Khi Tượng Là Vấn Đề

Cac Bai Khac

No sub-categories

Khi Tượng Là Vấn Đề
Thời gian gần đây bên Mỹ xảy ra vụ Black Lives Matter, người dân da màu nổi giận vì luôn bị kỳ thị, nên phản ứng mạnh mẽ sau vụ ông cảnh sát da trắng Chauvin chấn đầu gối vào cổ của ông Floyd, làm người da đen này mất mạng sau hơn 8 phút nghẹt thở. Ngành Cảnh Sát vì thế cũng bị sao “Quả Tạ” chiếu, rồi tới các bức tượng xây dựng lâu đời cũng bị vạ lây. Không những tại Hoa Kỳ mà ở Canada, Pháp, Anh, New Zealand… các bức tượng nổi tiếng cũng đã bị đập đổ, tạt sơn, phải dời đi “tị nạn” để tránh bị phá hoại. Các buổi biểu tình khắp thế giới, các sự việc mang màu sắc chính trị và đảng phái liên tục xảy ra thật rối ren, đau lòng. “Làm sao em biết bia đá không đau?”. Những nhân vật được điêu khắc thành tượng này đã qua đời từ lâu, nay bị đập sập, trở thành “người chết hai lần, thịt da nát tan”. Trong cơn dịch Covid 19 Vũ Hán, trong nỗi niềm băn khoăn, thương cảm với cuộc sống bất ổn tại Hoa Kỳ và thế giới hiện nay, mời bạn cùng tôi điểm lại vài sự kiện liên hệ tới các bức tượng xưa nay nhé.
Ngay từ trong Kinh Thánh Công Giáo xưa, các bức tượng đã được nhắc tới. Một số người dân thời Cựu Ước đã từ bỏ việc thờ phượng Thiên Chúa, ra sức đúc tượng các thần Bò, các hình ảnh ngẫu tượng khác nhau để tôn thờ. Thiên Chúa đã phán: “Vậy anh em hãy giết chết gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3:5). Quả vậy, thờ ngẫu tượng cũng không khác chi mê tín dị đoan trong thời đại này, thế mà không hiểu sao nhiều người vẫn tin.
Tính ra từ thời kỳ đồ đá, người xưa cũng đã biết dùng bùn đất, rơm hoặc đá tạc nhiều hình tượng ý nghĩa để phản ảnh sinh hoạt, suy tư của họ. Qua đến thời kỳ cổ đại, nổi tiếng là người Hy Lạp đã tạo ra những bức tượng kiệt tác. Tiếp theo vào thời Phục Hưng, đã có các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng như của Michelangelo và nhiều điêu khắc gia tài ba khác.
Ngành điêu khắc ngày càng phát triển, nhờ thế sáng tạo ra nhiều tượng đài đặc biệt khắp thế giới. Bảo đảm trong nhà bạn thế nào cũng có chưng bày vài bức tượng nho nhỏ. Bạn đã từng chiêm ngắm tận mắt các bức tượng nổi tiếng này chưa? Thứ nhất là Tượng Nữ thần Tự do ở New York Hoa Kỳ, kế tới là tượng Chúa Cứu Thế ở Brazil, rồi tượng Thống Nhất tại Ấn Độ, được coi là tượng đài cao nhất thế giới hiện nay, với hình ảnh “Người đàn ông sắt” là ông Patel, thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ. Tượng Patel cao gần gấp đôi tượng nữ thần Tự do và gấp 6 lần tượng Chúa Cứu Thế. Khi đi Trung Quốc, người ta cũng không muốn bỏ qua việc tham quan ngôi đền có tượng Phật Mùa Xuân tại vùng núi Jiuhua. Tượng Đức Phật đứng trên tòa sen tuyệt đẹp này mới được xây dựng vào năm 2002 thôi. Ngoài ra nổi tiếng không kém là tượng đại nhân sư ở kim tự tháp Giza, Ai Cập. Đặc biệt bức tượng “Ali & Nino” làm bằng thép cao 8 mét tại Batumi, Georgia, là tượng của cặp nam nữ biết chuyển động tới gần và hôn nhau vào 7 giờ chiều mỗi ngày. Tượng được sáng tác dựa theo cuốn tiểu thuyết về người con trai đạo Hồi và cô công chúa với mối tình buồn không đoạn kết. Nói về tượng thì nhiều lắm, tượng lớn tượng nhỏ khắp nơi trên thế giới, đếm không xuể. Có tượng thật đẹp, có tượng thật lạ nếu không nói là quái dị, nhưng vẫn được chưng bày để chuyên chở một ý nghĩa, lời nhắn nhủ nào đó.
Tượng Thống Nhất – Patel – Ấn Độ

Miền Nam Việt Nam trước 1975 hầu như ai cũng biết đến điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, tác giả bức tượng “Thương Tiếc” đặt tại nghĩa trang Quân đội trên xa lộ Biên Hòa năm 1966. Cũng vì bức tượng ca ngợi người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa này, sau khi cưỡng chiếm miền Nam, cán bộ Việt Cộng đã hành hạ ông Thu đến nỗi ông bị điếc tai và biệt giam trong conex 8 tháng không thấy ánh mặt trời. Sau đó, chúng yêu cầu ông tạc tượng Hồ Chí Minh, ông giả vờ đồng ý nhưng tới ngày khai tượng mọi người thật kinh ngạc vì điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu không theo mẫu HCM mà tạc tượng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Khỏi cần nói ông Thu đã bị những trận đòn thù ghê gớm như thế nào trước khi bị kết án tử hình, nhưng mạng ông lớn nên cuối cùng đã được tha vào năm 1983.
Ở Việt Nam bây giờ mặc kệ người dân nghèo đói khổ sở thế nào, nhà nước vẫn luôn có những công trình tiền tỷ xây dựng tượng đài khắp nơi để có cơ hội kiếm tiền hối lộ, ăn chận và khoe khoang sự phồn vinh của chế độ Cộng Sản. Điều đáng nói là rất nhiều bức tượng không có phẩm chất, dùng vật liệu rẻ tiền trong khi giá xây dựng được liệt kê vào loại “khủng”, kể cả điêu khắc sai sót các chi tiết lịch sử hoặc văn hóa, thật đáng chán! Mới đây nhất tại Đà Lạt, thành phố của mộng mơ lại bị biến thành thô tục do việc chưng bày các bức tượng “quỷ” trong khu du lịch Quỷ Núi. Các bức tượng bê tông này có hình thù quái đản, phản cảm, đến nỗi sau khi bị khiển trách trung tâm đã phải “mặc khố” cho tượng để che đi phần nhạy cảm của con “quỷ đực” này!
Điều đáng nói là hiện nay tại các nước văn minh, tự do nhất thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Canada… lại có hiện tượng đập bỏ, phá hoại các bức tượng một cách căm thù, đầy bạo động. Nhóm Black Lives Matter (BLM) mới đầu chỉ biểu tình ôn hòa đòi chấm dứt kỳ thị người da đen, nhưng sau đó không hiểu do động cơ nào lại đi quá đà, dấy lên phong trào lật đổ những bức tượng của các nhân vật lịch sử, chiếm luôn vùng đất ở thủ phủ Seattle làm vùng tự trị CHOP (Capital Hill of Protestors). Họ cũng lợi dụng việc biểu tình để hôi của, cướp bóc, tàn phá thành phố, may mà cuối cùng khu CHOP này đã bị giải tán. Các cuộc biểu tình lan tràn hầu hết các nước trên thế giới như Úc, Đức, Republic of Ireland, Italy, Poland, Mexico, Syria…
Những bức tượng đầu tiên bị phá tại Hoa Kỳ là tượng của các lãnh đạo Liên minh miền Nam nước Mỹ trong cuộc nội chiến về chế độ nô lệ. Đại tướng Robert E. Lee, Jefferson Davis là mục tiêu bị nhắm đến đầu tiên. Sau đó là tượng Tổng thống Andrew Jackson. Tại Washington, những người biểu tình lật đổ đài tưởng niệm ông Albert Pike. Theo WUSA, dù Albert Pike là một vị tướng của Liên minh miền Nam, nhưng bức tượng của ông vốn được dựng lên để tôn vinh những năm tháng ông phục vụ với tư cách là một thành viên của Hội Freemason.
Tổng cộng hơn 200 bức tượng khắp nơi đã bị phá hủy. Các bức tượng lớn như tượng Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ là George Washington, tượng Tổng thống thứ 3 là ông Thomas Jefferson, tổng thống thứ 18 là Ulysses Grant rồi tượng tổng thống Theodore Roosevelt cũng bị giật sập, tạt sơn phá hủy, vì các vị tổng thống này có liên quan ít nhiều đến vấn đề nô lệ hoặc thổ dân da đỏ, dù chính tổng thống Grant đã thúc giục phê chuẩn cho người Mỹ gốc Phi có quyền bầu cử và tạo ra bộ Tư pháp liên bang để truy tố nhóm Ku Klux Klan sát hại người da đen. Nói cho đúng, tổng thống Grant có sở hữu nô lệ vì gia đình vợ đã nuôi nô lệ. Tuy nhiên, ông Grant đã trả tự do cho người nô lệ này khoảng một năm sau đó. Nhóm BLM cũng phá tượng đài Abraham Lincoln, dù chính vị tổng thống này đã bãi bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ. Thật không hiểu họ nghĩ sao khi phá tượng này. Tượng của Christopher Columbus – người được coi là tìm ra Châu Mỹ – ở vài nơi khác nhau như Baltimore, Virginia, Boston, Miami… cũng bị đập vì ông Columbus bị cho là có liên hệ tới việc đàn áp thổ dân da đỏ. Hình ảnh tượng Columbus bị đập cụt mất đầu là hình ảnh thật ghê rợn, đáng tiếc.
Việc giật sập tượng của các danh nhân này cho thấy những kẻ phá hoại đội lốt tranh đấu cho Bình Đẳng đã hành động quá đáng theo một ý đồ nào đó. Họ hô các khẩu hiệu: “Không có công lý thì không có hòa bình!” hoặc “Không để còn cảnh sát phân biệt chủng tộc!”.
