Biểu tình phản đối bầu cử: Belarus «sẵn sàng đối thoại xây dựng» với nước ngoài; Phụ nữ Belarus tạo ‘chuỗi đoàn kết’
Biểu tình phản đối bầu cử: Belarus «sẵn sàng đối thoại xây dựng» với nước ngoài
14/08/2020
Hôm nay, 14/08/2020, ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei tuyên bố là nước này sẵn sàng có các cuộc thảo luận « mang tính xây dựng và khách quan » với các đối tác nước ngoài về cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi và các vụ bạo động sau bầu cử.
Theo hãng tin AFP, ngoại trưởng Belarus đã tuyên bố như trên với đồng nhiệm Thụy Sĩ Ignazio Cassis, vào lúc quốc tế đang gia tăng áp lực đối với chính quyền Minsk.
Bộ Ngoại Giao Đức, quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, hôm qua đã khẩn cấp triệu đại sứ Belarus lên để bày tỏ thái độ bất bình về các hành động đàn áp những người biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử vừa qua, mà phe đối lập tố cáo là có nhiều gian lận.
Trước đó, bên lề một cuộc gặp với đồng nhiệm Na Uy tại Berlin, ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã tuyên bố : « Rõ ràng là việc đàn áp thô bạo và bắt giữ những người biểu tình ôn hòa, những nhà báo ở Belarus là điều không thể chấp nhận được trong châu Âu của thế kỷ 21 ». Berlin vẫn chủ trương là Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc họp hôm nay ban hành các biện pháp trừng phạt chính quyền Minsk.
Về phần ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, hôm qua ông đã kêu gọi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu hợp tác để giải quyết khủng hoảng chính trị ở Belarus.
Cũng hôm qua, các chuyên gia về nhân quyền của LHQ đã lên án những vụ bạo hành của cảnh sát Belarus và các vụ bắt giam quy mô lớn ở Belarus sau cuộc bầu cử tổng thống. Họ kêu gọi cộng đồng quốc tế phải gia tăng áp lực đối với chính quyền Minsk.
Trong khi đó, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga hôm qua lên án điều mà họ gọi là những mưu toan của nước ngoài nhằm « làm mất ổn định » Belarus.
Cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, với kết quả chính thức là tổng thống Alexandre Loukachenko tái đắc cử với 80% số phiếu, đã bị phe đối lập Belarus tố cáo là có nhiều gian lận. Từ Chủ nhật đến nay, ngày nào cũng có các cuộc xuống đường phản đối kết quả bầu cử, bị cảnh sát đàn áp dữ dội. Cho tới nay, theo số liệu chính thức, đã có hơn 6.700 người biểu tình bị bắt. Bất chấp đàn áp của cảnh sát, hôm qua, phong trào phản kháng vẫn tiếp diễn dưới hình thức tạo các chuỗi dây chuyền người ở nhiều nơi tại thủ đô Minsk, cũng như với các cuộc tuần hành ôn hòa.
Tối qua, chính quyền Belarus thông báo trả tự do cho hơn 1.000 người biểu tình, với điều kiện không được tiếp tục tham gia các cuộc tập hợp không được phép. Đồng thời bộ trưởng Nội Vụ Iouri Karaev đã xin lỗi về những bạo hành của cảnh sát đối với « những người đi đường », không dính gì đến biểu tình.
Theo RFI
Phụ nữ Belarus tạo ‘chuỗi đoàn kết’ để phản đối việc trấn áp biểu tình
Những người phụ nữ đã tạo thành các chuỗi dây người tại Belarus để lên án tình trạng đàn áp biểu tình quanh kỳ bầu cử gây tranh cãi.
Nhiều người mặc đồ trắng và mang theo hoa, kêu gọi cảnh sát chấm dứt những hành động tàn bạo.
Bạo loạn nổ ra trên toàn quốc sau khi nhà lãnh đạo nắm quyền lâu năm Alexander Lukashenko được tuyên bố chiến thắng kỳ bầu cử tổng thống hôm Chủ Nhật, sự kiện bị cáo buộc có tình trạng gian lận phiếu bầu.
Nhiều ngàn người đã bị bắt giữ, ít nhất hai người thiệt mạng.
Theo số liệu chính thức mới nhất, Bộ Nội vụ nói cảnh sát đã bắt giữ 700 người, nâng tổng số bị bắt lên 6.700.
Một số đã được thả hôm thứ Năm. Nhiều thân nhân đứng tụ tập trong nước mắt bên ngoài một nhà thờ ở phía bắc thủ đô Minsk với hy vọng được gặp lại hoặc có tin tức về người thân của mình.
Trong lúc các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra trong ngày thứ năm, hàng trăm phụ nữ đã tạo thành “chuỗi dây đoàn kết” tại Minsk.
Những người tham dự nói với các phóng viên rằng họ muốn có một giải pháp hòa bình, và kêu gọi trả tự do cho tất cả những người biểu tình bị bắt giữ.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp các phụ nữ tại Minsk thực hiện việc này. Tin tức nói những cảnh tương tự cũng diễn ra tại nhiều nơi khác trên toàn quốc.
Hình ảnh video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy gương mặt đối lập Maria Kolensnikova tham dự cùng nhiều phụ nữ khác biểu tình tại Minsk, tay cầm bó hoa.
