Tin Việt Nam – 30/07/2020
Covid-19: Việt Nam tăng cường các biện pháp ngăn chận dịch – Thùy Dương
Theo thông tin bộ Y Tế công bố lúc 6h sáng hôm nay 30/07/2020 trên trang tin về dịch Covid-19, Việt Nam mới phát hiện thêm 9 ca nhiễm mới virus corona, trong đó có 8 người tại Đà Nẵng và một người tại Hà Nội. Đây đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Ca nhiễm mới tại Hà Nội là một người đã ở Đà Nẵng trong 3 tuần và quay ra Hà Nội ngày 25/07. Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu thành phố dồn sức xét nghiệm tầm soát nhanh, đảm bảo trong 3 ngày phải xét nghiệm xong cho hơn 21.000 người vừa trở về từ Đà Nẵng. Chính quyền thành phố Hà Nội còn ra lệnh hủy bỏ các sự kiện tổ chức nơi công cộng và cho đóng cửa các quán bar, câu lạc bộ từ hôm nay.
Theo hãng tin Mỹ AP, dịch bệnh từ Đà Nẵng đã lan ra 5 tỉnh thành khác và Việt Nam kể từ hôm nay tăng cường các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch lan rộng ra cả nước. Thành phố Hội An tái lập biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 31/7/2020 đến ngày 14/8/2020. Tỉnh Đăk Lăk từ sáng hôm nay cũng tái lập biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa các dịch vụ không cần thiết và cấm các cuộc tụ tập trên 20 người ở nơi công cộng. Các tỉnh ven biển Quảng Nam và Quảng Ngãi thì ra lệnh đóng cửa các bãi biển và hạn chế mở cửa các cơ sở kinh doanh.
Về tình hình sức khỏe các bệnh nhân nhiễm Covid-19, báo chí trong nước dẫn lời thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn hôm nay cho biết có 6 bệnh nhân nặng cần được tập trung cứu chữa, chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh nền hoặc bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở bệnh viện Đà Nẵng. Trong số đó, có 2 bệnh nhân phải dùng máy ECMO ( máy dùng để thay thế chức năng của phổi và tim )
Liên quan đến vụ đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào lãnh thổ Việt Nam, hôm qua, đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã ra quyết định hai người đã trực tiếp móc nối, câu kết với phía Trung Quốc đưa 4 người Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam để đến thành phố Hồ Chí Minh làm việc.
Virus corona ở Đà Nẵng:
Quanh tin đồn bệnh nhân 449 người Mỹ là F0
Bùi Thư
Covid-19 đang từ tâm dịch Đà Nẵng lan ra nhiều tỉnh thành khác, với ca bệnh tăng lên mỗi ngày; các biện pháp truy tìm nguồn lây lan được tăng cường tới mức cao nhất và nhiều người cho rằng bệnh nhân 449 người Mỹ là F0.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, có lực lượng an ninh túc trực kể từ tối 29/7. Để ngăn chặn sự lây lan, bệnh viện này hạn chế số người ra vào và sẽ xét nghiệm toàn bộ nhân viên. Các báo cáo điều tra dịch tễ cho thấy tới nay có bảy bệnh viện tại Đà Nẵng là nơi từng lui tới của những người nhiễm Covid-19.
Tranh cãi về F0
“Bệnh nhân 449” (BN 449) là nam 57 tuổi, võ sư người Mỹ, là một trong hai ca nhiễm mới được phát hiện tại TP HCM.
Điều tra dịch tễ cho thấy, từ ngày 26/6 bệnh nhân này tổng cộng đã từng có mặt ở 6 bệnh viện, cả Đà Nẵng và TP HCM, gồm Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, chuyển đến TP HCM vào Chợ Rẫy, Triều An, Quốc tế City. Đến ngày 29/7, BN 449 được khẳng định nhiễm Covid-19 và chuyển sang Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Ít nhất một người liên quan tới bệnh nhân này đã được phát hiện dương tính. Người đó là bệnh nhân 450, người chăm sóc cho BN 449 trong thời gian qua.
Một điểm đáng lưu ý, từ thời điểm bắt đầu vào bệnh viện vào cuối tháng 6, BN 449 đã có “các triệu chứng tương tự Covid-19” nên nhiều người nghi ngờ đây là bệnh nhân F0, tức nguồn lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng. Thêm nữa, bệnh nhân này tiếp xúc với rất nhiều người trước khi được xác định dương tính, nên các đồn đoán càng được dịp nở rộ.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 30/7, chị T.M, học trò thân cận của BN 449, cho biết:
“Thầy có tiền sử về bệnh phổi trên 10 năm, nhập viện vào ngày 26/6 ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng vì viêm phổi.. Ngày 1/7, tôi vào thăm thầy tại Bệnh viện Hoàn Mỹ và bay lại vào Sài Gòn vào 3/7 để thi đấu. Trong buổi thăm đó, tôi có mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang đầy đủ vì khoa thầy nằm là viêm phổi, được tiệt trùng hoàn toàn. Tới khi qua Bệnh viện Đà Nẵng, ông cũng nằm những khoa đặc biệt rất hạn chế người đến thăm”.
“Sau đó, tôi biết thầy qua Bệnh viện Đà Nẵng, được chuyển qua nhiều khoa nhưng không tiến triển nên được đưa vào Chợ Rẫy. Ngày 19/7, tôi về Đà Nẵng nhưng chưa kịp thăm thì 20/7 thầy đã chuyển vào Sài Gòn. Khi thầy còn ở Bệnh viện Đà Nẵng thì đã được làm xét nghiệm Covid-19 nhưng kết quả âm tính. Cho tới khi vào Bệnh viện Quốc tế City mới xét nghiệm là dương tính”.
Anh Nguyễn Đức Anh, là một võ sinh theo học lớp của bệnh nhân trên nói thêm: “Bản thân tôi cũng là người dễ mắc các bệnh về hô hấp, nhưng tới thời điểm hiện tại là 20 ngày vẫn chưa có triệu chứng gì, cộng với việc thầy đã có kết quả xét nghiệm âm tính trong thời gian tôi tiếp xúc thì không thể nào thầy tôi là nguồn bệnh được”.
Hà Nội có ca nghi nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng sau 107 ngày
VN: Thủ tướng yêu cầu cách ly xã hội TP Đà Nẵng từ chiều 27/7
Tuy nhiên, thông tin BN 449 được xét nghiệm với Covid có kết quả âm tính tại Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng lại trái ngược với các thông tin được công bố chính thức.
Theo đó, báo Vnexpress ghi nhận rằng trong thời gian một tháng kể từ khi nhập viện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ, bệnh nhân không được xét nghiệm Covid-19. Đến ngày 27/7, bệnh nhân mới được xét nghiệm và một ngày sau có kết quả khẳng định dương tính.
BN 449 được điều trị ở 6 bệnh viện, cả Đà Nẵng và TP HCM, gồm Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, chuyển đến TP HCM vào Chợ Rẫy, Triều An, Quốc tế City, trước khi khẳng định nhiễm Covid-19 chuyển sang Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất những ngày gần đây là vì sao đã được đến 6 bệnh viện săn sóc mà BN 449 không được xét nghiệm sớm hơn.
Lý giải điều này, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) trả lời Vnexpress cho biết:
“Ngày 20/7, bệnh nhân mới có mặt tại TP HCM. Trước đó ông ta điều trị tại các bệnh viện ở Đà Nẵng. Thời điểm ông đến TP HCM, tại Đà Nẵng và cả nước chưa phát hiện bệnh nhân Covid-19 bị lây nhiễm trong cộng đồng sau 99 ngày. Đồng thời, các yếu tố dịch tễ liên quan bệnh nhân, khi ấy chưa xác định”.
Theo chị T.M và một số nguồn tin khác, ít nhất là trong năm 2020 BN 449 này chưa rời khỏi Việt Nam lần nào.
‘Bức xúc vì tin đồn’
Tại cuộc họp báo chiều 29/7, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết hai bệnh nhân 449 và 450 đến từ Đà Nẵng đã đến 3 bệnh viện trên địa bàn TP HCM, gồm bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Triều An và Bệnh viện Quốc tế City, có tiếp xúc gần với 121 người.
Tất cả 121 người trên đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đều đã có kết quả âm tính.
Số người tiếp xúc với hai bệnh nhân này ở Đà Nẵng có thể còn nhiều và phức tạp hơn, đặc biệt là các thành viên tại các lớp võ thuật do BN449 huấn luyện.
Việt Nam: Đà Nẵng là “ổ dịch” Covid-19
Covid-19: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói không để Đà Nẵng “vỡ trận”
Chị T.M chia sẻ:
“Dù là người thân cận và là trợ tá cho thầy nhưng thời gian qua, mức độ tiếp xúc của tôi với thầy khá ít vì tôi phải chuẩn bị cho giải đấu. Tôi rất lo cho sức khỏe của thầy vì thầy có tiền sử bệnh phổi còn bản thân tôi tới thời điểm hiện tại vẫn khỏe mạnh. Tôi có trao đổi với công an ở Đà Nẵng thì do F1 ở đây đang quá đông mà tôi không tiếp xúc trực tiếp thì có thể tự cách ly tại nhà. Tôi có thông báo tình hình và lịch trình trên trang cá nhân để mọi người biết và không hoang mang”.
Chị T.M cũng nói rằng xuất phát từ sự hoang mang khi không rõ về nguồn lây bệnh, nhiều người đã đưa các đồn đoán không có căn cứ về bệnh nhân 449. Cô và nhiều người khác liên quan tới ca bệnh này đã chịu nhiều áp lực từ dư luận.
“Tới tối hôm qua 29/7, thầy mới có kết quả lần ba dương tính với Covid. Tuy nhiên, trước đó trên mạng có rất nhiều thông tin không đúng về việc thầy tôi là người mang dịch bệnh vì thầy quốc tịch Mỹ. Dù trước đó lịch trình của thầy được xác nhận không hề đi khỏi Việt Nam trong suốt thời gian qua. Người yêu và là người chăm sóc thầy (BN 450) đang nằm cách ly tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP HCM thì bị đồn là trốn viện. Chúng tôi rất bức xúc vì điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân thầy mà còn cả những người liên quan”, chị T.M chia sẻ.
Về tin đồn bệnh nhân 450 trốn viện, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM sáng 30/7 cũng đã bác bỏ.
Cũng theo chị T.M, BN 449 chính thức tới sinh sống ở Việt Nam vào khoảng đầu năm 2017:
“Tôi gặp thầy vào năm 2016, ông là một trong số ít người có đai đen bộ môn Jujittsu ở Việt Nam. Ông từng là cảnh sát và từng bị thương khi làm nhiệm vụ nên nghỉ hưu sớm và đem bộ môn Jujittsu này sang phát triển ở Việt Nam. Thầy dạy tôi, tôi phụ lớp cho thầy. Tính từ năm 2017, ông chỉ về Mỹ đúng một lần. Thời gian qua, ông chưa rời Việt Nam. Ngay cả khi mẹ ông mất, ông cũng không về Mỹ nên không thể nói ông là người mang chủng virus mới vào Việt Nam”.
Chị T.M cũng nói thêm, chị đã làm việc với phía công an vào hôm 29/7. Sau đó, công an đã gọi và xác nhận mọi thông tin chị cung cấp, đồng thời thông báo sẽ làm rõ thêm để đính chính những thông tin sai lệch về BN 449.
Anh Nguyễn Đức Anh cũng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt:
“Tôi tiếp xúc với thầy khoảng bốn, năm lần từ ngày 6-10/7, mỗi ngày tôi vào thăm thầy một đến hai lần. Lần nào tôi cũng đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ đầy đủ. Mỗi lần thăm thầy chỉ tầm 15 – 30 phút thôi vì thời gian cho người nhà thăm bệnh không được nhiều do thầy nằm là khoa cách ly”.
“Khi biết tin thầy dương tính với Covid-19, tôi đã khai báo y tế đầy đủ và được cơ quan y tế hướng dẫn cách ly tại nhà. Tôi không lo mình bị nhiễm vì lần cuối cùng tôi tiếp xúc với thầy tới giờ đã gần 20 ngày mà không có dấu hiệu gì của virus”.
Nói về những thông tin cho rằng BN 449 là là F0 của đượt bùng phát dịch mới, anh Đức Anh chia sẻ:
“Nhiều người lầm lẫn F0 và nguồn bệnh, cộng thêm báo chí viết giật tít khiến mọi người hiểu lầm rồi đổ xô vào chửi thầy. Về những thông tin đó, tôi xin cung cấp từ phía mình rằng lúc đầu thầy đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính khi ở Bệnh viện Đà Nẵng. Nhưng trong quá trình ở đó, thầy có chuyển qua các khoa như cấp cứu, ICU, khoa ngoại lồng ngực và khoa nội hô hấp. Đây cũng là khoa phát hiện ra các bệnh nhân nhiễm gần đây nên có thể thầy tôi đã bị lây chéo từ đó”.
“Diễn biến phức tạp”
“Diễn biến phức tạp” là cụm từ mà báo chí và cơ quan chức năng Việt Nam thường dùng để mô tả tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Dù đã bị lạm dụng đến mức trở thành sáo ngữ, đây vẫn là cụm từ mô tả khá chính xác tình hình hiện tại, khi chủng virus mới vẫn hết sức khó lường và nguồn lây nhiễm cũng chưa được xác định.
Tính đến trưa 30/7, thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam cho biết tổng số người dương tính là 459, trong đó có 43 người được phát hiện kể từ ngày 25/7, thời điểm ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên xuất hiện sau hơn ba tháng yên bình. Từ tâm dịch Đà Nẵng, bệnh đã lan ra nhiều tỉnh thành, trong đó có TP HCM và Hà Nội, hai đô thị đông dân nhất nước.
Sau khi bệnh nhân 416 được phát hiện tại Đà Nẵng, chấm dứt hơn ba tháng không có ca lây nhiễm cộng đồng tại Việt Nam, việc truy tìm nguồn phát tán virus của đợt bùng phát này vẫn chưa có kết quả và các biện pháp kiểm soát gắt gao đã được thực hiện.
Tổ chức tiếp nhận các nhu yếu phẩm dành cho đội ngũ y tế tại khu vực bệnh viện C Đà Nẵng.
Một loạt địa phương, trong đó có Đà Nẵng, TP Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam và tỉnh Đắk Lắk, đã áp dụng trở lại chỉ thị cách ly xã hội nghiêm ngặt từng được thực hiện trên cả nước vào thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 4 hoặc các hình thức giãn cách xã hội tương tự.
Do không xác định được nguồn lây nhiễm, trong khi các ca bệnh mới phát hiện có lịch trình, hoạt động phức tạp, từng tiếp xúc với nhiều người trước khi được xác định dương tính, nên các biện pháp phòng ngừa đều thực hiện theo hướng “cách ly nhầm còn hơn bỏ sót”.
Đợt bùng phát dịch này cũng lại một lần nữa làm xáo trộn các hoạt động kinh tế, xã hội. Đã có đề nghị hủy kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia, vốn dự định tiến hành vào ngày 9 và 10/8. Nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu và các hoạt động du lịch trong nước mới rục rịch chuyển động giờ đây lại đối mặt với thử thách mới.
Trong cuộc họp ngày 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tiến hành các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để “không được vỡ trận”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53590509
Hội An thực hiện cách ly xã hội từ 0h ngày 31/7
Tâm Tuệ
Bắt đầu từ 0h ngày 31/7, tỉnh Quảng Nam sẽ thực hiện cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại TP. Hội An.
Báo Tuổi trẻ thông tin, tỉnh Quảng Nam yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người.
Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ… được tiếp tục hoạt động.
Và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có việc đeo khẩu trang, yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp.
Tạm dừng các hoạt động giáo dục đào tạo; văn hóa, thể thao, lễ hội, hội thi, các điểm du lịch, khu di tích lịch sử – văn hóa và đón mới khách du lịch, bãi tắm biển. Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.
Thời gian áp dụng bắt đầu 0h ngày 31/7 đến 0h ngày 14/8.
Tỉnh Quảng Nam cũng có quyết định tạm dừng các hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 tại huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn như: thể dục, thể thao, bóng bàn, cầu lồng, quần vợt, võ thuật, bida, phòng tập thể hình, thể dục thẩm mỹ, bóng đá…
Thời gian áp dụng bắt đầu 0h ngày 31/7 đến 0h ngày 14/8.
Tại Hội An hiện ghi nhận “bệnh nhân 428”, cư trú ở phường Minh An (ca bệnh này công bố dương tính tại Đà Nẵng) và 11 trường hợp F1.
Ngoài ra, nhà chức trách xác định tại Quảng Nam có 616 trường hợp liên quan đến 3 bệnh viện bị cách ly ở Đà Nẵng; 169 người từng đến trung tâm tiệc cưới Đà Nẵng. Những người này đều đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.
Tối 29/7, Bộ Y tế thông báo khẩn tìm người từng đến 28 điểm, trong đó có 3 địa chỉ tại Hội An gồm: Bánh mỳ Phượng, 2B Phan Chu Trinh, Cẩm Châu (chiều 14/7); Hoi An Silk Marina Resort & Spa, số 74 đường 18 Tháng 8, Minh An (ngày 24/7 đến 14h chiều 25/7); phố cổ Hội An ngày 24/7 đến 14h chiều 25/7.
https://www.dkn.tv/thoi-su/hoi-an-thuc-hien-cach-ly-xa-hoi-tu-0h-ngay-31-7.html
Hà Nội có ca nghi nhiễm Covid-19 đầu tiên
trong cộng đồng sau 107 ngày
Tâm dịch Đà Nẵng đang trở thành nơi phát tán virus corona đến nhiều tỉnh thành tại Việt Nam, với ca nghi nhiễm mới được phát hiện tại Hà Nội.
Trưa 29/7, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung xác nhận Hà Nội đang có một ca nghi nhiễm Covid-19 đã đi từ Đà Nẵng về.
Được biết, bệnh nhân này 23 tuổi, là nhân viên bán Pizza tại cửa hàng 106 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, trú tại Mễ Trì Thượng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm.
Người này đi Đà Nẵng du lịch cùng gia đình (khoảng 29 người) từ ngày 12/7 đến 15/7/2020. Đến ngày 23/7, nam nhân viên có biểu hiện xuất hiện ho, sốt nhẹ từ 37,5-38,2 độ C kèm có đờm đặc.
Ngày 28/7, bệnh nhân đến bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khám sàng lọc và được hướng dẫn nhập viện để cách ly (Chụp X-Quang có hình nhả nhiều ổ viêm nhỏ rải rác hai phổi).
Kết quả xét nghiệm của bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ngày 29/7/2020 lần 1 dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho hay đây mới chỉ là ca nghi nhiễm và cần phải xét nghiệm lại để khẳng định.
https://www.bbc.com/vietnamese/topics/ckdxnx1x5rnt
Thêm nhiều ca COVID-19 bị nặng,
sáu tỉnh thành có người nhiễm
Bộ Y tế Việt Nam vào chiều ngày 30 tháng 7 công bố thêm 5 ca nhiễm COVID-19 . Cả 5 ca này đều ở tỉnh Quảng Nam và đó là những người đi chăm sóc người thân điều trị tại Bệnh Viện Đà Nẵng.
Tính đến lúc này đã có 6 tỉnh, thành tại Việt Nam xác nhận các trường hợp nhiễm COVID-19 gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Dak Lak.
Vào sáng ngày 30 tháng 7, Việt Nam thông báo có thêm 9 trường hợp nhiễm COVID-19. Trong đó có 8 ca tại Đà Nẵng và 1 ca ở Hà Nội. Như vậy tổng số ca mắc trong cộng đồng được ghi nhận từ cuối tuần qua đến nay là 48 trường hợp. Tổng số ca nhiễm COVID-19 từ đầu mùa dịch đến nay là 464 ca với 276 ca nhiễm nhập cảnh và được cách ly ngay.
Cơ quan chức năng Y tế Việt Nam cho biết có 11 bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng phải chuyển ra Huế để điều trị theo chỉ thị của thủ tướng chính phủ Việt Nam. Trong số này có 8 người được chuyển đi vào ngày 30 tháng 7, một ngày trước đã có ba bệnh nhân được Bệnh viện Trung ương Huế, cơ sở 2 tiếp nhận.
Những trường hợp nặng này được cho biết có bệnh lý nền, riêng ca 418 hiện đang phải thở máy và được lọc máu liên tục.
Bộ Y Tế Việt Nam vào ngày 30 tháng 7 yêu cầu tất cả những ai có đến thành phố Đà Nẵng từ ngày 1 đến 29 tháng 7 cần phải khai báo thông tin liên quan.
Hiện số người đang phải cách ly tại Việt Nam được cho biết hơn 81 ngàn 500 người , tăng hơn 65 ngàn so với ngày 29 tháng 7.
Tại Hà Nội, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ dốc toàn lực để xét nghiệm cho hơn 21 ngàn người trong vòng ba ngày. Đây là số đi du lịch Đà Nẵng trở về.
Về tình hình người Việt từ nước ngoài trở về, tin cho biết trong số 219 lao động về nước từ Guinea Xích đạo vào ngày hôm qua, hiện có 125 người dương tính với COVID-19. Có 6 trường hợp trong số này bị tổn thương phổi với 3 ca có thêm chứng sốt rét và nhiễm ký sinh trùng.
Nhiều người tìm cách
trốn cách ly giữa mùa dịch COVID-19
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa phát hiện 9 người đi trên tàu đánh cá của Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90511 để về Thừa Thiên-Huế tránh dịch và trốn cách ly.
Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 30 tháng 7.
Theo tin, 9 người trên tàu đánh cá đều trú tại xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Họ trốn cách ly bằng tàu cá vì cho rằng đường bộ có quá nhiều chốt chặn không cho người từ vùng dịch Đà Nẵng ra Huế.
Trong cùng ngày 30/7, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã kiểm tra một xe khách mang biển kiểm soát 29B-067.21 chở 9 hành khách, trong đó có 2 người nước ngoài không mang giấy tờ tuỳ thân. Hai người này được biết đang tìm cách đi vào TP.Hồ Chí Minh.
Ở một diễn biến khác, truyền thông trong nước loan tin từ nguồn The Korea Times cho biết, cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ 3 công dân Việt Nam trốn khỏi một cơ sở cách ly tại thành phố Gimpo vào đêm 27/7 sau khi họ vào Hàn Quốc vào ngày 20/7 bằng visa du lịch.
3 người này khai với Cảnh sát họ cảm thấy “ngột ngạt” khi ở trong khu cách ly tập trung và bỏ trốn ra ngoài để kiếm tiền.
Được biết, cả 3 người đều có xét nghiệm âm tính với virus corona ngay sau khi tới Hàn Quốc và được đưa về khu cách ly ở Gimpo để theo dõi trong 2 tuần. Tuy nhiên, khoảng 3h sáng 27/7, giới chức phát hiện 3 người này đã bỏ trốn khỏi căn phòng ở tầng 6 của tòa nhà khu cách ly bằng cách đu dây xuống đất.
Tin cho hay những người này có nguy cơ sẽ bị trục xuất khỏi Hàn Quốc vì vi phạm Đạo luật phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm.
Vẫn chưa tìm được nguồn dịch, Thủ Tướng CSVN
yêu cầu khởi tố điều tra vi phạm kiểm soát biên giới
Tin Vietnam.- Báo Người lao động ngày 29 tháng 7 năm 2020 loan tin, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cho biết, đến nay dịch đã lây lan ra 7 tỉnh, thành phố lớn nhưng nhà cầm quyền vẫn chưa tìm ra được nguồn lây dịch.
Tính đến ngày 29 tháng 7, Việt Nam đã có 27 người dương tính với dịch. Ông Phúc khẳng định rằng, dịch lần này đã khác với dịch đợt trước, tình hình dịch đang phức tạp, diễn biến nhanh trong thời gian ngắn, nhiều nguy cơ lây nhiễm ở các địa phương. Ông Phúc yêu cầu bộ Quốc phòng, bộ Công an Cộng sản kiểm soát tốt biên giới, đồng thời phải khởi tố điều tra các vi phạm trong kiểm soát biên giới vì đã để xảy ra tình trạng nhiều người Trung Cộng nhập cảnh trái phép vào lãnh thổ.
Liên quan đến vấn đề này, vào ngày 28 tháng 7 vừa qua, Công an Cộng sản tại Sài Gòn đã phát hiện 8 người Trung Cộng nhập cảnh trái phép vào thành phố. Hiện những người này đã được đưa đi cách ly.
Vào ngày 29 tháng 7, bệnh viện Quốc tế City ở SàiGòn cũng đã phát hiện 2 ca nghi nhiễm dịch. Việc dịch quay trở lại Việt Nam trong đợt này được nhiều người nghi ngờ là do những người Trung Cộng nhập cảnh trái phép mang theo virus vào, rồi lây lan cho người Việt. (BBT)
Dân hoang mang với quy định không được
xét nghiệm COVID-19 dịch vụ theo yêu cầu!
Diễm Thi, RFA
Thành phố, bệnh viện đóng cửa
Sáng 25 tháng 7 năm 2020, tròn 100 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 nào trong cộng đồng, Bộ Y tế Việt Nam bắt đầu thông tin một số ca nhiễm mới ngay tại thành phố biển Đà Nẵng. Tính đến chiều 29 tháng 7, Việt Nam có tổng cộng 450 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong đó có 34 ca lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện chỉ trong 5 ngày.
Trong số 34 ca đó có hai ca từ Đà Nẵng chuyển viện vào Thành phố Hồ Chí Minh. Vào ngày 29 tháng 7, Ban giám đốc Bệnh viện Quốc tế City ở TP.HCM có thông báo chính thức về việc ngưng nhận bệnh trong ba ngày, từ 29 đến 31 tháng 7, cho đến khi có thông báo mới với lý do nêu ra vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Theo quy chế bệnh viện ở Việt Nam thì bệnh viện là nơi tiếp nhận mọi người bệnh đến cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh nội trú và ngoại trú theo chế độ chính sách nhà nước quy định.
Ông Nguyễn Kế Quang, một người dân, phản đối việc bệnh viện không nhận bệnh nhân. Theo ông, điều đó làm người dân thêm hoang mang, lo lắng. Ông nói:
“Trách nhiệm của bệnh viện là chữa bệnh cho dù bệnh nhân là ai. Khi họ có bệnh, có nhu cầu chữa bệnh thì đều phải tiếp chứ sao lại từ chối? Sao lại có chuyện từ chối tiếp nhận bệnh nhân?
Việc từ chối tiếp nhận như vậy là ngụy biện. Mình vào bệnh viện mà người ta từ chối với lý do đang dịch bệnh làm mình hoang mang. Chính ra đang dịch thì phải sẵn sáng tiếp nhận bệnh nhân mới đúng chức năng cảu bệnh viện. Đằng này họ nói kiểu đó thì không được. Với tư cách người dân thì tôi không đồng ý chuyện này.”
Với vai trò thầy thuốc, Tiến sĩ – Bác sĩ Võ Xuân Sơn làm việc tại Phòng Khám Quốc Tế EXSON ở Sài Gòn cho biết, bệnh viện ông cũng phải chuẩn bị lại mọi thứ nhưng vẫn nhận bệnh nhân. Ông giải thích nguyên nhân có thể khiến một bệnh viện phải tạm ngừng nhận bệnh:
“Cũng có thể họ cần thời gian khử trùng bệnh viện khi tiếp nhận những bệnh nhân trước mà quá trình tiếp nhận chưa bảo đảm vô trùng. Hoặc có thể họ cần set up lại hệ thống khi chuyển đổi qua chế độ bảo đảm vô trùng mới. Chỗ tôi cũng mất cả một ngày để set up lại những thứ mà trước đây đã làm nhưng thời gian vừa qua có vẻ hơi lỏng ra. Bây giờ phải kiểm tra lại hết. Có lẽ bên đó họ lỏng lẻo nhiều hơn thì bây giờ cần nhiều thời gian hơn. Tôi không rõ lắm lý do tại sao!”
Anh Tuấn từ Sài Gòn cho rằng, với tình hình dịch bệnh trở lại thì chuyện bệnh viện tạm ngưng nhận bệnh có thể gây hoang mang cho người dân nhưng đó là việc không sai nếu họ thấy cần làm:
“Theo cá nhân tôi thì tôi thấy họ đóng cửa để ra soát lại mọi thứ khi dịch bệnh trở lại bất ngờ thì không là chuyện lớn. Họ tạm ngừng nhận bệnh để chuẩn bị kế hoạch cho dịch bệnh thì cũng đúng thôi, không có gì sai”.
Không được xét nghiệm theo yêu cầu
Khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng thì việc xét nghiệm sàng lọc Covid-19 rộng rãi có thể giúp phát hiện ca bệnh, từ đó sẽ cho cách ly sớm, ngăn chặn dịch lây truyền rộng.
Ngoài 22 phòng xét nghiệm sẵn có đủ năng lực xét nghiệm Covid-19 rải rác từ Bắc tới Nam được Bộ Y tế cấp phép hoạt động, hôm 3 tháng 4 năm 2020, thêm 4 phòng xét nghiệm mới đủ điều kiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được công nhận, gồm Khoa Vi sinh Bệnh viện Thống Nhất, Khoa Xét nghiệm Bệnh viện đại học Y Dược TP.HCM, Khoa Xét nghiệm Bệnh viện FV tại TPHCM, Khoa Vi sinh và Labo chuẩn quốc gia Bệnh viện Phổi Trung ương tại Hà Nội.
Dù Bộ y tế đã cho phép 22 phòng xét nghiệm được xét nghiệm khẳng định Covid-19, nhưng địa phương không có thẩm quyền công bố ca dương tính mới mà phải đợi quyết định của Bộ Y tế cho phép mới được công bố.
Không lâu sau đó, chính Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 lại ký công văn khẩn gửi đến tất cả các Sở Y tế không cho phép làm xét nghiệm Covid-19 dịch vụ theo yêu cầu. Bác sĩ Võ Xuân Sơn cho hay:
“Trước đó Bộ Y tế có công văn cho một số đơn vị được xét nghiệm về Covid-19, trong đó có Bệnh viện FV. Thế nhưng khi FV đưa ra chương trình cho xét nghiệm theo yêu cầu thì một số báo chí phản ứng rất mạnh. Khi đó Bộ Y tế lại đưa ra công văn là không được xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu của người bệnh (tự trả tiền) mà phải có chỉ định về chuyên môn.”
Anh Tuấn, một người dân Sài Gòn, nhận định về việc này là do chính phủ không muốn số người nhiễm bùng phát từ kết quả xét nghiệm. Anh nói:
“Chính quyền muốn kiểm soát mọi thông tin. Do FV là bệnh viện tư nhân, họ nhắm họ không kiểm soát được thì làm làm cách khác, là ngăn cấm. Xét nghiệm dịch vụ làm sao họ kiểm soát nổi. Như ca vừa rồi ở Bình Dương, trong khi Viện Pasteur công bố kết quả dương tính thì sáng hôm sau Bộ Y tế nói không.”
Còn với ông Nguyễn Kế Quang thì việc yêu cầu được xét nghiệm để phòng tránh lây lan bệnh ra cộng đồng là điều nên làm, và đó là quyền của người dân. Ông nêu quan điểm:
“Theo quan điểm của cá nhân tôi, muốn biết tình trạng sức khỏe của mình ra sao thì tôi sẵn sàng bỏ tiền túi ra để đến cơ quan có chuyên môn làm xét nghiệm. Đó là nhu cầu chính đáng và cơ quan chuyên môn, cụ thể ở đây là bệnh viện, phải có trách nhiệm xét nghiệm chứ sao lại để bị áp lực từ cơ quan chức năng cấp trên như Bộ Y tế chỉ đạo?”
RFA liên lạc với bệnh viện FV thì được nhân viên nơi đây cho biết bệnh viện vẫn nhận làm xét nghiệm theo yêu cầu với chỉ định về chuyên môn:
“Bên em có cung cấp dịch vụ xét nghiệm cho những người cần đi nước ngoài, cần đi máy bay. Những trường hợp như vậy đều phải đến bệnh viện để bác sĩ sàng lọc trước. Còn trường hợp mình đang khỏe mạnh mà chỉ lo lắng không biết có nhiễm virus hay không, thì phải đến bệnh viện đăng ký khám. Bác sĩ sẽ khám trước rồi mới quyết định cho làm xét nghiệm hay không. Bác sĩ sẽ coi mục đích yêu cầu xét nghiệm của bệnh nhân rồi tư vấn cần làm xét nghiệm hay không.”
Nhiều người Việt Nam mà RFA trò chuyện đều khẳng định chính phủ Việt Nam đã làm tốt việc phòng chống dịch trong đợt vừa qua. Họ tin rằng nếu dịch có quay trở lại thì chính phủ và người dân đều đã có kinh nghiệm. Người dân hợp tác với chính phủ thì sẽ đẩy lùi được dịch bệnh. Tuy vậy họ vẫn nghi ngờ những con số từ chính quyền đưa ra. Khi thế giới có đến hơn 666 ngàn người chết mà Việt Nam không có một ca tử vong nào.
Vào ngày 29 tháng 7, nhiều báo trong nước loan tin thân phụ của bệnh nhân COVID-19 số 418 qua đời không phải vì SARS- CoV- 2 mà là vì các căn bệnh mãn tính. Bệnh nhân COVID-19 số 418 mới được phát hiện cách đây ba hôm.
Các tổ hợp vui chơi về đêm:
cần thiết nhưng không được đại trà!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 27/7 vừa qua đã phê duyệt Quyết định 1129 về Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, cho phép nghiên cứu, ưu tiên đầu tư xây dựng tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại đô thị lớn và những khu du lịch.
Cụ thể, Chính phủ Hà Nội cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm từ 6h chiều hôm trước đến 6h sáng hôm sau tại một số khu du lịch, thành phố lớn điển hình như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc…
Nhận xét về đề án vừa được phê duyệt với RFA tối 29/7, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương nhận định:
“Phát triển kinh tế đêm là dự án có tính chất đổi mới mạnh mẽ và đáp ứng nhu cầu du lịch quốc tế ở Việt Nam cũng như sự thay đổi nếp sống giới trẻ Việt Nam. Hiện nay khách du lịch tới Việt Nam thì buổi tối không có dịch vụ phục vụ họ nên họ cảm thấy nhàm chán, không tiêu được nhiều tiền. Trong khi đó mình hoàn toàn có thể tổ chức những dịch vụ đáp ứng nhu cầu du lịch, nhu cầu giải trí, nhu cầu tìm hiểu của họ. Cũng có thể có những dịch vụ chỉ dành cho người nước ngoài, tức đòi hỏi phải xuất trình hộ chiếu mới cho vào. Điều đó các nước khác đã làm nên tôi nghĩ đây là bước thí điểm rất cần thiết để đổi mới và khuyến khích sự đa dạng các dịch vụ khác nhau để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế và giới trẻ Việt Nam.”
Trao đổi qua Facebook Messenger, chị Ngân Nguyễn, hiện đang ở Adelaide, Australia cho hay chị rất ủng hộ việc chính phủ Hà Nội mở những khu giải trí đêm.
“Lần trước về Việt Nam chị ra phố cổ Tạ Hiện lúc tối trễ thì cỡ 2 giờ là không còn nhiều người và hàng quán đã dẹp. Vì vậy nếu có những nhà hàng, quán nước mở thâu đêm thì chị nghĩ là sẽ thu hút nhiều hơn. Tuy nhiên, quan trọng là phải cách xa khu dân cư. Như lần chị thuê homestay ngay khu phố Tây Bùi Viện, vui thì vui thật nhưng tới 4, 5 giờ sáng mà quán nhậu đối diện vẫn ồn ào, xe kẹo kéo hát karaoke ầm ĩ thì cũng ảnh hưởng người xung quanh. Chị nghĩ riêng biệt giữa khu giải trí và khu dân cư sẽ tốt hơn nhưng với mật độ nhà cửa như Sài Gòn và Hà Nội thì sẽ không dễ để giải quyết.”
Trong khi đó, một chủ khách sạn mini tại khu phố Tây Bùi Viện không muốn nêu tên cho biết có thể do các chủ homestay chưa có kinh nghiệm nên không làm cách âm để tránh ồn cho khách. Khách sạn của chị và những hộ dân sống kế bên do biết tình hình khu vực của mình nên tất cả các hộ, từ kinh doanh cho đến không kinh doanh đều có cách âm và chắc do ở lâu nên quen, không phải là vấn đề lớn. Chị cảm nhận về Quyết định 1129 như sau:
“Ngoài những tác dụng phụ thì nếu kinh doanh được xuyên đêm như vậy sẽ có lợi vì những thành phố lớn đa số thành phố trẻ mà mấy người trẻ thì thích chơi xuyên đêm. Nhưng thường kinh tế đêm nếu cuối tuần sẽ hợp lý hơn những ngày trong tuần. Nếu mở ra những khu như vậy sẽ khuấy động khu vực, kích thích các dịch vụ, du lịch cũng tăng, những người kinh doanh tăng thêm thu nhập, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người. Mình đi đến chỗ nào chơi mà nghe nói có chợ đêm hoặc những khu mở suốt đêm chắc chắn mình sẽ tới.”
Báo trong nước đăng tin cho hay Chính phủ Hà Nội đưa ra nhiều nhóm giải pháp để phát triển kinh tế đêm bao gồm việc nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển kinh tế ban đêm; hoàn thiện chính sách, khung pháp lý tạo điều kiện phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro; sử dụng quy hoạch để quản lý hoạt động kinh tế ban đêm; thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm tại một số thành phố và khu du lịch lớn…
Bạn trẻ Thiên Minh ở Sài Gòn cho rằng phát triển đề án kinh tế ban đêm là hợp lý để thúc đẩy kinh tế Việt Nam hiện nay, nhưng cần sửa đổi và thắt chặt điều kiện hơn. Bạn đưa ra ý kiến cá nhân:
“Thứ nhất là mình nên làm từ 6 giờ chiều đến nửa đêm hay 3, 4 giờ sáng là được vì 6 giờ sáng là qua ngày mới. Ở Việt Nam 6 giờ là họp chợ, đưa con cái (đi học). Thứ hai là tập trung một khu như Bùi Viện để tránh ồn ào, mất trật tự khu khác rồi có quản lý, an ninh, công an thắt chặt khu đó có tổ chức bài bản sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế.”
Chúng tôi có liên lạc với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam và được ông cho biết hiện nay trong hệ thống luật Việt Nam vẫn chưa có điều lệ cụ thể quy định về các hoạt động kinh doanh xuyên đêm, chỉ do các địa phương tự tổ chức và kiểm tra. Ông tiếp lời:
“Tôi thấy không nên phát triển đại trà, cần phải có khung pháp lý đầy đủ để phát triển kinh tế ban đêm. Theo đó thì phát triển dịch vụ gì, thời gian, khu vực, người tham gia lĩnh vực phải đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn, ánh sáng, xa khu chung cư, bệnh viện, trường học đồng thời tăng cường công tác quản lý để tránh những biến động, những tệ nạn phát sinh. Nên làm tốt những chính sách đối vơi sịch vụ ban đêm như chính sách thuế, chính sách về các khu du lịch phát triển kinh tế ban đêm hoặc cụ thể hóa chính sách phát triển. Có chất lượng hoạt động, không nên phát triển một cách đại trà trong khi chưa có biện pháp quản lý hiệu quả từ phía chính quyền cũng như cơ quan quản lý.”
Quan điểm của Chính phủ Hà Nội trong đề án phát triển kinh tế đêm được truyền thông trong nước dẫn lại là nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển mới, nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Kinh tế đêm được đánh giá phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới, tạo thêm cơ hội tăng trưởng, phục vụ tốt hơn du khách trong và ngoài nước.
Theo đó, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng dù đề án phát triển kinh tế đêm trong Quyết định 1129 đưa ra sẽ đem lại nguồn lợi lớn, thu hút thêm khách du lịch, từ đó góp phần tăng cao GDP, tuy nhiên để thực hiện cần nghiên cứu kỹ thêm nhiều vấn đề:
“Sẽ có một số khó khăn cần phải vượt qua, phải quy hoạch một không gian, những khu vực để phát triển dịch vụ này. Thứ hai là xác định rõ những dịch vụ nào và quy định rõ khung pháp lý để tổ chức thực hiện. Thứ ba là phải đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn và nếu cần phải nghiên cứu những dịch vụ như vậy ở những nước khác.”
Quyết định 1129 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt cũng quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong công tác thực hiện triển khai đề án.
Sau thời gian thí điểm, các địa phương sẽ đánh giá hiệu quả để hoàn thiện mô hình kinh tế đêm, nhân rộng ra những nơi khác.
Đối với nhiều người Việt Nam từng đi du lịch nhiều nơi thì mô hình này không lạ gì. Đơn cử ở Thái Lan, những khu như Phố Tây Khao San, khu Patpong, khu chợ đêm Hwai Khuang… thu hút du khách nước ngoài, mang lại ngoại tệ và công ăn việc làm cho người dân địa phương. Phương cách quản lý, biện pháp bảo đảm an ninh, thái độ kinh doanh… là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo.
Phát hiện hàng chục người Trung Quốc
nhập cảnh trái phép
Các địa phương ở Việt Nam những ngày qua liên tục phát hiện các trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp. Con số những người bị phát hiện lên đến hàng chục người.
Truyền thông trong nước hôm 30/7 cho biết mấy ngày qua, cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh đã phát hiện 30 người Trung Quốc xuất nhập cảnh trái phép và đã đưa những người này đi cách ly phòng chống COVID-19.
Tại TpHCM, Công an phường Phú Thạnh, quận Tân Phú khi đi tuần tra đêm 29 tháng 7 đã phát hiện một nhóm gần 20 người khả nghi. Khi bị phát hiện, nhóm bỏ chạy, Công an bắt được 11 người và được biết họ đến từ Phúc Kiến, Trung Quốc nhưng chỉ có 2 người có hộ chiếu. Tất cả được đưa đi cách ly.
Vào sáng ngày 30/7, Công an huyện Bến Cầu cùng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Tây Ninh phát hiện, bắt giữ 11 người trong đó có 3 người Việt và 8 người Trung Quốc đang tìm cách xuất cảnh trái phép sang Campuchia.
3 người Việt khai đã đón 8 người Trung Quốc ở Quận 2, TP Hồ Chí Minh, đưa họ đến biên giới ở huyện Bến Cầu để tìm cách sang Campuchia. Những người này đã được đưa đến nơi cách ly sau khi bị phát hiện.
Hôm 29/7, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Lạng Sơn cho báo chí trong nước biết cơ quan này vừa phát hiện 16 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Những người này đã nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 16 đến 23 tháng 7 và đi đến Đà Nẵng để tìm việc làm. Do sợ bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện sau khi Đà Nẵng phát hiện những ca nhiễm COVID mới trong cộng đồng, những người Trung Quốc này đã thuê xe ô tô quay lại Lạng Sơn để tìm cách về Trung Quốc.
Đà Nẵng và Quảng Nam là hai địa phương phát hiện nhiều trường hợp người Trung Quốc cư trú bất hợp pháp thời gian qua. Theo truyền thông trong nước, giới chức hai địa phương này trước đó đã phát hiện khoảng hơn 70 người Trung Quốc nhập cảnh lậu theo đường tiểu ngạch đến Đà Nẵng và Quảng Nam.
Cấp đất trái quy định tại Tuy Đức,
hàng loạt cán bộ Đắk Nông lãnh án tù
Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông ngày 29-30/7 mở phiên tòa sơ thẩm đối với 9 nguyên cán bộ huyện Tuy Đức tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến việc cấp đất cho người nhà và người thân lãnh đạo.
Báo trong nước loan tin ngày 30/7 cho biết thêm 1 trong 9 người vừa nêu là ông Lê Văn Quang, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, hiện đang tạm đình chỉ chức vụ để chữa bệnh nên chưa truy tố, xét xử.
Những người khác là ông Lang Văn Khang – Trưởng Phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, nguyên chủ tịch UBND xã Đắk Buk So bị án 5 năm tù; Phạm Hoàng Quảng – cán bộ địa chính UBND xã Đắk Buk So, 1,5 năm tù; Đỗ Thành An – cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, 2 năm 3 tháng tù; Nguyễn Thành Trí – Phó giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, 2 năm 6 tháng tù; Trần Trọng Đại – cán bộ địa chính UBND xã Đắk R’Tih, 1,5 năm tù.
Bốn người còn lại cùng lãnh án 1 năm 3 tháng tù gồm Phạm Ngọc Kha – Chủ nhiệm UBKT huyện Tuy Đức, nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường, Nguyễn Thành Tuân – Chủ tịch UBND xã Đắk R’Tih, Nguyễn Hữu Sơn – cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường và Nguyễn Xuân Tiến – cán bộ địa chính UBND xã Đắk Buk So.
Báo trong nước dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông ngày 9/12/2011 cho biết ông Đinh Văn Anh (trú huyện Tuy Đức) làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 6 thửa đất tại thôn 4, xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Số đất này trước đó được UBND huyện Tuy Đức giao cho bà Trương Thị Thoại – vợ ông Trần Đình Mạnh, nguyên chủ tịch UBND huyện.
Mặc dù biết ông Anh không thuộc đối tượng được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất và biết hồ sơ này của ông Trần Đình Mạnh nhưng các ông Trần Trọng Đại, Nguyễn Thành Tuân, Đỗ Thành An, Nguyễn Thành Trí, Nguyễn Hữu Sơn, Phạm Ngọc Kha, Lê Văn Quang vẫn lập hồ sơ, tham mưu các thủ tục, ban hành quyết định trái quy định để giao 15,7 ha cho ông Anh.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho số diện tích trên, ông Đinh Văn Anh đã sang nhượng lại cho bà Thoại để bà này thực hiện các thủ tục đề nghị UBND huyện Tuy Đức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình.
Ngoài ra, năm 2014, 2015, An, Trí cùng với Lang Văn Khang (nguyên Chủ tịch UBND xã Đăk Buk So), Nguyễn Xuân Tiến và Phạm Hoàng Quảng (cán bộ địa chính UBND xã Đăk Buk So) đã tham mưu cấp đất quốc phòng thuộc sân bay Bù Bong cho bản thân và người thân.
Tòa giảm 3 tháng tù cho 2 tài xế chống “BOT bẩn”
dù không xin giảm nhẹ hình phạt
Sáng ngày 30 tháng 7 năm 2020, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên giảm 3 tháng tù giam mỗi người đối với ông Bùi Mạnh Tiến và bà Đặng Thị Huệ (hay còn gọi là Huệ Như) với cáo buộc tội danh “gây rối trật tự công cộng”.
Phiên tòa phúc thẩm xử hai tài xế bắt đầu từ ngày 29-7 và kéo dài đến sáng ngày 30-7 mới tuyên án, theo đó ông Tiến phải chịu mức án 15 tháng tù giam và bà Huệ phải chịu mức án 39 tháng tù giam do cộng với bản án 24 tháng tù giam trước đó.
Trưa ngày 30-7, luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong năm luật sư bào chữa cho hai người này nhận định về bản án này như sau:
“Thật ra cái việc giảm án giống như một động tác xoa dịu sự việc đi chứ thật ra thì cả hai bị cáo: cô Huệ Như và anh Bùi Mạnh Tiến đều không có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Họ không hề kháng cáo điều này, họ kháng cáo xác định là họ vô tội và cái bản án sơ thẩm tuyên có tội là họ bị oan.
Vì vậy cho nên là bản án phúc thẩm giảm hình phạt nhưng mà họ nói là chấp nhận một phần kháng cáo đó là việc không đúng, tại vì họ kháng cáo đâu có xin giảm nhẹ đâu.
Ở đây, tôi đánh giá đây có một động tác giống như là xoa dịu bớt đi cái sự sự vô lý của vụ án và hơn nữa trong diễn biến của vụ án, trong phiên xét xử phúc thẩm thì cái cô kiểm sát viên hầu như như bào chữa rất là sơ sài.
Ví dụ như các luật sư nêu quan điểm 10 thì khi cô ấy (đại diện Viện Kiểm Sát) tranh luận lại hầu như chưa được 1, còn những điểm mà cô ấy có sự tranh luận thì hầu như đều bị các luật sư bác bỏ yêu cầu tranh luận lại, hoặc là yêu cầu giải thích rõ hơn từng điểm thì cô ấy cũng làm một cách hết sức chiếu lệ.
Thậm chí cô ấy đưa ra rất nhiều lý do không chính đáng và cũng không đúng quy định của pháp luật nữa.”
Cũng theo luật sư Đặng Đình Mạnh, nếu căn cứ vào quá trình tranh tụng giữa luật sư với Viện Kiểm sát thì lẽ ra tòa phải tuyên cả hai người vô tội.
Theo bản án sơ thẩm, chiều 11-6-2019, bà Huệ mượn ô tô của người quen rồi nhờ ông Tiến lái xe chở đi giải quyết công việc.
Khoảng 15 giờ cùng ngày, khi đến Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, ông Tiến lái xe đi vào làn thu phí số 2 nhưng cả hai không đồng ý trả tiền, với lý do bản thân không đi đường tránh Vĩnh Yên, đồng thời yêu cầu nhân viên Trạm thu phí cho xem các văn bản quy định về việc thu phí tại trạm.
Lúc này, nhân viên Trạm BOT cùng lực lượng chức năng Công an huyện Sóc Sơn giải thích, yêu cầu chấp hành mua vé theo đúng quy định, nhưng cả hai ngồi trên xe, dùng điện thoại quay video phát trực tiếp diễn biến sự việc lên mạng xã hội.
Bản án sơ thẩm cho rằng, việc làm của hai bị cáo khiến các phương tiện phía sau không thể di chuyển qua Trạm trên làn số 2, gây ùn tắc kéo dài.
Tuy nhiên, về điểm này luật sư Đặng Đình Mạnh lại cho rằng, trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội bài có quy định một xe qua trạm không được dừng quá 5 phút, khi cả ông Bùi Mạnh Tiến và Đặng Thị Huệ đang ở đây được 3 phút để hỏi văn bản cho phép thu phí thì trạm đã cho nhân viên dùng chướng ngại vật chặn đầu và đuôi xe nên cả hai không di chuyển được.
Thêm vào đó, cả hai đều không quậy phá gì trong suốt gần một tiếng đồng hồ khi sự việc xảy ra.
Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài từ cuối năm 2018 bị giới tài xế phản đối vì họ không đi qua tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc nhưng vẫn bị thu phí khi đi qua đây.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trạm này được nhà nước chuyển giao cho công ty Vietracimex từ năm 2009, đến ngày 1-1-2011, công ty này được thực hiện thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT đầu tư xây dựng quốc lộ 2 đoạn tránh TP Vĩnh Yên.
Hồi tháng 2 năm nay, trả lời kiến nghị của đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về việc xóa bỏ trạm thu phí này, Bộ GTVT cho biết, “đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tích cực đàm phán với các nhà đầu tư của hai dự án nêu trên để đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, bất cập tại trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài.
Đồng thời, với việc dừng thu phí hoàn vốn tại dự án BOT quốc lộ 2 đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên, trên cơ sở đó Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận.”
Nguyên chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong
từng trốn truy nã hơn 20 năm bị 30 tháng tù treo
Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Hòa Bình vào ngày 29 tháng 7 mở phiên xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Quang Huy, nguyên Chánh văn phòng Tòa án Nhân dân huyện Cao Phong về tội “Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.”
Truyền thông quốc nội dẫn nguồn tin tại phiên xét xử cho biết, ông Nguyễn Quang Huy thừa nhận hành vi phạm tội của ông và cho rằng ông hoàn toàn không biết mình bị truy nã cũng như nhận mọi thông tin giấy tờ triệu tập, giấy quyết định của cơ quan điều tra trong suốt hơn 20 năm qua.
Tại phiên tòa, Hội đồng Xét xử giải thích việc ông Nguyễn Quang Huy được đi học và được tuyển dụng vào ngành Tòa án, sau đó làm Chánh Văn phòng TAND huyện Cao Phong là do thời điểm năm 2000, không có quy định thẩm tra lý lịch, chỉ cần có hồ sơ lý lịch tự thuật và có xác nhận của địa phương, cho nên việc tuyển dụng là không vi phạm pháp luật.
Căn cứ vào tài liệu chứng cứ thu thập được và mức độ vụ án. Hội đồng Xét xử TAND thành phố Hòa Bình tuyên phạt ông Nguyễn Quang Huy 30 tháng tù treo về tội “Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.” theo điều 303 Bộ luật hình sự 2015.
Theo cáo trạng cho biết năm 1992, ông Huy đã cùng các ông Trương Phú Quyền, Đào Văn Tụ, Lương Xuân Học gây ra 3 vụ trộm cắp tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Tài sản bị mất là 360 lít dầu thủy lực đặc chủng dùng trong nâng, hạ cánh cửa của Tổ máy số 3 và 4 trong Nhà máy. Lượng dầu thiếu hụt ảnh hưởng trực tiếp tới sự vận hành của Thủy điện Hòa Bình – công trình quan trọng về an ninh quốc gia.
Do ông Nguyễn Quang Huy trốn khỏi địa phương nên Cơ quan Cảnh sát đã đình chỉ điều tra và phát lệnh truy nã. Trong thời gian đó, ông Huy tìm cách thi đỗ công chức để vào làm việc trong ngành tòa án và được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong. Cơ quan chức năng phát hiện ông là người trốn truy nã hơn 20 năm trước do xác minh lý lịch người thân của ông Huy.
Việt Nam rà soát chống bán phá giá
đối với nhôm Trung Quốc nhập khẩu
Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam hôm 29 tháng 7 phát đi thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát lần thứ nhất biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam. Báo trong nước đưa tin cùng ngày.
Theo đó phạm vi đề nghị rà soát bao gồm nhưng không giới hạn bởi các nội dung gồm phạm vi hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp chống bán phá giá; biên độ bán phá giá đang áp dụng đối với một hoặc một số doanh nghiệp nước ngoài cụ thể; thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Sau khi kết thúc thời hạn rà soát, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương một trong các phương án gồm tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo quy định hiện hành; điều chỉnh biện pháp chống bán phá giá tương ứng với kết quả rà soát; chấm dứt việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Kiến nghị được đưa ra sẽ căn cứ vào kết luận điều tra và việc tiến hành các thủ tục liên quan đến quá trình rà soát sẽ không gây cản trở tới việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đang có hiệu lực.
Hôm 3 tháng 10 năm 2019, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký quyết định áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá với nhôm thanh đùn ép từ Trung Quốc. Theo đó sản phẩm nhôm, hợp kim ở dạng thanh, que đã được đùn ép, chưa xử lý bề mặt hoặc được gia công của 16 công ty Trung Quốc khi nhập vào Việt Nam sẽ bị áp thuế chống bán phá giá 2,49 – 35,58%.
Ngày 28 tháng 9 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2942/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Đàn châu chấu từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam
lại quay về Trung Quốc
Tâm Tuệ
Đàn châu chấu tre lưng vàng di trú từ Trung Quốc tràng sang Việt Nam phá hoại 40 ha tre nứa và 20 ha hoa màu. Tuy nhiên sau khi tàn phá số diện tích cây trồng trên, chúng đã bay trở lại Trung Quốc.
Thông tin trên được Bộ NN-PTNT vừa báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình châu chấu tre lưng vàng và châu chấu sa mạc, truyền thông trong nước dẫn tin hôm 28/7.
Báo cáo nêu rõ, đến nay, châu chấu tre lưng vàng gây hại chủ yếu tại 8 tỉnh (Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Ninh và Thanh Hóa). Diện tích nhiễm châu chấu tre lưng vàng gây hại từ đầu năm đến nay là 277 ha, chủ yếu trên tre luồng và một phần nhỏ diện tích cây nông nghiệp (ngô).
Trong khoảng thời gian tháng 6 đến tháng 7, châu chấu tre lưng vàng có hiện tượng di trú từ Trung Quốc, Lào vào Việt Nam (đầu tháng 6/2020 châu chấu tre lưng vàng di trú từ Lào sang địa bàn tỉnh Thanh Hóa; từ ngày 20/7 di trú từ Trung Quốc sang Điện Biên), diện tích nhiễm khoảng 60ha. Nhưng từ ngày 23/7 đến nay không còn châu chấu do chúng lại bay trở về Trung Quốc.
Đến nay châu chấu sa mạc vẫn phát sinh, gây hại ở các nước khu vực Đông Phi (Kenya, Ethiopia, Somalia,…), bán đảo Ả Rập (Arab Saudi, Yemen, Oman,… ), Tây Á (Ấn Độ, Pakistan, Iran,… ) và đang có xu hướng giảm mật độ vì chúng quay về nơi sinh sản hàng năm.
Diện tích châu chấu sa mạc gây hại ở các nước nói trên lên tới gần 400.000 ha cây trồng nông lâm nghiệp và đồng cỏ, theo Bộ NN-PTNT.
Hoa Kỳ chuyển giao 2 tàu tuần tra cho Việt Nam
Hoa Kỳ chuyển giao 2 tàu tuần tra cỡ lỡn lớp Hamilton đã loại biên của Lực lượng tuần duyên Mỹ cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vào ngày 27/7 cho biết 2 tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton (3.200 tấn) bao gồm chiếc CSB 8020, đã được chuyển giao hồi năm 2017 và chiếc chiếc John Midgett, dự kiến chuyển giao vào cuối năm 2020.
Hai tàu tuần tra vừa nêu trị giá khoảng hơn 58 triệu USD, thuộc trong số tiền 150 triệu USD mà Hoa Kỳ dành cho Việt Nam trong 3 năm tài khóa từ 2016-2019, thông qua chương trình tài trợ quân sự nước ngoài (FMF).
Chương trình FMF được Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp tài chính cho các nước dùng mua sắm thiết bị và dịch vụ quân sự của Mỹ, nhưng không cung cấp trực tiếp khoản tiền này cho nước được nhận mà trực tiếp chi trả cho các công ty Mỹ.
Hồi tháng 5/2020, Hoa Kỳ đồng thời đã chuyển giao 6 tàu tuần tra “Cá Mập Sắt-Metal Shark” cuối cùng trong tổng số 24 tàu cho Cảnh sát biển Việt Nam. Số tàu này cũng thuộc chương trình FMF.
Năm 2020 đánh dấu 25 năm mối quan hệ ngoại giao Việt Nam và Hoa Kỳ được thiết lập và lễ kỷ niệm trực tuyến vừa được tổ chức tại thủ đô Washington vào chiều ngày 28/7, dưới sự chủ trì của Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc.
Trong lễ kỷ niệm trực tuyến, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun phát biểu về những thành tựu nổi bật mà hai nước Việt Nam và Mỹ đã đạt được trong 1/4 thế kỷ qua.
Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun nhấn mạnh trong lĩnh vực quốc phòng, Hoa Kỳ và Việt Nam cùng chia sẻ về tầm nhìn chung đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và Triển vọng của ASEAN tại khu vực này. Hoa Kỳ và Việt Nam đang tăng cường hợp tác trong việc giải quyết những thách thức ở vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương và sông Mekong.
Trong hợp tác thương mại, ông Biegun nêu lên hai nước đã đạt được thương mại song phương hơn 77 tỷ USD.
Bên cạnh đó còn có sự hợp tác của Hoa Kỳ trong việc khắc phục ô nhiễm dioxin và rà soát bom mìn chưa nổ, hỗ trợ trong vấn đề điều trị cho người khuyết tật Việt Nam, và tìm kiếm hài cốt binh sĩ bị mất tích trong chiến tranh Việt Nam…
Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun kết thúc bài diễn văn rằng Hoa Kỳ và Việt Nam cùng tái tạo sự cam kết để hướng tới một tương lai tươi sáng cho người dân Mỹ và Việt Nam.
Hoa Kỳ viện trợ Việt Nam
hơn 160 triệu đôla về an ninh quân sự
Hoa Kỳ viện trợ Việt Nam hơn 160 triệu đôla trong lĩnh vực an ninh quân sự, trong đó có hai tàu tuần duyên trị giá 58 triệu đôla, đồng thời Washington bán hơn 182 triệu đôla thiết bị quân sự cho Hà Nội, theo một thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Thông cáo ngày 27/7 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong những năm gần đây, “hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ – Việt đã tăng nhanh chóng”, đặc biệt trong giai đoạn 2017-2020, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang xác lập tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cụ thể là Kế hoạch Hành động về Hợp tác Quốc phòng kéo dài 3 năm cho giai đoạn 2018-2020.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong năm tài khóa từ 2016 – 2019, Việt Nam đã nhận được hơn 150 triệu đôla tiền hỗ trợ an ninh từ chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài (FMF). Trong số này có hơn 58 triệu đôla dành cho việc hỗ trợ chuyển giao 2 tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton đã loại biên của Tuần duyên Mỹ cho Cảnh sát biển Việt Nam: chiếc USCGC Morgenthau, chuyển giao cuối năm 2017 và chiếc USCGC John Midgett dự kiến chuyển giao vào cuối năm 2020.
Chương trình FMF còn hỗ trợ Việt Nam 24 xuồng tuần tra cao tốc loại Metal Shark, trong đó 6 chiếc cuối cùng đã được bàn giao hồi tháng 5/2020.
Cũng trong chương trình FMF, Việt Nam còn nhận 5 triệu đôla trong năm tài khóa 2018 thông qua chương trình Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPS), dùng hỗ trợ nâng cao năng lực huấn luyện đào tạo máy bay tuần tra biển, hệ thống máy bay không người lái, radar duyên hải…
Năm tài khóa 2016 – 2020, Việt Nam nhận 20 triệu đôla từ chương trình FMF thông qua Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (SAMSI), cùng 10 triệu đôla qua chương trình Sáng kiến an ninh hàng hải Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Ngoài ra Hoa Kỳ còn bán cho Việt Nam hơn 182 đôla thiết bị vũ khí an ninh quốc phòng trong các năm tài chính 2015-2019, trong đó có 52,86 triệu đôla các mặt hàng thiết bị quốc phòng bán qua chương trình Bán hàng Thương mại Trực tiếp (DCS) và 130 triệu đôla thiết bị quân sự qua chương trình Bán hàng Quân sự Nước ngoài (FMS).
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ba mặt hàng thiết bị vũ khí chủ yếu mà Việt Nam mua của Mỹ qua chương trình DCS là: điều khiển hỏa lực, laser, hình ảnh và thiết bị dẫn đường (USML Category XII); điện tử quân sự (Category XI); động cơ tuabin khí và các thiết bị liên quan (Category XIX).
Quận Cam yêu cầu thông báo trước 10 ngày
cho các chuyến thăm của giới chức Việt Nam
Chính quyền quận Cam ở California vừa thông qua một nghị quyết yêu cầu các đoàn khách của chính quyền Việt Nam và Trung Quốc trước khi đến thăm quận phải thông báo trước 10 ngày.
Hội đồng Giám sát quận Cam (Orange County) hôm 28/7 đã đồng thuận thông qua một nghị quyết không tính bắt buộc yêu cầu giới chức Việt Nam và Trung Quốc báo trước 10 ngày trước khi đến thăm quận.
Ông Phát Bùi, nghị viên thành phố Garden Grove thuộc quận Cam, người ủng hộ nghị quyết này, nói với VOA:
“Mục đích của nghị quyết này là muốn các phái đoàn của chính quyền Trung Quốc và chính quyền Việt Nam khi qua thăm viếng quận Cam thì phải báo cho văn phòng của quận Cam biết trước 10 ngày, không phải cấm.
“Nếu không thông báo trước thì khi xảy ra các vụ biểu tình rầm rộ khiến quận Cam phải huy động cảnh sát (sheriff) và phát sinh các chi phí của quận về vấn đề an ninh cho các phái đoàn này và những người biểu tình thì chính quyền Việt Nam và Trung Quốc sẽ phải bồi thường số tiền đó cho quận Cam”.
Nhật báo The Orange County Register hôm 27/7/2020 cho biết nghị quyết này do bà Michelle Steel, Chủ tịch Hội đồng Giám sát, đề nghị và được ông Andrew Đỗ, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám sát, ủng hộ.
Nghị quyết này áp dụng cho tất cả các đoàn khách là giới chức ngoại giao và thương mại đến từ Việt Nam và Trung Quốc, trang nhật báo dẫn nghị quyết cho biết.
Nhật báo The Orange County Register trích một tuyên bố của bà Steel cho biết, “đã có những vụ bạo lực xảy ra trong quá khứ tại Quận Cam xuất phát từ các chuyến thăm của viên chức cộng sản đến từ Việt Nam”.
Bà Steel cho biết thêm rằng “chính quyền địa phương có quyền yêu cầu” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hoặc chính phủ nước ngoài thông báo về các chuyến thăm sắp tới đến quận Cam.
Ông Phát Bùi, đồng thời là Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Nam Califorinia, nói với VOA rằng hơn 15 năm về trước chính quyền các thành phố Westminster, Garden Grove, Santa Ana đã từng đưa ra yêu cầu tương tự.
Các nghị quyết yêu cầu “không đón tiếp, không sử dụng ngân sách thành phố để giải quyết rắc rối do phái đoàn Việt Nam gây ra khi đi đến, đi qua, tạm dừng trong phạm vi thành phố” vào năm 2004 và yêu cầu phải báo việc viếng thăm cho Hội đồng Garden Grove trước 14 ngày thường và Hội đồng Wesminster trước 10 ngày làm việc.
Hai thành phố Quận Cam không hoan nghênh quan chức CSVN
Khi ấy phát ngôn viên Lê Dzũng của Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ nghị quyết này vì cho rằng “nghị quyết đi ngược với với trào lưu phát triển của mối quan hệ Việt – Mỹ,”nói thêm rằng “nghị quyết này sẽ không chặn đứng được những chuyến viếng thăm hoặc mối quan hệ phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.”
Sau đó, trong bài viết Trở lại quận Cam đăng trên trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Phạm Khắc Lâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Liên lạc với Người Việt ở nước ngoài, viết: “Tôi đã cảm nhận sâu sắc rằng những ‘nghị quyết’ nói trên không hề tác động đến tình cảm ngày càng gắn bó với quê hương, đất nước của số đông kiều bào”.
Ông Lâm viết tiếp: “Họ vẫn đang mong bà con trong nước, kể cả dân thường và cán bộ, lui tới với họ nhiều hơn nữa.”
Hôm 29/7/2020, ông Phát Bùi với VOA rằng nghị quyết của quận Cam không liên quan đến, và “cũng không nhằm trả đũa” việc các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam phải thông báo qua công hàm cho chính quyền sở tại việc viếng thăm các tỉnh ngoài khu vực lãnh sự, phần lớn là các tỉnh biên giới ở phía nam và vùng Tây Nguyên của Việt Nam.
Điểm tin trong nước sáng 30/7: Việt Nam đón
129 người mắc Covid-19 về từ Guinea Xích đạo;
Áp thấp nhiệt đới tiến vào Biển Đông
Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Năm (30/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Hà Nội khoanh vùng 1 ca nghi nhiêm Covid-19
Theo VnExpress, tối 29/7, Lực lượng chức năng đã rào chắn, khoanh vùng và phun khử khuẩn khu vực ngõ 466 Hoàng Hoa Thám nơi một cụ ông 76 tuổi nghi nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
Cụ ông 76 tuổi đi vào Đà Nẵng chơi từ giữa tháng 7. Đến ngày 21-22/7, ông đến khám tại bệnh viện C Đà Nẵng, về lại Hà Nội sinh hoạt bình thường, không có triệu chứng. Sáng 29/7 ông đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 để lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus Vũ Hán.
Việt Nam đón 129 người mắc Covid-19 về từ Guinea Xích đạo
Theo VTC, chuyến bay VN06 chở 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo về nước đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 15h10 ngày 29/7. Ngay sau khi xuống sân bay 129 bệnh nhân nhiễm viêm phổi Vũ Hán được chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để điều trị.
Theo thông tin cập nhật sau chuyến bay, trong quá trình bay, có 2 hành khách có biểu hiện khó thở, đã được cấp cứu kịp thời, sau đó sức khỏe đã trở lại bình thường và được kíp y, bác sĩ đi cùng chuyến bay cũng như tiếp viên theo dõi sát tình trạng sức khỏe.
Phát hiện thêm 11 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở TP.HCM
Thông tin trên được ông Nguyễn Trí Dũng – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM – cho biết tại cuộc họp thông tin về tình hình dịch COVID-19 và công tác ứng phó của TP.HCM vào ngày 29/7, theo Tuổi trẻ.
Theo đó, chiều cùng ngày lục lượng chức năng phát hiện 11 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép tại một chung cư trên địa bàn phường 22, quận Bình Thạnh. Những người này sau đó được đưa đi cách ly.
Ngoài 11 trường hợp trên, từ tháng 5 đến nay TP.HCM đã phát hiện 38 trường hợp nhập cảnh trái phép.
Indonesia bắt tàu Việt Nam cùng 2 tấn cá
Ngày 29/7, AFP loan tin, dẫn phát biểu của giới chức Indonesia cho biết, nước này vừa cho bắt giữ chiếc tàu đánh bắt của Việt Nam cùng với 2 tấn cá trên tàu.
Chiếc tàu cá Việt Nam có 9 người trên đó đã vứt lưới và những thiết bị qua mạn tàu, rồi đốt một lốp xe với hy vọng chặn được lực lượng truy đuổi. Tàu đánh cá này sau đó đâm vào một tàu tuần duyên Indonesia, vượt qua một tàu hàng thế nhưng cuối cùng vẫn không thể chạy thoát.
Người phát ngôn của lực lượng bảo vệ bờ biển Wisnu Pramandita nói với giới truyền thông: “Chúng tôi đã bắn một khẩu súng nước vào chiếc tàu để ngăn chặn nó khi nó cố gắng trốn thoát”.
Giới chức Indonesia tuyên bố vụ việc diễn ra vào hôm Chủ nhật (26/7), tại khu vực gần quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia. Chưa có thông tin thêm để kiểm định tuyên bố của Indonesia. Không loại trừ khả năng chiếc tàu cá Việt Nam hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Indonesia cáo buộc là bất hợp pháp, vì tại khu vực phía nam Biển Đông, gần quần đảo Natuna, có vùng biển tranh chấp mà cả Việt Nam và Indonesia đều có tuyên bố chủ quyền.
Vụ việc xảy ra vào ngày Chủ nhật 26/7 gần đảo Natuna và đến này thứ Tư mới được công bố.
Áp thấp nhiệt đới tiến vào Biển Đông
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, tối qua (29/7), vùng áp thấp đã vượt qua khu vực miền Trung Phi-líp-pin và đi vào Biển Đông.
Hồi 01 giờ ngày 30/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,5-16,5 độ Vĩ Bắc; 118,0-119,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650km về phía Đông.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 01 giờ ngày 31/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 16,1-17,1 độ Vĩ Bắc; 114,2-115,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Đông.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp nên ở Biển Đông có mưa dông mạnh; ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động; sóng biển cao 2-4 mét.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến 01 giờ ngày 01/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Điểm tin trong nước tối 30/7:
9 người trốn giãn cách xã hội bằng tàu biển
Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước tối thứ Năm (30/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
9 người trốn giãn cách xã hội bằng tàu biển
VnExpress dẫn thông tin từ Đại tá Tôn Thất Nguyên Đạt – Chỉ huy phó Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, nói khoảng 10h30 sáng nay, biên phòng đồn Lăng Cô đã tạm giữ 9 người trên chiếc tàu gỗ này.
Trên tàu có 2 người cư trú tại Đà Nẵng, 7 người ở Thừa Thiên Huế, xuất phát từ Đà Nẵng theo đường biển, khi đang cập bờ biển thôn Đồng Dương (Thừa Thiên Huế) thì bị lực lượng biên phòng phát hiện, tạm giữ. Những người này đã được biên phòng giao cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Thừa Thiên Huế xử lý.
TP. Hội An phong tỏa một tuyến phố trung tâm vì có người nhiễm Covid-19
Chiều 30/7, ông Nguyễn Văn Lanh – phó chủ tịch UBND TP. Hội An – cho biết đã cho phong tỏa khối phố An Hội, phường Minh An, sau khi ghi nhận các ca dương tính và thêm 5 ca nghi nhiễm, nhiều trường hợp diện F1, theo Tuổi trẻ.
Liên quan đến 5 ca nghi nhiễm mới nhất, theo ông Nguyễn Văn Lanh, có 3 trường hợp hiện đang cư trú tại phường Minh An, một tại phường Cẩm Nam và người còn lại cư trú tại phường Sơn Phong. Các trường hợp này đã cho kết quả xét nghiệm ban đầu dương tính với Covid-19.
Ngoài ra, Hội An còn có một công dân được xác định là đã nhiễm Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng và 2 trường hợp dương tính khác đã đến du lịch, mua sắm tại Hội An mấy ngày trước.
Hàn Quốc bắt 3 người Việt trốn khỏi trung tâm kiểm dịch
Nhà chức trách Hàn Quốc vừa cho biết họ đã bắt giữ ba người Việt Nam trốn khỏi trung tâm kiểm dịch ở Gimpo, phía Tây Seoul.
Tờ Yonhap hôm 30/7 cho biết, những người này bị cảnh sát Hàn Quốc bắt hồi đầu tuần. Họ đang đối mặt với việc bị trục xuất vì vi phạm Đạo luật phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm Hàn Quốc.
Ba người Việt Nam đều là nam giới ngoài 20 tuổi. Họ bị cáo buộc trốn khỏi cơ sở kiểm dịch mà không được phép hôm 27/7 sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc hôm 20/7 bằng thị thực du lịch/quá cảnh B-2.
Họ đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona khi tới Hàn Quốc nhưng bị buộc phải cách ly 2 tuần theo quy định.
Theo cảnh sát tỉnh Gyeonggi, 2 trong số 3 người bỏ trốn đã bị bắt ở khu vực nông thôn Incheon, phía tây Seoul vào chiều 29/7, trong khi người còn lại bị bắt tại ký túc xá của một công ty sản xuất ở Gwangju cùng ngày.
Cảnh sát cho biết họ cũng bắt thêm một người Việt khác vì nghi ngờ đã hỗ trợ cho việc bỏ trốn của 2 nghi phạm bị bắt ở Incheon.
Ba người Việt khai với cảnh sát rằng họ cảm thấy “ngột ngạt” bên trong cơ sở cách ly ở Gimpo và quyết định trốn thoát để kiếm thêm tiền.
Một quan chức cảnh sát Gyeonggi nói rằng 3 người này sẽ đối mặt với việc bị trục xuất sau khi trải qua các cuộc điều tra về động cơ bỏ trốn.
TP.HCM cách ly 33 người có triệu chứng về hô hấp từng đến Đà Nẵng
Báo Zing dẫn tin từ Sở Y tế TP.HCM sáng 30/7 cho biết đã ghi nhận 33 bệnh nhân có triệu chứng về hô hấp đã từng đến Đà Nẵng trong tháng 7. Những trường hợp trên được phát hiện qua quá trình rà soát và thực hiện khai báo y tế.
Số bệnh nhân này đã được cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe tại khu cách ly tại các bệnh viện trên địa bàn. Họ đã được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và đang chờ kết quả.
Các bệnh viện đang theo dõi 33 người này gồm: Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Đa khoa Củ Chi, Trung tâm Y tế quận 10, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện quận 1,12,11, Tân Bình, Thủ Đức.