Tin Việt Nam – 24/07/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 24/07/2020

Thêm một trạm thu phí BOT sắp được xây trên tuyến tránh Cai Lậy

Nhà đầu tư dự án BOT Tiền Giang sẽ khởi công xây dựng thêm một trạm thu phí BOT trên tuyến tránh Cai Lậy, Tiền Giang vào tháng 8 năm 2020. Truyền thông trong nước đưa tin hôm 24 tháng 7 năm 2020.

Đây là trạm thuộc dự án BOT Cai Lậy có chiều dài 38,5km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.398 tỷ đồng với 2 phần. Phần 1 gồm cải tạo, tăng cường mặt đường quốc lộ 1 dài 26,4km, sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến. Phần 2 gồm xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1km và 7 cầu trên tuyến.

Theo nhà đầu tư, trạm thu khí mới sẽ thu phí song song với trạm hiện hữu đặt trên QL1. Trạm thu phí hiện hữu sẽ thu hoàn vốn cho phần tăng cường mặt đường QL1 (đoạn qua tỉnh Tiền Giang), còn trạm thu phí mới sẽ hoàn vốn cho dự án xây tuyến tránh. Trạm thu phí nào hoàn vốn xong sẽ dỡ bỏ.

Trạm BOT Cai Lậy cũ bắt đầu thu phí từ ngày 1 tháng 8 năm 2017. Việc thu phí đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng địa phương và nhiều tài xế vì cho rằng vị trí đặt trạm không hợp lý. Trạm này phải dừng thu sau nửa tháng hoạt động, sau đó thu lại.

Tuy nhiên đến ngày 4 tháng 12 năm 2017 thì tạm dừng thu phí cho đến nay dù từng có dự kiến sẽ thu phí trở lại vào giữa năm 2020.

Tại buổi làm việc giữa chủ đầu tư dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ giao thông vận tải ngày 12 tháng 10 năm 2019, chủ đầu tư kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan chấp nhận xoá bỏ trạm thu phí Cai Lậy. Ngược lại cho phép thu phí trở lại cao tốc TPHCM-Trung Lương.

Nhiều trạm thu phí BOT trong cả nước bị người dân phản đối vì nhiều lý do, như thu phí quá cao; vẫn thu phí khi đã hết thời hạn được thu; trạm đặt ở vị trí không hợp lý…

Một số tài xế cũng như người dân bị bắt và kết án tù do tích cực phản đối tại một số trạm với những bất hợp lý như vừa nêu.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-bot-toll-station-is-about-to-be-built-on-cailay-bypass-07242020082951.html

 

Việt Nam: Chuồng bò giá 236 triệu ở Nghệ An có gì?

Chuồng bò nằm trong dự án dành cho người dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An.

Dư luận VN đang bàn luận về việc cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng 67 chuồng bò cho người dân tộc Ơ Đu với giá trị lên đến 12,6 tỉ đồng, có chuồng bò hết 236 triệu đồng.

Được biết, đây là “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội dân tộc Ơ Đu” của Ban dân tộc tỉnh Nghệ An, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016 với tổng kinh phí 120 tỉ đồng (trong đó ngân sách trung ương là 108 tỉ đồng và ngân sách đối ứng của địa phương là 12 tỉ đồng).

Tháng 7/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định về việc giải ngân nguồn kinh phí thực hiện đề án này. Trong đó, có hạng mục hỗ trợ xây dựng 67 chuồng trại cho 77 hộ dân tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương với số tiền hơn 12,6 tỷ đồng.

Kinh tế VN 2019: ‘Mặt trời’ chỉ ‘tỏa sáng’ trên báo cáo?

Kinh tế thời Covid-19: ‘VN đừng mong đón đại bàng’

Theo đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3, tổng giá xây dựng hơn 7,24 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có 10 chuồng loại 2 với kinh phí lên tới hơn 2,36 tỷ đồng, tương đương mỗi chuồng bò đầu tư khoảng 236 triệu đồng.

Theo thiết kế xây dựng, mỗi chuồng nuôi có kích thước 4,5×6,69m, chiều cao tường 2,7m. Trước và sau chuồng bò đều có hệ thống bạt che lạnh vào mùa đông, nền nhà bê tông, phía trước là hành lang và máng đựng thức ăn, mái lợp tôn. Đây là loại chuồng đôi cho 2 hộ gia đình, nuôi được 8 con bò.

Tháng 10/2019, hạng mục chuồng bò được nghiệm thu và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2020.

Nhiều người cho rằng, việc phân bổ ngân sách để xây chuồng bò có giá trị lên tới hàng trăn triệu đồng là khập khiễng và chưa hợp lý khi cuộc sống của người dân Ơ đu còn khó khăn. Trên mạng xã hội, nhiều người bình luận giá nhà tình thương chỉ dao động tầm 70 triệu – 100 triệu còn chuồng bò thì xây như “biệt thự”.

Nhiều nhà của người dân tộc Ơ Đu vẫn là nhà tranh vách lá trong khi chuồng bò được xây kiên cố

Đa số dư luận cho rằng việc xây dựng chuồng bò đắt là quá lãng phí, không phù hợp. Trong khi đó, người dân trên địa bàn này đang ở nhà tranh tre vách nứa, chưa được xây dựng kiên cố thì chuồng bò được xây dựng đẹp hơn chẳng khác nào bò lại được xây “biệt thự” để ở.

Dư luận còn nghi vấn số tiền báo cáo để xây dựng chuồng bò theo đề án đã bị thổi phồng.

Năm 2020: Lò sẽ đốt các nhóm lũng đoạn chính sách?

VN: Tham nhũng giảm nhờ CT Nguyễn Phú Trọng?

Trước đó Tuổi Trẻ đưa tin vào tối 21/7, Công an tỉnh Nghệ An bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Kim Văn Bốn (38 tuổi, cán bộ Phòng chính sách, Ban dân tộc tỉnh Nghệ An) để điều tra về hành vi Tham ô tài sản trong quá trình thực hiện đề án trên. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định số tiền mà ông Bốn chiếm đoạt được lên đến hàng trăm triệu đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước.

Công an tỉnh Nghệ An bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Kim Văn Bốn (38 tuổi, cán bộ Phòng chính sách, Ban dân tộc tỉnh Nghệ An)

Báo Zingnews.vn dẫn lời ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, cho biết quá trình triển khai đề án từng xảy ra việc “đưa nhầm” 231 nhân khẩu vào diện hỗ trợ. Theo ông Hải, sai sót trên là do kế thừa số liệu khảo sát thực tế và niên giám thống kê huyện Tương Dương từ cuối tháng 12/2015.

“Số liệu người Ơ đu trên địa bàn rất thiếu logic, lúc tăng lúc giảm. Do người ta cứ chạy đi chạy lại, rồi lúc người ta nhận, lúc người ta lại không nhận. Khi kiểm tra thực tế số liệu không có người Ơ đu ở xã Lượng Minh, Ban đã báo cáo, tham mưu tỉnh đưa bản Đửa ra diện đầu tư hỗ trợ theo đề án”, ông Hải lý giải.

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2020 do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 9/7, ông Hải đã xin nhận trách nhiệm của Ban dân tộc Nghệ An có thiếu sót trong quá trình tham mưu, lập và trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án, ngoài ra không có động cơ lợi ích cá nhân khi tham mưu xây dựng đề án để trục lợi.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53468570

 

Cán bộ Ban dân tộc tỉnh Nghệ An bị tạm bắt

để điều tra sai phạm tại Đề án cho người Ơ Đu

Công an tỉnh Nghệ An ngày 23 tháng 7 đã thi hành lệnh tạm giữ đối với ông Nguyễn Tâm Long, quyền Trưởng phòng chính sách dân tộc, Ban dân tộc tỉnh.

Truyền thông quốc nội đồng loạt loan tin này vào ngày 24 tháng 7 đồng thời cho biết ông Long bị tạm giữ vì liên quan đến sai phạm tại Đề án phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu ở xã Nga My huyện Tương Dương Nghệ An giai đoạn 2016-2025.

Cùng bị tạm giữ đợt này với ông Long còn có ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty Xây dựng Văn Sơn, có trụ sở tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là nhà thầu thực hiện một số hạng mục trong Đề án trên.

Công an cũng đã khám xét khẩn cấp nơi làm việc và nhà riêng của ông Long và ông Sơn tại thành phố Vinh và huyện Quỳnh Lưu.

Trước đó, vào ngày 21/7 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã tống đạt quyết định, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng với ông Kim Văn Bốn, cán bộ phòng chính sách dân tộc-thuộc Ban dân tộc tỉnh Nghệ An, là cấp dưới của ông Long.

Được biết Đề án được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt năm 2016 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn một (2016-2020) kinh phí 61,6 tỷ đồng; giai đoạn hai (2021-2025) kinh phí 58,4 tỷ đồng.

Đề án được thực hiện tại 2 bản Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh), huyện Tương Dương do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thực hiện.

Mặc dù tại bản Đửa (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) không có người dân tộc thiểu số Ơ Đu sinh sống nhưng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn lập danh sách đưa 45 hộ với 231 nhân khẩu vào đề án.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/officer-in-nghe-an-ethnic-minority-committee-detained-temporarily-dueto-wrongdoings-at-project-for-O-Du-thnic-people-07242020083828.html

 

Người dân tộc Ơ Đu “ghen tỵ”

với cái chuồng bò được ban dân tộc tặng

Tin Vietnam.- Những thông tin, hình ảnh về “căn biệt thự” cho bò ở trị giá 236 triệu được ban Dân tộc Cộng sản tỉnh Nghệ An thực hiện đã gây xôn xao dư luận Việt Nam. Đến ngày 23 tháng 7 năm 2020, sự kiện này còn khiến dư luận mạng xã hội Việt Nam “bất ngờ” hơn khi được thấy căn nhà của những người dân được tặng “biệt thự bò” loan truyền trên báo Vietnamnet.

Nhìn căn nhà  sàn tạm bợ được dựng bằng vài thân cây, vách nứa của người Ơ Đu ở xã Nga My, huyện Tương Dương nằm ngay bên cạnh cái chuồng bò trị giá 236 triệu đồng khiến dư luận mạng hài hước mỉa mai rằng, giá mà người được như bò! Và nhiều người tò mò không biết những gia đình được tặng chuồng bò này sẽ suy nghĩ gì khi nghĩ về cái “biệt thự” của con bò cùng đang nằm cạnh căn nhà của mình đang ở?

Dư luận phán đoán, giá trị căn nhà mà một gia đình Ơ Đu đang ở gần bằng số tiền lẻ mà Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An xây cho vài con bò ở với diện tích 4.5 x 6.9m.

Dư luận mạng còn “ghen tỵ”cho rằng, trước nay chính sách xây dựng nhà cho những người có công với cách mạng, người nghèo của nhà cầm quyền Cộng sản cũng chỉ có tiêu chuẩn 40 triệu đến tối đa là 50 triệu đồng một căn, thế mà giờ đây những con bò lại được tỉnh Nghệ An Đối xử cao gấp khoảng 5 lần so với con người, đặc biệt là những người có công với chế độ Cộng sản. Vì vậy, hầu hết những gia đình sau khi nhận được số tiền xây nhà “tình nghĩa” thì buộc phải vay mượn thêm để có đủ tiền xây được căn nhà nhỏ.

Giải thích việc chi 12.6 tỷ đồng để xây dựng 67 “biệt thự bò” này, ông Đặng Xuân Quyền, Trưởng phòng Cai quản Xây dựng Công trình tỉnh Nghệ An nói rằng, dự án đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An phê duyệt. Và đây là dự án không lãng phí, vì nó là mô hình mẫu theo tiêu chuẩn định mức của chăn nuôi bò.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/nguoi-dan-toc-o-du-ghen-ty-voi-cai-chuong-bo-duoc-ban-dan-toc-tang/

 

Huỷ toàn bộ bản án vụ ‘định nhảy lầu vì thua kiện’

Hiểu Minh

Chiều 24/7, Ủy ban Thẩm phán đã quyết định hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ tranh chấp 674 m2 đất, trả hồ sơ cho TAND quận Gò Vấp xét xử lại.

VnExpress thông tin,ai bản án của TAND quận Gò Vấp và TAND TP.HCM trước đó xử ông Lê Văn Dư, 42 tuổi, và các đồng bị đơn thua kiện tranh chấp 674 m2 đất với nguyên đơn Phan Quý (67 tuổi, cựu cán bộ VKSND TP.HCM) bị huỷ.

Hồ sơ vụ án được giao cho TAND quận Gò Vấp xét xử lại theo hướng “công nhận hợp đồng mua bán giữa ông Phan Quý và các bị đơn” – tức ông Dư và các đồng bị đơn thắng kiện. Quyết định này của Ủy ban thẩm phán được đưa ra sau hơn một tuần Chánh án TAND Cấp cao ban hành kháng nghị.

Dư luận không đồng tình với án sơ thẩm, phúc thẩm

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, sau khi tuyên án chiều 1/7, vợ bị đơn Dư chạy ra hành lang tòa định nhảy lầu tự tử, lực lượng bảo vệ đã kịp thời ngăn cản. Vụ việc gây xôn xao dư luận. TAND TP.HCM đã có báo cáo và TAND Cấp cao đã chủ động để xem xét các vấn đề xung quanh vụ án này.

Bản án của TAND TP.HCM nhận định do việc chuyển nhượng đất giữa các đương sự chưa phát sinh hiệu lực, QSDĐ vẫn thuộc về ông Quý, bà Thủy. Việc giải quyết vụ án chỉ giới hạn trong phạm vi buộc hoàn trả QSDĐ và tài sản gắn liền… nên việc yêu cầu thu thập các chứng cứ mà VKS đã nêu ra trong kháng nghị là không cần thiết.

Bản án quyết định không công nhận việc chuyển nhượng QSDĐ giữa vợ chồng ông Quý với các bị đơn là có hiệu lực. Tòa cũng không công nhận QSDĐ của vợ chồng ông Dư đối với 674 m2 trên, công nhận đất thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông Quý.

Đồng thời, tòa buộc các đương sự phải trả lại phần đất. Khi nhận đất, nguyên đơn có trách nhiệm thanh toán cho các bị đơn số tiền lần lượt từ khoảng 830 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng.

Trường hợp có tranh chấp liên quan đến khoản tiền mà các đương sự đã thanh toán với nhau khi nhận chuyển nhượng QSDĐ và các thiệt hại phát sinh từ giao dịch nhận chuyển nhượng QSDĐ, các đương sự có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Trước đó, xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Sĩ. Tòa công nhận 500 m2 đất cho ông Quý.

Cạnh đó, HĐXX sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Dư, công nhận hai hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Dư, ông Thắng. Ông Dư được quyền liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để tách thửa, đăng ký QSDĐ với 174 m2 đã chuyển nhượng.

Sau đó, VKSND quận Gò Vấp có kháng nghị không đồng ý với tòa sơ thẩm về bảy điểm. Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKSND TP.HCM tại tòa đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị, hủy án để xét xử lại vụ án. Tuy nhiên, HĐXX đã không chấp nhận ý kiến của đại diện VKS.

Chiều 15/7, tôi được luật sư và các nhà báo cho biết TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án. Gia đình tôi rất mừng.

Tôi xin cảm ơn Tòa Cấp cao cùng các luật sư, nhà báo và các bị đơn trong vụ án đã ủng hộ gia đình tôi. Đặc biệt, tôi cảm ơn nhà báo Trọng Vũ đã cứu vợ tôi trong gang tấc.

https://www.dkn.tv/thoi-su/huy-toan-bo-ban-an-vu-dinh-nhay-lau-vi-thua-kien.html

 

Điện Biên: châu chấu tre từ Trung Quốc

tràn sang Việt Nam gây hại nông nghiệp

Trong gần cả tuần nay, đàn châu chấu tre lưng vàng bay từ hướng biên giới Trung Quốc sang cắn phá 20 ha rừng tre và gây hại khoảng 20 ha nương ngô ở bản Pờ Nhú Khò, Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên với mật độ trung bình 100-400 con/m2.

Báo trong nước loan tin ngày 24/7, dẫn lời ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên cho biết đã cử cán bộ xuống địa bàn theo dõi để khoanh vùng, tiêu diệt đàn châu chấu.

Vẫn theo lời ông Kính, địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều đợt châu chấu lưng vàng di chuyển từ Lào sang từ năm 2015 đến nay, nhưng đây là lần đầu tiên có đàn châu chấu từ Trung Quốc sang.

Ông Kính cho rằng nguyên nhân có thể là huyện biên giới Trung Quốc đang phun thuốc diệt châu chấu nên chúng tràn sang.

Báo trong nước dẫn lời ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Nhé cho biết huyện đã nhận được công hàm thông báo từ bên Trung Quốc về việc đàn châu chấu tre di thực.

Đàn châu chấu tre xuất hiện đầu tiên tại tại các bản Pờ Nhù Khò và Tá Miếu của xã Sín Thầu vào ngày 16/7.

Sau đó đàn châu chấu lan dần ra một số bản khác của xã này như Tả Kố Khừ, A Pa Chải.

Với mật độ châu chấu ở tuổi trưởng thành dày đặc, nhiều diện tích nông nghiệp tại đây bị gây hại rải rác với diện tích ước ban đầu khoảng 20 hecta; trong đó gây hại trên 70%, xem như mất trắng khoảng 5 hecta; gây hại khoảng 30% là 15 hecta.

Theo cơ quan chuyên môn, hiện châu chấu tre đang tiếp tục di chuyển, sinh trưởng nhanh ghép đôi để đẻ trứng nên có thể sẽ bay phân tán vào các địa bàn khác lân cận.

Cục phó Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Quý Dương cho hay châu chấu tre lưng vàng thường xuất hiện vào tháng 7 hàng năm ở các tỉnh biên giới như Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Thanh Hóa.

Ông Dương cho biết thêm loại châu chấu này chỉ thích ăn lá rừng, tre nứa, khu vực ít tre nứa thì chúng phá hoại ngô.

Hiện Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 2 cử lực lượng theo dõi sự di chuyển của đàn châu chấu, hỗ trợ địa phương tiêu diệt khi cần thiết.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dien-bien-bamboo-grasshoppers-coming-from-china-to-vietnam-cause-agricultural-problems-07242020111606.html

 

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp

bị truy tố

Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Đồng Tháp, Nguyễn Hữu Lý vừa bị truy tố vì gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Truyền thông quốc nội loan tin vừa nói hôm 24/7/2020 và cho biết ông Lý với vai trò là Giám đốc Ban quản lý khu di tích Gò Tháp – đại diện chủ đầu tư công trình tu bổ Miếu bà Chúa xứ, đã không thực hiện đúng trách nhiệm, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 3,7 tỷ đồng.

Trong vụ án, ngoài ông Lý, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Đồng Tháp cũng truy tố Võ Thị Tuyết Nhung, Phó trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch tội thiếu trách nhiệm và Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Công ty Ánh Dương tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cáo trạng cho biết, năm 2014, khi ký hợp đồng Công ty Ánh Dương phải nộp số tiền đảm bảo 734 triệu đồng và được tạm ứng thi công 3,3 tỷ đồng. Nhưng sau đó Dương cung cấp thư bảo lãnh giả để được bảo lãnh 734 triệu đồng và được Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp trả lại số tiền đã nộp. Dương còn cung cấp thư hoàn trả tiền ứng trước giả, bảo lãnh hoàn trả 3,3 tỷ đồng và được Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp chấp thuận.

Mặc dù ông Lý là đại diện chủ đầu tư nhưng đã không thực hiện đúng trách nhiệm, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Ông Lý còn thỏa thuận với Dương, thanh toán trước cho doanh nghiệp 3,1 tỷ đồng nhưng không có biện pháp đảm bảo. Kết quả số tiền thanh toán nhưng chưa thi công bị chiếm đoạt là gần 1,9 tỷ đồng.

Tổng cộng ông Dương chiếm đoạt hơn 3,7 tỷ đồng, nhưng ông Lý đã tự nguyện nộp lại số tiền trên để khắc phục hậu quả.

Cũng trong ngày 24/7, một chuyên viên văn phòng Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hải Phòng bị bắt giam vì đã làm giả tài liệu cơ quan nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo Công an thành phố Hải Phòng, người bị bắt là ông Nguyễn Đình Biên, chuyên viên Phòng Quản trị, thuộc UBND TP Hải Phòng. Công an cũng khám xét nơi ở và làm việc của ông Biên.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/deputy-director-of-dong-thap-department-of-culture-sports-and-tourism-is-prosecuted-07242020083148.html

 

Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ

cần được xem lại và đánh giá độc lập toàn bộ

Thanh Trúc

Xem xét lại và đánh giá độc lập toàn bộ dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là nội dung bản Kiến Nghị, được các chuyên gia, khoa học gia, nhà nghiên cứu độc lập và  các tổ chức dân sự soạn thảo, một ngày sau khi Bộ Tài Nguyên-Môi Trường trả lời báo chí về báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án.

