Đọc báo Pháp – 13/08/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 13/08/2020

Bầu cử Mỹ: Harris lá chủ bài đa năng của Joe Biden – Tú Anh

Do đâu mà Joe Biden chọn Kamala Harris đứng cùng liên danh? Vì sao quảng cáo vac-xin của Putin làm giới khoa học quốc tế hoài nghi?. Đó là các câu hỏi trên các báo phát hành tại Paris ngày 13/08/2020.

Kamala Harris: chọn lựa lịch sử của phe Dân Chủ

“Chiến binh Harris”, nữ thượng nghi sĩ mà ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ Joe Biden mời làm “phó” là một nhân vật thuộc phe trung tả, da màu, mẹ là bác sĩ ung thư gốc Ấn, cha là giáo sư kinh tế người Jamaica.

Le Monde, trong bài vì sao Biden chọn Harris, nói qua về những ưu thế của cựu chưởng lý bang California mà Joe Biden ca ngợi là một nhân vật thông minh sẵn sàng lãnh đạo đất nước.Trước hết bà là phụ nữ da đen đầu tiên có cơ may làm phó tổng thống Mỹ. Chọn Harris, ông Biden trấn an được phe tả của đảng Dân Chủ, bảo đảm được lá phiếu của cử tri ủng hộ Bernie Sanders, những lá phiếu mà cách nay gần bốn năm Hillary Clinton không thu hút được.

Trong xu thế này, New York Times, khắc tinh của chủ nhân Nhà Trắng nhận định : Kamala Harris sẽ tạo “xung lực” cho chiến dịch vận động của Joe Biden, có một tương lai trước mặt để động viên thành phần trẻ không mấy hăng hái, hứng thú bỏ phiếu cho một ứng cử viên trên 70 tuổi. Chưa hết, Kamala Harris sẽ huy động được lá phiếu ở hai bang quan trọng là Bắc Carolina và Georgia, nơi có đông đảo cử tri gốc châu Phi.

Theo các tổ chức nữ quyền, năm 2020 này có thể sẽ là năm phụ nữ da đen. Họ luôn nhắc nhở là trong kỳ bầu cử 2016, có 54% phụ nữ da trắng bầu cho Doanlad Trump, 94% phụ nữ da đen bầu cho Hillary Clinton.

Liberation cùng nhận định : Kamala Harris là lá chủ bài trên mọi mặt của Joe Biden. Vừa bảo đảm thu hút được lá phiếu của thành phần cử tri truyền thống của đảng Dân Chủ vừa có thể chinh phục được giới phụ nữ các vùng ngoại ô nghèo, chìa khóa thành công

Thắng bại là do Trump

Le Figaro phân tích tương tự về các lợi thế của bà Kamala Harris trong bài Trump sẵn sàng đấu trận cuối cùng, nhưng đưa ra kết luận khác trong bài “Trump đấu với Trump”. Theo nhật báo thiên hữu, yếu tố Harris thật ra không quyết định thành bại của Donald Trump trong ngày 03/11 tới. Tất cả đều tùy thuộc ở Trump, vào thành quả kinh tế cái được cái không, vào cá tính không giống ai.

Người Mỹ sẽ đi bầu vì thương hay vì ghét. Nếu cử tri Mỹ, sau bốn năm với Trump đã cảm thấy mệt mỏi thì Joe Biden sẽ là người trở lại một phần nào của thời kỳ trước 2016.

Vac-xin Covid: Putin dùng chiến tranh tâm lý thời Liên Xô

Đề tài đồng thuận thứ hai là “Vac-xin của Putin”: Làm thế nào mà tổng thống Nga có thể khẳng định Nga chế tạo vac-xin chống Covid 19  mà không qua các thủ tục thử nghiệm đại trà? Theo Le Monde, cuộc chạy đua vac-xin của Putin làm dân Nga đâm ra nghi ngờ chính quyền sử dụng nghiên cứu khoa học để phục vụ mục tiêu chính trị. Nào là “chúng ta đi trước Mỹ, đi trước cả thế giới”. Mười ngày trước, Kiril Dmitriev, chủ tịch Quỹ đầu tư quốc gia, tài trợ cho chương trình vac-xin tuyên bố khoa trương.

Nhắc lại thái độ này, Le Monde châm biếm : Thắng rồi. Chuyện còn lại bây giờ là điện Kremlin phải thuyết phục người Nga tin tưởng vào hiệu năng của thuốc chủng Nga chống Covid 19 và tính vô hại của nó.

Ngay việc chọn tên “sputnik V” hàm ý Nga đi trước Mỹ trong cuộc đua chinh phục không gian.

Trong cuộc chạy đua tìm vac-xin chống Covid, châu Âu xem đây là nhiệm vụ chung của cộng đồng quốc tế thì Nga và Trung Quốc nhắm vào mục tiêu địa chính trị.

Không phải ngẫu nhiên mà Nga đặt tên vac-xin chống Covid là Sputnik V. V là số 5 mà V cũng là chiến thắng.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà con gái của Putin “tự nguyện” làm người thử (cobaye). Cũng không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc khẳng định là các tướng lãnh tham gia nhận liều vac-xin thử nghiệm.

Qua ngòi bút của chuyên gia địa chiến lược Pháp Antoine Bondez, La Croix nhắc lại là vào năm 1957 khi người Nga phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất lên quỹ đạo và mang tên Sputnik-1 thì vào thời điểm đó Liên Xô đã thua Mỹ về công nghệ không gian.Tuy nhiên, thành công của Sputnik làm người Mỹ hoang mang nghĩ rằng Hoa Kỳ thua, Liên Xô thắng. Sự thật không phải là như thế nhưng Sputnik gây “sốc” trong công luận Mỹ và dẫn đến một cuộc chạy đua chinh phục không gian. Với vac-xin thì cũng có cùng tác động. Báo New York Times chạy tựa: Trân Châu cảng công nghệ.

Covid tại Pháp : giới trẻ trong tầm nhắm

2500 ca trong một ngày, nước Pháp lo lắng trước hiện tượng Covid lây lan mạnh trở lại và nhất là trong giới trẻ. “Làm sao đánh thức tinh thần trách nhiệm của thế hệ 20-30 đang bị siêu vi corona tấn công ngày càng nhiều?” Và “Thanh niên: coi chừng Covid tấn công các bạn” là hai bài báo động của Le Monde.

Lời kêu gọi khẩn thiết của giáo sư Jean François Defraisy, chủ tịch Hội Đồng Khoa Học Covid 19 của Pháp được Le Monde trích lại nguyên văn: “Cộng đồng trẻ hiểu nguy cơ siêu vi corona lây lan trong giới trẻ. Nhưng họ không hiểu là cần phải tự bảo vệ và bảo vệ người khác nữa và tương lai của chính họ”. Theo các số liệu công bố trong tuần đầu tháng 8, số ca bị nhiễm siêu vi corona chủng mới tăng 45% trong thành phần bệnh nhân từ 15 đến 45, đặc biệt là trong độ tuổi 20-30. Tháng hè với bãi biển, sinh nhật, họp mặt, vui chơi là cơ hội tốt cho Covid 19 lây lan.

Les Echos cho biết thêm là trong số các ổ dịch mới bùng ra, 20% là từ các cơ quan làm việc. Trong tình hình này, các công ty tại Pháp bị áp lực buộc nhân viên đeo khẩu trang thường trực.

Cũng cùng lời báo động : Giới thanh niên giúp Covid lan mạnh hơn. Le Figaro cho biết bộ trưởng Nội Vụ đã nghiêm khắc chỉ thị cho các tỉnh trưởng trong vòng ba tuần phải báo cáo chiến thuật chận dịch lây lan, mà ông cho là ” có lơ là” từ khi biện pháp phong tỏa, cách ly được hủy bỏ. Nhật báo thiên hữu dự báo sẽ có nhiều nhà hàng, vũ trường, bãi biển, công viên những tụ điểm của giới trẻ sẽ bị kiểm soát gắt gao.

Nhân quyền châu Á

Liên quan đến nhân quyền, Les Echos cho biết Liên Hiệp Châu Âu vừa tái áp đặt thuế quan đối với một số hàng sản xuất từ Cam Bốt để trừng phạt cảnh cáo chính quyền Hun Sen không tôn trọng quyền công nhân. Tuy nhiên, Bruxelles thận trọng, không cắt nguồn dưỡng khí đẩy quốc gia Đông Nam Á này vào tay Trung Quốc.

Les Echos cũng lưu tâm đến tình hình Hồng Kông với bài “Các nhà hoạt động trước bánh xe hủ lô cán đá, luật an ninh, của Trung Quốc. Giới doanh nhân cũng lo sợ dữ kiện, thông tin khách hàng bị lọt vào tay an ninh Trung Quốc.

Địa Trung hải dậy sóng

La Croix trên trang nhất báo động về sự kiện tàu thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ra vào lãnh hải của láng giềng : Ankara chơi trò nguy hiểm ở Địa Trung Hải và biển Egée, gây căng thẳng với Chypre và Hy Lạp.

Trong khu vực, tại Liban, Liberation dành một trang phóng sự về số phận hẩm hiu của những lao động nước ngoài chết trong vụ nổ hóa chất mà không được một ai đoái hoài, không một giọt nước mắt xót thương.

Cùng lúc đó, người dân Liban phẫn uất xuống đường phản đối hệ thống chính trị vô tâm thì bị đàn áp thẳng tay.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200813-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-harris-l%C3%A1-ch%E1%BB%A7-b%C3%A0i-%C4%91a-n%C4%83ng-c%E1%BB%A7a-joe-biden

 

Tin tổng hợp

(Reuters) – Washington sẽ buộc các Viện Khổng Tử Trung Quốc ở Mỹ đăng ký thành “phái bộ nước ngoài”. 

Theo hãng tin Bloomberg 13/08/2020, Bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ thông báo quy định trên vào hôm nay 13/08/2020. Theo quy định này, các trung tâm văn hóa do chính phủ Trung Quốc tài trợ tại các trường đại học ở Mỹ phải đăng ký là phái bộ nước ngoài, và sẽ phải tuân thủ các yêu cầu về hành chính tương tự như các đại sứ quán và lãnh sự quán.

(AFP) – Anh suy thoái kỷ lục vì Covid. 

Trong quý II năm nay, nền kinh tế Anh đã sụt giảm đến mức kỷ lục là 20,4%, tệ hơn cả Tây Ban Nha (-18,5%) và Pháp (-13,8%), theo con số của cơ quan thống kê quốc gia (ONS) công bố hôm 12/08/2020. Đây là mức sụt giảm kỷ lục, kể từ khi ONS bắt đầu ra thống kê hàng quý năm 1955 đến nay. Do lệnh phong tỏa vì đại dịch virus corona ngày 23/03, hoạt động kinh tế của Anh trong tháng Tư hầu như ngưng trệ toàn bộ.

(Reuters) – Địa điểm nguyên tử quan trọng nhất Bắc Triều Tiên bị nạn lụt đe dọa. 

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy các trận lụt mới đây ở Bắc Triều Tiên có thể làm hư hại những trạm bơm liên quan đến Yongbyon, cơ sở hạt nhân lớn nhất nước này. Các nhà phân tích của think tank 38th North hôm nay 13/08/2020 khẳng định hệ thống làm lạnh lò phản ứng nguyên tử tại đây rất dễ tổn thương trước các điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Bán đảo Triều Tiên gần đây bị ảnh hưởng bởi các đợt mưa lớn kéo dài, lụt lội và đất lở.

(Yonhap) – Khoảng 60% dân Bắc Triều Tiên bị đói.

Hôm nay, 13/08/2020, bộ Nông Nghiệp Mỹ ra một báo cáo cho biết khủng hoảng lương thực đang đe dọa Brazil, trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo báo cáo này, 59,8% dân số Bắc Triều Tiên, tức 15,3 triệu người, bị đói, nhiều hơn 700.000 người so với năm ngoái. Theo đánh giá của bộ Nông Nghiệp Mỹ, tại châu Á, tình hình tại Bắc Triều Tiên là đáng lo ngại nhất là cùng với hai quốc gia châu Á khác đang trong tình trạng chiến tranh, Afghanistan và Yemen

(AFP) – Khoảng 40 triệu dân Mỹ có nguy cơ trở thành người vô gia cư. 

Đại dịch Covid-19 khiến hàng chục triệu người Mỹ có thể mất nơi nương tựa. Theo một đại diện của hiệp hội Georgia Advancing Communities Together, làn sóng trục xuất có thể diễn ra trong những tuần tới, nếu chính quyền Trump và đối lập không đạt thỏa thuận trợ giúp quy mô lớn. Theo một thống kê của chính quyền Mỹ, khoảng 30% người Mỹ hiện nay khó có khả năng trả tiền thuê nhà vào tháng tới. Đối lập Dân Chủ Mỹ đề xuất chương trình hỗ trợ 100 tỉ đô la cho các gia đình không có khả năng trả tiền thuê nhà. Phe Cộng Hòa hiện tại không chấp nhận..

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200813-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 13/8:

Ông Pompeo: Trung Quốc tồi tệ hơn Liên Xô;

Đài Loan muốn có thêm vũ khí Mỹ

để ‘chống xâm lược’

Lục Du

Chào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của DKN. Bản tin sáng nay, thứ Năm (13/8), có những tin sau:

Ông Pompeo: Trung Quốc tồi tệ hơn Liên Xô

Trung Quốc gây ra mối đe dọa đối với phương Tây, theo một số cách còn “tồi tệ hơn” so với mối đe dọa Liên Xô tạo ra trong Chiến tranh Lạnh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu quan điểm trong bài phát biểu trước Thượng viện Séc hôm thứ Tư, Politico đưa tin.

“Những gì đang xảy ra bây giờ không phải là Chiến tranh Lạnh 2.0. Thách thức tới từ mối đe dọa của ĐCSTQ theo một cách nào đó còn tồi tệ hơn [Liên Xô]”, ông Pompeo nói.

“ĐCSTQ đã có mặt trong nền kinh tế chúng ta, trong nền chính trị chúng ta, trong xã hội chúng ta theo những cách mà Liên Xô chưa từng làm được”.

Đài Loan muốn có thêm vũ khí Mỹ để ‘chống xâm lược’

Đài Loan đang đàm phán với Washington về việc mua thủy lôi và tên lửa hành trình Mỹ để ngăn chặn các cuộc tấn công xâm lược, bà Hsiao Bi-khim, ‘đại sứ thực tiễn’ của Đài Loan tại Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Tư, theo Reuters.

Phát biểu với Viện Nghiên cứu Hudson ở Washington, bà Hsiao nói rằng Đài Loan đang phải đối mặt với “một vấn đề sống còn hiện hữu” trước các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh đối với hòn đảo, và vì thế cần phải mở rộng khả năng tự vệ của mình.

Bà Hsiao cho hay: “Ý chúng tôi muốn nói là hiệu quả về chi phí, [phải] đủ sức mạnh để đảm bảo tính răn đe, để khiến bất kỳ cuộc xâm lược nào đều phải trả giá rất đắt”.

Bà Hsiao Bi-khim, đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ.

Chuyên gia: Mỹ có nhiều cách khiến Bắc Kinh ‘đau đớn’

Hoa Kỳ không chỉ có thể trừng phạt các ngân hàng mà còn có thể tịch thu tài sản của Trung Quốc ở nước ngoài, Yu Yongding, thành viên cấp cao Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một tổ chức tư vấn cho Bắc Kinh, nói tại một diễn đàn do Beijing News tổ chức hôm thứ Tư (12/8), theo SCMP.

Theo ông Yu, một kịch bản có thể xảy ra là Mỹ sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Trung Quốc, như đã từng làm vào năm 2012 đối với Ngân hàng Kunlun, một ngân hàng đại lục được tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc chống lưng, vì có các giao dịch với Iran.

Không chỉ vậy, việc cấm các ngân hàng Trung Quốc giao dịch với hệ thống tài chính Mỹ chỉ là một trong nhiều cách Washington gây đau đớn cho chính quyền Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính, ông Yu, cựu cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho biết thêm.

Mỹ có hệ thống phòng thủ ‘hiệu quả’ trước Triều Tiên

Hoa Kỳ có một hệ thống phòng thủ nội địa mạnh và “rất hiệu quả” trước tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên, một tướng lĩnh cấp cao Lầu Năm Góc cho biết, theo Yonhap.

Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, Tướng John Hyten, đưa ra thông tin này trong cuộc thảo luận với Viện Nghiên cứu Hudson phát sóng hôm thứ Tư.

“Tôi nghĩ rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng ta trước Triều Tiên là khá mạnh mẽ”, ông nói. “Chúng tôi có hệ thống đánh chặn tên lửa, chủ yếu ở Alaska, nhưng cũng có ở Vandenberg [bang California], rất hiệu quả để chống lại mối đe dọa đó”.

Congo: Công ty khai thác mỏ Trung Quốc bị tấn công

Một người Hoa đã thiệt mạng sau khi một nhóm tay súng tấn công khu vực khai thác do công ty Zijin Mining Group Co của Trung Quốc điều hành ở miền nam Cộng hòa Dân chủ Congo. Sự việc diễn ra vào sáng thứ Ba (11/8), theo Reuters.

Nhân viên người Trung Quốc này bị bắn tại mỏ đá vôi Carrilu ở tỉnh Lualaba trong khi nhân viên khu mỏ cố gắng xua đuổi 7 kẻ tấn công, theo thông tin trên trang web của Zijin Mining Group Co.

Một công dân Congo cũng bị thương trong cuộc đột kích, nhưng không bị đe dọa đến tính mạng.

Reuters cho hay, bất chấp rủi ro an ninh, Congo đã nhận hàng tỷ đô la tiền đầu tư từ các công ty khai thác mỏ của Trung Quốc trong những năm gần đây. Hồi tháng Tư, ba công dân Trung Quốc đã thiệt mạng ở tỉnh Ituri, miền đông bắc nước này.

(Ảnh: Reuters)

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-13-8-ong-pompeo-trung-quoc-toi-te-hon-lien-xo-dai-loan-muon-co-them-vu-khi-my-de-chong-xam-luoc.html

 

Điểm tin thế giới tối 13/8:

Trung Quốc đứng trước nguy cơ

mất an ninh lương thực; ‘Vua trái phiếu’

phố Wall dự đoán ông Trump tái đắc cử

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (13/5) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

‘Vua trái phiếu’ phố Wall dự đoán ông Trump tái đắc cử

Tỷ phú Mỹ Jeffrey Gundlach, người được mệnh danh “vua trái phiếu” ở Phố Wall, hôm thứ Ba đã dự đoán rằng ông Trump sẽ tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay, theo Epoch Times.

Ông Gundlach, 60 tuổi, từng dự đoán chính xác việc ông Trump sẽ đắc cử ở cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 ngay tại thời điểm đối thủ của ông Trump là bà Hillary đang chiếm ưu thế.

Tỷ phú Gundlach cho rằng dữ liệu thăm dò xu hướng ủng hộ của người dân cho các ứng viên tổng thống nhiệm kỳ tới tại thời điểm này không đáng tin cậy vì Hoa Kỳ đang ở trong một môi trường chính trị bị nhiễm độc cao.

Trung Quốc đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực

Bắc Kinh đang kêu gọi người dân tiết kiệm thực phẩm khi nguy cơ thiếu hụt lương thực ở Trung Quốc đang hiển hiện trước mắt do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, đại dịch Covid, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và thiên tai nghiêm trọng thời gian qua.

Reuters hôm thứ Năm cho hay, trong tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi tình trạng lãng phí thực phẩm là “đáng xấu hổ” . Hôm thứ Ba, ông Tập trong một bài phát biểu được truyền thông nhà nước đăng tải đã tuyên bố việc lãng phí lương thực ở Trung Quốc là điều “gây sốc”.

Ở Trung Quốc có những người nổi tiếng trên mạng nhờ khả năng ăn được một lượng lớn thực phẩm trong một thời gian ngắn. Hiện những người này đang bị chỉ trích nặng nề trong bối cảnh nguồn cung lương thực cho hơn một tỷ dân ở Đại Lục không còn dồi dào như trước.

Tướng Mỹ: Tàn quân IS đang xây dựng lại lực lượng

Các phần tử của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đang cố gắng kiến thiết lại lực lượng của họ ở phía tây Syria, nơi mà Mỹ có ít sự hiện diện, tướng Frank McKenzie, chuyên trách vấn đề Trung Đông, đưa ra cảnh báo hôm thứ Tư, theo AP.

Theo Tướng Frank McKenzie, khu vực phía tây sông Euphrates nơi lực lượng chính phủ Syria đang nắm quyền kiểm soát, tình hình đang trở nên “kém hoặc thậm chí tồi tệ” khi lực lượng phiến quân IS nổi dậy đang gia tăng.

Ông McKenzie cho hay hoạt động của các nhóm tàn quân IS đang làm dấy lên quan ngại rất lớn, và cho biết Mỹ và các đồng minh không tin tưởng chính phủ Syria có thể làm điều gì đó để trấn áp lực lượng khủng bố nguy hiểm này.

Hồng Kông hủy hiệp ước dẫn độ với Đức và Pháp

Chính quyền Hồng Kông đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Đức vào thứ Tư, và cũng đã tạm hoãn một hiệp ước tương tự, nhưng chưa được thực thi với Pháp, theo Hong Kong Free Press.

Phát ngôn viên chính quyền Hồng Kông nói rằng các động thái của hai quốc gia châu Âu là hành vi “can thiệp công khai vào công việc nội bộ của Trung Quốc và vi phạm luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực cơ bản trong điều chỉnh quan hệ quốc tế”.

Động thái này nối tiếp quyết định của Đức và Pháp đình chỉ các hiệp ước dẫn độ của họ với Hồng Kông để phản đối luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh gần đây thông qua, vốn được các nhà phân tích nhìn nhận là đang hạn chế các quyền cơ bản của người dân thành phố cảng.

Bà Thái Anh Văn muốn Mỹ giúp bảo vệ quê hương

Trong một bài phát biểu trước một nhóm các chuyên gia của viện Hudson (Mỹ) hôm thứ Tư, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã bàn về tương lai của Đài Loan, vai trò của nền dân chủ, mối quan hệ giữa Đài Bắc và Washington, và sự ủng hộ của Đài Loan với người dân Hồng Kông, theo Epoch Times.

Bà Thái cũng đã nói nhiều về mối quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc Đại lục, nơi ĐCSTQ đã cầm quyền suốt 71 năm qua và liên tục quấy rối cũng như đe dọa chủ quyền hòn đảo quê hương bà.

Trao đổi với các chuyên gia của Viện Hudson, bà Thái nói rằng Đài Loan dành 2,6% GDP cho hoạt động quốc phòng, và sẽ cố gắng tăng con số này hơn nữa để gia cố thêm sức mạnh của quân đội.

Tuy nhiên, bà Thái cho biết: “dù quân đội của chúng tôi có hiệu quả đến mấy, thì chúng tôi không thể [chiến đấu] đơn độc. Tôi tự hào rằng mối quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ chưa bao giờ thân thiết hơn. Chúng ta chia sẻ sự tin cậy lẫn nhau ở mức độ cao và chiến lược chung về cách thức chúng ta có thể làm việc cùng nhau để bảo vệ và gìn giữ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-13-8-trung-quoc-dung-truoc-nguy-co-mat-an-ninh-luong-thuc-vua-trai-phieu-pho-wall-du-doan-ong-trump-tai-dac-cu.html