Tin Biển Đông – 27/07/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 27/07/2020

Máy bay quân sự Mỹ tiến sát cách bờ biển Trung Quốc chưa đầy 80km – Đông Phương

Trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đóng cửa các lãnh sự quán của nhau và Trung Quốc đang có cuộc tập trận quân sự gần bán đảo Lôi Châu ở Quảng Đông, hôm 26/7, Hoa Kỳ lại một lần nữa gửi 4 máy bay quân sự đến bờ biển Trung Quốc để trinh sát. Trong đó có một chiếc máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-8A cách bờ biển Trung Quốc chưa đến 80 km, đây là lần máy bay trinh sát của Mỹ tiến gần Trung Quốc nhất trong khoảng thời gian vừa qua.

Vào chiều ngày 26/7, một máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-8A của Hoa Kỳ đã từ Nhật Bản bay về phía tây nam, và sau khi đến khu vực nhận dạng phòng không Đài Loan, lúc 1h50 chiều, nó đã chuyển hướng bay sang Trung Quốc và sau đó quay về hướng bắc. Vào lúc 2h chiều, chiếc P-8A này chỉ cách đường cơ sở lãnh hải nơi giao giới của tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến khoảng 41,3 hải lý (khoảng 76,5 km), sau đó quay trở lại.

Khoảng cách này là khoảng cách gần nhất mà một máy bay quân sự Mỹ gần đây đã đến gần Trung Quốc để trinh sát.

Cũng trong khoảng thời gian đó, một máy bay trinh sát điện tử EP-3E của quân đội Hoa Kỳ đã bay vào Biển Đông qua eo biển Bashi và khi cách đường cơ sở lãnh hải phía nam Phúc Kiến 57,54 hải lý (khoảng 106,6 km) vào lúc 2 giờ 23 phút chiều thì quay đầu.

Vào sáng ngày 26/7, một máy bay trinh sát điện tử EP-3E khác và một máy bay chỉ huy và giám sát chiến trường E-8C đã từ eo biển Bashi bay về phía tây rồi tiến vào Biển Đông.

Hệ thống “Nhận biết tình hình chiến lược Biển Đông” (SOUTH CHINA SEA STRATEGIC SITUATION PROBING INITIATIVE) của Viện nghiên cứu Hải dương trực thuộc Đại học Bắc Kinh đã liên tiếp đưa ra những tin tức trên vào hôm 26/7.

Hiện tại, mối quan hệ Mỹ – Trung ngày càng trở nên căng thẳng. Gần đây hai bên đã đóng cửa lãnh sự quán của nhau. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang có cuộc tập trận quân sự ở gần bán đảo Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Đông từ ngày 25/7 đến ngày 2/8. Việc quân đội Hoa Kỳ gửi máy bay quân sự đến trinh sát ngay lập tức thu hút sự quan tâm của ngoại giới.

Ông Lâm Dĩnh Hựu (Lin Yingyou), Giáo sư trợ lý tại Viện nghiên cứu Chiến lược và Sự vụ Quốc tế tại Đại học Quốc gia Chung Cheng Đài Loan, nói với truyền thông rằng, gần đây Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có nhiều xung đột quân sự và chính trị, như các cuộc tập trận quân sự thường xuyên của ĐCSTQ, Hoa Kỳ trinh sát và điều tra dọc theo bờ biển Trung Quốc, vụ đóng cửa lãnh sự quán hai nước, v.v. Tất cả điều này cho thấy, Hoa Kỳ muốn nhân cơ hội này để gây áp lực lên ĐCSTQ và kiểm tra phản ứng của Bắc Kinh.

Ông Lâm Dĩnh Hựu chỉ ra rằng, về mặt chính trị, Hoa Kỳ có khả năng muốn thông qua các hoạt động quân sự lần này để chiếm được thế thượng phong trong các cuộc đàm phán trong tương lai với ĐCSTQ;

về mặt quân sự, có thể là Mỹ muốn thông qua các đợt trinh sát, quan sát các cuộc tập trận của Trung Quốc để tìm hiểu về thực trạng năng lực quân sự của quân đội ĐCSTQ sau khi đã cải tiến 10 năm qua.

Ông Lâm cũng nói rằng, nếu Tổng thống Mỹ Trump muốn tái đắc cử vào tháng 11 năm nay thì không được thể hiện sự yếu kém trước ĐCSTQ, nhưng hai bên cũng không nên động tới súng đạn.

Ông Thi Hiếu Vỹ (Shi Xiaowei), Tổng biên tập trang web Hàng không và Tình báo Quân đội (Military & Aviation News) Đài Loan, cho rằng hành động lần này của Mỹ là đang kiểm tra mức độ nhẫn chịu của ĐCSTQ. Mặc dù hành động của quân đội Hoa Kỳ không vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng đối với phía Trung Quốc mà nói thì cảm giác bị trinh sát không dễ chịu chút nào. Tuy nhiên, phía Trung Quốc hiểu rất rõ ý tứ của Hoa Kỳ, vì vậy họ sẽ cố gắng nhẫn nại hết sức và hai bên có lẽ sẽ không khai hỏa.

Kể từ khi bùng phát dịch bệnh, ĐCSTQ ngày càng hung hăng: phái máy bay quân sự và tàu chiến đến quấy rối Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, Đài Loan, v.v; gây xung đột ở biên giới Trung – Ấn; phớt lờ sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và sự chống trả quyết liệt của người dân Hong Kong để cưỡng chế thực thi “Luật An ninh Quốc gia Hong Kong”, tước đoạt quyền dân chủ và tự do của người Hong Kong; ĐCSTQ không ngừng đe dọa các quốc gia phương Tây như Canada và Úc, thậm chí còn bị nghi ngờ nhúng tay vào các cuộc bạo loạn ở Hoa Kỳ và tham gia vào các hoạt động gián điệp…

Những hành động như vậy đã khiến ĐCSTQ bị Hoa Kỳ và các nước phương Tây trừng phạt.

Gần đây, Hoa Kỳ cũng tăng cường tần suất trinh sát tại vùng biển ven bờ của Trung Quốc và Biển Đông. Theo thống kê, kể từ ngày 15/7 đến nay, quân đội Hoa Kỳ đã cử máy bay quân sự tiến hành trinh sát ở Biển Đông hoặc bờ biển Trung Quốc 12 ngày liên tiếp.

Trước đó hôm 23/7, quân đội Hoa Kỳ đã điều 5 chiếc máy bay quân sự tiến vào Biển Đông. Hôm 25/7, vào ngày diễn ra cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ ở bán đảo Lôi Châu, Hoa Kỳ lại cử thêm 3 máy bay nữa đến Biển Đông.

Đông Phương

Theo The Epoch Times

https://www.ntdvn.com/the-gioi/may-bay-quan-su-my-tien-sat-cach-bo-bien-trung-quoc-chua-day-80km-56318.html

 

TQ đang tập trận bắn đạn thật ngay cửa ngõ Biển Đông

Quân đội Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật gần bán đảo Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc và ngay cửa ngõ Biển Đông.

Một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 25/7 có thể chủ yếu gồm các nội dung diễn tập chống hạm và phòng không của dàn chiến đấu cơ thuộc Không quân Trung Quốc.

Tuy nhiên, khả năng cuộc tập tận này còn có sự tham gia của các lực lượng khác như diễn tập chung giữa Hải quân và Lực lượng Tên lửa sử dụng các tên lửa đạn đạo phòng không.

Theo thông báo của đơn vị 95180 thuộc quân đội Trung Quốc trên kênh truyền hình Bắc Hải hôm 24/7, cuộc tập trận sẽ được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất diễn ra từ ngày 25 – 27/7 tại khu vực rộng lớn hình chữ nhật ở vùng biển ngoài khơi phía tây bán đảo Lôi Châu, và giai đoạn thứ 2 được tổ chức từ ngày 28/7 – 2/8 ở khu vực hình tròn nhỏ hơn có bán kính 8 km trong cùng vùng. Cũng theo thông báo, hoạt động bắn đạn thật sẽ diễn ra ở khu vực rộng lớn với đạn dược có sức công phá lớn.

Tuy nhiên, thông báo trên không nói chi tiết nội dung của hai giai đoạn tập tận. Còn theo thông tin công khai mà cụ thể là báo cáo trên trang web của chính quyền thành phố Bắc Hải, đơn vị 95180 thuộc lực lượng không quân Trung Quốc.

Ông Song Zhongping, chuyên gia quân sự Trung Quốc chia sẻ, cuộc tập trận bắn đạn thật của không quân Trung Quốc thường bao gồm nội dung bắn hạ máy bay và các tàu chiến mặt nước. Những cuộc tập trận như trên nhằm tăng cường khả năng nắm ưu thế trên không và tấn công các mục tiêu là tàu chiến của đối phương.

Trong khi đó, hôm 24/7, tạp chí Ordnance Industry Science Technology của Trung Quốc nhấn mạnh cụm từ mà quân đội Trung Quốc sử dụng “đạn dược có sức công phá lớn” có thể ám chỉ tới các tên lửa đạn đạo thuộc dòng DF đã được biên chế vào Lực lượng Tên lửa nước này.

Ông Song nhận định, trong cuộc tập trận chống hạm của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc, các tên lửa đạn đạo có thể tấn công những tàu chiến mặt nước cỡ lớn, còn các tên lửa hành trình chống hạm loại khủng cũng có thể thực hiện tấn công tầm xa từ khoảng cách 300 – 400 km.

Cuộc tập trận bắn đạn thật của quân đội Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh, quân đội Mỹ liên tiếp tăng cường hoạt động trinh sát và diễn tập ở Biển Đông trong những ngày gần đây với sự tham gia của cá tàu chiến và chiến đấu cơ. Giới chuyên gia lo ngại động thái này có thể làm gia tăng nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự giữa Mỹ – Trung.

Theo ông Song, cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc có thể là nhằm thể hiện năng lực chiến đấu thực sự nếu không may bùng nổ xung đột với Mỹ và cũng được xem là lời cảnh báo.

Đáng nói, trong những cuộc tập trận gần đây ở Biển Đông, tiêm kích bom JH-7A của lực lượng không hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ của quân đội Trung Quốc đã thực hiện bắn đạn thật nhắm vào các mục tiêu nổi trên biển.

Trong khi, oanh tạc cơ H-6 của hải quân Trung Quốc cũng thực hiện các sứ mệnh tuần tra ban đêm ở Biển Đông từ ngày 20 – 22/7. Còn hồi đầu tháng Bảy, máy bay săn ngầm Y-8 thực hành hoạt động chống ngầm ở Biển Đông.

http://biendong.net/bi-n-nong/36015-tq-dang-tap-tran-ban-dan-that-ngay-cua-ngo-bien-dong.html

 

Tàu chiến Úc gia nhập đội tàu Mỹ, Nhật

đương đầu TQ

Năm tàu chiến Úc vừa gia nhập các lực lượng Mỹ và Nhật Bản để thể hiện sức mạnh đoàn kết trong bối cảnh Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông, báo Úc News đưa tin ngày 26/7.

Các lực lượng tập trung ở vùng biển của Philippines ở phía đông Biển Đông để thể hiện sự đoàn kết khi mà căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ gia tăng tuần trước sau khi Mỹ tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc với gần như toàn bộ Biển Đông và Biển Hoa Đông là phi pháp.

Tàu chiến chở trực thăng HMAS Canberra của Hải quân Hoàng gia Úc dẫn đầu tàu khu trục không chiến HMAS Hobart, hai tàu hộ tống HMAS Stuart và HMAS Arunta, và tàu hỗ trợ HMAS Sirius.

Năm tàu chiến của Úc gia nhập một lực lượng chuyên biệt hỗn hợp gồm tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ, một tàu tuần dương tên lửa dẫn hướng của Mỹ và một tàu khu trục của Nhật Bản.

“Cơ hội làm việc cùng với Mỹ và Nhật Bản là cực kỳ giá trị. Duy trì an ninh, an toàn trên biển đòi hỏi hải quân các nước có thể hợp tác thông suốt, liền mạch”, đại tá Michael Harris, chỉ uy của Nhóm nhiệm vụ hỗn hợp Úc, được dẫn lời trong một thông cáo báo chí.

Khả năng tương tác như vậy là một tín hiệu rõ ràng gửi tới các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc rằng, các lực lượng đồng minh đã sẵn sàng và đủ khả năng gia nhập các lực lượng nếu nhu cầu phát sinh.

Mỹ – Trung khẩu chiến

“Quân giải phóng nhân dân (quân đội Trung Quốc) có thể bị buộc phải tăng cường sự hiện diện thông qua các cuộc tập trận và triển khai định kỳ để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Những sự kiện này diễn ra cách nước Mỹ hàng nghìn dặm và ở trên ngưỡng cửa Trung Quốc. Điều này một lần nữa chứng tỏ rằng, Mỹ mới là kẻ thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông”, báo Trung Quốc Global Times đưa tin đầu tuần này.

Washington đáp trả mạnh mẽ. “Hãy nhìn xem, các tàu sân bay Mỹ đã ở Biển Đông thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Chúng tôi sẽ tiếp tục ở đó. Không ai có thể chặn chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói hôm 23/7 (giờ Mỹ).

Việc Hải quân Hoàng gia Úc tham gia lực lượng chuyên biệt hỗn hợp phần nào thể hiện sức mạnh của hạm đội Úc. Một số tàu chiến thuộc hàng mới nhất, “đỉnh” nhất đã tới Biển Đông để thể hiện sự ủng hộ của Úc đối với quan điểm ngày càng cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc, News đưa tin. Đây cũng là tín hiệu gửi tới nước Đông Nam Á rằng, các đồng minh ủng hộ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

“Chúng tôi sẽ hải hành, bay và hoạt động ở những nơi luật pháp quốc tế cho phép. Một lần nữa chúng tôi làm điều đó để khẳng định về quyền và luật pháp quốc tế để ủng hộ chủ quyền của các đối tác, bè bạn của chúng tôi và để tái khẳng định với họ rằng, chúng tôi sẽ ở đó để bảo vệ những việc như vậy”, Bộ trưởng Esper nói.

Vùng biển nóng bỏng

Trong cuộc tập trận bắn đạn thật mà quân đội Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông, khoảng 3.000 quả tên lửa đã được phóng đi nhằm vào các mục tiêu di động trên biển và trên không. Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc như máy bay ném bom JH-7, máy bay đánh chặn J-11B tham gia tập trận.

Lần cuối cùng một cuộc tập trận quy mô lớn như vậy diễn ra ở khu vực đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) vào năm 2016, sau khi Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Đến nay, Bắc Kinh vẫn từ chối công nhận, vẫn không tuân thủ phán quyết này.

“Quân giải phóng nhân dân gần đây tiến hành các cuộc tập trận tấn công mục tiêu biển ở Biển Đông và triển khai các máy bay chiến đấu tại một hòn đảo trong khu vực, vào thời điểm Mỹ hung hăng cử máy bay chiến đấu tới trinh sát cận cảnh và cử tàu chiến, bao gồm tàu sân bay”, Global Times viết.

“Nếu sự khiêu khích quân sự của Mỹ ở Biển Đông kéo dài, Trung Quốc có thể không còn sự lựa chọn nào khác là tăng cường tập trận và đưa thêm tàu chiến, máy bay chiến đấu ra Biển Đông”, báo Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này Nhậm Quốc Cường.

Cuộc tập trận của Trung Quốc có sự tham gia của máy bay chiến đấu J-11B – phiên bản copy máy bay Nga Su-27 Flanker L. Điều này lại làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh sẽ sớm tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên phần lớn Biển Đông dù Global Times khẳng định điều ngược lại.

“Trung Quốc không nên vội vã thông báo ADIZ trên Biển Đông vì có thể làm tổn hại các thành viên ASEAN nhiều hơn là Mỹ, dẫn tới tổn hại quan hệ giữa Trung Quốc và các thành viên ASEAN”, Global Times đưa tin.

Lực lượng hỗn hợp Úc, Mỹ và Nhật Bản cuối tuần này sẽ rời Biển Đông tới Hawaii để tham gia một cuộc tập trận lớn hơn, RIMPAC, với sự tham gia của nhiều quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tàu sân bay USS Nimitz (hoạt động cùng tàu sân bay USS Reagan hồi đầu tháng này) đã chuyển tới Ấn Độ Dương – nơi tàu đang tiến hành các đợt diễn tập tương tác tương tự với hải quân Ấn Độ. Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã tổ chức các cuộc bàn thảo phi chính thức với tên gọi Đối thoại An ninh bộ tứ kể từ năm 2007.

Ấn Độ luôn lưỡng lự với việc chính thức thành lập một “liên minh NATO châu Á”, nhưng việc Trung Quốc gần đây liên tục xâm nhập các đảo do Nhật Bản quản lý cũng như khu vực dãy Himalaya của Ấn Độ đã khiến Ấn Độ thay đổi thái độ, báo Úc nhận định.

Úc phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Úc ngày 23/7 gửi công hàm số 20/026 lên Liên Hợp Quốc bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Các yêu sách của Trung Quốc, bao gồm yêu sách liên quan các đảo nhân tạo mà nước này đơn phương xây dựng trên bãi cạn, bãi đá ngầm “không có cơ sở pháp lý”, công hàm viết.

Công hàm cũng khẳng định, chính phủ Úc không chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc trong công hàm mà Trung Quốc gửi Liên Hợp Quốc hôm 17/4. Công hàm của Trung Quốc viết: “Các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được cộng đồng quốc tế công nhận”.

Trước đó, ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo ra tuyên bố về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuyên bố của Mỹ khẳng định: “Các yêu sách bố chủ quyền của Trung Quốc đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp”.

http://biendong.net/bi-n-nong/36014-tau-chien-uc-gia-nhap-doi-tau-my-nhat-duong-dau-tq.html

 

Collin Koh:

ASEAN phải mạnh dạn đứng lên vì Biển Đông

Mai Vân

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/07/2020 chính thức tuyên bố lập trường của Hoa Kỳ, xem các yêu sách trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông là “bất hợp pháp”. Đây là một thay đổi quan trọng trong chính sách của Mỹ về Biển Đông, được cho là sẽ thúc đẩy những nước khác, cho đến nay vẫn bất bình trước các hành vi bất chấp luât lệ quốc tế của Bắc Kinh để thực hiện ý đồ chiếm trọn Biển Đông nhưng lại tránh không muốn trực diện đối đầu với Trung Quốc.

Như để chứng minh cho nhận định kể trên, ngày 23/07, đến lượt Úc gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, chính thức bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc tại Biển Đông, bị Canberra cho là trái với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016.

Tuy nhiên, ngay từ khi ngoại trưởng Pompeo chính thức tuyên bố lập trường “mới” của Mỹ, một câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là các nước bị Trung Quốc bắt nạt ở Biển Đông và nhất là khối Đông Nam Á ASEAN mà các nước đó là thành viên sẽ có phản ứng ra sao, vì dứt khoát là họ sẽ bị lôi cuốn vào tâm bão Biển Đông.