Bà là một trong ba phụ nữ hàng đầu trong phe đối lập. Hai người khác đã rời khỏi đất nước.
Veronika Tsepkalo rời Belarus vào ngày bỏ phiếu, còn ứng viên đối lập chính trong kỳ bầu cử, Svetlana Tikhanovkaya, đã bị giữ trong một thời gian ngắn hôm thứ Hai, trước khi khi rời Belarus sang Lithuania.
Một cộng sự nói rằng bà Tikhanovskaya đã được giới chức đi kèm ra khỏi nước như một phần trong thỏa thuận trả tự do cho người phụ trách chiến dịch bầu cử của bà, vốn đã bị bắt vào đêm trước ngày bỏ phiếu.
Bà Tikhanovskaya, 37 tuổi, công bố video nói bà đã phải ra “một quyết định vô cùng khó khăn” là rời khỏi đất nước vì con cái.
Ứng viên đối lập này là phụ nữ nội trợ trước khi tham gia chạy đua vào ghế tổng thống, thế chỗ cho người chồng đã bị bắt và bị cấm đăng ký tranh cử.
Bà trở thành thách thức khó khăn nhất của ông Lukashenko kể từ nhiều năm qua. Bà đã dẫn đầu các cuộc tuần hành lớn trong thời gian trước khi bỏ phiếu.
Ông Lukashenko đã bác bỏ nỗ lực của bà. Ông nói rằng phụ nữ không thể dẫn dắt Belarus được.
“Hiến pháp của chúng ta không phải dành cho phụ nữ,” ông nói hồi đầu năm nay. “Xã hội chúng ta chưa trưởng thành đủ mức để bỏ phiếu cho một phụ nữ, đó là bởi theo Hiến pháp thì tổng thống có rất nhiều quyền.”
Ông Lucashenko, 65 tuổi, đã nắm quyền tại quốc gia cựu thành viên Liên bang Xô viết này kể từ 1994. Ông miêu tả những người ủng hộ phe đối lập là “bầy cừu” do nước ngoài kiểm soát.
Trong lúc các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra hôm thứ Năm, một số công nhân đã tổ chức bãi công.
Hãng internet khổng lồ của Nga, Yandex, nói rằng các cá nhân có vũ trang đã xông vào trụ sở của công ty tại Minsk và cấm các nhân viên rời đi. Công ty nói họ đang tìm cách thu thập thêm thông tin về vụ việc.
Chuyện gì nữa đang xảy ra?
Các quan chức bầu cử nói rằng ông Lukashenko thắng 80% phiếu bầu hôm Chủ Nhật, nhưng các cuộc biểu tình đã nổ ra giữa lúc có cáo buộc về tình trạng gian lận phiếu bầu.
Kỳ bầu cử bị Liên hiệp Châu Âu lên án là “không tự do cũng không công bằng”.
Hàng trăm người đã bị thương khi cảnh sát trấn áp biểu tình, trong đó có một số trường hợp bị thương nghiêm trọng. Một nhóm quay phim của BBC đã bị cảnh sát tấn công vào tối thứ Ba.
Giới chức xác nhận đã có hai người thiệt mạng.
Một người chết trong cuộc biểu tình ở thủ đô Minsk hôm thứ Hai. Bộ Nội vụ Belarus nói một thiết bị nổ đã rớt khỏi tay người này.
Trường hợp thứ hai, một người đàn ông 25 tuổi tử vong tại thành phố Gomel ở miền đông nam hôm thứ Tư.
Ủy ban Điều tra Belarus nói rằng người này bị bắt và bị kết án tù 10 ngày do tham dự vào một cuộc biểu tình bất hợp pháp, và tử vong sau khi được đưa ra tới bệnh viện do cảm thấy không khỏe.
Mẹ của người này nói với kênh phát thanh Châu Âu Tự do rằng con bà không hề tham dự vào bất kỳ cuộc biểu tình nào, và bị bắt khi đang đi thăm bạn gái. Bà nói nói anh có vấn đề về tim và đã bị giam vài tiếng đồng hồ trong xe van của cảnh sát.
Người dân hô vang những từ như “cút đi” từ ban công nhà mình – đây chính là khẩu hiệu mà người biểu tình dùng trên thực tế.
Cảnh sát đáp trả với việc bắn đạn cao su vào người biểu tình.
Liên Hiệp Quốc lên án việc giới chức sử dụng bạo lực.
Hình ảnh video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy các cựu nhân viên đặc nhiệm vứt bỏ đồng phục vào thùng rác để tỏ ý phản đối hành động của các cựu đồng nghiệp.
“Tôi từng tự hào về đơn vị mà mình từng phục vụ. Nay tôi cảm thấy xấu hổ, xấu hổ cho tất cả những ai tuân theo mệnh lệnh đó,” một cựu nhân viên đặc nhiệm nói.
Nhân viên một số nhà máy và các tổ chức học thuật đã tiến hành bãi công, đòi chấm dứt bạo lực và kêu gọi hãy công nhận bà Tikhanovskaya là người thắng cử.
Những người không bãi công thì tổ chức họp với cấp quản lý của mình để biểu thị thái độ giận dữ về kết quả bầu cử và về việc cảnh sát tiến hành trấn áp biểu tình.
Theo BBC