Kiến Nghị xem xét lại và đánh giá độc lập toàn bộ dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, được tải lên các trang mạng trong nước một ngày sau khi Bộ Tài Nguyên – Môi Trường hôm 20/7 trao đổi  với báo giới về việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, gọi tắt là ĐTM, của dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Đây là lần đầu tiên Bộ Tài Nguyên- Môi Trường đề cập đến báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM của dự án đô thị du lịch Cần Giờ, đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tập đoàn bất động sản Vingroup đảm trách liên doanh với Hoa Kỳ trị giá 9,3 tỷ USD.

Ông Nguyễn Xuân Hải – Vụ trưởng Vụ Thẩm định ĐTM, nói rằng đây  là dự án có quy mô lớn, nằm kế cận vùng chuyển tiếp khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên quá trình thẩm định và phê duyệt ĐTM hết sức thận trọng với nhiều bước bổ sung, sau đó được thông qua bởi hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học hàng đầu trong tinh thần tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật.

Nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng yêu cầu về bảo vệ môi trường thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, và nếu để xảy ra sự cố môi trường thì phải dừng hoạt động, là cảnh báo của vụ trưởng Vụ Thẩm Định ĐTM Nguyễn Xuân Hải.

Đến ngày 21/7, các cá nhân và tổ chức xã hội yêu môi trường, hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, UBND TPHCM xem xét lại và đánh giá độc lập toàn bộ dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.870 ha với lý do Quyết Định phê duyệt Báo Cáo Đánh Giá tác động môi trường dự án khu du lịch Cần Giờ của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường cho thấy các tác động của dự án lên môi trường chưa được đánh giá khách quan, toàn diện, những vấn đề quan trọng nhất đã chưa được đánh giá đầy đủ trước khi phê duyệt.

Khía cạnh quan trọng nhất mà Kiến Nghị nêu ra là  tác động của việc thực hiện dự án đến rừng ngập mặn tức Khu Dự Trữ Sinh Quyển Cần Giờ, vấn đề xói lở, bồi tụ và dòng chảy các vùng xung quanh dự án, các biện pháp giảm thiểu thích đáng trước tác động tiêu cực của dự án.

Kế đó, nguy cơ khu đô thị lấn biển Cần Giờ tác động xấu lên rừng ngập mặn Cần Giờ sẽ kéo theo hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực khác lên khu vực đô thị TPHCM, nơi đã và đang chịu gánh nặng ô nhiễm môi trường, ngập lụt, sụt lún v.v.

Về mặt khoa học và pháp lý, Kiến Nghị cho rằng chỉ khi việc đánh giá tác động môi trường có thể xảy ra được thực hiện thấu đáo thì mới có thể quyết định tiến hành dự án hay không.

Kiến Nghị ngày 21/7 là kết quả tham khảo phối hợp trong giới kiến trúc xây dụng như kiến trúc sư Ngô Việt Nam Sơn, tiến sĩ kiêm nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, điều hợp viên Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam Đào Trọng Tứ, thành viên Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh GreenID Ngụy Thị Khanh và một số các nhà chuyên môn tên tuổi khác.

Lý do ra đời bản Kiến Nghị xuất phát từ quan ngại về những vấn đề phát sinh mà ĐTM của Bộ Tài Nguyên- Môi Trường không lường tới được, là giải thích của người đã ký vào bản Kiến Nghị, kinh tế gia kiêm nhà nghiên cứu độc lập Phạm Chi Lan:

Bộ Tài Nguyên-Môi Trường trong cuộc họp báo thì nói là có tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia. Nhưng  mà ít nhất trong phạm vi  chuyên gia thì nhiều người chưa được tham vấn, chưa được biết “

“Hai nữa theo qui định của Luật Môi Trường hiện hành, đánh giá tác động môi trường là việc mà nhà đầu tư chủ động làm. Nhà đầu tư Vingroup thì nghe nói đã làm tới 50 nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, nhưng đấy là nhà đầu tư làm, sau đó trình cho Bộ Tài Nguyên-Môi Trường để bộ lập hội đồng thẩm định đánh giá”.

Đánh giá tác động môi trường do nhà đầu tư lập chính là điều khiến chuyên gia quan ngại vì nhiều phần đứng trên giác độ của nhà đầu tư, bà Phạm Chi Lan phân tích tiếp:

Họ phải lập vì thứ nhất là theo yêu cầu của pháp luật, hai nữa đánh giá để họ thấy được chi phí phải bỏ ra về tác động môi trường như thế nào. Nếu chi phí về môi trường quá lớn thì họ sẽ phải tính toán lại, xem lợi ích đạt được có đáng để chi phí lớn như vậy không. Tóm lại họ đánh giá chủ yếu trên giác độ của nhà đầu tư và cho dự án ấy thôi, trong khi đó nếu là Nhà Nước mà đánh giá dự án này thì Nhà Nước phải có cái nhìn rộng hơn từ lợi ích xã hội, từ lợi ích kinh tế, ít nhất là của TPHCM chứ không phải chỉ một dự án ở một huyện Cần Giờ mà đánh giá. Thế cho nên cái đánh giá của Nhà Nước mà lại dựa trên bản của nhà đầu tư, để thấy là nhà đầu tư là ổn thì sợ là có khi lại quên mất khía cạnh về giác độ của Nhà Nước”

Lý do thứ hai vẫn là quan ngại về những phát sinh trong lãnh vực môi trường, được bà Phạm Chi Lan trình bày kèm quan điểm của người đồng kiến nghị là kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:

Bộ TNMT cũng giải thích là chỗ này cách vùng lõi của khu bảo tồn sinh quyển là 18 cây số. Đối với nhà đầu tư thì như vậy là ổn, nhưng có thể trên thực tế không hẳn 18 cây số là đủ đảm bảo”.

“Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn rất quan ngại là khi làm con đường lớn từ thành phố Hồ Chí Minh ra vùng Cần Giờ thì hai bên đường sau này sẽ có một loạt các công trình dựng nên. Người dân sẽ tự phát làm thêm những công trình này khác, chưa kể được thành phố cho phép. Như vậy những công trình làm thêm, ăn theo dự án này sẽ ảnh hưởng tiếp đến khu bảo tồn sinh quyền đó. Những khía cạnh ấy có khi Bộ TNMT và hội đồng thẩm định chưa nhìn rộng ra, chưa thấy những tác động khác về mặt môi trường hoặc về mặt kinh tế xã hội”.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn và những chuyên gia đồng ký tên vào Kiến Nghị đòi xét lại và đánh giá độc lập toàn bộ về khu du lịch lấn biển Cần Giờ, tác động và hệ lụy của việc môi trường bị xâm hại xem ra lớn hơn nhiều so với tác động từ góc nhìn của nhà đầu tư trong dự án tại  khu đất 2.870 hectares đó.

Dự án đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, dưới mắt nhìn của các nhà soạn thảo Kiến Nghị, được coi là rất qui mô nhưng vô cùng nguy hiểm trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt. Những điều này không được đề cập đủ và tới nơi tới chốn trong ĐTM. Bên cạnh đó, công trình qui mô này cũng sẽ tạo rủi ro lớn về các vấn đề xói lở, ngập lụt, thoát nước, biến đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng nặng đến môi trường và xã hội, phá hỏng quy hoạch vùng sinh thái Cần Giờ. Nói chung đi ngược lại chiến lược “Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới”, tạo sức ép vượt quá khả năng tài nguyên mà Cần Giờ có thể cung ứng, chưa kể nguy cơ trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước và xã hội trong tương lai.

Kiến Nghị khẳng định rõ là đến giờ vẫn chưa có một đánh giá đầy đủ, khách quan, độc lập nào về qui trình san lấp, lấn biển mà  một  lượng cát khổng lồ như dự tính sẽ tác động ra sao đến khu vực khai thác.

Được hỏi về bản Kiến Nghị, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên- Môi Trường Đặng Hùng Võ nói:

Tôi cho rằng nên hoan nghênh mọi kiến nghị phải xem xét cẩn trọng hơn dự án lấn biển. Ở đây tôi biết là nhiều người chưa tiếp cận được hết với tất cả những tài liệu của dự án. Không chỉ đánh giá tác động môi trường mà họ đã thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu tất cả những việc mà trong Kiến Nghị đã đặt ra. Sự thực mà nói tài liệu rất nhiều, chỉ có mọi người chưa biết thành cứ nghĩ đấy là những cái chưa làm” .

Thế thì tại sao không công khai cho mọi người cùng biết, cùng tham khảo, là cách đặt vấn đề của kinh tế gia độc lập Phạm Chi Lan:

Mà tôi không được tiếp cận đầy đủ những tài liệu về đánh giá tác động môi trường, tác động kinh tế xã hội mà chủ đầu tư làm và Bộ TNMT thông qua”

“Theo Luật Thông Tin của Việt Nam thì đánh giá tác động môi trường phải được công bố,  trừ những dự án liên quan đến an ninh quốc phòng. Nhưng dụ án này là dân sinh và phát triển kinh tế chứ không phải an ninh quốc phòng. Nếu được công bố và được đọc, được giải thích hết thì không nhất thiết phải kiến nghị. Đánh giá thứ ba nên là những người độc lập để có con cái nhìn khách quan hơn trước khi có quyết định cuối cùng” .

Kiến Nghị xem xét lại và đánh giá độc lập toàn bộ dự án du lịch, liên quan đến chiến lược san lấp, lấn biển tại khu dự trữ sinh quyền Cần Giờ,  phải được coi là ý kiến phản biện có tính cách xây dựng sau đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư và thẩm định của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường mới rồi. Đó là khẳng định của Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nhà nghiên cứu biến đổi khí hậu, Khoa Môi Trường đại học Cần Thơ:

“Có lẽ chính phủ nên xem xét bản Kiến Nghị này và trả lời cho rõ ràng, đồng thời cũng nên công khai những tài liệu liên quan tới dự án để cho mọi người tham khảo hoặc có ý kiến đóng góp chỉnh sửa cho phù hợp”.

Vì sự phát triển và lợi ích chung, chuyên gia Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, Nhà Nước nên trân trọng Kiến Nghị từ  những nhà trí thức có tâm huyết với công việc chung của đất nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/petition-for-the-review-and-independent-assessment-of-can-gio-project-07242020072519.html

 

Đường ống nước sông Đà

lại bị vỡ khiến nhiều người Hà Nội mất nước

Công ty Cổ phần Nước sạch Sông Đà cho biết ống truyền tải nước sạch Sông Đà tại Hà Nội đã bị vỡ ở vị trí km27 +500 nên phải ngừng cấp nước cho hàng trăm nghìn hộ dân ở khu vực Tây Nam Hà Nội.

Truyền thông trong nước loan tin hôm 24/7 dẫn thông tin từ Công ty cổ phần VIWACO (thuộc Hội Cấp thoát nước Việt Nam), đơn vị tiếp nhận nguồn nước Sông Đà cung cấp.

Theo đó, việc ngừng cấp nước cho hàng nghìn hộ dân Hà Nội diễn ra từ 11 giờ đến 16 giờ 30 ngày 24/7.

Cũng theo VIWACO, những khu vực bất lợi ở cuối nguồn thì thời gian cấp nước trở lại sẽ lâu hơn dự kiến.

Sự cố vỡ ống truyền tải nước sạch Sông Đà diễn ra vào ngày 8/7 vừa qua và đang được cơ quan chức năng sửa chữa.

Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, khẳng định thành phố sẽ không để người dân thiếu nước sinh hoạt kéo dài.

Người đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đã điều tiết nguồn cấp từ Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống bổ sung cho Công ty cổ phần VIWACO.

Hồi tháng 10/2019, một vụ đổ dầu thải vào hồ chứa dẫn vào nhà máy nước sạch Sông Đà đã khiến nguồn nước của hàng trăm nghìn hộ dân Hà Nội bị ô nhiễm nặng và không thể sử dụng.

Chính quyền Hà Nội lúc đó đã phải điều động các xe bồn chở nước tới khu vực dân cư để phục vụ người dân.

Đường ống nước Sông Đà từng bị vỡ, rò rĩ hơn 20 lần do chất lượng ống và thi công không bảo đảm yêu cầu. Chất lượng ống cốt sợi thủy tinh không bảo đảm yêu cầu thiết kế, độ bền không đạt 50 năm như yêu cầu của dự án.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/song-da-river-water-pipe-broken-many-hanoi-people-lost-water-07242020084629.html

 

COVID-19 ở Đà Nẵng:

Một ca dương tính, nhưng ‘tiếp tục xét nghiệm’

Bệnh viện Chợ Rẫy

Tin từ Việt Nam chiều ngày 24/7 cho hay một bệnh nhân đã dương tính với virus SARS-CoV-2, tại Đà Nẵng.

“Hãy lắng lại để cảm nhận trọn vẹn thế giới!”

Hơn 200 công nhân VN kêu cứu ở Uzbekistan, nhiều người nhiễm Covid-19

Virus corona: Bạn có thể bị nhiễm Covid-19 hai lần?

Nhưng một phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tuyên bố chưa đủ cơ sở khẳng định bệnh nhân ở Đà Nẵng mắc COVID-19.

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, nói rằng Viện đang làm xét nghiệm (lần thứ 5), sáng 25/7 có kết quả.

Người này, 57 tuổi, cư trú ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, có tiền sử nang trung thất, đã được phẫu thuật cách đây khoảng 2 năm.

Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang sáng ngày 24/7 đã cho hay người này dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ngoài ra, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương còn sẽ tiến hành xét nghiệm khẳng định.

Phú Quốc

Chính phủ cũng cho hay 103/103 mẫu tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C, gia đình bệnh nhân, con gái bệnh nhân và mẹ bệnh nhân, tất cả đều âm tính.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp vào chiều 24/7 về ca nghi nhiễm COVID-19 đã có 3 kết quả xét nghiệm dương tính tại Đà Nẵng.

Tại cuộc họp, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cho hay Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đang triển khai làm tiếp xét nghiệm (là lần xét nghiệm thứ 5).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đã làm 2 xét nghiệm với bệnh nhân này, kết quả đều dương tính.

Viện Pasteur Nha Trang cũng đã làm 1 xét nghiệm, kết quả có vào sáng 24/7 cũng dương tính.

Chính quyền địa phương Đà Nẵng nói bệnh nhân trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.

Ngày 20/7, bệnh nhân sốt, ho, đàm nhiều nên đến khám tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Sau đó người này được nhập viện Khoa Nội hô hấp – Bệnh viện C Đà Nẵng.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53529310

 

Thông tư mới có thể bảo vệ cán bộ,

công chức tố cáo tiêu cực?

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân ký ban hành Thông thư quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức. Thông tư này sẽ có hiệu lực vào ngày 5/9 tới đây.

Đài Á Châu Tự Do liên lạc với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam và được ông nói rõ hơn về nội dung thông tư vừa nêu:

“Thông tư 03 của Bộ Nội vụ ra đời hướng dẫn thực hiện Nghị định 31 của Chính phủ ban hành ngày 10/4/2019, có hiệu lực ngày 28/5/2019 quy định một số điều của biện pháp thi hành Luật tố cáo năm 2018. Thông tư này quy định chi tiết thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.”

Vẫn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, dù mục đích chính của thông tư là không thuyên chuyển vị trí công tác của người tố cáo nhưng vẫn có thể xảy ra trong trường hợp:

“Thông tư này cũng quy định có những biện pháp xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu được sự đồng ý của họ. Tránh trường hợp trù dập hoặc phân biệt đối xử, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với những hành vi như trả thù, trù dập, đe dọa, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người cần được bảo vệ. Không được thực hiện việc điều động, luân chuyển hoặc biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công những công việc khác đối với người tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ.”

Tuy nhiên, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già lại cho rằng trước khi người tố cáo nhận được bảo vệ phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trước hết người tố cáo muốn được bảo vệ phải làm văn bản đề nghị bảo vệ: bí mật thông tin, vị trí công tác, bảo vệ việc làm, tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo và thân nhân họ. Sau khi họ làm đơn thì họ phải gửi cho người giải quyết tố cáo thẩm định xem có căn cứ, tính xác thực theo Điều 51 Luật Tố cáo hay không mới trình cho cấp có thẩm quyền, cấp có thẩm quyền mới ra quyết định có bảo vệ. Sau đó mới tổ chức thực hiện bảo vệ người tố cáo và thân nhân của họ.

Do đó, ông cho rằng đây là tính khôi hài của luật pháp tại Việt Nam hiện nay:

“Đi qua nhiều công đoạn, nhiều con người còn gì bí mật? Thậm chí ra được quyết định bảo vệ, ra được biện pháp tổ chức bảo vệ là phải phối hợp cơ quan này, phối hợp tổ chức nọ thì người tố cáo không biết phải hứng chịu bao nhiêu thứ, thậm chí cả sinh mạng người ta cũng không còn.”

Mới đây nhất, vào ngày 18/6 vừa qua, anh V.V.P., một cán bộ tư pháp ở phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình bị côn đồ hành hung đến bất tỉnh sau khi anh nộp đơn tố cáo lãnh đạo.

Cụ thể, anh P. cho biết đã gửi đơn tố cáo đến Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Thái Bình để tố cáo lãnh đạo phường Lê Hồng Phong là hai ông Vũ Xuân Liệu, Bí thư Đảng ủy phường Lê Hồng Phong, và ông Đặng Xuân Hậu, nguyên Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong.

Anh P. ghi trong đơn tố cáo cho rằng 2 người vừa nêu đã thiếu trách nhiệm, cố ý không giải quyết đơn đề nghị việc thực hiện quy trình nhân sự tái cử Ban chấp hành Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2020-2025, ngoài ra còn cố tình đưa người không đủ điều kiện tiêu chuẩn để giới thiệu vào các chức danh lãnh đạo…

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình vào ngày 27/6 ra quyết định khởi tố 5 bị can liên quan đến vụ án ‘Cố ý gây thương tích’.

Trong đó, có bà Hoàng Thị Ánh Nguyệt, vợ ông Đặng Xuân Hậu, được xác định đã thuê 4 đối tượng còn lại đánh ‘dằn mặt’ anh P. vì tố cáo chồng mình với giá 10 triệu đồng.

Tuy nhiên đến ngày 2/7 vừa qua, báo trong nước loan tin cho hay, Ban thường vụ Thành ủy Thái Bình chưa có chỉ đạo dừng quy trình tái cử, giới thiệu vào chức danh lãnh đạo phường đối với ông Đặng Xuân Hậu.

Trao đổi với RFA tối 23/7, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam cho biết từ những sự việc nêu trên nên Thông tư 03 được ban hành trong thời gian này:

“Thực tế đây là chủ trương của đảng từ lâu. Thường thì cũng kỷ luật, nhắc nhở nhưng đứng trước ngưỡng cửa đại hội (đảng) sẽ có Ban lãnh đạo mới, Ban chấp hành mới nên người ta làm quyết liệt hơn chứ cũng không vấn đề gì. Đúng ra đơn thư tố cáo phải làm rõ chứ khi đại hội thì thời gian ngắn, họ chỉ ném thơ mà không thẩm tra, loại người khác ra thì cũng không hợp lý. Nếu tố cáo đúng mà bị luân chuyển công tác thì cũng ít nghe nói nhưng đó cũng là một dạng trả thù. Trong chính trị, chuyện trả thù, hãm hại nhau là vô cùng.”

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết Điều 8 của Luật Tố cáo quy định sẽ xử lý kỷ luật đối với người giải quyết tố cáo không xử lý, bảo vệ người tố cáo hoặc có tính chất bao che.

Còn trong Thông tư 03 có hiệu lực vào ngày 5/9 tới đây cũng nêu rõ cán bộ giải quyết tố cáo sẽ bị kỷ luật khiển trách đến cách chức nếu thực hiện các biện pháp không đầy đủ đối với người tố cáo dẫn đến người tố cáo bị trả thù.

Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng:

“Chuyện những người công chức còn lương tâm, còn đủ lương tri để làm một người Việt Nam trong xã hội rối ren, rữa nát hiện nay đã lãnh quá nhiều hậu quả, không phải mới đây mà rất nhiều năm rồi. Có những người đứng ra tố cáo cuối cùng thân bại danh liệt, mất hết tất cả, thậm chí sinh mạng không còn. Làm cho người ta cảm tháy ghê sợ và xin lỗi chỉ có những người ở trên mây mới tin vào chuyện đi tố cáo mà được bảo vệ.”

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định rằng Luật Tố cáo cũng như các Bộ luật khác tại Việt Nam chỉ mang tính mị dân, phục vụ cho các phe nhóm cai trị dân, không có triết lý và làm nhục công lý!

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-the-new-circular-protect-negative-whistleblowers-07232020154036.html

 

Bộ Công thương đề xuấtthay đổi cách tính giá xăng dầu

Bộ Công thương Việt Nam vào ngày 22/7 trình Chính phủ Hà Nội dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều về việc kinh doanh xăng dầu. Trong đó, Bộ đề xuất thay đổi công thức tính giá cơ sở xăng dầu từ nguồn trong nước.

Truyền thông quốc nội loan tin hôm 24/7 cho biết, cách tính cụ thể của Bộ Công thương đưa ra Giá cơ sở = Giá nhập khẩu x Tỷ lệ sản lượng nhập khẩu + Giá sản xuất trong nước x Tỷ lệ nhập khẩu.

Theo đó, tỷ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở được xác định hàng quý. Tỷ trọng sản lượng của quý trước liền kề được áp dụng để tính giá cơ sở cho các kỳ điều hành trong quý tiếp theo.

Giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu = Giá xăng dầu thế giới + chi phí định mức tối đa đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam + chi phí kinh doanh định mức tối đa + mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu + lợi nhuận định mức + các khoản thuế, phí và trích nộp khác theo quy định.

Còn cách tính toán giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước sẽ bao gồm 2 phương án. Thứ nhất, giá xăng dầu từ nguồn trong nước = Giá xăng dầu thế giới +/- Premium (nếu có) + chi phí định mức tối đa đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) + chi phí kinh doanh định mức tối đa + thuế, phí và các khoản trích nộp theo quy định + mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu + lợi nhuận định mức.

Premium trong nước là khoản chênh lệch so với giá xăng dầu thế giới và sẽ do Bộ Tài chính xác định.

Thứ hai, giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước là giá bán xăng dầu bình quân của các nhà máy lọc dầu cộng các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá… theo quy định.

Bộ Công Thương lo ngại việc doanh nghiệp lợi dụng cơ chế thỏa thuận để tăng giá bán bằng cách điều chỉnh tăng khoản phụ phí. Từ đó, cơ quan kiến nghị Thủ tướng xem xét lựa chọn áp dụng phương án 1, phương án được cho là ít nhược điểm hơn và có lợi cho người tiêu dùng. Đồng thời, không làm phát sinh thủ tục cho doanh nghiệp như phải kê khai giá bán, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện hành.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-ministry-of-industry-and-trade-proposes-to-change-the-method-of-calculating-gasoline-prices-07242020090038.html

 

Việt Nam đối mặt với tình trạng người Trung Quốc

 ồ ạt nhập cảnh lậu tạo nguy cơ lây nhiễm COVID-19

Truyền thông trong nước hôm 24/7 cho biết an ninh sân bay ở Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, Hà Nội vào tối ngày 24/7 đã phát hiện 2 hành khách Trung Quốc mang giấy tờ giả có tên Việt Nam định lên máy bay đi TP Hồ Chí Minh. Cả hai người trước đó đã nhập cảnh lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch ở tỉnh Hà Giang.

Hiện cả hai hành khách này đều đã được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Công an Hà Nội phòng lây lan COVID-19.

Theo Tuổi Trẻ, gần đây cơ quan chức năng Việt Nam liên tục phát hiện các trường hợp nhập cảnh qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc vào Việt Nam, có đoàn lên đến hàng chục người, gây ra nguy cơ lây lan COVID-19 rất lớn.

Gần đây nhất là trường hợp công an tỉnh Quảng Nam phát hiện 21 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đang lưu trú tại tỉnh này.

TP Đà Nẵng mới đây cũng phát hiện 27 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và lưu trú tại thành phố này.

Việt Nam trong nhiều tuần qua không phát hiện thêm ca nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng tuy nhiên vẫn phát hiện thêm những ca nhiễm COVID-19 là người từ nước ngoài vào Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Y tế tính đến tối ngày 24/7, Việt Nam có tổng cộng 413 ca nhiễm COVID-19 từ đầu năm đến nay. Trong số này, 273 ca là người nhập cảnh được quản lý ngay.

Trường hợp mới nhất được ghi nhận là một thủy thủ người Myanmar làm việc trên tàu IPANEMA. Tàu này xuất cảnh Nhật Bản hôm 16/6 và nhập cảnh Cảng Hòn Gai của Việt Nam hồi ngày 23  tháng 6 vừa qua.

Người thủy thủ phải cách ly trên tàu, đến này 6/7 được đưa đi cách ly tại Khách sạn Vân Long, tỉnh Quảng Ninh.

Đến ngày 9/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và kết quả lúc đó âm tính với SARS-CoV-2. Vào ngày 23 tháng 7, mẫu xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với chủng virus này.

Bệnh nhân được chuyển đến cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương Cơ sở 2.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chinese-illegal-enter-vn-causing-risk-of-covid-19-spread-07242020075034.html

 

Việt Nam cần làm gì khi khuyến khích

Trung Quốc đầu tư công nghệ cao?

Khuyến khích Trung Quốc đầu tư công nghệ cao

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Hội nghị trực tuyến Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt Nam-Trung Quốc, diễn ra vào sáng hôm 21/7, là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.

Đài RFA ghi nhận Việt Nam từng đặt ra mục tiêu sẽ ưu tiên đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào công nghệ cao, thân thiện môi trường trong kế hoạch đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Và, Việt Nam cũng được giới chuyên gia đánh giá là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á thu hút các tập đoàn sản xuất thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Vào tối ngày 22/7, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định với RFA liên quan thông tin Việt Nam kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào công nghệ cao và thân thiện với môi trường:

“Trung Quốc là một đại cường quốc ở kế bên Việt Nam, và có những tiềm năng về tài chính và công nghệ cao. Việt Nam thì mở cửa làm ăn với tất cả các quốc gia thân thiện. Nếu Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam một cách sòng phẳng thì tốt thôi. Mình hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp Trung Quốc thì cũng không có gì khác biệt với các doanh nghiệp lớn khác. Việc phòng ngừa những gì bất trắc hay không tốt thì đấy là trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam.”

Thách thức và rủi ro

Những ích lợi từ các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao và thân thiện với môi trường chưa được các cơ quan bộ, ngành của Chính phủ ghi nhận, nghiên cứu và phổ biến thông tin đến công chúng. Tuy nhiên, những tồn tại thực tế từ các dự án lớn và quan trọng ở trong nước mà doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện làm dấy lên quan ngại rằng có thể có rất nhiều rủi ro một khi Chính phủ Việt Nam khuyến khích Trung Quốc đầu tư thêm nữa về công nghệ cao.

Đến bây giờ chúng ta cũng phải thừa nhận rằng Trung Quốc cũng là một nước mạnh về công nghệ. Thí dụ như là công nghệ thứ 4, trí tuệ nhân tạo và kết nối internet, kết nối vạn vật chẳng hạn. Trung Quốc cũng đạt được những thành tựu đáng kể và theo tôi trong nhiều mặt cũng ngang ngửa với công nghệ của Mỹ. Thế thì chủ trương của Chính phủ Việt Nam, một việc là khuyến khích Trung Quốc đầu tư vào công nghệ hiện đại, ở đây tôi cho rằng ý là công nghệ thế hệ thứ 4 và đấy là chủ trương chung. Thế còn thực hiện nó như thế nào thì chính tôi cũng có cảm giác là nhiều khi đến khi thực hiện thì doanh nghiệp với doanh nghiệp; liệu rằng doanh nghiệp Việt Nam có đủ thông minh, có đủ trí tuệ, có đủ cách thức để có thể yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc phải làm đúng như quy định của pháp luật Việt Nam hay không? Tôi nói thật là bản thân tôi cũng nghi ngờ về chuyện ấy

-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, xác nhận với RFA về thực trạng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam:

“Đúng là trước đây cũng có rất nhiều doanh nghiệp tự ý, chứ không phải là chủ trương của Nhà nước, tiếp nhận của Trung Quốc những nhà máy có công nghệ quá cũ, quá ô nhiễm bị đào thải rồi mang sang Việt Nam. Trong đó, có những trường hợp như xi-măng lò đứng đã thấy khá rõ rồi hoặc kể cả một số nhà máy nhiệt điện thì cũng có ý kiến cho rằng công nghệ quá cũ.”

Mặc dù vậy, Giáo sư Đặng Hùng Võ đồng thời cũng ghi nhận:

“Đến bây giờ chúng ta cũng phải thừa nhận rằng Trung Quốc cũng là một nước mạnh về công nghệ. Thí dụ như là công nghệ thứ 4, trí tuệ nhân tạo và kết nối internet, kết nối vạn vật chẳng hạn. Trung Quốc cũng đạt được những thành tựu đáng kể và theo tôi trong nhiều mặt cũng ngang ngửa với công nghệ của Mỹ. Thế thì chủ trương của Chính phủ Việt Nam, một việc là khuyến khích Trung Quốc đầu tư vào công nghệ hiện đại, ở đây tôi cho rằng ý là công nghệ thế hệ thứ 4 và đấy là chủ trương chung. Thế còn thực hiện nó như thế nào thì chính tôi cũng có cảm giác là nhiều khi đến khi thực hiện thì doanh nghiệp với doanh nghiệp; liệu rằng doanh nghiệp Việt Nam có đủ thông minh, có đủ trí tuệ, có đủ cách thức để có thể yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc phải làm đúng như quy định của pháp luật Việt Nam hay không? Tôi nói thật là bản thân tôi cũng nghi ngờ về chuyện ấy.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ, đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành rằng để phòng ngừa những bất trắc và rủi ro trong các dự án đầu tư FDI là thuộc về trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam.

“Tôi cho rằng khuyến khích đầu tư vào công nghệ hiện đại thì nó phải gắn với quá trình kiểm soát đầu tư. Việc dự án đầu tư chấp nhận hay không chấp nhận thì hoàn toàn phía Việt Nam quyết định.”

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng theo ghi nhận của ông thì hiện tại pháp luật Việt Nam chưa tập trung chú trọng vào chính sách khuyến khích áp dụng sử dụng công nghệ mới. Do đó, cần phải thay đổi rất nhiều để có thể tương thích với những công nghệ và kỹ thuật mới khi doanh nghiệp FDI, mà đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Giáo sư Đặng Hùng Võ còn nhấn mạnh về vai trò của người dân thực hiện quyền giám sát trong lĩnh vực đầu tư FDI:

“Tôi vẫn động viên ở Việt Nam là nên đưa người dân vào thực hiện quyền giám sát để kiểm soát quyền lực. Trong đó, có các trí thức, có các chuyên gia, có những người có kiến thức nếu được giám sát thì tôi tin rằng họ có thể có những ý kiến để yêu cầu phía Việt Nam phải bắt đối tác của mình thực hiện đúng cam kết với những điều đã ghi nhận trong dự án đầu tư đó. Nếu nói rằng có rủi ro hay không thì tôi cho rằng chắc chắn cũng có rủi ro. Nhưng mà bản thân thị trường thì chúng ta phải chấp nhận rủi ro. Và người lãnh đạo thông minh thì sẽ làm cho rủi ro đó bằng không. Nếu không thông minh và thậm chí có thể xảy ra nhóm lợi ích riêng, chẳng hạn thì cũng có thể đấy là một điều mà phải cương quyết chống để sao cho các dự án đầu tư của Trung Quốc phải đúng như cam kết và đúng với pháp luật Việt Nam.”

Tiến sĩ Ngô Trí Long, trong một lần trao đổi với RFA về Việt Nam thu hút đầu tư FDI, đã từng khẳng định theo ghi nhận của ông thì:

“Cuộc chống tham nhũng của Việt Nam đã bước đầu đi vào thực chất hơn. Phải nói thẳng như vậy! Và với cuộc chống tham nhũng đi vào thực chất thì chắc chắn tất cả những rào cản, những tệ nạn đó sẽ được đẩy lùi và cũng sẽ là một điều kiện để tạo thu hút thêm cho môi trường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.”

Thế nhưng, vẫn có ý kiến của giới chuyên gia rằng Việt Nam còn rất lúng túng trong lĩnh vực đầu tư công nghệ cao. Theo như Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia từng làm việc trong Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, cho biết ông quan sát thấy Việt Nam chưa bao giờ nghĩ đến hoặc là rất ít khi nghĩ về những công nghệ gì mà Việt Nam có lợi thế tập trung vào để phát triển.

Trung Quốc là một đại cường quốc ở kế bên Việt Nam, và có những tiềm năng về tài chính và công nghệ cao. Việt Nam thì mở cửa làm ăn với tất cả các quốc gia thân thiện. Nếu Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam một cách sòng phẳng thì tốt thôi. Mình hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp Trung Quốc thì cũng không có gì khác biệt với các doanh nghiệp lớn khác. Việc phòng ngừa những gì bất trắc hay không tốt thì đấy là trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam

-Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

“Chẳng hạn, tôi có coi 3 đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) thì tôi thấy về chuyên môn chẳng có gì cả. Những bản báo cáo, những bản nghiên cứu hoàn toàn không có gì đáng nói đến. Thế mà họ nói công nghệ cao…Cuối cùng thì chia các khu đất cho công ty này, công ty kia và cơ bản thì cũng là được đầu tư ưu đãi đất đai và miễn thuế. Và cơ bản thì chỉ là xây nhà bán và khu đánh bạc. Thế thôi.”

Tiến sĩ Vũ Quang Việt cũng cảnh báo rằng nếu như Việt Nam cố gắng lôi kéo các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và trong đó bao gồm cả nhà đầu tư Trung Quốc, mà những tập đoàn đó chỉ hưởng lợi nhiều và chia chác cho quan chức Việt Nam thì Việt Nam sớm muộn gì cũng trở thành bãi rác công nghệ của thế giới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào công nghệ cao và thân thiện với môi trường trong bối cảnh các nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng “thâu tóm” doanh nghiệp Việt giữa dịch COVID-19.

Truyền thông trong nước, vào cuối tháng 4, dẫn nguồn từ số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy riêng trong tháng 4 năm 2020 có hơn 100 lượt nhà đầu tư Trung Quốc góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước, dưới hình thức mua bán & sáp nhập, gọi tắt là M&A. Và, tổng số giao dịch từ đầu năm 2020 đến thời điểm cuối tháng 4 của các doanh nghiệp Trung Quốc theo hình thức M& lên đến tổng vốn hơn 230 triệu USD. Số liệu này tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2019, với số tiền tăng thêm khoảng 65 triệu USD.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-are-the-risks-if-china-invests-high-tech-in-vietnam-07232020135612.html

 

AIIB duyệt khoản vay đầu tiên cho ngân hàng Việt Nam

 trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông

Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Bắc Kinh đứng đầu đã phê duyệt khoản vay 100 triệu đô la cho Ngân hàng Thương mại VP có trụ sở tại Hà Nội. Đây được xem là cam kết đầu tiên đối với một ngân hàng Việt Nam khi căng thẳng song phương gia tăng ở Biển Đông.

Tờ Nikkie Asian Review đưa tin ngày 24/7.

Trong một bản tin đưa ra ngày 17/7, AIIB cho biết họ sẽ hỗ trợ tài chính thương mại và tài chính vốn lưu động VP Bank bằng khoản vay mới. Ngân hàng VP, hay còn gọi là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng được đánh giá là một trong những ngân hàng tư nhân quan trọng của Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong 57 thành viên sáng lập của AIIB.

Phó chủ tịch hoạt động đầu tư của AIIB D.J. Pandian cho biết khoản vay này là khoản tài trợ trung gian đầu tiên của AIIB tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Mục đích khoản vay được nói nhằm giúp Việt Nam phục hồi sau đại dịch COVID-19. AIIB hy vọng VP Bank sẽ tăng khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngành xuất khẩu Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề trong những tháng gần đây mặc dù Hà Nội được đánh giá đã xử lý hiệu quả đại dịch. Tổng sản phẩm quốc nội của đất nước chỉ tăng 0,36% trong quý II, giảm mạnh so với 3,8% trong năm 2019. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam sẽ giảm xuống 2,7% vào năm 2020 từ mức 7% vào năm 2019.

Các nhà phân tích cho biết khoản vay 100 triệu USD có liên quan đến mục tiêu cho vay rõ ràng của AIIB để hỗ trợ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu của Bắc Kinh.

VP Bank trong một cuộc họp kín vào tháng 5 cũng cho hay khoản vay 100 triệu đô la Mỹ sẽ phục vụ cho các doanh nghiệp tham gia vào thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11/2017, hai nước đã ký một biên bản ghi nhớ về khuôn khổ ‘Hai hành lang, một vành đai’ và sáng kiến ‘Vành đai – Con đường’. Khung nội dung được Trung Quốc đề xuất năm 2003 nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương bằng cách cải thiện kết nối giữa Vân Nam và Quảng Tây với 12 tỉnh thành ở miền Bắc Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết thỏa thuận không đảm bảo rằng sáng kiến ‘Vành đai – Con đường’ sẽ đạt được những bước đột phá tại Việt Nam trong tương lai gần.

Một nhà phân tích chính trị cho biết khoản vay AIIB có thể được coi là một cánh của Bắc Kinh khuyến khích chính phủ Hà Nội nới lỏng lập trường của mình ở Biển Đông đang tranh chấp.

Thông báo của AIIB được đưa ra trong bối cảnh sau khi Trung Quốc thành lập hai quận mới trong vùng biển tranh chấp giữa 2 nước. Nhiều tin tức cho hay Hà Nội đang xem xét đưa Bắc Kinh ra tòa án quốc tế để tìm cách giải quyết.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/aiib-makes-first-loan-to-vietnam-bank-amid-scs-tensions-07242020110705.html

 

Nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ dễ hay khó,

mấu chốt chỗ nào?

Nâng cấp quan hệ đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ sau 25 năm thiết lập bang giao giữa hai quốc gia từng là đối thủ trong chiến tranh dễ, khó thế nào và phải chăng ‘thể chế’ là một vấn đề chìa khóa, mấu chốt, hai nhà phân tích chính sách, chiến lược và thời sự kinh tế, chính trị từ Việt Nam trong dịp này chia sẻ quan điểm với BBC.

Việt Nam hậu Covid-19: ‘Phải đổi mới về nền tảng kinh tế’

Việt Nam: Công đoàn độc lập sẽ có tương lai?

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ở Biển Đông?

Trước hết, tại một cuộc hôi luận trực tuyến hôm 23/7/2020 trên kênh Facebook của BBC News Tiếng Việt, từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà phân tích chính sách công, PGS. TS. Phạm Quý Thọ nêu ý kiến:

“Năm 1995, dưới thời của Tổng thống Bill Clinton, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ rồi, sau đó chúng ta đã tiến tới quan hệ toàn diện đối với Mỹ và bây giờ có một phương án nữa là trong tình hình này nên chăng là nâng cấp lên thành quan hệ chiến lược, có nghĩa là cấp cao nhất trong quan hệ hai quốc gia mà theo thể thức ngoại giao hiện nay.

“Theo ý kiến riêng của tôi đây là một dịp tốt để Việt Nam nâng quan hệ với Mỹ lên cấp chiến lược vì rất nhiều lý do, không phải chỉ là vì lý do là Mỹ đã có những công bố, tuyên bố mà gần đây nhất đã bác bỏ gần hết những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông; điều đó tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc có cách nhìn nhận, cũng như là trong cách ứng xử ở Biển Đông thuận lợi hơn.”

‘Cân bằng hóa các quan hệ’

Vẫn theo ông Phạm Quý Thọ, đây còn là một cơ hội để Việt Nam cân bằng hóa quan hệ với các nước khác, khi nâng cấp đối tác thành chiến lược với Hoa Kỳ:

“Thứ hai, theo tôi là trong những dịp này Việt Nam cải cách thể chế mạnh thì cũng là những hướng mà chúng ta có thể nâng cấp chiến lược lên được, bởi vì sau Covid-19 này đang đặt ra rất nhiều vấn đề mà trong đó thực lực của Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào đầu tư nước ngoài, trong đó lệ thuộc vào Trung Quốc, với những hiệu quả rất thấp và rất nhiều dự án mà không rõ ràng.

“Cho nên, đối với Mỹ theo tôi đây là một dịp, tất nhiên người ta sẽ nói đến vấn đề là có những lời đe dọa, thậm chí rằng sẽ phải trả giá nếu như mà ngả theo Mỹ v.v… Nhưng tôi nghĩ Việt Nam cũng đã chuẩn bị khá là tốt.

“Thậm chí là đã có những đồn đoán rằng lãnh đạo cao cấp của Việt Nam có thể sang Mỹ vào năm nay để xúc tiến cùng với chính phủ Donald Trump để thực hiện điều đó, nhưng Covid-19 đã ngăn cản điều đó.

“Còn riêng ý kiến cá nhân của tôi, tôi cho rằng đây là một cơ hội rất là tốt để cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bằng cách là nâng cấp chiến lược với Mỹ, bởi vì nếu chúng ta nói ‘thoát Trung’ theo nghĩa tiêu cực, thì có thể người ta nói rằng làm sao mà ‘thoát Trung’ được.

“Nhưng mà ở đây ‘thoát Trung’ tích cực là Việt Nam không nên lệ thuộc quá nhiều vào kinh tế Trung Quốc cũng như trong vấn đề Biển Đông mà bị sức ép rất lớn như thế này. Nên tôi nghĩ rằng giải pháp nâng cấp chiến lược lên cũng là một cách cân bằng giữa quan hệ giữa hai nước lớn hiện nay và cũng là một hướng cải cách theo tôi nghĩ rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.”

‘Không phải cứ muốn là được’

Về phần mình, kinh tế gia, nhà phân tích Bùi Kiến Thành từ Hội An nêu quan điểm của mình với BBC:

“Vấn đề này không đơn giản như thế đâu. Theo những điều kiện văn bản để nâng cấp từ một đối tác toàn diện lên một đối tác chiến lược – là cấp thứ hai, rồi từ đối tác chiến lược lên cấp đối tác toàn diện chiến lược – là cấp thứ nhất, vấn đề về đối tác chiến lược, thì theo những văn bản về bên phía Mỹ mà Việt Nam đã biết, là nó có ba điều kiện căn bản.

“Thứ nhất là về vấn đề an ninh quốc phòng của nhau như thế nào, thứ hai là thể chế như thế nào và thứ ba nữa là không can thiệp vào trong vấn đề nội bộ của nhau.

“Thì ba điều kiện ấy, giữa Việt Nam và Mỹ chưa thỏa thuận với nhau được. Nếu về an ninh quốc phòng thì có những cái là lợi ích chung.

“Nhưng mà về thể chế thì hoàn toàn là khó, tại vì Việt Nam vẫn là một chế độ độc đảng, vẫn là một chế độ chuyên chính vô sản và vẫn là một chế độ mà dựa trên học thuyết Marxism-Leninism, mà chính phủ Mỹ không thỏa thuận được.

“Ngoài ra nữa là nếu mà nói là không can thiệp vào vấn đề nội bộ của nhau, thì mỗi một năm chính phủ Mỹ, Quốc hội Mỹ đều có nghiên cứu về vấn đề nhân quyền của Việt Nam, đều mỗi năm đều phát hành ra một cuốn Sách trắng về vấn đề nhân quyền trên thế giới và trong đó luôn luôn phê phán về vấn đề nhân quyền của Việt Nam, thì đối với Việt Nam, Việt Nam cho đó là vấn đề can thiệp nội bộ của Việt Nam mà Việt Nam không chấp nhận được.

“Vì vậy, điều kiện nâng cấp thành đối tác chiến lược là con đường xa chứ không phải đơn giản là muốn mà được, mà hai bên phải làm những gì, đáp ứng những gì như là điều kiện, để mà đi tới là việc hợp tác chiến lược với nhau, thì Việt Nam với Mỹ chưa có những điều kiện ấy.”

‘Muốn có hãy chuẩn bị’

Trao đổi, bình luận lại ý kiến trên của kinh tế gia Bùi Kiến Thành, ông Phạm Quý Thọ nêu quan điểm của mình:

“Có thể là về ngoại giao với nhau, người ta cũng có thể bàn với nhau những điều kiện, với Mỹ có thể họ đặt những điều kiện cao, nhưng hôm 22/7, tôi thấy bà Thủ tướng New Zealand với bên Việt Nam ký đối tác chiến lược, tôi thấy cũng không đến mức độ căng thẳng, đặt hết vấn đề.

“Có thể Mỹ người ta làm được vấn đề đó, người ta đặt ra những điều kiện nghiêm khắc hơn về dân chủ, về nhân quyền, rồi về thể chế, thì điều đó có thể đúng, nhưng có lẽ trong tình huống này tôi không chủ quan lắm, song có lẽ đã có một bước chuyển để đàm phán làm sao đấy để có thể hướng tới những việc đó, hay là bằng những cam kết, chứ chưa chắc đã phải chờ đến khi nào đến lúc Việt Nam thay đổi hẳn thể chế này mới có thể thành đối tác chiến lược.

“Nếu như thế thì tôi nghĩ là rất là khó vì một số nước châu Âu đã từng nâng cấp chiến lược lên với Việt Nam rồi, Tây Ban Nha v.v…, tôi nghĩ là cũng đã nâng cấp chiến lược lên với Việt Nam, nên tôi nghĩ rằng thể chế đôi khi người ta cũng có thể chấp nhận ở một mức độ nào đấy và theo một hướng cải cách, cam kết nào đấy mà người ta có thể chấp nhận được.

“Nhưng điều này, vấn đề ngoại giao hết sức khó, tôi nói là không thể ngay được, nhưng có thể xúc tiến và đây là một cơ hội và tôi nghĩ cái mâu thuẫn Mỹ – Trung không chỉ ngừng ở thương mại nữa, mà nó ở cả khía cạnh thể chế, nhưng đối với Việt Nam, vấn đề thể chế đối với Mỹ, về lịch sử rất là ác liệt rồi, thậm chí báo chí nay còn đưa tin là nhiếp ảnh gia mà đã chụp những bức hình thảm sát ở Sơn Mỹ, Quảng Ngãi, cũng đã thôi kiện Việt Nam đăng những bức ảnh đó, trong ngôi nhà lưu niệm đó.

Cuộc sống ở Việt Nam đang trở lại bình thường, ảnh ngày 9/6, tỉnh Bắc Giang

“Tôi nghĩ rằng là người ta chưa thể quên ngay được quá khứ, nhưng mà phải có những bước tiến của hai bên xích lại gần nhau mới được, thế còn chờ khi mà Việt Nam thay đổi thể chế rồi mới có đối tác chiến lược, thì tôi nghĩ cái đó khó khả thi và gần như là đóng cửa về nâng cấp chiến lược đối với Việt Nam.

“Cho nên, muốn có được cái đó, trước hết hãy chuẩn bị, hãy cải cách một cách tích cực và có những cam kết để hướng tới đó, đặc biệt trong những vấn đề mà Mỹ đối xử với Trung Quốc hiện nay cũng là những bài học rất là tốt đối với Việt Nam trong cải cách thể chế, đặc biệt là Mỹ rất căng thẳng trong những vấn đề về Tân Cương, vấn đề Pháp Luân Công, rồi vấn đề dân chủ Hong Kong, rồi vấn đề Đài Loan, tôi thấy đấy cũng là những bài học đối với Việt Nam mà không nên thể hiện cái chuyên chế của mình một cách gọi là quá thái.

“Tuy Việt Nam chưa có điều kiện để làm thế, nhưng cái hướng xích sang phía Mỹ là có thể chấp nhận được và có thể có những bước chuẩn bị để làm sao đấy mà dần dần Việt Nam nâng cấp lên đối tác chiến lược trong bối cảnh mà phải có cải cách thể chế mạnh hơn, chứ không phải là thay đổi ngay lập tức.”

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi cuộc hội luận của BBC News Tiếng Việt có chủ đề liên quan:

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53527625

 

Hai công ty của Việt Nam, và Hoa Kỳ đàm phán

hợp đồng bán hơi đốt từ mỏ Cá Voi Xanh

Tin từ Hà Nội: Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin Công ty Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đang phối hợp với công ty ExxonMobil của Hoa Kỳ để hoàn thành đàm phán và thống nhất hợp đồng mua bán hơi đốt, điện từ nguồn mỏ Cá Voi Xanh của Việt Nam.

Ba Công ty đang tập trung đàm phán và thống nhất hợp đồng thỏa thuận mua bán hơi đốt, điện của các dự án Nhà máy điện miền Trung 1 và 2, Dung Quất 1 và 3. Hợp đồng có cả điều khoản về cơ chế sử dụng lượng hơi đốt chưa tiêu thụ hết hoặc giải quyết tình huống tiêu thụ quá lượng hơi đốt trong năm trước.

PVN và EVN cùng với ExxonMobil đang tính toán khả năng cung cấp hơi đốt cho 4 hay 5 nhà máy điện để xác định khối lượng hợp đồng cho mỗi gia đình tiêu thụ.  ExxonMobil và PVN sẽ đẩy mạnh đàm phán chi tiết các điều khoản hợp đồng bán hơi đốt song song với việc giải quyết vấn đề khối lượng hơi đốt hợp đồng, với mục tiêu hoàn thành đàm phán các hợp đồng bán hơi đốt vào tam cá nguyệt thứ tư 2020. Đây là thời điểm quyết định đầu tư thượng nguồn mỏ hơi đốt Cá Voi Xanh.

Dự án khai thác mỏ hơi đốt Cá Voi Xanh ngoài khơi tỉnh Quảng Nam do ExxonMobil sở hữu 64% cổ phần trong hợp đồng phân chia sản phẩm và là nhà điều hành với tổng vốn đầu tư khoảng 4.6 tỷ Mỹ kim.  Theo kế hoạch đến năm 2023 sẽ đưa dòng hơi đốt đầu tiên từ dự án Cá Voi Xanh vào bờ.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/hai-cong-ty-cua-viet-nam-va-hoa-ky-dam-phan-hop-dong-ban-hoi-dot-tu-mo-ca-voi-xanh/

 

Liên doanh Mỹ-Việt dự tính đầu tư 6 tỷ USD

 vào dự án điện khí ở Việt Nam

LNG Chân Mây, một công ty liên doanh của Mỹ với Việt Nam, có kế hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào một dự án điện ở Việt Nam nhắm mục tiêu khai thác thị trường điện năng có mức cầu đang tăng cao của quốc gia Đông Nam Á này, cũng như giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.

Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng từ năm 2021 do nhu cầu vượt xa việc xây dựng các nhà máy mới.

Dự án tại tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ bao gồm một nhà máy điện 4 gigawatt, một trạm LNG (khí tự nhiên hoá lỏng) và kho chứa LNG, theo John Rockhold, CEO của liên doanh với 60% vốn của Mỹ, nói với Reuters bên lề Diễn đàn cao cấp về năng lượng Việt Nam 2020.

Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa LNG Chân Mây và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra hôm 22/7 trong khuôn khổ diễn đàn tại Hà Nội, theo truyền thông trong nước.

Việc xây dựng nhà máy điện dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới, theo đó giai đoạn đầu tiên của việc sản xuất 2,4 GW sẽ được vận hành từ năm 2024 và toàn bộ nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ năm 2027, ông Rockhold cho Reuters biết.

“Chúng tôi có sự hỗ trợ lớn từ chính phủ Mỹ cho dự án này, vì Mỹ sẽ có thêm thị trường đế bán LNG,” giám đốc điều hành LNG Chân Mây nói. “Chúng tôi có một số nhà cung cấp LNG của Mỹ và chúng tôi hiện đang có các giao dịch với họ.”

Khi đi vào hoạt động đầy đủ, dự án sẽ nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng trị giá khoảng 1,2 tỉ USD mỗi năm, ông Rockhold cho biết và nói thêm rằng nó sẽ giúp thu hẹp thâm hụt thương mại mà Mỹ đang gánh chịu với Việt Nam.

Việt Nam đang tìm cách nhập khẩu thêm hàng hóa của Mỹ, như than đá và khí tự nhiên hoá lỏng, để thu hẹp khoảng cách thương mại sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa đánh thuế lên các sản phẩm của Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

LNG Chân Mây, có 40% vốn sở hữu bởi các nhà đầu tư Việt Nam, cho biết một số tổ chức đã cho thấy họ quan tâm đến việc cung cấp tài chính cho các dự án, bao gồm Ngân hàng Exim Bank của Mỹ, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và tổ chức tài chính quốc tế IFC thuộc Ngân hàng Thế giới có trụ sở chính ở Washington, DC.

Ông Rockhold cho biết nhà máy sẽ sử dụng tua-bin do General Electric của Mỹ sản xuất.

“Dự án hiện đang nằm trên bàn của Thủ tướng (Việt Nam) và chúng tôi hy vọng sẽ nhận được giấy phép đầu tư vào mùa thu này”, ông nói với Reuters.

https://www.voatiengviet.com/a/lien-doanh-my-viet-se-dau-tu-6-ty-usd-vao-du-an-dien-khi-o-viet-nam/5515752.html

 

Điểm tin trong nước sáng 24/7:

Hơn 200 công nhân Việt Nam ở Uzbekistan

cầu cứu, nhiều người nhiễm Covid-19

Tâm Tuệ

Mục điểm tin trong nước sáng thứ Sáu (24/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:

Hơn 200 công nhân Việt Nam ở Uzbekistan cầu cứu, nhiều người nhiễm Covid-19

Truyền thông quốc tế đưa tin, gần 100 người trong số hơn 200 công nhân đang làm việc tại công trình Khí hóa lỏng Nishan tại Uzbekistan được xác định nhiễm Covid-19, trong đó nhiều người hiện vẫn sống chung với người không bệnh trong khu tập thể.

Hiện nhóm công nhân này đang cầu cứu chính phủ Việt Nam có chuyến bay nhân đạo để đưa họ về nước.

Trong vòng hơn hai tuần qua, nhóm công nhân này đã gửi ba lá thư cầu cứu tới Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Bang Nga (kiêm nhiệm Uzbekistan).

Họ cũng tìm cách để đăng lên mạng xã hội các hình ảnh giương biểu ngữ với dòng chữ: “Cầu cứu. Mong tổ quốc đừng bỏ rơi chúng tôi. Hãy cứu chúng tôi,” cùng hình ảnh và video cho thấy một số người đeo khẩu trang đang nằm trên giường, được cho là những công nhân Việt Nam nhiễm Covid-19 đang mắc kẹt ở Uzbekistan.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt từ Uzbekistan chiều 22/7, ông Dương Ngọc Hải, tự giới thiệu là quản lý nhóm công nhân Việt Nam hơn 226 người cho hay khu tập thể nơi họ ở nay thực sự đã biến thành ổ dịch.

Ông Hải nói: “Kết quả mới nhận hôm 20/7 hôm là 92 người dương tính với virus corona. Nhưng hầu hết vẫn ở chung với những người chưa bệnh trong khu tập thể nên có lẽ tất cả đã bị hết rồi.”

Việt Nam công bố thêm 4 ca dương tính với Covid-19

Chiều 23/7, Bộ Y tế cho biết 4 ca mắc mới Covid-19 có một người nước ngoài, chuyên gia về lĩnh vực giáo dục và 3 công dân Việt Nam. Như vậy, Việt Nam đã ghi nhận 412 ca mắc Covid-19, theo Dân trí.

Trong số này, 3 bệnh nhân người Việt Nam đều trở về từ Liên bang Nga (quá cảnh Belarus) trên chuyến bay VN5062 về Sân bay Vân Đồn ngày 17/7. Các ca bệnh vừa được phát hiện đều được tập trung cách ly ngay sau khi về nước.

Châu chấu từ Trung Quốc tràn sang tấn công Việt Nam

Từ ngày 20/7, đàn châu chấu với mật độ khoảng 100-200 con/m2 từ Trung Quốc tràn vào 4 bản của xã Xín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên, tính đến chiều 23/7 đã phá hoại khoảng 20ha hoa màu, 40ha rừng tre nứa. Thông tin này được Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xách nhận từ báo cáo của Bộ tham mưu Quân khu 2, Tuổi trẻ trích dẫn.

Doanh nghiệp nước ngoài chôn chui hơn 13 tấn chất thải nguy hại chưa qua xử lý

Báo Thanh Niên thông tin, ngày 22/7, công an tỉnh Đồng Nai phát hiện hơn 13 tấn rác công nghiệp chưa qua xử lý được chôn chui tại 5 vị trí trong khuôn viên Công ty TNHH Shing Mark Vina (đóng tại KCN Bàu Xéo, H.Trảng Bom).

Trước đó, tối 10/7, công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang 2 công nhân của công ty này đang đưa hơn 3,2 tấn chất thải rắn công nghiệp (gồm ni lông, giấy, gỗ vụn, giẻ lau nhiễm thành phần nguy hại…) vào 3 buồng đốt lò hơi, tiêu hủy trái quy định của pháp luật. Đến ngày 15/7, công an tiếp tục phát hiện doanh nghiệp này còn chôn hơn 3 tấn chất thải rắn công nghiệp chưa qua xử lý trong khuôn viên của công ty.

Ông Chao Chung Lee (71 tuổi), Tổng giám đốc Công ty Shing Mark Vina, xác định số chất thải được khai quật là giẻ lau nhiễm dầu nhớt, sơn, hóa chất, dung môi nguy hại phát sinh từ quá trình sản xuất; tro thải phát sinh từ quá trình đốt lò hơi… nhưng không chỉ đạo chôn lấp.

Giá vàng SJC lên 54,2 triệu đồng/lượng

Theo khảo sát của báo VnExpress, hôm qua (23/7), giá vàng trong nước được các doanh nghiệp liên tục điều chỉnh theo hướng tăng mạnh. Mỗi bước chỉnh, giá tăng hàng trăm nghìn đồng. Lúc 14h30 cùng ngày, mỗi lượng đã chính thức chạm mốc 54,2 triệu đồng – đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Nếu so với đầu tuần, mỗi lượng vàng hiện tăng 3,5 triệu đồng.

Trước diễn biến giá vàng tăng nhanh, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, gần đây, do giá thế giới đi lên mạnh nên giá trong nước tăng theo, còn thị trường không có biến động lớn, bất thường, nhu cầu về vàng không cao.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-24-7-hon-200-cong-nhan-viet-nam-cau-cuu-o-uzbekistan-nhieu-nguoi-nhiem-covid-19.html

 

Điểm tin trong nước tối 24/7 –

Bắc Ninh: Con trai Bí thư Tỉnh ủy

được làm Bí thư Thành ủy ở tuổi 36

Tâm Tuệ

Bắc Ninh: Con trai Bí thư Tỉnh ủy được làm Bí thư Thành ủy ở tuổi 36

Theo Cổng thông tin điện tử Bắc Ninh, hôm 22/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có quyết định điều động ông Nguyễn Nhân Chinh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tờ Dân Việt cho biết, ông Nguyễn Nhân Chinh sinh năm 1984, quê xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ông Chinh tốt nghiệp đại học chuyên ngành cờ vua; thạc sĩ quản lý giáo dục, vào Đảng năm 2011.

Người tiền nhiệm ông Chinh giữ chức Bí thư Thành ủy là ông Vương Quốc Tuấn. Ông Tuấn được chuyển sang giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh.

Ông Vương Quốc Tuấn cũng từng nhiều năm công tác tại Tỉnh Đoàn Bắc Ninh, từng giữ chức Bí thư Tỉnh Đoàn. Năm 2015, ở tuổi 38, ông Tuấn được giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh.

Bộ Công an sắp mở ‘cao điểm’ trấn áp tội phạm

Theo báo Pháp Luật TP. HCM, ngày 23/7, phát biểu tại Hội nghị của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và phòng, chống buôn lậu, thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, sáu tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra gần 23.500 vụ phạm pháp hình sự (giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên theo ông Vương, tội phạm có tổ chức vẫn diễn ra phức tạp, có sự đan xen giữa các lĩnh vực, núp bóng doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu là bảo kê, tín dụng đen, đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng.

Về công tác trong thời gian tới, ông Vương cho biết Bộ Công an sẽ mở cao điểm trấn áp mạnh các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm mua bán người toàn quốc, trọng tâm là trên tuyến biên giới Việt – Trung…

Đà Lạt sơ tán hàng chục du khách sau mưa lớn

Báo VnExpress cho biết, chiều 23/7, cơn mưa lớn hơn hai giờ ở Đà Lạt gây sạt lở taluy nhà, nhiều cây xanh bật gốc, hàng chục du khách phải sơ tán khỏi khách sạn.

Nhiều năm nay, Đà Lạt liên tục xảy ra tình trạng ngập và sạt lở mỗi khi mưa lớn. Tháng trước, trong cuộc thi chạy, 1 nam vận động viên bị lũ cuốn tử vong. Theo các chuyên gia, việc đô thị hóa quá nhanh, rừng nội ô bị chặt phá, nhà kính nông nghiệp mọc lên như “nấm” là nguyên nhân gây tình trạng trên.

2 phụ nữ nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc

Ngày 24/7, đại diện Cảng vụ hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, 2 phụ nữ cùng trú tại ở Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) khi đang làm thủ tục bay lúc 21h30 ngày 23/7 chặng Hà Nội – TP.HCM, thì bị nhân viên an ninh sân bay phát hiện có dấu hiệu nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam qua đường tiểu ngạch, theo VnExpress.

Hiện hai người này đã được đơn vị kiểm dịch y tế và đưa đi cách ly tại bệnh viện Công an TP. Hà Nội (tại quận Hà Đông) tối cùng ngày.

Theo lãnh đạo Công an Cửa khẩu Nội Bài, hai phụ nữ này đi cùng một nhóm 7 người nhập cảnh trái phép về Việt Nam qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc, rồi qua tỉnh Hà Giang; chỉ một người trong số này vào khu cách ly, số còn lại, những người khác đã đi về các địa phương khác nhau.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-24-7-bac-ninh-con-trai-bi-thu-tinh-uy-duoc-lam-bi-thu-thanh-uy-o-tuoi-36.html