Quốc Hội Myanmar tìm cách hủy bỏ quyền phủ quyết của quân đội

Cac Bai Khac

No sub-categories

Quốc Hội Myanmar tìm cách hủy bỏ quyền phủ quyết của quân đội

Theo VOA

Quốc hội Myanmar là nền tảng của chính phủ dân sự được thành lập từ 4 năm trước, nhưng cơ quan này dành riêng một phần tư số ghế đại biểu cho những người được quân đội chỉ định, khiến những người này có quyền phủ quyết đối với tất cả những đề nghị tu chính hiến pháp. Thông tín viên VOA Gabrielle Paluch tường thuật rằng Quốc hội đang xem xét tới việc sửa đổi hiến pháp để loại bỏ quyền phủ quyết này và các quan sát viên quốc tế nói rằng sự loại bỏ đó là một bước then chốt để củng cố sự chuyển đổi sang thể chế dân chủ.

Đảng đối lập chính ở Myanmar — Liên minh Dân chủ Toàn quốc, đã thu thập được khoảng 3 triệu chữ ký cho kiến nghị hủy bỏ điều khoản dành cho quân đội quyền phủ quyết là Điều 436.

Tại một cuộc mít tinh hồi đầu tuần này, bà Aung San Suu Kyi, người đứng đầu Liên minh Dân chủ, đã phát biểu như sau về tầm quan trọng của việc này:

Nếu chúng ta không thay đổi điều 436, thì điều đó có nghĩa là quân đội có quyền phủ quyết hầu như hoàn toàn đối với những gì có thể sửa đổi hay không thể sửa đổi trong bản hiến pháp. Tôi nghĩ rằng chỉ có những người đại diện do dân bầu ra mới có quyền quyết định về việc có nên sửa đổi hiến pháp hay không.

Theo Điều 436, đề nghị tu chính hiến pháp phải có sự chấp thuận của ba phần tư đại biểu, và như thế là trao quyền phủ quyết cho một phần tư đại biểu do quân đội bổ nhiệm. Cuộc vận động thu thập chữ ký cho kiến nghị này dự trù sẽ kết thúc vào ngày 19 tháng 7.

Ông Ko Ni là cố vấn pháp lý của Liên minh Dân chủ và là thành viên của ủy ban tu chính hiến pháp của đảng này. Ông nói rằng việc thông qua quốc hội để thay đổi Điều 436 vô cùng khó khăn vì Liên minh Dân chủ chỉ chiếm 7% số ghế ở quốc hội. Ông nói rằng đảng ông hy vọng chiến dịch lấy chữ ký sẽ có ích cho mục tiêu của mình, nhưng có phần chắc sẽ cần tới sự hậu thuẫn của một số đại biểu thuộc phe quân đội. Ông nhận định:

“Theo quan điểm của tôi, điều này không khả thi. Nhưng vì có áp lực của dân chúng, cho nên nếu họ xem xét tới nguyện vọng của người dân, có lẽ họ sẽ đồng ý sửa đổi hiến pháp. Nếu họ lo ngại mà không thay đổi Điều 436 thì chúng tôi có thể thất bại.”

Theo ông Ko Ni, ngay cả trong trường hợp có sự chấp thuận của 75% đại biểu quốc hội thì điều khoản tu chính vẫn cần có sự tán đồng của 51% cử tri trong một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2010, chính phủ của Tổng thống Thein Sein thường xuyên bị chỉ trích là chỉ có tính chất dân sự trên danh nghĩa, và một trong những lý do của sự chỉ trích đó là hiến pháp chỉ có thể được sửa đổi với sự cho phép của quân đội.

Phát biểu tại một trường võ bị ở Naypytaw hồi tuần trước, Thiếu tướng Anthony Crutchfield của quân đội Mỹ nói với các viên sĩ quan Myanmar rằng một bước quan trọng để trở thành một quân đội chuyên nghiệp là được kiểm soát bởi một chính phủ dân sự, chứ không phải ngược lại.

Các thành viên của quân đội thường biện bạch cho quyền hành chính trị của họ bằng cách nói rằng điều này có mục đích ngăn ngừa tình trạng hỗn loạn. Ông David Law, giáo sư môn luật và khoa học chính trị của Đại học Washington, nói rằng lý do đó không chính đáng.

Theo giáo sư Law, tuy việc sửa đổi hiến pháp thông qua các phương tiện pháp lý rất khó khăn, nhưng cũng có những cách khác như thông qua tòa án hiến pháp, tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới, hay một phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, ông thêm rằng, việc loại bỏ quyền hành của quân đội một cách quá nhanh chóng có thể có phản tác dụng:

“Nếu họ không có ghế ở quốc hội thì chúng ta có một mối rủi ro khác là quốc hội sẽ làm những gì mà quốc hội muốn làm, nhưng điều đó có thể sẽ dẫn tới một cuộc đảo chánh. Cho nên vấn đề là làm cách nào chúng ta có được một nền dân chủ trong lúc không để cho quân đội có khả năng hay ước muốn để lật đổ chính phủ mà chúng ta lập ra.”

Bước kế tiếp cho đề nghị tu chính hiến pháp là ủy ban soạn thảo trình bày đề nghị này cho toàn thể quốc hội. Việc này dự kiến sẽ được thực hiện trước cuối tháng 7.