Rõ ràng lâu nay ai cũng đồng ý với việc bãi bỏ chế độ buôn bán nô lệ. Hành động người da trắng sờ mó bắp thịt để xem người da đen này có khỏe không, có làm việc nặng được không rồi mới mua về làm “ô sin” là hình ảnh rất đau lòng. Nhưng đó là chuyện dĩ vãng đã chấm dứt từ lâu. Người da đỏ luôn thù hận giết người da trắng, lột da đầu chưng bày làm thành tích sao không được nhắc tới?
Sau các vị tiên phong trong lịch sử hình thành Hoa Kỳ, tượng của ông Francis Scott Key tại San Franciscos cũng bị kéo sập. Key là một luật sư, cũng là văn thi sĩ rất nổi tiếng nhờ đã viết lời cho bài quốc ca Mỹ “The Star-Spangled Banner”. Với tài năng và đóng góp cho nước Mỹ, chỉ với “tội” từng có nô lệ, có đáng bị đối xử như vậy không? Sau đó, họ cũng vận động để bỏ đi bài Quốc ca Hoa Kỳ vì ông Key là tác giả. Tượng Thống Ðốc đầu tiên của Texas là Sam Houston cũng bị kéo xuống.
Kế tới nhóm mang danh BLM cũng không bỏ qua, tiếp tục phá hủy các tượng của một vị Thánh trong đạo Công Giáo. Tại công viên ở San Francisco, Công viên Golden Gate và vài nhà thờ khác, các bức tượng Thánh Junipero Serra đã bị hủy hoại trong khoảng tháng 6, 2020. Linh mục Serra là một nhà truyền giáo nhiệt thành và quản trị khôn ngoan đã giảng đạo cho các thổ dân ở Mexico và California. Vào ngày 23 tháng 9 năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã duyệt hồ sơ để cha Serra trở thành vị đầu tiên được cử hành nghi lễ phong Thánh trên đất Hoa kỳ. Thế nhưng nhóm bạo động này không “care”, nếu có chút liên hệ tới da đỏ, da đen là họ nổi điên lên đập phá. Điều này làm tôi liên tưởng tới việc đấu tố địa chủ ở miền Bắc Việt Nam khoảng năm 1945. Không cần biết người chủ đất có tốt không, có giúp người nghèo không, theo chỉ thị của đảng Cộng Sản, cứ giết chết dã man tất cả người giàu có để lấy tài sản, dù có khi người đó chính là cha mẹ hay ân nhân của mình.
Tiếp theo việc phá tượng thánh Serra, nhóm đội lốt BLM tiếp tục phá hoại nhà thờ. Một nhà thờ tên là San Gabriel Mission đang chuẩn bị mừng 250 năm thành lập tại California đã bị phát cháy vào đầu tháng 7, 2020. Hai tượng Đức Mẹ ở Boston và New York City sau đó đã bị phá trong hai ngày liên tiếp. Giáo phận Brooklyn cũng bị xâm phạm khi tượng Đức Mẹ Maria tại trường học của nhà thờ Chính tòa và Chủng viện ở Queens bị một người lén viết chữ “IDOL- ngẫu tượng” dọc theo thân tượng. Một nhà thờ khác ở Florida cũng bị người lái xe đâm vào phóng hỏa dù đang có người trong nhà thờ cầu nguyện.
Chưa hết, bức tượng bà thánh Jeanne d’ Arc ở thành phố News Orleans, Louisiana cũng bị phá hoại với những dòng chữ viết “Giật sập xuống!”. Nhóm kích động này nghiên cứu rất cẩn thận, biết sử dụng đúng kỹ thuật, hóa chất, dây thừng để “deal” với những tượng đài này. Nếu kiên cố khó phá quá thì họ xịt sơn, bôi bẩn.
Kinh khủng hơn, Shaun King, 40 tuổi, được coi là thủ lãnh của nhóm bạo động còn kêu gọi phá cả tượng Chúa. Shaun viết: “Tôi nghĩ những bức tượng của người Âu châu da trắng mà họ tuyên bố là Chúa Giêsu cũng phải bị giật xuống. Họ là một hình thức của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng”.
Thậm chí cả tượng đài tưởng niệm những người lính Mỹ trong Thế Chiến thứ hai – những chiến sĩ giúp đánh bại chủ nghĩa Phát-xít cũng không được đứng yên. Tượng đài Manuel de Cervantes, một nhà văn Tây Ban Nha vốn bị đối xử như nô lệ trong 5 năm cũng bị đập phá. Manuel là tác giả của tác phẩm cổ điển “Truyện Don Quixote”, có lẽ nhóm ủng hộ BLM này không hiểu rõ lịch sử, khi thấy tượng đài tạc hình có 2 người quỳ trước mặt ông thì gán ngay rằng Manuel là người ác! Nhóm phá hoại cũng lầm lẫn khi phá tượng đài của Frederick Douglass tại công viên Maplewood thành phố Rochester, tiểu bang New York. Douglass bản thân chính là  một cựu nô lệ và là nhà lãnh đạo của phong trào bãi bỏ chế độ nô lệ, thế mà tượng cũng bị đập phá. Liên tục với chuỗi dài phá hoại, tượng đài tưởng niệm những người lính da đen chiến đấu chống lại Liên minh miền Nam và nhiều tượng đài khác cũng bị đập phá, không kể tới lịch sử, ý nghĩa.