Trong bài phân tích: “Đứng lên vì ASEAN ở Biển Đông – Standing up for ASEAN in the South China Sea” đăng trên trang thông tin East Asia Forum ngày 23/07, chuyên gia về Đông Nam Á Collin Koh, trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam ở Singapore, đã ghi nhận thái độ bước đầu vẫn dè dặt của ASEAN, để cho rằng đã đến lúc khối Đông Nam Á phải mạnh dạn đứng lên vì quyền lợi của chính mình, thay vì chạy theo các cường quốc.

Philippines phản ứng rõ ràng nhất

Theo chuyên gia Collin Koh, trong số các nước bị Trung Quốc chèn ép tại Biển Đông, Philippines là nước đã có phản ứng rõ ràng nhất sau tuyên bố lập trường mới của Mỹ.

Đây cũng là điều dễ hiểu vì tuyên bố Biển Đông được Mỹ đưa ra vào đúng thời điểm Philippines kỷ niệm 4 năm ngày Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về Biển Đông ngày 12/07/2016, bác bỏ cơ sở pháp lý của các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa theo tấm bản đồ “lưỡi bò”.

Trong diễn văn kỷ niệm ngày Tòa Trọng Tài ra phán quyết, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã nhấn mạnh tính chất bất hợp pháp của một số hoạt động của Trung Quốc và sự cần thiết phải tuân thủ phán quyết.

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết quốc tế, nêu bật sự cần thiết của một trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông.

Chủ tịch Thượng Viện Philippines Vicente Sotto III còn tuyên bố mạnh mẽ hơn, cho rằng “những gì bất hợp pháp không bao giờ có thể trở thành hợp pháp chỉ vì tính khí và thái độ thất thường của một thế lực ngoại bang xem cả Biển Đông như lãnh thổ của mình”.

Riêng phủ tổng thống Philippines thì vẫn giữ giọng điệu cẩn trọng, cho rằng dù Trung Quốc không tuân theo phán quyết của Tòa Trọng Tài, Manila vẫn tiếp tục giữ thái độ hòa hoãn với Bắc Kinh. Phủ tổng thống còn nhấn mạnh là quan hệ song phương Trung Quốc-Philippines không chỉ giới hạn ở tranh chấp Biển Đông mà mang tính bao quát hơn, bao gồm cả hợp tác kinh tế.

Việt Nam ủng hộ Mỹ nhưng tránh nêu tên cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc

Phản ứng của các nước còn lại trong ASEAN, theo chuyên gia Singapore, còn thận trọng hơn, kể cả những quốc gia bị Trung Quốc lấn lướt.

Indonesia, với thái độ từ lâu nay luôn không xem mình là một bên tranh chấp ở Biển Đông, cho rằng việc nước khác hậu thuẫn cho quyền của Indonesia ở vùng Biển Natuna là điều “bình thường”.

Ngay cả Việt Nam, nước vốn thường xuyên lên tiếng chống lại Trung Quốc ở Biển Đông, cũng phản ứng dè dặt. Sau tuyên bố của ông Mike Pompeo, Bộ Ngoại Giao Việt Nam ngày 15/07 đã hoàn toàn tránh né những lời lẽ chỉ trích Trung Quốc, thậm chí không nêu đích danh cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc trong bản thông cáo về lập trường mới của Mỹ. Đây cũng là cách thức để tránh khiêu khích Trung Quốc.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chỉ nói đơn giản rằng “Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội Nghị Cấp Cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.”

Khối ASEAN sẽ tránh ra thông cáo chung về lập trường của Mỹ

Về phản ứng chung của ASEAN, nhà nghiên cứu Collin Koh cho rằng một thông cáo chung của toàn khối ủng hộ tuyên bố của Mỹ khó có khả năng được đưa ra.

ASEAN hoàn toàn có thể ra một tuyên bố nhấn mạnh trên tầm quan trọng của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, mà không cần nêu rõ phán quyết năm 2016, hay tố cáo thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng điều này có lẽ bị cho là không cần thiết, vì ASEAN đã có quá nhiều thông cáo chung như thế rồi.

Giải thích về lý do vì sao trong khối Đông Nam Á sẽ có nhiều nước phản đối việc ra một thông cáo chung hậu thuẫn cho thông báo của ông Pompeo, chuyên gia Collin Koh cho rằng một số chính phủ trong ASEAN không muốn quan hệ song phương với Trung Quốc gặp nguy hiểm, đặc biệt vì các quan hệ kinh tế khắng khít.

Bên cạnh đó, một số chính phủ khác có thể cho rằng tuyên bố của ngoại trưởng Pompeo chỉ là một sách lược của Mỹ nhằm tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc, vì vậy, họ không muốn bị cuốn hút vào một cuộc tranh chấp giữa hai siêu cường. Những nước này không đếm xỉa gì đến việc tuyên bố của Mỹ nhấn mạnh đến nhu cầu tôn trọng luật lệ quốc tế.

Một lý do thứ ba là một số chính phủ trong khối cũng cân nhắc về những hệ quả và hành động của Mỹ sau thông báo của Pompeo, đặc biệt là những trừng phạt nhắm vào các tập đoàn Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông, tham gia việc bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo.

Đối với các nước này, mọi trừng phạt của Mỹ đều có thể ảnh hưởng đến đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á, nhất là vào kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới. Một công ty nhà nước Trung Quốc đang lo việc trùng tu sân bay Sangley của Philippines chẳng hạn, trước đây đã tham gia xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Lo ngại căng thẳng Mỹ-Trung biến thành xung đột trên biển

Sau cùng, một số quốc gia có thể muốn ngồi bên lề để quan sát những động thái tiếp theo của Mỹ. Dĩ nhiên sẽ có những mối lo ngại trong các nước ASEAN là tuyên bố của ông Pompeo làm tình hình căng thẳng thêm lên, nhất là nếu Bắc Kinh và Washington không bên nào chịu lùi bước. Một hành động đáp trả cứng rắn hơn từ phía Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp rất có khả năng diễn ra, làm dấy lên lo ngại về những sự cố nghiêm trọng giữa các lực lượng hải quân hoạt động quá gần nhau.

Một hệ quả được chuyên gia Collin Koh nêu bật là chuyển biến lập trường của Mỹ và tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông có thể thúc đẩy ASEAN đúc kết nhanh chóng cuộc thảo luận về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC).

Điều này có thể giúp giảm bớt các cú sốc tác hại đến hòa bình và ổn định trong vùng, qua đó khẳng định tính hữu ích và vai trò trung tâm của ASEAN.

Trung Quốc có lẽ cũng có chủ trương tương tự, nhưng chỉ để phô trương rằng bộ Quy Tắc đó chứng tỏ khả năng Bắc Kinh xử lý tốt tranh chấp mà không cần đến sự can thiệp của người khác.

Cần đến COC nhưng không phải bằng mọi giá

Vấn đề, theo chuyên gia Singapore, là việc vội vã đúc kết Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông có thể dẫn đến một thỏa thuận không phải là tốt nhất, và đấy có thể là một lý do để quan ngại.

Collin Koh kết luận: Đã đến lúc ASEAN phải tự mình đứng lên bảo vệ lợi ích của chính mình, kể cả khi các thành viên chọn đứng xa cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Để tiến bước, ASEAN cần có một lập trường thuần nhất hơn về Bộ Quy Tắc Ứng xử ở Biển Đông. Một ASEAN chủ động và năng nổ hơn sẽ đứng ra gánh vác trách nhiệm giải quyết chứ không đi theo sự lãnh đạo của những tác nhân lớn ở Biển Đông, dù đó là Trung Quốc hay Hoa Kỳ.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200727-collin-koh-%C4%91a%CC%83-%C4%91%C3%AA%CC%81n-lu%CC%81c-asean-pha%CC%89i-ma%CC%A3nh-da%CC%A3n-%C4%91%C6%B0%CC%81ng-l%C3%AAn-v%C3%AC-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng