Đọc báo Pháp – 22/07/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 22/07/2020

Kế hoạch phục hồi kinh tế: Bước tiến lịch sử của Liên Hiệp Châu Âu – Trọng Nghĩa

Với một sự nhất trí hiếm thấy, tất cả các tờ báo Pháp ra ngày hôm nay 22/07/2020 đều giành tít lớn trang nhất và nhiều bài bình luân, phân tích, tường thuật về thành công của hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu kết thúc hôm qua ở Bruxelles, với từ ngữ được nhắc đi nhắc lại là “lịch sử” và “bước tiến” hay “khúc quanh”.

Trang nhất Le Monde nổi bật với một bức ảnh màu lớn, trải dài trên 5 cột báo, chiếm 1/3 trang khổ lớn, cho thấy tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel đang ngồi họp tại Bruxelles, ở giữa là hàng tựa “Châu Âu: Một kế hoạch phục hồi lịch sử”.

Tính từ “lịch sử” cũng xuất hiện trên trang nhất báo Le Figaro, trong hàng tựa lớn: “Châu Âu: Những câu hỏi vẫn tồn tại về một thỏa thuận lịch sử”.

Hai tờ La Croix và Les Echos thì không hẹn mà gặp, đều nhấn mạnh trên bước tiến lịch sử mà Liên Hiệp Châu Âu vừa làm được. Trong lúc La Croix chạy tựa “Châu Âu vượt qua một cái mốc”, Les Echos thấy rằng “Liên Âu đang tiến bước”.

Riêng Libération thì chọn hẳn một giọng điệu vui vẻ, chạy trên trang nhất lời cám ơn bằng nguyên văn tiếng Đức “Châu Âu: danke schön” nghĩa là “cám ơn rất nhiều”.

Bước tiến quan trọng trên con đường hội nhập

Đối với Libération, chính là nhờ việc thủ tướng Đức thay đổi hoàn toàn quan điểm, chấp nhận việc toàn khối cùng gánh vác món nợ tái thiết của các thành viên, mà Liên Hiệp Châu Âu 27 nước đã thông qua được một thỏa thuận lịch sử vào hôm qua, mở đường cho biến Liên Hiệp thành liên bang.

Tờ báo cánh tả Pháp không ngần ngại tự hỏi: “Phải chăng ngày 21 tháng 7 năm 2020 sẽ đi vào lịch sử với tư cách là “thời điểm Hamilton” của Liên Hiệp Châu Âu, một thời điểm đánh dấu việc khổi Liên Âu chuyển mình từ một liên hiệp lỏng lẻo hiện nay sang một liên bang kiểu Mỹ?”.

Đối với Libération, tình hình Liên Hiệp Châu Âu năm 2020 rất giống tình hình nước Mỹ năm 1790, khi ông Alexander Hamilton, bộ trưởng Tài Chính đầu tiên của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ còn non trẻ, đã giành được từ Quốc Hội quyền tạo ra một khoản nợ liên bang và đứng ra bảo đảm các món nợ của các bang sắp sửa phá sản. Sự kiện này đã đặt nền móng cho sức mạnh tương lai của nước Mỹ.

Hai trăm ba mươi năm sau, kịch bản tương tự dường như được lặp lại, lần này tại châu Âu. Theo tổng thống Pháp Macron, việc Ủy Ban Châu Âu được trao quyền vay 750 tỷ euro trong thực tế không khác gì việc tạo ra một khoản nợ “liên bang” như ở Mỹ, và đây là một cuộc “cách mạng”, một thời khắc “lịch sử”. Phát biểu trên truyền hình Pháp, ông Macron khẳng định: “Đây là thời điểm quan trọng nhất ở châu Âu kể từ khi tạo ra đồng euro”.

Bước đầu tiến tới một hình thức Liên Bang Châu Âu

Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn: “Lịch sử”, Libération đã phản bác ngay những luận điệu mà giới hoài nghi châu Âu có thể đưa ra để bác bỏ tính chất lịch sử của những gì vừa diễn ra.

Theo tờ báo Pháp, những người chống lại khả năng Liên Âu hội nhập chặt chẽ hơn có lẽ sẽ chế nhạo từ ” lịch sử”, một loại sáo ngữ rất thường được dùng sau các cuộc “họp kín” tại Bruxelles. Họ cũng sẽ mỉa mai thời gian 4 ngày họp đầy kịch tính và sẽ nhấn mạnh trên các nhượng bộ đối với các nước “keo kiệt” để giảm nhẹ tầm quan trọng thỏa thuận đạt được.

Thể nhưng, Libération cho rằng những người này hoàn toàn sai lầm. Bước tiến mà 27 thành viên Liên Âu vừa thực hiện quả thực lịch sử, không chỉ vì khoản tiền rất to lớn được thông qua, mà còn là vì việc toàn khối đã chấp nhận nguyên tắc chưa từng thấy về sự tương trợ đoàn kết trên mặt tài chính giữa các quốc gia.

Ẩn mình đằng sau con số 390 tỷ trợ cấp cho những quốc gia bị tác hại nhiều nhất là một bước đầu tiến tới một hình thức Liên Bang Châu Âu, dù đã được thực hiện trong đau đớn, nhưng đã làm cho những kẻ bài bác Châu Âu từ đủ mọi xu hướng phải vỡ mộng.

Và cũng như thường lệ, khi liên quan đến Châu Âu, mọi thỏa thuận đều là kết quả của một quá trình thỏa hiệp khó nhọc, và một lần nữa, nhờ sự liên kết – cũng phải nói là lịch sử – giữa ông Macron và bà Merkel.

Không có sự kiên trì thúc đẩy hồ sơ của tổng thống Pháp thì sẽ không có kết quả gì cả, nhưng sự kiên trì của Macron sẽ vô ích nếu không có sự hướng ứng của thủ tướng Đức Merkel, cách đây vài tuần, đã phá bỏ cấm kỵ truyền thống của nước Đức về việc chia sẻ nợ công.

Đối với Libération, bà Merkel đã thay đổi lập trường vì quyền lợi của Đức, nhưng quyết định của bà đã cứu được Châu Âu.

Le Figaro: Lịch sử, nhưng không phải là không có vấn đề

Tính chất lịch sử của kế hoạch phục hồi kinh tế châu Âu vừa được thông qua tại Bruxelles cũng được Le Figaro công nhận. Thế nhưng, tờ báo thiên hữu Pháp nhấn mạnh rằng vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về cách sử dụng khoản tiền khổng lồ trong kế hoạch, cũng như các điều kiện giải ngân.

Theo Le Figaro, một trong những yếu tố giúp cho kế hoạch này thành công là các nước phải quyết tâm “sử dụng tốt” các khoản vay và trợ cấp không hoàn lại đến từ châu Âu, bằng cách “ưu tiên đầu tư để giúp các quốc gia bị khủng hoảng thay đổi, thay vì tài trợ cho các khoản chi tiêu thường nhật”.

Le Figaro còn phàn nàn về việc kế hoạch chấn hưng kinh tế đã tạo ra một nạn nhân: đó là kế hoạch tăng cường nền quốc phòng châu Âu, mà ngân sách đã bị giảm xuống mức tối thiểu. Một cựu bộ trưởng Pháp cố biện bạch, cho rằng giữa kế hoạch ban đầu và thượng đỉnh mang tính chất quyết định vừa qua đã có một trận đại dịch chen vào, khiến cho các ưu tiên bị đảo lộn.

La Croix: Một chiến thắng của tổng thống Macron

Cùng một nhận định với các đồng nghiệp, nhật báo Công Giáo La Croix cho rằng không ai có thể chối cãi thực tế là hội nghị thượng đỉnh Bruxelles lần này mang một ý nghĩa lịch sử to lớn.

Theo La Croix, ngoài việc Ủy Ban Châu Âu sẽ có thể đứng tên vay khoản tiền khổng lồ 750 tỷ euro, điều chưa từng thấy, còn phải thấy rằng hơn một nửa số tiền đó sẽ được tháo khoán dưới hình thức trợ cấp cho các quốc gia bị tác hại nhiều nhất từ ​​cuộc khủng hoảng y tế và hậu quả kinh tế kèm theo.

Đối với La Croix, cũng phải thừa nhận rằng thỏa thuận phục hồi kinh tế châu Âu là một chiến thắng chính trị thực sự đối với tổng thống Pháp Macron, người đã kiên trì thúc đẩy công cuộc xây dựng một Liên Hiệp Châu Âu hội nhập.

Tuy nhiên, La Croix cũng thận trọng cho rằng ở cấp độ kinh tế quốc gia, lợi ích mà nước Pháp thu được từ thỏa thuận không nhiều, chỉ được khoảng 40 tỷ, trong khi Ý được đến 60 tỷ và Tây Ban Nha 70 tỷ.

Đối chọi trên nhà nước pháp quyền

Sau cùng, về thỏa thuận đạt được hôm thứ Ba, Le Figaro đã chú ý đến quy định tôn trọng những nguyên tắc dân chủ mà các nhà lãnh đạo Châu Âu lần đầu tiên đã gắn với việc tài trợ.

Le Figaro ghi nhận tuyên bố của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hoan nghênh việc  “lần đầu tiên trong lịch sử Châu Âu mà ngân sách được gắn với việc tôn trọng Nhà Nước Pháp Quyền”.

Thế nhưng, theo Le Figaro, Hungary và Ba Lan, hai học trò xấu trong lãnh vực này, đã phản bác kết luận của ông Michel. Thủ tướng Hungary Vicktor Orban khẳng định: “Tất cả những nỗ lực gắn Nhà Nước Pháp Quyền vào ngân sách đã bị ngăn chặn”.

Theo ông Orban: “Trước, và ngay cả trong các cuộc thảo luận, đã có những nỗ lực, tôi không thể nói là để hạ nhục, nhưng ít ra là để giáo dục chúng tôi về Nhà Nước Pháp Quyền. Thế nhưng chúng tôi không những đã nhận được một khoản tiền lớn, mà còn bảo vệ được phẩm giá của đất nước chúng tôi”.

Chris Patten: Không nên tự hạ thấp sức mạnh của mình trước Bắc Kinh

Về tình hình quốc tế, nhật báo Le Monde đặc biệt có bài phỏng vấn cựu toàn quyền Hồng Kông Chris Patten, khẳng định rằng: “Chúng ta – tức phương Tây – đã đánh giá thấp sức mạnh của mình trước Trung Quốc“.

Ông Chris Patten, toàn quyền cuối cùng tại  Hồng Kông (1992-1997), và là người quản lý việc trao trả lãnh thổ này về Trung Quốc, trả lời các báo nước ngoài trong đó có Le Monde, nhận định là luật an ninh ở Hồng Kông cho thấy không thể tin vào Trung Quốc.

Ông Patten giải thích tại sao, các nước Châu Âu, đứng đầu là Anh, phải ngưng việc đánh giá thấp khả năng của minh khi đối phó với siêu cường Châu Á.

Trả lời câu hỏi là Châu Âu phải có hành động ra sao để ngăn ngừa những hành vi “tấn công” của Trung Quốc, nhà cựu toàn quyền cho là trước tiên các nước phải liên minh với nhau. Ông hy vọng là vào tháng 11 có được một thổng thống ở Mỹ tin tưởng vào sức mạnh liên minh.

Đối với Châu Âu, theo ông, rất khó mà xây dựng một chiến lược nhất quán trên những vấn đề lớn khi không có Mỹ tham gia. Nếu không làm việc cùng nhau, thì Trung Quốc sẽ tấn công vào từng nước : Úc, rồi Ấn Độ.. v.v…Nhưng cũng không nên để bị hù dọa. Nếu cùng hành động thì sẽ đối mặt được với một Trung Quốc cư xử tốt hơn, điều này là trong quyền lợi của cả hai bên.

Về việc Châu Âu đang đánh giá thấp sức mạnh của mình đối với Bắc Kinh, ông Patten nhắc lại khi nhà văn Lưu Hiểu Ba được giải Nobel Hòa Bình, Bắc Kinh ngay lập tức đe dọa Na Uy là sẽ không mua gì nữa. Na Uy bán cá hồi cho Trung Quốc. Và điều gì đã xẩy ra sau dó ? Cá hồi Na Uy bán cho Việt Nam đã tăng vọt, và cá hồi Việt Nam bán sang Trung Quốc lại tăng vọt sau đó.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200722-k%C3%AA%CC%81-hoa%CC%A3ch-phu%CC%A3c-h%C3%B4%CC%80i-kinh-t%C3%AA%CC%81-b%C6%B0%C6%A1%CC%81c-ti%C3%AA%CC%81n-li%CC%A3ch-s%C6%B0%CC%89-cu%CC%89a-li%C3%AAn-hi%C3%AA%CC%A3p-ch%C3%A2u-%C3%A2u

 

Tin tổng hợp

(Reuters) – Đài Bắc : Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự, chuẩn bị chiếm Đài Loan. 

Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) ngày 22/07/2020 đưa ra lời báo động này trong bối cảnh quân đội Trung Quốc gia tăng các đợt tập trận ngoài khơi Đài Loan. Trả lời báo chí, ông Ngô Chiêu Tiếp nhấn mạnh nguy cơ Trung Quốc giải quyết dứt điểm hồ sơ Đài Loan « ngày càng lớn ». Đài Bắc nhắc lại : trong tháng 6/2020 không quân Trung Quốc đã thâm nhập không phận của Đài Loan « gần như mỗi ngày ».

(SCMP) – Ngoại trưởng Mỹ tiếp cựu toàn quyền Anh tại Hồng Kông và nhà đấu tranh La Quán Thông (Nathan Law). 

Tại Luân Đôn, bên lề các buổi làm việc chính thức với các quan chức Anh, ông Mike Pompeo ngày 21/07/2020 đã lần lượt trao đổi với vị toàn quyền cuối cùng của Anh tại Hồng Kông Chris Patten và nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông La Quán Thông vừa sang Anh tị nạn. Đồng sáng lập viên đảng Demosisto chủ yếu giải thích với lãnh đạo ngoại giao Mỹ về cuộc sống hàng ngày của người dân Hồng Kông hiện tại kể từ khi Bắc Kinh gia tăng kiểm soát đặc khu hành chính này.

(Reuters) – Đài Loan không cấp visa cho hai quan chức Hồng Kông.

Đài Bắc hôm qua 21/07/2020 từ chối gia hạn visa cho hai quan chức Hồng Kông, trong bối cảnh căng thẳng vì luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt. Hai thành viên của Văn phòng Kinh tế Thương mại Văn hóa Hồng Kông (HKETCO) đã phải quay về đặc khu sau khi giấy chứng nhận cư trú hết hạn. Thứ Năm tuần trước, trưởng văn phòng đại diện Đài Loan tại Hồng Kông đã phải trở về nước vì không được gia hạn visa, sau khi từ chối ký một văn bản ủng hộ nguyên tắc « một nước Trung Hoa duy nhất».

(The Guardian) – Khẩu trang do tù nhân Duy Ngô Nhĩ may được bán tại Úc. 

Có ít nhất hai công ty Úc nhập về các khẩu trang của một công ty Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Ít nhất 200.000 khẩu trang của Hubei Haixin Protective Products Group là do tù cải tạo Duy Ngô Nhĩ sản xuất, và các chuyên gia cảnh báo các nhà phân phối nên kiểm tra xuất xứ, tuy nhu cầu khẩu trang tại Úc đang gia tăng.

(AFP) – Hồng Kông : Cảnh sát giải tán buổi tưởng niệm 1 năm vụ tấn công trạm tầu điện Nguyên Lãng (Yuen Long).

Cảnh sát chống bạo động đã dùng hơi cay để giải tán nhiều nhóm nhỏ người biểu tình và nhà báo vào ngày 21/07/2020. Hàng trăm người bị thẩm vấn và bị khám người trong suốt đêm. Có 5 người bị tạm giam. Cảnh sát cũng lập 79 biên bản vi phạm lệnh cấm tụ tập trên 4 người trong khuôn khổ chống virus corona.

(AFP) – Philippines : Bị cáo buộc trốn thuế, nhà báo Maria Ressa được xử trắng án. 

Maria Ressa, 56 tuổi, mang hai quốc tịch Philippines và Mỹ, là đồng sáng lập viên trang thông tin trực tuyến Rappler đăng nhiều bài chỉ trích chính sách của tổng thống Duterte, trong đó có chiến dịch chống buôn bán ma túy đẫm máu và gây tranh cãi. Trên trang Twitter ngày 22/07/2020, cựu phóng viên của CNN thông báo được một tòa án ở Manila xử trắng án về tội danh trốn thuế, nhưng vẫn bị điều tra về một số tội danh khác.

(RFI) – Irak : Tin giả khiến dịch Covid-19 lây lan mạnh. 

Irak sắp vượt ngưỡng 100.000 ca nhiễm và 4.000 người chết vì virus corona. Tuy nhiên, đa số dân cư không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và tin vào thần dược hoặc tin giả từ các chiến dịch bóp méo thông tin về Covid-19. Rất nhiều nhóm tình nguyện Irak đã không ngừng hoạt động từ nhiều tháng nay để truyền đạt thông tin được kiểm chứng, cũng như những khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới về dịch Covid-19.

(Le Monde) – Tháp Luân Đôn (Tower of London) dự tính giảm bớt nhân viên. 

Nếu không tính hai nhân viên bị sa thải năm 2009 vì bị cáo buộc quấy rối, thì đây là lần đầu tiên Tháp Luân Đôn phải giảm bớt đội lính gác nổi tiếng do mất thu nhập từ việc bán vé tham quan vì dịch Covid-19. Trong thông cáo ngày 20/07/2020, hội Historic Royal Palaces cho biết « tình cảnh này hoàn toàn chưa có tiền lệ », đồng thời khẳng định « đó không phải là một lựa chọn » của hội.

(Reuters) – Lầu Năm Góc khởi động lại hai dự án khai thác đất hiếm tại Hoa Kỳ. 

Hãng tin Anh Reuters ngày 21/07/2020 tiết lộ đó là hai dự án mỏ đất hiếm tại Texas và California, do tập đoàn Úc Lynas Corp và một công ty tư nhân Mỹ MP Materials khai thác. Tháng 4/2020, bộ Quốc Phòng Mỹ đồng ý tài trợ cho các dự án khai thác đất hiếm ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Mục tiêu nhằm giảm mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc, nguồn xuất khẩu đất hiếm quan trọng nhất thế giới.

(AFP) – Colombia : Tai nạn máy bay trực thăng quân sự, 9 quân nhân thiệt mạng. 

Có 17 người trên máy bay trực thăng khi xảy ra tai nạn trên đoạn sông Inirida, thuộc khu rừng Guaviare, ở đông nam Colombia, trong đó 6 người được tìm thấy, theo lời một phát ngôn viên quân đội Colombia ngày 22/07/2020. Tuy nhiên, thông tin về hai người còn lại vẫn chưa được rõ, cũng như nguyên nhân máy bay gặp nạn.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200722-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 22/7:

Pháp lên án Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Tư (22/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Pháp lên án Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le hôm thứ Ba đã lên án việc chính quyền Trung Quốc đối xử tàn bạo với người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, và cho biết Paris muốn các nhà quan sát độc lập được phép vào khu vực này, theo Reuters.

“Tất cả các hành vi [đàn áp] trong khu vực này là không thể chấp nhận được vì chúng đi ngược lại tất cả các công ước nhân quyền toàn cầu và chúng tôi mạnh mẽ lên án chúng”, ông Jean-Yves Le Drian nói với các nghị sĩ tại quốc hội Pháp.

“Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc cho phép các nhà quan sát độc lập quốc tế tiếp cận khu vực này và cao ủy về quyền con người được phép tự do vào Tân Cương”, ông Drian nói thêm.

Tin tặc Trung Quốc bị cáo buộc tấn công nhà thầu quân sự

Các tin tặc Trung Quốc bị nghi ngờ đánh cắp thông tin liên quan đến các chương trình vệ tinh quân sự, mạng không dây, hệ thống liên lạc và định vị của các nhà thầu quốc phòng Mỹ và Úc, SBS và Reuters đưa tin.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm thứ Ba đã truy tố hai người Trung Quốc có tên Li Xiaoyu và Dong Jiazhi với cáo buộc rằng hai người này từng tấn công hệ thống mạng của hàng trăm tổ chức phi chính phủ.

Li Xiaoyu, 34 tuổi và Dong Jiazhi, 33 tuổi, bị buộc tội ăn cắp mã nguồn từ các công ty phần mềm, lấy trộm thông tin về các loại dược phẩm đang được phát triển cho điều trị Covid, các bản thiết kế vũ khí và dữ liệu thử nghiệm từ các nhà thầu quốc phòng.

“Trung Quốc hiện đã có vị trí trong nhóm các quốc gia đáng hổ thẹn, cùng với Nga, Iran và Triều Tiên, cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho tội phạm mạng”, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, John Demers, nói.

Đài Loan không cấp visa cho hai quan chức Hồng Kông

Chính quyền Hồng Kông hôm thứ Ba nói rằng Đài Loan đã từ chối cấp thị thực cho hai quan chức của họ, theo Reuters.

Hai quan chức này thuộc Văn phòng Kinh tế, Thương mại và Văn hóa Hồng Kông (HKETCO) đã phải trở về thành phố sau khi không xin được giấy phép nhập cảnh Đài Loan.

Tuần trước, ông Cao Minh Thôn (Kao Ming-tsun), Quyền giám đốc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, đã phải rời Hồng Kông sau khi từ chối ký một tài liệu ủng hộ yêu sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh như một điều kiện để được chính quyền Hồng Kông gia hạn thị thực.

Mỹ chưa rút bớt quân khỏi Hàn Quốc

Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper cho biết ông đã không ra lệnh rút bớt lực lượng quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc, nhưng vẫn tiếp tục xem xét các điều chỉnh về số lượng quân đang làm nhiệm vụ trên toàn thế giới, theo Yonhap.

Phát biểu của ông Esper được đưa ra sau khi có thông tin cho rằng Hoa Kỳ sẽ rút bớt quân đang đồn trú ở Hàn Quốc. Hiện số quân Mỹ đang gìn giữ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là 28.500.

Mỹ-Hàn vẫn đang đàm phán việc chia sẻ chi phí quân sự. Hoa Kỳ muốn Seoul chia sẻ nhiều hơn nữa chi phí duy trì hàng ngàn người Hàn Quốc đang làm việc cho các đơn vị của quân đội Mỹ đồn trú tại nước này.

Colombia: Trực thăng rơi, 11 người mất tích

11 quân nhân Colombia đã mất tích và 6 người bị thương sau khi một chiếc trực thăng bị rơi ở phía đông nam của nước này trong một chiến dịch tấn công các nhóm phiến quân, AFP dẫn tin từ quân đội Colombia.

Chiếc trực thăng Blackhawk đang chở 17 nhân viên quân sự thì bị rơi. Bộ chỉ huy cao cấp của lực lượng vũ trang Colombia không tiết lộ nguyên nhân xảy ra sự cố.

Giới chức trách tìm thấy chiếc trực thăng ở một đoạn sông Inirida ở bang Guaviare, khu vực có nhóm du kích thiên tả tự xưng là Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (Farc) đang hoạt động.

Phiến quân Farc đã hạ vũ khí trong một thỏa thuận hòa bình lịch sử năm 2016, chấm dứt nửa thế kỷ xung đột, nhưng gần đây một bộ phần trong lực lượng này đã hoạt động trở lại.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-22-7-phap-len-an-bac-kinh-dan-ap-nguoi-duy-ngo-nhi.html

 

Điểm tin thế giới tối 22/7:

Mỹ nêu lý do đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc

Hải Lam

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Tư (22/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý đọc giả những tin sau:

Mỹ nêu lý do đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm nay cho biết việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston, bang Texas, là để “bảo vệ sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ”, theo AFP.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói rằng, Washington sẽ không dung thứ cho Trung Quốc với các hành vi vi phạm chủ quyền và đe dọa người dân Mỹ. “Chúng tôi cũng không dung thứ cho các hành vi thương mại không công bằng, trộm cắp việc làm của người Mỹ và các hành vi nghiêm trọng khác của Trung Quốc”.

Bà Ortagus nói thêm rằng theo Công ước Vienna, các nhà ngoại giao phải tôn trọng luật pháp, quy định của quốc gia sở tại và “có nghĩa vụ không can thiệp công việc nội bộ” của quốc gia đó.

Những phát ngôn trên được đưa ra vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Mỹ hôm 21/7 yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán trong 72 giờ. Sau yêu cầu của Mỹ, cảnh sát và sở cứu hỏa Houston nhận được báo cáo về vụ hỏa hoạn xảy ra tại Lãnh sự quán Trung Quốc. Họ vội vã đến hiện trường để cứu trợ thảm họa, nhưng lại không được phép vào.

Mỹ, Nhật, Úc diễn tập chung tại cửa ngõ Biển Đông

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng chiến hạm của Nhật và Úc diễn tập chung 3 ngày tại Biển Philippines, gần Biển Đông, theo Japan Times.

Cuộc diễn tập của hải quân Mỹ, Úc và Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản (JMSDF) tại Biển Philippines diễn ra hôm 19-21/7 nhằm thể hiện cam kết của ba nước với “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, JMSDF hôm qua ra thông cáo cho biết.

Chiến hạm ba nước triển khai “các hoạt động hàng hải tích hợp trong môi trường tác chiến trên tất cả các lĩnh vực” để giúp các lực lượng này có thể phản ứng với bất cứ tình huống nào, thông cáo của hải quân Mỹ cho biết.

Đài Loan tố Trung Quốc gia tăng đe dọa

Ông Ngô Chiêu Tiếp, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của hòn đảo, hôm nay nói rằng Trung Quốc đang tăng cường chuẩn bị quân sự để giải quyết vấn đề Đài Loan, theo Reuters.

“Nhìn vào xu hướng dài hạn, Trung Quốc dường như đang dần đẩy mạnh công tác chuẩn bị về quân sự, đặc biệt là trên không hoặc trên vùng biển gần Đài Loan”, ông Ngô nói với các phóng viên.

“Những gì Trung Quốc đang làm là tiếp tục tăng cường chuẩn bị để giải quyết vấn đề Đài Loan. Các mối đe dọa đang gia tăng”, ông Ngô nói.

Hồi tháng 6, Bộ Quốc phòng Đài Loan báo cáo máy bay quân sự Trung Quốc 8 lần xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo. Ông Ngô cho biết thêm, Trung Quốc còn tập trận tấn công Đài Loan.

Ông Ngô cho rằng, việc Bắc Kinh gia tăng đe dọa Đài Loan là cách chính quyền Trung Quốc chuyển hướng áp lực trong nước. Theo ông, các nhà cầm quyền ở đại lục đang phải vật lộn với nền kinh tế yếu kém trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán và liên tiếp các trận lũ lụt xảy ra hiện nay.

Động đất 7,8 độ ở Alaska, gây cảnh báo sóng thần

Một trận động đất 7,8 độ xảy ra vào 6h12 GMT (13h12 giờ Hà Nội) hôm nay làm rung chuyển bán đảo Alaska (Mỹ), gây cảnh báo sóng thần với các khu vực cách tâm chấn 300 km, theo hãng tin AFP.

Theo cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trận động đất cách thành phố Anchorage khoảng 800 km về phía tây nam.

Cảnh báo sóng thần đã được phát ra tại bán đảo Alaska và nam Alaska. Trung tâm Cảnh báo Sóng thần đang đánh giá tác động của trận động đất với bờ biển California.

Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng cáo buộc Bắc Kinh về an ninh mạng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân hôm nay yêu cầu Mỹ ngay lập tức ngừng cáo buộc chính quyền Trung Quốc về vấn đề an ninh mạng, theo Reuters.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ truy tố hai tin tặc Trung Quốc là Lý Tiểu Vũ 34 tuổi và Đổng Gia Trí 33 tuổi. Hai người này bị nghi ngờ tấn công các hệ thống máy tính ở Hoa Kỳ, Anh, Đức, Úc và các nước khác, đánh cắp thông tin quan trọng bao gồm thiết kế vũ khí và thông tin y tế cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-22-7-my-neu-ly-do-dong-cua-tong-lanh-su-quan-trung-quoc.html