Ai cũng hiểu tâm trạng của người bị coi thường, kỳ thị nhưng không thể lấy lý do chủng tộc để ngụy biện cho bạo lực, cướp phá. Sách văn hóa, cờ tổ quốc, các tác phẩm nghệ thuật, quốc ca, các công trình kiến trúc là tài sản của quốc gia dân tộc, cần được bảo vệ khỏi bàn tay của nhóm bạo loạn.
Để giữ an toàn cho một trong những bức tượng, linh mục Stephen Schumacher thuộc Tổng giáo phận St. Louis, vào thứ Bẩy 27 tháng 6, 2020, đã can đảm đứng lên bảo vệ bức tượng thánh Louis trong cuộc biểu tình dữ dội của người da đen và những kẻ lợi dụng người da đen cho các mưu đồ của họ, nhờ thế bức tượng được lành lặn cho tới khi cảnh sát tới. Họ đòi đổi cả tên của thành phố St. Louis. Thánh Louis là vua của Pháp từ năm 1226 đến năm 1270, được phong thánh năm 1297 vì có nhiều công đức nhưng bị gán cho là chống Do Thái Giáo và Hồi Giáo.
Không chỉ phá tượng, nhóm lợi dụng BLM bắt ép một phụ nữ da trắng phải quỳ trên đường phố Seattle xin lỗi người da đen chỉ vì khác mầu da. Ngày 2 tháng 6, 2020 bà Thị trưởng thành phố Fremont, California là Lily Mei, bị đám đông yêu cầu quỳ xuống. Nhưng bà Thị trưởng gốc Hoa này đã cương quyết từ chối trả lời: “Tôi chỉ quỳ trước Chúa khi cầu nguyện”. Thật đáng khen cho sự can đảm của người phụ nữ này. Ngược lại để lấy lòng cử tri da đen, bà Nancy Pelosi đảng Dân Chủ với tư cách chủ tịch Quốc Hội đã ra lệnh hạ nhiều bức chân dung của các vị tiền nhiệm, liên quan đến giai đoạn lịch sử kỳ thị mầu da xuống. Bà cũng không ngần ngại quỳ gối trong ngày đám tang của ông Floyd trong mục đích chính trị.
Thật ngạc nhiên khi các bức tượng của ông Mohandas Gandhi ở công viên trung tâm New York và một số nơi khác cũng không được toàn vẹn, bị phá tại chỗ hoặc sau đó bị ký thỉnh nguyện thư yêu cầu chính quyền địa phương tháo gỡ. Gandhi là một anh hùng của dân tộc Ấn Độ, chủ trương đấu tranh bất bạo động, nhưng bị “tố” là có những phát biểu mang tính chất kỳ thị.
Những người chủ trương đập phá này nên hiểu với lịch sử, không phe nhóm nào có thể thay đổi. Dù các bức tượng có bị đập đi nhưng sự thật và lý lẽ vẫn còn đó. Có thể những nhân vật được tạc tượng này không hoàn toàn tốt lành trước mọi cái nhìn, quan niệm khác nhau, nhưng đập phá và những mưu mô chính trị đằng sau những việc này sẽ đưa Hoa Kỳ và thế giới đi về đâu? “Black Lives Matter”, sinh mạng người da đen là vấn đề, thế thì sinh mạng người da trắng, da nâu, da vàng có đáng kể không? Việc đập phá hằng loạt có tổ chức có là vấn đề không? Một số cảnh sát lạm quyền, kỳ thị, không cẩn trọng khi bắn người, nhưng đa số đã phục vụ tốt, bảo vệ người dân khỏi cướp bóc, tai nạn, có “bắn bỏ” hết ngành cảnh sát được không? Có “vơ đũa cả nắm” để “defund” cắt giảm hết ngân sách cho ngành này khỏi làm việc không? Một người Canada bạn tôi lý luận: Người da đen bị kỳ thị xưa nay, họ biểu tình ôn hòa nhiều lần mà không ai quan tâm, do đó lần này họ làm dữ là đúng, là biết nắm thời cơ để đổi đời, đổi thế giới. Bạn nghĩ sao? Như thế quả là chúng ta cần phải “lên tiếng đừng im tiếng” để tranh đấu cho quyền lợi mình, hiền sẽ bị ăn hiếp!
Từ khi vượt biển trốn Việt Cộng, được sống ở Mỹ rồi Canada gần 40 năm nay, tôi thấy việc kỳ thị, có định kiến về một sắc dân nào đó trong thực tế luôn xảy ra – chính tôi cũng có – nhưng nhìn chung các xứ sở Tây Phương này ít bất công, đem cơ hội đến những ai muốn vươn lên rất nhiều. Các thành tích của những người thiểu số, da màu luôn được đề cao, các phát minh khoa học, các chương trình TV, phim ảnh đều có những người da đen được yêu chuộng. Đất nước Hoa Kỳ đã từng có Tổng thống da màu Obama, có Bộ trưởng Tư pháp, cố vấn An ninh Quốc gia, bộ trưởng Ngoại giao, tướng tá, cầu thủ các đội bóng nổi tiếng, danh ca hàng đầu thế giới không phải da trắng…. Nếu có tài, không khó để tiến thân và thành công tại Âu Mỹ này.
Tôi xin nhắc đến một chuyện cũng rất ý nghĩa xảy ra vào 1/12/1955, khi bà Rosa McCauley Parks tranh đấu thành công để mọi người có chỗ ngồi bình đẳng trên xe buýt. Số là tại Montgomery tiểu bang Alabama, trước 1955 người da mầu chỉ được ngồi ở phần cuối xe buýt. Lên án việc bất công, nhưng bà Rosa không đòi lập ra một khu vực ưu tiên cho người da đen, mà tất cả đều bình đẳng theo thứ tự ai đến trước ngồi trước.
Việc phá tượng cũng đã lây lan sang các nước khác ngoài Hoa Kỳ, như tại Vancouver, Canada sáng ngày 11 tháng 6, 2020, bức tượng của Đại úy George Vancouver, một nhà thám hiểm người Anh cũng đã bị phủ đầy sơn. Di tích của những nhân vật từng được tôn vinh, bây giờ bị coi là biểu tượng của phân biệt chủng tộc, thực dân, chiếm đất… Các đại diện thành phố đã phải đem một số tượng đi chưng bày ở viện bảo tàng, cất dấu do áp lực của công chúng, tránh bị hủy hoại.
Cũng tại Ontario Canada, con đường lớn Dundas đang bị một số cư dân ký thỉnh nguyện thư đòi đổi tên. Đường Dundas chạy dài từ Toronto qua Mississauga, sang nhiều thành phố nhỏ ở miền nam Ontario và xuyên suốt đến London. Quảng trường với tên Yonge Dundas ở ngay trung tâm Toronto rất nổi tiếng. Ở thành phố Hamilton, cũng có một cộng đồng mang tên Dundas. Henry Dundas là một nhân vật chính trị lớn từ Scotland trong thế kỷ 19. Ông là Đô đốc Hải Quân Anh Quốc, nhưng ông Henry bị thành tích đã ngăn chặn việc bãi bỏ chế độ nô lệ của Anh. Tại Edinburgh, Scotland, người ta cũng đòi đập bỏ tượng đài của ông.
Thị trưởng Toronto là ông John Tory, thị trưởng North Dundas Township là ông Tony Frase, và thị trưởng của South Dundas là ông Steven Byvelds đang xem xét kỹ lưỡng việc đổi tên này, không biết rồi đây kết quả sẽ ra sao. Đổi tên như thế rất tốn kém và phức tạp, từng căn nhà trên con đường này phải đổi địa chỉ, các bản đồ phải được làm lại, các tấm bảng chỉ đường trên con lộ phải làm lại với bảng tên mới, các công văn, giấy tờ liên hệ phải chỉnh sửa. Bạn sẽ phải đi làm lại bằng lái xe, các giấy tờ bảo hiểm nhà, xe cũng phải thay thế bằng địa chỉ với tên đường mới…. Nhân thể tôi xin thêm một tí về ông Thị trưởng John Tory. Chúng tôi có duyên may giúp ông trong 2 lần tranh cử Thị trưởng Toronto, sau khi đắc cử ông đã giúp cộng đồng Việt Nam rất nhiều.
Trên đây là ảnh huởng của BLM tại Canada qua việc đổi tên và phá tượng, chưa kể tới các cuộc biểu tình khắp nơi, người ta xuống đường đông đảo không sợ lây bệnh từ vi trùng Covid Vũ Hán.
Sang qua tới Hautmont nước Pháp, thì bức tượng của cố Tổng thống Pháp Charles de Gaulle cũng bị phá hoại bằng sơn. Charles De Gaulle là anh hùng vì đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống phát-xít Đức. Riêng chế độ nô lệ đã được xóa bỏ tại Pháp vào năm 1848.
Ở Đức thì ngay tại bức tường thành Bá Linh còn sót lại, người ta đã vẽ lên tấm hình của George Floyd thật to. Cũng có người với máu khôi hài viết lên “Kinh cầu Thánh Floyd” cách diễu cợt, tôi thật không dám bình luận về các vấn đề này.
Việc kéo sập tượng cũng lan sang nước Anh. Sau khi tượng Edward Colston ở Bristol bị ném xuống hải cảng, các nhóm vận động tại Anh đang đòi Đại học Oxford phải tháo tượng Cecil Rhodes xuống vì ông Rhodes bị lên án là không giải quyết nạn phân biệt chủng tộc. Còn lý do hủy tượng Colston là vì ông có doanh nghiệp vận chuyển 80 ngàn người da đen từ châu Phi sang châu Mỹ làm nô lệ, mặc dù khi qua đời năm 1721, Colston để lại tài sản to lớn cho các tổ chức từ thiện. Cũng tại Anh, sau khi người biểu tình bôi bẩn và viết dòng chữ “Phân biệt chủng tộc” lên tượng đài của Thủ tướng Winston Churchill, đương kim Thủ tướng Anh là ông Boris Johnson đã kêu gọi người dân không nên bóp méo lịch sử. Ông nói cựu thủ tướng Winston Churchill là anh hùng dân tộc, đừng sử dụng làn sóng chống phân biệt chủng tộc toàn cầu như một cái cớ để tấn công cảnh sát, gây ra bạo lực và làm thiệt hại tài sản quốc gia. Nhiều nhà sử học cũng cho rằng loại bỏ đài tưởng niệm sẽ không xóa bỏ được lịch sử, ngược lại đây là hành động phá hoại nghiêm trọng các công trình văn hóa. Người dân không thể xây dựng tương lai trong hỗn loạn. Thay vì phá bỏ các biểu tượng này, mà bảo vệ chúng thì sẽ giúp thế hệ sau hiểu thêm rồi rút ra bài học từ lịch sử để tránh đi vào vết xe đổ đó.
Cũng nên nhắc tới việc các pho tượng ở Afghanistan đã từng bị Taliban đập phá khi họ cướp được chính quyền ở Afghanistan năm 1996. Quân Taliban cho phá hủy những bức tượng cổ, trong đó có cả bức tượng Phật cao nhất nhì thế giới vì bị coi là biểu tượng của tà giáo. Hiện Bảo tàng Quốc gia tại Kabul đang nỗ lực phục hồi các bức tượng từ hàng ngàn mảnh vỡ.
“Gone With The Wind” là cuốn phim rất hay dựa theo cuốn tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” nổi tiếng của Margaret Mitchell cũng bị lấy xuống, không dám để người dân tiếp tục xem vì câu chuyện xảy ra vào thời nô lệ da đen.
Ngoài hành động phá tượng, việc đổi tên các địa danh, cơ sở sinh hoạt cũng đang được dấy lên mạnh mẽ. Nicholls State University đã quyết định đổi tên hai tòa nhà mang tên Beauregard Hall và Leonidas Polk Hall vì có liên hệ tới cuộc nội chiến Mỹ. Trường đại học University of Liverpool cũng đã tuyên bố theo yêu cầu của người dân, họ sẽ đổi tên khu nhà mang tên cựu thủ tướng William Gladstone, vì ông có cái nhìn xấu về nô lệ. London Metropolitan University Cass Business School và Lewis Cass Building ở Michigan cũng phải bỏ tên John Cass đi. Trường University College London cũng đổi tên hai hí viện và building mang tên Francis Galton và Karl Pearson. Đại học Wilson College Princeton cũng không dám tiếp tục dùng tên Wilson. Đại học Yale nổi tiếng cũng bị kêu gọi cải họ đổi tên vì Elihu Yale cũng là một người “slave trader”. Tuy nhiên tính tới 30 tháng 6, 2020, trường Yale vẫn giữ vững lập trường không nhượng bộ chịu đổi tên.
Trường trung học Fullerton Joint Union High School ngay tại Cali, nơi có nhiều em học sinh gốc Việt cũng bỏ tên Plummer ra khỏi khán phòng auditorium của trường. Plummer bị cho là một trong các thủ lãnh của Ku Klux Klan giết hại người da đen, dù ông có công đóng góp xây dựng ngôi trường này.
Fairfax County School cũng đổi tên trường “Lee High School” vì không dám nhắc tới ông tướng miền Nam này. Cùng lý do, University of Cincinnati cũng đổi tên vận động trường và thư viện Marge Schott.
Hết trường học thì tới công viên. Columbus Park ở New Jersey và New York cũng bị áp lực để dùng tên gọi khác sau khi bức tượng của Columbus bị đem ra khỏi công viên đi tị nạn ở chỗ khác.
Các đại học Oregon cũng ngưng không dám gọi các cuộc tranh tài thể thao đôi bên là “Civil War-Nội chiến” nữa.
Sang tới tên các con đường, thì có góc đường mang tên Sir John Hawkins Square cũng phải xóa bỏ, cũng chỉ vì lý do John Hawkins có liên hệ với nô lệ. Thế nhưng chẳng mang tên các nhân vật có dính líu tới gì tới nô lệ, mà thị trưởng Muriel Bowser cũng đổi tên góc đường trước tòa Bạch Ốc từ 16th Street Northwest thành Black Lives Matter Plaza Northwest. Broad Street ở Maryland cũng được đổi tên thành Black Lives Matter Boulevard, dù cái tên cũ “Broad” chẳng có vấn đề “nhạy cảm” nào cả. Để ghi nhớ ngày Juneteenth của người da màu, công viên Livingston ở Albany New York cũng được đổi tên thành công viên Black Lives Matter.
Tiếp theo để vinh danh người da đen thành đạt, khu vực mang tên Independence Square ở Washington DC đã được đổi tên thành Mary Jackson NASA Headquarters, vì Mary là người phụ nữ da màu đầu tiên làm kỹ sư cho NASA. Biết ơn, tôn trọng người có nỗ lực để thành đạt là điều nên làm, nhưng đặc biệt lưu ý tới màu da, vì sợ mà tôn vinh người da đen hơn thì nên đặt câu hỏi lại về việc kỳ thị chủng tộc. Như vậy thì thật sự ai đang kỳ thị ai?
Nếu bạn hay đi California, chắc đã từng đáp xuống phi trường Santa Ana tên là John Wayne Airport. John Wayne đã sinh sống ngay tại Cali và là tài tử đóng phim nổi tiếng, tuy nhiên ông lại có lời phát biểu khoảng 50 năm trước đây với ý ủng hộ da trắng là thượng đẳng, do đó tượng của ông bị yêu cầu bỏ đi và tên phi trường phải đổi lại tên cũ là Orange County Airport. Con trai và gia đình của John Wayne đã lên tiếng cải chánh, đồng thời nêu lên thành quả tốt đẹp của cơ quan từ thiện John Wayne Cancer Foundation. Phi trường McCarran International Airport ở Las Vegas cũng đồng số phận, vì Sen. Patrick McCarran cũng bị liệt vào loại có “thành tích”.
Không những tên đường, tên trường, tên công viên, các tòa building, mà tên nhà hàng cũng bị đổi để tránh búa rìu qua hiện tượng BLM. Nhà hàng Bully Hayes ở New Zealand cũng phải thay tên vì Bully Hayes liên hệ tới “blackbirding” bắt ép công nhân, người làm việc với giá lương thấp. Tương tự khách sạn Captain Cook, tòa nhà Colston Tower ở New Zealand và Buchanan Wharf ở United Kingdom, Scotland cũng phải đổi tên. USCGC Taney (WHEC-37) ở Pearl Harbor, Baltimore cũng có danh xưng khác vì Taney lại có thành tích kỳ thị. Tillman Hall ở South Carolina cũng cùng số phận vì Ben Tillman là người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.
Rồi tới ban nhạc nổi tiếng Dixie Chicks ở Texas cũng phải tìm tên mới vì chữ “Dixie” cũng có liên quan tới nô lệ qua “Mason–Dixon line”. Tiếp theo là các sản phẩm như bột làm bánh pancake, syrup mang tên Aunt Jemima với hình ảnh một phụ nữ nô lệ da đen làm bếp cũng bị bỏ đi. Hãng Pepsi là chủ của hệ thống làm thức ăn sáng Aunt Jemima này sẽ tốn hàng triệu mỹ kim để thay đổi hình ảnh, tên gọi  trên các sản phẩm của mình. Riêng với tôi, dì Jemima khéo tay làm bánh ngon, giỏi việc nội trợ là hình ảnh đáng được tiếp tục lưu giữ, vinh danh chứ sao phải tốn tiền để xóa bỏ. Rõ ràng quan niệm, góc nhìn của mọi người đều khác nhau, và các khía cạnh cuộc đời luôn thay đổi không có gì là vững bền luôn mãi được. Về ẩm thực, tiếp tới tên của một loại bánh là Eskimo Pie, hoặc loại kem cây Eskimo Bar cũng phải thay tên đổi họ vì bị cho là mang tính chất kỳ thị thổ dân Eskimo.
Tên của một loại marshmallow bên ngoài bọc chocolate ngọt ngào, hoặc loại bánh tea-cake theo tiếng Colombia gọi là “Beso de negra”- nghĩa là cái hôn của người đàn bà da đen, cũng phải tới ngày phải khai tử, cần khai sinh ra một cái tên khác. Redskins – đội football ở Washington và Chicos ở Úc Châu lấy theo tên của Native Americans và Latin Americans, cũng bị coi là có vấn đề. Kem đánh răng Darlie mà chi nhánh sản xuất rất lớn ở Hong Kong cũng bị ảnh hưởng. Điều này làm tôi nhớ trước 1975 ở Việt Nam cũng có kem đánh răng hiệu anh Bảy Chà Hynos, tươi cười với hàm răng thật trắng. Nếu hãng này vẫn còn tới nay thì bảo đảm qua cao trào BLM này sẽ bị thay tên đổi hình ngay lập tức. Đến nỗi chi nhánh làm mỹ phẩm Fair & Lovely tại India thường quảng cáo làm trắng da cũng cũng phải xem lại ngôn từ của mình. Ấy chết, nếu thế đặt tên con là Bạch Lan, Bạch Tuyết, Bạch Phụng… không biết có bị điều tiếng gì không!
Ảnh hưởng lây lan mạnh sang khắp nơi, bà con xứ Uganda cũng ký thỉnh nguyện thư bỏ tên đường và tượng của Kampala. Xa xôi tại East-Central Africa, người ở đây cũng theo nhóm “cách mạng” đòi đổi tên đường Zubeir Pasha vì Al-Zubeir cũng bị liệt vào nhóm buôn bán nô lệ.
Còn khá nhiều cơ sở, tên gọi đang nằm trong danh sách cần phải thay đổi ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Tính ra phong trào BLM đang thắng thế và các bức tượng đang bị đe dọa trầm trọng. Để nguyên cho những hình tượng này tồn tại hay gỡ bỏ chúng xuống đều có các suy tư, cách giải thích khác nhau. Cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn và câu hỏi là từng người trong chúng ta nên nghĩ sao, phải làm gì để góp phần xây dựng, giảm bớt sự chia rẽ, căng thẳng trong lúc này. Cái gì cũng có nguyên nhân sâu xa, cần kiên nhẫn tìm hiểu để thông cảm. Gia đình chị tôi phải đưa ra “đạo luật” là trong bữa cơm gia đình không được bàn về Tổng thống Trump hoặc BLM, vì nói tới là mẹ con anh chị em gây lộn ăn mất ngon. Ngoài giờ cơm chung thì được vì ai cũng có quyền phát biểu, chia sẻ các góc cạnh suy nghĩ khác nhau, giúp nhau tìm hiểu xem cái nào là tin thật, cái nào là tin giả “fake news”.
Nãy giờ nói chuyện về tượng nhưng toàn chuyện buồn, tôi xin tạm kết với niềm vui về một bức tượng vừa được cộng đồng Việt Nam chung sức chung lòng xây dựng xong. Đó là tượng đài Thuyền Nhân ở Mississauga, Canada. Tượng này do họa sĩ kiêm điêu khắc gia Vivi sáng tác. Tượng đánh dấu sự trưởng thành và lòng tri ân của người Việt Tị Nạn tại Canada. Hình ảnh gia đình 3 người đang lênh đênh trên chiếc tàu vượt biên trốn Cộng Sản tạc bằng đồng, sẽ là dấu ấn cho con cháu về sau biết được sự gian truân, cố gắng của cha ông mình, từ đó sẽ tìm hiểu để yêu mến cội nguồn hơn.
Như vậy, đập đổ, phá hoại các bức tượng có là vấn đề không? Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số nhân vật trong chính quyền các nước đã lên tiếng mạnh mẽ, cho rằng việc phá hoại các tượng đài là hành động phủ nhận lịch sử dân tộc và xúc phạm tới các vị đã có công đóng góp cho đời sống. Cũng xin mở ngoặc một chi tiết khá thú vị là Tổng thống Pháp và Tổng thống Mỹ lại có thêm một điểm tương đồng. Vợ chồng họ cách nhau tới 2 con giáp. Ông Trump có vợ trẻ hơn mình 24 tuổi, ông Macron trẻ hơn vợ mình 24 tuổi, chứng tỏ tình yêu của hai cặp vợ chồng quyền lực trên thế giới này không hề có việc phân biệt tuổi tác.
Riêng cá nhân tôi đồng ý rằng việc phá bỏ các bức tượng lịch sử sẽ khiến thế hệ tương lai mất đi cơ hội hiểu thêm về tổ tiên, nguồn gốc trong quá khứ, làm phương hại tài sản quốc gia. Những cảnh sát hoặc bất cứ nhân viên nào làm việc tắc trách, lạm dụng quyền lực cần bị xét xử, khiển trách để phục vụ tốt hơn. Các cảnh sát viên cần được huấn luyện lại kỹ lưỡng, có tình có lý hơn. Người dân dù da màu gì, gốc gác ở đâu cũng cần được đối xử bình đẳng, nhưng “enough is enough”, không thể vì lợi dụng sai lỗi của Chauvin lúc này mà nhóm BLM muốn làm gì thì làm, muốn đập gì thì đập. Cuộc bạo loạn “Rodney King” năm 1992 tại Los Angles đã làm tổn thất trên 1 tỷ dollars Mỹ. Lần này tổn thất sẽ còn nhiều hơn nữa, cộng thêm chi phí để đổi tên trường, tên đường… Do vi trùng Vũ Hán, do sợ hãi bất an, tỉ lệ người thất nghiệp và các cảnh sát, thầy cô giáo nghỉ hưu sớm lên cao chưa từng có, như vậy tiền đâu để bù đắp vào thâm thủng quốc gia. Đó là chưa nói tới thiệt hại về tinh thần, ai cũng lo lắng, hoang mang chia rẽ, chán nản xuống tinh thần….
Bản thân tôi da vàng mũi tẹt cũng từng bị kỳ thị khi đi học ở Mỹ và làm việc ở Canada, nhưng nói chung đa số bạn bè da trắng da đen đều đối xử tốt với chúng tôi. Xin tạ ơn về điều này. Tôi cũng có mấy người bạn làm tới chức giám đốc rất dễ thương người da đen. Mấy đứa cháu họ lấy chồng gốc châu Phi mà rất hạnh phúc khi người chồng ấy thật tài giỏi hiền hòa.
Nếu bị đối xử tệ, phải lên tiếng đòi công bình nhưng cũng nên hỏi lại mình đã làm gì để ra nông nỗi đó. Khi đi ăn nhà hàng Buffet, thấy có các bảng dán bằng tiếng Việt “Đừng lấy nhiều thức ăn quá rồi bỏ phí” hoặc bảng “Coi chừng móc túi” ở các nơi công cộng tôi rất xấu hổ, nhưng phải tự hỏi người Việt mình đã hành xử ra sao để bị đối xử như vậy. Chúng tôi có anh bạn thân làm bác sĩ gây mê, có nhiều y tá nhân viên dưới quyền. Anh bắt nhân viên phải phát âm chính xác tên anh theo tiếng Việt rồi mới trả lời. Họ nể anh nên uốn lưỡi gọi tên anh đúng chóc! Hãy giỏi, hãy tự trọng, hãy đàng hoàng tạo uy tín cho mình để không bị người khác coi thường, khinh bỉ. Hãy là hình tượng đẹp trong lòng con cháu, người chung quanh.
Trong mùa đại dịch Covid lan tràn, cộng thêm những lùm xùm về BLM với nhiều tiếng súng nổ, bạo lực, nghi ngờ chụp mũ, kiện tụng tranh cãi xảy ra khắp nơi, chúc bạn và gia đình vui khỏe, được đối xử thật tốt. Và ước mong sao các đảng phái, phe nhóm khắp nơi bỏ qua các bất đồng chia rẽ, để cùng nhau đóng góp chống dịch và làm cuộc sống được ngày càng dễ dàng, ý nghĩa hơn.
Nguyễn Ngọc Duy Hân