
Các giới chức Mỹ nói với CNN rằng vắc-xin của Nga bị đánh giá là chưa phát triển đúng mực.
Báo The Hill dẫn lời một quan chức y tế Mỹ nói:
“Không có cách gì Mỹ sẽ thử vắc-xin này trên loài khỉ, chứ nói gì tới người”.
Nga hôm 10/8 loan báo họ đã tạo ra một vắc-xin chống Covid-19, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết con gái ông đã sử dụng vắc-xin này.
Các giới chức Nga nói với CNN rằng Nga vẫn sẵn sàng cung cấp thông tin về vắc-xin và cho phép các hãng bào chế của Mỹ phát triển vắc-xin. Nguồn tin này cho biết đã có một số công ty Mỹ cởi mở về đề nghị của Nga, nhưng không cung cấp tên tuổi của các công ty đó.
Các giới chức Nga nói Mỹ nên “nghiêm túc xét tới việc sử dụng” vắc-xin mà Nga đặt tên là Sputnik V.
“Không có cách gì Mỹ sẽ thử vắc-xin này trên loài khỉ, chứ nói gì tới người”.
Một giới chức y tế Mỹ
Các chuyên gia bày tỏ hoài nghi về tính hữu hiệu của vắc-xin của Nga trong bối cảnh nước này không công bố các dữ liệu về thử nghiệm thuốc, và chưa gì đã tung ra vắc-xin trước khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm 3, mà theo chương trình sẽ khởi sự hôm thứ Tư.
Tuy vậy, Nga cho biết có ít nhất 20 quốc gia ở châu Mỹ La tinh, Trung Đông và Á châu muốn sử dụng vắc-xin Nga.
Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany hôm 12/8 nói rằng Tổng thống Trump đã được báo cáo về việc này nhưng nói rằng các vắc-xin Mỹ phải được thử nghiệm rất kỹ lưỡng.
Một cố vấn của chính phủ Mỹ nói với CNN:
“Nga đã không thực hiện các cuộc thử nghiệm quy mô về vắc-xin này. Họ không nghiên cứu trên người đủ để có thể xác quyết liệu vắc-xin có hữu hiệu không trên quy mô lớn. Thực tình vấn đề là sự thiếu vắng hoàn toàn các dữ liệu về tính an toàn của vắc-xin”.
https://www.voatiengviet.com/a/my-khuoc-tu-khi-nga-de-nghi-giup-vaccine-chong-covid19/5543741.html
Mỹ tuyển mộ khoa học gia nước ngoài
để thử nghiệm vaccine chống COVID
Dự án vaccine chống COVID của chính quyền Trump đang tuyển mộ các nhà khoa học tại Nam Phi và Châu Mỹ Latin để giúp thử nghiệm các vaccine tiềm năng trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng do Mỹ hỗ trợ, cam kết sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho nước của họ tiếp cận bất cứ sản phẩm thành công nào, Reuters cho biết.
Ông Moncef Slaoui, người đứng đầu chương trình trình giá nhiều tỉ đô la Operation Warp Speed hợp tác giữa chính phủ liên bang Mỹ và các hãng dược, đưa ra cam kết vừa kể với các khoa học gia quốc tế hồi cuối tháng trước, hai nguồn thạo tin cho Reuters biết.
Các nhà nghiên cứu tại Nam Phi, Mexico, Brazil, Peru và Argentina đang thảo luận để cùng với các đối tác Mỹ bắt đầu từ tháng sau thực hiện những cuộc thử nghiệm quy mô trên người về loại vaccine của Johnson & Johnson, theo tiết lộ của gần một chục quan chức chính phủ và các khoa học gia biết rõ chuyện này.
Cho tới nay, chính phủ Mỹ đã cam kết gần 11 tỉ đô la để tài trợ cho việc phát triển, thử nghiệm, chế tạo và tồn trữ hàng trăm triệu liều vaccine COVID-19. Ngoài J&J, chính phủ Mỹ cũng đang làm việc với các công ty dược khác, trong đó có Moderna, Novavax và AstraZeneca để phối hợp tiến hành sâu rộng, Giai đoạn 3, các cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Cần phải tuyển dụng hàng chục ngàn người tình nguyện và các nhà khoa học cho rằng phải thử vaccine trên các thành phần dân số khác nhau, bao gồm cả ở nước ngoài. Các giới chức y tế Mỹ hy vọng xác nhận được một vaccine thành công vào đầu năm 2021.
Hiện chưa rõ đã có những cam kết rõ ràng thế nào hay chưa với Nam Phi và các nước Châu Mỹ Latin.
Operation Warp Speed hiện hỗ trợ cho ít nhất gần một chục vaccine tiềm năng. Lợi thế đối với các đối tác quốc tế khi làm việc với chương trình này là gia tăng cơ hội được nhận một sản phẩm hiệu nghiệm.
Tổng thống Donald Trump nêu khả năng chia sẻ nguồn cung vaccine Mỹ khi ông loan báo thành lập Operation Warp Speed hồi tháng 5, nhưng không nói rõ chi tiết.
Trước đây trong tuần, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar tuyên bố bất cứ vaccine COVID-19 nào của Mỹ cũng sẽ được chia sẻ “công bằng” trên toàn thế giới sau khi đáp ứng các nhu cầu tại Mỹ.
Các khoa học gia quốc tế chuẩn bị tham gia chương trình Operation Warp Speed đã làm việc với các nhà nghiên cứu vaccine Mỹ trong nhiều năm và muốn đảm bảo là nước họ có thể tiếp cận được vaccine của chương trình.
Quốc Hội bắt đầu kỳ nghỉ
trong lúc dự luật tài trợ kinh tế vẫn bế tắc
Tin Washington DC – Tương lai của dự luật tài trợ kinh tế đợt 2 tại Hoa Kỳ có vẻ vẫn u ám, khi các nhà lập pháp Dân Chủ và Cộng Hòa vẫn còn quá nhiều khác biệt. Việc hai đảng đạt được thỏa thuận có lẽ sẽ chỉ xảy ra sau vài tuần nữa, do các nhà lập pháp đã lần lượt rời thủ đô để bắt đầu kỳ nghỉ thường niên.
Thượng Viện kết thúc phiên làm việc vào chiều thứ Năm, và sẽ không quay lại cho đến hết tháng này, trừ khi các nhà đàm phán đạt được thỏa thuận. Tương tự, các dân biểu Hạ Viện đã rời Washington từ trước đó và cũng sẽ tạm nghỉ đến hết tháng 8.
Vào thứ Năm, 13 tháng 8, các lãnh đạo quốc hội đều có thông điệp khá giống nhau, khi đổ lỗi phía đối lập không có thiện chí đàm phán. Nếu vẫn không đạt thỏa thuận trong tháng này, các nhà lập pháp sẽ có gấp đôi trách nhiệm trong tháng tới, khi vừa phải quyết định về dự luật kinh tế, vừa phải gấp rút phê chuẩn ngân sách mới để chính phủ không phải đóng cửa vào ngày 30 tháng 9.
Vào thứ Năm, Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi nói rằng bà không có cuộc họp nào trong lịch trình với các đại diện Tòa Bạch Ốc. Dự luật kinh tế của Hạ Viện có tổng giá trị 3 ngàn tỷ Mỹ kim, trong khi kế hoạch tương tự của Thượng Viện và Tòa Bạch Ốc là 1 ngàn tỷ Mỹ kim.
Lần cuối cùng Hạ Viện liên lạc với Tòa Bạch Ốc là vào thứ Tư, trong đó, Bộ Trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin một lần nữa nói rằng Tòa Bạch Ốc sẽ không tăng ngân sách cho kế hoạch của đảng Cộng Hòa. Hiện chưa rõ khi nào các đại diện Hạ Viện và Tòa Bạch Ốc sẽ nối lại đàm phán. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/quoc-hoi-bat-dau-ky-nghi-trong-luc-du-luat-tai-tro-kinh-te-van-be-tac/
Cảnh sát cứu người đàn ông California
khỏi đường rầy hỏa xa chỉ vài giây trước thảm họa
Vào hôm thứ Tư (12/8), cuộc giải cứu một người đàn ông ngồi trên xe lăn dọc theo một đoạn đường rầy ở Lodi được ghi nhận trong một máy quay video gắn trên người của một cảnh sát, người kéo nạn nhân ra khỏi đường rầy khi chỉ còn vài giây để hành động.
Cảnh sát Erika Urrea của Sở Cảnh sát Lodi đang tuần tra trên Đại lộ Lodi gần đường rầy hỏa xa vào khoảng 8 giờ 44 sáng khi cô ấy nhìn thấy người đàn ông trên đường rầy. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, phía cảnh sát cho biết khi dừng xe, cô Urrea nhận thấy rằng người đàn ông, chỉ được xác định là 66 tuổi, dường như mắc kẹt chiếc xe lăn của ông trên đường rầy ngay khi các thành chắn được hạ xuống và một đầu máy hỏa xa Union Pacific đang lao tới.
Đoạn video cho thấy, cô Urrea lao ra khỏi chiếc xe tuần tra và chạy về phía người đàn ông, cố gắng kéo ghế của ông ra khỏi đường rầy. Trong khoảng thời gian bốn giây, nhìn thấy chiếc xe lăn bị kẹt, cô liền kéo ông ra khỏi ghế. Đoạn video cho thấy cả cô Urrea và người đàn ông đều ngã xuống đất khi đầu máy lao qua đường rầy, với một tiếng động đáng sợ khi đoàn tàu đâm vào chiếc xe lăn và chân của người đàn ông.
Đoạn video cho thấy thời gian từ khi cô Urrea rời khỏi xe tuần tra đến khi hỏa xa băng qua là 15 giây. Cô Urrea lồm cồm bò dậy, gọi điện đàm cầu cứu và túm lấy người đàn ông để kéo ông ra khỏi đường rầy. (BBT)
Quan chức Caracas,
đồng minh của ông Maduro tử vong vì Covid-19
Triệu Hằng
Ông Dario Vivas, thống đốc quận thủ đô Caracas, và là một đồng minh mạnh mẽ của Tổng thống Nicolas Maduro, đã qua đời hôm thứ Năm (14/8) vì Covid-19, khi ở tuổi 70, các quan chức Venezuela cho biết, theo Reuters.
Ông Vivas, thành viên cấp cao của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela đã cho biết trên Twitter hôm 19/7 rằng, ông đã xét nghiệm dương tính với nCoV và đang thực hiện tự cách ly.
Như vậy, ông Vivas là quan chức cấp cao nhất của chính phủ Venezuela chết vì virus. Một vài quan chức Venezuela cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Bộ trưởng Dầu mỏ Tareck El Aissami nói hôm thứ Tư (12/8) rằng ông đã bình phục một tháng sau khi bị nhiễm bệnh, trong khi đó phó chủ tịch đảng Diosdado Cabello đang được điều trị.
Venezuela đã báo cáo 29.088 trường hợp nhiễm Covid-19 tính đến 12/8, với 247 trường hợp tử vong. Cả hai con số này đều ở mức thấp trong các quốc gia Nam Mỹ, nhưng các bác sĩ và các chính trị gia đối lập cảnh báo rằng con số thực sự có khả năng cao hơn nhiều do khâu xét nghiệm chậm trễ, khi trích dẫn các dữ liệu của các y bác sĩ.
https://www.dkn.tv/the-gioi/quan-chuc-caracas-dong-minh-cua-ong-maduro-tu-vong-vi-covid-19.html
Covid-19: Thế giới vượt ngưỡng 750.000 ca tử vong
Mai Vân
Theo số liệu của AFP dựa theo các thông báo chính thức tính đến trưa hôm qua, 13/08/2020, số người thiệt mạng trên thế giới vì Covid-19 đã lên đến hơn 750.000 người (chính xác là 750 003), trong lúc tổng số tổng số ca nhiễm được xác nhận đạt mức 20.667.684 trường hợp.
Trong bản tổng kết của AFP, châu Mỹ Latinh và vùng Caribê là khu vực bị nặng nhất với 228.572 người chết. Tính theo quốc gia, có 4 nước hiện chiếm gần một nửa số ca tử vong của thế giới: Hoa Kỳ (166.038), Brazil (104.201) Mêhicô (54.666) và Ấn Độ (47.033).
Chỉ trong vòng 17 ngày có hơn 100.000 ca tử vong mới được ghi nhận, từ ngày 26/07.
Số ca nhiễm đang lên rất cao ở châu Mỹ Latinh, đạt gần 6 triệu ca (5.822.258), với riêng Mêhicô đã vượt mức 500.000 ca được xác nhận.
Theo tổng thống Mêhicô Andrés Manuel López Obrador vào hôm qua, toàn vùng châu Mỹ Latinh – trừ Brazil – sẽ có được một vac-xin chống Covid-19 vào quý 1 năm 2021, Achentina và Mêhicô sản xuất và phân phối.
Đây là loại vac-xin do viện bào chế AstraZeneca và đại học Oxford phát triển.
WHO: Không có bằng chứng
Covid lây lan qua chuỗi thực phẩm
Tổ chức Y tế Thế giới ngày 13/8 hạ giảm sự nguy hiểm của virus corona bám trên các gói thực phẩm và trấn an mọi người chớ nên lo sợ nguy cơ Covid xâm nhập chuỗi thực phẩm.
Hai thành phố Trung Quốc nói phát hiện được dấu vết của virus corona trong thực phẩm đông lạnh nhập khẩu và trên bao bì đóng gói thực phẩm, gây nên những lo ngại là những chuyến hàng nhiễm khuẩn có thể tạo ra các đợt bùng phát mới.
“Mọi người không nên sợ thực phẩm, hay việc đóng gói, chế biến, chuyển giao thực phẩm,” người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, nói trong một cuộc họp báo tại Geneva.
“Không có bằng chứng thực phẩm hay chuỗi thực phẩm tham dự vào việc lây lan của virus. Và mọi người nên cảm thấy thoải mái và an toàn.”
Bà Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học của WHO, nói Trung Quốc đã xét nghiệm hàng trăm ngàn gói hàng và “phát hiện rất ít, chưa tới 10 gói” chứng tỏ dương tính với virus.
Hiện có hơn 20,69 triệu người nhiễm virus corona trên toàn cầu, gần 750.000 ca tử vong.
Châu Âu họp bàn
về căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ
Thùy Dương
3 phút
Hôm nay 14/08/2020, bộ trưởng Ngoại Giao các thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp trực tuyến để bàn về tình hình biển đông Địa Trung Hải, cuộc khủng hoảng ở Belarus và Liban.
Theo trang Euro News, lãnh đạo Ngoại Giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrel, hôm 12/08 đã triệu tập cuộc họp của các ngoại trưởng châu Âu, trong bối cảnh quan hệ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng trở lại. Thứ Hai 10/08, Ankara cho một tàu thăm dò địa chấn với sự hộ tống của một chiến hạm đến hoạt động tại vùng đông nam biển Égée mà Athens cho là thuộc chủ quyền của Hy Lạp
Cuộc họp trực tuyến diễn ra vào 13h, giờ quốc tế hôm nay. Lãnh đạo Ngoại Giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrel, cho rằng căng thẳng lần này ở biển đông Địa Trung Hải giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ rất nghiêm trọng. Trong cuộc tranh chấp lãnh thổ này, Hy Lạp đã huy động sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Vấn đề càng trở nên căng thẳng khi vào hôm qua, nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đối thoại để làm giảm căng thẳng, nhưng đồng thời ông lại thông báo tăng cường sự hiện diện quân sự của Pháp tại vùng biển đông Địa Trung Hải, để hỗ trợ Hy Lạp. AFP cho biết, Pháp tạm thời đã điều hai chiến đấu cơ Rafale và hai tàu chiến đến vùng biển này.
Cuộc họp của bộ trưởng Ngoại Giao các thành viên Liên Hiệp Châu Âu cũng là dịp để Liên Âu bàn về các biện pháp trừng phạt chế độ độc tài của tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko vì đã trấn áp phe đối lập trong kỳ bầu cử tổng thống vừa qua, cũng như đàn áp người biểu tình ôn hòa. Hôm nay, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, yêu cầu phải có biện pháp trừng phạt các hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Belarus.
Covid-19: Pháp có thêm 2.669 ca nhiễm mới,
số bệnh nhân trợ thở tăng trở lại
Mai Vân
Số người bị nhiễm virus corona tiếp tục tăng cao ở Pháp với 2.669 ca mới được ghi nhận trong 24 tiếng đồng hồ, theo thông báo của Tổng Cục Y Tế vào hôm qua, 13/08/2020. Số tử vong cũng tăng thêm 17 người trong vòng một ngày. Điểm đáng ngại là số bệnh nhân phải đưa vào phòng hồi sức đã tăng trở lại.
Theo bộ Y Tế Pháp, tổng cộng đã có thêm 12.301 ca nhiễm mới được ghi nhận trong một tuần lễ. Số người phải nhập viện và đưa vào khoa hồi sức cũng gia tăng. Hiện số người nằm ở bệnh viện là 4.864, trong số này có 376 ca nặng phải điều trị trong các khoa hồi sức.
Trên toàn nước Pháp hiện có 331 ổ dịch, trong đó có 30 ổ mới được phát hiện trong vòng 24 tiếng đồng hồ qua.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tăng mạnh trở lại ở Pháp, Anh Quốc vào hôm qua, 13/08, đã thông báo quyết định áp đặt biện pháp cách ly 14 ngày đối với tất cả những người đến từ Pháp. Biện pháp này sẽ bắt đầu thực hiện kể từ ngày mai, 15/08.
Không chỉ có Pháp, mà những ai đến từ Hà Lan, Monaco, Malta, các đảo Aruba, Turques-và-Caïques, cũng phải chịu biện pháp này.
Paris ngay lập tức tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp tương tự đối với người đến từ Anh Quốc.
Ngột ngạt vì phong tỏa Covid-19,
người dân Paris muốn rời thủ đô
Thu Hằng
Gần 3 tháng phong tỏa quanh quẩn trong bốn bức tường căn hộ ở Paris khiến nhiều người dân thủ đô thay đổi sở thích : về nông thôn sinh sống, với không gian thoáng đãng hơn, diện tích lớn hơn. Nếu như chỉ có khoảng 38% người dân muốn rời Paris trước đợt phong tỏa, bắt đầu từ ngày 17/03/2020, thì gần ba tháng sau, tỉ lệ này đã tăng thành 54%.
Theo kết quả thăm dò của trang Paris, je te quitte, khoảng 22% người dân vùng Ile-de-France (nơi có thủ đô Paris) đã kịp di chuyển đến nhà nghỉ của họ ở nông thông hoặc thực hiện giãn cách xã hội ở nhà người thân, bạn bè ở tỉnh ; 78% ở lại. Trong số ở lại này, 69% cách ly tại nhà là những căn hộ, thường không có không gian bên ngoài. Khoảng 81% trong số người ở lại tiếp tục làm việc từ xa, khiến không gian sinh hoạt vốn đã hạn hẹp, giờ phải tạo thêm góc làm việc, thậm chí là góc học tập trực tuyến tại nhà con cái.
Khoảng 39% người dân Paris thấy rằng giai đoạn phong tỏa là « thời gian dài, mệt mỏi và áp lực ». Nhiều người mơ đến một ngôi nhà có mảnh vườn nhỏ xinh và 59% trong số được hỏi sẵn sàng rời khỏi Paris ngay khi có thể.
Những người nóng lòng rời Paris là ai ? Trả lời RFI Tiếng Việt qua thư điện tử, bà Kelly Simon, đồng sáng lập trang Paris, je te quitte, chuyên tư vấn về chuyển đến tỉnh khác sinh sống, giải thích :
« Rất nhiều người sống ở vùng Ile-de-France không phải là người gốc ở đó. Họ đến Paris để học tập hoặc tìm công việc đầu tiên. Nhưng rồi họ nhanh chóng cảm nhận được những bó buộc đời sống hàng ngày ở thủ đô, như nhịp sống hối hả tầu điện/công việc/ngủ (métro/boulot/dodo), giá thuê nhà thì cao và không thể có chỗ ở rộng rãi, thiếu không gian xanh và thiên nhiên, rồi thêm mất thời gian đi lại, ô nhiễm không khí…
Chúng tôi nhận thấy tốc độ truy cập vào trang web của chúng tôi đã tăng lên nhiều từ khi hết phong tỏa (thêm 50-60%). Điều này cho thấy người dân Ile-de-France quan tâm đến chủ đề này. Nghiên cứu của chúng tôi về ảnh hưởng của đợt phong tỏa vừa qua cũng cho thấy biện pháp đó đã có thúc đẩy những kế hoạch rời Paris và vùng phụ cận, vì chúng tôi nhận thấy có đến 42% người dân Ile-de-France muốn chuyển nhà ngay khi có thể. Đối với 56%, đợt phong tỏa là thời gian suy ngẫm giúp đẩy nhanh hơn dự định rời khỏi Paris ; 64% thì cho biết không sợ rời Paris sau đợt phong tỏa ».
Paris ngày càng vắng dân ?
Có thể nhận thấy xu hướng rời khỏi Paris bắt đầu rõ nét từ năm 2011. Khoảng 60.000 người đã chia tay thủ đô từ năm 2014, theo số liệu của trang France Info (18/06/2020). Giá mua và thuê nhà cao, sinh hoạt đắt đỏ, sống gấp, ô nhiễm… là những lý do khiến người Paris muốn chuyển về tỉnh hoặc những thành phố nhỏ hơn.
Vậy đâu là những thành phố lý tưởng mà người dân Paris và vùng Ile-de-France tìm kiếm ? Tháng 11/2018, trang Paris, je te quitte đã nghiên cứu kỹ 31 thành phố, theo 7 tiêu chí : mức sống (Pau, Reims, Le Mans, Grenoble…), khí hậu (Aix-en-Provence, Marseille, Nice, Montpellier, Avignon), vị trí địa lý (Cean, Lille, Rouen), môi trường (Poitiers, Pau, Limoges, Dijon…), văn hóa và giải trí (Lyon, Marseille, Toulouse, Montpellier, Strasbourg), an ninh (Annecy, Rennes, Le Mans, Limoges, Besançon) và việc làm (Lyon, Bordeaux, Nice, Nantes, Toulouse). Nếu xét về việc làm và hoạt động văn hóa giải trí, các thành phố lớn vẫn được chú ý. Còn những thành phố có kích cỡ trung bình thì hấp dẫn nhờ chất lượng cuộc sống.
Dịch Covid-19 là yếu tố thúc đẩy nhanh hơn kế hoạch chuyển nhà của nhiều gia đình vùng Paris Ile-de-France. Miền nam ngập nắng với tiếng ve râm ran mùa hè và biển xanh, như tại Aix hay Marseille, là một trong những địa điểm được ưu tiên lựa chọn. David Credoz, giám đốc một văn phòng bất động sản tại Bouc-Bel-Air, nhận xét, trên trang web của đài France Bleu là tiến độ của rất nhiều dự án được đẩy nhanh từ khi dỡ phỏng tỏa ; 2/3 khách hàng của văn phòng «không phải là người trong vùng và đến 80% trong số họ là người đến từ Paris hoặc vùng phụ cận ». Một số người khác không chuyển hẳn đến tận miền nam, mà quan tâm đến các thành phố nhỏ cách Paris chừng 100 km.
Từng là biện pháp được cho là không tưởng, vậy mà người dân Pháp đã phải trải qua hai tháng phong tỏa và biết đâu biện pháp này bị áp dụng trở lại khi dịch tái bùng phát, dù không hoàn toàn như hồi tháng 03-04/2020. Rời Paris để có nhà rộng hơn, thay đổi cuộc sống là một cách để thích ứng với tình trạng «bình thường mới ». Bà Kelly Simon giải thích :
« Người dân Paris muốn rời khỏi thủ đô để có được chất lượng sống tốt hơn. Dù sao đó là trường hợp của 89% người truy cập trang web tham khảo Paris, je te quitte cho tất cả những người có ý định chuyển khỏi vùng Ile-de-France. Trong quá trình tìm kiếm chất lượng sống tốt hơn, người ta thường thấy : mong muốn có cuộc sống ít căng thẳng hơn, cân bằng giữa công việc và đời tư và không gian sống tốt hơn cho con cái.
Nghiên cứu của chúng tôi về tác động của đợt phong tỏa vừa qua đến các kế hoạch rời Paris cho thấy 59% người được hỏi muốn được gần gũi với thiên nhiên hơn và 57% muốn có cuộc sống đơn giản hơn, có giá trị và ý nghĩa hơn. Mong muốn có được nơi ở rộng rãi hơn và rẻ hơn cũng là động lực trong kế hoạch chuyển khỏi Paris ».
Làm việc từ xa : Điều kiện thuận lợi để rời Paris
Hai tháng phong tỏa là trải nghiệm sống chưa từng có, cũng khiến nhiều người suy nghĩ về cách sống. Biện pháp phong tỏa cũng làm thay đổi cách làm việc tại Pháp. Khoảng 40% nhân viên trong lĩnh vực tư đã làm việc từ xa trong giai đoạn phong tỏa, một kỷ lục so với tỉ lệ 7% trước phong tỏa, theo trang BFM TV (12/05/2020). 73% người làm việc tại nhà muốn được tiếp tục biện pháp này trong thời hậu phong tỏa.
Có thể làm việc từ xa, không bị bắt buộc có mặt tại công sở, là một yếu tố khuyến khích người dân Paris chuyển đến tỉnh hoặc thành phố khác. Tuy nhiên, có rất nhiều người sẵn sàng đổi công việc để đến sống ở một nơi khác thoải mái hơn, theo nhận định của bà Kelly Simon :
« Những người muốn rời Paris có hoàn cảnh rất khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đa số là những cặp vợ chồng có một hoặc nhiều con nhỏ hoặc là những người muốn lập gia đình. Con đầu lòng thường là lý do thôi thúc họ rời Paris. Nhưng cũng có rất nhiều người muốn rời Paris một mình. Phần lớn trong số họ là đi tìm việc ở vùng khác, nhưng gần một nửa thì có lẽ sẵn sàng đổi nghề để thực hiện kế hoạch riêng.
Công việc vẫn là yếu tố đầu tiên thôi thúc họ dịch chuyển và cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay khiến vấn đề này bị tạm ngừng. Tiếp theo, khả năng làm việc từ xa, được phát triển mạnh trong thời gian phong tỏa, cũng là một yếu tố thúc đẩy và giúp việc chuyển nhà sang khu vực khác trở nên linh hoạt hơn. Nếu có thể làm việc nơi mà họ mong muốn, mà không bị ràng buộc về mặt địa lý, thì dĩ nhiên, người dân Ile-de-France có thể thực hiện kế hoạch của họ ».
Paris, nơi im lặng là một điều xa xỉ, ngột ngạt trong những bến tầu điện ngầm hôi bẩn với dòng người hối hả, Paris đắt đỏ, ồn ào, Paris của những người du lịch, nhiều người Paris có cảm giác không có chỗ trong chính thành phố của họ. Phần lớn dân Paris chỉ có thể mua được căn hộ rộng 22 m2 và chỉ có 24% có đủ khả năng mua căn hộ 36 m2 với giá trung bình 10.000 euro/m2. Thế nhưng, với số tiền đó, họ hoàn toàn có thể yên tâm mua được một ngôi nhà có mảnh vườn xinh ở một nơi khác.
Covid-19 : Điện Versailles vắng khách
sau 2 tháng mở lại
Tuấn Thảo
Cứ trên 10 du khách đi thăm điện Versailles, có tới 8 người là khách nước ngoài. Nhưng từ khi có dịch Covid-19, lâu đài này đã buộc phải đóng cửa trong vòng 3 tháng. Đến khi điện Versailles được mở lại sau thời kỳ phong tỏa, lượng khách tham quan ngoại quốc đã sút giảm đáng kể, khiến cho ban điều hành Thông thường, Paris vào tháng 8 đường phố rộng thênh thang, chủ yếu là vì tại thủ đô đa số người dân đã đi nghỉ hè và cho dù Paris tiếp đón nhiều khách du lịch, nhưng đa phần du khách ít dùng xe hơi trong thành phố, vì thế cho nên quang cảnh Paris nội thành trở nên thông thoáng hơn. Thế nhưng, tình hình dịch Covid-19 đã khiến cho du khách nước ngoài không còn có nhiều sự chọn lựa : một là ở nhà, hai là có đi chơi nhưng lại không quá xa, vì thế cho nên năm nay sẽ là một năm ảm đạm đối với toàn ngành du lịch ở Paris nói riêng và ở Pháp nói chung.
Tình trạng này lại càng nổi bật tại những địa điểm tham quan thu hút đông đảo khách viếng thăm là người nước ngoài. Tính trung bình, khách muốn lên thăm tháp Eiffel phải chịu khó đứng xếp hàng cả tiếng đồng hồ, giờ đây họ chỉ cần đợi có 5 phút. Một điều khó thể tưởng tượng đối với người dân thủ đô, vốn không ưa thích gì với chuyện đứng chờ hàng giờ.
Tại điện Versailles cũng vậy, thời gian xếp hàng mua vé vào cửa cũng đã rút ngắn lại, điều đó làm cho nhiều khách tham quan hài lòng vì họ có nhiều điều kiện tốt hơn để chiêm ngưỡng cũng như chụp ảnh selffie ngay tại Phòng Gương, nhưng tình trạng này làm cho ban tổ chức càng thêm lo lắng kém vui vì số khách vào thăm viếng lâu đài trong năm nay lại quá ít.
Theo bà Catherine Pégard, giám đốc điều hành Cung điện Versailles, kể từ khi mở cửa trở lại vào đầu tháng 06/2020, tính trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 10.000 khách tham quan, tức là chỉ bằng một phần ba so với mức thông thường. Trong hai năm 2018 và 2019, Versailles đã liên tục lập kỷ lục với hơn 8 triệu rưỡi lượt khách thăm viếng, trong đó có hơn 80%, tương đương với 6 triệu khách đến từ nước ngoài.
Hiện giờ, đại đa số khách mua vé vào cửa là khách Pháp, một số ít còn lại là người Đức, Hà Lan hay là người Ý được đi du lịch trong khối châu Âu. Khách đến thăm Versailles đông đảo hơn chủ yếu vào dịp cuối tuần, nhưng lại thưa vắng vào những ngày trong tuần. So với Viện bảo tàng Louvre, tình hình điện Versailles coi vậy mà còn sáng sủa hơn một chút. Bảo tàng Louvre mở cửa trở lại khá trễ và cũng chỉ đón có 10.000 khách mỗi ngày, tức là thấp hơn 4 lần so với mùa hè năm ngoái. Mức thất thu của Viện bảo tàng Louvre có nguy cơ lên tới cả trăm triệu euro nếu tình trạng vắng khách lại càng kéo dài.
Riêng đối với công trình kiến trúc lịch sử nổi tiếng trên khắp thế giới như Cung điện Versailles, dịch Covis-19 đã tạo ra một tình huống khó khăn chưa từng thấy. Kể từ khi trở thành một địa điểm tham quan
có uy tín, lâu đài Versailles chỉ đóng cửa một lần duy nhất, đó là vào thời điểm chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Vào lúc ấy, thời gian ngưng hoạt động cũng ngắn hơn nhiều so với giai đoạn nước Pháp bị phong tỏa vì dịch Covid-19.
Tình trạng vắng khách nước ngoài tại Điện Versailles hay Bảo tàng Louvre chỉ là phần nổi của tảng băng. Các địa điểm tham quan nổi tiếng nhất nước Pháp thu hút đông đảo khách nước ngoài lại càng bị thiệt hại nặng nề hơn, lượng khách tham quan người Pháp đến từ các tỉnh thành hay các vùng miền khác vẫn chưa đủ để bù đắp cho nguồn thu nhập khổng lồ đến từ lượng du khách ngoại quốc.
Vào mùa hè năm trước, nhiều du thuyền Bateaux-Mouches chở đầy du khách, đưa họ đi thưởng ngoạn phong cảnh trên sông Seine. Từ trên thuyền, du khách nước ngoài thường hay vẫy tay chào người bộ hành dọc hai bờ sông, đang đi dạo thảnh thơi hay ngồi đọc sách, tắm nắng. Cảnh tượng đó giờ đây không còn nữa. Dù đã hoạt động trở lại, nhưng nhiều chiếc du thuyền vẫn không rời bến vì vắng khách, khung cảnh dọc hai bờ sông cũng yên tĩnh khác thường, ngay cả trong mùa có chương trình sinh hoạt Paris Plages.
Tình trạng vắng khách lại càng thê thảm hơn đối với các ngành kinh doanh phục vụ, từ ăn ở cho đến chuyên chở tại những khu phố chuyên nhắm vào đối tượng du khách nước ngoài. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Sở Du lịch Paris, sự kiện các ngành này bị mất thu nhập có thể tiếp tục kéo dài, chừng nào du khách ngoại quốc vẫn chưa trở lại thăm viếng Paris. Tình trạng đó còn tùy thuộc rất nhiều vào sự tiến triển của dịch Covid-19. Cuộc khảo sát cũng cho thấy là kể từ đầu năm 2020 cho tới nay, thủ đô Paris nói riêng, vùng Île de France nói chung, đã mất hơn 16 triệu du khách. Mức thất thu của toàn ngành du lịch ở Paris và các vùng phụ cận hiện nay lên tới 7 tỷ euro.
Belarus : Phong trào
chống tổng thống Loukachenko lan rộng
Thanh Phương
Sau 26 năm cầm quyền với bàn tay sắt, tổng thống Alexandre Loukachenko đã tưởng rằng ông sẽ tiếp tục tái đắc cử một cách êm xuôi để thoải mái nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa. Với tham vọng độc quyền lãnh đạo suốt đời, Loukachenko không bao giờ để cho phe đối lập cắm rễ sâu. Phong trào phản kháng lần trước vào năm 2010 đã bị đàn áp không thương tiếc.
Nhưng có lẽ ông không ngờ cuộc bầu cử tổng thống ngày 09/08/2020, mà kết quả bị phe đối lập tố cáo có nhiều gian lận, lại là khởi điểm của một phong trào phản kháng đang ngày càng lan rộng tại Belarus, bất chấp những đàn áp dữ dội của cảnh sát.
Đối với những người biểu tình trong suốt 5 ngày qua, người thắng cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống lần này không phải là Loukachenko, mà chính là nữ ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovskaïa. Tuy mới bước vào chính trường Belarus, nhưng trong chiến dịch tranh cử vừa qua, cô đã nhận được một sự ủng hộ nhiệt thành chưa từng có tại nước Cộng hòa Liên Xô cũ này. Theo lời những người ủng hộ Tikhanovskaïa, chính vì bị an ninh Belarus đe dọa mà cô đã phải chạy sang Litva lánh nạn từ hôm thứ Ba.
Từ việc phản đối kết quả bầu cử, một phong trào phản kháng đang hình thành tại Belarus, Không chỉ thu hút ngày càng nhiều người, phong trào còn đang lan rộng sang những thành phần khác trong xã hội Belarus.
Hơn 1.000 nhà nghiên cứu Belarus đã ký một bức thư ngỏ « phản đối bạo lực », trong khi các y tá bác sĩ đã tập hợp trước các bệnh viện của họ để biểu thị sự ủng hộ phong trào. Các nghệ sĩ của Dàn Nhạc Giao Hưởng Minsk đã tự động ra trước tòa nhà của dàn nhạc để hát các bài ca ái quốc, một hình thức để động viện tinh thần những người biểu tình.
Giới công nhân cũng tỏ thái độ ủng hộ không kém những thành phần nói trên. Theo các cơ quan truyền thông của phe đối lập, nhiều hành động tương tự đã diễn ra ở các nhá máy lớn tại Belarus, như BelAZ (sản xuất xe tải), Maz (xe hơi), Grodno Azot (hóa chất) và Grodnozhilstroy (xây dựng).
Trong giới báo chí, nhiều nhà báo của các phương tiện truyền thông Nhà nước đã tuyên bố từ chức trong những ngày qua để phản đối chính quyền đàn áp người biểu tình.
Ngay cả các quân nhân và cảnh sát Belarus đã giải ngũ cũng lên án đàn áp biểu tình, cho phổ biến những đoạn video cho thấy họ vứt lon và huy hiệu xuống đất để tỏ thái độ phản đối.
Phong trào chống chính quyền Loukachenko còn được tiếp sức từ bên ngoài với những áp lực ngày càng mạnh của quốc tế, bởi vì cả Hoa Kỳ lẫn Liên Hiệp Châu Âu đều lên án gian lận bầu cử và đàn áp biểu tình ở Belarus. Bruxelles thậm chí còn dọa sẽ trừng phạt Minsk.
Có lẽ lo ngại khi thấy phong trào phản kháng đang lan rộng như vậy, chính quyền của tổng thống Loukacheko đã bắt đầu tỏ dấu hiệu nhượng bộ, qua việc trả tự do cho hơn 1.000 người biểu tình. Trên đường phố thủ đô Minsk, sự hiện diện của cảnh sát tối qua đã bớt đông đảo hơn so với 4 đêm trước. Một dấu hiệu nhượng bộ khác, đó là hôm qua đích thân bộ trưởng Nội Vụ Iouri Karaev đã xin lỗi về những bạo hành của cảnh sát đối với « những người đi đường », không dính gì đến biểu tình.
Nhưng nhiều người vừa được trả tự do cho biết họ đã bị tra tấn dã man trong tù, cho thấy là chính quyền Loukachenko vẫn quyết tâm dập tắt phong trào phản kháng và nhất là dập tắt khát vọng của người dân Belarus : « Chúng tôi cần một tổng thống mới », như dòng chữ trên một tấm biểu ngữ của người biểu tình.
Biểu tình phản đối bầu cử:
Thanh Phương
Hôm nay, 14/08/2020, ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei tuyên bố là nước này sẵn sàng có các cuộc thảo luận « mang tính xây dựng và khách quan » với các đối tác nước ngoài về cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi và các vụ bạo động sau bầu cử.
Theo hãng tin AFP, ngoại trưởng Belarus đã tuyên bố như trên với đồng nhiệm Thụy Sĩ Ignazio Cassis, vào lúc quốc tế đang gia tăng áp lực đối với chính quyền Minsk.
Bộ Ngoại Giao Đức, quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, hôm qua đã khẩn cấp triệu đại sứ Belarus lên để bày tỏ thái độ bất bình về các hành động đàn áp những người biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử vừa qua, mà phe đối lập tố cáo là có nhiều gian lận.
Trước đó, bên lề một cuộc gặp với đồng nhiệm Na Uy tại Berlin, ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã tuyên bố : « Rõ ràng là việc đàn áp thô bạo và bắt giữ những người biểu tình ôn hòa, những nhà báo ở Belarus là điều không thể chấp nhận được trong châu Âu của thế kỷ 21 ». Berlin vẫn chủ trương là Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc họp hôm nay ban hành các biện pháp trừng phạt chính quyền Minsk.
Về phần ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, hôm qua ông đã kêu gọi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu hợp tác để giải quyết khủng hoảng chính trị ở Belarus.
Cũng hôm qua, các chuyên gia về nhân quyền của LHQ đã lên án những vụ bạo hành của cảnh sát Belarus và các vụ bắt giam quy mô lớn ở Belarus sau cuộc bầu cử tổng thống. Họ kêu gọi cộng đồng quốc tế phải gia tăng áp lực đối với chính quyền Minsk.
Trong khi đó, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga hôm qua lên án điều mà họ gọi là những mưu toan của nước ngoài nhằm « làm mất ổn định » Belarus.
Cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, với kết quả chính thức là tổng thống Alexandre Loukachenko tái đắc cử với 80% số phiếu, đã bị phe đối lập Belarus tố cáo là có nhiều gian lận. Từ Chủ nhật đến nay, ngày nào cũng có các cuộc xuống đường phản đối kết quả bầu cử, bị cảnh sát đàn áp dữ dội. Cho tới nay, theo số liệu chính thức, đã có hơn 6.700 người biểu tình bị bắt. Bất chấp đàn áp của cảnh sát, hôm qua, phong trào phản kháng vẫn tiếp diễn dưới hình thức tạo các chuỗi dây chuyền người ở nhiều nơi tại thủ đô Minsk, cũng như với các cuộc tuần hành ôn hòa.
Tối qua, chính quyền Belarus thông báo trả tự do cho hơn 1.000 người biểu tình, với điều kiện không được tiếp tục tham gia các cuộc tập hợp không được phép. Đồng thời bộ trưởng Nội Vụ Iouri Karaev đã xin lỗi về những bạo hành của cảnh sát đối với « những người đi đường », không dính gì đến biểu tình.
Mối quan hệ phức tạp
giữa Alexandre Loukachenko và Vladimir Putin
Sau khi Alexandre Loukachenko đắc cử tổng thống Belarus nhiệm kỳ thứ 6 trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật (09/08) vừa qua, nước cộng hòa nhỏ thuộc Liên Xô cũ nằm lọt giữa Ba Lan và Nga này đang phải đối mặt với bạo lực leo thang bởi làn sóng biểu tình chống tổng thống Loukachenko và các cuộc trấn áp của chính quyền Minsk.
Giới quan sát đang chú ý tới các phản ứng của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng cũng không thể bỏ qua được Nga, một đối tác đặc biệt của Belarus. RFI giới thiệu bài viết trên báo Le Monde số ra ngày 080/8/2020 về mối quan hệ phức tạp giữa Matxcơva và Minsk.
Trước những công kích của Alexandre Loukachenko, Matxcơva vẫn lạnh lùng làm ngơ. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, tổng thống Belarus đã tỏ thái độ chống nước Nga của ông Vladimir Putin rõ rệt hơn. Bằng giọng diệu gay gắt, ông tố cáo người anh em trong Liên Xô cũ can thiệp vào kỳ bầu cử tổng thống nhằm làm mất ổn định chế độ Minsk. « Chúng ta sẽ không bỏ mặc đất nước. Nền độc lập có được là rất đắt, nhưng nó đáng giá như vậy », hôm 04/08/2020, ông Alexandre Loukachenko đã tuyên bố trong diễn văn trước quốc dân. Ông đã công khai nhằm vào nước Nga.
Đó là một thái độ quay ngoắt, trong quá khứ tổng thống Belarus từng thách thức phương Tây và tự cho đất nước ông như « thành lũy cuối cùng trước cả Matxcơva ». Ông Loukachenko chắc hẳn đã quan sát những gì diễn ra với Crimée, bị Matxcơva sáp nhập năm 2014, và tiếp đó là Donbas. Ông sợ Nga sẽ lặp lại kịch bản Ukraina với Belarus. Tuy nhiên từ trước tới giờ, Alexandre Loukachenko chưa bao giờ nhằm vào Matxcơva dữ dội như vậy. Hôm 24/06 vừa rồi ông ta còn ở bên cạnh Vladimir Putin trên Quảng trường Đỏ dự cuộc diễu hành kỷ niệm cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống phát xít. Dưới ánh mặt trời ở Matxcơva ông vẫn tỏ thái độ tin cậy với chủ nhà mặc dù những căng thẳng giữa hai nước vẫn dai dẳng từ cuối năm 2019 nhất là từ sau cuộc đàm phán về việc Nga bán khí đốt cho Belarus với gia ưu đãi đã thất bại.
Một tháng sau đó, gặp khó khăn vì làn sóng phản kháng chưa từng có dấy lên tại thủ đô Minsk, Alexandre Loukachenko bị nghi ngờ đã muốn khích động tinh thần dân chúng bằng cách tìm kiếm một kẻ thù của đất nước để chứng tỏ vai trò người cha của dân tộc. “ Ông ta đã thay đổi, lấy Nga làm mục tiêu hơn là phương Tây. Chỉ có thể chống lại Matxcơva thì ông mới có thể dẫn dắt một cuộc đột kích như vậy“, Anatoly Lebedko, một đối lập cựu trào ở Belarus nhận xét. Cuộc đột kích ở đây ám chỉ đến vụ bắt giữ hôm 29/07 gần Minsk 33 « chiến binh » thuộc quân đánh thuê Nga của nhóm Wagner, tới Belarus nhằm là « mất ổn định tình hình trong giai đoạn diễn ra chiến dịch bầu cử tổng thống ». Đây là giải thích của các cơ quan truyền thông phục vụ cho Alexandre Loukachenko. Bản thân ông cũng tố cáo có âm mưu tổ chức « cuộc thảm sát » tại Minsk. « Thật khó tin ! Tổng thống muốn dàn dựng vai trò bảo vệ quốc gia trước một mối đe dọa tưởng tượng », Anatoly Lebedko tỏ phẫn nộ nói.
Tại Matxcơva, giờ là lúc kiềm chế. Vladimir Putin đã không đích thân bình luận gì về những công kích của Minsk. Từ nhiều năm qua, tổng thống Nga vẫn duy trì một mối quan hệ phức tạp với đồng nhiệm Belarus, mối quan hệ vừa hữu hảo thân tình như những lần hai ông cùng chơi khúc côn cầu trên băng ở Sotchi, vừa căng thẳng như trong các cuộc đàm phán ở Kremlin về việc bán khí đốt.
Chỉ có phát ngôn viên của ông Putin lên tiếng phủ nhận các cáo buộc của Minsk về vụ 33 lính đánh thuê nói trên cũng như về mưu đồ làm mất ổn định láng giềng. « Hiển nhiên là không phải như vậy vì Nga và Belarus vẫn là đồng minh, đối tác gần gũi nhất », Ông Dmitri Peskov nhấn mạnh. Với chuyện bán khí đốt hạ giá, vay ngân hàng và các khoản viện trợ khác, Matxcơva vẫn bảo đàm duy trì cho nước láng giềng một sự sống nhân tạo. Một nửa GDP của Belarus phụ thuộc vào Nga. Nước Nga cũng là điểm đến chủ yếu của hàng xuất khẩu Belarus, trong khi mà nước này không có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
« Thay vì can thiệp trên thực địa, Matxcơva hoàn toàn có lợi khi để cho tình hình ở Minsk tồi tệ đi », một nhà ngoại giao cao cấp của châu Âu giải thích, đồng thời nhắc lại là Kremlin trong quá khứ đã có ý đồ hội nhập Belarus vào Nga : « Đồng minh Loukachenko vẫn có thói quen đi lắt léo giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nga, nhất là từ năm 2016, với việc thả tù chính trị để để đánh đổi lấy việc châu Âu bỏ trừng phạt. Nếu như cuộc bầu cử diễn ra không tốt đẹp, có gian lận, giam giữ đối lập, Minsk sẽ không còn nói chuyện được với châu Âu nữa. Khi đó Alexandre Loukachenko sẽ buộc phải quay sang Vladimir Putin…. ».
Một phân tích được nhiều người ở Matxcơva chia sẻ : Giờ Kremlin trong thế thuận lợi, ngồi nhìn mọi việc diễn ra ở Minsk, quan sát đối lập nổi lên cùng sự suy yếu của người đồng minh của mình, để sau đó chiếm thế thượng phong.
« Kremlin không ưa gì những công kích chống Nga của Alexandre Loukachenko, nhưng vẫn muốn duy trì ông ta. Bởi vì Kremlin sợ những kịch bản có thể phản lại chính mình”, Andrei Kortounov, giám đốc cơ quan tư vấn các vấn đề quốc tế Russian Council nhận định. « Trường hợp xấu nhất, đó là một cuộc cách mạng theo kiểu Maidan ở Ukraina. Nhưng vậy Nga không chỉ mất đi một đồng minh mà còn bị đòn nặng về chính trị : Nếu việc chính quyền bị đường phố lật đổ có thể xảy ra ở Belarus, đất nước anh em thời Xô Viết, thì điều đó cũng có thể diễn ra ở Nga. Một sự đe dọa thực sự với Vladimir Putin khi mà các cuộc bầu cử của ông cũng không được sạch cho lắm so với cuộc bầu cử của Alexandre Loukachenko. »
Một kịch bản khác : Có biến động như đã diễn ra ở Acmenia hồi mùa xuân 2018, đưa những lãnh đạo khác lên nắm quyền. Tầng lớp ưu tú được trẻ hóa ở Ereva không chống Nga nhưng cũng không còn đồng điệu với các lãnh đạo của Mátxcơva. « Nếu điều này lặp lại ở Minsk, thì đó cũng sẽ là tin xấu đối với Kremlin », Andrei Kortounov khẳng định. Bởi vậy mà mặc cho có các bất đồng, Vladimir Putin và Alexandre Loukachenko đã học được cách lợi dụng lẫn nhau.
(Theo Le Monde)
Israel-UAE đạt thỏa thuận lịch sử
Ngày 13/8, Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) loan báo một thỏa thuận sẽ dẫn đến việc bình thường hóa hoàn toàn các quan hệ ngoại giao giữa đôi bên, một động thái giúp định hình lại trật tự chính trị Trung Đông từ vấn đề Palestin cho đến Iran.
Theo thỏa thuận do Tổng thống Donaald Trump giúp làm trung gian, Israel đồng ý ngưng sáp nhập những khu vực tại Bờ Tây do nước này chiếm đóng như đã dự trù trước đây, các giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết.
Thỏa thuận cũng củng cố sự phản kháng đối với Iran vốn bị UAE, Israel và Mỹ xem như mối đe dọa chính trong khu vực đầy xung đột này.
Israel đã ký thỏa thuận hòa bình với Ai Cập năm 1979 và Jordan năm 1994. Tuy nhiên UAE cùng với hầu hết các nước Ả Rập khác không công nhận Israel và không có quan hệ ngoại giao hay kinh tế chính thức với Israel cho tới nay.
Thỏa thuận có tên Hiệp ước Abraham là sản phẩm của những cuộc thảo luận kéo dài giữa Israel, UAE và Mỹ được tăng cường gần đây, các giới chức Tòa Bạch Ốc nói.
Một thông cáo chung do 3 nước công bố cho biết Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử của tiểu vương quốc Abu Dhabi, ông Sheikh Mohammed Bin Zayed đã “đồng ý bình thường hóa hoàn toàn các quan hệ giữa Israel và UAE.”
Tuyên bố chung gọi thỏa thuận này là ‘bước đột phá ngoại giao lịch sử’, thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông.
Thái tử Sheikh Mohammed Bin Zayed nhấn mạnh thỏa thuận sẽ ngưng việc Israel sáp nhập thêm nữa lãnh thổ của người Palestine mà Israel nói đang chờ Washington bật đèn xanh.
Ông Netanyahu nói thỏa thuận biểu hiện một “ngày lịch sử” cho đất nước ông.
Tuy nhiên, một giới chức cao cấp Israel nói việc áp dụng chủ quyền của Israel tại những khu vực Bờ Tây-lãnh thổ mà người Palestin muốn cùng với dải Gaza và Đông Jerusalem nằm trong quốc gia Palestin-vẫn còn trong nghị trình.
Đặc sứ của ông Trump, ông Brian Hook nói thỏa thuận này là ‘ác mộng’ đối với Iran.
Iran và Israel là kẻ thù không đội trời chung. Israel đặc biệt quan tâm đến những nỗ lực của Iran muốn phát triển vũ khí hạt nhân, mà Tehran phủ nhận.
Iran cũng liên hệ đến những cuộc chiến tranh ủy nhiệm từ Syria cho đến Yemen, nơi UAE là một thành viên hàng đầu của liên minh do Ả Rập Xê-út lãnh đạo chống lại những lực lượng thân Iran tại đây.
Các phái đoàn Israel và UAE sẽ gặp nhau trong những tuần tới để ký thỏa thuận liên hệ đến đầu tư, du lịch, các chuyến bay trực tiếp, an ninh, viễn thông và những vấn đề khác, thông cáo cho hay.
Hai bên hy vọng sẽ sớm trao đổi đại sứ và tòa đại sứ.
Tổng thống Trump cho biết lễ ký kết với sự tham gia của phái đoàn Israel và UAE sẽ được tổ chức tại Tòa Bạch Ốc trong những tuần tới.
Vụ nổ ở Beyrouth: Chuyên gia nhân quyền LHQ
yêu cầu mở điều tra độc lập
Thùy Dương
Một nhóm gồm 38 chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hôm qua 13/08/2020 ra thông cáo chung yêu cầu tổ chức một cuộc điều tra độc lập, nhanh chóng, công bằng và đáng tin cậy về vụ nổ kinh hoàng đã tàn phá thủ đô Beyrouth của Liban hồi đầu tuần trước.
Theo nhóm chuyên gia này, cuộc điều tra, dựa trên những nguyên tắc về nhân quyền, sẽ cho phép hiểu thêm về những đòi hỏi, nhu cầu và nỗi sợ của người dân sau vụ nổ, đồng thời cho thấy những vết rạn nứt có tính hệ thống của chính quyền và các định chế của Liban trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền.
Theo AFP, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hiện giờ lo ngại về mức độ vô trách nhiệm của giới lãnh đạo Liban và sợ rằng họ sẽ không bị trừng phạt cho dù đã để xảy ra một thảm họa gây nhiều thiệt hại cho con người và môi trường.
Cũng trong ngày hôm qua, trong chuyến thăm Beyrouth, quan chức cao cấp bộ Ngoại Giao Mỹ, David Hale, tuyên bố Cục Điều Tra Liên Bang (FBI) sẽ tham gia cùng các nhà điều tra Liban và quốc tế, theo lời mời của Liban, để xác định nguyên nhân vụ nổ khiến ít nhất 171 người thiệt mạng, hơn 6.500 người bị thương và đẩy thủ đô Liban vào cảnh đổ nát.
Tổng thống Pháp Macron từng đề nghị tổ chức một cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ, nhưng đề xuất này đã bị tổng thống Liban Michel Aoun bác bỏ.
Chủ tịch Foxconn: Kỷ nguyên Trung Quốc
làm ‘công xưởng thế giới’ đã chấm dứt
Hương Thảo
Thời kỳ Trung Quốc là ‘công xưởng của thế giới’ đã chấm dứt, theo chủ tịch tập đoàn Hồng Hải (Foxconn) của Đài Loan, xưởng sản xuất iPhone lớn nhất thế giới. Tập đoàn này đang tăng tốc mở rộng cơ sở sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc, với tỷ lệ hiện đã tăng lên đến 30%, theo Epoch Times hôm 13/8.
Chiều ngày 12/8, tập đoàn Foxconn đã tổ chức một cuộc họp giao ban tại trụ sở chính của công ty ở Đài Loan. Ông Lưu Dương Vĩ, chủ tịch tập đoàn, tuyên bố tại cuộc họp báo rằng năng lực sản xuất hiện tại của Foxconn bên ngoài thị trường Trung Quốc đã tăng từ 25% trong tháng 6 lên 30% tại thời điểm hiện nay.
Ông Lưu Dương Vĩ cho biết Hồng Hải sẽ chuyển nhiều cơ sở sản xuất hơn sang Đông Nam Á và những khu vực khác để tránh đòn thuế quan của Mỹ, và sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng sản xuất ở nước ngoài.
Ông nói rằng mặc dù Trung Quốc sẽ vẫn đóng vai trò chính trong hoạt động kinh doanh sản xuất của Foxconn, nhưng kỷ nguyên làm công xưởng thế giới của nó đã trôi qua, và chuỗi sản xuất khu vực mới sẽ được hình thành ở Ấn Độ, Đông Nam Á và châu Mỹ.
Khi được hỏi liệu Foxconn có mở rộng lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế trên đất Mỹ hay không, ông Lưu Dương Vĩ cho rằng miễn là điều này có ích cho ngành công nghiệp tương lai, Foxconn sẽ cân nhắc.
Là xưởng sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, Tập đoàn Foxconn gần đây tiết lộ họ đang tăng tốc đầu tư vào Ấn Độ. Cuối tháng 7, Foxconn thông báo họ đã nộp đơn vay từ gói kích thích đầu tư của Ấn Độ, và sẽ đầu tư 1 tỷ USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại nước này. Sau đó, có tin rằng Hồng Hải đã bắt đầu lắp ráp iPhone 11 ở thành phố Chennai, Ấn Độ.
Bên cạnh đó, công ty con Fujikang hãng Foxconn đã đầu tư 38,3 triệu USD vào HMD Global (nhà sản xuất smartphone và máy tính bảng Nokia) của Phần Lan vào tháng 7. Đây là khoản đầu tư bổ sung cho 62 triệu USD trước đó. Fujikang được Nokia ủy quyền thông qua HMD Global Oy để tiến hành mảng sản xuất thiết bị gốc OEM và kinh doanh điện thoại di động mang nhãn hiệu Nokia. Có thông tin cho rằng HMD cũng đang tìm kiếm hợp tác với Ấn Độ.
“Trung Quốc sẽ mất vị thế là công xưởng thế giới”, theo cách nói của chủ tịch Foxconn, là một quá trình đang tăng tốc, từ thương chiến Mỹ-Trung đến việc bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán. Cách đây vài tháng hai chính phủ Mỹ và Nhật đã công khai tuyên bố rằng họ sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp của họ “chi phí di dời” để rút hoạt động khỏi Trung Quốc.
Theo một bảng câu hỏi doanh nghiệp được UBS Evidence Lab công bố gần đây, 76% các công ty Mỹ được phỏng vấn, 85% các công ty Bắc Á và 60% các nhà sản xuất Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ đã rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, hoặc dự định rút một số dây chuyền sản xuất khỏi Hoa lục.
Trong số 2,5 nghìn tỷ USD hàng Trung Quốc xuất khẩu của ba lĩnh vực doanh nghiệp được khảo sát, 30% hay 750 tỷ USD lô hàng trong đó có thể bị rút khỏi Trung Quốc.
Xét trên các lĩnh vực, 92% công ty chăm sóc sức khỏe và 89% công ty hàng tiêu dùng đã hoặc đang có kế hoạch rút khỏi Trung Quốc; các công ty công nghệ, hàng tiêu dùng không thiết yếu, sản xuất công nghiệp và sản xuất vật liệu, với tỷ lệ lần lượt 80%, 76%, 69% và 57% có thể rời Trung Quốc.
TQ dần mất bạn
Đối tác và láng giềng của Trung Quốc đang ngày càng có nhiều điểm chung với Mỹ để đứng “cùng chiến tuyến” trong mặt trận chống Bắc Kinh của Washington.
Gần đây, nhà phân tích Mira Rapp-Hooper thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại nhận định trên CNN rằng, chính quyền Tổng thống Trump dường như thích “một mình” đối phó với Trung Quốc khi tiến hành các động thái như trừng phạt hay tước quy chế ưu tiên đối với Hong Kong (Trung Quốc).
Tổng thống Trump đã tiến hành biện pháp trừng phạt cứng rắn với Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cùng các quan chức khác của Trung Quốc. Bắc Kinh sau đó cũng đáp trả bằng cách áp lệnh trừng phạt với 11 cá nhân Mỹ, trong đó có 6 nghị sĩ của nước này.
Trên thực tế, các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên mặt trận thương mại, tuyên truyền và quân sự đã khiến Mỹ không còn đơn độc khi đối đầu với Bắc Kinh nữa. Một số quốc gia nhận thức rõ về sự trỗi dậy của Bắc Kinh dường như đã sẵn sàng tham gia vào liên minh chống Trung Quốc của Washington.
Australia
Cách đây 5 năm, quan hệ Mỹ – Australia đã rạn nứt khi Canberra tham gia vào một trong các dự án lớn của Trung Quốc là Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á và ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với nước này. Tuy nhiên, câu chuyện này đã trở thành quá khứ.
Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Australia nằm trong số các nước đi đầu và mạnh mẽ nhất yêu cầu điều tra nguồn gốc của dịch bệnh, vốn lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Ngay sau đó, Canberra đã bị Bắc Kinh đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn khi hạn chế nhập khẩu thịt bò Australia và áp thuế với lúa mạch của nước này.
Tính đến tháng 7/2020, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã không nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hơn 1 năm. Các chiến lược gia quốc phòng cấp cao Australia cũng hối thúc ông Morrison cử tàu chiến của Australia tới Biển Đông để đối phó với các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.
Theo New York Times, ông Morrison có kế hoạch tuyển 500 điệp viên mạng và xây dựng hệ thống an ninh mạng trị giá gần 1 tỷ USD nhắm vào Trung Quốc. Canberra cũng cấm tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia vào mạng lưới 5G của Australia, động thái được đánh giá như một “cái gật đầu” với chiến dịch tẩy chay tập đoàn này của chính quyền Tổng thống Trump.
Bên cạnh đó, trước việc Trung Quốc thực hiện luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong, Australia đã quyết định đứng “cùng chiến tuyến” với Canada và Vương Quốc Anh về việc dừng hiệp ước dẫn độ với Đặc khu hành chính này.
Nhật Bản
Nhận thức rõ về vị trí nhạy cảm của mình tại châu Á khi là một nền kinh tế lớn nhưng lại không có vũ khí hạt nhân và phụ thuộc vào “chiếc ô” an ninh của Mỹ, Nhật Bản luôn giữ thái độ thận trọng và dè dặt khi cuộc Chiến tranh Lạnh mới ngày càng nóng lên.
Đến nay, Tokyo đang có kế hoạch hoãn chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới nước này kể từ năm 2008. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi gần đây đã khẳng định: “Chúng tôi chưa sắp xếp một lịch trình cụ thể ngay lúc này”.
Bên cạnh đó, giữa bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức mạnh “cơ bắp” qua các hoạt động quân sự như cử tàu chiến tới quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Tokyo đã bắt đầu đưa các chiến đấu cơ tới tuần tra khu vực này.
Theo New York Times, ông Suga Yoshihide, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, chính phủ nước này “yêu cầu mạnh mẽ” các tàu của Trung Quốc “ngừng tiếp cận các tàu cá của Nhật Bản và nhanh chóng rời khỏi lãnh thổ của Nhật Bản”. Theo quan chức này, điều đó tức là: “Chúng tôi muốn tiếp tục phản ứng mạnh mẽ theo cách ôn hòa” với Trung Quốc.
Ấn Độ
Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ hồi tháng 6 ở dãy Himalaya đã khiến ít nhất 20 binh lính Ấn Độ tử vong và nhiều binh lính Trung Quốc thương vong.
Ngay sau vụ ẩu đả này, Ấn Độ đã cấm Tik Tok và nhiều ứng dụng khác của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu công nghệ Jai Vipra nhận định trên trang Nikkei Asian Review rằng động thái này là một phần của cuộc Chiến tranh Lạnh “kỹ thuật số” mà chúng ta đang trải qua.
Các nhà quan sát Ấn Độ cho rằng, sự thay đổi mang tính khiêu khích của Trung Quốc nên được nhìn qua “lăng kính” của chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump.
“Một điều khá rõ ràng là Trung Quốc sẽ làm mọi thứ để đảm bảo Tổng thống Trump sẽ không quay lại nắm quyền vào tháng 11”, nhà bình luận Shishir Gupta viết trên trang Hundustan Times.
Vương quốc Anh
Dấu hiệu rõ ràng đầu tiên cho thấy Vương quốc Anh đã tham gia vào chiến dịch chống Trung Quốc của Tổng thống Trump là việc nước này cấm mua tất cả các thiết bị 5G của tập đoàn Huawei từ sau năm 2020 và đến năm 2027 sẽ chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của Huawei trong hạ tầng viễn thông của Anh.
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson dường như cũng đang suy nghĩ lại về sự tham gia của Trung Quốc trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.
Điều đặc biệt khiến Anh không hài lòng với Trung Quốc là việc thông qua luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong. Thủ tướng Boris Johnson thậm chí đã đề nghị sẽ cấp quốc tịch cho 3 triệu công dân Hong Kong và cho phép họ quyền sinh sống cũng như làm việc tại Anh.
Pháp
Quan hệ Pháp – Trung Quốc cũng gặp trục trặc xoay quanh việc phía Trung Quốc cáo buộc các nhân viên viện dưỡng lão ở Pháp đã “bỏ trực đêm và để những người già chết vì đói và bệnh tật”. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian sau đó đã triệu Đại sứ Trung Quốc tới để phản đối những bình luận gây tranh cãi của nước này.
Mặc dù sau đó Trung Quốc phủ nhận việc chỉ trích phản ứng của Pháp trong đại dịch và nói rằng đã có sự “hiểu lầm” giữa 2 bên nhưng sự việc này đã châm ngòi cho một loạt các biện pháp đáp trả, trong đó việc cắt giảm đáng kể các chuyến bay giữa 2 quốc gia.
Hồi tháng 7, Pháp cũng thông báo cho tới năm 2028 sẽ cấm các công ty viễn thông nước này sử dụng các thiết bị của Huawei.
Canada
Một trong những nước tham gia vào “cuộc chiến Huawei” sớm nhất là Canada khi vào tháng 12/2018, nước này đã bắt giữ giám đốc tài chính, đồng thời là con gái của nhà sáng lập Huawei, bà Mạnh Vãn Chu theo đề nghị dẫn độ của Mỹ. Động thái trên ngay lập tức đã khiến Trung Quốc cấm các sản phẩm nông nghiệp trị giá hàng tỷ USD của Canada.
Gần đây nhất, Canada đã tạm dừng hiệp ước dẫn độ với Hong Kong và tham gia vào làn sóng chỉ trích Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương.
Rõ ràng, những điều khó đoán định trong sự leo thang đối đầu Mỹ – Trung vốn đang biến thành một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn cầu sẽ định hình bất kỳ cuộc chơi nào trong quan hệ quốc tế hiện nay. Sự quyết đoán của Bắc Kinh đang đẩy các nước vào “quỹ đạo” của Washington nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Tổng thống Trump đã sẵn sàng cho một liên minh chống Trung Quốc hay chưa giữa bối cảnh Mỹ vẫn vướng mắc không ít tranh cãi với đồng minh?.
http://biendong.net/diem-tin/36341-tq-dan-mat-ban.html
Số quan chức TQ ” mất tích” tăng nhanh
Nhà tài phiệt Viên Cung Di nói chính quyền Trung Quốc “…hoàn toàn không có cách nào nữa, cũng không có sức đánh trả“.
Cuối tháng 7, khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán của nhau, đã làm dấy lên quan ngại về sự chia cắt của quan hệ Mỹ-Trung. Gần đây, có thông tin cho rằng 40 nhà báo Trung Quốc tại Mỹ không được gia hạn visa, đối mặt với việc bị trục xuất. Thông tin trên kết hợp với báo cáo trước đó của tờ New
York Times rằng chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc đến việc cấm toàn diện đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và người nhà của họ đến Mỹ, đã khiến các ký giả, nhà ngoại giao và đảng viên ĐCSTQ hoảng sợ. Nhà tài phiệt Hồng Kông Viên Cung Di trong buổi ghi hình trò chuyện với truyền thông hải ngoại còn tiết lộ rằng rất nhiều đảng viên ĐCSTQ lo lắng sau khi trở về Trung Quốc thì không thể xuất ngoại được nữa, rất nhiều người đều đang bỏ trốn, thậm chí “mỗi ngày đều có người mất tích”.
Ngày 5/8, ông Viên Cung Di trong buổi phỏng vấn với Epochtimes tiết lộ rằng ông nghe nói có rất nhiều đảng viên ĐCSTQ đang ẩn náu ở Hoa Kỳ, có người là nhà ngoại giao, có người là nhân viên tình báo, có gần 1.000 người đã xin tị nạn chính trị. Lần này thật sự gay go rồi. Như vậy nó (ĐCSTQ) sẽ không thể giữ bí mật nữa, mọi hoạt động của trên đất Mỹ đều sẽ bị phơi bày (những đảng viên này muốn ở lại Mỹ sẽ thoái đảng và tiết lộ ví mật – PV).
Ông nói rằng có những người khi họ nhập cư vào Hoa Kỳ cũng là đảng viên ĐCSTQ, và họ đã không bộc lộ thân phận trước đó. Nhưng những người này đều không muốn quay về Trung Quốc, họ không biết một khi về đến đó rồi sẽ phải đối mặt với một thế giới như thế nào, họ lo lắng rằng một khi về đó rồi thì không thể xuất ngoại được nữa. Một số đảng viên ngầm và đảng viên giấu mặt cũng đã bước ra. Còn có rất nhà ngoại giao, rất nhiều quan chức làm việc tại lãnh sự quán, mỗi ngày đều có người “mất tích”.
Hoa Kỳ thay đổi sách lược, đào tẩu của giới truyền thông ngày càng nghiêm trọng
Theo phân tích của các chuyên gia và nhân sĩ quan sát các vấn đề Trung Quốc, Hoa Kỳ gần đây đã tuyên bố “làm trong sạch mạng lưới Internet”, cấm WeChat và TikTok, hạn chế thị thực đối với các nhà báo Trung Quốc. Đây đều là những tiêu chuẩn mới trong sách lược đối đầu với Trung Quốc của Hoa Kỳ: từ “có lợi cho nhau” chuyển sang “nhận gì trả nấy”. “Nhận gì trả nấy” có nghĩa là Hoa Kỳ xuống tay sẽ không còn khách khí nữa, Trung Quốc thế nào thì Hoa Kỳ sẽ đáp trả như thế ấy.
Trước khi Hoa Kỳ xuống tay với các công ty công nghệ internet đa quốc gia của Trung Quốc như ByteDance và Tencent, thì WeChat, QQ, Tik Tok và Weibo đều đã tiến nhập vào thị trường Hoa Kỳ, trong khi các công ty công nghệ của Hoa Kỳ như Google, Twitter và Facebook lại không thể hoạt động ở Trung Quốc.
ĐCSTQ có thể kể “những câu chuyện của Trung Quốc” trên các tấm bảng quảng cáo ở quảng trường Thời đại của New York; trong khi Hoa Kỳ ở Trung Quốc chỉ có thể kể “những câu chuyện của nước Mỹ” trên các trang web chính thức của đại sứ quán nước mình.
Người Trung Quốc có thể mua bất động sản ở Hoa Kỳ mà không phải chịu bất kỳ sự hạn chế nào, trong khi người Mỹ ở Trung Quốc phải làm việc hơn một năm để mua nhà, hơn nữa mục đích chỉ là để ở, và còn cần được các bộ phận liên quan “xem xét và phê duyệt”.
Thêm một ví dụ khác: Trung Quốc có 3.000 ký giả thường trú tại Hoa Kỳ, trong khi các ký giả của Mỹ ở Trung Quốc lại chưa đến 100 người. Ký giả Trung Quốc chỉ cần có thể duy trì tư cách nhà báo thì sẽ không chịu giới hạn thời gian cư trú của họ ở Hoa Kỳ; trong khi thẻ tác nghiệp của các phóng viên Mỹ tại Trung Quốc phải được chính quyền Trung Quốc gia hạn hàng năm.
Sau khi Hoa Kỳ dự tính “nhận gì trả nấy”, Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ “Thời báo Hoàn Câu” – kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ, ngày 3/8 đã nói trên Weibo rằng thị thực của gần 40 phóng viên ĐCSTQ tại Hoa Kỳ sắp hết hạn, đến nay vẫn chưa có ai được gia hạn thị thực, và họ có thể bị buộc phải rời khỏi Hoa Kỳ.
Viên Cung Di cho rằng lần này áp lực lớn như vậy cho giới báo chí, các ký giả cũng không muốn quay về, nước Mỹ tốt như vậy, tại sao phải trở về Trung Quốc? Về rồi còn có thể bị đấu tố, vậy nên thật sự mà nói nếu trở về có thể lành ít dữ nhiều.
Ông Viên Cung Di ước tính rằng có rất nhiều phóng viên truyền thông sẽ nộp đơn xin tị nạn chính trị. Ở Mỹ đây là một vấn đề rất đơn giản, hơn nữa rất nhiều phóng viên trên thực tế đều là gián điệp của ĐCSTQ nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Ông Viên nói, “ĐCSTQ làm gì có phóng viên thật sự? Các phóng viên thông thường của ĐCSTQ kỳ thực đều là gián điệp cả. Ở đó có đến mấy trăm người. Theo công bố của chính phủ Hoa Kỳ thì có đến mấy nghìn người đã nhập cảnh vào Mỹ với tư cách là phóng viên. Bây giờ tất cả họ đều phải bị trục xuất. Nếu không muốn trở về Trung Quốc, lối thoát duy nhất chính là tìm kiếm tị nạn chính trị”.
Một nửa số hộ chiếu Hồng Kông được trao cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ
Ông Viên Cung Di nói rằng Hoa Kỳ đã biết rất nhiều phóng viên Trung Quốc có hộ chiếu Hồng Kông, trên thực tế những người này có liên quan với các quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Chính phủ Hồng Kông đã đưa ra 10 triệu hộ chiếu, tuy nhiên dân số thực tế của Hồng Kông chỉ có 7 triệu người, trong
đó số người Hồng Kông thật sự xin sử dụng hộ chiếu chỉ có 5 triệu. Điều này có nghĩa là một nửa số hộ chiếu Hồng Kông được dùng làm “quà tặng” cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ.
Người Trung Quốc có được hộ chiếu Hồng Kông có một số là phe phái ngầm, một số thì nhờ vào quyền lực của các quan chức cấp cao. Hiện giờ, chính phủ Hoa Kỳ cũng đã biết điều này, nên muốn bãi bỏ địa vị đặc thù của Hồng Kông.
Ông Viên bày tỏ việc hộ chiếu Hồng Kông bị lạm dụng cho thấy toàn bộ hệ thống của Hồng Kông đã bị phá hủy từ lâu. Trước khi Hồng Kông được chuyển giao chủ quyền cho Trung Quốc vào năm 1997, tư liệu cá nhân của người dân Hồng Kông đã được chuyển cho ĐCSTQ.
Ông Viên Cung Di nói rằng trên thực tế, các quan chức cấp cao của Trung Quốc hiện đã không còn lạc quan về Hồng Kông nữa, Hồng Kông đã bị ĐCSTQ làm thành như vậy, và hầu hết họ đều muốn được ở lại Hoa Kỳ.
Làn sóng đào tẩu mang tính toàn cầu của các quan chức ĐCSTQ
Mấy năm trở lại đây, những vụ đào tẩu của các quan chức trong thể chế ĐCSTQ liên tục bị phanh phui. Vào ngày kỷ niệm 16 năm của sự kiện Lục Tứ, ông Trần Dụng Lâm – Bí thư chính trị hạng nhất của Lãnh sự quán ĐCSTQ tại Sydney, ông Hách Phụng Quân – cựu quan chức Phòng 610 (công cụ Pháp Luân Công) và Cục Bảo vệ An ninh quốc nội Thiên Tân, cùng một quan chức cấp cao khác xin giấu tên, cả 3 người đã nộp đơn xin tị nạn chính trị lên chính phủ Úc. Tiếp sau đó, ông Hàn Quảng Sinh, cựu Cục trưởng Cục Tư pháp Thẩm Dương đã bỏ trốn sang Canada, sau 3 năm 9 tháng im lặng, ông cũng công khai tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ.
Năm 2006, ông Lý Phụng Trí, người từng làm việc trong Bộ An ninh Quốc gia của ĐCSTQ đã đào tẩu sang Mỹ và tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ. Trang Agence France-Presse (AFP) đưa tin, trong một cuộc họp báo do đoàn thể học viên Pháp Luân Công tổ chức ở Washington, ông Lý Phụng Trí đã tuyên bố rằng bản thân ông đã từng công tác vài năm trong Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. Khi ông nhận thấy phạm vi công việc của ông bao gồm theo dõi những người bất đồng chính kiến, các học viên Pháp Luân Công, những người trong tôn giáo và quần thể những người yếu thế, ông cảm thấy “vô cùng phẫn nộ”.
Ông nói: “ĐCSTQ không chỉ sử dụng dối trá và bạo lực để chống lại những người đòi hỏi các quyền cơ bản của con người, mà họ còn cố gắng hết mức để che giấu sự thật với cộng đồng quốc tế”.
Các quan chức ĐCSTQ đã nộp đơn xin tị nạn chính trị cho chính phủ Úc và Canada nói trên tuy chức nghiệp cụ thể và cấp bậc khác nhau, nhưng họ đều bày tỏ rằng cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công do cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân phát động thật quá tàn nhẫn và đẫm máu, khiến họ thà từ bỏ lợi ích hậu hĩnh trong công việc, sẵn sàng chấp nhận rủi ro chính trị to lớn mà đưa ra lựa chọn đào tẩu.
Năm 2019, sự kiện cựu mật vụ của chính quyền Trung Quốc, Vương Lập Cường, xin tị nạn chính trị ở Úc khiến cả thế giới chấn động. Vương Lập Cường đã cung cấp cho chính quyền Úc một lượng lớn thông tin bí mật của ĐCSTQ và công bố trước quốc tế nội tình hoạt động gián điệp của ĐCSTQ tại Hồng Kông và Đài Loan.
Tháng 10/2019, Vương Lập Cường đã khai và tuyên thệ về những gì mình cung cấp cho Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO), ông nói: “Bản thân tôi đã từng tham gia và có liên quan chặt chẽ đến một loạt các hoạt động gián điệp, nếu trở về Trung Quốc tôi có thể sẽ bị bắt và bị kết án”. Cuối cùng ông xin được tị nạn chính trị tại Úc.
Ông Viên Cung Di trong buổi phỏng vấn cũng tiết lộ rằng các quan chức cấp cao vì để người nhà mình xin được tị nạn chính trị ở nước ngoài, họ đã cung cấp thông tin bí mật đặc biệt cho người nhà của họ. Ông nêu ví dụ, ông Tôn Lập Quân đã cung cấp thông tin bí mật về virus Vũ Hán cho cung cấp tư liệu cơ mật cho vợ ông ta ở Úc, sau khi bị phát hiện đã ngã ngựa. Người cung cấp tư liệu mật có thể mau chóng lấy được thẻ xanh, thậm chí có thể thương lượng cả hộ chiếu.
Ông Viên Cung Di cũng tuyên bố rằng ĐCSTQ cũng không có cách nào để ngăn chặn các đảng viên đào tẩu. Ông nói: “Cái gọi là tuyên truyền lớn của ĐCSTQ lần này, tôi thường gọi đó là một cuộc nổi loạn lớn, tạo phản lớn… Chúng ta hãy chờ xem, nó (ĐCSTQ) sẽ chỉ biết tấn công người ta, chứ nó không biết rằng người ta cũng sẽ phản công lại … Lấy đạo của người trả lại cho người, nó hoàn toàn không có cách nào nữa, cũng không có sức đánh trả”.
Ông Viên Cung Di nói rằng khi lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston bị đóng cửa vào tháng 7, ông có nhận được thông tin nội bộ rằng trong lãnh sự quán có người đào tẩu và có người muốn được ở lại Hoa Kỳ. Khi đó ông tiết lộ rằng có hai thành viên trong lãnh sự quán đã biến mất, có thể họ đi tiết lộ thông
tin với Hoa Kỳ hoặc đào tẩu. Trong tương lai không xa, làn sóng các đảng viên và quan chức ĐCSTQ đào tẩu có thể sẽ mang tính toàn thế giới.
http://biendong.net/diem-tin/36342-so-quan-chuc-tq-mat-tich-tang-nhanh.html
Trung Quốc là tác nhân chính
khiến dòng Mekong khô cạn
Nguyễn Trường
Ngày 7/8, Giám đốc điều hành của Ban thư ký Ủy hội sông Mekong đã kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động đập thủy điện một cách minh bạch và nhanh chóng, vì dòng nước ở sông Mekong xuống mức thấp kỷ lục năm thứ hai liên tiếp.
Sông Mekong khởi nguồn từ vùng núi Tây Tạng – vốn được coi là nóc nhà thế giới, nhưng đã bị Trung Quốc chiếm đoạt và coi là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc từ năm 1950.
Sông Mekong từ Tây Tạng chảy qua Vân Nam, Trung Quốc tới Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tại Việt Nam, Sông Mekong đã bồi đắp khu vực đồng bằng trở thành “Vựa lúa của Việt Nam.” Tuy nhiên, thời gian gần đây, lượng nước trên sông Mekong đã giảm đi rất nhiều, khiến các nước ở hạ lưu lâm vào khô hạn nghiêm trọng.
Ngoài những yếu tố như lượng mưa ít bởi hiện tượng khí hậu El Nino, còn có tác động của những đập thủy điện trên thượng nguồn và ở cả dưới hạ nguồn, gồm 2 đập ở Lào và 11 đập ở Trung Quốc.
Các báo cáo mới nhất từ khu vực Hạ lưu sông Mekong gây ra quan ngại về việc một thời kỳ hạn hán nữa sẽ tiếp tục diễn ra sau đợt hạn hán hồi năm 2019, ảnh hưởng đến Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Lưu lượng mưa được kỳ vọng vào cuối tháng 5 qua đến tháng 6 và tháng 7 đã không diễn ra, và lưu lượng nước của sông Mekong thấp đến mức khiến hiện tượng đảo chiều “bình thường” của nhánh sông Tonle Sap ở Phnom Penh, vốn thông thường sẽ gây ra hiện tượng dòng nước chảy lùi trở lại Biển Hồ (Great Lake), đã không xảy ra. Còn tại Biển Hồ, lưu lượng nước thấp đã gây ra tác động tiêu cực đối với sản lượng đánh bắt cá mà có những giai đoạn ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua.
Các nhà nghiên cứu dự báo khả năng xảy ra một đợt hạn hán khốc liệt tiếp theo cùng với việc công bố bằng chứng cho thấy đợt hạn hán hồi năm 2019 xảy ra trùng với thời điểm Trung Quốc ngăn dòng nước ở một số đập thủy điện của nước này trên sông Mekong. Điều này cũng được làm sáng tỏ trong các ấn phẩm chủ đạo của Trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington và quan trọng hơn cả là trong một bằng chứng mới được công bố hồi tháng 4/2020 và trong một bài viết trên tạp chí Foreign Policy của Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson. Bằng chứng cụ thể củng cố cho các báo cáo và bài viết nói trên dựa trên hình ảnh vệ tinh do “Eyes on Earth” cung cấp, một tổ chức sử dụng hình ảnh vệ tinh để giám sát các quá trình diễn biến của khí hậu. Những phát hiện nói trên gây quan ngại sâu sắc khi những vấn đề vẫn tiếp diễn trước hàng loạt các đợt hạn hán trong vòng 20 năm qua vốn hủy hoại khu vực hạ lưu sông Mekong. Các vụ mùa đã không ít lần thất bát, và điều này đã gây ra những quan ngại sâu sắc ở vùng châu thổ Mekong, nơi mà giới chức địa phương đã kêu gọi tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì tình trạng hạn hán diễn ra hồi đầu năm 2020. Tình trạng đáng lo ngại này lại trở nên trầm trọng hơn do tình trạng sụt giảm lượng phù sa ở sông Mekong do cản trở mà 11 đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong gây ra. Ngoài ra, cũng có bằng chứng nhất quán cho thấy trữ lượng thủy sản đã và đang suy giảm, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân khu vực sông Mekong.
Những phát hiện quan trọng được đưa ra trong các báo cáo của trung tâm Stimson như sau:
– Mặc dù hạn hán đã hoành hành tại khu vực hạ lưu sông Mekong trong năm 2019 song lượng mưa vẫn ở trên mức trung bình và tuyết tan ở Trung Quốc và các con đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại phần lớn lưu lượng dòng chảy của sông Mekong sau những đợt hạn hán đó.
– Những hành động của Trung Quốc đã gây ra hạn hán trong nhiều năm qua.
– Trung Quốc đang ngăn chặn lưu lượng nước nhiều hơn bao giờ hết.
– Những hành động của Trung Quốc bao gồm việc xả nước bất ngờ vốn có thể liên quan đến công tác quản lý các con đập của nước này khi công tác xây dựng một số đập được hoàn thiện.
Các kết luận này cũng có thể có trong dữ liệu của tổ chức “Eyes on Earth”, vốn cho phép việc thực hiện dự đoán chính xác những gì đang xảy ra ở Trung Quốc và những gì liên quan đến 11 con đập của nước này ở thượng nguồn sông Mekong. Các kết luận này cũng đặt ra những quan ngại về bản chất của những hành xử cơ bản của Trung Quốc đối với sông Mekong.
Như báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Stimson nhận định, Trung Quốc coi sông Mekong là “một tài nguyên có chủ quyền hơn là một tài nguyên chung”. Cách hành xử này được phản ánh trong thực tế là
Trung Quốc chưa từng tuân thủ các quy ước vốn sẽ thỏa hiệp quyền lợi của mình nhằm duy trì quyền kiểm soát hoàn toàn sông Mekong thuộc phạm vi lãnh thổ của nước này.
Dễ dàng có thể nhận ra những hành động của Trung Quốc đối với sông Mekong như là một hình thức phản ánh những giá trị chính sách đối ngoại ở cấp độ rộng lớn hơn của Trung Quốc. Và mặc dù Trung tâm Stimson cho rằng những phát hiện mới này tạo cơ hội cho sự “can dự mang tính hợp tác vốn có thể biến những con đập của Trung Quốc thành một giải pháp đối với đợt hạn hán lớn tiếp theo xảy ra trong khu vực”, song quan điểm này có phần hơi quá lạc quan. Trong vòng hơn 30 năm qua, các hành động và chính sách của Trung Quốc liên quan đến sông Mekong và những gì xảy ra ở khu vực hạ lưu sông Mekong đều thể hiện bản chất tư lợi của Trung Quốc. Điều này cũng được nhìn nhận tương tự như việc Trung Quốc không tham gia Ủy hội Sông Mekong, việc thiết lập một cơ quan khác để xử lý các vấn đề về sông Mekong, đó là Hợp tác Mekong-Lan Thương, và các chính sách mà Bắc Kinh theo đuổi trong nỗ lực hòng tìm cách thúc đẩy hoạt động giao thương ven sông của nước này. Giờ đây, khi bằng chứng cho thấy việc nước bị ngăn giữ lại vào thời điểm xảy ra hạn hán ở các nước láng giềng Trung Quốc thuộc hạ nguồn sông Mekong cho thấy Trung Quốc sẽ không thay đổi cách hành xử của mình trong tương lai. Trung Quốc cũng là một trong ba quốc gia hiếm hoi trên thế giới đã bỏ phiếu chống lại Công ước về sử dụng các nguồn nước quốc tế với mục đích phi giao thông của Liên Hợp Quốc năm 1997.
Những phản ứng đối với các báo cáo nói trên rất đa dạng, từ có thể đoán định được đến bất ngờ. Như dự đoán, các tổ chức xã hội dân sự đã dựa vào những phát hiện của Trung tâm nghiên cứu Stimson để kêu gọi cần hành động nhằm thay đổi các chính sách của Trung Quốc trong tương lai. Bất ngờ hơn là phản ứng tức thì của Ủy hội Sông Mekong khi tổ chức này thể hiện nghi ngờ về căn cứ và giá trị của dữ liệu do tổ chức “Eyes on Earth” công bố, cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào. Đây dường như là phản ứng bất thường của một cơ quan có nhiệm vụ giám sát sự tồn tại của sông Mekong.
Không có gì ngạc nhiên khi tờ Thời báo Hoàn cầu đăng tải một nghiên cứu của Trung Quốc cho rằng các con đập mà Trung Quốc xây dựng trên sông Mekong đóng một vai trò quan trọng trong mùa mưa, vốn trái ngược với những gì xảy ra trước khi mùa mưa đó diễn ra.
Cuối cùng, sự im lặng của các chính phủ các nước thuộc khu vực lòng chảo hạ lưu sông Mekong là đáng ngạc nhiên. Có lẽ, Lào và Campuchia giờ đang có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc nên họ có thể “im hơi lặng tiếng”, thế nhưng sự im lặng của chính phủ Việt Nam cho thấy một sự bất thường. Bất thường bởi vì Việt Nam là quốc gia chịu nhiều thiệt hại nhất trước sự việc dòng Mekong khô kiệt. Dòng Mekong khô cạn đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của hơn 20 triệu cư dân khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian sắp tới.
TQ hứng mưa lớn,
nước đến chân tượng Phật khổng lồ
Mưa lớn đêm ngày 11 và 12/8 đã khiến nước dâng lên đến chân tượng Lạc Sơn Đại Phật.
Tỉnh Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc đã có mưa lớn trong những ngày qua, khiến mực nước sông hồ dâng cao ở nhiều nơi.
Cơn mưa lớn đêm ngày 11 và 12/8 đã khiến nước sông dâng lên tới chân bức tượng Phật.
Trước đó, Ban quản lý di tích hôm 12/8 thông báo đóng cửa con đường xuống núi dẫn tới chân tượng, cũng như các tour du lịch trên sông, theo China News. Bức tượng khắc họa hình ảnh Phật Di Lặc, là điểm tham quan hàng đầu tại Tứ Xuyên.
Tượng Phật bằng đá nói trên được gọi là Lạc Sơn Đại Phật, được tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, nằm ở chỗ hợp lưu của sông Dân và sông Đại Độ, hai chi lưu của sông Dương Tử, tọa lạc cách thành phố Lạc Sơn thuộc Tứ Xuyên khoảng 3 km về phía đông. Bức tượng Phật bằng đá này đối mặt với núi Nga Mi và dưới chân tượng là dòng sông.
Theo Tân Hoa xã, mưa to trút xuống ở nhiều thành phố thuộc tỉnh Tứ Xuyên từ 11-12/8, khiến khoảng 107.000 người bị ảnh hưởng.
Trong đó có ít nhất 6 người chết, 5 người mất tích và hơn 40.000 người sơ tán ở thành phố Nhã An. Mưa to có thể tiếp tục trút xuống Tứ Xuyên hôm 13/8 và Cơ quan Khí tượng Tứ Xuyên vẫn ban hành cảnh báo mưa lũ.
Tại địa cấp thị Nhã An, báo cáo cho hay đã có 11 người chết hoặc mất tích.
Mưa lớn sẽ tiếp diễn ở Tứ Xuyên, đặc biệt khu vực đông bắc, trong những ngày tới, theo Cục Khí tượng Quốc gia Trung Quốc.
http://biendong.net/diem-tin/36346-tq-hung-mua-lon-nuoc-den-chan-tuong-phat-khong-lo.html
219 người chết và mất tích ở TQ do lũ lụt
Số người phải di dời khẩn cấp ở Trung Quốc cũng đạt mức cao nhất trong những năm gần đây, lên tới hơn 4 triệu người.
Mưa lớn gây ngập nặng ở tỉnh Tứ Xuyên ngày 12.8.
Mùa mưa năm nay ở Trung Quốc được đánh giá là có lượng mưa nhiều nhất và thời gian dài nhất trong gần 60 năm qua. Hơn 63 triệu lượt người đã bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, gần 220 người thiệt mạng và mất tích.
Theo đánh giá của quan chức Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc, mùa mưa năm nay, lưu vực sông Trường Giang và sông Hoài của nước này đã phải gánh chịu lượng mưa lên đến 759,2mm, kéo dài suốt 62 ngày. Đây là mức kỷ lục kể từ năm 1961 đến nay.
Lượng mưa lớn cũng khiến 634 con sông ở Trung Quốc có mực nước lũ vượt mức báo động, trong đó có tới 194 con sông vượt mức an toàn. Đến nay, mực nước trên dòng chính sông Trường Giang, hồ Động Đình, hồ Phàn Dương, dòng chính trên sông Hoài và Thái Hồ mặc dù đã về mức an toàn, song vẫn vượt mức báo động, có nơi vượt mức báo động liên tiếp 42 ngày. Thái Hồ thậm chí đã xảy ra “đại hồng thủy” cục bộ với mực nước cao thứ 3 trong lịch sử.
Số người phải di dời khẩn cấp ở Trung Quốc cũng đạt mức cao nhất trong những năm gần đây, lên tới hơn 4 triệu người. Nước này lý giải đây chính là lý do khiến số người thiệt mạng và mất tích do mưa lũ ở Trung Quốc giảm mạnh (54,8%) so với mức trung bình của 5 năm trở lại đây.
Số liệu thống kê vừa công bố ngày 13/8 cho thấy, mưa lũ đã khiến 219 người ở Trung Quốc thiệt mạng và mất tích, 63,46 triệu lượt người bị ảnh hưởng (tăng 12,7% so với mức trung bình 5 năm qua), thiệt hại kinh tế gần 180 tỷ nhân dân tệ (gần 26 tỷ USD, tăng 15,5% so với mức trung bình 5 năm qua).
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/36362-219-nguoi-chet-va-mat-tich-o-tq-do-lu-lut.html
TQ cho nổ đập để xả lũ
Khoảng 160 kg thuốc nổ đã được sử dụng để cho nổ đoạn đập trên sông An Xương thuộc thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên nhằm giảm áp lực từ mưa lũ.
Vào khoảng 20h ngày (12/8), theo giờ địa phương) chính quyền thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã phải cho nổ một con đập tại đây nhằm giảm áp lực nước lũ.
Theo đó, khoảng 160 kg thuốc nổ đã được sử dụng để cho nổ đoạn đập trên sông An Xương thuộc thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên nhằm giảm áp lực từ mưa lũ, hơn 1.800 người dân sống xung quanh con đập cũng đã được di dời khẩn cấp đến khu vực an toàn.
Mưa lớn trong những ngày qua tại Tứ Xuyên đã khiến mực nước tại nhiều con sông ở đây vượt mức báo động lũ, nhiều đoạn đê bị sụt lở. Mực nước đo được tại Hợp Giang Môn trên sông Mân – sông chính tại Tứ Xuyên lúc 23h ngày hôm qua (12/8) là 15m, cao nhất trong vòng 3 năm qua.
Dự báo, ngày hôm nay (13/8), mưa lớn tiếp tục sẽ khiến mực nước trên sông Mân, sông Kim Sa chạm đỉnh lũ trước khi đổ vào sông Trường Giang.
Mưa lớn cũng gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và của tại khu vực, tính riêng trong ngày 11/8 vừa qua, mưa lớn với tổng lượng mưa hơn 300mm trong thời gian ngắn đã khiến 6 người chết, 5 người mất tích tại thành phố Nhã An, tỉnh Tứ Xuyên.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/36345-tq-cho-no-dap-de-xa-lu.html
Thượng nguồn Tam Hiệp sắp có lũ số 4,
áp lực xả nước mạnh trong hôm nay
Phụng Minh
Các dự án kiểm soát lũ trên lưu vực sông Dương Tử và sông Hoài đã phải đối mặt với 5.237 nguy hiểm trong mùa mưa năm nay.
Miền trung ngập lụt của Trung Quốc một lần nữa phải đối mặt với một đợt lũ mới. Dự báo mới nhất cho thấy đỉnh lũ của các đoạn sông Phù Giang, Gia Lăng, Khúc sông Dương Tử đoạn đi qua Trùng Khánh sẽ tiếp tục xuất hiện trong 2 ngày tới. Lũ 4 thượng nguồn Tam Hiệp sắp thành hình.
Theo báo chí Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 10/8, khu vực phía tây của lưu vực Tứ Xuyên đã hứng chịu đợt mưa lớn nhất trong năm nay, thậm chí là mưa rất lớn đã xảy ra ở nhiều nơi trong hai ngày liên tiếp. Vào ngày 12/8, lượng nước đoạn đi qua Trùng Khánh của sông Dương Tử, sông Gia Lăng, sông Phúc Kiến và các nhánh sông khác bắt đầu tăng đáng kể.
Dự báo mới nhất từ Cục Thủy văn thượng nguồn sông Dương Tử cho thấy, trong hai ngày tới, đỉnh lũ trên các sông kể trên sẽ tiếp tục dâng lên, trong đó, mức nước tại trạm Tiểu Hà Bá trên sông Phù Giang sẽ vượt mực nước đảm bảo từ 1 đến 2m, trạm Từ Khí Khẩu trên sông Gia Lăng cũng sẽ vượt mực nước đảm bảo từ 1 mét, và nhánh sông Dương Tử đoạn qua Trùng Khánh có thể sẽ vượt quá mực nước đảm bảo 0,5 mét.
Cục Kiểm soát Nguồn nước Trùng Khánh chỉ ra rằng “Trận lũ lụt số 1 trên sông Gia Lăng vào năm 2020” đã hình thành tại Phù Giang, một phụ lưu của sông Gia Lăng và trận lũ số 4 trên sông Dương Tử sẽ sớm hình thành. Hồ chứa Tam Hiệp sẽ đạt đỉnh lũ với sức nước đầu vào hơn 55.000 mét khối / giây vào ngày 14/8.
Để đối phó với đợt đỉnh lũ này, Trùng Khánh đã ban hành cảnh báo sớm lũ sông cấp hai và bắt đầu ứng phó khẩn cấp cấp hai để phòng chống lũ lụt.
Lượng mưa ở thượng nguồn sông Dương Tử vẫn chưa dừng lại, Cục Khí tượng Trung Quốc cho biết, khu vực mưa chính vào cuối tháng 8 vẫn nằm ở phía đông khu vực Tây Bắc, Hoa Bắc, Hoàng Hoài, Đông Bắc Hoa Nam, lưu vực Tứ Xuyên và Vân Nam.
Từ tháng 6 năm nay, mưa lớn ở miền nam và miền trung Trung Quốc đã gây ra 12 trận lũ ở các nhánh sông lớn của Dương Tử, sông Hoàng Hà, sông Hoài, sông Châu Giang và Thái Hồ. Đập Tam Hiệp có ba đỉnh lũ với sức nước 50.000 mét khối mỗi giây ở trung và hạ lưu sông Dương Tử. Các khu vực hồ Động Định và hồ Bà Dương có mức nước đã vượt quá mức báo động trong thời gian lâu nhất lịch sử – 42 ngày. Báo động lũ quá mức xảy ra trên 634 con sông trên toàn Trung Quốc.
Các dự án kiểm soát lũ trên lưu vực sông Dương Tử và sông Hoài đã phải đối mặt với 5.237 nguy hiểm, chủ yếu ở các sông nhánh và đê.
Bên cạnh tình trạng lũ mạnh trên lưu vực sông Dương Tử, lưu lượng các trạm thủy văn chính ở khu vực đầu nguồn sông Hoàng Hà tiếp tục gia tăng do ảnh hưởng của đợt mưa liên tục vừa qua.
Theo Ủy ban Bảo tồn sông Hoàng Hà thuộc Bộ Tài nguyên nước, lúc 7 giờ ngày 11/8, đỉnh lũ 2.500 mét khối / giây đã xuất hiện tại Trạm thủy văn Đường Nãi Hợi trên thượng nguồn sông Hoàng Hà, là trận lũ thứ 4 của sông Hoàng Hà vào năm 2020. Ủy ban Bảo tồn sông Hoàng Hà đã đưa ra cảnh báo sớm màu xanh lam về tình trạng lũ lụt ở thượng nguồn sông và từ 8 giờ ngày 11, Ủy ban này đã bắt đầu ứng phó khẩn cấp cấp độ 4 để phòng chống thiên tai lũ lụt ở thượng nguồn sông Hoàng Hà.
Bộ phận phòng chống lũ lụt thuộc Ủy ban Kiểm soát nguồn nước sông Hoàng Hà nhấn mạnh, thời kỳ kiểm soát lũ “7 hạ 8 thượng” (ý nói rất hoang mang, bối rối) hiện đang ở giai đoạn căng thẳng, theo dự báo, dòng chảy thượng nguồn sông Hoàng Hà sẽ tiếp tục tăng.
Theo Epoch Times
Phụng Minh biên dịch
Rồng Trung Hoa’ kỳ dị ở Bắc Kinh,
báo hiệu lòng dân
Phụng Minh
Dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng ở Bắc Kinh người ta vẫn thấy một hàng người dài túc trực hàng ngày trước Cục Văn thư Quốc gia Trung Quốc.
Nhà hoạt động nhân quyền Thái Vệ Quốc cũng đã ở Bắc Kinh hơn một tháng nay, ngày nào cũng chứng kiến một đội “rồng” đặc sắc Trung Quốc gồm toàn dân oan xếp hàng kéo dài, không khỏi nghĩ đến chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình suốt 8 năm qua.
Những người khiếu kiện bị xâm phạm quyền lợi không được giải quyết ngày càng dài, vì vậy ông Thái bắt đầu truyền đi thông điệp yêu cầu các nước phương Tây đóng băng tài sản của các quan chức tham nhũng Trung Quốc ở nước ngoài.
8 năm “đả hổ diệt ruồi”, dân oan vẫn ngày càng đông
Kênh tin tức “Người bảo vệ nhân quyền” (Duy quyền võng) cho biết vào đầu những năm 1990, Thái Vệ Quốc, một công dân của Hà Bắc, đã thành lập một nhà máy luyện kim loại màu tại quê hương của mình. Từ năm 1992 đến 1994, ông Thái đã đến thành phố Phụ Tân, tỉnh Liêu Ninh để thu mua kim loại phế liệu. Trước sau đã bị công an thành phố Phụ Tân tống tiền liên tục 3 lần, dẫn đến việc doanh nghiệp tư nhân do Thái Vệ Quốc đầu tư phải đóng cửa, thậm chí còn nợ nước ngoài số tiền lớn.
Trải qua nhiều năm đấu tranh bảo vệ quyền lợi nhọc nhằn của ông Thái, cuối cùng, cảnh sát Phụ Tân ở Liêu Ninh đã đề xuất dùng biện pháp “giải cứu khó khăn” để bồi thường cho Thái Vệ Quốc với lý do vụ việc không thể xác minh trong thời gian dài.
Năm 1999, ông đến Tân Cương bán vải bông đóng gói. Năm 2001, ông Thái lại một lần nữa mất trắng vì công an, ông buộc phải đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện vào tháng 9/2005 .
Lần này, ông gặp được Lý Nguyên, một cảnh sát có lương tâm (lúc đó là Phó bí thư Cục Kiểm tra Kỷ luật Công an quận Kashgar), giúp đưa vụ án đi đúng hướng, đồng thời bắt giữ những người liên quan đến vụ án. Ông Thái thu lại được một phần tài sản nhưng thiệt hại trực tiếp còn lâu mới thu hồi được, còn thiệt hại về kinh tế do 18 năm bảo vệ quyền lợi của ông thì không ai nói đến.
Mặc dù đã 40 năm kể từ khi cải cách và mở cửa, Thái Vệ Quốc tóc trắng, tay trắng do sống trong môi trường thiếu pháp quyền, nhưng ông cũng có ý thức làm chủ đất nước và dần biến thành một người quan tâm đến những điều nhỏ nhặt xung quanh mình. Một công dân bảo vệ quyền lợi, người có thể suy nghĩ về việc kiến thiết quốc gia đồng thời với duy trì quyền công dân.
Một số người dân khiếu kiện ở Bắc Kinh đã mỉa mai rằng trong 8 năm chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ trong thời kỳ mới của Tập Cận Bình, mặc dù nhiều quan chức tham nhũng đã bị bắt, nhưng có một hiện tượng lạ đã xuất hiện khi số lượng người dân đi khiếu kiện lại ngày càng nhiều.
Theo một đoạn video gần đây trên Twitter, hàng người khiếu kiện trước Văn phòng Quốc gia về Văn thư và Cuộc gọi hàng ngày vẫn đang khắc họa một “con Rồng Trung Quốc” kỳ dị.
Cư dân mạng Twitter “Feng Xiaobin” (Phùng Hiếu Bân) cũng đưa ra ảnh chụp màn hình QQ về đơn khiếu nại trực tuyến tới Cục Thư tín và Cuộc gọi Nhà nước vào ngày 6/8 và nói: “Từ 8h30 đến 10h35, tôi gọi cho bốn người do Cục Điện lực (công ty cung cấp điện hiện tại) cung cấp. Chuông đổ hơn 20 lần mà đầu dây bên kia không trả lời”. Cùng với đó là tiêu đề: Tập đoàn dối trá, lưu manh, vô lại, tà ác tụ hợp thành cơ quan quản lý của chính phủ.
Người dùng Twitter tên “Nạn nhân Thượng Hải” hôm 13/8 nói: “Nếu Trung Quốc có một hệ thống luật pháp, thì liệu có nhiều án oán mỗi năm như vậy không? Có bao nhiêu người như vậy đang khiếu kiện trước cổng Cục Văn thư và Cuộc gọi Quốc gia?”
Người dùng tên “红岭创投周世平大骗子—诈骗180亿,GCD不管” đã liên tục đăng tải trong nhiều ngày và nhấn mạnh, “Xin hãy giúp chúng tôi, P2P Hongling Venture Capital Zhou Shiping ở Thâm Quyến lừa 100.000 người cho vay 18 tỷ, hối lộ tất cả các quan chức của chính quyền thành phố Thâm Quyến của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng đã mua tất cả các quan chức của Sở Công an Thâm Quyến của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cảnh sát không lập hồ sơ và chính quyền đã bỏ qua họ và cử cảnh sát đến giam giữ những người thỉnh nguyện. Mọi người đang tuyệt vọng!”
Số lượng người dân khiếu kiện đông đảo, tình trạng ngăn cản liên tục diễn ra cũng gây sốc.
Ngăn chặn dân kêu oan từ nhà ga
Phóng viên công dân Leiting cho biết, “Cục Thư tín và Cuộc gọi Quốc gia Bắc Kinh đã chật kín người xếp hàng từ lúc 7 giờ sáng ngày 12/8/2020 và số lượng người xếp hàng đã tăng lên không hề giảm trong vài ngày qua”; “Vào ngày 10/8, 110 người từ Cục Đường sắt Cáp Nhĩ Tân đã đến Cục Thư tín và Cuộc gọi Quốc gia và bị đưa đi bằng xe buýt đến Trung tâm Dịch vụ Cứu trợ Cửu Kính Trang”.
Người dùng mạng tên “Phi đắc canh cao” vào ngày 10/8 cho biết, “cảnh sát Bắc Kinh được lệnh xua đuổi dân kêu oan, nhìn thấy họ là liền đuổi đi! 5h sáng ngày 10/8/2020, trời còn chưa sáng, hai người nói giọng Đông Bắc đi kêu oan vừa xuống xe lửa, ở bến xe số 17 chờ chuyến đến Cục Văn thư và Cuộc gọi quốc gia đăng ký thì bị lực lượng tuần tra Bắc Kinh chặn lại, tịch thu chứng minh thư và tài liệu kêu oan, hai người bị đưa đến Trung tâm Dịch vụ Cứu trợ Cửu Kính Trang (thực chất là một nhà giam chìm). Thật tai quái khi đi gửi thư và kêu oan cũng bị ngăn trở!”
Người dùng tên “Vương Thân Hồng” ngày 10/8 cũng viết: “cảnh sát Bắc Kinh chặn người đi khiếu kiện, người trong cuộc nói hiện tại cảnh sát đã thu giữ chứng minh thư và tài liệu khiếu kiện của họ, nếu không cho người dân đi kêu oan thì sao không đem đóng cửa cái cục đó đi?”
Phóng viên “Leiting” đã phát hành một đoạn video vào ngày 14/8, nói rằng “nhân viên bảo đảm ổn định ở Phủ Thuận, Liêu Ninh, đã chặn trái phép một nữ dân oan ở cổng nhà ga và ngăn cô ấy đi qua cửa soát vé khi cô ấy có vé”.
Mặc dù việc chính thức ngăn chặn người dân khiếu kiện vẫn tiếp tục, nhưng hàng người khiếu kiện vẫn liên tục kéo dài. Vì vậy, người bạn dùng mạng tên “Herb” đã nhấn mạnh vào ngày 6/8 rằng “viên quản giáo chạy tới gẫy chân. Ngày 3/8, vẫn còn một hàng dài ở cổng Cục Thư từ và Cuộc gọi Quốc gia”.
Nhiều dòng tweet cũng bày tỏ sự phản ứng trước hiện tượng “con rồng Trung Quốc” độc đáo trưng bày trước Cục Văn thư và Cuộc gọi Quốc gia: “… Nếu bạn đến cổng trụ sở chính quyền thành phố hoặc Cục Văn thư và Cuộc gọi quốc gia mỗi ngày, bạn sẽ ngạc nhiên nếu nhìn ra cửa … Tôi có một người bạn từ Kim Hoa sống gần tòa thị chính, ngày nào cũng bị dân oan chặn đường, đau đớn và cuối cùng buộc phải chuyển đi … “.
“Những cán bộ đó đùm bọc lẫn nhau, gánh vác trách nhiệm duy trì sự ổn định”; “Các cơ quan và tổ chức của chính phủ Trung Quốc thậm chí cả những người bảo vệ cửa cũng không sạch sẽ. Văn phòng thỉnh nguyện chỉ là một trò đùa”; “Hãy đến Cục Thư tín và Cuộc gọi Bắc Kinh và cẩn thận để không biến mất như những người thỉnh nguyện”.
Phóng viên “Leiting” nhấn mạnh hiện tượng này vào ngày 6/8: “Vào ngày 6/8, người thỉnh nguyện ở Trùng Khánh này đã mất liên lạc sau khi hét lên ‘Từ bỏ Đảng Cộng sản’ tại Cục Thư tín và Cuộc gọi Quốc gia”.
Ngoài ra, nhiều người khiếu kiện đã gặp phải sự ức hiếp và quyền kiến nghị của họ bị vi phạm.
Vào ngày 13/8, tài khoản Weibo “Petitioners” đã lên tiếng chỉ trích: “Quách Cẩm Điền, trưởng phòng khiếu nại huyện Quế Đông, tỉnh Hồ Nam, có khuôn mặt và trái tim sắt đá, đã lạm dụng quyền lực để xâm phạm quyền của người dân khiếu kiện. Hắn phồng mang trợn má, trừng mắt, đập bàn, đe dọa và uy hiếp người khiếu kiện, hãm hại hợp pháp bách tính đi khiếu kiện, giả mạo nội dung, chữ ký của đơn thỉnh nguyện, trả lời sai, bắt nạt, đàn áp người dân, toàn tâm toàn ý đáp áp người kêu oan”.
Theo Lu Yixin, Secretchina
Phụng Minh biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/rong-trung-hoa-ky-di-o-bac-kinh-bao-hieu-long-dan.html
Nguy hiểm từ quỹ an sinh xã hội
‘không đáy’ của Trung Quốc
Phụng Minh
6 trong 8 quỹ phụ của an sinh xã hội Trung Quốc đã thâm hụt lớn, thu ngân sách có chiều hướng giảm.
Mới đây tác giả có bút danh “Manzouyoungsi” có bài phân tích trên Secretchina. Tác giả cho biết, theo dõi tổng thu nhập và chi tiêu của quỹ an sinh xã hội là hành động thường xuyên của tác giả. Bảng số liệu được đưa ra dưới đây là quyết toán tài chính quỹ an sinh xã hội do Bộ Tài chính Trung Quốc ban hành.
Cách đọc bảng sau như sau: Đường cán cân thu chi được sơn màu xanh lá cây, cho thấy là các quỹ phụ trong đó đã ở trạng thái thâm hụt và cần dựa vào tài chính quốc gia để bù đắp.
Thâm hụt mở rộng
Quỹ An sinh Xã hội Trung Quốc có 8 quỹ phụ chính, 6 trong số đó đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán thu nhập nghiêm trọng và phải dựa vào tài chính nhà nước để trợ cấp. Trong số đó, quỹ phụ bảo hiểm hưu trí của các cơ quan, tổ chức chính phủ chỉ mới chính thức được thành lập vào năm 2018. Năm đó, có khoản thâm hụt là 337,5 tỷ nhân dân tệ, đến năm 2019, khoảng chênh lệch này được nới rộng lên tới 452,1 tỷ.
Nhìn vào từng khoản mục, trong 8 quỹ phụ, chênh lệch thu chi của bảo hiểm y tế cơ bản cho người dân là lớn nhất, đã thâm hụt 549,8 tỷ vào năm 2019, tăng 15,0% so với 478,2 tỷ năm 2018. Lưu ý rằng khoản chênh lệch này đòi hỏi phải có trợ cấp từ nguồn tài chính của chính quyền địa phương, nhưng chính quyền địa phương hiện nay nói chung là quá nghèo để mở rộng quy mô quỹ, và họ thực sự không đủ khả năng để trợ cấp.
Năm 2019, doanh thu tài chính công của chính quyền địa phương là 10,11 nghìn tỷ nhân dân tệ và từng xu đã được sử dụng từ lâu. Chi phí cầu đường tốn kém, phải hỗ trợ gia đình công chức, giáo dục dân sinh… tất cả đều lấy từ chi tiêu tài chính của địa phương. Mà giờ đây người dân chỉ cần chi 5,4% cho việc chữa bệnh, chính quyền địa phương không kham nổi. Vì lý do này, nhiều sở y tế đã đưa ra các điều kiện hạn chế nghiêm ngặt đối với khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, khi kê đơn thuốc, bác sĩ sẽ đề nghị
một số lượng lớn thuốc mà bảo hiểm y tế không được thanh toán, việc sử dụng trang thiết bị phẫu thuật cũng bị hạn chế nghiêm ngặt. Trang thiết bị nhập khẩu về cơ bản không cho phép dùng với bệnh nhân khám bảo hiểm.
Chênh lệch thu chi lớn thứ hai là bảo hiểm hưu trí cơ bản cho người lao động, năm 2019, chênh lệch thu chi (thâm hụt) đạt 471,1 tỷ nhân dân tệ, tăng 128,7% so với mức 206 tỷ năm 2018. Sự gia tăng này là rất đáng sợ.
Ngoài ra, điều đáng nói là quỹ bảo hiểm thất nghiệp của Trung Quốc rơi vào tình trạng thâm hụt vào năm 2019. Thâm hụt trong năm 2019 đạt 22,4 tỷ, trong khi năm 2018 thặng dư 10 tỷ tiền bảo hiểm thất nghiệp. Thủ tục hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp rất rắc rối, rất ít người đáp ứng được yêu cầu nên mục này đã không được duy trì.
Do quy mô thâm hụt của các quỹ phụ ngày càng tăng nên về tổng thể, thâm hụt của Quỹ An sinh xã hội của Trung Quốc năm 2019 là 1.465,8 tỷ nhân dân tệ, tăng 49,0% so với 983,6 tỷ năm 2018. Mức tăng này rất lớn, có thể nói là gây sốc. Những gì tác giả muốn đưa ra dưới đây là số liệu cụ thể về trợ cấp của quỹ an sinh xã hội từ tài chính của Trung Quốc trong năm 2018 và 2019.
Thu nhập không đảm bảo cho chi tiêu, quỹ chỉ tài trợ được tối đa 8 năm
Nguồn số liệu trong bảng trên là báo cáo quyết toán tài khóa quốc gia do Bộ Tài chính ban hành qua các năm, lý do số liệu bắt đầu từ năm 2018 là do báo cáo tài khóa trước không đưa ra số liệu cụ thể (xem báo cáo tổng kết tài khóa 2019 tại địa chỉ đây). Trong năm 2018, Chính phủ đã tài trợ 1.765,5 tỷ nhân dân tệ cho Quỹ An sinh xã hội và trợ cấp 1.910,3 tỷ vào năm 2019. Lưu ý, tác giả nhấn mạnh lại ở đây là khoản trợ cấp này chủ yếu là trợ cấp do chính quyền địa phương cấp, an sinh xã hội là trách nhiệm của chính quyền địa phương chứ không phải trung ương. Lấy ví dụ năm 2019, khoản trợ cấp là 1.9103 tỷ, trong đó chính quyền địa phương chi 1.873,4 tỷ, chiếm 98,1%.
Và nếu trừ trợ cấp tài chính, và chỉ dựa vào thu nhập bảo hiểm và thu nhập từ đầu tư quỹ an sinh xã hội để chi cho an sinh xã hội thì năm 2018 quỹ an sinh xã hội thâm hụt 728,9 tỷ Nhân dân tệ và năm 2019 thâm hụt 1.200,1 tỷ. Quy mô thâm hụt vào năm 2020 có lẽ sẽ tiếp tục tăng, nhưng tác giả giả định rằng nó sẽ được duy trì ở quy mô của năm 2019. Tính theo thang điểm này, nếu tài chính địa phương ngừng cấp bù cho quỹ an sinh xã hội, thì quỹ an sinh xã hội với 964,5 tỷ hiện có, chỉ kéo dài được 8 năm thì sẽ tiêu hết.
Dựa trên thảo luận ở trên, chắc chắn chúng ta đã hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của việc duy trì sức sống tài khóa của chính quyền địa phương. Năm 2019, trợ cấp tài chính địa phương cho bảo hiểm y tế đã chi 1.873,4 tỷ nhân dân tệ, trong khi doanh thu tài khóa công của địa phương năm 2019 chỉ là 10,11 nghìn tỷ nhân dân tệ, có nghĩa là 18,5% doanh thu tài chính của chính quyền địa phương được sử dụng để bù đắp thâm hụt an sinh xã hội. Tác giả thực sự không biết tài chính địa phương đã vắt số tiền này từ đâu. Loại điều động tài chính này thực sự quá mạnh mẽ.
Điều đặc biệt quan trọng cần lưu ý ở đây là việc kỳ vọng thu nhập đầu tư của Quỹ An sinh Xã hội để bù đắp khoản thiếu hụt là không thực tế. Tỷ suất sinh lời đầu tư quỹ an sinh xã hội năm 2018 và 2019 chỉ đạt 2,85%.
Điều rắc rối hơn là mức thu ngân sách địa phương sẽ giảm mạnh vào năm 2020, và thu ngân sách địa phương trong nửa đầu năm đã giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh này, cá nhân tác giả thực sự lo lắng về việc liệu chính quyền địa phương có đủ khả năng trợ cấp cho quỹ an sinh xã hội không đáy không.
Theo Secretchina
Phụng Minh biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/nguy-hiem-tu-quy-an-sinh-xa-hoi-khong-day-cua-trung-quoc.html
Tập Cận Bình
bị tướng lĩnh cấp cao trong quân đội lên án
Vũ Dương
Thêm vào đó sức chiến đấu của quân đội Trung Quốc được tiết lộ, thực sự chỉ là “hổ giấy”, quân sĩ là con một, quân đội là môi trường kiếm tiền và chủ yếu để đàn áp dân, khả năng điều động quân không linh hoạt…
Chính quyền Trung Quốc che giấu tình hình dịch bệnh khiến dịch bệnh lan rộng khắp thế giới, gây nên thiệt hại to lớn về kinh tế và tính mạng con người. Đối mặt với làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dùng đến hình thức ngoại giao sói chiến vu oan giá họa cho các nước, gây hấn khắp nơi, xung đột biên giới với Ấn Độ, cưỡng chế áp đặt “Luật An ninh Quốc gia”
lên Hồng Kông, bành trướng trên biển Đông, khiến cộng đồng quốc tế quay lưng và hình thành mặt trận liên minh chống ĐCSTQ, dẫn đầu là Hoa Kỳ, áp đặt lệnh trừng phạt lên các quan chức và đảng viên ĐCSTQ, khiến quan trường ĐCSTQ không khỏi hoang mang.
Mới đây, có phương tiện truyền thông Úc nói rằng ông Tập Cận Bình đã bị các tướng lĩnh quan trọng trong quân đội ĐCSTQ khiển trách, lên án “sách lược sói chiến” của ông đã phá tan cơ hội “thống trị thế giới”.
Càng “sói chiến” càng bị tẩy chay
Trong một bài viết có tiêu đề “Sách lược sói chiến của Tập Cận Bình vấp phải sự đả kích” của phóng viên Jamie Seidel thuộc hãng truyền thông Úc News.com.au, đề cập rằng, giống như tất cả lãnh đạo độc tài khi vùng vẫy trong nguy cơ tứ bề, ông Tập Cận Bình hiện phải đối mặt với nhiều rắc rối cả trong lẫn ngoài. Trong nước thảm họa như nạn châu chấu, lũ lụt, đói kém và dịch bệnh… liên tiếp xuất hiện. Trên trường quốc tế, những quốc gia mà ĐCSTQ duy trì mối quan hệ thông qua thủ đoạn thương mại trong quá khứ giờ không còn là bạn nữa.
Bài viết nói rằng Liên minh Ngũ Nhãn bao gồm Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc, Canada và New Zealand, cho đến các nước châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan… trước các mối đe dọa và uy hiếp to lớn của ĐCSTQ, trái lại lập trường của họ càng trở nên vững vàng hơn. Đây thật sự là một điều xấu hổ đối với ông Tập Cận Bình.
Chính phủ Úc cũng không sợ các mối đe dọa từ phía ĐCSTQ, mà vẫn đang tuân thủ lập trường của luật pháp quốc tế liên quan đến các vấn đề trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Malaysia đã thường xuyên đưa ra các phản đối chính thức chống lại sự xâm lược thường xuyên của ĐCSTQ trong lĩnh vực kinh tế và can nhiễu của ĐCSTQ trong các hoạt động thương mại ở biển Đông. Các nước láng giềng nhỏ xung quanh như Việt Nam, Brunei, Philippines và Indonesia cũng đã lên tiếng phản đối chính sách bành trướng ĐCSTQ trên biển Đông.
Ngay cả với một quốc gia nhỏ bé như Somalia cũng như vậy, Tần Kiện – đại sứ của ĐCSTQ tại Somalia, gần đây đã cố gắng sử dụng “sách lược sói chiến” đối với Tổng thống của nước này, kết quả đã bị chính phủ nước này ban hành “lệnh trục xuất”. Chính phủ Somalia thậm chí đã bắt đầu tiến hành tiếp xúc ngoại giao với Đài Loan.
Nội bộ cũng giăng mắc tứ bề
Bài viết cũng chỉ ra rằng Tập Cận Bình đang chịu nhận sự phản đối cả ở trong nước, hơn nữa đều là từ những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn với xã hội, gồm cả các tướng lĩnh trong quân đội.
Bài viết điểm danh hai tướng lĩnh cấp cao trong quân đội ĐCSTQ phản đối ông Tập: thiếu tướng nghỉ hưu Kiều Lương và đại tá không quân đương nhiệm Đới Húc.
Kiều Lương là tướng diều hâu nổi tiếng trong quân đội ĐCSTQ, ông đã xuất bản cuốn sách “Chiến tranh không giới hạn” vào năm 1999. Nhưng hiện tại, ông đứng ra phản đối khẩu hiệu phải giải quyết Đài Loan bằng vũ lực của ông Tập Cận Bình.
Ông Kiều Lương cho rằng Bắc Kinh không nên coi đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán là cơ hội để thu phục Đài Loan bằng vũ lực, bởi điều đó cần phải huy động mọi nguồn tài nguyên và lực lượng, cái giá phải trả thật sự rất đắt, hơn nữa đó cũng không phải việc khẩn cấp trước mắt, mà cần tập trung vào việc chấn hưng dân tộc.
Ông cũng cho rằng vấn đề Đài Loan trên bản chất là vấn đề Trung-Mỹ, cũng chính là một cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ. Cho đến khi Trung Quốc và Hoa Kỳ “vật tay” còn chưa phân thắng bại, vấn đề Đài Loan không thể giải quyết.
Ngoài ra, trong bài viết có tựa đề “Bốn điều không thể ngờ và mười nhận thức mới về Hoa Kỳ” của ông Đới Húc – giáo sư trường đại học Quốc phòng ĐCSTQ nhận định rằng Hoa Kỳ không phải là “con hổ giấy” mà là “hổ thật sự”, thời khắc then chốt có thể mạng chẳng còn, và cảnh cáo đừng trở thành “kẻ thù” của nước Mỹ, ĐCSTQ sẽ phải trả giá cho “chiến tranh lạnh Trung-Mỹ”.
Ông viết rằng, “Đừng mong đợi cuộc bầu cử của Hoa Kỳ sẽ thay đổi chiến lược quốc gia của họ. Chiến lược cốt lõi của Hoa Kỳ sẽ không thay đổi. Cần phải thừa nhận sự thật rằng Hoa Kỳ là “người anh cả” của cả thế giới. Nước Mỹ nắm giữ khoa học công nghệ cao, đừng cho rằng chúng ta chỉ đang đối đầu với Mỹ, nước Mỹ có liên minh chiến lược rất lớn. Nước Mỹ đại biểu cho một loại giá trị quan phổ quát của cả thế giới. Chỉ cần đế quốc Mỹ hễ có hành động, các nước khác trên thế giới đều sẽ sánh bước cùng Hoa Kỳ. Chúng ta cần phải lý trí, không được nóng vội, và cần đọ sức một cách khôn ngoan”.
Tuy nhiên, bài viết này đã bị chính ông Đới phủ nhận. Có điều các bài viết liên quan được lan truyền trên Internet ở Trung Quốc đại lục được cho rằng đã cất lên tiếng nói trong quân đội và nội bộ ĐCSTQ.
Michael Pillsbury, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề Trung Quốc tại Học viện Hudson, cũng cho biết gần đây ông đã nghe thông tin từ quân đội Trung Quốc, rằng “họ chưa sẵn sàng đối đầu với quân đội Mỹ. Do vậy, ông Tập Cận Bình thực sự phải hứng chịu sự bất mãn và chỉ trích nặng nề”.
Lòng quân hỗn loạn, hoàn toàn không có sức chiến đấu
Trong cuộc phỏng vấn với Đài tiếng nói Hoa Kỳ, ông Diêu Thành, cựu trung tá của Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, hiện đang cư trú tại Mỹ, tiết lộ rằng quân đội ĐCSTQ không phải tất cả đều một lòng một dạ với ông Tập. Hiện tại chính trị ĐCSTQ đã trong hỗn loạn, các sĩ quan cao cấp trong quân đội ĐCSTQ đứng ngồi không yên, tất cả đều đang dõi theo tình hình.
Ông Diêu nhấn mạnh rằng quân nhân ĐCSTQ hoàn toàn không muốn ra chiến trường, vấn đề nội bộ rất nghiêm trọng. Bởi chính sách một con của ĐCSTQ, hầu hết các quân nhân họ đều là con một, có rất nhiều quân nhân đã đào ngũ, căn bản là không có năng lực để khai chiến.
Vương Trung Nghĩa, chủ tịch Liên đoàn Tự do Thanh niên Thế giới, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông hải ngoại vào tháng trước đã bày tỏ rằng ĐCSTQ chỉ là một con hổ giấy và nó không thể tham dự bất kỳ một trận chiến nào.
Ông Vương nói rằng mục đích cơ bản của việc thiết lập quân đội ĐCSTQ là để trấn áp người dân, kiểm soát người dân Trung Quốc, chứ không phải làm thế nào để giành thắng lợi trong chiến tranh. Vì vậy, tất cả việc thiết lập và hoạt động của quân đội ĐCSTQ là áp dụng các loại quản lý tách rời khác nhau trong quân đội, chẳng hạn như phân chia kiểu quan trên cũng vậy, tách biệt giữa lực lượng hậu cần và lực lượng chiến đấu cũng vậy, tất cả đều là quản lý chéo. Hơn nữa, vì để ngăn chặn quân đội tạo phản, sĩ quan trong quân đội thường xuyên được điều động khắp nơi, không bao giờ để một sĩ quan ở im một chỗ trong thời gian dài, hơn nữa nhất định phải tìm ra các loại vấn đề để tạo sự xung đột khi ở cùng nhau giữa các nhân viên.
Ông Vương Trung Nghĩa cho rằng việc chấn chỉnh quân đội sau khi ông Tập Cận Bình lên nhậm chức vốn không giải quyết được các vấn đề tham nhũng. Vẫn còn nhiều hiện tượng tham nhũng giật gân trong quân đội ĐCSTQ. Chỉ cần hệ thống có thể nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ, tất cả đều có thể kiếm tiền. Trong quân đội ĐCSTQ có thể kiếm tiền về mọi mặt, vậy nên sau khi thu hẹp lại rồi, quân đội càng không có sức chiến đấu.
Ông Vương nói thêm rằng tất cả các đơn vị chiến đấu, bộ đội chiến đấu của ĐCSTQ đều không có hệ thống hậu cần riêng, muốn di chuyển đến đâu đều cần mệnh lệnh của quân ủy. Quân ủy không có mệnh lệnh, tư lệnh của quân khu đó không thể điều động được bất kỳ một đơn vị nào. Muốn đơn vị nào hành động thì phải đi lên hàng đầu, tầng cao nhất đưa ra quyết định. Còn bên dưới thì giống như bộ phận quản lý hậu cần, quản lý các khâu mà quân đội cần, gồm cả các đơn vị tác chiến. Tất cả đều đang mua bán, đều đang bận rộn với việc kiếm tiền.
Ông Sebastian Gorka, ủy viên của Chương trình Giáo dục An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSEP), cũng nói trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài ngày rằng ĐCSTQ là một con hổ giấy. Nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc thật sự khai chiến, quân đội ĐCSTQ sẽ thảm bại chỉ trong chốc lát, bản thân ĐCSTQ cũng biết rõ điểm này.
Theo Yuan Ming Qing, SOH
Vũ Dương biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/tap-can-binh-bi-tuong-linh-cap-cao-trong-quan-doi-len-an.html
Xung đột Tập – Lý ngày càng gia tăng,
hội nghị Bắc Đới Hà năm nay có gì khác thường?
Vũ Dương
Trong bối cảnh ĐCSTQ nguy cơ tứ bề, thế lớn đã qua đi, rất có thể Lý Khắc Cường và các nguyên lão vẫy vùng kháng Tập vì không muốn làm con dê thế tội cho ĐCSTQ.
Dưới nhiều áp lực nặng nề như dịch bệnh hoành hành, lũ lụt lan rộng, kinh tế lao dốc, ngoại giao thất bại, lực lượng công lý quốc tế bao vây tiêu diệt, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ sớm đã nguy cơ tứ bề, trong ngoài không yên. Mặc dù vậy, các cuộc đấu đá thanh trừng nội bộ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, trái lại ngày càng diễn biến ác liệt hơn.
Thời gian gần đây, mâu thuẫn giữa ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường ngày càng công khai và đã trở thành tâm điểm chú ý của các giới. Vào đầu tháng 8, như thường lệ là thời gian diễn ra hội nghị Bắc Đới Hà của giới lãnh đạo cao nhất ĐCSTQ. Kể từ ngày 1/8 trở đi đã không có bất kỳ báo cáo về những hoạt động công khai của 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trong khoảng thời gian một tuần.
Giới quan sát bên ngoài phỏng đoán rằng hội nghị Bắc Đới Hà có thể đã khai mạc. Trong thời gian này, các tin đồn chính trị khác nhau liên quan đến mâu thuẫn giữa 2 ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, cũng như việc các nguyên lão chính trị ép ông Tập thoái vị… càng thêm rợp trời dậy đất.
Nếu thế thì tại hội nghị Bắc Đới Hà lần này, liệu hai ông Tập – Lý có hoàn toàn lật bài ngửa hay không? Tất cả các phe phái nội bộ ĐCSTQ liệu có gây khó dễ cho ông Tập? Nếu không ngại, tác giả bài viết có thể đưa ra một số phân tích và suy đoán từ nguyên do và tính chất đấu đá quyền lực giữa hai ông Tập – Lý, cho đến cục diện chính trị hiện thời của ĐCSTQ.
Mâu thuẫn Tập – Lý: Băng dày ba thước không chỉ bởi cái lạnh một ngày
Tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18, hai ông Tập – Lý đều cùng lúc sánh vai nhau bước lên vũ đài chính trị cao nhất của ĐCSTQ, tiếp quản chính quyền bù nhìn từ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo vốn đã bị phe cánh của ông Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng kiểm soát gần như toàn bộ. Để tránh dẫm lên vết xe đổ của hai ông Hồ – Ôn, ông Tập Cận Bình dưới sự giúp đỡ của Vương Kỳ Sơn đã bắt đầu phát động chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” để lập uy, giành lại quyền lực về tay mình.
Những con hổ lớn bị bắt giữ bao gồm Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch, Lý Đông Sinh… tất cả đều là tay chân tâm phúc của “bè lũ nợ máu” Giang Trạch Dân – Tăng Khánh Hồng. Do thế lực của “bè lũ nợ máu” rắc rối khó gỡ, thủ đoạn tàn độc không có giới hạn, là mối đe dọa cho tất cả các phe phái trong ĐCSTQ, vậy nên trong quá trình bao vây tiêu diệt “bè lũ nợ máu”, ngoại giới từng cho rằng hai ông Tập – Lý sẽ hợp thành liên minh chính trị bền chắc cùng nhau “vào sinh ra tử”.
Tuy nhiên, sau khi ông Tập Cận Bình dần dần thu hết mọi quyền lực về tay mình, ngoại giới mới phát hiện ra rằng hai ông Tập – Lý không phải là người đi cùng một con đường, không chỉ xuất thân khác nhau, tư tưởng trái ngược, mà đến cả đường lối cũng hoàn toàn đối lập với nhau.
Ông Tập Cận Bình là thái tử đảng điển hình, đã đọc thuộc lòng những câu danh ngôn của Mao từ khi còn nhỏ, trong khi ông Lý Khắc Cường xuất thân là lao động chân tay ở nông thôn, là người đại biểu của dân. Nhìn qua trình độ học vấn của cả hai, sẽ nhận thấy rằng Tập đã học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và giáo dục tư tưởng chính trị trong thời gian theo học ở trường đại học Thanh Hoa, trong khi Lý theo ngành kinh tế học tại trường đại học Bắc Kinh. Sự khác biệt quá lớn về gia cảnh và nền tảng giáo dục đã trực tiếp dẫn đến việc cả hai hầu như không đạt được tiếng nói chung.
Đặc biệt là về chính sách kinh tế, ông Tập Cận Bình có khuynh hướng các doanh nghiệp phải nằm dưới sự quản lý của ĐCSTQ, yêu cầu “củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng đối với các doanh nghiệp nhà nước, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt chính trị của tổ chức đảng”; trong khi ông Lý Khắc Cường chủ trương kinh tế thị trường, đề xướng “phát huy mạnh tinh thần của nhà doanh nghiệp”, “đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy hình thành hệ thống doanh nghiệp hiện đại và cơ cấu quản lý pháp nhân một cách hoàn thiện”.
Ngay từ năm 2015, thời điểm làn sóng “đả hổ diệt ruồi” của lãnh đạo ĐCSTQ gần đến cao trào, ông Tập đã bắt đầu chỉ thị cho tâm phúc của mình là Lưu Hạc ngầm phê duyệt các chính sách kinh tế của ông Lý Khắc Cường. Vào tháng 4/2017, ông Tập Cận Bình gạt ông Lý Khắc Cường sang một bên, tự mình quyết định thành lập khu vực mới Hùng An, tỉnh Hà Bắc, và định nghĩa nó là “Kế hoạch lớn nghìn năm có một”.
Chia rẽ lớn hơn giữa Tập – Lý xảy ra vào cuối năm 2017, sau khi ông Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận với ông Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng trở thành người lãnh đạo “duy ngã độc tôn” và có được “phò tá” toàn lực của “người tri kỷ” Vương Hộ Ninh. Ông Tập bắt đầu khuynh tả nhiều hơn, ngày càng độc đoán hơn, trọng dụng Vương Hộ Ninh nhằm tăng cường kiểm soát tư tưởng và tuyên truyền tẩy não. Ông Tập càng tập trung quyền lực bằng cách thiết lập nhiều nhóm cải cách, dần dần tập trung quyền lực của các bộ phận khác nhau gồm cả Quốc vụ viện vào trong tay mình. Ông Tập cũng bắt đầu quản lý kinh tế, đặc biệt là bố trí thân tín của mình là Lưu Hạc làm phó Thủ tướng, gạt ông Lý Khắc Cường – người luôn có những chính sách thực tế, ra rìa thêm bước nữa.
Năm 2018, trong quá trình đàm phán thương mại Mỹ – Trung, ông Lý Khắc Cường vốn nên phụ trách các vấn đề về kinh tế đã bị gạt sang một bên, phó Thủ tướng Lưu Hạc phụ trách ra mặt đàm phán, ông Tập Cận Bình đưa ra quyết định. Do Vương Hộ Ninh, Hàn Chính và tàn dư của phe cánh họ Giang khuấy đảo cục diện đã khiến ông Tập đi sai nước cờ, Mỹ – Trung từ đàm phán thương mại dần dần chuyển sang chiến tranh thương mại. Hoa Kỳ áp dụng một loạt thuế quan nặng, vốn nước ngoài ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, xuất khẩu giảm mạnh, thất nghiệp gia tăng, chính phủ ĐCSTQ nợ nần chồng chất, điên cuồng in tiền mặt… Đến cuối năm 2019, nền kinh tế Trung Quốc dưới thời ĐCSTQ đã bước vào mùa đông lạnh giá.
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán khiến xung đột giữa Tập – Lý leo thang
Vào đầu năm mới của năm Canh Tý, việc ĐCSTQ che giấu tình hình dịch bệnh đã khiến dịch bệnh từ thành phố Vũ Hán lây lan khắp thế giới, cả thế giới bị dịch bệnh tàn phá. Vào thời đầu khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, ông Lý Khắc Cường đã đến tâm dịch Vũ Hán làm Tổng chỉ huy và hướng dẫn công tác chống dịch, nhưng thực tế hiếm thấy tờ báo nào đăng. Ngược lại phía chính phủ không ngừng nhấn mạnh ông Tập Cận Bình đã “đích thân chỉ huy, đích thân bố trí” công tác phòng chống dịch bệnh. Vào thời điểm đó, đã có những bình luận từ ngoại giới nói rằng ông Lý Khắc Cường bị cho ra ngoài rìa trong việc lãnh đạo cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Ngoại giới từ sớm đã đã nhận thấy rằng xung đột giữa Tập và Lý sớm muộn gì cũng sẽ công khai.
Ông Tập Cận Bình nóng lòng muốn thực hiện xã hội sung túc một cách toàn diện vào năm Canh Tý, để ông có thể sử dụng điều này như một con bài mặc cả để tiếp tục trở thành người lãnh đạo “duy ngã độc tôn” trong Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20. Có thông tin cho rằng chính Vương Hộ Ninh là người đã vẽ ra “Giấc mộng Trung Hoa” và “Xã hội sung túc toàn diện” cho ông Tập.
Tuy nhiên, ngay khi Vương Hộ Ninh kiểm soát bộ máy tuyên truyền thay ông Tập Cận Bình tấu lên giai điệu “Người dân trên khắp cả nước đã có được cuộc sống ấm no đầy đủ”, ông Lý Khắc Cường ngay trong cuộc họp báo vào ngày bế mạc “Lưỡng hội” năm nay đã công khai vạch trần một góc của thực trạng kinh tế Trung Quốc: “Trung Quốc có đến 600 triệu người thu nhập hàng tháng chỉ tầm 1.000 Nhân dân tệ (tương đương khoảng 3,2 triệu VNĐ). Với 1.000 NDT đó mà nói, việc thuê trọ tại một thành phố cỡ trung bình còn khó khăn, hơn nữa hiện còn đang trong mùa dịch”. Để thúc đẩy sinh kế và việc làm của người dân, ông Lý Khắc Cường đã bắt đầu ra sức thúc đẩy “nền kinh tế vỉa hè”.
Những tiết lộ chấn động của ông Lý Khắc Cường không chỉ khiến ông Tập Cận Bình phải đau đầu, mà cũng khiến cho “tính hợp pháp” của ĐCSTQ trở nên tồi tệ hơn. Trong khi giáng cú tát vào mặt ĐCSTQ, mâu thuẫn giữa hai ông Tập – Lý đã hoàn toàn trở nên công khai.
Điều ngoại giới nhìn thấy là “nền kinh tế vỉa hè” chỉ như đóa phù dung sớm nở tối tàn, chưa đầy 10 ngày đã bị hạ nhiệt và bị buộc phải dừng hẳn lại. Trong quá trình này, ông Vương Hộ Ninh đã thao túng giới truyền thông chỉ trích nặng nề “nền kinh tế vỉa hè” và gọi nó là căn bệnh kinh niên. Ông Tập cũng đã đăng tải bài viết trên tạp chí “Cầu Thị” (Qiu Shi) – kênh truyền thông của ĐCSTQ, tuyên bố rằng về cơ bản ông đã thực hiện được một xã hội ấm no đầy đủ cho người dân, nhưng lại không có nhắc đến con số cụ thể.
Trong suốt thời gian miền Nam Trung Quốc liên tục đối mặt với mưa lũ, ông Tập Cận Bình chưa từng một lần đến các địa phương đang phải hứng chịu thảm họa để chỉ đạo công tác phòng chống lũ, thị sát tình hình, hoặc ít nhất gửi lời thăm hỏi người dân. Trái lại ông Lý Khắc Cường đã có một chuyến thị sát đến Quý Châu, nơi thảm họa không được xem là tồi tệ nhất. Trong khoảng thời gian ông Lý Khắc Cường thị sát tại Quý Châu, ngày 6/7 ông cho biết dọc đường đã trông thấy rất nhiều “nhà xưởng bỏ không”. Ông đốc thúc chính quyền địa phương sử dụng các nhà xưởng này để mở rộng sản xuất và nhấn mạnh rằng có thể “kêu gọi thêm anh chị em của những người lao động nhập cư của địa phương”.
Lời nói của ông Lý Khắc Cường vô tình lại nói lên sự thật, một lần nữa xác nhận rằng tình hình tái thiết kinh tế của Trung Quốc vốn không được như mong đợi, có không ít ngành công nghiệp sản xuất vẫn đang trong tình trạng dừng lại. Động thái này một lần nữa đã “dội gáo nước lạnh” vào luận điệu thoát nghèo toàn diện, xây dựng thành công xã hội thịnh vượng của ông Tập Cận Bình.
Ngày 15/7, tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương ĐCSTQ, ông Lý Khắc Cường đã ngầm lên án các chính sách “ném tiền qua cửa sổ” ra nước ngoài của ông Tập, ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn chỉ là nước đang phát triển, “làm việc gì nhất định phải biết tự lượng sức mà làm”, động thái này lần nữa được cho rằng đã bóc trần nội tình kinh tế Trung Quốc, không đồng điệu với “giấc mộng Trung Hoa” do Tập Cận Bình gắng sức tô vẽ.
Ngày 21/7, ông Tập Cận Bình một lần nữa gạt ông Lý Khắc Cường sang một bên và tự mình chủ trì hội tọa đàm với các nhà doanh nghiệp. Ba đại Thường ủy tháp tùng ông Tập trong cuộc họp đều không phải chuyên gia kinh tế: Ngoài Vương Hộ Ninh ra, hai người còn lại là Hàn Chính và Uông Dương đều là đối tượng bị Hoa Kỳ coi là mục tiêu chế tài. Tại hội tọa đàm, ông Tập đã đề xuất mô hình “kinh tế tuần hoàn trong nước”, một mô thức trá hình của việc bế quan tỏa cảng, và yêu cầu các doanh nhân phải “yêu nước” để có thể “tái sinh từ trong đống tro tàn”.
Sau đó, ông Lý Khắc Cường đã phản bác lại “tuần hoàn trong nước” của ông Tập: đóng kín cửa nhà để phát triển kinh tế là điều hoàn toàn không khả thi, chính sách mở cửa cũng giống như con người ta sống không thể thiếu không khí vậy, nếu không sẽ bị chết ngạt.
Việc ông Lý Khắc Cường liên tục bóc trần nội tình khiến ông Tập vô cùng bẽ mặt và tức giận, có thông tin cho rằng ông Tập trong các cuộc họp của đảng đã nhiều lần yêu cầu ông Lý phải “đặt ngay vị trí” của mình.
Ngày 31/7, xung đột giữa hai ông Tập – Lý đã bất ngờ xuất hiện tiết mục mới. Tại buổi lễ khánh thành Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) Beidou-3 hôm đó, Phó Thủ tướng Lưu Hạc – thân tín của ông Tập Cận Bình chủ trì buổi lễ đã công khai hạ nhục ông Lý Khắc Cường khiến dư luận ngoại giới dậy sóng. Trước đêm diễn ra hội nghị Bắc Đới Hà, mâu thuẫn giữa Tập – Lý đã lên đến một cao trào mới.
Có nguồn tin nói rằng những hoạt động liên tiếp gần đây của ông Lý Khắc Cường, cơ bản đã được nguyên lão ĐCSTQ mặc định chấp nhận. Cách làm của ông Lý Khắc Cường và ông Tập Cận Bình thường xuyên là trống đánh xuôi kèn thổi ngược, trong đảng có tiếng nói yêu cầu ông Lý Khắc Cường thay thế vị trí của ông Tập Cận Bình, chỉ lưu lại cho ông Tập chức vụ nguyên thủ quốc gia hữu danh vô thực, thậm chí nhường cả ghế Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Phân tích những tin đồn khác về hội nghị Bắc Đới Hà
Từ các loại tin đồn có thể thấy, ngoài việc đối mặt với thách thức từ ông Lý Khắc Cường ra, ông Tập còn phải đối mặt với các cuộc tấn công tập thể từ các phe phái khác trong ĐCSTQ.
Katsusuji Nakazawa, biên tập viên có thâm niên của trang Nihon Keizai Shimbun – một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản, gần đây đã tiết lộ rằng ĐCSTQ hiện đang trong thế tiến thoái lưỡng nan về mọi mặt, điều này cũng khiến các nguyên lão chính trị của ĐCSTQ muốn được nói chuyện với Tập Cận Bình.
Thậm chí có tin đồn rằng thư ký bên cạnh nguyên lão của ĐCSTQ gần đây tiếp xúc với mật sứ của Mỹ. Mật sứ của Mỹ không chỉ có một người, mà là một nhóm người lần lượt thay mặt chính phủ Mỹ, cùng thảo luận với nguyên lão ĐCSTQ về việc ông Tập Cận Bình đi hay ở lại, thậm chí cho rằng ông Tập cần phải rút khỏi vũ đài chính trị bằng các hình thức khác nhau trong thời gian ngắn.
Cũng tức là những nguyên lão này có cơ hội phát động một cuộc chính biến trong thời gian gần đây, thông qua cơ chế nội bộ ĐCSTQ để lôi ông Tập Cận Bình xuống, giống như ông Hoa Quốc Phong năm xưa. Năm đó, ông Hoa Quốc Phong bị nội bộ đảng phê bình đấu tố, từng người một bức ép ông ấy hạ đài.
Những tin đồn này có thể không phải xuất hiện một cách vô duyên vô cớ, bất kể các nguyên lão chính trị có thực sự đủ khả năng thách thức ông Tập vốn đã nắm trọn quyền lực trong tay hay không, ít nhất họ cũng đã tung tin ra thế giới bên ngoài để bày tỏ sự bất mãn trong tâm của mình. Tất nhiên, rất nhiều nguyên lão chính trị cũng là phần tử lợi ích, họ chưa chắc đã muốn chọc giận người lãnh đạo tối cao. Nhiều khả năng là những kẻ thù chính trị lâu năm có dã tâm khác của ông Tập đang ngầm triển khai hoạt động.
Bởi ĐCSTQ đã đi đến đường cùng mạt lộ trong bối cảnh trời giận người oán, đặc biệt là các phương sách “tăng tốc hủy diệt” khác nhau của ông Tập không chỉ khiến ĐCSTQ trở thành mục tiêu bao vây tiêu diệt của quốc tế, mà còn khiến giới quyền quý của ĐCSTQ phải mất ăn mất ngủ bởi các chính sách trừng phạt của liên minh quốc tế.
Trong số các nguyên lão chính trị của ĐCSTQ thử hỏi có ai không có cả khối tài sản khổng lồ ở nước ngoài? Theo ước tính sơ bộ của nhà bình luận các vấn đề thời sự chính trị Chương Thiên Lượng, tài sản của các quan chức ĐCSTQ chuyển ra nước ngoài tính sơ cũng phải lên tới 10 nghìn tỷ đô-la Mỹ!
Trong số các nguyên lão chính trị của ĐCSTQ, hỏi có ai không có người thân con cái di cư sang nước ngoài? Theo số liệu thống kê của cơ quan quyền uy bên trong chính quyền ĐCSTQ, tính đến cuối tháng 3/2012, trong số 204 Ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương khóa 17, thì có đến 187 người trong số họ có người nhà trực tiếp cư trú, sinh sống, làm việc tại các nước phương Tây như châu Âu và Hoa Kỳ, thậm chí đã nhập quốc tịch của nước sở tại. Tỷ lệ này chiếm đến 91%! Trong số 127 thành viên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ thì có đến 113 người có người thân đã di cư sang nước ngoài!
Ngày 9/7/2020, Hoa Kỳ đã chế tài Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, Bí thư Khu Tự trị Tân Cương, bởi những chiến tích dày đặc về hành vi vi phạm nhân quyền. Điều này cho thấy mức chế tài của Mỹ đối với giới quan chức ĐCSTQ đã nâng lên cấp phó quốc gia. Ngày 7/8, Bộ Tài chính Hoa Kỳ lại bất ngờ tung ra một đòn nặng, tuyên bố trừng phạt 11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, bao gồm: Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam); Cục trưởng Cục An ninh Hồng Kông Lý Gia Siêu; Giám đốc Sở Tư pháp Hồng Kông Trịnh Nhược Hoa; Giám đốc Văn phòng các vấn đề Đại lục và Hiến pháp Hồng Kông Tăng Quốc Vỹ; Phó Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao Trương Hiểu Minh; Giám đốc Văn phòng Liên lạc của ĐCSTQ tại Hồng
Kông Lạc Huệ Ninh; Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao Hạ Bảo Long…, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố số hộ chiếu, địa chỉ chỗ ở và nguyên nhân chế tài họ.
Đối mặt với lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ như bị hủy thẻ xanh, bị từ chối nhập cảnh, bị đóng băng khối tài sản khổng lồ, các nguyên lão chính trị đó liệu có thể không hoang mang không? Vì vậy, việc họ bất mãn với ông Tập hoàn toàn là điều hợp tình hợp lý.
Ngoài ra, ông Tập cũng phải đề phòng đòn phản công trong lúc vùng vẫy giãy chết của bè lũ nợ máu thuộc phe cánh họ Giang.
Ngày 17/7, chính quyền ông Tập đã tiếp quản khối tài sản nghìn tỷ của 9 cơ quan tài chính cốt lõi của Tập đoàn Tomorrow Group do ông Tiêu Kiến Hoa, một trong những người giàu có nhất Trung Quốc đứng đầu. Ông Tiêu Kiến Hoa là “găng tay trắng” của Tăng Vỹ, con trai của cựu phó chủ tịch ĐCSTQ Tăng Khánh Hồng – quản gia có tài sản lớn nhất thuộc phe cánh Giang Trạch Dân. Hôm sau (18/7), Tập đoàn Tomorrow Group đã đưa ra 4 điểm tuyên bố nghiêm chỉnh “nhắm vào những lời gièm pha ác ý”, bản tuyên bố này bị xóa mấy giờ đồng hồ sau đó. Đây hiển nhiên là công khai thách thức ông Tập. Được biết, đằng sau bản tuyên bố này có bóng dáng của ông Tăng Khánh Hồng.
Ngày 28/7, ông Quách Văn Quý, tỷ phú Trung Quốc hiện đang sống lưu vong tại Mỹ tiết lộ rằng: 4 ngày trước, ông nghe nói ông Tăng Khánh Hồng sắp có hành động với ông Tập Cận Bình, nhưng sẽ không thành công, dự đoán là đã bại lộ. Vì thế ông Tập cơ bản không quan tâm đến việc khác, hiện tại chính là tập trung vào đấu đá nội bộ, nội chiến, trọng tâm chính là đấu tranh trong nội bộ. Hiện tại ông Tập muốn tiêu diệt ông Tăng Khánh Hồng, đối tượng bao gồm ông Tăng Khánh Hồng cùng vợ và người con trai của ông ta tên Tăng Vỹ, cho đến em ruột của ông là Tăng Khánh Hoài, em gái là Tăng Hải Sinh và chồng cô ta; còn tất cả những người liên quan đến những người này.
Suy đoán về kết quả của cuộc họp Bắc Đới Hà
Tính đến hiện tại, dù đó là tranh chấp giữa hai ông Tập – Lý, hay những tin đồn liên quan đến việc ép Tập thoái vị, kỳ thực bản chất của nó chẳng qua chỉ là xung đột lợi ích giữa các phe phái khác nhau trong ĐCSTQ, cho đến giới quyền quý của ĐCSTQ trong hoảng loạn áp dụng các phương sách để bảo vệ khối tài sản khổng lồ của mình.
Về việc liệu ông Tập có bị bức ép thoái vị giống như ông Hoa Quốc Phong hay không, tác giả bài viết tin rằng khả năng này không phải không có, nhưng rất nhỏ. Mọi chuyện hôm nay vốn đã khác xưa, Tập Cận Bình ngoài việc đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của nhiều nhóm thực quyền, quân quyền nắm trọn trong tay, thời gian gần đây còn thâu tóm hết lực lượng cảnh sát vũ trang toàn quốc và quân nhân dự bị, có thể nói là đã tập trung toàn bộ đại quyền vào tay mình. Từ ngày 31/7, phó thủ tướng Lưu Hạc công khai vũ nhục ông Lý Khắc Cường, cho đến ông Tập tràn đầy lòng tin xuất hiện ở video hiện trường, ông Tập dường như không phải lo lắng có ai dám thách thức ông trong hội nghị Bắc Đới Hà nữa.
Về phần ông Lý Khắc Cường, cũng chưa chắc thật sự có nguyện vọng muốn thay thế ông Tập. Chẳng qua khi nhìn thấy ĐCSTQ nguy cơ tứ bề, thế lớn đã qua đi, rất có thể ông ta cũng không muốn tiếp tục làm con dê thế tội cho ĐCSTQ ở “thời điểm then chốt cuối cùng” này, không muốn phối hợp với ông Tập chạy theo cái giấc mộng viển vông không thiết thực kia nữa, vậy nên ông đã lựa chọn không ngừng chọc thủng giấc mộng Trung Hoa của ông Tập. Đồng thời, ông Lý Khắc Cường cũng đang lên tiếng thay cho “phái đoàn”, cũng chính là “phe cải cách” sau lưng mình.
Từ một khía cạnh khác, ngay cả khi ông Lý Khắc Cường thay thế được ông Tập, đối mặt với cục diện rối rắm tan hoang của ĐCSTQ ngày hôm nay cũng không thể xoay chuyển được cục diện. Dù cho ông Lý Khắc Cường có tiến hành cải cách kinh tế thì liệu có xóa tan được mọi nghi ngờ của Hoa Kỳ, từ đó không còn xuống đòn với ĐCSTQ nữa hay không? Liệu ông có thể khiến cho số vốn nước ngoài đã rút đi này có thể quay trở về? Liệu ông có thể vực dậy nền kinh tế đang lao xuống vực thẳm? Và liệu ông có thể ngăn chặn được tập đoàn tham nhũng khổng lồ bên trong thể chế nuốt chửng lợi ích của cả quốc gia? E rằng đây là điều không thể.
Nhìn từ một góc độ khác, dẫu cho phe phái nào trong ĐCSTQ có đưa một người khác lên thay thế ông Tập Cận Bình, liệu người đó có thể hoàn trả nổi những món nợ máu mà ĐCSTQ đã nợ trong suốt 70 năm qua? Liệu sức mạnh chính nghĩa toàn cầu vốn đã thức tỉnh nay lại chìm sâu trong giấc ngủ mê một lần nữa hay không? Liệu nó có thể ngăn chặn thiên ý “Trời diệt Trung Cộng” hay không? Trời muốn biến thì dù ai cũng không ngăn cản nổi.
Do đó, tác giả bài viết suy đoán rằng sau khi hội nghị Bắc Đới Hà lần này kết thúc, ngoại giới có thể không nhìn thấy kết quả ấn tượng của đấu đá nội bộ và bức ép người lãnh đạo thoái vị được đề cập đến trong những tin đồn, nhất là những ai mơ tưởng về việc ông Tập Cận Bình sẽ từ chức và để ông Lý Khắc Cường lên thay, còn cả những người mơ tưởng về việc ĐCSTQ sẽ tiến hành cải cách, rất có thể sẽ phải
thất vọng lần nữa. Dưới trận sóng lớn “Trời diệt Trung Cộng” của lịch sử, con tàu ĐCSTQ trăm nghìn lỗ thủng giờ lại đang gặp phải sóng gió cuộn dâng, dẫu ai là người cầm lái cũng không thể ngăn nổi vận mệnh bị chôn vùi dưới đáy biển sâu của con tàu đỏ.
Do vậy, quyền lựa chọn cuối cùng trong chính quyền ĐCSTQ hiện nay phần lớn vẫn nằm trong tay ông Tập Cận Bình. Nếu vẫn tiếp tục chèo lái, thì sẽ dẫn theo hàng chục triệu thuyền viên mau chóng chôn thân dưới đáy biển; còn nếu vứt bỏ con tàu đỏ thì sẽ nghênh đón ánh sáng và kỷ nguyên mới.
Tất nhiên, mỗi thuyền viên trên con tàu đỏ đều có quyền lựa chọn của bản thân mình, hoặc là đi theo con tàu đỏ hoặc là dẫn theo người nhà mình từ bỏ con tàu mà rời đi, kết quả khác nhau là điều ai ai cũng rõ.
Bài viết của chuyên gia Gao Yi đăng trên Epoch Times, không đại diện cho ý góc nhìn của DKN.
Theo Gao Yi, Epoch Times
Vũ Dương biên dịch
Bắc Kinh đang thay đổi thế giới
bằng ‘bàn tay ẩn giấu’ như thế nào?
Hương Thảo
Tờ National Post của Canada hôm 4/8 đã cho đăng một trích đoạn từ cuốn sách của hai tác giả Clive Hamilton và Mareike Ohlberg. Trích đoạn đã cho thấy một ĐCSTQ thâm độc, bằng những chiêu thức tinh vi lực lượng này không chỉ đánh lừa được người dân Trung Quốc mà còn “ru ngủ” được cả phần còn lại của thế giới.
Tên đầy đủ của cuốn sách mà National Post trích đăng là “Bàn tay ẩn giấu: Vạch trần cách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang định hình lại thế giới (Hidden Hand: How the Chinese Communist Party is reshaping the world)”. Tác giả thứ nhất của cuốn sách, Clive Hamilton là một học giả người Úc và là tác giả cuốn “Cuộc xâm lược thầm lặng”, một cuốn sách về tác động của Trung Quốc đối với Úc. Còn tác giả Mareike Ohlberg là thành viên cấp cao trong Chương trình Châu Á của Quỹ Marshall Đức.
Tác giả Clive Hamilton và Mareike Ohlberg (H&O) cho rằng các giá trị nhân quyền phổ quát, việc thực hành dân chủ và pháp quyền đang phải đối mặt với những kẻ thù hung hiểm, và Đảng Cộng sản Trung Quốc có lẽ là kẻ thù đáng sợ nhất. Chiến thuật gây ảnh hưởng và can thiệp của Bắc Kinh được lên kế hoạch tỉ mỉ và liều lĩnh, đồng thời ĐCSTQ rất biết cách lợi dụng nguồn lực kinh tế và sức mạnh công nghệ to lớn để phục vụ kế hoạch này.
Hai tác giả H&O đánh giá, các chiến dịch lật đổ thể chế và giới tinh hoa các nước phương Tây của Bắc Kinh đã thu về nhiều hơn cả những giới lãnh đạo Trung Quốc mong đợi.
“Các thể chế dân chủ và trật tự toàn cầu được xây dựng sau Thế chiến 2 đã cho thấy sự mong manh hơn kỳ vọng, khả năng dễ bị tổn thương trước các chiêu trò chính trị mới của [Bắc Kinh]. ĐCSTQ đang khai thác những điểm yếu của các hệ thống dân chủ để làm suy yếu chính nó, cho dù nhiều người phương Tây miễn cưỡng thừa nhận điều này”, hai tác giả H&O nói về sự nguy hiểm của ĐCSTQ trong cuốn sách của mình.
Kế tiếp, H&O lên án tội ác của ĐCSTQ: “Mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra tước đoạt đi quyền được sống yên ổn, không phải sợ hãi của tất cả mọi người. Nhiều người Trung Quốc sống ở phương Tây, cùng với người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, các học viên Pháp Luân Công và các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông, đã và đang là những đối tượng hàng đầu trong các chiến dịch đàn áp của ĐCSTQ. Họ phải sống trong một trạng thái sợ hãi thường trực”.
“Bàn tay ẩn giấu” cũng chỉ ra một nguyên nhân khác khiến ĐCSTQ thắng thế, đó là các thực thể quốc tế đã quá yếu đuối trước các chiêu trò gian manh và thói “côn đồ” của thế lực này. “Các chính phủ, tổ chức học thuật và nhà quản lý doanh nghiệp sợ bị trả đũa tài chính nếu họ làm phật ý Bắc Kinh”, trích đoạn nội dung cuốn sách.
Cuốn sách của H&O cho rằng tất cả các nền dân chủ phương Tây đều bị tác động khi Bắc Kinh chỉ phải đối mặt với những phản ứng yếu ớt trước các hành vi sai trái của nó. Và vì thế, chính quyền Trung Quốc càng được thể thúc đẩy các chiến thuật cưỡng bức và đe dọa người dân của họ.
Cuốn sách cũng đã chỉ ra chiêu thức tinh vi nhất mà ĐCSTQ sử dụng để lừa dối người dân Trung Quốc và thế giới, qua đó không nhận diện được bản chất lưu manh và tà ác của thế lực này. “ĐCSTQ nỗ lực tuyên truyền ở Trung Quốc và nước ngoài rằng nó thay mặt cho tất cả người dân Trung Quốc. Nó nhấn mạnh rằng đối với người Trung Quốc, dù họ ở đâu, thì yêu nước chính là yêu đảng, và chỉ những người yêu đảng mới thực sự yêu nước. Nó tuyên bố rằng nó là của nhân dân, và vì thế bất kỳ lời chỉ trích nào nhắm vào đảng đều là đang nhắm thẳng vào nhân dân Trung Quốc”.
H&O cho hay, với “tuyệt chiêu” này, ĐCSTQ đã đánh lừa được hầu hết mọi người. “Thật đáng lo ngại khi thấy rất nhiều người phương Tây mắc phải mưu kế này, và gán cho những người chỉ trích các chính sách của ĐCSTQ là phân biệt chủng tộc hoặc có thành kiến với Trung Quốc. Khi làm như vậy, họ đã không bênh vực người Trung Quốc, mà đang đồng lõa với ĐCSTQ, làm câm lặng hoặc gạt đi tiếng nói của những người Trung Quốc bất đồng quan điểm với chính quyền, và những người thiểu số bị nó bức hại. [Và] tồi tệ nhất, họ đã trở thành những tác nhân tạo ra sức ảnh hưởng cho đảng này”.
“Sự nhập nhằng giữa đảng, quốc gia và nhân dân dẫn đến đủ loại hiểu sai, đó là điều mà ĐCSTQ muốn. Một hậu quả là các cộng đồng người Hoa ở nước ngoài bị một số người coi là kẻ thù, trong khi thực tế nhiều người trong số họ là những nạn nhân đau khổ nhất của ĐCSTQ. Họ là một trong số những người ở nước ngoài hiểu biết nhất về các hoạt động đen tối của ĐCSTQ”.
Trong cuốn sách của mình hai tác giả H&O nêu bật quan điểm: “Sự phân biệt giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc rất quan trọng vì nó giúp người ta hiểu được cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Phương Tây không phải là “sự đụng độ giữa các nền văn minh”. Chúng ta không phải đang đối mặt với những “Nho gia” mà là một chế độ độc tài, một đảng chính trị theo chủ nghĩa Mác-Lê với một ủy ban trung ương, một bộ chính trị và một tổng bí thư”, và “Xung đột thực sự là giữa các giá trị [phổ quát] và các hành vi đàn áp của ĐCSTQ đối với các quyền tự do được ghi trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc, gồm tự do ngôn luận, hội họp, tôn giáo và tín ngưỡng; tự do không bị bức hại; quyền cá nhân, quyền riêng tư; và sự bình đẳng trước pháp luật. ĐCSTQ từ chối và tước đoạt những điều này, bằng lời nói hoặc hành động của nó”.
Hai tác giả H&O cho rằng “Những người sống gần [ĐCS] Trung Quốc hiểu điều này hơn nhiều so với hầu hết những người phương Tây. Chính sự hiểu biết này đã thúc đẩy các cuộc biểu tình gần đây ở Hồng Kông và tạo ra kết quả bầu cử vào tháng 1/2020 tại Đài Loan. Trong một cuộc bỏ phiếu gây chấn động, người dân Đài Loan đã sử dụng lá phiếu của mình để nói không với ĐCSTQ”.
H&O cũng đề cập tới thái độ của những phe cánh tả ở phương Tây đối với ĐCSTQ, theo hai tác giả của “Bàn Tay ẩn giấu”, những người thiên tả đã mù quáng khi cố gắng tìm lý do để thừa nhận bản chất của ĐCSTQ dưới thời Tập Cận Bình mà quên rằng chủ nghĩa toàn trị có hại như thế nào đối với nhân quyền.
“Bàn tay ẩn giấu” còn chỉ ra cái khó trong việc hóa giải sự nguy hiểm của ĐCSTQ, cuốn sách này cho rằng phương Tây hiện nay đang phải đối phó với một đối thủ nguy hiểm hơn Liên Xô trước kia nhiều lần, vì họ gần như không có quan hệ sâu rộng với Liên bang Xô viết trên hầu hết các lĩnh vực, nhưng với Trung Quốc thì hoàn toàn ngược lại.
Tuy nhiên, các nước phương Tây đang cho thấy họ đã nhìn rõ bản chất của ĐCSTQ. Trong bài phát biểu tại bảo tàng Richard Nixon hôm thứ Năm (23/7), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng mối hiểm họa từ chính quyền Trung Quốc đã lộ rõ và Mỹ đang thức tỉnh. Còn EU cũng ngày càng ‘tỉnh ngộ’ về Trung Quốc. Đây là những cơ sở khiến người ta tin rằng một ngày không xa “Bàn tay ẩn giấu” của Bắc Kinh sẽ bị khóa lại.
https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-kinh-dang-thay-doi-the-gioi-bang-ban-tay-an-giau-nhu-the-nao.html
Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển
như thế nào tại các vùng biển có tranh chấp?
Tôn Thạch Sơn
Trung Quốc tăng cường chiến thuật dân quân biển
Năm 2009, một nhóm tàu cá của Trung Quốc đã bao vây và quấy rối tàu khảo sát USS Impeccable của Mỹ. Năm 2016, một tàu bảo vệ bờ biển của lực lượng Cảnh sát biển Hàn Quốc đã bị đâm chìm trong khi cố gắng trục xuất một nhóm tàu cá Trung Quốc ra khỏi vùng biển của nước này. Vào tháng 6/2019, một nhóm thủy thủ của một tàu cá Philippines đã bị bỏ rơi trên biển sau khi tàu này bị một tàu đánh cá Trung Quốc đâm chìm vào ban đêm. Vào tháng 6/2020, một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đâm một tàu đánh cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa thuộc Biển Đông. Một sự cố tương tự vào tháng 4/2020 đã khiến một tàu cá Việt Nam bị chìm.
Bắc Kinh đang ngày càng quyết đoán khẳng định những yêu sách biển đơn phương của mình đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đầu năm 2020, yêu sách đó đã vươn tới phía
cực Nam Biển Đông đến tận Indonesia khi một đội tàu đánh cá Trung Quốc được hộ tống bởi các tàu hải cảnh do hải quân kiểm soát xâm nhập vào khu vực quần đảo Natuna của Indonesia.
Và Trung Quốc cũng không quan tâm đến các phản đối của quốc tế. Vào năm 2016, Tòa Trọng tài về luật biển xác định các tàu Trung Quốc đã ngăn cản bất hợp pháp ngư dân Philippines hoạt động tại khu vực đánh cá truyền thống của họ tại bãi cạn Scarborough. Tòa án này cũng cáo buộc Trung Quốc thực hiện các phương pháp đánh bắt mang tính hủy hoại, phá hủy môi trường sống của loài ngao khổng lồ và những bãi san hô quan trọng. Nhiều môi trường sinh thái quan trọng nhất của khu vực đã bị nạo vét và chôn vùi dưới lượng bê tông để tạo thành các pháo đài đảo bất hợp pháp của Bắc Kinh.
Một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) được thực hiện từ năm 2019 cũng phát hiện lực lượng tàu của Trung Quốc hoạt động không công khai ở Biển Đông. Báo cáo viết: “Khi họ tranh giành để đánh bắt những con cá cuối cùng từ Biển Đông, ngư dân Trung Quốc ít nhất có nhiều khả năng để gây ra một cuộc đụng độ dữ dội tương tự như các lực lượng vũ trang trong khu vực”.
Tuy nhiên, báo cáo cũng xác định được một thói hành xử đáng quan ngại hơn. Nhiều tàu trong số đội tàu cá này không thực hiện hoạt động đánh bắt cá mà muốn khẳng định quyền kiểm soát. Nghiên cứu của CSIS chỉ rõ: “Một loại đội tàu đánh cá khác có tham gia vào hoạt động bán quân sự thay mặt cho nhà nước thay vì thực hiện hoạt động đánh cá thương mại đã nổi lên như một lực lượng lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Các hoạt động của dân quân được ghi chép rõ ràng – họ tham gia tuần tra, giám sát, tiếp tế và thực hiện các nhiệm vụ khác để tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và biển Nhật Bản. Bắc Kinh không giấu giếm sự tồn tại của lực lượng này và một số ngư dân được đào tạo và trang bị tốt nhất đã tham gia vào các hoạt động bán quân sự như quấy rối các tàu nước ngoài”.
Những tàu cá không đánh cá này thường tập trung quanh các rạn san hô và tại các ngư trường mà Trung Quốc cho là đang có tranh chấp. Sự hiện diện của họ buộc lực lượng ngư dân không phải của Trung Quốc phải di chuyển sang các khu vực khác. Và hàng loạt các vụ va chạm và “sự cố” gần đây ở Biển Đông cho thấy họ ngày càng quyết đoán và hung hăng hơn.
Năm 2019, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ khi đó là Đô đốc John Richards đã cảnh báo người đồng cấp Trung Quốc, phó Đô đốc Thẩm Kim Long rằng Mỹ đã biết việc Trung Quốc sử dụng một đội tàu cá dân quân để thúc đẩy các yêu sách phi pháp ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông Richards cảnh báo rằng Hải quân Mỹ sẽ đáp trả các hành động gây hấn của những tàu đó vì chúng được coi là một phần của lực lượng vũ trang. Nhiều tàu cá loại này không thể phân biệt được với tàu cá thông thường của Trung Quốc, vì họ tham gia nhiều nhiệm vụ khác nhau trong thời bình và được huấn luyện quân sự để tiến hành các hoạt động khi có giao tranh.
Trong trường hợp xảy ra xung đột trên biển ở khu vực, các tàu thuộc lực lượng dân quân biển này có thể được sử dụng để hỗ trợ cho một số nhiệm vụ quân sự của Trung Quốc. Trong số này có các tàu cá ven biển mà sẽ không bị bắt giữ trong cuộc xung đột vũ trang nhưng có thể bị tấn công nếu hỗ trợ cho Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) dưới bất kỳ hình thức nào. Đa số các tàu dân quân biển hoạt động ngoài biển khơi và thường đánh bắt cá vì mục đích thương mại, nhưng đôi khi huy động để hỗ trợ PLAN hay lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG). Loại tàu này có thể bị bắt giữ làm chiến lợi phẩm hợp pháp trong xung đột vũ trang và cũng có thể bị tấn công khi hỗ trợ PLAN trong giao tranh. Cuối cùng, loại tàu cá thứ ba đóng vai trò quân phụ trợ trên biển trên thực tế và phối hợp cùng với PLAN và CCG. Không có một định nghĩa chung nào về quân phụ trợ trên biển, nhưng các tàu như vậy được coi như tàu chiến và trong lúc giao tranh có thể bị đánh chìm khi nằm ngoài vùng biển trung lập. Những tàu này đưa vào các hoạt động của PLAN một cách chính thức hơn. Việc phân biệt giữa các đơn vị dân quân biển khác nhau và hiểu được khả năng bị nhắm mục tiêu của các đơn vị này trong các cuộc chiến trên biển là thách thức đối với việc thu thập thông tin tình báo trên biển và cũng như việc phân tích nhằm phân biệt bản chất, xác định cấu trúc chỉ huy và kiểm soát của các tàu này.
Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc
Trung tâm nghiên cứu hàng hải Trung Quốc (CMSI) thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân đã có phát hiện quan trọng rằng ở Trung Quốc không chỉ có một lực lượng dân quân biển, mà là một loạt lực lượng ở các địa phương và thuộc chính quyền tỉnh hỗ trợ cho các nỗ lực quốc phòng. Ở cấp nhà nước, Quân ủy trung ương do Tập Cận Bình lãnh đạo quy định các chính sách về dân quân, tuy nhiên các lực lượng dân quân lại thuộc sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Bộ chỉ huy PLA ở địa phương đứng ra tổ chức và huấn luyện các lực lượng này, đôi khi phối hợp với CCG và Cục an toàn hàng hải. Về dân sự, lực lượng này bao gồm bộ máy hành chính đảng-nhà nước, còn về cơ cấu quân sự thì thuộc các khu
quân sự cấp tỉnh. Hiểu rộng hơn, những lực lượng này được gọi là Dân quân biển thuộc Lực lượng vũ trang nhân dân (PAFMM) và hoạt động với tư cách lực lượng trên biển thứ ba của Trung Quốc.
Khó khăn trong việc phân tích vị thế pháp lý của các lực lượng này phát sinh từ bản chất khác biệt của PAFMM. Nhiều nhóm ngư dân thuộc PAFMM là các tổ chức đánh bắt cá thông thường, hoạt động như một cơ sở đánh bắt cá thương mại, và chỉ thỉnh thoảng tiến hành các hoạt động cho PLAN. Các thành phần khác chuyên nghiệp hơn và được trang bị tốt hơn cho các nhiệm vụ hành động trực tiếp, đóng vai trò tiên phong cho quân phụ trợ trên biển để “bảo vệ các quyền” theo những tuyên bố chủ quyền trên biển, thay vì đánh bắt cá. Các hoạt động cũng do chính quyền địa phương khởi xướng, nhưng phải có sự chấp thuận của PLA. Sự khác biệt về nhiệm vụ của các thành phần khác nhau trong PAFMM trong thời bình và trong xung đột vũ trang càng làm phức tạp thêm cách tư duy về những lực lượng này. Tính đa dạng của PAFMM đã hỗ trợ cho nỗ lực của chế độ Trung Quốc nhằm cố ý che giấu tình trạng của PAFMM: Khi ngụy trang họ đủ điều kiện làm binh sĩ, khi cởi bỏ ngụy trang họ là ngư dân tuân thủ luật pháp. Chính sách của Trung Quốc là che giấu lực lượng dân quân biển bằng cách vận hành lực lượng này theo kiểu “hạm đội ngầm”.
PAFMM dường như là động lực thúc đẩy Trung Quốc mở rộng đội tàu cá trong suốt một thập kỷ qua. Các đội tàu cá trên thế giới quá hùng hậu. Số lượng tàu đánh bắt quá lớn, trong khi nguồn cá lại quá ít ỏi, gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và khiến tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trở nên trầm trọng hơn. Trung Quốc có đội tàu cá lớn nhất thế giới. Năm 2015, Trung Quốc có khoảng 370.000 tàu cá thô sơ và 672.000 tàu cá trang bị động cơ. Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc là nước vi phạm nghiêm trọng nhất các quy định về khai thác hải sản. Trung Quốc đã giảm năng suất đánh bắt cá cho tới năm 2008, khi họ đảo ngược tiến trình và tiến hành mở rộng đội tàu kể từ đó. Việc này có liên quan tới vai trò ngày càng nổi bật của PAFMM: Lực lượng này đã được nhận các tàu thân thép mới, hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc, mà có thể theo dõi và gửi tin nhắn về vị trí các nhóm tàu nổi khác, và được huấn luyện bán quân sự. Các tàu của họ tham gia tập trận quân sự với PLAN và CCG, đồng thời nhận các khoản bồi thường, bao gồm các khoản trợ cấp, phúc lợi xã hội và lương hưu từ chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, vì không trực thuộc PLA, nên PAFMM tỏ ra linh hoạt hơn trong hành động cũng như trong việc thúc đẩy các lợi ích và yêu sách biển mà không gây ảnh hưởng đến uy tín của PLA, đồng thời giảm bớt nguy cơ bị cản trở.
Vai trò của dân quân biển trong thời bình
Trong thời bình, PAFMM đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy các yêu sách và lập trường trên biển của Trung Quốc thông qua các hành động ép buộc, theo tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc huy động các lực lượng dân sự tham gia các hoạt động quân sự. Lực lượng dự bị này hỗ trợ hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng như các cảng biển và giàn khoan dầu, tiến hành các nhiệm vụ hiện diện và các chiến dịch “bảo vệ quyền” nhằm khẳng định các yêu sách phi pháp trên biển của Trung Quốc, quấy nhiễu và đánh đuổi các tàu dân sự và tàu của chính phủ nước ngoài, bao gồm tàu chiến, ra khỏi vùng biển Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Các tàu PAFMM cũng tham gia các chiến dịch trực tiếp và đặc biệt để hỗ trợ cho PLAN và CCG trong các cuộc chạm trán với tàu hải quân của Mỹ và các nước khu vực trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Chẳng hạn, trong năm 2009, lực lượng dân quân biển đã bao vây tàu USNS Impeccable khi tàu này tiến hành các cuộc khảo sát quân sự ở vùng biển ngoài EEZ của Trung Quốc. Các tàu Trung Quốc bao gồm một lực lượng hỗn hợp gồm tàu đánh cá bằng lưới rà thuộc lực lượng dân quân biển và các tàu của Chính phủ Trung Quốc tìm cách quấy rầy các hoạt động của Hải quân Mỹ khi đe dọa cắt dây cáp kéo theo tàu phụ trợ của Mỹ trên vùng biển quốc tế. Vào năm 2012, các tàu cá của Trung Quốc phối hợp với CCG là đội tiên phong chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough – một hòn đảo nhỏ ở biển Đông. Năm 2016, Tòa Trọng tài xác định rằng các tàu của Trung Quốc đã ngăn chặn bất hợp pháp hoạt động đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough (đoạn 814). Tòa Trọng tài cũng kết luận rằng các tàu cá của Trung Quốc đã khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định mang tính phá hoại, trong đó có việc đánh bắt các loài trai sò, san hô và rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng theo đoạn 764 trong phán quyết của Tòa.
Tháng 5/2014, các tàu của PAFMM hỗ trợ cho hoạt động lắp đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 ở phía Nam đảo Tri Tôn trong các khu vực thuộc EEZ của Việt Nam, châm ngòi cho một cuộc đụng độ có sự tham gia của hơn 100 tàu ở cả hai bên. Tổ chức Ngư nghiệp Phúc Cảng đã cử lực lượng tàu cá dân quân gồm 29 tàu đánh bắt cá bằng lưới rà tới bảo vệ giàn khoan dầu, hỗ trợ cho khu quân sự Quảng Châu và khu quân sự Hải Nam. Trong hơn 2 tháng, lực lượng tàu cá dân quân được bố trí thành các vòng bảo vệ quanh giàn khoan dầu của Trung Quốc – một chiến lược “bắp cải nhiều lớp” xua đuổi các tàu của Việt Nam đang tìm cách thực thi đặc quyền kinh tế và đánh chìm 3 tàu trong số này.
Tháng 5/2015, tiểu khu quân sự Giang Môn ở tỉnh Quảng Đông đã tổ chức tập trận cho các lực lượng dân quân biển, tập trung vào các nhiệm vụ thời chiến. Nội dung tập trận bao gồm tập hợp và huy động, bảo vệ các quyền trên biển, tuần tra, hậu cần và sửa chữa khẩn cấp các cầu tàu bị hư hại trong giao tranh. Vào tháng 3/2016, khoảng 100 tàu đánh bắt cá của Trung Quốc xuất hiện quanh bãi cạn Laconia của Malaysia nằm ngoài khơi Sarawak và trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Những tàu này không treo cờ, không có dấu hiệu đăng ký và đi cùng với 2 tàu của CCG. Năm 2019, các tàu của PAFMM đã tiến vào phạm vi nửa hải lý từ tiền đồn của Philippines trên đảo Loaita thuộc quần đảo Trường Sa. Philippines đã điều một tàu đổ bộ xe tăng lớp LST-542 trước đây của Hải quân Mỹ theo dõi hai tàu cá Trung Quốc.
Điều tương tự cũng diễn ra ở biển Hoa Đông. Kể từ khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 đảo thuộc quần đảo Senkaku từ một công dân nước này vào năm 2010 để ngăn không cho các đảo này bị chiếm đóng, các tàu cá của Trung Quốc và tàu của CCG thường xuyên xâm nhập lãnh hải và vùng tiếp giáp như một cách để quấy rối Nhật Bản và làm xáo trộn nguyên trạng. Vào năm 2020, Trung Quốc đã gia tăng các chiến dịch hiện diện như vậy gần quần đảo Senkaku để gây sức ép với Tokyo. Trung Quốc tuyên bố quần đảo Senkaku đang bị tranh chấp, mặc dù nó thuộc quyền kiểm soát quân sự của Mỹ trong thời gian Mỹ chiếm đóng Okinawa cho tới năm 1971 và được trao trả lại cho Nhật Bản theo tuyên bố năm 1895 khi quần đảo này chưa bị chiếm đóng và là lãnh thổ vô chủ.
Vai trò của dân quân biển trong xung đột vũ trang
Tàu cá của dân quân là công cụ chính để thay đổi tình hình thực địa trong thời bình, chẳng hạn như việc xây dựng các đảo nhân tạo trên biển Đông, đồng thời huấn luyện một lực lượng hải quân bán quân sự có thể được triển khai khi nổ ra cuộc xung đột vũ trang. Cấu trúc lưỡng dụng của PAFMM đặt ra cho các đối thủ của Trung Quốc những thách thức trong hoạt động. Trong lần ra mắt đầu tiên tại một cuộc giao tranh vũ trang, lực lượng dân quân biển đã tham gia cuộc đánh chiếm vùng phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974. Bắc Kinh hiểu rằng việc sử dụng tàu cá để theo đuổi hành động xâm lược sẽ ít có khả năng lôi kéo Mỹ vào xung đột, thậm chí ngay cả khi các tàu này đe dọa một đồng minh của Mỹ.
Hiện nay, các đơn vị tinh nhuệ nhất của PAFMM đã được chuẩn bị cho việc tiến hành cuộc chiến tranh du kích được gọi là “Chiến tranh nhân dân trên biển”, được trang bị thủy lôi, pháo phòng không và tên lửa. Các tàu cũng được huấn luyện để thực hiện hoạt động tình báo, giám sát và do thám (ISR) và có khả năng chuyển dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi tấn công tiêu diệt của PLAN. Mạng lưới này, ước tính bao gồm 20.000 tàu và hàng trăm nghìn dân quân, tạo thành một “mạng lưới trinh sát trên biển” gây khó khăn cho đối thủ tiềm năng trong việc lên kế hoạch lực lượng.
Trước khi xảy ra xung đột, lực lượng dân quân biển có thể sử dụng các chiến thuật ép buộc, như đâm vào tàu đối thủ để khiêu khích đối thủ đáp trả, trong lúc CCG và thậm chí cả các lực lượng PLAN từ xa lao tới hiện trường để “dạy cho một bài học”. Mỹ, Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam và Malaysia đều từng phải đối đầu với dân quân biển của Trung Quốc, làm gia tăng nguy cơ leo thang. Tuy nhiên, việc tránh đối đầu với PAFMM sẽ giúp bình thường hóa sự hiện diện của Bắc Kinh ở vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. Kịch bản này minh họa cho chiến lược bất đối xứng sử dụng chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông, và chiến tranh pháp lý gây mất phương hướng nhằm phá vỡ các khái niệm truyền thống, nhất là của phương Tây, về xung đột vũ trang.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/china-s-maritime-militia-08132020212440.html
TQ dọa tàu sân bay không chìm của Mỹ
Trung Quốc dọa tập trận bắn đạn thật gần đảo Guam, nơi có căn cứ không quân và hải quân trọng yếu, được ví như tàu sân bay không chìm của Mỹ.
Sao lại là Đảo Guam?
Hãng tin CNN của Mỹ mới đây đưa ra nhận định Trung Quốc đang đẩy mạnh các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đông Á trong bối cảnh cuộc khẩu chiến với Mỹ ngày càng leo thang. Theo đó, một viện nghiên cứu chính sách Trung Quốc thậm chí còn cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể cân nhắc tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật gần đảo Guam của Mỹ.
Theo CNN, Bắc Kinh đã liên tục gia tăng mật độ các cuộc tập trận trong những tuần gần đây sau khi Mỹ cử 2 hạm đội tàu sân bay tới tham gia các cuộc tập trận song phương hiếm hoi ở Biển Đông tới 2 lần chỉ trong tháng 7.
Tuy nhiên, sự kiện được coi là “đổ thêm dầu vào lửa” là chuyến công du Đài Loan của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, ông Alex Azar. Ông Azar là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm hòn đảo Đài Loan trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 10/8 cho rằng sự hiện diện của ông Azar tại Đài Bắc đã “xâm phạm nghiêm trọng” các cam kết của Mỹ về Đài Loan. Sáng 10/8, Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu tới dọc đường trung tuyến tại Eo biển Đài Loan. Đài Loan cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất của hòn đảo này theo sát hoạt động các máy bay từ Đại lục.
Dù thuộc không phận quốc tế, song đường trung tuyến tại Eo biển Đài Loan là một ranh giới không chính thức, nhưng được quy ước là đường phân chia của Bắc Kinh và Đài Bắc. Theo các báo cáo của Mỹ và Đài Loan, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc mới chỉ chủ đích vượt qua ranh giới này 3 lần, lần đầu tiên vào tháng 3/2019, lần thứ hai là tháng 2 năm nay, và lần gần nhất là ngày 10/8 vừa qua.
Việc truyền thông Trung Quốc bóng gió về ý định tập trận ngoài khơi đảo Guam, nơi Mỹ có căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân đảo Guam, diễn ra sau một giai đoạn PLA liên tục có những hoạt động. Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc viết: “Các lực lượng bộ binh và hải quân của PLA suốt những tuần qua đã tham gia lịch trình tập trung với các hoạt động huấn luyện đổ bộ và trên biển. Các hoạt động này sẽ tiếp diễn trong các tuần tới”.
Trong số các cuộc diễn tập có một cuộc tấn công giả định, huấn luyện vượt biển và cập bến bằng các phương tiện đổ bộ, các cuộc tấn công vượt biển và diễn tập máy bay ném bom có trang bị tên lửa cùng máy bay chiến đấu. Cũng theo Thời báo Hoàn Cầu, PLA có kế hoạch tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ngoài khơi đảo Châu Sơn, phía Đông bờ biển phía nam Thượng Hải.
CNN dẫn lời chuyên gia Carl Schuster, cựu Giám đốc điều hành Trung tâm Tình báo Chung Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng những động thái của Trung Quốc là không có gì bất ngờ. Chuyên gia này còn dự đoán, Trung Quốc có thể sẽ phóng tên lửa đạn đạo vào vùng biển phía Tây đảo Guam.
Mối đe dọa tiềm tàng
Trước đó, hồi trung tuần tháng 4 vừa qua, Mỹ đã rút các máy bay ném bom chiến lược khỏi đảo Guam. Giới phân tích gọi đây là một động thái khó hiểu và hiện vẫn chưa thể lý giải được. Theo đó, hành động của Mỹ có thể khiến các đồng minh và đối tác lo lắng trong khi có thể gây tổn hại tới năng lực răn đe của Mỹ ở Thái Bình Dương, đặc biệt trên mặt trận đối phó với Trung Quốc.
Theo tờ Asiatimes, mặc dù đảo Guam cách xa những khu vực bất ổn như Eo biển Đài Loan, Okinawa và Nhật Bản, và thậm chí cả Biển Đông, nhưng việc điều động các máy bay chiến đấu từ đó sẽ tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với việc cất cánh từ miền Trung nước Mỹ.
Các máy bay ném bom của Không quân Mỹ, bao gồm B-1B Lancer, B-52 Stratofortress và B-2 Spirit đã được triển khai tại Guam kể từ năm 2004 theo chương trình Máy bay Ném bom Hiện diện Thường trực (CBP). Tuyên bố của Bộ Tư lệnh Tác chiến Toàn cầu Không quân Mỹ có đoạn: “Để phù hợp với Chiến lược Phòng thủ Quốc gia, Mỹ đã chuyển sang cách tiếp cận cho phép triển khai các máy bay ném bom chiến lược được tiến tới hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ một loạt địa điểm ở nước ngoài khi cần thiết và với sự cơ động cao hơn, trong khi các máy bay ném bom này vẫn hiện diện thường trực tại Mỹ”.
Để trả lời cho câu hỏi tại sao Mỹ lại rút các máy bay đó về Căn cứ Không quân Minot tại bang Bắc Dakota (miền Trung nước Mỹ), chứ không phải là các căn cứ gần hơn ở Alaska hoặc Hawaii, giới phân tích đặt ra một giả thuyết rằng căn cứ của Mỹ ở Guam, trong đó có căn cứ không quân Andersen, rất dễ bị máy bay ném bom hay tên lửa của Trung Quốc tấn công.
Asiatimes viết: “Nếu điều đó là sự thật, liệu Mỹ có rút căn cứ hải quân Guam cùng trên hòn đảo này hay không? Và trong tương lai, các căn cứ khác của Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ ra sao? Liệu các căn cứ đó có dễ bị tấn công hay không?”.
Giới phân tích thừa nhận, việc Trung Quốc tăng cường quân đội, mở rộng hải quân, triển khai các máy bay ném bom chiến lược mới, tàu ngầm, các binh sĩ và hai tàu sân bay đang làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.
Một phần trong quan ngại của Không quân Mỹ là tên lửa Đông Phong 26 (DF-26) của Trung Quốc, đôi khi được ví như “Sát thủ đảo Guam”. DF-26 được biết đến có khả năng đánh trúng mục tiêu cách 5.471 km bằng các đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.
Với sự hoài nghi về các kế hoạch của Mỹ, Asiatimes đánh giá: “Nếu nhìn từ bên trong nước Mỹ, hiện có nhiều câu hỏi đặt ra về cam kết của Mỹ trong việc duy trì năng lực răn đe trong lúc Trung Quốc – đối thủ tiềm tàng quan trọng – đang củng cố năng lực và bổ sung các hệ thống dựa trên công nghệ tiên tiến vào kho vũ khí của họ”.
Dù căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng gia tăng, trong đó có những ám chỉ đến khả năng xung đột quân sự, song CNN cho biết giới lãnh đạo quân sự hai nước trên thực tế đang xúc tiến các cuộc đối thoại. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã cùng người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa có một cuộc điện đàm.
Tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Mỹ có đoạn: “Cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì các kênh liên lạc mở và thúc đẩy những hệ thống cần thiết nhằm đảm bảo thông tin trong trường hợp nảy sinh khủng hoảng và giảm thiểu rủi ro”.
http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/36347-tq-doa-tau-san-bay-khong-chim-cua-my.html
Malaysia tiếp tục phản đối yêu sách chủ quyền
của Trung Quốc ở Biển Đông
Malaysia lên tiếng phản đối Trung Quốc tuyên bố có các quyền lịch sử ở Biển Đông, cho rằng yêu sách đó của Trung Quốc đối với thực thể ở vùng biển này là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein phát biểu trước Quốc hội Malaysia như vừa nêu, vào ngày 13/8.
Ông Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein nói trước Quốc hội Malaysia rằng Chính phủ Malaysia trước đó 2 tuần đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) về các quyền của Malaysia đối với thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Động thái mới nhất của Malaysia liên quan vấn đề Biển Đông được đánh giá là phản ứng của Malaysia về một tuyên bố tương tự mà Trung Quốc trình lên LHQ hồi trung tuần tháng 12/2019. Và, đây được xem là hành động khác thường của Malaysia đối với đối tác thương mại lớn nhất của mình, vì trước đây thường tránh chỉ trích Trung Quốc công khai cũng như thường lập lại quan điểm rằng Malaysia đảm bảo khu vực Biển Đông vẫn mở cửa cho thương mại.
Trình bày trước Quốc hội Malaysia, Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein nhấn mạnh rằng Chính phủ Malaysia sẽ cẩn trọng trong việc bảo vệ các yêu sách của quốc gia, tránh leo thang căng thẳng. Đồng thời, Malaysia cũng sẽ hướng tới một giải pháp trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vào khi Hiệp hội đang tổ chức các cuộc thảo luận với Trung Quốc về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Malaysia đệ trình công hàm lên LHQ sau khi Úc và Mỹ cũng bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc. Hai nước đồng minh của Malaysia cho rằng Bắc Kinh muốn tăng cường hoạt động nhằm thống trị khu vực Biển Đông giàu tài nguyên.
Hồi giữa tháng 4 năm nay, tàu địa chất của Trung Quốc được nói là đã có hành vi quấy rối trong suốt một tháng đối với tàu West Capella của Malaysia ở Biển Đông, khi tàu Malaysia tiến hành hoạt động khoan thăm dò tại hai mỏ dầu ở vùng biển này.
Các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở khu vực Biển Đông bao gồm Trung Quốc, Đài Loan và một số quốc gia khối ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Ấn Độ tài trợ 500 triệu USD cho Maldives
chống ảnh hưởng của Trung Quốc
Ngày 13/8, Ấn Độ công bố gói tài trợ 500 triệu đô la cho một dự án ở Maldives nhằm giúp quốc gia này kết nối thủ đô Male với ba hòn đảo lân cận, một động thái mà Reuters cho là thúc đẩy nỗ lực ngoại giao của New Delhi trong khu vực mà Trung Quốc cũng đang tăng ảnh hưởng gần đây.
Quốc đảo Ấn Độ Dương vốn được du khách biết tiếng với những bãi biển và làn nước xanh như ngọc đã trở thành tâm điểm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc nhằm xây dựng các liên kết thương mại và vận tải trên toàn khu vực.
Hôm 13/8, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói với người đồng cấp Maldives Abdulla Shahid rằng New Delhi sẽ hỗ trợ dự án kết nối Male với khoản tài trợ 100 triệu USD và hạn mức tín dụng mới là 400 triệu USD, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết.
Bộ trưởng Jaishankar nói kế hoạch nối thủ đô Male với các đảo Villingili, Gulhifahu và Thilafushi sẽ là dự án cơ sở hạ tầng dân sự lớn nhất ở Maldives, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết thêm.
“Bộ trưởng Ngoại giao Shahid nhấn mạnh rằng kết nối tốt hơn sẽ mang đến sự thịnh vượng”, Bộ này nói.
Ấn Độ đang tìm cách giành lại ảnh hưởng ngoại giao tại đảo quốc này sau khi chính quyền mới do Tổng thống Ibrahim Solih lãnh đạo lên nắm quyền sau thất bại của lãnh đạo thân Trung Quốc Abdulla Yameen trong cuộc bầu cử năm 2018.
Ông Yameen bị kết tội rửa tiền và bị kết án 5 năm tù vào năm ngoái, sau khi đối mặt với các cáo buộc trao các hợp đồng cho các công ty Trung Quốc với giá quá cao, trong đó bao gồm dự án xây một cây cầu lớn nối Male với đảo Hulhumale và phần mở rộng đến sân bay quốc tế.
“Kể từ tháng 11 năm 2018, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih, Ấn Độ và Maldives bắt đầu một giai đoạn quan hệ đối tác năng động và đầy tham vọng, xây dựng trên mối quan hệ lâu dài của chúng ta dựa trên lợi ích chung và sự tin tưởng lẫn nhau”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói.